Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 17/07/2019

Wednesday, July 17, 2019 4:20:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 17/07/2019

Y án 8 năm tù

với 3 người tham gia biểu tình ở Bình Thuận

Hội đồng xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận ngày 17/7 đã tuyên giữ nguyên mức án sơ thẩm đối với 3 bị cáo Trần Hổ, Phạm Thị Minh Thu và Nguyễn Thị Liên bị cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ xảy ra tại Phan Rí vào ngày 10/6/2018 khi trên toàn quốc nổ ra đợt biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết các bị cáo là ông Trần Hổ, bà Nguyễn Thị Liên bị tuyên 3 năm tù, và bà Phạm Thị Minh Thu bị tuyên 2 năm tù.
Theo cáo trạng tại tòa, ba bị cáo đã cùng nhiều người khác đã tụ tập trên quốc lộ 1A tại khu cực Cầu Nam và cầu Sông Lũy, thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong vào ngày 10/6/2018.
Những người biểu tình bị cáo buộc đã hô hào, la ó, dùng gậy gộc, gạch đá ném vào cảnh sát giữ trật tự, dù được lực lượng chức năng địa phương tuyên truyền, thuyết phục giải tán đám đông. Hậu quả được cho biết là một cảnh sát bị thương, 2 xe ô tô và 2 xe mô tô của lực lượng công an đang làm nhiệm vụ bị hư hỏng.
Ông Trần Hổ bị nói đã có hành vi đứng trước các đầu xe gây cản trở phương tiện lưu thông và dùng micro hô hào kích động những người xung quanh.
Bà Phạm Thị Thu Minh bị cho rằng đã có hành vi hô hào, gây náo loạn, nằm trên mặt đường gây ách tắc giao thông.
Cáo trạng cũng cho rằng bà Nguyễn Thị Liên trong thời gian đó hiện đang dẫn đoàn khách du lịch từ Nha Trang về TP.HCM nhưng đã xuống xe tham gia cùng đám đông và dùng loa di động, micro sẵn có hô hào biểu tình.
Trước đó, Tòa Án Nhân Dân huyện Tuy Phong đã có phiên xử sơ thẩm 3 bị cáo vào ngày 7/3/2019.
Vào hai ngày 10 và 11/6/2018, nhiều tỉnh thành trên khắp Việt Nam đã xảy ra các cuộc biểu tình được đánh giá là đông đảo nhất từ sau năm 1975 của người dân, phản đối hai dự luật Luật Đặc khu và An ninh mạng của chính phủ.
Riêng tại tỉnh Bình Thuận, các cuộc biểu tình đã trở thành bạo động khi xảy ra xô xát giữa người dân và lực lượng chức năng. Người biểu tình tại đây đã dùng bom xăng tự chế phóng hỏa thiêu hủy một số tài sản và trụ sở Nhà nước, cũng như ném gạch đá vào lực lượng chức năng khiến hàng chục nhân viên công lực bị thương.
Những người tham gia trong đợt biểu tình hồi tháng 6/2018 lần lượt bị bắt và bị kết án sau đó. Tính đến nay, đã có hơn 100 người tham gia biểu tình bị kết án tù mà phần đông với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng.’
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/appeal-court-upholds-sentences-for-sezs-protesters-07172019084529.html

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị

khởi tố chuyên gia Cục Quản lý dược

Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đề nghị khởi tố vụ án hình sự về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” đối với chuyên gia, cán bộ Cục quản lý Dược liên quan đến vụ thuốc ung thư giả VN Pharma.
Truyền thông trong nước vào ngày 17/7 loan tin cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, 12 bị can trong vụ án “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” gồm Nguyễn Minh Hùng chủ tịch hội đồng quản trị tổng giám đốc VN Pharma, Võ Mạnh Cường nguyên tổng giám đốc công ty thương mại hàng hải quốc tế H&C, Phạm Anh Kiệt nguyên tổng giám đốc công ty Dược Sài Gòn, ông Nguyễn Trí Nhật, Ngô Anh Quốc và Phan Xuân Thiện cả 3 là nguyên phó tổng giám đốc VN Pharma và 5 bị can còn lại nguyên là cán bộ của VN Pharma.
Ngoài 12 bị can trên, theo Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và cơ quan An ninh điều tra, hiện một số cá nhân, đơn vị do hết thời gian điều tra nên đã được tách ra để tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định vụ án này có một số chuyên gia cán bộ thuộc Cục Quản lý dược đã không làm hết trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ cấp phép nhập khẩu lô thuốc giả H-Capita 500mg. Do thời hạn điều tra đã hết nên cơ quan an ninh điều tra đã tách hồ sơ thành một vụ án khác và cần khởi tố là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” để tiếp tục điều tra.
Trước đó vào tháng 7/2017 Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt ông Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường 12 năm tù về tội “buôn lậu”, các bị cáo còn lại bị kết án buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Sau khi có án sơ thẩm, Viện Kiểm Sát ra quyết định kháng nghị và đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy án để điều tra lại theo hướng thay đổi tội danh buôn lậu sang tội buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh.
Theo kết quả giám định của Bộ Y tế thì loại thuốc chữa ung thư H-Capita 500mg có chứa 97% hoạt chất capecitabine là thuốc không rõ nguồn gốc, không đủ chất lượng và không thể sử dụng làm thuốc chữa ung thư cho con người.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/fake-cancer-drug-traffickers-prosecuted-07172019084740.html

Công nhân đình công ở Hải Dương

Hơn 300 công nhân công ty xi măng Phúc Sơn (Hải Dương) lại đình công đòi quyền lợi
Truyền thông quốc nội loan tin này vào cùng ngày, theo đó sau nhiều lần trực tiếp đối thoại với lãnh đạo công ty nhưng các chế độ cho công nhân vẫn không được cải thiện, nên sáng ngày 17 tháng 7, hơn 300 công nhân Công ty Xi măng Phúc Sơn (Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) tiến hành đình công, đứng ngoài cổng nhà máy đòi quyền lợi.
Xác nhận với Báo Lao động, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thứ cho biết sự việc có xảy ra. Nguyên nhân theo ông là do công ty không đáp ứng các chế độ chính sách cho công nhân.
Một công nhân tại công ty Phúc Sơn cho biết nguyên nhân cụ thể là do công ty không chi trả một số công thừa và thực hiện việc truy lĩnh tiền độc hại không rõ ràng. Ngoài ra, suất ăn ca từ năm 2004 đến nay vẫn là 15.000 đồng/suất nhưng thực tế đến tay người lao động chỉ còn khoảng 11.000 đồng, không đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Vào tháng 6/2018, công nhân tại công ty Phúc Sơn cũng đã đình công nhưng quyền lợi của họ đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Những cuộc đình công đòi hỏi quyền lợi của công nhân tiếp tục nổ ra; tuy nhiên đây là những cuộc đình công bị cho là tự phát không theo đúng qui định của Luật Lao Động Việt Nam hiện nay.
Vừa qua, quốc hội Việt Nam phê chuẩn Công ước 98 của Tổ chức Lao động Quốc Tế với 3 nội dung cơ bản gồm bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử, chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; và những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.
Còn hai công ước 87 về quyền tự do Hiệp hội và công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức vẫn chưa được Việt Nam thông qua.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/300-workers-are-on-strike-for-their-interests-07172019083959.html

Bãi Tư Chính và lô 06-01:

Rõ hơn về tàu Trung Quốc ‘quấy nhiễu’ Việt Nam

Một tổ chức nghiên cứu của Mỹ vừa công bố thông tin chi tiết về hoạt động “quấy nhiễu” của Trung Quốc nhắm vào Việt Nam tại Biển Đông trong mấy tuần qua.
Đường 9 đoạn ‘ăn vào 67 lô dầu khí VN’?
Bình luận chuyện báo VN ‘im’ về vụ bãi Tư Chính
“Đối đầu” giữa các tàu TQ và VN lại xảy ra ở Biển Đông
Thông tin do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative), trực thuộc CSIS ở Washington DC, công bố ngày 16/7.
Thông tin từ Asia Maritime Transparency Initiative làm lộ ra có hai diễn biến trong vài tuần qua.
Một là hoạt động của tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, mà đã được hé lộ qua Twitter và Facebook mấy ngày vừa rồi.
Hai là sự đe dọa của một tàu hải cảnh Trung Quốc quanh lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
‘Đe dọa’ dự án Nam Côn Sơn
Theo trung tâm nghiên cứu này, tàu Haijing 35111 trực thuộc Cảnh sát biển Trung Quốc, kể từ ngày 16/6, đã đi tuần ở khu vực cách bờ biển đông nam Việt Nam 190 hải lý.
Các chuyến đi của tàu Haijing 35111 xoay quanh lô 06-01, ở phía tây bắc Bãi Tư Chính (tên tiếng Anh, Vanguard Bank).
Lô dầu khí 06-01 thuộc dự án Đường ống khí Nam Côn Sơn, là dự án thành lập lần đầu năm 2000 giữa Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Tập đoàn BP và Tập đoàn Statoil.
Năm 2012, TNK thay thế BP trở thành đối tác chiếm phần vốn lớn thứ 2 của hợp doanh.
Năm 2013, Rosneft của Nga thay thế TNK.
Hiện nay, dự án là hợp doanh giữa Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS), Rosneft Pipelines Vietnam và Perenco Pipelines Vietnam.
Tại lô 06-01, hiện có giàn khoan Hakuryu-5 thuộc Công ty Khoan Nhật Bản (JDC) điều hành đang tiến hành công tác khoan.
Theo thông tin trước đây của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, lô 06.01, bao gồm mỏ khí Lan Tây và Lan Đỏ, nằm ngoài khơi phía Đông Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cách bờ khoảng 370km.
Cần biết rằng vào tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung Quốc từng gây đe dọa, buộc Việt Nam sau đó ngừng hoạt động thăm dò tại các lô của Repsol, công ty Tây Ban Nha.
Repsol ‘có cơ sở yêu cầu Việt Nam bồi thường’
Repsol tạm ngừng khoan dầu ở VN
Nhưng Rosneft của Nga vẫn tiếp tục thăm dò ở mỏ khí Lan Đỏ và Phong Lan Đại, cũng thuộc lô 06-01.
Theo Asia Maritime Transparency Initiative, vào tháng 5/2019, Rosneft giao cho giàn khoan Hakuryu-5 đào một mỏ khác trong lô 06-01, bắt đầu làm từ ngày 18/5.
Tàu Sea Meadow 29 và tàu Crest Argus 5 – là loại tàu AHTS chuyên dụng, cung cấp dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí – đã đi lại giữa Vũng Tàu và lô 06-01 từ tháng Năm để phục vụ giàn khoan Hakuryu-5.
Asia Maritime Transparency Initiative cho hay tàu Trung Quốc Haijing 35111 đã có hành vi “đe dọa gần các tàu này nhằm ra oai với họ”.
Ví dụ, ngày 2/7, trong khi hai tàu kéo rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 “đi vào giữa hai tàu với tốc độ cao, cách mỗi tàu khoảng 100 mét và chỉ cách giàn khoan chưa đầy nửa hải lý”.
Tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 tiếp tục hoạt động quanh giàn khoan Hakuryu-5, nhưng hoạt động khoan vẫn tiếp tục.
Diễn tiến hiện nay cũng làm bộc lộ lợi thế của các đảo nhân tạo do Trung Quốc đơn phương xây ở Trường Sa thời gian qua. Sau khi vây quanh lô 06-01 gần một tháng, tàu hải cảnh Trung Quốc Haijing 35111 đã đi về căn cứ của Trung Quốc ở Đảo Đá Chữ Thập từ 12/7 đến 14/7, có lẽ để tiếp vận, rồi lại trở lại bao vây giàn khoan Hakuryu-5.
Xuất hiện tàu thăm dò Haiyang Dizhi 8
Vào ngày 3/7, tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc Haiyang Dizhi 8, bắt đầu thăm dò ở một khu vực gần lô 06-01.
Hoạt động của tàu này đã được những người như ông Ryan Martinson ở U.S. Naval War College và nhiều người khác công bố trên Twitter và Facebook.
Tàu Haiyang Dizhi 8 đang làm hoạt động thăm dò ở hai lô Riji 03 và Riji 27.
Hồi năm 2012, Trung Quốc tuyên bố mời thầu với hai lô này cùng 7 lô nữa ngoài khơi Việt Nam, nhưng không công ty nào tham gia.
Asia Maritime Transparency Initiative đánh giá hai lô Riji 03 và Riji 27 nằm trong 200 hải lý của Việt Nam.
Ít nhất 4 tàu cảnh sát biển Trung Quốc đã đi theo bảo vệ tàu Haiyang Dizhi 8.
Để phản ứng lại tàu Haiyang Dizhi 8, Việt Nam đã cử tàu cảnh sát biển đi theo sát tàu Trung Quốc.
Ít nhất hai tàu Việt Nam, KN 468 và KN 472, đã rời Vịnh Cam Ranh, đi theo phía Trung Quốc từ ngày 4/7.
Asia Maritime Transparency Initiative đánh giá tình hình hiện thời tạo ra rủi ro “đụng độ ngẫu nhiên mà có thể làm tăng căng thẳng”.
Cũng đang có sức ép đòi Trung Quốc và Việt Nam ngừng im lặng mà phải thừa nhận vấn đề đang xảy ra.
Ngày 16/7, người phát ngôn Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói:
“Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề, đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên vùng biển của mình, không có hành động làm phức tạp tình hình.”
“Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã và đang thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49017031

Việt Nam vẫn không nói rõ về tình hình

tại khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông

Thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh, vào ngày 17 tháng 7 được truyền thông trong nước dẫn lời rằng trong khu vực ASEAN cũng như Châu Á- Thái Bình Dương hiện nay hội đủ tất cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ảnh hưởng đến hòa bình ổn định khu vực, đơn cử vấn đề Biển Đông.
Mạng báo Thanh Niên loan tin là Ông Nguyễn Chí Vịnh khẳng định vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ được Việt Nam đề cập đến trong các hội nghị quân sự quốc phòng ASEAN 2020. Đây là năm mà Việt Nam làm chủ tịch ASEAN.
Vào tối ngày 16/7, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đăng tải câu trả lời của bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam, về những diễn biến gần đây ở Biển Đông qua đó cho biết Hà Nội đã “đấu tranh yêu cầu tôn trọng vùng biển Việt Nam”.
Phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng được đưa ra 4 ngày sau khi mạng báo South China Morning Post của Hồng Kông tiết lộ, tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất số 8 cùng đội tàu hộ tống của Trung Quốc đang hoạt động ở vùng biển gần Bãi Tư Chính mà Việt Nam đang kiểm soát.
Trong khi đó Mạng báo South China Morning Post vào ngày 17 tháng 7 dẫn phân tích của Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải (AMTI) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc Tế (CSIS) ở thủ đô Hoa Kỳ rằng nguy cơ đụng độ giữa tàu Trung Quốc với tàu của Việt Nam và Malaysia tăng cao tại  Biển Đông trong những tuần gần đây khi mà Trung Quốc cố cản trở hoạt động thăm dò dầu khí của hai nước này ở khu vực đó.
AMTI nêu rõ Bắc Kinh cho thấy rõ ý muốn này càng tăng về việc sử dụng vũ lực và đe dọc nhằm cản trở mong ước thăm thăm dò dầu khí của các nước láng giềng.
Căng thẳng mới nhất diễn ra suốt hai tuần qua kể từ lúc tàu thăm dò Hải Dương 8 của Trung Quốc đi qua khu vực hai lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam hôm ngày 3 tháng 7.
Nhận định của AMTI được đưa ra vào khi có tin tình hình đối đầu giữa tàu Trung Quốc và Việt Nam ở Bãi Tư Chính ở Biển Đông. Thực tế này được nói có thể làm leo thang căng thẳng và nổ ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc như 5 năm trước ở Việt Nam.
Ngoài SCMP, Reuters vào ngày 17 tháng 7 cũng loan tin vừa nêu nhắc lại đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc đơn phương vạch ra tại Biển Đông nhằm tuyên bố chủ quyền gần trọn vùng biển này. Trong đó có những vùng thềm lục địa của Việt Nam với những lô dầu khí đang chờ được cấp phép thăm dò.
Cũng tin liên quan, vào ngày 17 tháng 7 tàu hộ vệ tên lữa 016-Quang Trung cùng đoàn công tác hải quân Việt Nam rời quân cảng Cam Ranh lên đường để đến Nga thăm xã giao và tham dự duyệt binh hải quân Nga. Cuộc duyệt binh được cho biết nhằm kỷ niệm 323 năm Ngày Truyền thống Hải quân Nga sẽ diễn ra tại St. Petersburg and Kronstadt vào ngày 28 tháng 7 tới đây.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-silence-vanguard-07172019093350.html

Không chỉ là thất bại của “chính sách ba không”

Chiến Thành
Mãi cho đến tối 16/7/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới nói gần nói xa (vì chẳng qua không dám nói thật!) về sự kiện nóng bỏng suốt mấy tuần qua ngoài bãi Tư Chính. Nhưng tuyên bố của bà Hằng không động chạm gì đến tàu thăm dò địa chấn Hải Dương-8 (Haiyang Dizhi-8), thậm chí hai tiếng “Trung Quốc” cũng không hề được bà nhắc tới.
Tệ hơn kịch bản HD-981
Trong khi đó, từ 3/7/2019, theo các hãng tin quốc tế, do tàu Hải Dương-8 tiến hành cái gọi là “thăm dò địa chấn” trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nên các tàu có vũ trang của Việt Nam đã đối đầu với các tàu cùng loại của Trung Quốc trên “bồn trũng” Tư Chính – Vũng Mây.
Trong thời gian tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu cảnh sát biển Việt Nam vờn nhau, báo chí chính thống của cả hai nước đều im hơi lặng tiếng. Đây là hiện tượng bất thường, vì bối cảnh bang giao Việt – Trung cũng như quan hệ Việt – Mỹ hiện nay có nhiều biến số khác các giai đoạn lịch sử trước đây.
Sự khác biệt quan trọng nhất, quan hệ Việt – Mỹ hiện được giới quan sát đánh giá là đang đứng trước khúc quanh mới. Nếu sức khoẻ cho phép, Tổng chủ Nguyễn Phú Trọng sẽ có chuyến thăm Washington vào mùa Thu này. Mùa thu 1945, Hồ Chí Minh đã đầu tư rất nhiều công sức để trở thành đồng minh của Hoa Kỳ, nhằm đẩy lùi cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Nhưng định mệnh đã không chiều lòng Cụ.
Mùa Thu này, liệu “hậu duệ” của Hồ Chí Minh có tạo dựng được một tư thế để “bẻ ghi chiến lược” khi mà Trung Quốc vốn đang tìm mọi cách hãm phanh Việt Nam trên vòng đua nước rút trở thành “đối tác chiến lược” của Mỹ? Để trả lời câu hỏi này nên mổ sẻ sâu hơn về động cơ “quấy rối” vừa rồi của Trung Quốc.
Mùa Thu này, liệu “hậu duệ” của Hồ Chí Minh có tạo dựng được một tư thế để “bẻ ghi chiến lược” khi mà Trung Quốc vốn đang tìm mọi cách hãm phanh Việt Nam trên vòng đua nước rút trở thành “đối tác chiến lược” của Mỹ? Để trả lời câu hỏi này nên mổ sẻ sâu hơn về động cơ “quấy rối” vừa rồi của Trung Quốc.
Vào lúc này, do mọi chuyện đang bị che đậy một cách đáng ngờ, nên chưa thể xác định là phản ứng của ban lãnh đạo Việt Nam đã đủ mạnh hay chưa, có tương tự như hồi năm 2014 hay không. Bởi theo đánh giá chung, Việt Nam dường như phản ứng dưới mức cần thiết, vì tự nhận thấy lần này không hẳn là bản dạo đầu của một vụ giàn khoan mới theo kiểu HD-981.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia quốc tế, nếu vị trí của HD-8 lần này thực sự được xác nhận ở phía tây đảo Trường Sa Lớn, thuộc quần đảo Trường Sa, thì đợt“quấy nhiễu” vừa rồi là hết sức nhậy cảm đối với Hà Nội. Trường Sa Lớn là đảo lớn nhất mà Việt Nam kiểm soát và cũng là đảo đông dân nhất trong các đảo của Việt Nam tại đây. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã cáo buộc Việt Nam vi phạm tinh thần hiểu biết lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước.
Một đợt “lấn sân” mới
Những gì diễn ra xung quanh bãi Tư Chính trong những tuần đầu tháng 7 nếu được xác nhận, thì rõ ràng Trung Quốc đang chuẩn bị một đợt “lấn sân” mới, đòi hỏi chủ quyền nhiều hơn trên Biển Đông và buộc Việt Nam phải tiếp tục lùi bước. Trên thực tế, Việt Nam đã lùi trong hai năm 2017 và 2018 khi công ty Repsol (Tây Ban Nha) bị ép phải ngưng khoan thăm dò dầu khí ngay trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.
Những gì diễn ra xung quanh bãi Tư Chính trong những tuần đầu tháng 7 nếu được xác nhận, thì rõ ràng Trung Quốc đang chuẩn bị một đợt “lấn sân” mới, đòi hỏi chủ quyền nhiều hơn trên Biển Đông và buộc Việt Nam phải tiếp tục lùi bước.
Và bây giờ là mùa Thu 2019, thời điểm quan hệ Việt – Mỹ đang đứng trước thử thách. Trong khi hai bên đang rục rịch chuẩn bị nâng cấp quan hệ thì vừa qua tổng thống Trump, không phải ngẫu nhiên, đã nổi đoá một cách bất ngờ về vụ các công ty Việt Nam tiếp tay cho công ty Trung Quốc tuồn hàng sang Mỹ trong bối cảnh cuộc thương chiến Mỹ – Trung vào hồi cao trào.
Chưa hết! Nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao cũng vào thời điểm này, các công ty Mỹ làm ăn ở Việt Nam lại đua nhau phàn nàn về những thách thức họ gặp phải trong các hoạt động kinh doanh ở đây. Những thách thức ấy đâu có gì  mới nhưng tại sao được trưng ra lúc này, bao gồm nạn tham nhũng, cơ sở luật pháp yếu kém, cũng như việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ không nghiêm túc…
“Trăm dâu đổ đầu tằm”. Nếu bang giao Mỹ – Việt rồi đây có những bước thụt lùi đáng tiếc, thì trách nhiệm lịch sử thuộc về ai? Muốn làm rõ vấn đề này, ban lãnh đạo ĐCSVN nên cùng nhau làm một cuộc bứt phá về tư duy. Nếu vẫn mắc kẹt trong tư duy coi Mỹ là đối tượng tác chiến thì thật khó có thể thoát khỏi tình trạng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” về chiến lược.
Đúng là Mỹ đang cần Việt Nam trong chiến lược xoay trục sang châu Á (IPS), nhưng nếu Hà Nội cứ “lửng lơ con cá vàng”, thậm chí để Bắc Kinh “lấn sân” một cách nguy hiểm thì không loại trừ Mỹ phải tính những nước cờ khác! Hãy cùng nhau hình dung kịch bản sau đây: Mỹ sẽ tuyên bố áp thuế nặng lên các hàng hóa của Việt Nam như đối với Trung Quốc.
Cùng với việc áp thuế, Mỹ cũng sẽ không bày tỏ thái độ gì trước những “quậy phá” tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông theo kiểu “tằm ăn dâu”. Nếu tất cả những điều này xẩy đến cùng một lúc, thì đấy là thất bại nhãn tiền của “chính sách ba không”. Tương tự, nếu ASEAN cũng khoanh tay đứng nhìn mỗi khi Việt Nam bị bắt nạt và bị đe dọa thì rõ ràng ASEAN đã bị phân hoá theo đúng như kịch bản của Bắc Kinh.
Mà đấy cũng không chỉ là thất bại của “chính sách ba không”! Những kịch bản nói trên, nếu xẩy ra, nó còn phản ánh thế “ngõ cụt” về chiến lược của Việt Nam trong một giai đoạn đầy sóng gió trước mắt
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/more-than-the-failure-of-3-no-policy-07172019080809.html

VN lại đặt mục tiêu

có sản phẩm ‘thay thế Facebook, Google’

Một nữ Facebooker nói với BBC rằng tham vọng “có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, thay Google, Facebook” thể hiện “sự bóp nghẹt sự tự do của người dân”.
Tin cho hay, hôm 16/7, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Việt Nam “cần có mạng xã hội và công cụ tìm kiếm riêng, khác biệt với Google, Facebook”.
Tranh cãi về mạng xã hội ‘nhà trồng’ VCNET của Ban Tuyên Giáo
Việt Nam cảnh cáo ‘vi phạm luật’ trên YouTube
Quanh chỉ thị yêu cầu ngưng quảng cáo trong clip ‘xấu độc’
“Mạng xã hội Facebook vận hành nhờ vào sự đóng góp từ người dùng. Vì vậy, họ phải được tham gia quyết định luật chơi trên nền tảng đó. Mạng xã hội phản ánh đời sống thực nên những giá trị đạo đức cơ bản của con người phải được tôn trọng. Đồng thời, nền tảng mạng xã hội cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng được từ Zing dẫn lời.
‘Sự tự do’
Hôm 16/7, Facebooker Ann Đỗ nói với BBC:
“Sở dĩ Google, Youtube hay Facebook vốn được sử dụng nhiều là vì người dùng yêu thích sự tự do trong việc post tin, share những gì họ muốn bày tỏ, cũng như tự do đọc các nguồn tin mà mình thấy tin cậy.”
“Thế mà người dùng lâu năm họ còn chê, chê vì trí thông minh nhân tạo (AI) của Google, Facebook làm việc quá tinh vi, khiến họ cảm giác bị thao túng, bị dẫn dắt bởi thuật toán do nhà cung cấp dịch vụ đặt ra. Đôi khi nguyên tắc mà họ kiểm soát chỉ vớ vẩn là: không có hình khỏa thân hay kích động bạo lực.”
“Việt Nam muốn lập ra công cụ cho người dùng, mở rộng vòng kiểm duyệt như: cấm chửi Đảng, cấm nói xấu cán bộ, cấm đưa tin chưa được báo đảng đưa, …. Tức bóp nghẹt sự tự do của người khác hơn cái mà Google lẫn Facebook đang làm.”
“Vậy, nếu là người sử dụng, bạn sẽ chọn ai?”
“Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nên nhớ, tự do luôn là món ăn ngon nhất mà nhân loại lựa chọn, chứ không phải là tiền bạc hay an ninh lẫn ổn định.”
“Theo tôi, việc của các ông nên làm, nếu muốn thì tốt nhất là ngồi thu gom và phân tích dữ liệu và khai thác chúng, chứ không phải là thấy họ sản xuất xe hơi rồi mình cũng đòi sản xuất xe hơi.”
“Họ có hàng triệu triệu con người mỗi ngày để nghiên cứu và phát triển, còn trong tay các ông, một là những con người đầu óc đóng khung với đầy định kiến và tham vọng điều khiển người dân theo cách cổ lỗ sĩ, hai là đi mua lại hay trộm cắp của người khác, thì cũng chỉ là những mảnh chắp vá đầy lỗi.”
‘Mạng xã hội thù địch’
Trước đó, nhà báo tự do Cát Linh nói với BBC:
“Tôi rất mong muốn nền công nghệ của Việt Nam phát triển và có nhiều sản phẩm tốt. Nhưng khi một sản phẩm ra đời, đặc biệt là mạng xã hội được sản sinh trong một đất nước có chỉ số minh bạch thấp, sự dối trá bao trùm, và chính quyền luôn muốn kiểm soát người dùng, minh chứng rõ ràng nhất là các facebooker liên tục bị khóa tài khoản, report các nội dung và video đăng tải, chính quyền Việt Nam muốn Facebook đặt máy chủ ở Việt Nam…, tôi nghĩ chúng ta nên cân nhắc trước khi sử dụng mạng xã hội do trong nước làm.”
Hồi tháng 12/2018, Trưởng ban Tuyên giáo Võ Văn Thưởng phát biểu: “Sự chậm trễ của báo chí đã tặng lợi thế cho mạng xã hội trong việc đưa tin. Phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội?”
“Một số mạng xã hội thù địch trộn vào đó cả những tin giả, xuyên tạc, suy diễn ác ý, tác động rất tiêu cực đến xã hội. Thách thức từ mạng xã hội vì thế là rất lớn nhưng thách thức lớn hơn chính là tư tưởng, tâm thế thất bại của những người làm báo và hành động chưa kiên quyết, thiếu hiệu quả của các cơ chế phối hợp cũng như các cơ chế quản lý Nhà nước về thông tin.”
Tham vọng hình thành một mạng xã hội “made in Vietnam” và đặt mục tiêu “vượt qua Facebook” từng được loan báo rầm rộ với các mạng xã hội Go.vn, Zingme, Tamtay.vn, Yume, BizTime… nhưng không thu hút được người dùng.
Các mạng này và kể cả mạng VCNET do Ban Tuyên giáo vừa ra mắt bị cho là “sao chép giao diện Facebook mà không có gì mới và khác biệt”.
Về công cụ tìm kiếm “made in Vietnam”, hồi năm 2013, các báo Việt Nam cho hay, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc ra đời và “nhắm vào những ngách Google chưa phát triển tại Việt Nam, như tìm kiếm địa điểm 360 độ hay giải toán thông minh.”
Tuy vậy, đến nay, chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Cốc Cốc được người Việt Nam “tin dùng” hơn Google.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-48999798

Sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát thành đại dịch

Đó là thống kê mới nhất của Bộ Y tế được truyền thông trong nước loan tin ngày 17 tháng 7.
Theo Bộ Y tế, 6 trường hợp tử vong xảy ra tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang và TPHCM. So với cùng kỳ năm ngoái thì ca mắc bệnh tăng 3,1 lần.
Theo Vietnamplus, theo số liệu mới nhất từ Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay toàn thành phố có gần 1.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết và không có trường hợp nào tử vong.
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tình hình dịch bệnh xốt xuất huyết trên thế giới diễn biến phức tạp và đang gia tăng nhanh tại nhiều quốc gia trong khu vực. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh.
Vietnamplus dẫn nguồn tin của Tổ chức Y tế thế giới cho biết dịch đang gia tăng tại các nước Châu Mỹ la tinh và Châu Á-Thái Bình Dương.
Trong đó, tại Philippines số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng 2 lần so với cùng kỳ, với gần 100.000 trường hợp, gần 400 ca tử vong. Malaysia có hơn 60.000 trường hợp mắc bệnh và gần 100 trường hợp tử vong. Lào, Campuchia, Trung Quốc, Australia bệnh cũng đang gia tăng mạnh và chưa có xu hướng dừng lại. Nguyên nhân dịch bệnh bùng phát khắp nơi được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu và nóng lên trên toàn cầu làm cho vec-tơ truyền bệnh sinh sôi và phát triển nhanh.
Trước tình hình diễn biến phức tạp và gia tăng mạnh của dịch bệnh sốt xuất huyết Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo các địa phương trong cả nước gia tăng các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt và cách ly người bệnh.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/dengue-fever-spread-out-nationwide-and-south-east-asia-countries-07172019093322.html

Miền Trung quay quắt với nắng hạn,

thiếu nước ngọt, nước nhiễm mặn

PV chúng tôi chọn ghi hình tại thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi vì ở đây, ngoài thiếu nước ngọt do nắng hạn, nguồn nước lại bị nhiễm mặn, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân lao đao…
Có thể do ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất?
Nhiều người dân “đoán” rằng, nguyên nhân nước sinh hoạt nhiễm mặn là do các nhà máy tại Khu Kinh tế Dung Quất gây ra khi họ thi công đào đất, làm ảnh hưởng mạch nước ngầm. Trong khi đó, chính quyền địa phương trả lời rằng họ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân, hiện lãnh đạo huyện chỉ có thể chờ kết luận của các cơ quan liên quan và sẽ có thông báo chính thức đến người dân sớm nhất.
Chờ thông báo nguyên nhân nước nhiễm mặn và chờ cách giải quyết từ địa phương để mang nguồn nước ngọt về lại cho người dân đang là vấn đề đau đáu…
Chị Lộc, một cư dân sinh sống ở thôn Sơn Trà cho biết chị phát hiện nguồn nước sinh hoạt nhà chị bị nhiễm mặn từ hai tháng nay. Để có nước sinh hoạt hằng ngày, vợ chồng chị phải làm giếng bơm hoặc xin nước ngọt từ các hộ dân khác về nấu ăn. Nhà chị cũng phải bỏ tiền ra mua thêm nước lọc mới đủ dùng cho cả gia đình.
“Đó. Thì nó cực. Đi xin nước về chứ nước đâu. Lấy máy lọc nước mặn xong rồi ví dụ mình rửa xong rồi thì mình rửa lại nước đó cho sạch chứ đâu có nước. Rửa nước mặn xong rồi rửa lại nước máy lọc. Nó cực lắm!”
“Nấu bằng nước bình đó chứ giờ nước này đâu có nấu được.”
Tương tự như hoàn cảnh gia đình chị Lộc, chị Nguyễn Thị Hồng Mếm, cho biết nhà chị ở sát biển nhưng nước sinh hoạt trước đây vẫn bình thường, không có mặn. Tuy nhiên, khoảng 4 tháng nay nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, gia đình chị phải khoan giếng mới, nhưng sau đó nước vẫn bị mặn nên giờ để mặc vậy.
“Lúc mình bơm lên nước nó mặn lắm. Bình thường nó đã mặn rồi, chị mới vừa khoan lại cái giếng mới cách tuần sau là nó mặn vậy đó. Phải dùng thôi chứ giờ nước đâu nữa mà dùng”
Những hộ sinh sống gần các nhà máy đóng tàu, nhà máy thép nằm ở Khu Kinh tế Dung Quất nước sinh hoạt bị nhiễm mặn sớm hơn những hộ nằm ở cách xa khu kinh tế Dung Quất.
Không có nước ngọt để dùng, các hộ dân ở thôn Sơn Trà phải mua nước lọc đóng bình về dự trữ và dùng cho việc nấu nướng, ăn uống. Rất tốn kém! Một phụ nữ tên Ngọc chia sẻ:
“Mặn lắm ! Mặn mà uống không nỗi phải đi mua nước bình uống chứ đâu có uống được. Tắm thì nó nổi sần da hết luôn”
Trước đây người dân thôn Sơn Trà chỉ cần sắm máy lọc nước là đủ dùng sinh hoạt gia đình nhưng từ khi nguồn nước bị nhiễm mặn thì máy lọc chỉ sử dụng lọc nước để tắm hoặc giặt giũ chứ không thể uống được.
Anh Huỳnh Ngọc Long, một ngư dân ở thôn Sơn Trà chia sẻ:
“Nói chung nước mặn mình dùng máy lọc, lọc nước để rửa rau với lại nấu ăn, nấu cơm còn nước uống thì mình phải đi mua nước về uống chứ còn nước này máy lọc ra rồi vẫn uống không được. Mặn lắm!”
Chị Hồng Mếm nói, không có nước ngọt nên sinh hoạt gia đình quá khổ sở khi phải gánh thêm chi phí mua nước lọc về uống – đã vất vả giờ vất vả thêm.
“Giờ nấu nướng, ăn cơm phải mua nước lọc bình 10 ngàn vậy đó. Rồi một ngày sử dụng biết bao nhiêu bình nước. 10 ngàn bình mà một ngày phải mấy bình vậy đó. Mình sử dụng trong gia đình mà. Giặt nước mặn một nước rồi mình mới mua bình nước đó, mình đổ vào rồi xả ra. Sống dài như thế này làm sao sống được?”
Trong khi chờ kết luận nguyên nhân nước sinh hoạt bị nhiễm mặn, nhiều hộ dân ở đây “đinh ninh” rằng nước nhiễm mặn là do nhà máy đóng tàu, nhà máy thép tại Khu Kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động, quá trình thi công đã đào sâu xuống lòng đất, chạm phải mạch nước ngọt và đồng thời hút nước biển vào khiến nồng độ mặn thấm sâu vào nguồn nước. Bà Ngọc phân bua:
“Công ty nó bơm nước vào trong này nữa. Nó chứa nước mặn trong này, trong nhà máy đóng tàu. Nó chứa trong đó rồi bắt đầu nó thấm xuống lòng đất của mình. Còn ngoài biển thì nó cạn, nó thả đất ra làm cạn cửa biển. Còn ở trong đây nó đọng nước lại, sâu lắm như cái biển trong đó rồi bắt đầu nó thấm xuống là mình bị mặn”
Đang chờ thẩm định từ các cấp cao hơn
Chia sẻ với chúng tôi qua điện thoại, Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm- công tác tại Hội Bảo vệ Lưu vực và dải Biển Việt Nam cho rằng muốn xác định nguyên nhân nguồn nước nhiễm mặn phải đến thực tế mới biết được. Tuy nhiên, ông Diệm cũng nói nguyên nhân nguồn nước thôn Sơn Trà bị nhiễm mặn mà người dân chia sẻ bên trên cũng có cơ sở vì theo ông:
“Nhiễm mặn tức là nó đưa nước mặn vào để dùng vì nó không có đủ nước ngọt, đáng lẽ làm bằng nước ngọt nhưng giờ nó dùng nước mặn. Nước mặn thì nó lại bơm lên trên cao thì nó lại thấm xuống. Khi thấm xuống thì nó đẩy cái nước ấy vào giếng của mình, giếng mình thấp hơn nên bị đẩy xuống”
Do sử dụng nguồn nước nhiễm mặn lâu ngày nên khiến nhiều trẻ nhỏ ở nơi này bị các bệnh về da.
“Ví dụ tắm xong nước mặn, bắt đầu mình xối qua nước đó mà nhiều khi mấy đứa nhỏ nó tắm xong nó làm biếng không xối qua nước lọc là nó nổi ghẻ”- Chị Lộc nói.
“Có. Nó bị viêm da. Nó nổi hột. Mình tắm nước mặn có khi lột da mình, nó rát da luôn. Nó nổi hột hột viêm da hết trơn. Thằng cu nhỏ của chị nó đi học rồi, nó cũng bị viêm da vậy đó, đi khám bảo nó bị viêm da. Chị nghĩ do nguồn nước nên đi mua nước lọc về tắm”- Lời của chị Hồng Mếm.
Trước tình hình khan cạn nguồn nước ngọt, nhiều hộ dân thôn Sơn Trà đã làm đơn gửi lên xã Bình Đông yêu cầu các cấp chính quyền làm rõ nguyên nhân nguồn nước bị nhiễm mặn nhưng nhiều tháng trôi qua họ vẫn chưa nhận được câu trả lời nào.
“Có. Có đưa giấy lên trên địa phương. Chòm xóm chổ này có khoảng mấy chục cái nhà đó, có đưa lên xã tờ giấy để bố trí nước ngọt cho dân có dùng mà nay chưa thấy trả lời.”-Lời của chị Hồng Mếm (4)
Đi tìm câu trả lời cho các hộ dân ở thôn Sơn Trà, chúng tôi liên lạc Trung tâm kỹ thuật quan trắc môi trường –Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và phòng Tài nguyên& Môi trường huyện Bình Sơn nhưng cả hai nơi này đều từ chối trả lời phỏng vấn hoặc nói không đủ thẩm quyền phát ngôn.
Chúng tôi liên lạc ông Lý Thọ-Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn thì được ông Thọ xác nhận: “Hiện tượng ấy là có, có bị nhiễm mặn. Huyện cũng đang đề nghị các cơ quan có chức năng để mà thẩm tra lại vấn đề này khi nào có kết quả chính thức rồi mới công bố.”
“Cái đó toàn bộ dân mình ở vùng ven biển, tức là toàn bộ nước mặn. Họ ở ven biển đương nhiên là nước mặn rồi. Còn nguyên nhân do đổ cát lên mặt bằng nhà máy đóng tàu đó có ảnh hưởng gì đến việc nước nhiễm mặn hay không cũng đang lập báo cáo đề nghị các cơ quan thẩm định về chuyên môn vấn đề đó.”
Ông Thọ cho rằng nếu đúng là các công ty nạo vét gây nhiễm mặn nguồn nước thì đơn vị nào gây ra phải chịu trách nhiệm. Còn chuyện giải quyết nước ngọt cho bà con thì ông ấp úng: “Chỗ nước ngọt mới họp hôm qua, hôm kia gì đó đang giải quyết cho người dân rồi. Còn người dân phản ánh chuyện đó thì chưa rõ, chính thức cơ quan nhà nước thì hiện nay đang đề nghị mà”-ông Thọ nói.
Dự báo tình hình nắng hạn sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 8 và có khả năng năm nay nhiệt độ trong mùa khô sẽ cao kỷ lục, do đó không chỉ miền Trung mà miền Đồng Bằng Sông Cửu Long cũng sẽ gặp tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt. Để giải quyết vấn đề căn cơ này không chỉ cần các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, giải quyết khó khăn cho người dân tại địa phương mà đòi hỏi phải có sự chuyển động/chỉ đạo mạnh từ Chính phủ để không chỉ giúp các huyện ở miền Trung có nước ngọt sinh hoạt mà cả các quận, huyện miền núi, đồng bằng đều có nước sạch để uống, nước sinh hoạt hàng ngày và cả nước tưới cho vụ mùa Hè-Thu trong mùa khô năm nay.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/central-viet-nam-faces-drought-season-07172019091506.html

JICA phủ nhận từng có sáng kiến

‘dùng lu chống ngập’

Đại diện của JICA (Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản) tại Việt Nam vừa chính thức khẳng định không đưa ra sáng kiến dùng lu chống ngập như tuyên bố của bà Phan Thị Hồng Xuân, đại biểu Hội đồng Nhân dân TPHCM, vài ngày trước.
Trả lời báo Lao Động ngày 17/7, đại diện của JICA tại Việt Nam cho biết “hiện không có hoạt động nào chống ngập bằng lu nước tại các hộ gia đình” trong các dự án của cơ quan này liên quan tới phòng chống và quản lý ngập tại TPCHM.
Trước đó vào ngày 12/7, tại kỳ họp HĐND TPHCM, khi thảo luận về vấn đề ngập nước ở TPHCM, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Dân tộc học – Nhân học TP.HCM, đã đề xuất ý kiến trang bị lu nước ở mỗi hộ gia đình để chống ngập.
Sau khi bị chỉ trích dữ dội trên mạng xã hội, bà Xuân giải thích với báo chí rằng ý tưởng này không phải do bà tự nghĩ ra, mà là sáng kiến đã được các chuyên gia của JICA nêu lên trong một cuộc họp gần đây mà bà tham dự.
Bà Xuân còn trích dẫn thông tin từ cuộc họp nói rằng sáng kiến này đã “áp dụng rất thành công” tại Tokyo, và JICA cho rằng nếu TPCHM vận động mỗi hộ gia đình xây một bể chứa nước 1m3 thì vừa góp phần chống ngập vừa tiết kiệm nước sạch, theo Trí Thức Trẻ.
Bà Phan Thị Hồng Xuân là Phó giáo sư-Tiến sĩ hiện đang giữ chức Trưởng khoa Đô thị học của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM.
Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ ngày 13/7, bà Xuân nói rằng việc bà dùng từ “cái lu” là vì muốn nhấn mạnh khía cạnh “tri thức bản địa” theo phương diện dân gian, nhưng lại bị mọi người “đẩy câu chuyện quá xa”, khiến cho bà rất buồn khi thấy trên mạng xã hội có những phản ứng tiêu cực, chế giễu, thóa mạ đối với đề xuất của bà.
Ngày 16/7, Trưởng khoa Đô Thị học Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM xác nhận với báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng bà Xuân đã xin nghỉ phép dài ngày sau “biến cố quá lớn đối với bản thân”.
Ngoài đề xuất “dùng lu chống ngập”, PGS. TS. Phạn Thị Hồng Xuân còn bị công luận chỉ trích về đề nghị mạnh tay với người nhập cư xả rác, và đưa họ về quê nếu không tuân thủ các quy định của thành phố.
“Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? TPHCM có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì ‘Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen’”, VTV24 dẫn lời đại biểu Xuân ví von tại cuộc kỳ họp HĐND TPHCM khi đề cập đến chương trình vận động toàn dân không xả rác.
Theo LS. Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, đề xuất của bà Xuân là “vi hiến và ngớ ngẩn” vì quyền tự do đi lại, cư trú là một trong những quyền cơ bản của con người đã được Hiến định, không thể tước bỏ tùy tiện, theo báo Pháp Luật Việt Nam.
Tin cho hay bà Phan Thị Xuân Hồng là người có quê quán gốc ở Đồng Tháp.
https://www.voatiengviet.com/a/jica-lu-chong-ngap/5004122.html

Chỉ đạo mới về vụ Thủ Thiêm

 là kế trì hoãn của thành phố?

Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (UBND TP.HCM) vừa yêu cầu Chính quyền quận 2 chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương tiếp từng công dân có khiếu kiện, khiếu nại đất đai trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm và báo cáo lãnh đạo thành phố trước ngày 20 tháng 7 tới đây.
Tiến bộ nhưng không phấn khởi
Cụ thể, UBND TP.HCM vào ngày 16 tháng 7 được truyền thông quốc nội dẫn lời đã yêu cầu quận 2 khẩn trương tiếp xúc trực tiếp với 28 hộ dân, từng đến Hà Nội khiếu nại tập trung liên quan đến dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, để hướng dẫn thực hiện việc khiếu nại của họ theo quy định pháp luật, nhằm không để tiếp tục tình trạng khiếu nại vượt cấp đến các cơ quan Trung ương.
Trong tối cùng ngày, ông Nguyễn Đình Đệ, một cư dân Thủ Thiêm đã và đang theo đuổi việc khiếu nại, khiếu kiện lên tiếng với RFA rằng:
“Phương án để giải quyết 28 hộ dân đang khiếu kiện là một góc nhìn mới. Chúng tôi cũng ghi nhận đó là một sự tiến bộ, nhưng mà sự tiến bộ này chắc cũng không đi tới đâu. Kêu làm đơn thì chúng tôi vẫn làm vì quyền lợi của mình thì mình làm. Nhưng làm với tâm trạng không phấn khởi đâu. Nói về vấn đề Thủ Thiêm mà để giải quyết được trong ngày một ngày hai thì khó lắm.”
Phương án để giải quyết 28 hộ dân đang khiếu kiện là một góc nhìn mới. Chúng tôi cũng ghi nhận đó là một sự tiến bộ, nhưng mà sự tiến bộ này chắc cũng không đi tới đâu. Kêu làm đơn thì chúng tôi vẫn làm vì quyền lợi của mình thì mình làm. Nhưng làm với tâm trạng không phấn khởi đâu. Nói về vấn đề Thủ Thiêm mà để giải quyết được trong ngày một ngày hai thì khó lắm
-Ông Nguyễn Đình Đệ
Đài RFA ghi nhận hầu hết những người dân khiếu kiện ở Thủ Thiêm cùng bày tỏ họ không lấy làm phấn khởi trước chỉ đạo mới của Chính quyền TP.HCM, bởi lẽ đó chỉ là động thái kỳ vọng rằng thành phố sẽ tìm được hướng xử lý thông qua đối thoại trực tiếp này để báo cáo và trao đổi với Thanh tra Chính phủ trong cuộc gặp tới đây.
Trước yêu cầu này, nhiều người dân Thủ Thiêm bức xúc còn giải bày với RFA rằng có một sự mâu thuẫn giữa Chính quyền quận 2 và Chính quyền TP.HCM khi cùng lúc ra hai thông báo trái ngược nhau là Chính quyền TP.HCM yêu cầu quận 2 tiếp xúc hướng dẫn việc khiếu nại của người dân Thủ Thiêm, còn Chính quyền quận 2 lại tuyên bố đang tập trung hướng dẫn tất cả người dân khiếu nại ở Thủ Thiêm làm đơn khiếu nại lên thành phố. Không ít cư dân Thủ Thiêm còn nhắc lại nhiều năm trường họ giống như một quả bóng căng đầy sự phẫn uất, tan nhà nát cửa mà cứ bị các cấp chính quyền đùn đẩy “đá qua đá lại”, chứ không chỉ với hai thông báo vừa ban ra.
Ông Cao Thăng Ca, một cư dân Thủ Thiêm gọi hai thông báo mới nhất của Chính quyền quận 2 và TP.HCM là một “trò lừa đảo”. Ông Cao Thăng Ca nhấn mạnh:
“Theo ý kiến của tôi, cái trò này không thể chấp nhận được. Tại vì hồ sơ khiếu nại Thủ Thiêm đang nằm trong tay Chính phủ giải quyết, mà Chính phủ chưa giải quyết thì lại dồn về quận 2. Thế thì quận 2 giải quyết làm sao được? Pháp lý quy hoạch thu hồi đất, phương án đền bù tái định cư đều do Chính quyền TP.HCM làm hết; quận 2 chỉ thực hiện thôi. Và bây giờ đưa về quận 2, dù có tiếp xúc 100 hay 1000 lần đi nữa thì quận 2 vẫn không giải quyết được. Cho nên, chuyện này là rõ ràng họ muốn lừa đảo, họ muốn mị dân và chứng tỏ là chính quyền quan tâm nhưng thật chất là họ muốn kéo dài và không muốn giải quyết để cho người dân nản và bỏ cuộc.”
Giải pháp nào cho Thủ Thiêm?
Thanh tra Chính phủ, vào chiều ngày 26 tháng 6 đã công bố những sai phạm của Chính quyền TP.HCM trong Kết luận Thanh tra Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, cụ thể là UBND TPHCM ban hành điều lệ quản lý xây dựng Khu Đô thị mới Thủ Thiêm chưa đầy đủ, kịp thời và không thực hiện việc lập các dự án theo đúng quy trình, chậm triển khai đầu tư xây dựng…
Tiếp theo đó vào ngày 4 tháng 7, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, cho biết Ban tiếp công dân Trung ương và UBND TP.HCM, trong cùng ngày 4 tháng 7 cam kết trong vòng tháng 7 sẽ giải quyết dứt điểm 28 hộ dân khiếu kiện ở Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, các hộ dân là nạn nhân của Dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm cho rằng họ càng bị mất niềm tin hơn nữa đối với chính quyền sau khi Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm mà họ đợi chờ suốt hai thập niên qua. Những cư dân Thủ Thiêm khẳng định Kết luận Thanh tra Thủ Thiêm của Thanh tra Chính phủ là một kết luận phiến diện và quá nhiều thiếu sót vì đã không nêu đích danh tập thể, cá nhân nào sai phạm, còn sự mất mát, đau khổ của người dân Thủ Thiêm hơn 20 năm qua không hề được đề cập đến. Họ rất bất bình trước tuyên bố của Chủ tịch quận 2 qua các buổi tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm. Ông Cao Thăng Ca tiếp lời:
“Phương án đền bù 10 điểm mà ông Chủ tịch quận 2 được TP.HCM giao cho để lập ra phương án đền bù 10 điểm đó thì qua các buổi tiếp dân đều bị 100% người dân Thủ Thiêm phản đối và không đếm xỉa gì đến phương án đền bù 10 điểm này hết. Thế nhưng, ông Bí thư thành ủy lại nói rằng hiện nay có 85% người dân Khu Đô thị mới Thủ Thiêm đồng tình với phương án giải quyết đền bù Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Người ta toàn đưa ra những con số để lừa bịp dư luận. Chúng tôi không còn niềm tin nào đối với Chính quyền TP.HCM hết, bởi vì họ không có thiện chí.”
Hồ sơ khiếu nại Thủ Thiêm đang nằm trong tay Chính phủ giải quyết, mà Chính phủ chưa giải quyết thì lại dồn về quận 2. Thế thì quận 2 giải quyết làm sao được? Pháp lý quy hoạch thu hồi đất, phương án đền bù tái định cư đều do Chính quyền TP.HCM làm hết; quận 2 chỉ thực hiện thôi. Và bây giờ đưa về quận 2, dù có tiếp xúc 100 hay 1000 lần đi nữa thì quận 2 vẫn không giải quyết được. Cho nên, chuyện này là rõ ràng họ muốn lừa đảo, họ muốn mị dân và chứng tỏ là chính quyền quan tâm nhưng thật chất là họ muốn kéo dài và không muốn giải quyết để cho người dân nản và bỏ cuộc
-Ông Cao Thăng Ca
Theo dõi diễn tiến của vụ Thủ Thiêm, Luật sư Đặng Đình Mạnh, một luật sư trong nhóm Luật sư cố vấn pháp lý cho vụ vườn rau Lộc Hưng nhận định dù cho Chính quyền TP.HCM đang cố gắng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, thế nhưng:
“…Dường như khả năng giải quyết vụ Thủ Thiêm về phương diện pháp lý thì không nói, nhưng về phương diện tài chánh chắc là khó rồi. Tại vì bồi thường cho người dân thì đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn và tôi không biết sau khi bố trí tất cả các nguồn thì sẽ lấy nguồn nào để trả cho người dân. Cho nên, tôi e rằng việc chuyển về lại cho quận chỉ là một động tác kéo dài sự việc thôi chứ chưa phải thực chất giải quyết vấn đề.”
Ông Nguyễn Đình Đệ chia sẻ với RFA rằng trong các buổi tiếp dân của chính quyền với người dân Thủ Thiêm, ông từng phát biểu về mong muốn của người dân Thủ Thiêm là:
“Muốn giải quyết vấn đề thì chính quyền hãy trả lại cho chúng tôi đất tái định cư. Đây là nhu cầu thực tế thôi, chứ chính quyền đừng bàn thảo lòng vòng với phương án này, phương án kia…Chúng tôi không cần các phương án hỗ trợ. Hãy trả đất cho chúng tôi. Hãy đền bù đất tái định cư cho chúng tôi. Đó là cái chúng tôi cần.”
Đồng thời, ông Nguyễn Đình Đệ còn khẳng khái tuyên bố ngày nào chính quyền còn chưa giải quyết được nhóm lợi ích trong vấn đề Thủ Thiêm thì ngày đó người dân Thủ Thiêm vẫn còn khổ và “chính quyền vẫn còn mắc nợ người dân, tiếp tục thất hứa với người dân”.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-new-command-of-hcmcauthority-in-thu-thiem-issue-is-a-fraud-07162019134043.html

Nữ tu Dòng Phaolô Hà Nội tuần hành đòi cơ sở

Các nữ tu Dòng Phaolô Hà Nội hôm 17/7/2019 lại tuần hành để đòi lại quyền sở hữu hợp pháp trên mảnh đất 42 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Truyền thông Thái Hà loan tin vừa nói cùng ngày.
Từ nhà thờ dòng Phaolô Hà Nội, các nữ tu đã tuần hành gửi đơn đến Ủy Ban Nhân Dân quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội yêu cầu trả lại khu đất 42 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, thuộc quyền quản lý hợp pháp của nhà dòng hiện đang bị người dân và chính quyền chiếm dụng mà theo Dòng Phaolo là bất hợp pháp.
Lâu nay các nữ tu Dòng Phaolô Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Đơn khiếu nại nêu rõ, một số hộ đã xây dựng lấn chiếm vỉa hè lòng đường tại khu đất 42 Lý Thường Kiệt.
Trong số các hộ dân đã xây nhà, có một số hộ còn xây lên thành 3 tầng và lòi ra ngoài vỉa hè so với địa giới cũ và tổng thể của khu phố, gây mất hiện trạng lịch sử của Nhà Dòng – Nhà Thờ dòng Phaolô. Ngoài ra còn có một số hộ đang có dấu hiệu sang tên, đổi chủ bất hợp pháp thành một chủ mới.
Tính đến tháng 7 năm 2019, Dòng Phaolô ở Hà Nội đã bị chiếm dụng các khu đất gồm: Bệnh viện Đa khoa Saint Paul; Khu đất cạnh Nhà thờ Hàng Bột ở đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa; Bệnh viện mắt tại đường Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm; Khu đất 5a – 5b Quang Trung, quận Hoàn Kiếm và hiện nay là Khu đất 42 Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm.
Đây là những khu đất mà Dòng Thánh Phaolô có quyền sử dụng từ rất lâu. Dòng này đến Hà Nội từ năm 1883, tiến hành mua đất xây dựng cơ sở và tham gia các công tác xã hội giáo dục, từ thiện, y tế… Tuy nhiên sau năm 1954, chính quyền cách mạng cộng sản tịch thu hầu hết các cơ sở giáo dục, y tế của Dòng Phaolô.
Số cơ sở còn lại hạn hẹp của Dòng cũng bị lấn chiếm buộc các nữ tu phải nhiều lần làm đơn khiếu nại, hay đích thân đến gặp cơ quan chức năng; thế nhưng yêu cầu của các nữ tu chưa hề được đáp ứng như hứa hẹn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/catholic-nuns-in-hanoi-march-again-to-protest-illegal-ownership-transfer-07172019090305.html

Hàng trăm chủ hộ chung cư bị thu hồi sổ đỏ ở Hà Nội

Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội vừa ra quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp cho hàng trăm người mua nhà tại ba chung cư Xa La, CT6 Bemes và CT5 ở quận Hà Đông và huyện Thanh Trì.
Truyền thông trong nước, vào ngày 17 tháng 7 loan tin vừa nêu, cho biết cụ thể gần 300 chủ hộ chung cư của dự án Khu nhà ở Xa La bị thu hồi sổ đỏ đã cấp với lý do một số tầng nhà thuộc diện “chuyển đổi công năng và nâng tầng”.
Báo giới cho biết có thêm hàng trăm chủ sở hữu nhà thuộc hai dự án Tòa nhà hỗn hợp và Trung tâm thương mại CT5 và Tổ hợp chung cư cao cấp và Thương mại Bemes (CT6 Bemes) với cùng một nguyên nhân bị thu hồi sổ đỏ giống như dự án Khu nhà ở Xa La. Tuy nhiên, số liệu cụ thể không được nêu ra.
Trong đó, một số trường hợp bị thu hồi sổ đỏ đã cấp được Sở Tài nguyên-Môi trường Hà Nội giải thích là do có sai sót và không đúng quy định pháp luật về đất đai trong quá trình cơ quan này thẩm định hồ sơ.
Vào sáng ngày 17 tháng 7, một số hộ dân ở khu chung cư Xa La, CT6 Bemes và CT5 nói với báo giới rằng họ chưa nhận được thông báo chính thức nào từ cơ quan chức năng về quyết định thu hồi sổ đỏ đã cấp cho họ.
Các dự án chung cư Xa La, CT6 Bemes và CT5 được nói thuộc Tập đoàn Mường Thanh. Và hồi ngày 10 tháng 7 vừa qua, Cơ quan điều tra Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, để điều tra về những sai phạm trong các dự án xây dựng và hành vi “lừa dối khách hàng”.
Cũng liên quan đến những sai phạm trong lãnh vực đất đai, Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 cán bộ thuộc Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố Thanh Hóa vì đã có việc làm sai trái trong trách nhiệm được giao, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1 tỷ đồng.
Truyền thông quốc nội, vào ngày 17 tháng 7 cho biết cụ thể Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tống Quang Thái, Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư thành phố Thanh Hóa.
Hai cán bộ còn lại gồm Nguyễn Văn Đức bị bắt tạm giam và Dương Văn Trung bị cấm đi lại khỏi nơi cư trú.
Ba cán bộ nêu trên bị khởi tố với cáo buộc đã chỉnh sửa giấy tờ của các hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất để tăng tiền chênh lệnh đền bù đất, gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1 tỷ đồng.
Công an tỉnh Thanh Hóa được báo giới trích lời cho biết đang mở rộng, tiếp tục điều tra vụ án này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hanoi-authority-revoked-issued-household-certificates-hundreds-condo-owerns-07172019085041.html

Thanh tra Chính phủ

làm việc với Đà Nẵng về vấn đề đất đai

Ngày 17/7/2019, ông Lê Minh Khái, Tổng thanh tra Chính phủ đã làm việc với Thành ủy Đà Nẵng về những sai phạm tại thành phố này. Báo Pháp luật đưa tin cùng ngày.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ (TTCP) yêu cầu Đà Nẵng tháo gỡ vướng mắc trong kết luận 2852 năm 2012 của TTCP về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai, gây thất thoát hơn 3.400 tỉ đồng với ba điểm sai phạm chính là giảm 10% tiền sử dụng đất không đúng quy định; định giá một số lô đất không đúng; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời hạn lâu dài không đúng.
Trước đó tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 11/7/2019, thành phố này cho biết đã thu hồi được 44% tiền trong tổng số hơn 3.400 tỉ đồng, điều chỉnh 25% giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền cấp cho các tập thể, cá nhân sai quy định hoặc không đúng thời hạn.
Cũng liên quan đến đất đai, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thanh tra toàn diện dự án Khu nhà ở cho người thu nhập thấp (The Diamond Park) tại huyện Mê Linh, Hà Nội do Công ty cổ phần Tập đoàn Videc làm chủ đầu tư.
Theo kết quả thanh tra, năm 2008, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chấp thuận giao Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC thực hiện dự án xây dựng nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp, nhưng thực tế là cho phép chủ đầu tư làm nhà liền kề, biệt thự.
Ngoài dự án The Diamond Park, Công ty cổ phần Tập đoàn VIDEC còn là chủ đầu tư hàng loạt dự án khác tại Hà Nội như Khu nhà ở cao tầng để bán cho cán bộ chiến sỹ Bộ Công an và Tháp Ngôi sao – Star Tower; chủ đầu tư Dự án Sky Line; dự án Galaxy Tower; chủ đầu tư dự án khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ- Riverside Garden.
Tại dự án này, VIDEC từng bị phạt 75 triệu đồng vì bàn giao nhà cho khách hàng trong khi các hạng mục công trình đưa vào sử dụng chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gov-inspector-works-with-danang-on-land-use-and-management-07172019084311.html

Tác hại của “tư duy lệnh miệng”!

Nguyễn Ngọc Già
Năm xưa, 64 người lính Việt Nam đã trở thành “bia sống” cho Trung Cộng nã đạn tại Gạc Ma – Trường Sa.
Sự tàn ác “trời không dung đất không tha” của Trung Cộng, do CSVN “góp tay” rất lớn, trong đó vai trò của Lê Đức Anh – lúc bấy giờ trong tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng – mang tính quyết định. Theo ông Lê Mã Lương,  Lê Đức Anh đã  “truyền lệnh miệng” cho người lính VN không được phép chiến đấu.
Tai hại ghê gớm chính là chỗ đó!
Càng khủng khiếp hơn nhiều lần, bởi lịch sử vốn là môn khoa học, nên không thể dung chứa“sự mờ ám” trong đó. Đã là khoa học, tất cả phải có đầy đủ căn cứ và bằng chứng. Và cũng chính vì lẽ đó, dù có muốn, cũng không thể buộc Lê Đức Anh phải chịu trách nhiệm về hành vi phản bội dân tộc do y gây ra, dù tội phản bội Tổ Quốc được quy định hẳn hòi trong Bộ Luật Hình Sự và thuộc loại trọng tội!
Những ngày này, bãi Tư Chính – quần đảo Trường Sa đang bị Trung Cộng uy hiếp. Không một dòng tin nào hiện ra trên các báo đài của CSVN, trong khi lòng dân “như thiêu như đốt”!
Chắc chắn tất cả các báo đài đã nhận được “lệnh miệng” ở những kẻ nắm chức vụ cao nhất trong Bộ Chính Trị ĐCSVN. Ai đã ra “cái lệnh miệng” đó?
Thật đáng lên án cho những kẻ nào đã ”truyền lệnh miệng”. Bởi ”di họa” để lại từ “lệnh miệng” là không tài nào quy nổi trách nhiệm mà vốn buộc phải có những con người cụ thể nhận lãnh hình phạt, dù nặng hay nhẹ!
Và cũng thật đáng chê trách những kẻ đã phục tùng “lệnh miệng”, bởi họ, dường như trở thành những cỗ máy vô tri vô giác, trước vấn đề an nguy của cả quốc gia gần trăm triệu người!
“Tư duy lệnh miệng” làm cho biết bao vụ án “kinh thiên động địa” rơi vào ngõ cụt, kể từ khi CSVN “cướp chính quyền” và áp đặt ách cai trị bạo ngược lên toàn dân tộc VN.
“Tư duy lệnh miệng” xói mòn và tàn phá khốc liệt ”tính trách nhiệm” trong mỗi con người Việt Nam trên mọi lãnh vực, không chỉ trong lãnh vực bảo vệ chủ quyền biển đảo.
“Tư duy lệnh miệng” biến con người trở nên đớn hèn, bạc nhược, vong thân, vong bản và từ đó dẫn đến vong quốc!
Kẻ thích “tư duy lệnh miệng” là những kẻ vô học, vô trách nhiệm, chà đạp luật pháp và các chuẩn mực văn minh của loài người.
Những kẻ yêu chuộng “tư duy lệnh miệng” là những con người tôn thờ ”bạo quyền” và chúng hằng tin “bạo quyền” là phương cách duy nhất hiệu quả để quản trị quốc gia, trong khi không thấy được những tác hại khôn lường do “tư duy lệnh miệng” gây ra!
Không cần đề cập những vụ án thuở ”xa xưa” của người CSVN, bởi những tấm gương tày liếp như; Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Nhôm v.v… vẫn còn nóng hổi.
Tôi cũng từng vấp phải “tư duy lệnh miệng”!
Khoảng năm 2006, Đài Truyền Hình Tp.HCM (HTV) xây dựng cột antenna với độ cao 252m để thay thế cột cũ (cao 125m) do chế độ VNCH để lại. Đây cũng là lần đầu tiên, trên toàn quốc, cần có 1 cột antenna đáp ứng nhu cầu vào lúc bấy giờ. Hợp đồng được ký giữa HTV và nhà sản xuất Hoa Kỳ.
Mọi việc tiến hành suôn sẻ và khá nhanh chóng với nền hành chính trì trệ, bởi HTV luôn được “ưu ái và dòm ngó kỹ lưỡng” vì vai trò quan trọng của nó!
Khi cột antenna được dựng lên khoảng trên 100m, một hôm, Tổng Giám đốc thời bấy giờ – Huỳnh Văn Nam (con trai của người được gọi là “thi tướng” Huỳnh Văn Nghệ), lúc đó đang đi công tác tại Mỹ, gọi điện cho tôi và… “truyền lệnh miệng”: Tạm ngưng thi công!
Sau phút choáng váng, tôi hỏi lý do phải tạm ngưng.
Ông Huỳnh Văn Nam cho biết, Nguyễn Văn Đua (lúc bấy giờ là Phó bí thư thường trực Thành ủy Tp.HCM) cũng… “truyền lệnh miệng” trực tiếp với lý do: Trong mắt Ba Đua, cột antenna chỉ ”cao cỡ đó mà rung lắc dữ quá”! Ba Đua sợ nó…sụp, khi đạt đến độ cao theo thiết kế (!).
Sau một ngày suy nghĩ, tôi quyết định để bên thi công tiếp tục công trình trong lặng lẽ. Tôi dặn viên chỉ huy trưởng công trình người Mỹ: Ông cứ làm việc bình thường. Bất cứ ai nếu xuống gặp ông, hãy nói với họ làm việc với tôi.
Công trình thi công đúng tiến độ theo hợp đồng. Trong khoảng thời gian đó, cũng không có bất kỳ một nhân vật nào ở Thành Ủy hay UBNDTP hoặc Sở Xây Dựng, Sở KH & ĐT v.v… xuống “dòm ngó”!
Chừng khoảng 2 tháng sau, ông Huỳnh Văn Nam về Việt Nam. Tôi chủ động gọi điện và báo là công trình đã hoàn thành, chờ nghiệm thu và khánh thành.
Ông Nam trố mắt kinh ngạc và trầm ngâm: Tại sao anh biểu em ngưng mà không nghe?
Tôi “giả điên” mà rằng: Ủa?! Anh có dặn hả anh? Thiệt tình em không nhớ!
Lúc này thì ông Nam không còn giữ bình tĩnh nữa và gay gắt: Ông Ba Đua sẽ “kỷ luật” tất cả, kể cả tao và mày!
Tôi thủng thẳng hồi đáp:
Anh đừng lo! Ổng ra “lệnh miệng“, có bằng chứng đâu mà ngại. Lời nói “gió thoảng mây bay”thôi anh! Nhưng công trình mà ngưng là anh ”chết” và em là người “chết chung” [*], bởi hợp đồng đã ký rồi. Mọi việc đã được tính toán kỹ lưỡng và thỏa thuận (thời gian thi công, các sự cố xảy ra, thời hạn bảo trì – bảo hành, thanh toán v.v… kể cả phạt tiền nếu lỗi do bên A hay bên B gây ra làm công trình chậm trễ).
Nếu công trình giả sử “sụp” thì “thằng Mỹ” nó chịu, anh không cần lo. Cái đáng lo là dừng theo ”lệnh miệng” thì ông Ba Đua có bỏ tiền ra đền không? Anh và em lấy tiền đâu mà đền? Tiền đô đó anh! Không đùa giỡn được đâu!
Cuối cùng, cột anntenna 252m nghiệm thu và khánh thành đúng như mong muốn.
Kết
Người CSVN nên giật mình về “tư duy lệnh miệng”, bởi cũng cần nhắc lại câu ca dao:
Trăm năm bia đá cũng mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

“Bia miệng” sẽ được “trao tặng” cho những kẻ nào ưa thích “lệnh miệng” là vậy!
Nguyễn Ngọc Già
Giải thích: Tại sao NNG bị “chết chung”.Vì hợp đồng “kiểu CS” luôn có người “ký nháy” trước khi được ký chính và đóng dấu. Lý do? Để khi có sự cố gì xảy ra thì “người ký nháy” sẽ phải “đưa đầu” ra chịu trước hết! “Ký nháy” là “đặc sản” của CSVN – độc nhất vô nhị trên thế giới!
https://www.rfa.org/vietnamese/news/ReadersOpinions/oral-order-think-07162019111209.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.