Tin khắp nơi – 21/09/2019
Saturday, September 21, 2019
7:03:00 PM
//
Slider
,
Tin Khắp nơi
Hoa Kỳ sẽ điều lính tới Ả rập Saudi
Hoa Kỳ công bố kế hoạch đưa quân tới Ả Rập Saudi ngay sau các cuộc tấn công vào những cơ sở dầu mỏ của nước này.Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nói với các phóng viên rằng việc triển khai “có bản chất phòng thủ”. Tổng số binh lính chưa được quyết định.
Phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tại Yemen tuyên bố họ đứng sau các cuộc tấn công vào hai cơ sở dầu mỏ tại Ả Rập Saudivào tuần trước.
Tuy nhiên Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi đều đổ lỗi cho chính Iran.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Trump tuyên bố các lệnh trừng phạt mới đối với Iran trong khi tỏ ý ông muốn tránh xung đột quân sự.
Các lệnh trừng phạt mới, mà ông Trump mô tả là “mức cao nhất”, sẽ tập trung vào ngân hàng trung ương của Iran và quỹ tài sản nhà nước của nước này.
Nhưng vào thứ Bảy, Tướng Hossein Salami, Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nói rằng nước này sẽ tìm cách “tiêu diệt” bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã yêu cầu trợ giúp, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper nói.
Ông cho biết lực lượng Hoa Kỳ sẽ tập trung vào việc tăng cường phòng thủ tên lửa và không quân và sẽ “đẩy nhanh việc cung cấp thiết bị quân sự” cho cả hai nước này.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford gọi việc triển khai là “vừa phải” và cho biết sẽ không nằm trong số lượng hàng ngàn lính. Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về loại lực lượng sẽ được điều động.
Theo tờ New York Times, khi các phóng viên hỏi ông Esper rằng các cuộc tấn công quân sự vào Iran có còn được tính tới hay không, bộ trưởng quốc phòng trả lời: “Đó không phải là tình thế vào lúc này”.
Giá dầu tăng mạnh sau hai cuộc tấn công vào các cơ sở của Ả Rập Saudi vào hôm thứ Bảy.
Vụ tấn công bằng drone đánh vào một cơ sở chế biến dầu mỏ lớn nhất thế giới cũng như một mỏ dầu gần đó, do công ty năng lượng Aramco vận hành.
Sản lượng dầu của cả hai cơ sở này chiếm khoảng 50% sản lượng dầu của Ả Rập Saudi, tương đương 5% sản lượng dầu toàn cầu hàng ngày.
Người ta cho rằng có thể mất vài tuần trước khi các cơ sở có thể hoạt động trở lại hoàn toàn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49781960
Mỹ điều binh sĩ tới Ả-rập Saudi củng cố phòng thủ
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu chấp thuận điều binh sĩ Mỹ đi để tăng cường hệ thống phòng thủ phi đạn và phòng không của Ả-rập Saudi sau vụ tấn công lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào các cơ sở dầu của vương quốc này mà Washington đã thẳng thừng quy trách Iran.Lầu Năm Góc cho biết một số lượng binh sĩ vừa phải – không phải hàng ngàn người – sẽ được triển khai và làm nhiệm phòng thủ là chính. Lầu Năm Góc cũng nêu chi tiết kế hoạch đẩy nhanh việc cung cấp thiết bị quân sự cho cả Ả-rập Saudi và Liên hiệp Các Tiểu vương quốc Ả-rập (UAE).
Thông báo vào cuối ngày thứ Sáu của Lầu Năm Góc dường như khép lại khả năng sẽ có một quyết định tấn công trả đũa Iran sau vụ tấn công mà đã khiến các thị trường toàn cầu hoảng hốt và phơi bày ra những lỗ hổng lớn trong hệ thống phòng không của Ả-rập Saudi, theo Reuters.
Ông Trump trước đó trong ngày thứ Sáu nói rằng ông tin là sự kiềm chế của ông về mặt quân sự tới nay đã cho thấy “sức mạnh,” trong khi thay vào đó ông đã áp đặt một đợt chế tài kinh tế khác nhắm vào Tehran.
Nhưng việc triển khai binh sĩ có thể khiến Iran hung hăng hơn. Nước này phủ nhận trách nhiệm về vụ tấn công Ả-rập Saudi.
Phong trào Houthi ở Yemen có liên kết với Iran, vốn đang chiến đấu chống lại một liên minh quân sự do Saudi dẫn đầu bao gồm UAE, đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi nhanh chóng kể từ khi ông Trump rút khỏi hiệp ước hạt nhân với Iran vào năm ngoái và áp đặt chế tài lên dầu mỏ xuất khẩu của nước này.
Suốt nhiều tháng, các quan chức Iran đã đưa ra những lời đe dọa kín đáo, nói rằng nếu Tehran bị cấm xuất khẩu dầu thì các nước khác cũng sẽ không thể xuất khẩu được dầu.
Tuy nhiên, Iran phủ nhận bất cứ vai trò nào trong một loạt những vụ tấn công trong những tháng gần đây, bao gồm các vụ đánh bom tàu chở dầu ở Vùng Vịnh và các vụ tấn công mà người Houthi tuyên bố trách nhiệm.
https://www.voatiengviet.com/a/my-dieu-binh-si-toi-arap-saudi-cung-co-phong-thu/5093213.html
Trump loan báo thêm biện pháp chế tài Iran
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/9 loan báo vòng chế tài mới nhắm vào ngân hàng quốc gia của Iran.“Tôi nghĩ các biện pháp chế tài có hiệu quả,” ông Trump nhận xét trong cuộc họp báo chung tại Tòa Bạch Ốc với Thủ tướng Australia, Scott Morrison.
Đợt chế tài này được đưa ra sau các cuộc tấn công cuối tuần trước tại các cơ sở dầu của Ả rập Xê út mà giới chức Mỹ nói là do Iran thực hiện. Tehran bác cáo buộc này.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho hay ông không có kế hoạch đáp trả quân sự đối với các vụ tấn công vừa kể.
Lệnh trừng phạt được đưa ra trong lúc chính quyền Trump đang cân nhắc các biện pháp với Iran, bao gồm các hành động làm suy yếu hơn nữa kinh tế Iran và điều thêm binh sĩ Mỹ tới khu vực Trung Đông.
Trước đây, Mỹ đã ban hành các biện pháp chế tài sâu rộng lên Iran vì chương trình hạt nhân của nước này.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 20/9 cho hay đợt chế tài mới lần này được áp dụng là do ngân hàng trung ương Iran dính líu tới hoạt động ‘khủng bố’ khi cung cấp hàng tỷ đô la cho lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran và lực lượng Hezbollah.
Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, một mực nói rằng không có thương lượng giữa ông với ông Trump cho tới khi nào Hoa Kỳ đồng ý dỡ bỏ chế tài cho Iran.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-loan-b%C3%A1o-th%C3%AAm-bi%E1%BB%87n-ph%C3%A1p-ch%E1%BA%BF-t%C3%A0i-iran-/5092602.html
Tổng thống Mỹ khuyên TQ nên sớm thỏa thuận
Kịch bản sẽ tồi tệ hơn nếu Trung Quốc không đồng ý chấp nhận thỏa thuận với ông Trump.Tổng thống Mỹ ngày 17/9 (giờ địa phương) đã gửi lời nhắn tới Trung Quốc: “Họ muốn có một thỏa thuận với người khác”. .
Tổng thống Mỹ cho biết, ông đã nói với Trung Quốc về một thỏa thuận có được sau bầu cử Mỹ vào ngày 3/11/2020, thì đó sẽ là điều tồi tệ hơn cho Bắc Kinh.
“Tôi nghĩ sẽ sớm có một thỏa thuận, có thể trước cuộc bầu cử, hoặc một ngày sau cuộc bầu cử. Và nếu đạt được thỏa thuận sau bầu cử, đó sẽ là thỏa thuận mà bạn chưa từng thấy bao giờ, đó sẽ là thỏa thuận tồi tệ với Trung Quốc hơn là một thỏa thuận ngay vào lúc này” – ông Trump nói.
Tuyên bố nhắn nhủ tới Trung Quốc của Tổng thống Mỹ đưa ra chỉ 2 ngày trước khi vòng đàm phán tại Washington diễn ra.
Truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 17/9 cho biết Thứ trưởng Bộ Tài chính nước này Liao Min sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp thứ trưởng tới Washington vào ngày 19/9 để thảo luận các vấn đề thương mại và kinh tế. Theo CCTV, chuyến đi này của các quan chức Trung Quốc diễn ra theo lời mời của Mỹ. Thực tế đây là vòng đàm phán qua lại tiếp theo sau cuộc đàm phán trước đó ở Thượng Hải đã không ghi nhận các dấu hiệu tích cực.
Đây là cuộc gặp “tiền trạm” cho vòng đàm phán cấp cao dự kiến diễn ra ở Washington vào đầu tháng 10. Vòng đàm phán cấp cao thứ 13 sẽ có sự tham gia của Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 17/9 dù cho rằng ông Trump đã đúng khi thách thức các hành động thương mại của Trung Quốc nhưng lại chỉ trích cách tiếp cận của ông mở cửa cho Trung Quốc làm tổn thương nông dân và người tiêu dùng Mỹ.
“Tôi nghĩ chúng ta nên xử lý việc này một cách đa phương, cùng với Liên minh châu Âu và cả phần còn lại của thế giới. Dù ông ấy có chọn con đường nào để cải thiện một quan hệ thương mại thì cũng đừng tạo điều kiện cho bên kia làm tổn thương nông dân và người tiêu dùng của mình” – Reuters dẫn lời bà Pelosi cho biết.
Khả năng Bắc Kinh chờ đợi một thỏa thuận thương mại với Tổng thống Mỹ không phải ông Donald Trump đã được dự đoán lâu nay. Tuy nhiên, liệu quyết định chờ đợi đó có mang lại lợi ích thực sự cho Trung Quốc?
Các ứng viên Tổng thống Mỹ chạy đua chiếc ghế vào Nhà Trắng năm 2020 thuộc Đảng Dân chủ dù chỉ trích cách ông Trump xử lý cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nhưng không ai cam đoan sẽ nhanh chóng bãi bỏ những hàng rào thuế quan ông Trump đã tung ra nhằm vào các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Một số người còn ngụ ý sẽ giữ nguyên chính sách thuế này.
Ngay cả ứng viên Joe Biden cũng có khả năng sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến với Trung Quốc.
Ông Biden cho rằng, vấn đề không nằm ở thâm hụt thương mại giữa hai nước, mà nằm ở việc Trung Quốc đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ của Mỹ.
Người dân Mỹ, Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ đều không thể đảm bảo cho Trung Quốc một tương lai “êm đẹp” để hợp tác với Mỹ sau năm 2020. Tình hình hiện nay ở chính trường Mỹ và các áp lực của nền kinh tế Trung Quốc thực sự sẽ khiến Bắc Kinh phải suy nghĩ về một thỏa thuận với ông Donald Trump, đặt dấu chấm hết cho cuộc thương chiến đã kéo dài 18 tháng qua.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/30492-tong-thong-my-khuyen-tq-nen-som-thoa-thuan.html
Ông Trump cảnh báo TQ: Đợi đến bầu cử
thì thỏa thuận sẽ ‘tồi tệ hơn nhiều’
Reuters đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (17/8) cho biết, nếu thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đạt được sau cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, thì các điều khoản sẽ “tồi tệ hơn nhiều” so với hiện tại.Ông Trump phát biểu trước các phóng viên: “Tôi nghĩ rằng sẽ sớm có một thỏa thuận, có thể là trước bầu cử hoặc một ngày sau cuộc bầu cử. Nếu nó diễn ra sau cuộc bầu cử thì đó sẽ là một thỏa thuận mà mọi người chưa từng thấy. Đó sẽ là thỏa thuận lớn nhất từ trước tới nay và Trung Quốc biết điều đó”.
Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc rất muốn trì hoãn các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ vì hy vọng một người khác sẽ trúng cử tổng thống thay thế ông.
Nhưng ông tự tin rằng ông có thể tái đắc cử một cách dễ dàng và Trung Quốc lo ngại điều đó. Ông nói với các phóng viên rằng ông đã cảnh báo chính quyền Bắc Kinh: “Nếu đợi đến sau cuộc bầu cử, đó sẽ là thỏa thuận tồi tệ hơn rất nhiều so với hiện tại”.
Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra hai ngày trước khi các nhà đàm phán thương mại của Hoa Kỳ và Trung Quốc dự kiến gặp nhau tại Washington. Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai bên sau gần 2 tháng.
Cuộc thảo luận sắp tới sẽ mở đường cho vòng đàm phán cấp cao giữa hai nước vào đầu tháng 10, nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại, giám đốc điều hành và quan chức chính phủ ở cả hai nước nói rằng, thương chiến Mỹ-Trung đã trở thành một cuộc chiến chính trị và ý thức hệ chứ không chỉ đơn thuần là vấn đề thuế quan và có thể mất nhiều năm để giải quyết.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30489-ong-trump-canh-bao-tq-doi-den-bau-cu-thi-thoa-thuan-se-toi-te-hon-nhieu.html
Trump thúc Tổng thống Ukraine
điều tra con trai của Biden
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần áp lực Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, điều tra con trai của ông Joe Biden, cựu Phó Tổng thống và cũng là ứng viên Tổng thống bên đảng Dân chủ, tờ Wall Street Journal tường thuật hôm 20/9 dựa trên các nguồn thạo tin.Theo tờ báo, trong cuộc điện đàm hồi tháng 7, ông Trump thúc giục ông Zelenskiy chừng 8 lần kêu gọi ông Zelenskiy hợp tác với luật sư riêng của ông Trump là Rudy Giuliani, trong cuộc điều tra về con trai ông Biden.
Một trong những nguồn tin của Wall Street Journal nói trong cuộc trò chuyện này, ông Trump không nhắc tới một điều khoản về viện trợ cho Ukraine. Và vì vậy, nguồn tin vừa kể không cho rằng Tổng thống Trump có ngỏ ý ‘lại quả’ nếu Tổng thống Ukraine hợp tác trong cuộc điều tra.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-th%C3%BAc-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ukraine-%C4%91i%E1%BB%81u-tra-con-trai-c%E1%BB%A7a-biden/5092632.html
Mỹ, El Salvador ký thỏa thuận về di dân
Hoa Kỳ và El Salvador vừa đạt thỏa thuận chung về di dân, tòa đại sứ Mỹ tại El Salvador cho biết ngày 20/9.Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Kevin McAleenan thảo luận về thỏa thuận này tại một cuộc họp báo ở thủ đô Washington hôm 20/9.
Đây là động thái mới nhất của ông McAleenan nhằm thúc đẩy các thỏa thuận về di dân song phương với các nước Tam giác Phía Bắc ở Trung Mỹ gồm Guatemala, Honduras và El Salvador.
Guatemala đã ký thỏa thuận gọi là “đệ tam quốc gia an toàn” đòi hỏi người xin tị nạn phải nộp đơn xin ở Guatemala thay vì ở Mỹ, nếu họ đi băng qua Guatemala trên đường tiến tới biên giới Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Quốc hội Guatemala chưa thông qua thỏa thuận này.
Mỹ có một thỏa thuận như vậy với Canada.
Các nhà hoạt động về di dân nói các nước Trung Mỹ không đủ khả năng xử lý thêm đơn tị nạn và không thể cung cấp môi trường an toàn cho các di dân.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ hôm 16/7 ra quy định cấm hầu hết di dân không được xét quy chế tị nạn Mỹ nếu họ không nộp đơn xin tị nạn ở các nước họ đi ngang qua trên đường tới Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-el-salvador-k%C3%BD-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-v%E1%BB%81-di-d%C3%A2n-/5092631.html
Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị đàm phán
về chia sẻ gánh nặng quốc phòng
Minh AnhBộ Ngoại Giao Hàn Quốc ngày 20/09/2019 thông báo kể từ tuần tới, Washington và Seoul sẽ bắt đầu thảo luận về việc chia sẻ các khoản chi phí liên quan đến việc duy trì lính Mỹ tại Hàn Quốc.
Trích dẫn một nguồn tin ẩn danh, Yonhap cho hay vòng họp đầu tiên sẽ bắt đầu trong hai ngày thứ Ba 24 và thứ Tư 25/09/2019 tại Seoul, để bàn về số 28.500 quân Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc (USFK). Phía Mỹ sẽ do ông James DeHart, thuộc bộ Ngoại Giao dẫn đầu. Về phần Seoul, chính quyền cho biết hiện tiến hành các thủ tục nội bộ để chỉ định trưởng đoàn đàm phán. Ông Jeong Eun Bo, cựu thứ trưởng Tài Chính là ứng viên khả dĩ nhất hiện nay.
Cuộc thương thuyết lần này sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề gai góc liên quan đến Thỏa thuận về các biện pháp đặc biệt (SMA), một thỏa thuận chia sẻ các chi phí và thời hạn áp dụng thỏa thuận… Thỏa thuận SMA hiện nay, được ký kết hồi tháng 2/2019 và sắp hết hiệu lực vào ngày 31/12/2019.
Các cuộc thương lượng dự báo sẽ rất khó khăn do việc tổng thống Mỹ không ngừng gia tăng áp lực lên đồng minh châu Á này sao cho nước này phải tăng thêm mức đóng góp tài chính cho việc duy trì lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, nhất là trước khi kỳ vận động tranh cử bầu cử tổng thống Mỹ chính thức khởi động.
Trong khuôn khổ thỏa thuận SMA thứ 10 hiện nay, chính quyền Seoul đã chấp thuận đóng góp 1.040 tỷ won (tương đương với 861,4 triệu đô la), tăng 8,2% so với năm 2018.
Yonhap nhắc lại, từ năm 1991, Hàn Quốc gánh một phần chi phí liên quan đến số nhân viên dân sự do USFK tuyển dụng, xây dựng căn cứ quân sự và nhiều hình thức hỗ trợ khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190921-my-han-bi-dam-phan-chia-se-ganh-nang-quoc-phong
Ít nhất 4 người thiệt mạng
trong những trận lũ lụt ở Texas
Tin từ Winnie, Texas —- Theo tin từ CBS News, số người thiệt mạng trong những trận lũ lụt tại phía đông nam tiểu bang Texas đang ngày càng tăng.Một nạn nhân thứ tư vừa được tìm thấy bên trong một chiếc xe hơi khi nước lũ rút ở Beaumont. Ít nhất 1,700 người đã được giải cứu trong khu vực. Đài CBS cho biết một khu phố trong khu vực đã ngập đến mức người dân chỉ có thể ra vào bằng thuyền, hoặc lội qua dòng nước lũ. Ông Dennis Nations, một người dân trong khu vực, cho biết nhà của ông hoàn toàn chìm trong nước lũ, và có lẽ tình hình hiện tại còn tồi tệ hơn so với hai năm trước trong Bão Harvey. Trên đường, các tài xế phải cực kỳ cẩn trọng khi lái xe vì điều kiện thời tiết nguy hiểm.
Bão nhiệt đới Imelda khiến mưa rơi lên đến 43 inch vào thứ năm (ngày 19 tháng 9). Hai trong số bốn nạn nhân thiệt mạng được tìm thấy trong những chiếc xe bị kẹt trong nước lũ. Dòng chảy mạnh đã xuyên thủng các xà lan trên sông San Jacinto và đẩy chúng vào các cột cầu, buộc nhiều xa lộ lớn phải đóng cửa cho đến khi thợ lặn có thể kiểm tra thiệt hại. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/it-nhat-4-nguoi-thiet-mang-trong-nhung-tran-lu-lut-o-texas/
Chiến tranh hạt nhân Nga – Mỹ
nếu nổ ra sẽ khủng khiếp như thế nào?
Hơn 91 triệu người sẽ thiệt mạng hoặc bị thương trong giai đoạn đầu của chiến tranh hạt nhân (nếu nổ ra) giữa Mỹ và Nga.Thông tin này được đưa ra dựa trên một video mô phỏng do chương trình nghiên cứu Khoa học và An ninh toàn cầu của trường Đại học Princeton, Mỹ mới công bố.
Video mô phỏng với tên gọi “Kế hoạch A” được giới thiệu hồi đầu tháng 9/2019, căn cứ vào những thông tin từ Bản đồ hạt nhân (Nukemap) của Học viện công nghệ Stevens.
Theo mô phỏng này, cuộc chiến hạt nhân giữa Nga và Mỹ sẽ bắt đầu diễn ra ở châu Âu. Nga sẽ phóng 300 đầu đạn hạt nhân về phía tây bằng tên lửa và máy bay ném bom. NATO đáp trả bằng cách huy động 180 máy bay mang bom hạt nhân chống lại Nga. Sẽ có khoảng 2,6 triệu trường hợp thương vong trong 3 giờ đầu của cuộc giao tranh, các nhà nghiên cứu tại Princeton cho biết.
Mô phỏng của Princeton dự đoán rằng: “Trong bối cảnh châu Âu bị phá hủy, NATO sẽ tiến hành cuộc tấn công hạt nhân chiến lược sử dụng 600 đầu đạn hạt nhân phóng từ lục địa Mỹ và tên lửa phóng từ tàu ngầm nhằm vào các lực lượng hạt nhân Nga”.
Nga sẽ đáp trả bằng vũ khí hạt nhân từ các phương tiện di động trên mặt đất và tàu ngầm. Cuộc chiến kéo dài 45 phút có thể khiến 3,4 triệu người thương vong ngay lập tức”, theo kế hoạch A.
Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến hạt nhân, được gọi là “Kế hoạch đối trọng”, Nga và NATO sẽ nâng khả năng tấn công lên gấp đôi, nhắm vào 30 thành phố lớn nhất của mỗi bên để ngăn chặn khả năng phục hồi của đối phương. Kế hoạch này sẽ nâng con số thương vong trong cuộc chiến tranh lên đến hơn 85 triệu người.
Đến giai đoạn cuối cùng sẽ có tổng cộng 91,5 triệu người thương vong, trong đó có 34,1 triệu người thiệt mạng và 57,4 người bị thương nặng, nhiều người trong số này có nguy cơ tử vong do bụi phóng xạ hạt nhân. Các nhà nghiên cứu cho Princeton cho rằng, nguy cơ xảy ra vụ thảm sát hạt nhân hiện nay lớn hơn rất nhiều so với điều được dự đoán năm 2016.
“Nguy cơ chiến tranh hạt nhân đã gia tăng đáng kể trong 2 năm qua khi Mỹ và Nga từ bỏ những hiệp ước kiểm soát các lực lượng hạt nhân có từ lâu, bắt đầu phát triển các loại vũ khí hạt nhân với mà mở rộng tình huống họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân”, nghiên cứu lưu ý.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30491-chien-tranh-hat-nhan-nga-my-neu-no-ra-se-khung-khiep-nhu-the-nao.html
Cách xử lý vi phạm môi trường ở Mỹ
Bùi Văn PhúGửi cho BBC từ CaliforniaThời gian vừa qua ở Việt Nam việc gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho người dân đã không được xử lý một cách minh bạch nên dân chúng có nhiều bất mãn với cách hành xử của chính quyền.
Năm 2016 nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh thải chất độc làm ô nhiễm mấy trăm cây số bờ biển và gây thiệt hại đến đời sống của hàng vạn ngư dân. Chỉ ít lâu sau đó công ti Formosa đã thỏa thuận với nhà nước Việt Nam để bồi thường 500 triệu đôla và phủi tay.
Từ Formosa đến Rạng Đông: cuộc khủng hoảng toàn diện
Bắc Cực bốc cháy: Tai họa đối với khí hậu toàn cầu
Hà Nội ô nhiễm bụi mịn hàng đầu thế giới
Lời kể của một người dân sống sát vách nhà máy Rạng Đông
Cho đến nay việc bồi thường cho dân vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Vùng biển bị ô nhiễm mấy năm qua vẫn chưa trở lại bình thường với hệ sinh thái trước khi sự cố xảy ra và vẫn còn tiếp tục bị làm độc bởi Formosa, theo như cáo buộc của nhiều người dân trong khu vực. Trong khi đó không có những thông tin khoa học chính xác và độc lập để xác minh mức độ ô nhiễm trong nước còn ở ngưỡng nguy hại hay đã trở lại bình thường.
Thật là điều khôi hài là chỉ không lâu sau khi thấy cá chết hàng loạt trôi vào bờ biển ở nhiều nơi quanh Hà Tĩnh, truyền thông trong nước đưa lên hình ảnh quan chức rủ nhau ra tắm biển, đi ăn hải sản trong khu vực như để chứng minh nước biển vẫn trong lành và hải sản không bị nhiễm độc. Việc này chính ra phải để cho các cơ quan có chức năng khoa học trong việc kiểm soát môi sinh làm khảo sát và công bố kết quả chứ quan chức bơi lội trên biển hay ăn hải sản không nói lên được điều gì, khi mà người dân đa phần không còn tin những gì nhà nước nói.
Vì chính quyền không quan tâm giải quyết thiệt hại một cách minh bạch và công bằng cho người dân nên mới đây một tổ chức mang tên “Công lý cho Nạn nhân Formosa” được ra đời tại hải ngoại để giúp hàng nghìn người dân ven biển miền Trung đứng ra kiện công ti Formosa tại những toà án bên ngoài Việt Nam. Hôm tháng Sáu vừa qua tổ chức đã chính thức nộp đơn kiện Formosa và những công ti liên hệ tại toà án ở Đài Loan, ở Hoa Kỳ và kiện ra Liên Hiệp Quốc.
Mới tuần qua có vụ cháy công ty bóng đèn Rạng Đông ở Hà Nội, nằm trong khu vực đông cư dân đã gây hoang mang cho dân bị ảnh hưởng vì giới chức chính quyền dường như vô cảm trước những yêu cầu muốn biết rõ thông tin về sự nguy hại của thủy ngân trong sự cố này.
Vì vụ cháy công ty chế bóng đèn và phích nước, trong đó có dùng nguyên liệu thủy ngân nên dư luận lo sợ độc tố đã lan ra trong không khí hay ngấm vào đất sẽ có thể gây nguy hại lâu dài cho những ai tiếp cận.
Đọc báo trong nước thấy có người nói ở cách nơi cháy 500 mét và cảm thấy an toàn, trong khi có người ở xa cả cây số lại nói có những dấu hiệu không tốt cho sức khoẻ. Trong khi chính quyền không có những đồng thuận về ảnh hưởng của sự cố, không có những xác minh dựa trên căn bản khoa học để có thể đưa ra những biện pháp bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân. Vì thế dân không còn biết tin vào đâu.
Bài viết này đưa ra một số vụ việc làm độc môi trường ở Mỹ và cách giải quyết, như những tham khảo cho ai quan tâm, cho nạn nhân có hiểu biết hơn về quyền lợi của họ. Dù trình độ khoa học và điều kiện pháp lý ở Việt Nam có những khác biệt với Hoa Kỳ, nhưng nhà nước ở đâu cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người dân.
Cách xử lý vi phạm môi trường ở Mỹ
Hai vụ gây ô nhiễm lớn nhất ở Mỹ là khi dầu thô bị tràn ra biển ở tiểu bang Alaska năm 1989 và ở vùng vịnh Mexico, tiểu bang Louisiana năm 2010.
Khi có những sự cố như thế, trách nhiệm của chính quyền trước hết phải tìm hiểu ngay xem có gây hại cho sức khoẻ con người, dựa vào những mẫu khảo sát khoa học tại chỗ để từ đó đưa ra quyết định di tản hay giới hạn đi lại trong khu vực. Sau đó chính quyền điều tra tìm xem nguyên nhân sự cố và đưa công ti ra tòa về tội bất cẩn hay cố ý gây thiệt hại để định mức phạt tài chánh cho công ti hay phạt hình sự đối với những ai gây ra tai nạn. Sau cùng là lo tẩy rửa cho sạch những chất độc hại trước khi cho phép cư dân trở lại sinh hoạt bình thường.
Vì sự cố do công ty tư nhân gây ra nên chuyện bồi thường thiệt hại cho những ai bị ảnh hưởng không phải là việc làm của nhà nước. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, người dân trong khu vực nếu bị ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ thì đi bác sĩ hay cần thì vào bệnh viện điều trị. Sau đó có các văn phòng luật sư đứng ra để lập hồ sơ đưa công ti trách nhiệm ra tòa đòi bồi thường. Chính quyền không can thiệp vào chuyện kiện tụng giữa nạn nhân và công ty.
Trong vụ tai nạn tàu Exxon Valdez mắc cạn, đổ 41 nghìn mét khối dầu ra vùng biển Prince William Sound, tiểu bang Alaska, làm ô nhiễm hơn 2 nghìn kilômét bờ biển, công ti đã bỏ ra 1 tỉ đôla bồi thường cho nạn nhân qua các vụ kiện tập thể (class action lawsuit). Ngoài ra công ti cũng đã bỏ ra 2 tỉ đôla để làm sạch môi trường biển của Alaska.
Còn chuyện công ti có vi phạm luật về kiểm tra an toàn hàng hải khi sự cố xảy ra hay không thì được xử trong một phiên toà khác, giữa phía công tố là cơ quan thi hành luật của tiểu bang hay liên bang kiện công ti. Nếu công ti cố ý phạm luật để xảy ra sự cố thì sẽ bị xử phạt tài chánh rất nặng vì đó là cách bảo vệ môi sinh và an toàn cho công chúng.
Năm 2010 giếng khoan dầu Deepwater Horizon trong vùng Vịnh Mexico bị rò trong gần ba tháng và đã thải ra vùng biển gần tiểu bang Louisiana 780 nghìn mét khối dầu thô, làm thiệt mạng 11 người. Công ti mẹ là BP chịu trách nhiệm bồi thường cho khoảng 100 nghìn dân và chủ cơ sở thương mại hơn 4 tỉ đôla. Chí phí làm sạch môi trường biển tốn 65 tỉ đôla. Ngoài ra chính phủ Hoa Kỳ còn đưa công ti BP ra toà vì tội bất cẩn nghiêm trọng để gây ra thảm hoạ môi trường và đã xử phạt BP 18.7 tỉ đôla.
Ở vùng vịnh San Francisco, cách đây 30 năm có vụ cháy nhà kho của tập đoàn siêu thị Safeway do tài xế bất cẩn khi trục xe hàng lên, đụng vào dây điện nên phát hoả. Đám cháy bắt đầu từ 10 giờ tối, đến 3 giờ sáng lực lượng cứu hoả mới dập tắt được. Khói tro bay mịt mù phủ cả một khu vực rộng lớn.
Thiệt hại cho công ti trong vụ cháy là 60 triệu đôla hàng hoá. Sau đó có những vụ kiện tập thể của cư dân khu vực cháy đòi Safeway bồi thường. Kết quả 11,800 hồ sơ đã đứng đơn kiện được bồi thường trung bình 5 nghìn đôla một người.
Với kết quả được công bố, khi luật sư đại diện thân chủ và đại diện công ti mời nạn nhân đến nhận tiền bồi thường, công ti còn bồi thường tượng trưng từ 200 đến 500 đôla cho những ai không nộp hồ sơ kiện mà chứng minh được, qua bằng lái xe, là đã sống gần khu vực cháy vài cây số.
Công ty dầu khí Chevron có nhà máy lọc dầu ở thành phố Richmond, vùng Vịnh San Francisco. Một vài lần đã có sự cố xảy ra gây cháy và khói độc bay phủ cả khu vực.
Mỗi lần như thế là lại có những vụ kiện tập thể của nhiều nghìn cá nhân. Những ai bị ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ được bồi thường nhiều, có người đến vài chục nghìn đôla. Bị ảnh hưởng nhẹ như ho, ngứa da, đỏ mắt sơ sơ thì vài trăm đến hơn một nghìn. Chính quyền không can thiệp vào những vụ kiện dân sự này mà chỉ điều tra xem công ty có theo đúng những tiêu chí an toàn đã được cấp phép. Nếu không theo đúng sẽ bị xử phạt tài chánh rất nặng.
Tuy Việt Nam có những khác biệt về hệ thống luật với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia, nhưng nạn nhân người Việt cũng cần được bảo vệ khi các công ti quốc tế gây ra sự cố.
Nếu người Việt đã có thể kiện các công ty Mỹ liên quan đến thiệt hại do Độc chất Da Cam thì họ cũng có quyền kiện Formosa trong vụ thải độc ra biển Hà Tĩnh.
Người dân Việt sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa ba năm trước cần được sự bảo vệ của luật pháp và họ phải được quyền đòi công lý cho mình. Chính phủ Việt Nam nếu không bảo vệ được quyền lợi của người dân thì cũng không nên ngăn cản việc họ đi tìm công lý.
Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49779080
Cuba lên án Mỹ sau vụ 2 nhà ngoại giao bị trục xuất
Chỉ vài ngày trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Washington trục xuất hai nhà ngoại giao Cuba, bi cáo buộc “phá hoại an ninh quốc gia”. Các thành viên khác của phái bộ Cuba tại Liên Hiệp Quốc bị yêu cầu không được ra ngoài khu Manhattan, nơi đặt trụ sở của tổ chức quốc tế. Quyết định của Mỹ đã bị La Habana cực lực lên án.Từ thủ đô Cuba, thông tín viên RFI Domitille Piron tường trình :
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez hôm 20/09 đã tố cáo một hành động vô lý và phi pháp nhằm mục đích vu khống các nhà ngoại giao bị trục xuất và phái bộ Cuba bên cạnh Liên Hiệp Quốc.
Ông nhắc lại rằng chính quyền Cuba không hài lòng chút nào về cách công bố quyết định trục xuất, đã được loan đi trên mạng Twitter, trước cả khi thông báo cho các bên liên quan chính.
Ngoại trưởng Cuba cũng cho biết là La Habana sẽ có phản ứng vào thời điểm thuận tiện, nhưng không đề cập đến chi tiết.
Cuba hiện đang chờ đợi phản ứng từ cộng đồng quốc tế, và nhắc lại rằng việc trục xuất các đại diện Cuba tại Liên Hiệp Quốc đã vi phạm các quy tắc ngoại giao. Do việc trụ sở Liên Hiệp Quốc đặt tại New York, về nguyên tắc, Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải cấp thị thực cho các quốc gia theo yêu cầu.
Theo ông Bruno Rodriguez, quyết định của Mỹ nằm trong loạt biện pháp nhằm gia tăng áp lực lên Cuba, vào lúc mà quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng xăng dầu nghiêm trọng, đặc biệt là do phong tỏa của Mỹ.
Ngoại trưởng Cuba cho rằng những căng thẳng gia tăng có liên quan đến chương trình bầu cử của tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể dẫn đến việc cắt đứt quan hệ ngoại giao.
Cuba bị thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng
Trong thời gian gần đây, người dân Cuba ngày càng lo lắng trước tình hình thiếu thốn xăng dầu của đất nước. Các biện pháp “tình huống” đã được chính phủ áp dụng từ một tuần lễ nay để đối phó với tình trạng thiếu nhiên liệu.
Theo ghi nhận của thông tín viên Dominique Piron, tại các trạm xăng của thủ đô, hàng người chờ mua kéo dài hàng trăm mét, có người phải chờ cả 4 tiếng đồng hồ mà chưa đến phiên. Tình trạng khan hiếm chủ yếu liên quan đến xăng, còn diesel thì chưa bị ảnh hưởng.
Về mặt chính thức, chính quyền Cuba vẫn cho rằng khủng hoảng hiện tại chỉ là tạm thời, nhưng các biện pháp kinh tế được áp dụng trong một tuần lễ qua đã khiến nhiều người nhớ lại thời kỳ khan hiếm đặc biệt ngay sau ngày Liên Xô sụp đổ, khi giao thông công cộng bị giảm một nửa, các cơ quan chính quyền, trường học và các công ty nhà nước phải giảm giờ làm việc, đôi khi bị cắt điện vài giờ trong ngày, và nông nghiệp phải sử dụng lại sức kéo của động vật.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190921-cuba-len-a%CC%81n-my-sau-vu%CC%A3-2-nha-ngoai-giao-bi%CC%A3-truc-xuat
NATO tung “độc chiêu”
khiến sức mạnh quân sự áp đảo của Nga
trở nên vô dụng?
NATO vừa thiết lập một bộ chỉ huy mới có nhiệm vụ tăng cường tốc độ triển khai lực lượng binh sĩ và xe tăng của liên minh trên khắp Châu Âu với mục đích có thể ngăn chặn một cuộc tấn công xâm lược từ phía Nga.Bộ Chỉ huy mới của NATO đóng tại Ulm, Đức, và bắt đầu hoạt động từ ngày 17/9/2019, phát ngôn viên của NATO Oana Lungescu thông báo.
Bộ Chỉ huy mới của NATO có nhiệm vụ riêng sau khi một báo cáo gần đây tiết lộ về việc sườn phía đông của NATO dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công đột ngột của Nga như thế nào và tầm quan trọng của các lực lượng vũ trang trong các nỗ lực phòng thủ của liên minh NATO.
Nga đang triển khai khoảng 760 xe tăng ở các đơn vị đóng tại những khu vực nằm trong tầm tấn công nhanh của các nước Baltic là thành viên của NATO. Các nước NATO duy trì một lực lượng khoảng 130 xe tăng trong cùng khu vực này và khoảng 90 trong số đó là các xe tăng M-1 của Mỹ được triển khai theo chế độ luân phiên tạm thời.
Năm 2016, tập đoàn RAND tiến hành một cuộc tập trận dựa trên kịch bản một cuộc tấn công xâm lược của Nga nhằm vào khu vực Baltic. Trong kịch bản này, lực lượng Nga đã nhanh chóng áp đảo hoàn toàn lực lượng NATO. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đã nhanh chóng triển khai trực thăng và lực lượng binh sĩ cơ động đến để đối phó với Nga. Tuy nhiên, xe tăng của NATO đã triển khai quá chậm.
Bộ Chỉ huy mới của NATO ra đời để làm nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ triển khai lực lượng xe tăng của liên minh trong trường hợp phải đối phó với Nga. Theo NATO, Bộ Chỉ huy mới sẽ giúp điều động nhanh các phương tiện bọc thép của Mỹ cũng như các xe tăng của Anh, Italia, Đức, Ba Lan….
“Bộ Chỉ huy mới ở Ulm sẽ giúp các lực lượng của chúng tôi trở nên cơ động hơn và có thể nhanh chóng tăng cường triển khai trong liên minh, đảm bảo rằng chúng tôi sẽ có các lực lượng đủ mạnh được triển khai đúng nơi và đúng lúc”, phát ngôn viên Lungescu cho hay.
Bộ Chỉ huy mới có thể có 160 nhân sự vào năm 2021. Trong một cuộc khủng hoảng, sức mạnh của nó có thể tăng lên 600 người.
Động thái mới nhất của NATO diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa liên minh này với Nga đang rơi vào một cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh do cuộc khủng hoảng ở Ukraine gây ra. Cả hai bên đều có những động thái quân sự khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về viễn cảnh bùng nổ xung đột trong khu vực.
Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia. NATO thậm chí đang triển khai các lực lượng hàng nghìn quân đến đóng tại các khu vực sát với biên giới Nga.
Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Nga liên tục cáo buộc NATO muốn bành trướng vào khu vực ảnh hưởng hậu Xô-viết của Nga. Moscow bắt đầu thực hiện một loạt bước đi nhằm sẵn sàng đối phó và đáp trả NATO
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30504-nato-tung-doc-chieu-khien-suc-manh-quan-su-ap-dao-cua-nga-tro-nen-vo-dung.html
Paris : Lo ngại « hồi 45 » phong trào Áo Vàng,
an ninh siết chặt
Trọng ThànhSáng hôm nay, 20/09/2019, không khí yên ả tại Paris. Lo ngại trước các bạo động bên lề biểu tình của những người Áo Vàng xuống đường lần thứ 45, để phản đối các chính sách của tổng thống Macron, kể từ cuối tháng 11/2018.
Theo Reuters, khoảng 7.500 nhân viên an ninh, trong đó các đơn vị cảnh sát sử dụng mô-tô, thuộc lực lượng đặc biệt chống bạo động đô thị, được triển khai. Số lượng cảnh sát tương đương với quân số được huy động ngày Quốc tế Lao Động 1/5. Mục tiêu của cảnh sát là ngăn cản người « Áo Vàng » tiếp cận với Đại lộ Champs Elysées và Khải Hoàn Môn, nơi đã diễn ra nhiều vụ đụng độ, đập phá… vào thời đỉnh điểm căng thẳng, từ tháng 12/2018 đến tháng Ba năm nay.
Tính cho đến trưa, khoảng 100 người bị câu lưu, cảnh sát tiến hành hơn 1.200 vụ xét hỏi giấy tờ. Một cuộc tập hợp của khoảng 100 người trên Đại lộ Champs Elysées bị giải tán.
Hồi thứ 45 của phong trào Áo Vàng diễn ra cùng lúc với cuộc tuần hành lớn vì Khí hậu, và một cuộc biểu tình chống dự án cải cách hưu trí của chính phủ, diễn ra chiều nay.
http://vi.rfi.fr/phap/20190921-paris-lo-ngai-%C2%AB-hoi-45-%C2%BB-phong-trao-ao-vang-an-ninh-siet-chat
Ngày Di sản Châu Âu tại Pháp
trong nỗi lo hạn hẹp ngân sách
Minh AnhTrong hai ngày 21-22/09/2019, người dân Pháp được mời gọi tham quan miễn phí hàng chục nghìn điểm di tích. Thế nhưng, năm nay tại Pháp, ngày Di sản lần thứ 36 mở ra trong một bầu không khí căng thẳng xã hội và hạn hẹp kinh tế.
Lâu đài, vườn hoa, cung điện, nhà thờ, … tổng cộng có 17.000 công trình kiến trúc, một khối di sản to lớn tạo nên hình ảnh cho nước Pháp. Sau 36 năm hình thành, Ngày Di sản Châu Âu đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa người dân Pháp.
Không chỉ có những địa điểm lịch sử như Thượng Nghị Viện, phủ tổng thống điện Élysée, Quốc Hội, người xem còn có thể tham quan cả những khu công nghiệp cũ, các trung tâm nghiên cứu khoa học, bệnh viện… Công chúng Pháp tham gia Ngày Di sản với một sự đam mê ngoạn mục. Năm 2018, Ngày Di sản thu hút đến 12 triệu lượt người xem.
Còn năm nay thì sao ? Theo Le Figaro, bức tranh vẽ Di sản mỹ miều năm nay, lại không được hoàn hảo. Phong trào « Áo vàng », những cuộc biểu tình phản đối cải cách, diễn ra ngày hôm nay tại Paris đã làm cho ngày hội kém vui. Bộ Giáo Dục, bộ Môi Trường, bộ Quan hệ với Nghị viện, Thẩm Kế Viện, dinh cơ trinh trưởng vùng Ile-de-France, Đại Điện, Cung điện nhỏ, đều quyết định đóng cửa.
Thêm vào đó, bộ Tài Chính quyết định giảm bớt các khoản ưu đãi thuế dành cho các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là những nhà tài trợ hảo tâm nhất để cứu giúp các công trình kiến trúc, cho phép những di tích lịch sử như cung điện Versailles, lâu đài Fontainebleau khắc phục lại những đường nét trang trí, nhà thờ gia cố tường thành…
Le Figaro trách móc rằng Nhà nước không thể làm tất cả, không có các doanh nghiệp, nhà nước còn làm ít hơn nữa !
http://vi.rfi.fr/phap/20190921-ngay-di-san-chau-au-tai-phap-trong-noi-lo-han-hep-ngan-sach
Tại sao người dân Iran ghét Macron và Putin
hơn ai hết ?
Đây là câu hỏi bà Mahnaz Shirali, chuyên gia về chính trị – xã hội học, giảng viên trường đại học Sciences Po tìm cách giải đáp trên trang Blog của báo mạng HuffingtonPost. Theo bà, việc nguyên thủ Pháp chìa tay với nước Cộng hòa Hồi giáo không phục vụ lợi ích của người dân Iran vì họ vốn dĩ hy vọng là các biện pháp trừng phạt của Donald Trump sẽ bóp nghẹt chế độ của các giáo chủ ayatollah. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.Vụ tấn công các cơ sở sản xuất dầu hỏa Ả Rập Xê Út một lần nữa đã làm gia tăng căng thẳng giữa Iran và Hoa Kỳ. Sự kiện này tiếp nối các « vụ tấn công bí ẩn » nhắm vào các tầu dầu lớn trong vùng Vịnh Ba Tư và eo biển Ormuz cách nay vài tháng.
Nước Cộng hòa Hồi giáo phản bác mọi cáo buộc có liên can đến các vụ tấn công này, trong khi đó vào tháng 7/2019, ông Ali Akbar Velayati, cố vấn đặc biệt của Ayatollah Khamenei, đã tuyên bố : « Nếu Iran không thể xuất khẩu được dầu hỏa, thì không một nước nào khác có thể làm được ». Các lãnh đạo Iran không có ý định hạ bớt thái độ cứng rắn và tiếp tục duy trì thế đối đầu trong khi không có mấy phương tiện để thực hiện.
Mười lăm tháng sau khi ông Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt, người dân Iran giờ đang sống một trong những trang đen tối nhất trong lịch sử nước này : Nền kinh tế đất nước – vốn đã kiệt quệ do các trừng phạt – giờ hầu như hụt hơi, đồng nội tệ mất giá đến 75%, nghèo đói tàn phá đất nước, những vị ayatollah bị căm ghét hơn bao giờ hết, và trấn áp chính trị chưa bao giờ dữ dội như lúc này kể từ sau cuộc xâm chiếm của người Mông Cổ thế kỷ XIII. Mới đây, trong tuần vừa qua, vụ một thiếu nữ Iran tự thiêu sau khi bị kết án 6 tháng tù giam vì tội đến sân xem bóng đá đã làm rung chuyển cả nước.
Nếu nước Cộng hòa Hồi giáo có thể tỏ ra không khoan nhượng với Hoa Kỳ, tiếp tục theo đuổi các tham vọng bành trướng và đe dọa các nước láng giềng trong khu vực, đó là vì các nhà lãnh đạo không chú trọng đến những lợi ích quốc gia của người dân Iran. Thay vì phải bình định mối quan hệ của họ với cộng đồng quốc tế, những vị lãnh đạo này lại khép mình trong chính sách bài Mỹ và bài Israel.
Chính sách hiếu chiến này, vốn đã tàn phá đất nước, ngày nay đã mang lại cho Iran một vị thế anh hùng hơn bao giờ hết, không chỉ làm hài lòng một bộ phận công luận thế giới Ả Rập mà cả những người mang tư tưởng chống Mỹ và phe tả châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Iran, ý thức về sự thành công này – nếu không phải là với người dân Iran, thì ít nhất là với người nước ngoài – đang tìm cách kín đáo giải quyết những vấn đề của họ với Mỹ. Bởi vì, khó khăn của các ayatollah bắt đầu từ chỗ, lần đầu tiên từ 40 năm qua, họ phải đối mặt với một vị tổng thống Mỹ chỉ muốn đối thoại trước các ống kính camera.
Vì không thể phản bội lập trường bài Mỹ và không thể từ bỏ chính sách hiếu chiến, các ayatollah tìm cách lẩn tránh các lệnh trừng phạt, bằng cách vừa gây áp lực với châu Âu, vừa trông cậy vào sự ủng hộ của người láng giềng nguy hiểm, ông Vladimir Putin. Nguyên thủ Nga đã thành công trong việc giành được các quyền kiểm soát vùng biển Caspi để đổi lấy sự ủng hộ của ông đối với chế độ ở Teheran. Sự ủng hộ này nhanh chóng tỏ ra là huyễn hoặc vì một năm sau, vào tháng 5/2019, Putin tuyên bố : « Nước Nga không phải là một đội cứu hỏa, chúng tôi không thể cứu hết tất cả mọi người ».
Các ayatollah, hiện đang tìm cách kháng cự cho đến cuối nhiệm kỳ của ông Donald Trump, lại « tiền hậu bất nhất ». Hôm nay, họ khẳng định sẵn sàng đàm phán với « bất kỳ ai ». Ngày mai, họ lại áp đặt điều kiện tiên quyết để thương thuyết với Trump. Trong khi chờ đợi, các vị giáo chủ liên tiếp đàm phán với các nhà lãnh đạo châu Âu, đứng đầu là nguyên thủ Pháp, Emmanuel Macron.
Tổng thống Pháp, đang tìm cách bảo vệ bằng mọi giá cái thỏa thuận hạt nhân 2015 « chết yểu », cố gắng tự đặt mình vào vai trò trung gian hòa giải giữa Mỹ với Iran, khi đề nghị một khoản vay 15 tỷ đô la cho nước Cộng hòa Hồi giáo. Khoản vay này có thể cứu rỗi các vị ayatollah bằng cách cho phép họ luồn lách các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Tuy nhiên, đề nghị này của ông Macron đã bị Ngân hàng Pháp từ chối, vì e sợ bị Mỹ trừng phạt, yêu cầu phải hỏi ý ông Donald Trump. Nguyên thủ Mỹ, trung thành với chính sách « áp lực tối đa » từ chối bất kỳ sự xin phép nào và đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Pháp.
Sự việc đã cho thấy rõ, không giống như đồng nhiệm Mỹ, tổng thống Pháp không có phương tiện để thực hiện các tham vọng của mình. Bí ẩn bao trùm lên các động cơ của ông đến giúp đỡ nước Cộng hòa Hồi giáo, một chế độ bị người dân phỉ báng. Có lẽ cũng nên nhắc lại rằng hiện tại không phải ông Donald Trump, tác giả của các lệnh trừng phạt nhắm vào các vị giáo chủ ayatollah, mà chính là Vladimir Putin và Emmanuel Macron, là những nhân vật người dân Iran căm ghét.
Trên các con phố tại Teheran, cũng như tại nhiều thành phố khác, các khẩu hiệu chống Nga và chống Pháp được dán khắp các bức tường và ảnh biếm họa Emmanuel Macron, đầu quấn khăn Ả Rập và mặc bộ áo của Yasser Arafat (người ủng hộ nhà nước Cộng hòa Hồi giáo nhiều nhất), được truyền tải trên các mạng xã hội.
Mệt mỏi vì 40 năm bất ổn, khủng hoảng và hỗn loạn, người dân Iran nhìn thấy lệnh trừng phạt của Mỹ như là một khả năng bóp nghẹt chế độ của các giáo sĩ ayatollah. Cho dù những lệnh trừng phạt này làm cho cuộc sống của họ thêm phần khó khăn, người dân Iran tự nhủ sẵn sàng chịu đựng để có thể nhanh chóng chấm dứt chế độc độc tài đen tối của ayatollah ; một chế độ độc tài chỉ mang đến cho họ chiến tranh và đói nghèo. Do vậy, mọi sự ủng hộ đối với các ayatollah chỉ làm kéo dài thêm nỗi thống khổ của một xã hội không còn muốn các nhà lãnh đạo của mình nữa.
Nhìn vào những sự kiện trong những ngày qua, việc đến giúp đỡ Cộng hòa Hồi giáo có lẽ sẽ trở nên khó hơn. Câu hỏi đặt ra : Các lợi ích tài chính của chế độ lãnh đạo tham nhũng tại Iran đối với nước Pháp lớn đến mức nào để mà ông Macron phải ủng hộ những nhà lãnh đạo nằm trong số những người bị ghét nhất trên thế giới ?
Tác giả kết luận : Hy vọng rằng trò chơi này “đáng đồng tiền bát gạo” và tổng thống Macron sẽ không làm lu mờ hình ảnh của nước Pháp trong con mắt người dân Iran chỉ vì những điều vô ích.
http://vi.rfi.fr/phap/20190920-tai-sao-nguoi-dan-iran-ghet-macron-putin-hon-ai-het
Triều Tiên xác nhận cựu Đại sứ tại VN
là Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân mới
Người dẫn đầu các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là ông Kim Myong Gil, cựu đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam.Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên, KCNA, hôm 20/9 xác nhận ông Kim đã được Bình Nhưỡng chọn làm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân mới, khi đưa tin về những phát biểu của ông liên quan tới các cuộc thương lượng với Mỹ.
Hãng tin Reuters hồi tháng Bảy đã dẫn lời các nguồn tin ngoại giao nói rằng cựu đại sứ Triều Tiên tại Việt Nam Kim Myong Gil sẽ là người đối nhiệm với Đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun.
Reuters hôm thứ Sáu đưa tin ông Kim Myong Gil, hoan nghênh “quyết định sáng suốt”của Tổng thống Trump, đổi phương thức đàm phán với Bình Nhưỡng, trong bối cảnh không có mặt ông John Bolton, một nhân vật diều hâu mà ông Kim gọi là “kẻ phá rối”. Ông Bolton từ chức Cố vấn An ninh Quốc gia hồi tuần trước.
Các nỗ lực của ông Trump lôi kéo Triều Tiên gần như tan rã hồi tháng Hai sau khi ông nghe theo lời khuyên của ông Bolton tại thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ nhì ở Hà nội, trao lại cho ông Kim Jong Un một mẫu giấy, hối thúc Bình Nhưỡng giao lại các vũ khí hạt nhân cho Hoa Kỳ.
Triều Tiên trước đây vẫn dùng những lời lẽ nặng nề để chỉ trích ông Bolton, người chủ trương dùng sức mạnh quân sự để lật đổ giới lãnh đạo tại Bình Nhưỡng, như một “kẻ hiếu chiến điên cuồng” và “rác rưởi của nhân loại.”
Ông Trump hôm thứ Tư nói đề xuất của ông Bolton, đòi lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un theo “mô thức Libya” và giao lại tất cả các vũ khí hạt nhân, đã “đẩy lùi các nỗ lực của Mỹ một cách thê thảm”, trong khi các cố gắng ngoại giao của ông đã đạt kết quả nhất định là Triều Tiên đã đình chỉ các cuộc thử nghiệm hạt nhân, và trao trả hài cốt của các binh sĩ Mỹ mất tích trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Ông Kim Myong Gil bày tỏ lạc quan về các cuộc thương thuyết sắp tới, dù ông chưa biết rõ “phương thức mới” mà ông Trump đề cập tới là gì.
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên, KCNA, trích lời nhà thương thuyết nói:
“Ngay trong lúc này, tôi không chắc ông ấy (Trump) có ý muốn nói gì với “phương thức mới” của ông, nhưng theo tôi thì ông ấy muốn nói tới một giải pháp từng bước, bắt đầu với những bước khả thi, để xây dựng lòng tin lẫn nhau, đó là chọn lựa tốt nhất.”
https://www.voatiengviet.com/a/trieu-tien-xac-nhan-cuu-dai-su-tai-vn-la-truong-doan-dam-phan-hat-nhan-moi/5092175.html
Đài Loan mất thêm một đồng minh vào tay Trung Quốc
Trung Quốc đã thuyết phục được thêm một tiểu quốc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để quay sang Trung Quốc. Đài Bắc nói Trung Quốc đã chiêu dụ Kiribati bằng hứa hẹn sẽ cung cấp máy bay và phà cho đảo quốc này, theo Reuters và South China Morning Post.Nói chuyện với các nhà báo, Ngoại Trưởng Đài Loan Joseph Wu cho hay Đài Loan chấm dứt các quan hệ ngoại giao với Kiribati hôm 20/9 và lập tức đóng cửa sứ quán tại đó.
Ông nói: “Theo những thông tin mà chúng tôi có được, chính quyền Trung Quốc đã hứa cung cấp toàn bộ ngân quỹ cần thiết để mua nhiều máy bay và phà thương mại, và do đó đã thuyết phục được Kiribati từ bỏ Đài Loan để quay sang bang giao với Trung Quốc.”
Ngoại Trưởng Wu nói rõ ràng là Trung Quốc tìm cách “đàn áp và giảm thiểu sự hiện diện của Đài Loan trên trường quốc tế, với mục tiêu tối hậu là phá hoại chủ quyền của Đài Loan.”
Ông nói tiếp:
“Thật là trắng trợn khi chính quyền Trung Quốc tạo ra những sự cố ngoại giao như vậy để tìm cách thao túng công luận Đài Loan, ảnh hưởng tới các cuộc bầu cử Tổng thống và quốc hội Đài Loan, và phá hoại các tiến trình dân chủ của Đài Loan.”
Tại Bắc Kinh, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói Trung Quốc hoan nghênh quyết định của Kiribati nối lại quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, bị cắt đứt vào năm 2003, sau khi chính quyền Kiribati công nhận Đài Loan.
Được hỏi Trung Quốc hứa tặng bao nhiêu tiền cho Kiribati, ông Cảnh Sảng nói ‘không thể nào mua được lòng tin và nguyên tắc’, nhưng ông cho biết Kiribati sẽ được “những cơ hội phát triển chưa từng có từ trước tới nay”, khi đồng hành với Trung Quốc.
Kiribati, một đảo quốc ở Thái Bình Dương, đoạn giao với Đài Loan chỉ vài ngày sau quần đảo Solomon, một đòn giáng đối với Tổng Thống Thái Anh Văn giữa lúc bà đang chuẩn bị tái tranh cử trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng Giêng năm tới.
Reuters lưu ý rằng với quyết định của Kiribati, Đài Loan đã mất tất cả 7 đồng minh trong nhiệm kỳ Tổng thống của bà Thái Anh Văn, khiến Đài Loan giờ đây chỉ còn vỏn vẹn có 15 đồng minh.
https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-mat-them-mot-dong-minh-vao-tay-trung-quoc/5092367.html
Biểu tình Hong Kong:
Nhóm thân Bắc Kinh phá ‘tường thông điệp’
Hàng loạt ‘Bức tường Lennon’ dán đầy các thông điệp kêu gọi dân chủ đã bị các nhóm ủng hộ Bắc Kinh dẹp bỏ hôm 21/9, làm tăng nguy cơ đụng độ giữa người Hong Kong chống chính phủ và nhóm này.Đến giữa buổi sáng thứ Bảy 21/9, hàng chục người ủng hộ Bắc Kinh đã bắt đầu phá bỏ những ‘Bức tường Lennon’ (Lennon Walls) lớn dán đầy các thông điệp màu sắc có nội dung kêu gọi dân chủ và tố cáo Trung Quốc can thiệp vào Hong Kong – thuộc địa cũ của Anh.
Các bức tường như vậy đã hình thành khắp Hong Kong – trung tâm tài chính châu Á – tại các trạm xe buýt và trung tâm mua sắm, dưới các cây cầu và dọc theo lối đi dành cho người đi bộ.
Đài Loan gửi mặt nạ phòng hơi độc cho Hong Kong
Ra trước QH Mỹ Joshua Wong kêu gọi thông qua luật nhân quyền
Các công ty PR từ chối ‘xây dựng lại hình ảnh’ cho Hong Kong
Đôi khi các bức tường này cũng trở thành điểm nóng của bạo lực trong suốt ba tháng bất ổn vừa qua ở Hong Kong.
Một nhà lập pháp ủng hộ Bắc Kinh, Junius Ho, vốn chỉ trích mạnh mẽ các cuộc biểu tình, đã kêu gọi những người ủng hộ ông dọn sạch khoảng 100 bức tường Lennon quanh thành phố vào thứ Bảy.
Các bức tường của người biểu tình ở Hong Kong được đặt theo tên Bức tường John Lennon ở Prague vào thời kỳ cộng sản kiểm soát những năm 1980. Các bức tường Lennon ở Prague khi đó được bao phủ bởi lời bài hát và thông điệp bất bình chính trị của ban nhạc Beatles.
Tuy nhiên, trong một nội dung được đăng vào cuối ngày thứ Sáu 20/9 trên Facebook cá nhân, Ho nói rằng vì mục đích an ninh, các bức tường Lennon sẽ không bị dẹp bỏ, chỉ có các đường phố sẽ được dọn dẹp.
“Chúng tôi sẽ làm sạch môi trường với một thái độ ôn hòa và hợp lý,” ông nói.
Telegram giúp người biểu tình Hong Kong ‘trốn’ an ninh TQ
Joshua Wong kêu gọi Mỹ ủng hộ biểu tình
Những người biểu tình chống chính phủ tức giận về những gì họ cho là là sự can thiệp thô bạo của Bắc Kinh vào nguyên tắc “một quốc gia hai thể chế” của Hong Kong – vốn đảm bảo rằng người dân Hong Kong được hưởng các quyền tự do mà dân đại lục không được, bao gồm quyền nhóm họp và một nền tư pháp độc lập.
Trung Quốc cho biết họ cam kết thực hiện “một quốc gia, hai hệ thể chế” và phủ nhận can thiệp vào việc này. Trung Quốc cũng cáo buộc các chính phủ nước ngoài bao gồm Hoa Kỳ và Anh đã kích động tình trạng bất ổn ở Hong Kong.
Các cuộc biểu tình đã diễn ra theo nhịp điệu riêng trong suốt mấy tháng qua và bây giờ thường có xu hướng lên tới đỉnh điểm vào cuối tuần, thường là với việc các nhà hoạt động chống chính phủ, nhiều người đeo mặt nạ và mặc đồ đen, ném bom xăng vào cảnh sát hoặc đốt phá tại các bến tàu điện ngầm, chặn các tuyến đường đến sân bay và đốt lửa trên đường phố.
Đôi khi, họ phải đối mặt với những người ủng hộ Bắc Kinh mang theo gậy gộc.
Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ được lên kế hoạch vào cuối tuần này, bao gồm biểu tình ngồi trong ga tàu điện ngầm ở ngoại ô Yuen Long, đánh dấu hai tháng kể từ khi các nhà hoạt động bị một nhóm người tấn công ở đó.
Nhà điều hành của MTR Corp cho biết sẽ đóng cửa các ga tàu gần các địa điểm có thể xảy ra biểu tình, bao gồm Yuen Long và Tuen Mun từ đầu giờ chiều 21/9.
Người biểu tình cho hay hôm 20/9 rằng dù họ không muốn bạo lực, họ sẽ tự vệ nếu bị tấn công.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49779082
Kinh tế Hồng Kông có thể
rơi vào khủng hoảng lớn vì Dự luật dẫn độ
Phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài hơn 3 tháng, thái độ của chính phủ Hồng Kông khiến cho người biểu tình vẫn quyết tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động kháng nghị, vì thế cũng khiến tình hình kinh tế của Hồng Kông rơi vào nguy cơ suy thoái. Sóng ngầm trong ngành tài chính đang hình thành, các giới lo ngại sẽ có một thảm hoạ tài chính lớn hơn nữa.Phong trào phản đối dự luật dẫn độ tại Hồng Kông đã kéo dài được hơn 3 tháng, cộng thêm xung kích do chiến tranh thương mại mang tới khiến tình hình Hồng Kông không hề ổn định. Mặc dù Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố rút lại dự luật dẫn độ, nhưng vẫn còn 4 yêu cầu khác của người Hồng Kông chưa được đáp ứng, do đó các cuộc kháng nghị vẫn tiếp tục bùng nổ. Thêm nữa, những hành vi bạo lực của cảnh sát Hồng Kông ngày càng leo thang cũng khiến cho các giới chỉ trích và lên án. Nhân sĩ trong ngành tài chính đã vẽ biểu đồ so sánh, cho thấy các hành vi của chính phủ Hồng Kông khiến mức độ thiệt hại kinh tế Hồng Kông tiếp tục xấu đi, thậm chí kinh tế rơi vào rủi ro suy thoái. Ảnh hưởng đến hình tượng quốc tế về thương mại, du lịch, tài chính của Hồng Kông; trong tháng 8, lượng khách du lịch đến Hồng Kông đã giảm mạnh 40%, ngành bán lẻ ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.
Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đưa tin hôm 15/9, lái xe Hà Chí Cường, chủ nhiệm phân đoàn Taxi thuộc Tổng Công đoàn giao thông vận tải Hồng Kông cho biết, hiện tại thu nhập hàng ngày của các tài xế giảm gần 30 – 50%. Ông lấy ví dụ bản thân mình, bình thường mỗi ngày ông có thể kiếm được 500 đến 600 Đô la Hồng Kông, nhưng hiện tại thu nhập giảm xuống 20 – 30%. Nguyên nhân chủ yếu của tình hình ảm đạm này là do lượng du khách giảm, bên cạnh đó, người dân cũng ít ra ngoài mua sắm vui chơi, điều này cũng làm giảm lượng khách bản địa.
Giao sư Lôi Đỉnh Minh (Francis T. Lu) thuộc khoa Kinh tế Đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông cho rằng, lần sóng gió này đã tạo ra ảnh hưởng phá hoại cả phương diện ngắn hạn và dài hạn đối với kinh tế Hồng Kông, vượt xa phong trào “Chiếm trung” cách đây 5 năm. Chính phủ chỉ còn cách duy nhất là nhanh chóng làm dịu cơn sóng gió này thì kinh tế Hồng Kông mới phục hồi.
Bloomberg News đưa tin, phong trào “Chiếm Trung” năm 2014 ảnh hưởng không lớn tới ngành tài chính Hồng Kông, nhưng lần này, phong trào kháng nghị kéo dài liên tiếp 3 tháng qua có thể khiến cho địa vị giàu có xuyên biên giới trong khu vực châu Á của Hồng Kông phải đối diện với thách thức lớn. Nguyên nhân bao gồm các yếu tố như tỷ lệ tăng trưởng kinh tế thấp, quy mô hoạt động kháng nghị lớn, khách du lịch giảm và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Dù cho Hồng Kông không tiến hành kháng nghị, thì với chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm nhiệt và đồng Nhân dân tệ mất giá, cũng đều có khả năng sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Hồng Kông.
Hugo Brennan, nhà phân tích khu vực châu Á thuộc công ty Tư vấn rủi ro toàn cầu Veritas Maplecroft nói: “Rủi ro chính trị liên quan đến sự vận hành của Hồng Kông đã lên mức cao chưa từng có trong lịch sử, tình hình không chỉ đơn giản như ‘hoa sớm nở tối tàn’; các nhà đầu tư đã bắt đầu nghi ngờ về lợi ích kinh tế ở khu vực này, và tìm kiếm một địa điểm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có nền chính trị ổn định hơn.”
Hiện tại, để tránh tiền gửi ngân hàng bị ảnh hưởng khi chính quyền Bắc Kinh lựa chọn biện pháp cực đoan, ngày càng nhiều người Hồng Kông mở tài khoản ngân hàng nước ngoài, thị trường lo lắng sẽ xuất hiện hiện tượng nguồn tiền chảy ra nước ngoài. Nhiều người cho biết, mở tài khoản ở nước ngoài là vì để mua bảo hiểm cho tài sản cá nhân, hiện không lập tức chuyển tài sản ra nước ngoài, nhưng một khi có nhu cầu thì chỉ cần thao tác trên mạng là có thể chuyển tiền một cách dễ dàng.
Hồng Kông thực thi chế độ bảo hiểm tiền gửi, chỉ cần gửi tiền ở ngân hàng Hồng Kông, một khi ngân hàng đóng cửa, người gửi tiền có thể nhận được bồi thường cao nhất là 500.000 Đô la Hồng Kông. Nhưng khoản tiền gửi lớn hơn 500.000 Đô la Hồng Kông thì sẽ không được đảm bảo.
Ngày 16/9, trả lời câu hỏi của truyền thông, người đứng đầu Cục Quản lý Tài chính Hồng Kông, ông Trần Đức Lâm thừa nhận rằng hồ sơ tư vấn mở tài khoản nước ngoài đúng là có tăng, khách hàng cá biệt hoặc doanh nghiệp có lẽ sẽ chuyển nguồn tiền đi. Ông nhấn mạnh, hệ thống liên kết tỷ giá hối đoái giữa Đô la Hồng Kông và Đô la Mỹ vận hành ổn định, và chưa xuất hiện hiện tượng dòng tiền chảy ra ngoài một cách rõ ràng.
Khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ bùng nổ, tỷ phú ngành tài chính của Mỹ Kyle Bass từng cho biết, chỉ cần 4% – 5% người Hồng Kông rút tiền khỏi ngân hàng, có thể phá huỷ hệ thống tài chính Hồng Kông. Hệ thống ngân hàng Hồng Kông là một trong những khu vực có đòn bẩy cao nhất trên thế giới, chiếm gần 900% GDP. Hồng Kông chỉ cần có khoảng 4% – 5% người rút tiền khỏi ngân hàng thì có thể khiến cho hệ thống tài chính Hồng Kông sụp đổ. Kyle Bass nói, Hồng Kông là một trong những quả bom tài chính hẹn giờ lớn nhất trong lịch sử”, khủng hoảng chính trị phản đối dự luật dẫn độ đang xảy ra trên “quả bom hẹn giờ” này, sẽ khiến cho khó khăn tài chính của Hồng Kông thêm trầm trọng hơn.
Theo FTV News đưa tin, nhà phân tích Vương Vinh Húc chỉ ra, “Nếu mọi người cùng rút tiền, đương nhiên sẽ gây ra mất mát về ngoại hối Hồng Kông và ngoại hối Đô la Mỹ.”
Tương lai, trong lĩnh vực tài chính có lẽ sẽ có nhiều sự kiện xảy ra, nhà phân tích cho rằng, dưới sự hỗ trợ của chính quyền, mặc dù hiện tại không xuất hiện hiện tượng đồng loạt rút tiền, nhưng các giới vẫn lo lắng Hồng Kông sẽ trở thành thảm hoạ tài chính lớn nhất trong lịch sử, đầu tư nước ngoài phần lớn đều tháo chạy, và chuyển đến quốc gia khác.
Thực tế, Hồng Kông là trung tâm tài chính quốc tế, các tài liệu cho thấy, quá khứ đã có 7 lần xảy ra sự kiện đồng loạt rút tiền. Ví dụ như năm 1989, sau sự kiện Thiên An Môn, người dân Hồng Kông tự phát rút tiền khỏi ngân hàng, người dân dùng các phương thức khác nhau để biểu đạt mất niềm tin vào chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30496-kinh-te-hong-kong-co-the-roi-vao-khung-hoang-lon-vi-du-luat-dan-do.html
Người biểu tình Hong Kong
muốn có được quyền dân chủ toàn diện
Tin New York City – Sinh viên lưu vong Brian Leung Kai-ping, người trở nên nổi tiếng vì tháo bỏ khẩu trang che mặt khi đang cùng những người biểu tình khác tràn vào Viện lập pháp Hong Kong vào tháng 7, nói rằng những người biểu tình Hong Kong đấu tranh không phải vì muốn độc lập, mà vì muốn thành phố này có được quyền dân chủ toàn diện.Trong cuộc phỏng vấn với tờ Hoa Nam tại New York, anh Leung cho biết anh ủng hộ hình thức biểu tình ôn hòa, nhưng đôi khi việc sử dụng vũ lực cũng là phù hợp. Theo sinh viên này, mọi sự nhượng bộ của Đặc khu trưởng Carrie Lam đều chỉ nhằm trì hoãn mục tiêu đạt được nền dân chủ toàn diện của người biểu tình. Sinh viên 25 tuổi này nói, người Hong Kong phải tận dụng cơ hội hiện nay để vận động cho mục tiêu dân chủ.
Theo anh Leung, người biểu tình thật ra chỉ đang yêu cầu những quyền mà họ đã được hứa hẹn theo pháp luật. Điều 45 của Bộ luật cơ bản, tức Hiến Pháp mini của Hong Kong, hứa hẹn rằng đặc khu trưởng và các thành viên Hội đồng lập pháp sẽ được bầu chọn bởi một cuộc bầu cử phổ thông. Anh Leung khẳng định người biểu tình Hong Kong không yêu cầu độc lập, mà đang muốn có một nền dân chủ đầy đủ như đã được hứa trong Bộ luật cơ bản.
Anh Leung hiện đang thăm Hoa Kỳ cùng nhà hoạt động sinh viên Joshua Wong, để vận động ủng hộ cho phong trào biểu tình Hong Kong. Trong quá trình biểu tình, anh Leung đã dần dần trở thành một trong các gương mặt nổi tiếng, sau khi anh tháo khẩu trang để lộ danh tính thật, khi hàng trăm người biểu tình xông vào Viện lập pháp vào ngày 1 tháng 7, ngày kỷ niệm sự kiện Hong Kong được trả về Trung Cộng vào năm 1997.
Anh Leung sau đó đã nhanh chóng rời khỏi Hong Kong. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-bieu-tinh-hong-kong-muon-co-duoc-quyen-dan-chu-toan-dien/
Thuyết Thiên Mệnh tạo sự mờ ảo
về chủ quyền và lãnh thổ
Thương chiến Mỹ – Trung và ‘biểu tình đường phố’ ở Hong Kong dễ làm người ta quên đi một cuộc chiến đã từ lâu, từ vài nghìn năm trước.Đó là trận Mục Dã (Battle of Muye) vào năm 1046 trước Công nguyên), khi Chu Vũ Vương đánh thắng vua Trụ của nhà Thương.
Trận Vân Đồn và tham vọng của Nguyên chúa
Khái niệm ‘Hán tộc’ có từ bao giờ và để làm gì?
GS Địch: ‘Tiếng Anh chỉ là phương ngữ của Hán’
Phận đàn ông ở ‘Vương quốc nữ nhi’ bên hồ Lư Cô, Trung Quốc
Nhưng trước cuộc chiến này, người tiền nhiệm của Chu Vũ Vương là Văn Vương đã có chiến dịch tuyên truyền chống lại Thương.
Ông vua này nghĩ ra thuyết Thiên Mệnh (天命 -Tianming), dùng khái niệm Thiên (Trời), thay thế Thượng Đế, vị thần của nhà Thương.
Trời mang tính triết lý trừu tượng hơn, ảo hơn một ông Thượng Đế nhân cách hóa nào đó.
Chiến thắng của Vũ Vương được nhà Chu coi là bằng chứng rằng Mệnh Trời đã về tay họ để lên thay nhà Thương nắm ngôi Hoàng đế.
Không chỉ dừng ở đó, thuyết Mệnh Trời (Mandate of Heaven) đã thống trị tư tưởng chính trị và quan hệ quốc tế của Trung Hoa từ nhà Chu đến nay.
Nó gồm bốn phần cơ bản và mỗi điểm là một nguyên tắc của logic quyền lực:
Trời trao cho vị quân vương quyền lực (tính chính danh)
Trời chỉ có một nên Đất chỉ có một thiên tử (tính duy nhất);
Vua sống đạo đức thuận mệnh trời thì được cầm quyền (tính luân lý);
Quyền làm vua không giới hạn vào một triều đại (tính liên tục).
Phải nói rằng thuyết Thiên Mệnh là một tư tưởng cách mạng, đưa nhà Chu vượt lên các cuộc tranh giành, chém giết man rợ giữa các bộ lạc và dòng tộc thời đó.
Nó đã tạo sự bền vững cho các triều đại Trung Hoa qua nhiều nghìn năm.
Thiên Mệnh khác thuyết về ‘ân sủng thần tính’ (divine blessing) châu Âu dùng trong kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo để củng cố quyền lực cho vua chúa.
Vì thuyết về quyền lực đến từ thần ‘divine rights’ ở châu Âu còn dựa trên tín điều của tôn giáo.
Không được giáo hoàng của Công giáo La Mã, hoặc các giáo chủ Tin Lành, Phúc Âm sau này như ở Anh và các nước Bắc Âu ban phước thì vua chưa thành vua.
Phe ‘thần quyền’ châu Âu nhân danh Chúa Trời ban ‘ân sủng’ từ đấng tối cao cho ‘phe cầm quyền’ trong lễ lên ngôi.
Còn với Thiên Mệnh, tự hoàng đế Trung Hoa đã là ‘con trời’, nhận mệnh cầm quyền trực tiếp từ trên ban xuống, không cần trung gian.
Thế quyền và thần quyền là một, và tập trung vào một người.
Nhưng thuyết Thiên Mệnh ngay từ đầu đã mắc bệnh nói dối.
Khi nhà Chu mới chỉ làm vua, chưa làm đế, thì họ cũng chẳng có gì hơn Thương, mà Thương xét ra cũng chỉ là một trong rất nhiều lực lượng.
Lãnh thổ Thương và Chu kiểm soát nằm ở lưu vực Hoàng Hà, bên cạnh còn có nhiều bộ tộc khác.
Văn minh Trung Hoa thời Thương, Chu cũng chưa lan tới vùng hạ lưu Dương Tử, nơi đã có các vua chúa địa phương khác nắm quyền.
Nhận mình làm chủ toàn bộ Thiên Hạ, “phần dưới bầu trời” quả là tham, ai cũng thấy.
Vì thế, để phù hợp với nguyên tắc số 2 và 3 (xem ở trên), nhà Chu đã tạo ra huyền thoại về nhà Hạ, cho rằng Hạ đã cầm quyền cả nghìn năm trước nhà Thương.
Nhờ kịch bản này, việc chuyển quyền từ Hạ sang Thương rồi Chu mới hợp lý, mang tính liền lạc và duy nhất.
Tóm lại, việc soạn ra thuyết Thiên Mệnh ngay từ đầu đã vấp phải hai vấn đề: vẽ lại lịch sử và lãnh thổ mơ hồ.
Lãnh thổ là Thiên Hạ, không giới hạn ở biên giới nào, có thể bao phủ toàn bộ ‘gầm trời’, cái mà các vua Trung Quốc chưa bao giờ kiểm soát được.
Phải đến nhà Thanh họ mới chinh phục Tân Cương, Tây Tạng.
Các bản sao của Thiên Mệnh
Thế nhưng tính mập mờ này không phải là đặc thù của tư duy chính trị Trung Hoa.
Đông Nam Á từng có các nước liên thuộc kiểu Mandala, chấp nhận tương quan xê dịch giữa các trung tâm quyền lực, coi nhẹ biên giới cứng.
Từ thời Trung Cổ, các bản sao của Thiên Mệnh được áp dụng ở Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Nhật Bản là kiêu nhất, coi vua của họ là Thiên Hoàng, dòng dõi thần linh.
Sau khi triều Đường ở Trung Quốc bị diệt thì Nhật gọi Trung Quốc là “ngoại triều”, và tự nhận là “nội triều”, hàm ý hậu duệ của mọi tinh túy từ nhà Đường.
Người Việt Nam tự nhận là Nam, đối lập với Trung Hoa là Bắc Triều, và coi vua nước Nam cũng là thiên tử.
Triều Tiên khiêm tốn nhất, chỉ nhận là “tiểu Trung Hoa”, chia sẻ nhãn quan vũ trụ Thiên Mệnh.
Luôn sợ bị lật đổ
Về mặt tích cực, thuyết Thiên Mệnh cho phép lật đổ vua chúa ‘trái mệnh trời’, tức công nhận các vụ giết vua.
Điều này tạo tính chính danh cho nhà Chu khi diệt vua Trụ.
Nhưng nó cũng khiến vua Trung Hoa luôn sợ bị lật đổ, nhất là sau khi Mạnh Tử nói ‘dân vi quý‘.
Chưa kể vì không có một bên thứ hai, như Giáo hội La Mã ở châu Âu thời xưa, làm trọng tài, thế nào là “vua sống đúng mệnh trời”, người ta phải mê tín.
Đầu tiên là mê tín về bản thân.
Những rối loạn xã hội – chuyện bình thường của vận động loài người -và các thiên tai đều bị giải thích là điềm xấu, là dấu hiệu vua “mất tín nhiệm của Trời“.
Điều này khiến Trung Hoa khá giống Đế quốc La Mã đa thần trước kỷ nguyên Ki Tô giáo.
Sau khi Hoàng đế Nero giết mẹ đẻ, Tacitus viết:
“Chim oan mang tin dữ đã đáp lên mái cung đình, nhà đổ vì động đất, người yếu bị đám đông cuồng nộ dẫm đạp.”
Thêm một trận hỏa hoạn to, thành Rome nổi loạn, Nero bị trục xuất khỏi cung điện và tự sát chết.
Nói như vậy để thấy tất cả sự phẫn nộ đến từ nhân dân trước hành vi sai trái của vua chúa thì Âu và Á đều giống nhau. Các điềm nọ, điềm kia chỉ là phần thêm vào.
Một hậu quả nữa của bệnh Thiên Mệnh là tính kiêu ngạo, chỉ cho mình là đúng.
Thay đổi triều đại là chuyện bình thường ở mọi nước, nhưng tại các xứ tin vào Thiên Mệnh, vua mới luôn tìm cách bôi nhọ ông vua cũ, gọi họ là “tà, nguỵ“.
Chuyện này không xảy ra ở châu Âu, vì người ta quan niệm đa số chính trị gia ai cũng như ai mà thôi, cũng phải tính toán, sát phạt, dối trá.
Thiên Mệnh không còn phù hợp
Vấn nạn Thiên Mệnh chỉ hết cho đến khi người ta nghĩ ra một ông Trời khác là cử tri.
Chính trị ngày nay khá đơn giản, chẳng ai quan tâm đến Trời.
Nếu được cử tri bầu lên thì cứ việc cầm quyền, còn bị rút lá phiếu thì về nghỉ.
Cách luân chuyển quyền lực này không có gì huyền bí, nhưng cũng đỡ nguy hiểm cho nhà lãnh đạo vì thua phiếu thì về nhà, không bị ai giết cả.
Các anh hùng của Thế Chiến 2 như Winston Churchill, Charles de Gaulle đều bị lá phiếu cử tri cho về nhà nghỉ một cách yên ấm.
Nguyên tắc số 3 -tính luân lý của quyền lực – và nỗi sợ ‘trái mệnh trời thì bị giết’ đã không còn là vấn đề của thế giới ngày nay.
Còn nguyên tắc 1 – tìm chính danh từ ông Trời – cũng đã được các nhà khoa học châu Âu và Trung Quốc giải thích.
Giang Hiểu Nguyên viết trong “Thiên Học Chân Nguyên” về nguồn gốc thiên văn học (astronomy) của tư tưởng Thiên Mệnh.
Nhà Chu hóa ra đã đem các thành tựu của thiên văn học, việc tìm ra lịch nông nghiệp, định hình các mùa thời ấy để lập thuyết chính danh của tân triều đại.
Một số học giả Trung Quốc cũng tin rằng Chu dùng hiện tượng sao chổi Halley xuất hiện năm 1057 trước Công nguyên để “nhận cho mình” Mệnh Trời.
Nhưng giới nghiên cứu Phương Tây đã tính lại rằng Halley Comet xuất hiện sau đó, không hề gần sự kiện Chu thắng Thương ở trận Mục Dã.
Tóm lại, như Peter Berger đánh giá thì đây là thể thức vũ trụ hóa quyền lực vua chúa (cosmization of the institution of kingship).
Những chuyện tương tự đã xảy ra với văn minh của người Maya, Ai Cập, các bộ tộc châu Phi, nên Mệnh Trời không có gì là độc đáo của Trung Quốc.
Chỉ có điều là nó vẫn còn sang cả thời hiện đại và tiếp tục tác động đến tư duy chính trị Trung Quốc.
Về lãnh thổ, Trung Quốc luôn viện dẫn lại lịch sử hàng nghìn năm để cho rằng họ đã làm chủ các vùng biển xa.
Dù các sách cổ Trung Quốc nhắc đến Nam Hải và việc tiến cống “ngọc trai” của các nhóm “Nam man”, các chi tiết đó không có gì chính xác về việc xác định chủ quyền như quan niệm hiện đại.
Chưa kể, Khổng Tử từng nói ‘thiên hạ vi công‘ (thiên hạ là của chung) và tinh thần này được Hugo Grocius nêu trong ‘Mare Liberum’ (The Freedom of the Seas, 1609), xác định rằng biển, đại dương là của tất cả mọi người.
Để biên giới trên biển, trên bộ ‘co giãn’ tùy sức mạnh quyền lực không phù hợp với các công ước hiện đại.
Mặt khác, tâm lý Thiên Mệnh khiến Trung Quốc rất khó khăn trong việc chấp nhận các quan hệ đa quốc gia (multi-state relations) một cách bình đẳng.
Chưa kể, tham vọng phải thu tất cả về cùng một gầm trời chỉ đang tạo ra vấn đề cho Trung Quốc ở Hong Kong và Đài Loan.
Raymond Dawson trong cuốn “The Chinese Experience” chỉ ra rằng tuy nhận là Con Trời, trên thực tế, hoàng đế Trung Hoa cũng…là người, chịu ràng buộc của mọi vấn đề thể chế, hệ thống quan lại.
Điều này khiến ông vua Trung Hoa rất nhiều khi chỉ dám “đe doạ ra tay” mà không dám làm, theo Dawson.
Vì bại trận có thể bị thiên hạ diễn giải là ‘điềm xấu’, khiến tính chính danh của vua tiêu biến và ông ta nhanh chóng bị lật đổ.
Thương chiến vì thế vẫn dùng dằng, cuộc đấu tranh giữa các quan niệm địa chính trị Mới và Cũ cũng chưa dứt.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-49637933
Trung Quốc sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn
ở Bãi Tư Chính?
Diễm Thi, RFALần đầu tuyên bố
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 18/9 nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, quyền chủ quyền và tái phán đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc cũng đồng thời yêu cầu Việt Nam lập tức dừng các hoạt động mà họ gọi là vi phạm đơn phương để lập lại sự yên tĩnh của vùng nước này. Ông Cảnh Sảng nói với các phóng viên rằng: “Kể từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương thực hiện việc khoan tìm khí đốt ở vùng nước ở Wan’an Tan (Bãi Tư Chính) của Trung Quốc, điều này đã vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của Trung Quốc…”
Bãi Tư Chính là một bãi ngầm nằm cách Vũng Tàu khoảng 160 hải lý và hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS). Bãi này cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 600 hải lý. Đây cũng là nơi diễn ra căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong suốt 3 tháng qua khi Trung Quốc liên tục điều tàu đến quấy nhiễu các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Theo Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, giới nghiên cứu và những người quan tâm đến Biển Đông, đến an ninh khu vực Đông Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương cũng như tình hình Việt Nam, không ai lấy làm lạ với “tuyên bố trắng trợn một cách ngông cuồng” của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng. Tuy nhiên, đây là lời cảnh cáo đầu tiên một cách trực tiếp và có địa chỉ, tức là nhắm vào Việt Nam, bởi ngay cả năm 2014, khi ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam và nói chuyện trước Quốc hội, ông Tập cũng không dám nói chuyện như ở những chỗ khác rằng Trung Quốc có chủ quyền ở Biển Đông từ thời cổ đại. Ông Phúc nhận định:
Lời tuyên bố của ông Cảnh Sảng đã chứng tỏ cho những ai còn mê ngủ, cho những ai còn ảo tưởng về tình hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc và cái “tình đồng chí thủy chung” như Tập Cận Bình và nhiều đời lãnh đạo Trung hoa cộng sản đã phát biểu trước đây. – Ông Đinh Kim Phúc
“Hành động tuyên bố của Cảnh Sảng cho thấy đây là một sức ép, một giọt nước cuối cùng. Tôi cũng thấy đó là một tin mừng vì lời tuyên bố của Cảnh Sảng nó là đáp số của bài toán “đại cục”, của tình hữu nghị Việt Trung, của “4 tốt 16 chữ vàng”.
Lời tuyên bố của ông Cảnh Sảng đã chứng tỏ cho những ai còn mê ngủ, cho những ai còn ảo tưởng về tình hữu nghị giữa Việt Nam-Trung Quốc và cái “tình đồng chí thủy chung” như Tập Cận Bình và nhiều đời lãnh đạo Trung hoa cộng sản đã phát biểu trước đây”.
Phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ hai nước từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ từ khoảng cuối những năm 1990 và đầu 2000. Theo phương châm này, hai nước cam kết tuân thủ “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”, và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu độc lập ở Singapore cho rằng bản chất của vấn đề là Trung Quốc có ba yêu sách lớn đối với Việt Nam cũng như đối với các nước đang có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, và bây giờ họ cứ thế mà thực hiện. Ông nêu cụ thể ba yêu sách:
“Thứ nhất, không bao giờ được áp dụng Công ước về luật biển 1982 của Liên Hiệp Quốc trong câu chuyện với Trung Quốc.
Thứ hai, không một nước nào trong các nước có tuyên bố chủ quyền, và cả các nước không có tuyên bố chủ quyền trong khối ASEAN được phép tập trận với một nước bên ngoài khu vực ấy mà không tham khảo ý kiến của Trung Quốc, hay không được sự đồng ý của tất cả các nước ASEAN còn lại.
Thứ ba, không được hợp tác khai thác tài nguyên (tài nguyên chứ không chỉ có dầu khí) ở trên vùng biển và vùng trời của toàn bộ Biển Đông khi không có sự đồng ý, đồng thuận của các nước ASEAN còn lại và của Trung Quốc.”
Với tư cách là một người dân trong nước, blogger Nguyễn Ngọc Già cho rằng đây là hậu quả do đảng cộng sản Việt Nam gây ra hàng chục năm qua, từ công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng cho đến mật ước Thành đô 1990 (mà tới giờ này vẫn trong vòng bí mật). Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai mà dựa vào đó Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc Trung Quốc.
Thành Đô là nơi diễn ra cuộc họp bí mật quan trọng giữa lãnh đạo hai nước vào năm 1990 để bình thường hóa quan hệ. Tuy nhiên cho đến giờ, nội dung thông tin về những thỏa thuận, nếu có, giữa hai bên vẫn chưa được chính phủ Việt Nam công bố.
Blogger Nguyễn Ngọc Già cũng nói rằng viện trợ của Trung Quốc cho Bắc Việt trong chiến tranh đã khiến Việt Nam ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Ông nói thêm:
“Yếu tố thứ hai chính là vấn đề nợ. Chắc chắn phía cộng sản Việt Nam có nợ phía cộng sản Trung Quốc.
Yếu tố thứ ba chính là chính sách sai lầm của người cộng sản Việt Nam sau này, cụ thể là “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Đó là một chính sách phản khoa học và nửa vời.
Yếu tố thứ tư là kế sách của binh pháp Tôn tử từ ngàn xưa, đó là kế vô trung sinh hữu – biến không thành có”.
Trong tuyên bố mới của mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng nói rằng vùng nước ở Bãi Tư Chính là thuộc quần đảo Trường Sa và do đó đương nhiên thuộc về Trung Quốc.
Việt Nam phải làm gì?
Đã hai ngày trôi qua kể từ phát biểu của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Cảnh Sảng, nhưng phía chính quyền Việt Nam hiện vẫn chưa có phát biểu chính thức nào về việc này. Học giả Đinh Kim Phúc nhận xét:
“Trong vấn đề Biển Đông, chính phủ Việt Nam có thái độ rất ngộ, đó là nói thì không làm mà làm thì không nói. Nó tạo ra sự nghi ngờ của nhân dân trước quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Nhà nước. Tôi nghĩ rằng lời phát biểu của Cảnh Sảng sẽ là động thái cuối cùng để cho cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam phải lên tiếng, để cho nhân dân thấy cái quyết tâm của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền.”
Trong một động thái khác, buổi tọa đàm khoa học “Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế” được Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) dự định tổ chức vào sáng ngày 22/9/2019 tại Hà Nội vừa bị hoãn đến sau ngày 5/10/2019.
Công văn thông báo do Viện trưởng viện PLD Hoàng Ngọc Giao ký hôm 20/9 cho biết viện đã nhận được công văn của Liên hiệp hội (cơ quan chủ quản) yêu cầu lùi ngày tổ chức tọa đàm. Lý do được công bố là: “Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019”
Là người được mời dự tọa đàm, ông Đinh Kim Phúc nhận định với RFA về lý do có thể liên quan đến việc lùi ngày tổ chức:
“Tôi nghĩ có lẽ các cơ quan chức năng Việt Nam ngại buổi tọa đàm này diễn ra trước ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10) thì sẽ mất đi tình hữu nghị, mất đi cái đại cục giữa Việt Nam và Trung Quốc”
Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận xét: “Tức là hiện nay ĐCSVN hoàn toàn tê liệt, hết sức phản kháng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc.”
Báo chí trong nước đến lúc này chưa có thông tin chính thức nào về những gì đang diễn ra Bãi Tư Chính những ngày gần đây và phát biểu của ông Cảnh Sảng. Tuy nhiên, ông Hà Hoàng Hợp nêu một phản ứng của Việt Nam hôm 28/8:
“Trước đây chưa bao giờ Việt Nam nói vùng đó không phải vùng tranh chấp, và cũng chưa bao giờ nói vùng đó là vùng tranh chấp, nhưng hôm 28/8 vừa rồi, Việt Nam nói rất rõ rằng ở đó không có vùng tranh chấp mà đó là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.”
Từ ngày 3/7 khi Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương 8 vào phía bắc bãi Tư Chính đến nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần đưa ra tuyên bố phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi vùng nước này.
Trung Quốc sẽ làm gì?
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 18/9 cũng khẳng định các hoạt động của Trung Quốc đối với vùng nước ở Bãi Tư Chính trong khu vực quần đảo Trường Sa là hoàn toàn hợp pháp và không thể tranh cãi. Ông Đinh Kim Phúc nêu quan ngại rằng, việc giữ chủ quyền của Việt Nam ở vùng Bãi Tư Chính nói riêng và trên vùng đặc quyền kinh tế tế Việt Nam nói chung rất quan trọng, vì nếu mất một khu vực thì vấn đề trên biển của Việt Nam sẽ mất tất cả, và đây là việc sống còn của Việt Nam.
Đây không chỉ về mặt kinh tế, về khai thác tài nguyên ở trong lòng biển, mà nó còn là an ninh của Việt Nam. Do đó đây là sức ép của Trung Quốc để xem Việt Nam trả lời và đối phó như thế nào.
“Riêng bản thân tôi thì tôi rất có lòng tin với việc bảo vệ chủ quyền đất nước của các lực lượng chức năng, nhất là của quân đội hiện nay nhưng “chiến tranh không phải trò đùa”. Và, trong gần ba tháng qua, Trung Quốc chủ yếu gây sức ép để cho Việt Nam nhượng bộ chứ Trung Quốc cũng không dám nổ súng và cũng không dám gây chiến tranh ở Biển Đông.”
Với Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nếu Việt Nam nhượng bộ thì Trung Quốc sẽ đi tiếp, mà không nhượng bộ thì Trung Quốc cũng sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn. Trung Quốc cũng không ngại có những hành động mạnh mẽ ngay trong tuần này và tuần tới, không cần phải đợi qua ngày Quốc khánh của họ.
Cũng theo ông Hà Hoàng Hợp, Trung Quốc đã đe dọa Việt Nam từ tháng 5, khi liên doanh PVN – Rosneft thuê tàu Nhật khoan mở rộng ở lô 6.01 ở vùng bãi Tư Chính và yêu cầu Việt Nam phải rút khỏi khu vực này.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/why-does-china-claim-sovereignty-and-jurisdiction-in-baituchinh-dt-09202019143248.html
TQ tập diễu hành
máy bay do thám siêu thanh không người lái
Cuối tuần qua, các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc lan truyền những video và hình ảnh cho thấy, hàng loạt vũ khí và thiết bị siêu thanh tàng hình lăn bánh vào trung tâm Bắc Kinh, diễn tập cho cuộc diễu hành kỷ niệm 70 năm Đảng Cộng sản Trung Quốc lên cầm quyền.Theo kênh ABC của Úc, cuộc diễn tập kéo dài 24 giờ và kết thúc vào sáng thứ Hai (16/9), các nhà quan sát trên các phương tiện truyền thông xã hội cho biết “bất ngờ lớn nhất từ trước đến nay” là một thiết bị giống như một chiếc máy bay không người lái kiểu mới mà Bắc Kinh đang nghiên cứu phát triển.
Nhà bình luận dân sự Xi Yazhou của guancha.cn tin rằng chiếc máy bay phía trên một chiếc xe tải trong buổi diễn tập là một chiếc máy bay do thám DR-8 siêu thanh (Wuzhen-8) chưa từng xuất hiện trước công chúng. Ông nói, hãng truyền thông nhà nước China Aviation News từng mô tả về một chiếc máy bay không người lái được thử nghiệm lần đầu vào năm 2015, có vẻ ngoài phù hợp với bức ảnh trong buổi diễn tập. Ông cũng cho biết chiếc máy bay này giống với máy bay do thám Lockheed SR-71 Blackbird của Mỹ.
Máy bay không người lái được chở trên chiếc xe tải tiến vào trung tâm Bắc Kinh. (Ảnh Weibo)
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) trích dẫn lời các nhà bình luận, xác nhận chiếc máy bay trong buổi diễn tập là DR-8, dự kiến đóng vai trò quan trọng nếu có xung đột với các nhóm tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông hoặc Tây Thái Bình Dương.
Rick Joe, nhà phân tích quân sự của tờ The Diplomat, đăng tải trên Twitter rằng: “Về mặt nào đó, chiếc máy bay này giống Lockheed D-21, máy bay không người lái do thám siêu thanh mà Mỹ đã ‘cho về hưu’ cách đây nửa thế kỷ”. Theo SCMP, Mỹ từng dùng D-21 do thám khắp Trung Quốc và trong quá trình hoạt động một số máy bay đã bị rơi.
Theo SCMP, ông Zhou Chenming, một nhà bình luận quân sự ở Bắc Kinh cho rằng, DR-8 có thể di chuyển nhanh hơn D-21, tốc độ tối đa khoảng 4.100 km mỗi giờ.
Một nhà bình luận khác tên là Shi Lao ở Thượng Hải cho biết, DR-8 có khả năng đi xa tới tận Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả đảo Guam. Nhà quan sát Dafeng Cao nhận xét trên Twitter rằngchiếc máy bay không người lái này là “bất ngờ lớn nhất từ trước tới nay”. Theo ấn phẩm quốc phòng The War Zone, không rõ DR-8 hiệu quả đến mức nào, thì việc Trung Quốc diễu hành chiếc máy bay cho thấy ít nhất nó cũng có hoạt động.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu nói, cuộc diễu hành “có lẽ” có máy bay tấn công tàng hình không người lái Sharp Sword, từng được thử nghiệm bay vào năm 2013. Tờ báo cũng đưa tin về các thiết bị quân sự khác trong cuộc diễn tập, bao gồm xe tăng Type 99A và Type 15, tên lửa đạn đạo liên lục địa Đông
Thông tin cho biết, khoảng 280.000 người tham gia cuộc diễn tập thứ hai của thủ đô trong bối cảnh thắt chặt an ninh. Một số điểm du lịch như Tử Cấm Thành đã đóng cửa đối với du khách. Một số khách sạn ở khu vực Quảng trường Thiên An Môn đã thi hành lệnh giới nghiêm trong thời gian diễn tập, không ai được ra vào trong khoảng 12 giờ liên tiếp. Bắc Kinh còn cấm thả diều, bồ câu và thiết bị bay không người lái trong những ngày kỷ niệm lễ quốc khánh.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/30490-tq-tap-dieu-hanh-may-bay-do-tham-sieu-thanh-khong-nguoi-lai.html
Quân đội TQ cải tổ toàn diện,
xây mộng siêu cường thế giới
Những chỉ trích về hiệu quả chiến đấu khiến quân đội Trung Quốc thực hiện chương trình cải cách sâu rộng, nhằm giành quyền lãnh đạo khu vực và thế giới.Kể từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc đã tiến hành tái cơ cấu mạnh mẽ lực lượng vũ trang. Theo kế hoạch đề ra, Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) phải được tối ưu hóa cơ cấu tổ chức theo yêu cầu của tình hình khu vực. Trong mấy năm, nhiệm vụ cải tổ cơ bản đã hoàn thành, PLA hiện tinh gọn về số lượng, hiệu quả chiến đấu tăng lên.
Bối cảnh cải tổ quân đội Trung Quốc
Nhu cầu chuyển đổi PLA đã được thảo luận và đánh giá trong vài năm trước. Tháng 1/2016, lãnh đạo Trung Quốc ra quyết định bắt đầu thực hiện quá trình cải cách này. Theo kế hoạch, đến năm 2020, công việc cải tổ phải được hoàn thành.
Lý do chính của cải cách xuất phát từ những chỉ trích kéo dài về cấu trúc của PLA. Theo đó, bộ máy vận hành của quân đội Trung Quốc vẫn theo cấu trúc của những thập niên trước, không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của quốc phòng hiện đại. Ngoài ra, các hiện tượng tham nhũng và tiêu cực khác diễn ra trong quân đội, đòi hỏi PLA phải được cải cách triệt để.
Công việc chuẩn bị cho cải cách quân đội Trung Quốc diễn ra vài năm. Trong thời gian này, hơn 850 diễn đàn và hội nghị đã được tổ chức, bàn luận về cấu trúc tương lai của PLA. Một cuộc khảo sát về nhân sự được thực hiện ở 700 đơn vị quân sự, đồng thời ý kiến của hơn 900 chỉ huy các cấp đã được thu thập.
Bắc Kinh đã phân tích, tổng hợp và áp dụng kinh nghiệm thực tế ở nhiều nước. Đặc biệt, giới lãnh đạo quân sự và chính trị Trung Quốc đã nghiên cứu kĩ lưỡng những thay đổi mới mất của Các lược lượng vũ trang Nga và quân đội Hoa Kỳ. Từ đó, Bắc Kinh có thể xác định hướng phát triển của PLA và đưa ra một chương trình cải cách rõ ràng.
Mục tiêu đầu tiên của cải tổ là thay đổi cơ cấu tổ chức của PLA, nhằm loại bỏ nạn tham nhũng và tệ nạn quan liêu, đồng thời thúc đẩy quá trình thực thi nhiệm vụ, xử lí công việc nhanh gọn. PLA cũng được lên kế hoạch tinh giảm lực lượng ở mức thấp nhất, tăng cường khả năng hiệu quả chiến đấu và duy trì lực lượng dự bị cần thiết. song song với quá trình đó, PLA cần được tái thiết vũ khí, khí tài hiện đại.
Cải cách cấu trúc Bộ Quốc phòng PLA
Tháng 1/2016, một quân lệnh được ban ra, nhằm mục đích tái cấu trúc bộ máy lãnh đạo cao nhất của PLA. Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục chính trị, Tổng cục hậu cần, Tổng cục vũ khí chuyển đổi thành 15 tổ chức mới với quy mô nhỏ hơn, trong đó có một số cơ quan quân đội lần đầu xuất hiện.
Một số cải tổ được tiến hành trong cấu trúc của Quân ủy Trung ương. Theo đó Ủy ban khoa học và công nghệ và Văn phòng hoạch định chiến lược thực hiện nhiệm vụ cải cách và hợp tác quân sự quốc tế. Các nhiệm vụ giám sát hành chính, tiến độ công việc được giao cho Văn phòng kiểm toán trực thuộc Quân ủy Trung ương.
Năm 2017, công việc tái cấu trúc các đơn vị hành chính quân sự được thực hiện. Quân đội Trung Quốc, trước đó được chia thành 7 quân khu, nay được sát nhập, chia thành 5 quân khu theo vị trí địa lý. Đó là Quân khu miền Tây, miền Đông, miền Bắc, miền Nam và Quân khu Trung tâm.
Thay đổi ở các đơn vị quân đội
Năm 2017, lực lượng mặt đất của PLA bao gồm 20 quân đoàn, mỗi quân khu có từ 3-5 cánh quân. Sau cải tổ, số lượng quân đoàn giảm xuống còn 13 quân đoàn. Ban chỉ huy tác chiến của các đơn vị PLA cũng được tái cơ cấu lại.
Quân khu Thẩm Dương trước đây có các sư đoàn số 16, 26, 39 và 40, bao gồm các lực lượng bộ binh, xe tăng và đội hình khác. Sau cải tổ, Quân khu Thẩm Dương hợp thành Bộ Tư lệnh Liên hợp miền Bắc, quản lý các sư đoàn 78,79 và 80. Các đơn vị này được cơ cấu bằng cách chuyển đổi và trang bị lại từ 4 sư đoàn trên.
Một quân đoàn PLA gồm có 6 lữ đoàn hỗn hợp, bao gồm bộ binh, xe tăng và các đơn vị mặt đất khác. Ngoài ra, PLA có 6 lữ đoàn hậu cần, các lữ đoàn pháo binh, phòng không, không quân và nhiều lực lượng khác. Bộ chỉ huy Quân khu miền Bắc trực tiếp kiểm soát 11 lữ đoàn biên giới và 4 lữ đoàn phòng thủ bờ biển.
Trang bị vũ khí, khí tài cho các lữ đoàn hỗn hợp là đặc điểm nổi bật của PLA. Trong mỗi lữ đoàn hỗn hợp có 2 tiểu đoàn xe tăng, mỗi đơn vị trang bị 40 xe; có hai tiểu đoàn bộ binh cơ giới, với 31 xe bọc thép ở mỗi đơn vị. Ngoài ra, mỗi lữ đoàn còn có một tiểu đoàn pháo binh (trang bị 36 khẩu pháo), một tiểu đoàn tên lửa phòng không (trang bị 18 hệ thống tên lửa).
Thay đổi của Lực lượng hạt nhân chiến lược
Trong bối cảnh cái cách chung của quân đội, Lực lượng hạt nhân chiến lược của PLA cũng có vài sự thay đổi. Đến cuối năm 2015, “Lực lượng pháo binh số 2” chịu trách nhiệm vận hành các hệ thống tên lửa mặt đất. Vào tháng 1/2016, tên gọi của lực lượng này được đổi thành “Lực lượng tên lửa Quân đội giải phóng nhân dân”.
Theo dữ liệu nước ngoài, việc tổ chức lại Lực lượng pháo binh số 2 thành Lực lượng tên lửa không gây ra bất cứ sự thay đổi lớn nào trong cơ cấu tổ chức. Lực lượng hạt nhân chiến lược này tăng lên về số lượng và có khả năng vượt xa một quân đoàn.
Lực lượng an ninh chiến lược
Lực lượng An ninh chiến lược của PLA có nhiệm vụ tác chiến điện tử trên không gian mạng. (Ảnh: Topwar.ru)
Kể từ năm 2016, một đơn vị mới đã xuất hiện trong cấu trúc PLA, đó là Lực lượng an ninh chiến lược. Lực lượng này chịu trách nhiệm thực hiện và ứng dụng công nghệ vô tuyến điện tử và công nghệ vũ trụ tiên tiến nhất. Sử dụng vệ tinh quân sự và các thiết bị điện tử. Lực lượng an ninh chiến lược này tiến hành trinh sát, thực hiện các hoạt động tác chiến trong không gian mạng và chống lại vũ khí điện tử của kẻ thù.
Lực lượng an ninh chiến lược sẽ quản lý hệ thống không gian vũ trụ và điều hành hệ thống mạng. Trong đó, bộ phận thứ nhất chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động cho vệ tinh quân sự và các thiết bị khác cả trên quỹ đạo và dưới mặt đất. Bộ phận thứ hai tham gia vào lĩnh vực chiến tranh mạng và tác chiến điện tử nói chung.
Vì những nhiệm vụ đặc biệt đó, Lực lượng an ninh chiến lược của PLA gây sự chú ý đối với tình báo nước ngoài. Tuy vậy, hoạt động của lực lượng này vẫn còn nhiều bí ẩn.
Kết quả của quá trình cải tổ PLA
Đầu năm 2019, Bộ chỉ huy PLA công bố các dữ liệu về kết quả chuyển đổi lực lượng mặt đất và toàn bộ lực lượng vũ trang. Theo báo cáo, các đơn vị không tham gia chiến đấu của PLA bị cắt giảm một nửa. Số lượng sĩ quan phục vụ của PLA giảm gần 30%.
Cũng theo báo cáo của PLA, lần đầu tiên trong lịch sử quân đội Trung Quốc, lực lượng mặt đất cắt giảm xuống dưới 50% tổng số quân của lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, con số chính xác đã không được đưa ra. Sau khi tinh giảm lực lượng, hiệu quả chiến đấu của PLA đã tăng lên.
Đánh giá chung về chương trình cải tổ quân đội Trung Quốc là khá tích cực. Trước hết, đó là đã tối ưu hóa các cấu trúc quản lý, phân chia nhiệm vụ và trách nhiệm giữa các đơn vị. Việc cắt giảm số lượng đơn vị và nhân viên quân sự mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Song song với cải cách nhân sự và đơn vị quân sự, PLA được trang bị nhiều loại vũ khí và khí tài mới, với nhiều tính năng cải tiến, nhằm tăng cường hiệu quả chiến đấu.
Một thay đổi quan trọng là thành lập “Lực lượng an ninh chiến lược”, giúp đơn giản hóa việc tiến hành các chiến dịch quân sự và hỗ trợ các lực lượng vũ trang khác nhau trong quá trình tác chiến. Việc chuyển đổi “Lực lượng pháo binh số 2” thành “Lực lượng tên lửa” không gây ra bất cứ tác động nghiêm trọng nào, bởi vì sự thay đổi chủ yếu gắn liền với việc phát triển kĩ thuật và công nghệ điện tử.
Kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc đã đúc rút những kinh nghiệm thực tế từ nhiều nước, đặc biệt là những thay đổi mới đây của quân đội Nga. Rõ ràng, Các Lực lượng vũ trang Nga chính là nguồn ý tưởng và giải pháp cơ bản cho chương trình hiện đại hóa PLA.
Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc hiện nay đã tinh gọn hơn, hiệu quả hơn. Những thay đổi cơ bản trên nhằm thực hiện chiến lược hiện tại của Bắc Kinh. Trung Quốc muốn giành vị trí lãnh đạo khu vực, sau đó trở thành siêu cường thế giới với những vũ khí mạnh nhất hiện nay.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30454-quan-doi-tq-cai-to-toan-dien-xay-mong-sieu-cuong-the-gioi.html
Tại sao Đảng Cộng sản TQ phải ‘đấu tranh’?
Trong bài phát biểu tại buổi tập huấn cho các lãnh đạo trẻ tại Trường Đảng Trung ương vào ngày 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình nói về những thách thức to lớn mà đất nước và Đảng Cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt. Ông đã sử dụng cụm từ “đấu tranh” lên tới 56 lần.Trong bài phân tích trên Hong Kong Free Press (HKFP) ngày 10/9, nhà nghiên cứu về Trung Quốc, ông David Bandurski cho biết, từ ngữ ông Tập chọn dùng, không phải “thách thức”, “thử thách” hoặc “chướng ngại”, mà là “douzheng” (斗争) có nghĩa là “đấu tranh”, một từ hàm chứa lịch sử chính trị đau thương, gợi lại cuộc nội chiến “đấu tranh chống kẻ thù” đã từng xé rời xã hội Trung Quốc trong những năm 1960 – 1970.
Ông David Bandurski nhận xét, “đấu tranh” không phải chỉ đơn thuần kêu gọi cần đoàn kết hướng tới các mục tiêu chung, hoặc một thái độ hành động, mà còn là lời cảnh báo về sự chia rẽ và tiềm ẩn thương vong. Do đó, đây là việc đáng lưu ý, vì khi lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc viện đến từ “đấu tranh” trong bối cảnh hiện nay thì cần phải hiểu rằng, lựa chọn diễn ngôn của các lãnh đạo cấp cao thuộc ĐCSTQ không bao giờ mang tính ngẫu nhiên hay tùy tiện.
Ông Tập chưa từng “đấu tranh” nhiều như thế này. Tân Hoa Xã thống kê, trong bài phát biểu của chủ tịch Tập, từ “đấu tranh” được lặp lại 56 lần. Với sự kiện này, ông Bandurski phân tích như sau:
“Đấu tranh” – một thông điệp nội bộ cứng rắn?
Ở một cấp độ nào đó, “đấu tranh” của ông Tập đề cập đến những thách thức khách quan mà Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm thương chiến Mỹ – Trung đang diễn ra, tăng trưởng kinh tế chững lại, tham vọng bá chủ toàn cầu của Trung Quốc vấp phải đối kháng quốc tế sâu sắc, những căng thẳng dai dẳng về chủ quyền ở Hồng Kông, Biển Đông và Tân Cương. Trước đó, tờ Nhân dân Nhật báo đưa tin về những “đấu tranh” trong thời ông Tập đã làm rõ hơn những điểm này.
Ở cấp độ khác, có khả năng ông Tập đang phải đối mặt với những cuộc đấu tranh thực sự của chính mình trong nội bộ Đảng khi cố gắng giải quyết những thách thức to lớn kể trên. Việc lựa chọn ngôn từ của ông Tập có thể là một thông điệp cứng rắn gửi đến những đảng viên chống lại sự lãnh đạo hay các mục tiêu của ông.
Vì vậy, từ “đấu tranh” trong bài phát biểu cũng có thể là đang ám chỉ những cuộc đấu tranh khốc liệt trong nội bộ ĐCSTQ.
Một đoạn trong bài báo của Tân Hoa Xã về bài phát biểu ngày 3/9 của Chủ tịch Tập Cận Bình, với những từ “đấu tranh” được bôi màu (ảnh: China Media Project/ Hongkongfp).
Cho đến nay, trong toàn bộ nhiệm kỳ của ông Tập Cận Bình, khái niệm “đấu tranh” đã trở lại với sự kịch tính và được chính thức hóa trong bài diễn văn tại trường đảng. Bài phát biểu không chỉ sử dụng từ “đấu tranh”, mà sử dụng cả cụm từ “đấu tranh vĩ đại” – “weida douzheng” (伟大斗争), cụm từ này rất hiếm khi được thấy trong lịch sử các bài diễn văn của ĐCSTQ.
HKFP ghi nhận từ các nguồn tin và bình luận rằng, bài phát biểu tại trường đảng là “lần đầu tiên ông Tập trình bày có hệ thống về khái niệm đấu tranh vĩ đại”. Trên thực tế, ông Tập là nhà lãnh đạo duy nhất trong kỷ nguyên cải cách làm điều này.
Giang Thanh, người vợ thứ tư của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông (trái). Giang Thanh là một trong “Tứ nhân bang” của Cách mạng Văn hóa Trung Quốc (ảnh: Wikipedia).
Đấu tranh giữa “kẻ thù cùng hàng ngũ”
Kể từ khi Tứ nhân bang, hay còn gọi là Bè lũ 4 tên (cụm từ ĐCSTQ gọi nhóm Giang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Phó Thủ tướng thứ hai Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Phó chủ tịch thứ hai Vương Hồng Văn) bị bắt và xét xử, và Trung Quốc bắt đầu chính sách cải cách mở cửa vào những năm 1978-1979, chưa có lãnh đạo cấp cao nào từng sử dụng cụm từ “đấu tranh vĩ đại” nhằm biểu thị các thách thức bên ngoài hay đấu đá chia rẽ nội bộ bên trong. Nhưng ông Tập Cận Bình đã làm như vậy trong bài phát biểu ngày 3/9, với mật độ sử dụng từ “đấu tranh” dày đặc.
Theo số lượng bài viết mà Nhân dân Nhật báo xuất bản từ năm 1976, vào giai đoạn cuối của Cách mạng Văn hóa, ông David Bandurski chỉ ra, từ “đấu tranh” thể hiện một bối cảnh chính trị đau đớn và dai dẳng. Khi ấy, cuộc “đấu tranh vĩ đại” nhắm thẳng vào các kẻ thù của Mao Trạch Đông, những người bị quy là “cánh hữu”, và chống lại “chủ nghĩa đế quốc” Mỹ.
Chẳng hạn như vào ngày 1/10/1976, vài tuần sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, vài ngày trước khi Chủ tịch Hoa Quốc Phong ra lệnh bắt Tứ nhân bang, tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải trên trang số năm bài viết có tiêu đề bôi đậm: 批邓、反击右倾翻案风的伟大斗争促进电影事业发
(tạm dịch: Cuộc đấu tranh vĩ đại phê bình Đặng Tiểu Bình, phản đối khuynh hướng cánh hữu phát triển công nghiệp điện ảnh), bài viết nói về việc phát hành nhiều bộ phim chủ đề chống cánh hữu nhân dịp Quốc khánh.
Đến tháng Tư năm sau, 4 tháng trước khi Đặng Tiểu Bình khôi phục chức vị tại Đại hội Đảng toàn quốc năm 1977, cuộc đấu tranh nhắm vào Tứ nhân Bang lại tiếp tục. Tờ Nhân dân đăng bài báo có tiêu đề: 把揭批“四人帮”的伟大斗争进行到底 (tạm dịch:Tổng lực tiến hành cuộc đấu tranh vĩ đại phơi bày và phê bình Tứ nhân bang).
Trong năm 1979, có nhiều bài báo khác nhau đề cập đến cuộc “đấu tranh vĩ đại” vạch trần Tứ nhân bang. Nhưng về sau, khi Trung Quốc cải cách mở cửa, cụm từ “đấu tranh vĩ đại” đã biến mất suốt hơn ba thập niên. Trong gần 35 năm, từ “đấu tranh vĩ đại” cuối cùng chống Tứ nhân bang đến sự xuất hiện lần đầu tiên của cụm từ “đấu tranh vĩ đại” dưới thời ông Tập, tờ Nhân dân cũng chỉ xuất bản các bài báo về cụm từ này trong mối tương quan với duy nhất hai sự việc kể trên.
Đấu tranh trong thời ông Tập
Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Tập, đỉnh điểm là vào năm 2017, cụm từ “đấu tranh vĩ đại” được sử dụng trong 374 bài viết trên tờ Nhân dân, một phần do vai trò của cụm từ này trong Đại hội Toàn quốc lần thứ 19 diễn ra vào cuối năm. Trong khoảng thời gian 5 năm, cụm từ này xuất hiện trong bối cảnh các cuộc chống tham nhũng, hoặc lạm bàn về sự “cai trị nghiêm khắc của Đảng”. Cụm từ này cũng xuất hiện giữa các thời điểm cảnh báo về các rủi ro cũng như mối đe dọa nội tại và quốc tế.
Vào tháng 2/2017, ông Mạnh Kiến Trụ (Meng Jianzhu), người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương đã viết một bài báo lặp lại báo cáo chính trị năm 2012, nói rằng “Tổng bí thư Tập Cận Bình đang tập trung thực hiện một cuộc ‘đấu tranh vĩ đại’ với nhiều khía cạnh mới mang tính lịch sử”.
Đại hội toàn quốc lần thứ 19 vào tháng 11/2017, “đấu tranh vĩ đại” đã được phát huy thành một cụm từ tuyên truyền mới, trong đó nhóm “Tứ đại” (四个伟大) gồm: Đấu tranh vĩ đại xây dựng đất nước (伟大斗争); Thúc đẩy những dự án lớn (伟大工程); Phát huy thành tích vĩ đại (伟大事业); Giấc mơ lớn (伟大梦想) nói về giấc mộng Trung Hoa của ông Tập trong “công cuộc trẻ hóa người dân Trung Quốc”. Tuy nhiên, “công cuộc trẻ hóa vĩ đại” chỉ có thể thành tựu nếu Đảng vẫn đoàn kết quanh trụ cột Tổng bí thư Tập.
Tờ Nhân dân vào ngày 7/11/2017 đăng tải một bài viết của ông Vương Kỳ Sơn, người đứng đầu chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của ông Tập, có nội dung: “Quản trị toàn diện và nghiêm khắc của Đảng đảm bảo sự vững chắc cho các thay đổi mang tính lịch sử. Nếu Đảng ta tiến hành một cuộc đấu tranh vĩ đại, xây dựng các dự án lớn, phát huy những thành tựu to lớn và hiện thực hóa giấc mơ lớn thì phải tuân thủ vô điều kiện sự quản trị toàn diện và nghiêm khắc của Đảng”.
Cao trào sử dụng cụm từ tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 cho thấy, dường như “đấu tranh vĩ đại” đã đến hồi kết vào năm 2019. Nhưng cho tới nay, cụm từ này đã xuất hiện trong 105 bài báo của tờ Nhân dân, thậm chí còn tăng mạnh trong 4 tháng cuối năm khi Trung Quốc kỷ niệm 70 năm thành lập, chưa kể những thách thức và trở ngại thực tế mà ông Tập phải đối mặt, bao gồm cuộc khủng hoảng địa chính trị ở Hồng Kông, những tai ương kinh tế và thương mại.
Ông David Bandurski kết luận, bài phát biểu về “đấu tranh” của ông Tập hôm 3/9 là một dấu hiệu quan trọng, nhưng không phải bởi tính bất thường hay gây ngạc nhiên trong việc sử dụng cụm từ, mà bởi vì cụm từ đã được bình thường hóa và trở thành một phần trong kết cấu chính trị của thời đại Tập Cận Bình. ĐCSTQ lại một lần nữa là đảng đấu tranh, tự thân kích động những vấn đề đất nước phải đối mặt.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30488-tai-sao-dang-cong-san-tq-phai-dau-tranh.html
‘Điềm xấu’ với kinh tế TQ
Rẻ, không mất nhiều thời gian chuẩn bị và dễ nấu, mỳ ăn liền đã từ lâu là thực phẩm tiện dụng số một ở Trung Quốc.Báo Trung Quốc Shanghaiist đăng tin, mỳ ăn liền đã từ lâu là bữa phụ được ưa chuộng của nhiều sinh viên, lao động nhập cư và khách đi tàu khắp Trung Quốc. Kỳ lạ là, mỳ ăn liền có thể là yếu tố then chốt để nắm bắt hướng đi của nền kinh tế quốc gia đông dân hàng đầu thế giới.
Hiện, doanh số bán mỳ ăn liền của Trung Quốc đang tăng vọt sau một thời gian trồi sụt trong các năm vừa qua. Từ 2000 tới 2011, số lượng mỳ ăn liền bán ra tăng từ 17,8 tỷ gói lên 42,5 tỷ gói.
Tuy nhiên, từ năm 2013 tới 2016, số lượng mỳ ăn liền bán ra đã sụt giảm từ 46,2 tỷ gói xuống còn 38,5 tỷ gói. Sự sụt giảm này được cho là tốt với kinh tế Trung Quốc và bắt nguồn từ việc các ứng dụng giao hàng tại các thành phố lớn nở rộ, giúp khách hàng có thể đặt mua thức ăn giá rẻ tới tận cửa nhà. Ngoài ra, điều đó cũng có nghĩa là người tiêu dùng nhìn chung có thu nhập cao hơn, cho phép họ mua thực phẩm chất lượng hơn.
Tuy nhiên, sau 5 năm tụt dốc, lượng mỳ ăn liền bán ra lại tăng lên, với doanh thu của ngành này tăng 7% trong nửa đầu năm nay, theo truyền thông Trung Quốc.
Tín hiệu trên khiến nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng đó có thể là điềm báo cho thấy kinh tế sẽ suy thoái.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/30503-diem-xau-voi-kinh-te-tq.html
Trung Quốc: Phóng viên phải ‘‘thi trắc nghiệm’’
về lòng trung thành với chế độ
Trọng ThànhKể từ đầu tháng 10/2019, 10.000 phóng viên và tổng biên tập Trung Quốc sẽ buộc phải trải qua « một trắc nghiệm mang tính thí điểm », để chứng tỏ lòng trung thành với chế độ, với tư tưởng của chủ tịch Tập Cận Bình. Sau đợt thử nghiệm này, chính quyền sẽ tổ chức các kỳ sát hạt quốc gia, và thẻ nhà báo sẽ chỉ được cấp cho những ai thi đỗ.
Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :
« Tương tự như trường hợp đa số các doanh nghiệp lớn của Nhà nước, nhà báo làm việc cho các cơ quan truyền thông Nhà nước cũng không thoát khỏi quy định chung này. Cụ thể là họ phải thuộc lòng những lời chỉ dạy của chủ tịch Trung Quốc mới có cơ hội thăng tiến trong nghề.
Theo nhật báo South China Morning Post, các bài trắc nghiệm về lòng trung thành trên một ứng dụng trên điện thoại di động, mang tên « Xuexi Qiangguo » (Học tập cường quốc), liên quan trước hết đến các cơ quan truyền thông mạng, và khoảng 10.000 nhà báo ở Bắc Kinh. Ứng dụng « Xuexi Qiangguo » – với tư tưởng Tập Cận Bình được số hóa – được ví với cuốn « Mao tuyển mới » (tức cuốn sách nhỏ màu đỏ có kích thước bằng bàn tay, tuyên truyền cho tư tưởng Mao trước đây, từng được ấn hành hàng trăm triệu bản).
Đợt trắc nghiệm này diễn ra trước các kỳ thi mà tất cả các nhà báo sẽ phải trải qua. Cơ quan tuyên huấn đã chuẩn bị các bài thi, với một ứng dụng được khai trương từ tháng Giêng năm nay. Trong số năm môn học của chứng chỉ ‘‘về chủ nghĩa xã hội mang mầu sắc Trung Hoa’’ dành cho giới truyền thông, ít nhất sẽ có hai môn dành cho tư tưởng chính trị của chủ tịch Trung Quốc, và một môn về chủ nghĩa Mác.
Các đồng nghiệp Trung Quốc cho biết, trên thực tế, một số trắc nghiệm trên giấy kiểu này đã được tiến hành cứ ‘‘hai, ba năm một lần’’ trong nội bộ một số tòa soạn. Điểm mới ở đây là, theo một thông báo hồi tháng trước của cơ quan kiểm soát truyền thông của đảng Cộng Sản Trung Quốc, để được cấp thẻ nhà báo, các phóng viên sẽ phải vượt qua được các sát hạch. Vẫn theo chính quyền, những ai thi trượt có cơ hội thi lại ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190921-trung-quoc-phong-vien-phai-%E2%80%98%E2%80%98thi-trac-nghiem%E2%80%99%E2%80%99-ve-long-trung-thanh-voi-che-do
0 comments