Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 18/07/2019

Thursday, July 18, 2019 8:03:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 18/07/2019

Duterte viện hiệp định quốc phòng,

yêu cầu Mỹ bảo vệ Philippines chống TQ

Hôm thứ Tư 18/7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương Mỹ-Philippines, yêu cầu Hoa Kỳ điều tàu chiến tới bảo vệ nước ông chống lại hành động hiếu chiến của Trung Quốc trong Biển Đông.
Trang mạng Business Insider trích thông tin của đài CNN/Philippines dẫn lời ông Duterte phát biểu:
“Tôi đang gọi đây, Hoa Kỳ. Tôi xin viện dẫn Hiệp ước Phòng thủ Hỗ Tương Mỹ – Philippines, và tôi muốn Mỹ triển khai toàn bộ Hạm đội 7 để chặn đầu Trung Quốc. Tôi bây giờ yêu cầu Mỹ làm điều đó.”
Ông Duterte đưa ra lời kêu gọi này sau một sự cố xảy ra vào trung tuần tháng 6, khi một tàu Trung Quốc đâm chìm một tàu Philippines, và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines ngụp lặn dưới biển. Tất cả các nạn nhân đã được một tàu cá Việt Nam, chủ tàu là Ngô Văn Thẻng, cứu vớt và đưa vào bờ an toàn để bàn giao cho Hải quân Philippines hôm 14/6.
Tàu đánh cá của Philippines bị đâm chìm tại bãi Cỏ Rong, cách đảo Palawan khỏng 100 dặm, sâu bên trong ranh giới lãnh hải được quốc tế công nhận của Philippines, tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố vùng biển này là thuộc chủ quyền của họ.
Đội tàu chiến già nua của Philippines không thể nào đối đầu với lực lượng hải quân Trung Quốc không ngừng được tăng cường, khiến cho Hạm đội 7 của Hoa Kỳ trở thành sức mạnh duy nhất có thể cản đường Trung Quốc trong vùng biển này.
Phía Hoa Kỳ không lập tức trả lời liệu Washington có nhận được văn thư của Manila, chính thức viện dẫn Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương Mỹ-Philippines hay không.
Nhưng dù cho hiệp ước quốc phòng song phương có được chính thức nêu lên, cũng chưa có gì chắc chắn là Hoa Kỳ sẽ coi hành động của tàu Trung Quốc, đâm chìm một tàu đánh cá của Philippines, là “một cuộc tấn công vũ trang”, buộc Hoa Kỳ phải thi hành nghĩa vụ theo hiệp ước và can thiệp để bảo vệ đồng minh của mình.
Vụ đâm chìm tàu cá trong vùng biển của Philippines đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trên khắp nước, nhiều người bày tỏ bất mãn với chính sách bất nhất của chính quyền Philippines, đòi ông Duterte phải quyết liệt đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Tổng thống Duterte đưa ra lời kêu gọi một tuần sau khi ông hối thúc Hoa Kỳ duy trì cam kết với Hiệp định Phòng thủ Hỗ tương Mỹ-Philippines, và thề Manila sẽ hậu thuẫn Washington trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.
“Bây giờ tôi kêu gọi Mỹ, hãy mang máy bay, tàu chiến tới Biển Đông. Hãy nổ phát súng đầu tiên, chúng tôi sẽ ở ngay sau lưng các bạn. Hãy tiến lên, hãy chiến đấu. Chúng ta có hiệp ước quốc phòng hỗ tương, hãy tôn trọng hiệp ước đó.”
Tuy nhiên, cùng lúc, ông Duterte cảnh báo “chúng ta sẽ không bao giờ thắng một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.”
Philippines trước đây đã đưa Trung Quốc ra trước tòa án trọng tài quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình. Năm 2016, tòa án quốc tế ở La Haye, Hà Lan, ra phán quyết, trao phần thắng cho Philippines, tuy nhiên Bắc Kinh miêu tả phán quyết này chỉ là “một mớ giấy lộn”, và từ đó đã sử dụng một lực lượng dân quân trên biển gồm nhiều tàu cá, đôi khi có vũ trang, để ức hiếp tàu cá của các nước láng giềng- trong đó có Việt Nam, phải rời khỏi ngư trường truyền thống của mình.
Hạm Đội 7 của Hoa Kỳ đặt căn cứ tại cảng Yokosuka của Nhật Bản. Các chiến hạm và máy bay tuần tra của Hạm Đội 7 thường xuyên có mặt trên Biển Đông, và thời gian gần đây đã tăng cường các cuộc tuần tra nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trên các vùng biển quốc tế trong khu vực, nơi mà Trung Quốc xây đảo nhân tạo và tuyên bố vùng biển chung quanh là lãnh hải của họ.

Căng thẳng Biển Đông :

Việt-Trung cố tránh kịch bản 2014

Vào thượng tuần tháng 7 này, tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam đã lại đối đầu với nhau trên Biển Đông, tại khu vực Bãi Tư Chính gần quần đảo Trường Sa, một khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc đòi chủ quyền. Thông tin này ngày càng được nhiều nguồn ngoại quốc tiết lộ, trong bối cảnh cả Hà Nội lẫn Bắc Kinh đều thông tin nhỏ giọt, và phản ứng dè dặt. Theo các quan sát viên được báo chí quốc tế ngày 17/07/2019 trích dẫn, cả hai chính quyền Việt Nam và Trung Quốc như đang cố tránh không để kịch bản 2014 tái diễn.
Tiếp theo tiết lộ ngày 09/07/2019 của giáo sư Ryan Martinson, Trường Hải Chiến Hoa Kỳ (Naval War College), về vụ tàu khảo sát dầu khí của Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 được ba tàu hải cảnh hộ tống đã tiến vào vùng Bãi Tư Chính và bị tàu kiểm như và cảnh sát biển Việt Nam bám sát, vào hôm qua, 17/07, hai trung tâm tham vấn Mỹ là Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) và Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng Nâng Cao (C4ADS) đã thông tin rõ hơn về vụ thâm nhập, nêu bật tính chất nghiêm trọng của tình hình.
Các sự cố có tính chất nghiệm trọng như thế, nhưng theo ghi nhận của nhật báo Hồng Kông South China Morning Post hôm qua, cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội đều không đề cập nhiều đến cuộc đối đầu mới trên Biển Đông.
Lý do là cả hai nước đều muốn tránh một tình trạng căng thẳng dữ dội như vào năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào cắm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, làm dấy lên những cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp nước Việt Nam.
Hôm qua, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã tỏ ý hy vọng rằng Việt Nam sẽ tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với vùng biển bị tranh chấp, và không có những hành động có thể làm phức tạp tình hình.Theo Reuters, tuyên bố trên đây là lời công nhận đầu tiên từ phía Bắc Kinh về sự cố tại Bãi Tư Chính.
Bắc Kinh đã nêu đích danh Việt Nam trong lúc một ngày trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, khi trả lời một câu hỏi của báo chí, đã tuyên bố chung chung về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, mà không nêu tên Trung Quốc và sự cố tàu Trung Quốc thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. South China Morning Post còn ghi nhận rằng truyền thông nhà nước Việt Nam cũng không đề cập đến vụ việc.
Về phản ứng của Trung Quốc và Việt Nam trước sự cố Bãi Tư Chính, hãng tin Anh Reuters cũng nhận định thái độ dè dặt, từ cả hai phía.
Về quy mô sự cố tại Bãi Tư Chính, theo hai trung tâm nói trên được Reuters trích dẫn, thì tại khu vực lô dầu khí Cá Rồng Đỏ, tàu khảo sát Trung Quốc cùng ba tàu hải cảnh hộ tống đã bị chín chiếc tàu Việt Nam bám sát để theo dõi.
Trước đó, trong một sự cố riêng rẽ tại một lô dầu khí khác do tập đoàn Nga Rosneft khai thác, chiếc tàu Hải Cảnh Trung Quốc mang số hiệu Hải Cảnh 35111 đã có động thái mà CSIS gọi là « đe dọa » nhắm vào các chiếc tàu Việt Nam hoạt động tại giàn khoan dầu Hakuryu-5 của Nhật Bản được tập đoàn Nga thuê để khoan dò tại lô này. CSIS cho biết cụ thể là vào ngày 02/07, khi tàu Việt Nam đang rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, thì bị chiếc tàu hải cảnh Trung Quốc lao tới xông vào giữa đội tàu, với tốc độ cao, chỉ cách tàu Việt Nam 100 mét.
Malaysia tập trận tên lửa để đối phó với Trung Quốc
Theo một số viện tư vấn ở Hoa Kỳ, trong những ngày gần đây, tuần duyên Trung Quốc không chỉ đối đầu với tàu Việt Nam, mà còn tiếp cận ở khoảng cách nguy hiểm (80 mét) với tàu chở dầu Malaysia tại Biển Đông.
Bộ Quốc Phòng Malaysia thông báo Hải quân nước này hôm 15/07/2019 có đợt tập trận, phóng thử tên lửa.
Hỏa tiễn chống hạm được bắn từ tầu hộ tống Kasturi (Type FS 1500) và một trực thăng của Hải Quân. Theo thông báo của Hải Quân Hoàng Gia Malaysia, thành công của cuộc tập trận tên lửa chống hạm cho phép quốc gia này sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ hòa bình và các lợi ích quốc gia trên Biển Đông.
Cuộc tập trận hỏa tiễn chống hạm nói trên là nằm trong khuôn khổ của hai cuộc tập trận lớn mang tên « Kerismas » và « Taming Sari ».
Theo giới quan sát, đây là một hành động biểu dương lực lượng hiếm có tại Biển Đông của quân đội Malaysia, trong bối cảnh đe dọa từ Trung Quốc gia tăng. Lần tập trận với tên lửa chống hạm gần đây nhất của Malaysia là vào năm 2014.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.