Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Bước đi nhỏ của TT Trump vào Triều Tiên, nỗi lo lớn của Trung Quốc

Thursday, July 4, 2019 6:09:00 PM // ,

Nguồn: News Zing 
Tác giả: Trung Hiếu
04/072019



Tổng thống Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump đã đi khoảng 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên, hành động nhỏ này của ông đã làm dấy lên mối lo ngại lớn về vai trò của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng.
Ngày 30/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm nên lịch sử tại Bàn Môn Điếm, Khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách giữa hai miền Triều Tiên. Ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến lãnh thổ Triều Tiên. Tổng thống Trump đã bước khoảng 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên, sau đó quay về phía nam để hội đàm cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong khoảng hơn một tiếng.
Chuyến thăm ngắn ngủi của Tổng thống Trump đến Triều Tiên khiến nhà lãnh đạo trẻ của nước này rất vui. Ông Kim liên tục mỉm cười trong suốt cuộc hội đàm với Tổng thống Trump. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, cuộc dạo chơi 40 bước của Tổng thống Trump đã trở thành tín hiệu báo động đối với Trung Quốc, National Interest nhận định.
Bắc Kinh đang trở nên mờ nhạt
Ông Trump giờ đây đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến Triều Tiên, song đó không phải là yếu tố quan trọng nhất trong các sự kiện diễn ra vào ngày 30/6. Chuyến công du chớp nhoáng của Tổng thống Trump được cho là đã lên kế hoạch để nhắm vào nhà lãnh đạo Trung Quốc, người đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng ở Đông Bắc Á.
Ngày 29/6, ngay trước cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Osaka, Nhật Bản, Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter về khả năng gặp nhà lãnh đạo Kim tại DMZ.
Dòng tweet của ông Trump dường như không phải là một sự trùng hợp. Gordon G. Chang, nhà phân tích, tác giả kiêm luật sư người Mỹ, nhận định trong cuộc gặp với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập sẽ đề nghị hợp tác về vấn đề Triều Tiên như một biện pháp để đổi lấy sự nhượng bộ ở lĩnh vực khác.
Đó là lý do tại sao Chủ tịch Tập đến thăm Triều Tiên trước thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20. Mỹ - Trung đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại căng thẳng. Đó sẽ là chủ đề chính trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, dòng tweet của Tổng thống Trump dường như đang ngụ ý với người đồng cấp Trung Quốc rằng ông không cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên. Điều này hoàn toàn trái ngược với những tháng đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, khi ông liên tục tìm kiếm sự hợp tác của Bắc Kinh về vấn đề Triều Tiên.
Từ cuối năm 2017, sự thất vọng, bực tức của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên ngày một tăng. Vào tháng 3 năm ngoái, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thúc đẩy chương trình cải thiện quan hệ liên Triều, Tổng thống Trump nhân cơ hội này đã loại Bắc Kinh ra khỏi quy trình, bằng cách tuyên bố sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Triều Tiên.
Kể từ đó, Bắc Kinh từ chỗ chi phối vấn đề Bình Nhưỡng phải đấu tranh để duy trì ảnh hưởng ở Đông Bắc Á. Tháng 3/2018, Chủ tịch Tập đã mời nhà lãnh đạo Kim đến Bắc Kinh trong cuộc hội đàm đầu tiên giữa họ. Kể từ đó, nhà lãnh đạo Kim đã đến Bắc Kinh thêm 3 lần nữa. Bằng cách đó, Chủ tịch Tập cố gắng thuyết phục Tổng thống Trump, rằng Bắc Kinh vẫn nắm chìa khóa trong vấn đề Triều Tiên.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump với tính cách đặc biệt của mình đã không mấy bận tâm đến hành động của Chủ tịch Tập. Ông Trump thường xuyên ca ngợi mối quan hệ cá nhân với nhà lãnh đạo Kim.
Ông Trump đang cổ xúy cho Triều Tiên?
Tổng thống Trump dường như có một sự kiên nhẫn vô tận dành cho nhà lãnh đạo Kim. Tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Ottawa, Canada vào tháng 6/2018, Tổng thống Trump cho biết sẽ trao cho Triều Tiên cơ hội để giải quyết vấn đề hạt nhân.
Kể từ tiết lộ đó, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim đã gặp nhau 3 lần. Trong thời gian 30 tháng, Tổng thống Trump thể hiện sự thiện chí khác thường đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Kim đã không đáp lại.


Tổng thống Trump đang chơi một "canh bạc lớn" đối với vấn đề Triều Tiên. Ảnh: Reuters
Thay vào đó, ông Kim Jong Un đã nhấn mạnh những gì mà ông xem là lợi thế của mình, bao gồm tăng tỷ lệ sản xuất vật liệu phân hạch, nâng cấp cơ sở hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Trong tháng 5, Bình Nhưỡng thậm chí còn vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc bằng cách bắn thử 3 tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Dù vậy, Tổng thống Trump vẫn bênh vực cho Bình Nhưỡng và đích thân đặt chân đến Triều Tiên. Bằng cách đó, Tổng thống Trump đã trao cho Triều Tiên một trong những chiến thắng ngoại giao lớn nhất lịch sử. “Bước nhỏ của Tổng thống Trump trên đất Triều Tiên, bước nhảy vọt khổng lồ cho Bình Nhưỡng”, nhà báo Andray Abrahamian viết trên Foreign Policy.
Tại sao Tổng thống Trump lại trao chiến thắng lớn như vậy cho Triều Tiên? Tổng thống quốc gia hùng mạnh nhất thế giới đã đến Triều Tiên trước. Điều đó vô tình cổ xúy cho tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim rằng Triều Tiên là quốc gia hùng mạnh. Việc Tổng thống Trump đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên chẳng khác nào là tỏ lòng tôn kính đối với nhà lãnh đạo Kim.
Tin tức về cuộc viếng thăm chớp nhoáng của Tổng thống Trump sẽ giúp củng cố chính quyền của ông Kim và làm suy yếu mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Trump có sai lầm?
Vậy 40 bước của Tổng thống Trump trên lãnh thổ Triều Tiên có phải là một sai lầm? Nhà phân tích Chang cho rằng đó chắc chắn là một sai lầm nếu mục tiêu chính của Tổng thống Trump là giải giáp vũ khí Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Chang nhận định trong tình huống này, mục tiêu của Tổng thống Trump không phải là vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, mà là kéo nhà lãnh đạo Kim khỏi tầm ảnh hưởng của Chủ tịch Tập.


Chiến lược ngoại giao "sốc điện" của Tổng thống Trump đang khiến cả thế giới bối rối. Ảnh: Reuters.
Sự tôn vinh quá mức của Tổng thống Trump đối với nhà lãnh đạo Kim và những lời ca ngợi quá hào phóng dành cho Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như nhằm mục đích cô lập Trung Quốc.
Không giống 2 người tiền nhiệm, Tổng thống Trump đã cố gắng loại bỏ sự can dự của Bắc Kinh trong chính sách ngoại giao của Bình Nhưỡng. Trung Quốc lâu nay được xem như là quốc gia bảo hộ cho Triều Tiên.
Tuy nhiên, kể từ khi ông Kim Jong Un lên nắm quyền điều hành đất nước, nhà lãnh đạo trẻ đang nỗ lực tìm kiếm nguồn hỗ trợ khác và giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong tương lai gần, Triều Tiên vẫn cần Trung Quốc, nhưng nhà lãnh đạo Kim có thể đã tìm thấy nguồn hỗ trợ khác và không cần phải nhìn thái độ của Bắc Kinh khi quyết định các chính sách của họ.
Chiến lược ngoại giao của Tổng thống Trump có hiệu quả hay không vẫn cần thời gian để kiểm chứng, nhưng có một điều chắc chắn rằng Bắc Kinh không hài lòng với những gì đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.