Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 21/05/2019

Tuesday, May 21, 2019 6:47:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 21/05/2019

Hoa Kỳ muốn ngăn

Trung Quốc thống trị châu Á và thế giới

Thương chiến Mỹ-Trung, Donald Trump đập thẳng vào Trung Quốc. Tham vọng thống trị châu Á của Tập Cận Bình đụng phải một mặt trận chung. Tai tiếng đảng cực hữu của Áo thông đồng với Putin tác hại phe dân túy châu Âu trong mùa bầu Nghị Viện. Đây là những chủ đề lớn trên báo Pháp hôm nay, 21/05/2019.
« Hoa Vi tổn thương vì các đối tác Mỹ ngưng hợp tác », tựa trên trang kinh tế của Les Echos. Nhật báo thiên hữu Libération, chơi chữ  trong bài phân tích « Mỹ-Trung bới lông tìm ʺrậnʺ », thẩm định phương Tây tìm cách ngăn chận gián điệp Trung Quốc xâm nhập. Về phần Le Figaro, bên cạnh thông tin « Donald Trump đập Trung Quốc », nhật báo thiên hữu cung cấp một loạt bài xã luận và phỏng vấn cùng một hướng : đã đến lúc phải đánh mạnh.
Mỹ thực hiện điều mà ai cũng nghĩ đến mà không nói ra
Với hàng tựa « Các bài học nước Mỹ », xã luận của Le Figaro cho rằng chủ nhân Nhà Trắng với những « tweet » bốc lửa, với lập trường thay đổi như chong chóng, không phải là một nhà ngoại giao khôn khéo. Nhưng người ta cũng phải nhìn nhận Donald Trump biết lay chuyển tình thế tưởng chừng như đã đóng băng.
Trung Quốc từ trước đến nay tự cho là bất khả xâm phạm, là cương cường bất trị, giờ đây học phải bài học chua cay. Sự kiện tập đoàn viễn thông số một của Trung Quốc bị Mỹ thẳng thừng hất cẳng nổ vang như sấm sét. Lần đầu tiên phương Tây cảm thấy có thể đương cự lại bánh xe « ủi lô » của Trung Quốc. Đằng sau cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung 18 tháng qua, từ nay mở ra mặt trận công nghệ cao.
Mỹ thực hiện điều mà ai cũng nghĩ đến mà không nói ra. Từ lâu nay, Trung Quốc xây dựng sức mạnh bất chấp mọi nguyên tắc cạnh tranh từ kinh tế cho đến xã hội và môi trường. Trong lúc Trung Quốc xâm nhập thị trường thế giới, thì các công ty tại Hoa lục được cửa đóng then gài, ép buộc đối tác chuyển giao công nghệ.
Ngày nay, các tập đoàn Trung Quốc thu đoạt hàng loạt lãnh vực kinh tế thế giới, do được Bắc Kinh tài trợ không giới hạn, để gây ảnh hưởng tại một số quốc gia. Một trong số các tập đoàn này là Hoa Vi. Công nghệ 5G là chìa khóa tủ sắt các dữ kiện nối kết nhau của hàng tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Chính vì cái « đế quốc thương mại này và bộ máy thống trị công nghệ này » mà Donald Trump chống đối kịch liệt, trong khi châu Âu tỏ ra rụt rè trước Bắc Kinh. Châu Âu cần phải thay đổi thái độ vì tương lai của mình.
Nhật báo công giáo La Croix cũng hòa nhịp với các đồng nghiệp. « Chúng ta không nên ngây thơ : các đại công ty công nghệ viễn thông có phương tiện đủ mạnh để theo dõi và can dự và đời sống chúng ta. Do vậy, nước Mỹ có lý do chính đáng để lo ngại Hoa Vi, cũng như chúng ta có quyền lo ngại các tập đoàn Google hay Facebook của Mỹ. Tuy nhiên, thái độ thận trọng này ít ra cũng hữu ích : bảo vệ lợi ích quốc gia, nhưng không đồng nghĩa với tự cô lập. »
Tấn công Hoa Vi là  chuyện « tất yếu »
Quyết định của tổng thống Mỹ đưa Hoa Vi vào danh sách các công ty đe dọa an ninh Mỹ là chuyện tất yếu, theo chuyên gia François Godement và nhà bình luận Renaud Girard.
Một thời gian dài được xem là chuyên gia có tiếng ít nhiều ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh, François Godement dành cho Le Figaro bài phỏng vấn với nhận định dứt khoát :
« Chúng ta đang đối đầu với Bắc Kinh trong trận thế chiến lược và quân sự. Khi tấn công vào Hoa Vi, Donald Trump đánh trả đúng phương pháp, vì bên cạnh cuộc chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, nước Mỹ cũng gặp phải những vấn đề như châu Âu : Trung Quốc chỉ nhượng bộ đôi chút để giành trọn gói.
Điều nguy hiểm hơn nữa là, bên cạnh yếu tố thương mại, còn có vấn đề an ninh quốc gia. Điều không ai ngờ là Donald Trump ra tay rất nhanh và đánh trúng vào túi tiền của Hoa Vi. »
Cũng theo chuyên gia François Godement, Mỹ và Châu Âu có lý do khách quan để nghi ngờ Hoa Vi, bởi vì tập đoàn này không hề độc lập với chính quyền Trung Quốc và đã nhiều lần bị bắt quả tang đánh cắp thông tin. Cụ thể là Liên Hiệp Châu Phi, trang bị hệ thống viễn thông của Hoa Vi, đã bị tin tặc đánh cắp dữ liệu trong nhiều năm và chuyển về… Thượng Hải.
Tham vọng bá quyền kinh tế và quân sự của Trung Quốc được thấy rõ. Với ngân sách quốc phòng chỉ đứng sau Hoa Kỳ và tiếp tục gia tăng 10% mỗi năm, rõ ràng mục tiêu từ nay đến 2050 của Tập Cận Bình là khống chế châu Á. Thế mạnh của Bắc Kinh là xuất khẩu tự do, nhưng kiểm soát thị trường nội địa. Nhưng tử huyệt của Trung Quốc là lầm tưởng có thể thủ lợi trên mọi địa hạt, của mình mình giữ, của người mình chia.
Trung Quốc không thống trị được Châu Á
Trong bài « Trung Quốc không bao giờ thống trị được Châu Á », nhà bình luận, chuyên gia quốc phòng Renaud Girard cho là từ khi Tập Cận Bình sửa đổi Hiến Pháp để cầm quyền mãn đời, hủy bỏ chốt chận đề phòng tái diễn tình trạng nhũng lạm quyền thế thời Mao với cách mạng văn hóa, với Hồng vệ binh, Trung Quốc bị các nước láng giềng xem là mối đe dọa trực tiếp.
Ngày 19/05 vừa qua, có hai kết quả bầu cử rơi xuống cùng lúc và cùng ý nghĩa : Chiến thắng của thủ tướng Narendra Modi tại Ấn Độ và của thủ tướng Úc Scott Morrison tại Úc. Cả hai được bầu với cương lĩnh cứng rắn tuyệt đối với Bắc Kinh.
Một nước khác, Singapore, tuy nhỏ nhưng kiểm soát eo biển Malacca, với đa số dân là người Hoa nhưng không theo Trung Quốc. Singapore chọn theo liên minh bốn nền dân chủ Thái Bình Dương là Ấn, Nhật, Mỹ, Úc. Khu trục hạm Mỹ US Preble vừa đi ngang vùng bãi cạn Scaborough để chứng tỏ Hoa Kỳ không để cho Bắc Kinh thao túng biển Đông. Thái độ phô trương sức mạnh của Tập Cận Bình đã tạo phản ứng bất lợi cho Trung Quốc : thúc đẩy các quốc gia khu vực thắt chặt quan hệ truyền thống với đồng minh Hoa Kỳ.
Về kinh tế, thế giới tiến dần đến phân chia ảnh hưởng công nghệ cũng bất lợi cho Trung Quốc. Quyết định của Google lấy cớ tuân thủ sắc lệnh của tổng thống Donald Trump không chơi với Hoa Vi là một ví dụ điển hình. Trong cuộc đua công nghệ 5G, tập đoàn Samsung Hàn Quốc sẵn sàng trang bị cho châu Á, tức đứng về phe phương Tây.
Tác giả kết luận : Để canh tân quốc gia, có một  nguyên tắc mà Tập Cận Bình không hiểu, đó là phải biết gây cảm tình và cần có đối trọng quyền lực.
Công dân Châu Âu  đã « hiểu » Trung Quốc
Một câu hỏi khác được đặt ra là liệu Châu Âu có đủ sức tự vệ chống tham vọng Trung Quốc hay chăng ? Le Figaro khá tin tưởng :  Công dân Pháp đã hiểu sức mạnh và tham vọng của Trung Quốc khi đầu tư vào nước Pháp : 43% xem Trung Quốc là mối đe dọa. Trong mùa bầu cử Nghị Viện Châu Âu, tuy Trung Quốc không phải là chủ đề chính, đa số các ứng cử viên cũng bày tỏ lập trường qua các đề nghị ngăn chận ảnh hưởng của Trung Quốc.
Để được hiệu quả, Ủy Ban Châu Âu đã ban hành 93 biện pháp chống dumping hạ giá hàng xuất khẩu và 12 biện pháp chống tài trợ công ty, hai vũ khí trong chính sách cạnh tranh bất chính của Bắc Kinh.

Thông đồng với Nga :

 Địa chấn trong phe cực hữu châu Âu

Mùa bầu cử Nghị Viện Châu Âu bất ngờ sôi động sau vụ lãnh đạo cực hữu của Áo phải từ chức chủ tịch đảng và ghế phó thủ tướng, vì bị tố cáo thông đồng với Nga. Le Monde phân tích các hệ quả trong bài « Địa chấn trong vụ tai tiếng Strach lan ra châu Âu ».
Đoạn băng video năm 2017, vừa được báo chí Đức phổ biến trong đó, Heinz Christian Strach, phó thủ tướng tương lai của Áo trao đổi với một phụ nữ mà ông tưởng là cháu của một tỷ phú Nga, hứa sẽ cho Nga những hợp đồng béo bở đổi lại đảng cực hữu nhận được tài trợ để tranh cử. Toàn thể 5 bộ trưởng và phó thủ tướng cực hữu từ chức.
Nhưng chấn động này không dừng lại ở Áo mà đã lan khắp châu Âu. Quả bom rơi đúng vào lúc phe cực hữu châu Âu đang lăm le « gây một cơn địa chấn chính trị » đêm 26/05. « Đại hội » toàn châu Âu thứ Bảy 18/05 của phe cực hữu biến thành diễn đàn lên án « đồng minh Áo ».
Le Monde dự báo, cho dù các kết quả thăm dò cho thấy phe cực hữu sẽ lên điểm, nhưng tai tiếng thông đồng với Nga của cực hữu Áo sẽ làm cho quan hệ giữa các phe chống Châu Âu sẽ yếu đi. Tác giả bài xã luận kêu gọi các nhà dân chủ châu Âu tẩy chay các tổ chức nhân danh chủ quyền quốc gia nhưng lại nghe theo chỉ thị của Matxcơva hay của Steve Bannon, cựu cố vấn của Donald Trump.
Cũng liên quan đến vận động tranh cử Châu Âu,  Le Figaro gián tiếp nhìn nhận trong cái rủi có cái may : Trong mối đe dọa của phe cực hữu bài châu Âu, cuộc vận động cử tri được khởi sắc. Cụ thể là qua một loạt thăm dò thực hiện trong toàn thể 28 thành viên, 68% cử tri nhìn nhận là nhờ Liên Hiệp Châu Âu mà kinh tế của đất nước họ được cải thiện.
Kết quả này khiến cho không một đảng bài châu Âu nào, cực hữu lẫn cực tả, đòi tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Thế mà chỉ cách nay có ba năm, ít nhất 15 đảng muốn theo chân Brexit. Có lẽ bài học Anh Quốc đã làm cho đa số cử tri châu Âu thấy mình cần được Liên Hiệp Châu Âu phối hợp bảo vệ chống làn sóng di dân, chống đe dọa từ các nước mạnh như Nga và Trung Quốc, bảo vệ các quyền tự do…

Tin đọc nhanh

(AFP) – Venezuela : Tổng thống kéo dài nhiệm kỳ Quốc Hội Lập Hiến đến hết năm 2020.
Đề xuất của chủ tịch Quốc Hội Lập Hiến Venezuela đã được các dân biểu nhất loạt thông qua hôm 20/05/2019 và ngay lập tức có hiệu lực. Quốc Hội Lập Hiến được bầu ra hồi tháng 08/2017 với nhiệm vụ soạn thảo lại Hiến Pháp trước tháng 08/2019, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào được công bố. Sau này, Quốc Hội Lập Hiến được chính quyền Maduro trao thêm quyền và thay thế Quốc Hội trong tay phe đối lập mà người đứng đầu là Juan Guaido.
(REUTERS) – Mỹ : Hạ Viện được phép kiểm tra bản khai thuế của TT Trump.
Ngày 20/05/2019, một thẩm phán liên bang ra phán quyết cho phép Hạ Viện kiểm tra bản khai thuế cá nhân của tổng thống cũng như tài sản của doanh nghiệp Donald Trump. Hồi đầu tháng Tư, Ủy ban kiểm tra của Hạ Viện, trong tay đảng Dân Chủ, đã yêu cầu bộ Tài Chính cung cấp bản khai thuế trong 8 năm qua của ông Trump. Tuy nhiên, một luật sư của tổng thống Mỹ bác bỏ đòi hỏi trên, cho rằng đảng Dân Chủ lạm quyền.
(AFP) – Hội Đồng Châu Âu chỉ trích Hungary vi phạm nhân quyền.
Chỉ rõ là Budapest vi phạm nhân quyền, nhất là đối với di dân, Hội Đồng Châu Âu kêu gọi chính quyền Hungary cấp tốc cải thiện tình hình, tránh các phát biểu và các chiến dịch bài di dân có thể kích động tình trạng bài người nước ngoài. Hội Đồng Châu Âu cũng lưu ý là bình đẳng giới ở Hungary đang suy yếu, tỉ lệ nữ giới tham gia chính trường thấp; những cải cách tư pháp từ năm 2010 cũng ảnh hưởng đến sự độc lập của ngành này.
(AFP) – Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bắt đầu chuyến thăm Miến Điện 5 ngày.
Theo thông cáo của Liên Hiệp Quốc hôm qua, 20/05/2019, ông Filippo Grandi sẽ dành 2 ngày đầu gặp mặt các quan chức và cộng đồng người Rohingya tị nạn tại bang Rakhine, sau đó gặp gỡ quan chức chính phủ tại thủ đô Naypyidaw. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Filippo Grandi kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng người Rohingya vào tháng 08/2017.
(Reuters) – Một người Nepal phá kỷ lục số lần chinh phục đỉnh núi Everest.
Ông Kami Rita Sherpa, thuộc tộc người thiểu số Sherpa ở Nepal, hôm nay, 21/05/2019, phá kỷ lục của chính mình về số lần chinh phục đỉnh núi Everest. Đây là lần thứ 24 ông Kami leo lên ngọn núi cao nhất thế giới, và cũng là lần thứ hai ông thực hiện được điều này trong tuần. Ngoài ông còn có hai người khác, đều thuộc tộc Sherpa, từng chinh phục ngọn núi cao nhất thế giới 21 lần. Ông Kami bày tỏ mong muốn một lần nữa phá kỷ lục và dừng lại ở con số 25.Hãng xe hơi Ford hôm qua, 20/05/2019, công bố vào kế hoạch cắt giảm 7000 việc làm, tương đương với 10% tổng số nhân viên Ford toàn cầu. Đợt sa thải này là một phần trong nỗ lực tái cấu trúc của Ford, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc. Tập đoàn Ford dự kiến sẽ tiết kiệm được 600 triệu đôla một năm, qua đó tăng cường đầu tư vào công nghệ xe hơi không người lái và xe hơi chạy điện.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.