Tin Việt Nam – 24/07/2019
Wednesday, July 24, 2019
7:49:00 PM
//
- Tin Việt Nam
,
Slider
Vụ Nhật Cường: Bộ Công an yêu cầu
Chủ tịch Chung ‘cung cấp thông tin’
Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa gửi văn bản đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến công ty Nhật Cường để phục vụ việc điều tra về các cáo buộc buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và tội rửa tiền.Truyền thông trong nước hôm 24/7 dẫn thông tin từ văn bản của cơ quan CSĐT nói hai công ty của Nhật Cường là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nhật Cường (Nhật Cường) và Công ty TNHH giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) là đơn vị đang xây dựng, cung cấp và quản trị nhiều phần mềm của thành phố Hà Nội trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến…
Tuy nhiên, theo điều tra ban đầu của cơ quan CSĐT, hai công ty này hoạt động chủ yếu dựa trên “nguồn tiền bất hợp pháp”, nên cơ quan này sẽ áp dụng các biện pháp tố tụng đối với các vật chứng theo quy định của pháp luật.
Cơ quan của Bộ Công an cũng yêu cầu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các đơn vị liên quan “cung cấp thông tin, tài liệu” để phục vụ cho việc điều tra, đồng thời đảm bảo hệ thống dịch vụ công hoạt động ổn định, an toàn.
Công ty Nhật Cường, do Bùi Quang Huy làm Tổng Giám đốc, bị khởi tố hồi tháng 5 với cáo buộc cầm đầu đường dây buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia và sử dụng 2 hệ thống kế toán để ngoài sổ sách hàng nghìn tỷ đồng.
Thành lập vào năm 2001, Nhật Cường Software ban đầu chỉ là một trung tâm công nghệ thông tin với một chuỗi các cửa hàng điện thoại di động ở Hà Nội.
Tuy nhiên, việc công ty này sau đó “qua mặt” các ông lớn trong ngành viễn thông khi nhận được hàng loạt các hợp đồng cung cấp dịch vụ phần mềm cho các cơ quan nhà nước ở Hà Nội, trong đó có rất nhiều dịch vụ quan trọng như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của gần 8 triệu dân Hà Nội cho công an thành phố, phần mềm quản lý tội phạm, phần mềm hộ chiếu online, hệ thống quản lý quỹ nhà tái định cư các cấp… khiến công luận đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh mối quan hệ thực chất của doanh nghiệp này với các nhóm lợi ích trong bộ máy công quyền.
Tổng Giám đốc Bùi Quang Huy, 45 tuổi, hiện đang bị truy nã vì đã bỏ trốn ngay trong thời điểm Nhật Cường đang nằm trong “tầm ngắm” của Bộ Công an. Ông Huy sau đó bị khởi tố thêm tội “Rửa tiền”.
Theo thông tin từ Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, nói với báo giới ngày 30/5, thành phố đã chi trả cho công ty Nhật Cường trên 7 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua, chiến 0,49% tổng số ngân sách cho công nghệ thông tin của thành phố, để cung cấp các dịch vụ phần mềm cho Hà Nội. Nhật Cường cũng là đơn vị thực hiện 7 gói thầu mua sắm cho thành phố, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
https://www.voatiengviet.com/a/vu-nhat-cuong-bo-cong-an-yeu-cau-chu-tich-chung-cung-cap-thong-tin/5013443.html
Khởi tố công ty nhập hàng Trung quốc
về gắn nhãn Việt Nam Asanzo
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh quyết định khởi tố Công ty TNHH sản xuất thương mại Sa Huỳnh để điều tra hành vi buôn lậu.Truyền thông trong nước loan tin ngày 24 tháng 7 theo đó, vào tháng 9/2018, công ty Sa Huỳnh khai với hải quan nhập khẩu lô hàng linh kiện lò nướng thủy tinh từ Trung Quốc. Tuy nhiên khi Hải quan Việt Nam kiểm tra phát hiện lô hàng nhập 1.300 lò nướng nguyên bộ mang nhãn hiệu Asanzo.
Sau khi lô hàng bị bắt giữ, phía công ty Sa Huỳnh gửi công văn giải trình tới hải quan cho biết đối tác gửi nhầm hàng.
Công ty Sa Huỳnh đăng ký kinh doanh tại địa chỉ 861/27/39 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau khi mở rộng điều tra, Cục Hải quan phát hiện doanh nghiệp này có hồ sơ nhập khẩu hàng bị làm giả và không hoạt động tại địa chỉ đăng ký.
Ngay sau đó Tập đoàn Asanzo lên tiếng phủ nhận có liên quan đến việc công ty Sa Huỳnh nhập hàng Trung Quốc gắn mác Asanzo bị công an khởi tố.
Ông Phạm Văn Tam, CEO Tập đoàn Asanzo, cho biết tập đoàn không hề có quan hệ thương mại gì với công ty Sa Huỳnh, và sẽ xem xét khởi kiện công ty Sa Huỳnh vì đã vi phạm thương hiệu khi sử dụng tên của Asanxo trên các sản phẩm nhập khẩu của Sa Huỳnh.
Vẫn theo lời ông Phạm Văn Tam, Asanzo đã hợp tác với cơ quan chức năng trong thời gian qua để làm rõ vụ việc.
Vừa qua Việt Nam bị tổng thống Hoa Kỳ cáo buộc là nước lạm dụng thương mại tồi tệ nhất đối với Mỹ. Nhiều hàng hóa gắn nhãn Việt Nam nhưng thực chất là hàng Trung Quốc được xuất vào thị trường Hoa Kỳ.
Chính phủ Hà Nội phải lên tiếng và hiện đang có những biện pháp điều tra cũng như xiết chặt tình trạng bị nói nhập hàng Trung Quốc về rồi gắn nhãn Việt Nam xuất khẩu đi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/viet-comp-prosecuted-for-importing-chinese-goods-labelled-vn-made-07242019095716.html
Nước thải, khí thải của Formosa Hà Tĩnh
đạt tiêu chuẩn Việt Nam
Đại diện Bộ Tài Nguyên- Môi trường Việt Nam, thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, thông báo theo kết quả giám sát của Bộ này, tỉnh Hà Tĩnh, và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (thì) từ tháng 7/2016 đến nay, nước thải, khí thải của Nhà máy Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa -FHS trước khi xả ra môi trường phù hợp với quy chuẩn Việt Nam, dần tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới. Như thế môi trường miền Trung được công bố an toàn.Thông báo vừa nêu được đưa ra tại Hội thảo báo cáo kết quả thiết lập mô hình số trị, tính toán đánh giá nước thải sau xử lí của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (FHS) ra vùng biển Sơn Dương. Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 24 tháng 7.
Theo báo cáo tại hội thảo được báo chí trong nước đăng tải, FHS đã hoàn thành các hạng mục cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, chuyển đổi công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế đúng cam kết với Việt Nam, với tổng kinh phí là 400 triệu đô la.
Thứ trưởng Nhân cũng yêu cầu các nhà khoa học, chuyên gia có nhận xét đánh giá cụ thể, khách quan đối với báo cáo thực hiện, căn cứ kết quả sẽ yêu cầu FHS tiếp thu, hoàn thiện đồng thời tổng hợp để báo cáo Chính phủ.
Thảm họa môi trường do nhà máy thép Formosa gây nên kề từ tháng tư năm 2016 do xả thải các hóa chất trực tiếp ra biển khiến cá, hải sản chết hằng loạt dọc theo các tỉnh miền Trung. Hằng trăm ngàn người dân bị tác động bởi thảm họa này và các nhà khoa học nói phải mất nhiều năm mới có thể khôi phục lại môi trường.
Cũng tin liên qua, trong cùng ngày, một triển lãm quốc tế về xử lý nước thải và cung cấp nước sạch đã được diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của hơn 200 công ty đến từ 30 quốc gia và khu vực.
Các đơn vị tham gia triển lãm đã giới thiệu các thiết bị, kỹ thuật tiên tiến nhất về xử lý nguồn nước. Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết đến năm 2020, 90-95% dân số Việt Nam sẽ tiếp cận nguồn nước sạch và 95-100% người dân Việt Nam sẽ sử dụng nguồn nước sạch vào năm 2025.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Formosa-waste-is-safe-monre-concludes-07242019093925.html
Dân biểu Úc lên tiếng
về trường hợp ông Châu Văn Khảm
Dân biểu Úc Chris Hayes vừa có kêu gọi Quốc hội nước ông quan tâm đến trường hợp ông Châu Văn Khảm, một Việt kiều Úc, bị Hà Nội bắt giữ sáu tháng qua để điều tra về cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.Trong thư gửi Quốc hội Úc đề ngày 23 tháng 7, dân biểu Chris Hayes nêu rõ ông Châu Văn Khảm, một công dân Úc ủng hộ dân chủ, bị bắt từ ngày 15 tháng Một năm nay rồi bị giam mà không được đưa ra xét xử.
Theo dân biểu Chris Hayes thì Việt Nam là một trong những quốc gia tại khu vực bỏ tù nhiều nhất những nhà hoạt động ôn hòa. Các quyền dân sự cơ bản, bao gồm tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội bị hạn chế dữ dội. Những phiên tòa do đảng cộng sản kiểm soát tuyên án ngày càng nặng nề đối với các nhà hoạt động theo cáo buộc mơ hồ về an ninh quốc gia.
Dân biểu Chris Hayes yêu cầu Úc phải bằng mọi cách bảo đảm cho công dân Úc không phải chịu hành xử tùy tiện của một chính phủ có tiếng trừng phạt nặng nề những người dám chỉ trích quyền cai trị của chính phủ đó. Dân biểu Chris Hayes có đề nghị đẩy nhanh vụ việc và Úc phải yêu cầu Hà Nội trả tự do vô điều kiện cho ông Châu Văn Khảm.
Ông Châu Văn Khảm Khảm là công dân bang Bankstown và là một nhân vật nổi bật trong cộng đồng người Việt và luôn quan tâm thúc đẩy các vấn đề nhân quyền, dân chủ và công bằng xã hội trong cộng đồng.
Kể từ khi bị bắt, ông Khảm chỉ được phép gặp lãnh sự Úc hàng tháng, nhưng bị chính quyền theo dõi các cuộc nói chuyện. Ông vẫn chưa được gặp luật sư của mình. Dân biểu Chris Hayes bày tỏ lo ngại qui trình xét xử đối với ông Khảm sẽ không công khai, công bằng bởi chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Cộng sản.
Dân biểu Chris Hayes cho biết ông đã gặp vợ và hai con trai của ông Khảm. Những người này đang rất lo lắng cho ông Khảm cả về thể chất lẫn tinh thần.
Dân biểu Chris Hayes và cộng đồng người Việt ở Úc khẩn thiết yêu cầu chính phủ Úc can thiệp, gây áp lực với chính phủ Việt Nam trả tự do cho ông Châu Văn Khảm.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/aus-rep-chris-hayes-letter-to-parliament-ab-chauvankham-07242019090454.html
Các công trình thủy điện sai phạm vẫn tồn tại:
Hiện tượng con lạc đà chui lọt lỗ kim
Sai phạm ở Lai Châu và Lào CaiThông tấn xã Việt Nam trong những ngày cuối trung tuần tháng 7 phổ biến loạt bài ghi nhận về các dự án thủy điện Chu Va 2, Mường Kim II và Nậm Pạc ở Lai Châu có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án như: việc xây dựng vẫn cứ diễn ra dù còn vướng mắc việc đền bù cho người dân địa phương; ngang nhiên tận thu và khai thác đá hoặc khoan hầm xuyên qua Quốc lộ 32 trong khi cơ quan chức năng chưa cấp phép; nổ mìn thi công công trình thủy điện làm nứt nhiều nhà dân và nghiêm trọng nhất là chính quyền chưa giao đất mà vẫn cứ tiến hành xây dựng trong thời gian dài.
Trong khi đó, báo giới một lần nữa nhắc lại trường hợp các dự án thủy điện Pờ Hồ, Bản Hồ và Tà Thàng ở Lào Cai mà chủ đầu tư bị cáo buộc có rất nhiều sai phạm liên quan đến thu hồi và giải phóng mặt bằng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hay chưa hoàn tất thủ tục pháp lý nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng công trình thủy điện không phép…Riêng Nhà máy thủy điện Tà Thàng, do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Vietracimex, thuộc Bộ Giao thông-Vận tải làm chủ đầu tư, được đưa vào danh sách có hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng.
Công trình thủy điện Tà Thàng với nguồn vốn đầu tư 200 tỷ đồng, được khởi công xây dựng hồi cuối năm 2008. Tuy thuộc trong nhóm công trình bị nghiêm cấm trong hoạt động xây dựng vào năm 2009, nhưng nhà máy này vẫn được tiến hành xây dựng và vận hành phát điện lên lưới điện quốc gia vào tháng 10 năm 2013 với sản lượng bình quân khoảng 250 triệu KWH/năm, đạt doanh thu trung bình 235 tỷ đồng và không nộp thuế. Theo ghi nhận của Báo mạng Lao Động, Tổng Công ty Cổ phần Thương mại Vietracimex cho đến nay chưa nộp thuế, phí cho ngân sách Nhà nước tỉnh Lào Cai lên đến 47 tỷ đồng.
Con lạc đà chui lọt lỗ kim
Tôi cho rằng vì có trạng thái những dự án được phát hiện thì chưa kịp xử lý kịp thời, xử lý ngay và nhiều khi cứ để đấy mà Việt Nam vẫn dùng từ gọi là ‘phạt cho tồn tại’. Thế thì từ đấy dẫn đến chủ đầu tư lờn và với cái đà như thế cứ tiếp diễn hết dự án này sang dự án khác. Tôi cho rằng đây là một tình trạng khá buồn khi bệnh ‘lờn luật’ đang được xuất hiện khá nhiều, đặc biệt việc ‘lờn luật’ đó tạo ra lợi ích nhiều hơn cho chủ đầu tư làm cho cái gọi là thu lợi bất chính, thu lợi trái pháp luật đang xảy ra
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Từ Sài Gòn, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang cho RFA biết các dự án lớn như công trình xây dựng thủy điện phải trải qua quy trình xét duyệt rất bài bản từ việc trình duyệt bước đầu dự án tiền khả thi với các bộ để xin phép cho sự chuẩn thuận như Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an (nếu có liên quan đến phòng cháy, chữa cháy) và Bộ Kế hoạch-Đầu tư (nếu liên quan đến vốn) và khi các bộ này thông qua cho xét duyệt thì mới tiến hành khảo sát và thiết kế, gọi là “luận chứng kinh tế-kỹ thuật”, sau đó mới thực hiện đấu thầu thi công. Do đó, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang khẳng định quy trình xét duyệt các dự án xây dựng ở Việt Nam có thể nói là rất khó và nghiêm ngặt.
Tuy nhiên, với hiện trạng hàng loạt các dự án thủy điện lớn như ở Lào Cai và Lai Châu mà báo giới nhiều lần phản ánh cho thấy hiện tượng con lạc đà chui lọt lỗ kim. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường-Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận xét với RFA về hiện tượng này:
“Sự thực thì không chỉ các công trình thủy điện mà nhiều loại dự án khác, như chúng ta thấy trên mặt báo các dự án của Mường Thanh tại Hà Đông và tại Linh Đàm thì cũng đều rơi vào tình trạng tức là
thực hiện dự án không đúng với nội dung được phê duyệt; trong đó thường thiên về hướng tạo lợi ích nhiều hơn cho chủ đầu tư. Tôi cho rằng vì có trạng thái những dự án được phát hiện thì chưa kịp xử lý kịp thời, xử lý ngay và nhiều khi cứ để đấy mà Việt Nam vẫn dùng từ gọi là ‘phạt cho tồn tại’. Thế thì từ đấy dẫn đến chủ đầu tư lờn và với cái đà như thế cứ tiếp diễn hết dự án này sang dự án khác. Tôi cho rằng đây là một tình trạng khá buồn khi bệnh ‘lờn luật’ đang được xuất hiện khá nhiều, đặc biệt việc ‘lờn luật’ đó tạo ra lợi ích nhiều hơn cho chủ đầu tư làm cho cái gọi là thu lợi bất chính, thu lợi trái pháp luật đang xảy ra.”
Tiếp lời Giáo sư Đặng Hùng Võ, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang giải thích hiện tượng “con lạc đà chui lọt lỗ kim” trong các dự án xây dựng tại Việt Nam không có gì là quá khó hiểu. Kỹ sư Trần Bang nhấn mạnh:
“Thế bây giờ chủ đầu tư bỏ qua các bước (quy trình thực hiện dự án), chắc chắn là không phải bỏ qua hết thì họ dựa vào một ô dù cấp cao nào đó, như một ông ở Bộ Chính trị hay một ông Bộ trưởng- Ủy viên Trung ương…Cho nên họ cứ mang ông ấy ra dọa và các bộ, ban, ngành phải lờ đi. Nhưng chẳng hạn khi vị trí bị thay thế bởi một người khác, họ khui ra hay khi thanh tra kiểm tra thì mới lộ ra. Thế thì chủ đầu tư lại tiếp tục ‘chạy’”
Vào hôm 21/07/19, trong bài phóng sự cuối của loạt bài ghi nhận về các công trình thủy điện sai phạm ở Lai Châu, Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời của Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Lai Châu – Giàng A Tính rằng, các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm của các công trình thủy điện, để xảy ra vi phạm kéo dài. Còn các sai phạm của những dự án thủy điện ở Lào Cai, câu hỏi về trách nhiệm của các sở, ngành liên quan mà báo giới quốc nội nêu lên vẫn chưa có phản hồi nào từ Chính quyền tỉnh Lào Cai. Trong khi đó, Báo mạng Nông nghiệp Việt Nam hồi trung tuần tháng 9 năm ngoái ghi nhận, các cơ quan bao gồm Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Giao thông-Vận tải-Xây dựng, Sở Công thương và Sở Kế hoạch-Đầu tư của tỉnh Lào Cai đưa ra kiến nghị tạm dừng dự án thủy điện Bản Hồ do có những vi phạm nghiêm trọng, nhưng Chính quyền tỉnh lào Cai chỉ phê bình bằng văn bản đối với chủ đầu tư là Công ty Việt Long, đồng thời yêu cầu các cơ quan vừa nêu tạo điều kiện thuận lợi cho chủ đầu tư, kịp thời xử lý vướng mắc, phát sinh để đảm bảo tiến độ công trình.
Nghịch lý vẫn tồn tại
Song song với những tin tức về các dự án thủy điện có sai phạm như ở Lào Cai và Lai Châu, dư luận đón nhận các bản tin mà họ gọi là “trớ trêu” khi một người dân ở huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 2015 bị lập biên bản và bị buộc phải tháo dỡ chòi nuôi vịt do tự ý xây dựng trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình mà không xin phép chính quyền địa phương, hay hồi năm 2017, ở khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh một con đường nhựa sạch đẹp mà người dân trong xóm tự hiến đất và cùng quyên góp xây dựng lại bị chính quyền địa phương yêu cầu xới lên, trả lại hiện trạng cũ do không có giấy phép thi công…Gần đây nhất, trường hợp quán Bún Bò Dũng Đinh, ở phường 4, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh bất thình lình bị cưỡng chế, đập phá toàn bộ quán vào ngày 14 tháng 6 vừa qua khiến dư luận phẫn nộ khi xem video clip do chính nạn nhân là ông Dũng Đinh quay lại và đăng tải trên mạng xã hội
Vào tối ngày 23 tháng 7, ông Dũng Đinh chia sẻ với RFA rằng, miếng đất mà ông mua lại để dựng quán bán bún bò thuộc một “dự án treo” mà người dân địa phương gọi tên là “Dự án Cụm 3 trường” kéo dài hơn 20 năm. Theo luật định hiện hành thì người dân có thể chỉnh sửa, xây cất và chấp nhận sẽ không được bồi thường một khi dự án quy hoạch tiến hành đền bù giải tỏa. Ông Dũng Đinh cho biết ông chỉ dựng một cái khung tiền chế, tháo dỡ được mà cũng bị cưỡng chế và sau khi xảy ra vụ việc, ông đã làm đơn khiếu nại nhưng hơn 1 tháng qua chính quyền địa phương vẫn chưa có phản hồi nào.
Đài RFA được biết không chỉ một trường hợp của ông Dũng Đinh mà còn có thêm hơn một chục trường hợp khác cùng hoàn cảnh, thuộc dự án treo “Cụm 3 trường”. Đây là một dự án mà Báo mạng Đô Thị Mới, hồi tháng 11 năm 2018 phản ánh về việc Công ty Vạn Thái “núp bóng dự án công ích” để thu hồi đất của người dân. Ông Dũng Đinh khẳng khái nhận xét về chủ tâm của chính quyền địa phương:
“Họ xử lý việc này lạm quyền với một lý do đơn giản thôi, là họ cũng quơ vào trong dự án ‘Cụm 3 trường’, là họ đang giữ cho Công ty Vạn Thái. Họ bắt tay nhau để làm những chuyện lợi ích nhóm. Họ làm động thái này là chứng tỏ chính quyền với Công ty vạn Thái bắt tay nhau để hại dân.”
Kỹ sư Xây dựng Trần Bang trả lời câu hỏi Đài Á Châu Tự Do đưa ra rằng vì sao có sự gần như là đối nghịch trong cách hành xử của chính quyền địa phương đối với những công trình xây dựng tại Việt Nam như thế:
“Đó là lỗi hệ thống. Ví dụ như ở vùng này chính quyền cho người dân làm các công trình dân sinh như làm cầu, làm đường trong xóm mà nhà nước không đầu tư. Thế nhưng, chỗ xóm này thì làm được, còn chỗ khác thì không làm được. Ông nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từng nói rằng ‘trên bảo dưới không nghe’. Có nghĩa rằng rất chặt chữ từ Trung ương xuống, tuy cùng một luật nhưng mỗi nơi lại một khác. Nơi này thả cho dân làm, nơi kia thì bóp dân. Tức là, có thể nơi này quản lý chặt chẽ đối với các công trình từ nhỏ đến lớn, nhưng có nơi sẽ cho qua các công trình lớn có phong bì, còn công trình nhỏ không có phong bì bị bắt để lập thành tích.”
Thế bây giờ chủ đầu tư bỏ qua các bước (quy trình thực hiện dự án), chắc chắn là không phải bỏ qua hết thì họ dựa vào một ô dù cấp cao nào đó, như một ông ở Bộ Chính trị hay một ông Bộ trưởng- Ủy viên Trung ương…Cho nên họ cứ mang ông ấy ra dọa và các bộ, ban, ngành phải lờ đi. Nhưng chẳng hạn khi vị trí bị thay thế bởi một người khác, họ khui ra hay khi thanh tra kiểm tra thì mới lộ ra. Thế thì chủ đầu tư lại tiếp tục ‘chạy’
-Kỹ sư Trần Bang
Kết thúc cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Dũng Đinh cho biết kế bên và phía sau nền đất quán bún bò bị cưỡng chế của ông vẫn có các ngôi nhà khác tiếp tục được xây lên, mà không bị chính quyền cưỡng chế (!?).
Trở lại câu chuyện các dự án thủy điện sai phạm mà vẫn “sừng sững” hoạt động, bất chấp các văn bản “hỏa tốc” đề nghị sửa sai từ các bộ, ngành, để thấy rằng có một sự “hậu thuẫn” nào đằng sau những sai phạm này chăng? Rất tiếc là, hậu quả cuối cùng rồi thì người dân cũng lãnh đủ. Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường-Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh về những hậu quả tai hại của các dự án thủy điện xây dựng trái phép:
“Sự thực mà nói khi thủy điện làm trái với quy hoạch được duyệt thì sẽ dẫn đến những hệ lụy khá lớn: thứ nhất là mất rừng nhiều hơn; thứ hai là khi hồ chứa lớn hơn và đồng thời xả nước xuống không theo đúng quy hoạch thì có thể làm thiệt hại cho đồng rượng và cuộc sống của người dân và thậm chí đấy cũng là những nguyên nhân tạo ra mất cân bằng sinh thái ở khu vực, có thể tạo ra lũ ống, lũ quét là các hiện tượng mà hiện nay người dân đang chịu thiệt hại rất nhiều.”
Tỉnh Lai Châu có 71 công trình thủy điện được phê duyệt, trong đó gần 20 công trình đã hoàn thành và số còn lại đang xây dựng. Tỉnh Lào Cai có 80 công trình thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt, trong đó 44 dự án đã hoàn thành. Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có con số thống kê chính thống nào được công bố liên quan các dự án thủy điện sai phạm tại hai tỉnh bị cho là mang nhiều tai tiếng trong dự án thủy điện này. Thế nhưng, truyền thông luôn cập nhật những con số cụ thể về thiệt hại người và của ở hai tỉnh miền núi Lào Cai và Lai Châu mỗi mùa mưa bão hàng năm.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-illegal-hedro-electric-dams-still-exiting-operating-for-years-07232019145613.html
Mạng xã hội Gapo của Việt Nam quá tải
sau khi ra mắt
Một ứng dụng mạng xã hội của Việt Nam là Gapo đã bị sập mạng hàng giờ do lỗi quá tải, ngay khi vừa ra mắt.AFP loan tin vừa nói hôm 24/7/2019.
Hôm 22/7, Gapo đã trở thành trang mạng xã hội mới nhất của Việt Nam ra mắt sau hơn 4 tháng đầu tư, với kỳ vọng sẽ có 20 triệu người dùng vào năm 2021.
Nhưng vài giờ sau khi ra mắt vào tối thứ Hai 22/7, trang mạng vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới thực hiện thao tác đăng ký.
Thậm chí, một số người dùng đã bị chặn đăng ký mới, trong khi những người khác không thể sử dụng các chức năng của ứng dụng.
Ông Dương Vi Khoa, giám đốc chiến lược của Gapo trong bài viết trên trang Facebook cho biết, ‘có những lỗi chỉ xảy ra khi hệ thống đạt đến một mức nhất định’.
Ứng dụng Gapo là một nền tảng mạng xã hội, cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, tải video, tải ảnh và đăng tải nhận xét trên trang web theo phong cách ‘news feed’.
Theo ông Khoa, mặc dù tương đồng với Facebook, nhưng Gapo không có ý định cạnh tranh với bất kỳ mạng xã hội nào.
Theo truyền thông trong nước, Công ty Gapo đã được đầu tư 21 triệu đô la từ công ty mẹ, là quỹ đầu tư rủi ro G-Capital.
Gapo được coi là một phiên bản Việt của Facebook, vốn rất phổ biến ở Việt Nam, với hơn 53 triệu người dùng đã đăng ký tại quốc gia 95 triệu dân này.
Theo AFP, chính quyền độc đảng Việt Nam đang cố gắng tăng cường các nền tảng web của riêng mình trong khi thắt chặt quyền tự do internet.
Nhưng Facebook cùng với Google, YouTube và các công ty công nghệ toàn cầu khác, đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn sau khi luật an ninh mạng hà khắc được thông qua vào năm ngoái.
Dự luật gây tranh cãi vẫn chưa được thực hiện, nhưng khi ban hành có thể yêu cầu các công ty bàn giao dữ liệu người dùng và xóa nội dung nếu được chính phủ yêu cầu.
Theo AFP, Việt Nam là nơi có hơn một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30, đang tìm kiếm nhiều nền tảng truyền thông xã hội được thực hiện trong nước.
Các nhà quan sát cho rằng các công ty địa phương có thể sẵn sàng tuân thủ luật an ninh mạng mới.
Các trang truyền thông xã hội đã trở thành cứu cánh cho các nhà hoạt động tại Việt Nam, nơi tất cả các phương tiện truyền thông độc lập đều bị cấm và blog thường xuyên bị xóa.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ Việt Nam kể từ năm 2016 đã bị cáo buộc tiến hành một cuộc đàn áp chống lại các nhà phê bình, với ít nhất 128 người hiện đang bị cầm tù, hơn 10% những người này đã bị kết án vì những bình luận trên Facebook.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-s-homespun-facebook-swamped-after-launch-07242019102441.html
Bãi Tư Chính: Việc VN kiện TQ ra tòa quốc tế
đang được nhắc lại
Ý kiến của giới quan sát rằng giờ đã đến thời điểm Việt Nam dùng biện pháp pháp lý để phản ứng lại hành động của Trung Quốc liên quan vụ Bãi Tư Chính.Tại sao lại là bây giờ, khi Trung Quốc từng gây hấn nhiều lần trên Biển Đông trong các năm qua?
Trao đổi với Mỹ Hằng của BBC hôm 23/7, ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu luật Quốc tế, nói Việt Nam đã khá chậm trong việc phản ứng lại hành động của Trung Quốc trong vụ Bãi Tư Chính.
Do đó, ông Hoàng Việt cho rằng nếu không ngay lập tức có các giải pháp tức thì để tranh thủ ủng hộ của thế giới, trong đó có việc kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, thì hậu quả có thể khó lường.
Philippines đã đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế và đã ‘thắng lớn’ năm 2016.
Tại sai Việt Nam không kiện Trung Quốc?
TQ nói Hoa Kỳ ‘vu khống’ về Biển Đông
Bãi Tư Chính: ‘VN nên công bố chi tiết’ và đừng ‘hạn chế báo chí’
“Tôi được biết là mỗi lần có sự cố như vụ Bãi Tư Chính thì chính phủ thường cho họp các cơ quan ban ngành và tìm ý kiến. Nhưng đến lúc tìm ra giải pháp thì sự việc đã xảy ra một thời gian khá lâu rồi. Trong vụ Bãi Tư Chính phải gần nửa tháng sau mới thấy Việt Nam có tiếng nói chính thức.”
“Phải hiểu rằng Việt Nam cần có sự thận trọng, cân nhắc khi đối đầu với một đối thủ quá mạnh là Trung Quốc. Không như Philippines ngăn cách với Trung Quốc bằng đường biển, Việt Nam có đường biên giới trên bộ liền với Trung Quốc và vì vậy, dễ tổn thương hơn khi đối đầu với nước này. Trung Quốc đã có nhiều ‘đòn’ nhắm vào Việt Nam. Vi dụ ngay khi sự kiện Bãi Tư Chính xảy ra, Trung Quốc đã đóng tất cả các đập trên thượng nguồn sông Mekong khiến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam dưới hạ nguồn bị khô hạn nghiêm trọng. Ngoài ra còn các ‘đòn’ thương mại khác. Việt Nam đã rút ra bài học xương máu sau cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 nên đã chọn đấu tranh trong hòa bình.”
“Nhưng lùi một bước để tiến ba bước cũng là chiến thuật để đối đầu với một đối thủ quá mạnh. Ví dụ Việt Nam từng bắt buộc phải ngưng thăm dò hai lô dầu khí trên Biển Đông năm 2018 dưới sức ép của Trung Quốc. Nhưng sau đó một thời gian Việt Nam lại hoạt động trở lại các lô này. Trong vụ Bãi Tư Chính, chúng ta đã có sự mềm mỏng nhất định, nhưng nếu không có kịch bản để phản ứng ngay tức thì thì sẽ khó khăn hơn rất nhiều trong tương lai.”
“Giải pháp ngay lúc này, theo tôi là, cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của quốc tế bằng mặt trận thông tin. Cần đưa các nhà báo quốc tế tới nơi xảy ra sự việc để đưa tin chân thực, sống động về tình hình nóng bỏng tại nơi này cho thế giới biết, như Việt Nam đã từng làm năm 2014 khi Trung Quốc mang giàn khoan 981 tới vùng biển Việt Nam.
“Song song với việc này, cần ngay lập tức kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế. Việc Tòa Trọng tài PCA năm 2016 tuyên bố Philippines thắng trong vụ nước này đơn phương kiện Trung Quốc đã tạo thuận lợi lớn cho Việt Nam để khởi kiện Trung Quốc. Điều mà trước sự kiện 2016 Việt Nam có thể không làm được.”
Vì sao có thể kiện lúc này?
“Trước đây Việt Nam không kiện Trung Quốc hẳn nhiên có một số lý do tiềm ẩn,” theo theo nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn tại Pháp trong một bài viết gửi BBC.
“Trong khi tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines chỉ bộc phát mới đây, tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về Hoàng Sa đã trên 100 năm, tranh chấp Trường Sa bắt đầu từ sau Thế chiến Thứ hai, cũng đã tròn 70 năm.”
“Từ lâu, Trung Quốc không nhìn nhận “có tranh chấp với Việt Nam” trên Biển Đông, do đó không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.”
Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
Sao không thấy có biểu tình phản đối TQ?
Bãi Tư Chính và lô 06-01 từ góc nhìn Luật quốc tế
“Tuy nhiên, phán quyết của Tòa Trọng tài PCA ngày 12/7/2016, bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về đường chữ U chín đoạn và “quyền lịch sử” ở khu vực Biển Đông, đã không chỉ giải quyết những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc tại khu vực Trường Sa mà còn mở cho Việt Nam nhiều cơ hội pháp lý (và ngoại giao) để giải quyết Hoàng Sa, vấn đề đã bị “đông lạnh” ít ra từ năm 1975 đến nay. Nhờ đó, Việt Nam có thể “ép” Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với mình. Nếu Trung Quốc một mực từ chối “đàm phán”, lúc đó Việt Nam có thể nghĩ đến việc đi kiện,” ông Trương Nhân Tuấn phân tích.
“Bởi vì, việc “đi kiện” (trước Tòa án về Luật Biển) chỉ được một bên áp dụng khi mà mọi phương án “ngoại giao” (tức đàm phán) đều cạn kiệt. Luật Biển 1982 xác định rõ việc này ở các điều 281 và 282.”
Việt Nam ‘sẽ thắng’ nếu kiện?
Ông James Kraska, Chủ tịch Trung tâm Stockton về Luật hàng hải Quốc tế thuộc Trường Hải Chiến của Mỹ, trả lời VOA rằng Trung Quốc đang hành động “bất hợp pháp” trên Biển Đông và vi phạm “nghiêm trọng” Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982)” mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Ông James Kraska cũng cho rằng Việt Nam “nên kiện” Trung Quốc ra tòa quốc tế, và nhận định “Việt Nam hầu như là sẽ thắng.”
“Phán quyết cuối cùng sẽ do chủ tịch của tòa trọng tài quốc tế về luật biển và không có ai (nước nào) ngoài Trung Quốc tin rằng những gì mà Trung Quốc đang làm là hợp pháp,” ông James Kraska giải thích.
Ông Jonathan Odom – giáo sư luật quốc tế của Trung tâm Nghiên cứu An ninh Marshall của Mỹ thì viết trên Twitter nhận định rằng Hà Nội “có thể dùng hầu hết phần biện hộ” của Philippines trong vụ kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế năm 2016 là có khả năng giành chiến thắng về mặt pháp lý.
“Vấn đề chỉ là liệu Hà Nội có đủ ý chí chính trị để làm việc này hay không,” ông Jonathan Odom viết.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49079948
Bãi Tư Chính:
Trung Quốc ‘tinh vi’, Việt Nam ‘yếu thế’?
Quốc PhươngBBC News Tiếng ViệtBãi Tư Chính là vấn đề “rất rắc rối” và Trung Quốc muốn thử nghiệm một cách chơi mới khi “thử phản ứng” của Việt Nam và các nước, nhưng dù phản ứng thế nào, Việt Nam đều ‘thua’ Trung Quốc, theo một nhà nghiên cứu chính trị và Trung Quốc học thuộc Đại học Maine Hoa Kỳ.
“Vấn đề Bãi Tư Chính cũng rất rắc rối, nhưng tôi muốn chú trọng vào vấn đề này là Trung Quốc thăm dò coi Việt Nam phản ứng như thế nào. Mà phản ứng như thế nào thì Việt Nam cũng thua Trung Quốc,” Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận với BBC Tiếng Việt hôm 19/7/2019, bên lề một Hội thảo tư về Việt Nam học ở Porto, Bồ Đào Nha.
Và ông giải thích quan điểm của mình và phân tích các kịch bản tình huống:
“Tại sao tôi nói như vậy? Trước hết, thực ra chúng ta không biết nhiều thông tin chính xác là Trung Quốc đang làm gì. Đáng lẽ chính phủ Việt Nam phải đưa ra những thông tin đó thì những người như chúng tôi mới có thể đánh giá được.
Bãi Tư Chính: Vì sao không có biểu tình phản đối TQ?
Bình luận chuyện báo VN ‘im’ về vụ bãi Tư Chính
Bãi Tư Chính: ‘VN và TQ không muốn leo thang xung đột’
Bãi Tư Chính: ‘VN nên công bố chi tiết’ và đừng ‘hạn chế báo chí’
“Nhưng tôi giả dụ là những tàu của Trung Quốc đi sang, họ làm việc đó để xem Việt Nam phản ứng như thế nào. Nếu Việt Nam phản ứng mạnh mà những nước khác nhìn vào, thì Trung Quốc nói đây là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc, vấn đề song phương.
“Nhưng nếu Việt Nam không phản ứng hay phản ứng nhẹ nhàng, mà các nước khác không phản ứng, thì Trung Quốc cũng nói đây là vấn đề song phương. Mà nhất là mỗi năm, Việt Nam đều đưa nhiều người sang Trung Quốc.
“Kỳ này như bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, sang và bà nói bất cứ chuyện gì giữa Việt Nam và Trung Quốc chúng ta đã đồng ý chúng ta sẽ giải quyết vấn đề một cách yên lành thế này, thế kia.
“Khi Việt Nam nói như vậy, thì Việt Nam đã nói là vấn đề này là vấn đề song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc. Thành ra vấn đề Biển Đông hay vấn đề Trường Sa, hay Hoàng Sa, là Việt Nam thua Trung Quốc ở chỗ đó.”
‘Họ đẩy từ từ’
Theo nhà nghiên cứu này, Trung Quốc tất nhiên không muốn đây là vấn đề đa phương, Giáo sư Long nói tiếp:
Nhiều nước trên thế giới đi ngang Biển Đông, nhưng Việt Nam lại rụt rè. Thành ra, Trung Quốc bây giờ càng ngày càng đẩyGiáo sư Ngô Vĩnh Long
“Họ muốn đây là vấn đề song phương, mà vấn đề song phương thì các nước khác không được dính líu vào. Chỉ là giữa Trung Quốc với Việt Nam thôi. Thì vấn đề này Việt Nam phải suy nghĩ, vì trong mười mấy năm qua chúng tôi nói là Việt Nam phải cố gắng đa phương hóa vấn đề Biển Đông.
“Là bởi vì nhiều nước trên thế giới đi ngang Biển Đông, nhưng Việt Nam lại rụt rè. Thành ra, Trung Quốc bây giờ càng ngày càng đẩy. Trung Quốc đẩy rất là ‘hay’, không những ở Biển Đông mà cả ở Đài Loan nữa. Họ đẩy từ từ.
“Ví dụ như Đài Loan, ngày xưa, thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc nói rằng là người Trung Quốc ở Đài Loan và người gốc Trung Quốc ở Đài Loan và người Trung Quốc ở lục địa đồng ý là chỉ có một nước Trung Quốc, không có nói gì vấn đề là Đài Loan thuộc về Trung Quốc.
“Nhưng Trung Quốc đẩy từ từ, bây giờ nói là Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc, mà những nước khác không nói gì, thì nghĩa là cái gì Trung Quốc nói thì cũng giống như là giữa Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý, nhưng mà không phải như vậy.
“Công bố Thượng Hải là những người Trung Quốc ở Đài Loan và những người Trung Quốc ở Trung Quốc đồng ý là chỉ có một Trung Quốc,” nhà nghiên cứu từ Đại học Maine, Hoa Kỳ nói.
‘Duterte hoàn toàn đúng’
“Đối đầu” giữa các tàu TQ và VN lại xảy ra ở Biển Đông
Bãi Tư Chính và lô 06-01: Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam
Dầu khí Biển Đông: Malaysia cũng bị TQ ‘ngăn trở’
Mỹ: TQ cần ‘dừng thái độ bắt nạt’ ở Biển Đông
Khi được hỏi nếu Trung Quốc tiếp tục sử dụng cách thức của nước lớn, nước mạnh để ‘đe dọa’, hay là ‘thử’ nước nhỏ như vậy, thì có nghĩ tới việc chính họ gặp phải rủi ro nào không, trong bối cảnh một cường quốc thường xuyên hiện diện ở khu vực, Hoa Kỳ, nay đặt dưới lãnh đạo của ông Donald Trump, Giáo sư Ngô Vĩnh Long trả lời:
Mỹ lại không dám thách thức chuyện đó, thì Duterte thấy rằng mấy anh (Mỹ) đùa thôi. Anh đùa thì làm sao tôi tin anh được?Giáo sư Ngô Vĩnh Long
“Trump thì sẽ không làm gì, Trump thì hôm nay nói thế này, ngày mai đổi ý thế kia. Mà Trump là một người chuyên nghĩ đến cái lợi trước mắt, cho nên cái lợi trước mắt đối với Trung Quốc như vậy là bao nhiêu công ty, hãng ở bên Mỹ buôn bán với Trung Quốc.
“Trump nói phía ngoài như thế thôi, nhưng chúng ta thấy vấn đề Huawei thế này, thế kia như thế thôi, nhưng Trump sẽ cho các công ty đó bán hàng, nên không thể dựa vào Trump được.
“Mà kể cả với các đồng minh cũ, lâu nay ở bên châu Âu, kể cả những tổ chức đa phương như là Nato thế này, thế kia, Trump cũng chẳng cần, thì một nước Việt Nam nhỏ bé xa, không có lợi ích kinh tế lớn bằng Trung Quốc, thì Việt Nam không thể dựa vào Mỹ trong lúc này được.”
Gần đây, đối lại với các động thái của Trung Quốc trên Biển Đông và khu vực, một số quốc gia trong vùng đã bày tỏ thái độ, như Malaysia và Philippines, riêng với trường hợp của Philippines – quốc gia đã thách thức Mỹ thực hiện thỏa thuận đồng minh Mỹ – Philippines, để có hành động cụ thể như đưa hạm đội Bảy và lực lượng Mỹ thách thức trực tiếp Trung Quốc.
Về động thái này của lãnh đạo Philippines, Giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận:
“Với Philippines, tôi thấy Rodrigo Duterte hoàn toàn đúng, là bởi vì Mỹ trong quá khứ đã không để ý đến vấn đề Philippines bị khó khăn với Trung Quốc. Thì bây giờ đối với Trump mà như vậy, Duterte thách thức là Mỹ muốn làm gì, thử thách thức (Trung Quốc) coi, hãy cho tôi biết, nhưng Mỹ có làm gì đâu?
“Rồi hải quân của Mỹ đi vòng vòng các đảo, gọi là các đảo nhân tạo, thì đi ngoài khu vực 12 dặm, không phải là đi vào phía trong 12 dặm. Nhưng những đảo gọi là đảo nhân tạo đó do là những chỗ bị ngập nước khi thủy triều lên cao, thì chỉ được 15 mét, để cho không bị sự cố.
“Chỉ 15 mét thôi, nhưng Mỹ lại không dám thách thức chuyện đó, thì Duterte thấy rằng mấy anh (Mỹ) đùa thôi. Anh đùa thì làm sao tôi tin anh được?” Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC News Tiếng Việt từ Porto, Bồ Đào Nha.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49089524
Philippines không hài lòng
về phản ứng của Việt Nam với Trung Quốc
Chính phủ Philippines mới đây lên tiếng tỏ thái độ không mấy hài lòng với cách Việt Nam phản ứng mạnh mẽ đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.Trang tin Inquirer của Philipines hôm 24/7 trích lời người phát ngôn Tổng thống Philippiens, Salvador Panelo nói rằng cách hành xử của Việt Nam đang gây nguy cơ xung đột vũ trang giữa hai nước và gây nguy hại đến tính mạng của người dân.
Lời phát biểu của người đại diện Tổng thống Philippines được đưa ra vào giữa lúc Trung Quốc triển khai các tàu đến khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, phía tây quần đảo Trường Sa, trong nhiều tuần lễ, gây căng thẳng trong quan hệ hai nước.
Trung Quốc hồi tháng 5 cũng triển khai tàu hải cảnh đến đe dọa hoạt động khai thác dầu khí của Malaysia ở bãi Luconia của nước này.
Để đáp trả, Malaysia đã tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa vào tuần trước.
Philippines không có bình luận gì về những hành động của Malaysia.
Người phát ngôn Tổng thống Philippines cho rằng cách thức tốt nhất để giải quyết vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc là qua các đàm phán ngoại giao.
Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.
Hà Nội không xác nhận nhưng cũng không bác bỏ các thông tin được đưa ra trước đó, cho biết các tàu Cảnh sát biển Việt Nam đã đối đầu với tàu Trung Quốc trong nhiều tuần ở Bãi Tư Chính.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/philippines-not-impressed-with-malaysia-and-vietnam-fierce-stance-against-china-07242019090603.html
Tư Chính : Bắc Kinh sẽ còn quấy nhiễu
nếu quốc tế không lên tiếng
Thụy MyCho đến hôm nay 24/07/2019, các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hiện diện gần giàn khoan ở phía tây bãi Tư Chính của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Swee Lean Collin Koh, Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng thuộc trường đại học Nanyang, Singapore nhận định, sự đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại bãi Tư Chính dường như không có hồi kết.
Với việc yêu cầu Bắc Kinh rút hết các tàu, trong đó có Hải Dương Địa Chất 8, ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình, lần này Việt Nam tỏ ra cứng rắn. Thêm vào đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo báo chí chỉ trích việc Trung Quốc cưỡng bức, gây phương hại đến hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác.
Hội nghị các bộ trưởng quốc phòng Đông Nam Á (ADMM) mới đây không hề đề cập đến việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa Biển Đông. Có vẻ như Trung Quốc đã thành công trong việc khẳng định lập luận của mình là đang có hòa bình và ổn định tại Biển Đông, không cần đến sự can thiệp từ bên ngoài.
Phải chăng cuộc đối đầu ở bãi Tư Chính đã đập tan luận điệu của Bắc Kinh ?
Muốn hiểu được hành động của Trung Quốc, trước hết cần xem lại cơ sở yêu sách của họ. Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nhưng cũng trong khu vực « đường lưỡi bò » mà Trung Quốc tự vẽ. Rõ ràng là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) ngày 12/07/2016, khẳng định đường 9 đoạn này là bất hợp pháp, không có tác động đối với những tính toán của Bắc Kinh. Chính sách bành trướng của Trung Quốc không hề thay đổi, và Bắc Kinh chưa bao giờ công nhận hay tuân thủ phán quyết của PCA.
« Đường lưỡi bò » vẫn hiện diện
Theo cách lý sự của Trung Quốc, tất cả các hoạt động liên quan đến dầu khí trong đường 9 đoạn, kể cả bãi Tư Chính của Việt Nam và bãi cạn Luconia của Malaysia, đều là bất hợp pháp vì trong « vùng biển tranh chấp », bất chấp yêu sách đường lưỡi bò này đã bị khẳng định là vô căn cứ, cách đây ba năm.
Tuy nhiên, theo UNCLOS – vốn là cơ sở cho trật tự quốc tế trên biển, mà Bắc Kinh liên tục cho rằng mình tuân thủ – thì các quốc gia ven biển như Việt Nam đang thực thi các quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Rõ ràng là bất kỳ nhượng bộ nào theo phán quyết PCA sẽ làm phương hại cho tính chính danh của của giới chóp bu Bắc Kinh, nhất là Tập Cận Bình, vốn dùng đường lưỡi bò làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Nếu lùi bước, thì không chỉ Tập Cận Bình, mà đảng Cộng Sản Trung Quốc cũng phải trả một cái giá chính trị, lâu nay vẫn lớn tiếng trên các diễn đàn và kích thích tinh thần dân tộc.
Nhưng đằng sau các hành động quấy nhiễu việc khai thác dầu của Việt Nam tại bãi Tư Chính còn có một ttông điệp: không ai có thể thăm dò và khai thác dầu khí tại « vùng biển tranh chấp » nếu không có sự đồng ý của Trung Quốc. Nói một cách đơn giản : cho dù Bắc Kinh không thò tay được vào nguồn năng lượng này, thì cũng không ai được đụng tới.
Những thay đổi trên thực địa
Thái độ này không có gì mới. Cuộc xung đột dữ dội với Việt Nam năm 2014 trước đây, khi Trung Quốc tự tiện kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du (HYSY) 981 đến vùng biển Hoàng Sa, là phản ứng của Bắc Kinh trước hoạt động dầu khí của Hà Nội, hợp tác với công ty Ấn Độ ONGC Videsh Limited.
Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều rút ra những bài học từ vụ đối đầu kéo dài nhiều tháng trời này, và sau đó đã thỏa thuận « xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển », hàm ý là đôi bên sẽ tìm cách kềm chế tình cảm dân tộc chủ nghĩa, âm thầm giải quyết.
Đó là một sự thay đổi kể từ năm 2014. Nhưng còn có một thay đổi quan trọng khác, mà người ta có thể thấy rõ trong vụ bãi Tư Chính : chương trình xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo đã mang lại kết quả. Các tàu Trung Quốc, đặc biệt là tàu tuần duyên và dân quân biển, có thể duy trì sự hiện diện ở bãi Tư Chính nhờ được tiếp liệu tại các đảo nhân tạo này, thay vì quay lại các căn cứ xa tắp ở đại lục.
Bắc Kinh tính toán những gì ?
Bắc Kinh có thể đã đánh giá nhiều yếu tố cho phép họ dùng đến biện pháp cưỡng bức để đạt được mục tiêu tại Biển Đông. Trước hết là các « tiền đồn » ở Trường Sa, thứ hai là nhận định các đối thủ Đông Nam Á không dám công khai các vụ bị bức hiếp, vì sợ sự việc sẽ trở nên nguy hiểm. Nhất là ASEAN và Bắc Kinh gần đây đang có những tiến triển về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), cũng như đã có cuộc tập trận chung đầu tiên hồi năm ngoái.
Cuối cùng, Trung Quốc tin rằng có thể tiếp tục luận điệu xưa nay là chỉ phản ứng trước những khiêu khích, tố ngược lại các nước khác đã gây phương hại cho tiến trình hòa bình trên Biển Đông.
Ban đầu Bắc Kinh cho rằng nhận định trên là đúng, sau khi phá rối giàn khoan Sapura Esperanza của Malaysia ngoài khơi bãi cạn Luconia mà báo chí chính thức nước này không đưa tin, chỉ có mạng xã hội Malaysia lên tiếng. Hà Nội cũng đã buộc báo chí trong nước phải im lặng, cho đến tuần trước. Đây là nỗ lực của hai chính phủ Đông Nam Á để không làm bùng nổ tình hình, âm thầm giải quyết sự cố.
Nhưng tất cả đã thay đổi, với tuyên bố của bộ Ngoại Giao Việt Nam và việc tháo gỡ những cấm đoán đối với báo chí về sự kiện trên, chứng tỏ Hà Nội không còn chịu đựng nổi việc Trung Quốc cứ lì lợm, bám riết bãi Tư Chính để quấy nhiễu.
Như vậy, tiếp đến Bắc Kinh sẽ phải thay đổi chăng ? Theo tác giả, có lẽ là không. Trung Quốc sẽ không rút nhóm tàu ra khỏi bãi Tư Chính, trừ phi có cách thức nào đó để giữ thể diện. Nhưng ít nhất, giờ đây đã phức tạp hơn cho Bắc Kinh : tình cảm dân tộc trỗi dậy khiến Trung Quốc phải dè chừng nguy cơ leo thang.
Điều này có nghĩa là các tàu Trung Quốc có thể vẫn ở lại bãi Tư Chính, nhưng có những chỉ thị rõ ràng nhằm tránh mọi hành động gây căng thẳng tình hình. Đồng thời, cũng giống như hồi năm 2014, sẽ có những hoạt động ngoại giao hậu trường, đặc biệt là giữa hai đảng.
Quốc tế hóa tranh chấp ?
Một nhận xét thú vị : thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Việt Nam bày tỏ mong muốn « các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm duy trì và bảo vệ lợi ích chung này ». Điều này có ý nghĩa quan trọng, là Hà Nội dường như rất muốn quốc tế hóa vụ xung đột ở bãi Tư Chính, và như vậy sẽ tác động đến toàn bộ những tranh chấp ở Biển Đông.
Động thái này đi ngược lại chủ trương lâu nay của Trung Quốc là chống lại mọi sự can thiệp từ bên ngoài. Bất kỳ diễn biến xấu nào ở bãi Tư Chính cũng có thể khiến một bên thứ ba có thể can thiệp, nhân danh an toàn và tự do hàng hải. Nói cách khác, Bắc Kinh có thể hiểu thông cáo của Việt Nam là lời mời gọi bên ngoài vào can thiệp.
Hành động này có thể không làm cho Bắc Kinh rút ngay khỏi bãi Tư Chính, nhưng ít nhất cũng khiến Trung Quốc phải chùn tay, không dám đi xa hơn việc duy trì đội tàu tại vùng biển này. Tuy nhiên rõ ràng là vẫn chưa đủ. Chừng nào Bắc Kinh còn ý thức được là không từ đe dọa tiến đến sử dụng sức mạnh quân sự, thì vẫn còn có thể bảo đảm là không có hành động nào từ bên ngoài để đuổi tàu của họ ra khỏi bãi Tư Chính.
Thúc giục Trung Quốc thối lui ?
Điều gì có thể buộc Bắc Kinh kêu gọi đình chiến và rút khỏi bãi Tư Chính ? Ít nhất, trước hết ASEAN cần phải có quan điểm thống nhất và rõ ràng trong vấn đề này. Theo Nikkei, dự thảo tuyên bố của ASEAN có ghi hành động của Trung Quốc tại Biển Đông làm « xói mòn lòng tin ». Từ ngữ này là mạnh mẽ và trực tiếp hướng về phía Bắc Kinh, nhưng nếu không được thống nhất, có thể làm loãng đi tác động.
ASEAN cần phải cảnh báo Bắc Kinh là mọi hành động bức hiếp như ở bãi Tư Chính là đi ngược lại các tiêu chuẩn và quy định quốc tế hiện có, làm phương hại đến những tiến bộ đã đạt được trong hai năm qua, trong đó có tiến trình đàm phán COC. Vụ Tư Chính phải là phép thử cho khả năng của ASEAN trong vấn đề an ninh khu vực, và bây giờ là lúc để chứng tỏ, sau thất bại hồi tháng 7/2012.
Các cường quốc và định chế quốc tế chủ chốt như Liên Hiệp Châu Âu chẳng hạn, vốn lâu nay cổ vũ cho một trật tự trên cơ sở luật pháp, cũng có thể tác động vào. Hoa Kỳ là cường quốc đầu tiên phản ứng trước các hành vi mới đây của Trung Quốc. Dự luật của Thượng Viện Mỹ về việc trừng phạt các hành động liên quan đến Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2019, được đưa ra vào cuối tháng Năm, có thể « ra đòn » về sự kiện này. Một khi được thông qua, các biện pháp trừng phạt có thể khiến Trung Quốc phải trả giá và buộc lòng phải thay đổi.
Chống lại hành động cưỡng bức
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh kết luận, đã đến lúc cộng đồng quốc tế và đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN phải nhìn nhận, sau nhiều lần cố gắng, là việc vận động Trung Quốc không mang lại kết quả nào. Một mặt tỏ ra muốn thương lượng về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, mặt khác Bắc Kinh tiếp tục sử dụng biện pháp cưỡng bức để đạt cho được mục tiêu, bất chấp các quyền hợp pháp của nước khác. Những cơ sở mà Trung Quốc dựng lên tại Biển Đông đã tạo điều kiện chưa từng thấy cho việc bắt nạt các láng giềng.
Trừ phi cộng đồng quốc tế có hành động cứng rắn trước những quấy nhiễu của Trung Quốc tại bãi Tư Chính, những hành vi tương tự sẽ còn lặp đi lặp lại trong những năm tới. Đơn giản là Bắc Kinh nhận ra, cưỡng ép sẽ mang lại kết quả. Tình trạng này sẽ khiến không chỉ Trung Quốc, mà cả một số nước khác trong hoặc ngoài khu vực, bình thường hóa việc cưỡng bức.
Tác giả nhấn mạnh, như lịch sử đã chứng minh, sự nhường nhịn chỉ làm kẻ tấn công thêm hung hăng, nếu kẻ ấy không biết giới hạn của tham vọng là gì.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190724-bai-tu-chinh-bac-kinh-se-con-quay-nhieu-neu-quoc-te-khong-len-tieng
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
và những ‘khẩu hiệu tốt đẹp’
Trung Khang, RFAPhát biểu tại hội nghị của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục Đông Nam Á (SEAMEO) lần thứ 50, được tổ chức tại Malaysia, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho rằng, điểm mấu chốt của nền giáo dục là phải xây dựng được một môi trường học tập hạnh phúc, ở đó công nghệ hỗ trợ người học, nuôi dưỡng tình yêu thương và thúc đẩy động lực học tập suốt đời.
Nói một đàng làm một nẻo
Đây không phải là lần đầu tiên ông Nhạ đưa ra phát ngôn làm dư luận nghi ngờ. Cách đây ba năm, khi mới nhậm chức, một trong những phát ngôn đầu tiên của tân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ là ‘Mục tiêu giáo dục là đào tạo những con người thật sự nhân văn.’
Nhưng trong 3 năm giữ chức bộ trưởng của ông Nhạ, ngành giáo dục đã xảy ra rất nhiều bê bối, từ bạo lực học đường, đạo đức suy đồi, gian lận thi cử .v.v…
Không chỉ riêng ông Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục mà các quan chức của thể chế này luôn nói đến những mong ước, những điều đẹp nhất của thế giới.
-TS. Mạc Văn Trang
Trao đổi với RFA hôm 23/7 từ Hà Nội, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người có hơn 30 năm công tác trong ngành giáo dục nhận định:
“Nói chung không chỉ riêng ông Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục mà các quan chức của thể chế này luôn nói đến những mong ước, những điều đẹp nhất của thế giới. Người ta không tính đến điều kiện để thực hiện mà chỉ nói cho sướng mồm thôi. Các ông Bộ trưởng trước cho đến những ông Bộ trưởng sau này luôn luôn nói những điều như thế.”
Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, những khẩu hiệu rất là tốt đẹp nhưng làm sao thực hiện được khi mà bản chất của nền giáo dục này là mang tính áp đặt, tuyên truyền là chính. Thêm vào đó, bản chất của xã hội lại thiếu tính nhân đạo, nhân bản và thiếu tự do khai phóng, cho nên trẻ em không được tôn trọng. Một khi không được tôn trọng, tự do thì làm gì có dân chủ, yêu thương được. Do đó, có thể thấy từ môi trường xã hội, gia đình đến nhà trường đều ngày càng xấu đi.
Nhắc lại sự việc sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2018, Bộ trưởng Nhạ “phấn khởi” tuyên bố: kỳ thi quốc gia diễn ra nhẹ nhàng, tốt đẹp…
Nhưng những gì diễn ra sau đó đều khiến toàn xã hội rung động, khi 114 thí sinh bị phát hiện sửa điểm trong kỳ thi tại Hà Giang. Không dừng lại một tỉnh, tiếp tục các trường hợp lộ điểm thi, nâng điểm thi…nói chung là “gian dối” trong kỳ thi đều được lần lượt phanh phui như ở Sơn La, Hòa Bình.
Đây được coi là trường hợp “gian lận” lớn nhất trong ngành giáo dục Việt Nam từ trước đến nay bị báo chí phanh phui, cơ quan an ninh tham gia điều tra và rất không may là đã xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Bộ trưởng Nhạ. Đến nay, đã xác định ra 3 tỉnh có thí sinh được sửa điểm, hàng trăm thí sinh đã bị trả về địa phương, hàng chục cán bộ ngành giáo dục bị bắt giam, một số cán bộ an ninh đã bị kỷ luật…Trước làn sóng phẫn nộ của xã hội, Bộ trưởng Nhạ đứng ra nhận trách nhiệm về sai phạm điểm thi ở Sơn La, Hà Giang.. nhưng ông vẫn chưa ứng dụng văn hóa xin lỗi về sai phạm của ngành giáo dục do ông làm Bộ trưởng.
Thầy Đỗ Việt Khoa, hiện sống tại Hà Nội, hôm 23/7 nhận định với RFA:
“Tôi nghĩ ông Bộ trưởng Nhạ hay ngay cả ông chủ tịch nước có phát biểu gì thì cũng là bình thường, vì cương vị của họ ở Việt Nam lâu nay thích phát biểu oai phong lẫm liệt, đao to búa lớn. Nhưng cứ đợi một thời gian thì chẳng ông nào phát biểu cho đến hồn cả. Có rất nhiều nguyên nhân, thứ nhất là do thể chế nên nó đã sinh ra như thế. Mong muốn của các vị đó, nếu có là thật thì đố mà các vị thực hiện được.”
Và đúng như suy nghĩ của thầy Đỗ Việt Khoa, một kỳ thi do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì đã để xảy ra tiêu cực gây chấn động, nhưng chúng ta chưa thấy một Trưởng Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 nào đứng ra xin lỗi nhân dân cả nước hay nhân dân địa phương mình.
Tuy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018, Bộ trưởng Nhạ đã xin “nhận trách nhiệm” về vụ gian lận thi cử, và mãi đến những ngày cuối tháng 4/2019 ông Nhạ mới nhìn nhận rất đau lòng. Tuy nhiên vẫn không thấy ông xin lỗi.
Nên học -văn hóa từ chức
Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông Quốc gia 2019, vào 14/5/2019, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định 100% sẽ không xảy ra tiêu cực trong kỳ thi này.
Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ giáo dục, kỳ thi này, toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi, trong đó 72 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi… có cả thí sinh dùng điện thoại chụp đề rồi gửi cho người ở bên ngoài giải hộ.
Thầy Đỗ Việt Khoa nhận định:
“Thi năm nay để mà tuyệt đối không có chuyện gì xảy ra là rất khó. Do thói quen gian lận, quay cóp của thí sinh, thói quen thầy vì thành tích làm ngơ cho các thí sinh gian lận ở các địa phương có truyền thống về gian lận, rất khó chấn chỉnh. Gian lận thi cử có lẽ là chuyện muôn đời, dù có chấn chỉnh thì nó vẫn xảy ra, chỉ có cách nào đó làm giảm thiểu, chứ không thể làm sạch được đâu.”
Theo thầy Khoa, thường một hai năm đầu của đợt chấn chỉnh sai phạm, tình hình có vẻ nghiêm túc lại, nhưng sau đó vài ba năm đâu lại vào đấy, sai phạm cũ cứ lặp đi lặp lại.
Lời nói và việc làm của ông Nhạ hầu như không hề song đôi với nhau. Những lời nói tốt đẹp hoa mỹ về ngành của ông ấy, nhưng thực tế rất là tệ.
-LS. Đặng Đình Mạnh
Từ Sài Gòn, Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với RFA nhận định:
“Rõ ràng là sau năm vừa rồi, năm có những bê bối rất lớn trong ngành giáo dục, mà đã có đặt vấn đề là sẽ khởi tố vụ án hình sự. Nhưng mà qua năm nay vấn đề gian lận thi cử vẫn tái diễn, có điều năm nay tái diễn mức độ thấp hơn thôi nhưng mà nó vẫn còn.Điều đó chứng tỏ sự chế tài của luật pháp như đã có hiện nay và vẫn đang được áp dụng không hề mang ý nghĩa gì cả, nó không đủ sức ngăn lại những tiêu cực của ngành giáo dục.”
Theo Tiến sĩ Mạc Văn Trang, không thể thực hiện được cải cách, khi bản thân hệ thống này ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’. Trong cùng một tổ chức mà người ta không phát hiện đươc gian lận thì cũng chịu: Gian lận từ trong bằng cấp: bằng giả, mua điểm; Kể cả Tiến sĩ, Thạc sĩ người ta cũng gian lận, cũng mua bằng giả. Như vậy làm sao trung thực được. Ông nói tiếp:
“Bản thân ông Nhạ cũng có nhiều bài báo nói ông gian lận bằng tiến sĩ. Cả một hệ thống với nhiều chuyện dối trá, gian lận mà không thể nào làm sạch được vì trong một hệ thống ‘vừa đá bóng vừa thổi còi’, ở đâu cũng gian lận, cũng dối trá.”
Ngoài những tuyên bố gây sốc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ còn có nhiều đề án gây tranh cãi. Một trong những đề án đó là dự án dành 12 ngàn tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030.
Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam tiến sĩ quá nhiều mà số nghiên cứu có giá trị hay được viết trên báo quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế mà ông Nhạ còn đề xuất bỏ 12 ngàn tỉ để đào tạo 9.000 tiến sĩ.
Với tư cách là một công dân, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết hầu như không có sự tin cậy nào vào khả năng của ông Nhạ:
“Điều này thể hiện qua lời nói và việc làm của ông Nhạ hầu như không hề song đôi với nhau. Những lời nói tốt đẹp hoa mỹ về ngành của ông ấy, nhưng thực tế rất là tệ.”
Theo Luật sư Mạnh, người như ông Nhạ mà đứng đầu ngành giáo dục của một quốc gia là hết sức nguy hiểm. Vì giáo dục khi mà đã gây hại là gây hại cả một thế hệ, ông Nhạ càng ở lâu thì càng hại nhiều thế hệ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/minister-phung-xuan-nha-and-good-slogans-07232019140702.html
0 comments