Căng thẳng Bãi Tư Chính: Lòng yêu nước của người dân bị lợi dụng và phản bội
RFA
Cao Nguyên
2019-07-26
2019-07-26
Hôm 25/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Lê Thi Thu Hằng lần thứ ba lên tiếng chỉ trong vòng chưa đến 10 ngày để phản đối Trung Quốc vi phạm chủ quyền biển và khẳng định sẽ “kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền”, đồng thời tiết lộ đã trao công hàm yêu cầu nước này phải rút ngay tàu Hải Dương 8 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Từ khoảng giữa tháng 6 và đầu tháng 7 đến nay, Trung Quốc đã điều tàu Hải Dương 8 cùng các tàu Hải cảnh vào khu vực bắc Bãi Tư Chính và trong Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam.
Từ sau tuyên bố thứ hai hôm 19/7 của Bộ Ngoại giao, báo chí nhà nước được thoải mái đưa tin về sự kiện này. Hàng loạt các bài báo, phân tích bình luận được đăng tải mỗi ngày chỉ trích hành động gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Mạng báo VTC có bài “45 năm Trung Quốc leo thang với dã tâm chiếm trọn Biển Đông” điểm lại toàn bộ những sự kiện Trung Quốc đã tấn công vùng biển Việt Nam từ năm 1974 đến nay.
Vietnamnet có tít bài trước khi sửa chữa là “Huy động toàn dân để bảo vệ chủ quyền và phẩm giá của Dân tộc”. Không những chỉ thẳng Trung Quốc, những bài viết này sử dụng từ ngữ mạnh như “dã tâm, xâm chiếm, tham vọng bành trướng…” nhằm khơi gợi tinh thần chống Trung Quốc của người dân Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra căng thẳng trong quan hệ Việt Nam và Trung Quốc liên quan đến tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong những năm qua. Tuy nhiên, khác với các năm 2007, 2011, 2012, 2014, lần này người ta không thấy những cuộc biểu tình rầm rộ chống Trung Quốc, biểu lộ lòng yêu nước của đông đảo người dân Việt Nam.
Không cần nhà nước bật đèn xanh
Lý giải về hiện tượng vắng bóng các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, thành viên của đội bóng đá NO-U FC chủ trương chống “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh tự ý vẽ ra trên Biển Đông nhận định:
“Thực ra bây giờ, các bài báo đó không có tác dụng và ảnh hưởng lớn đến phong trào biểu tình chống Trung Quốc và các tổ chức xã hội dân sự nữa. Bởi vì từ trước đến nay, đã có rất nhiều cuộc xuống đường nhưng người tham gia cảm thấy uất ức là bởi vì lòng yêu nước của họ bị lợi dụng thậm chí là bị phản bội. Rất nhiều người bị đàn áp, bị đánh đập hoặc thậm chí là đi tù.
Gần như 100% ý kiến những người hoạt động liên quan đến các hoạt động chống Trung Quốc hay Đường Lưỡi Bò có cùng một ý kiến chung với nhau là bây giờ mọi việc đã như thế thì hãy cứ để cho Đảng và nhà nước lo trước đã.
Chúng ta có lịch sử 1000 năm Bắc thuộc nhưng vẫn giành lại được độc lập, nhưng trong bối cảnh nhập nhèm như bây giờ, nhân dân bảo vệ tổ quốc mà chính phủ lại đi đêm với Trung Quốc. Người dân đang rất quan tâm cần sự minh bạch trắng đen rõ ràng các đường lối chính sách của nhà nước trong tình hình thực tại.”
Bà Bùi Thị Minh Hằng, người từng rất nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong năm 2011 trước khi bị chính quyền Hà Nội bắt giữ, đưa đi cải tạo với thời hạn 5 tháng khẳng định, bà sẽ không xuống đường dù có được chính quyền “bật đèn xanh”.
“Bản thân tôi đã nhiều lần bị bắt bớ cho nên nên bây giờ tôi xác định là sẽ không xuống đường theo lời kêu gọi của chính quyền.
Lần này khi Trung Quốc có có hành động xâm lược ở bãi tư chính trong khi bà Ngân - Chủ tịch Quốc hội lại đang thăm viếng Trung Quốc. Vì thế, người dân nghi ngờ rằng đây là một màn kịch.
Những lần trước, nhà cầm quyền Việt Nam hoàn toàn không hề có một động thái gì để bảo vệ chủ quyền đất nước cả. Họ không cần người dân, cũng không vận động quốc tế, cũng không đưa Trung Quốc ra toà giống như một số nước khác đã làm.
Những hành động đó của nhà cầm quyền Việt Nam cho thấy việc kêu gọi người dân bảo vệ chủ quyền đất nước chỉ là một sự mị dân lừa gạt thôi,”
Một người dân ở Sài Gòn giấu tên, có quan tâm đến tình hình đất nước, cũng khẳng định với phóng viên RFA rằng, yêu nước không phải theo thời vụ:
“Yêu nước thì phải rõ ràng chứ không phải theo kiểu thời vụ lúc này lúc khác. Yêu nước không cần phải bị định hướng hay không phải hỏi bất cứ ai.
“Tôi thấy mặc dù ban tuyên giáo hay báo đảng đã “bật đèn xanh”, hô hào sự xuống đường (tuy họ ko nói trực tiếp nhưng có ý như vậy) nhưng người dân Việt Nam đã đủ tỉnh táo để hiểu rằng yêu nước là vô điều kiện, không cần ai cho phép, không cần ai bật đèn xanh, khi nào thấy cần thiết thì tự khắc xuống đường.”
Trả tự do cho những người tù lương tâm để huy động được sức dân
Từ năm 2007 đến nay, đã có ít nhất hàng chục người dân bị tòa án Việt Nam ghép các tội trạng khác nhau vì tham gia phản đối Trung Quốc trên mạng xã hội, hoặc trực tiếp xuống đường.
Năm 2008, nhà văn Phạm Thanh Nghiên bị bắt giữ và tuyên án 4 năm tù giam khi đang tọa kháng tại nhà với hai biểu ngữ yêu cầu chính phủ Hà Nội có thái độ cứng rắn đối với việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Trừơng Sa và Hoàng Sa.
Năm 2008, nhà văn Phạm Thanh Nghiên bị bắt giữ và tuyên án 4 năm tù giam khi đang tọa kháng tại nhà với hai biểu ngữ yêu cầu chính phủ Hà Nội có thái độ cứng rắn đối với việc Trung Quốc lấn chiếm đảo Trừơng Sa và Hoàng Sa.
Cách đây 5 năm, một số người tham gia biểu tình chống vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng bị lực lượng mặc áo Thanh niên xung phong ở TPHCM bắt giữ và đánh đập.
Trả lời cho câu hỏi “làm cách nào để chính quyền hiện nay có thể lấy huy động được sức dân nhằm chống lại sự bành trướng của Trung Quốc”, người dân Sài Gòn không nêu tên bày tỏ:
“Lúc trước, chính quyền coi những người biểu tình là những kẻ bị xúi giục, phản động, gây rối. Tuy nhiên đến giai đoạn này thì họ dường như lại cần cái sự “phá rối” đó.
Nếu họ thật tâm thật lòng muốn người dân thể hiện sự phản đối chính quyền Bắc kinh. Họ phải làm một điều gì đấy như là thả những người bị bắt vì tham gia biểu tình. Họ phải hành động để người dân tin tưởng. Người dân đâu phải là con rối trong tay chính quyền!”
Ông Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động thường chụp ảnh các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đưa ra các giải pháp:
“Điều đầu tiên là đất nước này cần phải có sự dân chủ hóa, phải thay đổi Hiến pháp, phải loại bỏ điều 4 Hiến pháp và các điều chẳng hạn như là luật đất đai và lực lượng quân đội phải tách ra khỏi sự chỉ huy của đảng Cộng sản.”
Ngoài ra, còn rất nhiều việc khác mà tôi tin trong thời gian sớm thì nhà nước chưa thể làm ngay được. Ví dụ như thả các tù nhân lương tâm, những người lên tiếng chống bất công trong xã hội, những người biểu tình chống Trung Quốc và những người có khác biệt về quan điểm chính trị đã bị bắt giam.
Nếu nhà nước dám dũng cảm thay đổi để hòa giải với nhân dân thì tôi tin là sự tha thứ cũng như rộng lượng của người dân ngay lập tức sẽ thay đổi tất cả.”
Theo thống kê của Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam hiện vẫn còn giữ ít nhất khoảng 128 tù nhân lương tâm, rất nhiều người trong số này bị bắt giữ vì lên tiếng ôn hòa trên mạng xã hội.
Điểm lại những cuộc biểu tình chống Trung Quốc
Gần như những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam trong những năm gần đây đều có yếu tố Trung Quốc.
Ngày 9/12/2007, hàng trăm người đã tập trung biểu tình chống Trung Quốc tại cả Hà Nội, Sài Gòn phản đối vụ việc Trung Quốc sát nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào đảo Hải Nam của Trung Quốc, lập nên Thành phố Tam Sa.
Tại Sài Gòn, bản Tuyên cáo của người Việt Nam yêu nước được ký tên bởi hơn 3000 người, có sự tham gia của giới văn nghệ sĩ trong đó có nhạc sĩ Tuấn Khanh.
Sáng ngày 29/4/2009, một cuộc biểu tình tại Hà Nội nhằm phản đối sự kiện rước ngọn đuốc Olympics Bắc Kinh đã bị dập tắt nhanh chóng. Nhiều người bị bắt chỉ khoảng 15, 20 phút ngay sau thời điểm bắt đầu.
Ngày 5/6/2011, biểu tình nổ ra ở cả Hà Nội và Sài Gòn. Những người tập trung trước tòa đại sứ Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tránh xa các vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Nguyên nhân là do sự kiện một tàu hải giám Trung Quốc cố ý cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam khi con tàu đang tiến hành các cuộc khảo sát dầu khí ở Biển Ðông.
Liên tiếp những ngày cuối tuần sau đó, Hà Nội liên tục biểu tình phản đối Trung Quốc cho đến đầu tháng 8/2011, khi mà chính quyền Việt Nam thẳn tay đàn áp, bắt bớ người tham gia biểu tình.
Mùa hè năm 2012, hàng ngàn người đã xuống đường tại Hà Nội và Sài Gòn để phản đối Trung Quốc mời thầu dầu khí trong vùng biển Việt Nam và quyết định để thành phố Tam Sa quản lý cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 2014, Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan dầu khí HD-981 diễn ra trong tháng Năm tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có: Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hoá… Đa số các thành phố những cuộc biểu tình đã diễn ra ôn hòa, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Tuy nhiên, một số cuộc biểu tình tại Bình Dương và Hà Tĩnh đã dẫn đến bạo động, phá hoại tài sản nhắm vào các công ty có tiếng Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Singapore hay cá biệt là Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.
Sau vụ việc này, chính quyền Việt Nam đã đàn áp thẳng tay những người tham gia biểu tình, bắt bỏ tù ít nhất 3 nhà hoạt động thuộc Hội Anh em dân chủ đang quay phim, chụp hình đoàn biểu tình.
0 comments