Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 04/07//2019

Thursday, July 4, 2019 4:31:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 04/07//2019

Động thái mới của Anh – Pháp ở Biển Đông

 có thể khiến TQ “nóng mặt”

Anh – Pháp khẳng định sẽ điều động thêm tàu chiến tới Biển Đông nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên tuyến biển chiến lược do Trung Quốc liên tiếp có hành động bành trướng và mở rộng quyền kiểm soát ở khu vực.
Dù chính quyền Bắc Kinh thừa nhận Biển Đông là vùng biển mở và tự do hàng hải, song Trung Quốc nhấn mạnh bất cứ hành động nào vi phạm chủ quyền của nước này cũng không thể tha thứ.
Theo hãng thông tấn Philippines (PNA), Quốc vụ khanh Bộ châu Âu và Ngoại giao Pháp Jean-Baptiste Lemoyne đã lên tiếng xác nhận hải quân Pháp cam kết “tuần tra và đi lại ở Biển Đông”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp đã ra tuyên bố rõ ràng như trên tại Đối thoại Shangri-La cách đây vài tuần”, PNA dẫn lời ông Lemoyne.
Cũng theo ông Lemoyne, Pháp là quốc gia có quân đội hoạt động ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Do đó, Pháp đặc biệt quan tâm tới luật pháp quốc tế ở Biển Đông, khu vực tranh chấp chủ quyền giữa một số nước trong khu vực bao gồm Trung Quốc.
“Đây là bằng chứng cho lời cam kết của chúng tôi về việc đảm bảo tự do hàng hải là sự thật và hành động thật ở Biển Đông”, ông Lemoyne chia sẻ trong bài phỏng vấn với PNA.
Thông tin được PNA đăng tải sau bài phát biểu tại một sự kiện ở hôm 26/6 của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Trong đó, ông Duterte thách thức Mỹ và các nước châu Âu tham gia cùng Philippines trong việc phản đối hoạt động trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông .
“Đây là thách thức của tôi, Mỹ, Anh, Pháp, chúng ta hãy tập hợp tại Palawan và hành động”, ông Duterte nói.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý, Trung Quốc đã cho tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo.
Về phần mình, Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích sự xuất hiện của các tàu chiến Mỹ trên Biển Đông và cáo buộc Washington vi phạm chủ quyền của quốc gia này trong khu vực.
Tuy nhiên, dù không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng một số quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ cho mở rộng hoạt động trong khu vực để ngăn chặn Trung Quốc bành trướng trên vùng biển chiến lược.
Cụ thể, Mỹ cùng các đồng minh như Anh, Pháp, Canada, Australia và Nhật Bản đã nhiều lần điều động tàu thuyền tiến hành tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngoài ra, các tàu quân sự của những nước này cũng đi qua eo biển Đài Loan , khu vực chia cắt Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Bắc Kinh khẳng định việc tàu thuyền nước ngoài đi qua eo biển Đài Loan là “hành động trái phép và mang tính khiêu khích” do lâu nay, Trung Quốc chỉ coi Đài Loan là một tỉnh ly khai nhưng vẫn nằm trong lãnh thổ đại lục.
Hồi tháng Một, truyền thông Trung Quốc đưa tin quân đội nước này đã cho triển khai các tên lửa chống hạm có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân DF-26 tới một cao nguyên nằm ở khu vực xa xôi hẻo lánh phía tây bắc nhằm đáp trả trước việc tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của Mỹ di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa. Theo Trung Quốc, sự xuất hiện của tàu khu trục USS McCampbell gần quần đảo Hoàng Sa là trái phép khi chưa có sự cho phép của Bắc Kinh.

Sự can dự của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông

vẫn chưa đủ làm Philippines hài lòng

Tổng thống Philippines Duterte (26/6) khẳng định đến ngay cả những nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhất như Mỹ cũng không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo phi pháp trên các vùng biển tranh chấp.
Thách thức Mỹ và đồng minh đối phó Trung Quốc
Để biện minh cho các tuyên bố được cho là thể hiện sự “yếu thế” trước Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá của Philippines (9/6) ở bãi Cỏ Rong, Tông thống Duterte (26/6) khẳng định không phải ông không muốn bảo vệ quyền lợi của người dân mình mà ông cho rằng sự cố đâm chìm tàu cá không đáng để đẩy sinh mạng của 110 triệu người Philippines vào nguy hiểm. Ông Duterte khẳng định đến ngay cả những nước lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc nhất như Mỹ cũng không làm gì để ngăn chặn Trung Quốc khi Bắc Kinh bắt đầu thực hiện các hoạt động cải tạo phi pháp trên các vùng biển tranh chấp.
Ông Duterte cho rằng: “Mỹ là quốc gia duy nhất có đủ tiềm lực để ngăn chặn Trung Quốc, nhưng không bao giờ nhấc đến một ngón tay. Mỹ thực sự không làm bất cứ điều gì bởi nếu muốn, họ hoàn toàn có thể mang Hạm đội 7 tới, đối đầu với Trung Quốc và nói các người không thể xây dựng một hòn đảo trên biển. Kể cả Anh hay Pháp. Họ cũng có thể gửi chiếm hạm tới và nói với Trung Quốc rằng đây không phải là lãnh hải của các người. Các người không thể tuyên bố chủ quyền với một hòn đảo”.  Vị Tổng thống Philippines thách thức các quốc gia phương Tây “nếu đủ can đảm” nên giúp Manila tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển có tranh chấp.  Theo ông Duterte: “Đây là thách thức của tôi với Anh, Pháp, Mỹ. Hãy tập hợp ở Palawan và hành động. Nếu họ muốn, họ có thể kêu gọi thêm các nước khác tới. Còn với Philippines, chúng tôi không có cơ hội chống lại Trung Quốc và các vũ khí của họ”; đồng thời cho rằng thay vì chỉ đưa ra những tuyên bố suông, các lãnh đạo phương Tây nên trực tiếp tới để tận thấy tình hình trong khu vực và rằng “chúng tôi sẽ đến đó cùng nhau, cả tôi và ông Trump trên boong tàu, nhìn qua kính viễn vọng. Nếu chúng tôi cùng chết vì một vụ nổ, thì mọi chuyện vẫn ổn”.
Trước đó, trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin cho rằng việc Mỹ đưa ra các đề nghị có tính mơ hồ về vấn đề Biển Đông đã khiến Manila quan ngại và phải cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Theo ông Teodoro Locsin, việc Trung Quốc ngỏ lời về đối tác chiến lược hấp dẫn hơn nhiều so với đề nghị hiện tại của Mỹ có sự mơ hồ về chiến lược; đồng thời cho rằng Hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ không cản trở Philippines tăng cường hoặc thắt chặt quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng dù vậy Philippines sẽ không từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông và Philippines vẫn là đồng minh quân sự của Mỹ và sẽ đứng về phía Mỹ khi xung đột xảy ra.
Hoạt động của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông vẫn chưa đủ mạnh?
Trên thực tế, trong 3 năm trở lại đây, Mỹ và các nước đồng minh đã thúc đẩy nhiều hoạt động thực tế nhằm đối phó, ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Đầu tiên, Mỹ và đồng minh liên tục lên án các hành vi khiêu khích, trái pháp luật của Trung Quốc trên Biển Đông và cam kết bảo vệ Philippines, cụ thể: Ngoại trưởng Pompeo (1/3) cam kết sẽ bảo vệ Philippines trước “các vụ tấn công bằng vũ trang” ở khu vực Biển Đông, khẳng định các hoạt động xây đảo và động thái quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới chủ quyền, an ninh và kinh tế của Philippines cũng như Mỹ, nhấn mạnh Biển Đông là một phần của Thái Bình Dương, nên mọi vụ tấn công nhằm vào lực lượng, máy bay hoặc tàu của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng thủ chung theo điều 4 trong Hiệp ước Phòng thủ lẫn nhau Mỹ và Philippines. Trước đó, trong cuộc họp kín với Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Pompeo (28/2) thể hiện sự lo ngại rằng Trung Quốc đang dùng sức mạnh để áp chế tự do hàng hải trong khu vực và đó là điều hệ trọng đối với mọi quốc gia ở châu Á, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ có chiến lược an ninh quốc gia nhằm đối phó mối đe dọa trên. Trước đó, phát biểu tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Washington, Phó Tổng thống Mike Pence (4/10/2018) cảnh báo với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không lùi bước trước sự đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông, nhấn mạnh Hải quân Mỹ vẫn sẽ tiếp tục bay, chạy tàu và
hoạt động ở bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép và có yêu cầu về lợi ích quốc gia của Mỹ. Trước đó, ông Đô đốc Davidson (12/2) cho rằng, Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông và sẽ có sự tham gia của các đồng minh và đối tác; nhấn mạnh các hành vi của Trung Quốc liên quan đến việc mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng kinh tế lại là mối đe dọa lớn hơn đối với việc duy trì hoạt động tự do lưu chuyển của các luồng người và thương mại. Theo Đô đốc Davidson, hình thức thể hiện rõ nhất ảnh hưởng của Trung Quốc là việc nước này sử dụng các đảo ở Biển Đông để củng cố các yêu sách lãnh thổ ngày càng tăng của mình. Luật pháp quốc tế không công nhận điều này và việc triển khai các hoạt động tự do hàng hải là cách để Trung Quốc biết rằng cộng đồng quốc tế không chấp nhận các yêu sách đó.
Thứ hai, Mỹ và đồng minh tiến hành nhiều hoạt động tập trận, tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông. Mỹ (11/2) đã cử hai tầu khu trục hạm có gắn tên lửa hành trình USS Spruance và USS Preble tuần tra vùng 12 hải lý bãi đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Trung Quốc chiếm giữ, bồi đắp phi pháp thành đảo nhân tạo. Theo Trung tá Clay Doss, hoạt động của hai tàu khu trục trên tuân thủ luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và thách thức những tuyên bố quá đáng về chủ quyền trên biển của Trung Quốc; nhấn mạnh “tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”. Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ (6/5) đã điều hai tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Preble và USS Chung Hoon tuần tra tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Gaven và Đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Không những vậy, các nước đồng minh của Mỹ, nhất là Australia, Nhật Bản, Anh… đã thông qua nhiều hình thức, biện pháp để tăng cường hiện diện tại Biển Đông nhằm đảm bảo hoạt động tự do hàng hải, hàng không và hòa bình, ổn định ở khu vực. Việc các nước trên thúc đẩy chính sách, hoạt động trong kh vực đã tạo nên hiệu ứng, góp phần duy trì ổn định ở Biển Đông. Ngoài việc tăng cường hiện diện, tuần tra ở Biển Đông, Nhật Bản cũng tích cực thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương với các nước liên quan nhằm đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Philippines đã làm được gì
Trong khi đó, Chính quyền của Tống thống Duterte được cho là đang “phục tùng” Trung Quốc. Trong 3 năm gần đây, Philippines hầu như đã quên hẳn vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh ở Biển Đông. Giới cầm quyền Philippines rất hạn chế đưa ra các tuyên bố, phát biểu liên quan chủ trương, chính sách của Manila hoặc chỉ trích, lên án các hành động phi pháp, khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông. Ngược lại, giới lãnh đạo Philippines thường đưa ra các tuyên bố ca ngợi việc cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong phát biểu ngày 16/5/2017 đã khẳng định, phán quyết của Tòa Trọng tài tuy còn nguyên giá trị nhưng sẽ được hai bên đề cập “tại một thời điểm thích hợp khác”. Trong một bài phát biểu trước các doanh nhân người Philippines và Trung Quốc, ông Duterte đã bất ngờ đùa rằng nếu Trung Quốc muốn, “họ có thể biến Philippines thành một tỉnh của mình, như Phúc Kiến. Tỉnh Philippines của Trung Quốc”. Trước đó, ông Duterte còn phủ nhận những lo ngại ngày càng gia tăng về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại những hòn đảo nhân tạo mà họ xây dựng phi pháp ở quần đảo Trường Sa, kể cả hoạt động tại các thực thể lân cận mà Philippines tuyên bố chủ quyền…
Hành động của Chính quyền Duterte đã bị trả giá bởi các hoạt động thực tế của Bắc Kinh trên Biển Đông. Đầu năm 2019, Trung Quốc không chỉ điều tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Philippines chiếm đóng bất hợp pháp mà còn nhăm nhe kiểm soát cảng Subic của Manila. Trung Quốc (4/3) đã điều hơn 50 tàu quân sự đội lốt tàu cá bao vây 3 bãi cát xung quanh đảo Thị Tứ, đồng thời ngăn chặn ngư dân Philippines tiếp cận ngư trường trong khu vực này. Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải cho biết Trung Quốc (12/2018 – 2/2019) cũng đã điều hàng trăm tàu bao vây đảo Thị Tứ để “gây sức ép” đối với Manila trong vấn đề Biển Đông. Không những vậy, Trung Quốc còn đang có âm mưu thông qua các doanh nghiệp trong nước để thâu tóm cảng Subic của Philippines. Cảng vịnh Subic được đánh giá là một trong các vị trí xung yếu chiến lược bởi nó nằm ở vị trí trung tâm Thái Bình Dương, hướng thẳng ra biển Đông, có thể kiểm soát được đường lối giao thương hàng hóa, xuất nhập dầu mỏ của Trung Quốc từ Trung Đông. Vịnh chỉ cách bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham 124 hải lý. Gần đây nhất, là vụ tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm và bỏ mặc 22 ngư dân Philippines ở ngoài biển.
Theo Mỹ hay theo Trung
Nội bộ Philippines đang có mâu thuẫn, bất đồng sâu sắc liên quan việc “theo Mỹ hay theo Trung” trong vấn đề Biển Đông, nhất là sau tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (1/3) về cam kết Mỹ sẽ bảo vệ Philippines khi bị Trung Quốc tấn công. Về lý thuyết, Philippines sẽ phải ăn mừng vì đây là điều mà Manila mong muốn từ lâu. Song, dưới thời chính quyền Duterte lại khác hoàn toàn.
Bộ Quốc phòng Philippines lo sợ sẽ xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nên tìm cách né tránh Hiệp ước phòng thủ Mỹ – Philippines. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (5/3) cho rằng Mỹ có khả năng liên quan đến một cuộc chiến tranh tại Biển Đông hơn là Philippines nhưng chính Philippines sẽ bị lôi kéo vào cuộc chiến như vậy chỉ vì Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau năm 1951 giữa hai nước. Bộ trưởng Lorenzana cho rằng cần phải xem lại Hiệp ước này để làm rõ những mập mờ có thể gây hỗn loạn và nhầm lẫn trong một cuộc khủng hoảng. Ông Lorenzana nhắc lại việc năm 1995, Trung Quốc hung hăng chiếm giữ một đảo đá Philippines yêu sách, khi đó “Mỹ đã không ngăn chặn”. Ông Lorenzana nhận định, các lực lượng của Mỹ đang đẩy mạnh cái gọi là tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược, có vẻ như sẽ dẫn đến một cuộc xung đột vũ trang hơn là Philippines. Tuy nhiên, trên cơ sở Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước, Philippines đương nhiên sẽ bị liên quan. Đây là điều mà ông Lorenzana không trông chờ và không mong muốn.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Philippines lại ủng hộ Mỹ và Hiệp ước nói trên. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario (6/3), hoan nghênh phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ về việc Mỹ sẽ bảo vệ Philippines trong trường hợp tàu và máy bay của Philippines bị tấn công vũ trang ở Biển Đông. Ông Del Rosario cho rằng đây là một trong những phát biểu quan trọng nhất trong nhiều thập kỷ kể từ khi Hiệp ước phòng thủ lẫn nhau giữa hai nước được ký kết năm 1951. Cần phải coi đây là tuyên bố tích cực, đáng tin cậy của chính sách đối ngoại Mỹ về khẳng định sự tuân thủ các quy định của luật pháp. Bên cạnh đó, Philippines cần phối hợp với Mỹ trong việc vạch ra giới hạn đỏ ở bãi cạn Scarborough để có thể ngăn chặn mọi kế hoạch xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa khu vực này của Bắc Kinh. Theo ông Del Rosario, điều này mang tính cấp bách vì một mặt, Bắc Kinh coi Trường Sa, Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough là tam giác an ninh ở Biển Đông để triển khai sức mạnh hải quân; mặt khác, bãi cạn Scarborough chỉ cách bờ biển gần nhất của Philippines có 124 hải lý. Do vậy, với việc Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất, Philippines cần phải công nhận ý nghĩa và tầm quan trọng của liên minh này, phải nhận thấy Philippines cần tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của mình. Ông Del Rosario cho rằng việc xây dựng năng lực quân đội Philippines mạnh hơn, nhanh hơn chỉ có thể được thực hiện với sự trợ giúp và cam kết của đồng minh hiệp ước này.

Quân đội TQ vừa phóng tên lửa gì trên Biển Đông?

Hai quan chức Mỹ cho hay, quân đội Trung Quốc đã tiến hành phóng thử các tên lửa đạn đạo chống hạm trên Biển Đông hồi tuần qua.
Theo NBC News, một quan chức Mỹ cho biết vụ phóng thử tên lửa chống hạm đầu tiên trên Biển Đông được Trung Quốc thực hiện hồi cuối tuần qua.
Theo đó, Trung Quốc đã cho phóng ít nhất một tên lửa về phía Biển Đông. Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm tiếp theo sẽ được diễn ra tới ngày 3/7.
Giới chức Mỹ nhấn mạnh thêm, các tàu chiến Mỹ có mặt trên Biển Đông không hoạt động gần khu vực Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm hồi cuối tuần qua, nên không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc đã “gây ra mối quan ngại”.
Điều đáng nói, vị quan chức Mỹ không thể xác định liệu vụ phóng thử tên lửa chống hạm có chứng minh được năng lực mới của quân đội Trung Quốc hay không.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc chưa đưa ra lời bình luận trước câu hỏi của CNBC và NBC.
Vụ phóng thử tên lửa chống hạm trên Biển Đông được Trung Quốc tiến hành trong bối cảnh Mỹ – Trung quyết định đình chiến thương mại. Theo đó, trong khuôn khổ thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản, Tổng thống Donald Trump cho hay ông sẽ không áp thêm thuế mới lên Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.
“Chúng tôi sẽ không áp thêm vào 350 tỉ USD hàng Trung Quốc còn lại do hai nước còn tiếp tục đàm phán thương mại”, ông Trump nhấn mạnh.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông, tuyến đường biển chiến lược mang lại giá trị thương mại lên tới 5 ngàn tỷ USD mỗi năm. Thậm chí, để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý, Trung Quốc đã cho tăng cường cải tạo, xây dựng hàng loạt hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Bắc Kinh còn tiến hành quân sự hóa Biển Đông bằng cách triển khai vũ khí ra một số đảo nhân tạo.
Hồi tháng 5/2018, Trung Quốc đã âm thầm triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không ra 3 tiền đồn ở Biển Đông. Động thái này nhằm giúp Bắc Kinh mở rộng khả năng kiểm soát vùng biển chiến lược.
Cụ thể, theo thông tin tình báo Mỹ, Trung Quốc đã trái phép đưa tên lửa ra bãi Chữ Thập, bãi Subi và bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Hôm 2/6, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á hay còn gọi là Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã lên tiếng biện minh cho hành động xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông. Ông Ngụy cho rằng, đây là việc làm nhằm mục đích phòng vệ để đối phó trước mối đe dọa từ Mỹ.
“Nơi đâu có đe dọa, nơi đó có phòng vệ. Đối mặt với lực lượng máy bay quân sự và tàu chiến trang bị vũ khí hạng nặng, tại sao chúng tôi phải bỏ qua và không xây dựng các cơ sở phòng vệ?”, ông Ngụy nói.
Đáp lại vào thời điểm đó, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan khẳng định, Mỹ sẽ không còn “nhân nhượng” trước thái độ của Trung Quốc ở khu vực châu Á.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.