Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 24/07/2019

Wednesday, July 24, 2019 7:38:00 PM // ,


Tin khắp nơi – 24/07/2019

Tuần duyên Mỹ gia tăng hiện diện

ở Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc

Tuần duyên Mỹ gia tăng hiện diện ở Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc
Tuần duyên Hoa Kỳ sẽ gia tăng sự hiện diện ở vùng Châu Á Thái Bình Dương để đối phó với những ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tư lệnh Tuần duyên Hoa Kỳ, Đô đốc Karl L. Schultz cho biết như vậy trong một họp báo qua điện thoại hôm 23/7.
Đô đốc Karl L. Schultz cho biết Tuần duyên Mỹ muốn tăng hiệu quả và sự hiện diện thường xuyên trong khu vực qua khả năng viễn chinh và đó là lý do Hoa Kỳ tăng cường hoạt động ở khu vực Châu Đại Dương. Ông đồng thời cũng cho biết vào tháng tới Hoa Kỳ sẽ triển khai các tàu Tuần duyên tới khu vực này nhằm giúp củng cố khả năng của các quốc gia đảo.
Tuyên bố của Tư lệnh Tuần duyên Mỹ được đưa ra vào giữa lúc Trung Quốc đang triển khai tàu khảo sát địa chấn cùng các tàu hộ tống đến khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Bãi Tư Chính, phía tây quần đảo Trường Sa, nhiều tuần qua.
Nói về sự hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam, Đô đốc Schultz cho biết nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên, Hà Nội đã tăng sức mạnh lực lượng Cảnh sát biển của mình lên rất nhiều.
Hồi năm 2017, Tuần duyên Mỹ đã bàn giao tàu tuần tra USCGC Morgenthau thuộc lớp Hamilton cho Cảnh sát biển Việt Nam. Tàu này được biên chế vào Cảnh sát biển Việt Nam và đổi tên thành CSB 8020.
Đô đốc Schultz cũng cho biết Tuần duyên Mỹ cam kết về lâu dài trong việc hỗ trợ các nước khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương bao gồm chuyển giao thêm tàu tuần tra, diễn tập an ninh đa quốc gia, thiết lập thỏa thuận tìm kiếm, cứu hộ song phương, hành pháp, chia sẻ về chuyên môn kỹ thuật.
Năm ngoái, Tuần duyên Mỹ đã triển khai hai tàu Bertholf và Stratton đến khu vực Tây Thái Bình Dương về Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ.
Theo Đô đốc Schultz, mặc dù những tàu tuần duyên của Mỹ trong khu vực vẫn ít hơn rất nhiều so với các tàu hải cảnh của Trung Quốc nhưng Mỹ đang làm việc với các đối tác của mình qua các hợp tác đối tác và tương tác minh bạch.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/us-coast-guard-to-expand-western-pacific-presence-to-curb-chinese-aggression-07242019091546.html

Cố vấn an ninh Hoa Kỳ

gặp gỡ các viên chức Nam Hàn

Tin từ SEOUL, Nam Hàn – Vào hôm thứ Tư (24/7), cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton đã gặp gỡ các viên chức Nam Hàn để thảo luận về các vấn đề song phương lớn giữa tranh chấp thương mại của Nam Hàn với Nhật Bản, các cuộc đàm phán nguyên tử bị đình trệ với Bắc Hàn và tranh chấp không phận trong khu vực vào hôm Thứ Ba (23/7).
Ông Bolton đã gặp Giám đốc của Văn phòng An ninh Quốc gia Nam Hàn Chung Eui-yong, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Jeong Kyeong-doo và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Kang Kyung-wha tại Seoul để thảo luận về các vấn đề bao gồm giải trừ nguyên tử trên Bán đảo Triều Tiên và những biện pháp củng cố liên minh Nam Hàn – Hoa Kỳ. Trong bài phát biểu công khai, ông Bolton và ông Kang chỉ đề cập đến các mục tiêu chung về các vấn đề như Bắc Hàn, nhưng cũng đã ám chỉ về các lĩnh vực khác.
Ông Kang đã cảm ơn ông Bolton vì sự lãnh đạo của Hoa Kỳ ở ngoài khu vực, “đặc biệt là ở eo biển Hormuz” ở Trung Đông. Hoa Kỳ đã tìm cách vận động sự ủng hộ của các đồng minh cho một sáng kiến nhằm tăng cường giám sát các tuyến vận chuyển dầu quan trọng ở Trung Đông, và nhiều người đã suy đoán rằng ông Bolton có thể sẽ chính thức yêu cầu Nam Hàn đóng góp về mặt quân sự. Đầu tuần này, các viên chức Nam Hàn đã cho biết họ đang xem xét vấn đề trên.
Nam Hàn dự kiến sẽ đề cập đến một tranh chấp thương mại với đồng minh Nhật Bản của Hoa Kỳ, nước đã hạn chế lượng xuất cảng vật liệu kỹ thuật cao sang Nam Hàn. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/co-van-an-ninh-hoa-ky-gap-go-cac-vien-chuc-nam-han/

Tổng thống Trump

khởi kiện Ủy Ban Thuế Vụ Hạ Viện

Theo tin từ CBS News, Tổng thống  Trump vừa đệ đơn kiện Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, cùng các viên chức tiểu bang New York trong nỗ lực ngăn cản họ tiếp cận bản khai thuế của Tổng thống.
Hôm thứ Ba (23 tháng 7), Tổng thống đã leo thang mâu thuẫn liên quan đến bản khai thuế, bằng cách đệ đơn kiện lên tòa án liên bang ở Washington. Tiểu bang New York gần đây đã thông qua một đạo luật yêu cầu các viên chức nhà nước công khai bản khai thuế của Tổng thống cho ủy ban Quốc hội.
Theo lời ông Jay Sekulow, cố vấn của Tổng thống, họ đã đệ đơn kiện để chấm dứt sự quấy rối nhằm vào Tổng thống. Ông Sekulow cho rằng hành động của Ủy ban Tài chính và Thuế vụ, Bộ trưởng Tư pháp New York và một viên chức thuế ở New York đã vi phạm Điều 1 của Hiến pháp Hoa Kỳ.
Đáp lại, chính quyền tiểu bang New York cam kết sẽ chống lại nỗ lực ngăn chặn các quyết định của tiểu bang từ phía Tổng thống Trump. Bộ trưởng Tư pháp tiểu bang Letitia James cho rằng không ai có quyền vượt lên trên luật pháp, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ. Đạo luật TRUST sẽ làm sáng tỏ nguồn tài chính của Tổng thống, và mang lại sự minh bạch cho hàng triệu người Hoa Kỳ khao khát được biết sự thật.
Tổng thống Trump từng nói sẽ công bố bản khai thuế trong thời gian tranh cử, nhưng chưa bao giờ thực hiện kể cả khi đã nhậm chức. Vụ kiện lần này chỉ là một trong nhiều vấn đề mà Tòa Bạch Ốc đang phải giải quyết, khi Quốc hội đang tìm cách tìm hiểu hoạt động kinh doanh của Tổng thống.
Vụ kiện cũng diễn ra một ngày trước khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều trần trước Quốc hội về cuộc điều tra Nga. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-khoi-kien-uy-ban-thue-vu-ha-vien/

Facebook trả 5 tỷ USD

 để dàn xếp quan ngại về quyền riêng tư

Facebook phải trả 5 tỷ đô la tiền phạt để dàn xếp các quan ngại về quyền riêng tư, Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) tuyên bố.
Mạng xã hội này cũng phải thành lập một ủy ban độc lập về quyền riêng tư mà người đứng đầu Facebook là Mark Zuckerberg sẽ không được phép can thiệp, kiểm soát hoạt động.
Facebook ‘bị phạt 5 tỷ đô la’
Bạn có dám trao chân dung của mình cho FaceApp?
Facebook bị cho là ‘hoang tưởng’ về kế hoạch tiền điện tử
FTC ra phán quyết rằng có một số chính sách nhất định của Facebook đã vi phạm luật chống gian dối.
Cụ thể, FTC nêu vấn đề liên quan tới công cụ nhận dạng khuôn mặt của Facebook.
Mạng xã hội này cũng bị coi là phạm lỗi với việc không tiết lộ rằng các số điện thoại được dùng để thực hiện kiểm tra bảo mật hai tầng khi đăng nhập Facebook có thể được dùng cho hoạt động quảng cáo.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng của FTC bắt đầu điều tra Facebook vào tháng Ba 2018, sau khi có các tường thuật về việc Cambridge Analytica đã tiếp cận được vào dữ liệu của hàng chục triệu người dùng Facebook.
‘Trách nhiệm’
Đại diện của FTC từ tất cả các đảng phái ở Mỹ đã biểu quyết để dàn xếp ổn thỏa, tuy có các quan ngại từ phía đảng Dân chủ rằng khoản tiền phạt chưa đủ lớn và rằng việc dàn xếp không được thực hiện đủ cặn kẽ.
Trong một tin đăng trên Facebook, ông Zuckerberg nói rằng hãng sẽ tiến hành những thay đổi về cấu trúc, thiết kế của sản phẩm, và về cách hoạt động của công ty.
Bộ phận quản lý vấn đề quyền riêng tư nay sẽ do một quan chức mới phụ trách.
“Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ quyền riêng tư của mọi người,” ông Zuckerberg viết.
Ông nói thêm rằng Facebook đang rà soát các hệ thống kỹ thuật để xác định các rủi ro có thể có trong vấn đề quyền riêng tư.
Và từ nay trở đi, bất kỳ khi nào mạng xã hội này xây dựng một sản phẩm mới hoặc có sử dụng dữ liệu, hoặc có thay đổi về cách sử dụng dữ liệu, thì các rủi ro có thể phát sinh đối với quyền riêng tư sẽ cần được ghi nhận và cần được giảm thiểu tác hại.
Những biện pháp mới này sẽ vượt quá yêu cầu mà luật Mỹ hiện thời đòi hỏi các hãng công nghệ phải thực hiện, ông nhấn mạnh.
“Việc này sẽ cần tới hàng trăm kỹ sư và hơn một ngàn người trong công ty chúng tôi tham gia để thực hiện công việc quan trọng này. Và chúng tôi trông đợi là sẽ mất nhiều thời gian hơn để tạo ra các sản phẩm mới, sau khi tiến trình này được triển khai,” ông nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-49098951

Thượng Viện thông qua dự luật duy trì vĩnh viễn

 nguồn quỹ bồi thường cho các nạn nhân 9/11

Tin từ Washington, DC — Vào hôm thứ Ba (23 tháng 7), Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật, bảo đảm rằng quỹ bồi thường cho các nạn nhân ngày 11/9 không bao giờ cạn ngân sách.
Với tỷ lệ ủng hộ 97-2, dự luật này sẽ được trình lên bàn Tổng thống  Trump để ký thành luật. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau khi các thượng nghị sĩ Dân Chủ đồng ý bỏ phiếu về các điều luật sửa đổi do hai thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đề nghị. Thượng viện sau đó đã bác bỏ các sửa đổi của Thượng nghị sĩ Mike Lee và Rand Paul – hai nhà lập pháp duy nhất bỏ phiếu phản đối dự luật kể trên.
Thượng nghị sĩ Dân Chủ Kirsten Gillibrand cho biết những người đầu tiên đến hiện trường ngày 9/11 và gia đình của họ đã chịu đựng đủ trò chơi chính trị khiến dự luật bị trì hoãn trong nhiều tháng. Theo KTLA, dự luật sẽ kéo dài nguồn quỹ đến năm 2092.
Gần đây, nguồn quỹ trị giá 7.4 tỷ Mỹ kim đã cạn kiệt nhanh chóng, và chính quyền phải cắt giảm tới 70% các khoản phúc lợi. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính dự luật được Hạ viện thông qua sẽ mang lại khoảng 10.2 tỷ Mỹ kim cho các khoản thanh toán bồi thường bổ sung trong 10 năm.
Khi hai tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) sụp đổ vào ngày 11/ 9, khói bụi đã bao trùm khắp khu vực Hạ Manhattan, trong khi các trận hỏa hoạn kéo dài suốt nhiều tuần. Hàng ngàn công nhân xây dựng, cảnh sát, lính cứu hỏa và những người khác đã làm việc trong khói bụi mà không có biện pháp bảo vệ. Kể từ đó, nhiều người nhận thấy sức khỏe của họ suy giảm, một số người mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc hệ thống tiêu hóa ngay sau đó, những người khác mắc bệnh khi họ già đi, bao gồm cả ung thư.
Theo thống kê, hơn 40,000 người đã nộp đơn vào Quỹ Bồi thường Nạn nhân ngày 11/9. Hơn 5 tỷ Mỹ kim đã được phân bổ để chi trả phúc lợi cho các nạn nhân, trong đó vẫn còn khoảng 21,000 trường hợp đang chờ giải quyết. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thuong-vien-thong-qua-du-luat-duy-tri-vinh-vien-nguon-quy-boi-thuong-cho-cac-nan-nhan-9-11/

Buổi điều trần của công tố viên đặc biệt

Robert Mueller trước Quốc Hội đang tiếp diễn

Vào sáng nay 24/07, những phương tiện truyền thông lớn nhất Hoa Kỳ đều đưa tin trực tiếp về buổi điều trần của Robert Mueller trước Quốc Hội.
Cho đến 7:00 sáng giờ Cali, nhiều câu hỏi đưa ra chung quanh việc liệu tổng thống Donald Trump có cản trở công lý vì đã từng yêu cầu sa thải ông Robert Mueller hay không, và có thực sự đã có thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ứng cử viên Donald Trump và Nga hay không.
Phía bên Cộng Hòa viện dẫn trong bản tóm tắt của bản báo cáo Robert Mueller do Bộ Tư Pháp ban hành,  ông Mueller đã kết luận không có bằng chứng về sự thông đồng, và không kết luận tổng thống Trump có cản trở công lý hay không.
Phía bên Dân Chủ đưa ra dẫn chứng cho thấy nhiều bằng chứng trong bản báo cáo gốc về sự thông đồng, về những nhân vật đã tham gia vào việc thông đồng nhưng không bị truy tố. Bên Dân Chủ cũng chất vấn tại sao rõ ràng có bằng chứng cho thấy tổng thống Trump đã ra lệnh sa thải ông Robert Mueller trong vai trò công tố viên, sau đó phủ nhận mình đã làm việc này, thế nhưng ông ta vẫn không bị truy tố về tội cản trở công lý.
Ông Robert Mueller khẳng định lại trong buổi điều trần: tổng thống Trump chưa hề được miễn tội.
Tổng thống tweet trong thời gian điều trần: buổi điều trần là một thảm họa của phe Dân Chủ và ông Robert Mueller.
Buổi điều trần vẫn đang tiếp diễn. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tuong-thuat-truc-tiep-buoi-dieu-tran-cua-cong-to-vien-dac-biet-robert-mueller-truoc-quoc-hoi/

Cựu CTV Robert Mueller

bảo vệ tính trung thực của cuộc điều tra

Trong một cuộc điều trần đầy kịch tính đang diễn ra tại Điện Capitol, trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ, sáng ngày thứ Tư 24/7, cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller bảo vệ tính trung thực của cuộc điều tra do ông lãnh đạo về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Theo tin Reuters, cựu công tố viên Robert Mueller xuất hiện hôm nay trước một Ủy ban Hạ viện Hoa Kỳ. Trong cuộc điều trần đầu tiên hiện đang tiếp diễn trước Ủy ban do dân biểu Jerrold Nadler, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Hoa Kỳ chủ tọa, ông Mueller tái khẳng định rằng ông chưa hề nói Tổng thống Trump không có tội cản trở công lý, hoặc ‘hoàn toàn vô tội’, như Tổng thống Trump đã nói.
Ủy ban Hạ viện do dân biểu Jerrold Nadler chủ tọa có quyền khởi sự tiến trình luận tội chống Tổng thống Donald Trump. Nhưng ông Nadler không nằm trong số 90 dân biểu Dân chủ đã công khai tuyên bố ủng hộ việc khởi sự tiến trình luận tội Tổng thống.
Các nhà lãnh đạo lão thành của Đảng Dân chủ, như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, đang tìm cách kiềm hãm những đòi hỏi trong nội bộ đảng, vì lo ngại sẽ vấp phải phản ứng ngược trong các chiến dịch vận động bầu cử cho năm 2020.
Nếu Hạ viện đòi luận tội Tổng thống Trump, thì quyết định tối thượng, liệu có buộc Tổng thống phải từ bỏ chức vụ hay không, nằm trong tay của Thượng viện, hiện do Đảng Cộng hoà kiểm soát.
Thực tế này đã đặt ủy ban Hạ viện trước tình thế khó lựa chọn, trừ phi đại đa số cử tri ủng hộ giải pháp luận tội.
Ủy ban Tư pháp đang cứu xét những biện pháp để bảo vệ các công tố viên đặc biệt, như ông Mueller. Ông và cuộc điều tra do ông đứng đầu đã bị Tổng thống Trump liên tục tấn công.
Sáng hôm nay, Tổng thống Trump viết trên Twitter, chỉ trích “các đảng viên Dân chủ và những người khác” là bịa đặt ra một tội danh để gán cho “một Tổng thống vô tội”.
Cũng trên Twitter, ông đặt câu hỏi: “Tại sao Robert Mueller không điều tra những nhà điều tra?”
https://www.voatiengviet.com/a/ctv-robert-mueller-bao-ve-tinh-trung-thuc-cua-cuoc-dieu-tra/5013520.html

‘Nỗi sợ Đỏ’ về mối nguy Trung Quốc dâng cao ở Mỹ

Một bộ phận trong chính giới và người dân Mỹ đang ngày càng lo ngại về sự vươn lên của Trung Quốc mà họ cho rằng một ngày nào đó sẽ đe dọa ưu thế toàn cầu của Mỹ về kinh tế-quân sự và kêu gọi phải có hành động quyết liệt để kiềm chế Trung Quốc trong khi các học giả cảnh báo rằng cách làm này sẽ khiến nước Mỹ bị tổn thương.
‘Ủy ban về Mối nguy Hiện tại’
“Trong một phòng khiêu vũ đối diện tòa nhà Quốc hội, một nhóm người có tư tưởng diều hâu quân sự, những người theo chủ nghĩa dân túy, những người đấu tranh cho tự do của người Hồi giáo ở Trung Quốc và các tín đồ Pháp Luân Công gặp nhau để cảnh báo mọi người rằng Trung Quốc đe dọa sự tồn tại của Hoa Kỳ và mối đe dọa này chỉ chấm dứt khi nào Đảng Cộng sản Trung Quốc bị lật đổ,” tờ New York Times miêu tả về tổ chức đang truyền bá thông điệp về nguy cơ từ Trung Quốc trong bài báo có tựa đề ‘Nỗi sợ Đỏ mới đang định hình Washington’.
Ra đời từ Chiến tranh Lạnh, Ủy ban về Mối nguy Hiện tại, một nhóm lâu nay không còn hoạt động đã vận động chống lại các hiểm họa của Liên Xô trong những năm 1970 và 1980. Gần đây, Ủy ban này đã được hồi sinh với sự giúp đỡ của ông Stephen K. Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Tổng thống Donald Trump, để cảnh báo về những hiểm họa của Trung Quốc.
Một thời bị coi là bài ngoại và là thành phần bên lề ở Mỹ, các thành viên của nhóm có quan điểm ngày càng được chấp nhận ở Washington dưới thời Tổng thống Trump. Nỗi sợ của Trung Quốc đã lan rộng khắp chính quyền, từ Nhà Trắng cho đến Quốc hội đến các cơ quan liên bang với sự trỗi dậy của Bắc Kinh được coi là mối đe dọa kinh tế và an ninh quốc gia và thách thức định hình của thế kỷ 21, New York Times cho biết.
“Đây là hai hệ thống không tương thích với nhau,” ông Bannon được New York Times dẫn lời nói về Mỹ và Trung Quốc. “Một bên sẽ thắng, và bên kia sẽ thua.”
Ngoài việc áp thuế 25% đối với khoảng một nửa hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, Mỹ còn hạn chế các loại công nghệ có thể xuất khẩu sang Trung Quốc, tìm cách chặn đứng một số công ty Trung Quốc, như hãng viễn thông khổng lồ Huawei, mua thiết bị của Mỹ. Washington cũng dựng lên rào cản đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ. Các cơ quan tình báo Mỹ cũng đã tăng cường nỗ lực chống gián điệp Trung Quốc, đặc biệt là tại các trường đại học và viện nghiên cứu. Các quan chức từ FBI và Hội đồng An ninh Quốc gia đã được phái đến các trường đại học hàng đầu để cảnh báo họ cảnh giác với sinh viên Trung Quốc mà họ cho rằng có thể thu thập bí mật công nghệ từ các phòng thí nghiệm của họ để chuyển đến cho Bắc Kinh.
Tình cảm bài Trung Quốc đã lan rộng nhanh chóng từ thành viên Cộng hòa và Dân chủ cho tới lãnh đạo các công đoàn. Kênh Fox News cảnh báo rằng những nỗ lực của Trung Quốc để xây dựng sức mạnh quân sự và các ngành công nghiệp tân tiến đe dọa sự lãnh đạo toàn cầu của Mỹ và rằng Mỹ nên phản ứng quyết liệt. Chủ nghĩa hoài nghi đã thấm vào gần như mọi khía cạnh trong sự tương tác của Trung Quốc với Mỹ, với các quan chức Mỹ đặt câu hỏi về sự hiện diện của Trung Quốc trên thị trường chứng khoán Mỹ, việc Trung Quốc xây dựng toa xe điện ngầm cho Mỹ và việc Trung Quốc mua các mạng xã hội của họ, theo New York Times.
Đối đầu thay vì hợp tác?
Tuy nhiên có ít sự đồng thuận về những gì mà Mỹ có thể làm. Mỹ đã cố gắng trong nhiều thập kỷ để lôi kéo và thuyết phục Trung Quốc trở thành một xã hội cởi mở hơn, nhưng Đảng Cộng sản đã dần dần thắt chặt sự kìm kẹp đối với người dân và nền kinh tế Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Mỹ hiện phải đối mặt với lựa chọn liệu có nên tiếp tục cách can dự vốn có thể khiến nước Mỹ dễ bị tổn thương trước các mối đe dọa kinh tế và an ninh, hay là từ bỏ can dự với Trung Quốc vốn có thể làm suy yếu cả hai nền kinh tế và một ngày nào đó thậm chí có thể dẫn đến chiến tranh, cũng theo tờ báo này.
Ngày càng có nhiều người ở Washington xem việc tách rời hai nền kinh tế là điều không thể tránh khỏi – trong đó có nhiều thành viên của Ủy ban về Mối nguy Hiện tại. Tại một cuộc họp hồi tháng Tư, ông Stephen Bannon, Thượng nghị sĩ Ted Cruz của Texas, và ông Newt Gingrich, cựu Chủ tịch Hạ viện đã ca ngợi cựu Tổng thống Ronald Reagan – một cựu thành viên của nhóm – và được cả hội trường đứng dậy hoan hô khi họ kêu gọi cảnh giác với Trung Quốc. Họ ca ngợi chiến thắng của ông Reagan trước Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và học thuyết của ông về ‘hòa bình thông qua sức mạnh’, nhưng họ cũng đem lại cảm giác chiến tranh xảy ra là điều không thể tránh khỏi.
Ủy ban này đạt được đỉnh cao về ảnh hưởng dưới chính quyền Ronald Reagan, khi mà hàng chục thành viên trong nhóm nắm những vị trí cao, gồm cả cố vấn an ninh quốc gia và giám đốc CIA. Nhưng khi mối đe dọa của Liên Xô mờ dần thì hoạt động của nhóm cũng suy yếu. Ủy ban nổi lên trở lại trong một thời gian ngắn, bắt đầu từ năm 2004, để cảnh báo về nguy cơ của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan với lập luận rằng các thánh đường và người Hồi giáo trên khắp nước Mỹ đang có ‘cuộc thánh chiến thầm lặng’ để ‘Hồi giáo hóa nước Mỹ’ bằng cách lợi dụng nền dân chủ Mỹ.
Ủy ban gần như đã chết hẳn cho đến khi xuất hiện mối quan ngại về Trung Quốc. Giờ đây họ thừa nhận rằng mối đe dọa từ Trung Quốc khác với Liên Xô vì nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc hội nhập hơn nhiều. Tuy nhiên Washington đang ngày càng quay trở lại những công cụ họ dùng trong Chiến tranh Lạnh để xử lý mối đe dọa vừa kể.
Chính quyền đã đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách cấm làm ăn với các công ty Mỹ. Chính quyền Mỹ cũng tăng cường kiểm tra đầu tư của Trung Quốc, bao gồm cổ phần thiểu số trong các công ty Mỹ. Tháng 6 năm ngoái, Mỹ đã bắt đầu hạn chế thị thực cho sinh viên Trung Quốc sau đại học trong các lĩnh vực nghiên cứu nhạy cảm như tự động hóa và hàng không. Mỹ cũng bắt đầu cấm các học giả Trung Quốc vào Mỹ nếu họ bị nghi ngờ có liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Làm sụp đổ mối quan hệ?
Cuộc Chiến tranh Lạnh mới không phải một chiều. Trung Quốc đã tăng tường dò xét các công ty Mỹ, và nhiều công ty Mỹ và nhân viên của họ ở Trung Quốc giờ sợ bị trả đũa. Chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù các nhà ngoại giao, học giả và doanh nhân nước ngoài – khiến một số người phải hủy bỏ hoặc trì hoãn các chuyến đi đến Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã nói rõ rằng họ dự định giúp các công ty của họ thống trị các ngành kỹ nghệ trong tương lai, từ trí tuệ nhân tạo, siêu máy tính cho đến thiết bị hàng không vũ trụ. Các chính sách của họ là tìm cách thay thế nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao bằng hàng hóa do Trung Quốc tự sản xuất, gây áp lực cho các công ty đa quốc gia dời ra khỏi Mỹ và dẫn đến người Mỹ mất việc làm.
Mối quan hệ song phương xấu đi đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư của Trung Quốc vào Hoa Kỳ, cùng với lượng sinh viên và du khách Trung Quốc. Đầu tư của Trung Quốc vào bất động sản Mỹ đã bắt đầu giảm. Các công ty đang ngày càng đa dạng hóa thêm thị trường ngoài Trung Quốc.
Những người cổ súy cho rằng điều này là cần thiết để ‘bảo vệ nước Mỹ’. Nhưng ngày càng có lo ngại rằng nó đang nuôi dưỡng ‘nỗi sợ đỏ’ mới, thúc đẩy sự phân biệt đối xử với sinh viên, các nhà khoa học và các công ty có mối quan hệ với Trung Quốc và có nguy cơ làm sụp đổ mối quan hệ gắn kết chặt chẽ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo New York Times.
“Tôi lo rằng một số người sẽ nói, bởi vì nỗi sợ này, bất kỳ chính sách nào cũng có thể biện hộ được,” ông Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ, được New York Times dẫn lời.
Bà Susan Shirk, chủ tịch của Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 tại Đại học California ở San Diego, cho biết Mỹ có nguy cơ bị dính vào ‘một phiên bản của Nỗi sợ Đỏ mang tính bài Trung Quốc’ và do đó đang đẩy những nhân tài năng Trung Quốc ra đi và có thể phá vỡ chút thiện chí nhỏ bé còn lại giữa hai nước.
“Chúng ta từng phạm sai lầm này trước đây trong thời Chiến tranh Lạnh,” bà Shirk nói với New York Times. “Và tôi không nghĩ rằng chúng ta nên phạm sai lầm đó một lần nữa.”
Người dân Trung Quốc ở Mỹ và người Mỹ gốc Hoa cho biết họ đang bị ảnh hưởng. Một số nghi ngờ rằng họ không được xem xét cất nhắc hay được nhận hỗ trợ. Những người cổ súy phát triển quan hệ với Trung Quốc được xem là ‘thành phần thỏa hiệp’ hay thậm chí bị chụp mũ là ‘phản quốc’.
“Người Mỹ gốc Hoa cảm thấy bị nhắm mục tiêu,” ông Charlie Woo, giám đốc điều hành của Megatoys và là thành viên của Ủy ban 100, tổ chức quy tụ những người Mỹ gốc Hoa nổi bật, nói với New York Times. “Điều này thật sự gây tổn thương.”
Chính quyền Trump và Ủy ban về Mối nguy Hiện tại đã cẩn thận nói rằng mục tiêu của họ là chính phủ Trung Quốc và Đảng Cộng sản, chứ không phải người dân Trung Quốc. Nhưng rất khó để phân biệt.
Ông Toby Smith, phó chủ tịch chính sách của Hiệp hội các Đại học Mỹ, nói rằng các trường đại học Mỹ đang nỗ lực để cảnh giác với các mối đe dọa gián điệp, nhưng họ lớn mạnh nhờ vào sự cởi mở và tiếp cận với tài năng và khoa học từ khắp nơi trên thế giới – kể cả từ Trung Quốc.
“Tình hình với Trung Quốc khác với Chiến tranh Lạnh,” ông nói. “Các mối lo về Liên Xô chủ yếu là quân sự. Bây giờ nó là mối lo về cạnh tranh kinh tế.”
‘Bài Hoa là đáng ngại’
Trao đổi với VOA, bà Ông Thụy Như Ngọc, tiến sỹ ngành chính trị học và hiện là chủ bút tờ báo Việt Tide ở California, nêu lên quan ngại về tình trạng kỳ thị của người da trắng ở Mỹ đối với các sắc dân gốc Á nếu chính sách đối ngoại của Mỹ được diễn dịch theo chiều hướng cứng rắn của Trung Quốc.
Bà nhắc đến trường hợp người gốc Nhật ở Mỹ bị xem là ‘thành phần phản bội’ trong Đệ nhị Thế chiến khi Mỹ đang chiến đấu với Nhật đến nỗi họ bị lùa vào các trại tập trung và bà cho rằng ‘đây là vết nhơ trong lịch sử của Mỹ’.
“Điều đáng ngại là chính trị quốc nội Mỹ trong lịch sử luôn có các chính sách đối ngoại biến lòng dân thành chia rẽ, gây thù địch giữa các sắc tộc. Điều này sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, trong đó có người Việt vốn cũng là sắc dân thiểu số,” bà nói.
Theo tiến sỹ Ngọc, sự kỳ thị đối với người Hoa ở Mỹ hiện nay mặc dù chưa đến mức như đối với người Nhật khi trước, nhưng ‘lịch sử vẫn có thể đang lặp lại dưới hình thức khác’. Tuy nhiên, bà nói do ‘Trung Quốc có nhiều thủ đoạn’ nên ‘phải cân bằng giữa tự do cá nhân và an ninh quốc gia’.
Bà không cho rằng nước Mỹ nên chọn cách đối đầu và chấm dứt sự can dự với Trung Quốc vì ‘toàn cầu hóa đã làm cho vốn tư bản luân lưu chằng chịt giữa các nước nên khó có nước nào, dù là hùng mạnh như Mỹ, có thể đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài’.
Về mối đe dọa của Trung Quốc với Mỹ, bà Ngọc nói xét cả về kinh tế và quân sự thì Trung Quốc ‘chưa phải là đối thủ của Mỹ’ nhưng là ‘quốc gia đang lớn mạnh và sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để vươn lên, ôm mộng bá quyền’.
Ông Đỗ Hồng Anh, cựu chủ tịch cộng đồng người Việt khu vực Virginia, Maryland và Washington DC, nói với VOA rằng Trung Quốc ‘không phải là mối đe dọa lớn của Mỹ’ vì ‘trên cán cân kinh tế và quân sự, Mỹ vẫn có ưu thế với Trung Quốc’.
Trả lời câu hỏi của VOA nếu Trung Quốc ‘không phải là mối đe dọa lớn’ thì liệu Mỹ có nên có những biện pháp đề phòng quyết liệt hay không, ông Anh cho rằng ‘những biện pháp đối phó vẫn cần thiết’ để ‘ngăn ngừa Trung Quốc vượt qua Mỹ’.
Tuy nhiên, ông nói chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc phải ‘cứng rắn vừa mềm dẻo’ chứ không phải chỉ hoàn toàn cứng rắn.
Về người Mỹ gốc Hoa, ông Anh nói ‘miễn là họ không làm gì phương hại đến an ninh và kinh tế của Mỹ thì chúng ta không nên bài Hoa’.
“Người Hoa sống ở Mỹ đã quen với sự tự do và không chấp nhận sự kiềm kẹp của Trung Quốc,” ông nói.
Khác với hai ý kiến trên, giáo sư Tạ Văn Tài, cựu giảng viên Trường Luật Harvard, nhận định rằng ‘Trung Quốc là nguy cơ lớn với Mỹ – nguy hiểm trên mọi phương diện’ và nước này ‘bây giờ là địch thủ duy nhất của Mỹ’.
Tiến sỹ Tài dẫn ra các ví dụ như cáo buộc của Mỹ về khả năng hãng viễn thông Huawei của Trung Quốc có hoạt động do thám, các học giả Trung Quốc ở Mỹ chuyển các bí mật nghiên cứu về cho Trung Quốc, việc Trung Quốc lợi dụng vào WTO để tràn ngập thị trường Mỹ hàng hóa giá rẻ hay các Viện Khổng Tử mà Trung Quốc mở ở Mỹ ‘để tuyên truyền chính trị’.
Tuy nhiên, ông cho rằng do ‘nền kinh tế của Trung Quốc có nhiều khiếm khuyết, dựa vào lao động giá rẻ, dựa vào xuất cảng chứ không dựa vào sáng tạo’ nên ‘khó lòng vượt qua nền kinh tế Mỹ’. Cho nên, theo ông, Mỹ ‘không cần phải sợ’ nhưng ‘cũng cần có sự chuẩn bị để đối phó’.
Ông cho rằng nỗi sợ về Trung Quốc ở Mỹ ‘có cơ sở’ nhưng ‘đã bị thổi phồng quá mức’ và nhắc đến lời cảnh báo của FBI về ‘cuộc đấu tranh toàn diện của xã hội Mỹ đối với cả xã hội Trung Quốc’ mà ông cho là ‘không đến mức đó’.
Ông dẫn chứng là việc Mỹ điều tra kỹ lưỡng và ‘kiểm soát gắt gao quá mức đối với người Trung Quốc và học giả Trung Quốc ở Mỹ’.
“Đừng làm quá mà dẫn đến sự bất an của những người Mỹ gốc Hoa vốn có sự trung thành với nước Mỹ,” ông nói.
Về cách đối phó của Mỹ, học giả này cho rằng nên ‘vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, vừa coi chừng’ và những chỗ nào Trung Quốc ‘làm sai’ thì phải yêu cầu họ điều chỉnh.
https://www.voatiengviet.com/a/noi-so-do-ve-moi-nguy-trung-quoc-dang-cao-o-my-/5012595.html

Mark Esper

được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

Thượng viện Mỹ phê chuẩn Bộ trưởng Lục quân Mark Esper làm Bộ trưởng Quốc phòng thứ hai của Tổng thống Donald Trump sau cuộc bỏ phiếu phi đảng phái hôm 23/7.
Ông Esper được Thượng viện Hoa Kỳ phê chuẩn với tỷ lệ 90-8 sau gần bảy tháng xáo trộn lãnh đạo tại Ngũ Giác Đài kể từ khi quyền Bộ trưởng Patrick Shanahan bất ngờ từ chức hồi tháng 6.
Ông Esper tốt nghiệp trường Quân sự West Point năm 1986 và được bổ nhiệm làm sĩ quan lục quân. Ông phục vụ trong Sư đoàn Không quân 101 trong Chiến tranh vùng Vịnh và giải ngũ năm 2007 sau 10 năm hiện dịch trong quân ngũ và 11 năm trong lực lượng trừ bị và trong Vệ binh Quốc gia.
Sự nghiệp sau binh nghiệp của ông bao gồm các chức vụ tại viện nghiện cứu Heritage Foundation ở Washington, DC và một số vị trí làm việc cho Quốc hội ở Điện Capitol. Ông cũng từng là phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về chính sách đàm phán dưới chính quyền của cựu Tổng thống George W. Bush.
Trước khi trở thành Bộ trưởng Lục quân, Esper từng là phó chủ tịch về quan hệ chính phủ tại Raytheon, một nhà thầu quốc phòng lớn. Thời gian làm việc này đã dẫn đến cuộc tranh luận với Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren hôm 23/7 khi bà Warren tuyên bố rằng ông Esper có xung đột lợi ích do quá khứ từng là người vận động hành lang cho nhà thầu quốc phòng.
Ngoài tấm bằng của West Point, Esper còn có bằng thạc sĩ của Trường Quản lý Kennedy của Đại học Harvard và bang tiến sĩ của Đại học George Washington.
Ông Esper sẽ cầm cương ở Lầu Năm Góc trong lúc cơ quan này chuyển từ hoạt động chống khủng bố và chống nổi dậy sang cạnh tranh quyền lực nước lớn với Nga và Trung Quốc, một trọng tâm của Chiến lược Quốc phòng 2017. Ông cũng sẽ giám sát các kế hoạch đầy tham vọng của Ngũ Giác Đài để hiện đại hóa lực lượng và đầu tư vào các công nghệ mới.
https://www.voatiengviet.com/a/5012565.html

Boris Johnson rất hào hứng

về Vành đai & Con đường của TQ

Thủ tướng đề cử Boris Johnson nói chính phủ Anh ông lập ra ‘sẽ thân Trung Quốc’, hoan nghênh sáng kiến Vành đai & Con đường và đầu tư từ Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Phoenix của Hong Kong một ngày trước khi lên nhậm chức thủ tướng Anh, dự kiến vào chiều 24/07, giờ London, ông Boris Johnson, khẳng định ông “sẽ rất ủng hộ Trung Quốc” (very pro-China).
Xem Facebook Live với Quốc Phương của BBC về Boris Johnson
Trump chê ‘Brexit mềm’ và khen Boris Johnson
Anh Quốc có tân thủ tướng là Boris Johnson
Brexit: Pháp và EU phản ứng về Thủ tướng May ‘từ chức’
Ông nói rằng ông rất “hào hứng trước sáng kiến Vành đai & Con đường” và những gì chủ tịch Tập đang làm.
Boris Johnson không quên nhắc với phóng viên Phoenix TV ở Anh rằng “Anh Quốc là nước đầu tiên ký vào dự án lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng (ABII) Trung Quốc lập ra.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Johnson, người nổi tiếng là có những câu nói không kiểm chứng được, thậm chí bị cáo buộc là “nói cho sướng tai” cử tri phái Brexit, có chính sách gì cụ thể ủng hộ Trung Quốc hay không.
Tân Hoa Xã của chính quyền Trung Quốc chỉ đưa tin ông Johnson từng ủng hộ sáng kiến Vành đai & Con đường.
Còn trang Hoàn cầu Thời báo thì viết rằng ông Johnson “được coi là thân Mỹ” nhưng cũng là người “có đầu óc thực tiễn”.
Ông Boris Johnson có tài khoản Weibo để giao lưu với người dùng Trung Quốc.
Báo Trung Quốc cũng không nhắc đến vấn đề đang gây bất đồng giữa Anh và Trung Quốc là sự tham gia của Huawei vào mạng 5G ở Anh.
Chính phủ của bà Theresa May tạm dừng vấn đề này nhưng nội các của ông Borish Johnson sẽ phải quyết định để Huawei xây dựng mạng 5G ở Anh hay không.
Một số báo Anh tin rằng ông Johnson sẽ không muốn làm mất lòng Hoa Kỳ và tổng thống Donald Trump, người không muốn các đồng minh của Mỹ dùng mạng 5G của Huawei.
Tuy thế, chính giới Anh có vẻ vẫn muốn để Huawei thiết kế những phần kỹ thuật “không trọng yếu” cho mạng 5G.
Các báo nước khác nói gì?
Trong lúc có báo Anh cho ông Boris Johnson chỉ 210 ngày cầm quyền, trước khi “sụp đổ”, các báo châu Âu chú ý hơn đến Brexit.
Le Monde, Pháp:
“Sự thăng tiến lên đỉnh cao quyền lực của Boris Johnson không gây ngạc nhiên nhưng vẫn làm người châu Âu rùng mình, vì tân thủ tướng Anh đã sẵn sàng có giọng điệu và quan điểm cứng rắn về Brexit.”
Le Figaro: ”Boris Johnson không thừa hưởng một tình thế dễ hơn Theresa May. Ông ta cần rất nhiều sự lạc quan và sức mạnh có được để hóa giải sự phức tạp của vấn đề đồng thời làm sao giữ được quyền lực.”
Báo Sueddeutsche Zeitung, Đức: ”Johnson là kẻ hoàn toàn vô nguyên tắc, và vì thế điều gì cũng có thể xảy ra với ông ta”.
Tờ Handelsblatt gọi ông ta là “tên lừa đảo”, là “Trump kiểu Anh” và dự báo Anh Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng hiến pháp khi ông Johnson làm thủ tướng.
Báo El Mundo, Tây Ban Nha:
“Johnson vào số 10 phố Downing không chỉ làm phân rẽ trong đảng Bảo thủ Anh thêm sâu nặng mà còn cản trở vấn đề Brexit vốn đã quá phức tạp.”
Báo De Telegraaf, Hà Lan:
“Sự phức tạp của Brexit cũng là vấn đề trên bàn của Brussels nữa. Họ sẽ đón ông Boris Johnson lịch sự nhưng chẳng có gì cho ông ta hết.”
Vedomosti, Nga:
“Ông ta sẽ là đối tác khó chịu cho cả châu Âu và Mỹ, và cũng chẳng thân thiện gì với Nga.”
Nguồn gốc Thổ Nhĩ Kỳ và tên Nga
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ thì nhắc nhiều đến cụ nội của ông Boris Johnson là nhà báo Ali Kemal.
Ông Ali Kemal Bey là nhà hoạt động chính trị, cựu bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và từng tỵ nạn ở Anh đầu thế kỷ 20.
Năm 1909, vợ ông, một phụ nữ Anh tên là Winnifred Brun, sinh con trai Osman Wilfred Kemal tại Bournemouth.
Sau khi ông Ali Kemal về Thổ Nhĩ Kỳ làm chính trị và bị ám sát chết, con trai và con gái ông vẫn ở lại Anh.
Osman dùng tên Wilfred, lấy họ đằng bà ngoại là Johnson, và lập ra dòng họ Johnson ở Anh và người cháu nội chính là ông Boris Johnson, sinh năm 1964.
Ngoài dòng máu Thổ Nhĩ Kỳ, nếu tính cả các ông bà nội ngoại khác, Boris Johnson còn là cháu trực hệ của vua Anh George II và có cụ là giáo sĩ Do Thái từ đế quốc Nga.
Sinh ra ở New York khi cha ông, Stanley Johnson học ở ĐH Columbia, Boris được đặt tên Nga vì cha mẹ ông muốn ghi nhận tình bạn với một người Nga lưu vong.
Em gái ông Boris có cả họ tên là Rachel Sabiha Johnson, với Sabiha là tên đệm Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Boris Johnson nổi tiếng là nhân vật “nhiều màu sắc”.
Ông đã hai lần ly hôn và hiện sống với bạn gái kém ông 24 tuổi là Carrie Symonds.
Chính thức thì ông Boris Johnson có bốn con với người vợ thứ nhì, Marina Wheeler, nhưng dư luận Anh tin rằng ông còn có 1-2 con ngoài giá thú mà ông từ chối không xác nhận, không bác bỏ khi bị báo chí chất vấn.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49095835

Anh sẽ sớm nhận sự ủng hộ từ Châu Âu

cho sứ mệnh hải quân Hormuz

Tin từ BRUSSELS, Bỉ — Vào hôm Thứ Ba (23/7), ba nhà ngoại giao cao cấp của EU cho biết Pháp, Ý và Đan Mạch ủng hộ kế hoạch của Anh Quốc, nhằm thực hiện một sứ mệnh hải quân do châu Âu lãnh đạo để bảo đảm việc vận chuyển an toàn qua eo biển Hormuz.
Kế hoạch này được đề nghị sau khi Iran bắt giữ một tàu chở dầu có treo cờ Anh Quốc. Sự ủng hộ mới đây tại cuộc họp của các đặc phái viên EU ở Brussels trái ngược hoàn toàn với phản ứng hờ hững của các đồng minh châu Âu đối với một lời kêu gọi tương tự của Hoa Kỳ, lần đầu được đề cập tại NATO vào cuối tháng 6. Các nước lo ngại rằng có thể khiến căng thẳng Hoa Kỳ – Iran trở nên trầm trọng hơn. Một nhà ngoại giao cao cấp của EU cho biết yêu cầu của Anh Quốc, thay vì của Washington, đã giúp người châu Âu dễ dàng đoàn kết lại quanh vấn đề này. Quyền tự do hàng hải là rất cần thiết, và việc này tách biệt với chiến dịch gây áp lực tối đa của Hoa Kỳ đối với Iran.
Theo Reuters, Anh Quốc thử nghiệm ý tưởng này với các nhà ngoại giao cao cấp của EU tại một cuộc họp ở Brussels, đồng thời tuyên bố kế hoạch của họ sẽ không liên quan trực tiếp đến Liên minh châu Âu, NATO hay Hoa Kỳ. Bất chấp nỗ lực của Hoa Kỳ để bảo vệ tuyến vận chuyển quan trọng, vào hôm Thứ Ba (23/7), Tổng thống Donald Trump cho biết Hoa Kỳ đã chi trả cho một tuyến đường mà họ không sử dụng nhiều như trong quá khứ.
Khi xét đến kế hoạch của Anh Quốc trong việc rời khỏi EU, sứ mệnh này sẽ cố gắng trở thành một liên minh rời rạc hơn hơn so với sứ mệnh hải quân chống cướp biển Atalanta của khối ngoài khơi Somalia, và cũng có thể liên quan đến các nước ngoài EU như Na Uy. Các nhà ngoại giao cho biết Trung Cộng có một căn cứ quân sự ở Djibouti, mặc dù đến nay vẫn chưa có cuộc thảo luận nào liên quan đến Bắc Kinh. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/anh-se-som-nhan-su-ung-ho-tu-chau-au-cho-su-menh-hai-quan-hormuz/

Tân thủ tướng Anh Johnson

lựa chọn nhân sự thực hiện Brexit

Ông Boris Johnson nhậm chức thủ tướng Anh vào thứ Tư 24/7 và sau đó sẽ tiết lộ tên tuổi của các quan chức được ông giao nhiệm vụ thực hiện Brexit vào cuối tháng 10, dù có hay không có thỏa thuận với EU.
“Chúng tôi sẽ hoàn tất Brexit vào ngày 31/10 và chúng ta sẽ tận dụng mọi cơ hội mà nó sẽ mang lại, với tinh thần mới là ‘có thể làm được’”, ông Johnson, 55 tuổi, phát biểu hôm 23/7 sau khi ông các đảng viên đảng Bảo thủ bầu.
Hôm 24/7, ông Johnson diện kiến nữ hoàng, bà đề nghị ông thành lập chính phủ.
Ông đến dinh thủ tướng ở phố Downing vào buổi chiều và có bài phát biểu trước khi bổ nhiệm các thành viên chủ chốt của chính phủ – và tên tuổi của các quan chức có thể giúp hình dung về cách thức ông sẽ xử lý việc Brexit, quyết định quan trọng nhất của Vương quốc Anh trong nhiều thập kỷ.
Bộ trưởng Nội vụ Sajid Javid được cho là sẽ được giữ lại làm một công việc quan trọng hàng đầu – có thể là bộ trưởng tài chính.
Có tin nói rằng ông Johnson sẽ bổ nhiệm nhà ngoại giao lâu năm David Frost làm nhà đàm phán với Liên hiệp châu Âu và cố vấn về châu Âu. Dominic Cummings, giám đốc chiến dịch “Hãy bỏ phiếu Ra đi” vận động sự ủng hộ cho Brexit, sẽ là một cố vấn cấp cao, một nguồn tin về đội ngũ lãnh đạo mới cho hay.
Có dự báo là một số lượng lớn các chính trị gia thuộc các sắc dân thiểu số sẽ nắm các chức bộ trưởng, bao gồm Priti Patel, cựu bộ trưởng về viện trợ đã từ chức năm 2017 do có các cuộc họp bí mật với các quan chức Israel; và bộ trưởng về việc làm Alok Sharma.
Bộ trưởng Ngoại giao Jeremy Hunt, đối thủ trong cuộc đua tới chức thủ tướng với ông Johnson, được mời làm bộ trưởng quốc phòng, nhưng đã từ chối, Sky đưa tin.
Johnson cam kết đàm phán về một thỏa thuận Brexit mới với EU trước ngày 31/10 nhưng nếu khối này từ chối, ông hứa sẽ vẫn rút khỏi khối vào đúng ngày cuối cùng của tháng 10dù không có thỏa thuận nào.
Nhiều nhà đầu tư cảnh báo rằng làm như vậy sẽ gây sốc cho nền kinh tế thế giới và đẩy nền kinh tế lớn thứ năm thế giới vào tình trạng suy thoái hoặc thậm chí là chao đảo.
https://www.voatiengviet.com/a/tan-thu-tuong-anh-lua-chon-nhan-su-thuc-hien-brexit/5013605.html

Nắng nóng hoành hành tại nhiều nước châu Âu

Gia Hưng
Tại Pháp hôm nay, 24/07/19, nắng nóng tiếp tục kéo dài. Tại phần lớn các tỉnh, nhiệt độ có thể lên tới 40 độ C và tăng thêm vào ngày mai.
Sáng hôm qua, 23/07/19, cơ quan khí trượng Pháp Meteo-France đã đặt 80 tỉnh dưới mức báo động màu cam (mức độ nghiêm trọng chỉ dưới báo động đỏ). Đây là kỷ lục về số tỉnh bị báo động màu cam tại Pháp. Một vài thành phố có nhiệt độ cao kỷ lục. Tại Bordeaux, nhiệt độ lên tới 41,2 độ C, vượt mức 40,7 độ C từ tháng 8/2003.
Chính phủ Pháp ra lệnh cấm vận chuyển động vật “vì lý do kinh tế” trong khoảng thời gian từ 13g tới 18g tại các khu vực báo động màu cam. Các sư tử tại vườn thú vùng Fitilieu được cho ăn thức ăn và tiết đông lạnh để hạ nhiệt.
Tại các quốc gia láng giềng, nhiệt độ ngoài trời cũng nóng kỷ lục. Tại Hà Lan, nhiệt độ có thể vượt quá kỷ lục trước đó (38,6 độ C). Nông dân Hà Lan đã nhốt bò vào trong chuồng, tránh để chúng ra ngoài nắng nóng. Một số nhà trẻ tại đây cũng phải đóng cửa để tránh gây nguy hại đến sức khỏe trẻ nhỏ. Chính phủ Hà Lan phải áp dụng “kế hoạch chống nóng quốc gia”, đưa ra hướng dẫn chống nóng cho các bệnh viện, nhà dưỡng lão, thậm chí cả người béo phì.
Theo AFP, tại Vương Quốc Anh, nhiệt độ cao khiến công ty vận hành hệ thống tàu hỏa Network Rail phải hạn chế tốc độ của tàu để không gây hư hỏng cơ sở hạ tầng. Giới y tế Anh Quốc cũng lo ngại tình trạng sức khỏe của những người bị hen suyễn. Bác sĩ Andy Whittamore, tổ chức Asthma UK, cho biết thời tiết nắng nóng “có thể gây nguy hại tới 5,4 triệu người dân Anh Quốc bị hen”, họ có thể sẽ phải chịu “những cơn hen nghiêm trọng gây tử vong”.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190724-nang-nong-hoanh-hanh-tai-nhieu-nuoc-chau-au

Hạ Viện Pháp thông qua thỏa thuận

thương mại tự do với Canada

Thu Hằng
Chỉ với cách biệt vài chục phiếu: 266 phiếu thuận và 213 phiếu chống, 74 vắng mặt, Hạ Viện Pháp đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu với Canada (CETA) vào ngày 23/07/2019. Tuy nhiên, hiệp định này còn phải chờ được Thượng Viện Pháp thông qua, mà ngày cụ thể chưa được thông báo.
Theo các nhà ủng hộ CETA, đây là một thỏa thuận « tích cực » cho nền kinh tế, nhưng lại mang những « rủi ro » về môi trường và an toàn thực phẩm, theo lập luận của những nghị sĩ phản đối, gồm gần như toàn bộ phe đối lập, từ cánh tả đến cánh hữu.
Ngoài việc bày tỏ « vui mừng » vì thỏa thuận CETA được Hạ Viện Pháp phê chuẩn, chính phủ Canada hứa tiếp tục « làm việc với mọi nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu để quảng bá những lợi ích của thỏa thuận, cũng như sự đa dạng hóa về thương mại cho người dân Canada và Liên Hiệp Châu Âu ».
Được thảo luận từ hơn 7 năm nay, « Thỏa thuận Kinh tế và Thương mại toàn diện » (CETA) đã được Nghị Viện châu Âu thông qua vào tháng 02/2017. Tuy nhiên, thỏa thuận này phải chờ được 38 nghị viện cấp quốc gia và cấp vùng của châu Âu phê chuẩn. Hiện có 13 nước thành viên, trong đó có Tây Ban Nha và Anh Quốc, đã phê chuẩn thỏa thuận thương mại tự do với Canada.
http://vi.rfi.fr/phap/20190724-ha-vien-phap-thong-qua-thoa-thuan-thuong-mai-ceta-voi-canada

Du thuyền Bateaux-Mouches tròn 70 tuổi

Tuấn Thảo
Hàng năm có khoảng 8 triệu lượt khách dùng thuyền để thưởng ngoạn sông Seine, trong đó có đến một phần ba (2,6 triệu khách) đi du thuyền Bateaux-Mouches, đa phần còn lại là các công ty nhỏ có dịch vụ du hành trên sông. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên vì Bateaux-Mouches là một công ty lâu đời, năm nay ăn mừng sinh nhật 70 tuổi.
Được thành lập vào năm 1949, công ty Bateaux-Mouches nay đứng hạng thứ tư trong số các điểm thu hút du khách có bán vé ở Paris, chỉ sau Tháp Eiffel, Viện bảo tàng Louvre và Trung tâm văn hóa Pompidou. Theo ban quản lý Cục phát triển cảng giao thông đường thủy ở Paris, có tới 90 công ty lớn nhỏ khai thác hàng trăm chiếc thuyền trên sông Seine khu vực nội thành cũng như ngoại thành. Thế nhưng, du thuyền Bateaux-Mouches vẫn là công ty lớn nhất và lâu đời nhất.
Theo lời cô Charlotte Bruel, giám đốc công ty và đồng thời là con gái của Jean Bruel, nhà sáng lập Bateaux-Mouches vào năm 1949, chỉ riêng cái tên ‘‘Bateaux-Mouches’’ đã là một biểu tượng sinh động của Paris. Đối với du khách nước ngoài, lần đầu tiên đến thủ đô, Pháp, họ muốn nhìn thấy tận mắt loại du thuyền này cũng như các tụ điểm du lịch khác Nhà thờ Đức Bà Paris, phố họa sĩ trên đồi Montmartre, Kim tự tháp Cung điện Louvre, ‘‘đồng hồ nhà ga’’ bảo tàng Orsay. Nói như vậy có nghĩa là du thuyền Bateaux-Mouches là một sinh hoạt hẳn hoi, chứ không chỉ đơn thuần là phưong tiện vận chuyển du khách.
Charlotte Bruel cho biết trong 70 năm hoạt động, công ty gia đình cô đã tiếp đón đủ loại thành phần du khách với hơn cả trăm quốc tịch khác nhau. Có lẽ cũng vì Bateaux-Mouches đã được đưa vào sách giáo khoa, hình ảnh được khai thác qua phim truyền hình hay điện ảnh, cho nên tuy là một thương hiệu cầu chứng, nhưng danh từ riêng này đã in đậm vào trong tâm trí của nhiều du khách nước ngoài, dù chưa thấy tận mắt, nhưng họ từng nghe đến rất nhiều.
Ngược dòng thời gian, lùi về năm 1949, ông Jean Bruel là người đầu tiên có sáng kiến tổ chức các chuyến du ngoạn bằng thuyền trên sông Seine. Ông là chủ xưởng đóng tàu, có máu phiêu lưu và đầu óc kinh doanh. Ông nội của Jean Bruel làm nghề thợ mộc chuyên đóng tàu bằng gỗ, còn ông ngoại hành nghề khai thác và vận chuyển gỗ từ vùng Dordogne xuống các miền lưu vực sông Rhône. Thời còn trẻ, ông Jean Bruel sống với gia đình trên một chiếc thuyền đậu bến sông Seine. Ý tưởng tổ chức cho khách đi du thuyền thưởng ngoạn hai dãy phố ven sông cũng nảy sinh từ đó.
Trong thời hậu chiến, ông mua chiếc thuyền cổ Vieux-Mouche, được đóng từ thời Hội chợ Triển lãm Toàn cầu năm 1867, ở đây ta có thể thấy chữ Mouche là một danh từ riêng, mang tên của các xưởng đóng tàu trên bến sông Rhône thành phố Lyon, nay được gọi là phố Gerland, chứ chữ Mouche không có liên quan gì tới ‘‘ruồi muỗi’’. Vào thời ấy, chiếc thuyền Vieux-Mouche đưa khách tham quan từ bến này sang bến kia, do các tòa nhà Hội chợ Toàn cầu được dựng dọc hai bờ sông Seine, tả ngạn cũng như hữu ngạn.
Khi thành lập ‘‘Compagnie des Bateaux-Mouches’’, ông đã đặt trụ sở công ty ngay ở bến cầu Alma dưới chân tháp Eiffel, nhưng ở phía đối diện tức là hữu ngạn, vì ngay từ đầu ông ý thức rằng, công ty sẽ hái ra tiền đầu tiên hết là nhờ vào toàn cảnh tháp Eiffel hùng vĩ, mà ông thường gọi là ‘‘Ngọn hải đăng của kinh đô ánh sáng’’. Bến Alma cũng có bãi đỗ xe khá rộng nên cũng dễ tiếp đón du khách đến bằng xe ca.
Năm 1951, ông Jean Bruel thực hiện cú quảng cáo ngoạn mục bằng cách triệu tập toàn bộ giới báo chí thử nghiệm chiếc thuyền đáy phẳng đầu tiên có gắn mui bằng kính thủy tinh, và như vậy du khách có thể ngồi bên trong ngắm cảnh chụp hình, ngay cả giữa mùa đông mà vẫn không sợ lạnh. Dọc hai mạn thuyền đều có gắn đèn để chiếu lên mặt tiền các dãy phố ven sông, và như vậy khách có thể dùng bữa tối hay giải khát trong một khung cảnh ấm cúng tuyệt hảo. Ngay từ lúc ra đời, Bateaux-Mouches’’ đã thành công rực rỡ, được đưa vào tự điển Larousse với định nghĩa : ‘‘thuyền du ngoạn ở Paris, dịch vụ giải trí trên sông Seine’’.
Khi qua đời vào năm 2003, hưởng thọ 86 tuổi, ông Jean Bruel đã để lại một di sản khá đồ sộ cho gia đình. Cô Charlotte Bruel lúc đầu không nghĩ sẽ nối nghiệp cha cô, nên đã chọn nghề họa sĩ và thiết kế, rốt cuộc cô lại ngồi vào ghế giám đốc điều hành công ty gia đình với khoảng 60 nhân viên thường trực, nhưng vào mùa cao điểm, công ty này tuyển dụng đến 600 nhân viên, tức cao gấp 10 lần.
70 năm sau ngày ra đời, công ty Bateaux-Mouches đã thay đổi triệt để hầu thích nghi với nhịp sống thời đại. Công ty sử dụng 6 ngoại ngữ để tiếp đón du khách. Ngoài khách ngoại quốc, cô Charlotte Bruel giờ đây cũng muốn thu hút thêm dân thủ dô Paris bằng cách tổ chức các buổi party trên nước, nơi du thuyền được biến thành những quán bar ‘‘rooftop’’ ngoài trời. Còn các bữa tiệc thịnh soạn nhất do đầu bếp hai sao Michelin Christian Etchebest tổ chức tại nhà hàng ‘‘Le Club’’ của công ty Bateaux-Mouches.
Tuy rất thành công, doanh thu hiện thời của công ty này là 25 triệu € hàng năm, nhưng cô Charlotte Bruel vẫn rất quyến luyến với chiếc thuyền cổ xưa Vieux-Mouche mà cha cô đã mua cách đây đúng 70 năm. Con thuyền này giờ đây không còn được sử dụng, không còn gắn động cơ ở trong khoang, nhưng cô không nỡ lòng nào bỏ chiếc thuyền xưa, vì nó gắn liền với rất nhiều kỷ niệm. Trong số kỷ niệm đó, cô vẫn nhớ mãi câu nói của ông bố : con đường đẹp nhất Paris không phải là Champs-Élysées mà chính là dòng sông Seine. Và có lẽ không có gì bằng đi dạo trên đại lộ lộng lẫy nhất thủ đô với du thuyền Bateaux-Mouches.
http://vi.rfi.fr/van-hoa/20190723-du-thuyen-bateaux-mouches-tron-70-tuoi-pour-mercredi-24072019

Nga, Hàn đưa ra thông tin trái ngược nhau

về vụ ‘xâm nhập không phận’

Đại sứ quán Nga ở Seoul hôm thứ Tư 24/7 nói Moscow đã không xin lỗi về vụ họ bị cáo buộc là vi phạm không phận hôm 23/7, sau khi Hàn Quốc nói một tùy viên Nga bày tỏ “hối tiếc sâu sắc” trong khi đổ lỗi cho trục trặc thiết bị.
Trong khi tuần tra không quân tầm xa chung với máy bay Trung Quốc, một máy bay quân sự Nga hôm 23/7 bay vào không phận gần một nhóm đảo nhỏ mà cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tuyên bố chủ quyền, theo lời hai nước này. Cả hai nước đều điều máy bay chiến đấu lên để đáp trả.
Máy bay chiến đấu Hàn Quốc bắn pháo sáng và hàng trăm phát đạn cảnh cáo gần máy bay Nga, và vụ việc dẫn đến những phản đối về mặt ngoại giao của các nước trong khu vực.
Một tùy viên quân sự không được nêu danh tính của Nga ở Seoul nói với các quan chức Hàn Quốc hôm 23/7 rằng chiếc máy bay dường như “đã đi vào khu vực không nằm trong kế hoạch do thiết bị trục trặc”, ông Yoon Do-han, thư ký báo chí của tổng thống Hàn Quốc, nói.
“Nga đã bày tỏ hối tiếc sâu sắc về vụ việc và cho biết bộ quốc phòng của họ sẽ ngay lập tức tiến hành điều tra và thực hiện tất cả các bước cần thiết”, theo ông Yoon.
Vài giờ sau, đại sứ quán Nga ở Seoul cho biết họ không xin lỗi.
Interfax đưa tin là đại sứ quán ở Seoul nói “phía Nga đã không đưa ra lời xin lỗi chính thức”, và cho biết thêm rằng họ nhận thấy có nhiều điểm không chính xác trong các phát biểu của phía Hàn Quốc.
Trong một diễn biến riêng rẽ, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói với các phóng viên hôm 24/7 rằng Hàn Quốc và Nga sẽ tổ chức đàm thoại ở cấp chuyên viên để thảo luận về việc Nga đề nghị chia sẻ thông tin về vụ việc.
Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap cho biết cuộc hội đàm sẽ diễn ra vào thứ Năm 25/7 tại Seoul.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-han-thong-tin-trai-nguoc-vu-xam-nhap-khong-phan/5013510.html

‘Cuộc tuần tra chung’ của Nga và TQ

khiến Hàn Quốc và Nhật Bản điều chiến đấu cơ

Nga cho biết vừa thực hiện một cuộc tuần tra chung đầu tiên trên không với Trung Quốc, khiến cả Hàn Quốc và Nhật Bản phải điều máy bay phản lực để phản ứng.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết bốn máy bay thả bom, được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu, đã tuần tra một tuyến đường được lên kế hoạch từ trước trên vùng Biển Nhật Bản và Biển Hoa Đông.
Hàn Quốc cho biết máy bay phản lực của họ đã bắn pháo sáng và cảnh báo bằng bắn súng máy khi máy bay Nga xâm nhập.
Nhật Bản đã phản đối cả Nga và Hàn Quốc về vụ việc này.
Hàn Quốc bắn 360 phát súng về phía phi cơ Nga
WSJ: ‘Campuchia cho TQ đóng tại căn cứ hải quân’
David Hutt: ‘Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là VN’
Vụ tấn công bị cáo buộc đã xảy ra trên các đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp, vốn bị Hàn Quốc chiếm đóng nhưng cũng bị Nhật Bản tuyên bố chủ quyền.
Hàn Quốc cho biết các máy bay của Nga và Trung Quốc đã vào Khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc (KADIZ) vào sáng thứ Ba và một chiếc máy bay chiến đấu A-50 khác của Nga đã hai lần xâm phạm không phận Hàn Quốc gần các đảo.
Nga phủ nhận cáo buộc này.
Máy bay ném bom và máy bay trinh sát của Nga và Trung Quốc thỉnh thoảng đã vào khu vực này trong những năm gần đây, nhưng đây là sự cố đầu tiên giữa Nga và Hàn Quốc.
Moscow nói gì?
Bộ Quốc phòng Nga cho biết hai máy bay mang tên lửa chiến lược Tu-95MS của họ đã tham gia cùng hai máy bay ném bom chiến lược Hong-6K của Trung Quốc trên tuyến đường đã được lên kế hoạch trước ở “vùng biển trung lập”.
Các máy báy này được hỗ trợ bởi máy bay chiến đấu và hai máy bay cảnh báo sớm, A-50 và Kongjing-2000.
Có lúc, nhóm máy bay tuần tra này đã hình thành “một đường thẳng trên không gồm các cặp máy bay bay cách nhau khoảng 3-4km,” Trung tướng Sergei Kobylash cho biết trong một tuyên bố trên truyền hình.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ, các máy bay này đã bị “các máy bay chiến đấu nước ngoài” theo sát 11 lần.
Ông cáo buộc các phi công Hàn Quốc đã thực hiện “các cuộc diễn tập nguy hiểm” trong vùng lân cận các đảo tranh chấp, “băng qua đường với nhóm máy bay và gây nguy hiểm cho sự an toàn của chuyến bay”.
Ông nói rằng các máy bay phản lực của Hàn Quốc đã bắn pháo sáng.

Đội tuần tra, theo ông, đã cách quần đảo Dokdo/Takeshima hơn 25km và ông cáo buộc các phi công Hàn Quốc là “côn đồ trên không”.
Ông nói rằng Nga đã khiếu nại đến quân đội Hàn Quốc về “hành động bất hợp pháp và nguy hiểm” của phi hành đoàn này.
Một liên minh ‘ác mộng’ cho Washington
Phân tích của Jonathan Marcus, phóng viên Quốc phòng
“Cuộc tuần tra chung” đầu tiên này, gồm máy bay tầm xa của Nga và Trung Quốc ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, gửi một tín hiệu mạnh mẽ về mối quan hệ quân sự đang phát triển giữa Moscow và Bắc Kinh. Dù chưa hẳn là một liên minh chính thức nhưng các bài tập chung của họ quy mô và tinh vi hơn.
Đổi lại, việc này phản ánh mối quan hệ ngoại giao và kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai nước, vốn đang ngày càng xích lại gần nhau hơn, mặc dù vẫn có một số điểm căng thẳng. Cả hai đều chia sẻ một thế giới quan giống nhau, thù địch với nền dân chủ tự do phương Tây, mong muốn thúc đẩy một mô hình thay thế, bảo vệ chủ quyền quốc gia của chính họ, và thường sẵn sàng thô bạo với những người khác.
Điều này đặt ra một thách thức lớn cho chiến lược của Hoa Kỳ. Cơn ác mộng ở Washington là mối quan hệ ngày càng gần gũi hơn giữa một nước Nga quyết đoán, nhưng đang suy tàn và một Trung Quốc đang trỗi dậy, dường như sắp vượt qua Mỹ để trở thành một cường quốc về công nghệ và kinh tế trong vài năm tới.
Hàn Quốc nói gì?
Quân đội Hàn Quốc cho biết năm máy bay đã vào KADIZ vào khoảng 09:00 giờ địa phương (00:00 GMT) hôm thứ Ba.
Máy bay F-15 và F-16 của Hàn Quốc đã được triển khai để đánh chặn.
Quân đội cho biết họ đã bắn 10 quả pháo sáng và 80 viên đạn súng máy trong lần vi phạm đầu tiên.
Họ cho biết một chiếc máy bay A-50 của Nga đã rời đi và sau đó quay lại không phận Hàn Quốc và gặp thêm 10 quả pháo sáng của Hàn Quốc và 280 viên đạn súng máy.
Người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, Chung Eui-yong, đã đưa ra một phản đối mạnh mẽ với Hội đồng Bảo an Nga, và yêu cầu hội đồng đưa ra hành động thích hợp.
“Chúng tôi có một cái nhìn rất nghiêm túc về tình huống này và, nếu nó lặp lại, chúng tôi sẽ có hành động mạnh mẽ hơn nữa,” văn phòng của tổng thống Hàn Quốc dẫn lời ông Chung nói.
Hàn Quốc cũng đã phản đối Trung Quốc. Bắc Kinh đã khẳng định khu vực nhận dạng phòng không của Hàn Quốc không phải là không phận lãnh thổ và vì vậy tất cả các quốc gia có thể di chuyển trong đó.
Nhật Bản thì sao?
Chính phủ ở Tokyo đã gửi đơn khiếu nại chống lại cả Nga và Hàn Quốc.
Vì tuyên bố chủ quyền đối với các đảo, chính phủ Nhật Bản cho rằng Nga đã vi phạm không phận.
Nó cũng nói rằng phản ứng của Hàn Quốc là vô cùng đáng tiếc.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Trước lập trường của Nhật Bản về chủ quyền đối với Takeshima, việc máy bay quân sự của Hàn Quốc thực hiện các cảnh báo là hoàn toàn không thể chấp nhận được và vô cùng đáng tiếc.”
Được biết đến với cái tên Dokdo (Quần đảo đơn độc) ở Hàn Quốc, Takeshima (Đảo tre) ở Nhật Bản
Được tuyên bố chủ quyền bởi Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng bị Hàn Quốc chiếm đóng từ năm 1954
Diện tích khoảng 230.000 m2
Những khu vực phòng thủ này là gì?
Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) là vùng trời mà một quốc gia tìm cách giám sát với lý do an ninh quốc gia. Máy bay ở nước ngoài nên tự khai báo trước khi vào khu vực này.
Một ADIZ thường mở rộng ra bên ngoài không phận quốc gia để cho phép cảnh báo đầy đủ về các mối đe dọa tiềm tàng.
Nhưng ADIZ không được luật pháp quốc tế công nhận và các ranh giới tự xác định có thể bị tranh chấp hoặc chồng chéo vì các yêu sách của các quốc gia, điều này có thể dẫn đến vi phạm. Đây là trường hợp ở khu vực Biển Hoa Đông, nơi Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đều có các ADIZ chồng chéo lên nhau.
Trong khi đó, theo các công ước của Liên Hợp Quốc, các quốc gia kiểm soát không phận trên lãnh thổ và vùng lãnh hải của họ (cách bờ biển 12 hải lý).
Trong trường hợp này, Hàn Quốc nói rằng Nga đã vượt ra ngoài ADIZ và vào không phận lãnh thổ xung quanh các đảo.
Nhưng các quốc gia khác không công nhận tuyên bố chủ quyền của Hàn Quốc.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49083767

Người Belarus ấm ức tố TQ: Họ đưa tiền

bằng một tay và sau đó lấy lại tiền bằng tay kia

“Mỹ và châu Âu sẽ không đầu tư cho nhà máy bụi bẩn, độc hại như thế nhưng TQ không quan tâm tới điều đó, họ chỉ muốn các công ty TQ có việc để làm”, người dân Belarus chỉ trích.
Công trình độc hại của Trung Quốc
Brest, Belarus từng không có băng rôn, không khẩu hiệu, thậm chí không có những tiếng hô hào lớn tiếng, chứ đừng nói đến việc giơ nắm đấm.
Nhưng trong khoảng một năm qua, vào mỗi Chủ nhật, hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Lenin chơi với đàn chim bồ câu. Họ dùng phương thức này để bày tỏ sự giận dữ phản đối một nhà máy sản xuất pin axit chì do Trung Quốc đầu tư. Người dân bản địa cáo buộc, các chất độc hại gây chết người do nhà máy thải ra có thể lan tỏa vào không khí và ngấm vào các mạch nước ngầm.
Nhà máy này được xây dựng ở ngoại ô thành phố Brest nhưng vẫn đang chờ giấy phép sản xuất. Tại Belarus, Trung Quốc được cho đang gây ảnh hưởng rất lớn.
“Họ đã tạo ra một bước nhảy vọt. Đây chính là một ví dụ”, ông Aliaksandr Yarashenka, người đứng đầu khu công nghiệp do Trung Quốc đầu tư nói. Khu công nghiệp hiện được xây dựng trên vùng đầm lầy gần thủ đô Minsk – khu vực vốn phủ kín bởi rừng thông.
Theo China Daily (Trung Quốc), khu công nghiệp này là hạng mục đầu tư lớn nhất ở nước ngoài của Trung Quốc. Tờ này đề cập Belarus như là cửa ngõ của Châu Âu, mặc dù Belarus không thuộc liên minh châu Âu EU và các sản phẩm được sản xuất tại nước này phải trả mức thuế rất cao nếu xuất khẩu vào EU.
Ông Yarashenka cho hay, chi phí lao động ở Belarus rất thấp và mức lương trung bình hàng tháng rơi vào khoảng 500 USD, trong khi đó mức lương trung bình hàng tháng ở EU là 2.000 USD trở lên. Sự
khác biệt về chi phí lao động dễ dàng bù đắp thuế quan. Vì thế, các công ty nước ngoài sẽ rất có lợi ích khi xây dựng các nhà máy định hướng xuất khẩu Belarus.
Theo The New York Times (Mỹ- NYT), do hầu hết các nhà đầu tư châu Âu đều đã tránh Belarus, trong khi Belarus lo lắng rằng họ quá phụ thuộc vào Nga nên nước này mong muốn tìm kiếm sự giúp đỡ từ Trung Quốc.
Belta – truyền thông Nhà nước Belarus gần đây đưa tin, nước này sẽ sớm nhận được hơn 500 triệu USD từ khoản vay của Trung Quốc. Tờ báo dẫn lời ông Andrei Belkovets, Thứ trưởng Bộ Tài chính Belarus phát biểu: “Ban đầu chúng tôi kỳ vọng nhận ​​các khoản vay từ Nga” nhưng Nga đã trì hoãn việc cung cấp vốn, vì vậy “được xem là một lựa chọn, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cung cấp vốn xây dựng những con đường mới, nhà máy phát điện mới ở Belarus và một khách sạn sang trọng ở Minsk, cũng như đầu tư vào nhà máy sản xuất pin axit chì ở Brest – nơi đã dấy lên cơn phẫn nộ của nhóm người biểu tình địa phương. Được biệt, loại pin do nhà máy sản xuất được sử dụng rộng rãi trong sản xuất ô tô, chứa hai chất cực độc: axit sulfuric và chì.
“Đối với người Trung Quốc, chúng tôi gần giống như Châu Phi – nghèo và cần sự giúp đỡ”, ông Vladislav Abramovich nói. Ông từng là một bác sĩ và hiện đang sống trong gần cánh rừng cách nhà máy sản xuất pin không xa. Ông lo lắng về việc bị ảnh hưởng bởi các chất độc hại. “Mỹ và châu Âu sẽ không đầu tư cho nhà máy bụi bẩn, độc hại như thế này nhưng Bắc Kinh không quan tâm tới những điều đó, họ chỉ muốn các công ty Trung Quốc có việc để làm”.
Những người biểu tình ở quảng trường Lenin -gồm những cư dân sống gần nhà máy sản xuất pin và các nhà bảo vệ môi trường, cố gắng tập trung khiếu nại về những vấn đề nguy hại nghiêm trọng ảnh hưởng của nhà máy tới sức khỏe cũng nhưng hệ thống trang thiết bị chưa đạt chuẩn của doanh nghiệp Trung Quốc nhưng họ chưa nhận được phản hồi.
Công ty 1AK-Group của Belarus đứng sau nhà máy đã phủ nhận mọi rủi ro về môi trường và nhấn mạnh rằng tổng lượng chất thải chì độc hại chỉ là ba kg mỗi năm. Mặc dù các nhà biểu tình cho rằng con số này thấp đến mức khó tin nhưng Richard Fuller, một nhà khoa học môi trường kiêm quản lý chính của Pure Earth, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York, cho biết nhiều nhà máy sản xuất pin axit chì ở châu Âu và Mỹ vẫn đang hoạt động an toàn.
Ông này cho biết mặc dù chưa đến nhà máy Brest nhưng ông nhấn mạnh rằng, không giống như các hoạt động thủ công chi phí thấp, nhà máy do Trung Quốc đầu tư dường như được trang bị công nghệ hiện đại và các biện pháp an toàn giúp giảm chất thải độc hại. “Tôi không nghĩ sẽ có nguy cơ tiếp xúc với một chất độc hại cụ thể”, ông nói.
Khiến người Belarus tức giận
Theo dự kiến ban đầu, nhà máy pin Brest ​​sẽ đi vào sản xuất vào đầu tháng 6 nhưng trước sự phản đối của người biểu tình, chính quyền Brest đã hoãn thời gian bắt đầu hoạt động, nhằm giúp các quan chức có thời gian để xem xét liệu nhà máy có đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường hay không.
Đáng chú ý, văn phòng công tố viên đã giáng một đòn nặng nề hơn vào nhà máy. Vào đầu tháng 7, một thông báo được công bố, theo lệnh của Tổng thống Alexander Lukashenko, dự án nhà máy pin đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng và một số nhà quản lý cấp cao đã bị bắt giữ.
Dmitri Bekalink, một người biểu tình thường xuyên lui tới quảng trưởng Lenin vào Chủ nhật, cho biết ông không phản đối đầu tư của Trung Quốc nhưng ấm ức cho biết, trong hợp đồng vay vốn, Trung Quốc còn yêu cầu đối tác phải hợp tác với một công ty kiến trúc và công ty xây dựng của họ. Trong đó, công ty kiến trúc giữ vai trò tổng thầu và công ty xây dựng đảm nhiệm cung cấp thiết bị sản xuất cốt lõi của nhà máy.
“Họ đưa tiền bằng một tay và sau đó lấy lại tiền bằng tay kia”, ông Bekalink chỉ trích.
Viktor Lemeshevsky, CEO của 1AK-Group, từ chối phỏng vấn và hiện đang là đối tượng của một cuộc điều tra tham nhũng. Trước đó, ông này chia sẻ với giới truyền thông Belarut rằng, ông đã từng xin vay vốn từ European Bank và các tổ chức phương Tây khác nhưng đều bị từ chối. Ngân hàng châu Âu không có lệnh cấm hoàn toàn đối với việc đầu tư sản xuất pin axit chì nhưng lại có các quy tắc vô cùng nghiêm ngặt đối với tác động xã hội và môi trường của dự án.
Lemeshevsky cho hay, Trung Quốc không những không phản đối mà còn mở một khoản tín dụng trị giá 15 tỷ USD thông qua Belarus Bank. Khoản tín dụng dự phòng này lớn gấp 20 lần tổng số khoản vay do European Bank cung cấp cho Belarus.
Nga đã cắt giảm trợ cấp năng lượng cho Belarus, khiến nước này mất 300 triệu USD mỗi năm, điều này dẫn đến những hạn chế tài chính. Chính phủ Minsk đã hy vọng nhận được một khoản vay từ Moscow để lấp khoảng trống ngân sách và hiện nay kỳ vọng này đổ dồn sang Trung Quốc.
Polina Prysmakova, một giáo sư trợ lý tại Đại học Florida Atlantic, đã nghiên cứu về vai trò của Trung Quốc tại Belarus.. Bà nói rằng Trung Quốc không tìm cách đẩy Belarus vào bẫy nợ để lấy lợi ích như ở Sri Lanka. Họ chỉ cố gắng tạo ra công việc kinh doanh cho các công ty Trung Quốc – khi trong nước không còn công trình để xây dựng.
Bà nói rằng Trung Quốc đã “quá bão hòa, có quá nhiều thị trấn mới, con đường mới, nhà máy điện mới và sân bay mới”, điều đó có nghĩa là “các công ty Trung Quốc cần một nơi như Belarus để tiếp tục xây dựng”.
Theo NYT, đây là xu hướng của sáng kiến Vành đai và con đường – biểu tượng chính sách mang tính biểu tượng của Chủ tịch Tập Cận Bình. Sáng kiến ​​này bắt đầu vào năm 2013 với kế hoạch phát triển các liên kết giao thông đường bộ và đường biển giữa Trung Quốc và thị trường nước ngoài nhưng sau đó nó thúc đẩy các công ty Trung Quốc vươn ra nước ngoài.
Cường độ và quy mô của xu hướng này đã được thể hiện một cách sinh động trong khu vực phát triển có tên là Khu công nghiệp Great stone do ông Yarashenka quản lý. Chủ tịch Tập Cận Bình từng coi dự án này là “mô hình điển hình” của sáng kiến ​​Vành đai và con đường, nhằm biến một nơi có diện tích gấp đôi Manhattan thành một thành phố dày đặc nhà máy, trung tâm nghiên cứu, ký túc xá.
Khuôn viên này đã nhận được 440 triệu USD đầu tư, phần lớn đến từ Trung Quốc, đồng thời nhiều doanh nghiệp Trung Quốc như công ty xây dựng CAMC hay tập đoàn cục 25 Đường sắt Trung Quốc v.v… tham gia xây dựng.
Được biết hai công ty Trung Quốc đầu tiên xây dựng nhà máy trong khuôn viên này là hai gã khổng lồ công nghệ Huawei và ZTE. Washington từng cáo buộc Huawei gây nên những rủi ro an ninh, trong khi ZTE bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên.
Hai con đường rộng lớn – Bắc Kinh Prospekt và Minsk Prospekt – chạy xuyên qua khuôn viên. Theo NYT, cho đến nay khu vực này giống như một thị trấn ma hơn là một trung tâm công nghiệp thịnh vượng nhưng các dự án của Trung Quốc đều như vậy khi ban đầu chúng có vẻ phi logic kinh tế nhưng sau đó lại phát triển thành một trung tâm sản xuất lớn mạnh.
“Khi người Trung Quốc đặt mục tiêu, họ sẽ tiến dần đến mục tiêu”, ông Yarashenka nói. Ông cũng cho rằng Belarus nên học theo phương pháp này.
Chỉ hai năm sau khi tòa nhà đầu tiên – gồm một khách sạn và trung tâm thương mại cơ bản vẫn còn để trống – được hoàn thành, khuôn viên giờ đã có một số nhà máy đang vận hành, một tòa nhà hành chính tám tầng và một con đường rộng rãi kéo dài 40 km. Quốc kỳ Trung Quốc và Belarut được treo trên các cột đèn ở dọc hai bên đường.
“Trước đây, khu vực này là một đầm lầy và rừng rậm, ngoài ra không có gì. Bây giờ chúng ta có những thứ này”, ông Yarashenka chỉ vào dãy xe tải dưới cửa sổ văn phòng của mình và những tốp các công nhân xây dựng Trung Quốc. “Dự án này cho thấy không có gì là không thể.”
http://biendong.net/doc-bao-viet/29471-nguoi-belarus-am-uc-to-tq-ho-dua-tien-bang-mot-tay-va-sau-do-lay-lai-tien-bang-tay-kia.html

Nam Hàn yêu cầu Nhật

đừng loại nước này khỏi ‘danh sách trắng’

Nam Hàn hôm 24/7 cho biết kế hoạch của Nhật để loại bỏ nước này khỏi danh sách “các quốc gia hữu hảo” sẽ làm suy yếu hợp tác kinh tế và an ninh hàng thập kỷ giữa hai nước.
“Danh sách trắng” của Nhật gồm 27 quốc gia trong đó có Đức, Nam Hàn, Anh và Hoa Kỳ, được nước này miễn trừ tối đa các hạn chế thương mại.
Nhật: Bầu cử Thượng viện hôm 21/7
Vì sao nhiều người Nhật về hưu muốn đi tù?
Shin Kanemaru: ‘Bố già tham nhũng và dựng lên thủ tướng Nhật’
Nhật Bản và ‘nghệ thuật kiên nhẫn’
Theo Reuters, Nhật lên kế hoạch sửa đổi luật để loại Nam Hàn ra khỏi danh sách này trong bối cảnh hai nước có bất đồng sâu sắc về việc bồi thường cho lao động cưỡng bức thời chiến, và sau khi Nhật thắt chặt hạn chế xuất khẩu sang Nam Hàn các vật liệu công nghệ cao dùng để làm bộ nhớ chip và màn hình.
Thông cáo của Bộ Công nghiệp Nam Hàn nói việc Nhật loại nước này khỏi “danh sách trắng” sẽ là vấn đề rất nghiêm trọng, làm suy yếu mối quan hệ đối tác kinh tế và an ninh giữa hai nước,
Họ yêu cầu Nhật bỏ kế hoạch này.
“Động thái đó sẽ làm lung lay nền tảng của quan hệ đối tác kinh tế Nhật-Nam Hàn và hợp tác an ninh Đông Bắc Á đã được duy trì và phát triển trong hơn 60 năm qua,” ông Sung Yoon-mo, bộ trưởng Công nghiệp Nam Hàn, nói.
“Việc này cũng trái với thông lệ quốc tế và chúng tôi lo lắng về hệ lụy tiêu cực nghiêm trọng của nó đối với chuỗi giá trị toàn cầu và thương mại tự do,” ông Sung nói thêm.
Theo luật kiểm soát thương mại của Nhật, các nhà xuất khẩu Nhật phải xin giấy phép cho các mặt hàng có thể được dùng trong một số ứng dụng liên quan đến vũ khí.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49067926

TQ dọa đưa quân đội

tới kiểm soát tình hình Hong Kong

Trung Quốc hôm thứ Tư cảnh báo rằng quân đội có quyền vãn hồi trật tự tại Hong Kong nếu như chính quyền địa phương có yêu cầu.
Lời cảnh báo được đưa ra vào lúc chính phủ Trung Quốc công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó cáo buộc Hoa Kỳ là làm xói mòn sự ổn định toàn cầu, và xác định chủ nghĩa ly khai chính là mối đe dọa an ninh trực tiếp đối với Trung Quốc.
Hong Kong: ‘Côn đồ áo trắng’ tấn công ở trạm MTR
Hong Kong: Phong tỏa khu trung tâm ngăn biểu tình
Hong Kong: Cảnh sát phát hiện lượng lớn chất nổ
‘Luật đã quy định’
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng tại Bắc Kinh nói rằng quyền của giới chức trong việc ra yêu cầu như vậy đã được viết rõ trong quy định hoạt động của lực lượng đồn trú địa phương.
Đại tá Ngô Khiêm nói thêm rằng quân đội đang theo dõi sát sao các sự kiện ở Hong Kong, nơi trong hai tháng qua đã có những lúc nổ ra các cuộc biểu tình bạo động.
Ông lên án các hành động của những người mà ông gọi là “những kẻ biểu tình cực đoan” là quá quắt, không thể chấp nhận được.
Báo chí Hong Kong dẫn lời ông Ngô nói trước đó, nhắc lại tuyên bố của giới chức Trung Quốc rằng việc thách thức thẩm quyền của chính quyền trung ương và nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ” là điều “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, và rằng Hong Kong không nên “để cho danh tiếng của họ bị vấy bẩn”
Ông cũng trích dẫn Điều 14 Đạo luật Căn bản, theo đó nói Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ không can thiệp vào các quan hệ địa phương ở Hong Kong, nhưng chính quyền Hong Kong có thể yêu cầu chính quyền trung ương trợ giúp khi cần, để duy trì an ninh công và hỗ trợ công tác cứu trợ khi có thảm họa.
Tuy nhiên, ông Ngô từ chối trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc trong bối cảnh nào việc triển khai quân đội có thể được thực hiện, hãng truyền thông Radio Television Hong Kong tường thuật.
Hong Kong: Vì sao luật dẫn độ ‘chết’ ảnh hưởng xấu tới kinh doanh?
Hong Kong: Bất ổn không có dấu hiệu dừng lại
Biểu tình Hong Kong: Giới vận động VN nghĩ gì?
Tờ Minh Báo ở Hong Kong trong bài xã luận hôm 24/7 viết rằng việc áp dụng Điều 14 hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Hong Kong theo Điều 18 Đạo luật Căn bản, cả hai tình huống đều cho phép chính quyền trung ương gửi quân tới Hong Kong, là “cực kỳ nguy hiểm”.
Báo này nói rằng đất nước sẽ phải “trả giá đắt” và việc đưa quân đội đến “sẽ không đảm bảo chấm dứt được tình trạng hỗn loạn ở Hong Kong”, và rằng Bắc Kinh cần để Hong Kong xử lý cuộc khủng hoảng của mình bằng cơ chế mà vùng lãnh thổ này đã có sẵn.
Lời cảnh báo hiếm hoi do Bộ Quốc phòng Trung Quốc trực tiếp đưa ra vào lúc quân đội nước này có vẻ như đang tập trung nâng cao khả năng nhằm đối phó với các mối đe dọa đối với sự ổn định chính trị và xã hội, tờ Financial Times bình luận.Làn sóng biểu tình mạnh mẽ ở Hong Kong diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm vụ đàn áp Thiên An Môn, là sự kiện giới chức đưa quân đội tới nghiền nát phong trào biểu tình đòi dân chủ của giới học sinh, sinh viên ở Bắc Kinh hồi 1989.
Kể từ đó, nhà cầm quyền thường tránh dùng quân đội vào các việc trấn áp trong nước, chẳng hạn như để đối phó với phe bất đồng chính kiến hoặc để kiểm soát đám đông.
Cho đến nay, tại Hong Kong, lực lượng cảnh sát đã duy trì được trật tự, nhưng một số người e sợ rằng Bắc Kinh có thể sẽ dùng tới quân đội.
Các cuộc xuống đường tại đặc khu hành chính bắt đầu với việc người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ, mà họ cho rằng sẽ khiến các nghi phạm bị đưa về Trung Hoa lục địa để xét xử.
Sau đó, việc phản đối lan sang bất bình nhà lãnh đạo, trưởng đặc khu hành chính Carrie Lam, lực lượng cảnh sát Hong Kong và Bắc Kinh.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-49098950

TQ cảnh báo sẽ có chiến tranh

nếu Đài Loan tiến tới độc lập

Bắc Kinh hôm thứ Tư 24/7 cảnh báo rằng Trung Quốc đã sẵn sàng cho chiến tranh nếu Đài Loan có bất kỳ động thái nào tiến đến độc lập. Cùng lúc Bắc Kinh tố cáo Hoa Kỳ đã làm xói mòn sự ổn định toàn cầu và lên án việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.
Lầu Năm Góc trong tháng này cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phê duyệt quyết định bán vũ khí, gồm cả xe tăng và tên lửa Stinger, theo yêu cầu của Đài Loan, ước tính trị giá 2,2 tỷ đô la.
Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ tham gia bất kỳ hợp đồng bán vũ khí nào với Đài Loan.
Tại cuộc họp báo về sách trắng quốc phòng khái quát về các mối quan tâm chiến lược của quân đội, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói rằng Trung Quốc sẽ hết sức nỗ lực để thống nhất với Đài Loan một cách hòa bình.
“Tuy nhiên, chúng tôi phải dứt khoát chỉ ra rằng việc Đài Loan tìm cách tiến tới độc lập là một ngõ cụt”, ông Ngô nói.
“Nếu có người dám tách Đài Loan ra khỏi đất nước, quân đội Trung Quốc sẽ sẵn sàng tiến hành chiến tranh để mạnh mẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, ông nói.
Hoa Kỳ không có quan hệ chính thức với Đài Loan theo chế độ dân chủ, nhưng có ràng buộc pháp lý phải giúp cung cấp cho đảo quốc này các phương tiện để tự vệ.
Trong cùng ngày, Hội đồng về đại lục của Đài Loan ra tuyên bố nói rằng “hành vi khiêu khích của Bắc Kinh vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc hòa bình trong luật và quan hệ quốc tế, thách thức an toàn và trật tự khu vực”.
Tuyên bố có đoạn viết: “Chúng tôi kêu gọi chính quyền Bắc Kinh từ bỏ các hành vi phi lý, xấu xa như sử dụng vũ lực, và cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển, cũng như xử lý các vấn đề bao gồm cả Hồng Kông, một cách hợp lý, để Trung Quốc có thể trở thành một thành viên có trách nhiệm trong khu vực”.
https://www.voatiengviet.com/a/tq-canh-bao-se-co-chien-tranh-neu-dai-loan-tien-toi-doc-lap/5013400.html

Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc:

Hoa Kỳ gây phức tạp tình hình Biển Đông,

Trung Quốc không bành trướng

Trong Sách Trắng Quốc phòng mới được công bố vào sáng ngày 24/7, Bắc Kinh cáo buộc Washington đang gây mất ổn định toàn cầu, đồng thời khẳng định tình hình Biển Đông đang ổn định và tiến triển tốt.
Đây là Sách Trắng Quốc Phòng được Trung Quốc công bố lần đầu tiên sau Sách Trắng hồi năm 2015, sau khi Trung Quốc tiến hành một loạt các cải tổ về Quốc phòng.
Sách Trắng mới có tựa “Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”, dựa theo khẩu hiệu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra.
Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang gây ra những cạnh tranh giữa các cường quốc và cho rằng hệ thống an ninh và trật tự quốc tế đang bị đe dọa bởi chủ nghĩa bá quyền đang phát triển, chính trị sức mạnh, chủ nghĩa đơn phương và những xung đột cùng chiến tranh khu vực.
Sách Trắng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề Đài Loan mà Trung Quốc coi là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Khi nói đến việc các tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Đài Loan, Sách Trắng viết các hoạt động này nhằm gửi thông điệp cảnh cáo nghiêm khắc đến những người đòi độc lập, ý muốn nói đến Đảng Dân Chủ Tiến Bộ của Tổng thống Thái Anh Văn.
Trước đó, vào ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê chuẩn kế hoạch bán hơn 2 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan, bất chấp những phản đối của Trung Quốc.
Khi nói về vấn đề Biển Đông, Sách Trắng khẳng định tình hình nhìn chung vẫn ổn định và đang cải thiện vào khi các nước đang điều tiết những mối nguy và sự khác biệt một cách hợp lý. Trong Sách Trắng, Trung Quốc cáo buộc Hoa Kỳ đang làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông bằng cách gia tăng liên minh quân sự với các nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Sách Trắng đồng thời khẳng định Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc, coi đây là mục tiêu quan trọng của quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ mới, với đặc điểm cơ bản là “không theo đuổi quyền bá chủ, bành trướng hay mở rộng tầm ảnh hưởng”.
Sách Trắng khẳng định Trung Quốc cần phải hiện đại hóa quân đội hơn nữa vì đang bị bỏ lại phía sau so với các nước khác.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/china-released-white-paper-07242019085227.html

Công ty dầu khí nhà nước TQ bị trừng phạt

 vì vi phạm luật chơi của Mỹ

Lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với một công ty Trung Quốc vì liên quan đến Iran, một quyết định chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, và đương nhiên là với cả Tehran.
Lần đầu tiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp dụng các trừng phạt kinh tế đối với một công ty Trung Quốc vì liên quan đến Iran, một quyết định chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, và đương nhiên là với cả Tehran.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với một công ty thương mại dầu khí thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc và giám đốc điều hành của họ vì việc mua dầu của Iran vi phạm lệnh cấm của Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết hôm qua, 22.7.
Trong một bài phát biểu về chính sách đối ngoại tại hội nghị của các cựu chiến binh ở Florida, ông Pompeo nói rằng công ty Zhuhai Zhenrong (Chu Hải Chấn Nhung) và giám đốc điều hành Li Youmin, đã vi phạm các hạn chế của Mỹ đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran. Do đó, Mỹ đã trừng phạt công ty Zhuhai Zhenrong và ông Li Youmin vì các hành động bất chấp các lệnh trừng phạt gần đây của Mỹ đối với xuất khẩu dầu của Iran. Bộ Tài chính Mỹ, nơi thi hành các lệnh trừng phạt, đã bổ sung các cái tên từ Trung Quốc được ông Pompeo công bố vào danh sách đen.
Động thái này chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, vốn đang đối đầu trong cuộc chiến thương mại kéo dài và cuộc cạnh tranh chiến lược kéo dài trên toàn cầu. Đồng thời, động thái này cũng sẽ đổ thêm dầu vào một cuộc khủng hoảng ở khu vực Vịnh Ba Tư, nơi Mỹ và Iran đang liên tục các vụ va chạm, triệt hạ thiết bị bay của nhau.
Dầu là nguồn thu lớn nhất đối với Iran và chính quyền Trump đặt mục tiêu đưa lượng xuất khẩu đó về 0 như một phần của chiến dịch trừng phạt nhằm buộc Tehran kiềm chế mọi “tham vọng có thể có” liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân và ngưng hỗ trợ các phong trào du kích ở Trung Đông.
Năm ngoái, sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Iran đạt được với các cường quốc thế giới năm 2015, ông Trump đã tuyên bố các lệnh trừng phạt lớn đối với Iran. Dù vậy, chính quyền Trump đã cho phép 8 chính phủ tiếp tục mua dầu từ Iran trong vòng nửa năm tính từ tháng 11 năm ngoái. Thời hạn đó đã kết thúc vào tháng 5 vừa qua. Chính quyền Trump cho biết 5 quốc gia thực sự còn mua dầu từ Iran phải dừng tất cả việc nhập khẩu dầu.
Trong khi đó, Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran. Zhuhai Zhenrong và Sinopec, một doanh nghiệp nhà nước khác, là hai công ty chính của Trung Quốc nhập khẩu dầu của Iran. Các quan chức ở Bắc Kinh cho biết họ không đồng ý với các lệnh trừng phạt của Mỹ và sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu từ Tehran.
Trung Quốc liên tục phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ. Chính phủ Trung Quốc cam kết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Vào giữa tháng 6, Trung Quốc đã nhận được chuyến hàng dầu Iran đầu tiên kể từ khi thời hạn cho nhập dầu Iran của chính quyền Trump chấm dứt hôm 2.5, tờ Financial Times đưa tin, trích dẫn dữ liệu từ TankerTrackers, trang theo dõi các chuyến hàng dầu qua tín hiệu và hình ảnh vệ tinh. Theo đó, tàu chở dầu Salina, có thể chở tới một triệu thùng dầu thô, đã cập cảng ở vịnh Jianzhou, gần thành phố duyên hải phía đông Thanh Đảo, vào ngày 20. 6 và dỡ hàng trong hai ngày.
Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio, người của đảng Cộng hòa, đã kêu gọi chính quyền Trump hành động cứng rắn hơn để chấm dứt toàn bộ việc xuất khẩu dầu của Iran. Sau khi Financial Times công bố báo cáo vào ngày 26.6, ông Rubio đã viết trên Twitter: “Chính quyền đã ngừng ban hành lệnh miễn trừ đối với xuất khẩu dầu của Iran vào tháng 5, nhưng Trung Quốc mới nhận được lô dầu lớn từ Iran”.
Còn báo Bloomberg hôm qua đưa tin: Các tàu chở dầu đã dỡ hàng triệu thùng dầu ‘made in Iran’ tại các cảng của Trung Quốc, nơi dầu đang được giữ trong kho được gọi là kho lưu trữ ngoại quan. Nguồn tin này khẳng định dầu đã không thông qua hải quan Trung Quốc hoặc hiển thị trên dữ liệu nhập khẩu quốc gia và về mặt kỹ thuật, có thể không vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ vì nó vẫn thuộc sở hữu của Iran. Nói tóm lại, Trung Quốc tìm cách lách luật chơi của Mỹ nhưng Mỹ không bỏ qua.
Hồi tháng 3, Mỹ cũng từng áp biện pháp trừng phạt lên hai công ty vận tải biển Trung Quốc mà Washington cho là giúp Triều Tiên “lách” lệnh trừng phạt quốc tế về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, Bộ Tài chính Mỹ công bố lệnh trừng phạt đối với Dalian Haibo International Freight Co Ltd và Liaoning Danxing International Forwarding Co Ltd, hai công ty có trụ sở ở Trung Quốc. Lệnh trừng phạt cấm các cá nhân và tổ chức ở Mỹ có giao dịch với hai công ty, và đóng băng bất kỳ tài sản nào mà hai công ty này có ở Mỹ.
Bộ Tài chính Mỹ khi ấy cho biết Đại Liên Haibo đã cung cấp hàng hóa, dịch vụ và hỗ trợ cho Paeksol Trading Corp, một công ty Triều Tiên từng nằm trong danh sách đen của Mỹ vì tham gia buôn bán kim loại, than đá. Trong khi đó, Liêu Ninh Danxing hoạt động trong ngành vận tải ở Triều Tiên và “thường xuyên sử dụng các hành vi lừa đảo” giúp các quan chức mua sắm hàng hóa xa xỉ ở châu Âu rồi chuyển về Bình Nhưỡng.
Với những động thái vừa qua thì có thể thấy rằng chưa khi nào mà các chính quyền Mỹ sau thời Chiến tranh lạnh lại tỏ ra cứng rắn trong việc áp dụng biện pháp cây gậy một cách mạnh mẽ như dưới thời ông Donald Trump, đặc biệt là áp dụng với Trung Quốc.
http://biendong.net/diem-tin/29474-cong-ty-dau-khi-nha-nuoc-tq-bi-trung-phat-vi-vi-pham-luat-choi-cua-my.html

Mổ xẻ tên lửa chiến lược Cự Lãng 3

mà TQ vừa bắn thử tại Biển Đông

Đô đốc Davidson cho rằng Trung Quốc vừa muốn khoe khả năng quân sự mới, vừa muốn nhắc Mỹ về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông khi bắn tên lửa Cự Lãng 3 từ tàu ngầm hồi đầu tháng 7.
Đô đốc Davidson cho rằng Trung Quốc vừa muốn khoe khả năng quân sự mới, vừa muốn nhắc Mỹ về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông khi bắn tên lửa Cự Lãng 3 từ tàu ngầm hồi đầu tháng 7.
Hồi đầu tháng 7, Trung Quốc đã tập trận và phóng thử tên lửa trên Biển Đông. Ngay sau đó, Lầu Năm góc nói rằng việc Trung Quốc phóng thử tên lửa đó ở Biển Đông là “đáng lo ngại”, đi ngược lại cam kết của Bắc Kinh rằng sẽ không quân sự hóa tại vùng biển tranh chấp này.
Chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương (INDOPACOM) Phil Davidson cung cấp vừa thêm thông tin cuộc tập trận đó.
Tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông Davidson cho biết Trung Quốc đã bắn 6 tên lửa trên Biển Đông, bao gồm 1 tên lửa đạn đạo chống hạm mới, được phóng từ tàu ngầm có tên là JL-3.
JL-3 với JL là viết tắt của bính âm Ju lang – còn tiếng Hán Việt là Cự Lãng – có nghĩa là Sóng lớn. Nghe tên như vậy, nhiều người nghĩ tên lửa này chuyên dùng trên biển với mục tiêu phá hủy tàu thuyền.
Nhưng trên thực tế thì mục tiêu của nó rất đa dạng, bao gồm cả mục tiêu trên bộ với tầm bắn rất xa.
Khi tên lửa này được bơm đầy nhiên liệu thì tầm bắn của nó đạt tới 12.000 cây số, đủ vươn tới tất cả mục tiêu trên đất Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa này từ biển Bột Hải và hồi đầu tháng 6, tên lửa được bắn ở bờ biển miền bắc Trung Quốc.
Những lần phóng trước được thực hiện từ các khu vực gần phía lãnh thổ Mỹ nhất, còn lần phóng thử mới đây lại là trên Biển Đông và thực hiện trên tàu ngầm.
Đô đốc Davidson cho rằng Trung Quốc vừa muốn khoe khả năng quân sự mới, vừa muốn nhắc Mỹ về sức mạnh quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Theo đô đốc, Davidson, vụ bắn thử được đưa ra sau khi Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đưa ra những nhận xét đầy đe dọa với Mỹ vào đầu tháng 6 khi đề cập đến yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Davidson mô tả ông Ngụy nói rõ ở Hội nghị Shangri-La rằng ông ta không nghĩ châu Á và Tây Thái Bình Dương là nơi dành cho Mỹ. Thậm chí, ông ta nói rằng châu Á không dành cho người châu Á mà cho người Trung Quốc.
Sau vụ thử tên lửa đó, ngay hôm 2.7, các phóng viên đã đặt câu hỏi với Bộ ngoại giao Trung Quốc:
“Các quan chức Mỹ nói rằng Trung Quốc đang tiến hành một loạt vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Trung Quốc có thể xác nhận điều này? Trung Quốc bình luận gì về điều này?”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không phủ nhận thông tin trên và cho biết sẽ chuyển câu hỏi tới lãnh đạo quân đội Trung Quốc. Nhưng sau hơn nửa tháng thì câu trả lời vẫn chưa được nêu.
Liên quan tới thông tin Trung Quốc phóng thử tên lửa ở Biển Đông nêu trên, trong cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 4.7, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết Việt Nam rất quan tâm và theo sát vụ việc này.
“Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác trong khu vực”, bà Hằng nêu rõ.
http://biendong.net/bi-n-nong/29472-mo-xe-ten-lua-chien-luoc-cu-lang-3-ma-tq-vua-ban-thu-tai-bien-dong.html

TQ toan tính gì

khi điều tàu xâm phạm vùng biển Việt Nam

Trung Quốc muốn biến khu vực không có tranh chấp của Việt Nam thành tranh chấp để hiện thực hoá âm mưu “Biển Đông là ao nhà”.
Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Bà Hằng khẳng định đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Ông Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, có cuộc trao đổi với VnExpress về diễn biến này.
- Ông cho biết cơ sở pháp lý cho thấy vùng biển phía Nam Biển Đông, nơi Trung Quốc có hành vi vi phạm, là của Việt Nam ?
- Các quy định của Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS), Luật biển Việt Nam năm 2012, các tiền lệ pháp, phán quyết của Toà trọng tài quốc tế năm 2016 cho thấy căn cứ pháp lý rõ ràng của Việt Nam.
Khu vực phía Nam Biển Đông được người phát ngôn Bộ Ngoại giao đề cập gồm các bãi cạn, trong đó có Tư Chính, Vũng Mây, Quế Đường, Huyền Trân. Khu vực này nằm cách đường cơ sở thẳng (dùng để tính chiều rộng lãnh hải ven bờ lục địa) mà Việt Nam công bố năm 1982 dưới 200 hải lý, thậm chí có khu cách đường bờ biển ven bờ lục địa đối diện trên dưới 200 hải lý.  Ngoài ra, một quốc gia còn
có ranh giới ngoài thềm lục địa có thể mở rộng đến 350 hải lý, nếu chứng minh được bờ ngoài của thềm lục địa kéo dài ra ngoài giới hạn 200 hải lý.
Tại khu vực phía Nam Biển Đông này, Việt Nam đã và đang thăm dò, khai thác dầu khí, xây dựng các cụm dịch vụ mang tên DK. Việc đó phù hợp với các quy định về quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển, theo Điều 60 của UNCLOS (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế) và Điều 80 (quy định về các đảo nhân tạo, thiết bị và công trình ở thềm lục địa).
Việt Nam có đặc quyền xây dựng, cho phép và quy định việc xây dựng, khai thác và sử dụng đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình có mục đích được trù định ở Điều 56 của UNCLOS hoặc các mục đích kinh tế khác trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam đã tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam thành đảo nổi, không ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
- Trung Quốc có mục tiêu gì khi đưa nhóm tàu đến vùng biển phía Nam Biển Đông ?
- Trung Quốc tính toán để nhằm đạt được hai mục tiêu chính. Thứ nhất, về pháp lý, họ quyết tâm hợp thức hóa yêu sách “đường lưỡi bò”, chiếm trên 90% diện tích Biển Đông. Trung Quốc dùng lập luận ngụy biện rằng các thực thể địa lý (là những bãi ngầm) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và trên thềm lục địa phía Nam Biển Đông của các nước ven Biển Đông đều là bộ phận của “quần đảo Nam Sa của Trung Quốc”, tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc coi các bãi cạn ở Nam Biển Đông của Việt Nam là một phần của quần đảo Nam Sa, thuộc “chủ quyền bất khả xâm phạm” của Trung Quốc. Tuy nhiên, lập luận này hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS và đã bị bác bỏ trong phán quyết Tòa Trọng tài Thường trực năm 2016.
Thứ hai, Bắc Kinh thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp vươn lên vị trí siêu cường quốc tế trong cuộc cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế, địa chiến lược với Mỹ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trung Quốc đã lợi dụng mọi thời cơ, tận dụng mọi lợi thế về quân sự, kinh tế, kỹ thuật, tài chính… để từng bước, lúc bí mật, khi công khai, tiến hành xâm chiếm bằng vũ lực quần đảo Hoàng Sa năm 1956, 1974 và một phần quần đảo Trường Sa năm 1988.
Từ sau năm 1988, Trung Quốc một mặt tiến hành cải tạo, xây dựng, biến một số thực thể địa lý ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các đảo nhân tạo lớn, đủ để xây dựng và bố trí các thiết bị quân sự hải, lục, không quân hiện đại. Mặt khác, Trung Quốc tiếp tục triển khai chiến thuật gặm nhấm, theo phương châm “cháo nóng húp quanh” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. Điều này đã xảy ra ở đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough năm 2012 và Bãi Cỏ Mây.
Đáng chú ý, Bắc Kinh đã và đang mở rộng hoạt động phi pháp này bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, Bãi Cỏ Rong ở phía Đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý, và gần đây nhất là nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
- Ông dự báo tình hình ở vùng biển phía Nam Biển Đông sắp tới như thế nào?
- Với phản ứng quyết liệt của Việt Nam và một số nước, có thể nhóm tàu Trung Quốc sẽ rút đi, với lý do là hoàn thành một đợt nghiên cứu hoặc một lý do nào đó. Nhưng chúng ta không thể chủ quan vì có thể đây chỉ là bước thăm dò cuối cùng, trước khi họ có những hành động quyết liệt nhằm hiện thực hóa mưu đồ biến Biển Đông thành ao nhà, biến vùng không tranh chấp thành có.
- Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 cho biết Washington quan ngại trước những báo cáo về việc Bắc Kinh có hành vi can thiệp hoạt động khai thác dầu khí trong khu vực, bao gồm hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
- Tuyên bố của Mỹ rất rõ ràng và mạnh mẽ. Việc Mỹ nhanh chóng lên tiếng phản đối Trung Quốc, sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố rõ ràng lập trường của Việt Nam về hành vi phạm pháp của Trung Quốc, cho thấy Mỹ hoàn toàn tán đồng và ủng hộ Việt Nam, quan ngại về các hoạt động nhằm tranh giành vị trí siêu cường của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi tin rằng các nước khác cũng sẽ ủng hộ Việt Nam, vì chúng ta có chính nghĩa và thiện chí. Tôi mong chúng ta có những biện pháp để ASEAN cũng có tiếng nói mạnh mẽ. Đó là sức mạnh giúp ngăn cản các hành động tiếp theo của Trung Quốc.
- Việt Nam có thể làm gì, thưa ông ?
- Chúng ta đã công khai yêu cầu Trung Quốc rút các tàu vi phạm tại vùng biển Nam Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục thì Việt Nam cần phải đấu tranh cao hơn về mặt ngoại giao.
Việt Nam nên xúc tiến việc thu thập hồ sơ, bằng chứng có liên quan đến các vi phạm của Trung Quốc, như tọa độ nơi xảy ra vi phạm, các bằng chứng về việc thăm dò, nghiên cứu, các hoạt động gây hấn của các tàu vũ trang của Trung Quốc đề lập hồ sơ pháp lý cho những bước đấu tranh ngoại giao pháp lý tiếp theo. Việt Nam có thể gửi lên các tổ chức liên quan của Liên Hợp Quốc, đưa vụ việc ra các cơ quan tài phán quốc tế.
Trên thực địa, các lực lượng chấp pháp cần cảnh giác, kiềm chế, hành xử theo đúng thủ tục pháp lý hiện hành. Việt Nam không để mắc bẫy khiêu khích để Trung Quốc kiếm cớ gây đụng độ vũ trang, gây ra sự bất ổn, làm ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại đây.
Chúng ta cũng cần công khai các thông tin đúng sự thật, nói rõ đúng sai, thượng tôn pháp luật, thể hiện thiện chí và trách nhiệm của Việt Nam đối với khu vực và thế giới, góp phần tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người Việt ở nước ngoài, cũng như cộng đồng quốc tế.
Khi dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam, đó là nguồn sức mạnh giúp chúng ta bảo vệ và quản lý được các quyền và lợi ích hợp pháp tại Biển Đông trong tình hình hiện nay.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29448-tq-toan-tinh-gi-khi-dieu-tau-xam-pham-vung-bien-viet-nam.html

Vì sao đầu tư TQ vào Mỹ giảm gần 90%

 từ khi ông Trump nhậm chức?

Niềm tin rạn vỡ giữa Mỹ và Trung Quốc làm chậm dòng tiền Bắc Kinh đổ vào Washington trong bối cảnh thương chiến giữa 2 quốc gia chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo NYT, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ giảm gần 90% kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Sự lao dốc này xuất phát từ sự giám sát chặt chẽ của Mỹ, thái độ không mấy mặn mà với đầu tư từ Trung Quốc của Washington và chính từ thực tế Bắc Kinh đang thắt chặt giới hạn chi tiêu nước ngoài.
Một loạt các ngành công nghiệp đang bị ảnh hưởng nặng nề do xu hướng thoái trào này, bao gồm các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon, thị trường bất động sản Manhattan và chính quyền các bang từng dành nhiều năm gọi vốn đầu tư Trung Quốc.
“Đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh là biểu tượng cho thấy quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi thế nào. Mỹ không tin tưởng Trung Quốc và ngược lại”, Eswar Prasad, cựu Giám đốc bộ phận Trung Quốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho hay.
Trước khi Tổng thống Trump bước chân vào Nhà Trắng, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tăng tốc chóng mặt. Tiền đồng loạt được đổ vào các lĩnh vực ô tô , công nghệ , năng lượng, nông nghiệp, thúc đẩy việc làm mới ở Michigan, Nam Carolina, Missouri, Texas và các tiểu bang khác.
Khi nền kinh tế Trung Quốc bùng nổ, chính quyền các tiểu bang cùng các công ty Mỹ tìm cách thu hút đầu tư từ Bắc Kinh. Nhưng khi ông Trump lên nắm quyền, đặc biệt là sau chiến tranh thương mại hai nước nổ ra, xu hướng này bị đảo ngược.
Đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào Mỹ chỉ còn 5,4 tỷ USD trong năm 2018, giảm 88% so với đỉnh điểm 46,5 tỷ USD năm 2016.
“Các nhà đầu tư hết sức quan tâm tới việc liệu thị trường Mỹ còn mở cửa hay không”, Rod Hunter, một luật sư tại Baker McKenzie, công ty chuyên về đánh giá đầu tư nước ngoài nói. Theo Hunter, “hiệu ứng sợ hãi” đang đánh động tới nhiều nhà đầu tư Trung Quốc.
Nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp và kiểm soát vốn chặt chẽ ở Trung Quốc cũng được cho là lý do khiến các nhà đầu tư nước này e dè hơn khi đổ tiền vào Mỹ. Thêm vào đó, Washington gần đây siết chặt các quy định về đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các khoản tiền tới từ Trung Quốc.
Nhưng không loại trừ khả năng Trung Quốc ngừng đầu tư vào Mỹ cũng có thể là đòn trừng phạt đáp trả các đòn thuế quan của Tổng thống Trump.
Mọi việc trở nên trầm trọng hơn khi một loạt các giao dịch sụp đổ sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài Mỹ kiểm soát gắt gao.
Năm 2018, cơ quan này được mở rộng quyền hạn trong việc quản lý, giám sát các khoản đầu tư nước ngoài tại Mỹ nhằm tránh ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia.
Tập đoàn HNA của Trung Quốc hồi đầu năm 2019 thừa nhận họ thua lỗ 41 triệu USD sau khi các nhà quản lý Mỹ bắt họ bán tòa nhà trụ sở chính ở số 850 đại lộ Third Avenue, New York vì lo ngại về an ninh gần tháp Trump.
Vào tháng 3, chính phủ Mỹ yêu cầu một công ty Trung Quốc bán ứng dụng hẹn hò của mình vì lo ngại nó có thể trở thành mối họa đối với an ninh quốc gia.
Vài tháng trước đó, Mỹ thẳng tay chặn thương vụ gã khổng lồ Alibaba thâu tóm MoneyGram, công ty chuyển tiền nổi tiếng của Mỹ.
Tháng 9/2017, Tổng thống Trump ngăn một nhà đầu tư do Trung Quốc đứng sau mua lại công ty bán dẫn Lattice, đánh dấu lần thứ tư trong 27 năm một Tổng thống Mỹ chặn đứng thương vụ thâu tóm công ty Mỹ vì các nguy cơ an ninh.
Trong một số trường hợp, việc Trung Quốc hạn chế đầu tư vào Mỹ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp sở tại. Vào tháng 6, UnitedHealth nhảy vào thương vụ thâu tóm BNLikeMe, một công ty khởi nghiệp công nghệ chăm sóc sức khỏe sau khi Ủy ban Đầu tư nước ngoài yêu cầu chủ sở hữu đa số từ Trung Quốc thoái vốn.
Tuy nhiên, các quy định quá mức ngặt nghèo đôi khi làm phức tạp nỗ lực của ngành công nghiệp Mỹ trong việc hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc, dẫn tới sự đình trệ trong một số lĩnh vực.
Lĩnh vực bất động sản Mỹ vốn được giới đầu tư Trung Quốc ủng hộ nhiều thập kỷ qua ghi nhận sự xuống dốc trầm trọng khi quan chức Trung Quốc kiểm soát đầu tư bất động sản nước ngoài. Trường hợp của HNA và thế bế tắc trong đàm phán thương mại khiến các nhà đầu tư Trung Quốc cảm thấy không được chào đón.
Đầu tư của Trung Quốc sụt giảm chắc chắn không thể hủy hoại nền kinh tế Mỹ vì nó chỉ là một phần nhỏ trong số các khoản vốn đổ từ Canada, Nhật Bản và Đức. Nhưng việc các nhà đầu tư ở Bắc Kinh ngại chi tiêu cho thị trường Mỹ có thể làm tổn thương tới các khu vực vốn đã thiệt thòi về kinh tế.
Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung Quốc nói rằng việc mất đi các khoản đầu tư từ Trung Quốc được cảm nhận rõ nhất ở các vùng nông thôn nơi các nhà đầu tư Trung Quốc mua các nhà máy và hồi sinh các doanh nghiệp gặp khó khăn
http://biendong.net/doc-bao-viet/29468-vi-sao-dau-tu-tq-vao-my-giam-gan-90-tu-khi-ong-trump-nham-chuc.html

Trung Quốc:

Mỹ nên rút ‘bàn tay hắc ám’ ra khỏi Hong Kong

Sau một loạt các cuộc biểu tình ở Hong Kong, trong đó các cuộc đụng độ đẫm máu cuối tuần qua, Trung Quốc hôm 23/7 tố cáo quan chức Mỹ đứng đằng sau tình trạng hỗn loạn bạo lực ở Hong Kong và cảnh báo bên ngoài chớ can thiệp.
“Chúng tôi có thể thấy rằng các quan chức Mỹ thậm chí còn đứng sau những sự cố như vậy,” phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ.
Ý bà Hoa muốn nhắc đến các hành động bạo lực trong nhiều tuần biểu tình do các nhà hoạt động dân chủ thúc đẩy nhằm chống lại một dự luật cho phép người dân Hong Kong bị dẫn độ để ra tòa tại ở đại lục.
“Các quan chức này có thể nói với thế giới rằng họ đã đóng vai trò gì và mục đích của họ là gì hay không?” bà Hoa chất vấn.
Hôm 21/7, những người đàn ông mặc áo phông trắng, mà các chính trị gia đối lập nghi ngờ có liên quan đến các băng đảng tội phạm Hong Kong, đã tấn công một số người biểu tình ủng hộ dân chủ, sau khi một số người biểu tình phá hoại văn phòng chính của Bắc Kinh ở Hong Kong.
Khi được hỏi về chỉ trích của Mỹ và Anh, bà Hoa nói rằng Trung Quốc sẽ không tha thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào.
“Mỹ nên biết một điều, rằng Hong Kong là Hong Kong của Trung Quốc và chúng tôi không cho phép bất kỳ sự can thiệp nào của nước ngoài,” bà nói.
‘Chúng tôi khuyên Mỹ nên rút bàn tay nhúng chàm của họ ra.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 21/7 nói rằng ông tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hành động rất có trách nhiệm đối với các cuộc biểu tình tại Hong Kong.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-m%E1%BB%B9-n%C3%AAn-r%C3%BAt-b%C3%A0n-tay-h%E1%BA%AFc-%C3%A1m-ra-kh%E1%BB%8Fi-hong-kong/5012571.html

Bắc Kinh tỏ rõ tham vọng hiện đại hóa quân đội

Anh Vũ
Theo AFP, giữa lúc Mỹ-Trung đang đối đầu trên nhiều mặt trận, hôm nay 24/07/2019 Bắc Kinh công bố kế hoạch xây dựng một quân đội được trang bị các công nghệ tiên tiến nhất, đồng thời tố cáo Mỹ « phá hoại ổn định thế giới ».
Sách Trắng về Quốc phòng vừa được công bố đưa ra những định hướng phát triển Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc, hiện là lực lượng quân sự đông nhất thế giới. Đây là lần thứ hai kể từ 2012, Trung Quốc ra Sách Trắng về phát triển quân đội.
Tài liệu nêu lý do của việc phát triển quân độ là tình trạng « cạnh tranh chiến lược quy mô thế giới ngày càng lớn », đồng thời nhấn mạnh việc Hoa Kỳ đã điều chỉnh chiến lược an ninh quốc phòng của họ.
Bắc Kinh tố cáo Washington đã gây ra tình trạng chạy đua vũ trang giữa các nước lớn và tăng chi tiêu quốc phòng, giành ưu thế trong các lĩnh vực hạt nhân, không gian, phòng thủ mạng và phòng không. Chính điều đó đã đã gây mất ổn định chiến lược thế giới.
Tài liệu Quốc phòng Trung Quốc nêu tham vọng tăng cường kho vũ khí công nghệ cao, theo hướng phát triển trí thông minh nhân tạo, truyền tải dữ liệu tin học …Đây là những lĩnh vực mà Trung Quốc còn tụt hậu khá xa so với nhiều nước lớn.
Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc cũng dành một phần quan trọng đề cập đến mục tiêu trấn áp lực lượng ly khai tại Tây Tạng cũng như Tân Cương. Qua tài liệu này, Bắc Kinh còn tỏ cương quyết trong vấn đề Đài Loan mà họ vẫn luôn coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc. Sách Trắng Quốc phòng nói rõ : « Trung Quốc phải và sẽ thống nhất » với Đài Loan.
Sách Trắng quốc phòng Trung Quốc được công bố giữa lúc quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang căng thẳng trên nhiều phương diện.
Về thương mại, hai cường quốc tiếp tục đọ sức trong cuộc chiến thương mại kéo dài. Bên cạnh đó Mỹ -Trung vẫn liên tục nắn gân nhau trên vấn đề tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Trung Quốc tự nhận chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông  và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo họ chiếm giữ, nhằm kiểm soát tuyến đường hàng hải quan trọng hàng đầu thế giới. Hoa Kỳ, nhân danh quyền tự do hàng hải quốc tế, vẫn thường xuyên đưa lực lượng hải quân tuần tra trong các khu vực trên, khiến bắc Kinh khó chịu.
Hiện chi phí Quốc phòng Trung Quốc chỉ đứng sau Hoa Kỳ và tăng 7,5% trong năm 2019.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190724-trung-quoc-cong-bo-tham-vong-hien-dai-hoa-quan-doi-to-my-gay-mat-on-dinh

Chính giới Philipines lo ngại

về “thỏa thuận đánh cá chung miệng” ở Biển Đông

giữa Philipines và TQ

Chính giới Philipines đang rất quan ngại về thỏa thuận đánh cá chung ở Biển Đông giữa nước này với Trung Quốc, trong đó Phó Thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines khuyên Tổng thống Rodrigo Duterte không nên đề cập về thỏa thuận này trong bản “Thông điệp Quốc gia” công bố vào ngày 22/7 tới.
“Thỏa thuận miệng” còn nhiều điều chưa rõ ràng về pháp lý
Dư luận bắt đầu khi Tổng thống Duterte cho biết, ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí rằng người Trung Quốc sẽ không còn ngăn ngư dân Philippines tiếp cận bãi cạn Scarborough. Đổi lại, ngư dân Trung Quốc sẽ được phép đánh bắt cá ở bãi Cỏ Rong. Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo đã không ký bất kỳ tài liệu nào về thỏa thuận này vì đây chỉ là một “thỏa thuận miệng”.
Phó thẩm phán cấp cao của Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho biết Manila vẫn có thể thoát khỏi thỏa thuận nói trên vì đây vẫn là một thỏa thuận miệng. “Chúng ta vẫn có thể thoát khỏi thỏa thuận đó nhưng nếu tổng thống đề cập nó trong Thông điệp Quốc gia, xác nhận thỏa thuận đó, nó sẽ trở thành ràng buộc với chúng ta”, tờ Philippines Star dẫn lời ông Carpio nói với các phóng viên bên lề diễn đàn nhân kỷ niệm ba năm Tòa án The Hague ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống yêu sách chủ quyền thái quá của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nếu đưa vào “thông điệp quốc gia” nó có thể sẽ được pháp lý hóa
Theo ông Carpio, Philippines sẽ phải tôn trọng thỏa thuận nếu Tổng thống Duterte đưa ra tuyên bố này trong bản Thông điệp Quốc gia của mình.Trong khi Điện Malacanang khẳng định thỏa thuận miệng có tính ràng buộc về mặt pháp lý, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết đây không phải là chính sách của chính phủ vì không có văn kiện nào được ký kết. “Bộ trưởng Locsin đã nói rõ đó không phải là chính sách của chính phủ nên có sự ngờ vực… Chúng ta phải yêu cầu ông ấy (Tổng thống Duterte) đừng nói điều đó”, ông Carpio nói. Trong bài phát biểu tại diễn đàn, ông Carpio nhắc lại rằng việc cho người Trung Quốc đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ) là vi hiến. Trích dẫn Hiến pháp năm 1987, Phó thẩm phán Philippines nhấn mạnh “việc sử dụng và thụ hưởng” khu vực 200 hải lý chỉ dành riêng cho người Philippines. “Philippines phải từ chối thỏa thuận miệng này”, ông Carpio nói, đồng thời cảnh báo rằng đội tàu đánh cá Trung Quốc có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn cá ở toàn bộ Biển Đông.
Lo ngại về vấn đề chủ quyền và vi hiến
Giới học giả tại Philippines cho rằng bất kỳ một thỏa thuận nào giữa Philippines và Trung Quốc tại Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) trên Biển Đông sẽ là bất hợp pháp trừ khi Trung Quốc công nhận chủ quyền Philippines đối với khu vực này. Cả hai nước đều có tuyên bố chủ quyền đối với Bãi Cỏ Rong, nhưng luật pháp quốc tế nói rằng bãi này nằm trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Philippines. Trung Quốc nói rằng Bãi Cỏ Rong nằm trong cái gọi là “đường chín đoạn” do Bắc Kinh đặt ra, trong đó tuyên bố quyền lịch sử đối với cả khu vực. Trung Quốc là nước ký kết Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), nhưng không công nhận một phán quyết của tòa án La Hague năm 2016 trong đó vô hiệu hóa đường chín đoạn của Trung Quốc.
Lo ngại về vấn nạn môi trường sinh thái bị tàu TQ hủy hoại
Sự xuất hiện của tàu cá Trung Quốc gây ra sự hủy hoại nghiêm trọng môi trường biển và nguồn lợi thủy sản tại vùng biển Philippines và các nước. Tàu cá Trung Quốc sử dụng loại lưới mắt nhỏ càn quét, tận diệt các loài hải sản, ngay cả trong mùa sinh sản và trong khu vực bảo tồn của các nước. Nhiều tàu còn sử dụng thuốc nổ, lưới chì… khiến cho các bãi san hô bị tàn phá, gây mất cân bằng sinh thái. Nnhiều loại thủy sản quý hiếm như hải sâm, cá mập đã suy giảm nghiêm trọng do hoạt động đánh bắt trộm của tàu cá Trung Quốc. Chỉ riêng hệ sinh thái rạn san hô của Philippines, thiệt hại này được ước tính ít nhất 33 tỉ peso (645 triệu USD) mỗi năm. “Giá trị được tính ra dựa trên tất cả dịch vụ chúng tôi có được từ các rạn san hô, chẳng hạn ứng dụng về thời tiết, và những lợi ích chúng tôi thừa hường từ hệ sinh thái này”, Tiến sĩ Deo Florence Onda, một nhà khoa học đến từ Viện Khoa học biển thuộc Đại học Philippines, giải thích. Chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal, Giám đốc Viện các vụ hàng hải và luật biển thuộc Đại học Philippines cho biết số thiệt hại ước tính trên vẫn chưa bao gồm những khu vực không nhìn thấy được trong các hình ảnh vệ tinh. “Nếu chúng tôi không ngăn chặn các ngư dân Trung Quốc đến vùng biển chúng tôi, họ có thể sẽ lấy sạch tài nguyên biển của chúng tôi chỉ trong 1 vài năm nữa. Chúng tôi không nói đùa đâu!”, Giáo sư Batongbacal cảnh báo.
Lo ngại về mức độ hung hãn khinh thường pháp luật của tàu cá TQ
Một điều đáng quan ngại nữa mà giới học giả tại Philippines nêu ra đó là nếu cho phép tàu cá Trung Quốc vào đánh bắt cá ở bãi Cỏ Rong thì sẽ có thể xảy ra nhiều vụ việc nguy hiểm như vừa qua khi tàu cá Philippines bị tàu Trung Quốc đâm chìm hôm 9/6. Phải nói rằng những tàu cá của họ được trang bị hệ thống vệ tinh hàng hải cấp độ quân sự gọi là “Beidou”, kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc. Trong đó, ngư dân chỉ phải trả khoảng 10% chi phí của hệ thống hiện đại này, phần còn lại chính quyền hỗ trợ. Tại Nam Hải, ngư dân Trung Quốc thậm chí còn được khuyến khích đi vào các vùng biển tranh chấp của các nước và hệ thống vệ tinh trên tàu cá sẽ giúp nghe ngóng các tàu nước ngoài. Với việc trang bị hệ thống định vị này, Trung Quốc đã biến các tàu cá thành vũ khí bí mật, phục vụ cho tham vọng bành trướng trên biển của Trung Quốc. Theo phân tích của chuyên gia Erickson, khi khoác lên mình đồng phục màu xanh, ngư dân TQ trở thành dân quân biển, núp bóng tàu cá để tiến hành trinh sát, do thám cũng như nhiều hành động gây rối tại vùng biển các nước. Với tập quán “bầy đàn” tàu cá Trung Quốc thường đi số lượng lớn, được trang bị vũ khí thường chống trả quyết liệt và liều lĩnh đối với lực lượng chức năng các nước, bất chấp nguy hiểm chết người. Điều này đã vượt ra khỏi phạm vi của hoạt động đánh cá thông thường mà có tính chất của hoạt động tội phạm nguy hiểm có tổ chức.
http://biendong.net/bien-dong/29461-chinh-gioi-philipines-lo-ngai-ve-thoa-thuan-danh-ca-chung-mieng-o-bien-dong-giua-philipines-va-tq.html

Đâu là lý do khiến Australia ngày càng lo ngại

về sự bành trướng ảnh hưởng

của TQ ở Biển Đông và Đông Nam Á?

Trong những ngày gần đây, quan hệ Trung Quốc và Australia đang được dư luận đặc biệt quan tâm sau những động thái của hai bên ở Biển Đông, trong đó chính quyền Canberra liên tục thể hiện sự quan ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Australia, một quốc gia ở cách xa Biển Đông hơn 6.000 km lại quan tâm như vậy?
Giới phân tích khu vực cho rằng những hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp này đang khiến giới chức ngoại giao và quốc phòng Australia không khỏi lo ngại ở hai khía cạnh “tự do hàng hải” và “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”.
Thứ nhất, vị trí địa chính trị chiến lược quan trọng của Biển Đông đối với khu vực và thế giới. rước hết vì Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Là một phần của tuyến đường biển nối trực tiếp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Biển Đông đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thương mại hàng hải toàn cầu. Ngoài ra, khu vực Biển Đông còn có những eo biển quan trọng đối với nhiều quốc gia và với 4 trong 16 con đường chiến lược của thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á. Đó là các eo biển: Malacca, Luzon, Lombok, Sunda, Makascha và Ombai-Wetar. Đặc biệt, eo biển Malacca (nằm giữa đảo Sumatra của Indonesia, Malaysia và Singapore) có vị trí vô cùng quan trọng vì tất cả hàng hóa của Đông Nam Á và Bắc Á đều phải đi qua Biển Đông. Tuyến đường vận tải quốc tế qua Biển Đông được coi là nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới và điểm gần nhất của tuyến vận tải biển này chỉ cách Côn Đảo (Việt Nam) chừng 38 km. Mỗi ngày có khoảng 300 tàu vận tải các loại qua lại Biển Đông, bao gồm 200 tàu chở dầu, 50% số tàu này có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% từ 30.000 tấn trở lên. Các tuyến đường biển nói trên là “yết hầu” cho giao lưu hàng hóa của nhiều nước châu Á. Theo thống kê của Cơ quan năng lượng Mỹ, 1/3 lượng dầu thô và hơn 1/2 lượng khí hóa lỏng được chuyên chở qua Biển Đông. Lượng dầu lửa và khí hóa lỏng được vận chuyển qua vùng biển này lớn gấp 15 lần lượng chuyên chở qua kênh đào Panama ở Trung Mỹ. Hàng năm có khoảng 70% khối lượng dầu mỏ nhập khẩu và khoảng 45% khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản được vận chuyển qua Biển Đông. Trung Quốc có 29/39 tuyến hàng hải và khoảng 60% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, 70% lượng dầu mỏ nhập khẩu được vận chuyển bằng biển qua Biển Đông. Lượng xuất khẩu hàng hóa qua Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á là 55%, các quốc gia công nghiệp mới là 26%, Úc là 40%. Đối với Việt Nam, 100% hàng hóa xuất nhập khẩu đều phải đi qua Biển Đông. Nếu khủng hoảng xảy ra ở vùng biển này, các loại tàu biển phải chạy theo đường mới hoặc vòng qua Nam Australia thì cước phí vận tải thậm chí sẽ tăng gấp năm lần và không còn đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Thứ hai, về cơ bản đây là tranh chấp giữa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn song Biển Đông đã trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và một thay đổi lớn trong bức tranh quyền lực toàn cầu. Trung Quốc là đối tượng gây hấn hàng đầu. Cường quốc đông dân nhất thế giới tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, kể cả một chuỗi các hòn đảo nhân tạo được họ xây dựng trái phép, trực tiếp thách thức tuyên bố chủ quyền của các quốc gia láng giềng như Philippines, Việt Nam, Malaysia và của vùng lãnh thổ Đài Loan. Các bên tranh chấp đều mong muốn khai thác các ngư trường khổng lồ và trữ lượng dầu mỏ dồi dào dưới đáy biển.
Thứ ba, Trung Quốc có cả động cơ kinh tế và chiến lược để Australia thúc đẩy kế hoạch mở rộng yêu sách ở Biển Đông. Nước này tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi với “Đường 9 đoạn”, một khu vực có hình chữ U bao trọn hầu hết diện tích Biển Đông và từ năm 2012, bắt đầu sử dụng sức mạnh hải quân vượt trội để khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông. Song song với đó, Trung Quốc chiếm đoạt nhiều thực thể nhỏ trên biển, thiết lập các căn cứ quân sự trên những hòn đảo nhân tạo được xây dựng trái phép từ việc nạo vét tới 13 km2 đất từ đáy biển. Những bước tiến này giúp Trung Quốc hiện có thể triển khai máy bay chiến đấu cùng các hệ thống tên lửa tới các hòn đảo này bất kỳ khi nào họ muốn.
Thứ tư, nhiều người lo ngại rằng Trung Quốc đang tích cực khẳng định quyền kiểm soát Biển Đông và gia tăng sức mạnh của mình tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây cũng là lý do vì sao Mỹ quyết định dấn thân vào những tranh chấp tại Biển Đông. Chính phủ Australia quan ngại về vấn đề Biển Đông bởi 2 lý do: “tự do hàng hải” và “trật tự quốc tế dựa trên luật pháp”. Biển Đông là một
trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới với số hàng hóa trị giá từ 3-5 nghìn tỷ USD lưu thông qua mỗi năm. Hơn một nửa lượng xuất khẩu quặng sắt, than đá và khí hóa lỏng của Australia được vận chuyển qua tuyến đường này. Chính vì vậy, Australia có lợi ích rất lớn trong duy trì tự do thông thương tại Biển Đông.
Thứ năm, thực tế Australia ở vào một vị thế cực kỳ khó xử, bởi Mỹ là đồng minh mạnh nhất của nước này trong khi Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất. Cả hai mối quan hệ này đều mang tính sống còn. Dù nguy cơ bùng phát chiến tranh Mỹ – Trung không lớn song đây luôn là nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng nghiêm trọng. Australia không mong muốn thấy Biển Đông bị quân sự hóa và các tuyến đường hàng hải quốc tế bị phong tỏa. Về mặt công khai, Australia đã hành xử ở góc độ tương đối trung lập, không đứng về bên nào song kêu gọi giải pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp. Australia cũng đã sử dụng các kênh ngoại giao cùng các diễn đàn để tạo áp lực yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng các căn cứ quân sự. Về mặt quốc phòng, các máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia tiến hành các chuyến bay tuần tra và tàu hải quân nước này hoạt động tại tất cả các khu vực trong vùng biển chấp chấp với danh nghĩa đảm bảo tự do hàng hải. Tuy nhiên các hoạt động của Australia về cơ bản khác với chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải và hàng không (FONOP) mà Mỹ đã và đang tiến hành.
Kể từ năm 2015, Mỹ đã triển khai FONOP nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền tham vọng của Trung Quốc. Các chiến dịch này, vốn khiến Trung Quốc rất tức giận, bao gồm cả việc tàu hải quân Mỹ hoạt động trong khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc, mang đến thông điệp rằng Mỹ không công nhận các đảo này thuộc về lãnh thổ Trung Quốc. Mỹ lý giải đây không phải là bao vây, kiềm chế Trung Quốc mà là duy trì “trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp”. Tuy nhiên Trung Quốc không cho là như vậy. Nước này đã đề nghị Mỹ đứng ngoài tranh chấp và cảnh báo FONOP đe dọa nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của mình. Trong hội nghị cấp cao ASEAN gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây bất ngờ khi đề nghị làm trung gian giữa Trung Quốc và các nước tranh chấp khác. Tuy nhiên, đến nay dường như không bên nào tính đến đề nghị của ông.
http://biendong.net/bien-dong/29462-dau-la-ly-do-khien-australia-ngay-cang-lo-ngai-ve-su-banh-truong-anh-huong-cua-tq-o-bien-dong-va-dong-nam-a.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.