Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 12/04/2019

Friday, April 12, 2019 4:59:00 PM // ,

Tin Biển Đông – 12/04/2019

Trung Quốc cảnh báo


Mỹ và các nước khác gây bất ổn ở Biển Đông


Trung Quốc hôm 10/4 lên tiếng cảnh báo sự hiện diện của Mỹ ở Biển Đông đang gây bất ổn cho khu vực Biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng sự có mặt của Mỹ và những lực lượng bên ngoài không có liên quan đến khu vực đang khuấy động tình hình ở Biển Đông.

Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố này vào khi tàu sân bay USS Wasp của Mỹ xuất hiện ở bãi Scaborough của Philippines, tham gia tập trận cùng quân đội Philippines.

Cuộc tập trận có tên Balikatan năm nay quy tụ 4.000 lính Philippines, 50 quân từ Australia và 3.500 quân từ Mỹ.

Hồi tuần trước, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng cảnh báo Trung Quốc không được chạm vào đảo Thị Tứ do Philippines kiểm soát ở quần đảo Trường Sa, nếu không ông sẽ gửi quân cảm tử đến để bảo vệ chủ quyền.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã lên tiếng tố cáo Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines khi gửi hàng trăm tàu đến đến Thị Tứ, nơi Philippines đang có các  hoạt động cải tạo đường băng.




Yêu sách Biển Đông của Trung Quốc:


Lời cảnh cáo cho châu Âu



Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo các nước chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu vào dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, đặc biệt là việc thâu tóm các hải cảng chiến lược đã thu hút thêm sự chú ý của giới quan sát, đặc biệt là sau thành công của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Ý vào tháng 03/2019.

Trong bài ý kiến đăng trên nhật báo Anh Financial Times ngày 08/04/2019, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã không ngần ngại nêu bật cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông để nhắc nhở châu Âu phải thận trọng với Bắc Kinh.

Trong bài viết mang tựa đề « Yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông là một lời cảnh cáo cho châu Âu – China’s claims on the South China Sea are a warning to Europe », chuyên gia Yasunori Nakayama, quyền tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc tế Nhật Bản đã lưu ý, « các mưu toan dùng võ lực để thay đổi nguyên trạng là mối đe dọa cho nhà nước pháp quyền, (và)

các yêu sách chủ quyền “lịch sử” của Bắc Kinh trên những vùng biển rộng lớn đã đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.»

Trung Quốc đang thực hiện tham vọng làm bá chủ trên biển

Nhận định đầu tiên của Nakayama là những cố gắng lôi kéo các nước châu Âu vào « Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ » của Trung Quốc, và những gì mà Bắc Kinh đã và đang làm ở Biển Đông đều cùng chung một mục tiêu : Biến Trung Quốc thành một siêu cường quốc trên biển.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm chính thức nước Ý vào tháng 3/2019 đã bỏ được vào túi nhiều thỏa thuận liên quan đến những hải cảng của Ý, bảo đảm cho Trung Quốc một cửa ngõ hàng hải và xuyên lục địa quan trọng vào châu Âu. Trong lúc đó thì tại châu Á, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến pháp lý để củng cố đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Đầu tư mới nhất của Trung Quốc vào cảng Trieste của Ý, ở phía bắc biển Adriatic, và vào Genova, hải cảng lớn nhất của Ý, đã mở rộng thêm mạng lưới ngày càng lớn các hải cảng và tuyến giao thương hàng hải do tập đoàn vận tải biển khổng lồ Cosco của Trung Quốc Cosco kiểm soát. Trước đó, cảng Piraeus của Hy Lạp, một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, đã rơi vào tay Trung Quốc.

Ngay sát châu Âu, tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng hai hải cảng khác, và cũng đã mở căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, vùng Sừng Châu Phi, một nơi nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến giao thương hàng hải Á – Âu.

Cách làm của Trung Quốc, theo chuyên gia Nakayama, rất khôn khéo : Một vài thỏa thuận ở đây, một vài thỏa thuận khác ở kia, và thường kín đáo, không có quy mô quan trọng nên không thu hút sự chú ý. Thế nhưng, một khi kết nối lại các điểm mà Bắc Kinh thâu tóm, người ta sẽ thấy hiện lên toàn cảnh rộng lớn hơn.

Đối với ông Nakayama, trong trường hợp của Trung Quốc, tham vọng trở thành một siêu cường hải quân toàn cầu của họ sẽ có những tác động chính trị, an ninh quan trọng đối với Mỹ và châu Âu.

Cách Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông là bài học cho châu Âu

Theo chuyên gia Nhật Bản, việc Trung Quốc dần dần bành trướng sự hiện diện ở Biển Đông có thể mang lại một bài học cảnh tỉnh cho châu Âu.

Trong hàng thập niên, ở vùng Biển Đông đã tồn tại những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên các đảo đá, rạn san hô và bãi ngầm giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trung Quốc đòi chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, nơi có hơn 200 thực thể địa dư, mỏ dầu khí lớn, lập luận rằng họ có quyền lịch sử trên vùng này.

Điều đáng nói, theo chuyên gia Nakayama, là Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng các quyền lịch sử của họ nằm bên trên các quyền mà các láng giềng ven Biển Đông khác được hưởng theo Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) đã phán quyết rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng để khẳng định yêu sách của họ tại Biển Đông đã đi ngược lại UNCLOS. Tuy nhiên, điều đó không hề làm suy suyển tham vọng của Bắc Kinh.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, bất chấp việc các thực thể đó còn đang trong vòng tranh chấp. Trung Quốc đã triển khai trên đó các tên lửa phòng không tiên tiến và xây dựng các sân bay có thể dùng cho oanh tạc cơ.

Và kể từ đầu năm cho đến đầu tháng 4 này, khoảng 200 tàu Trung Quốc, được cho là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, đã được thấy gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa (hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng bị cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đòi chủ quyền), hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng.

Coi chừng mưu toan kẻ đường cơ sở thẳng

Theo chuyên gia Nakayama, cần phải hết sức chú ý đến thói quen của Trung Quốc là tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo.

Vào năm 1996, Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng các đường cơ sở thẳng quanh các đảo vòng ngoài thuộc quần đảo Hoàng Sa. Họ vẫn tiếp tục đòi hỏi quyền này, bất chấp phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, theo đó Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo nên không được hưởng đặc quyền mà nước này yêu sách.

Cho dù vậy, công trình mang tựa đề « Phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông: Một nghiên cứu phê phán », do Hội Luật Quốc Tế của Trung Quốc xuất bản gần đây, còn đi xa hơn các yêu sách hiện hữu bằng cách cho rằng « chế độ (quyền) của các quốc gia lục địa có quần đảo ở xa không được giải quyết trong UNCLOS ».

Dựa trên quan điểm đó, bản nghiên cứu của Trung Quốc tìm cách cho rằng « thông luật » của luật quốc tế cho phép các quốc gia lục địa vẽ ra và tuyên bố những đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo của họ.

Nói cách khác, theo lập luận trên, luật tập quán kiểu Trung Quốc được coi là có giá trị hơn luật quốc tế ghi trong UNCLOS

Tự do hàng hải tại Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa

Đối với ông Nakayama, cách lập luận trên có tác động đáng kể trong trường hợp quần đảo Trường Sa.

Nếu Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa, một vùng rộng lớn của Biển Đông có nguy cơ trở thành vùng nội thủy của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ có thể hạn chế quyền đi lại của các tàu thuyền nước ngoài.

Một phần ba lương hàng vận chuyển trên biển của thế giới đi qua Biển Đông, do đó, việc hạn chế quyền tự do đi lại sẽ tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu… Điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Donald Trump. Hải Quân Mỹ đã tăng cường chiến dịch tuần tra vì tự do hoạt động hàng hải trong khu vực, thách thức các yêu sách trên biển của Trung Quốc.

Anh Quốc cũng cho thấy là sẵn sàng dấn thân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Ngày 11/02 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson cho biết sẽ triển khai tàu sân bay mới của nước này – chiếc HMS Queen Elizabeth – đến Biển Đông.

Làm sao tin được các lời hứa của Trung Quốc

Bắc Kinh tiếp tục khẳng định rằng họ tuân thủ UNCLOS và tôn trọng luật biển. Tuy nhiên, theo chuyên gia Nakayama, có rất nhiều lý do để nghi ngờ.

Tại một hội nghị ở Kyoto vào tháng 3 vừa qua, Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện Biển Đông, đã lưu ý rằng từ góc nhìn của Nhật Bản, một quan điểm mà ông chia sẻ, « Trung Quốc đã có một số diễn giải các quy định của UNCLOS một cách gần như không hợp lý nhưng cực kỳ có lợi cho họ ».

Ông Nakayama cho rằng các quy tắc và cơ cấu, vốn đã được thiết lập, của hệ thống hàng hải quốc tế đang ngày càng bị đe dọa.

Tại một hội nghị chuyên đề ở Luân Đôn tháng 2 vừa qua, giáo sư Atsuko Kanehara thuộc Đại Học Sophia, Tokyo, đã lưu ý rằng cách áp dụng luật quốc tế về quyền lịch sử sẽ rất quan trọng trong việc duy trì giá trị của UNCLOS. Việc Trung Quốc đòi áp dụng các quyền dựa trên một phạm vi rộng của thông luật quốc tế có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng trật tự pháp lý hàng hải quốc tế.

Nhà nghiên cứu Nhật Bản kết luận : Vào lúc chúng ta tìm cách chống lại mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, việc duy trì sự tôn trọng luật pháp trong các vấn đề hàng hải là bước thiết yếu đầu tiên.




Philippines: ‘Chủ quyền lãnh thổ


 là điều không thể thương lượng’


Phủ tổng thống Philippines khẳng định chủ quyền quốc gia tại Biển Đông là điều “không thể thương lượng”, dẫu cho nước này muốn theo đuổi những mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. trong tháng Ba đã gửi phản đối theo đường ngoại giao đối với sự hiện diện của hàng trăm tàu thuyền Trung Quốc gần đảo Thị Tứ trong thời gian gần đây.




Manila nay nói họ sẽ để cho Bắc Kinh có một khoảng thời gian hợp lý để trả lời về các kháng nghị trên, hãng thông tấn Philippines (PNA) tường thuật.

Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm 11/4/2019, phát ngôn viên của tổng thống, Salvador Panelo nói rằng tuy Philippines muốn “nhã nhặn về mặt ngoại giao” với Trung Quốc, nhưng chủ quyền quốc gia là chuyện khác.

“Chúng tôi ân cần, có thể hiểu theo cách là chúng tôi nhã nhặn với họ. Nhưng trong vấn đề chủ quyền quốc gia thì đó lại là một câu chuyện khác. Chúng tôi phải xác quyết chủ quyền quốc gia,” ông nói.

“Tất nhiên là họ cần nói cho chúng tôi biết tại sao họ lại ở đó, và họ đang làm gì ở đó.”

Tàu Trung Quốc tới các đảo do Philippines quản lý

Hàng trăm tàu tuần tra và tàu cá Trung Quốc đã “tràn vào” khu vực quanh đảo Thị Tứ, nơi Manila gọi là đảo Pag-asa, vốn do Philipines kiểm soát, khiến Tổng thống Philpiines hôm 4/4 cảnh cáo rằng sẽ cho lính ‘thực hiện nhiệm vụ cảm tử’ nếu Bắc Kinh không ‘buông’ đảo này.




Đảo Thị Tứ hiện không phải là địa điểm duy nhất đang là thùng thuốc súng gây căng thẳng nghiêm trọng giữa Bắc Kinh và Manila.

Inquirer tường thuật rằng có ít nhất 15 tàu thuyền Trung Quốc được phát hiện có mặt ở vị trí cách đảo Kota (có tên quốc tế là Loaita Island, Việt Nam gọi là đảo Loại Ta, còn Trung Quốc gọi là đảo Nam Thược), chỉ 1 hải lý vào hôm 28/3.

Tin tức cũng nói có các tàu Trung Quốc hiện diện gần đảo Panata (tên quốc tế là Lankiam Cay, Việt Nam gọi là Đá An Nhơn, và Trung Quốc gọi là bãi Dương Tín).

Cả hai thực thể này hiện đều do Philippines kiểm soát và là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan.

Philippines hôm thứ Tư 10/4/2019 tuyên bố các tàu Trung Quốc, mà Manila nghi là thuộc lực lượng dân quân vũ trang biển, “không có việc gì” ở gần đảo Loại Ta, PNA dẫn lời phát ngôn viên của tổng thống, ông Panelo.

Manila tuyên bố sẽ không cho phép Trung Quốc xâm phạm vào lãnh thổ của mình.

Ông Panelo nói việc các tàu thuyền Trung Quốc tiếp tục hiện diện tại đảo Loại Ta sẽ bị coi là “sự tấn công” vào chủ quyền lãnh thổ của Philippines, PNA nói.

Trong lúc đó, Bộ Quốc phòng và các lực lượng có vũ trang của Philippines cũng đã “sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”.

Phát ngôn viên của tổng thống cũng nói rằng ông Duterte có thể sẽ nêu vấn đề ra trong cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, khi ông tới Bắc Kinh dự Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ hai, theo kế hoạch sẽ diễn trong tháng này.

Tổng thống Duterte kể từ khi lên nắm quyền tới nay luôn chọn giải pháp tạm thời không theo đuổi nội dung phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế tại The Hague (PCA) ra hồi 7/2016 về vụ Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc về tranh chấp trên Biển Đông, nhằm tranh thủ các quan hệ song phương hữu hảo khác với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, phát ngôn viên tổng thống nói rằng chính quyền sẽ vẫn luôn xác quyết chủ quyền lãnh thổ của Philippines.

Ông Duterte trước đó nói ông sẽ xác quyết các nội dung phán quyết của PCA trước khi ông rời nhiệm sở vào năm 2022, PNA nói.

Tàu Mỹ tới đảo do Trung Quốc kiểm soát

Philippines và Hoa Kỳ vừa có cuộc tập trận chung thường niên lần thứ 35, từ ngày 1 đến ngày 12/4.

Trong thời gian này, tin tức nói phía Mỹ đã điều một hàng không mẫu hạm tới khu vực gần rặng san hô chiến lược, nơi đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila.

Được biết các phi cơ đã thao diễn hoạt động bay lên, đáp xuống tàu này.

Phía Mỹ không xác nhận, cũng không bác bỏ tàu chiến hiện diện gần Bãi cạn Scarborough có phải là tàu USS Wasp hay không, nhưng nói đã đưa tàu này tới dự cuộc tập trận chung Balikatan 2019.

Đây cũng là lần tập trận Balikatan đầu tiên có sự tham dự của tàu USS Wasp phối hợp diễn tập cùng chiến đấu cơ tàng hình F-35B Lightning II của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, hải quân Hoa Kỳ nói, “thể hiện việc tăng cam kết sức mạnh quân sự cho một vùng Indo-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.




TQ – Philippines đàm phán song phương lần thứ 4


về vấn đề Biển Đông


Ngày 3/4, Trung Quốc và Philippines đã tổ chức cuộc họp lần thứ 4 Cơ chế tham vấn song phương giữa hai nước (BCM). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Monte Yale Gray dẫn đầu.

Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển. Truyền thông Trung Quốc tuyên truyền cho rằng hai bên đã nhất trí duy trì sự tự kiềm chế và không có hành động làm phức tạp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin. Hai bên cũng khẳng định tầm quan trọng của BCM là nền tảng cho thúc đẩy đối thoại chặt chẽ thường xuyên giữa hai nước; qua đó hai bên sẽ tìm cách tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, xử lý đúng đắn sự khác biệt, ngăn chặn và kiểm soát các sự cố trên biển, liên tục tăng cường đối thoại và hợp tác chung.

Phía Trung Quốc cho rằng hai nước đã trao đổi quan điểm thẳng thắn, thân thiện và xây dựng về các vấn đề quan tâm gần đây đối với tình hình Biển Đông và các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực; thảo luận biện pháp quyết các vấn đề mâu thuẫn còn tồn tại thông qua hợp tác và đàm phán song phương. Hai bên nhắc lại rằng sự khác biệt có liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông không phải là toàn bộ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines và không nên để vấn đề này ảnh hưởng đến “hợp tác cùng có lợi” trong các lĩnh vực khác giữa hai nước. Hai bên đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông. Cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua tham vấn và đàm phán thân thiện giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan trực tiếp theo các nguyên tắc được thừa nhận trong luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển 1982, mà không cần dùng đến vũ lực hoặc Lực lượng vũ trang đe dọa.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng hai bên đã tiến hành trao đổi hiệu quả về tăng cường hợp tác hàng hải thông qua nhóm làm việc kỹ thuật thuộc BCM. Các lĩnh vực liên quan bao gồm sự phát triển của tình hình an ninh chính trị ở Biển Đông, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, an toàn hàng hải, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường. Với tiền đề không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và vị trí tài phán tương ứng của họ, hai bên cũng thảo luận về hợp tác phát triển dầu khí ngoài khơi. Ngoài ra, Trung Quốc và Philippines khẳng định tầm quan trọng của các nền tảng đa phương khác bao gồm Đối thoại Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á… trong việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Hai bên đã tái khẳng định cam kết của mình đối với việc thực thi đầy đủ và hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, tích cực thúc đẩy đảm phán, tiến tới thông qua Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Liên quan vòng tham vấn thứ 4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng (4/4) cho biết, dưới sự quan tâm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Philippines, hai nước đã chính thức thiết lập cơ chế tham vấn song phương (BCM) về vấn đề Biển Đông vào đầu năm 2017. Thông qua nền tảng này, hai bên tìm hiểu các biện pháp để tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, xử lý đúng đắn sự khác biệt, phòng ngừa và kiểm soát tai nạn trên biển, thúc đẩy hợp tác thực dụng trên biển và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển ổn định của quan hệ song phương. Giống như ba cuộc họp trước, tại vòng tham vấn lần này, Trung Quốc và Philippines đã trao đổi quan điểm với nhau về các vấn đề quan tâm đến tình hình Biển Đông và các hoạt động hàng hải một cách thẳng thắn, thân thiện và mang tính xây dựng và đạt được kết quả tốt đẹp. Ông Cảnh Sảng nhấn mạnh: Đầu tiên, trong cuộc họp này, Trung Quốc và Philippines đã tái khẳng định rằng sự khác biệt có liên quan giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông sẽ không ảnh hưởng đến hợp tác cùng có lợi trong các lĩnh vực khác. Các tranh chấp và sự khác biệt sẽ được giải quyết một cách hòa bình bởi các nước thân thiện liên quan trực tiếp thông qua các cuộc tham vấn và đàm phán thân thiện; Thứ hai, Trung Quốc và Philippines đã tiến hành trao đổi hiệu quả về việc tăng cường hợp tác hàng hải trong các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, hai bên cũng thảo luận về hợp tác phát triển dầu khí ngoài khơi mà không ảnh hưởng đến chủ quyền, quyền chủ quyền và các vị trí tài phán tương ứng; Thứ ba, Trung Quốc và Philippines cũng tái khẳng định cam kết đối với việc thực thi toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, duy trì động lực tích cực của các cuộc tham vấn Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Trung Quốc mong muốn hợp tác với Philippines để tiếp tục thực hiện tinh thần đồng thuận quan trọng của lãnh đạo hai nước và

nỗ lực tích cực để bảo vệ lợi ích chung của hợp tác Trung Quốc-Philippines và hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Điểm lại ba lần tham vấn giữa Trung Quốc và Philippines

Cuộc tham vấn lần đầu diễn ra tại Quý Châu (Trung Quốc) vào tháng 5/2015, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân và Đại sứ Philippines tại Trung Quốc Jose Santiago L. Sta. Romana chủ trì. Tại vòng tham vấn này, hai bên đã đánh giá, trao đổi quan điểm liên quan vấn đề Biển Đông, thảo luận khả năng hợp tác hàng hải và việc thiết lập các nhóm công tác kỹ thuật liên quan, nhất trí các vòng tham vấn tiếp theo sẽ diễn ra luân phiên ở Trung Quốc và Philippines, trong khoảng thời gian 6 tháng một lần. Đại sứ Santa Romana cho biết hai bên đã thảo luận về nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến Biển Đông song chưa đạt được thỏa thuận nào đáng kể. Trung Quốc và Philippines nhất trí sẽ tổ chức các phiên tham với tần suất 2 lần/năm nhằm “tạo cơ hội để trao đổi quan điểm” về Biển Đông.

Cuộc tham vấn thứ hai ở Manila vào tháng 2/2018, do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại vòng tham vấn, hai bên đã trao đổi các sáng kiến chung liên quan vấn đề Biển Đông và đạt được thỏa thuận về việc triệu tập các nhóm công tác kỹ thuật trong những lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển và an ninh chính trị. Giới truyền thông cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc và Philippines đã đồng ý thiết lập một ủy ban đặc biệt để tìm ra cách cùng thăm dò dầu khí ở Biển Đông mà không thiên vị tuyên bố chủ quyền của bên nào trong khu vực.

Cuộc tham vấn thứ ba diễn ra vào ngày 18/10/2018, tại Trung Quốc do Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu và Thứ trưởng Ngoại giao Philippines Enrique A. Manalo là đồng chủ tọa. Tại cuộc họp lần này, hai bên đã trao đổi về tình hình hiện nay và các mối lo ngại ở Biển Đông cũng như thảo luận về vấn đề hợp tác biển, trong đó có khai thác chung dầu, khí.

Sau ba vòng đàm phán, Trung Quốc và Philippines vẫn chưa đạt được kết quả khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, các vòng tham vấn mới chỉ mang tính chất trao đổi quan điểm của hai nước về vấn đề Biển Đông và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong một số lĩnh vực như ngư nghiệp, dầu khí, bảo vệ môi trường và tăng cường lòng tin chính trị giữa hai nước. Có lẽ thành quả lớn nhất trong hai vòng đàm phán vừa qua là các công ty của Trung Quốc và Philippines đang trao đổi thỏa thuận thăm dò dầu khí tại lô 57 và lô 72 (nằm trong vùng tranh chấp ở Bãi Cỏ Rong – Reed Bank) của Philippines. Song những thỏa thuận trên cũng đang rơi vào thế bế tắc do tồn tại bất đồng giữa hai bên. Đáng chú ý, có một số ý kiến cho rằng kế hoạch thăm dò dầu khí chung của doanh nghiệp Philippines với công ty nhà nước Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tính pháp lý của phán quyết do Tòa Trọng tài. Từ đó, Trung Quốc sẽ làm giảm sức ảnh hưởng của các tuyên bố kêu gọi tuân thủ, thực thi phán quyết của Tòa và phản đối những hành động đơn phương, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

BCM không giúp hai nước giải quyết mâu thuẫn ở Biển Đông

Xuất phát từ quan hệ giữa hai nước gần đây cho thấy, vòng tham vấn vừa qua chủ yếu vẫn là trao đổi, thảo luận quan điểm song phương liên quan vấn đề Biển Đông, gia tăng lòng tin chính trị giữa hai nước và có chăng, hai nước cũng sẽ tìm cách hợp tác chung trong một số vấn đề ít nhạy cảm như môi trường sinh thái, an ninh hàng hải, tuần tra chống khủng bố.

Trung Quốc tìm cách thúc đẩy tham vấn với Philippines cũng chỉ là biện pháp đánh bóng chủ trương, chính sách của Bắc Kinh liên quan vấn đề Biển Đông. Đối với Trung Quốc, việc thúc đẩy Cơ chế tham vấn song phương là nhằm tuyên truyền và tái khẳng định việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông nên được thực hiện thông qua đàm phán và tham vấn giữa các nước liên quan trực tiếp; thông qua tham vấn để phản bác và chỉ trích Mỹ và một số nước can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh rằng Trung Quốc và ASEAN có thể “tự giải quyết ổn thỏa” các tranh chấp mà không cần sự can thiệp từ bên ngoài; củng cố quan điểm rằng các tranh chấp Biển Đông chỉ liên quan đến Trung Quốc và một số nước ASEAN; từng bước phản bác quán quyết của Tòa trọng tài.




Biển Đông: Đối đầu quân sự


giữa Mỹ – Trung ngày càng lớn?


Nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự giữa hải quân Mỹ – Trung trên Biển Đông ngày càng lớn, trong bối cảnh quân đội Mỹ ngày càng có nhiều quyền hạn đưa ra quyết định.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là nhận định trong bản báo cáo được Đại học Peking, Trung Quốc công bố hôm 9/4.

Theo bản báo cáo trên, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ không còn can thiệp vào hoạt động của quân đội Mỹ trên Biển Đông, dù thực tế, hải quân Mỹ đang gia tăng cả tần suất và cường độ xuất hiện ở vùng biển chiến lược.

“Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông cũng như tạo ra các vùng xám giữa hòa bình và xung đột để xác định giới hạn cuối cùng của Trung Quốc. Song hành động này có thể dẫn tới một cuộc xung đột hay chiến tranh quy mô nhỏ”, báo cáo của Đại học Peking viết.

Kể từ năm 2015, hải quân Mỹ đã cho tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông và tiến lại gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng nhằm thách thức những tuyên bố chủ quyền phi lý của chính quyền Bắc Kinh.

Trong đó, hải quân Mỹ từng 4 lần tiến hành tuần tra ở Biển Đông dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama. Và dưới thời Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, hải quân Mỹ đã 11 lần lại gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Biển Đông.

“Dưới thời Tổng thống Obama, hoạt động tuần tra ở Biển Đông mang tính chiến lược nhiều hơn và được xác định không đẩy tình hình căng thẳng lên cao”, ông Hu Bo, đồng tác giả của bản báo cáo và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược hàng hải ở Đại học Peking nhận định.

Theo ông Hu, chính quyền của Tổng thống Trump đã trao quyền cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương (PACOM) xử lý tình hình ở Biển Đông. Động thái này “chắc chắn sẽ tạo ra thêm rủi ro và nguy hiểm” ở Biển Đông, ông Hu nói.

“Sau khi các khoản ngân sách và kế hoạch quốc phòng được phê duyệt, hầu như phương thức hoạt động không được nhắc tới”, ông Hu chia sẻ.

Nhận định trên của ông Hu được đưa ra sau khi một số quan chức cấp cao của Mỹ như cựu Tư lệnh PACOM Harry Harris, người kế nhiệm của ông Harris là Philip Davidson và Tư lệnh hải quân John Richardson nhiều lần lên tiếng đe dọa có phản ứng cứng rắn hơn để đối phó với hành động của Trung Quốc trên Biển Đông.

“Điều đáng ngại là những quan chức chủ chốt nằm trong bộ máy đưa ra quyết định quân sự lại có cùng chung một nhận định”, ông Hu nhấn mạnh.

Trong khi đó, một mối quan ngại khác cũng xuất hiện là việc quân đội Trung Quốc có thể đưa ra hành động đáp trả Mỹ một cách mạnh mẽ.

Điển hình hồi tháng trước, Thượng tá Zhou Bo, Giám đốc Trung tâm Hợp tác An ninh thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, hải quân Trung Quốc có thể sẽ dần mất kiên nhẫn trước những hành động của Mỹ ở Biển Đông.

“Trong bối cảnh năng lực quân sự gia tăng, chúng ta sẽ có thêm nhiều hành động để đối phó trước sự khiêu khích”, ông Zhou nói.

Một trong những sự kiện chứng minh nguy cơ đối đầu quân sự giữa hải quân Mỹ – Trung ngày càng lớn ở Biển Đông là vào tháng 9/2018.

Cụ thể, vào ngày 30/9/2018, tàu khu trục lớp Luyang của Trung Quốc đã xua đuổi và áp sát nguy hiểm tàu khu trục USS Decatur. Theo đó, tàu chiến Mỹ xuất hiện gần một số đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trong khu vực quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) và tiến hành tuần tra trong vòng 10 tiếng đồng hồ.

Hải quân Mỹ khẳng định, tàu khu trục Trung Quốc có hành động gây mất an toàn khi hoạt động chỉ cách tàu khu trục của Mỹ có 41 m. Hành động của tàu Luyang buộc tàu USS Decatur phải thay đổi hành trình di chuyển để tránh va chạm.

Theo luật hàng hải quốc tế, tàu khu trục USS Decatur của hải quân Mỹ hoàn toàn được phép di chuyển gần những đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông. Tuy nhiên, tàu chiến Lanzhou của Trung Quốc lại có pha áp sát nguy hiểm buộc tàu hải quân Mỹ phải thay đổi lộ trình để tránh va chạm.

Không ít lần Trung Quốc điều động tàu thuyền tới “cảnh báo và ngáng đường’’ tàu chiến Mỹ tuần tra ở Biển Đông. Nhưng sự kiện hồi tháng Chín năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Trung Quốc tiến lại gần và ở khoảng cách mất an toàn với tàu hải quân Mỹ.

Cũng theo ông Hu, Mỹ – Trung cần tiến hành đối thoại mang tính “hiệu quả hơn” bao gồm việc kiểm soát tình hình vũ trang ở Biển Đông để tránh nguy cơ căng thẳng leo thang dẫn tới những va chạm đáng tiếc trong tương lai.

“Điều quan trọng nhất là làm rõ mục đích chiến lược của mỗi bên”, ông Hu kết luận.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.