Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tiffany Chung, người nghệ sỹ đưa tiếng nói tị nạn Việt vào lịch sử chiến tranh

Saturday, March 16, 2019 5:06:00 PM // ,

16/03/2019


Một bức tranh màu nước về người tị nạn chiến tranh Việt Nam tại triển lãm Tiffany Chung: Vietnam, Past is Prologue (Quá khứ là sự khởi đầu) ở bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Smithsonian.
“Chiến tranh Việt Nam đã được lý giải chính thức từ phía Việt Nam, trong đó không có tiếng nói của người miền Nam. Người Mỹ cũng lý giải tương tự về cuộc chiến ấy, vẫn không có câu chuyện của người miền Nam.” Tiffany Chung chia sẻ về nỗ lực giới thiệu góc nhìn về người tị nạn Việt, vốn ít khi được nhắc tới trong lịch sử cuộc chiến Việt Nam.
Là một nghệ sỹ đương đại Mỹ gốc Việt và bản thân là người tị nạn, Tiffany nghiên cứu trong nhiều năm về di sản cuộc chiến cùng những hậu quả để lại, thông qua các di vật, như bản đồ, video và các bức tranh nêu bật tiếng nói và những câu chuyện của những người từng là tị nạn.

Tiffany Chung, nghệ sỹ đương đại Mỹ, đang trình bày về các tác phẩm của cô tại triển lãm đầu tiên tại bảo tàng Smithsonian.
Tiffany Chung, nghệ sỹ đương đại Mỹ, đang trình bày về các tác phẩm của cô tại triển lãm đầu tiên tại bảo tàng Smithsonian.
“Một số người chọn viết sách để nói về cuộc chiến. Đối với tôi tiếng nói của những người miền Nam Việt Nam về chiến tranh sẽ không phải là cái gì mang tính hư cấu hay vật chất,” Tiffany nói trước cuộc triển lãm đầu tiên của cô tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ Smithsonian (Smithsonian American Art Museum), Washington D.C. “Do đó tôi chọn cách làm tư liệu trực tiếp – để họ trực tiếp kể câu chuyện của bản thân họ.”
Nhưng đó không phải là điều dễ dàng.
“Tôi đã mất đến hơn 40 năm để có thể đối mặt với cuộc chiến tranh ở Việt Nam và lịch sử cá nhân, bao gồm cả thân phụ tôi, và cả tôi,” Tiffany nói.
Hành trình của bố
Cách đây 16 năm, Tiffany bắt đầu về thăm Việt Nam, tìm hiểu câu chuyện bố cô bị bắt làm tù binh chiến tranh và câu chuyện của mẹ cô chờ đợi trong vô vọng cho sự trở về của chồng mình, nơi gần vĩ tuyến 17.
Nhưng chỉ đến khi tình cờ thấy một tấm ảnh của bố, Chung Tử Bửu, trong trang phục phi công trước một chiếc trực thăng tại Lộc Ninh năm 1970, cô mới quyết định quay trở lại Việt Nam để tìm hiểu những “chiến trường trên không”, nơi thân phụ từng tham chiến. Những chiến trường này cùng các chiến dịch mà thân phụ cô từng tham gia, trong đó có chiến dịch Lam Sơn 719, và những sự kiện lịch sử khác của chiến tranh Việt Nam, được Tiffany đưa vào một biểu đồ minh họa bằng hình ảnh và chú thích trưng bày tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Hoa Kỳ Smithsonian.

Bức tranh mà Tiffany Chung tìm thấy về bố cô, phi công Chung Tử Bửu, được trưng bày tại triển lãm.
Bức tranh mà Tiffany Chung tìm thấy về bố cô, phi công Chung Tử Bửu, được trưng bày tại triển lãm.

“Những di vật ấy khiến tôi thực sự đào sâu vào để bắt đầu những gì tôi làm về chiến tranh Việt Nam hôm nay,” Tiffany nói. Qua những tìm hiểu về bố mình, cô biết được nhiều điều về chiến tranh Việt Nam, về Cuộc hành quân Hạ Lào, nơi bố cô tham chiến, và Mùa hè Đỏ lửa 1972.
Trực thăng ông Chung Tử Bửu bị bắn hạ; và ông bị quân miền Bắc bắt ở Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719, 1971. Ông bị giam trong tù đến năm 1985, và 5 năm sau khi được trả tự do, cả gia đình đến Mỹ. Tiffany, sinh ra ở Đà Nẵng khi cuộc chiến đang ở cao trào năm 1969, cho biết gia đình cô cũng đã nhiều lần tìm cách vượt biên và bản thân cô từng bị giam trong tù trước khi đến được Mỹ.
“Cuộc chinh phục cá nhân tôi đã mở đường đến những ký ức tổng hợp của người miền Nam Việt Nam về cuộc chiến đã để lại ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhiều người.”
Ai cũng có lý do tham gia cuộc chiến. Việt Nam đã có lý giải của họ nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện của những người thua cuộc… Trẻ con lớn lên trong trường chỉ được dạy về góc nhìn của chính phủ Việt Nam, còn góc nhìn của người miền Nam Việt Nam thì bị xóa bỏ hoàn toàn.
Tiffany Chung, nghệ sỹ đượng đại và cựu tị nạn chiến tranh Việt Nam
Trước khi dựng nên các tác phẩm nghệ thuật về chiến tranh Việt Nam, Tiffany từng có các tác phẩm nghệ thuật về cuộc khủng hoảng tị nạn Syria. Việc tìm hiểu những câu chuyện người tị nạn Syria đã giúp Tiffany vượt qua được “chính bản thân để đối diện với chính mình và nói về câu chuyện của mình.” Cô thấy có sự tương đồng của hai cuộc khủng hoảng tị nạn Việt Nam và Syria – đều là nội chiến và có rất nhiều người tị nạn. “Đó là vì sao tôi trở lại (để đối diện chính mình).”
Lịch sử bỏ quên
Nói về chiến tranh Việt Nam thì phải nói về người Việt Nam ở cả hai miền Nam và Bắc, theo Tiffany, người từng có thời gian trở về Việt Nam tham gia thành lập “Sàn Art,” một diễn đàn nghệ thuật cho nghệ sỹ trẻ trong nước.
“Ai cũng có lý do tham gia cuộc chiến. Việt Nam đã có lý giải của họ nhưng tôi quan tâm tới câu chuyện của những người thua cuộc. Mình thua trận, thua cuộc chiến. Trẻ con lớn lên trong trường chỉ được dạy về góc nhìn của chính phủ Việt Nam, còn góc nhìn của người miền Nam Việt Nam thì bị xóa bỏ hoàn toàn.”
Theo cô, lịch sử người Việt tị nạn bị xóa sạch trong lịch sử chính thống của Việt Nam.

Một trong 21 người tị nạn miền Nam Việt Nam đến Mỹ được phỏng vấn trong các video trình chiếu tại triển lãm.
Một trong 21 người tị nạn miền Nam Việt Nam đến Mỹ được phỏng vấn trong các video trình chiếu tại triển lãm.
Để những câu chuyện của người miền Nam được biết đến, Tiffany phỏng vấn hàng chục người tị nạn Việt tại Mỹ và chọn 21 cuộc phỏng vấn qua video, trong đó có thân phụ cô, để trưng bày tại viện bảo tàng Smithsonian trong triển lãm có tên “Quá khứ là sự khởi đầu” (Tiffany Chung: Vietnam, Past is Prologue), mở cửa cho công chúng từ ngày 15/3 đến 22/9 năm nay.
Tiffany gọi đây là nỗ lực “dù chưa hoàn chỉnh để nói lên được một khía cạnh nào đó về chiến tranh Việt Nam.”
“Bao nhiêu người tị nạn trải qua những kinh nghiệm giống nhau. Nỗ lực của mình là nhằm nói lên một phần của (chiến tranh) Việt Nam, vốn đã không được đưa vào lịch sử chính thống (của Việt Nam) cũng như không được người Mỹ quan tâm đến nhiều.”
Tác phẩm trưng bày tại triển lãm này còn có những bức tranh màu nước được vẽ dựa trên những bức ảnh mà cô tìm được trong quá trình nghiên cứu về di dân Việt Nam sau chiến tranh tại kho lưu trữ của Cao ủy tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Các bức tranh màu nước được chuyển thể từ những bức ảnh về thuyền nhân chiến tranh Việt Nam được Tiffany Chung tìm thấy tại kho dữ liệu của UNHCR.
Các bức tranh màu nước được chuyển thể từ những bức ảnh về thuyền nhân chiến tranh Việt Nam được Tiffany Chung tìm thấy tại kho dữ liệu của UNHCR.
Những bức tranh, được một nhóm họa sỹ trẻ của Việt Nam chuyển thể từ các bức ảnh tư liệu, cho thấy hình ảnh những nạn nhân chiến tranh Việt Nam trên các con thuyền tìm cách vượt biển để đến một nơi nào đó trên thế giới.
Trong số khoảng 1,6 triệu người Việt Nam tái định cư từ 1975 đến 1997, hơn 700.000 người là thuyền nhân, theo thống kê của UNHCR. Cơ quan này ước tính khoảng 200.000-400.000 thuyền nhân đã bỏ mạng trên biển.
Một thế giới khác
Tiffany tới UNHCR hàng năm để làm các nghiên cứu và qua đó cô “mới biết được người Việt Nam đã đi đến nhiều nơi trên thế giới, gồm châu Phi, Mỹ La tinh và Trung Đông, ngoài những nơi mà mọi người đều biết là Mỹ và châu Âu.”
Những tuyến đường người tị nạn Việt Nam vượt qua để tìm đến nơi “an toàn hơn” Việt Nam lúc đó đã được Tiffany đưa vào một tấm bản đồ lớn bằng vải thêu cũng được trưng bày tại triển lãm này.

Tấm bản đồ thêu trên vải về các đường di chuyển của người tị nạn rời Việt Nam tới các nơi trên thế giới sau chiến tranh.
Tấm bản đồ thêu trên vải về các đường di chuyển của người tị nạn rời Việt Nam tới các nơi trên thế giới sau chiến tranh.
Mặc dù được đào tạo về nhiếp ảnh và Nghệ thuật Studio ở California, Tiffany lại từng là một người vẽ bản đồ. Chính cô đã vẽ lại những đường di chuyển của người tị nạn chiến tranh Việt Nam trên một tấm bản đồ giấy và sau đó được chuyển thể sang hình thêu trên vải.
(Tiffany Chung) chuyển thể chúng vào hình thức tác phẩm nghệ thuật và chúng trở nên rất quan trọng cho tư liệu lịch sử của chúng ta; đưa chúng ta tới một thế giới hoàn toàn khác.
Sarah Newman, phụ trách nghệ thuật đượng đại của bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian
“Rất nhiều những thứ này không được nói tới trong văn hóa và nghệ thuật của (Mỹ). Nó thậm chí không được nhắc tới trong lịch sử,” Sarah Newman, phụ trách nghệ thuật đương đại của Bảo tàng Nghệ thuật Hoa Kỳ Smithsonian, nói. “(Tiffany Chung) đã tới trung tâm lưu trữ của UNHCR và nghiên cứu để tìm ra những người (Việt) đi đâu sau chiến tranh, họ đi con đường nào và họ tới đâu trên thế giới này. Cô ấy chuyển thể chúng vào hình thức tác phẩm nghệ thuật và chúng trở nên rất quan trọng cho tư liệu lịch sử của chúng ta; đưa chúng ta tới một thế giới hoàn toàn khác.”
Tiffany gọi sự vắng bóng những tiếng nói của người tị nạn Việt trong lịch sử chiến tranh Việt Nam là một sự “bỏ quên lịch sử do ảnh hưởng của chính trị.”
“Người tị nạn không được nhắc tới trong truyền thông chính thức. Họ không được bàn tới. không được nhớ tới,” Tiffany nói. “Mọi người đều có quyền được biết về lịch sử, ký ức và sự thật.”
Theo người nghệ sỹ hiện đang sống ở Houston, Texas, “Nhớ tới nó để hiểu về nó. Để lịch sử không lặp lại lần nữa.”
Vì Sao Chủ Tịch Hạ Viện Không Muốn Luận Tội Tổng Thống Trump?

Ngày 11/3/2019, trên Tạp chí Washington Post bà Nancy Pelosi chủ tịch Hạ Viện, cho biết:

“Tôi không luận tội Tổng Thống. Tôi chưa từng trả lời bất cứ nhà báo nào, nhưng vì được hỏi và tôi đã suy nghĩ kỹ, luận tội gây chia rẽ quốc gia, trừ khi phải thật chính đáng, thật nghiêm trọng và không thiên vị đảng phái.”

Bà kết luận:

Tôi không nghĩ chúng ta nên đi theo hướng luận tội vì đất nước sẽ bị chia rẽ. Và ông ấy không đáng cho chúng ta làm vậy.”

Chính trị gia lão luyện…

Bà Pelosi là phụ nữ nắm giữ chức vụ cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, chỉ đứng sau Tổng thống và Phó tổng thống và trước đây năm 2007-11 bà cũng đã nắm giữ chức vụ này.

Bà sinh ngày 26/3/1940, gần 79 tuổi, thắng cử Hạ Viện lần đầu năm 1987 và liên tục giữ đến nay 32 năm.

Bà là một chính trị gia lão luyện, đầy kinh nghiệm, uy tín, đạo đức, trung dung và chủ trương hợp tác lưỡng đảng.

Bà đã trải qua lần luận tội Tổng Thống Bill Clinton, 1998-99, nên hiểu rất rõ tình trạng chia rẽ đất nước lúc bấy giờ.

Thủ tục luận tội…

Chỉ cần một dân biểu đưa cáo trạng cho Ủy ban tư pháp Hạ viện.

Nếu cáo trạng được đa số ủy viên của Ủy ban đồng ý sẽ đưa ra Hạ viện biểu quyết.

Khi đa số quá bán Hạ viện đồng ý, một ủy ban truất phế được thành lập để đưa quyết định lên Thượng viện mở một phiên tòa.

Chánh án Tối cao Pháp Viện sẽ là Chủ tịch Ủy ban truất phế và nếu 2/3 Nghị Sỹ đồng ý thì thủ tục truất phế sẽ được tiến hành.

Hiện tại đảng Cộng Hòa đang giữ Thượng Viện và Tối Cao Pháp Viện thuộc cánh bảo thủ nên việc luận tội ông Trump là một nỗ lực khó mang lại kết quả.

Bởi thế trong vai trò lãnh đạo đảng Dân Chủ và lãnh đạo Hạ viện bà Pelosi tuyên bố như trên là 1 điều dễ hiểu.

Nếu đảng Dân chủ sử dụng luận tội như một trò chơi chính trị để hạ uy tín ông Trump thì đó là con dao hai lưỡi, cử tri bất mãn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến uy tín của đảng Dân Chủ.

Sở trường của ông Trump là lôi kéo cử tri ủng hộ mình. Vì thế luận tội ông, có khi lại trở thành một lợi thế cho ông trong kỳ tranh cử 2020 sắp tới.

Luận tội Tổng Thống vẫn tiến hành?

Dân biểu Al Green không đồng ý với bà chủ tịch đã cho phóng viên của đài C-SPAN biết ông sẽ tiếp tục luận tội Tổng Thống.

Vào tháng 12/2017 ông Green đã được 58 dân biểu công khai ủng hộ, con số tăng lên 66 người vào tháng 1/2018, giờ ông tin rằng có hằng trăm người ủng hộ ông.

Ngày 4/3/2019, Dân biểu Jerry Nadler, Chủ tịch Uỷ ban Tư pháp Hạ viện gởi thư yêu cầu Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư Pháp cung cấp các tài liệu liên quan đến 81 cá nhân, tổ chức và cơ quan chính phủ nhằm điều tra nghi vấn ông Trump cản trở tư pháp và lạm dụng quyền lực.

Trong số những người bị điều tra có cả con trai và con rể của ông Trump.

Tòa Bạch Ốc và Bộ Tư Pháp hiện đang xem xét và đánh giá yêu cầu của Ủy Ban.

Trước đây Ủy ban Tình báo, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Giám sát chính phủ, cũng đã gửi thư cho Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao yêu cầu cung cấp những nội dung chi tiết về các cuộc trao đổi giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ủy ban House Ways and Means của Hạ Viện cũng dự định yêu cầu Bộ Tài chính cung cấp hồ sơ khai thuế của Tổng thống Trump.

Dân biểu cánh tả xã hội chủ nghĩa đang tạo áp lực thúc đẩy giới lãnh đạo Hạ Viện phải tiến hành việc luận tội ông Trump.

Cũng cần kể thêm tỷ phú Tom Steyer thuộc cánh tả đảng Dân Chủ đang thực hiện chiến dịch quảng cáo lên đến chục triệu Mỹ kim chỉ nhằm thu hút người dân Mỹ ủng hộ việc luận tội.

Bà Pelosi đang chơi trò chính trị?

Trang ABC cho biết theo ông David Smith, một giảng viên cấp cao về Chính Trị và Chính Sách Đối Ngoại của Trung Tâm Nghiên Cứu Hoa Kỳ:

“Đây có thể là một chiến thuật của Pelosi để bảo đảm việc công bố tường trình Mueller.”

Ông Smith giải thích:

“Bộ Trưởng Tư Pháp có thể không công bố nó nếu thấy đảng Dân Chủ sử dụng nó cho mục tiêu chính trị: luận tội Tổng Thống. Bởi thế bà Pelosi mới gởi tín hiệu rằng đảng Dân Chủ sẽ không luận tội, sẽ có nhiều khả năng bản tường trình được công bố.”

Công bố toàn văn bản hay chỉ công bố một phần nhỏ tường trình Mueller thuộc toàn quyền Bộ Trưởng Bộ Tư Pháp, nên có thể bà Pelosi thực sự đang chơi trò chính trị.

Bà Pelosi muốn gì?

Trong cuộc phỏng vấn bà Pelosi cho biết ông Trump không xứng đáng làm Tổng Thống, cả về đạo đức, trí tuệ, lại không khôn ngoan…

Bà không tin ông thắng cử, nhưng ông đã thắng cử và việc bà làm không phải là luận tội ông.

Việc bà cần làm là đưa ra những chính sách về y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, đường xá cầu cống… để thuyết phục dân Mỹ bầu cho một Tổng Thống khác thuộc đảng Dân Chủ.

Trả lời bà Pelosy, trên Twitter, ông Trump cho biết: “Tôi đánh giá cao các bình luận của bà Nancy Pelosi chống lại chuyện luận tội, nhưng mọi người nên nhớ lại chi tiết nhỏ là tôi chưa bao giờ làm điều gì sai trái”.

Lưỡng đảng hợp tác…

Xây tường biên giới Mỹ – Mễ là việc ông Trump cố thực hiện bấy lâu nay, nhưng không được lưỡng đảng đồng ý nên ông phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Ngày 14/3/2019, có tới 13 Dân biểu và 12 Nghị Sỹ đảng Cộng Hòa không đồng tình với ông Trump, do đó Lưỡng Viện đã thông qua Nghị Quyết đòi ông Trump phải chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Trên Twitter, Tổng Thống Trump cho biết việc các thành viên Cộng Hòa thông qua Nghị Quyết là “bỏ phiếu cho bà Nancy Pelosi, cho tội phạm và cho mở cửa biên giới.”

Và ông: “cám ơn tất cả các thành viên Cộng Hòa đã bầu cho An Ninh Biên Giới và nước Mỹ đang tuyệt vọng cần thiết một Bức Tường.”

Ông loan báo sẽ dùng quyền phủ quyết “VETO!” để ngăn chặn Nghị Quyết này.

Như vậy, lưỡng viện sẽ phải bỏ phiếu với đa số 2/3 tán thành mới có thể vượt qua quyền phủ quyết của Tổng Thống.

Nếu lưỡng viện không đủ số phiếu thì phải mang ra Tối Cao Pháp Viện xét xử.

Chuyện xây tường biên giới sẽ tiếp tục là 1 đề tài tranh cãi và tranh cử.

Nhóm xã hội chủ nghĩa

Vai trò lãnh đạo đảng Dân Chủ và Hạ Viện của bà Nancy Pelosi cũng không suôn sẻ gì.

Kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8/2018 cho thấy 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.

Những người trẻ này đã bầu cho một số dân biểu xã hội chủ nghĩa vào Quốc Hội trong lần bầu cử giữa kỳ 2018 vừa qua.

Nhóm xã hội chủ nghĩa chủ trương chăm sóc y tế miễn phí (universal healthcare), miễn phí đại học (tuition-free universities), bảo đảm công ăn việc làm (Universal jobs guarantee), lương tối thiểu 15 Mỹ kim và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).

Các kế hoạch này đều rất tốn kém nên sẽ khó được ngay cả các dân biểu hay nghị sỹ trong đảng Dân Chủ bỏ phiếu thông qua.

Nhiều kế hoạch trên đã được thực hiện tại Úc và Tây Âu nhưng vì quá tốn kém, người đi làm và doanh nhân phải chịu mức thuế rất cao nên dần dần bị hủy bỏ.

Nước Mỹ xã hội chủ nghĩa…

Phát biểu khai mạc Đại hội Hành động Chính trị Bảo thủ (CPAC) hôm 1/3/2019, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 sẽ lựa chọn giữa “tự do và chủ nghĩa xã hội”:

“Tự do sẽ cho phép người dân sống cuộc sống theo cách họ thấy phù hợp, không phải do kiểm soát của chính phủ.

“Tự do tạo ra hàng hóa nhiều hơn, tốt hơn bất cứ nơi nào và thời gian nào trong lịch sử thế giới.

“Tự do thịnh vượng hơn, lợi ích hơn và nhân bản hơn bất kỳ mô hình xã hội hay kinh tế nào từng được áp dụng.”

Ông Pence nhấn mạnh lựa chọn giữa chủ nghĩa xã hội và tự do sẽ là điều mấu chốt trong 20 tháng tranh cử sắp tới.

Hôm sau ngày 2/3/2019 cũng tại Đại hội CPAC 2019, Tổng thống Donald Trump khẳng định:

“Tương lai không thuộc về những người tin vào chủ nghĩa xã hội. Tương lai thuộc về những người tin vào tự do. Tôi đã nói điều này trước đây và tôi sẽ nhắc lại: Nước Mỹ sẽ không bao giờ là một nước xã hội chủ nghĩa.”

Ông Trump cho biết:

“Những nhà lập pháp đảng Dân chủ bây giờ đang bám cứng vào chủ nghĩa xã hội, họ muốn thay thế quyền cá nhân bằng sự thống trị của chính phủ. Chủ nghĩa xã hội không phải vì môi trường. Nó không phải vì công bằng. Nó không phải vì đạo đức. Chủ nghĩa xã hội chỉ vì một điều duy nhất được gọi là quyền lực cho tầng lớp thống trị.”

Đấy có thể là nỗi lo lắng nhất của bà Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi.

Làm sao thuyết phục dân Mỹ chọn cho một Tổng Thống thuộc phe xã hội chủ nghĩa khi chỉ 20% dân Mỹ thích Chủ nghĩa Xã hội?

Biết đâu Hạ Viện lại quay về với đảng Cộng Hòa, bà lại một lần nữa trở thành lãnh tụ đối lập.

Nguyễn Quang Duy

Melbourne, Úc Đại Lợi

15/03/2019

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.