Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 12/04/2019

Friday, April 12, 2019 3:08:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 12/04/2019

Vì sao nhà hoạt động môi trường ở VN

bị gắn mác ‘phản động’?

Ben Ngô BBC Tiếng Việt
Một thanh niên trong nhóm người cáo buộc họ bị hành hung khi khám phá rừng Tam Đảo nói với BBC rằng có thể người bảo vệ môi trường gặp rắc rối vì họ “tạo ra sự bất ổn nhất định nào đó mà nhà nước không muốn xảy ra”.
Trước đó, báo Tổ Quốc hôm 9/4 cho hay công an tỉnh Vĩnh Phúc đang vào cuộc điều tra vụ việc nhóm 5 bạn trẻ gồm ba nam, hai nữ đi khám phá rừng Tam Đảo “đã bị chặn đường, đánh đập và cướp tài sản khi mới bắt đầu vào rừng”.
Tờ báo cho biết: “Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo xác nhận sự việc một nhóm người khi đi khám phá rừng Tam Đảo bị hành hung, xâm hại đến an toàn tính mạng.”
“Chúng tôi đã giao Công an huyện ngay lập tức vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc nghiêm trọng này. Phải làm thật nghiêm, xử lý theo đúng quy định,” vị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Tam Đảo huyện Tam Đảo được báo Tổ Quốc dẫn lời.
Hôm 11/4, BBC gọi điện đến công an huyện Tam Đảo để hỏi về sự việc, nhưng nơi này đòi “phải có giấy giới thiệu” và “đến làm việc trực tiếp”.
‘Bài toán khó’
Trả lời BBC hôm 11/4, anh Tạ Mạnh Hưng, một người trong nhóm này, nói: “Tôi là người làm thể thao, thích thiên nhiên và ủng hộ những hoạt động bảo vệ Tam Đảo.”
“Hiện nhóm của tôi chưa nhận được phản hồi nào từ phía chính quyền địa phương và cơ quan công an huyện Tam Đảo, sau khi đã trình báo về vụ cả nhóm bị chặn và cướp đồ.”
“Chúng tôi rất muốn có luật sư tư vấn và bảo vệ quyền lợi của mình trong vụ này, nhưng hiện chưa có.”
“Cũng cần nói rõ vụ việc xảy ra là của nhóm du lịch phượt chứ không liên quan gì đến trang Save Tam Đảo (Một fanpage có gần 6.000 lượt like kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ Vườn Quốc gia Tam Đảo).”
Trả lời câu hỏi của BBC: “Theo các bạn, tại sao những người hoạt động môi trường ở Việt Nam thường bị làm khó và bị gắn mác “phản động, bị kích động, lôi kéo”, anh Hưng đáp:
“Tôi nghĩ đó cũng chính là mâu thuẫn giữa kinh tế và môi trường. Đối với mỗi quốc gia, việc đặt lên cán cân giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường luôn là bài toán khó.”
“Trong khi đó ở Việt Nam, nhu cầu tăng trưởng kinh tế ngày càng lớn, sức nặng càng được đặt lên vai chính phủ nhiều hơn, cùng với đó là khoa học kỹ thuật, phát minh và nghiên cứu… là các lĩnh vực chưa được phát triển ở Việt Nam, mọi thứ lại đặt vào xây dựng và khai thác du lịch nóng vội.”
“Đó là nguyên nhân dẫn gây ra việc các dự án đầu tư, xây dựng du lịch thường được ưu tiên phát triển. Cùng với đó, những nhà làm kinh tế, những nhà đầu tư thường có mối quan hệ mật thiết với những người ra chính sách hơn là những người hoạt động môi trường, nên những người làm hoạt động này sẽ gặp bất lợi hơn trong hệ thống tuyên truyền.”
“Theo như tôi hiểu, những người làm về môi trường, bảo vệ môi trường và phản đối lại những dự án có tác động nguy hại đến môi trường. Sự phản đối này một phần nào đó làm ảnh hưởng đến người đưa ra chính sách và lợi ích kinh tế. Một điểm nữa là tạo ra một sự ‘bất ổn’ nhất định nào đó mà chính Nhà nước không muốn xảy ra.”
‘Sự im lặng của báo chí nước nhà’
Hôm 11/4, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC: “Tháng trước tôi có đi trek xuyên rừng Tam Đảo đúng cung đường mà bạn Hưng trong câu chuyện kể lại (đi lên từ phía Tây Thiên), và tôi thấy có một việc rất lạ trên đường đi xuống ở phía thị trấn Tam Đảo.”
“Đó là lối ra bị chặn và cả nhóm bị cán bộ kiểm lâm dọa bắt giữ. Các cán bộ này luôn mực nói rằng đây là rừng cấm quốc gia bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng điều chính mắt tôi chứng kiến là xe cộ, phương tiện đang cày nát rừng bên trong để mở đường, dựng cáp treo để xây khu du lịch của Sun Group.”
“Tôi còn thoáng thấy một trong số cán bộ kiểm lâm chặn chốt này còn khoác áo bảo vệ của Sun Group.”
“Bởi vậy, tôi không quá bất ngờ khi nghe câu chuyện từ nhóm của Hưng, vì tôi đặt trong bối cảnh là tập đoàn Sun Group đang âm thầm phá rừng quốc gia Tam Đảo để xây khu du lịch – và đáng báo động hơn, là trong sự im lặng của báo chí nước nhà.”
“Công chúng hiện chỉ đang biết đến việc này thông qua thông tin, hình ảnh trên mạng xã hội, mà đặc biệt là qua trang Facebook Save Tam Đảo. Tôi còn nhớ như in là các cán bộ kiểm lâm khi giữ tôi lại nhấn mạnh nhiều lần rằng chúng tôi phải cam kết không được đưa tin hay hình ảnh gì lên mạng xã hội về những gì đã thấy trên đường đi xuyên rừng Tam Đảo.”
‘Sự dung dưỡng’
Trong một diễn biến khác, bà Cao Vĩnh Thịnh bị câu lưu hơn 10 giờ hôm 27/3 ở Hà Nội. Bà Vĩnh Thịnh được biết là thành viên nổi bật của nhóm Green Trees và phong trào bảo vệ cây xanh ở Hà Nội hồi năm 2015.
Sau đó, trả lời BBC hôm 2/4, bà Vĩnh Thịnh cho BBC hay rằng trong cuộc thẩm vấn, bà bị hỏi rất nhiều câu về hoạt động của cá nhân, về bộ phim tài liệu Đừng Sợ, về hoạt động liên quan đến chiến dịch Save Tam Đảo cáo buộc tập đoàn Sun Group xâm hại môi trường.
“Tôi không phải cân nhắc nhiều khi quyết định trở thành người bảo vệ môi trường.”
“Đó là thứ chảy trong nhiệt huyết, tư tưởng của mình. Quyền đòi hỏi môi trường sạch là thứ rất hiển nhiên.”
“Tôi cũng như nhiều người dân khác sống ở Hà Nội bức xúc vì tình trạng bụi mịn và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến mình và thế hệ con cái mình.”
“Tôi thấy mình phải có trách nhiệm lên tiếng thay cho con gái mình. Nó mới 5 tuổi, chưa lên tiếng được. Đến khi nó đủ khả năng để lên tiếng bảo vệ môi trường thì tôi sẽ ủng hộ nó.”"Theo như tôi hiểu, đằng sau các tập đoàn, công ty gây ra các vụ xâm hại môi trường đều có sự dung dưỡng của các thế lực hoặc của viên chức địa phương.”
“Dù có bị trấn áp thế nào thì tôi và các thành viên khác của nhóm Green Trees vẫn kiên định đòi Bộ Tài nguyên-Môi trường công khai bản báo cáo tác động môi trường trước khi cho các dự án như ở Tam Đảo được triển khai…,” bà Vĩnh Thịnh nói với BBC.

Việt Nam nói phán quyết Trịnh Vĩnh Bình ‘lẽ ra là bí mật’

Mạng xã hội Việt Nam ồn ào hôm 12/4, trong lúc báo chí nhà nước im lặng, trước tin nói một tòa quốc tế ra phán quyết yêu cầu Việt Nam bồi thường hàng chục triệu đôla cho ông Trịnh Vĩnh Bình.
Cuối ngày 12/4, Bộ Tư pháp Việt Nam ra thông cáo, xác nhận phán quyết đã có, nhưng theo quy định, ‘các bên có trách nhiệm giữ bí mật’.
Bản tin riêng của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) nói tòa đã buộc Việt Nam phải bồi thường cho triệu phú người Hà Lan gốc Việt tổng cộng 37.581.596 đôla thiệt hại và gần 7,9 triệu đôla án phí.
Phóng viên VOA nói có phán quyết 200 trang, theo đó, Tòa án nói rằng chính phủ Việt Nam vi phạm Điều khoản 3(1) về Đối xử Công bằng và Thỏa đáng, và Điều 6 về trưng thu trong Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Vương quốc Hà Lan và nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Tòa yêu cầu chính phủ Việt Nam bồi thường cho ông Bình 27.518.596 đôla cho phần tài sản đã chiếm của ông, 10 triệu đôla cho “thiệt hại tinh thần”, 786.672,71 đôla cho án phí ở Tòa án Quốc tế và 7.111.170,94 đôla cho chi phí pháp lý, luật sư.
Thông cáo của Bộ Tư pháp Việt Nam thì nói ngày 10/4, Hội đồng Trọng tài được thành lập theo Quy tắc Trọng tài UNCITRAL đã ban hành Phán quyết về Vụ kiện đầu tư của ông Trịnh Vĩnh Bình đối với Chính phủ Việt Nam trên cơ sở Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan.
“Theo quy định của tố tụng trọng tài, các bên có trách nhiệm giữ bí mật Phán quyết. Tuy nhiên, hiện nay, một số trang thông tin điện tử và mạng xã hội đưa tin, phản ánh không chính xác nội dung của Phán quyết cùng với những diễn giải, suy đoán chủ quan gây hiểu nhầm trong dư luận.”
Bộ Tư pháp nói họ đang “phối hợp chặt chẽ” với các nơi liên quan để “nghiên cứu kỹ nội dung Phán quyết để thực hiện các bước tiếp theo phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của Chính phủ Việt Nam”.
Giới luật sư nói gì?
“Muốn đầu tư ở Việt Nam mà tồn tại được thì ngoài hiểu luật ra thì biết lệ là điều cực kỳ quan trọng,” luật sư Ngô Anh Tuấn từ Hà Nội nói với BBC sau thông tin ông Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện chính phủ Việt Nam.
“Để tồn tại và đứng vững, phát triển được doanh nghiệp ở Việt Nam thì rất cần thiết phải hiểu “lệ” vì lệ nhiều khi quan trọng hơn luật. Chính vì thế mà không ít nhà đầu tư thành danh ở nước ngoài nhưng không thể trụ ở Việt Nam vì quá “cứng nhắc” và “không chịu hiểu” sự khác nhau giữa luật và lệ ở Việt Nam.”
“Lệ ở Việt Nam rất thông dụng, đó là chạy chọt, quan hệ. Nếu không có quan hệ thì khó tồn tại. Nhiều doanh nghiệp lớn tồn tại được là nhờ vào quan hệ để tham nhũng chính sách.”
“Về phía Chính phủ Việt Nam, đây là bài học lớn đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế.”
“Chính phủ Việt Nam tới nay vẫn quá quen với việc luôn thắng kiện dù người kiện là bất kỳ ai, khi việc kiện cáo diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam, được xử lý bằng pháp luật Việt Nam.”
“Nhưng chính phủ Việt Nam cần ý thức được rằng pháp luật và sự bảo hộ của luật đối với Nhà nước Việt Nam chỉ có giá trị ở Việt Nam, không thể có giá trị khi các tranh chấp với nhà đầu tư được kiện ra Tòa án quốc tế.”
Vụ kiện xuyên thế kỷ
Ông Trịnh Vĩnh Bình từng là doanh nhân thành đạt tại Hà Lan với biệt danh ‘Vua Chả Giò’.
1947: Ông Trịnh Vĩnh Bình sinh ra tại Sóc Trăng.
1976: Ông Bình cùng vợ con và hai em vượt biên sang Hà Lan.
1981-1996: Ông Bình về nước 63 lần, mang theo tổng cộng hơn 2,3 triệu USD và gần 100 kg vàng.
(Theo truyền thông Việt Nam)
1981-1990: Ông Trịnh Vĩnh Bình ra về Việt Nam theo lời kêu gọi Việt kiều về nước đầu tư của chính phủ. Ông được cho là mang theo hơn 2 triệu đô la và 96 ký vàng để làm vốn.
Từ năm 1990 trở đi: Ông Bình đầu tư nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như khách sạn, thủy hải sản, xuất khẩu, nông sản, rau quả, trồng rừng, và nhà đất.
Tài sản của ông sau 6 năm được cho là đã tăng lên 8 lần số vốn ban đầu.
5/12/1996: Ông Trịnh Vĩnh Bình bị bắt với cáo buộc tội “trốn thuế” và bị giam 18 tháng trước khi bị đưa ra xét xử với cáo buộc “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” và tội “hối lộ”.
8/1998: Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên ông Bình 13 năm tù vì tội vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai và tội đưa hối lộ. Ông phạt 400 triệu đồng, tịch thu tài sản được cho là “sang nhượng bất hợp pháp”.
1999: Tòa phúc thẩm giảm án cho ông Bình từ 13 năm xuống thành 11 năm tù. Tuy nhiên ông Bình không thi hành án mà bỏ trốn về Hà Lan. Tại Hà Lan, ông Bình nộp đơn lên Tòa án Quốc tế khởi kiện chính phủ Việt Nam.
2003: Việt Nam miễn chấp hành hình phạt tù trước đó và đồng ý để ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời xem xét trả một số tài sản cho ông.
2005: Chính phủ Việt Nam được cho là ‘dàn xếp’ bên ngoài tòa với ông Bình và đền ông 15 triệu đôla, miễn án, tạo điều kiện cho ông Bình trở lại Việt Nam, đồng thời hoàn trả tài sản đã tịch biên.
1/2015: Ông Trịnh Vĩnh Bình kiện Chính phủ Việt Nam ra Tòa án Trọng tài Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), đòi bồi thường 1,25 tỷ đô la do chính phủ Việt Nam được cho là đã ‘lần lữa’ không trả ông bất kỳ tài sản nào như đã hứa, ngoài số tiền đền bù 15 triệu đô la.
Số tài sản mà ông Bình bị chính phủ Việt Nam tịch thu là gần 2,5 triệu m2 đất, 11 căn nhà nằm rải rác từ TP HCM, dọc Quốc lộ 51, Vũng Tàu, nhiều khu đất, xưởng sản xuất.
Người Việt nói gì qua Facebook?
Luật sư Trần Vũ Hải, từ Hà Nội, nói trên Facebook rằng dư luận chờ quan chức Việt Nam trả lời.

Đà Nẵng ‘kỷ luật quyết liệt’

với con trai ông Nguyễn Bá Thanh

Trong diễn biến ít ai ngờ tới, con trai cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh bị Thành ủy Đà Nẵng, với đa số phiếu, đề nghị cách tất cả các chức vụ trong đảng.
Số phận chính trị của ông Nguyễn Bá Cảnh nay còn chờ Ủy Ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét.
Ngày 12/4, với 35/43 phiếu đồng ý, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất đề nghị cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng.
Cha của ông Cảnh, Nguyễn Bá Thanh (1953-2015), từng được xem là nổi tiếng nhất và quyền uy nhất của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn sau Đổi mới 1986.
Lý do chính thức được Thành ủy Đà Nẵng nêu là ông Bá Cảnh đã vi phạm Điểm c, khoản 2, Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình và vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Điểm c, khoản 2, Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình, cấm: “Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.”
Sinh năm 1983 ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng, ông Bá Cảnh công tác ở Thành đoàn Đà Nẵng, trở thành Bí thư Thành Đoàn Đà Nẵng năm 2013.
Ông bắt đầu giữ chức Phó Ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đà Nẵng tháng 8/2017.
Theo tiểu sử, ông từng du học ở Anh lấy bằng thạc sĩ công trước khi về làm việc ở Đà Nẵng.
Các lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng hiện nay gồm Ủy viên Trương ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ.

Út “trọc” có thể đối mặt với những cáo buộc mới

Cựu thượng tá quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út ‘trọc’ sẽ phải đối mặt với những cáo buộc mới sau khi Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận điều tra sang Bộ Công an để điều tra thêm những vi phạm của ông này và của công ty Cổ phần Phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Quốc Phòng, nơi Út ‘trọc’ từng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Truyền thông trong nước hôm 12/4 cho biết Thanh tra Chính phủ đã ban hành thông báo kết luận tranh tra việc châp hành quy định pháp luật đối với một số dự án đầu tư, xây dựng có liên quan đến công ty Thái Sơn. Thanh tra Chính phủ đã chuyển hồ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý.
Những nội dung chuyển sang Bộ Công an điều tra, xử lý bao gồm: việc giả mạo hồ sơ, tài liệu để tham gia dự thầu tại các dự án mà công ty Thái Sơn trúng thầu; việc chuyển nhượng sai quy định tại các dự án được lựa chọn, trúng thầu; kê khai, giả mạo hồ sơ, sử dụng tài sản đảm bảo không đủ căn cứ pháp lý để vay vốn ngân hàng; và dấu hiệu trốn thuế, bảo hiểm.
Vào tháng 7 năm ngoái, Út ‘trọc’ đã bị tòa án quân đội tuyên án tù 12 năm với cáo buộc lợi dụng quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Công ty Thái Sơn là công ty đã trúng thầu nhiều dự án đường bộ BOT ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đồng.

Việt Nam chỉ tuyên án tử

đối với các tội phạm ‘đặc biệt nghiêm trọng’

Việc bãi bỏ án tử hình không phải là một phần của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Đây là trả lời của Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng vào ngày 11/4 trước thông tin Việt Nam nằm trong 5 nước thi hành nhiều án tử hình nhất thế giới trong năm 2018 của Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International.
Trước đó, vào thứ Tư 10/4, Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo về án tử hình vào năm 2018, cho biết Việt Nam đã xử tử ít nhất 85 người và nằm trong danh sách 5 nước thi hành nhiều án tử nhất thế giới năm ngoái.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết thêm hình phạt tử hình chỉ được áp dụng cho các tội phạm ‘đặc biệt nghiêm trọng’ theo Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Bà Hằng khẳng định các tội phạm vẫn được xử lý theo luật pháp Việt Nam, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và các quyền của người dân.
Vẫn theo Phát ngôn nhân Việt Nam, chính phủ Hà Nội đã nhiều lần giảm số lượng tội phạm có thể bị tuyên án tử hình.
Bộ luật hình sự mới nhất năm 2015 của Việt Nam, có hiệu lực vào tháng 1 năm 2018, đã loại bỏ 8 hành vi vi phạm pháp luật khỏi danh sách bị tuyên án tử. Đồng thời, những người dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ chăm sóc con dưới 3 tuổi và những người từ 75 tuổi trở lên sẽ không bị kết án tử hình cho những sai phạm mà họ gây ra.
Việt Nam tuyên phạt tử hình đối với 15 loại tội phạm, bao gồm hãm hiếp, giết người, tham nhũng và các tội liên quan đến ma túy và an ninh quốc gia. Chính phủ Hà Nội đã chuyển hình thức thực hiện từ bắn súng sang tiêm thuốc độc vào năm 2013.

Kiểm soát hay không kiểm soát Internet?

Trước việc mạng Internet, nhất là các mạng xã hội, liên tục xảy ra những thông tin nhiễu loạn gây hậu quả xấu cho xã hội, nhiều chính phủ trên thế giới đang đặt ra yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ hơn các thông tin trên mạng.
Tuy nhiên, việc các nỗ lực kiểm soát mạng Internet này đã bị các nhóm hoạt động nhân quyền chỉ trích là xâm phạm quyền tự do ngôn luận. Luật An ninh Mạng của Việt Nam, vốn có hiệu lực từ đầu năm 2019, được cho là nỗ lực của chính quyền nhằm hạn chế quyền tự do cá nhân
và quyền tự do biểu đạt của công dân trên không gian mạng và bóp nghẹt những tiếng nói bất đồng và chỉ trích chính quyền.
Ở Mỹ, chính quyền nước này đã kết luận Nga đã tung một đội ngũ ‘dư luận viên’ (troll farm) lên mạng xã hội để tung tin giả tràn lan nhằm làm lung lạc cử tri Mỹ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016 theo hướng có lợi cho Nga.
Mới đây nhất, nghi phạm xả súng hai đền thờ Hồi giáo ở New Zealand khiến gần 50 người thiệt mạng đã dùng chức năng ‘livestream’, tức là phát trực tiếp trên Facebook, hành động của mình để nhiều người có thể chứng kiến.
Còn ở Việt Nam, mới đây nhà chức trách đã bắt người mà họ xem là ‘giang hồ mạng’ Ngô Bá Khá, tức Khá Bảnh, một nhân vật có rất nhiều người theo dõi trên kênh YouTube và được nhiều thanh thiếu niên xem là thần tượng. Khá Bảnh bị cáo buộc tổ chức đánh bạc và những hành động của anh này, chẳng hạn như đốt xe máy hay nói tục chửi thề, được cho là ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. Các kênh mạng xã hội của Khá đã bị Youtube và Facebook khóa theo yêu cầu của chính quyền Việt Nam.
Trước đó, đã nhiều lần nhà chức trách Việt Nam đã trừng phạt nhiều người tung tin thất thiệt trên mạng xã hội để ‘câu view’, ‘câu like’ nhưng gây hậu quả thật sự cho người khác, điển hình là một số người tung tin giả là đã xuất hiện dịch ở một số địa phương như Hạ Long và Cà Mau trong đợt dịch tả lợn vừa qua khiến nhiều nông dân nuôi lợn lao đao.
Mới đây nhất, đám tang nghệ sỹ hài Anh Vũ ở chùa Ấn Quang, thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút lực lượng ‘livestream’ đông đảo để phát lên mạng xã hội nhằm câu khán giả vào xem. Những người này được cho là đã chen lấn, nói cười phản cảm và làm bát nháo tại đám tang.
‘Xâm phạm tự do ngôn luận’
Tuy nhiên, ông Nguyễn Lân Thắng, blogger và nhà hoạt động dân chủ, nói rằng chính quyền Việt Nam không nên dựa vào những vụ việc này để lấy cớ tăng cường kiểm soát trên mạng.
Trao đổi với VOA, ông Thắng nói hành động của Khá Bảnh ‘dù làm gai mắt nhiều người’ nhưng ‘không đe dọa và không làm hại ai’.
Theo ông Thắng, việc Facebook và Youtube nhanh chóng khóa các kênh của Khá Bảnh ‘đặt ra dấu hỏi liệu họ sẽ nhiệt tình ngăn chặn trước các vấn đề lớn hơn là chỉ trích nhà nước về chuyện này chuyện kia hay không, và nếu có thì đó là vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận’.
“Thông tin trên mạng có thể làm nhảm nhí, không đúng sự thật hoặc xâm phạm lợi ích của ai đó nhưng chúng ta không thể ngăn chặn người khác thể hiện ý kiến, sở thích hay cách sống của mình trên mạng xã hội,” ông Thắng trả lời trước câu hỏi có nên kiểm soát thông tin trên mạng xã hội.
Ông ví von việc dạo trên mạng xã hội giống như ‘đi trên đường có rất nhiều ổ gà’ và rằng ‘những người hiểu biết có thể tránh được ổ gà còn những người không phân biệt được thông tin đúng sai sẽ sa vào ổ gà’.
“Nhưng đó chỉ là nhất thời, về lâu dài trước sau gì những điều dối trá sẽ bị phanh phui,” ông Thắng nói thêm.
Theo ông Thắng thì cho dù việc sát thủ ở New Zealand ‘livestream’ hành động xả súng của mình lên Facebook là điều sai trái nhưng trước khi người này hành động không ai biết được sẽ có hành động đó để mà ngăn chặn. Cho nên vì lý do phải ngăn chặn trước mà ‘chặn quyền của người ta đăng tải lên mạng xã hội là hành vi vi phạm nhân quyền,’ nhà vận động cho tự do ngôn luận tại Việt Nam này lập luận.
Thay vào đó, theo ông Thắng, mỗi người phải chịu trách nhiệm trước hành động của mình trên mạng xã hội và nếu có hành vi gây hậu quả xấu thì đương nhiên phải bị chế tài. Tức là, theo ông Thắng, không nên kiểm duyệt trước mà phải ‘kiểm duyệt sau’.
Ông Thắng cho rằng nếu các nhà mạng xã hội làm theo yêu cầu của chính phủ Việt Nam hay bất kỳ chính phủ nào khác để chặn người này người kia thì ‘mạng xã hội không còn là môi trường tự do để phát triển, sáng tạo và giao lưu nữa.
Ông cũng nghi ngờ việc chính phủ Việt Nam có thể kiểm soát được mạng xã hội.
“Đến lúc nhận thức xã hội được nâng cao thì mọi sự trấn áp, bịt miệng những tiếng nói phản kháng những bất công trong xã hội sẽ trở nên vô nghĩa. Hệ thống an ninh mật vụ sẽ trở nên quá tải trước những tiếng nói chỉ trích trên mạng xã hội,” ông Thắng nói.
Không thể để Internet tự do?
Mới đây, trang CNN có một bài phân tích về việc tại sao Internet đang đứng trước áp lực kiểm duyệt ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu.
Hãng tin này đã nhắc lại lời ông John Perry Barlow – người sáng lập Sáng hội Biên giới Điện tử – phát biểu hồi đầu năm 1996 rằng mạng Internet độc lập với các chính phủ quốc gia.
“Tôi tuyên bố không gian xã hội toàn cầu mà chúng tôi đang xây dựng độc lập với các chế độ chuyên chế mà quý vị muốn áp đặt lên chúng tôi,” ông viết. “Quý vị không có quyền đạo đức để cai trị chúng tôi cũng như quý vị không có bất kỳ phương pháp thực thi nào mà chúng tôi có lý do thật sự để sợ.”
Tuyên bố của ông Barlow, người đã qua đời hồi năm ngoái, phản ánh một niềm tin phổ biến rằng mạng Internet là một thế giới riêng nơi các các quy định và cách quản lý truyền thống không được và không thể áp dụng.
Trong hàng chục năm, suy nghĩ tự do này là kim chỉ nam cho Thung lũng Silicon khi mà các công ty công nghệ quyết liệt chống lại bất cứ nỗ lực nào để quản lý và kiểm soát cách mọi người sử dụng diễn đàn mạng. Việc thiếu quản lý giúp cho họ tạo dựng được những đế chế độc quyền khổng lồ và kiếm được lợi nhuận khủng.
Tuy nhiên, theo CNN, Thung lũng Silicon giờ đây phải đối mặt với sự phản đối. Giữa những quan ngại lan rộng về tin thất thiệt, các chiến dịch gây ảnh hưởng, an ninh mạng và việc đăng tải các nội dung bạo lực và cực đoan, ngày càng nhiều quốc gia đang tìm cách kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn.
Hồi tuần trước, chỉ sau hai ngày bàn thảo – bất chấp sự phản đối của các nghị sỹ, các chuyên gia đầu ngành và các nhóm nhân quyền – Úc đã đưa ra dự luật kiểm soát Internet để phản ứng vụ thảm sát Christchurch ở New Zealand vốn được nghi phạm phát trực tiếp trên Facebook. Theo đạo luật này, các công ty Internet như Facebook và Google bị buộc phải dỡ bỏ các nội dung bạo lực nếu không sẽ bị phạt rất nặng và thậm chí còn đối diện với án tù.
Mặc dù Úc có truyền thống đi quá xa trong vấn đề kiểm duyệt Internet – hồi năm 2010 họ đã phải từ bỏ kế hoạch ra bản danh sách đen các tài khoản trên mạng do gặp chỉ trích rộng rãi – nhưng quốc gia này không phải nước duy nhất muốn tăng cường kiểm soát Internet trong thời gian gần đây.
Hôm 8/4, Chính phủ Anh đã đề xuất những quyền hành mới rất rộng lớn để đối phó với các nội dung bạo lực, tin giả và các thông tin có hại trên mạng. Cũng giống như ở Úc, những quy định này sẽ đặt ra những bắt buộc đối với các công ty mạng và cho phép cơ quan quản lý Internet mới được thành lập có khả năng chặn các trang và áp án phạt.
“Chúng tôi thấy rõ rằng việc các công ty công nghệ tự quản lý là không đủ và giờ đây chúng tôi cần phải hành động để quản lý,” ông Jeremy Wright, bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số, văn hóa, truyền thông và thể thao của Anh quốc, viết trong mục ý kiến trên CNN. Ông cam kết sẽ buộc các công ty Internet chịu trách nhiệm ‘đối với những thông tin và hoạt động có hại trên mạng’.
“Chúng tôi sẽ khiến cho các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm hơn đối với nội dung đăng tải trên diễn đàn của họ và đặt ra các quy định khắt khe hơn đối với các trang mạng để họ có hành động quyết liệt hơn đối với nạn khủng bố và nạn bóc lột, lạm dụng tình dục trẻ em,” ông Wright nói thêm.
Thậm chí ở Mỹ, nơi các công ty công nghệ đã hưởng lợi qua hàng chục năm từ các đạo luật tạo điều kiện cho họ và quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ, cũng xuất hiện những lời kêu gọi có hành động tương tự.
Hôm 7/4, ứng viên ra tranh cử tổng thống của Đảng Dân chủ Andrew Yang đề xuất thành lập trọng tài tin tức và thông tin ‘có quyền lực để áp án phạt đối với các tập đoàn có vi phạm quá mức.’
“Chúng ta cần nền báo chí tự do và trao đổi thông tin mạnh mẽ, nhưng chúng ta nên đối mặt thực tế rằng sự lan truyền tin thất thiệt và thông tin sai lệch thông qua mạng xã hội đang đe dọa làm suy yếu nền dân chủ của chúng ta và khiến người dân chúng ta không thể đưa ra những quyết định có hiểu biết dựa trên những thông tin được chia sẻ,” ông Yang nói trong một thông cáo. “Điều này đặc biệt quan ngại vì các phần tử nước ngoài, nhất là Nga, muốn làm hại chúng ta và lợi dụng quyền tự do thông tin của chúng ta. Chúng ta cần phải bắt đầu giám sát và trừng phạt những phần tử xấu để giúp cho các nhà báo có quyết tâm có cơ hội thực hiện chức trách của họ.”
Trong khi đó, ở Singapore, một dự luật chống tin giả mới sẽ coi việc lan truyền những lời nói hay thông tin thất thiệt là bất hợp pháp nếu như thông tin đó có hại cho an ninh quốc gia, sự an toàn của công chúng, sự yên bình nơi công cộng hay mối quan hệ hữu hảo giữa Singapore với các nước khác…
Ít người phủ nhận rằng mạng Internet có những thiếu sót lớn và chính phủ cần phải có hành động để điều chỉnh.
“Mặc dù mạng Internet đã tạo ra cơ hội, cho phép các nhóm ngoài lề cất lên tiếng nói và khiến cuộc sống hàng ngày của chúng ta dễ dàng hơn, nhưng nó cũng tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo, tạo diễn đàn cho những kẻ gieo rắc lòng thù hận và khiến người ta dễ dàng phạm tất cả các loại tội ác,” ông Tim Berners-Lee, người sáng lập ra mạng Internet, hồi tháng trước đã viết như thế nhân kỷ niệm tròn 30 năm ngày Internet ra đời.
Ngay cả nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg cũng kêu gọi phải quản lý chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, nhiều nước lại chọn cách cho phép các công ty mạng nhiều quyền lực hơn để tự quản lý nội dụng trên diễn đàn của mình theo kiểu ‘anh làm sai thì anh phải tự sửa’. Nguy cơ của cách làm này là các diễn đàn này, vốn không có nghĩa vụ phải bảo vệ tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, sẽ xóa hết những gì mà họ xem là nhạy cảm về mặt chính trị.
Đó là những gì xảy ra ở Trung Quốc, nơi các công ty mạng tư nhân phải thực hiện hầu hết việc kiểm duyệt trên Internet. Do luật chỉ đưa ra những hướng dẫn mơ hồ về những nội dung cần phải kiểm soát và quy định mức phạt rất lớn đối với những công ty nào không tuân thủ, các công ty thường kiểm duyệt quá mức đến sai lầm và điều này càng làm tình hình xấu hơn ở một quốc gia vốn đã kiểm soát hết sức chặt chẽ quyền tự do ngôn luận.
“Quản lý Internet cần cách tiếp cận bình tĩnh và dựa trên chứng cứ để bảo vệ quyền tự do biểu đạt thay vì làm suy yếu nó,” ông Joy Hyvarinen, người đứng đầu nhóm vận động thuộc tổ chức ‘Chỉ số Kiểm duyệt’ có trụ sở ở London, nói và cho biết quy định các công ty phải có trách nhiệm giám sát nội dung theo luật Anh sẽ là ‘sự thúc đẩy mạnh mẽ cho các diễn đàn trực tuyến hạn chế hay dỡ bỏ các nội dung.”
Bên cạnh đó, những người bị dỡ bỏ nội dung của mình hay bị chặn tài khoản ít có khả năng kháng nghị. Các nhà hoạt động dân chủ đã bày tỏ quan ngại rằng việc kiểm duyệt này sẽ khiến thiểu số các tiếng nói bất đồng bị gạt ra bên lề hơn nữa.
“Buộc các công ty phải quản lý nội dung trang của họ với đe dọa họ phải chịu trách nhiệm hình sự nhiều khả năng sẽ dẫn đến việc kiểm duyệt và loại bỏ quá mức do các công ty phải cố hết sức để tránh cho các lãnh đạo của họ bị ngồi tù hoặc bị áp những khoản tiền phạt khổng lồ đối với doanh thu của họ,” tổ chức cổ súy cho tự do Internet ‘Access Now’ nói khi nhận định về các đạo luật kiểm duyệt mới của Úc.
“Và điều đáng lo nữa là dự luật này sẽ khuyến khích các công ty mạng liên tục theo dõi người dùng Internet với việc đòi họ phải có những biện pháp chủ động để giám sát nội dung trên mạng – động thái này sẽ là cú giáng vào quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư trên mạng.”

Mỹ chỉ trích việc VN cấm nhập khẩu

 thuốc diệt cỏ chứa glyphosate

Mỹ nói việc này có thể dẫn tới nguy cơ nông dân Việt chuyển sang dùng các loại hóa chất diệt cỏ bất hợp pháp, không được kiểm soát, theo Reuters.
Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Sonny Perdue hôm thứ Năm 11/4 chỉ trích Việt Nam cấm nhập khẩu thuốc diệt cỏ gốc glyphosate, cho biết quyết định này sẽ có tác động ‘hủy diệt’ đối với sản xuất nông nghiệp toàn cầu.
Chính phủ Việt Nam cho biết trong một thông cáo rằng mức độ độc hại của thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate từ lâu đã gây lo ngại ở cấp độ toàn cầu về tác động với sức khỏe con người. Truyền thông Việt Nam cho biết lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 6/2019.
Glyphosate, hóa chất có trong thuốc diệt cỏ Roundup bán chạy nhất của Bayer AG, là mục tiêu của hàng ngàn vụ kiện ở Hoa Kỳ với cáo buộc tiếp xúc với chất này gây ung thư.
Roundup – loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới – là loại đầu tiên có chứa glyphosate.
Bayer cho biết lệnh cấm của Việt Nam sẽ không giúp nước này cải thiện sự an toàn cũng như an ninh lương thực. Bayer cũng không biết Việt Nam liệu có thực hiện bất kỳ đánh giá khoa học mới nào để đưa ra quyết định này hay không.
“Trọng lượng áp đảo của hơn bốn thập kỷ nghiên cứu chuyên sâu của giới khoa học và kết luận của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới … là minh chứng cho sự an toàn của các sản phẩm thuốc diệt cỏ có gốc glyphosate,” Bayer cho hay trong một thông cáo.
Ông Perdue cho biết chính phủ Hoa Kỳ đã chia sẻ các nghiên cứu khoa học với Việt Nam, bao gồm kết luận rằng glyphosate không có khả năng gây ung thư cho con người.
“Nếu như chúng ta cần nuôi 10 tỷ người vào năm 2050, nông dân trên toàn thế giới cần tất cả các công cụ và công nghệ có thể giúp chúng ta đạt được điều này,” theo ông Perue.
“Ngoài tác dụng ngay lập tức làm chậm sự phát triển của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, lệnh cấm này còn có nguy cơ rất thực tế là nông dân Việt Nam sẽ chuyển sang các sản phẩm hóa học bất hợp pháp, không được kiểm soát, để thay thế glyphosate.”
Trong khi các cơ quan quản lý ở châu Âu và các nơi khác chấp nhận đánh giá của Hoa Kỳ, cơ quan kiểm soát ung thư của Tổ chức Y tế thế giới năm 2015 xếp loại glyphosate là chất gây ung thư cho con người.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Cục rắng việc tiếp xúc lâu dài với thuốc diệt cỏ và thuốc trừ sâu gây hại môi trường và sức khỏe.
“Tuyên bố quyết định loại bỏ thuốc diệt cỏ có chứa glyphosate khỏi danh sách các hóa chất bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam phù hợp với luật pháp hiện hành, luật pháp quốc tế, và điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam,” ông Trung nói.
Sri Lanka cấm sử dụng glyphosate vào năm 2015 nhưng thay đổi quyết định của họ đối với trà và cao su vào năm ngoái sau khi nông dân cho biết lệnh cấm này gây tổn hại cho các doanh nghiệp, theo Bayer.

Hàng loạt thực phẩm “dính độc” bị trả về

bán cho người dân Việt Nam tiêu thụ

Tin Vietnam –  Báo Vietnamnet ngày 11 tháng 4 loan tin, nhiều năm nay, những lô hàng thực phẩm của Việt Nam xuất cảng đi ngoại quốc bị trả về do hàm lượng hóa chất vượt quá tiêu chuẩn. Sau khi bị trả, những lô hàng này được bán cho người dân nội địa tiêu thụ, và vẫn đạt độ “an toàn” theo tiêu chuẩn riêng của nhà cầm quyền CSVN.
Gần đây nhất là vụ hơn 18,000 chai nước tương Chin-su của tập đoàn Masan bị chính quyền thành phố Osaka, Nhật Bản thu hồi vì chứa chất cấm.
Trong khoảng  bốn năm qua, có khoảng 10,000 tấn gạo của 16 công ty bị phía Mỹ trả về với lý do: gạo bị tồn dư các chất acetamiprid, chlopyripos, hexaconazoe. Trong các chất này, có các loại thuốc bảo vệ thực vật dùng mà người nông dân dùng để trị các loại bệnh trên cây lúa như đạo ôn, sâu đục thân, rầy nâu và các bệnh khác.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có hơn 500 container gạo thơm của Việt Nam bị đối tác trả về do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Đối với thủy sản, một thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam, trong năm 2015, cơ quan chức năng đã phải đưa ra báo động đỏ. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến tháng 9 năm 2015, có gần 32,000 tấn thủy sản của Việt Nam mang đi xuất cảng các nước bị trả về.
Với ngành chè, vào tháng 7 năm 2015, nhà cầm quyền địa phương tại tỉnh Lâm Đồng cho biết, có hơn 80 tấn chè tại địa phương xuất cảng sang Đài Loan bị trả về do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ vậy, hàng ngàn tấn chè đang còn tồn đọng tại Lâm Đồng do không xuất cảng được vì dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng quy định.
Cơ quan bảo vệ thực vật cho biết, chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có đến 90 trường hợp hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị trả về vì vi phạm an toàn thực
phẩm. Tất cả những sản phẩm trả về này đều được bán cho người dân Việt tiêu thụ hoặc xuất cảng qua nước khác.
An Nhiên

Dân biểu Mỹ đệ trình Nghị quyết Tháng Tư Đen lên Quốc hội

Dân biểu Liên bang Alan Lowenthal vừa đệ trình một Nghị quyết Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ ghi nhận 44 năm biến cố lịch sử Sài Gòn bị thất thủ (Fall of Saigon), đồng thời treo cờ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tại văn phòng Quốc Hội Hoa Kỳ nơi ông làm việc cũng như tại văn phòng của ông ở địa hạt Garden Grove, bang California.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 11 tháng 4, văn phòng của Dân biểu Alan Lowenthal cho biết Nghị quyết Hạ viện Quốc hội Hoa Kỳ, H.Res.309 được đệ trình vào trung tuần tháng 4 nhằm vinh danh Quân đội Mỹ và Quân lực VNCH trong Chiến tranh Việt Nam, cùng hàng trăm ngàn người Việt đã tử nạn trong hành trình tìm tự do và cũng để vinh danh cộng đồng người Mỹ gốc Việt cống hiến cho đất nước Hoa Kỳ 44 năm qua.
Nghị quyết H.Res.309 của Dân biểu Alan Lowenthal được sự đồng bảo trợ của 7 vị Dân biểu Liên bang khác.
Cộng đồng người Mỹ gốc Việt hàng năm đều tổ chức lễ tưởng niệm biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975, đánh dấu cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Người Việt tỵ nạn Cộng sản ở Hoa Kỳ gọi tên là ngày “Sài gòn thất thủ” và “Tháng Tư Đen” khi nhắc về thời khắc lịch sử nước Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ.
Dân biểu Alan Lowenthal phát biểu rằng biến cố “Sài Gòn thất thủ” vẫn còn là nỗi đau trong lòng đối với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và ông quyết định treo Lá cờ Tự do và Di sản Người Việt, tức quốc kỳ VNCH trong suốt tháng 4 tại hai văn phòng làm việc của ông ở Quốc Hội Hoa Kỳ và ở địa hạt Garden Grove, bang California để cùng cộng đồng người Việt tưởng niệm 44 năm biến cố lịch sử này.
v

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.