Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 21/08/2019

Wednesday, August 21, 2019 7:30:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 21/08/2019

TQ và Mỹ nói ngược nhau

về căng thẳng Biển Đông

Trước diễn biến tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, tam giác ngoại giao Việt Nam – Trung Quốc – Mỹ lại nóng lên với những bình luận từ các bên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung quốc Cảnh Sảng hôm thứ Hai 19/8/2019 khẳng định tại một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh rằng Tàu Hải Dương 8 “luôn hoạt động trong vùng biển thuộc thẩm quyền của Trung Quốc” và Trung Quốc mong Việt Nam “thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ.”
Sau đó hơn một ngày, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ, ông John Bolton có dòng thông điệp trên trang mạng xã hội Twitter bày tỏ sự ủng hộ với những nước phản đối hành xử mang tính “cưỡng ép” của Trung Quốc.
“Những nỗ lực gia tăng gần đây của Trung Quốc để đe dọa không cho các nước khác phát triển nguồn lực ở Biển Đông là đáng lo ngại. Hoa Kỳ cương quyết ủng hộ những ai phản đối hành vi cưỡng chế và chiến lược bắt nạt gây đe dọa hòa bình và an ninh khu vực,” ông John Bolton viết trên Twitter hôm 20/8.
Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm thứ Ba 13/8, chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi khu vực.
Con tàu này cùng các tàu hải cảnh hộ tống lần đầu tiên vào khu vực hồi đầu tháng Bảy.
Kể từ khi xảy ra cuộc đối đầu, tàu thuyền Trung Quốc cũng hoạt động trong một lô dầu khí của Việt Nam, nơi có giàn khoan của hãng dầu khí Nga Rosneft thuê đang hoạt động.
Trung Quốc mong Việt Nam”thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ”
Sau đây là toàn văn câu hỏi của truyền thông về tàu Hải Dương 8 và câu trả lời của ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại cuộc họp báo hôm 19/8:
Câu hỏi: Phản ứng trước tin tàu nghiên cứu khoa học Hải Dương 8 của Trung Quốc và các tàu hải cảnh đã quay trở lại khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói hôm 16/8 rằng Việt Nam phản đối Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu này ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp để thực thi quyền chủ quyền và quyền tài phán theo luật Việt Nam và luật quốc tế. Ông có bình luận gì [về việc này]?
Trả lời: Trung Quốc có chủ quyền đối với Quần đảo Nam Sa và các vùng biển lân cận, và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển có liên quan. Con tàu được nói đến của Trung Quốc vẫn luôn hoạt động trong vùng biển trong thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Trong quá trình đó, con tàu này đã điều chỉnh thích hợp kế hoạch hoạt động để phù hợp với các điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tiễn. Chúng tôi hy vọng rằng quốc gia có liên quan sẽ thành thực tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc và hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hòa hợp và bình yên tại các vùng biển này.
Bình luận của các tướng Mỹ
Trước đó, trong chuyến thăm Việt Nam ngày 18 và 19 tháng Tám, Đại tướng David L. Goldfein, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, và Đại tướng Charles Q. Brown Jr., Tư lệnh Không quân Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương cũng nói Mỹ tôn trọng các quyết định và hành động của Việt Nam.
“Tôi nhấn mạnh lại tuyên bố rất mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mike Pompeo đã đưa ra. Đó là chúng tôi phản đối mạnh mẽ các hoạt động gây ảnh hưởng và thách thức những quyền lợi chính đáng cũng như chủ quyền của Việt Nam trong khu vực…”
“Chúng tôi luôn luôn ủng hộ quyền tự vệ và phòng vệ chính đáng của Việt Nam, chúng tôi sẽ theo sát các hoạt động của chính phủ Việt Nam, sẵn sàng hợp tác làm việc với Việt Nam,” truyền thông Việt Nam dẫn lời Đại tướng Goldfrein nói với báo giới hôm 18/8.
Những hoạt động của Trung Quốc như thế này sẽ đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của chúng tôi đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự doĐại tướng Charles Q. Brown Jr.
Trả lời câu hỏi về mục tiêu của Trung Quốc trong việc đưa tàu Hải Dương 8 vào thềm lục địa của Việt Nam, Đại tướng Charles Q. Brown Jr. nói:
“Về mục tiêu của Trung Quốc là gì, người tốt nhất chúng ta nên hỏi là Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát rất kỹ những hoạt động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, và chúng tôi nhận định rằng những hoạt động của Trung Quốc như thế này sẽ đi ngược lại mục tiêu, tôn chỉ của chúng tôi đã làm là giữ cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng mở và tự do. Rõ ràng những hoạt động của họ có tác động rất lớn, tác động không mong muốn và tác động quá đà, đặc biệt là đối với khu vực đặc quyền kinh tế của các nước.
“Khi nói về phản ứng của Mỹ, rất khó để nói trước các hoạt động của chúng tôi sẽ tiến hành như thế nào, nhưng với tư cách tư lệnh không quân Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhiệm vụ của chúng tôi là viết ra những phương án để các lãnh đạo, chính trị gia sẽ đưa ra quyết định dựa trên phương án mà chúng tôi đề xuất. Tôi xin lưu ý rằng với những phương án chúng tôi đề xuất, chúng tôi sẽ có trao đổi với Việt Nam cũng như phù hợp với những lợi ích của các nước trong khu vực mà các hoạt động diễn ra ở khu vực Biển Đông”.
Việt Nam ’yêu cầu Trung Quốc rút tàu’
Ba ngày sau khi tàu Hải Dương 8 quay lại Bãi Tư Chính, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng:
“Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc, phản đối việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán, các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế.
“Các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.
“Việt Nam cũng khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
“Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.”
Hồi cuối tháng Bảy 2019, Việt Nam gửi công hàm phản đối và yêu cầu tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rút ngay khỏi vùng biển của Việt Nam.
Hiện chưa có thông tin chính thức và chi tiết thêm nào trên truyền thông Việt Nam về “các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” mà Việt Nam đang thực hiện và tuyên bố thực hiện ở Biển Đông sau tuyên bố mới nhất của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Biển Đông: Ý kiến cho rằng

Việt Nam có ‘đồng minh’ mới?

Mỹ HằngMyHang.Tran@bbc.co.uk
Trong khi căng thẳng tiếp tục leo thang tại Bãi Tư Chính, một số nhà quan sát cho rằng Việt Nam đang thực hiện một chiến lược mới: Bắt tay với các ‘đồng minh’ mạnh hơn, trong trường hợp này là Nga, thông qua hợp tác khai thác dầu khí tại các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Tranh chấp khởi đầu từ năm 2017 khiến Việt Nam, năm 2018, phải ngưng dự án thăm dò dầu khí trị giá hàng trăm triệu đô la với tập đoàn năng lượng Repsol của Tây Ban Nha dưới sức ép của Trung Quốc.
Nhưng giới quan sát cho rằng lần này, Việt Nam ở vị thế khác khi có đối tác ‘rắn hơn’: Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Rosneft.
Công ty Rosneft Vietnam BV, một công ty con của Rosneft, đang có các hoạt động khoan thăm dò tại Lô 06.01, thuộc thềm lục địa Việt Nam, từ tháng 7/2018.
“Trong khi Repsol chỉ là một công ty tư nhân đến từ một nước không phải cường quốc, với chút ít vị thế địa chính trị, Nga được kỳ vọng sẽ dùng sức mạnh chính trị của mình để đảm bảo dòng tiền của chính phủ. Dẫu rằng Nga chưa bao giờ chính thức đứng về phía Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, và thậm chí ông Putin từng tuyên bố ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, hiện chỉ có Nga đang vận hành [hoạt động dầu khí] tại khu vực Việt Nam khẳng định chủ quyền và nằm trong Đường Chín Đoạn của
Trung Quốc,” Bennet Murray, nhà báo Mỹ hiện đang làm việc cho Thông tấn xã Đức tại Việt Nam, viết trên Foreign Policy.
“Hợp tác của Nga với Việt Nam là một đối đầu ‘nghiêm trọng’ với Trung Quốc, dù Kremlin đã cẩn thận tránh thu hút sự chú ý đến quan hệ đối tác này. Trong khi người ta không trông chờ Nga sẽ triển khai quân từ Vladivostok để thách thức Hải quân Trung Quốc, Bắc Kinh hẳn sẽ tổn thất nhiều nếu họ mạnh tay với Rosneft,” trong bối cảnh Bắc Kinh đã đổ hàng tỷ đô la vào Ukraine, Georgia, Kazakhstan, các nước mà Nga coi là sân sau của mình, trong tham vọng triển khai sáng kiến Vành đai Con đường kết nối Á Âu,” vẫn theo Bennet Murray.
Việt Nam có thể trông đợi vào Nga?
Nhà báo Bennet Murray bình luận với BBC Việt Ngữ hôm 21/8:
‘Đồng minh’ là một từ mạnh. Biên tập viên của Foreign Policy đã sử dụng nó trong tiêu đề bài viết của tôi để mô tả mối quan hệ giữa Việt Nam và Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft. Trong khi tôi hiểu tại sao từ này được sử dụng, tôi sẽ không hiểu theo nghĩa đen là Nga và Việt Nam là ‘đồng minh’ trong vấn đề Biển Đông. Một điều hoàn toàn chắc chắn là Nga đã không công khai ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông, và trên thực tế, Putin thậm chí dường như còn công khai hỗ trợ Bắc Kinh.
“Nhưng tất cả những điều này cần phải được đặt trong bối cảnh của nó. Cả Kremlin và các đối tác Trung Quốc đều ghét các thể chế quốc tế, đặc biệt là các thể chế mà họ cho là thiên vị phương Tây, khi mà các thể chế này luôn muốn bảo họ phải làm gì. Đối với Nga, ví dụ rõ ràng nhất là trong việc sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Khi đó Mỹ và gần như toàn bộ châu Âu nói rằng Nga chống lại luật pháp quốc tế, sau đó áp dụng lệnh trừng phạt lên Nga, Nga đã quyết định rằng chơi theo những quy tắc đó là trái với lợi ích của Nga.”
“Trung Quốc luôn cảm thấy như vậy về Biển Đông, đặc biệt là vào năm 2016 khi các thẩm phán của Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại Hague phán quyết chống lại Đường Chín Đoạn.”
“Cả ông Putin và ông Tập Cận Bình đều hiểu được rằng mối quan tâm chung của họ là cùng nhau chống lại các thể chế quốc tế đang nói với họ rằng họ không thể có những gì họ muốn về địa chính trị. Và cả hai đều xem phương Tây là những kẻ đạo đức giả, những kẻ phá vỡ các quy tắc khi chúng phù hợp với Trung Quốc và Nga.”
“Nhưng ông Putin và ông Tập không công khai đứng lên chống lại lợi ích của nhau không có nghĩa là họ không xung đột về lợi ích. Hẳn là như thế, các mối quan hệ đối tác của Tập đoàn dầu khí Rosneft, Gazprom và Vietsovpetro với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hiện đều nằm trong khu vực Đường Chín Đoạn của Trung Quốc.”
“Tương tự như vậy, chúng ta có thể thấy Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ đô la vào Ukraine, nơi từ năm 2014 đã ở trong tình trạng chiến tranh không công khai nhằm chống lại Nga.”
“Lần này, tôi ngờ rằng Trung Quốc sẽ muốn Nga phải làm gì đó để đổi lấy việc Trung Quốc đã nhắm mắt làm ngơ cho Nga khoan thăm dò tại Bãi Tư Chính. Những cuộc đàm phán liên quan đến màn trao đổi lợi ích đó có thành công hay không là một vấn đề khác. Nhưng chúng chắc chắn sẽ không bao giờ được công khai.”
“Riêng đối với việc tàu khảo sát Trung Quốc quay trở lại Bãi Tư Chính, theo tôi thật khó để lý giải lý do thật sự. Có thể đó là một thông điệp được Trung Quốc tính toán kỹ lưỡng, hoặc cũng có thể chỉ là lý do kỹ thuật. Mặc dù sự hiện diện của con tàu này rõ ràng là mối nguy cho lợi ích của Việt Nam, miễn là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nga Rosneft và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vẫn tiếp tục các dự án dầu khí tại đây thì Việt Nam vẫn chưa mất Bãi Tư Chính,” ông Bennett Murray nói với BBC.
Trong khi đó, viết trên Asia Times, nhà báo Mỹ David Hutt cũng cho rằng một trong những lý do khiến lần này Việt Nam cứng rắn hơn trước Trung Quốc là do Việt Nam đã có các đồng minh mạnh hơn. Ngoài Mỹ, Nhật, Pháp, Liên minh châu Âu, Việt Nam còn có Nga.
“Trong một diễn biến mới, Nga đã ám chỉ rằng họ cũng có thể ủng hộ Hà Nội, thông qua hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam trên khu vực Biển Đông nơi Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền,” Davit Hutt viết.
Cây bút Panos Mourdoukoutas thì bình luận trên Forbes rằng “Sự hiện diện của Nga ở vùng biển tranh chấp có thể là yếu tố giúp thay đổi cuộc chơi của Việt Nam. Sẽ vô cùng khó khăn để Bắc Kinh đối đầu với hải quân Nga – lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Moscow trong khu vực. Và điều đó có thể giúp làm giảm tham vọng của Trung Quốc trên Biển Đông, và cứu vãn hòa bình trong khu vực,”
EU ủng hộ quan điểm của Việt Nam về căng thẳng ở Biển Đông
Các ‘đồng minh’ khác?
Ngoài Nga, Việt Nam năm nay còn có Mỹ, theo các nhà quan sát – nước vốn im tiếng khi Trung Quốc gây hấn với Việt Nam trên Biển Đông năm ngoái.
Năm nay, Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc có hành động ‘bắt nạt’ nước láng giềng. Mỹ cũng ngỏ ý “muốn củng cố mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn với Hà Nội, mặc dù Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng và vẫn duy trì các chính sách ngoại giao không cam kết,” David Hutt viết trên Asia Times.
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) công khai cho hay “hoàn toàn ủng hộ quan điểm và lo ngại của Việt Nam về tình hình và căng thẳng gia tăng ở Biển Đông”, và rằng Việt Nam “có thể trông cậy vào Liên hiệp châu Âu để không những hướng tới việc giảm căng thẳng, mà còn, trước tiên, là bảo vệ việc tôn trọng luật pháp quốc tế một cách đầy đủ.”
EU cũng sẽ sớm ký Hiệp định hợp tác quốc phòng, an ninh với Việt Nam, theo Tuổi Trẻ.
Trước đó, hồi tháng 9/2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và Việt Nam đã ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028, theo truyền thông Việt Nam. Sau đó, tại hội nghị quốc phòng thường niên Shangri-La 2019 tổ chức tại Singapore, đại diện Pháp đã hứa sẽ “ít nhất hai năm một lần điều tàu tới Biển Đông” và tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan, theo Asia Times.
Việt Nam mới đây cũng tuyên bố kéo dài thời gian hoạt động của giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty khoan Nhật Bản (JDC) tại khu vực lô 06.1 bể Nam Côn Sơn đến hết ngày 15/9 giữa bối cảnh bị tàu Trung Quốc quấy rối, theo Tuổi Trẻ.
Thế còn ‘lòng dân’?
Nhưng dù có quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và có tranh thủ được thêm các đồng minh mạnh thế nào, giới quan sát cho rằng Việt Nam cần phải xem xét đến vấn đề chính trị nội bộ.
“Không giống như Bắc Kinh, những người cầm quyền cộng sản ở Hà Nội đang thua trong cuộc tranh luận về chủ nghĩa dân tộc. Những năm gần đây họ đã chứng kiến những cuộc biểu tình lớn – và ngày càng dữ dội – công khai phản đối chính phủ trong vấn đề đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Việc người dân cho rằng chính phủ Việt Nam hành động như một “con rối Bắc Kinh” là một mối đe dọa chết người ở Việt Nam – nơi tinh thần bài Trung đã ăn sâu bám rễ trong lịch sử,” Davitt Hutt viết trên Asia Times.
Trong khi đó, Bennett Murray nói với BBC Việt Ngữ: “Tôi không nghĩ thái độ của công chúng Việt Nam đối với Trung Quốc thay đổi nhiều, nhưng tôi nghĩ rằng thái độ của chính phủ đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đã thay đổi. Các cuộc biểu tình nói chung ở Việt Nam ngày nay hiếm hơn nhiều so với chỉ vài năm trước. Chính phủ không nhẹ tay với người biểu tình như trước.”
“Ngoài ra còn phải tính đến những thay đổi về mặt chính trị. Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong các phát biểu công khai, từng khuyến khích thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc, và ở một mức độ nào đó có vẻ nhân nhượng hơn đối với các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, như một cách để gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với các vấn đề chính trị nếu họ không tỏ ra cứng rắn trong vấn để Biển Đông.”
“Nhưng kể từ khi ông Dũng ra đi và Tổng bí thư Trọng có thêm quyền lực tại Đại hội Đảng 2016, chính phủ dường luôn theo sau các cuộc biểu tình nói chung. Đảng Cộng sản [dưới thời ông Trọng] chắc chắn sẽ không cổ súy cho những người biểu tình chống Trung Quốc. Trong khi vào năm 2011 và 2014, chúng ta thấy những người biểu tình với cờ đỏ sao vàng, thì nay, những cuộc biểu tình chống lại Đường Chín Đoạn, nếu có diễn ra, thì đều là của các nhóm bất đồng chính kiến chống cộng, và họ không mang theo quốc kỳ Việt Nam nữa.”

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc đánh Bãi Tư Chính

để nắn gân quan hệ Việt-Mỹ

Về lý do Trung Quốc đột nhiên xâm lấn khu vực Bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Trong bài phân tích « Tại sao Bãi Tư Chính, và tại sao vào lúc này ? - Why Vanguard Bank and Why Now ? », công bố ngày 16/08/2019 trên trang mạng Maritime Issues, chuyên gia Mỹ Derek Grossman thuộc trung tâm tham vấn Rand Corporation, đã đưa ra một giải thích lý thú về hành vi này của Trung Quốc tại Biển Đông.
Theo nhà nghiên cứu Mỹ, « Bắc Kinh có lẽ đang thăm dò sự bền bỉ của tiến trình củng cố quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Việt Nam », vào lúc mà Hà Nội đã có những mối nghi ngờ thực sự về tính bền vững của các cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh.
Tác giả cho rằng việc Mỹ để yên cho Trung Quốc chiếm lấy bãi cạn Scarborough vào năm 2012 từ tay Philippines, dù Manila là một đồng minh kết ước của Washington, là một ví dụ kinh điển giải thích thái độ hoài nghi của Hà Nội về tính đáng tin cậy của Washington.
Chuyên gia Derek Grossman trước hết ghi nhận rằng trong những cuộc thảo luận gần đây với các nhà nghiên cứu Việt Nam, có một câu hỏi được nhắc đi nhắc lại : Sau một thời gian dài tương đối bình lặng trong quan hệ với Việt Nam trên vấn đề Biển Đông, tại sao Trung Quốc lại bất ngờ quyết định đánh vào Bãi Tư Chính ?
Từ vụ Hải Dương 981, Trung Quốc không ngừng gây hấn với Việt Nam tại Biển Đông
Đối với ông Grossman, có nhiều yếu tố có thể trả lời cho câu hỏi đó, mà đầu tiên hết là Trung Quốc chưa bao giờ dừng việc gây hấn với Việt Nam trong vòng năm năm qua, cho dù vụ Bãi Tư Chính là một vụ căng thẳng tệ hại nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5/2014.
Trong hai năm liên tiếp, Trung Quốc đã gây áp lực rất lớn không cho Việt Nam việc khoan dò ở các khu vực mà Việt Nam coi là thềm lục địa của mình theo Luật Biển Liên Hiệp Quốc, nhưng bị Trung Quốc coi là khu vực tranh chấp.
Vào năm 2018 chẳng hạn, Bắc Kinh đã buộc Hà Nội hủy hợp đồng thăm dò ở ngoài khơi bờ biển phía Nam Việt Nam với công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol. Ngoài ra, tàu dân quân biển Trung Quốc bị cáo buộc là thường xuyên đâm tàu đánh cá Việt Nam, ngay cả khi Hà Nội trong đa số trường hợp, đều tránh nêu bật các sự cố đó để duy trì ổn định trong quan hệ song phương.
Tuy nhiên, căng thẳng đã xuất hiện mạnh trở lại vào đầu năm nay, và rốt cuộc Việt Nam đã quyết định cho trưng bày một chiếc tàu đánh cá Việt Nam bị đâm chìm trong vụ Hải Dương 981, đồng thời cho công bố tài liệu video về hành vi của tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam vào thời đó.
Đối với chuyên gia Grossman, Trung Quốc không chỉ hung hăng với Việt Nam, mà cả với các nước khác có biển đảo bị Bắc Kinh tranh chấp. Tác giả nêu bật ba trường hợp.
Bắt đầu từ cuối năm ngoái, hàng trăm tàu dân quân biển Trung Quốc đã tràn đến bao vây đảo Thị Tứ đang tranh chấp với Philippines. Các chiến thuật « vùng xám » như thế được dùng để sách nhiễu ngư dân Philippines và tạo ra căng thẳng với Manila.
Bắc Kinh từ năm 2013 cũng đã không ngừng cho tàu vào tuần tra ở khu vực bãi cạn Luconia mà họ tranh chấp với Malaysia.
Còn ở ngoài vùng Biển Đông, Trung Quốc đã đẩy mạnh số vụ xâm nhập vào khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát.
Trung Quốc tự tin có dư sức mạnh để đánh bại Việt Nam
Hành vi xâm lấn Bãi Tư Chính, theo chuyên gia Grossman, còn xuất phát từ việc Bắc Kinh cảm thấy đã có dư sức mạnh quân sự để thách thức Việt Nam cũng như các nước trong khu vực có tranh chấp với Trung Quốc.
Trung Quốc có lực lượng hải quân, hải cảnh và dân quân biển lớn nhất thế giới, và quân đội Trung Quốc không ngừng rèn luyện năng lực hợp đồng tác chiến giữa Hải Quân và Không Quân để có thể chiến đấu ở Biển Đông, Biển Hoa Đông hoặc để đánh chiếm Đài Loan.
Ngoài ra, việc Trung Quốc đã hoàn tất các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo ở Trường Sa, và thiết lập các căn cứ hải quân và không quân rải rác trên Biển Đông, dù ở Hoàng Sa hay Trường Sa, điều đó đã cung cấp cho Bắc Kinh những điểm tựa mới để cung cấp nhiên liệu, giúp họ dễ dàng tuần tra liên tục các khu vực tranh chấp.
Một ví dụ : Vào đầu tháng 8 này, một tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc, sau nhiều tuần hoạt đông ở Bãi Tư Chính, đã trở về tìm tiếp liệu không phải ở bờ biển Trung Quốc xa xôi, mà là ở ngay một trong những căn cứ hải quân mới của Bắc Kinh trên Đá Chữ Thập ở Trường Sa. Đến giữa tháng 8, thì chiếc tàu này lại trở lại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ).
Nhìn xa hơn, nếu Bắc Kinh xây dựng xong các cơ sở hải quân và không quân ở Cam Bốt, thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với một mối đe dọa mới ở sườn phía Tây của mình.
Quan hệ xấu đi với Mỹ khiến Bắc Kinh thêm hung hăng
Một nguyên nhân khác là quan hệ xấu đi với Mỹ trong những năm gần đây, đặc biệt là trên hồ sơ Biển Đông. Điều này đã khiến Bắc Kinh ngày càng tìm cách bảo vệ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc chống lại các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải (FONOPs) do Hoa Kỳ tiến hành.
Chuyên gia Grossman đã nhắc lại là vào cuối tháng 6, lần đầu tiên, quân đội Trung Quốc đã thử nghiệm ở khu vực gần quần đảo Trường Sa, một tên lửa đạn đạo chống hạm, có lẽ là loại gọi là « sát thủ tàu sân bay » DF-21D và một biến thể của loại DF-26 có tầm hoạt động xa hơn.
Những vụ Trung Quốc cho chiến hạm bám đuôi tàu Mỹ tiến hành các chiến dịch tuần tra, và cảnh cáo rằng các chiếc tàu đó đã xâm phạm bất hợp pháp vùng biển nội địa Trung Quốc, đã làm gia tăng căng thẳng trong những tháng gần đây. Vụ việc lớn cuối cùng xảy ra vào đầu tháng 10 năm 2018 khi một khu trục hạm lớp Lữ Dương của Hải Quân Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục Mỹ USS Decatur, chỉ cách khoảng 45 mét.
Theo ông Grossman, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc ngày càng xấu đi có thể dẫn đến hành vi quyết đoán hơn của Trung Quốc để đẩy lùi không chỉ Mỹ, mà tất cả các nước khác trong khu vực.
Thăm dò độ bền của quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt đang càng lúc càng chặt chẽ hơn
Xuất phát từ các yếu tố kể trên, chuyên gia của Rand Corporation cho rằng khi thách thức Việt Nam tại Bãi Tư Chính, Trung Quốc có thể là đang thăm dò độ bền chắc của mối quan hệ quân sự ngày càng sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Theo ông Grossman, Việt Nam đã băn khoăn nghiêm túc về tính bền vững của các cam kết an ninh của Hoa Kỳ đối với các đồng minh. Vụ Trung Quốc lấn chiếm bãi cạn Scarborough từ tay Philippines vào năm 2012 là ví dụ điển hình khiến cho Việt Nam thận trọng. Vào năm 2014, nhân vụ giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam cũng chỉ được Mỹ ủng hộ bằng lời nói, tương tự như lúc này nhân vụ Bãi Tư Chính.
Đối với chuyên gia Grossman, ngoài việc trắc nghiệm quan hệ Mỹ-Việt, không may cho Việt Nam, rất có thể là vụ Bãi Tư Chính là cơ hội mà Quân Đội Trung Quốc tìm kiếm để kiểm tra năng lực phối hợp tác chiến ngày càng tăng của họ.
Chuyên gia Grossman đã phân tích ý đồ đánh Việt Nam để tập luyện này trong một bài nghiên cứu công bố hồi tháng 5. Tuy nhiên, để có thể tập luyện đúng nghĩa, Trung Quốc bị buộc phải điều tàu chiến đến khu vực, và điều đó chưa xẩy ra.
Dẫu sao thì Việt Nam hiện không có liên minh quân sự với bất kỳ nước nào, và chỉ là một cường quốc trung bình, với quân đội, lực lượng chấp pháp và dân quân biển còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu trên biển, nên có thể bị đánh bại tương đối dễ dàng.
Quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ sẽ có sức răn đe Trung Quốc
Cho dù vậy, theo chuyên gia Grossman, có lẽ câu hỏi nổi bật hơn hết trong vụ Bãi Tư Chính hiện nay là Việt Nam có thể làm gì để ngăn chặn Trung Quốc ?
Đối với ông Grossman, cho dù việc tăng cường quan hệ đối tác quốc phòng với Mỹ, trước mắt có thể gây rắc rối cho quan hệ Việt-Trung, nhưng hợp tác Mỹ-Việt chặt chẽ hơn về lâu dài có thể giúp Việt Nam ngăn chặn Trung Quốc bởi vì Bắc Kinh sẽ hiểu rõ là Việt Nam có thể được Mỹ hỗ trợ trong trường hợp nổ ra xung đột.
Còn đối với Mỹ, chuyên gia Grossman cho rằng Washington sẽ phải chứng minh rằng họ sẽ không để xảy ra một vụ bãi cạn Scarborough thứ hai. Tăng cường hợp tác với Việt Nam, và với các đối tác quốc phòng khác như Úc, Nhật Bản và Ấn Độ, cũng có thể giúp ngăn chặn Bắc Kinh.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.