Hồng Kông: Châu chấu đá xe ? – Theo RFI
02/9/2019
Bạo lực leo thang tại Hồng Kông: Liệu có Bắc Kinh nhượng bộ giới trẻ khao khát tự do lên tuyến đầu chống độc tài Trung Quốc? Nước Ý hy vọng thoát khủng hoảng chính trị? Một năm học mới và cải cách mới tại Pháp sẽ êm xuôi? Đó là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm 02/09/2019.
Tuổi trẻ Hồng Kông trước chiếc bẫy bạo lực
Đối đầu với Bắc Kinh và đàn áp, giới trẻ Hồng Kông kiên định đến cùng. La Croix giới thiệu một số gương mặt sinh viên thanh niên trong phong trào dân chủ đang bị chính quyền dọa nạt. Với tấm ảnh hàng rào cảnh sát và lửa khói trên đường phố, Le Figaro khẳng định « phong trào chống Bắc Kinh quyết liệt hơn với thành phần trẻ khao khát tự do và bất khuất trên tuyến đầu ».
Trước hết, nhật báo Công Giáo La Croix trở lại hai ngày biểu tình cuối tuần dẫn đến xung đột dữ dội với cảnh sát : rào cản bốc lửa, bom xăng, lựu đạn cay… trung tâm Hồng Kông rối loạn đến nửa đêm thứ bảy 31/08. Đó cũng là ngày mà cách nay 5 năm, Bắc Kinh từ chối tổ chức bầu cử tự do theo lối phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông sau hơn hai tháng đương đầu với phong trào Dù Vàng.
Tình hình căng thẳng hiện nay cũng là chuyện nhân quả. Bởi vì Hoàng Chi Phong, gương mặt sinh viên dấn thân hiện nay, lúc đó là lĩnh tụ học sinh 15 tuổi. « Bề dầy » 5 năm tranh đấu, với mấy lần ra toà và bản án hai tháng tù cho phép anh, cùng với nhiều bạn trẻ cùng lứa, trong đó có Agnes Chow (sinh năm 1996) và Nathan Law, thành lập đảng « Dân chủ và Kháng chiến ». Với tổ chức này, Nathan Law đắc cử dân biểu vào năm 23 tuổi, đại biểu trẻ nhất trong viện lập pháp.
Tối thứ sáu, sau khi được thả sau nhiều giờ bị câu lưu cùng với Agnes Chow, Hoàng Chi Phong kêu gọi « Toàn dân Hồng Kông cùng tranh đấu, chúng ta không bao giờ lui bước ».
Nếu Hoàng Chi Phong và đảng « Dân chủ và Kháng chiến » chỉ chủ trương « Hồng Kông tự trị », thì một khuôn mặt tranh đấu khác là Andy Chan, rút bài học « Dù vàng » 2014, cho là phong trào của « đàn anh » thiếu kiên định. Andy Chan lập đảng Dân Tộc với mục tiêu « đòi độc lập » hẳn hoi.
Cũng như đồng nghiệp La Croix, nhưng súc tích hơn với bốn bài tường thuật, nhật báo thiên hữu Le Figaro cho biết phong trào dân chủ Hồng Kông, tuy được đa số dân cư hưởng ứng nhưng phong trào này gây phân hóa xã hội, gây căng thẳng trong một số gia đình : trẻ muốn dân chủ, già thì sợ hậu quả bất lợi cho kinh tế. Có người còn cho là « bọn trẻ bị Mỹ xúi dại ». Trong xã hội, thiểu số giàu có thân giới chính trị cầm quyền và thân Bắc Kinh trong khi đa số thuộc thành phần trung lưu, ủng hộ dân chủ, ghét Bắc Kinh và rất chống cộng sản.
Chiến thuật xe cán đá của Tập Cận Bình
Tình hình này sẽ đi về đâu ? Bài xã luận của Le Figaro với tựa « bánh xe hủ lô » phân tích thế kẹt của Tập Cận Bình nếu chấp nhận nhượng bộ tại Hồng Kông.
Trừ phi có một « hạt cát » nào đó có thể làm chiếc hủ lô của Tập Cận Bình đổi hướng, khì khó có thể Bắc Kinh nhượng bộ Hồng Kông. Từ ba tháng nay , 7 triệu dân Hồng Không thách thức « hoàng đế đỏ », kẻ tự cho là cai trị 1,4 tỷ dân Hoa Lục với bàn tay sắt, và trong đó có 7 tỷ người Hồng Kông mỗi cuối tuần xuống đường bảo vệ « chế độ » tự do của mình, đang bị Bắc Kinh gặm nhắm.
Bất chấp lời hứa tôn trọng quy chế « một quốc gia , hai chế độ » cho đến 2047, Tập Cận Bình nhất định không tha thứ một hành động chống lại « chủ quyền » của Bắc Kinh ở Hồng Kông hay Đài Loan. Ông ta rút bài học Liên Xô tan rã, bất cứ một dấu hiệu « mềm yếu » nào cũng có thể đưa đến sự sụp đổ của một đế chế. Do vậy, nền kinh tế tư bản phải do chế độ độc tài mang dấu ấn Mao kiểm sóat. Trung Quốc dựng lên một chế độ hoàn toàn trái ngược với mô hình phát triển của các đại cường dân chủ trên thế giới mà Bắc Kinh cho là đang « suy đồi » để dễ dàng áp đặt một chế độ độc tài lên đầu dân Hoa Lục.
Do vậy, « chế độ thứ hai » tại Hồng Kông có thể làm rạn nứt « tính chính đáng » của chế độ độc tài tại Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh muốn áp đặt luật Trung Quốc tại Hồng Kông thì người dân đặc khu đứng lên bảo vệ « hệ thống tư pháp, báo chí và các quyền tự do cá nhân ». Nếu Tập Cận Bình chấp nhận các đòi hỏi này thì ông ta sẽ giải thích ra sao với người dân Hoa Lục ?
Vì thế mà Tập Cận Bình chọn giải pháp để cho tình hình tự rữa nát dần: đối lập Hồng Kông bị tống vào nhà tù hoặc bị côn đồ các tổ chức xã hội đen thân Bắc Kinh đánh đập làm cho người biểu tình uất ức lên và trở thành cực đoan hơn. Thâm ý của Bắc kinh là tạo điều kiện để một ngày nào đó có lý do « can thiệp » mạnh.
Theo RFI
0 comments