Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 12/04/2019

Friday, April 12, 2019 3:05:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 12/04/2019

Mỹ và Nhật đàm phán thương mại,

 tìm cách xử lý thặng dư lớn

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi hôm 12/4 nói rằng Nhật Bản và Mỹ sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên về thương mại vào ngày 15 và 16/4 ở Washington.
Cuộc họp này được tiến hành để tìm cách xử lý các quan ngại của Mỹ về mức thặng dư lớn mà Nhật hưởng lợi trong mối quan hệ thương mại song phương, theo Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rõ rằng ông không hài lòng vì mức thặng dư thương mại 69 tỷ đôla của Nhật với Mỹ.
XEM THÊM:
G7 ‘quan ngại’ về Biển Đông, không nêu đích danh Trung Quốc
Tin cho hay, gần hai phần ba con số đó xuất phát từ việc xuất khẩu ôtô và ông Trump muốn một thỏa thuận song phương để xử lý chuyện đó.
Ông Motegi nói rằng ông dự định trao đổi thẳng thắn quan điểm với người đồng nhiệm phía Mỹ là đại diện thương mại Robert Lighthizer và đàm phán dựa trên quyền lợi quốc gia của Nhật.
Theo Reuters, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe dự kiến sẽ gặp Tổng thống Trump ở Mỹ vào cuối tháng Tư để thảo luận về vấn đề Bắc Hàn cũng như về thương mại Nhật – Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-v%C3%A0-nh%E1%BA%ADt-%C4%91%C3%A0m-ph%C3%A1n-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-t%C3%ACm-c%C3%A1ch-x%E1%BB%AD-l%C3%BD-th%E1%BA%B7ng-d%C6%B0-l%E1%BB%9Bn/4872737.html

Mỹ tăng cường các biện pháp

đối phó vũ khí siêu âm của TQ và Nga

Mỹ muốn triển khai vệ tinh chuyên phát hiện vũ khí vượt siêu âm của Nga và Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về kho vũ khí của 2 quốc gia này.
Trung Quốc và Nga đang dẫn đầu về vũ khí siêu âm
Vũ khí siêu vượt âm được phóng bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, thường có tốc độ khoảng 6.175-12.000 km/h và khả năng cơ động cao để xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển loại vũ khí này.
Phát biểu tại phiên họp Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở thành phố Sochi (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin (10/2018) từng nói rằng Nga đã bỏ xa các nước khác về phát triển vũ khí siêu thanh, cho rằng sự phát triển của Nga trong lĩnh vực này là “điều hiển nhiên” và “Nga có kế hoạch thử nghiệm một số loại vũ khí siêu thanh trong 18 đến 24 tháng nữa”. Đáng chú ý, trong bài phát biểu thông điệp liên bang, Tổng thống Nga Vladimir Putin (3/2019) tiết lộ một số vũ khí “bất khả chiến bại”, bao gồm thiết bị phóng siêu thanh Avangard và tên lửa hành trình siêu thanh Kinzhal. Tên lửa Kinzhal đã được triển khai trong quân đội Nga, còn Avangard chuẩn bị đi vào biên chế. Kinzhal có thể bay với tốc độ Mach-10 và
có tầm hoạt động 2.000 km. Một số báo cáo gần đây tiết lộ máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 của Nga sẽ sớm được trang bị một loại tên lửa tương tự như Kinzhal.
Trong khi đó, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga Sergei Karakayev cho biết những tổ hợp vũ khí siêu vượt âm Avangard đầu tiên sẽ được biên chế cho các trung đoàn tên lửa thuộc Sư đoàn tên lửa Dombarovsky, đóng quân tại tỉnh Orenburg, miền Nam nước Nga. Chúng sẽ đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu từ năm 2019. Avangard là tổ hợp tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) trang bị đầu đạn lướt siêu vượt âm được Nga phát triển và thử nghiệm từ năm 2004, có tầm bắn 10.000 km và tốc độ 33.000 km/h, nhằm sở hữu loại vũ khí có tốc độ cao, đủ sức chọc thủng mọi lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh. Tuy nhiên, nó thường được mô tả là “vũ khí chiến lược” chứ không phải “vũ khí hạt nhân”. Nga dự kiến có hai trung đoàn trang bị Avangard với 12 bệ phóng vào năm 2027.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã phát triển và thử nghiệm thành công loại máy bay siêu thanh tối tân bay bằng chính sóng xung kích tự tạo ra, có thể duy trì tốc độ cao đạt tới hơn 7.000 km/giờ. Ngoài ra, Trung Quốc đang thử nghiệm tổ hợp tên lửa siêu âm DF-17 có tầm bắn 1.700-2.400 km và dường như có thể bắn trúng tàu sân bay đang di chuyển, nhưng một số chuyên gia quân sự phương Tây vẫn tỏ ra hoài nghi về năng lực tác chiến của loại tên lửa này.
Mỹ đang lép về Trung Quốc và Nga về vũ khí siêu âm
Văn phòng Trách nhiệm giải trình chính phủ Mỹ (GAO) mới đây công bố một báo cáo thừa nhận Washington hiện không có biện pháp đối phó hay phòng thủ hiệu quả chống lại những vũ khí siêu thanh mới đang được Nga và Trung Quốc phát triển bởi vì chúng có thể xuyên thủng hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa. Báo cáo trên cho biết, Trung Quốc và Nga đang theo đuổi các vũ khí siêu thanh với những tính năng nổi bật về tốc độ, độ cao và khả năng cơ động, có thể đánh bại hầu hết hệ thống phòng thủ tên lửa. Những vũ khí siêu thanh này có thể được sử dụng nhằm cải thiện năng lực tấn công hạt nhân và thông thường tầm xa.
Báo cáo của GAO nhấn mạnh tới những thách thức cho an ninh nước Mỹ xuất phát từ vũ khí chống vệ tinh và máy bay chiến đấu tàng hình của Nga và Trung Quốc. Cụ thể, các vũ khí này của Nga và Trung Quốc có thể “bay nhanh hơn, bay xa hơn và mang theo vũ khí tiên tiến”. Báo cáo lưu ý rằng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại này có thể “buộc máy bay Mỹ hoạt động ở khoảng cách xa và đưa các mục tiêu của Mỹ vào vòng nguy hiểm”.
Quân đội Mỹ cũng thừa nhận đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh có thể phóng từ các máy bay, tàu chiến hay tàu ngầm nhằm giúp lấp khoảng trống đáng kể trong khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Biện pháp đối phó của Mỹ
Chứng kiến năng lực siêu thanh vượt bậc của Nga và Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đã triển khai khoảng 12 chương trình nhằm đối phó vũ khí siêu thanh. Cơ quan các dự án nghiên cứu tiên tiến thuộc Lầu Năm Góc (DARPA) đã giới thiệu dự án vũ khí đánh chặn tên lửa siêu thanh mang tên Glide Breaker. Theo các chuyên gia quân sự Mỹ, thiết bị bay này sẽ hoạt động như một viên đạn, hạ gục tên lửa siêu thanh của đối phương bằng động năng của chính nó.
Bộ Quốc phòng Mỹ vừa công bố đề xuất ngân sách cho năm tài khóa tiếp theo, trong đó yêu cầu khoản tiền 2,6 tỷ USD cho chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm. Khoản tiền này nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ quốc phòng mới của Mỹ. Chương trình vũ khí siêu vượt âm của Mỹ đặt mục tiêu chế tạo thêm các mẫu thử nghiệm cho không quân, phát triển các phiên bản tên lửa siêu vượt âm phóng từ chiến hạm và đất liền. Bên cạnh chương trình vũ khí siêu vượt âm, Bộ Quốc phòng Mỹ muốn đầu tư nhiều cho các chương trình phát triển vũ khí thế hệ mới. Theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan, “với đề xuất cho nghiên cứu và phát triển lớn nhất trong vòng 70 năm qua, ngân sách mang tính chiến lược này bao gồm những khoản đầu tư cần thiết cho công nghệ thế hệ mới, tên lửa, năng lực tác chiến trong vũ trụ và trên không gian mạng”. Bản đề xuất này dành 3,7 tỷ USD cho chương trình phát triển hệ thống tự động và không người lái như robot quân sự hoặc máy bay không người lái (UAV), 1,2 tỷ USD còn lại được chia cho chương trình phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và phát triển năng lượng định hướng như pháo laser trong tổ hợp phòng thủ tên lửa thế hệ mới.
Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch triển khai hệ thống vệ tinh chuyên phát hiện vũ khí siêu âm. Phát biểu trong cuộc điều trần với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách John Rood (4/4) cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đang lên kế hoạch triển khai vệ tinh cảm biến giá rẻ trên quỹ đạo nhằm phát hiện các vụ phóng tên lửa siêu vượt âm và theo dõi chúng. Quan chức này không cung cấp thông tin chi tiết về phương án đánh chặn loại vũ khí này, cho biết quỹ đạo bay của nó rất phức tạp và gây khó khăn cho các hệ thống phòng thủ tên lửa, tiết lộ quân đội Mỹ đang nghiên cứu giải pháp “tác động đến mục tiêu trong hành trình”. Trong phiên điều trần dành cho các yêu cầu ngân sách quân sự, ông Rood đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển “hệ thống phòng thủ chống tên lửa vượt siêu âm”. Nguyên nhân là vì cả Nga và Trung Quốc đều đang phát triển vũ khí tinh vi, bao gồm cả vũ khí vượt siêu âm. Quan chức quốc phòng Mỹ cũng đồng thời lưu ý rằng các tên lửa như vậy có khả năng cơ động trong bầu khí quyển nên chúng cực kỳ nguy hiểm và khó đánh chặn.
Không những vậy, Mỹ và Nhật Bản cũng đã cùng phát triển radar đối phó tên lửa siêu vượt âm. Theo đó, radar mới sẽ hạn chế điểm mù trong lá chắn tên lửa Aegis, tăng khả năng đối phó với mối đe dọa từ tên lửa siêu vượt âm. Dự án hợp tác này dường như cũng giúp củng cố quan hệ liên minh giữa Tokyo và Washington. Hệ thống radar mới sẽ thay thế tổ hợp AN/SPQ-9B trên tàu chiến Mỹ và Nhật Bản, vốn có nhiều điểm mù và không thể theo dõi cùng lúc khoảng không gian 360 độ xung quanh.
Giới quan sát tỏ ý lo ngại quyết định này sẽ khơi mào một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực Đông Á, cũng như giữa các cường quốc trên thế giới. Nhật Bản gần đây có nhiều động thái tăng cường sức mạnh quân sự và rời xa chính sách tập trung phòng thủ, điển hình là hoán cải khu trục hạm trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay và trang bị tên lửa hành trình tầm xa cho phi đội siêu tiêm kích F-35. Tàu chiến trang bị hệ thống Aegis của Mỹ và Nhật Bản thường được trang bị hai cụm radar nhằm đối phó với các mối đe dọa khác nhau. Các đài radar AN/SPY-6 cố định chuyên phát hiện mục tiêu tầm cao như tên lửa đạn đạo, trong khi tổ hợp AN/SPQ-9B đặt trên bệ xoay sẽ theo dõi mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình và tiêm kích.
http://biendong.net/bien-dong/27392-my-tang-cuong-cac-bien-phap-doi-pho-vu-khi-sieu-am-cua-tq-va-nga.html

Tổng thống Hàn Quốc làm sao tháo dỡ bế tắc Mỹ-Triều?

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ngồi lại cùng với người đồng nhiệm Hàn Quốc Moon Jae-in ở Nhà Trắng vào ngày 11/4 để bàn cách làm thế nào để khôi phục tiến trình ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên.
Tuy nhiên, trợ lý của cả hai nhà lãnh đạo nói với CNN rằng họ thấy lo rằng cuộc gặp này sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi do quan điểm khác xa nhau về việc làm cách nào để đưa Bình Nhưỡng quay lại đàm bàn phán.
Trong cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên với Tổng thống Trump kể từ khi cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội sụp đổ hồi tháng 2, ông Moon sẽ cố gắng thuyết phục ông Trump rằng có những ‘dấu hiệu tiến bộ’ và rằng Triều Tiên sẵn sàng quay trở lại bàn đàm phán, hai nguồn tin nắm rõ vấn đề nói với CNN.
Cuộc gặp vốn đã quan trọng lại càng thêm quan trọng sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc dường như là nhằm vào Mỹ khi ông nói rằng Triều Tiên ‘cần giáng một cú vào các thế lực thù địch vốn mắt nhắm mắt mở tính toán sai lầm rằng các biện pháp chế tài sẽ khiến Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên quỳ gối’.
Lời tuyên bố này của ông Kim được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên khóa 7 nhóm họp hôm 10/4 ở Bình Nhưỡng và được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin hôm 11/4.
Trước đó, Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng ông Kim có thể thay đổi đường hướng sau khi ông Trump bước ra khỏi các cuộc đàm phán ở Hà Nội khiến cho ông Kim và đoàn tùy tùng của ông bối rối.
Với vai trò trung gian giữa Mỹ-Triều, Tổng thống Moon được nói là sẽ đưa ra ‘những điểm cụ thể’ với ông Trump vào ngày 11/4 trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc cũng giống như những gì ông đã làm trước hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên hồi tháng Sáu năm 2018.
“Mục tiêu của ông Moon là tái khởi động lại các cuộc đàm phán,” một nguồn tin nói với CNN. “Điều tốt nhất mà ông Moon nhắm đến là nối lại các cuộc đàm phán và có thể là một cuộc gặp thượng đỉnh (Trump-Kim) nữa.
Trong khi ông Trump đã nói rằng ông muốn họp thượng đỉnh lần ba với ông Kim, cả hai phía đều chuẩn bị cho những khó khăn sau khi cuộc gặp Hà Nội không đem lại bất cứ thỏa thuận nào. Ông Moon hy vọng rằng ông có thể khuyến khích ông Trump đồng ý có nhượng bộ nào đó để tạo điều kiện cho các cuộc tiếp xúc nhiều hơn giữa Mỹ và Triều Tiên nhưng động thái này có thể bị thách thức từ nội bộ chính quyền ông Trump.
Sau khi ông Trump bước ra khỏi bàn đàm phán ở Hà Nội mà không đạt được thỏa thuận, người đầu tiên ông gọi điện là ông Moon.
Ông Trump khi đó đã nhờ ông Moon nói với ông Kim rằng mọi thứ cần phải tiến về phía trước và vận động ông Kim quay trở lại bàn đàm phán, theo nhiều nguồn tin nắm rõ nội dung cuộc điện đàm của hai vị nguyên thủ.
Cho dù ông Trump có đề nghị như thế nhưng ông Moon đã không gọi điện cho ông Kim, theo lời của một cố vấn Chính phủ Hàn Quốc.
Và đó không chỉ là vấn đề duy nhất mà Triều Tiên đã bác bỏ đề nghị của Hàn Quốc. Hồi tháng trước, phái đoàn Triều Tiên đã rời văn phòng liên lạc liên Triều đã rời đi mà không báo trước, và những dự án liên Triều giữa hai nước, trong đó có khai quật hài cốt binh lính và tư do hàng hải, đã bị đình chỉ.
“Kể từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai ở Hà Nội, mối quan hệ quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên không được tốt như chúng tôi mong đợi. Và do đó, Hàn Quốc đang tiến hành những nỗ lực của riêng mình bao gồm rà phá bom mình và khai quật hài cốt,” một quan chức cao cấp của chính phủ Hàn Quốc nói với CNN.
‘Thỏa thuận đủ tốt’
Trong cuộc gặp ở Nhà Trắng, Tổng thống Moon có lẽ đang đối mặt với thách thức ngoại giao lớn nhất của ông từ trước đến nay: khởi động lại các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng và bất định dân cao.
Ông Moon Chung-in, giáo sư Đại học Yonsei và là cố vấn của ông Moon, nói rằng Hàn Quốc muốn đưa ra một bản lộ trình có thời hạn với lịch thực thi dần dần. Và có lẽ điều quan trọng nhất là Seoul đang hy vọng có được ‘thu hoạch sớm’ hay ‘thỏa thuận đủ tốt – những điều mà các quan chức Hàn Quốc cho là những gì họ cần vào lúc này để giữ thời cơ không bị trôi đi và thuyết phục Triều Tiên vẫn ở lại bàn đàm phán.
“Một thỏa thuận nhỏ không phải là thỏa thuận tồi,” một quan chức cao cấp của chính phủ Hàn Quốc giải thích. “Nó còn tùy thuộc vào thỏa thuận nhỏ đến mức nào. Nó sẽ là một thỏa thuận tốt nếu nó giúp chúng tôi có được thu hoạch sớm vốn cho phép chúng tôi thấy được hiện tại và quá khứ hạt nhân của Triều Tiên.”
Quan chức nào chỉ ra rằng một thỏa thuận nhỏ có thể bao gồm quay trở lại ý tưởng dỡ bỏ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon hay những bước tiến ở quy mô nhỏ hơn như mở cửa văn phòng liên lạc Mỹ-Triều hay đồng ý một tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.
Tuy nhiên, khó có khả năng chính quyền Trump sẽ cân nhắc việc đồng ý một thỏa thuận nhỏ hơn, ít tham vọng hơn với ông Kim. Ông Trump đã chứng tỏ ở Hà Nội rằng ông muốn có thỏa thuận lớn đi thẳng vào trọng tâm chương trình hạt nhân của Triều Tiên và xa hơn là chỉ dỡ bỏ khu Yongbyon.
Trừng phạt: điểm bế tắc then chốt
Một cách tiếp cận khác của ông Moon sẽ là cổ súy cho việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận của Mỹ đối với Triều Tiên. Đó là điều mà ông Kim đã quyết liệt yêu cầu trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.
Tuy nhiên, chính xác ông Moon định làm như thế nào để đạt được lệnh giảm nhẹ cấm vận với ông Trump vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng ông Moon sẽ tìm cách lôi kéo ông Trump về hướng đó nhưng cảnh báo rằng điều này có thể tiềm ẩn nguy cơ.
Ông Moon đang ở trong thế khó. Một nguồn tin cho biết ông đang bị áp lực từ phía Triều Tiên phải làm nhiều hơn để thuyết phục ông Trump nhượng bộ trong việc dỡ bỏ cấm vận một phần để đổi lấy những bước đi từ từ của Triều Tiên và giữ cho các cuộc đàm phán được tiếp tục.
Tuy nhiên, một quan chức cao cấp của chính phủ Hàn Quốc khi được hỏi liệu ông Moon có hối thúc ông Trump dỡ bỏ cấm vận hay không đã trả lời rằng ‘ông ấy sẽ không làm vậy’ và giải thích rằng các lệnh chế tài cần phải được xem xét kỹ lưỡng nhưng việc dỡ bỏ chúng tùy thuộc vào mức độ Triều Tiên giải trừ hạt nhân mạnh mẽ đến mức nào một khi hai bên đạt được thỏa thuận.
Những dự án liên Triều như du lịch giữa hai miền Triều Tiên hay mở lại Khu Công nghiệp Kaesong đều cần phải được Liên Hiệp Quốc cho miễn khỏi các lệnh trừng phạt.
Không có khả năng chính quyền Trump sẽ cho phép sự miễn trừ này do các quan chức chính quyền Mỹ đã nói rằng các lệnh trừng phạt sẽ không được tháo dỡ cho đến khi Bình Nhưỡng giải trừ hạt nhân hoàn toàn.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 10/4 đã phát biểu trước Quốc hội rằng ‘chúng ta cần phải tiếp tục duy trì áp lực’ trong vấn đề cấm vận Triều Tiên. Ông hứa hẹn rằng ‘kinh tế Triều Tiên sẽ suy giảm trong năm nay’.
Tuy nhiên, ông Trump lại nóng lòng giữ cho thời cơ không bị trôi đi với ông Kim kể từ thất bại ở Hà Nội. Thậm chí ông còn viết trên Twitter rằng không cần các lệnh chế tài mới sau khi Bộ Tài chính loan báo các hành động mới đối với hai thực thể Trung Quốc.
Cả Mỹ và Hàn Quốc đều muốn có cuộc gặp nữa với ông Kim. Phía Hàn Quốc hy vọng rằng ông Moon sẽ gặp lại ông Kim sau cuộc gặp với ông Trump, nhưng không rõ liêu ông có thể nói điều gì mà ông Kim nuốn nghe hay không do khả năng có tranh cãi trong cuộc gặp ở Nhà Trắng.
Seoul cũng cảnh giác về những tác động mà ông John Bolton, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, có thể có nếu ông này tham gia chặt chẽ vào cuộc gặp với ông Moon hay bất cứ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên nào do tác động bất lợi mà Seoul tin rằng ông này gây ra trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.
“Có sự hiểu biết rộng rãi rằng ông John Bolton đã đóng vai trò rất, rất tiêu cực,” ông Moon Chung-in nói về cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội.
Bước đi kế tiếp của ông Kim?
Bước đi kế tiếp của ông Kim đương nhiên sẽ rất quan trọng. Chỉ vài giờ trước khi ông Trump và ông Moon gặp nhau ở Washington, ông Kim dự kiến sẽ có bài phát biểu trước Hội đồng Nhân dân Tối cao – tức Quốc hội nước này. Và vào đầu tuần sau Triều Tiên sẽ kỷ niệm ngày sinh của ông nội ông Kim là ông Kim Nhật Thành, nhà lãnh đạo lập quốc.
Ông Kim Jong-un vẫn đang cân nhắc các lựa chọn bao gồm các biện pháp mang tính khiêu khích, chẳng hạn như phóng vệ tinh trong nỗ lực giành lại đòn bẩy bằng cách gia tăng căng thẳng với Mỹ hay chọn đi con đường khác: nỗ lực nối lại con đường ngoại giao trong khi tiếp tục tìm kiếm dỡ bỏ cấm vận, một nguồn tin cho biết.
Ông Kim cũng có kế hoạch đến Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin. Hàn Quốc nói họ không lo lắng về chuyến thăm này, nhưng nó có thể làm phức tạp hơn tiến trình ngoại giao giữa Mỹ, Triều Tiên và Hàn Quốc.
https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-l%C3%A0m-sao-th%C3%A1o-d%E1%BB%A1-b%E1%BA%BF-t%E1%BA%AFc-m%E1%BB%B9-tri%E1%BB%81u-/4872232.html

TT Mỹ Donald Trump sẵn sàng

gặp lãnh đạo BTT Kim Jong Un lần thứ ba

Thùy Dương
Hôm qua 11/04/2019, tại Nhà Trắng, trong cuộc họp với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, nguyên thủ Mỹ Donald Trump hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Cho dù thượng đỉnh Washington – Bình Nhưỡng hồi cuối tháng 02/2019 tại Hà Nội đã thất bại, nhưng tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng gặp lại lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết chi tiết :
« Thượng đỉnh đầu tiên giữa Donald Trump và Kim Jong Un là thượng đỉnh lịch sử, nhưng hai bên cũng chỉ đạt được một tuyên bố về nguyên tắc. Thượng đỉnh thứ hai diễn ra nhưng thất bại, các cuộc thảo luận về phi hạt nhân hóa lâm vào bế tắc. Tổng thống Hàn Quốc có mặt tại Nhà Trắng hôm thứ Năm (11/04) chính là nhằm tái khởi động các thảo luận nói trên.
Donald Trump rất tích cực. Tổng thống Mỹ nói ông có mối quan hệ rất tốt đẹp với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng gặp lại Kim Jong Un, ông Trump trả lời : « Vâng, điều đó là có thể, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo Kim ».
Tuy nhiên, tổng thống Donald Trump loại trừ việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhắm vào Bắc Triều Tiên, thậm chí lưu ý là có thể siết chặt các biện pháp trừng phạt. Trong bối cảnh các cuộc thảo luận đang lâm vào ngõ cụt, tổng thống Mỹ buộc phải thừa nhận là tiến trình đàm phán có thể sẽ mất nhiều thời gian. Ông nhấn mạnh : Một số thỏa thuận nhỏ có thể sẽ được ký kết, nhiều điều có thể diễn ra. Chúng tôi phải tiến từng bước một. Nhưng điều mà chúng tôi hiện đang
thảo luận, đó là một thỏa thuận lớn : thỏa thuận này sẽ đưa chúng ta thoát khỏi vũ khí hạt nhân.
Cuộc gặp giữa tổng thống Hàn Quốc và đồng nhiệm Mỹ diễn ra trùng với thời điểm hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên phát đi một thông cáo. Theo KCNA, Kim Jong Un quyết tâm đánh một cú thật mạnh vào những người muốn trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng. »
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190412-tt-my-donald-trump-san-sang-gap-lanh-dao-btt-kim-jong-un-lan-thu-ba

Tòa Bạch Ốc từng xem xét thả tự do

người di dân lậu tại các thành phố trú ẩn

Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (11 tháng 4), tờ Washington Post đưa tin rằng, các viên chức Tòa Bạch Ốc từng cố gắng gây áp lực với các cơ quan di trú Hoa Kỳ, nhằm buộc những cơ quan này phải thả người di dân bất hợp pháp đến các thành phố trú ẩn như San Francisco. Hành động này nhằm mục đích đáp trả các đối thủ chính trị của Tổng thống Donald Trump.
Theo Reuters, tờ Washington Post đã xem qua các thư điện tử thảo luận về vấn đề này, cũng như nói chuyện với các viên chức giấu tên tại Bộ Nội an (DHS). Theo đó, Tòa Bạch Ốc đưa ra đề nghị kể trên ít nhất hai lần trong 6 tháng qua. Tại các thành phố trú ẩn, các viên chức địa phương từ chối trao trả những người di dân bất hợp pháp để họ không bị trục xuất.
Phát ngôn viên của DHS trả lời phỏng vấn với Reuters rằng, đề nghị này từng được đưa ra và bị từ chối, do đó, sự việc này không được thảo luận thêm.
Theo Reuters, các viên chức trong chính quyền Tổng thống Trump đề nghị biện pháp này vào tháng 11/2018, khi một đoàn người di dân từ Trung Mỹ đang tiến vào biên giới phía nam Hoa Kỳ. Sau đó, đề nghị này được đưa ra một lần nữa vào tháng 2, trong cuộc đối thoại với đảng Dân Chủ về việc tài trợ cho bức tường biên giới của Tổng thống.
Theo tờ Post, bức thư điện tử ngày 16 tháng 11 đã được gửi cho các cơ quan khác nhau, để yêu cầu liệu các cơ quan này có thể tạm giữ người di dân ở biên giới, sau đó chia họ thành từng nhóm nhỏ để gửi đến thành phố trú ẩn hay không.
Tờ Post dẫn lời các viên chức DHS rằng một trong những viên chức mà Tòa Bạch Ốc đã tiếp cận là chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Tuy nhiên, phát ngôn viên Ashley Etienne đại diện cho bà Pelosi, đã công kích chính quyền vì sự hoài nghi và tàn ác của kế hoạch này khi dùng chính con người – kể cả trẻ em – để phục vụ cho trò chơi chính trị. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/toa-bach-oc-tung-xem-xet-tha-tu-do-nguoi-di-dan-lau-tai-cac-thanh-pho-tru-an/

Hãng Mỹ loại Boeing 737 MAX

khỏi lịch bay tới hết ngày 5/8

Hãng hàng không Southwest Airlines của Mỹ hôm 11/4 thông báo sẽ loại bỏ 34 chiếc máy bay Boeing 737 MAX khỏi lịch bay cho tới hết ngày 5/8, dẫn tới việc hủy khoảng 160 chuyến bay hàng ngày.
Trong một thông cáo, Chủ tịch Southwest Tom Nealon nói rằng quyết định này nhằm “tăng mức độ tin cậy của lịch bay và giảm số lượng thay đổi chuyến bay vào phút chót”, nhất là trong mùa du lịch hè, theo Reuters.
Một hãng hàng không khác của Mỹ là American Airlines trước đó thông báo sẽ tiếp tục hủy 90 chuyến bay một ngày cho tới ngày 5/6 vì việc ngừng bay Boeing 737 MAX sau hai vụ rớt máy bay chết chóc ở Indonesia và Ethiopia trong vòng năm tháng.
XEM THÊM:
Tập đoàn TQ không ngừng hợp đồng mua máy bay Boeing 737 MAX
Theo Reuters, việc tiếp tục hủy chuyến của hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ là dấu hiệu mới nhất cho thấy rằng loại máy bay trên sẽ không sớm được cho phép bay trở lại.
Hơn 300 chiếc Boeing 737 MAX đã bị ngưng hoạt động trên toàn cầu sau khi gần 350 người thiệt mạng trong hai vụ rơi máy bay.
Hãng Boeing đã ngưng giao các đơn hàng đặt mua 737 MAX trong khi cơ quan điều tra làm rõ nguyên nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A3ng-m%E1%BB%B9-lo%E1%BA%A1i-boeing-737-max-kh%E1%BB%8Fi-l%E1%BB%8Bch-bay-t%E1%BB%9Bi-h%E1%BA%BFt-ng%C3%A0y-5-8/4872730.html

Mỹ cáo buộc Assange phạm tội xâm nhập tin tặc

Mỹ chính thức cáo buộc Julian Assange phạm tội xâm nhập tin tặc vài giờ sau khi người sáng lập website Wikileaks chuyên tiết lộ bí mật chính phủ bị cảnh sát Anh đưa đi khỏi đại sứ quán Ecuador ở London vào ngày thứ Năm.
Bộ Tư pháp Mỹ nói ông Assange bị buộc tội âm mưu với người từng là chuyên viên phân tích tình báo quân đội, Chelsea Manning, hòng truy cập máy tính của chính phủ như một phần trong vụ WikiLeaks rò rỉ hàng trăm ngàn báo cáo của quân đội Mỹ về cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq cũng như điện tín ngoại giao Mỹ hồi năm 2010.
Cáo trạng đã được bí mật đưa ra vào năm ngoái và được tiết lộ vào ngày thứ Năm. Ông đối mặt với án tù lên tới năm năm nếu bị kết tội, trong khi các chuyên gia pháp lí nói rằng có thể có thêm cáo buộc được đưa ra nhắm vào ông.
XEM THÊM:
Anh bắt nhà sáng lập WikiLeaks
Tổng thống Donald Trump, người mà vào năm 2016 đã nói “Tôi yêu WikiLeaks” sau khi website này tung ra các email mà nhà chức trách Mỹ nói là đã bị Nga đánh cắp để gây tổn hại cho đối thủ tranh cử của ông là Hillary Clinton, hôm thứ Năm nói ông không có ý kiến gì về các cáo buộc nhắm vào ông Assange.
“Tôi không biết gì về WikiLeaks. Đó không phải là chuyện của tôi,” ông nói.
Ecuador đã đình chỉ tư cách công dân của ông Assange và cáo buộc ông và những người khác tại WikiLeaks toa rập trong những nỗ lực gây bất ổn cho chính phủ của quốc gia vùng núi Andes này, sau nhiều năm Ecuador cho ông trú ẩn.
Ông Assange, 47 tuổi, trông già và yếu ớt khi ông bị cảnh sát Anh giải đi khỏi đại sứ quán Ecuador, nơi ông đã ẩn náu kể từ năm 2012 để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển trong một cuộc điều tra tấn công tình dục mà sau đó đã được bãi bỏ.
Tại đồn cảnh sát ở London, ông tuyên bố ông không có tội khi không trình diện tại một phiên tòa vào năm 2012. Thẩm phán khu vực Michael Snow gọi ông là “kẻ tự luyến” và khép ông vào tội bỏ dự phiên tòa tại ngoại hầu tra. Ông sẽ bị tuyên án trong những ngày tới.
Luật sư của ông Assange nói ông có nguy cơ bị tra tấn và tính mạng của ông sẽ gặp nguy hiểm nếu ông bị dẫn độ sang Mỹ.
https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-muon-dan-do-nguoi-sang-lap-wikileaks/4871340.html

Cựu luật sư của Obama bị khởi tố

trong vụ án bắt nguồn từ cuộc điều tra Mueller

Greg Craig, cựu luật sư cố vấn Nhà Trắng trong chính quyền Obama, bị buộc tội hôm thứ Năm vì nói dối về công tác mà ông đã thực hiện vào năm 2012 cho Ukraine trong một vụ án phát sinh từ cuộc điều tra của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller.
Ông Craig, 74 tuổi, đối mặt với án tù lên tới 10 năm vì tội khai man và vi phạm luật vận động hành lang.
Ông bị buộc tội nói dối Bộ Tư pháp về công tác của ông trong một báo cáo năm 2012 nhằm biện minh cho việc truy tố một kẻ thù chính trị của Viktor Yanukovych, tổng thống Ukraine thân Nga vào thời điểm đó.
Luật sư của ông Craig từ chối bình luận ngay tức thì, Reuters cho biết.
Skadden, Arps, Slate, Meagher & Flom LLP, công ty luật ở New York biên soạn báo cáo này, vào tháng 1 đã đồng ý giao nộp 4,6 triệu đôla mà họ được trả và quay ngược lại đăng kí là đại diện nước ngoài, như một phần của thỏa thuận với Bộ Tư pháp.
Skadden biên soạn bản báo cáo dài 187 trang theo yêu cầu của Paul Manafort, cựu chủ tịch của ban vận động tranh cử tổng thống của Donald Trump. Ông Manafort hiện đang thụ án 7 tháng 2 năm tù vì phạm luật vận động hành lang và các tội tài chính.
Vụ án này bắt nguồn từ cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của ông Mueller về việc liệu ban vận động tranh cử tổng thống của ông Trump có thông đồng với Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016 hay không.
Cuộc điều tra đó đã dẫn đến cáo buộc nhắm vào 34 người, bao gồm các tình báo viên người Nga và các đồng minh cũ của ông Trump, nhưng Bộ trưởng Tư pháp William Barr hồi tháng trước cho biết ông Mueller không tìm thấy đủ bằng chứng để buộc tội Trump hoặc những người khác về âm mưu phạm tội hình sự.
Ông Barr cũng nói ông quyết định rằng không có đủ bằng chứng buộc tội ông Trump cản trở công lí. Ông dự kiến sẽ cung cấp phiên bản được che bớt thông tin của báo cáo cuối cùng của ông Mueller cho Quốc hội vào tuần sau.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-luat-su-cua-obama-bi-khoi-to-trong-vu-an-bat-nguon-tu-cuoc-dieu-tra-mueller/4872246.html

IMF và WB cảnh báo về các khoản vay

của Trung Quốc cho các nước nghèo

Trọng Nghĩa
Nhân khóa họp mùa xuân của hai định chế, tại Washington, ngày hôm qua, 11/04/2019, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) và Ngân Hàng Thế Giới (WB) cảnh báo: Trung Quốc ngày càng cho các nước nghèo vay nhiều hơn. Do vậy, việc cho vay nên được thực hiện một cách minh bạch, và không đẩy con nợ vào tình thế nợ nần chồng chất, không trả nổi.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, tân chủ tịch người Mỹ của Ngân Hàng Thế giới David Malpass nhắc lại rằng các khoản vay góp phần giúp các nền kinh tế phát triển, nhưng ông cảnh báo ngay : « Nếu việc cho vay không được tiến hành trong minh bạch, nếu việc vay nợ không mang lại kết quả thuyết phục (về mặt phát triển của một quốc gia), thì khối nợ có thể là một gánh nặng đáng kể cho nền kinh tế ».
Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới nói thêm: « Lịch sử đầy rẫy những tình huống theo đó nợ nần chồng chất đã nhấn chìm các nền kinh tế ».
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, nhìn chung, hai định chế tài chánh hàng đầu của thế giới đã kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn về quy mô các khoản tín dụng, cũng như về các điều kiện cho vay.
Tài trợ của Trung Quốc chủ yếu được dùng vào việc xây dựng cơ sơ hạ tầng, khai thác tài nguyên như than đá, vào các ngành như viễn thông và giao thông vận tải. Tại các nước nghèo, các chương trình cho vay đó trên lý thuyết là nhằm thúc đẩy xuất khẩu để tăng thu nhập.
Thế nhưng, theo AFP, các khoản cho vay của Trung Quốc càng nhiều, thì những lời chỉ trích càng lớn hơn, đặc biệt trên cách thức Bắc Kinh cho vay. Trung Quốc chẳng hạn đã bị chỉ trích là khuyến dụ các nước châu Phi vay nợ, trong khi mà những nước nhỏ nhất ở lục địa này vừa mới giảm được phần nào gánh năng nợ nần.
Chủ tịch Ngân Hàng Thế Giới cảnh cáo rằng « hiện có đến 17 quốc gia châu Phi ở trong tình trạng bị nợ cao đến mức nguy hiểm, và số nước trong diện này ngày càng tăng với các hợp đồng vay mới không minh bạch ngày càng nhiều. »
Ví dụ rõ rệt về tính chất thiếu minh bạch là trường hợp nước châu Phi Mozambique chẳng hạn, đang vướng vào tai tiếng hơn 2 tỷ đô la nợ Trung Quốc mà dân chúng nước này không hề hay biết.
Về phần mình, Liên Hiệp Châu Âu cũng lo ngại trước việc Trung Quốc đang bơm tín dụng, với lãi suất thấp, vào châu Âu, chẳng hạn vào vùng Balkan. Ví dụ như tại Montenegro, nợ công tăng vọt lên mức 70% GDP, sau khi nước này vay được hơn 800 triệu euro từ một ngân hàng Trung Quốc để xây dựng một xa lộ trên núi.
Trung Quốc hiện đang cho nhiều quốc gia đang phát triển vay tiền, trong nỗ lực hình thành kế hoạch “Vành Đai, Con Đường” của họ, đặc biệt nhắm vào các quốc gia nhiều tài nguyên.
Trong buổi họp báo tại Washington, giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, bà Christine Lagarde, cho rằng mức nợ cao và con số những chủ nợ cho vay không tuân theo các quy luật quốc tế, cũng sẽ làm phức tạp hơn vấn đề trả nợ của một nước.
Bà Lagarde xác nhận : « Cả Ngân Hàng Thế Giới lẫn Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hiện đang hợp tác để tạo thêm sự minh bạch và để xác định được các món nợ hiện có, từ trị giá món nợ, điều kiện vay nợ, cho đến thời hạn trả nợ ».
Một bản báo cáo công bố trong tuần này của IMF đã cảnh báo rằng số nợ ngày càng lớn trên thế giới, kể cả của các chính phủ và các công ty, đang là mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190412-imf-va-wb-canh-bao-ve-cac-khoan-vay-cua-trung-quoc-cho-cac-nuoc-ngheo

Brexit được hoãn thêm 6 tháng, điều gì sẽ xảy ra?

Quá trình Brexit (tức nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) đã được gia hạn thêm một lần nữa đến ngày 31/10 sau cuộc họp thượng đỉnh bất thường của các nhà lãnh đạo EU vào tối ngày 10/4. Sự gia hạn này cho nước Anh thêm thời gian để tìm giải pháp vượt qua cuộc khủng hoảng Brexit. Tuy nhiên, với tình trạng chia rẽ như hiện nay, khoảng thời gian thêm 6 tháng này chưa chắc giúp nước Anh tìm được lối ra. Tờ Guardian của Anh đã đưa ra dự đoán về những gì có thể xảy ra trong vòng 6 tháng tới.
Đối với Đảng Lao động
Về ngắn hạn, Đảng Lao động chuẩn bị tiếp tục đàm phán với Thủ tướng Theresa May để xem liệu có đạt được sự nhượng bộ giữa hai đảng về mối quan hệ tương lai của Anh với EU mà cả hai bên đều ủng hộ hay không. Có hai vấn đề chủ chốt đe dọa triển vọng thành công: quyền hạn gần như không còn nữa của Thủ tướng May và liệu Đảng Lao động có lợi ích gì hay không trong việc cố đạt thỏa thuận với phe Bảo thủ.
Các thành viên cao cấp của Đảng Lao động không còn tin bất cứ điều gì bà May đề xuất sẽ được nội các của bà ủng hộ.
Bên trong nội bộ Đảng Lao động, khoảng thời gian gia hạn sáu tháng càng làm mọi chuyện thêm phức tạp. Các nghị sỹ của Đảng này sẽ không còn cảm thấy khẩn trương phải tránh Brexit không thỏa thuận. Các nghị sỹ Lao động vốn trước đây cân nhắc cuối cùng cũng sẽ bỏ phiếu cho thỏa thuận của bà May giờ đây ít có khả năng làm vậy.
Trong khi đó, những người ủng hộ trưng cầu dân ý lại sẽ có thêm sức mạnh để hối thúc đảng của họ ủng hộ đạo luật cho phép tổ chức trưng cầu dân ý lần nữa trong thời gian được gia hạn.
Ngoài ra, Đảng Lao động có thể lợi dụng sự bất mãn của công chúng đối với Đảng Bảo thủ và bà May trong các cuộc bầu cử địa phương vào tháng tới và sau đó là trong các cuộc bầu cử vào Nghị viện châu Âu nếu như Anh vẫn không kịp ra khỏi EU trước ngày bầu cử.
Đảng Bảo thủ thì sao?
Vấn đề khẩn trương nhất đối với đa số các nghị sỹ Bảo thủ là loại bỏ Thủ tướng May. Ngay cả những thành viên Bảo thủ ôn hòa nhất cũng tin rằng quyền lực và khả năng trì hoãn của bà cạn kiệt.
Tuy nhiên, các thành viên nội các thừa nhận rằng về mặt kỹ thuật họ không thể làm gì để hạ bệ bà May trước tháng 12 khi Đảng Bảo thủ có thể một lần nữa tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm để buộc bà phải ra đi. Đây cũng là một yếu tố khiến cho EU cân nhắc gia hạn Brexit đến ngày 31/10.
Một số nghị sỹ Bảo thủ bất mãn sẽ tiếp tục chống đối thỏa thuận của bà May hay thậm chí sẽ tẩy chay các phiên họp Quốc hội. Cũng không có khả năng các đảng viên Bảo thủ sẽ nghiêm túc vận động cho cuộc bầu cử Nghị viên châu Âu vào tháng tới.
Điều rủi ro vốn sẽ khiến Đảng Bảo thủ chia rẽ trầm trọng nhất là bà May đồng ý với yêu sách của Đảng Lao động là duy trì liên minh thuế quan với EU. Cơn phẫn nộ của phe cứng rắn trong Đảng Bảo thủ sẽ còn lớn hơn khi bà May xin EU cho gia hạn Brexit và sẽ có nhiều thành viên nội các của bà sẽ ra đi. Thậm chí động thái này còn khiến nhiều thành viên Bảo thủ hòa chung với Đảng Lao động bỏ phiếu bất tín nhiệm bà May nếu Đảng Lao động đề xuất mở cuộc bỏ phiếu này.
Cuộc vận động trưng cầu dân ý lại
Các chuyên gia cho rằng tổ chức trưng cầu dân ý trước thời hạn 31/10 sẽ là thách thức lớn nhưng vẫn có khả năng. Những điều kiện cơ bản là một đạo luật mới, Ủy ban Bầu cử xem xét câu hỏi trưng cầu và giai đoạn vận động trong 10 tuần.
Ủy ban Bầu cử yêu cầu phải có luật về trưng cầu dân ý lại 6 tháng trước ngày mở cuộc trưng cầu ‘để đảm bảo các nhà vận động và các đơn vị tổ chức bỏ phiếu có đủ thời gian chuẩn bị.”
Nếu như rào cản thứ nhất là ra luật được giải quyết thì sau đó việc xem xét ra câu hỏi trưng cầu như thế nào sẽ mất đến 12 tuần. Một khi đã có câu hỏi Ủy ban Bầu cử sẽ chỉ định người lãnh đạo cho cả hai bên vận động trước khi bắt đầu giai đoạn vận động kéo dài 10 tuần.
Tuy nhiên, quá trình này có thể được cắt ngắn nếu câu hỏi trưng cầu được thẩm định song song với quá trình ra luật ở Nghị viện. Tuy nhiên, nếu câu hỏi trưng cầu là chọn lựa giữa ‘Ở lại EU’ và ‘Thỏa thuận ra đi của bà May’ thì trước hết cần phải đợi thỏa thuận của bà May được thông qua.
Các doanh nghiệp sẽ ra sao?
Trong vòng ba năm qua, các công ty ở Anh đã chuẩn bị cho tình huống xấu nhất và hy vọng kịch bản tốt nhất cho Brexit. Với sự trì hoãn này, mọi thứ đối với họ vẫn y nguyên.
Nước Anh sẽ không rơi vào giai đoạn suy thoái trong hai năm như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã dự báo, nhưng họ cũng không có được ‘lợi ích từ thỏa thuận’. Trì hoãn được xem là kịch bản đỡ xấu nhất.
Các doanh nghiệp lâm vào thế khó xử là phải chọn giữa việc xả bớt hàng hóa dự trữ vốn đã được tích trữ lên đến mức kỷ lục trong những tháng vừa qua rồi sau đó lại tiếp tục tăng cường tích trữ trước mùa thu hay duy trì lượng tích trữ để đối phó với sự gián đoạn nếu Brexit không có thỏa thuận xảy ra. Make UK, một tổ chức vận động cho khu vực chế tạo, nói rằng một số doanh nghiệp nhỏ đã bị dồn đến chân tường.
Các công ty nói rằng họ sẽ kiềm chế không đầu tư nữa, do sự bất định và khả năng có xáo động chính trị trong trường hợp tổ chức bầu cử sớm dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Châu Âu sẽ thế nào?
Rời khỏi hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU bàn về Brexit hôm 11/4, Tổng thống Pháp , Emmanuel Macron hồ hởi với việc ông là người duy nhất trong các lãnh đạo châu Âu chống đối việc gia hạn Brexit đến một năm (cuối cùng việc gia hạn được rút lại còn 6 tháng). Ông nói rằng thời hạn 6 tháng đó là ‘sự nhượng bộ tốt’. Nhưng trong khi được dư luận trong nước khen ngợi vì thái độ cứng rắn đối với Anh, ông Macron thừa nhận rằng việc gia hạn này không giải quyết được nhiều. “Chúng ta không có gì chắc chắn vào lúc này, và chúng ta đã biết trong quá khứ rằng có rất nhiều khó khăn.”
Thời hạn mới này cho EU một chút không gian để thở sau những ngày tập trung cho Brexit. Trong vòng 29 tuần tới trách nhiệm hoàn toàn nằm trong tay người Anh: hoặc là thông qua được thỏa thuận ra đi trước ngày 31/5 hoặc là phải tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu và do đó ở lại trong liên minh trong thời gian lâu hơn.
Vào tháng Sáu EU sẽ có kiểm điểm xem có tiến bộ gì không trong tiến trình Brexit nhưng điều này chẳng giúp được gì cho ông Macron trong mối quan ngại của ông rằng nước Anh sẽ là thành viên ‘bất hảo’ trong EU trong khoảng thời gian gia hạn mà nước này buộc vẫn phải ở lại trong khối.
Khoảng thời gian gia hạn này sẽ cho EU thêm một vài tháng để tập trung vào những vấn đề về ngân sách, lựa chọn người lên thay các vị trí chủ tịch Ủy ban châu Âu và chủ tịch Hội đồng châu Âu vốn sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào tháng 11.
Nếu như Anh muốn xin tiếp tục gia hạn Brexit sau ngày 31/10 nếu cần thiết thì điều kiện EU đặt ra sẽ cao hơn rất nhiều: chẳng hạn như phải bầu cử lại hay tổ chức trưng cầu dân ý lại thì mới được cho gia hạn.
Tuy nhiên các nhà lãnh đạo EU hy vọng rằng mối đe dọa hiển hiện của cuộc bầu cử Nghị viện châu vào ngày 23/5 mà Anh buộc phải tham gia nếu không thực thi Brexit kịp cuối cùng sẽ buộc những nghị sỹ đòi Brexit cứng rắn phải bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận của bà May.
https://www.voatiengviet.com/a/brexit-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-ho%C3%A3n-th%C3%AAm-6-th%C3%A1ng-%C4%91i%E1%BB%81u-g%C3%AC-s%E1%BA%BD-x%E1%BA%A3y-ra-/4872238.html

Julian Assange bị bắt tại Anh, Mỹ đòi dẫn độ để xét xử

Thụy My
Người sáng lập trang web WikiLeaks, Julian Assange hôm qua 11/04/2019 đã bị bắt tại Luân Đôn, sau khi chính quyền Ecuador hủy bỏ quy chế tị nạn ngoại giao của ông. Hoa Kỳ yêu cầu dẫn độ Assange để xét xử vì đã tấn công tin học, tiết lộ 250.000 bức điện ngoại giao và nửa triệu tài liệu mật về hoạt động của quân đội Mỹ ở Irak và Afghanistan.
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve phân tích :
“Theo tư pháp Mỹ, việc trang WikiLeaks do Julian Assange thành lập phổ biến được hàng trăm ngàn tài liệu mật là nhờ sự đồng lõa của nhân viên phân tích tin tình báo Mỹ, Bradley Manning, sau này đã chuyển giới và đổi tên thành Chelsea, bị kết án 35 năm tù hồi năm 2013.
Julian Assange có thể bị án nhẹ hơn nhiều, vì luật pháp Mỹ rất nghiêm khắc với việc đánh cắp tài liệu mật nhưng nhẹ tay hơn đối với việc phổ biến thông tin, nhân danh tự do ngôn luận. Tư pháp Hoa Kỳ chỉ cáo buộc Assange đã giúp Manning lấy được mật khẩu của bộ Quốc Phòng, nhờ đó nhân viên này có thể đánh cắp được các tài liệu. Với tội danh mưu toan tấn công tin học, hình phạt tối đa cho Julian Assange chỉ là 5 năm tù.
Mãi đến năm 2018, đại bồi thẩm đoàn mới kết án 47 năm tù, nhưng ông Barack Obama từ chối khởi tố nhân vật người Úc này. Về phần tổng thống Donald Trump thì trong năm 2016 đã nhiều lần tuyên bố rất ngưỡng mộ Assange. Đó là sau bước ngoặt của chiến dịch tranh cử tổng thống : WikiLeaks đăng tải hàng ngàn email của đảng Dân Chủ do tin tặc Nga đánh cắp được.
Còn chính giới Mỹ thì nhất loạt đòi hỏi phải mở một phiên tòa tại Hoa Kỳ để xét xử nhân vật bị thượng nghị sĩ Cộng Hòa Lindsay Graham đánh giá là đáng khinh bỉ và nguy hiểm, và một đồng nghiệp Dân Chủ gọi là nhân viên tình báo của Nga.
Julian Assange từ bảy năm qua tị nạn trong tòa đại sứ Ecuador ở Luân Đôn để tránh bị dẫn độ sang Thụy Điển do cáo buộc hiếp dâm. Cảnh sát Anh mặc thường phục hôm qua bắt ông vì tội vi phạm các điều kiện để được tại ngoại. Matxcơva tố cáo Luân Đôn « bóp nghẹt tự do »,nhưng thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố « không có ai được đứng trên luật pháp ». Ê-kíp luật sư của WikiLeaks và những người ủng hộ quyết tâm đấu tranh chống lại việc dẫn độ ông Assange.
Thông tín viên Muriel Delcroix tường thuật từ Luân Đôn :
« Trong số những người đến trước tòa án để bày tỏ sự ủng hộ nồng nhiệt đối với Julian Assange, một trong những luật sư của ông đi cùng với tổng biên tập của WikiLeaks muốn lớn tiếng tố cáo vụ bắt giữ trước báo chí.
Luật sư Jennifer Robinson nói : Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho tất cả các phương tiện truyền thông, có nghĩa là bất kỳ nhà báo nào cũng có thể bị dẫn độ và truy tố ở Hoa Kỳ vì đã công bố những thông tin trung thực về nước Mỹ.
Trong khi yêu cầu dẫn độ của Mỹ đến ngày 2/5 tới mới được tòa án Westminster xem xét, bà luật sư khẳng định ông Julian Assange sẽ kháng án.
Còn Kristinn Hrafnsson, tổng biên tập WikiLeaks với vẻ đầy xúc động, đã gởi đến chính quyền Anh một thông điệp dứt khoát : Đây là một ngày u ám cho báo chí. Người ta nói đến một âm mưu, nhưng lại là một âm mưu làm tổn hại cho nghề báo ! Việc này cần phải chấm dứt, và chúng tôi đề nghị tất cả mọi người ủng hộ Julian Assange trong cuộc đấu tranh chống lại việc dẫn độ ông.
Tuy vậy rõ ràng là Luân Đôn vốn rất bối rối trước trường hợp của Assange đã kéo dài gần 10 năm qua, sẽ nhanh chóng tìm cách đáp ứng yêu cầu dẫn độ của Mỹ ».
Về phía luật sư của người phụ nữ đã tố cáo bị Julian Assange hãm hiếp tại Thụy Điển hồi năm 2010, hôm qua cho biết sẽ yêu cầu mở lại điều tra. Còn bộ trưởng Nội Vụ Ecuador thông báo đã câu lưu một người thân cận của nhà sáng lập WikiLeaks vì đã « hợp tác âm mưu gây bất ổn cho chính phủ ». Theo kênh truyền hình Teleamazonas, đó là một chuyên gia tin học người Thụy Điển chuyên về an ninh mạng và mã hóa.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190412-julian-assange-bi-bat-tai-anh-my-doi-dan-do-de-xet-xu

TT Pháp Macron phản đối đàm phán thương mại Âu-Mỹ

Thùy Dương
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua 11/04/2019 phản đối việc Liên Hiệp Châu Âu đàm phán với Hoa Kỳ về thương mại.
Rất có thể vào ngày 15/04/2019, tại Ủy Ban Châu Âu, Pháp sẽ là nước thành viên duy nhất bỏ phiếu chống lại việc hai bên mở thương lượng. Theo nguyên thủ Pháp, châu Âu không thể ký bất cứ thỏa thuận thương mại nào với một quốc gia không tham gia Hiệp định Paris về khí hậu.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Quentin Dickinson giải thích :
« Kể từ khi siêu dự án về Hiệp định Thương mại-Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu (TTIP) lâm vào bế tắc cách nay 3 năm vì vấp phải sự phản đối của nhiều chính đảng và hiệp hội tại châu Âu, các cuộc thảo luận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Washington mãi vẫn chưa được khởi động lại, cho dù tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra những đe dọa thẳng thừng, chủ yếu do thâm hụt thương mại của Mỹ với 28 nước thành viên Liên Âu lên tới 150 tỉ đô la/năm.
Ở tầm mức hạn hẹp hơn, 28 nước Liên Âu thứ Hai 15/04/2019 sẽ chính thức ủy quyền cho Ủy ban châu Âu thay mặt họ thương lượng với Mỹ về một thỏa thuận liên quan đến các mặt hàng được sản xuất (trừ xe hơi), và một thỏa thuận khác về đồng nhất các chuẩn mực hiện áp dụng cho các sản phẩm ở cả Liên Âu và Mỹ.
Tuy nhiên, có một trở ngại lớn là các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu không muốn thương lượng về nông nghiệp, ngư nghiệp và dịch vụ.
Lo ngại rằng xuất khẩu xe hơi sang Mỹ sẽ gặp khó khăn do thuế suất, nước Đức đòi nhanh chóng mở lại đàm phán. Trong khi đó, Pháp tỏ ra thận trọng hơn. Paris muốn các đối tác công nhận hiệp định TTIP đã lỗi thời và phải tính đến các yếu tố môi trường, cho dù Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris về khí hậu.»
http://vi.rfi.fr/phap/20190412-tt-phap-macron-phan-doi-dam-phan-thuong-mai-au-my

Algéri : Cảnh sát được tăng cường

trong ngày biểu tình tuần thứ 8 liên tiếp

Thùy Dương
Phong trào phản kháng trên đường phố vào thứ Sáu của người dân Algéri bước sang tuần thứ tám liên tiếp. Một lực lượng cảnh sát đông đảo đã được huy động để đối phó với cuộc biểu tình của dân chúng trong ngày hôm nay 12/04/2019. Chính quyền lo ngại nguy cơ xảy ra bạo động.
Cuộc biểu tình hôm nay có thể diễn ra căng thẳng và có đông người tham gia. Ngay từ tối hôm qua 11/04, ở quảng trường Grande Poste, trung tâm thủ đô Alger, cảnh sát chống bạo động được huy động đông ngang bằng số người biểu tình.
Mặc dù tổng thống Bouteflika đã từ chức hôm 02/04/2019, nhưng làn sóng biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dân Algéri cho rằng việc tổng thống ra đi là chưa đủ. Họ muốn thay mới hoàn toàn đội ngũ lãnh đạo đất nước. Hôm nay là ngày thứ Sáu biểu tình quy mô lớn đầu tiên kể từ khi ông Abdelkader Bensalah, chủ tịch Thượng Viện, trở thành quyền tổng thống Algéri. Nhưng trong tuần qua, hầu như ngày nào cũng có các cuộc biểu tình rải rác nhiều nơi.
Theo AFP, trên các mạng xã hội chia sẻ nhiều lời kêu gọi biểu tình với khẩu hiệu : « Tất cả họ đều phải ra đi ». Trên thực tế, cho dù tướng Ahmed Gaïd Salah, tham mưu trưởng quân đội Algéri ra sức trấn an dân chúng, nhưng họ kiên quyết muốn có sự thay đổi triệt để trong bộ máy lãnh đạo.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190412-algeri-canh-sat-duoc-tang-cuong-trong-ngay-bieu-tinh-tuan-thu-8-lien-tiep

Tổng thống Sudan bị quân đội lật đổ và bắt giữ

Tổng thống Omar al-Bashir, người cai trị Sudan bằng ‘quả đấm thép’ trong 30 năm qua, đã bị các lực lượng vũ trang lật đổ hôm 11/4. Quân đội ban bố quân luật hai năm trước khi tiến hành bầu cử.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước, Bộ trưởng Quốc phòng Awad Mohamed Ahmed Ibn Auf nói rằng ông Bashir, 75 tuổi, đang bị giam giữ tại một “nơi an toàn” và một hội đồng quân sự đang lãnh đạo đất nước.
Ngồi trên một chiếc ghế có tay dựa và nệm vàng, Bộ trưởng Auf tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, một cuộc ngừng bắn trên toàn quốc và tạm đình chỉ hiến pháp. Ông cũng cho biết rằng không phận của Sudan sẽ bị đóng trong vòng 24 giờ và các cửa khẩu cũng bị đóng cho tới khi có thông báo mới.
Các nguồn tin ở Sudan cho Reuters biết rằng ông Bashir ở trong khu dinh thực của tổng thống và được “canh gác cẩn mật.” Con trai của ông Sadiq al-Mahdi, thủ lĩnh đảng Umma Party đối lập chính ở Sudan, nói với kênh truyền hình al-Hadath rằng ông Bashir bị giam giữ cùng với “một số nhà lãnh đạo của nhóm khủng bố Huynh đệ Hồi giáo.”
Ông Bashir đã bị Tòa hình sự quốc tế ở La Haye truy tố và đang đối mặt với lệnh bắt giam với các cáo buộc tội diệt chủng ở khu vực Darfur của Sudan trong thời gian diễn ra cuộc nổi dậy bắt đầu từ năm 2003, đã làm khoảng 300.000 người thiệt mạng.
Chế độ của ông Bashir bị lật đổ diễn ra tiếp theo sau vụ lật đổ Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika hồi đầu tháng này. Ông Bouteflika cũng nắm quyền 3 thập kỷ trước khi phải từ chức hôm 2/4 trước làn sóng phản đối dâng cao của dân chúng trong nhiều tuần biểu tình rầm rộ.
https://www.voatiengviet.com/a/tong-thong-sudan-bi-quan-doi-lat-do-va-bat-giu/4871888.html

Kim Jong Un củng cố quyền lực tại Bắc Triều Tiên

Thụy My
Hãng tin nhà nước Bắc Triều Tiên KCNA hôm nay 12/04/2019 cho biết chế độ Bình Nhưỡng đã cử ra một tân chủ tịch nước và một tân thủ tướng, đồng thời tặng thêm cho lãnh tụ Kim Jong Un một danh hiệu mới.
Ông Kim Jong Un lại tiếp tục là chủ tịch Hội đồng Nhà nước, và trở thành « đại diện tối cao của toàn thể nhân dân Triều Tiên » - một danh hiệu đã được trao vào tháng Hai nhưng cho đến nay vẫn chưa được sử dụng trong các văn bản chính thức.
Ông Choe Ryong Hae, sinh năm 1950, một trong những cánh tay mặt của Kim Jong Un, lên thay ông Kim Yong Nam làm chủ tịch nước, một chức vụ chỉ mang tính hình thức.
Kim Yong Nam năm nay 91 tuổi, đã giữ chức này từ khi mới được đặt ra năm 1988 cho đến nay, là một nhân vật Bắc Triều Tiên quen thuộc đã từng tham gia nhiều sự kiện quốc tế. Người thay thế ông, Choe Ryong Hae từng bị cải tạo chính trị trong quá khứ, nhưng đã tạo được lòng tin nơi Kim Jong Un, hồi tháng 10/2017 được bổ nhiệm làm chủ tịch Quân ủy Trung ương. Ông Choe là một trong ba quan chức Bắc Triều Tiên nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì vi phạm nhân quyền.
Thủ tướng Pak Pong Ju được thay bằng Kim Jae Ryong, quan chức cao cấp của đảng Lao Động, một trong những nhân vật chủ trương cải cách kinh tế triệt để nhằm giúp Bắc Triều Tiên chống chọi với những trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Song song đó, Kim Yong Chol, người thân tín của Kim Jong Un và ngoại trưởng Ri Yong Ho – là các quan chức từng tham gia cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội – được vào Hội đồng Nhà nước, cơ quan quyền lực của Bắc Triều Tiên.
Các chuyên gia nhận xét, như vậy tám năm sau khi cha là Kim Jong Il qua đời, Kim Jong Un đã hoàn tất quá trình thâu tóm mọi quyền lực. Theo ông Michael Madden thuộc Stimson Center có trụ sở tại Washington, việc cải tổ bộ máy chính quyền Bắc Triều Tiên lần này là quan trọng nhất kể từ nhiều năm qua.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190412-kim-jong-un-cung-co-quyen-luc-tai-bac-trieu-tien-ok

Do đâu chương trình tàu ngầm nội địa

của Đài Loan gặp nhiều ách tắc?

Vừa qua, người đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan Nghiêm Đức Pháp (Yen Teh Fa) thông báo: một số nhà thầu nước ngoài sẽ tiếp tục tham gia vào dự án để chuyển giao công nghệ và cung cấp một số thiết bị cần thiết. Trước đó, một số nhà thầu nước ngoài đồng ý làm việc với Đài Loan trong giai đoạn thiết kế đã rút lui do áp lực từ Trung Quốc.
Theo Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, đã hoàn thành hợp đồng thiết kế tàu ngầm nội địa đầu tiên của vùng lãnh thổ này. Mẫu tàu ngầm sẽ được thực hiện vào đầu những năm 2020. Các nguồn tin quân sự cho biết, chính quyền Đài Loan không có đủ khả năng để phát triển các công nghệ cốt lõi cần thiết cho động cơ diesel của tàu ngầm và hệ thống ngư lôi cùng tên lửa. Do vậy quân đội sẽ phải trả một khoản tiền khổng lồ để tìm kiếm giải pháp từ nước ngoài , vì số lượng nhà thầu hạn chế. Có tình trạng này là do Bắc Kinh tìm mọi cách ngăn chặn.
Cuối những năm 1980, một quốc gia khác là Hà Lan cũng đã từng hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác do áp lực từ Trung Quốc.
Giai đoạn đầu của dự án là hoàn thành hợp đồng thiết kế. Giai đoạn tiếp theo là chế tạo mẫu tàu ngầm, cho chạy thử nghiệm trên biển. Tính ra, trong những năm qua, Đài Loan đã chi 1,59 tỉ USD cho chương trình tàu ngầm nội địa. Chủ trương lớn này nhằm mục đích hiện đại hóa đội tàu ngầm cũ kĩ, không còn khả năng chiến đấu. Đài Loan hiện có 2 tàu ngầm diesel-điện được mua từ Hà Lan vào những năm 1980. Ngoài ra còn có 2 tàu ngầm khác do Mỹ đóng từ Chiến tranh thế giới lần thứ 2, chủ yếu phục vụ mục đích huấn luyện.
Đến nay Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về nghiên cứu chế tạo tàu ngầm hạt nhân. Nước này hầu như sở hữu công nghệ đồng bộ để sản xuất và chế tạo tàu ngầm động cơ diesel-điện. Chẳng hạn, hệ thống điện tử, hệ thống định vị thủy âm, hệ thống kiểm soát vũ khí của phần lớn tàu ngầm hạt nhân cũng có thể sử dụng cho tàu ngầm diesel-điện.
Tuy nhiên, Mỹ không đồng ý chuyển nhượng những công nghệ nhạy cảm, tiên tiến này cho Đài Loan. Có thể Mỹ sẽ lựa chọn chuyển nhượng hệ thống phiên bản đơn giản có tính năng kém hơn. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến tính năng của tàu ngầm Đài Loan. Về hệ thống riêng có của tàu ngầm thông thường thì phức tạp hơn nhiều. Chẳng hạn, trên tàu ngầm thông thường thế hệ mới của Trung Quốc có lắp hệ thống AIP (hệ thống tuần hoàn không khí độc lập), trên tàu ngầm mới của Nhật Bản cũng đã trang bị hệ thống tương tự. Trong khi đó, Mỹ không có kinh nghiệm sản xuất hệ thống này.
Trong nghiên cứu phát triển tàu ngầm, có thể theo cách tàu ngầm mới của Nga sử dụng ắc-quy mạnh hơn để thay thế, tàu ngầm hạt nhân Mỹ cũng có ắc-quy tự nghiên cứu phát triển, nhưng những ắc-quy này nhỏ và thô hơn ắc-quy tàu ngầm thông thường, bởi vì nó chỉ có thể dùng đến trong một số trường hợp khẩn cấp.
Cách đây một năm tháng 5/2018, Đài Loan và Công ty đóng tàu RH Marine ở Rotterdam – Hà Lan đã thỏa thuận hiện đại hóa hai tàu ngầm hiện tại. Từ năm 2020 đến năm 2022, Công ty này sẽ nâng cấp hàng loạt hệ thống điện và tự động hóa của xứ Đài.
Truyền thông Đài Loan hôm 9/4 đưa tin một công ty thương mại của hòn đảo này thường xuyên giao dịch với Triều Tiên tiết lộ, họ từng được Bình Nhưỡng tiếp cận để quảng bá vũ khí hồi năm 2016. Việc quảng bá diễn ra trong bối cảnh Đài Loan có kế hoạch chi gần 2 tỉ USD mua công nghệ tàu ngầm.
Một chuyên gia tàu ngầm của Đài Loan đã đến TP Đan Đông, Trung Quốc, gặp các chuyên gia Triều Tiên. Nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận nào do phía Đài Loan lo ngại các lệnh trừng phạt từ Mỹ.
http://biendong.net/dam-luan/27420-do-dau-chuong-trinh-tau-ngam-noi-dia-cua-dai-loan-gap-nhieu-ach-tac.html

Trung Quốc giảm giá thành,

Malaysia tiếp tục làm dự án đường sắt

Malaysia hôm 12/4 tuyên bố sẽ tiếp tục dự án đường sắt của Trung Quốc, sau khi công ty Trung Quốc đồng ý giảm một phần ba chi phí.
Malaysia có hủy dự án đường sắt Trung Quốc không?
Malaysia hủy dự án đường sắt Trung Quốc ‘vì tốn kém’
Công ty Trung Quốc ‘dính líu bê bối ở Malaysia’
Hai giai đoạn đầu của dự án ECRL nay sẽ tốn 44 tỉ ringgit (10,7 tỉ đôla) thay vì 65 tỉ, theo văn phòng thủ tướng Mahathir Mohamad.
Thỏa thuận đã chấm dứt nhiều tháng đồn đoán về tương lại của ECRL sau khi Malaysia có chính phủ mới.
Dự án do công ty Trung Quốc CCCC xây, và 85% vốn là của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China EximBank).
Cựu thủ tướng Najib Rajak dành dự án này cho CCCC năm 2016, và khi đó nó được xem là một trong những điểm nhấn của đại dự án Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Sau khi ông Mahathir Mohamad trở lại nắm quyền tháng 5/2018, Malaysia đã “dọa” hủy dự án vì chi phí, nhưng nay sẽ tiếp tục.
Thông cáo của Malaysia nói: “Việc giảm giá sẽ có ích cho Malaysia, giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho đất nước.”
Trước khi thắng cử tháng Năm 2018, ông Mahathir Mohamad, 93 tuổi, đã nói dự án ECRL là một trong nhiều dự án liên quan Trung Quốc mà ông muốn hủy vì quá đắt.
Năm ngoái, Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ – Trung (USCC) ra báo cáo cho rằng dự án ECRL tốn kém thứ hai trong Vành đai Con đường, chỉ sau dự án đường sắt Moscow-Kazan 21,4 tỉ đôla xây tại Nga.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47894670

TQ hậu thuẫn du lịch trái phép ở Biển Đông

để củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp trong khu vực

Những năm gần đây, Trung Quốc thông qua việc hậu thuẫn cho các doanh nghiệp tổ chức các tour du lịch trái phép tới quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam để tìm cách củng cố yêu sách chủ quyền phi pháp đối với vùng biển này.
Từ tháng 4/2013, Cục Hải dương nhà nước Trung Quốc đã công bố Chương trình phát triển hàng hải quốc gia theo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12, trong đó đề cập đến việc phát triển du lịch ở Biển Đông. Đây là văn bản chính thức đầu tiên của Trung Quốc thể hiện chủ trương phát triển “du lịch yêu nước” ở Biển Đông của chính phủ Trung Quốc. Đến tháng 12/2016, Trung Quốc tiếp tục cho công bố “Chương trình phát triển du lịch” theo “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, nhằm định hướng phát triển du lịch trong giai đoạn 2016 – 2020, trong đó ý đồ nguy hiểm của Trung Quốc là muốn phát triển du lịch tại Tam Sa, từng bước thúc đẩy mô hình du lịch biển hướng ra Biển Đông. Trên cơ sở đó, đến năm 2016, chính quyền tỉnh Hải Nam đã công bố “Quy hoạch phát triển du lịch tổng thể nhằm kết nối Hải Nam với Hoàng Sa. Với ngân sách từ tỉnh Hải Nam, chính quyền của “thành phố Tam Sa” đã xây dựng “Kế hoạch hành động thúc đẩy du lịch Tam Sa”, trong đó đề xuất mở cửa sân bay quân sự trên đảo Phú Lâm cho các chuyến bay dân sự, phục vụ du lịch biển. Tháng 3/2017, chính quyền tỉnh Hải Nam tiếp tục công bố “Kế hoạch phát triển du lịch toàn vùng của tỉnh Hải Nam giai đoạn 2016 – 2020”, với ý đồ phát triển du lịch tàu thuyền để khai thác du lịch tại Tam Sa, qua đó thúc đẩy mô hình du lịch biển mới, ưu tiên các tour ra Hoàng Sa và hướng tới Trường Sa đến năm 2020.
Thực hiện chủ trương của chính quyền Trung Quốc, vào tháng 4/2013, Công ty Vận tải eo biển Nam Hải đã tổ chức chuyến du lịch đầu tiên đưa du khách từ đảo Hải Nam đến một số địa điểm ở Hoàng Sa. Theo thống kê của phía Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay các doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa khoảng 24.000 du khách đến Hoàng Sa. Số lượng khách “du lịch yêu nước” tăng nhanh cùng với quá trình phát triển cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa, nhất là sau khi Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển ra phán quyết về vụ kiện của Philippines (7/2016). Năm 2016, số khách Trung Quốc du lịch đến Hoàng Sa tăng gần 50%. Giới chức “thành phố Tam Sa” cho biết kể từ đầu năm 2017 đến nay đã có 59 đoàn du khách Trung Quốc ra tham quan quần đảo Hoàng Sa, tăng 20% cả về số đoàn và số du khách so với năm 2016. Tính từ năm 2013 khi tour du lịch biển đầu tiên được tổ chức đi Hoàng Sa, số du khách đến tham quan địa danh này đến nay tổng cộng hơn 39.000 người. Tháng 3/2017, tàu “công chúa Lạc Hồng” của Trung Quốc đã ngang ngược tiến hành chuyến đi đầu tiên tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Hãng Tân hoa xã của Trung Quốc dẫn lời một quan chức thuộc Công ty TNHH vận tải biển Eo biển Hải Nam cho biết, tàu “công chúa Lạc Hồng” thuộc quyền sở hữu của công ty này. Chiều 2/3, chiếc du thuyền đã khởi hành từ thành phố Tam Á với 308 du khách. Cũng theo quan chức trên, tàu “công chúa Lạc Hồng” được thiết kế với 82 buồng khách, có thể chở 499 người , tầm hoạt động lên đến 3.000 hải lý. Tàu này có thể cung cấp một số dịch vụ như ăn tối, giải trí, mua sắm, điều trị y tế và bưu chính trên tàu.
Theo các chuyên gia quốc tế, việc tổ chức hoạt động “du lịch yêu nước” nằm trong chính sách tổng thể của Trung Quốc nhằm thực thi “chủ quyền” ở Biển Đông. Trung Quốc muốn tăng cường khẳng định chủ quyền và quyền kiểm soát trên thực tế ở Biển Đông, không chỉ bao gồm phương diện hạ tầng, quân sự mà còn trên lĩnh vực dân sự và sự hiện diện của người dân. Phản bác các chỉ trích của các nước bên ngoài và cộng đồng quốc tế, nhất là Mỹ về hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay và hậu thuẫn cho các tuyên bố tuyên truyền của Trung Quốc rằng tình hình Biển Đông đang phát triển hòa bình, hợp tác. Về lâu dài, nếu các chủ thể quốc tế sử dụng các kết cấu hạ tầng dân sự và dịch vụ của Trung Quốc ở Biển Đông thì Trung Quốc có thể coi đó là cơ sở để khẳng định sự hiện diện hợp
pháp, cũng như chủ quyền của họ tại khu vực này. Trung Quốc muốn tăng cường sự ủng hộ của người dân và tích cực tuyên truyền về chính sách của Nhà nước trong vấn đề biển đảo.
Hiện nay, một số doanh nghiệp của Trung Quốc rất quan tâm tới hoạt động “du lịch yêu nước” ở Biển Đông, muốn mở rộng các tuyến du lịch tới Hoàng Sa và từ Hoàng Sa đến các nước láng giềng theo hành trình “con đường tơ lụa trên biển” hiện đang được chính quyền Trung Quốc khuyến khích. Đài quốc tế Trung Quốc (3/7/2018) đưa tin đại diện của nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng và công ty cho thuê tàu biển của Trung Quốc đã đến Manila, Subic và Palawan của Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch, nhằm tận dụng các cảng biển, điều kiện thiên nhiên của Philippines để phát triển du lịch tàu biển. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang hối thúc chính quyền Philippines áp dụng chính sách thị thực tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành của Trung Quốc đầu tư, phát triển.
Ngày 19/4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác.
Vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam cũng kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng tăng cường số lượng tàu thuyền, thậm chí tính toán mở các chuyến bay dân sự đến Hoàng Sa phục vụ mục đích du lịch. Năm 2016, Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm máy bay chở khách hạ cánh tại các sân bay mới xây dựng ở Trường Sa, dự kiến sẽ mở tour du lịch đầu tiên tới các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng ở Trường Sa trước năm 2020.
Song song với việc người dân Trung Quốc đi du lịch ngày càng tăng, đòi hỏi cần có một đội ngũ hướng dẫn viên đông đảo đi cùng. Trung Quốc đã ngầm ủng hộ hoặc gián tiếp cho phép hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc học tập, tiếp cận và tuyên truyền sai sự thật về lịch sử, chủ quyền của các nước. Tại Việt Nam, có một bộ phận hướng dẫn viên người Trung Quốc đến Việt Nam phân phát tài liệu tuyên truyền xuyên tạc lịch sử Việt Nam cho du khách Trung Quốc. Mục đích của Trung Quốc không ngoài việc xuyên tạc vấn đề chủ quyền, định hướng dư luận người dân và tìm cách “nâng cao tin thần dân tộc” của người dân. Ông Oh Ei Sun, giảng viên khoa nghiên cứu quốc tế của Đại học Nanyang ở Singapore nói: “Bởi vì người dân ở những nước này được giáo dục về những truyền thống dân tộc khác nhau, và do đó tất nhiên họ cho rằng lãnh thổ, lãnh hải có chủ quyền tranh chấp hiển nhiên thuộc về đất nước của họ, và tất cả những người khác đều là những kẻ xâm chiếm và cần phải đánh đuổi chúng đi”.
Truyền thông tham gia cổ súy hoạt động du lịch để tuyên truyền vấn đề chủ quyền. Thời báo Hoàn Cầu cho rằng việc hợp tác phát triển du lịch như một biện pháp giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Để cổ súy cho du lịch trái phép trên Biển Đông, thời báo Hoàn Cầu viết rằng việc phát triển du lịch biển còn giúp tránh được việc tàn phá sinh thái biển do hoạt động đánh bắt cá trái phép gây nên, giúp bảo vệ các rạn san hô và các nguồn tài nguyên khác khỏi sự tàn phá của con người. Sau khi dẫn giải dài dòng về những gì đã diễn ra và những “lợi ích” của hợp tác du lịch trên Biển Đông , cuối cùng báo Hoàn Cầu cũng lộ rõ chủ ý của bài báo là nhằm bao che cho việc mở rộng phát triển tuyến du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Theo báo Hoàn Cầu, việc mở cửa du lịch trên quần đảo Hoàng Sa và phát triển tài nguyên du lịch trên cái gọi là thành phố Tam Sa được đánh giá cao trong việc xây dựng đảo du lịch quốc tế. Báo Hoàn Cầu ngang nhiên viết rằng: phát triển du lịch trên quần đảo Hoàng Sa cũng là dịp để Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng tích cực tán phát các thông tin liên quan và phát biểu của giới lãnh đạo liên quan vấn đề du lịch phi pháp ở Biển Đông. Nhân dân Nhật báo đưa tin rằng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 18, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Nam là ông La Bảo Minh cho biết tàu sẽ sớm đưa khách du lịch từ tỉnh này tới TP Tam Sa (thuộc Hoàng Sa của Việt Nam). Theo Tân Hoa xã, tàu có thể chở được 300 khách, với mức chi phí 10.000 NDT (hơn 32 triệu đồng) cho mỗi du khách. Ngoài việc
trước đây tỉnh Hải Nam công bố sẽ sử dụng loại tàu biển chở khách mang tên Coconut Princess vào phục vụ tuyến du lịch Hoàng Sa, theo tờ Thương báo Thâm Quyến, Trung Quốc còn dự kiến sẽ sử dụng kết hợp với các loại tàu biển cao cấp, sang trọng hơn và máy bay trực thăng vào phục vụ tuyến du lịch này. Tuyến du lịch đường biển đến Hoàng Sa đã được tỉnh Hải Nam xác định, tức điểm xuất phát sẽ từ Hải Khẩu, Tam Á đến Bắc Tiêu (chính là Đá Bắc của Việt Nam) và các đảo phụ cận thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo giới thiệu, du khách có thể lên đảo tham quan trong khoảng thời gian ngắn. Ngoài ra, du khách có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ thuê tàu nhỏ ra thăm đảo Vĩnh Hưng (thực chất là đảo Phú Lâm của Việt Nam), tham quan các địa điểm du lịch thuộc các đảo xung quanh hoặc tham gia các hoạt động câu cá, lặn…
Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
http://biendong.net/bien-dong/27401-tq-hau-thuan-du-lich-trai-phep-o-bien-dong-de-cung-co-yeu-sach-chu-quyen-phi-phap-trong-khu-vuc.html

TQ phát triển tên lửa đạn đạo như thế nào?

Từ năm 1985 đến nay, Trung Quốc đã có bước chuyển mình vượt bậc về tên lửa đạn đạo nhằm đối phó với các mối đe dọa tiềm tàng từ Mỹ và đồng minh. Hiện Bắc Kinh là một trong những nước sở hữu nhiều loại hình tên lửa đạn đạo hiện đại bậc nhất trên thế giới.
Ban đầu, Trung Quốc phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15 (Đông Phong) với tầm bắn lên tới 1.000 km, chủ yếu dùng để đe dọa các mục tiêu cố định của Mỹ trên vùng nước Tây Thái Bình Dương. Từ năm 1985, các chuyên gia Học viện Công nghệ Trung Quốc tham gia chế tạo động cơ tên lửa cho DF-15 và hoàn thiện một nguyên mẫu tiêu chuẩn giữa năm 1987. Một năm sau, tên lửa DF-15 được trưng bày tại một trong những triển lãm kỹ thuật quân sự. Tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm gần DF-15 được đưa vào biên chế cho Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) đầu năm 1989. Tên lửa đạn đạo DF-15 có khả năng mang đầu đạn nặng đến 500kg, khối lượng phóng của tên lửa là 6.200kg. Tên lửa có thể mang theo các đầu đạn khác nhau như nổ phá mảnh, nhiệt áp, bom chùm và đầu đạn hạt nhân. Lực lượng pháo binh số 2 của PLA có hai lữ đoàn tên lửa trang bị tổ hợp tên lửa đạn đạo DF-15. Theo dự đoán của Mỹ, quân đội Trung Quốc hiện có khoảng 144 xe phóng DF-15, từ 300 đến 360 tên lửa.
Sau DF-15, Trung Quốc tập trung phá triển tên lửa đạn đạo DF-21 chống hạm, mục đích chủ yếu nhằm vào các tàu khu trục, tuần dương lớn và tàu sân bay Mỹ. DF-21 có tầm bắn đến 1.800km. Đây là phiên bản phóng từ mặt đất của tên lửa đạn đạo JL-1 (Ngưu Lang), được trang bị cho các tàu ngầm hạt nhân dự án 092 lớp Hạ (Type 092 Xia-Class). Theo chương trình phát triển DF-21, các chuyên gia Trung Quốc hoàn thiện các tính năng kỹ chiến thuật, chủ yếu là phạm vi chiến đấu và độ chính xác. Đến giữa thế kỷ 20, PLA phát triển ba loại tên lửa với những đặc điểm kỹ chiến thuật khác nhau là DF-21A, DF-21C và DF-21D. Trong đó, DF-21A, DF-21C được sử dụng vào mục đích tấn công các mục tiêu cố định của đối phương trên tầm xa từ 2.500km – 2.700km. DF-21D được coi là tên lửa chống hạm đầu tiên, có khả năng tấn công các mục tiêu mặt nước với khoảng cách đến 1.450km.
Tên lửa đạn đạo DF-26 là mẫu tên lửa đạn đạo tầm trung, được biên chế cho quân đội Trung Quốc vào tháng 4/2018. DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung mới nhất của Trung Quốc, nó là bước phát triển từ DF-21 với tầm bắn lớn và độ chính xác được gia tăng. Trung Quốc tuyên bố rằng DF-26 là tên lửa đạn đạo tầm trung xuất sắc nhất thế giới do cả Nga lẫn Mỹ không có sản phẩm tương tự vì chịu ảnh hưởng của Hiệp ước INF. DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân, có chiều dài 14 m; đường kính thân 1,4 m; trọng lượng phóng 20 tấn; tầm bắn chưa thấy công bố rõ ràng, ước tính vào khoảng 3.000 – 4.000 km, thậm chí có nguồn tin còn khẳng định rằng con số này ít nhất phải đạt tới 5.000 km; tải trọng đầu đạn mà tên lửa DF-26 có thể mang theo nằm trong khoảng 1,2 – 1,8 tấn, nó lắp được đầu đạn hạt nhân. Nhờ sử dụng hệ thống định vị toàn cầu Bắc Đẩu mà sai số của DF-26 chỉ nằm dưới 10 m. Tuy nhiên, một trong những tính năng nổi bật của tên lửa
này là có khả năng đánh trúng các mục tiêu di động. Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành. DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung. Theo c

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.