Tin Biển Đông – 21/09/2019
Tàu Trung Cộng áp sát giàn khoan của Nhật ở Việt Nam
Tin Vietnam.- Ngày 21 tháng 9 năm 2019, trang Facebook Dự án Đại sự ký Biển Đông đã cập nhật diễn biến về tình hình nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Cộng tại khu vực Bãi Tư Chính như sau.
Vào lúc 11 giờ 30 phút cùng ngày 21 tháng 9, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng hầu hết những tàu hải cảnh đi theo hộ tống đã không còn nhìn thấy trên bản đồ AIS trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Trên bản đồ vệ tinh AIS chỉ còn thấy mỗi tàu hải cảnh 31302. Theo trang Dự án Đại sự ký Biển Đông thì đây không phải là lần đầu tiên tín hiệu vệ tinh AIS của tàu Hải Dương Địa Chất 8 không có tín hiệu vệ tinh. Tuy nhiên, lần “trú ẩn” này có thời gian lâu nhất, và đồng thời cũng là lần có nhiều tàu cùng “trú ẩn” theo.
Trước đó, vào tối ngày 20 tháng 9, tàu hải cảnh 3501 bật tín hiệu vệ sinh AIS duy nhất 1 lần, qua quan sát trên vệ tinh thì con tàu này dường như đang rời Đá Chữ Thập hướng về biển Việt Nam. Cũng trong tối ngày 20 tháng 9, trên bản đồ vệ tinh AIS cho thấy, tàu hải cảnh số hiệu 3308 chỉ cách giàn khoan Hakuryu 5 thuộc công ty khoan Nhật Bản phối hợp với tập đoàn Dầu khí Việt Nam khoan thăm dò dầu tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam khoảng 4 đến 5 hải lý. Đến khoảng 1 giờ 24 phút ngày 21 tháng 9, nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã xuất hiện trở lại trên bản đồ vệ tinh AIS.
Sự kiện lúc ẩn, lúc hiện trên được trang Dự án Đại sự ký Biển Đông dự đoán nguyên nhân như sau: Thứ nhất là việc tắt AIS để có thể dễ bề gây hấn. Thứ hai, việc Trung Cộng tắt AIS để có thể gây khó khăn cho việc theo dõi của cộng đồng Việt Nam và quốc tế. Và thứ 3 là có thể nhóm tàu Trung Cộng âm thầm rút về.
An Nhiên
TQ “vừa ăn cướp, vừa la làng” ở Biển Đông
Hôm 18/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc bằng hành động đơn phương khai thác dầu khí trong khu vực Bãi Tư Chính, nơi đang xảy ra đối đầu căng thẳng giữa lực lượng hải giám Việt Nam và tàu bè Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định khu vực Bãi Tư chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển quốc tế và nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút các tàu xâm phạm.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn của Trung Quốc, khẳng định Bắc Kinh có chủ quyền tại Trường Sa và quyền chủ quyền, quyền tài phán tại khu vực Bãi Tư Chính và những quyền này được đảm bảo bằng cơ sở lịch sử và pháp lý.
“Từ tháng 5 năm nay, phía Việt Nam đã đơn phương tiến hành hoạt động khoan dầu khí ở Bãi Vạn An của Trung Quốc, xâm phạm nghiêm trọng quyền lợi của Trung Quốc“, ông Cảnh nói.
Ông Cảnh tuyên bố như trên khi trả lời câu hỏi của phóng viên về bình luận của ông đối với việc Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống của Trung Quốc ra khỏi vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhóm tàu này quay trở lại khu vực đối đầu gần bãi tư chính vào hôm 13/8, sau khi rút đi vào ngày 7/8.
Trước đó trong cuộc họp báo hôm 16/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố Hà Nội mạnh mẽ phản đối việc Trung Quốc “tái diễn vi phạm nghiêm trọng” vùng biển nằm hoàn toàn trong quyền chủ quyền và tài phán của Việt Nam theo các điều khoản trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển. Bà Hằng nói bất cứ hành động nào can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam là vi phạm luật quốc tế.
Đáp trả tuyên bố này, ông Cảnh Sảng khẳng định việc Việt Nam cho khai thác dầu khí ở “Bãi Vạn An” (tên Trung Quốc gọi Bãi Tư Chính) từ tháng 5 năm nay đã vi phạm thỏa thuận song phương, trong đó có Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam với Trung Quốc; vi phạm Điều 5 trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông; và vi phạm các điều khoản liên quan trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
“Phía Việt Nam phải ngừng ngay lập tức các hoạt động xâm phạm đơn phương của mình và khôi phục sự bình yên cho các vùng biển liên quan.” ông Cảnh nhấn mạnh.
“Các hoạt động của Trung Quốc ở những vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở biển Đông là hợp pháp, chính đáng và không có gì phải giải thích. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Việt Nam để giải quyết đúng đắn các vấn đề liên quan thông qua trao đổi hữu nghị”.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên khoảng 90% diện tích của biển Đông và dựa vào một căn cứ mơ hồ của cái gọi là “quyền lịch sử”, xâm phạm vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Căng thẳng Việt – Trung bùng lên trên biển Đông vào đầu tháng 7, khi một tàu khảo sát của Trung Quốc cùng các tàu hải cảnh vũ trang khác tiến vào khu vực Bãi Tư chính, nơi nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, và là nơi Việt Nam đặt giàn khoan. Lực lượng của Việt Nam cũng có mặt để theo dõi tàu bè Trung Quốc; hai bên không xảy ra xung đột nghiêm trọng. Các nhà quan sát ghi nhận tàu hải giám Trung Quốc cũng tiến hành quấy rối hoạt động khai thác dầu của Việt Nam, khiến Mỹ và các nước khác bày tỏ quan ngại Trung Quốc muốn âm mưu chiếm trọn nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Đông.
0 comments