Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 05/08/2019

Monday, August 5, 2019 7:56:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 05/08/2019

Trung Quốc tuyên bố tập trận ở Hoàng Sa


Cục Hải Sự Hải nam vào ngày 5 tháng 8 ra thông báo sẽ tổ chức hai ngày tập trận tại quần đảo Hoàng Sa bắt đầu vào ngày mai 6 tháng 8.

Theo đó thì cuộc tập trận thứ nhất diễn ra trong các khoảng thời gian 9:30 đến 11:30 và 15 giờ đến 18 giờ ngày 6 tháng 8. Cuộc tập trận này diễn ra trong khu vực giới hạn bởi 4 tọa độ 16.506, 112.210; 16.590, 112.214; 16.581,112.279 và 16.527, 112.308.

Cuộc tập trận thứ hai diễn ra từ 15 giờ đến 17 giờ ngày 7 tháng 8 giới hận bởi 4 tọa độ 16.269,112.427; 16.2620, 111.500; 16.2030,111.4470 và 16.2252, 111.3666.

Trong thời gian diễn tập các tàu thuyền bị khuyến cáo phái tránh xa các khu vực vừa nêu.

Những cuộc diễn tập mới nhất của Trung Quốc tại khu vực Biển Đông gồm đợt diễn tập 5 ngày ở phía bắc quần đảo Trường Sa vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua. Trước đó vào tháng 3, Trung Quốc cũng cho tiến hành các cuộc diễn tập bắn đạn thật gần khu vực quần đảo Hoàng Sa.

Vào ngày 19 tháng 6, hình ảnh vệ tinh do truyền thông Hoa Kỳ loan đi cho thấy Trung Quốc triển khai ít nhất 4 chiến đầu cơ J-10 đến đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa..

Trung Quốc kết thúc cưỡng chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng Hòa quản lý vào tháng giêng năm 1974. Từ đó đến nay, đảo này được xây dựng thành một thành phố với những căn cứ dịch vụ hậu cần chiến lược. Ngoài đảo Phú Lâm, các đảo Cây và Duy Mộng thuộc quần đảo Hoàng Sa cũng được Trung Quốc cho phát triển tương tự.




EU chỉ trích Trung Quốc


tiến hành quân sự hóa Biển Đông


Hoạt động quân sự hóa Biển Đông đang đe dọa hòa bình tại khu vực có tranh chấp giữa các bên.

Đây là phát biểu của Phó Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Federica Mogherini, nhân chuyến thăm đến Hà Nội vào ngày 5 tháng 8. Hãng AFP loan tin cho biết bà Federica Mogherini nói rõ Liên Minh Châu Âu quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng tại khu vực Bỉển Đông.

Cũng theo nguyên văn lời của bà Federica Mogherini thì hoạt động quân sự hóa chắc chắn không dẫn đến một môi trường hòa bình.

Bà này nhắc lại ủng hộ của quyền tự do đi lại, tự do hàng không trên biển và ủng hộ tiến trình hoàn tất đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử tại Biển Đông (COC) và tôn trọng Công ước Quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Trong cùng ngày, theo truyền thông trong nước, Bà Federica Mogherini bày tỏ vui mừng lần đầu đến thăm Việt Nam tại cuộc hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về chính sách đối ngoại và an ninh. Tại đây, bà Federica Mogherini khẳng định EU coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại khu vực và EU đang triển khai nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để phát triển sâu rộng hơn các mối quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Theo tin từ báo Tuổi Trẻ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao hỗ trợ của EU và các nước thành viên EU dành cho Việt Nam. Nhân dịp này, ông Phạm Bình Minh đề nghị phía EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam để tăng cường lực thể chế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.

Theo thông cáo chung do phía EU công bố trong ngày 5/8/2019, EU và Việt Nam hoan nghênh việc kết thúc đàm phán Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (Hiệp định FPA).




Những hệ lụy nguy hiểm trong việc sử dụng


 tàu nghiên cứu khoa học của TQ ở Biển Đông


Theo tờ South China Morning Post loan tin, Bộ Tài nguyên Trung Quốc vừa nhận chiếc tàu nghiên cứu mới mang tên Đại Dương, dài 98,5m, rộng 17 m và có lượng giãn nước gần 4.600 tấn, vận tốc tối đa 29,6 km/giờ và tầm hoạt động gần 26.000 km, có khả năng tiến hành thăm dò nước sâu ở bất kỳ đại dương nào trên thế giới.

Truyền thông TQ tán dương, khoe thành tựu mới của TQ

Truyền thông Trung Quốc khoe việc nhận tàu Đại Dương “đánh dấu thời kỳ mới cho khả năng nghiên cứu và thăm dò nguồn thủy sản cũng như giúp duy trì lợi ích của quốc gia ở vùng biển quốc tế”. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết tàu Đại Dương với vận tốc tối đa 16 hải lý/giờ và tầm hoạt động khoảng 14.000 hải lý đủ sức thực hiện nhiệm vụ thăm dò tài nguyên ở bất kỳ vùng biển nào trên thế giới.Theo CCTV: “Chiếc Đại Dương đánh dấu kỷ nguyên mới trong năng lực thăm dò – nghiên cứu tài nguyên biển, giúp duy trì quyền lợi của Trung Quốc trên các khu vực biển quốc tế”.

Báo chí và giới chức Trung Quốc tích cực tuyên truyền, bao biện về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động nghiên cứu khảo sát khoa học biển, khi cho rằng hoạt động này là một nội dung quan trọng được Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 (2016-2020),

nhằm giúp Trung Quốc từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng “Cường quốc biển”, phục vụ triển khai “Con đường tơ lụa trên biển” và cùng với các nước khác xây dựng một “Cộng đồng chung vận mệnh”. Nhiều bài báo ca ngợi rằng hoạt động khảo sát khoa học biển là nỗ lực của Trung Quốc trong việc chủ động chia sẻ kinh nghiệm với các nước để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng ngừa thiên tai, phát hiện và khai thác các nguồn tài nguyên biển nhằm mang lại lợi ích cho các nước.

TQ đang lợi dụng danh nghĩa “nghiên cứu khoa học đại dương” để lôi kéo các nước

Chỉ tính từ cuối năm 2017 đến nay, Trung Quốc đã chủ động triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế về nghiên cứu, khảo sát khoa học biển với nhiều nước khu vực và có thể được coi là một thành công về chiến lược của Trung Quốc. Với Philippines, nước được coi là ngọn cờ đầu trong tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và cũng là nước đệ đơn kiện yêu sách “Đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông lên Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, từ ngày 24/1-25/2/2018, Trung Quốc đã công khai việc đưa tàu nghiên cứu khoa học tới khu vực Benham Rise để cùng với các nhà khoa học Philippines tiến hành các hoạt động nghiên cứu, khảo sát đại dương tại khu vực này theo thỏa thuận đạt được giữa Chính phủ hai nước (ngày 15/2/2018). Truyền thông Trung Quốc ca ngợi và hy vọng rằng Trung Quốc và Philippines sẽ tiếp tục tiến hành một số hoạt động nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên chung ở Biển Đông. Với Myanmar, Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc đưa tin cùng với các khoản hỗ trợ đầu tư về kinh tế, trong lĩnh vực khoa học, Trung Quốc (17/1/2018) đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Hướng Dương Hồng 3” tới Vùng đặc quyền kinh tế của Myanmar tại Ấn Độ Dương để cùng với các nhà khoa học Myanmar tiến hành khảo sát và nghiên cứu khoa học biển với hành trình trải dài hơn 680 hải lý. Với Pakistan, theo tờ Defence.pk của Pakistan hôm 21/1/2018 đưa tin Trung Quốc đã lần đầu tiên cử tàu khảo sát “Thực nghiệm 3” tới khu vực Makran của Pakistan để phối hợp với các nhà khoa học nước này triển khai dự án nghiên cứu khảo sát khoa học biển kéo dài 25 ngày (13/1-7/2/2018), trong phạm vi 700km và ở độ sâu 3.000m. Với Pháp, Trung Quốc đã phối hợp với Tàu Tara của Pháp tiến hành khảo sát khoa học về sự thay đổi của hệ sinh thái và các bãi san hô tại khu vực gần đảo Hải Nam, Hồng Công, Hạ Môn và Thượng Hải.

Tuy nhiên, TQ không thể che giấu ý đồ thực sự đằng sau hoạt động nghiên cứu, khảo sát khoa học biển

Hoạt động khảo sát nghiên cứu khoa học biển của Trung Quốc bị dư luận tại nhiều nước phản đối. Tại Philippines, bất chấp thái độ thực dụng của chính phủ khi thúc đẩy hợp tác khai thác chung với Trung Quốc, một bộ phận chính giới và các nhà khoa học Philippines đã phản ứng mạnh mẽ, cho rằng Trung Quốc đang sử dụng danh nghĩa hợp tác nghiên cứu khoa học để xoa dịu quan ngại của các nước về các hoạt động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông, thông qua hoạt động này để giành vai trò dẫn dắt trong “hợp tác cùng khai thác” theo chủ trương của Trung Quốc, đồng thời tìm cách củng cố các bằng chứng đòi hỏi “chủ quyền” tại các vùng biển tranh chấp. Chính điều này đã khiến cho Hội đồng Bản đồ và Khoáng sản quốc gia Philippines hôm 26/2/2018 phải đề nghị Bộ Ngoại giao Philippines kiến nghị Tổ chức Thủy văn quốc tế hủy các tên gọi do Trung Quốc đặt cho 05 cấu trúc trong vùng biển Benham Rise mà Trung Quốc có được thông qua các hoạt động nghiên cứu, khảo sát.

Giới chuyên gia quốc tế cũng cho rằng việc Trung Quốc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khảo sát, thăm dò tài nguyên với các nước không chỉ nhằm cạnh tranh, mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ở nhiều khu vực biển quốc tế trong đó có Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, hoạt động này còn nhằm tạo tiền đề thúc đẩy mở rộng hợp tác trên biển giữa Trung Quốc với các nước, qua đó hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai sáng kiến “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ 21” và góp phần giúp Trung Quốc hiện thực hóa mục tiêu trở thành “Cường quốc biển” vào giữa thế kỷ 21. Rõ ràng là, thông qua việc triển khai các phương tiện tham gia, Trung Quốc không chỉ tìm kiếm được sự gắn kết về chính trị, kinh tế với các nước, mà còn khảo sát được địa hình, địa chất đáy biển phục vụ cho các hoạt động quân sự của nước này, nhất là để xây dựng phương án tác chiến của tàu ngầm và tàu sân bay, thu thập tin tức về bố trí lực lượng của các nước. Ngoài ra, hoạt động hợp tác khảo sát nghiên cứu khoa học biển với các nước còn giúp Trung Quốc xây dựng hình ảnh là “cường quốc biển có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai và cùng các nước xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh”.

Ở Biển Đông, việc Trung Quốc tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học với các nước, trong đó nước được chú ý nhất chính là Philippines, nhằm tạo hình ảnh về “thiện chí” của Trung Quốc trong việc thúc đẩy hợp tác và giải quyết hòa bình các tranh chấp, tạo ra sự ngộ nhận trong dư luận về một Biển Đông ổn định và hợp tác theo những gì Trung Quốc tuyên truyền, nhằm che đậy việc nước này đang đẩy mạnh quân sự hóa ở Biển Đông như đưa tên lửa, máy bay chiến đấu ra Trường Sa, lắp đặt hệ

thống Rada gây nhiễu sóng…, đồng thời, Trung Quốc đã tạo sự nghi kỵ trong nội bộ các nước ASEAN và hiểu lầm của các nước bên ngoài về các hoạt động hợp tác cùng khai thác song phương với Trung Quốc. Vụ việc Trung Quốc đưa nhóm tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 tới Bãi Tư Chính của Việt Nam hiện nay là một ví dụ điển hình cho ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc khi mượn danh “nghiên cứu, khảo sát khoa học biển” để theo đuổi các yêu sách chủ quyền phi pháp, khiến tình hình khu vực trở nên ngày càng căng thẳng, bất chấp luật pháp quốc tế và sự lên án mạnh mẽ của công luận




Hàng chục tàu Trung Quốc


gây sức ép lên Việt Nam ở Bãi Tư Chính


Căng thẳng Bãi Tư Chính giữa Việt Nam và Trung Quốc đã kéo dài hơn 1 tháng và dường như vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt khi những thông tin từ nhiều nguồn cho thấy Trung Quốc đã điều hàng chục tàu bao gồm Hải cảnh, tàu dân binh đi cùng tàu khảo sát Hải Dương 8 có mặt liên tục ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Thông tin mới nhất được Giáo sư Carl Thayer thuộc Trường Đại học New South Wales, đưa trên Twitter hôm 3 tháng 8 cho thấy Trung Quốc đã điều 35 tàu các loại vào vùng biển Việt Nam, trong này có những tàu trang bị vũ khí hạng nặng. Lúc đỉnh điểm số tàu lên đến 80 chiếc.

Trước đó, hôm 30/7, truyền thông Ấn Độ dẫn các nguồn tin ngoại giao khác nhau cho biết phía Việt Nam đã thông báo cho Ấn Độ về những căng thẳng ở Bãi Tư Chính và xác nhận đã có khoảng 35 tàu Trung Quốc có mặt ở khu vực này. Đây cũng là khu vực gần những lô dầu khí mà Việt Nam đã cho Ấn Độ khai thác.

Theo các thông tin đã được nhiều nguồn xác định, vào tháng 5 vừa qua, công ty Rosneft của Nga đã ký hợp đồng với một công ty Nhật Bản để giàn khoan Hakuryu 5 tiến hành khoan ở lô 06.1 ở bể Nam Côn Sơn. Hai tàu hậu cần của Việt Nam thường xuyên đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06.1 để cung cấp hậu cần cho giàn khoan.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây cho biết từ tháng 5, Trung Quốc đã yêu cầu Việt Nam không được khoan dầu.

Trung Quốc coi toàn bộ vùng nước và các thực thể nằm trong đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này vẽ ra ở Biển Đông thuộc ‘vùng nước lịch sử’ của Trung Quốc. Bãi Tư Chính với lô 06.1 nằm trong khu vực này, dù bãi này hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam căn cứ theo Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.

Theo Trang Minh Bạch Hàng Hải, từ ngày 16/6, tàu Hải cảnh Haijing 35111 đã đi vào gần khu vực lô 06.1 nằm ở phía tây bắc Bãi Tư Chính. Tàu này luôn đi gần các tàu hậu cần của Việt Nam nhằm đe dọa các tàu này. Ngày 2/7, tàu 35111 thậm chí đi với tốc độ nhanh và chỉ cách các tàu hậu cần của Việt Nam khoảng 100 mét mỗi tàu.

Ngày 3/7, Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 được hộ tống bởi 4 tàu Hải Cảnh và một tàu dân binh, trong đó có tàu Hải cảnh 3901 là tàu hạng nặng cỡ 12.000 tấn tới khu vực phía bắc Bãi Tư Chính. Đối mặt với các tàu Trung Quốc vào lúc đó chỉ có 4 tàu Cảnh sát biển của Việt Nam.

Theo giáo sư Carl Thayer, việc Trung Quốc gia tăng sức ép với Việt Nam lần này tại Bãi Tư Chính cho thấy Trung Quốc đang đẩy mạnh hơn những đòi hỏi về chủ quyền của nước này đối với  Việt Nam sau khi Hà Nội nhân nhượng trước sức ép của Trung Quốc vào các năm 2017 và 2018.

Tháng 7/2017 Việt Nam đã phải dừng khoan thăm dò ở lô 136/03, và vào tháng 3/2018 Việt Nam cũng dừng thăm dò ở lô 07/03. Tất cả đều do sức ép của Trung Quốc.

Trong bài phân tích hôm 1 tháng 8, giáo sư Carl Thayer viết: “Những hành động của Trung Quốc trong 3 năm qua cho thấy hai mục tiêu chính của Bắc Kinh. Mục tiêu thứ nhất là thiết lập sự bá quyền của Trung Quốc đối với việc khai thác nguồn tài nguyên biển (bao gồm dầu và khí) ở khu vực nằm trong vùng đứt khúc 9 đoạn. Trung Quốc vì vậy làm gián đoạn các hoạt động của các nước ven biển và gây sức ép lên các quốc gia này để bắt họ phải tham gia khai thác phát triển chung cùng Trung Quốc.

Mục tiêu thứ hai của Trung Quốc là loại bỏ các cường quốc bên ngoài khu vực tham gia vào việc khai thác nguồn tài nguyên ở Biển Đông. Đây là bằng chứng từ việc Trung Quốc đệ trình bản thảo để thảo luận Bộ Quy tắc về ứng xử giữa các bên trên Biển Đông được ASEAN và Trung Quốc phê duyệt vào tháng 8 năm ngoái. Trung Quốc đề nghị rằng việc hợp tác kinh tế biển chỉ được thực hiện giữa Trung Quốc và các quốc gia ven biển, và không được thực hiện bởi các công ty bên ngoài khu vực.”

Nhiều lô dầu khí ngoài khơi Việt Nam hiện là liên doanh với các nước khác không phải Trung Quốc, như Ấn Độ, Nga, và Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ hôm 1 tháng 8 khẳng định những hoạt động của Trung Quốc không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác dầu khí của nước này ở Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 20 tháng 7 cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc phải dừng ngay các hành động bắt nạt ở khu vực Biển Đông.




Carl Thayer : Có đến 80 tàu Trung Quốc


 vây quanh bãi Tư Chính !



Trong bối cảnh căng thẳng tại bãi Tư Chính, với việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 cùng với số lượng tàu hải cảnh và dân quân biển hùng hậu, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt cả tháng qua, giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales (Úc) hôm nay 04/08/2019 có bài phân tích bổ ích về vấn đề này. Bài viết tựa đề “South China Sea: Will Vanguard Bank Ignite Vietnamese Nationalism?”, được đăng trong phần Thayer Consultancy Background Brief, trên trang Sribd.com.

Vì sao ông nghĩ rằng lần này Việt Nam đứng lên chống lại sự tấn công của Trung Quốc, trong khi hồi năm 2017 và 2018 đã phải lùi bước ?

Carl Thayer : Tôi không rõ « Đứng lên chống lại sự tấn công của Trung Quốc » có phải là cụm từ chính xác nhất về phản ứng của Việt Nam trước sự kiện bãi Tư Chính (Vanguard Bank) hay không. Cảnh sát biển Việt Nam tại khu vực Tư Chính hiện nay dường như được lệnh phải trấn giữ, trong lúc Việt Nam có một loạt động thái phản đối về ngoại giao.

Hồi tháng 7/2017, một tướng lãnh cao cấp của Trung Quốc đã sang Hà Nội, yêu cầu Việt Nam ngưng khai thác dầu tại bãi Tư Chính. Khi bị thủ tướng Việt Nam từ chối, ông ta giận dữ rời Hà Nội và chấm dứt các hoạt động hữu nghị thường niên ở biên giới Việt-Trung. Trung Quốc cũng được cho là đe dọa sử dụng vũ lực. Việt Nam đành phải thuận theo và ngưng khai thác. Đến tháng 3/2018, sau khi Trung Quốc gia tăng áp lực chính trị và ngoại giao, Việt Nam cũng phải ngưng các hoạt động ở gần mỏ Cá Rồng Đỏ.

Năm nay Việt Nam có vẻ đã rút ra được kinh nghiệm. Theo một tài liệu được bộ Ngoại Giao Việt Nam chuẩn bị, Hà Nội đã sử dụng bốn kênh khác nhau – ngoại giao, an ninh, quốc phòng và Ban Đối ngoại Trung ương – để đưa ra hơn một chục văn bản phản đối, như công hàm gởi đến đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội, bộ Ngoại Giao Trung Quốc ở Bắc Kinh và « các cơ quan hữu quan ». Trong số những đòi hỏi của Việt Nam, có việc Trung Quốc « phải lập tức chấm dứt việc xâm phạm, và rút tất cả các tàu thăm dò, tàu hộ vệ ra khỏi vùng biển Việt Nam ».

Đồng thời, « cơ quan chấp pháp trên biển của Việt Nam tiếp tục áp dụng một loạt biện pháp để thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam một cách hòa bình và phù hợp với luật pháp… » - theo một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, khi kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Cũng theo bộ Ngoại Giao, hôm 4/7 tàu Hải Dương Địa Chất (Haiyang Dizhi) 8 được một số tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc hộ tống, đã tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Các tàu cảnh sát biển Việt Nam đã là mục tiêu các vụ tấn công bằng vòi rồng áp lực cao, và bị những tàu hải cảnh Trung Quốc lao đến tông vào mũi tàu « nhằm cưỡng ép tàu Việt Nam ».Theo tài liệu của bộ Ngoại Giao Việt Nam, số lượng tàu Trung Quốc tham gia gây hấn vào lúc cao nhất lên đến 35 chiếc. Vào ngày 3/8, một nguồn tin riêng từ Việt Nam cho biết tổng số tàu Trung Quốc đủ loại đã vọt lên khoảng 80 chiếc !

Có dấu hiệu nào cho thấy tình cảm chống Trung Quốc đang tăng lên trong đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) hay không ? Một số đại biểu Quốc Hội đã có ý kiến muốn hạn chế đầu tư từ Trung Quốc, và xung đột mới đây trên Biển Đông dường như đang dẫn đến tình cảm dân tộc dâng cao trong đảng ?

Tâm lý chống Trung Quốc vốn đã gay gắt trong ĐCSVN, và cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính chỉ củng cố thêm. Tuy vậy Việt Nam có lịch sử lâu dài gắn liền với Trung Quốc, và mặc dù có thể kể ra những lần Trung Quốc xâm lược đất nước, người Việt vẫn ý thức được phương diện tích cực của mối quan hệ. Quan trọng nhất là việc coi Trung Quốc như kẻ thù thường trực không có lợi cho Việt Nam.

Dự thảo luật đặc khu đã bị đưa ra khỏi chương trình nghị sự của Quốc Hội trong năm nay, do tình cảm chống Trung Quốc phổ biến trong xã hội cũng như nơi các đại biểu. Hôm 30/7, Hội Nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố kêu gọi chính phủ « phản kháng mạnh mẽ hơn » đối với các hành động hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông.

Người ta cho là trong giai đoạn chuẩn bị cho Đại hội Đảng năm 2021, không có khuôn mặt nổi trội nào đáp ứng được mọi kỳ vọng cho một tổng bí thư, nên tổng bí thư đương nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng và phe của ông có thể phải đối mặt với những đại biểu có quan điểm tự do hơn. Dù gì đi nữa những người đang dòm ngó các chức vụ cao nhất có thể sử dụng tình cảm chống Trung Quốc để ngăn trở những người được ông Trọng giới thiệu, vì đây là điểm yếu nhất của ông trong đảng ?

Các nhà lãnh đạo Việt Nam đang nới lỏng quy định phải về hưu ở tuổi 65, cho phép « những trường hợp đặc biệt ». Những yêu cầu nghiêm ngặt hơn về sức khỏe sẽ được áp dụng. Điều này sẽ mang lại lợi thế cho những người ủng hộ ông Trọng.

Vấn đề chính liên quan đến việc ông Nguyễn Phú Trọng về hưu, là chức tổng bí thư và chủ tịch nước có được hợp nhất hay sẽ tách rời. Nếu tiếp tục hợp nhất hai chức vụ này, sẽ khó khăn cho các quan chức cao cấp muốn thăng tiến để đáp ứng được các đòi hỏi, đặc biệt là trong chính phủ. Mọi ứng viên tiềm năng đều phải có kinh nghiệm công tác đảng.

Vấn đề quan hệ Việt-Trung sẽ được đặt lên hàng đầu vào khoảng tháng 10, khi tổng bí thư kiêm chủ tịch nước đến Washington gặp tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng. Điều quan trọng là quan hệ song phương Việt -Mỹ có được nâng từ quan hệ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược hay không.

Chắc chắn là việc này có liên quan đến quan hệ Việt-Trung. Yếu tố Trung Quốc sẽ đè nặng một khi Bắc Kinh vẫn tiếp tục để cho tàu khảo sát cùng với một số lớn tàu hải cảnh, dân quân biển đủ loại xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bất kỳ một vụ đâm tàu nào đều có thể làm dấy lên những cuộc biểu tình phản đối.

Trong khi việc chọn lựa ban lãnh đạo cho Đại hội Đảng 13 đang được tiến hành, dường như tâm điểm xoay quanh vấn đề tổng bí thư tương lai sẽ giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc ra sao. Những bất đồng giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nổi lên trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du (Hai Yang Shi You – HYSY) 981, và rất có thể sẽ tái diễn.

Năm 2014, khi Trung Quốc biết được rằng Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam đã triệu tập một cuộc họp đặc biệt để cân nhắc việt « thoát Trung » và xích lại gần hơn với Hoa Kỳ, Bắc Kinh đã cho rút giàn khoan 981 đi. Tổng bí thư ĐCSVN gởi một đặc phái viên sang Trung Quốc để chỉnh đốn quan hệ song phương.

Mười chín người đã được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị trong Đại hội 12. Ba nhà lãnh đạo cao cấp đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Ông Trần Đại Quang qua đời lúc còn đương chức, ông Đinh Thế Huynh nghỉ bệnh, và ông Trọng cũng không khỏe. Nếu có một nhà lãnh đạo trẻ được cất nhắc, thì nhân vật này nằm trong số các ủy viên trung ương.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.