Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Cao tốc Bắc-Nam và quan ngại về nhà thầu Trung Quốc

Sunday, June 23, 2019 7:16:00 PM // ,

21 tháng 6 2019
cao tốc Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Ảnh chỉ mang tính minh họa
Một nữ nhà báo lý giải với BBC vì sao theo bà, tất cả mọi tầng lớp nhân dân "đều phản đối, không muốn để Trung Quốc nhúng tay vào dự án cao tốc Bắc-Nam" nhưng một giảng viên đại học Fulbright Việt Nam nói "không thể đóng cửa trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc".
Tin cho hay, 118 văn nghệ sĩ cùng ký vào bản kiến nghị "không để Trung Quốc đầu tư và thầu làm đường cao tốc Bắc-Nam".
Trong số này có những nhà văn, diễn viên, nhạc sĩ, đạo diễn nổi tiếng như Vũ Tú Nam, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Duy, Bằng Việt, Trà Giang, Thế Anh, Minh Châu, Thanh Quý, Lê Khanh, Trần Tiến, Thanh Hoa, Kim Chi, Trần Lực, Lưu Trọng Ninh, Nguyễn Thanh Vân, Lê Hoàng, Trần Văn Thủy...
Bản kiến nghị nhấn mạnh hai điểm:
  1. Ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân để làm dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội này.
  2. Không được để cho Trung Quốc - đất nước duy nhất hiện nay đang xâm chiếm biển đảo, lãnh thổ của Việt Nam tham gia hai đại dự án chiến lược quốc gia này!

'Hậu quả đổ lên đầu nhân dân'

Hôm 19/6, nhà báo tự do Phan Thị Châu nói với BBC từ TP.Hồ Chí Minh:
"Vì sao tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều phản đối, không muốn để Trung Quốc nhúng tay vào dự án cao tốc Bắc-Nam? Thực tế cho thấy hầu hết các công trình do Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam đều kém chất lượng, không đảm bảo tiến độ và luôn đội vốn lên quá cao so với giá thầu lúc ban đầu."
"Hậu quả đó là đều đổ lên đầu nhân dân và ai cũng biết, không phải các quan chức Việt Nam ngu để bị lừa mà vì những món tiền "dưới gầm bàn" quá lớn. Tiếc thay, tiếng nói của nhân dân thông qua biết bao kiến nghị, tâm thư của các tầng lớp sĩ phu, chuyên gia tâm huyết đều bị gạt bỏ."
"Rất tiếc là dường như người dân đã không còn tin vào sự trong sạch của các quan chức cũng như các nhà thầu Trung Quốc, vì thế tốt hơn là gạt bỏ những nhà thầu của những nước đã gây ra quá nhiều di hại. Cũng như các nước phương Tây luôn cảnh giác, xếp loại chót trong mọi lãnh vực cần phải lựa chọn đối với những đối tượng bị đánh giá là tín nhiệm xấu. Và việc này thì chẳng có gì là vi phạm luật lệ quốc tế."
cát linh Bản quyền hình ảnh InfoNet
Image caption Tuyến đường sát đô thị Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng đến nay chưa rõ ngày vận hành

'Quả đắng'

Cũng trong hôm 19/6, blogger, phóng viên tự do Thanh Ngọc bình luận với BBC:
"Mới đây, có ý kiến trên mạng xã hội cho rằng Việt Nam sẽ là "ngư ông đắc lợi" khi làm cao tốc Bắc-Nam nếu để Trung Quốc làm với chi phí thấp và Nhật giám sát. Lý tưởng quả là đáng mơ mộng, nhưng với những quả đắng mà nhà thầu Trung Quốc gieo cho người dân Việt Nam, liệu còn ai tin vào lựa chọn từ cơ quan chức năng, khi tàu Cát Linh-Hà Đông được chính báo chí trong nước cái tên "bảo tàng" về kinh nghiệm thất bại."
"Những người quan tâm chắc không quên bê bối khi nhà thầu Trung Quốc thi công đoạn cao tốc qua Quảng Ngãi, đường được vá víu bằng... bùn. Kể cả dưới thời Bộ trưởng Giao thông-Vận Tải Đinh La Thăng, người có những phát ngôn và việc làm cứng rắn, việc quản lý chất lượng công trình cũng không được đảm bảo.
"Với cao tốc Bắc-Nam, ngay cả tổ chức đấu thầu quốc tế thì khả năng nhà thầu Trung Quốc bỏ giá thầu rẻ nhất, "lại quả" mức cao và thắng thầu cũng không còn gì lạ."
"Tôi từng gặp một cựu binh Chiến tranh biên giới 1979. Người này kể rằng khi Trung Quốc khởi chiến, đạn pháo của họ bắn chính xác các cứ điểm của ta, vì họ rất rành rẽ đường xá, công sự phía ta... Người cựu binh quan ngại rằng cao tốc Bắc-Nam trải dài cả nước, đưa gói thầu này vào tay họ vô cùng nguy hiểm."
"Chính vì vậy, đừng hỏi vì sao việc nhà thầu Trung Quốc nhúng tay vào cao tốc Bắc-Nam sẽ gặp sự phản đối tới cùng của người dân, khi nó ảnh hưởng rất lớn đến an ninh quốc gia."
"Được biết mới đây, 118 văn nghệ sĩ trong nước ký kiến nghị không để Trung Quốc làm cao tốc Bắc-Nam. Đây là một việc làm rất ý nghĩa, nhưng trong đó có đề cập: ưu tiên huy động nguồn lực trong nước và kêu gọi lòng yêu nước của người dân để làm đại dự án chiến lược an ninh, kinh tế, xã hội."
"Các văn nghệ sĩ có lòng với quốc gia thì tốt, nhưng dường như họkhông hỏi ý kiến những người dân khác về giải pháp. Người dân gánh phí điện, xăng cao, lại bao nhiêu thuế đường bộ, thuế môi trường, BOT... Vì sao không kêu gọi sự chung tay của giới quan chức, quản lý tốt hơn nguồn quỹ đầu tư và thuế má của dân chúng, khi khó khăn lại trút lên đầu người dân?"
Hôm 19/6, Tiến sĩ Mạc Văn Trang nói với BBC từ Hà Nội:
"Về phát ngôn của một số người liên quan đến cao tốc Bắc-Nam, tôi thấy dường như họ đang bị nô lệ bởi luật trên giấy mà không thấu hiểu lòng dân. Cũng như một số người chỉ nhớ nghị quyết mà vô cảm trước sự sôi sục phẫn nộ của dân. Cuộc biểu tình ngày 10/6 năm ngoái là ví dụ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ biết "Bộ Chính trị đã kết luận..." mà không hiểu lòng dân thế nào."
"Một nhà nước dân chủ thì phải lắng nghe, thấu hiểu ý nguyên của người dân và có quyết sách theo đa số dân chúng. Người dân không cần Nhà nước lý sự lằng nhằng. Người dân phản ứng bằng thái độ. Chính quyền không nghe theo lòng dân thì sụp đổ."

"Không thể đóng cửa với Trung Quốc'

Hôm 20/6, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, nói với BBC:
"Đúng là có những quan ngại về mặt an ninh quốc phòng cũng như các vấn đề chính trị trong mối quan hệ rất nhạy cảm với Trung Quốc của Việt Nam. Tuy nhiên, việc cấm cửa hoặc nói không với các nhà thầu và vốn Trung Quốc là không thực tế. Hơn thế, điều này có khả năng vi phạm các cam kết quốc tế và thiết lập sân chơi bình đẳng."
"Mục tiêu của Việt Nam là có được tuyến đường cao tốc được xây dựng với chất lượng cao và chi phí phải chăng. Việc càng có nhiều đối tác tham gia thì càng có thể đạt được điều này. Nói về trục trặc thì điều này có thể xảy ra với bất kỳ nguồn vốn hay nhà thầu nào. Chúng ta có thể thấy nhiều dự án của Nhật hay Ngân hàng Thế giới cũng bị bê trễ và đội vốn ở Việt Nam. Nhìn ra bên ngoài cũng vậy."
"Việt Nam không thể đóng cửa trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc được. Việt Nam không thể sử dụng các công cụ như Mỹ đang làm với Trung Quốc. Nếu không khéo, các hàng hóa của Việt Nam hay các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc bị chặn lại và hậu quả sẽ rất lớn."
"Trong tình huống này, tôi cho rằng, giải pháp là tổ chức đấu thầu quốc tế một cách công khai minh bạch. Các tiêu chí và điều kiện rõ ràng. Nhà thầu nào đạt điểm cao nhất thì chọn. Chất lượng và tiến trình triển khai như thế nào chủ yếu là do mình. Trung Quốc cũng như nhiều nước khác có thể triển khai các dự án nhanh và hiệu quả ở nhiều nơi, nhưng đến Việt Nam lại bê trễ và trục trặc. Việt Nam cần phải tổ chức giám sát thi công thật tốt với tất cả các nhà thầu."
Bàn về phản ứng của công luận trước nhà thầu Trung Quốc, ông Du bình luận: "Đúng là đường sắt Cát Linh-Hà Đông với vốn vay từ Trung Quốc và các nhà thầu Trung Quốc đang xảy ra rất nhiều các vấn đề như: đội vốn, chậm tiến độ … Tuy nhiên, đây là đặc điểm chung của các dự án đầu tư công cũng như các dự án vay vốn ưu đãi."
"Dự án Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 50% và kéo dài hơn ba năm; nhưng dự án tuyến Metro số 1 ở TP.Hồ Chí Minh thì vốn vay và nhà thầu Nhật đội vốn hơn 100% và kéo dài hơn tiến độ so với dự kiến gần chục năm. Nhiều dự án khác cũng gặp phải tình trạng tương tự."
"Ở vấn đề này, ví dụ ưa thích của tôi là dự án đường hầm lớn ở Boston, Massachusetts, Hoa Kỳ - nơi có thể xem là phát triển nhất thế giới với hai đại học hàng đầu thế giới về quản lý và công nghệ là Harvard và MIT. Dự án kéo dài hơn hai thập kỷ này có mức đầu tư ban đầu từ chưa đến 1 tỷ đô la đã tăng lên hơn 20 tỷ đô la mà nó được gọi là "kỳ quan" về chính trị cũng như kỹ thuật."
"Vốn ODA hay vay nước ngoài với các điều kiện ưu đãi thường rất đắt chứ không phải riêng Trung Quốc. Với các nước khác cũng vậy thôi."
"Tôi cho rằng, Việt Nam muốn lớn lên thì cần sự tự tin dựa trên trí tuệ và bản lĩnh của mình. Nếu cứ sợ sệt điều này điều kia thì thân phận nước chưa phát triển khó mà thoát được."
"Có một điều rất đáng suy nghĩ là những nơi đi trước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc thuê bên ngoài làm một dự án là có thể nắm bắt công nghệ để làm dự án thứ hai tương tự ngay, nhưng tại sao Việt Nam lại không làm được điều này?"
Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được các báo dẫn lời:
"Về dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ Giao thông-Vận tải phải khắc phục những hạn chế, yếu kém, tránh sự trì trệ như dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Đối với các nhà thầu, nhà đầu tư nước ngoài thì phải có năng lực, trách nhiệm, uy tín và được kiểm chứng. Các khâu không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự dự án Cát Linh-Hà Đông."

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.