Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 03/09/2019

Tuesday, September 3, 2019 7:43:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 03/09/2019

Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son

nhận hối lộ nhiều tỷ đồng có bị tử hình?

Tin Vietnam.- Truyền thông trong nước ngày 3 tháng 9 năm 2019 loan tin, kết luận điều tra của bộ công an cộng sản Việt Nam cho biết, ông Nguyễn Bắc Son và, ông Trương Minh Tuấn, 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông bị đề nghị truy tố vì những sai phạm liên quan đến thương vụ mua bán AVG.
Theo đó, ông Son khai nhận, vào năm 2015, khi còn tại chức, ông Son đã nhận hối lộ số tiền 3 triệu Mỹ kim của Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG. Sau khi nhận tiền, ông Son đưa cho con gái mình khoảng 10 lần, mỗi lần 300,000 đến 400,000 Mỹ kim. Ngoài ra, vào dịp lễ, tết ông Son còn nhận tiền của cựu tổng giám đốc Mobifone số tiền 200 triệu đồng; và 200,000 Mỹ kim của ông Lê Nam Trà, cựu chủ tịch Hội đồng thành viên Mobifone. Ngoài ra, Tết âm lịch năm 2016, ông Trà đã biếu ông Son số tiền 700,000 Mỹ kim, trong đó có 500,000 Mỹ kim là tiền ông Trà nhận từ Vũ. Sau khi nhận số tiền trên của riêng phía Mobifone, đến nay ông Son khi nộp lại số tiền 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả.
Cũng liên quan đến vụ án trên, ông Trương Minh Tuấn sau khi lên thay vị trí ông Son cũng đã kiếm được 200,000 Mỹ kim. Ông Tuấn xin nộp lại 2,12 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Theo Điểm a, Khoản 4, Điều 345 của Bộ luật hình sự 2015 về tội “Nhận hối lộ”, thì số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên thì khung hình phạt là từ 20 năm tù giam, chung thân hoặc tử hình.
Thông tin trên đã khiến cho dư luận Việt Nam hả hê. Vì trước đó, ông Son từng lên báo tuyên bố những người dùng facebook nói xấu đảng cộng sản, nhà cầm quyền thì cần phải bị nghiêm trị. Trương Minh Tuấn  cũng “ghi dấu ấn” không kém, khi xúi người dân ăn cá nhiễm độc ở Formosa Hà Tĩnh. Bi hài hơn khi ông Tuấn từng ra mắt cuốn sách “Phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/truong-minh-tuan-va-nguyen-bac-son-nhan-hoi-lo-nhieu-ty-dong-co-bi-tu-hinh/

Con gái ông Nguyễn Bắc Son

phủ nhận việc nhận 3 triệu USD từ bố

TTO – Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai được Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD, số tiền này đã đưa cho con gái khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 – 400.000 USD. Tuy nhiên, con gái ông Son lại phủ nhận lời khai này của bố.
Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son ‘đạo diễn’ thương vụ AVG để nhận triệu đô như thế nào?
Thương vụ AVG: Cựu bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD
Khởi tố 5 lãnh đạo MobiFone liên quan vụ AVG
Theo kết luận điều tra vừa được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành, sau khi hoàn thành dự án Mobifone thanh toán 95% giá trị hợp đồng cho AVG, ông Phạm Nhật Vũ đến nhà riêng ông Nguyễn Bắc Son tại phố Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đưa cho ông Son 3 triệu USD.
Đối chất giữa ông Son và con gái số tiền 3 triệu USD
Ông Son nhận thức việc ông Vũ đưa tiền vì cựu bộ trưởng đã chỉ đạo thực hiện xong dự án mua cổ phần của AVG.
Ông Son khai sau khi nhận tiền đã đưa cho con gái là Nguyễn Thị Thu H. khoảng 10 lần, mỗi lần 300.000 – 400.000 USD nhưng không có tài liệu gì chứng minh.
Cơ quan điều tra đã làm việc với con gái ông Son để làm rõ lời khai trên.
Làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Thu H. thừa nhận có ra Hà Nội thăm bố mẹ vài lần. Ông Son cùng vợ cũng vào TP.HCM thăm con gái nhưng không nhớ rõ thời gian cụ thể.
Bà H. khai không nhận bất cứ khoản tiền nào từ ông Nguyễn Bắc Son. Cơ quan điều tra đã cho đối chất. Kết quả, bà H. vẫn giữ nguyên lời khai không nhận tiền.
Kết luận điều tra cũng xác định căn cứ tài liệu chứng cứ và lời khai những người liên quan chưa có chứng cứ và tài liệu trực tiếp chứng minh việc Nguyễn Thị Thu H. nhận và sử dụng tiền của ông Son.
Do vậy, “không đủ căn cứ xử lý hình sự đối với bà Nguyễn Thị Thu H.”.
Đề nghị xem xét tình tiết giảm nhẹ cho 2 cựu bộ trưởng
Cơ quan điều tra xác định ngoài tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” thì hành vi nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ của ông Son đã phạm vào tội “Nhận hối lộ” quy định tại Khoản 4 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cơ quan điều tra cũng cho rằng quá trình điều tra, ông Son đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, hợp tác với cơ quan công an.
Quá trình công tác, cựu bộ trưởng có nhiều thành tích được tặng thưởng bằng khen, giấy khen và hiện ông Son đang điều trị bệnh tim mạch và huyết áp.
“Hậu quả của hành vi làm trái đã được khắc phục hoàn toàn, ngoài ra ông Nguyễn Bắc Son có mong muốn nộp khắc phục số tiền nhận từ Vũ. Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi lượng khung hình phạt đối với ông Nguyễn Bắc Son”, kết luận điều tra nêu.
Tuy nhiên, cũng theo kết luận điều tra, ông Son xin nộp số tiền hơn 500 triệu đồng trong tài khoản cá nhân để khắc phục hậu quả. Cơ quan điều tra đã phong tỏa tài khoản số tiền này.
Tương tự, cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn khai nhận từ Phạm Nhật Vũ số tiền 200.000 USD. Cũng giống như ông Son, cơ quan điều tra cho rằng bị can Tuấn đã thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong quá trình công tác.
Do đó, cơ quan điều tra cũng đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Trương Minh Tuấn.
Đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với bị can Phạm Nhật Vũ
Phạm Nhật Vũ – với vai trò là chủ tịch HĐQT của AVG, là đại diện giao dịch 95% cổ phần của AVG – vì mong muốn bán được cổ phần nên đã đã đề nghị các ông: Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải là những người có chức vụ, quyền hạn để dự án được hoàn thành.
Quá trình đàm phán, Vũ không hứa hẹn sẽ đưa tiền, sau khi hoàn thành việc ký kết hợp đồng, thanh toán tiền, Phạm Nhật Vũ đã đưa tiền cho 4 cá nhân trên. Hành vi của Vũ đã phạm vào tội “đưa hối lộ” quy định tại khoản 4 điều 364 Bộ luật Hình sự hiện hành.
Quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.
Bị can Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ tiền đã nhận kèm lãi, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Kết luận điều tra cũng nêu gia đình Vũ có công với cách mạng, ngoài ra ông Vũ có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hội chất độc da cam, bom mìn… và các hoạt động an sinh xã hội.
Do đó, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với Phạm Nhật Vũ.
Thân Hoàng – Hoàng Điệp
https://tuoitre.vn/con-gai-ong-nguyen-bac-son-phu-nhan-viec-nhan-3-trieu-usd-tu-bo-20190903152054737.htm

Thảm sát tại Hà Nội: Xã hội VN ngày càng lạnh lùng?

Vụ sát hại người thân xảy ra hôm 1/9 tại Hà Nội làm dấy lên câu hỏi có phải xã hội đang ngày càng lạnh lùng hơn và đạo đức đang xuống cấp.
Hôm 1/9, mạng xã hội lan truyền video một người đàn ông đang đâm chém túi bụi khiến nhiều người gục tại chỗ. Nhiều báo Việt Nam sau đó cũng có bài viết và hình ảnh hiện trường.
Hung thủ sau đó được xác định là ông Nguyễn Văn Đông (sinh năm1966, xã Hồng Hà, Hà Nội). Năm nạn nhân là em trai ruột, vợ em trai và các cháu, trong đó 4 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương nặng.
Trong các hình ảnh và video được đăng tải, có thể thấy khi vụ việc xảy ra, nhiều người đứng xung quanh chứng kiến trực tiếp nhưng không có ai can ngăn, cũng không có bóng dáng cảnh sát. Hung thủ sau khi ra tay bình thản ngồi uống trà trong khi chờ công an tới.
Những gì đã biết về vụ bé trai trường Gateway tử vong
Hà Nội với cờ, lồng chim và Ngã Tư Tự Do
Lối thoát nào cho người Việt bên lề xã hội Campuchia?
Nguyên nhân mâu thuẫn ban đầu được xác định là do tranh chấp đất đai. Hai anh em ông Đông thường xảy ra cãi vã liên quan đến vấn đề này. Hôm xảy ra án mạng, em trai ông Đông vừa làm lễ đào móng khởi công xây nhà thì ông Đông lao đến đâm chém túi bụi.
Khai tại cơ quan công an, ông Đông nói đêm trước đó không ngủ được vì nghĩ đến mâu thuẫn với cháu trai (là con của em trai) nên sáng hôm sau đã mang theo dao sang nhà em trai. Ban đầu ông Đông chỉ định sát hại cháu trai, nhưng sau đó do không kiểm soát được hành động nên đã giết hại cả gia đình.
Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra vụ việc.
Đây không phải là lần đầu tiên các vụ thảm sát như vậy xảy ra giữa những người thân trong gia đình. Tuy nhiên cách những người chứng kiến phản ứng khi sự việc xảy ra khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Đạo đức xuống cấp
Facebooker Hoàng Nguyên Vũ viết: “Tiền bạc trên tình thân: nhân phẩm băng hoại.”
“Vì 5m2 đất mà người anh sát hại cả nhà em trai mình với 4 nhân mạng. Sát hại xong, hắn ta vẫn ngồi ung dung uống nước như không có chuyện gì, hoặc rất hả hê vì đã trả thù được cho cái cảm xúc hơn thua kinh rợn mà đến cả thú vật cũng không thể làm được như thế.”
“Nó trở thành một dẫn chứng đau đớn nhất cho rất nhiều vụ hành xử đặt quyền lợi lên trên tình thân, chà đạp lên máu mủ ruột rà, dù quyền lợi đó,có khi chỉ là những điều rất nhỏ nhặt. Nó khiến đạo đức băng hoại, nhân cách suy đồi, và đang trở thành những chuyện không hề lạ lẫm trong cuộc sống hôm nay.”
“Có lẽ đã đến lúc ta nên dùng một thước đo khác để đo lại cái gọi là tình thân thực sự trong đời là gì, kể cả với những người có chung ruột rà huyết thống. Rằng những điều thiêng liêng đó có còn quan trọng với họ không khi mà vì tiền, họ sẵn sàng huỷ hoại hết những điều đó và xem như tình thân chưa từng tồn tại?”
“Toà án, ngày nào chẳng vài vụ kiện tụng anh em giành giật nhau đất thừa kế, chị em lôi hết cái nọ cái kia ra đấu nhau chỉ vì mấy cây vàng mẹ để lại sau khi mất? Anh em chia chác đất đai lệch nửa mét cũng mặt sưng mày sỉa từ đấy nhà này nói xấu nhà kia, bằng mặt không bằng lòng.”
“Bạn muốn biết anh em có thực sự thương mình đúng nghĩa không, cứ thử đụng vào quyền lợi của nhau. Người dưng nước lã đụng vào quyền lợi có chuyện còn dễ hiểu, nhưng người thân, khi chạm vào quyền lợi mà quên cả tình thân, thì xin thưa, họ đơn thuần chỉ là người cùng dòng máu với mình, không phải người thân vì đâu còn tình thân nữa, để gọi là người thân?”
“Để mất tình thân, mới là thứ mất mát lớn nhất cuộc đời. Người thân mình mà còn để mất, thì trên đời này còn cái gì mà chúng ta không để mất?”
Facebooker Đàm Ngọc Tuyên: ”Từ vụ thảm sát, nhìn lại xã hội Việt Nam hôm nay, đạo đức xã hội đã suy đồi, thoái hóa vượt đáy. Để truy tìm căn nguyên của vấn đề này, thật chi tiết, cụ thể, thì ắt hẳn cần phải tốn nhiều thời gian, chữ nghĩa hơn, và người viết buộc phải am hiểu, thông tường xã hội Việt Nam trong nhiều thập kỉ.”
”Tuy nhiên, bao trùm lên tất cả, nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho xã hội Việt Nam bây giờ đầy rẫy bạo lực, đạo đức xã hội xuống cấp, những thước đo giá trị con người dùng để điều chỉnh, ngăn ngừa những hành vi sai trái (kể cả tội ác) đang dần biến mất, nhường chỗ cho giá trị vật chất lên ngôi, tất cả đều đến từ thể chế chính trị khiến cho những nền tảng cơ bản nhất về luân thường đạo lý của con người bị triệt tiêu. Với chủ nghĩa tam vô: vô tổ quốc, vô tôn giáo (đức tin giúp con người hướng thiện), vô gia đình, dối trá và độc ác như chủ nghĩa CS này, thì thử hỏi làm sao đạo đức xã hội không đi xuống kia chứ?!”
“Những ngày “Lễ” ở Việt Nam bây giờ, thì đi kèm với chết chóc bởi tai nạn giao thông, nhậu nhẹt đánh nhau gây thương tích. Năm nay cũng vậy, mà còn có chiều hướng gia tăng theo từng năm.”
Facebook Lê Anh Đạt: ”Chỉ vì tranh chấp 0,5m vuông đất giáp ranh, Nguyễn Văn Đông (53 tuổi, quê Đan Phượng, Hà Nội) đã chém chết 4 người trong gia đình em trai (1 người đang trong tình thế nguy kịch). Những người thân chết thảm trên đất nhà, bởi người thân, vào một ngày không có gì đặc biệt. Thật không thể diễn tả được sự bàng hoàng của người chứng kiến.”
”Dù mâu thuẫn nhỏ, nhưng tranh chấp đất đai và tình cảm luôn có thể gây ra các cuộc đại chiến. Hóa giải mâu thuẫn trong tranh chấp là cả một sự nỗ lực, kiên nhẫn, bình tĩnh tìm cách khôn ngoan, đôi khi là cả nghệ thuật giao tiếp, ngoại giao, để thoát khỏi chết chóc, chiến tranh. Không ai có thể cẩu thả, nỏng nảy với những xích mích trong lĩnh vực này vì khả năng bùng phát không kiềm chế nổi luôn thường trực. Đặc biệt, sống cạnh người hàng xóm bao lực, bất lương, nham hiểm hay lấn chiếm đất đai, hay gây hấn, mà cứ hơi tí dọa dùng vũ lực thì tai họa sẽ khó lường, mạng sống của mình và người thân chưa chắc đã đảm bảo chứ chưa nói bảo vệ được đất đai.”
Sự ‘lạnh lùng’ của cộng đồng?
Facebook Nguyễn Thùy Dương: ”Xem cái clip anh giết cả nhà em trai vì tranh chấp đất. Ngoài sự dã man của người anh, tôi còn thấy sự dã man của hàng xóm. Các vị hoàn toàn có thể khống chế tên đồ tể kia bằng gậy dài và các vị là một tập thể. Cái tôi nhìn thấy là một tập thể khá đông !!!! Đôi khi sự yếu hèn của bản thân cũng là một loại tội ác”.
Facebook Nguyễn Xuân Sơn đặt câu hỏi trong suốt thời gian xảy ra vụ án, công an ở đâu?: “Một trong những lí do tôi cho là vụ án này kinh khủng hơn so với những vụ xả súng ở Mỹ, khi số người chết còn nhiều hơn, vì nó xảy ra giữa những người có quan hệ ruột thịt. Và kinh khủng hơn nữa, hung thủ còn chém đi chém lại nhiều lần.”
”Thật vậy, kẻ thủ ác chém một lượt cả nhà người em ruột hắn, rồi xách dao về nhà hắn. Sau đó, khi người dân đưa các nạn nhân ra xe taxi đi cấp cứu, kẻ thủ ác lại quay lại, và chém những nạn nhân thêm một lần nữa. Theo Vnexpress, cho đến khi xe cấp cứu tới, kẻ thủ ác còn cầm dao rượt chém các bác sĩ.”
”Vậy thì suốt trong thời gian đó, các anh công an ở đâu?”
”Chúng tôi đóng thuế nuôi các anh để các anh làm gì? Các anh hăng hái bắt người biểu tình chống quân xâm lược Trung Quốc. Bản thân tôi, năm 1979, cũng bị các anh bắt, và đánh, thậm chí còn chuẩn bị giết, chỉ vì các anh tưởng tôi vượt biên, và chỉ muốn tróc nã tiền, vàng. Ngoài những việc ấy thì các anh làm gì? Các anh đã ở đâu khi người đàn ông kia cầm dao, chém đi chém lại những người ruột thịt của ông ta, rồi lại rượt chém các bác sĩ, và bình thản ngồi uống nước chờ các anh đến?”
Bạn đọc Lê Khải (Vietnamnet): ”Tôi đang băn khoăn nếu trong trường hợp đó có người dũng cảm vào ngăn chặn Đông cứu các nạn nhân nhưng không may làm Đông chết thì có bị xử lý không? Quả thật trong trường hợp đó, tôi tin có người đủ khả năng chấm dứt hành động của Đông nhưng chắc chắn làm hắn bị thương nặng hoặc mất mạng nên mọi người sợ liên lụy thôi. Rất mong được tư vấn để giả sử có trường hợp như vậy sau này mọi người còn “dám” dũng cảm.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49561039

Viện Kiểm Sát: Tội phạm an ninh quốc gia

 tăng trong năm 2019

Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp hôm 3/9/2019 cho biết: ‘tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng đến 58,8% trong năm 2019’.
Ngoài ra lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao còn nhấn mạnh, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và nhà nước ta, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Cũng theo Viện Kiểm sát, số vụ án mới khởi tố trong các nhóm tội phạm khác cũng tăng như tội phạm về ma tuý, tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, tội phạm về trật tự xã hội và tội phạm về tham nhũng…
Báo cáo của Viện kiểm sát cũng cho biết đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án trong lĩnh vực đầu tư công. Nhiều vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế với quy mô lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tiếp tục xảy ra nhiều vụ giết người mất nhân tính và nhiều vụ vi phạm an toàn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tin cho biết trước đó, theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật 2019 do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày cũng đưa ra nhận định: ‘các thế lực thù địch, phản động gia tăng hoạt động chống phá nước ta, hoạt động công khai, manh động, quyết liệt hơn. Hoạt động của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia có chiều hướng gia tăng’
Ông Vương cho biết, không gian mạng, nhất là mạng xã hội đang bị các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm triệt để lợi dụng hoạt động chống phá.
Trong những năm qua, biện pháp đàn áp các tiếng nói đối lập của chính quyền Việt Nam được nhận định tăng lên rất nhiều, nhiều người bị bắt trên khắp các địa phương, địa phương nào cũng có người bị bắt liên quan các vụ án chính trị, địa phương nào cũng có tù nhân lương tâm, số lượng tù nhân lương tâm tăng vọt trong những năm qua. Đặc biệt, mức án đối với các tù nhân lương tâm cũng tăng nặng.
Đơn cử trường hợp nhà hoạt động bảo vệ môi trường và lên tiếng cho các vấn đề xã hội Lê Đình Lượng, bị tuyên án 20 năm tù vào ngày 16 tháng 8 năm 2018.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/national-security-crime-increases-in-2019-09032019073419.html

6 lãnh đạo của SAGRI bị kỷ luật

Ủy ban Kinh tế Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách và cảnh cáo đối với 6 lãnh đạo và cựu lãnh đạo của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI).
Ủy ban Kinh tế Trung ương vào ngày 3 tháng 9 cho biết thông tin vừa nêu. Cụ thể, 4 lãnh đạo của Sagri nhận hình thức kỷ luật khiển trách bao gồm bà Lê Thị Phượng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bảo vệ Thực vật Sài Gòn), bà Nguyễn Thị Thu Ngoan (Phó Tổng Giám đốc), ông Tống Ngọc Dương (nguyên Thành viên Hội đồng Quản trị) và bà Nguyễn Thị Thanh An (Kiểm soát viên chuyên trách Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên).
Hai cựu lãnh đạo nhận hình thức kỷ luật cảnh cáo bao gồm ông Hồ Văn Ngon (nguyên Phó Tổng Giám đốc) và ông Nguyễn Văn Trực (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên và hiện là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
6 cán bộ lãnh đạo của Sagri nêu danh trên đây vừa bị kỷ luật do đã có vi phạm, khuyết điểm trong một số dự án liên quan đất đai tại Quân khu 9 và dự án Cụm Công nghiệp Láng Le-Bàu Cò cùng Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy giết mổ gia súc tại Củ Chi.
Trước đó trong tháng 7, Cơ quan Cảnh sát Điều Tra, thuộc Bộ Công an (C01) khởi tố và bắt tạm giam 3 cựu nhân viên lãnh đạo của SAGRI trong vụ án “vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại công ty này.
Ba cựu lãnh đạo của SAGRI bao gồm ông Lê Tấn Hùng (cựu Tổng Giám đốc), ông Vân Trọng Dũng (cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên) và bà Nguyễn Thị Thúy (cựu kế toán trưởng) bị khởi tố và tạm giam theo tội danh tại khoản 3, Điều 219 Bộ Luật Hình sự VN năm 2015.
Riêng ông Lê Tấn Hùng, em trai của cựu bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, vào hạ tuần tháng 8 còn bị khởi tố thêm tội tham ô tài sản theo điều 353 – Bộ luật Hình sự 2015.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/six-former-and-current-leaders-of-sagri-disciplined-09032019081500.html

Nguyên Tư lệnh Quân Chủng Hải Quân VN

bị chính phủ kỷ luật

Nguyên Tư Lệnh Quân Chủng Hải Quân Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, ông Nguyễn Văn Hiến, bị thủ tướng chính phủ Việt Nam ra quyết định xóa tư cách nguyên tư lệnh Quân chủng Hải Quân.
Quyết định vừa nêu được ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký; theo đó hình thức kỷ luật được đưa ra vì ông Nguyễn Văn Hiến- nguyên thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, nguyên tự lệnh Quân Chủng Hải Quân đã có những vi phạm, khuyết điểm rất nghiêm trọng trong thời gian giữ chức vụ Tư lệnh Quân Chủng Hải Quân; và Bộ Chính trị, đảng cộng sản Việt Nam cũng đã có quyết định thi hành kỷ luật về đảng đối với ông Nguyễn Văn Hiến.
Theo quyết định của Bộ Chính Trị, đảng cộng sản Việt Nam thì trong thời gian giữ cương vị phó bí thư đảng ủy, Tư lệnh quân chủng Hải Quân, ông Nguyễn Văn Hiến phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng của Ban thường vụ đảng ủy trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải Quân quản lý, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Quân Chủng Hải Quân và trách nhiệm cá nhân về vi phạm, khuyết điểm ở hai nội dung chính.
Đó là thực hiện không đúng thẩm quyền, vi phạm các qui định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng đối với 10 khu đất quốc phòng. Thứ hai là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của đáng ủy Quân  chủng Hải quân, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong công tác quản lý, sử dụng các khu đất quốc phòng.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-fr-nav-ad-de-09032019084551.html

Xác minh thông tin

một phụ nữ tố bị sàm sỡ dưới tầng hầm chung cư

TTO – Chị M. tố trong lúc đang đứng dưới tầng hầm gửi xe B2 thuộc tổ hợp chung cư Mipec Long Biên (Hà Nội) thì bị một người đàn ông say xỉn sàm sỡ, ‘quấy rối’ và hành hung.
Sau nhiều vụ sàm sỡ trong thang máy, cư dân chung cư lo chuyện camera
Sàm sỡ trong thang máy: Sửa luật để đủ sức răn đe
Ngày 3-9, Công an phường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết đang tiến hành xác minh thông tin người phụ nữ tố bị một người đàn ông sàm sỡ trong tầng hầm chung cư trên địa bàn.
Theo đó, tối 2-9, Công an phường Ngọc Lâm có tiếp nhận đơn tố cáo của người phụ nữ tên L.H.M. (28 tuổi) về việc bị một người đàn ông say xỉn sàm sỡ, quấy rối tình dục tại tầng hầm B2 tổ hợp chung cư – thương mại Mipec Long Biên.
Theo đơn tố cáo của chị M., khoảng 21h50 phút ngày 2-9, chị đi xe máy đến gửi tại tầng hầm B2 chung cư Mipec Long Biên (phường Ngọc Lâm quận Long Biên, Hà Nội).
Lúc này, bất ngờ có một người đàn ông khoảng 50 tuổi tiến lại gần và có hành vi sàm sỡ, sờ vào bụng và vùng kín của chị. Toàn bộ sự việc được camera giám sát an ninh của hầm gửi xe ghi lại.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, gia đình chị L.H.M. đã báo Ban quản lý chung cư, đồng thời làm đơn trình báo đến Công an phường Ngọc Lâm.
Qua trích xuất hình ảnh camera cho thấy sau khi bị sàm sỡ, chị M. phản ứng và được hai người phụ nữ cùng gửi xe tại tầng hầm B2 tới giúp đỡ.
Tuy nhiên, khi 3 người này tiến lại gần thì bị người đàn ông biến thái chỉ trỏ vào mặt và vung nắm đấm vào người một phụ nữ mặc áo trắng.
Công an phường Ngọc Lâm cho biết đã lấy lời khai của chị L.H.M. và người đàn ông có hành vi sàm sỡ nêu trên.
Hiện vụ việc đang được Công an tiếp tục điều tra.
Danh Trọng
https://tuoitre.vn/xac-minh-thong-tin-mot-phu-nu-to-bi-sam-so-duoi-tang-ham-chung-cu-20190903211245864.htm

Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ

không thể là ‘tham nhũng vặt’

Hoài Vũ
Trước băn khoăn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khẳng định vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ không thể là “tham nhũng vặt”.
Chiều 3/9, thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm năm 2019 của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho biết báo cáo “nhập chung” các vụ tham nhũng với một loạt tội phạm kinh tế. Vì thế, đọc thì thấy rất ít tội phạm tham nhũng, trong khi nhận định của nhiều cơ quan chức năng và cử tri thì tội phạm này còn nhiều.
“Như vụ thanh tra Bộ Xây dựng bị khởi tố ở Vĩnh Phúc, chúng ta nói là ‘tham nhũng vặt’ nhưng không có nghĩa là không nghiêm trọng. Nhập vào như vậy thì ít ỏi quá, nhân dân sẽ nghĩ chưa phản ánh hết tình hình”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu TP.HCM cũng nêu thực tế một số vụ rất to nhưng khi xử lại là tội “Cố ý làm trái”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn” chứ không thấy tội tham nhũng. Chỉ có vụ AVG nhân dân đang chờ đợi thì thấy có, còn nhiều vụ nằm trong diện của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương cũng không thấy hành vi này.
“Như vụ đánh bạc qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng. Thực sự như vậy hay khó quá không điều tra ra?”, ông Nghĩa đặt câu hỏi.
Nguyên Chánh tòa Hình sự Nguyễn Đức Sáu cho biết trong việc điều tra tội phạm, phá những vụ án tham nhũng, những vụ án cờ bạc lớn, đến giờ phút này mới có bị can thừa nhận đã nhận hối lộ tới 3
triệu USD (cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khai nhận 3 triệu USD từ thương vụ MobiFone mua AVG – PV), còn xưa nay không có.
“Đây là kết quả của quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng và thu thập chứng cứ tốt, giỏi”, ông Sáu chia sẻ.
Làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga giải thích vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải “tham nhũng vặt”. Theo bà, tham nhũng vặt là nhũng nhiễu, còn tham nhũng được quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự, từ 2 triệu đồng trở lên là có cơ sở truy tố.
“Riêng vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ mấy trăm triệu thì không thể là tham nhũng vặt”, bà Nga tái khẳng định.
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho biết người dân và cử tri “kêu lắm”, nếu không có chính sách, giải pháp hiệu quả thì mỗi lần tiếp xúc cử tri, dân phản ánh rất nhiều.
“Chưa được lót tay thì chưa xử lý, chưa có phong bì, phong bao thì chưa thể xử lý công việc, cứ để vậy. Đây là điều mà Chính phủ biết, có đánh giá, có nêu, có chỉ đạo nhưng vấn đề là xử lý thế nào”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) nhân thảo luận vấn đề về tội phạm tham nhũng cũng đặt câu hỏi liên quan đến vụ Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”), rằng đến khi nào mới xử lý được vụ Vũ “Nhôm” liên quan đến dự án Đa Phước.
“Tôi nhận ủy thác của Bí thư Thành ủy, đề nghị các đồng chí quan tâm đến vụ này, sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế xã hội của TP trong thời gian sắp tới”, ông Sơn nói.
https://news.zing.vn/vu-thanh-tra-bo-xay-dung-nhan-hoi-lo-khong-the-la-tham-nhung-vat-post986028.html

Cảnh báo việc Việt Nam

nêu số tăng GDP hào nhoáng 25,4%

PGS. TS. Phạm Quý ThọGửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế Tổng sản lượng quốc nội (GDP) là phạm trù kinh tế được hầu hết các quốc gia trên thế giới sử dụng. Nó luôn được các nhà kinh tế hoàn thiện trong quá trình áp dụng thực tế.
Chính trị hoá GDP là vấn đề phức tạp. Các chính khách, hoặc bằng kỹ thuật hoặc cố ý, có thể làm sai lệch số liệu có lợi cho mục đích cầm quyền. Ngoài ra, những nhược điểm vốn có của phạm trù này, dù được chỉ ra về mặt lý thuyết và luôn được hoàn thiện trong thực tế, nhưng có vẻ tiếp tục là cơ sở thúc đẩy chính trị hoá.
Đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi từ tập trung sang thị trường, trong đó có Việt Nam, vấn đề còn phức tạp hơn, khi GDP còn là chỉ báo cho tính chính danh của chế độ.
Việt Nam đang đánh giá lại GDP, mới có kết quả sơ bộ, nhưng đã gây tranh luận nóng. Liệu tác động có thể là ‘lợi bất cập hại’? Liệu có thể hạn chế việc chính trị hoá chỉ tiêu này?
Tác động ‘lợi bất cập hại’
Mới đây, trong cuộc họp Giao ban báo chí ngày 27/8/2019, Tổng cục Thống kê cho biết quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã từng công bố chính thức.
Nghĩa là GDP năm 2017 tăng từ 220 tỷ USD lên 275 tỷ USD. Như vậy, ước tính đến nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD và GDP bình quân đầu người nhờ đó tăng lên ngưỡng 3.000 USD, thay vì 2.590 USD, năng suất lao động cũng tăng cao tương ứng với tỷ lệ tăng GDP khi số lao động không đổi.
Cơ sở pháp lý của việc đánh giá lại GDP là Quyết định số 715/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 16/8/2019 ông Tổng cục trưởng đã cho biết rằng với phương pháp tính hiện tại phù hợp với thông lệ quốc tế việc đánh giá lại quy mô GDP lần này được bổ sung thông tin từ Tổng Điều tra, chủ yếu là từ cơ quan thuế, trong đó bao quát thêm khoảng 76000 doanh nghiệp trước đây chưa được tính.
Theo tôi, không nên tuyên truyền đơn giản đó là ‘một việc làm bình thường’, mà cần coi là lần đầu tiên ‘đánh giá lại’ nên cần thận trọng tính đến tác động không nhỏ và nhiều mặt khi tính toán và chính thức công bố số liệu GDP ‘mới’.
Trước hết, số liệu này ‘kích hoạt’ bệnh thành tích của nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương, vốn đã và đang là ‘dấu ấn’ trong các báo cáo tình hình kinh tế xã hội hàng năm, nhiệm kỳ. Theo đó, GDP báo cáo của các tỉnh, thành phố luôn cao hơn bình quân cả nước trong nhiều năm, đến hiện nay chưa được khắc phục.
Về mặt chuyên môn, giới chuyên gia đã lên tiếng lo ngại ‘dư địa lớn hơn’ của Chính phủ lớn trong điều hành chính sách, nếu bị lạm dụng có thể dẫn tới mất cân đối cho nền kinh tế.
Đó là việc vay nợ có thể tăng lên trong điều kiện nợ công, nợ doanh nghiệp đang ở mức cao, khó trả và thu ngân sách hiện nay phần lớn để trả nợ, xoá nợ xấu.
Chẳng hạn, nợ công hiện ở ngưỡng 58,4% GDP sẽ điều chỉnh về dưới 50%. Nếu khống chế tỷ lệ nợ bằng 60% GDP, thì dư địa sẽ là rất lớn.
Việc chi tiêu thường xuyên từ ngân sách, cho hệ thống chính trị cồng kềnh, trong đó bộ máy hành chính, đang rất khó tinh giản. Ngoài ra, đầu tư công có thể được ‘khuyến khích mở rộng’ trong điều kiện hiệu quả còn thấp và tham nhũng chưa thể ngăn chặn. Tỷ lệ đóng góp với các tổ chức quốc tế của Việt Nam sẽ tăng lên trong khi nguồn thu không đổi…
Sẽ chưa đầy đủ, nếu chưa tính đến ‘phản ứng’ của các cơ quan chức năng khi chia sẻ số liệu và tâm lý, thói quen, việc điều chỉnh sử dụng chúng trong nghiên cứu của giới chuyên môn và các địa phương.
Rõ ràng việc sử dụng các số liệu này để hoạch định chính sách trung và dài hạn trong tương lai sẽ gặp khó khăn khi GDP được đánh giá lại tăng lên hơn 25%!
Có thể liệt kê nhiều tác động ‘lợi bất cập hại’ khác.
VN: Liệu Đại hội Đảng 13 sẽ có khác biệt?
VN: ‘Bãi Tư Chính’ và Cơ hội thoát Trung
VN: Lãnh đạo có lắng nghe phản biện chính sách?
Niềm tin thay vì bệnh thành tích
Cán bộ lãnh đạo của bộ máy hiện hành được ‘khích lệ’ bởi bệnh thành tích vì sự thăng tiến và đặc quyền, đặc lợi. Tuy nhiên, nếu đặt lợi ích vì sự thịnh vượng của đất nước và nhân dân thì cải tổ nói chung và trong ‘trường hợp này’ nói riêng cần hướng tới lấy lại niềm tin thay vì bệnh thành tích.
Bởi vậy, các khuyến nghị chủ yếu cho tình hình, như phân tích ở trên, có thể là:
Thứ nhất, cần đề cao vai trò độc lập của cơ quan Thống kê, không chỉ bởi vì năng lực tính toán số liệu được nâng lên tạo cơ sở niềm tin cho các hoạt động điều hành hay nghiên cứu khác, mà còn đảm bảo ‘không chịu sức ép’ nào từ cấp trên về việc ‘bóp méo’ số liệu hợp với màu sắc quyền lực chính trị. Trong điều kiện Đảng Cộng sản lãnh đạo toàn diện, và lập pháp, tư pháp và hành pháp chỉ là các cấu thành phụ thuộc, chỉ là phân công, phân nhiệm, cũng cần có sự lựa chọn quá độ phù hợp. Chẳng hạn, cơ quan thống kê nên để trực thuộc Quốc hội, thay vì Chính phủ như hiện nay.
Thứ hai, Quốc hội cần được tăng cường năng lực làm luật và vai trò giám sát độc lập đối với Chính phủ trong việc thực hiện các chính sách bằng các nghị quyết về điều chỉnh các chỉ tiêu pháp lệnh hiện hành liên quan, như tỷ lệ so với GDP, để đảm bảo các cân đối vĩ mô cho nền kinh tế. Ngoài ra, cần mở rộng sự tham gia các ý của chuyên gia, các tổ chức nghiên cứu độc lập, các doanh nghiệp và các tổ chức Mặt trận hay tổ chức nước ngoài có uy tín như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế Giới.
Từ khi GDP trở thành chỉ tiêu đo lường quan trọng, nó luôn được hoàn thiện bởi các nhà kinh tế vì mục tiêu ứng dụng thực tế. Họ không mệt mỏi tìm kiếm các mô hình để giải thích nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế.
Từ Mô hình D. Ricardo (1772-1823) với luận điểm cơ bản là đất đai sản xuất nông nghiệp là nguồn gốc của tăng trưởng, đến Mô hình R. Solow, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 1987, xác định rằng việc tăng vốn sản xuất chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn mà không ảnh hưởng trong dài hạn, tăng trưởng sẽ đạt trạng thái dừng và một nền kinh tế có mức tiết kiệm cao hơn sẽ có mức sản lượng cao hơn.
Và, gần đây, Paul M. Romer, được thưởng giải Nobel kinh tế năm 2018, đề xuất và chứng minh ý tưởng cho rằng chính bản thân tăng trưởng sinh ra tiến bộ kĩ thuật (chứ không phải ngược lại), có nghĩa rằng nguồn gốc của tăng trưởng là ‘nội sinh’ và tăng trưởng phụ thuộc vào vận tốc đã đạt được.
Người VN nhầm thái độ tiêu dùng và yêu nước?
Sách Trắng chẩn rõ bệnh của mô hình kinh tế VN
Cần lưu ý rằng các nhà kinh tế nổi tiếng này và các nghiên cứu của họ thuộc về thế giới các nước tư bản phát triển và nền kinh tế thị trường.
Các mô hình tăng trưởng, ‘sâu hay nông’ đều được giới thiệu trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo chủ yếu ở Việt Nam. Đáng tiếc, việc vận dụng chúng trong nền kinh tế chuyển đổi sang thị trường còn để lại nhiều khoảng trống để đề xuất các kiến nghị cho việc hoạch định chính sách.
Đối với Việt Nam, mức tăng trưởng GDP còn được coi là hình thức thể hiện tính chính danh của Đảng Cộng sản – chính đảng duy nhất lãnh đạo xã hội. Nó là tiêu chí để người dân đánh giá hiệu quả điều hành đất nước của chính quyền.
Động lực của tăng trưởng kinh tế phải dựa trên bốn nhân tố là nguồn nhân lực, nguồn tài nguyên, tư bản và công nghệ. Thể chế có vai trò quan trọng để kết hợp các nhân tố này, sự khác biệt thể chế ở mỗi quốc gia đưa đến kết quả khác nhau.
Năng lực lãnh đạo yếu kém làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường vì tăng trưởng, lãng phí nguồn nhân lực vì thiếu môi trường tự do và sáng tạo như thị trường lao động, cào bằng trong phân phối làm triệt tiêu động lực, mức độ ‘hấp thụ’ thấp về tư bản và công nghệ do tắc nghẽn cơ sở hạ tầng, pháp lý và thiếu các nguyên tắc cho thị trường vận hành.
Đó cũng chính là các nhược điểm của GDP mà lý thuyết tăng trưởng kinh tế đã chỉ ra.
Việc đánh giá lại GDP ở Việt Nam đang và sẽ là đề tài nóng.
Trong nền kinh tế chuyển đổi, ‘tranh tối, tranh sáng’ thì việc áp dụng GDP vào thực tế tiếp tục tạo ra các ý kiến khác biệt. Một trong những thách thức lớn nhất là tính công khai, minh bạch của việc lựa chọn và thực thi chính sách cải cách.
Cảnh báo về việc chính trị hoá GDP cần được giới lãnh đạo và giới nghiên cứu quan tâm.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách Công, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Việt Nam.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49566647

Hàng Việt Nam giá cao gấp đôi

hàng Trung Cộng nên khó cạnh tranh

Tin Vietnam.-  Báo Vnexpress ngày 2 tháng 9 năm 2019 loan tin, dù Trung Cộng đang phải gánh chịu thêm 10% thuế của Mỹ, nhưng hàng hoá Việt Nam vẫn khó cạnh tranh được với hàng Trung Cộng tại thị trường Mỹ.
Lý do là vì các công ty Việt Nam phải nhập cảng hầu hết các nguyên liệu thô từ các nước khác. Thí dụ như mẫu quần áo phản quang Việt Nam bán với giá FOB 55 Mỹ kim, trong khi Trung Cộng bán với giá 27 Mỹ kim. Hầu hết các nguyên liệu thô từ vải, mảnh phản quang Việt Nam phải nhập của Trung Cộng.
Theo các chuyên gia từ Fiin Group, dù có chiến tranh thương mại, nhiều khách hàng Mỹ vẫn giao dịch với đối tác Trung Cộng, hoặc các công ty ngoại quốc đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam chứ không phải các công ty Việt Nam. Thí dụ như dệt may là mặt hàng xuất cảng hàng đầu của Việt Nam vào Mỹ. Tuy nhiên, các công ty Việt Nam chỉ chiếm được một tỷ lệ nhỏ, còn lại là các công ty ngoại quốc đặt tại Việt Nam. Thí dụ như ở mặt hàng quần áo, công ty Việt Nam chỉ chiếm 16% giá trị xuất cảng trong tổng số toàn bộ quần áo xuất cảng sang Mỹ trong 12 tháng qua. Giá trị xuất cảng, nhập cảng của Việt Nam được ghi nhận là tăng tăng theo cấp số nhân, nhưng là do sự đóng góp chủ yếu từ các công ty có vốn đầu tư ngoại quốc.
Một số công ty của Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Cộng, và Đài Loan đặt nhà xưởng ở Việt Nam là để tận dụng ưu đãi của hiệp định thương mại FTA.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/hang-viet-nam-gia-cao-gap-doi-hang-trung-cong-nen-kho-canh-tranh/

CSVN sẽ không bao giờ kiện Trung Cộng

 về xâm phạm ở Biển Đông?

Tin từ Hà Nội, ngày 03/9/2019: Dường như chế độ cộng sản Việt Nam sẽ không bao giờ kiện Trung Cộng về những vi phạm lãnh thổ lãnh hải ở Biển Đông, kể cả những hành vi gây hấn ở khu vực Bãi Tư Chính từ đầu tháng 7 tới nay.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo VTC News ngày 31/8, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược (bộ công an) nói rằng giờ chưa là thời điểm để kiện Bắc Kinh, vì Trung Cộng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. NhưngTrung Cộng vẫn luôn là một trong 5 thành viên thường trực của LHQ,  điều đó có nghĩa là Hà Nội sẽ không bao giờ dám kiện Bắc Kinh.
Ông Cương đánh giá rằng những hành động gây hấn của Trung Cộng ở Bãi Tư Chính là hành vi leo thang ở cấp độ cao hơn những vi phạm chủ quyền của Việt Nam trong những năm trước đây, như vụ giàn khoan HD981 năm 2014.
Ông ta cũng cho rằng phản ứng của Việt Nam là đúng mực, bao gồm việc đưa tàu chiến ra ngăn chặn hành động vi phạm của tàu khảo sát Hải Dương 8 và Bộ Ngoại giao đưa công hàm phản đối.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích chính trị, Hà Nội cần có những hành động mạnh mẽ hơn, ít nhất là phải như triệu tập đại sứ Trung Cộng hoặc triệu hồi đại sứ từ Bắc Kinh.
Quốc tế cũng cho rằng Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Vì cho tới giờ, chỉ có Phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh là viên chức cao cấp nhất của chế độ có phát biểu phản đối hành vi xâm phạm của Trung Cộng.
Việt Nam vẫn giam giữ hàng chục nhà hoạt động chống Trung Cộng và sách nhiễu những người còn ở ngoài. Hà Nội, Sài Gòn và nhiều địa phương khác thường xuyên tổ chức hàng loạt cuộc diễn tập chống biểu tình ở quy mô lớn với sự tham gia của hàng nghìn cảnh sát, binh lính và dân phòng, để đối phó nếu dân chúng xuống đường.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/csvn-se-khong-bao-gio-kien-trung-cong-ve-xam-pham-o-bien-dong/

Luật dẫn độ Việt – Trung:

‘‘Tị nạn chính trị’’, điều đáng lo trước tiên

Trọng Thành
Ngày 26/08/2019, hãng tin Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội Trung Quốc, cơ quan đứng đầu lập pháp nước này, thông qua một dự luật về dẫn độ với Việt Nam. Về phía Việt Nam, hiện tại chính quyền chưa có thông báo nào về vấn đề này.
Trong thời gian gần đây, dự luật dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc gây nhiều lo ngại trong công luận. RFI đặt câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh (TP Hồ Chí Minh), ít ngày sau khi có tin phía Trung Quốc thông qua Hiệp định này.
Theo Luật sư Mạnh, điểm đặc biệt đáng lo ngại của luật này là có thể khiến chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm các quy định về nhân quyền quốc tế, khi trả về Trung Quốc những người « tị nạn chính trị », chạy trốn khỏi Hoa lục, do các đàn áp chính trị, tôn giáo hay sắc tộc. Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng khẩn thiết lưu ý tình trạng Việt Nam « khước từ một phần chủ quyền quốc gia », khi trả về Trung Quốc những công dân Trung Quốc phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến điều khiến « luật dẫn độ » ở Việt Nam đi ngược lại xu thế tiến bộ chung. Đó là Bộ Luật Hình sự « hết sức khe khắt » của Việt Nam (và Trung Quốc) khiến cho hiệp ước dẫn độ, nếu được thông qua, càng làm tăng thêm tính hà khắc của Bộ Luật Hình Sự, hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền của mỗi công dân được tham gia vào các công việc chung của đất nước.
***
RFI : Xin Luật sư cho biết sơ bộ về thông tin này.
LS Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là một luật sư, tôi quan tâm đến các vấn đề luật pháp, chính trị xã hội ở nước nhà, khi đọc tin này, tôi hết sức là bất ngờ. Tại vì hầu như là trong nước, chúng tôi chưa bao giờ được nghe đến Việt Nam và Trung Quốc từng ký một hiệp ước về vấn đề dẫn độ. Vậy thì cái văn bản đó như thế nào ? Nội dung thế nào ? Ký vào thời điểm nào ? Đến bây giờ mới biết hóa ra có một văn bản như vậy và Quốc Hội bên phía Trung Quốc họ đã thông qua.
Tình hình một điều ước mang tính quốc tế, có giá trị pháp lý (đối với Việt Nam) mà chúng tôi là người làm công tác pháp luật trong nước, mà không hề biết, không hề được thông tin, thì đây là một điều hết sức đáng nói.
RFI : Luật sư nhận định ra sao về sự im lặng của phía chính quyền Việt Nam ?
LS Đặng Đình Mạnh : Tôi cho rằng luật về dẫn độ đối với các quốc gia là điều bình thường, thế nhưng một luật dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chính trị hiện nay nói chung là khá tế nhị, trong đó có các tác động của câu chuyện Hồng Kông , nhất là khi người Hồng Kông vừa có các cuộc biểu tình rất lớn và kéo dài, chưa từng có tại vùng lãnh thổ Hồng Kông. Cũng liên quan đến luật về dẫn độ.
Tôi nghĩ là do tác động về chính trị nên phía Việt Nam đã có một sự dè dặt nhất định trong việc công bố thông tin về hiệp ước ký với Trung Quốc. Tôi tin là như vậy.
RFI : Luật dẫn độ giữa các quốc gia, nếu thực thi theo đúng luật pháp quốc tế, là một bước tiến. Như vậy trong trường hợp của Việt Nam, điều gì khiến trong dư luận có nhiều lo ngại ?
LS Đặng Đình Mạnh : Theo tôi, vấn đề lo ngại là chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trên thực tế, chuyện này không đáng lo. Lý do là thế này : Để thực hiện quyền tài phán của mình, quốc gia mà không có điều kiện thực hiện, họ phải đặt ra vấn đề dẫn độ. Và thường là, đối với những người mà có yêu cầu dẫn độ, thì thường là đã có hành vi vi phạm pháp luật tại Trung Quốc. Thế thì vấn đề này không phải là điều đáng lo đối với người dân Việt Nam đang sinh sống trong nước.
Tuy nhiên, có vấn đề đáng lưu ý khác, mà đáng lo, thường là liên quan đến vấn đề chính trị. Ví dụ như đàn áp về dân tộc, về tôn giáo… Mà theo tiêu chuẩn chung của thế giới, người ta không cho đó là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.
Vì Trung Quốc là nước quá khắt khe đối với các vấn đề đó, nên những người (Trung Quốc) khi bị áp bức như vậy họ có thể chạy sang nước khác, để lẩn tránh. Mà chúng ta gọi là « tị nạn chính trị ». Thế thì trong vấn đề tị nạn chính trị, chính quyền Trung Quốc có thể áp dụng luật dẫn độ này, mà Việt Nam đáp ứng, thì rõ ràng sẽ vi phạm quy định về nhân quyền của quốc tế. Lẽ ra là Việt Nam phải che chở những người này, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền, cụ thể nhất là vấn đề tị nạn chính trị. Nếu lo thì chỉ nằm trong phạm vi đó mà thôi.
RFI : Thế còn một lo ngại khác, liên quan đến việc người Trung Quốc phạm luật hình sự Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng, với luật dẫn độ này, chính quyền Việt Nam có thể dễ dàng không xét xử những người Trung Quốc phạm tội trên đất mình. Như vậy luật dẫn độ có thể khiến số vụ phạm tội hình sự của người Trung Quốc trên đất Việt Nam gia tăng.
LS Đặng Đình Mạnh : Điều đó có thể cũng đáng lo ngại. Nhưng sự lo ngại là không cần thiết. Bởi vì thật ra, dù có lo ngại hay không, thì điều đó đã từng xảy ra rồi, ngay cả trước khi chúng ta có thông tin về việc Quốc Hội Trung Quốc thông qua điều ước dẫn độ (với Việt Nam). Tức là, trong khi chưa có luật này, Việt Nam đã rất « hào phóng » thả những công dân Trung Quốc, khi họ vi phạm pháp luật Việt Nam, lại thả về Trung Quốc.
Chúng ta không thể biết được những người này khi trở về Trung Quốc có bị xét xử hay không. Ví dụ như trường hợp khoảng 300 người Trung Quốc bị bắt, vì có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở một tỉnh phía bắc. Diễn biến sau đó, chúng ta hoàn toàn không biết. Cái việc đó gọi là « dẫn độ », theo tôi, là không chính xác.
Hành vi của họ là vi phạm pháp luật, theo luật pháp Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam. Và nếu như vậy, quyền tài phán thuộc về Việt Nam. Việt Nam có toàn quyền xét xử những người này, để tuyên xử, chế tài họ. Chúng tôi đã từng có ý kiến : Chúng tôi rất bức xúc là không biết tại sao chúng ta lại đi khước từ cái quyền tài phán của mình, trong khi cái quyền tài phán đó là một trong các phần quyền thể hiện chủ quyền quốc gia.
Việc chúng ta thả tội phạm về chính quốc của họ rõ ràng là như vậy chúng ta đang khước từ một phần của chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
RFI : Trở lại với vấn đề trung tâm của luật dẫn độ này, thưa luật sư, như thế nào thì một luật về dẫn độ đi đúng theo các công ước quốc tế, bảo vệ nhân quyền, và như thế nào thì luật dẫn độ đi ngược lại các nguyên tắc pháp lý này.
LS Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là những người làm công tác pháp luật, chúng tôi rất tán thành nên có những hiệp định về dẫn độ. Điều này hết sức tốt, phù hợp với các hoạt động về tư pháp, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng tôi e rằng có những hiệp định dẫn độ đi ngược lại với sự tiến bộ chung.
Thực ra vấn đề không phải nằm ở việc dẫn độ, đến hiệp định dẫn độ, mà liên quan đến luật hình sự của một quốc gia. Do Bộ Luật Hình Sự, của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, có những điểm tương đồng. Đó là hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền tham gia vào các hoạt động củng cố chính quyền (của mỗi công dân). Do chính quyền có cái nhìn hết sức khe khắt, ảnh hưởng đến việc thực thi điều ước dẫn độ, khiến điều ước về dẫn độ bị lạm dụng để đi đến chỗ bảo vệ chính quyền hơn là bảo vệ người dân. Như vậy đó là thêm một biện pháp của chính quyền làm tăng ảnh hưởng, tính hà khắc của đạo luật hình sự.
Với tư cách là luật sư, chúng tôi rất mong muốn được thấy hình hài thực sự của điều ước về dẫn độ Việt Nam và Trung Quốc, bằng giấy trắng mực đen, để xem nội dung cụ thể là về vấn đề gì.
RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190903-luat-dan-do-viet-trung-ti-nan-chinh-tri-dieu-dang-lo

Văn hóa ‘mày có biết tao là ai không?’

Đinh Yên Thảo
Câu chuyện nữ đại úy công an Lê Thị Hiền hành hung, chửi bới nhân viên hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất vài tuần trước tưởng đã nguội bớt đi vì những tin tức thời sự chồng chất, nào ngờ lại một lần nữa gây xôn xao dư luận.
Chứng cứ, thái độ lỗ mãng của người nữ đại úy này như thế nào thế nào thì những thước phim mộc được quay tại chỗ và đưa lên mạng đã thể hiện rõ ràng với bất cứ ai xem qua. Nhưng nay bà bỗng tố ngược là phim đã bị “chỉnh sửa, photoshop “, phim thiếu cảnh bà “bị sỉ nhục, hành hung trước” nên mới nổi cơn thịnh nộ và người nữ nhân viên bị bà chửi mắng, ôm mặt khóc là “diễn sâu” đóng kịch. Cũng như cả hai mẹ con đã bị “giam lỏng” như thế nào.
Tất nhiên những điều này chỉ làm công luận nếu không cười nụ thì cũng khiến họ giận dữ công kích những lời tự bào chữa đầy vô lý và lố bịch này thêm nặng nề hơn. Nhưng khi người nhân viên hàng không đưa clip phim lên mạng đã phải tháo gỡ phim và đóng tài khoản facebook của mình, cũng như cơ quan an ninh hàng không bối rối giải thích rằng đã bị bà “hiểu lầm” và công an Quận Đống Đa đang “tiếp tục xem xét và báo cáo lên thành phố” (!?), thì người ta có quyền hỏi rằng, “thật ra người nữ công an này là ai, con cháu của “thần mặt trời” nào?” mới có thể tiếp tục ngang ngược, thách thức lại công luận khi xem mình là nạn nhân và tố ngược lại cho những người đã bị bà ta hành hung, chửi mắng và các cơ quan liên quan phải dè chừng như vậy.
Hay là dù chỉ là một đại úy công an bà vẫn là một “trời con” như vô số ông hay bà “trời con” đang có trên khắp đất nước Việt Nam hiện nay? Dù thế nào, thì nữ đại úy này xem ra đã “có cửa” thật sự để phán “mày có biết tao là ai không?” tại phi trường.
Một tài xế hay hành khách chạy xe biển xanh – tức xe công vụ, chạy quá tốc độ hay đang có mùi rượu nồng nặc cũng sẽ bước xuống xe buông câu “mày có biết tao là ai không?” ngày càng phổ biến hơn.
Chỉ sau vụ Đại úy Hiền vài tuần thì mới tuần trước một người đàn ông chạy xe biển xanh tại Thanh Hóa cũng chỉ mặt, tát tai cảnh sát giao thông với thái độ “ông trời con” như vậy. Những người công an đứng đường dù có quen việc xách nhiễu, thô bạo với người dân có lẽ cũng sẽ dè chừng, né tránh với kẻ buông câu nói “mày có biết tao là ai không?” Bởi theo tâm lý và trên thực tế, chỉ có những kẻ có quyền hay thế lực sau lưng mới có thể buông ra câu nói này. Dân thường khó lòng có thể bước xuống xe mà buông lời “mày có biết tao là ai không?” để chơi đòn cân não, hăm dọa với cảnh sát giao thông.
Hai năm trước, cộng đồng mạng ắt không quên thước phim đã được đưa lên mạng cảnh trung tướng hồi hưu Võ Văn Liêm, từng là Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Quân Ủy Trung Ương thuộc Bộ Quốc Phòng sỉ mắng, văng tục người cảnh sát giao thông bằng thái độ “mày có biết tao là ai không?” tại Cần Thơ. “Giám đốc mày tao còn cách chức được chứ đến mày”. Lời dọa của tướng Liêm quả có thật khi Giám Đốc Công An Cần Thơ phải “trình lên Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An xin ý kiến (!?)” và tin tức sau đó lan truyền rằng viên trung úy cảnh sát dừng xe tướng Liêm bị kỷ luật vì “cư xử thiếu tế nhị, để lan truyền hình ảnh cự cãi làm xấu hình ảnh cán bộ cao cấp…”.
Cái văn hóa “trời con” rằng, “mày có biết tao là ai không?” dường như ngày càng đậm đặc tại Việt Nam, không chỉ với những người có quyền hành cùng con cái, người thân của họ như nữ đại úy Hiền hay tướng Liêm. Nó lan vào cả xã hội dân sự. Một người vợ hay bồ nhí của sếp đến công ty mà nhân viên mới “lỡ dại” không biết, không cho vào thì cũng có thể bị đối diện cái thái độ hung hăng “mày có biết tao là ai không?” này.
Mới tháng trước, báo chí trong nước đưa tin một “đại gia” địa ốc sàm sở, quấy rối tình dục với hành khách và tiếp viên trên phi cơ của Hàng Không Việt Nam cũng đã buông lời “mày có biết tao là ai không?” khi bị nhân viên ngăn chận. Họ đem cái vị thế hay thế lực, sự quen biết sau lưng để buông lời hăm doạ, tạo áp lực với người khác trước hành vi sai trái của mình. Chỉ dăm vụ tình cờ bị người dân ghi lại và đưa lên mạng xã hội cùng công luận, còn hàng trăm, hàng ngàn vụ khác đã và đang có thể đang xảy ra hàng ngày và khắp mọi nơi thì sao? Từ những kẻ có quyền đến có tiền, họ xem mình
những ông hay bà “trời con”, có thể đứng trên pháp luật, thậm chí tấn công cả người thi hành công vụ. Cái văn hóa ông/bà “trời con” này cho thấy một nhóm người tự coi mình là đứng trên người khác, đứng trên pháp luật và hệ thống pháp luật đã dung dưỡng cho những người này, cho họ cái đặc quyền như vậy.
Họ không hiểu rằng, ở một xã hội dân chủ, như tại Mỹ chẳng hạn, những người liên quan đến công quyền càng phải có thái độ và hành xử thận trọng, đúng mực hơn với người dân lẫn cơ quan công lực. Các trang mạng của các tổ chức dân sự và đăng thông tin liên quan đến các ứng cử viên cùng báo chí luôn theo dõi và báo cáo các vi phạm, sai trái như bạo hành, uống rượu lái xe, các cáo buộc xách nhiễu tình dục… của những cấp dân biểu liên bang đến địa phương, từ thẩm phán đến cảnh sát trưởng, của các ứng cử viên, của những người được đề bạt vào trọng trách…, để xem họ có xứng đáng phục vụ người dân hay không. Hoặc họ có buộc phải từ chức khi vướng vào những điều như vậy.
Chuyện kể rằng, có một đêm bình thường ngoài công vụ, xe chở ngài thủ tướng Winston Churchill của Anh bị chận lại. Một cận vệ xuống xe và giải thích rằng trong xe đang chở ngài thủ tướng nhưng viên cảnh sát vẫn khăng khăng ghi phạt người tài xế phạm lỗi giao thông. Nghe được câu chuyện, Churchill viết thư cho cảnh sát trưởng London đề nghị khen ngợi viên cảnh sát. Vị cảnh sát trưởng viết thư phúc đáp rằng, “chúng tôi không khen thưởng những người đang thực hiện đúng trách nhiệm của mình”. Chỉ khi nào, từ những người đứng đầu quốc gia xuống đến nhân viên công lực bình thường, có cùng thái độ thượng tôn pháp luật và quân pháp nghiêm minh như câu chuyện trên thì cái văn hóa “trời con” và “mày có biết tao là ai không” kia mới chấm dứt. Nhưng xem ra đây là điều không tưởng tại xã hội Việt Nam hiện nay.
https://www.voatiengviet.com/a/may-co-biet-tao-la-ai-khong/5063633.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.