Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 26/05/2019

Sunday, May 26, 2019 7:17:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 26/05/2019

Trump chơi golf với Abe

trước khi thảo luận về thương mại và Bắc Triều Tiên

Thanh Phương
Trong ngày thứ hai chuyến viếng thăm chính thức Nhật Bản, tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã chơi đánh golf với thủ tướng Shinzo Abe tại một sân golf gần Tokyo. Sau đó, hai lãnh đạo Mỹ- Nhật đã đến xem vòng chung kết giải đấu vật sumo đang diễn ra ở thủ đô Nhật Bản. Ông Donald Trump sẽ trao cúp vô địch cho võ sĩ thắng cuộc, mà người ta đã biết đó sẽ là Asanoyama, hiện đã nắm giữ kỷ lục về số lần thắng.
Ngày mai 27/06/2019 chuyến viếng thăm của tổng thống Mỹ mới bắt đầu thật sự mang tính ngoại giao. Donald Trump sẽ là lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên được tân Nhật hoàng Naruhito tiếp đón. Sau đó, ông sẽ thảo luận thủ tướng Shinzo Abe về thương mại song phương với hy vọng đạt được một hiệp định giữa Hoa Kỳ với nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới.
Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles gởi về bài tường trình :
« Donald Trump và Shinzo Abe vừa đánh golf với nhau. Thủ tướng Nhật là lãnh đạo chính phủ nước ngoài gặp tổng thống Mỹ thường nhất. Nhưng sự hòa hợp giữa Shinzo Abe và Donald Trump không phải là vô hạn. Tổng thống Mỹ muốn ký một hiệp định thương mại song phương với Tokyo sau khi cáo buộc ngành xe hơi của Nhật Bản và châu Âu là một mối đe dọa đối với an ninh của Hoa Kỳ.
Tokyo sẵn sàng chấp nhận một hiệp định thương mại với Washington, nhưng với điều kiện là thỏa thuận này không vượt quá tầm mức của hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương, đã được khoảng hơn một chục quốc gia ký kết, hiện chiếm 40% nền kinh tế thế giới. Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định này ngay sau khi bước vào Nhà Trắng.
Thủ tướng Nhật cũng cố gắng thuyết phục ông Donald Trump đừng hành động một cách đơn phương và thù nghịch như thế đối với Trung Quốc, vì theo ông Shinzo Abe, một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài giữa Mỹ với Trung Quốc có nguy cơ làm đảo lộn các thị trường tài chính và phá hủy các nền kinh tế ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190526-trump-choi-golf-voi-abe-truoc-khi-thao-luan-ve-thuong-mai-va-bac-trieu-tien

“Cú đấm thép” của Tổng thống Trump

có thể khiến TQ chao đảo

Bản năng của Tổng thống Donald Trump đã đúng khi mách bảo ông rằng Mỹ cần tái cân bằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Và cũng phải cần đến một “cú đấm thép” như ông thì mới có thể khiến Bắc Kinh chú ý.
“Gần đây một người bạn doanh nhân Mỹ làm việc tại Trung Quốc nhận định với tôi rằng, nước Mỹ không đáng phải có một tổng thống như Donald Trump, nhưng ông ấy chắc chắn là vị tổng thống Mỹ mà Trung Quốc đáng phải đối đầu”, nhà bình luận Thomas L. Friedman viết trên báo New York Times.
Sự cởi mở ban đầu trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc vào thập niên 1970 đã định hình liên kết thương mại song phương. Vào thời điểm đó, mối liên kết này vẫn còn rất hạn chế.
Việc Mỹ để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001 đã giúp Bắc Kinh vươn lên trở thành cường quốc thương mại. Những quy định của WTO đã cho phép Bắc Kinh được hưởng nhiều ưu đãi với tư cách là nước đang phát triển.
Các cuộc đàm phán mới sẽ xác định cách thức Mỹ và Trung Quốc quan hệ với nhau với tư cách là hai nền kinh tế ngang bằng, cùng cạnh tranh trong các ngành công nghiệp của thế kỷ 21 vào thời điểm mà thị trường hai nước đang hòa quyện vào nhau. Do vậy, đây vốn không phải là tranh chấp thương mại thông thường, mà là một vụ tranh chấp lớn.
Theo Friedman, để cuộc chiến thương mại kết thúc êm đẹp, Tổng thống Trump cần phải chấm dứt việc công kích Trung Quốc “một cách trẻ con” trên mạng xã hội Twitter và cũng dừng tuyên bố chiến tranh thương mại dễ giành chiến thắng như thế nào. Thay vào đó, ông chủ Nhà Trắng nên lặng lẽ xây dựng một thỏa thuận tái cân bằng có lợi nhất cho Mỹ, dù không thể giải quyết mọi vấn đề cùng một lúc, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận này và tránh lao đầu vào cuộc chiến thuế quan dài bất tận.
Bản năng của Tổng thống Trump đã đúng khi mách bảo ông rằng Mỹ cần tái cân bằng mối quan hệ thương mại với Trung Quốc trước khi Bắc Kinh trở nên quá lớn mạnh tới mức không thể thỏa hiệp được. Và cũng phải cần đến một “cú đấm thép” như ông Trump thì mới có thể khiến Trung Quốc chú ý.  Thomas L. Friedman
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cần nhận ra rằng Bắc Kinh không thể cứ mãi thụ hưởng những ưu đãi thương mại như nước này vốn có trong suốt 40 năm qua. Sẽ là khôn ngoan hơn nếu ông Tập dừng đưa ra những lời hăm dọa kiểu như “không ai được phép nói Trung Quốc phải làm gì”, đồng thời tìm kiếm một thỏa thuận tốt nhất theo hướng đôi bên cùng có lợi với Mỹ. Trung Quốc cần làm những điều trên vì họ khó có thể chịu được những hệ quả nếu Mỹ và các nước khác đồng loạt chuyển chuỗi cung ứng sản xuất sang các nước “abc” hay bất kỳ nơi nào đó ngoài Trung Quốc.
Con đường nào dẫn Mỹ và Trung Quốc tới kết cục như hiện nay?
Kể từ những năm 1970, quan hệ thương mại Mỹ – Trung đã được duy trì tương đối nhất quán: Mỹ mua đồ chơi, áo thun, giày tennis, công cụ máy móc và pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc mua đậu nành, thịt bò và máy bay Boeing của Mỹ.
Cho tới khi quan hệ thương mại bị mất cân bằng, do Trung Quốc tăng trưởng không chỉ bởi làm việc chăm chỉ, xây dựng cơ sở hạ tầng thông minh và đào tạo người dân, mà còn bởi cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ nếu muốn vào thị trường Trung Quốc, trợ cấp cho công ty trong nước, duy trì thuế quan ở mức cao, phớt lờ các quy định của WTO và đánh cắp sở hữu trí tuệ, Bắc Kinh đã xoa dịu Washington bằng cách mua thêm nhiều máy bay Boeing, thịt bò và đậu nành.
Trung Quốc kiên quyết cho rằng họ vẫn là “nước đang phát triển nghèo khó”, do vậy cần thêm sự bảo hộ dù trên thực tế Trung Quốc đã trở thành công xưởng sản xuất lớn thứ hai thế giới. Trong quá trình thiết lập quan hệ thương mại song phương, Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành cường quốc lớn thứ hai sau Mỹ. Cả Bắc Kinh và Washington đều khiến cho toàn cầu hóa lan rộng hơn và giúp thế giới trở nên thịnh vượng hơn.
Tuy nhiên, một số thay đổi lớn của Trung Quốc đã xuất hiện khiến Mỹ không thể bỏ qua. Đầu tiên, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã thông báo kế hoạch hiện đại hóa “Made in China 2025”, trong đó cam kết trợ cấp để giúp các công ty tư nhân lẫn nhà nước của Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới về siêu máy tính, trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, in 3D, phần mềm nhận diện gương mặt, xe điện, xe tự lái, mạng 5G và vi mạch hiện đại.
“Cú đấm thép” của Tổng thống Trump có thể khiến Trung Quốc chao đảo  – 2
Đây là sự thay đổi tự nhiên đối với Trung Quốc khi nước này muốn thoát ra khỏi hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình và giảm sự phụ thuộc vào phương Tây về công nghệ cao. Tuy nhiên trong tất cả những ngành công nghiệp mới nói trên, Trung Quốc đều phải cạnh tranh trực tiếp với các công ty hàng đầu của Mỹ.
“Kết quả là, tất cả những cách mà Trung Quốc đã làm, từ trợ giá, bảo hộ, gian lận quy định thương mại, cưỡng ép chuyển giao công nghệ và đánh cắp sở hữu trí tuệ, từ thập niên 1970 đều trở thành mối đe dọa ngày càng lớn. Nếu Mỹ và châu Âu cho phép Trung Quốc tiếp tục hành xử theo đúng chiêu thức mà họ đã dùng để thoát nghèo và cạnh tranh ở tất cả các ngành trong tương lai, chúng ta có lẽ là những kẻ điên. Tổng thống Trump đã đúng ở khoản này”, nhà phân tích Friedman nhận định.
“Tuy nhiên ông Trump sai ở chỗ thương mại không giống như chiến tranh. Khác với chiến tranh, thương mại có thể cho phép hai bên cùng thắng. Alibaba, UnionPay, Baidu và Tencent cùng Google, Amazon, Facebook và Visa, tất cả đều có thể giành chiến thắng cùng một lúc và thực tế là như vậy. Nhưng tôi không chắc ông Trump có hiểu được điều đó không.
Tôi cũng không chắc ông Tập có hiểu điều đó không. Chúng ta phải để cho Trung Quốc giành chiến thắng công bằng và thẳng thắn nếu các công ty của họ tốt hơn, nhưng họ cũng phải sẵn sàng chịu thua một cách công bằng và thẳng thắn. Ai có thể nói trước được Google và Amazon ngày nay sẽ thịnh vượng hơn như thế nào nếu họ được phép hoạt động thoải mái ở Trung Quốc như Alibaba và Tencent được phép hoạt động ở Mỹ? Ngoài ra, Trung Quốc đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền, để trợ ấp cho các công ty trong nước, khi quân đội của họ đánh cắp kế hoạch chế tạo máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của hãng Lockheed Martin, rồi sau đó tự chế ra phiên bản sao chép của riêng mình, mà không phải tốn tiền nghiên cứu và phát triển?”, Thomas L. Friedman đặt câu hỏi.
“Chúng ta có thể phớt lờ nếu thương mại chỉ liên quan tới đồ chơi và pin mặt trời, nhưng nếu nó liên quan tới F-35 và 5G, nếu phớt lờ thì không khôn ngoan chút nào”, Friendman bình luận.
Theo nhà phân tích của New York Times, trong quan hệ thương mại, có thể hai bên cùng có thắng, nhưng chiến thắng có thể không còn nguyên vẹn nếu một bên không chỉ làm việc cật lực mà còn có hành vi gian lận.
Friedman nhận định thế giới đang sống trong kỷ nguyên “công dụng kép”. Các thiết bị 5G như sản phẩm do tập đoàn Huawei Trung Quốc sản xuất không chỉ có khả năng truyền dữ liệu và giọng nói với tốc độ siêu nhanh, mà còn có thể được sử dụng để làm công cụ gián điệp, nếu cơ quan tình báo Trung Quốc thực thi quyền tiếp cận theo quy định của luật.
“Trong thế giới “công dụng kép”, bạn nên lo lắng rằng nếu bạn sử dụng ứng dụng chatbot (phần mềm trả lời tin nhắn tự động) của Huawei tại nhà của bạn, tương tự công nghệ Echo của Amazon, có thể bạn đang nói chuyện với tình báo quân đội Trung Quốc”, Friedman cảnh báo.
Theo James McGregor, một trong những cố vấn kinh doanh Mỹ uyên bác nhất và từng sống lâu năm ở Trung Quốc, trong 10 năm qua, Trung Quốc “thay vì cải cách và mở cửa, lại tiến hành cải cách nhưng đóng cửa.”
Thay vì giàu có hơn và trở thành nước có trách nhiệm hơn trong thời đại toàn cầu hóa, Trung Quốc lại trở nên giàu hơn và quân sự hóa nhiều hơn các đảo ở Biển Đông nhằm đẩy Mỹ ra khỏi khu vực. Trung Quốc cũng sử dụng công cụ công nghệ cao như nhận diện khuôn mặt để kiểm soát người dân nhiều hơn, thay vì nới lỏng.
“Mỹ hoặc Trung Quốc phải tìm cách để xây dựng lòng tin mạnh mẽ hơn nữa, để toàn cầu hóa có thể tiếp tục diễn ra và chúng ta có thể phát triển cùng nhau trong kỷ nguyên mới. Nếu không, cả hai sẽ không thể tiến thêm được nữa. Trong trường hợp đó, toàn cầu hóa sẽ bắt
đầu rạn nứt và cả Mỹ cũng như Trung Quốc sẽ nghèo đi”, nhà phân tích Friedman nhận định.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28247-cu-dam-thep-cua-tong-thong-trump-co-the-khien-tq-chao-dao.html

Trump ‘không phiền’

vì Bắc Hàn ‘phóng vài vũ khí nhỏ’

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 26/5 phủ nhận lo ngại về các vụ phóng tên lửa gần đây của Bắc Hàn và nói ông tin rằng nhà lãnh đạo Kim Jong-un biết giữ lời hứa.
“Bắc Hàn đã phóng một số vũ khí nhỏ, gây lo ngại cho một số người, nhưng không phải tôi. Tôi tin rằng Chủ tịch Kim sẽ giữ lời hứa với tôi,” ông Trump viết trên Twitter.
Bắc Hàn khôi phục điểm phóng tên lửa
Kim Jong-un thị sát thử tên lửa
Trump: Bắc Hàn ‘có thể thành cường quốc’
Trump: Bắc Hàn vẫn là ‘một mối đe dọa’
Tổng thống Mỹ hiện đang trong chuyến công du ở Nhật.
Theo Reuters, ông Trump, người rời khỏi Hội nghị Thượng đỉnh lần hai với ông Kim tại Việt Nam hồi tháng 2/2019 mà không đạt được thỏa thuận, chú trọng mối quan hệ cá nhân, bất chấp hành động của Bắc Hàn bị coi là khiêu khích.
Trong thời gian ở Tokyo, ông Trump dự kiến ​​sẽ thảo luận với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về mối quan ngại xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ông Trump viết trên Twitter rằng ông đã mỉm cười khi ông Kim “gọi Joe Bidan [viết sai tên cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người có khả năng là đối thủ của ông trong cuộc tranh cử năm 2020] là một người có IQ thấp, và tồi tệ. Có lẽ đây là tín hiệu gửi cho tôi?”
Ông Trump thường sử dụng các biệt danh nhạo báng nhắm vào các đối thủ chính trị.
Phát biểu của ông Trump được đưa ra sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton bình luận rằng các vụ phóng tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng “vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48362477

Đại sứ Mỹ kêu gọi

Trung Quốc đối thoại với Đức Đại Lai Lạt Ma

Trung Quốc nên đối thoại với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Terry Branstad nói với các quan chức Trung Quốc trong chuyến thăm Tây Tạng, nơi ông chỉ trích Bắc Kinh can thiệp vào tự do tôn giáo.
Ông Branstad thăm Tây Tạng tuần trước, theo Reuters. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một đại sứ Mỹ kể từ năm 2015, trong bối cảnh căng thẳng về thương mại và ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ leo thang.
Chuyến thăm của nhà ngoại giao này tiếp sau việc Mỹ thông qua một điều luật tháng 12 năm ngoái, theo đó yêu cầu Mỹ bác bỏ đơn xin thị thực đối với các quan chức Trung Quốc phụ trách việc thực thi các chính sách giới hạn việc tiếp cận Tây Tạng đối với người nước ngoài. Trung Quốc đã lên án luật này.
XEM THÊM:
Đức Đạt Lai Lạt Ma phải nhập viện
Theo tuyên bố của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, ông Branstad đã gặp các quan chức chính quyền Trung Quốc và các nhân vật tôn giáo cũng như văn hóa của Tây Tạng, đồng thời nêu lên “các quan ngại lâu nay” về việc thiếu sự tiếp cận Tây Tạng.
Một nữ phát ngôn viên của đại sứ quán Mỹ cũng được Reuters trích lời nói rằng ông Branstad đã “khuyến khích chính phủ Trung Quốc tham gia vào cuộc đối thoại thực chất với Đức Đạt Lai Lạt Ma hoặc đại diện của ông, mà không có điều kiện tiên quyết nào, nhằm tìm ra một giải pháp xử lý các khác biệt”.
Bà cũng nói thêm rằng đại sứ cũng “bày tỏ quan ngại liên quan tới sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc vào quyền tự do của các nhà sư Tây Tạng”.
Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Ấn Độ đầu năm 1959 sau một cuộc nổi dậy bất thành chống Trung Quốc và hiện sống lưu vong tại thị trấn Dharamshala ở miền bắc Ấn Độ.
https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A9-m%E1%BB%B9-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-trung-qu%E1%BB%91c-%C4%91%E1%BB%91i-tho%E1%BA%A1i-v%E1%BB%9Bi-%C4%91%E1%BB%A9c-%C4%91%E1%BA%A1i-lai-l%E1%BA%A1t-ma/4933027.html

TT Trump đồng tình với Chủ tịch Kim Jong Un

về ông Biden

Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un cùng đồng ý về việc đánh giá cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói hôm 26/5, theo Reuters.
Hãng tin nhà nước Triều Tiên tuần trước đã công kích ông Biden, người vốn chỉ trích quốc gia cộng sản này.
“Tôi nghĩ rằng họ đồng ý về việc đánh giá cựu Phó Tổng thống Joe Biden”, bà Sanders nói về ông Trump và ông Kim.
Theo Reuters, nữ phát ngôn viên này lên tiếng từ Nhật Bản trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Trump tới Nhật.
XEM THÊM:
Triều Tiên đả kích ông Biden là ‘thằng ngu có chỉ số IQ thấp’
“Tổng thống không cần ai cung cấp cho ông việc đánh giá Joe Biden. Ông tự đưa ra đánh giá của riêng mình một số lần”, bà Sanders nói thêm, theo Reuters.
Trên Twitter hôm 25/5, ông Trump đề cập tới việc Triều Tiên chỉ trích ông Biden, một đảng viên Dân chủ đang chạy đua trở thành tổng thống và bày tỏ vui mừng vì lời chỉ trích của nhà lãnh đạo Triều Tiên về ông Biden.
Sự đả kích của báo chí Triều Tiên được đưa ra sau khi ông Biden gần đây đề cập tới ông Kim Jong Un là “một tên côn đồ” và “bạo chúa”.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-%C4%91%E1%BB%93ng-t%C3%ACnh-v%E1%BB%9Bi-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-kim-jong-un-v%E1%BB%81-%C3%B4ng-biden/4933082.html

Hoa Kỳ chưa muốn

coi Việt Nam là nước thao túng tiền tệ

Hoa Kỳ chưa muốn đưa Việt Nam vào danh sách nước thao túng tiền tệ, theo Bloomberg. Báo tài chính này dẫn lời một người thạo tin cho biết về “dữ liệu mới” mà Hà Nội đã cung cấp cho Bộ Tài chính Hoa Kỳ.
Quyết định này là thắng lợi cho Việt Nam, vốn đã đối diện khả năng bị đưa vào danh sách của chính quyền Tổng thống Trump khi Washington hạ thấp ngưỡng liệt đối tác thương mại của mình vào thành phần thao túng.
Trong những tuần gần đây, Việt Nam đã cung cấp thêm dữ liệu nhằm chứng minh cho Bộ tài chính Hoa Kỳ là Hà Nội không giữ giá trị tiền đồng thấp.
Việt Nam cũng đã gửi một phái viên hàng đầu đến gặp Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin vào hôm thứ Năm. Hiện chưa rõ dữ liệu mà Việt Nam đã cung cấp cho Hoa Kỳ là gì, theo Bloomberg.
Sau cuộc họp, ông Mnuchin đã nhắn trên twitter một bức ảnh chụp cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, với nội dung rằng họ trao đổi về quan hệ kinh tế và thương mại.
Bộ tài chính Mỹ mỗi năm phát hành hai lần một báo cáo về ngoại tệ. Trong báo cáo mới nhất, một loạt quốc gia bị rà soát về khả năng thao túng tiền tệ, nâng lên tổng số là 20 nước từ con số 12 trước đó, sau khi bộ này thay đổi một trong ba tiêu chí mà Hoa Kỳ dùng để kiểm tra xem một nước có thao túng tiền tệ hay không.
Trước đây, một trong những yếu tố khiến Bộ tài chính Mỹ kiểm tra khả năng thao túng tiền tệ là thặng dư tài khoản vãng lai – chênh lệch giữa số tiền mà một quốc gia xuất khẩu và nhập khẩu – là 3% tổng sản phẩm quốc nội. Với với báo cáo hiện tại, ngưỡng này được hạ thấp xuống còn 2%.
Báo cáo đáng ra đã chính thức trình Quốc hội Mỹ vào tháng Tư nhưng kể từ đó bị trì hoãn và chưa có ngày dự kiến công bố.
Chính sách tiền tệ dường như là công cụ mới nhất của ông Trump dùng để vẽ lại cuộc chơi mậu dịch toàn cầu mà theo ông đã làm tổn hại các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ.
Ông Trump đã có hành động để chính sách ngoại hối trở thành một phần quan trọng trong các thỏa thuận thương mại với Mexico, Canada và Nam Hàn, và chính sách tiền tệ dự kiến sẽ là một phần của thỏa thuận với Trung Quốc trong trường hợp hai bên có đạt được.
Bị Trump ‘đánh’, công ty TQ ‘âm thầm’ sang VN?
Thương chiến Mỹ-Trung: Cơ hội ‘ngàn năm một thuở’ cho VN
VN níu giữ hay sẽ thay mô hình Xô Viết?
Chuyên gia Phạm Chi Lan mới đây nói với BBC rằng Hoa Kỳ không nên trừng phạt Việt Nam vì Việt Nam khác biệt với Trung Quốc.
“Việt Nam còn rất nhỏ, chưa có cái gì có thể đe dọa gây thiệt hại cho Hoa Kỳ. Việt Nam cũng mong muốn gia tăng thiết lập quan hệ tốt với Hoa Kỳ, nhập khẩu thêm từ Hoa Kỳ.
“Chúng tôi tiếc là Hoa Kỳ không tham gia TPP (phiên bản cũ của CPTPP). Nếu Hoa Kỳ đồng ý thì có thể thấy sự thay đổi trong cán cân thương mại, sẽ tốt cho cả đôi bên.”
Bà Lan nhấn mạnh lại rằng, nhìn vào cán cân thương mại thì Việt Nam hưởng lợi nhưng thực tế người hưởng lợi chính là các nhà đầu tư và người tiêu dùng Hoa Kỳ.
Chín nước thặng dư thương mại với Hoa Kỳ vào 2018
Source: Cục Thống kê Hoa Kỳ, Bloomberg
10 nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam 2018
Source: Tổng cục Hải quan, VnEconomy
10 đối tác thương mại lớn nhất của VN
Tổng xuất nhập khẩu năm 2018
Source: Thống kê Hải Quan
https://www.bbc.com/vietnamese/business-48413891

Hậu quả tồi tệ thế giới phải gánh

 do ‘chiến tranh lạnh’ Mỹ – Trung

Những gì bắt đầu như chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang nhanh chóng leo thang thành một trận đấu sinh tử giành vị trí thống trị kinh tế, kỹ thuật và quân sự toàn cầu.
Nếu các lãnh đạo hai nước không thể kiểm soát mối quan hệ định hình thế kỷ 21 nói trên, toàn thế giới sẽ phải lĩnh hậu quả. Đó là nhận định của giáo sư Nouriel Roubini thuộc Trường Kinh doanh, Đại học New York (Mỹ), người từng làm việc cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và là chuyên gia kinh tế cấp cao phụ trách các vấn đề đối ngoại trong Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời ông Bill Clinton.
Trong một bài viết mới đăng tải trên trang Project Syndicate, giáo sư Roubini chia sẻ rằng, khi tham gia chuyến công du Trung Quốc của một phái đoàn phương Tây, ông đã gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh. Phát biểu trước các quan khách nước ngoài, ông Tập tuyên bố, sự trỗi dậy của Trung Quốc mang tính hòa bình và các nước khác, kể cả Mỹ, không cần phải lo lắng về “cái bẫy Thucydides” (thuyết được đặt theo tên nhà sử học Hy Lạp đã ghi chép việc người Sparta vì e sợ sự trỗi dậy của người Athen mà gây chiến như thế nào).
Bất chấp sự hiểu biết của cả hai bên về cái bẫy Thucydides cũng như việc công nhận rằng lịch sử không có tính quyết định, nhưng Trung Quốc và Mỹ dường như đang bị rơi vào cái bẫy đó. Mặc dù hiện khó có khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh nóng (xung đột vũ trang) Mỹ – Trung, nhưng nguy cơ về một cuộc chiến tranh lạnh giữa hai bên nhiều khả năng sẽ xảy ra hơn.
Mỹ đang đổ lỗi cho Trung Quốc về những căng thẳng hiện tại. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001, Trung Quốc đã “thâu tóm các lợi ích của hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, trong khi không thực hiện các nghĩa vụ cũng như tự
do áp đặt các quy tắc của mình”. Theo Washington, Bắc Kinh đã hưởng lợi thế bất công bằng thông qua việc ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, cưỡng ép chuyển giao công nghệ, trợ cấp cho các công ty trong nước và những công cụ khác của chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Về phần mình, Trung Quốc nghi ngờ mục tiêu thực sự của Mỹ là ngăn chặn nước này trỗi dậy hơn nữa hoặc vươn dài sức mạnh và ảnh hưởng hợp pháp ra ngoài thế giới. Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới xét về GDP sẽ tìm cách mở rộng sự hiện diện trên trường quốc tế là điều dễ hiểu. Và Bắc Kinh sẽ lập luận họ đã cải thiện phúc lợi vật chất của 1,4 tỉ người Trung Quốc tốt hơn nhiều các hệ thống chính trị bế tắc của phương Tây.
Bất kể bên nào có lập luận mạnh mẽ hơn, sự leo thang các căng thẳng về kinh tế, thương mại, công nghệ và địa chính trị có khả năng không thể tránh khỏi. Những gì bắt đầu như một cuộc chiến thương mại hiện có nguy cơ leo thang thành trạng thái thù địch nhau vĩnh viễn. Điều này được phản ánh trong Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược, cần kiểm soát ở mọi mặt trận.
Do đó, Mỹ đang hạn chế mạnh mẽ các đầu tư nước ngoài trực tiếp của Trung Quốc vào những lĩnh vực nhạy cảm, đồng thời theo đuổi các động thái khác để đảm bảo sự thống trị của phương Tây trong những ngành công nghiệp chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI) và 5G. Washington đang gây áp lực cho các đối tác và đồng minh không tham gia sáng kiến Vành đai và Con đường, một chương trình quy mô của Trung Quốc nhằm xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khắp các lãnh thổ Á – Âu. Chính quyền của ông Trump cũng tăng cường các cuộc tuần tra của Hải quân Mỹ ở các vùng biển mà Trung Quốc ngày càng hung hăng trong việc đơn phương yêu sách chủ quyền.
Theo ông Roubini, các hệ lụy toàn cầu của một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ – Trung thậm chí sẽ nghiêm trọng hơn những hậu quả của chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Khi chiến tranh lạnh bùng phát, Liên Xô là một cường quốc đang trên đà suy yếu với mô hình kinh tế thất bại, còn Trung Quốc hiện dự kiến sẽ sớm trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới và sẽ tiếp tục phát triển. Hơn nữa, Mỹ và Liên Xô từng giao dịch rất ít với nhau, trong khi Trung Quốc đã tích hợp hoàn toàn vào hệ thống thương mại và đầu tư toàn cầu, đặc biệt đan xen sâu rộng với Mỹ.
Một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện có thể kích hoạt một giai đoạn phi toàn cầu hóa mới hoặc ít nhất là một sự phân tách nền kinh tế toàn cầu thành hai khối kinh tế không tương thích. Trong cả hai viễn cảnh này, thương mại hàng hóa, dịch vụ, vốn, lao động, công nghệ và dữ liệu đều sẽ bị giới hạn nghiêm trọng. Và lĩnh vực kỹ thuật số sẽ trở thành “mạng phân li”, trong đó các nút của phương Tây và Trung Quốc sẽ không kết nối với nhau.
Giờ đây, khi Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các công ty ZTE và Huawei, Trung Quốc sẽ tìm mọi cách đảm bảo việc các đại gia công nghệ của họ có thể tìm được nguồn cung ứng đầu vào thiết yếu trong nước hoặc ít nhất là từ các đối tác thương mại thân thiện, không phụ thuộc vào Mỹ.
Trong thế giới bị chia rẽ này, cả Trung Quốc và Mỹ sẽ đều mong muốn tất cả các nước khác chọn đứng về một phía, trong khi hầu hết các chính phủ sẽ cố gắng xâu chuỗi để duy trì mối quan hệ kinh tế tốt với cả hai. Rốt cuộc, nhiều đồng minh của Mỹ hiện đang làm ăn (về thương mại và đầu tư) với Trung Quốc nhiều hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế tương lai có Trung Quốc và Mỹ kiểm soát riêng rẽ việc tiếp cận các công nghệ quan trọng như AI và 5G thì việc đứng giữa nhiều khả năng là không thể thực hiện được. Mọi người sẽ phải lựa chọn và thế giới có thể bước vào một quá trình phi toàn cầu hóa lâu dài.
Dù chuyện gì xảy ra, mối quan hệ Mỹ – Trung sẽ là vấn đề địa chính trị then chốt của thế kỷ này. Sự cạnh tranh theo mức độ nào đó là không thể tránh khỏi. Song, lí tưởng nhất là cả hai bên sẽ kiểm soát việc đó một cách mang tính xây dựng, cho phép hợp tác ở một số lĩnh vực và cạnh tranh lành mạnh ở những lĩnh vực khác. Thực tế, Trung Quốc và Mỹ sẽ tạo ra một trật tự quốc tế mới, dựa trên sự thừa nhận rằng cường quốc mới đang trỗi dậy (và không thể tránh khỏi) cần được trao một vai trò trong việc hình thành các quy tắc và thể chế toàn cầu.
Nếu mối quan hệ không được kiểm soát đúng đắn (Mỹ cố gắng ngăn chặn đà phát triển và sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khi Trung Quốc ráo riết mở rộng sức mạnh của mình ở châu Á và trên toàn thế giới), một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện chắc chắn sẽ xảy ra và cũng không loại trừ nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh nóng hoặc một loạt các cuộc chiến ủy nhiệm. Lúc ấy, bẫy Thucydides sẽ không chỉ nuốt chửng Mỹ và Trung Quốc, mà còn cả thế giới.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28222-hau-qua-toi-te-the-gioi-phai-ganh-do-chien-tranh-lanh-my-trung.html

Trump: Bộ Trưởng Barr Giải Mật

 Tin Tình Báo Về Hồ Sơ Nga

WASHINGTON   -    Bộ trưởng tư pháp của Trump được giao quyền với cộng đồng tình báo trong cuộc duyệt xét vai trò của đoàn Mueller trong nhiệm vụ điều tra “hồ sơ Nga” mà ông luôn mô tả là ngụy tạo như “tìm bắt phù thủy.
Hồi tối Thứ Năm, TT Trump đã ký biên bản về quyền hạn của bộ trưởng Barr, yêu cần cộng đồng tình báo hợp tác để công dân nhận biết sự thật, theo thông báo từ tham vụ Sarah Sanders.
Ông Barr báo cáo QH “đoàn vận động tranh cử của ứng viên Trump bị do thám”, nhắc lại các phản bác hoạt động điều tra của các ủy ban Hạ Viện mà ông Trump lên án là nối tiếp việc làm vô nghĩa của công tố viên độc lập Mueller và hô hào luận tội.
Dân biểu Adam Schiff, chủ tịch ủy ban tình báo, nhanh chóng tố cáo hành động của Trump là có ý nghĩa chính trị.
Cựu luật sư của “cơ quan an ninh quôc gia – NSA” là April Falcon Doos, cũng là cựu tham vấn pháp lý của cuộc điều tra về Nga của ủy ban Thượng Viện, thấy hành động của TT Trump ngoại lệ – bà giải thích: bộ trưởng tư pháp không tự nhiên có tư thế thấu hiểu mức độ ảnh hưởng của giải mật tài liệu, cũng không là địa vị thẩm định được thiệt hại tiềm ẩn. Hơn nữa, ông Barr là bổ nhiệm chính trị đang bị chỉ trích về hành vi bè phái và hầu như chắc các duyệt cũng có yếu tố đảng phái.
Ông Michael Stern, 1 cựu công tố liên bang, góp ý : cho cơ quan công lực này điều tra cơ quan không lực khac là nguy hiểm, vì không có yếu tố hình sự.
https://vietbao.com/p114a294519/trump-bo-truong-barr-giai-mat-tin-tinh-bao-ve-ho-so-nga

CNN: TT Trump Lọt Bẫy Khiêu Khích Của DB Pelosi

WASHINGTON   -     Dân biểu Nancy Pelosi đặt bẫy khiêu khích trong 2 ngày qua, và TT Trump cắn mồi theo nhận xét của CNN!
Ông Trump hành động lạc hướng trong buổi tiếp 2 thủ lãnh DC của 2 Viện Lập pháp được dự liệu thảo luận kế sách hạ tầng cơ sở – ông Trump ngưng ngang chỉ  sau 5 phút với tố cáo bà Pelosi “điên rồ”.
Tình huống này ám chỉ bà Pelosi đang thắng thế trong cuộc đối đầu liên tục với lãnh đạo hành pháp.
Bà chủ tịch Hạ Viện nói: ông Trump mất niềm tin, và cầu nguyện để thân nhân và nhóm cộng sự can thiệp để giúp ông.
Ký giả nhận xét: bà Pelosi dùng cùng loại vũ khí là khiêu khích và chế giễu, làm đối phương mất tự chủ và buộc ông Trump phản ứng nhanh.
Tuần này, phe DC vận động để chủ tịch Pelosi cho khởi động tiến trình luận tội cùng lúc tòa án từ chối ngăn trở yêu cầu cung cấp thông tin tài chính của các ủy ban Hạ Viện đang điều tra Trump và các kinh doanh của ông.
Ông Trump nêu nghi vấn với bà Pelosi về khả năng đọc và hiểu luật trong lúc bà được biết tiếng như là 1 nhà lập pháp điềm tĩnh và lão luyện.
Nhà báo nhắc lại: khi công sở đóng cửa vì đối đầu về tường biên giới, bà Pelosi chế giểu gia tài của Donald Trump bằng câu “Công chưc không mong về nhà xin tiền bố”.
Nhận xét của giới phân tích là không bảo đảm bà Pelosi thắng nhưng điều có thể chắc là Trump không lùi.
Trong các công kích qua lại, trước khi lên đường đi Nhật, ông Trump đặt vấn đề “Dân biểu Pelosi không còn như xưa, phải chăng là mất thăng bằng tâm thần”.
Hôm Thứ Năm, ông phóng twitter kèm theo video đã chỉnh sửa cho thấy bất ổn trong phát biểu của bà Pelosi và tuyên bố “Pelosi không giúp ích đất nước” – video ấy là trích đoạn 30 giây buổi họp báo 20 phút của bà Pelosi ngày 23-5. Có lúc, bà Pelosi nói lắp 5, 6 lần.
Luật sư Giuliani phóng video tương tự và đã xoa bỏ.
Qua Thứ Sáu, ông Trump nói “không biết video chỉnh sửa.”
https://vietbao.com/p114a294518/cnn-tt-trump-lot-bay-khieu-khich-cua-db-pelosi

Bầu Nghị Viện Châu Âu :

Cử tri 21 nước còn lại đi bỏ phiếu

Thanh Phương
Ngày 26/05/2019, đến lượt cử tri của 21 quốc gia còn lại đi bỏ phiếu để bầu các đại diện của họ vào Nghị Viện Châu Âu. Cuộc bầu cử lần này đã bắt đầu từ hôm 23/05/2019 tại 7 quốc gia, trong đó có Anh Quốc, vào giờ chót mới tổ chức cho người dân đi bỏ phiếu, sau khi dời lại ngày Brexit đến trễ nhất là 31/10/2019.
Tổng cộng có khoảng 427 triệu cử tri châu Âu được kêu gọi bỏ phiếu để bầu 751 nghị viên cho Nghị Viện Châu Âu, một định chế có quyền hạn ngày càng lớn, nhưng cuộc bầu cử này lại có rất ít cử tri tham gia. Năm 2014, tỷ lệ đi bỏ phiếu chỉ đạt 42,6%.
Kết quả chính thức của toàn bộ các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ chỉ được công bố kể từ 23 giờ, sau khi các phòng phiếu đóng cửa ở nước Ý. Tuy nhiên, ngay từ 20 giờ, có thể biết các kết quả thẩm định của các viện thăm dò tại nhiều nước, cũng như dự đoán đầu tiên của Nghị Viện Châu Âu về số ghế trong Nghị Viện mới.
Theo hãng tin AFP, được chờ đợi nhiều nhất là tỷ lệ phiếu của hai đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia ở Pháp và đảng Liên Đoàn ở Ý. Hai đảng này đang hy vọng sẽ lập được một liên minh các đảng dân tộc chủ nghĩa, chống hợp nhất châu Âu và dân túy.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190526-bau-nghi-vien-chau-au-cu-tri-21-nuoc-con-lai-di-bo-phieu

Đức điều tra ký giả Tân Hoa Xã về hành vi

thám thính chung quanh khu vực quân sự

Tin từ Berlin, Đức — Theo tin từ Bloomberg, quân đội Đức đang điều tra những thông tin mà ba phóng viên Trung Cộng đã thu thập được trong khi Thủ tướng Angela Merkel đến thăm một đơn vị của Liên Phòng Bắc Đại Tây Dương (Nato).
Hành động này đã báo hiệu sự ngờ vực đối với hãng tin Tân Hoa Xã. Theo một nguồn tin ẩn danh trong cuộc, các phóng viên Tân Hoa Xã đã  tạo ra nghi ngờ bằng cách quay phim các thiết bị quân sự và phỏng vấn các binh sĩ về thói quen hàng ngày của họ. Theo Bloomberg, các phóng viên này được ủy nhiệm cùng với các ký giả khác để vào căn cứ và đưa tin về chuyến thăm của bà Merkel đến khu vực huấn luyện Lực lượng Very High Readiness Joint Task Force tại Munster, Đức, vào ngày 20 tháng 5.
Một viên chức tình báo Đức cho biết Tân Hoa Xã đã bị theo dõi trong một thời gian, do các liên kết của hãng tin này với nhà cầm quyền Trung Cộng. Theo viên chức này, tình báo Đức cho rằng các phóng viên Tân Hoa Xã đang hỗ trợ các nỗ lực tuyên truyền của Trung Cộng, cũng như giúp thu thập dữ liệu và thông tin ở ngoại quốc.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Chính phủ Hoa Kỳ từng ra lệnh cho Tân Hoa Xã và Mạng Truyền hình Quốc tế Trung Cộng ghi danh theo Đạo luật Ghi Danh Đại lý Ngoại quốc. Do đó, tại Hoa Kỳ, Tân Hoa Xã được yêu cầu phải tiết lộ các hoạt động và chi tiêu, cũng như đưa ra các khuyến cáo liên quan đến nội dung báo chí của họ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/duc-dieu-tra-ky-gia-tan-hoa-xa-ve-hanh-vi-tham-thinh-chung-quanh-khu-vuc-quan-su/

Cảnh sát Pháp truy lùng

thủ phạm đánh bom vali sau vụ nổ ở Lyon

Tin từ Lyon, Pháp — Reuters dẫn lời các viên chức cho biết, vào hôm thứ Sáu (24 tháng 5), cảnh sát Pháp đang truy lùng nghi can đánh bom vali, sau vụ nổ ở thành phố trung tâm Lyon làm 13 người bị thương.
Theo nguồn tin cảnh sát và thị trưởng địa phương Denis Broliquier, một video an ninh đã quay lại được cảnh nghi can để lại một chiếc túi trước cửa hàng bánh ngay trước khi vụ nổ xảy ra vào khoảng 5 giờ 30 chiều. Hầu hết những người bị thương phải nhập viện để điều trị vết thương ở chân, và hầu hết các vết thương này đều được mô tả là nhẹ.
Tổng thống Emmanuel Macron đã phân loại sự việc này là một cuộc “tấn công” khi tin tức được lan truyền trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên YouTube trước cuộc bầu cử Châu Âu vào hôm Chủ nhật (26/5).
Theo Reuters, các công tố viên chống khủng bố ở Paris đang mở một cuộc điều tra, khi cảnh sát cho biết họ xem xét vụ nổ này là một vụ giết người có chủ đích. Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner cũng đích thân tới hiện trường.
Nghi can đeo mặt nạ đã xuất hiện trong đoạn phim camera an ninh khi đang lái một chiếc xe đạp đến hiện trường, trước khi để một chiếc túi bên ngoài một chi nhánh của Brioche Doree, một chuỗi cửa hàng bánh nổi tiếng. Các nguồn tin cảnh sát mô tả nghi can là một người đàn ông châu Âu hoặc Bắc Phi, mặc quần short Bermuda màu xám tro, với khăn quàng cổ hoặc quấn đầu màu xanh lá cây và đeo kiếng đen. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/canh-sat-phap-truy-lung-thu-pham-danh-bom-vali-sau-vu-no-o-lyon/

Tòa án hàng hải quốc tế tuyên bố

Nga phải thả những thủy thủ Ukraine bị giam giữ

Tin từ Frankfurt — Vào hôm Thứ Bảy (25/5), một tòa án hàng hải quốc tế tuyên bố Moscow phải thả 24 thủy thủ trên ba con tàu của Ukraine.
Theo Reuters, những con tàu này bị chặn hồi tháng 11/2018 khi đi qua eo biển giữa Crimea và miền nam nước Nga. Ngày 25/11/2018, Hải quân Nga bắt giữ các thủy thủ Ukraine và tàu của họ ở eo biển Kerch, nối liền Hắc Hải và Azov, sau khi nổ súng vào họ.
Tòa án quốc tế về luật biển (ITLOS) tuyên bố Nga phải thả các thủy thủ và tàu của họ ngay lập tức. Bên cạnh đó, cơ quan này cho rằng cả hai quốc gia nên kiềm chế, không nên thực hiện bất kỳ hành động nào có thể làm tranh chấp trở nên nghiêm trọng hơn. Ông Jin-Hyun Paik, chủ tịch Tòa án quốc tế về luật biển cho hay, bất kỳ hành động nào ảnh hưởng đến tàu chiến đều có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân phẩm và chủ quyền của một quốc gia, và có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia của nước đó.
Trước đó, Ukraine từng yêu cầu Nga thả các thủy thủ và trả lại các tàu bị tạm giữ. Moscow không thực hiện yêu cầu này và những lời kêu gọi tương tự của EU.
Vào ngày Thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Nga cho biết họ đã không tham gia vào các phiên điều trần. Nga bảo vệ quan điểm rằng thẩm phán thiếu thẩm quyền xét xử sự việc ở eo biển Kerch. Một hiệp ước song phương đã trao cho Nga và Ukraine quyền sử dụng Biển Azov. Tuy nhiên, căng thẳng tăng lên kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ, cả hai nước đều phàn nàn về sự chậm trễ trong vận chuyển và sự phiền nhiễu. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/toa-an-hang-hai-quoc-te-tuyen-bo-nga-phai-tha-nhung-thuy-thu-ukraine-bi-giam-giu/

Thả thủy thủ Ukraina : Nga bác bỏ

quyết định của Tòa Án Hàng Hải Quốc Tế

Vài giờ sau quyết định ngày 25/05/2019 của Tòa Án Hàng Hải Quốc Tế Hamburg đòi Matxcơva trả tự do “ngay tức khắc” cho 24 thuyền viên Ukraina đã bị Nga giam giữ từ tháng 11/2018, bộ Ngoại Giao Nga đã lập tức phản đối quyết định nói trên của tòa Hamburg.
Thông tín viên đài RFI Jean-Didier Revoin từ Matxcơva giải thích.
“Nước Nga sẽ tiếp tục bảo vệ lập trường của mình. Bộ Ngoại Giao cho biết như trên. Nói cách khác, Matxcơva phủ nhận thẩm quyền của Tòa Án Hàng Hải Quốc Tế trên hồ sơ này. Ít có khả năng Nga trả tự do cho 24 thủy thủ Ukraina đang bị bắt giữ trên lãnh thổ Nga hay trả lại cho chính quyền Kiev ba chiếc tàu đã bị giữ lại tại Nga từ cuối tháng 11/2018.
Russlan Balbek, một dân biểu tại Crimée, tóm tắt tình hình: ‘Hoặc là Ukraina công nhận đã cố tình khiêu khích tại eo biển Kertch và như vậy thì Kiev phải chính thức xin lỗi Matxcơva. Chỉ khi đó mới bàn đến chuyện trả tự do cho các thuyền viên và trả lại tàu cho Ukraina. Hoặc là Nga vẫn giữ các thủy thủ và tàu của Ukraina, bất chấp quyết định của Tòa Án Quốc Tế’.
Dân biểu này nói thêm, Ukraina thay vì tiến thêm một bước về phía Nga, thì lại chọn lao vào ngõ cụt. Hôm 25/11/2018, Hải Quân Nga đã chận ba chiếc tàu của Ukraina, với lý do các chiếc tàu này có những hành vi nguy hiểm tại eo biển Kertch. Tàu Ukraina bị cáo buộc xâm phạm hải phận Nga.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190526-tha-thuy-thu-ukraina-nga-bac-bo-quyet-dinh-cua-toa-an-hang-hai-quoc-te

Bầu cử Nghị Viện Châu Âu :

Quan điểm bài châu Âu của chính quyền Hungary

RFIHoàng Nguyễn
Tại Hungary ngày 26/05/2019 cử tri được kêu gọi bầu lại 21 nghị viên châu Âu. Theo các thăm dò, liên minh đảng cầm quyền đang dẫn đầu. Đối lập không có phương án nào để chống đỡ. Tường thuật của thông tín viên Hoàng Nguyễn từ Budapest.
Có tất cả 9 đảng hoặc liên danh sẽ có mặt trong lá phiếu bầu lần này của hơn 8 triệu cử tri Hungary, và tỷ lệ ủng hộ dành cho của liên minh cầm quyền đứng đầu là thủ tướng Orban Viktor được cho là sẽ ở mức hơn 50%. Căn cứ vào đó, số ghế mà liên minh này dành được, được dự đoán sẽ vào khoảng 12-14 ghế.
Không có gì lạ, chương trình tranh cử của FIDESZ – được gọi bằng cái tên “Đề xuất 7 điểm của Orban Viktor” – hoàn toàn hàm chứa những lời kêu gọi bài ngại, bài xích dân nhập cư, chống Liên Âu… mà chính quyền nước này đã tiến hành từ nhiều năm nay, và ngày càng ở mức gay gắt hơn, ngày càng đi tới tận cùng hơn.
Bảy điểm đó, bao gồm việc không cho Bruxelles xử lý làn sóng nhập cư, mà các chính phủ từng nước phải có toàn quyền trong việc tiếp nhận hay không tiếp nhận dân nhập cư, phải bảo vệ nền văn hóa Công giáo của Châu Âu bằng cách đưa các chính khách có quan điểm chống di dân lên cương vị lãnh đạo Liên Âu.
Đề xuất còn đòi hỏi chấm dứt việc ủng hộ tài chính cho các tổ chức giúp đỡ di dân, cũng như đình chỉ các hình thức hỗ trợ người di cư. Đồng thời, Bruxelles bị coi như kẻ thù của dân Hung, khi bộ máy tuyên truyền khẳng định rằng Liên Âu muốn tước khoản tiền cho nông dân Hung để chu cấp cho hàng triệu di dân.
Để đối phó với FIDESZ, phe đối lập Hungary đã không tìm được phương thuốc hữu hiệu: họ chỉ tuyên bố sẽ cùng nhau đoàn kết trong cuộc bầu cử chính quyền tự quản địa phương vào tháng 10 tới, còn trong kỳ bầu cử này đối lập không làm thành liên danh chung, và do đó câu hỏi chỉ còn là đảng nào vượt đảng nào.
“Cánh tả đang tranh cử với những lực lượng khổng lồ khắp Châu Âu và chớ nghi ngờ gì rằng những kẻ ủng hộ di dân sẽ đều đi bỏ phiếu. Do đó chúng ta cũng phải có mặt ở đó!” là lời kêu gọi của thủ tướng Orban Viktor được phát tán ở mọi nơi, cho dù liên minh cầm quyền cánh hữu đang ở thế hết sức thượng phong.
Có thể hiểu được điều đó, nếu biết rằng trong hai kỳ bầu cử Nghị viện Châu Âu gần đây nhất, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu tại Hung chỉ chừng 26% và 29%. Với chiêu bài “Châu Âu là của người Âu”, thủ tướng Hungary không giấu giếm tham vọng rằng, với tỷ lệ cử tri cao, FIDESZ có thể giành ưu thế 60% mà đảng này đạt ra.
Và với sự ủy nhiệm cao ấy từ cử tri, Orban Viktor cho rằng ông sẽ có tầm ảnh hưởng cao hơn tại Châu Âu và các cơ quan khác của Liên Âu, như Hội đồng Châu Âu. Thủ tướng Hungary có đạt được mong muốn ấy để “bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Châu Âu” như ông vẫn nhấn mạnh, chúng ta sẽ biết vào hồi 11h đêm nay!
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190526-bau-cu-nghi-vien-chau-au-quan-diem-bai-chau-au-cua-chinh-quyen-hungary-gay-tac-dong

Iran lên án Mỹ tăng thêm quân ở Trung Đông

Thu Hằng
Iran lên án quyết định của Mỹ tăng 1.500 quân tại Trung Đông là hành động « nguy hiểm ». Ngày 25/06/2019, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh rằng hòa bình quốc tế đang bị « đe dọa ».
Chính quyền Mỹ, trong những tuần vừa qua, liên tục triển khai quân sự, điều tầu sân bay đến Vùng Vịnh, oanh tạc cơ B-52, một tầu chiến và hệ thống phòng thủ Patriot tại khu vực Trung Đông để đối phó với Iran.
Từ Teheran, thông tín viên RFI Siavosh Ghazi giải thích :
« ‘Việc Mỹ tăng cường hiện diện trong vùng là rất nguy hiểm. Đây là một mối đe dọa cho hòa bình và an ninh quốc tế’. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif phát biểu như trên trước khi rời thủ đô Islamabad kết thúc chuyến thăm chính thức Pakistan.
Trước đó, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định rằng Hoa Kỳ sẽ gửi 1.500 quân nhân đến vùng Trung Đông để ‘cải thiện khả năng bảo vệ và an ninh cho các lực lượng Mỹ, do những mối đe dọa từ phía Iran, kể cả từ phía lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa và những người trụ cột’.
Đáp trả tuyên bố của quyền bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, ngoại trưởng Iran cáo buộc ‘Mỹ bịa ra những lời cáo buộc để biện bạch cho chính sách thù nghịch của họ và để gây căng thẳng ở Vùng Vịnh’.
Quyết định điều thêm quân của Mỹ được đưa ra vào lúc quan hệ giữa Teheran và Washington ngày càng căng thẳng.
Hoa Kỳ cáo buộc Iran và các lực lượng được nước này yểm trợ đứng đằng sau một loạt vụ tấn công ở trong vùng, trong đó có vụ tấn công nhắm vào ‘vùng xanh’ ở Bagdad nơi có đại sứ quán Mỹ, hoặc nhằm vào hai nhà máy khai thác dầu lửa ở Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Teheran bác bỏ tất cả những cáo buộc của Mỹ ».
Sau chuyến công du Pakistan, ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến Irak nhằm trấn an các nước trong khu vực rằng Teheran không vi phạm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân 2015.
Theo Reuters, khi trả lời báo giới sau buổi làm việc với đồng nhiệm Irak Mohamed Ali Al Hakim ngày 26/05/2019, ngoại trưởng Zarif khẳng định Teheran muốn xây dựng mối quan hệ cân bằng với các nước láng giềng trong Vùng Vịnh, đồng thời đề xuất « một hiệp ước bất tương xâm » giữa Iran và các nước này.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190526-iran-len-an-my-tang-them-quan-o-trung-dong

TQ dùng robot kiểm duyệt

khi ngày tưởng niệm Thiên An Môn gần kề

Hôm 4/6 là ngày “nhạy cảm” nhất trong năm đối với mạng Trung Quốc và robot kiểm duyệt sẽ tăng tốc nhân dịp này.
Theo Reuters, các công ty Internet Trung Quốc cho biết các công cụ phát hiện và chặn nội dung liên quan đến vụ thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 “đạt đến mức độ chính xác chưa từng có” nhờ ứng dụng cung cấp cho máy tính khả năng học hỏi, nhận dạng giọng nói và hình ảnh.
Những diễn biến chính của Thiên An Môn 1989
TQ: Hãng camera Leica ‘gặp rắc rối’ vì quảng cáo
‘Khoảng 10.000′ người chết vụ Thiên An Môn
Hong Kong tưởng niệm thảm sát Thiên An Môn
Hai nhân viên ẩn danh tại công ty Bắc Kinh Bytedance cho biết việc kiểm duyệt tin về cuộc đàn áp Thiên An Môn, cùng với các chủ đề “rất nhạy cảm” khác gồm Đài Loan và Tây Tạng, giờ đây phần lớn được tự động hóa.
Các post ám chỉ ngày tháng, hình ảnh và tên liên quan đến các cuộc biểu tình sẽ tự động bị xóa.
Bốn chuyên gia kiểm duyệt làm việc trên các ứng dụng Bytedance, Weibo Corp và Baidu Inc cho biết họ kiểm duyệt từ 5.000-10.000 mẩu tin mỗi ngày, hoặc 5-7 mẩu một phút, hầu hết trong số đó là nội dung khiêu dâm hoặc bạo lực.
Dù có những tiến bộ trong kiểm duyệt nhờ trí thông minh nhân tạo, nhưng đôi khi những ảnh du khách chụp ở quảng trường Thiên An Môn ngày nay vô tình bị chặn nhầm, nhân viên kiểm duyệt cho hay.
Bytedance từ chối bình luận thông tin này.
Magnum China: Chân dung toàn cảnh một TQ đổi thay
Lưu Hiểu Ba: Chuyện tình vượt lên trên lao tù
Giới trẻ TQ chơi chữ hiểm hóc chống kiểm duyệt
30 năm sau, vụ đàn áp Thiên An Môn vẫn là chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc. Bắc Kinh chưa bao giờ công bố số người chết nhưng ước tính từ các nhóm nhân quyền và nhân chứng là “từ vài trăm đến vài ngàn người”.
Năm 2012, chỉ số chứng khoán ở Trung Quốc được ghi nhận giảm 64,89 điểm trong ngày đánh dấu sự kiện Thiên An Môn và các nhà phân tích cho rằng có thể là “sự trùng hợp kỳ lạ”.
Tuy nhiên, giới kiểm duyệt thời điểm đó đã lập tức chặn quyền truy cập vào thuật ngữ “thị trường chứng khoán Thượng Hải”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48362479

Trung Quốc tố Mỹ ‘xâm phạm’ chủ quyền kinh tế

Hoa Kỳ kêu gọi Trung Quốc kiềm chế sự phát triển của các doanh nghiệp sở hữu nhà nước, yêu cầu mà Bắc Kinh coi là “cuộc xâm phạm” chủ quyền kinh tế, Tân Hoa Xã cho biết.
Căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh leo thang mạnh vào đầu tháng này sau khi chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc “nuốt lời” trước đó về việc thay đổi cơ cấu kinh tế.
Washington sau đó áp thêm thuế quan lên tới 25% đối với 200 tỷ đôla hàng hóa Trung Quốc, khiến Bắc Kinh trả đũa.
Trung Quốc: Mỹ vu cáo, đặt điều về ‘ép buộc công nghệ’
Trung Quốc đe dọa Mỹ vì lệnh trừng phạt Huawei
Mỹ nói TQ quay đầu với cam kết thương mại
Nhân viên tình báo Mỹ bị Trung Quốc mua chuộc thế nào?
Khi các cuộc đàm phán thương mại bị đình lại, cả hai bên dường như càng kiên định lập trường. Trung Quốc phủ nhận chuyện không giữ cam kết nhưng nhắc lại rằng họ sẽ không nhượng bộ “các vấn đề về nguyên tắc”, để bảo vệ lợi ích cốt lõi, dù không nói thêm chi tiết.
“Tại bàn đàm phán, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra một số đòi hỏi cao ngạo đối với Trung Quốc, gồm việc hạn chế sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước,” bài xã luận trên Tân Hoa Xã viết.
“Rõ ràng, điều này vượt quá phạm vi đàm phán thương mại và đụng vào hệ thống kinh tế của Trung Quốc,” cũng theo Tân Hoa Xã.
Bài xã luận nói thêm rằng Hoa Kỳ “đưa ra những cáo buộc vô căn cứ” gồm việc Bắc Kinh đã ép buộc các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, và đây là bằng chứng cho thấy phía Hoa Kỳ đang buộc Trung Quốc “thay đổi con đường phát triển”.
Các doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc không chỉ được hưởng các khoản trợ cấp rõ ràng mà còn nhận được ưu đãi như chính phủ bảo lãnh ngầm cho các khoản nợ và được vay với lãi suất thấp, các nhà phân tích nói với Reuters.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-48362480

TQ trả lại ông Trump bài học đàm phán

Phong cách đàm phán của Tổng thống Mỹ là tăng áp lực tối đa song Trung Quốc dùng đòn không đàm phán khi họ gọi là bị “dí súng vào đầu”.
Sau Huawei, thêm một số tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc có nguy cơ bị Mỹ đưa vào danh sách đen gồm: tập đoàn Hikvision và hãng sản xuất các thiết bị giám sát Zhejiang Dahua Technology.
Theo báo New York Times, Mỹ có kế hoạch giới hạn công nghệ mà tập đoàn Hikvision được phép tiếp cận.
Trong khi đó, Bloomberg khẳng định sẽ có 4 công ty nữa lọt vào danh sách trừng phạt của Mỹ, trong đó có hãng sản xuất các thiết bị giám sát Zhejiang Dahua Technology.
Nếu các công ty của Trung Quốc bị lọt vào “danh sách đen”, các công ty của Mỹ sẽ cần phải được sự chấp thuận của chính phủ mới được phép bán linh kiện cho họ. Cũng giống như tập đoàn viễn thông Huawei, hiện đang bị ảnh hưởng nặng nhất từ các hình thức trừng phạt của Mỹ, Hikvision nhiều khả năng cũng sẽ bị coi là mối đe dọa đối với an ninh của Mỹ do có mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trường hợp của Hikvision và Dahua sẽ phức tạp hơn so với Huawei.
Thông tin về việc các công ty công nghệ Trung Quốc sắp tiếp tục hứng thêm trừng phạt cho thấy một tình huống không quá ngạc nhiên trong phong cách của Tổng thống Mỹ.
Ông Donald Trump đã muốn tập trung vào ngành công nghệ đang phát triển như vũ bão của Trung Quốc, đang lấn át các công ty công nghệ Mỹ và đi kèm với rủi ro về an ninh.
Đáng chú ý là chính quyền ông Trump dự định có quyết định cuối cùng về việc trừng phạt Hikvision “trong vài tuần tới đây”.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 22/5 tiết lộ, đợt thuế tiếp theo Mỹ có thể áp đặt lên Trung Quốc sẽ đến sau 1 tháng nữa.
Đó cũng có thể là thời điểm Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình cùng tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 6 tới tại Nhật Bản. Đây là cơ hội để hai bên giảm căng thẳng từ cấp cao nhất.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã nắm rõ được chiến thuật đàm phán của ông Trump – một trong những cách thức mà ông yêu thích đã được chia sẻ trong các cuốn sách của vị tỷ phú Mỹ – đó là gây áp lực tối đa: Sử dụng các biện pháp trừng phạt, đổ lỗi cho các đối thủ, gây sức ép từ nhiều phía lên “con mồi” và đưa ra đề nghị đàm phán.
Trước các sức ép có khả năng gia tăng ngay từ bây giờ, Bắc Kinh đã từ đầu tháng này đã có hàm ý nói trước về khả năng không có đàm phán giữa hai nước trong tương lai một khi ông Trump từ bỏ chiến thuật gây áp lực của mình.
Tờ Wall Street Journal đầu tháng này dẫn lời một quan chức Trung Quốc giấu tên nói rằng Trung Quốc sẽ “không đàm phán khi bị dí súng vào đầu”.
Cuộc đàm phán trong tình huống này là một bất lợi. Do đó, Bắc Kinh cũng có thể sẽ từ chối cuộc đàm phán mà Washington đưa ra, một khi họ biết rõ, những thiệt hại mà Mỹ gây ra cho họ cũng khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng không nhỏ.
Một điều mà Bắc Kinh hoàn toàn tự tin là không ai hơn ông Trump đang cần một thỏa thuận vào lúc này.
Ông Trump đang chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống, bắt đầu chuẩn bị mùa tranh cử mới cho năm 2020 mà đối thủ của ông lần này là “đáng gờm” hơn so với lần tranh cử trước.
Tổng thống Trump cũng có những bất lợi nhất định: các phát ngôn gây sốc, tranh cãi bức tường biên giới, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chưa đến hồi kết. Nếu cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 gọi tên người khác, các nỗ lực gây áp lực của ông Trump với Trung Quốc trở nên… công cốc.
Bắc Kinh hiểu rõ tình thế của họ và sẵn sàng “đấu tiếp” với Tổng thống Mỹ khi đã bắt được bài.
Trung Quốc phản đòn
Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, gồm Air China, China Southern Airlines và China Eastern Airlines, đang yêu cầu hãng sản xuất máy bay Boeing Co. của Mỹ bồi thường thiệt hại liên quan đến lệnh cấm bay tạm thời đối với dòng máy báy 737 MAX mà các hãng này đang sở hữu.
Trung Quoc tra lai ong Trump bai hoc dam phan
China Eastern Airlines là hãng hàng không lớn thứ hai của Trung Quốc.
Các hãng này không  cho biết cụ thể số tiền đòi bồi thường và cũng như các thông tin liên quan đến vụ việc.
Theo THX, China East Airlines yêu cầu bồi thường vì lệnh cấm bay đối với thế hệ máy bay 737 MAX 8 “đã gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp và thiệt hại về kinh tế đang không ngừng gia tăng.”
Quyết định được các công ty Trung Quốc đưa ra sau khi họ buộc phải ngừng khai thác bay đối với các máy bay 737 MAX mà hãng đang sở hữu do ảnh hưởng từ lệnh cấm của Trung Quốc với dòng máy bay liên tiếp gặp tai nạn của Boeing.
Boeing thừa nhận lỗi Hệ thống Tăng cường tính năng điều khiển bay (MCAS) của Boeing 737 MAX được cho là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thảm họa của hàng hàng không Ethiopian Airlines vừa qua.
Hãng này cũng thừa nhận phải sửa lỗi phần mềm giả lập dùng để đào tạo phi công điều khiển máy bay 737 MAX.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/28250-tq-tra-lai-ong-trump-bai-hoc-dam-phan.html

TQ tung “vũ khí hạt nhân”

trong cuộc thương chiến với Mỹ

Trung Quốc đã tiến hành một cuộc thử nghiệm quy mô nhỏ bằng “vũ khí hạt nhân” trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Theo tờ Business Insider, quốc gia châu Á này đã bán 20 tỷ USD trái phiếu kho bạc Mỹ vào tháng 3, dự báo rằng sẽ khiến thị trường toàn cầu rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của chính phủ Mỹ, với hơn 1,2 nghìn tỷ USD trái phiếu, tương đương khoảng 7% toàn bộ thị trường trái phiếu nước này. Việc bán tháo gần đây nhất này là lần bán nhiều nhất của Trung Quốc trong hơn 2 năm qua, theo Financial Times.
Trong khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thỉnh thoảng bán trái phiếu của Mỹ để bổ sung dự trữ hoặc hỗ trợ đồng nhân dân tệ, thì trong lần bán phá giá mới nhất này, những thứ đó dường như không phải là lý do.
“Tính toán về một vụ bán tháo trái phiếu Mỹ đã được chuẩn bị từ lâu. Nhiều học giả Trung Quốc đang thảo luận về khả năng bán phá giá trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ và cách cụ thể để thực hiện nó”, Hu Xijin, tổng biên tập tờ Global Times đã tweet trong tháng này.
Việc Trung Quốc bán tháo trái phiếu Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu đồng USD và tăng chi phí vay nợ của Mỹ, gây ra sự gián đoạn đáng kể cho nền kinh tế của nước này.
Ngân hàng UBS gần đây đã dự đoán một vụ mua bán trái phiếu Mỹ sẽ làm tăng lợi suất 10 năm của trái phiếu này lên 30 – 40 điểm cơ bản, thúc đẩy nó cao tới 2,754% dựa trên lợi suất hiện tại.
Tuy nhiên, lợi suất cũng có thể giảm do “mọi người cho rằng hành động “thử nghiệm vũ khí hạt nhân” này tàn phá mối quan hệ Mỹ-Trung”, ông Joe Weisenthal, biên tập viên điều hành của Bloomberg cho biết.
Đáp lại điều này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã trì hoãn tăng lãi suất và hành động này có thể khiến các nhà đầu tư mua trái phiếu của Mỹ, ông nói thêm.
Mặc dù vậy, rất khó có khả năng Trung Quốc sẽ bán tháo trái phiếu Mỹ. Bởi, là một người chơi chính trong cuộc chiến thương mại toàn cầu, Trung Quốc cũng cần dự trữ đồng USD cho các giao dịch quốc tế của mình. Bán trái phiếu của Mỹ cũng có thể củng cố đồng Nhân dân tệ, khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc trở nên đắt hơn và khó bán hơn, từ đó làm cho đồng tiền mất kiểm soát.
Việc mua bán diễn ra trong thời gian ngắn trước khi chính quyền Trump cáo buộc các quan chức Trung Quốc phá hoại một thỏa thuận thương mại tiềm năng và tăng thuế lên 25% đối với hàng nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.
Mỹ cũng đang chuẩn bị mở rộng thuế quan lên một mặt hàng Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD khác và đã đưa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen. Trung Quốc đã trả đũa bằng cách lên kế hoạch áp thuế cao hơn đối với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu của Mỹ bắt đầu từ tháng 6 tới đây.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Liu He, nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc, đã đến thăm một nhà máy đất hiếm ở miền đông Trung Quốc trong tuần này. Chuyến đi được công bố rộng rãi này có thể báo hiệu sự sẵn sàng cắt đứt nguồn cung cấp đất hiếm của Mỹ, vốn được sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp sản xuất, công nghệ và quốc phòng.
Trước những hậu quả tàn khốc tiềm tàng đối với nền kinh tế toàn cầu và nguy cơ gây ra hậu quả đáng kể, Trung Quốc khó có thể nhấn nút “vũ khí hạt nhân” và bán trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ. Lý giải hành động này, một số nguồn tin cho rằng nhiều khả năng, Trung Quốc chỉ đang gửi tín hiệu cho ông Trump rằng ông nên theo cẩn trọng trong từng bước đi của mình.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28235-tq-tung-vu-khi-hat-nhan-trong-cuoc-thuong-chien-voi-my.html

TQ sắp nhận tổ hợp tên lửa S-400 thứ hai

Nga sẽ bắt đầu bàn giao tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tiếp theo cho Trung Quốc vào cuối tháng 7.
“Tại trường bắn Kapustin Yar, các chuyên gia quân sự Trung Quốc đã bắt đầu công tác kiểm tra kỹ thuật đối với tổ hợp tên lửa phòng không S-400 thứ hai, dự kiến được bàn giao cho Bắc Kinh vào cuối tháng 7. Việc bắn thử không được tiến hành ở Kapustin Yar”, một nguồn tin quân sự Nga ngày 25/3 cho biết.
Trước đó, nguồn tin giấu tên từ chính phủ Nga cũng tiết lộ tổ hợp S-400 này sẽ được vận chuyển trên ba chuyến tàu, trong đó chuyến đầu tiên sẽ khởi hành từ Biển Baltic vào cuối tháng 7, sớm hơn 5 tháng so với thời hạn trong hợp đồng.
Trung Quốc tháng 11/2014 ký hợp đồng mua 6 tổ hợp phòng không S-400 của Nga với trị giá hơn 3 tỷ USD, trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên mua loại vũ khí này. Tổ hợp S-400 đầu tiên được Nga chuyển bằng đường biển sang Trung Quốc trên ba con tàu từ tháng 12/2017. Tuy nhiên, một tàu trong số đó gặp bão tại eo biển Anh khiến một số phụ tùng bị hư hỏng, buộc phải quay về Nga để khắc phục, trong khi hai tàu khác đã cập cảng Trung Quốc trong tháng 4.
Trung Quốc tiếp nhận tổ hợp S-400 hoàn chỉnh đầu tiên gồm trạm chỉ huy, đài radar, xe phóng, tên lửa đối không dẫn đường, máy phát điện cùng nhiều thiết bị khác sau khi được Nga bàn giao lô thiết bị bổ sung vào tháng 5/2018. Quân đội nước này tiến hành vụ phóng thử S-400 đầu tiên hồi tháng 12 năm ngoái.
S-400 Triumf là hệ thống phòng không tầm xa hiện đại, được Nga đưa vào biên chế từ năm 2007. Tổ hợp S-400 có khả năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng lúc, bao gồm cả tiêm kích tàng hình và tên lửa đạn đạo ở khoảng cách tới 400 km.
http://biendong.net/bi-n-nong/28232-tq-sap-nhan-to-hop-ten-lua-s-400-thu-hai.html

TQ kêu gọi Đức sửa ‘sai’

vì cho 2 nhà hoạt động Hong Kong tị nạn

Trung Quốc đã đệ trình “kháng nghị nghiêm khắc” với Đức sau khi nước này cấp tư cách người tị nạn cho hai nhà hoạt động Hong Kong đối mặt với cáo buộc bạo loạn ở thành phố do Trung Quốc cai trị, đòi Đức sửa chữa “sai lầm” của mình, thông tấn xã nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin ngày thứ Bảy.
Tân Hoa Xã cho biết văn phòng Hong Kong của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Quyền Tổng lãnh sự Đức ở Hong Kong David Schmidt tới để họp khẩn vào ngày thứ Sáu, nơi một đại diện bày tỏ “sự bất mãn mạnh mẽ và sự phản đối kiên quyết.”
Hai nhà hoạt động Hong Kong – Ray Wong, 25 tuổi và Alan Li, 27 tuổi – từng là thành viên của Hong Kong Indigenous, một nhóm ủng hộ Hong Kong độc lập khỏi Trung Quốc. Họ bị buộc tội bạo loạn liên quan đến một cuộc biểu tình biến thành bạo lực vào tháng 2 năm 2016.
Hai người họ, sau đó bỏ không dự phiên tòa xét xử và trốn sang Đức vào năm 2017 qua ngả Đài Loan, nói với Reuters trong tuần này họ đã được cấp tư cách người tị nạn ở Đức vào tháng 5 năm 2018.
“Trung Quốc kêu gọi phía Đức thừa nhận sai lầm của mình và thay đổi đường hướng, và không chấp nhận và dung túng tội phạm, và can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong và Trung Quốc,” Tân Hoa Xã nói.
Lãnh sự quán Đức tuần này nói rằng họ có biết chuyện hai người dân Hong Kong đang ở Đức, dù họ không thể cung cấp chi tiết về các trường hợp cá nhân.
Các nhà hoạt động Hong Kong ngày càng tỏ ra thách thức trong những năm gần đây, lo ngại về sự can thiệp từ Bắc Kinh bất chấp lời hứa dành cho thành phố này quyền tự chủ đặc biệt sau khi Hong Kong được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Hàng chục nhà hoạt động đã bị bỏ tù về các cáo buộc khác nhau bao gồm khinh thị tòa án và gây rối nơi công cộng. Những người chỉ trích nói rằng chính quyền Hong Kong đưa ra những cáo buộc như vậy để kìm hãm quyền tự do ngôn luận và hội họp.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-keu-goi-duc-sua-sai-vi-cho-hai-nha-hoat-dong-hong-kong-ti-nan/4932441.html

Philippines từ chối đề nghị của Canada

 về xử lý “khủng hoảng rác thải”

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vừa từ chối đề nghị của Canada đưa các container rác thải được đổ vào nước này từ nhiều năm trước về nước.
Theo Người phát ngôn văn phòng Tổng thống Philippines, ông Salvador Panelo, đề xuất về thời hạn mà phía Canada đưa ra là vào cuối tháng 6 tới, song Tổng thống Duterte không thể đồng ý với đề xuất và muốn số rác này phải được chuyển ra khỏi lãnh thổ Philippines càng sớm càng tốt.
Hôm 22/4, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna cho biết, chính phủ nước này đã thuê một công ty tư nhân để đưa số rác thải từ Philippines về nước, gồm rác thải điện tử và rác sinh hoạt vào cuối tháng 6 này. Chính phủ Philippines trước đó đã đặt ra thời hạn chót ngày 15/5 vừa qua để Canada đưa rác thải về nước, song thời hạn này đã bị bỏ lỡ.
Trong hai năm 2013 và 2014, một công ty của Canada đã chuyển tới Philippines  hơn 100 container rác điện tử và rác sinh hoạt, song lại được dán nhãn “nhựa để tái chế”.
Theo Chính phủ Canada, số rác thải xuất sang Philippines nằm trong một giao dịch thương mại không được nước này ủng hộ. Kể từ đó, Canada đã nhiều lần đề nghị nhận lại số rác thải, song lại bỏ lỡ thời hạn chót 15/5 vừa qua. Điều này khiến Philippines tức giận và triệu hồi các nhà ngoại giao hàng đầu của mình tại Canada.
Tổng thống Duterte đã cảnh báo sẽ chuyển hàng tấn rác thải đến Canada và đổ vào vùng lãnh hải của nước này. Theo Người phát ngôn Chính phủ Philippines, nếu không có bước đi tích cực nào từ phía Canada, Philippines sẽ tự đưa rác thải trả lại Canada ngay trong tuần này hoặc cuối tháng 5.
Rác thải chỉ là một trong những vấn đề gây căng thẳng trong mối quan hệ giữa Philippines và Canada. Trước đó, hồi năm 2018, Philippines đã quyết định dừng thỏa thuận mua 16 máy bay lên thẳng của Canada trị giá 233 triệu USD sau khi Canada bày tỏ quan ngại về việc các máy bay này có thể được sử dụng để chống phiến quân
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/28249-philippines-tu-choi-de-nghi-cua-canada-ve-xu-ly-khung-hoang-rac-thai.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.