Nữ sinh Trung Quốc bán noãn trứng để sống
TẠP CHÍ ĐẶC BIỆT
Ảnh minh họa: Một trẻ sơ sinh tại bệnh viện tỉnh Phụ Dương (Fuyang) Trung Quốc ngày 19/01/2019.STR / AFP
Pháp tăng điểm trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. San Francisco cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt khi truy tìm tội phạm. Nữ sinh Trung Quốc bán noãn trứng để có tiền đi học. Con tin Hàn Quốc bị bắt tại châu Phi về đến Seoul. Phim Rocketman nói về cuộc đời sôi động của thần tượng nhạc Pop, Elton John gây chú ý tại Liên hoan phim quốc tế Cannes.
Pháp tăng điểm trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. San Francisco cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt khi truy tìm tội phạm. Nữ sinh Trung Quốc bán noãn trứng để có tiền đi học. Con tin Hàn Quốc bị bắt tại châu Phi về đến Seoul. Phim Rocketman nói về cuộc đời sôi động của thần tượng nhạc Pop, Elton John gây chú ý tại Liên hoan phim quốc tế Cannes.
Đặc phái viên Thanh Phương từ thành phố biển, Cannes và thông tín viên của đài RFI từ Bắc Kinh, Seoul và San Francisco cùng tham gia chương trình.
Trung Quốc : Sinh viên « bán trứng » để có tiền ăn học
Trung Quốc cấm mua bán nội tạng, trong đó có cả việc cấm phụ nữ bán noãn trứng. Nhưng theo điều tra của tạp chí Thanh Niên Bắc Kinh, hiện tượng nữ sinh « bán trứng » để lấy tiền đi học vẫn thường xuyên xảy ra. Người bán, phải đủ tiêu chuẩn cả về thanh, sắc lẫn trình độ học vấn.
Thông tín viên đài RFI từ Bắc Kinh gửi về bài tường trình.
"Về mặt chính thức thì không bao giờ có chuyện mua bán hay tiền bạc ở đây, mà đó chỉ là những khoản thù lao.
Trên những tấm áp phích dán trước cửa nhiều trường đại học hay được đăng trên các mạng xã hội, nhiều bệnh viện tư hiện đang tìm kiếm « tình nguyện viên » cho trứng để thụ thai nhân tạo.
Đổi lại, những tình nguyện viên được « bồi dưỡng » hậu hĩnh. Số tiền có khi lên tới 50.000 euro.
Theo điều tra của tờ báo Thanh Niên Bắc Kinh, người bán được chọn theo một số các tiêu chuẩn được quy định rất rõ ràng. Tờ báo đã gửi một nữ phóng viên giả dạng là người cho noãn trứng.
Người môi giới gạn hỏi cặn kẽ về tuổi tác, chiều cao, trình độ học vấn của người bán. Giá cả mua bán tùy thuộc vào những thông tin này.
Giá cả mỗi khoản giao dịch như vậy thông thường dao động từ 2.500 đến 10.500 euro. Trong một số trường hợp, giá cả còn cao hơn như vậy rất nhiều. Đương nhiên các nhà môi giới cố tình« quên » không nói với người bán về những mối rủi ro đối với những người phụ nữ trẻ.
Trong trường hợp xảy ra tai nạn, vụ việc được xử theo luật hình sự hiện hành từ năm 2003, nhưng rõ ràng bộ luật đó không ngăn cản các đường dây mua-bán noãn trứng hoạt động.
Năm 2015, một nữ sinh trung học đã khiến công luận Trung Quốc xúc động khi kể lại trước ống kính của đài truyền hình trung ương về kinh nghiệm bản thân.
Khi đó cô nữ sinh này đã lên án các vụ mua bán mà ở đó phụ nữ bị đối xử không hơn không kém những mớ rau ở ngoài chợ. Theo thống kê của bộ Y Tế năm 2017, tại Trung Quốc có từ 15 đến 20 % các cặp vợ chồng vô sinh".
Con tin Hàn Quốc bình an trở về Seoul
Thứ Ba, 14/05/2019 con tin Hàn Quốc về đến Seoul sau khi được đặc nhiệm Pháp giải cứu tại Burkina Faso cùng với hai con tin Pháp và một người Mỹ.
Bộ Ngoại Giao Hàn Quốc cung cấp ít thông tin về bà Jang, một phụ nữ ngoài 40 tuổi. Phía Pháp cho biết công dân Hàn Quốc này đã bị bắt khoảng một tháng trước trong lúc bà trên đường từ Burkina Faso đến Bénin. Một phần công luận Hàn Quốc chỉ trích bà Jang bất cẩn gây tốn kém cho Nhà nước.
Thông tín viên Frédéric Ojardias từ Seoul tường trình:
"Ngay khi đặt chân xuống phi trường Incheon, con tin vừa được tự do, bà Jang đã bị nhân viên tình báo Hàn Quốc thẩm vấn. Bộ Ngoại Giao giải thích cuộc thẩm vấn này nhằm thu thập thông tin hữu ích cho mục tiêu chống khủng bố.
Theo tiết lộ của báo chí Seoul, bà Jang là một du khách bình thường, 18 tháng trước bà đã bắt đầu một vòng chu du thế giới.
Bà đã đến Maroc hồi tháng Giêng rồi đi qua Mauritanie, trước khi đến Sénégal, Mali và Burkina Faso. Bà đi cùng với một nữ du khách người Mỹ và cả hai phụ nữ này đã bị bắt cóc trên xe buýt khi họ trên đường từ Burkina Faso đến Bénin.
Công luận Hàn Quốc tỏ ra khá khắt khe với bà Jang. Bà bị chỉ trích liều lĩnh đi đến những vùng nguy hiểm, mặc dù chính quyền cảnh báo nên tránh xa những khu vực đó.
Thậm chí một số người trên internet chỉ trích chính quyền đài thọ các phí tổn để đưa con tin này về nước cũng như các tốn kém về y tế chăm sóc cho bà.
Do vậy chính phủ đã buộc phải thanh minh rằng, nếu như có điều kiện, thì con tin Hàn Quốc này sẽ thanh toán tất cả các hóa đơn.
Hôm Thứ Hai đầu tuần, Seoul đã nâng cấp báo động về mức độ kém an toàn tại miền đông Burkina Faso".
San Francisco cấm cảnh sát sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt
Khác hẳn với Trung Quốc, thành phố San Francisco tiên phong trong việc cấm sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Quyết định này được đưa ra ngay tại chiếc nôi của công nghệ tin học: Vùng thung lũng Silicon Valley.
Thông tín viên Eric de Salve giải thích:
Chính vì là kinh đô của vùng Silicon Valley, tụ điểm của các đại gia trong lĩnh vực công nghệ mới, nên các dân biểu của thành phố San Francisco cảm thấy họ phải có tránh nhiệm ngăn ngừa những hành vi thái quá.
Theo quan điểm của các vị dân biểu này, phầm mềm cho phép cảnh sát phát hiện qua màn hình video các đối tượng bị truy lùng ở bất kỳ nơi nào là một mối đe dọa nhắm vào các quyền tự do cá nhân.
Dân biểu Aaron Peskin của San Francisco cho rằng : "Về mặt tâm lý, không lành mạnh chút nào khi mọi người biết là họ bị theo dõi ở khắp nơi công cộng, trên đường phố, công viên ... Tôi không muốn sống ở một thành phố như vậy".
Ông Peskin là một dân biểu của thành phố và là một trong những người đã soạn ra văn bản để cho biểu quyết hôm thứ Ba vừa qua. Kết quả là đã có 8 phiếu thuận và 1 phiếu chống.
Theo ông công nghệ này nguy hiểm đối với nền dân chủ. Ông nói từ một năm nay, tại Mỹ, công nghệ này bắt đầu được phổ biến, đặc biệt là được cảnh sát và an ninh phi trường sử dụng.
Hiệp hội ACLU bảo vệ quyền tự do hoan nghênh quyết định của thành phố San Francisco coi đây là một bước ngoặt "lịch sử" bởi vì, công nghệ nhận dạng khuôn mặt 'không phù hợp với một nền dân chủ lành mạnh'.
Pháp, một trong 5 địa điểm đầu tư lý tưởng nhất thế giới
Cơ quan tư vấn A.T. Kearney, có trụ sở tại Chicago-Hoa Kỳ đầu tuần này công bố bảng xếp hạng các quốc gia hấp dẫn nhất trong mắt các nhà đầu tư quốc tế. Pháp qua mặt Trung Quốc.
Trong 7 năm liên tiếp, Mỹ vẫn đứng đầu bảng. Năm nay, Đức về nhì, kế tới là Canada, Anh Quốc. Pháp đứng hàng thứ 5, bất chấp các cuộc xuống đường vào mỗi ngày thứ Bảy của phong trào phản kháng Áo Vàng đã kéo dài từ sáu tháng qua và trước đó nữa là phong trào đình công đứt quãng của một bộ phận nhân viên tập đoàn đường sắt quốc gia, SNCF làm xáo trộn nhiều hoạt động kinh tế.
Hai yếu tố giải thích cho thành công đó của Pháp được A.T. Kearney nêu bật. Một là Pháp có "khả năng cạnh tranh cao" và hai là chính quyền Macron đã thông qua nhiều đạo luật cải tổ được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Bất ngờ không kém là vị trí của nước Anh cho dù chính phủ rất lúng túng vì thủ tục ly dị với Liên Hiệp Châu Âu, Brexit.
Trung Quốc vốn giữ vị trí "vô địch" trong suốt một chục năm từ 2002 đến 2012, trong bảng xếp hạng lần này của A.T. Kearney bị tuột hạng, rơi xuống vị trí thứ 7. Đây là mức tệ nhất kể từ khi cơ quan tư vấn này của Mỹ chấm điểm các quốc gia có sức thu hút cao về đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Theo giải thích của A.T. Kearney, tiêu thụ nội địa trên thị trường 1,5 tỷ dân này bị chựng lại, xuất khẩu có dấu hiệu hụt hơi, nợ chồng chất của nền kinh tế thứ hai toàn cầu và chiến tranh thương mại chưa tới hồi kết với Mỹ là những nguyên nhân khiến Trung Quốc bị sụt điểm.
Rocketman về Elton John, nghệ sĩ vẫn khao khát tình thương
Tuy không tranh giải, nhưng Rocketman bộ phim về tiểu sử của thần tượng nhạc pop người Anh Elton John đã thu hút rất nhiều khán giả tại Liên hoan Cannes năm nay.
Đạo diễn Dexter Fletcher tập trung vào giai đoạn từ thời điểm Elton John bắt đầu sự nghiệp cho đến khi ông đạt đến đỉnh cao danh vọng. Nhưng bộ phim cũng dành vài phút đầu để đưa khán giả trở lại thời thơ ấu của Elton John.
Cậu bé Reginald Kenneth Dwight, tên thật của nam danh ca, từ nhỏ đã bộc lộ thiên phú âm nhạc, chỉ cần nghe giáo sư piano đàn qua một lần là có thể lặp y lại như thầy mà không cần bản nhạc. Reginald còn có biệt tài là chỉ cần đọc qua lời bài hát là có thể soạn ngay trên piano phần nhạc cho lời hát.
Chính biệt tài này đã đưa Elton John đến với Bernie Taupin, một tác giả chuyên viết lời bài hát. Hai người trở thành đôi bạn thân và cộng tác với nhau cho tới tận ngày hôm nay.
Nhưng càng gặt hái thành công, Elton John càng cảm thấy cô đơn, và trong sâu thẳm, ông vẫn là một đứa bé thiếu tình thương của bố mẹ, chưa bao giờ được cha ôm vào lòng, chưa bao giờ tìm thấy sự cảm thông từ người mẹ.
Tâm trạng cô đơn càng nặng nề đối với một người đồng tính như Elton John, mà lại bị phụ tình. Và ông bù đắp cho những lúc hụt hẫng bằng cách lao vào rượu chè và ma túy.
Một phần chính là nhờ tình bạn không hề suy suyễn của Bernie Taupin, mà Elton John đã có thể thoát ra hẳn con đường nghiện ngập từ đó cho đến tận hôm nay.
Không chỉ đóng rất thành công vai Elton John, Taron Egerton, cho tới nay là một nam diễn viên không tên tuổi, do chính Elton John chọn lựa, còn thể hiện xuất sắc những ca khúc nổi tiếng của ông, từ « Saturday Night Alright », « I Want Love » cho đến « Your Song ».
Rocketman đưa khán giả vào thế giới âm nhạc của Elton John, cùng với ông bước lên sân khấu trong những bộ trang phục lộng lẫy, lập dị. Đạo diễn Fletcher cũng xen lẫn vào đó là những đoạn ca nhạc kịch, được sáng tác thêm cho bộ phim. Chính điều này đã góp phần khiến Rocketman lôi cuốn khán giả từ đầu đến cuối.
Bộ phim kết thúc với « I'm Still Standing », như ca khúc khải hoàn của một người nghệ sĩ đã vượt qua được những thử thách của cuộc đời, để vẫn là một ngôi sao được nhiều người mến mộ. Có một sự trùng hợp là video clip của bài hát « I'm Still Standing » đã được quay tại Cannes năm 1982.
Chuyện thuật rằng Elton John đã nghẹn ngào xúc động sau khi xem bộ phim về chính mình. Cả diễn viên Taron Egerton, đạo diễn Dexter Fletcher và người bạn cố tri của ông, Bernie Taupin cũng xúc động không kém.
0 comments