Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 06/07/2019

Saturday, July 6, 2019 4:08:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 06/07/2019

Mỹ : Miền nam bang California

rung chuyển vì hai vụ động đất

Thu Hằng
Chỉ trong hai ngày, thứ Năm 04 và thứ Sáu 05/07/2019, miền nam bang California đã phải chịu hai trận động đất mạnh. Theo Viện Địa-Vật lý Hoa Kỳ USGS, cơn địa chấn thứ hai, có cường độ 7,1 độ Richter, xảy ra vào tối thứ Sáu 05/07 có mức độ tàn phá hơn 10 lần so với trận động đất đầu tiên vào sáng thứ Năm tại vùng Ridgecrest, cách Los Angeles khoảng 240 km về phía đông bắc.
May mắn là khu vực nam California không có đông dân cư. Nhiều giờ sau trận động đất thứ hai, chính quyền vẫn chưa công bố thống kê chính thức, ngoài thông tin không có người thiệt mạng, một vài người bị thương nhẹ cũng như không có thiệt hại vật chất nặng nề.
Thông tín viên RFI Loic Pialat tường thuật từ Los Angeles :
Một cơn địa chấn mạnh hơn và lâu hơn so với trận động đất hôm trước. Ngay ở cách xa tâm chấn đến hơn 250 km, người dân ở Los Angeles cũng thấy rung chuyển tối thứ Sáu (05/07), sau 20 giờ.
Theo chính quyền, không có người chết, cũng không có thiệt hại nghiêm trọng về vật chất ở thành phố Los Angeles. Nhưng ở Ridgcrest, thành phố gần tâm chấn nhất, đã xảy ra vài vụ cháy và khoảng 2.000 người bị mất điện.
Các đài truyền hình liên tục nhắc nhở người dân cần trang bị túi dự phòng và nhu yếu phẩm cần thiết vì những cơn địa chấn còn có thể tiếp tục xảy ra, theo cảnh báo của các chuyên gia về động đất. Thậm chí, có 5% khả năng rằng một trận động đất có cường độ cao hơn nữa có thể xảy ra trong những ngày tới.
Điều này càng làm dấy lên lo sợ « trận động đất lớn » (được gọi là « Big One ») sẽ xảy ra khi mà trong suốt 20 năm qua không có một trận động đất lớn nào ở trong vùng, dù hai trận động đất trong 48 giờ qua cùng với hàng trăm dư chấn, nằm trên một đường đứt gãy khác, không phải là đường đứt gãy San Andreas (nằm trên vành đai núi lửa).
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190706-my-mien-nam-bang-california-rung-chuyen-vi-hai-vu-dong-dat

Jeff Bezos xây dựng đế chế Amazon như thế nào?

Có lẽ Jeff Bezos đã có một quả cầu pha lê.
25 năm trước, ông đã thấy trước một tương lai rằng chỉ với một cú nhấp chuột, nó sẽ đem đến cho chúng ta bất cứ thứ gì, từ thức ăn vật cho mèo cho món đến trứng cá muối; và các trung tâm thương mại sẽ mờ nhạt dần, các cửa hàng sẽ phải cung cấp dịch vụ giải trí hoặc sản phẩm tiện lợi để tồn tại.
Và ông đã xây dựng một đế chế dựa trên những hình ảnh đó.
Jeff Bezos: Người giàu nhất thế giới ly hôn
Google, Amazon và Facebook có nên sợ phụ nữ này?
Amazon thử nghiệm robot giao hàng
Amazon, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến mà ông thành lập năm 1994, đã trở thành công ty nghìn tỷ đô la thế giới vào tháng 9/2018 (chỉ bị Apple vượt mặt trong gang tấc), chuyển đổi từ một nhà sách cũ trực tuyến thành thị trường giao dịch toàn cầu.
Nhưng Bezos, hiện là người giàu nhất thế giới, tuyên bố ông có mục tiêu cao hơn là chỉ định hình lại thị trường bán lẻ thế giới.
Ông sở hữu tư nhân tờ báo Washington Post. Công ty hàng không vũ trụ của ông, Blue Origin, đặt mục tiêu đưa thiết bị và con người lên Mặt trăng vào năm 2024.
Vào tháng 9/2018, ông đã cam kết sẽ tài trợ 2 tỷ đô la cho một mạng lưới trường mầm non và giải quyết tình trạng vô gia cư ở Mỹ (mặc dù đây là một phần trong kế hoạch làm từ thiện của vợ cũ của ông, bà Mackenzie Bezos, người thậm chí đã muốn đóng góp 37 tỷ đô la tài sản của bà).
Cách đây nhiều năm, bạn gái thời trung học của Bezos đã nói với Wired rằng cô luôn biết rằng anh sẽ kiếm được tiền, theo đuổi giấc mơ khám phá ngoài vũ trụ.
“Vấn đề không phải là về tiền. Mà là về những gì anh ấy sẽ làm với nó, về việc thay đổi tương lai”, cô nói với tờ tạp chí.
Thuộc địa không gian
Tham vọng của Jeff Bezos đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ trước.
Là con của một cặp cha mẹ tuổi teen đã ly dị, anh được mẹ Jackie nuôi dưỡng phần lớn ở Texas và Florida, cùng với cha dượng Mike Bezos, một giám đốc điều hành của hãng Exxon, người gốc Cuba, vốn rời Cuba thì còn thanh thiếu niên sau khi Fidel Castro lên nắm quyền.
Ông đã sớm có thiên hướng về kỹ thuật và khoa học, tự tháo dỡ chiếc cũi của mình bằng tuốc nơ vít khi mới ba tuổi, theo một quyển sách tiểu sử năm 2013 của Brad Stone.
Trong bài phát biểu tốt nghiệp trung học, Bezos đã vạch ra một tầm nhìn cho việc thiết lập các thuộc địa ngoài vũ trụ.
Tại Đại học Princeton, Bezos học ngành kỹ thuật và khoa học máy tính, sau đó sử dụng các kỹ năng của mình tại các công ty tài chính ở New York. Chính tại đó, ông đã gặp vợ cũ của mình, khi đang làm việc tại quỹ phòng hộ DE Shaw.
Ở tuổi 30, ông bỏ việc sau khi đọc qua một thống kê về sự phát triển nhanh chóng của internet.
Trong bài phát biểu năm 2010 tại Princeton, Bezos đã nhắc lại quyết định của mình về việc trở về miền Tây Mỹ và bắt đầu Amazon là “con đường mạo hiểm”.
“Tôi quyết định tôi phải thử. Tôi không nghĩ mình sẽ hối hận vì đã cố gắng và thất bại. Và tôi nghi rằng mình sẽ luôn bị ám ảnh bởi quyết định không thử làm điều đó”, ông nói.
Vua thương mại điện tử
Canh bạc của Bezos, được góp vốn với hơn 100.000 đô la tiền từ cá nhân và gia đình, đã nhanh chóng đền đáp.
Trong vòng một tháng kể từ khi Amazon ra mắt (1995), nó đã chuyển đơn đặt hàng đến tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ và 45 quốc gia khác nhau, theo cuốn sách của Stone, The Things Store: Jeff Bezos và Age of Amazon.
Trong 5 năm đầu tiên của Amazon, số lượng khách hàng đã tăng vọt từ 180.000 đến 17 triệu. Doanh số tăng vọt từ 511.000 đô la lên hơn 1,6 tỷ đô la.
Các nhà đầu tư tên tuổi đổ xô đến công ty giữa làn sóng dot com đầu tiên bùng lên. Vào năm 1997, Amazon huy động được 54 triệu đô la và biến Bezos, người từng tự tay đóng gói các đơn hàng sách, trở thành một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới trước tuổi 35.
Năm 1999, Tạp chí Time nói ông là một trong những người trẻ nhất từ ​​trước đến nay được mệnh danh là “Người của năm” và gọi ông là “vua của thương mại điện tử”.
Thử nghiệm
Được biết đến là một ông chủ kỹ tính, Bezos đã đưa Amazon đi đến một chiến lược dài hạn và “tập trung” vào khách hàng.
Trong thực tế, điều đó có nghĩa là công ty sẵn sàng chi tiền để kiếm tiền, đôi khi từ bỏ lợi nhuận hàng năm khi giảm giá, giao hàng miễn phí và dành nhiều năm để phát triển các thiết bị mới như máy đọc sách điện tử Kindle.
Nhưng Amazon cũng không ngần ngại tiết kiệm ở những nơi có thể, khiến nhân viên trụ sở phải trả tiền đỗ xe, chiến đấu với các nhà cung cấp, phản đối nỗ lực tổ chức các công đoàn lao động tại kho của mình và tránh thuế càng nhiều càng tốt.
Công ty đã trải qua một số thất bại, như đầu tư sớm vào các trang web như Pets.com mà sau đó bị mất tiền. Nhưng ngày nay, ngay cả những thứ đó trông giống như một dấu hiệu của tinh thần cạnh tranh không ngừng và sẵn sàng thử nghiệm.
Amazon dùng gói hàng giả để bắt kẻ trộm
Vợ cũ ông chủ Amazon “hiến nửa tài sản” cho từ thiện
Bình luận về tin Amazon ‘vào Việt Nam’
Amazon có doanh thu hơn 230 tỷ đô la vào năm 2018 và tuyển dụng gần 650.000 người trên toàn thế giới.
Nó cung cấp dịch vụ hậu cần, lưu trữ, cho vay và nền tảng bán hàng cho hàng trăm nghìn thương nhân bên thứ ba. Bộ phận điện toán đám mây của nó lưu giữ những khối lượng thông tin khổng lồ của thế giới doanh nghiệp trên các máy chủ dữ liệu.
Amazon cung cấp xương sống cho các công ty lớn như AirBnB và Netflix cũng như hơn một triệu khách hàng khác cùng nhau trao cho Amazon “quyền kiểm soát”.
Chỉ riêng trong năm nay, Amazon đã mua cổ phần hoặc mua lại các công ty chuyên về robot, quảng cáo và lái xe tự động, cũng như điện toán đám mây.
Và ban điều hành công ty cho biết họ luôn tìm kiếm các giao dịch khác, tham vọng và to lớn hơn.
Những phản ứng tiêu cực
Sự trỗi dậy của Amazon, dẫn đến sự lụi tàn của các nhà bán lẻ Sears, Toy ‘R’ Us và Barnes & Noble, đã khiến các nhà phê bình lo ngại về sức mạnh độc quyền, vấn đề thuế và hoạt động lao động – thậm chí là trách nhiệm của họ trong việc tăng giá bất động sản ở Seattle.
Amazon đã có kế hoạch đầy tham vọng để xây dựng một trụ sở lớn thứ hai ở New York, nhưng đã hủy bỏ kế hoạch này vì sự phản đối quyết liệt từ các chính trị gia tiểu bang và địa phương.
Vấn đề về ưu đãi thuế mà Amazon, một trong những công ty thành công nhất thế giới đang được hưởng lợi, là một chủ đề chung của giới phê bình.
Trước những chỉ trích đó, Bezos đã bắt đầu hiện diện công khai nhiều hơn trên Twitter, chia sẻ những bức ảnh của cha mẹ và video về những con chó bị trượt chân ở Na Uy.
Amazon cũng chiến đấu bằng tiền mặt, tăng gấp đôi cho việc vận động hành lang kể từ năm 2014 lên khoảng 14,4 triệu đô la vào năm ngoái, theo OpenSecrets.org.
Lời chỉ trích trên Twitter
Bất chấp những nỗ lực đó, Amazon có một nhà chỉ trích mà họ không dễ thu phục: Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Trump trên Twitter đã cáo buộc Amazon sử dũng mức giá vận chuyển quá thấp từ Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump cũng thường xuyên gắn liền các hoạt động của Amazon với Washington Post, mặc dù tờ báo là một khoản đầu tư tư nhân, độc lập của Bezos, người đã mua nó vào năm 2013.
Với khối tài sản trị giá gần 160 tỷ USD, Bezos 55 tuổi cũng phải đối mặt với các câu hỏi về hoạt động từ thiện tương đối hạn chế của mình.
Tháng 9 năm ngoái, người đàn ông giàu nhất thế giới tuyên bố sẽ trao 2 tỷ đô la tài trợ cho một mạng lưới trường mầm non và giải quyết tình trạng vô gia cư ở Mỹ.
Nhưng thay vì được hoan nghênh, cam kết của người sáng lập Amazon đã gặp phải sự chỉ trích dữ dội.
Bezos đã nói rằng cách ông tham gia hoạt động từ thiện khác với hoạt động kinh doanh của mình, ông tập trung vào hiệu tác động tức thời thay vì những cái mang tính lâu dài.
Thế giới sẽ chờ xem liệu chiến lược mới có còn thành công hay không.
Bài viết này đã được chuyển thể từ một bài viết gốc của Natalie Sherman, phóng viên mảng kinh doanh, New York.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48891560

Google phủ nhận việc giúp quân đội TQ

Google đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng họ đã giúp quân đội Trung Quốc sau khi công ty công nghệ này cho chuyên gia của mình tham gia vào một nghiên cứu mà kết quả của nó có thể được sử dụng để tăng cường độ chính xác của máy bay chiến đấu tàng hình mới mà Bắc Kinh dự định phát triển, theo SCMP.
Một nhà khoa học hàng đầu của Google đã tham gia vào một chương trình nghiên cứu tại Bắc Kinh với các ứng dụng bao gồm quân sự, y học và giáo dục, theo thông tin từ viện khoa học lớn nhất thuộc chính phủ Trung Quốc. Kết quả nghiên cứu này đã được thể hiện trong một bài báo khoa học.
Google xác nhận họ có liên quan tới nghiên cứu này nhưng phủ nhận việc giúp quân đội Trung Quốc. “Bài báo này đề cập đến một câu hỏi nghiên cứu rất chung chung trong thiết kế các trải nghiệm của người dùng về cách họ tương tác với các đối tượng di chuyển trên màn hình cảm ứng”, người phát ngôn của Google cho biết hôm thứ Tư. “Bài báo này đơn giản là không liên quan tới các ứng dụng quân sự”.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/29123-google-phu-nhan-viec-giup-quan-doi-tq.html

Thương mại

không phải là vấn đề duy nhất của Mỹ-Trung

Bất kỳ thỏa thuận nào đạt được gần đây giữa hai ông Trump-Tập chắc chắn sẽ chỉ là ngắn hạn, bởi sự hợp tác Mỹ-Trung nhằm hội nhập kinh tế đã bị thay thế hoàn toàn bằng sự cạnh tranh.
Tại cuộc họp bên lề G20 ở Osaka, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được thỏa thuận nối lại các cuộc đàm phán thương mại, vốn đã bị đình chỉ hồi đầu tháng 5 do Washington tố Bắc Kinh “rút lại thỏa thuận”.
Như một phần trong thỏa thuận mới đạt được, Mỹ sẽ tạm ngừng áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc nhập vào nước này, song những khoản áp thuế trước đó vẫn được giữ nguyên. Ngoài ra, Mỹ cũng nhượng bộ Trung Quốc ở vấn đề Huawei, để đổi lại Bắc Kinh sẽ mua thêm hàng nông sản của nước này.
Khi các cuộc đàm phán được đề xuất một cách nghiêm túc, vậy các động lực chính nào sẽ có khả năng định hình lại các cuộc thảo luận sẽ diễn ra sắp tới?
Theo SCMP, Trung Quốc đã nhận ra một số chính sách trước đây không còn phù hợp với hiện tại. Một số nhượng bộ sẽ là cần thiết để mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương tránh đi vào tình trạng xấu hơn, và sự gián đoạn của thương mại Mỹ-Trung sẽ có kết quả tồi tệ.
Một số trong những nhượng bộ này, chẳng hạn như Trung Quốc quyết định mua thêm đậu nành hoặc khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ sẽ tương đối dễ dàng vì những mặt hàng này có vô vàn lý do để nhập khẩu. Còn trong các lĩnh vực khó khăn hơn, như các chính sách về công nghệ, Trung Quốc hiểu rằng họ sẽ phải thực hiện một vài điều chỉnh. Nhưng Trung Quốc chắc chắn sẽ không làm bất cứ điều gì có khả năng hạn chế việc theo đuổi các mục tiêu phát triển kinh tế.
Sự thành công hay thất bại của các cuộc đàm phán hiện nay sẽ xoay quanh việc liệu các nhượng bộ trong chính sách công nghiệp mà Bắc Kinh đưa ra có đủ để thỏa mãn yêu cầu của Washington hay không. Tuy nhiên, chính từ lần trước khi Bắc Kinh rút lại các nhượng bộ đã đưa ra dẫn tới sự đổ vỡ các cuộc đàm phán hồi đầu tháng 5, đã cho thấy việc phản đối quá nhiều sự thỏa hiệp đang ngày càng gia tăng trong nội bộ Trung Quốc.
Trong khi đó tại Mỹ, những cân nhắc về chính sách lại đang là trọng tâm. Hiện giới chức Nhà Trắng sẽ đánh giá mọi quyết định chính trị dựa trên việc những quyết định đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào với chiến dịch tái tranh cử của ông Trump. Một thỏa thuận thương mại được ký kết giữa Mỹ-Trung sẽ cho người dân Mỹ thấy được “sự chiến thắng” với những lợi ích mà nước Mỹ sẽ nhận được.
Nhưng nếu thỏa thuận thương mại trên chỉ mang lại ít lợi ích cho Mỹ, thì sẽ khiến ông Trump chịu sự chỉ trích từ phía Đảng Dân chủ rằng tổng thống đã quá “mềm mỏng” với Trung Quốc, và điều này sẽ gây bất lợi cho việc ông Trump tái tranh cử.
Tuy nhiên các chuyên gia thuộc SCMP nhận định, bất kể các cuộc thảo luận từ nay trở đi có diễn ra như thế nào, thì Bắc Kinh chắc chắn đã tiếp thu được một bài học rằng: Trung Quốc không còn có thể cho phép mình phụ thuộc vào Mỹ ở các lĩnh vực công nghệ quan trọng, nhất là khi những công nghệ đó phục vụ cho các mục tiêu phát triển của nước này.
Việc chính quyền Washington quyết định cấm các tập đoàn công nghệ như Huawei và ZTE được tiếp cận ngành công nghệ điện tử của Mỹ đã làm lộ ra điểm yếu công nghệ của Trung Quốc, đồng thời tạo ra sự phẫn nộ sâu sắc tới từ các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh.
Trung Quốc có rất nhiều biện pháp để có thể thu hẹp khoảng cách về công nghệ. Tuy nhiên cái khó ở đây là cách Bắc Kinh sử dụng những biện pháp này như thế nào mà vẫn có thể khiến cho Washington chấp nhận tiến tới ký kết một thỏa thuận thương mại.
Mỹ cấm Huawei và ZTE đã làm lộ ra điểm yếu công nghệ của Trung Quốc
Từ đầu những năm 2000 cho đến vài năm gần đây, các chính sách thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc khá hòa nhã. Nhìn chung, sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn giữa Mỹ-Trung rất đáng mong đợi, cả về những cân nhắc về mặt kinh tế lẫn cả địa chiến lược. Tuy nhiên những chính sách này hiện nay hoàn toàn biến mất tại Mỹ.
Thay vào đó, người Mỹ hiện cho rằng cán cân đang nghiêng về phía Trung Quốc, với vấn đề thương mại và sự đầu tư đã mang lại nhiều lợi ích khổng lồ cho Trung Quốc và có rất ít lợi ích, thậm chí gây ra nhiều bất lợi cho Mỹ. Sự hội nhập kinh tế hiện không còn là mục tiêu. Trên thực tế, nhiều người Mỹ đang kêu gọi hủy bỏ sự hội nhập như vậy.
Rõ ràng, vấn đề duy nhất hiện nay đang tạo ra sự đoàn kết cho hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ, đó là sự cần thiết cho một đường lối cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Và những điều này không phải do ông Trump tạo ra, và sẽ còn tồn tại rất lâu so với nhiệm kỳ của người đứng đầu Nhà Trắng.
Tờ SCMP cho rằng, sẽ có những lĩnh vực mà thương mại và đầu tư giữa hai nước có thể phát triển và mang lại lợi ích chung. Nhưng với những khác biệt lớn của các hệ thống kinh tế đã có thể chứng minh điều này là không thực tế. Các cuộc thảo luận hiện đã nối lại sẽ có thể là cơ hội để Mỹ-Trung bắt đầu quá trình xác định lại mối quan hệ phù hợp hơn với thực tế và có thể đáp ứng được yêu cầu của cả hai nước. Điều này có thể không được thực hiện nhanh chóng, nhưng nó mang lại nhiều lợi ích tốt nhất cho cả hai nước.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29121-thuong-mai-khong-phai-la-van-de-duy-nhat-cua-my-trung.html

Mỹ ‘sẵn sàng’ phòng thủ chung

nếu Philippines bị tấn công

Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim tuyên bố nước này sẽ “sẵn sàng” thực hiện trách nhiệm của mình theo Hiệp ước phòng thủ chung (MDT) với Philippines sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines ở Biển Đông.
“Theo Hiệp ước phòng thủ chung, những gì tôi có thể nói là nhắc lại điều Ngoại trưởng [Mỹ] [Mike] Pompeo đã làm rõ trong chuyến thăm Philippines cách đây vài tháng”, ông Kim cho giới phóng viên hay tại Manila hôm 3.7, theo báo Philippine Daily Inquirer hôm nay 4.7.
“Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu công vụ của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt trách nhiệm phòng thủ chung theo điều 4 của Hiệp ước phòng thủ chung của chúng ta”, Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố ở Manila hôm 1.3.
Đại sứ Kim nhấn mạnh: “Nếu có một cuộc tấn công vũ trang chống lại lực lượng, máy bay và tàu công vụ của Philippines, nó sẽ kích hoạt trách nhiệm của chúng tôi theo Hiệp ước phòng thủ chung và chúng tôi sẵn sàng làm điều đó”.
Ông Kim đưa ra tuyên bố trên sau khi Thượng nghị sĩ Philippines Panfilo Lacson kêu gọi vận dụng MDT theo sau vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Gem-Ver 1 của Philippines ở Biển Đông tối 9.6. MDT được Mỹ và Philippines ký kết vào năm 1951, quy định cả hai bên
cần hành động để đáp lại mối đe dọa chung trong trường hợp một trong hai bị tấn công vũ trang ở khu vực Thái Bình Dương.
Cũng theo Đại sứ Kim, Mỹ tiếp tục tiến hành các hoạt động nhằm duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông để “làm rõ với tất cả quốc gia, kể cả các bên tranh chấp, rằng chúng tôi sẽ làm điều cần thiết để bảo vệ những quyền lợi quốc tế đó”.
http://biendong.net/bi-n-nong/29119-my-san-sang-phong-thu-chung-neu-philippines-bi-tan-cong.html

Mỹ – Trung đình chiến,

khoảng lặng trong mắt bão

Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí đình chiến thương mại sau cuộc gặp của lãnh đạo hai nước bên lề hồi nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật cuối tuần qua thực tế chỉ như “khoảng lặng trong mắt bão”.
Đó là nhận định của các chuyên gia phân tích tại Ngân hàng Mỹ Merrill Lynch (BoAML) trong đánh giá giữa năm của họ về các triển vọng kinh tế cho năm 2019 và xa hơn thế.
Báo cáo đánh giá triển vọng đó nhìn chung rất ảm đạm, bao gồm cả sự điều chỉnh giảm đối với dự báo tăng trưởng toàn cầu và nhận định rằng tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “khó có khả năng kết thúc sớm”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 1/7, Ethan Harris, Trưởng ban Kinh tế học toàn cầu của BoAML cho biết, các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư này coi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung sẽ tiếp tục là “câu chuyện lớn” của năm tới, giống như những gì đã xảy ra hồi năm ngoái.
Tạp chí Fortune dẫn lời Aditya Bhave, một chuyên gia kinh tế toàn cầu cấp cao tại BoAML mô tả việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí đình chiến là sự tái lặp của hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires hồi tháng 12/2018, khi hai bên thống nhất ngưng áp thêm các đòn trừng phạt bổ sung với bên kia nhưng không gỡ bỏ các hàng rào thuế quan đã triển khai hoặc đi đến một giải pháp dài hạn.
Dù hội nghị thượng đỉnh Osaka đã mang lại một số tiến bộ, đáng chú ý nhất là việc nới lỏng các cấm vận đối với tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, một lần nữa cho phép doanh nghiệp này giao dịch với các nhà cung cấp Mỹ, nhưng các nhà kinh tế coi đây là một tình huống “không đau đớn, không thỏa thuận”, trong đó không nước nào có động lực đạt một thỏa thuận thương mại khi các điều kiện kinh tế vẫn ổn định.
“Cả hai bên cần bị thúc bách vì các dấu hiệu cơn đau trong thị trường, trong nền kinh tế và cả mặt chính trị. Với sức mạnh của các thị trường và nền kinh tế cũng như lập trường thích nghi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chúng tôi không nghĩ hai bên hiện có đủ động lực”, ông Bhave nhấn mạnh.
Tuy nhiên, các điều kiện kinh tế dường như đang suy yếu khắp toàn cầu. BoAML đã cắt giảm dự báo tăng trưởng hầu như khắp mọi nơi do ảnh hưởng của chiến tranh thương mại và các yếu tố kinh tế, chính trị khác. Ngân hàng đầu tư này cũng điều chỉnh đánh giá triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ ở mức 2,4% cho năm 2019 và 1,6% cho năm 2020, viện dẫn các tác động giảm dần của những biện pháp kích thích tài chính từ chính quyền ông Trump.
Các nhà kinh tế cũng bày tỏ lo lắng rằng, cuộc chiến thương mại đang diễn ra sẽ dẫn đến “cái chết vì một ngàn nhát cắt”, vốn không chỉ do việc áp thuế nhập khẩu diện rộng mà còn cả việc Bộ Thương mại Mỹ khuyến khích “bất kỳ công ty nào tin họ bị đối xử bất công bằng nên làm đơn khiếu nại [thương mại]“.
Tháng 5 vừa qua đã chứng kiến sự bùng nổ các khiếu nại như vậy của các doanh nghiệp Mỹ, với 11 vụ việc khác nhau nhắm vào lượng hàng hóa nhập khẩu từ nhiều nước, bao gồm cả Trung Quốc, Đức, Mexico, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp, trị giá tổng cộng 4 tỉ USD. Theo ông Harris, các đề xuất đánh thuế trừng phạt đối với những mặt hàng nhập khẩu đó vào thị trường Mỹ thường lên tới hàng trăm %.
Trong khi đó, quan điểm ôn hòa hơn của FED về lãi suất nhiều khả năng sẽ chỉ đẩy tranh chấp thương mại đi xa hơn nữa và không còn thúc bách chính quyền Trump đạt thỏa thuận nhằm xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế.
Cụ thể, theo giải thích của ông Harris, quan điểm của FED đang giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng nhưng đồng thời cũng giảm bớt áp lực với chính quyền ông Trump. Điều đó đồng nghĩa, chiến tranh thương mại sẽ tiếp tục leo thang vì Washington không cảm thấy bất cứ cơn đau nào của thị trường hay nền kinh tế trong bối cảnh ấy.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29118-my-trung-dinh-chien-khoang-lang-trong-mat-bao.html

Venezuela : Biểu tình trong ngày lễ độc lập

Ngày 5 tháng 7 là quốc khánh Venezuela. Trong khi những người ủng hộ tổng thống Maduro ăn mừng ngày độc lập, thì những người chống Maduro xuống đường tuần hành đòi nhân quyền. Các cuộc biểu tình chống chế độ Maduro tuy nhiên đã suy yếu nhiều so với những tháng trước.
Thông tín viên RFI tại  Caracas,Benjamin Delille ghi nhận trong đoàn biểu tình chống Maduro:
Đại lộ Francisco de Miranda luôn là điểm hẹn của những người trung thành với Juan Guaido. Ở đây không có lễ mừng quốc khánh mà là những khẩu hiệu chống tra tấn, sát hại vì động cơ chính trị.
Ana, một phụ nữ tuổi trạc tứ tuần tỏ vui mừng về bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc về vi phạm nhân quyền ở Venezuela. Theo bà thì đây là một bước tiến.
Đó là dịp để cả thế giới biết được điều gì đang diễn ra ở Venezuela. Đây sự hỗ trợ thực sự chúng tôi từ phía một định chế quốc tế có tiếng và được đánh giá cao ».  
Cách không xa Ana, anh Fernando, khuôn mặt có vẻ suy tư, không tỏ ra phấn khích như đa số người biểu tình. Ông cho biết : « Nhiều người nghĩ rằng với bản báo cáo này là mọi việc xong xuôi, chính phủ sẽ đổ. Không đâu ! Chính phủ này là một tổ chức của những kẻ phạm pháp, chúng sẽ mất rất nhiều.
Vì thế tôi nghĩ bọn họ sẽ không bao giờ tự ra đi. Tôi cho rằng kết cục sẽ không tốt đẹp đâu, sẽ phải là một cuộc chiến đấu dữ dội ».
Theo Fernando,  đoàn biểu tình tản mạn chỉ vài trăm người,  khi Juan Guaido phát biểu thì có hàng nghìn người. Vẫn còn xa mới bằng các cuộc biểu tình khổng lồ hồi đầu năm nay.
Anh hiểu rõ nối thất vọng của người dân: « Ưu tiên là có cái cho trẻ em ăn hơn là ra ngoài biểu tình. Ưu tiên là tìm được nước để tồn tại hơn là ra ngoài biểu tình. Trong khi họ tìm kiếm thức ăn, nước uống, khí đốt, người ta không có thời gian nghĩ đến đi biểu tình ».
Có điều là đối với những người đổ ra đường phố trong ngày Quốc khách hôm nay, không có chuyện họ buông tay đấu tranh, cho dù có phải chờ đợi nhiều tháng nữa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190706-venezuela-bieu-tinh-trong-ngay-le-doc-lap

Chiến dịch chống ma tuý của Philippines

có thể bị LHQ điều tra

Hơn hai chục quốc gia chính thức kêu gọi Liên Hiệp Quốc tiến hành điều tra hàng ngàn vụ giết người diễn ra trong thời gian TT Philippines Rodrigo Duterte tiến hành cuộc chiến chống ma tuý, các nhà hoạt động cho biết.
Hãng tin Reuters tường thuật rằng Iceland đã trình một dự thảo nghị quyết được phần lớn các quốc gia Châu Âu ủng hộ. Bản nghị quyết này thúc giục chính quyền Duterte hãy ngăn chặn các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, đánh dấu lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền LHQ đã được yêu cầu lên tiếng về cuộc khủng hoảng này.
Chính quyền Duterte nhấn mạnh rằng hơn 5.000 nghi phạm buôn ma tuý bị giết trong các chiến dịch chống ma túy đều chống lại cảnh sát khi bị vây bắt.
Tuy nhiên các nhà hoạt động nói ít nhất 27.000 người đã bị sát hại kể từ khi ông Duterte đắc cử năm 2016, khi ông vận động sự ủng hộ của cử tri với những lời hứa hẹn sẽ tiêu diệt tội phạm.
Vẫn theo giới hoạt động thì một trong những nạn nhân mới nhất của chiến dịch này là bé Myka, ba tuổi, bị bắn trúng trong một vụ tấn công của cảnh sát.
Ellecer “Budit” Carlos, thành viên của nhóm iDefend có trụ sở tại Manila nói với Reuters: “Trong bối cảnh một cuộc xung đột phi vũ trang, đây rõ ràng là trường hợp tệ hại nhất trên thế giới về các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật.”
Vào ngày 12/07 tới, Hội đồng Nhân quyền LHQ có trụ sở tại Geneva dự kiến sẽ bỏ phiếu về nghị quyết này. Philippines nằm trong số 47 quốc gia thành viên của hội đồng.
Đại sứ của một nước Châu Á không tiết lộ danh tính nói với Reuters rằng nước ông sẽ không ủng hộ nghị quyết này: “Có những thứ còn tồi tệ hơn nhiều đang diễn ra trên thế giới.”
Bộ trưởng Tư Pháp Philippines Menardo Guevarra tuyên bố hôm 05/07 rằng chính phủ nước ông không cần bất kỳ ai lên tiếng đòi chấm dứt các vụ hành quyết ngoài vòng pháp luật, bởi vì Philippines không có chính sách tiêu diệt các nghi phạm không chống cự lại.
Ông Guevarra nói:
“Chính phủ của chúng tôi sẵn sàng đối mặt với bất kỳ chất vấn nào nếu điều đó là cần thiết để thay đổi quan điểm của những người chỉ nghe theo những thông tin mang tính chọn lọc, nếu không muốn nói là chủ quan theo kiểu ‘hóng hớt’”.
https://www.voatiengviet.com/a/chien-dich-chong-ma-tuy-cua-philippines-co-the-bi-lhq-dieu-tra/4988351.html

Liên Hiệp Quốc kêu gọi ngừng bắn tại Libya

Thu Hằng
Khoảng 1.000 người thiệt mạng từ ba tháng nay tại Libya trong các đợt giao tranh giữa các phe đối lập gần thủ đô Tripoli. Trước tình trạng này, ngày 05/07/2019, Liên Hiệp Quốc kêu gọi các bên khẩn cấp ngừng bắn và giảm leo thang căng thẳng.
Ngoài ra, trong thông cáo được thảo luận hôm 03/07, các nước thành viên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng « lên án » vụ tấn không kích ngày 02/07 vào một trại tạm giữ người nhập cư ở Tajoura, ngoại ô thủ đô Tripoli, khiến 53 người nhập cư bị thiệt mạng, trong đó có 6 trẻ em.
Từ ngày 04/04, các đội quân của thống chế Haftar, đối lập với chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) ở Tripoli, đã tiến hành nhiều đợt tấn công để chiếm quyền kiểm soát thủ đô. Theo thẩm định của Tổ Chức Y tế Thế Giới, các vụ tấn công trên không và trên bộ đã khiến 100.000 người phải tha hương, khoảng 1.000 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương trong các vụ giao tranh ở cửa ngõ dẫn vào Tripoli.
Ngoài bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền đang xuống cấp ở Libya, khác với những bản tuyên bố trước, Hội Đồng Bảo An yêu cầu các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc « không được can thiệp vào cuộc xung đột và không đưa ra những biện pháp làm tình hình nghiêm trọng hơn ». Lời kêu gọi này nhằm nhắc đến tình trạng vi phạm « lệnh cấm vận » có từ năm 2011 đối với Libya. Kể từ khi quân đội của thống chế Haftar phản công, vũ khí từ nước ngoài được ồ ạt giao cho cả hai phe.
AFP nhắc lại, tướng Haftar được Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất yểm trợ và nhận được sự ủng hộ ít nhất về mặt chính trị của Nga và Mỹ. Pháp được cho là thiên về thống chế Haftar nhưng luôn bác bỏ lập luận này.
Thủ tướng Fayez al-Sarraj của chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tại Tripoli nhận được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Ý dường như cũng thiên về chính phủ GNA.
Cả hai phe đối lập Libya đều tin rằng có thể giành được chiến thắng nhờ vào sự ủng hộ từ các nước trên thế giới, hiện bị chia rẽ về hồ sơ Libya.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190706-lien-hiep-quoc-keu-goi-ngung-ban-tai-libya

Nước Anh đang bị ‘suy sụp thần kinh chính trị’

Nước Anh đang trải qua một cơn “suy sụp thần kinh chính trị”, cựu giám đốc cơ quan tình báo Anh nói với BBC.
Ông John Sawers nói Anh quốc có thể có một thủ tướng “không có lập trường mà chúng ta đã quen trong vai trò lãnh đạo cao nhất của chúng ta,” một chỉ trích được đưa ra với hai ứng viên lãnh đạo đảng Bảo thủ.
Cựu giám đốc MI6 cũng chỉ trích nhà lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn. Đồng minh của ông Boris Johnson, Iain Duncan Smith, phản bác lại nhận xét này, nói rằng “dân chủ có thể khiến ông ấy (John Sawers) sợ hãi”.
Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lo lắng khi chúng ta rời Liên minh châu Âu (EU), chúng ta có một rủi ro rất lớn đối với vị thế quốc tế của chúng ta, đối với sức mạnh của nền kinh tế AnhJohn Sawers
Brexit: EU sẽ có ‘mùa thu nóng’ vì Thủ tướng Anh?
Johnson và Hunt đua chặng cuối vào ghế thủ tướng Anh
Thay Theresa May, đảng Bảo thủ Anh chọn lãnh đạo ra sao?
Bình luận của cựu lãnh đạo tình báo Anh được đưa ra khi hai ông Jeremy Hunt và Boris Johnson đang tranh đấu với nhau để trở thành nhà lãnh đạo tiếp theo của Đảng Bảo thủ.
Động thái diễn ra tiếp sau một bài báo trên tờ The Times, trích dẫn lời các quan chức cao cấp giấu tên, cho rằng ông Corbyn “quá yếu” để trở thành thủ tướng “về thể chất hoặc tinh thần”.
Phát biểu trong chương trình Today của BBC hôm 06/7/2019, ông John Sawers nói:
“Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị ở Anh.
“Chúng ta có các thủ tướng tiềm năng đang được Đảng Bảo thủ bầu ra, [và] trong hình thức lãnh đạo phe đối lập, những người không có lập trường mà chúng ta đã quen trong vai trò lãnh đạo cao nhất của chúng ta.
Cựu thủ tướng David Cameron đã “không khôn ngoan” khi mở cuộc trưng cầu dân ý về EU vào năm 2016John Sawers
“Liệu mọi người có thể phát triển điều đó khi trở thành thủ tướng hay không, chúng ta sẽ phải chờ xem, về mặt các ứng cử viên cho vị trí lãnh đạo của đảng Bảo thủ.”
Lời bình luận của cựu lãnh đạo MI6 được đưa ra sau khi có tin nói phủ thủ tướng Anh ở 10 Downing Street cố gắng giữ các thông tin nhạy cảm tới ông Boris Johnson, khi ông còn là ngoại trưởng.
Điều này được hiểu là có những lo ngại về khả năng giữ bí mật thông tin của ông Johnson. Các nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ nói các tin tức này là “không đúng sự thật”.
‘Chia rẽ tệ hại’
Trong cuộc trao đổi thẳng thắn đáng ngạc nhiên, ông John Sawers nói có những lo ngại ở về hướng đi mà đất nước đang hướng tới.
“Tôi nghĩ rằng có rất nhiều lo lắng khi chúng ta rời Liên minh châu Âu (EU), chúng ta có một rủi ro rất lớn đối với vị thế quốc tế của chúng ta, đối với sức mạnh của nền kinh tế Anh.”
Ông nói rằng cựu thủ tướng David Cameron đã “không khôn ngoan” khi mở cuộc trưng cầu dân ý về EU vào năm 2016.
Trên thực tế tôi nghĩ rằng chính ông ấy có thể đang trải qua một cuộc suy sụp thần kinh chính trịIain Duncan Smith
Cựu lãnh đạo tình báo cũng nói thêm rằng việc này đã khiến đất nước “bị chia rẽ nặng nề” và vị thế của Anh trên thế giới “bị suy giảm nghiêm trọng”.
“Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người đã cống hiến hết mình để phục vụ lợi ích của đất nước này quan tâm đến hướng đi của đất nước.”
Trước cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, ông Sawers nói rằng việc rời khỏi EU sẽ khiến Anh quốc “kém an toàn” hơn vì họ sẽ ngừng các quyết định về vấn đề “quan trọng” của việc chia sẻ dữ liệu.
Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Johnson, Iain Duncan Smith, một người cam kết theo phái Brexit, đã đáp trả những phát biểu của cựu giám đốc MI6.
“Trên thực tế tôi nghĩ rằng chính ông ấy có thể đang trải qua một cuộc suy sụp thần kinh chính trị.
“Thực tế là sự thể hiện của nền dân chủ cũng có thể đã khiến anh ấy sợ hãi một chút,” ông nói với chương trình Today của BBC.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48892743

Ngoại ngữ: Pháp có tiến bộ

nhưng vẫn đứng cuối nhiều bảng xếp hạng

Thùy Dương
Ngày 11/04/2019, CNESCO, Hội đồng quốc gia Pháp về đánh giá chính sách học đường, đã công bố một bản báo cáo về trình độ ngoại ngữ của học sinh Pháp. Theo kết quả nghiên cứu của CNESCO, mặc dù học sinh Pháp đã có nhiều tiến bộ trong việc học ngoại ngữ, nhưng kết quả vẫn còn thua các nước châu Âu khác rất nhiều.
CNESCO được thành lập năm 2013 nhằm đo lường, đánh giá chất lượng và hiệu quả của các chính sách giáo dục tại Pháp. Dưới sự lãnh đạo của nhà xã hội học Nathalie Mons, với nhiều mạng lưới nhà nghiên cứu, CNESCO đã đánh giá các chính sách học đường của Nhà Nước Pháp trong suốt hai chục năm qua, so sánh với chính sách của các nước láng giềng châu Âu về công tác giảng dạy ngoại ngữ trong trường học.
Học sinh Pháp đứng cuối nhiều bảng xếp hạng về trình độ ngoại ngữ
Chủ tịch CNESCO khẳng định với báo Libération rằng Pháp là một trong những nước đứng cuối bảng xếp hạng Surveylang của châu Âu về năng lực ngoại ngữ, kém rất nhiều so với các nước trong tốp đầu là Thụy Điển và Phần Lan, thậm chí thua cả các quốc gia Đông-Trung Âu như Hungary.
Mặc dù tất cả các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đều gặp khó khăn để đa phần học sinh đạt được trình độ chuẩn về ngoại ngữ theo quy định của Liên Âu, nhưng riêng về tiếng Anh, cho dù đó là về kỹ năng đọc hiểu, nghe hiểu hay diễn đạt viết thì Pháp cũng vẫn là nước mà học sinh gặp nhiều khó khăn nhất : Chỉ có 23% học sinh đạt chuẩn tiếng Anh ở cuối cấp 2, so với tỉ lệ trung bình 41% của Liên Hiệp.
Cũng như tại nhiều nước khác, ở Pháp, tiếng Anh vẫn là môn ngoại ngữ phổ thông. Theo một nghiên cứu quy mô lớn do Viện Education First tiến hành năm 2016 trên 950.000 người thuộc 72 nước về trình độ tiếng Anh như một ngoại ngữ, thì Pháp chỉ đứng ở vị trí 29, sau cả Rumani và Bosnia – Herzégovina.
Điều đáng thất vọng hơn là Pháp chỉ đứng thứ 22 trong số 26 nước châu Âu. 5 nước đầu bảng là các nước Bắc Âu : Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và Phần Lan. Tiếp theo là Luxembourg, Áo, Đức, Ba Lan và Bỉ. Tuy nhiên, điểm tích cực là so với kết quả năm 2015, Pháp đã vượt được 8 bậc trong bảng xếp hạng.
Còn theo nhà xã hội học Nathalie Mons, được báo Libération trích dẫn ngày 11/04, thì khả năng đọc hiểu tiếng Anh của học sinh Pháp, kể cả học sinh ở cuối bậc tiểu học và bậc phổ thông cơ sở, đều đã được cải thiện rất nhiều trong suốt 15 năm.
Tiến bộ của học sinh Pháp cũng được giảng viên tiếng Anh Frédérique Simpson Pharaboz khẳng định. Bà Pharaboz là giám đốc trung tâm ngoại ngữ Espace Langue của trường Đại học Paris Nord – Paris 13. Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, bà Pharaboz khẳng định :
« Đúng là nước Pháp đứng thứ hạng sau cùng trong nhiều bảng xếp hạng khác nhau về trình độ ngoại ngữ. Thế nhưng, trong những năm qua, người Pháp cũng đã có những tiến bộ thực sự, nhất là từ sau khi bộ Giáo Dục cho thực hiện « Kế hoạch đổi mới việc dạy học ngoại ngữ » từ năm 2006. Kế hoạch này, liên quan đến học sinh ở các cấp học từ trường phổ thông cơ sở đến bậc đại học, đặc biệt cho phép củng cố các kỹ năng giao tiếp của người học. Chúng tôi nhận thấy điều đó ở trường đại học, chẳng hạn các sinh viên làm chủ kỹ năng nghe hiểu tốt hơn là cách nay 10 năm. »
Hạn chế của học sinh Pháp
Điểm yếu của học sinh Pháp khi học tiếng Anh là ở kỹ năng nghe hiểu và diễn đạt nói. Vào cuối bậc tiểu học, chỉ có 54% học sinh hiểu được các câu hỏi và các câu nói đơn giản. 75% học sinh cuối bậc phổ thông cơ sở không thể nói tiếng Anh tương đối chuẩn xác. Tỉ lệ này đối với học sinh học tiếng Tây Ban Nha là 73% và 62% đối với học sinh học tiếng Đức. Giám đốc Pharaboz của trung tâm ngoại ngữ Espace Langue của trường Đại học Paris Nord – Paris 13 giải thích :
« Tiến bộ rõ nét nhất của học sinh là ở kỹ năng hiểu tiếng Anh. Hiện nay, khi chúng tôi đánh giá khả năng nghe hiểu của sinh viên, chúng tôi thấy rằng việc hiểu được người bản xứ nói gì đã trở nên dễ dàng với các em. Điều cần được cải thiện nữa là khả năng diễn đạt nói. Người Pháp vẫn thường có thái độ ngập ngừng khi nói, đây cũng là một vấn đề liên quan tới văn hóa, người dân các nước láng giềng của chúng ta diễn đạt nói đơn giản, dễ dàng hơn nhiều ».
Có lẽ khó khăn lớn nhất của người Pháp khi học tiếng Anh là phát âm chuẩn, đúng trọng âm. Giảng viên tiếng Anh Pharaboz cho biết thêm :
« Trọng âm trong tiếng Anh rất khó đối với người Pháp, bởi vì hai ngôn ngữ rất khác nhau: tiếng Anh là ngôn ngữ có trọng âm, trong khi tiếng Pháp là ngôn ngữ đọc theo âm tiết. Người Pháp dễ phát âm chuẩn tiếng Đức hay tiếng Ý hơn là so với tiếng Anh. Phát âm chuẩn tiếng Anh – Anh có thể khó hơn so với tiếng Anh – Mỹ. Về kỹ năng viết, các sinh viên có thể làm rất tốt, nếu họ chịu khó học và đọc tiếng Anh, họ có thể đạt một trình độ có thể nói là tốt. Kỹ năng viết không phải là vấn đề thực sự khó khăn, mà các học sinh và sinh viên Pháp cần tiếp tục cố gắng hơn nữa về kỹ năng diễn đạt nói. »
Cũng may mắn là hiện nay, với sự phát triển của internet, âm nhạc, điện ảnh, người Pháp cũng dễ tiếp cận với các tài liệu thực tế bằng tiếng Anh hơn. Chủ tịch Nathalies Mons của Hội đồng CNESCO giải thích là tiến bộ của học sinh Pháp cũng là nhờ tiếng Anh được sử dụng ngày càng nhiều trong cuộc sống hàng ngày tại Pháp. 91% học sinh lớp 9 cho biết các em thường xuyên nghe các ca khúc bằng tiếng Anh. Còn giám đốc Trung tâm ngoại ngữ của Đại học Paris 13 thì cho biết :
« Hiện nay thì chúng tôi không dạy ngoại ngữ theo cách như trước đây nữa, người học liên tục được tiếp xúc với các tài liệu thực tế, việc các loạt phim ra đời cũng có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các em hiểu được tiếng Anh. Điểm yếu trong hệ thống đào tạo của Pháp có thể nằm ở chỗ trình độ ngoại ngữ có liên quan rất mạnh với nguồn gốc xuất thân của học sinh. Tại Pháp, trình độ tiếng Anh là một chỉ dấu thực thụ cho thấy một người thuộc tầng lớp xã hội nào. »
Tại sao trình độ ngoại ngữ của học sinh Pháp vẫn khiêm tốn so với nhiều nước khác ?
Liệu có phải là do người Pháp không có khả năng học ngoại ngữ như nhiều người thường nghĩ ? Theo nhiều chuyên gia, ngôn ngữ của các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy … không được sử dụng nhiều bên ngoài lãnh thổ, nên học sinh các nước này có động lực mạnh để học ngoại ngữ. Trái lại, tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ được dùng nhiều trên thế giới, nên người Pháp dường như cũng có ít động lực học các ngôn ngữ khác. Hơn nữa, dân Pháp cũng rất tự hào về « ngôn ngữ của Molière » và tìm cách bảo vệ ngôn ngữ của dân tộc mình, nhiều người trong giới tinh hoa tự mãn khi chỉ nói «ngôn ngữ của Molière».
Nghiên cứu của CNESCO cũng chỉ ra rằng các nước đạt thứ hạng cao nói trên bắt đầu việc giảng dạy ngoại ngữ ở trường tiểu học rất sớm, từ những năm 1960-1970. Trong khi đó phải đến đầu những năm 2000, Pháp mới làm điều này. Có thể nói, Pháp là một trong những quốc gia triển khai dạy ngoại ngữ ở trường tiểu học muộn nhất Liên Hiệp Châu Âu. Phải đến năm 2016, việc dạy một ngoại ngữ cho học sinh lớp 1 mới được mở rộng ở trường tiểu học. Nhưng phải đến lên lớp 7 thì việc học thêm một ngoại ngữ thứ hai mới là bắt buộc đối với học trò tại Pháp.
Hiện nay, tuy rằng học sinh Pháp có số tổng số giờ học ngoại ngữ trong suốt 3 cấp học thuộc loại cao nhất châu Âu, nhưng Le Point ngày 11/04 trích dẫn nhà xã hội học Nathalie Mons, việc học ngoại ngữ của học sinh Pháp mới chỉ bắt kịp các quốc gia khác … trên giấy tờ. Trên thực tế, theo chủ tịch hội đồng CNESCO, điều quan trọng nhất và có lẽ là khó khăn nhất là cải thiện trình độ giáo viên, nhất là ở bậc tiểu học.
Báo Libération cho biết, theo một khảo sát trong năm 2016, hơn 80% giáo viên được hỏi khẳng định không được bồi dưỡng về giảng dạy ngoại ngữ trong vòng 5 năm trước đó. Ngoài ra, các trường học cũng có rất ít giáo trình ngoại ngữ.
Hội đồng CNESCO cũng lưu ý đến việc hiện nay ở trường tiểu học mới chỉ tập trung dạy cho học sinh từ vựng, chẳng hạn màu sắc, các ngày trong tuần. Các em cũng không được nghe nhiều để làm quen với cách phát âm. Các thầy cô cũng chưa khuyến khích các em nói, chú ý đến trọng âm, ngữ điệu …
Theo CNESCO, điều lý tưởng trong tương lai là học sinh được học một môn học bằng ngoại ngữ, chẳng hạn, toán, địa lý hay khoa học. Hội đồng cũng đề xuất áp dụng trở lại quy chế
theo đó trong các kỳ thi tuyển giáo viên, thí sinh phải thi môn ngoại ngữ. Môn thi này đã bị cắt từ năm 2007.
http://vi.rfi.fr/phap/20190621-ngoai-ngu-nguoi-phap-co-nhieu-tien-bo-nhung-van-dung-cuoi-nhieu-bang-xep-hang

RIA: Nga sẽ tiếp tay

tăng sức cho quân đội Venezuela

Nga dự kiến sẽ có những bước nhằm tăng cường sức mạnh cho các lực lượng quân đội Venezuela, hãng tin RIA trích lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói hôm 05/07.
Moscow là một đồng minh kiên cường của Tổng thống Nicolas Maduro, một nhân vật theo xã hội chủ nghĩa đang gặp nhiều nhiều thách thức. Ông Maduro được Nga và Trung Quốc hậu thuẫn, trong khi phần lớn các cường quốc phương Tây chống lưng cho lãnh đạo đối lập Juan Guaido.
Ông Ryabkov được trích lời nói :
”Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi chỉ đề cập cụ thể đến những hoạt động liên quan tới số trang thiết bị mà chúng tôi đã chuyển giao cho Venezuela.”
https://www.voatiengviet.com/a/nga-se-tiep-tay-tang-suc-cho-quan-doi-venezuela/4988394.html

Nga từ chối phá hủy những tên lửa mới

theo yêu cầu của NATO

Minh Anh
Tổng thư ký khối quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, Jens Stoltenberg, ngày 05/07/2019 cho biết một lần nữa Nga từ chối phá hủy những tên lửa mới được triển khai tại châu Âu và điều này vi phạm Hiệp ước về Tên lửa hạt nhân tầm trung INF được ký kết năm 1987.
Tại buổi họp báo, ông Jens Stoltenberg lấy làm tiếc rằng Matxcơva đã không cho thấy có chút thiện chí tuân thủ Hiệp ước vũ khí hạt nhân. Khối NATO yêu cầu Nga phá hủy hệ thống tên lửa mới SSC-8 của nước này trước ngày 02/08 ngày Hiệp ước INF hết hiệu lực do việc Hoa Kỳ tuyên bố rút ra khỏi hiệp ước vì nghi ngờ Nga đã vi phạm. Những loại tên lửa mới này được cho là có khả năng mang các đầu đạn hạt nhân, có thể bắn tới các thành phố châu Âu chỉ trong vòng có « vài phút » và rất khó phát hiện.
Theo tổng thư ký NATO, việc Nga từ chối phá hủy hệ thống tên lửa đó có nguy cơ gây ra những « hậu quả nghiêm trọng cho việc kiểm soát các loại vũ khí hạt nhân ». Ông cảnh báo, trong bối cảnh này, NATO không còn chọn lựa nào khác là phải « hành động », đồng thời khẳng định lập trường « Châu Âu không có ý định triển khai hệ thống tên lửa mới có gắn đầu đạn hạt nhân tại châu Âu ».
Ngay sau đó, phái đoàn đại diện Nga đã có phản ứng trong một thông cáo cho rằng buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho sự biến mất của hiệp ước vũ khí hạt nhân là « không chính đáng ».
Thông cáo khẳng định : Vì Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước, mà Nga « không có ý định triển khai hệ thống tên lửa tương tự tại châu Âu và nhiều vùng khác trừ phi các tên lửa tầm trung và ngắn của Mỹ được triển khai. Do vậy, chúng tôi yêu cầu các nước trong khối NATO cũng phải có một tuyên bố tương tự ! »
AFP nhắc lại bộ trưởng Quốc Phòng các nước thành viên khối NATO ngày 26/06/2019 đã thông qua một loạt biện pháp quân sự và chính trị, trong số này, biện pháp đáng chú ý nhất là tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190706-nga-tu-choi-pha-huy-nhung-ten-lua-moi-theo-yeu-cau-cua-nato

Ukraina bắt một nghi can

bị truy nã trong vụ máy bay MH17

Cơ quan an ninh Ukraina vừa tiết lộ đã bắt cóc một quân nhân ly khai ngay trong vùng miền Đông đưa về khu vực do Kiev kiểm soát. Nhân vật bị bắt là nghi phạm đang bị nhóm điều tra quốc tế truy nã vì dính líu vào vụ bắn rơi chiếc máy bay chở khách Boeing MH17 của Malaysia Airlines hồi tháng 7/2014 trên bầu trời miền Đông Ukraina.
Thông tín viên Sébastien Gobert tại Kiev :
Có ít chi tiết lộ ra ngoài về chiến dịch của đặc nhiệm Ukraina bắt giữ Volodymyr Tsemakh. Nhưng đáng chú ý là sự việc diễn ra giữa vùng đất ly khai. Quân nhân này bị bắt cuối tháng 6 tại Snizhne, một thành phố nhỏ nằm cách Donetsk 80 km. Để đưa đối tượng ra khỏi đó, lực lượng bắt cóc dường như đã phải đánh thuốc mê người bị bắt, đóng giả làm người tàn tật ngồi trên xe lăn, theo báo chí vùng ly khai.
Chiến dịch bắt giữ chứng tỏ quân Ukraina vẫn còn hoạt động trong vùng ly khai tuy đã bị chia cắt khỏi đất nước từ 5 năm nay do sự hỗ trợ mạnh mẽ của Nga.
Bắt giữ đem ra xét xử Volodymur Tsemakh có thể sẽ dẫn đến những phát hiện mới về vụ máy bay Boeing MH17 bị tên trúng lên lửa làm 298 người thiệt mạng hôm 17/07/2014. Cuộc điều tra bị vụn vặt bởi những nghi phạm chính hoặc đang trú tại Nga, hoặc bị mất tích.
Bản thân Volodymyr Tsemakh đã chính thức bị các nhà điều tra quốc tế truy nã. Mùa hè 2014, ông ta là chỉ huy một đơn vị phòng không địa phương. Mức độ tiến triển điều tra thảm họa giờ phụ thuộc vào số phận của ông ta được định đoạt thế nào.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190706-ukraina-bat-mot-nghi-can-bi-truy-na-trong-vu-may-bay-mh17

Algeri : Người dân biểu tình

đòi « bỏ tù » tổng tham mưu trưởng quân đội

Minh Anh
Hôm qua, 05/07/2019, đông đảo người dân Algeri đã xuống đường biểu tình đòi thay đổi hệ thống chính trị. Trong ngày thứ Sáu lần thứ 20 này, người biểu tình yêu cầu sự ra đi của tổng tham mưu trưởng quân đội.
Ông Ahmed Gaid Salah một lần nữa là đích ngắm chính của người biểu tình ngày hôm qua tại Algeri kể từ khi ông Bouteflika từ nhiệm. Những người phản đối trương biểu ngữ « Gaid Salah cuốn xéo », « Gaid Salah xéo đi với những kẻ phản bội ». Theo họ, tổng tham mưu trưởng quân đội hiện mới là người đang nắm giữ thực quyền.
Bên cạnh đó, người dân Algeri tiếp tục nhắc lại những đòi hỏi ngay từ những ngày đầu cuộc xuống đường : Thay đổi chế độ chính trị, một nhà nước dân sự và không có sự can dự của quân đội, một nước Algeri tự do và dân chủ. Người biểu tình còn yêu cầu trả tự do cho những người bị bắt giữ trong nhiều cuộc biểu tình trước đây.
Cuộc biểu tình có quy mô lớn ngày hôm qua trùng với dịp kỷ niệm 57 năm ngày Alegri được độc lập. Đây cũng là dịp người biểu tình bác bỏ đề xuất của tổng thống tạm quyền Abdelkader Bensalah về việc thành lập một cơ chế đối thoại, theo đó không có sự can dự của quân đội và nhà nước để tổ chức cuộc bầu cử tổng thống, lẽ ra phải được tổ chức vào ngày 04/07 vừa qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190706-algeri-nguoi-dan-bieu-tinh-doi-%C2%AB-bo-tu-%C2%BB-tong-tham-muu-truong-quan-doi

Iran doạ bắt tàu Anh

nhằm trả đũa vụ tàu dầu bị giữ

Một viên chỉ huy của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vừa lên tiếng đe doạ sẽ chặn bắt tàu mang quốc tịch Anh để đáp trả vụ Hải quân Hoàng gia Anh bắt giữ một chiếc tàu chở dầu của Iran tại Gibraltar.
Trên trang Twitter của mình, ông Mohsen Rezai nói hôm 05/07 :“Nếu Anh không thả tàu dầu của Iran, chính phủ Iran có trách nhiệm phải chặn giữ tàu dầu của Anh.”
Chính quyền Gibraltar cho biết thủy thủ đoàn của tàu dầu Grace 1 đang được thẩm vấn với tư cách là nhân chứng, chứ không phải nghi phạm, trong một nỗ lực nhằm xác minh tính chất cũng như điểm đến cuối cùng của hàng hoá trên tàu.
Lực lượng Thuỷ quân lục chiến Hoàng gia Anh đã đu dây nhảy xuống tàu dầu của Iran trong bóng đêm dày đặc khi con tàu đang di chuyển ở ngoài khơi Gibraltar, và chiếm quyền kiểm soát con tàu.
Động thái này làm tăng căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây, chỉ vài tuần sau khi Hoa Kỳ hủy các cuộc không kích nhắm vào Iran vào phút chót, kéo đồng minh thân cận của Washington vào một cuộc khủng hoảng trong khi các cường quốc Châu Âu vẫn cố gắng duy trì lập trường trung lập.
Tehran đã triệu đại sứ Anh hôm 04/07 để “kịch liệt phản đối vụ giữ tàu bất hợp pháp và không thể chấp nhận được” nhắm vào tàu dầu của Iran. Hành động này của Iran cũng đã xoá tan những ngờ vực về quốc tịch của con tàu bị chặn bắt.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Abbas Mousavi cho biết chiếc tàu chở dầu thô đến từ Iran, mặc dù giấy tờ trên tàu cho thấy nó thuộc sở hữu của quốc gia láng giềng Iraq.
Kề từ năm ngoái, các quốc gia Châu Âu đã có những bước thận trọng trong quan hệ với Iran, sau khi Hoa Kỳ, bất chấp những lời can ngăn của các đồng minh Châu Âu, nhất mực rút ra khỏi hiệp ước giữa Tehran và các cường quốc. Hiệp ước này cho phép Iran tiếp cận thị trường thương mại quốc tế, để đổi lại việc hạn chế chương trình hạt nhân.
Trong suốt hai tháng qua, Washington đã siết chặt các đòn trừng phạt chống lại Tehran với mục tiêu bóp nghẹt nguồn dầu xuất khẩu của nước này. Những động thái này của Hoa Kỳ gần như đã đẩy Iran ra khỏi thị trường chính thống, buộc quốc gia Hồi giáo này tìm những cách “luồn lách” để bán dầu thô.
Tàu Grace 1 bị khống chế trong vùng lãnh hải thuộc Anh nằm ở cực nam của Tây Ban Nha sau khi trải qua một hành trình dài từ Trung Đông, vòng qua Châu Phi tới vùng Địa Trung Hải. Quãng đường này cho thấy những nỗ lực bất thường của phía Iran như cố để duy trì dòng dầu xuất khẩu.
Chính quyền Gibraltar cho biết họ có cơ sở để tin rằng con tàu Grace 1 đang chở dầu thô tới một nhà máy lọc dầu đóng tại Syria. Đây là một hành động vi phạm các biện pháp chống bán dầu cho Syria mà Liên minh Châu Âu áp đặt kể từ năm 2011.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-doa-bat-tau-anh-nham-tra-dua-vu-tau-dau-bi-giu/4988235.html

Triều Tiên lên án Mỹ dữ dội

Giới chức Triều Tiên cáo buộc Mỹ đang “nhất quyết” các hành động thù địch chống Bình Nhưỡng dù tuyên bố muốn đàm phán, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap.
Trong một tuyên bố phát đi ngày 3/7, phái bộ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York, Mỹ cho biết, Washington đã thể hiện rõ sự thù địch thông qua việc phát tán một bức thư kêu gọi thực thi các biện pháp trừng phạt của LHQ chống Bình Nhưỡng hôm 29/6, đúng vào ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tham dự cuộc gặp “ngẫu hứng” ở khu vực biên giới liên Triều.
Bức thư có cả chữ ký của đại diện Anh, Pháp và Đức đã được gửi tới mọi quốc gia thành viên LHQ, kêu gọi họ tuân thủ nghiêm các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an LHQ, vốn đòi hỏi phải hồi hương tất cả công nhân Triều Tiên đang lao động ở nước ngoài vào ngày 22/12 tới đây. Các đại diện ngoại giao Bình Nhưỡng nhấn mạnh, điều đó “phản ánh thực tế rằng Mỹ đang ngày càng nhất quyết về các hành động thù địch chống Triều Tiên, dù vẫn đề cập đến đối thoại Mỹ – Triều”.
“Điều không thể bỏ qua là thực tế rằng trò chơi thư chung này được phái bộ thường trực của Mỹ tại LHQ thực hiện theo chỉ thị của Bộ Ngoại giao, vào cùng ngày Tổng thống Trump đề xuất gặp thượng đỉnh”, trích tuyên bố của các đại diện ngoại giao Bình Nhưỡng.
Các nhà ngoại giao Triều Tiên cũng kêu gọi tất cả các nước “cảnh giác trước những nỗ lực có chủ ý của Mỹ nhằm phá hoại bầu không khí hòa bình đã tạo lập một cách không dễ dàng trên bán đảo Triều Tiên”.
Phản ứng dữ dội của Triều Tiên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Trump và ông Kim đã có cuộc tiếp xúc trực tiếp lần thứ ba ở khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách giữa Hàn Quốc và Triều Tiên hôm 30/6. Tại cuộc gặp mang tính biểu tượng này, hai nguyên thủ đã nhất trí khôi phục các cuộc đàm phán nhằm giải trừ hạt nhân Bình Nhưỡng.
http://biendong.net/bi-n-nong/29116-trieu-tien-len-an-my-du-doi.html

Biểu tình bạo lực ở Hong Kong:

bước leo thang nguy hiểm?

Bạo loạn đã xảy ra trong cuộc biểu tình ở Hong Kong hôm 1/7 đánh dấu một bước leo thang mà nhiều nhà quan sát cho là ‘nguy hiểm’ và sẽ tạo cái cớ cho chính quyền Hong Kong với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đàn áp mạnh mẽ hơn.
Trong khi đó, nội bộ những người biểu tình cũng có sự chia rẽ đối với hành động bạo lực này: nhiều người phản đối mạnh mẽ nhưng cũng có người bày tỏ cảm thông.
Hôm 1/7, nhân kỷ niệm 22 năm ngày chuyển giao chủ quyền Hong Kong từ Anh về cho Trung Quốc, khoảng 550.000 người (theo số liệu của các hãng thông tấn quốc tế) xuống đường tuần hành để tiếp tục gây sức ép lên chính quyền về dự luật dẫn độ.
Trong khi cuộc tuần hành chính diễn ra ôn hòa thì một số người biểu tình ngay từ buổi sáng hôm đó đã tấn công vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp (LegCo). Họ dùng các thanh sắt và xe đẩy tông vào cửa kính tòa nhà. Họ vào được bên trong, chiếm giữ hội trường chính trong một thời gian ngắn sau nhiều giờ đối đầu căng thẳng với cảnh sát bên ngoài LegCo.
Những người biểu tình này, phần lớn che mặt, đã phá hoại bên trong tòa nhà. Họ phun sơn vẽ những câu chống chính phủ lên tường và tung ra lá cờ của Hong Kong từ hồi còn là thuộc địa Anh trong hội trường chính. Đến nửa đêm thì họ rời đi khi cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay giải tán những con đường xung quanh.
‘Chỉ là thiểu số’
Trao đổi với VOA, nhà báo Đinh Quang Anh Thái của báo Người Việt, người vừa trở về Mỹ sau khi tham gia vào cuộc tuần hành ngày 1/7 ở Hong Kong, nói rằng những người có hành động bạo lực đó ‘chỉ là thiểu số’ trong cuộc biểu tình ‘có nhiều nhóm tham dự’.
“Một số người hoàn toàn chống lại hành vi bạo lực đó,” ông Thái nói và cho biết nội bộ người biểu tình còn có giả thiết là những người tấn công LegCo ‘là người do Hoa lục đưa qua trà trộn vào để làm hoen ố cuộc biểu tình hết sức ôn hòa’.
“Tôi chưa từng thấy cuộc biểu tình nào đông đảo mà mọi người lại giữ được kỷ luật như thế,” ông nhận định.
Tuy nhiên, ông cho biết có một người quản lý khách sạn mà ông hỏi chuyện nói là ‘đồng ý với hành động bạo lực đó vì đó là cách duy nhất để giải quyết tình hình hiện nay’.
“Tôi hỏi ông ấy nếu xảy ra đổ máu thì sao thì ông ấy nói là ‘Cái gì cũng có cái giá của nó’,” ông Thái kể.
“Dân chúng Hong Kong mà tôi hỏi chuyện thì họ có vẻ không vui lắm (với hành động bạo lực). Các nhóm luật sư và sinh viên thì nói ‘Dĩ nhiên không nên xảy ra chuyện như thế nhưng nếu tiếp tục thì không còn con đường nào khác hơn cả’,” ông cho biết.
Ông nhận định rằng nếu như vào đêm 1/7, bạo loạn ở Hội đồng Lập pháp diễn ra càng mạnh hơn thì ‘nhiều khả năng nhà cầm quyền Hong Kong sẽ dùng vũ lực để trấn áp’.
Khi được hỏi người biểu tình có mệt mỏi và có dấu hiệu chùn bước hay không khi phong trào đã kéo dài mà nhiều yêu sách của họ vẫn chưa được chính quyền chấp nhận, ông Thái cho biết là nhiều sinh viên Hong Kong mà ông gặp đều nói sẽ ‘chiến đấu đến cùng’.
Bị lên án
Hành động bạo lực tại LegCo ngay lập tức vấp phải sự lên án từ chính quyền Hong Kong, Bắc Kinh, các hội đoàn tại Hong Kong và ngay cả từ phía Mỹ.
Trong một cuộc họp báo hôm 2/7, Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam cam kết sẽ ‘buộc những người có hành vi bất hợp pháp và vi phạm pháp luật phải chịu trách nhiệm’.
Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Andrew Leung cho biết cơ quan lập pháp sẽ đóng cửa ít nhất hai tuần.
“Là một thành phố văn minh, Hồng Kông sẽ không dung thứ bạo lực chống lại pháp trị,” ông Leung nói với các báo giới, “Cho dù ý kiến có là gì đi nữa, không ai nên dùng đến bạo lực để mọi người biết đến quan điểm của mình.”
Các nhà lập pháp ủng hộ chính quyền đã hòa giọng lên án hành động tấn công này, đồng thời chỉ trích những người có thiện cảm với những kẻ tấn công.
“Việc đột nhập, phá hoại tại LegCo đã được nhiều người chứng kiến rõ ràng. Chúng tôi cùng nhau lên án mạnh mẽ nhất và kêu gọi cảnh sát truy trách nhiệm đến cùng,” lãnh đạo nhóm nghị sỹ ủng hộ chính quyền Martin Liao được Reuters dẫn lời nói.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và lãnh đạo cộng đồng, các nhà hoạt động và các học giả nói rằng hành động tấn công bạo lực và phá hoại trụ sở cơ quan lập pháp Hong Kong là ‘khó mà biện hộ’.
“Chúng tôi có thể hiểu tại sao nó bùng nổ, mặc dù chúng tôi hy vọng rằng có cách làm tốt hơn để chuyển sự phẫn nộ đó thành một chiến lược khác,” ông Lee Cheuk-Yan, tổng thư ký Liên đoàn Công đoàn Hồng Kông, và một người ủng hộ trung thành của phong trào biểu tình, được tờ Wall Street Journal dẫn lời, “Chúng tôi đã hy vọng rằng họ không đi đến mức đó, bởi vì chúng tôi biết có một cái bẫy ở phía trước họ.”
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng bác bỏ bạo lực thẳng thừng. Phòng Thương mại Mỹ tại Hong Kong trong một thông cáo hôm 2/7 nói rằnghọ ủng hộ quyền bày tỏ một cách ôn hòa, nhưng không thể dung dưỡng cho hành động bạo lực của người biểu tình.
Tờ Hoàn cầu Thời báo, một tờ báo có lập trường dân tộc chủ nghĩa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bình luận rằng những người biểu tình đã hành động xuất phát từ ‘sự kiêu ngạo mù quáng’ và ‘cơn thịnh nộ’ và tỏ ra ‘hoàn toàn coi thường luật pháp và trật tự’.
Cần thông cảm?
Tuy nhiên, một số người cũng nói rằng sự bất mãn đã khiến hàng ngàn người biểu tình trong trang phục đen tiến đến hành động vô luật pháp.
“Tôi hy vọng mọi người có thể thông cảm nhiều hơn. Hai triệu người đã xuống đường, nhưng chính quyền đã phớt lờ họ,” anh Joshua Wong, nhà lãnh đạo phong trào Cách mạng Dù năm năm trước vừa được ra tù, nói với Wall Street Journal.
“Các nhà hoạt động Hong Kong cảm thấy không có cách nào để thúc đẩy chính nghĩa của họ mà không có sự hy sinh cá nhân nào,” anh Wong nói với ý nhắc đến án tù dành cho những hành động bạo loạn. “Sự bất mãn như thế không chỉ xuất phát từ sự không khoan nhượng của chính quyền đối với các yêu cầu của người biểu tình, mà còn là từ sự thất vọng sâu xa hơn hơn đối với sự phân cách giàu nghèo Hong Kong.”
Wong cũng nhấn mạnh rằng hành động tấn công vào tòa nhà lập pháp cũng diễn ra đồng thời với 500.000 người biểu tình khác đang tuần hành ôn hòa gần đó. Anh nói điều đó cho thấy ‘sự đa dạng’ của phong trào.
“Chúng tôi không tán thành phá hoại, chúng tôi không dung túng cho bạo lực”, nhà lập pháp Claudia Mo thuộc phe ủng hộ dân chủ nói với Reuters. “Nhưng chúng tôi hy vọng thế giới sẽ hiểu được sự tuyệt vọng của giới trẻ ở Hồng Kông.”
Tạo cớ trấn áp?
Ông Kenneth Ka-Lok Chan, phó giáo sư Đại học Baptist Hồng Kông và từng là nghị sỹ Đảng Công dân ủng hộ dân chủ, cho rằng Bắc Kinh sẽ hậu thuẫn Hồng Kông tăng cường đàn áp hơn nữa.
“Họ phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng cảnh sát để khôi phục luật pháp và trật tự, vì vậy cảnh sát sẽ được tiếp sức hơn nữa về mặt quyết liệt trấn áp người biểu tình,” ông Chan được Reuters dẫn lời nói.
“Hành động này sẽ khiến Bắc Kinh rất, rất quan ngại,” ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Đại học London SOAS, nhận định với Washington Post. “Bắc Kinh sẽ bắt đầu một quá trình tại để suy nghĩ họ sẽ phải làm gì nếu chính phủ Hồng Kông không thể xử lý [những cuộc biểu tình này]?”
“Khi Hồng Kông có chuyện, khi mọi thứ trở nên tồi tệ và có bạo lực trên đường phố, nỗi sợ của chúng tôi là nếu cảnh sát không thể kiểm soát những gì đang xảy ra ở đây, có nguy cơ từ xa rằng [quân đội Trung Quốc] sẽ can dự,” ông Ronny Tong, thành viên của nội các Hồng Kông và là cố vấn pháp lý cho bà Lam, nói. “Nó sẽ đánh dấu sự kết thúc của mô hình ‘một nước, hai chế độ”.
Trong một tuyên bố hôm thứ ba, văn phòng liên lạc của Trung Quốc về Hồng Kông và Ma Cau, đã lên án vụ tấn công vào cơ quan lập pháp là ‘hành động của những kẻ cực đoan’ và bày tỏ sự ủng hộ đối với ‘trừng trị hình sự đối với những kẻ phạm tội’.
“Đây giống như là một chỉ thị,” ông Jean-Pierre Cabestan, giáo sư tại Đại học Baptist Hồng Kông, được Washington Post dẫn lời nhận định về tuyên bố này. Theo đó thì bà Lam được chỉ thị phải có hành động nghiêm khắc.
Cường độ chưa từng có của hành động lần này cũng sẽ đem đến cho Bắc Kinh ‘một lý do để mạnh tay hơn và trấn áp nặng nề hơn’ sự phản kháng ở Hong Kong, ông nói thêm.
Tuy nhiên, ông Mathew Wong, phó giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Giáo dục Hồng Kông, dự đoán rằng Bắc Kinh có thể để cho cuộc biểu tình tự tan.
https://www.voatiengviet.com/a/bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-b%E1%BA%A1o-l%E1%BB%B1c-%E1%BB%9F-hong-kong-b%C6%B0%E1%BB%9Bc-leo-thang-nguy-hi%E1%BB%83m-/4988606.html

Giữa căng thẳng,

TQ diễn tập quân sự rầm rộ ở Hong Kong

Lực lượng đồn trú của Quân đội giải phóng nhân dân (PLA) Trung Quốc tại Hong Kong đã tiến hành cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật tại thành phố này vào tuần trước.
Cuộc diễn tập hoành tráng do lực lượng bộ binh, hải quân và không quân của PLA tại ba căn cứ ở Hong Kong tiến hành. Nó là một phần của sự kiện đánh dấu 22 năm ngày Hong Kong được Anh chuyển giao cho Trung Quốc, Daily Mail đưa tin.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, cuộc diễn tập là mà biểu dương sức mạnh quân đội giữa lúc dân Hong Kong có phản ứng mạnh chưa từng có để chống lại chính quyền được Bắc Kinh hậu thuẫn.
Các hình ảnh và video về cuộc diễn tập bao gồm tập huấn tìm kiếm và cứu nạn trên biển, chiến đấu cự ly gần, bắn đạn thật với súng máy và súng trường tấn công, lập đội hình hành quân. Một số video khác cho thấy thành viên của hải quân Trung Quốc tiến hành các chiến dịch khảo sát, kiểm tra tàu lạ.
Cuộc diễn tập quân sự diễn ra vào 26/6. Ước tính có tới 6.000 binh sĩ quân đội Trung Quốc hiện đóng ở Hong Kong song họ không hiện diện nổi bật và hiếm khi mặc quân phục xuất hiện ở nơi công cộng.
PLA cho biết, cuộc diễn tập nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và phản ứng khẩn cấp của lực lượng đóng ở Hong Kong, theo đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV).
Cuộc diễn tập của quân đồn trú diễn ra trong bối cảnh biểu tình diễn ra ở Hong Kong để phản đối dự luật gây tranh cãi, cho phép dẫn độ về Trung Quốc Đại lục.
Cuối tuần trước, hàng trăm người biểu tình đã tấn công tòa nhà Hội đồng lập pháp Hongkong, bôi bản ảnh chân dung các nghị sĩ và vẽ bậy lên tường tòa nhà.
http://biendong.net/bi-n-nong/29117-giua-cang-thang-tq-dien-tap-quan-su-ram-ro-o-hong-kong.html

TQ nói đã được Mỹ báo cáo

về cuộc gặp Trump-Kim mới nhất

Trung Quốc nói đã được Mỹ báo cáo về cuộc gặp mới nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ngày thứ Bảy, trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà ngoại giao cao cấp.
Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên vào Chủ nhật tuần trước khi ông gặp ông Kim trong Khu Phi quân sự (DMZ) tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm giữa hai miền Triều Tiên và đồng ý nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ.
Phó Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy và Đại diện Đặc biệt của Mỹ cho Triều Tiên Stephen Biegun đã thảo luận về cuộc gặp đó trong một cuộc điện đàm vào ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một thông cáo ngắn.
“Ông Biegun đã giới thiệu cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, và cho biết phía Mỹ sẵn sàng tăng cường liên lạc và phối hợp với phía Trung Quốc về vấn đề bán đảo,” bộ nói thêm.
Ông La nói với ông Biegun rằng “những tương tác tích cực” gần đây về vấn đề Triều Tiên của tất cả các bên có ý nghĩa quan trọng đối với tiến trình đàm phán hòa bình, bộ nói.
“Trung Quốc ủng hộ trao đổi và đối thoại giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên và hi vọng hai bên sẽ tương nhượng và tuân theo sự đồng thuận của nhà lãnh đạo hai nước để tiếp tục các cuộc tham vấn ở cấp làm việc sớm nhất có thể,” bộ nói thêm.
Cuộc gặp của ông Trump với ông Kim diễn ra khoảng một tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội kiến ông Kim trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Bình Nhưỡng.
Dù Trung Quốc chưa chính thức công bố, ông Lạc có thể sẽ là đặc phái viên mới của Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên, sau khi người tiền nhiệm Khổng Huyễn Hựu trở thành đại sứ mới của Trung Quốc tại Tokyo vào cuối tháng 5, theo Reuters.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-noi-da-duoc-my-bao-cao-ve-cuoc-gap-trump-kim-moi-nhat/4989183.html

Philippines sẽ điều tra

việc TQ phóng tên lửa ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Lorenzana nói, Philippines sẽ điều tra riêng thông tin về các vụ thử tên lửa của Trung Quốc gần đây ở Biển Đông.
Ông Lorenzana đưa ra tuyên bố sau khi Mỹ đưa tin Trung Quốc thử một số tên lửa đạn đạo chống hạm cuối tuần qua. “Chúng tôi chưa có thông tin về vụ phóng tên lửa này, ngoài tin tức báo chí” – Bộ trưởng Quốc phòng Philippines nói với phóng viên trong một tin nhắn.
“Chúng tôi sẽ thực hiện cuộc điều tra riêng và sau đó sẽ quyết định khi biết thông tin này chính xác hay không” – ông nói thêm.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Trung tá Dave Eastburn nói trong một bản tin rằng Mỹ biết về vụ phóng tên lửa từ cấu trúc nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa. Lầu Năm Góc cho hay, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc ở biển Đông thực sự là điều gây xáo trộn và trái ngược với các cam kết của Trung Quốc về việc không quân sự hóa vùng biển này.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bồi đắp các đảo nhân tạo ở Trường Sa, đặt các đồn quân sự với đường băng, trang thiết bị máy bay và tên lửa. Bắc Kinh nói các hoạt động nhằm mục đích dân sự.
Tháng 5/2019, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ nói Chủ tịch Trung Quốc không giữ lời hứa không quân sự hóa biển Đông, kêu gọi “hành động tập thể” với Bắc Kinh. Tướng Joseph Dunford cho biết ông không kêu gọi hành động quân sự, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải thực thi luật pháp quốc tế, “hành động tập thể” để buộc Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm.
“Có lẽ mối đe dọa lâu dài lớn nhất với lợi ích sống còn của các quốc gia trong khu vực đến từ các bên tìm cách phá hoại thay vì tuân thủ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhấn mạnh trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore sáng 1/6. Ông được cho là ám chỉ Trung Quốc và các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng, bồi đắp phi pháp trên biển Đông.
Trung Quốc chưa xác nhận vụ thử tên lửa và vào ngày 3/7, Bộ Ngoại giao nước này từ chối bình luận, giới thiệu Bộ Quốc phòng nước này trả lời thay nhưng bộ cũng không phản ứng lại đề nghị đưa ra bình luận.
Chính phủ Trung Quốc đã thông báo quân đội nước này đang tập trận ở khu vực giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ kỳ nghỉ cuối tuần vừa qua cho đến ngày 4/7, đồng thời cảnh báo các tàu bè khác không đi khu vực tập trận.
Hãng NBC News là hãng đầu tiên đưa tin về vụ thử tên lửa mới nhất của Trung Quốc.
http://biendong.net/bi-n-nong/29112-philippines-se-dieu-tra-viec-tq-phong-ten-lua-o-bien-dong.html

Philippines : Duterte thách

Mỹ tuyên chiến với Trung Quốc

Minh Anh
Tổng thống Philippines, hôm qua, 05/07/2019, trong một phát biểu thách Hoa Kỳ tuyên chiến trước với Trung Quốc, ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự tại Biển Đông, trong đó có vùng lãnh hải tranh chấp chủ quyền với Philippines.
Trong chuyến thăm đảo Leyte, tổng thống Philippines chỉ trích gay gắt Hoa Kỳ đối xử Philippines như là con « mồi nhử ». Pha lẫn tiếng Anh và Philippines, ông Duterte phát biểu : « Tôi nói là Hoa Kỳ nên gởi hàng không mẫu hạm tấn công và tầu chiến đến Trung Quốc và khai hỏa trước tiên thử xem, còn chúng ta thì sẽ ở phía sau. Tấn công trước đi, khai chiến đi để xem xem ai thắng ai bại ! »
Dẫn lại Hiệp ước Phòng thủ chung 1951, ông nói tiếp : « Họ nói là chúng ta có hiệp ước Mỹ – Philippines. Được thôi. Vậy thì Mỹ đi tuyên chiến đi. Hãy để họ tập hợp hết toàn bộ vũ khí của họ đến Biển Đông đi. Rồi họ khai hỏa trước đi và tôi rất vui lòng làm việc tiếp theo
Những tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh, thời gian gần đây, tổng thống Philippines bị chỉ trích dữ dội vì lập trường của ông với Trung Quốc, nhất là trong vụ tầu cá Trung Quốc đâm chìm tầu cá Philippines rồi bỏ mặc 22 thuyền viên nước này. Ông Duterte khi ấy đã giảm thiểu tầm mức vụ việc cho đấy chỉ là “một tai nạn”, đồng thời khẳng định rằng đất nước chưa sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190706-philippines-duterte-thach-my-tuyen-chien-trung-quoc

Campuchia: nhã ý giúp sửa căn cứ hải quân

của Mỹ là ‘không cần thiết’

Tờ Phnom Penh Post dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh rằng nước này từ chối sự giúp đỡ của Mỹ trong việc sửa chữa căn cứ hải quân Ream là do thấy không cần thiết.
Campuchia lên tiếng sau khi ông Joseph Felter, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách Nam và Đông Nam Á yêu cầu Campuchia phải giải thích lý do không cho Mỹ giúp đỡ sửa chữa căn cứ hải quân.
Trước khi Campuchia lên tiếng, phía Mỹ đặt nghi vấn sở dĩ Campuchia từ chối lời đề nghị từ Mỹ là vì có sự hiện diện của Trung Quốc trong khu vực.
Ông Tea Banh giải thích rằng Campuchia thấy nhã ý giúp đỡ của Mỹ là không cần thiết vì nước này có ý định di dời căn cứ hải quân Ream để gia tăng sức chứa cho căn cứ này.
Ông Tea Banh cũng nói thêm là mặc dù Bộ Quốc phòng Campuchia đã nhiều lần thông báo lý do cho phía Mỹ nhưng Mỹ vẫn không thỏa mãn, vẫn cáo buộc Campuchia bắt tay với Trung Quốc.
“Mỹ muốn giúp chúng tôi sửa chữa căn cứ hải quân Ream. Tại sao họ muốn vậy thì chúng tôi không biết. Chúng tôi muốn di dời căn cứ này đến nơi khác để tăng cải thiện sức chứa cho căn cứ”, ông Tea Banh nói với báo Phnom Penh Post.
“Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định không cho phép bất cứ nước nào xây dựng căn cứ quân sự ở Campuchia nhưng phía Mỹ không nghe. Họ cứ khăng khăng cho rằng chúng tôi bắt tay với Trung Quốc”, ông Banh cho hay.
Ông Banh cũng khẳng định không hề có chuyện căn cứ quân sự Trung Quốc đang được xây dựng ở Koh Kong.
Người phát ngôn Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh, bà Emily Zeeberg phát biểu hôm 2-7 cho biết với những lo ngại về mức độ ảnh hưởng kinh tế và chính trị cao của Trung Quốc ở
Campuchia, bà kêu gọi lãnh đạo Campuchia duy trì cam kết hiến pháp đối với chính sách đối ngoại độc lập và tích cực bảo vệ độc lập Campuchia cho thế hệ tương lai.
“Bất cứ động thái nào làm suy yếu nền độc lập của Campuchia hay mở cửa cho sự hiện diện quân sự của nước ngoài tại đây đều là mối quan tâm của Mỹ và có thể đe dọa uy tín của khối ASEAN”, bà Zeeberg phát biểu.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/29115-campuchia-nha-y-giup-sua-can-cu-hai-quan-cua-my-la-khong-can-thiet.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.