Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 16/03/2019

Saturday, March 16, 2019 3:40:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 16/03/2019

Ai cứu tàu ngư dân Việt bị Trung Quốc đâm chìm?


Diễm Thi, RFA

Theo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Việt Nam, hôm sáu tháng ba vừa qua, một tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90819 TS/05 bị tàu Trung Quốc số hiệu BKS 44101 đâm chìm trong khu vực đảo Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa. Vị trí tàu bị đâm cách phía đông Đà Nẵng khoảng 198 hải lý. Năm ngư dân đã được tàu cá QNg 90620 TS tiếp cận cứu vớt an toàn và rời khỏi khu vực trên.

Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc sau đó viết rằng một tàu của nước này đã cứu năm người trên một tàu đánh cá ngư dân Việt Nam vì họ gặp nạn, đồng thời dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng bác bỏ các tin tức trước đó nói rằng một tàu của Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam.

Ông Tiêu Viết Thạnh, từng là trưởng công an xã Bình Châu, Quảng Ngãi nói lên suy nghĩ của mình khi nghe tin tàu Trung Quốc cứu giúp ngư dân Việt Nam hôm 6/3 vừa qua:

“Không đúng đâu cô. Nó cố tình đâm chìm. Nó sợ thế giới lên tiếng thì nó nói vậy thôi chứ không bao giờ nó cứu mình.”

Không đúng đâu cô. Nó cố tình đâm chìm. Nó sợ thế giới lên tiếng thì nó nói vậy thôi chứ không bao giờ nó cứu mình. – Ông Tiêu Viết Thạnh

Bà Phụng, vợ ngư dân Nguyễn Tấn Luận ở Quảng Ngãi khẳng định không bao giờ có chuyện Trung Quốc giúp ngư dân Việt đâu mà trong thực tế tàu của ngư dân Việt theo bà biết bị phía Trung Quốc đuổi bắt, phun nước, cướp hải sản, ngư cụ, thậm chí bắn phá:

“Nó dí nó tông thì mình chìm thôi. Nó nói được phần của nó thôi. Làm gì mà nó cứu mình. Ở đây ai cũng biết chuyện đó mà.”

Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, ông Nguyễn Việt Thắng khẳng định rằng Trung Quốc có bao giờ nhận đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam đâu, lần này cũng vậy thôi. Phía Trung Quốc họ nói thế nào là chuyện của họ. Ông xác nhận hôm 6/3 vừa qua, ngư dân Quảng Ngãi đã vớt năm ngư dân của chiếc tàu bị chìm, đưa lên tàu và tiếp tục đi đánh cá đến nay chưa về. Ông cho biết chỉ tin tưởng vào ngư dân Việt Nam mà thôi và hiện cũng đang chờ thêm thông tin cụ thể:

“Họ giúp gì trong khi ngư dân Việt nam đã vớt nhau lên rồi còn đâu họ giúp. Giúp gì được? Với những thông tin như thế thì thật ra bây giờ tụi tui cũng đâu có đi đôi co được. Bây giờ tụi tôi chỉ dựa vào thông tin người Việt Nam của chúng tôi mà thôi. Hiện chúng tôi đang ở Hội trung ương ở Hà Nội nên phải đợi thông tin cụ thể của Hội thủy sản Quảng Ngãi.”

Tuy bị phía Trung Quốc hăm dọa, rượt bắt, cướp nghư cụ, thậm chí bắn chết, nhưng ngư dân Việt nam vẫn ra khơi, vẫn đến Hoàng Sa đánh bắt cá vì đó là ngư trường truyền thống từ lâu đời của ngư dân Việt từ đời cha ông. Nếu có tàu bị đâm các tàu cùng đoàn cứu nhau rồi cùng chạy. Bà Phụng khẳng định:

“Họ vẫn đi chứ. Bị dí, bị chìm thì họ vẫn cứ đi. Thấy nó thì chạy chứ gọi phía Việt Nam ra được thì nó nhận chìm mình rồi. Từ đất liền ra tới Hoàng Sa đi một ngày một đêm, sao mà ra cho kịp. Nếu có xảy ra chuyện gì thì trước mắt là cơ quan chức năng Việt Nam điện cho các tàu cá gần đó tới cứu trước rồi cứu hộ cứu nạn ra sau. Cứu hộ cứu nạn ra thì cũng trễ.”

Đây không phải là lần đầu tiên tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam. Tuy vậy cho đến nay chưa có một con số thống kê cụ thể nào.

Ông Tiêu Viết Thạnh xác nhận chuyện Trung Quốc từng bắn ngư dân Việt ở Hoàng Sa:

“Hồi trước kia tôi làm thì họ bắn chết hai người. Nói chung là ra đảo Hoàng Sa làm thì Trung Quốc nó dí nó bắn. Hoàng Sa là của mình nhưng khu quân sự nó đóng từ hồi ‘giải phóng’. Nó đóng riết tới bây giờ luôn.

Mấy năm đầu thì dân mình ra làm được, nó cũng vẫn vui vẻ, xin nó cũng cho. Sau này dân mình ra làm nhiều quá thì nó xua đuổi nhưng dân mình cũng cương quyết làm, nó bắn chết hai, ba người ở Bình Châu rồi. Mấy năm trước nó phun nước làm tàu mình chạy không kịp.

Nói chung thì ngư dân vẫn ra làm dù nó đuổi nó dí. Họ ghi lại số tàu rồi về báo với chính quyền địa phương, báo với biên phòng. Mình kiến nghị nhiều lần nhưng cũng vậy. Dân thì vẫn ra làm nhưng nhìn ống dòm thấy nó là tránh, không dám làm liều như trước nữa.”

Bây giờ tụi tôi chỉ dựa vào thông tin người Việt Nam của chúng tôi mà thôi. Hiện chúng tôi đang ở Hội trung ương ở Hà Nội nên phải đợi thông tin cụ thể của Hội thủy sản Quảng Ngãi. – Ông Nguyễn Việt Thắng

Tại buổi họp báo chiều 14/3, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định lập trường của Việt Nam về một số vụ việc và hoạt động gần đây của các nước trên Biển Đông rằng “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, theo quy định của luật pháp quốc tế.”

Tuy nhiên khi trả lời câu hỏi về vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm ngày 6/3, bà chỉ cho biết Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao cũng đã có thông tin về việc này rằng tàu QNg 90819 TS/05 gặp nạn và năm ngư dân trên tàu đã được tàu Việt Nam cứu hộ an toàn. Các ngư dân đã tiếp tục hải trình và đến nay vẫn chưa quay về đất liền.

Bà không đề cập gì đến yếu tố tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm hay phát biểu của ông Lục Khảng rằng phía Trung Quốc cứu ngư dân Việt chứ không đâm chìm tàu.

Và cũng như mọi khi, bà cho biết các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục xác minh làm rõ thông tin vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

Năm ngư dân trên chiếc QNg 90819 TS/05 không mất mạng; tuy vậy chiếc tàu bị chìm mất. Đó là cả tài sản của chủ chiếc tàu mà họ phải chắt chiu mới có hay phải vay mượn ngân hàng. Thực tế cho thấy nhiều ngư dân Việt Nam rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần từ những vụ đâm chìm do tàu Trung Quốc gây nên như thế rồi.




Chết bất minh trong đồn công an xảy ra


ngay sau khi Việt Nam chối bỏ vấn nạn này trước LHQ


Hòa Ái, phóng viên RFA

Truyền thông trong nước vào ngày 14 tháng 3 loan tin có thêm 1 trường hợp người dân bị chết bất thường trong đồn công an. Tuy nhiên chỉ hai hôm trước đó trong phúc trình tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Công ước Quốc tế Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ ba, phái đoàn Việt Nam phủ nhận hoàn toàn vấn nạn đó.

Thêm một trường hợp ở Nghệ An

Trường hợp mới nhất là ông Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1977, sau 5 ngày bị bắt giữ ở đồn Công an huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An từ ngày 8 tháng 3, đã được đưa đến bệnh viện huyện, sau đó chuyển sang bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Việt Đức, ở Hà Nội. Đến ngày 14 tháng 3, ông Tuấn tử vong.

Truyền thông quốc nội cho biết ông Nguyễn Văn Tuấn bị công an bắt giữ cùng với một nhóm người do liên đến hành vi đánh bạc. Vào sáng ngày 13 tháng 3, công an huyện Nam Đàn gọi điện thoại cho gia đình của ông Tuấn, yêu cầu đến trụ sở công an chở ông Tuấn đi khám bệnh vì có dấu hiệu ngủ nhiều, đánh thức không dậy. Tuy nhiên, khi gia đình đến nơi thì được thông báo rằng ông Tuấn đã được đưa đi bệnh viện. Bác sĩ cho gia đình biết trường hợp của ông Tuấn có thể không qua khỏi, do bị tụ máu dưới màng cứng não. Đến 5 giờ 35 sáng ngày 14 tháng 3, ông Tuấn mất tại nhà sau khi được đưa về từ bệnh viện. Thi thể ông Nguyễn Văn Tuấn trong cùng ngày được đưa vào nhà xác Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An để cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm tử thi.

Bà Nguyễn Thi Ái, một người dân địa phương kể lại với RFA những gì bà nghe thấy được:

“Hôm qua tôi nghe tin và đã đi đến nhà xác, nhưng không được cho vào. Tôi thấy có nhiều người nhà (của nạn nhân), họ khóc lóc, bảo là trên người (nạn nhân) có vết bầm, trên mặt bị tụ máu…và bệnh viện nói là bị tụ máu đông. Họ khóc và họ có xô xát với công an. Dân ở ngoài cũng ức chế, họ lấy gạch đá ném vào công an. Công an điều cơ động đến dẹp loạn. Tôi đứng nhìn, thấy tủi thân và khóc rồi tôi đi về.”

Truyền thông trong nước cũng loan tin lực lượng công an, Cảnh sát 113 đã có mặt tại hiện trường để ổn định tình hình an ninh trật tự. Công an tỉnh Nghệ An nói với báo giới rằng cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ về nguyên nhân gây ra cái chết đối với nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn, nên không thể cung cấp thông tin chi tiết.

Tôi thấy có nhiều người nhà (của nạn nhân), họ khóc lóc, bảo là trên người (nạn nhân) có vết bầm, trên mặt bị tụ máu…và bệnh viện nói là bị tụ máu đông. Họ khóc và họ có xô xát với công an. Dân ở ngoài cũng ức chế, họ lấy gạch đá ném vào công an. Công an điều cơ động đến dẹp loạn

-Bà Nguyễn Thị Ái

Thông tin mới nhất được Báo mạng Lao Động loan đi vào ngày 15 tháng 3, dẫn lời của thân nhân nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cho biết trích từ phần tóm tắt trong bệnh án tại thời điểm chuyển viện mà họ được bệnh viện cung cấp; chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Theo lời cán bộ Công an, bệnh nhân đang ở phòng tạm giam, cả tối qua tự đập đầu, người vào tường, đến khoảng 11h30 được phát hiện trong tình trạng hôn mê, sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Nam Đàn cấp cứu.”

Trong cùng ngày 13 tháng 3, thời điểm công dân Việt Nam là ông Nguyễn Văn Tuấn, ở Nam Đàn, Nghệ An được chuyển từ đồn công an địa phương đến bệnh viện cấp cứu thì tại Hoa Kỳ, Bộ Ngoại Mỹ công bố Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018. Trong đó, phần báo cáo về tình hình nhân quyền Việt Nam, Bộ Ngoại Giao Mỹ ghi nhận tính đến cuối tháng 11 năm 2018, có ít nhất 11 nạn nhân bị chết trong đồn công an, mà phía chính quyền chỉ cung cấp rất ít thông tin về việc điều tra liên quan những cái chết đầy khuất tất đó; thậm chí gia đình các nạn nhân còn bị sách nhiễu và hăm dọa khi yêu cầu chính quyền trả lời cho những thắc mắc của họ về cái chết của người thân.

Chính phủ Việt Nam phản đối

Bà Nguyễn Thị Ái, vào ngày 14 tháng 3 đi đến nhà xác Bệnh viện Hữu nghị đa khoa tỉnh Nghệ An để tận mắt theo dõi vụ việc nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn bị chết khuất tất trong thời gian bị tạm giữ ở đồn công an, không phải vì tò mò hay hiếu kỳ mà bà Ái là mẹ của anh Phạm Ngọc Nhung, cũng là một nạn nhân bị chết trong đồn công an hồi tháng 1 năm 2017.

Anh Phạm Ngọc Nhung bị bắt giữ tại đồn Công an phường Cầu Ông Lãnh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 15/01/17, do bị tình nghi về tội đánh nhau với người khác. Đến sáng hôm sau, anh Nhung bị nôn mửa, tiểu ra quần và ngất xỉu. Người bị bắt giữ cùng vụ việc, tên Lâm, đập cửa phòng giam kêu cứu và anh Nhung được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện Sài Gòn. Sau đó, anh Nhung được chuyển qua Bệnh viện 115 và tử vong lúc 22 giờ 50 phút, tối 16/01/17.

Vào khi anh Nhung bị công an bắt giữ, anh Nhung là nhân viên kỹ thuật của trường Cao đẳng Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau 3 ngày mất liên lạc với anh Nhung, bạn bè và đồng nghiệp đến trình công an và được thông báo rằng anh Nhung đã chết do té ngã và bị chấn thương sọ não.

Mẹ của anh Nhung thắc mắc về nguyên nhân cái chết của con trai sau khi được nghe công an đọc kết quả xét nghiệm tử thi.

Một tháng sau biến cố đứa con duy nhất bị chết oan khuất, bà Nguyễn Thị Ái nói RFA rằng bà mang đơn từ đến rất nhiều cơ quan chức năng có thẩm quyền, cầu cứu xem xét trường hợp tử vong của nạn nhân Phạm Ngọc Nhung; thế nhưng không một cơ quan nào thụ lý đơn giải quyết. Bà Ái chỉ nhận được một thông tin vỏn vẹn là Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh (PC 44) điều tra vụ việc liên quan cái chết của con trai bà.

Vào tối ngày 15 tháng 3, bà Nguyễn Thị Ái cho Đài Á Châu Tự Do biết bà đã làm thủ tục nhận xác con trai vào hạ tuần tháng 2 năm 2018, trước sự cam kết của các nhân viên điều tra PC 44:

“Ông Phiệt cam kết với tôi rằng vụ án này là vụ án hình sự giết người, sẽ điều tra, sẽ xét xử. Họ cam kết với tôi như vậy mà bây giờ họ lại lật lọng.”

Bà Ái trần tình rằng bà nói công an “lật lọng” là vì suốt thời gian qua bà thỉnh thoảng liên lạc với ông Phiệt, nhân viên của PC 44 để cập nhật diễn tiến vụ việc điều tra và được ông lập đi lập lại rằng “khi nào có kết quả sẽ thông báo” và sau khi ông Phiệt ký giấy cam kết thì ông đã không bắt máy điện thoại khi bà gọi đến.

Trường hợp anh Phạm Ngọc Nhung chỉ là một trong hơn cả chục nạn nhân khác bị chết khuất tất trong đồn công an.

Sau khi Việt Nam phủ nhận hết, nói rằng những người chết (trong đồn công an) là do họ trầm cảm, họ ăn năn hối hận về những lỗi lầm của họ, chết vì bệnh hoạn…Bên Ủy ban Kiểm điểm, có một số thành viên đã nêu ra đích xác những trường hợp cụ thể như trường hợp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là Nguyễn Hữu Tấn và họ hỏi những câu hỏi bao gồm đã điều tra như thế nào, ai là bộ phận điều tra, kết quả ra làm sao, có giảo nghiệm tử thi độc lập hay không và thân nhân phản đối lại bị đàn áp hăm dọa…Họ nêu ra rất rõ. Thế nhưng, phía Việt Nam hoàn toàn không trả lời gì hết, im luôn

-TS. Nguyễn Đình Thắng

Ủy ban Cứu người Vượt biển BPSOS là tổ chức vận động cho dân chủ nhân quyền ở Việt Nam, đã đệ trình các trường hợp công dân bị chết khuất tuất trong đồn công an ở Việt Nam lên Quốc Hội Hoa Kỳ và những cơ quan chịu trách nhiệm về chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch của BPSOS thuật lại với RFA rằng phái đoàn Việt Nam không thể trả lời những câu hỏi ở phiên phúc trình tại khóa họp lần thứ 125 của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Công ước Quốc tế Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ ba, diễn ra trong hai ngày ngày 11 và 12 tháng 3, ở Geneve, Thụy Sĩ.

“Sau khi Việt Nam phủ nhận hết, nói rằng những người chết (trong đồn công an) là do họ trầm cảm, họ ăn năn hối hận về những lỗi lầm của họ, chết vì bệnh hoạn…Bên Ủy ban Kiểm điểm, có một số thành viên đã nêu ra đích xác những trường hợp cụ thể như trường hợp tín đồ Phật giáo Hòa Hảo là Nguyễn Hữu Tấn và họ hỏi những câu hỏi bao gồm đã điều tra như thế nào, ai là bộ phận điều tra, kết quả ra làm sao, có giảo nghiệm tử thi độc lập hay không và thân nhân phản đối lại bị đàn áp hăm dọa…Họ nêu ra rất rõ. Thế nhưng, phía Việt Nam hoàn toàn không trả lời gì hết, im luôn.”

Trong Bản Phúc trình Thực thi Nhân quyền Thế giới năm 2018 của Hoa Kỳ vừa công bố hôm 13 tháng 3, Bộ Ngoại Giao Mỹ cáo buộc Việt Nam duy trì chế độ “công an trị” để điều hành quốc gia. Vào ngày 15 tháng 3, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng cho rằng Bản phúc trình của phía Mỹ liên quan tình hình nhân quyền Việt Nam “vẫn chứa đựng một số nhận định thiếu khách quan”.

Trong khi đó, một số thân nhân của các nạn nhân bị chết bất minh trong đồn công an, như bà Nguyễn Thị Ái thì kêu gọi cộng đồng trong và ngoài nước, các chính phủ nước ngoài và các tổ chức nhân quyền thế giới giúp đỡ vì lời kêu oan của họ được chính quyền các cấp tại Việt Nam đáp lại chỉ bằng sự im lặng.




Tập đoàn Dầu khí qua mặt Quốc hội


sang Venezuela đầu tư bị thua lỗ 2 tỉ USD


Tin Việt Nam –  Đài VOV ngày 15 tháng 3 loan tin, năm 2007, tập đoàn Dầu khí CSVN (PVN) xin phép nhà cầm quyền CS được đàm phán với công ty dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước. Dù chưa được đồng ý, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng tập đoàn PVN vẫn giao cho công ty con trực tiếp làm việc với phía Venezuela để thực hiện các bước thỏa thuận hợp tác.

Tháng 6 năm 2010, tại thủ đô Caracas , dự án khai thác và nâng cấp dầu nặng lô Junin 2 của hai công ty Việt nam và Venezuela được thực hiện. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam góp vốn 1,241 tỷ Mỹ kim và phía tham gia hợp đồng là 584 triệu Mỹ kim, tổng vốn mà phía Việt Nam góp là 1,825 tỷ Mỹ Kim.

Sau một thời gian thực hiện dự án, nhưng không thu được giọt dầu nào, năm 2013, tập đoàn PVN đã đơn phương không thực hiện bản cam kết nộp 142 triệu Mỹ kim cho phía Venezuela, và chấp nhận mất 442 triệu Mỹ kim tiền lệ phí tham gia, 90 triệu Mỹ kim tiền góp vốn và các chi phí lớn khác.

Một cựu Bộ trưởng tài chính CSVN thời kỳ này giải thích, bản thân ông dù không muốn nhưng đã phải chịu một sức ép ghê gớm từ một số người, để buộc phải ký giấy chứng nhận đầu tư cho dự án trên. Nếu ông ký thì sai luật, còn không ký thì đi ngược ý kiến chỉ đạo của cấp trên, nên ông phải có văn bản báo cáo Bộ chính trị. Vì, dự án này không tuân thủ đúng trình tự đầu tư, tức là không trình ra quốc hội theo quy định. Nhưng cuối cùng ông đã phải ký chấp nhận cho tập đoàn Dầu khí mang hàng trăm triệu Mỹ kim ra ngoại quốc đầu tư để rồi mất trắng.

An Nhiên




Đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại chậm tiến độ


Nhiều hạng mục của công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại bị chậm tiến độ, báo Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 15/3 trích thông tin từ báo cáo của các đơn vị thi công dự án.

Theo báo Pháp Luật, vào ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã đi thị sát, kiểm tra và đốc thúc tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Tuy nhiên, cũng theo Pháp Luật, báo cáo của các đơn vị liên quan cho biết một số hạng mục của công trình đã chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra, mà nguyên nhân là do công tác lập hồ sơ nghiệm thu, thanh toán của tổng thàu chậm và chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu theo quy định của hợp đồng.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án được báo trích lời cho biết dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp. Ông Phương cho biết, dự án đã được vận hành thử từ ngày 20/9/2018 và dự kiến hoàn thành sau 3 đến 6 tháng nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành một số hạng mục căn chỉnh liên quan đến 5 chuyên ngành là thông tin, tín hiệu, đoàn tàu, điện lực và đường ray. Đó là chưa kể các hạng mục khác như thang máy, thẻ vé, điều hoà thông gió… cũng chưa thi công xong.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đồng là một trong những dự án công cộng quan trọng của Hà Nộ có chiều dài 13 km với 12 ga và do chủ thầu Trung Quốc thực hiện.

Dự án dự kiến bắt đầu từ tháng 11 năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11 năm 2013 với tổng mức vốn dự kiến ban đầu là 552 triệu USD bao gồm nguồn vốn chính phủ và vốn vay ODA của Trung Quốc.

Tuy nhiên, dự án này đã bị chậm tiến độ nhiều lần, ngay từ khi khởi công vào tháng 10/2011 và mức vốn đã phải điều chỉnh tăng lên 868 triệu đô la.

Sau khi dự án được vận hành thử vào tháng 9 năm ngoái, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dự án vận hành thương mại trước Tết nguyên đán nhưng đã phải lùi lại đến tháng 4 do một số hạng mục bị chậm kế hoạch.




Chuyên gia Việt Nam lo ngại nhà thầu Trung Cộng


sẽ thắng thầu dự án xa lộ Bắc – Nam


Tin Vietnam –  Báo Vietnamnet ngày 16 tháng 3 loan tin, tập đoàn Thái Bình Dương của Trung Cộng đã làm việc với lãnh đạo Bộ giao thông CSVN và đề nghị tham gia đầu tư vào dự án xa lộ Bắc – Nam phía đông theo hình thức hợp tác công-tư.

Theo kế hoạch, vào tháng 4 tới đây, Bộ giao thông vận tải CSVN sẽ phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế.  Sau đó đến đầu tháng 7 năm 2019, bộ này sẽ công bố kết quả đấu thầu. Ông Nguyễn Văn Thể, bộ trưởng cho biết, dự trù năm 2019 sẽ bố trí khoảng 7,000 trong tổng số 15,000 tỷ đồng để san bằng mặt đất.

Trước thông tin công ty Trung cộng muốn tham gia thực hiện dự án, tiến sĩ Phạm Xuân Mai, đại đọc Bách khoa tại Sài Gòn đã tỏ ra lo ngại với việc nhà đầu tư Trung Cộng sẽ được thực hiện dự án. Bởi trong các dự án khác, nhà thầu và nhà đầu tư Trung Cộng thường đưa ra giá thấp để trúng thầu, nhưng khi thực hiện thì luôn cố tình trì hoãn thời gian để yêu cầu tăng vốn gấp 2 đến 3 lần ban đầu. Còn chất lượng công trình thì quá kém. Ông Mai cho rằng, để xảy ra điều này có phần do vấn đề quản trị của Việt Nam, ngoài năng lực kém, còn có chuyện phía Việt Nam tiếp tay cho các nhà thầu Trung Cộng  được sai phạm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đức cho rằng các nhà đầu tư quốc tế uy tín như Nhật Bản, hay châu Âu tham gia dự án BOT tại Việt Nam là điều rất khó. Do tại Việt Nam có nhiều rào cản, từ cung cách quản trị, thủ tục phức tạp, tham nhũng, thiếu minh bạch; thường yêu cầu giá trẻ, trong khi các nước phát triển thường làm giá thành cao vì có chất lượng. Với những rào cản này, thường chỉ có nhà đầu tư Trung Cộng là đáp ứng. Vì vậy, ông Đức nhận định, dự án xa lộ Bắc – Nam, các nhà đầu tư Trung Cộng sẽ có lợi thế.

An Nhiên

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.