Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Phơi bày vụ án nhân viên Viettel bị Mỹ bỏ tù vì buôn lậu vũ khí

Thursday, July 18, 2019 7:09:00 PM // ,

18/07/2019
Trong một sự việc ít được biết tới, lãnh đạo một công ty con ở Mỹ của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel – thuộc sở hữu của Bộ Quốc phòng Việt Nam – đã bị tòa án liên bang Hoa Kỳ tuyên án tù về tội buôn lậu vũ khí vào năm 2017 trong tư cách là đại diện của công ty viễn thông này.
Ông Bùi Quang Huy, phó giám đốc điều hành của VTA Telecom Corporation, bị tuyên án 12 tháng và một ngày giam bởi Tòa án Liên bang Khu vực New Mexico vào tháng 10 năm 2017, theo hồ sơ tòa án. Sau khi chấp hành xong bản án, ông đã bị trục xuất về Việt Nam.
Vụ việc liên quan tới ông Huy được tiết lộ lần đầu tiên trong một bài báo của ký giả Mark Harris đăng hồi tháng 6 trên trang tin OneZero chuyên về khoa học và công nghệ.
Nói chuyện với VOA, nhà báo Harris cho biết anh tình cờ phát hiện vụ việc này khi đang nghiên cứu hồ sơ tòa án về các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ nhắm vào đầu tư nước ngoài để mua thiết bị viễn thông của Mỹ.
“Tôi để ý ngay tới vụ này vì các cuộc điều tra đưa tới một kết quả cụ thể,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. “Khoảng thời gian điều tra vụ này ngắn hơn mà kết quả lại cụ thể và đáng ngạc nhiên.”
“Một công ty điện thoại của Việt Nam muốn tìm cách xuất khẩu công nghệ quân sự từ Mỹ về Việt Nam,” anh nói.
Các văn kiện tòa án nêu tên ông Bùi Quang Huy là bị đơn trong hồ sơ truy tố của chính phủ liên bang. Trên cương vị quan chức điều hành cao cấp của Viettel tại Mỹ từ năm 2013, ông được giao nhiệm vụ quảng bá dịch vụ bán thẻ điện thoại quốc tế tại Florida và cuối cùng là phát triển mạng lưới điện thoại bên trong nước Mỹ. Tuy nhiên những hành vi của ông bắt đầu thu hút sự chú ý của các nhà điều tra liên bang vào năm 2015.
Ông khởi sự các cuộc thương thảo vào đầu mùa hè năm đó để mua một cảm biến chuyển động tinh vi dùng trong máy bay thương mại và vệ tinh, nhưng cũng có trong bom, tên lửa và ngư lôi, nhà báo Harris tường trình. Ông Huy được nói là đã báo với nhà sản xuất ở Connecticut rằng món đồ này sẽ được sử dụng ở California nhưng sau đó thừa nhận nó sẽ được gửi về Việt Nam.
Vào tháng 6 năm 2015, theo hồ sơ tòa án được ký giả Harris phơi bày, ông Huy tiếp cận một công ty ở Florida về việc mua 10 hệ thống theo dõi bằng video. Những hệ thống này được chỉ định là “thiết bị quân sự quan trọng” theo Quy định về Buôn bán Vũ khí Quốc tế của Hoa Kỳ (ITAR), do đó chịu những kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt. Chính phủ Mỹ tin rằng những hệ thống này cuối cùng đã được xuất khẩu mà không có những giấy phép cần thiết.
Sau đó vào tháng 8, ông Huy cố gắng mua các cấu phần cơ khí cho một tên lửa từ một công ty thứ ba. Khi nhà cung cấp nói với ông rằng thiết bị này cũng được kiểm soát theo ITAR, ông Huy trả lời rằng ông không có thời gian để xin giấy phép xuất khẩu, và yêu cầu xóa tên ông và công ty VTA Telecom của ông khỏi tất cả các giấy tờ trong thỏa thuận.
Ông Huy có phần chắc đã đã bị các nhà điều tra gài để thừa nhận hành vi phạm pháp khi ông liên lạc với một công ty bình phong giả tạo để mua động cơ được chế tạo cho tên lửa hành trình chống hạm hàng đầu của quân đội Mỹ, Harpoon.
Vào ngày 25 tháng 10 năm 2016, ông Huy bị khởi tố tại Tòa án Liên bang Khu vực New Mexico về hai tội danh tìm cách xuất khẩu thiết bị quốc phòng từ Hoa Kỳ mà không có giấy phép cần thiết. Ông bị bắt vào tuần sau đó tại California, theo hồ sơ tòa án.
Tại phiên tòa tuyên án gần một năm sau, ông nói trước tòa: “Những hành động của tôi bắt nguồn từ mong muốn của tôi làm việc ở Mỹ, và [vì vậy] con tôi sẽ có một môi trường tốt hơn và nhiều cơ hội hơn trong tương lai. Tôi đã tìm cách đi đường tắt, để hoàn thành nhiệm vụ của mình ngắn, nhanh và ít tốn kém nhất.”
Theo văn kiện kết án ông Huy vào tháng 9 năm 2017, ông nói rằng ông “làm việc theo chỉ đạo của chủ lao động của ông. Viettel yêu cầu ông phải mua động cơ này và gửi nó về Việt Nam.”
Nhà báo Harris nói anh rất ngạc nhiên khi khám phá ra một trong những công ty điện thoại lớn nhất của Việt Nam lại muốn có công nghệ quân sự.
“Viettel là công ty điện thoại lớn nhất Việt Nam và thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng tôi không biết là họ mở rộng mạng lưới của mình như vậy và quan tâm không chỉ tới công nghệ viễn thông mà còn công nghệ có tính năng quân sự như vậy.
“Một điều ngạc nhiên nữa là vụ này lại được giữ yên lặng tới như vậy ở Mỹ lẫn trong giới truyền thông. Báo chí chưa viết về chuyện này và chính phủ Mỹ cũng không làm rùm beng về việc khám phá ra công ty này đang làm những việc bất hợp pháp hoặc bị xác định là bất hợp pháp này.”
Trong một phản hồi yêu cầu bình luận của nhà báo Harris, Viettel nói rằng họ “lấy làm tiếc về các hành vi của nhân viên cũ của mình, ông Huy Bùi, liên quan đến kiểm soát xuất khẩu,” và rằng họ đã hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra của chính phủ Mỹ. Công ty Viettel cho ký giả Harris biết họ đã thay thế tất cả các nhân viên liên quan đến vụ việc này và thi hành các chính sách và thủ tục tuân thủ xuất khẩu mới “để khắc phục các hành động trong quá khứ và bảo đảm tuân thủ luật pháp và quy định của Mỹ.”
Vẫn chưa có phản hồi nào từ các cơ quan hữu quan của Mỹ về vụ việc này, nhà báo Harris cho biết.
Kể từ vụ này, VTA Telecom đã hợp thức hóa mục đích hiện diện thực sự của mình ở Mỹ nằng cách thuê một công ty vận động hành lang ở Washington để đại diện lợi ích của họ theo Đạo luật Đăng kí Đại diện Nước ngoài (FARA). Hồ sơ khai báo vào tháng 9 năm 2017 viết rằng các luật sư sẽ “gặp các Thành viên của Quốc hội, cũng như các Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng, để vận động cho VTA/Viettel về các vấn đề liên quan đến quốc phòng và an ninh quốc gia của Việt Nam.”
Nhà báo Harris tường thuật rằng điều trớ trêu là nếu ông Huy và Viettel tuân thủ đúng luật thì có lẽ giờ họ đã có được các động cơ tên lửa hành trình của họ tại Việt Nam. Chưa đầy hai tuần sau khi ông Huy thực hiện khoản thanh toán bất hợp pháp, Tổng thống Barack Obama khi đó tuyên bố rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.
Mười tám tháng sau, lúc mà ông Huy được ra tù, Tổng thống Trump đi xa hơn nữa. Trong những phát biểu vào tháng 11 năm 2017, trước khi gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ông Trump nói “Chúng tôi muốn quý vị mua thiết bị từ Mỹ. Tên lửa của Mỹ thì không nước nào sánh bằng. Chúng tôi chế tạo ra những tên lửa tốt nhất thế giới.”

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.