Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chương trình Thời sự thứ Ba, 05/03/2019

Tuesday, March 5, 2019 7:00:00 AM // ,


Cherry Radio
Hoàng Yến | 05/03/2019

Nguồn: https://www.cherryradio.com.au/chuong-trinh-thoi-su-thu-ba-05032019-rd2304462

in nước Úc:
- Victoria: Các câu lạc bộ lướt sóng ở Great Ocean Road được tài trợ hàng triệu đô la để nâng cấp
- Victoria: Giá điện tăng cao, nhiều hộ dân phải chịu cảnh “cúp điện dài ngày”
- Victoria:Cháy rừng khiến hàng ngàn người cắm trại bị sơ tán khỏi Công viên Quốc gia Wilsons Promontory
- Tin Úc: Ứng dụng mới giúp các tài xế tránh bị phạt tiền đậu xe
- Kensington: Một người chết, hai người bị thương sau một vụ nổ súng
- Victoria: Cải thiện sức khỏe tâm thần đóng vai trò quan trọng trong việc giảm số lượng tù nhân
- Melbourne: Lợi dụng ứng dụng hẹn hò để dụ dỗ trẻ em, một người đàn ông bị kết án tù giam
- Số vùng ngoại ô ở Sydney có giá nhà trên một triệu đô la lần đầu tiên sụt giảm trong gần một thập kỷ
- Tin Úc: Phụ huynh nên dạy con sử dụng thiết bị công nghệ với mục đích học tập
- Melbourne: Buồng lái giảm áp suất đột ngột, máy bay phải hạ cánh khẩn cấp
- Victoria: Kiểm tra việc biệt giam thanh thiếu niên trong các nhà tù ở tiểu bang
- Tin vắn
Tin Thế giới:
Ngày 4/3, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phác thảo tầm nhìn của ông đối với tương lai châu Âu, trong đó hối thúc việc cải cách khu vực Schengen và thành lập một hãng thông tấn mới nhằm bảo vệ các nền dân chủ trước những vụ tấn công mạng và vấn nạn tin giả. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp còn kêu gọi tổ chức một hội nghị châu Âu với sự tham gia của các ủy ban dân sự nhằm thúc đẩy sự thay đổi cần thiết đối với nền chính trị khu vực, kể cả việc sửa đổi các hiệp ước. Ông hối thúc đàm phán một hiệp ước quốc phòng và an ninh mới, cũng như thiết lập hội đồng an ninh châu Âu với sự tham gia của Anh để thúc đẩy các sáng kiến quốc phòng tập thể.
Ngày 4/3, giới chức Mỹ cho biết nước này có ý định chấm dứt ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ theo chỉ thị của Tổng thống Donald Trump. USTR nêu rõ Ấn Độ đã triển khai nhiều rào cản thương mại, “gây ra những tác động tiêu cực và nghiêm trọng” đến hoạt động thương mại của Mỹ. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ “đã phát triển đầy đủ về mặt kinh tế”, do đó không còn nằm trong diện ưu đãi của GSP.  Ấn Độ là nước được hưởng ưu đãi nhiều nhất trên thế giới theo chương trình GSP. Nếu Mỹ chấm dứt cơ chế ưu đãi thuế quan đối với Ấn Độ, đây sẽ là biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với nước này kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức hồi năm 2017.
Hàng ngàn người Romania đã xuống đường biểu tình phản đối sắc lệnh cải cách tư pháp mà chính phủ nước này thông qua trung tuần tháng 2 vừa qua, yêu cầu cần có một hệ thống tư pháp độc lập. Cuộc biểu tình bùng phát từ tối 3/3 giờ địa phương. Dòng người biểu tình đã tràn xuống khắp các tuyến phố để thể hiện tình đoàn kết với các thẩm phán khi cho rằng Lệnh khẩn cấp số 7 được Chính phủ Romania thông qua mới đây cản trở hoạt động của họ. Tại thủ đô Bucharest và các thành phố khác trên khắp cả nước như Sibiu, Cluj, Constanta, Iasi, Timisoara..., đoàn người biểu tình yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Tudorel Toader từ chức, bãi bỏ lệnh khẩn cấp trên và giải thể cơ quan đặc biệt điều tra thẩm phán.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 4/3 thông báo bộ này đang áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm tránh vi phạm giới hạn về nợ công của chính phủ, song kêu gọi Quốc hội sớm nâng mức trần theo luật định. Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông đã yêu cầu ngừng đầu tư vào Quỹ Hưu trí và người khuyết tật dân sự (CSRDF) và ấn định thời gian tạm ngừng này kéo dài từ ngày 4/3 đến ngày 5/6 tới. Bộ trưởng Mnuchin kêu gọi Quốc hội bảo vệ uy tín và niềm tin vào nước Mỹ bằng cách tăng giới hạn nợ theo luật định "càng sớm càng tốt". Lời kêu gọi trên được đưa ra sau khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cũng lên tiếng hối thúc Quốc hội nước này hành động nhanh chóng nhằm ngăn chặn nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới này vỡ nợ trong bối cảnh việc đình chỉ áp dụng mức trần nợ công hoặc tăng trần nợ công hết hiệu lực từ ngày 1/3.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov nói rằng Moskva sẽ không bao giờ công nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân. Ông Antonov lưu ý rằng Nga hoan nghênh "tất cả những nỗ lực tích cực của chính quyền hiện tại" của Mỹ nhằm giải quyết vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. Vị đại sứ này cho rằng có lẽ trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai tại Hà Nội, Washington "muốn nhận được nhiều hơn." Ông Antonov cũng cho biết việc Nga phát triển các tên lửa mới là phản ứng trước quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) hồi năm 2002. Theo Đại sứ Antonov, Nga kêu gọi Mỹ quay trở lại các cuộc đàm phán về sự ổn định chiến lược và tất cả các đề xuất của Moskva vẫn còn hiệu lực.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện) Nga Viktor Bondarev cho rằng việc Nga đình chỉ tham gia Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) với Mỹ không có nghĩa Moskva từ bỏ. Theo ông Bondarev, có khả năng một phiên bản mới của Hiệp ước INF sẽ được thiết lập nếu có thêm nhiều nước tham gia thỏa thuận này. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành một sắc lệnh đình chỉ sự tham gia của Nga trong Hiệp ước INF với Mỹ. Sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho hay một chiến đấu cơ của không quân nước này ngày 4/3 đã bắn hạ một máy bay không người lái quân sự của Pakistan ở vùng Bikaner thuộc bang Rajasthan, gần khu vực biên giới giữa hai nước. Theo nguồn tin, chiếc máy bay của Pakistan bị một máy bay chiến đấu Sukhoi-30 của Ấn Độ bắn hạ bằng tên lửa đối không vào trưa cùng ngày, vài phút sau khi một trạm radar mặt đất phát hiện thiết bị trên. Đây là lần thứ 2 Pakistan được cho không thể đưa máy bay do thám vào Ấn Độ trong 6 ngày qua. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan đang ở mức cao sau khi không quân Ấn Độ không kích một trại huấn luyện khủng bố ở Balakot nằm sâu trong lãnh thổ Pakistan và hành động đáp trả sau đó của Islamabad.
Ngày 4/3, Nhà Trắng thông báo Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đề cử bà Dale Cabaniss, một quan chức đảng Cộng hòa lâu năm ở Washington, làm giám đốc nhân sự liên bang. Bà Cabaniss từng là chủ tịch của Cơ quan Quan hệ Lao động Liên bang dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush và đã làm việc về các vấn đề công vụ trong 20 năm tại Ủy ban phân bổ ngân sách thượng viện và Ủy ban về các vấn đề chính phủ và an ninh nội địa. Trong một diễn biến khác cùng ngày, Bộ trưởng Phát triển Nhà ở và Đô thị của Mỹ Ben Carson cho biết có khả năng ông sẽ rời chức vụ này vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump năm 2020.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm qua (4/3) cho biết, ông đang kỳ vọng, Mỹ sẽ cử một phái đoàn tới Triều Tiên trong những tuần tới sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai kết thúc mà không đạt được thỏa thuận. Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh, ông đang nỗ lực tìm ra những điểm chung mà Mỹ và Triều Tiên có cùng lợi ích. Trước đó, hôm 1/3 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng cho biết, Mỹ đang rất “nóng lòng trở lại bàn đàm phán” để tiếp tục đối thoại với Triều Tiên về những khúc mắc sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai tại Hà Nội.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 4/3 cho biết, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thăm Nga. Tuy nhiên, ông Peskov không tiết lộ thời điểm hoặc bất kỳ chi tiết nào khác liên quan đến chuyến thăm. Cũng trong ngày 4/3, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, các thành viên của một nhóm nghị sĩ có liên quan đến mối quan hệ Nga-Triều Tiên sẽ có chuyến thăm thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên ngày 12/4. Trong một diễn biến liên quan, Hàn Quốc mới đây đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán 3 bên bán chính thức với Mỹ và Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh, ưu tiên cao nhất của nước này hiện nay chính là ngăn không để các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đi chệch hướng.
Ngày 4/3, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước thông tin Trung Quốc tình nghi một nhà cựu ngoại giao Canada bị bắt trước đó tại Trung Quốc làm gián điệp và đánh cắp bí mật quốc gia. Tuyên bố của ông Trudeau có liên quan đến trường hợp của ông Michael Kovrig, người bị bắt giữ hồi tháng 12/2018 sau vụ việc Canada bắt giữ Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu. Ông Trudeau khẳng định sự an toàn và an ninh của công dân Canada là ưu tiên hàng đầu đối với chính phủ nước này. Trước đó, Trung Quốc cho rằng ông Kovrig đã tham gia hoạt động tình báo và đánh cắp bí mật quốc gia và doanh nhân Spavor là một trong những nguồn cung cấp tin tức tình báo quan trọng cho ông Kovrig.
Trong một báo cáo công bố ngày 4/3, Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) của Hàn Quốc cho biết số trường hợp vi phạm quy định về giao dịch ngoại hối tại nước này trong năm 2018 đã tăng 16% so với năm trước đó, đồng thời hối thúc các ngân hàng trong nước rà soát kỹ lưỡng các hoạt động giao dịch ngoại hối. Khoảng 55,1% trong số này liên quan đến hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài của các nhà đầu tư trong nước, và 15,7% số trường hợp liên quan đến đầu tư bất động sản. Nhằm khuyến khích việc tuân thủ các quy định về giao dịch ngoại hối, FSS cam kết thúc đẩy các nỗ lực nhằm nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm khai báo cũng như tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát đối với các giao dịch ngoại hối của các ngân hàng trong nước.
Tin Thể thao:
Tottenham đang rộng cửa vào tứ kết Champions League sau khi đã đánh bại Dortmund với tỷ số 3-0 ở lượt đi vòng 1/8. Trong buổi phỏng vấn mới đây, HLV Mauricio Pochettino khẳng định đội của ông đủ mạnh để lật đổ bất kỳ đối thủ nào tại đấu trường này.
Mới đây, Vua bóng đá Pele đã ủng hộ Liverpool lên ngôi vô địch Premier League mùa này. Tuy nhiên, điều đó lại khiến các CĐV của The Kop lo lắng bởi huyền thoại người Brazil đã rất nhiều lần dự đoán sai trong quá khứ. Mọi chuyện càng trở nên u ám hơn sau trận hòa không bàn thắng trước Everton hôm Chủ Nhật vừa qua. Lúc này, Liverpool đã tụt xuống vị trí thứ 2 và đang kém Man City 1 điểm.
Huyền thoại M.U, Rio Ferdinand, lo ngại Alexis Sanchez sẽ không thể cứu vãn được sự nghiệp tại M.U đồng thời khẳng định Ole Gunnar Solskjaer đã làm tất cả những gì có thể để giúp cầu thủ này tìm lại phong độ.
Trong bối cảnh Gareth Bale và tương lai của anh ở Real Madrid đang là dấu hỏi lớn và gần đây bị fan Real Madrid chỉ trích kịch liệt, mới đây người đại diện của Bale là Jonathan Barnett tiếp tục “đổ thêm dầu”. Trong cuộc phỏng vấn cho Sky Sports, Barnett khẳng định Bale sẽ không rời Real, nhưng đồng thời gọi fan Real “không khác gì một nỗi hổ thẹn của CLB này”.
Trung vệ Davinson Sanchez của Tottenham sẽ không bị FA trừng phạt sau khi anh này được cho là có hành vi dùng chân đạp vào đầu gối của Laurent Koscielny khi hai người này va chạm với nhau và ngã ra ở phút bù giờ trận Tottenham – Arsenal.
Chủ tịch CLB Frankfurt Fredi Bobic cho biết CLB ở Bundesliga này sẽ mua đứt tiền đạo Luka Jovic từ Benfica với giá chưa đến 7 triệu euro. Jovic đã ghi 15 bàn mùa này và ngang bằng Robert Lewandowski trong cuộc đua Vua phá lưới Bundesliga. Anh đang được cả Barcelona và Man City quan tâm nên Frankfurt định mua rẻ để bán đắt Jovic kiếm lời.
Trong trận thua 0-1 của Real Madrid trước Barca, Bale phải rời sân ở phút 61 để nhường chỗ cho Marco Asensio và anh đã bị các CĐV trên khán đài huýt sáo, la ó. Chứng kiến những gì thân chủ của mình gặp phải, người đại diện Jonathan Barnett đã vô cùng tức giận và lên án các CĐV của Real.
Tờ Marca cho biết Barca đang phải đối mặt với quyết định có nên gia hạn hợp đồng với Ivan Rakitic hay không. Tiền vệ người Croatia thực tế đã được đề nghị một hợp đồng mới sau World Cup 2018 nhưng mọi chuyện đã bị trì hoãn vì quỹ lương của CLB đang quá cao. HLV Ernesto Valverde rất muốn giữ Rakitic ở lại. Tuy nhiên, trước sự quan tâm của PSG, ban lãnh đạo Barca có thể sẽ để anh ra đi để mở đường cho sự xuất hiện của Frenkie de Jong và có thể là cả Adrien Rabiot trong tương lai.
Tay đua F1 người Ba Lan Robert Kubica sắp thực hiện một màn tái xuất có một không hai trong lịch sử giải đua công thức 1. Ở tuổi 34, Kubica từng phải trải qua 20 ca phẫu thuật sau chấn thương kinh hoàng suýt cướp đi mạng sống vào tháng 2/2011. Dự kiến Kubica sẽ có màn tái xuất tại Australian Grand Prix sắp tới.
Võ sĩ vô địch quyền anh hạng nặng thế giới Anthony Joshua đã gặp phải sự phản đối từ một tổ chức giúp đỡ nạn nhân bị hiếp dâm tại Anh, sau tuyên bố ngưỡng mộ Ronaldo về việc vẫn mỉm cười trong khi đối mặt cáo buộc hiếp dâm và trốn thuế. Tổ chức này cho rằng phát ngôn của Joshua là "không phù hợp, vô cảm và thiếu tôn trọng".
Nguy cơ "ác mộng" chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan hiện hữu
Cộng đồng quốc tế đang lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc xung đột lớn, vượt tầm kiểm soát giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Ấn Độ và Pakistan luôn trong tình trạng đối đầu suốt nhiều thập qua liên quan đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Giờ đây, căng thẳng lại bị đẩy lên một nấc thang mới khiến thế giới lo ngại nguy cơ xảy ra cuộc xung đột lớn, vượt tầm kiểm soát giữa hai quốc gia đều sở hữu vũ khí hạt nhân này.
Sau 70 năm, xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan không có dấu hiệu chững lại. Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng là tranh chấp tại khu vực Kashmir – nơi mà cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố chủ quyền. Trong lịch sử, đã có 3 cuộc chiến lớn và một cuộc chiến nhỏ xảy ra giữa New Delhi và Islamabad tại khu vực này. Ngày nay Đường ranh giới kiểm soát (LoC) - đường phân định giữa hai vùng do Ấn Độ và Pakistan kiểm soát ở khu vực tranh chấp Kashmir luôn được quân đội hai nước canh phòng nghiêm ngặt, tuy nhiên nơi đây cũng thường xuyên xảy ra các vụ tấn công khủng bố nhằm phá hoại hòa bình.
Căng thẳng leo thang hôm 14/2 sau khi phiến quân Jaish-e-Mohammed (JeM) tiến hành cuộc tấn công liều chết vào căn cứ quân đội Ấn Độ ở Pulwama, thuộc vùng tranh chấp Kashmir khiến 44 binh sĩ thiệt mạng. Đây là một trong những tổn thất lớn nhất của quân đội Ấn Độ trong nhiều thập niên qua do phiến quân gây ra. Sự kiện ngay lập tức kích hoạt làn sóng phẫn nộ từ phía Ấn Độ, khiến Thủ tướng Modi đối mặt với sức ép phải hành động cứng rắn hơn. Đến ngày 26/2, Không quân Ấn Độ không kích căn cứ của JeM ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa Pakistan, đánh dấu cuộc không kích đầu tiên của Ấn Độ vào lãnh thổ Pakistan kể từ năm 1971.
Pakistan sau đó khẳng định Ấn Độ đã bắn qua Đường ranh giới kiểm soát chia cắt hai khu vực Kashmir, làm 6 thường dân thiệt mạng. Lực lượng quân sự hai bên đã giao tranh ở khoảng một chục địa điểm biên giới trong những ngày gần đây. Quân đội Pakistan tuyên bố đã bắn hạ 2 máy bay Ấn Độ, còn Ấn Độ thì tuyên bố 1 tiêm kích F-16 của Pakistan cũng bị họ bắn hạ trong một trận không chiến quần vòng.
Vì sao xung đột trở nên nghiêm trọng?
Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan không phải là mới. Tuy nhiên, điều khiến cuộc xung đột này trở nên khác biệt là lần đầu tiên kể từ năm 1971, Ấn Độ và Pakistan tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ của nhau.
Tờ Aljazeera cho rằng, lý do dẫn đến đòn phản công “mạnh tay” của Ấn Độ có thể một phần do ảnh hưởng của các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại quốc gia này còn Pakistan thì không muốn bị mất mặt, và Islamabad muốn đảm bảo rằng những cuộc tấn công như vậy từ phía New Dehli sẽ không “trở thành thông lệ” trong tương lai.
Các hành động đáp trả lẫn nhau giữa hai nước thời điểm này được coi là sự leo thang quân sự nghiêm trọng nhất trong gần 2 thập kỷ qua, kể từ cuộc khủng hoảng Kargil, song nguy hiểm hơn nó diễn ra vào đúng mùa bầu cử tại Ấn Độ, khi Thủ tướng Narendra Modi muốn tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai.
Bởi chính phủ của ông Modi đã liên tục đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề an ninh nên không thể không sử dụng vũ lực đáp trả cuộc tấn công 14/2 tại Pulwama. Hơn nữa, ông Modi cũng muốn tận dụng cơ hội này để lấy lại tín nhiệm khi đảng cầm quyền Bharatiya Janata (BJP) của ông đã không được lòng cử tri suốt một năm qua, cùng với đó là sức ép từ phe đối lập kêu gọi chính phủ cầm quyền phải có hành động đáp trả cứng rắn. Theo giới phân tích, cuộc tấn công tại Pulwama có thể là cơ hội để Thủ tướng Modi ghi điểm trước cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 5/2019, nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi khi làm leo thang xung đột giữa Ấn Độ với Pakistan.  
Về phía Pakistan, tân Thủ tướng Imran Khan là người nhận được hậu thuẫn của lực lượng quân đội hùng mạnh. Ông Khan muốn chứng tỏ rằng chính quyền của ông có thể trụ vững trước Ấn Độ, ngay cả khi Pakistan đang tìm kiếm gói cứu trợ về kinh tế từ phía Saudi Arabia và Trung Quốc. Đối với Thủ tướng Imran Khan, việc không đáp trả các đợt tấn công từ phía Ấn Độ sẽ bị coi là “sự thất thế về mặt chính trị” còn đối với quân đội Pakistan, việc thiếu phản ứng sẽ là sự “mất thể diện”, làm xói mòn tinh thần chiến đấu họ.
Sẽ là cơn ác mộng nếu chiến tranh xảy ra?
Ấn Độ và Pakistan, mỗi nước được cho là sở hữu hơn 100 đầu đạn hạt nhân. Hai quốc gia này từng thử nghiệm vũ khí nguyên tử và tên lửa mang khả năng hạt nhân. Điều đó cho thấy một trong hai phía có thể phát động cuộc tấn công hạt nhân bất cứ khi nào cần thiết. Ông Ankit Panda, một thành viên cấp cao tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ tại Washington D.C nhận định: “Điều quan trọng cần phải hiểu ở đây là cả Ấn Độ và Pakistan đều dễ tổn thương trước năng lực hạt nhân của nhau. Một cuộc chiến tranh hạt nhân trong khu vực Nam Á nếu xảy ra sẽ rất thảm khốc. Họ có thể tấn công vào các trung tâm đô thị chính của nhau”.
Theo Hiệp hội các nhà khoa học hạt nhân (Bullentin of Nuclear Scientists), một cuộc chiến hạt nhân giữa Pakistan và Ấn Độ hoặc thậm chí “chỉ là cuộc tấn công vào thành phố lớn sử dụng vũ khí hạt nhân” sẽ để lại hậu quả thảm khốc và gây chấn động trên toàn thế giới. Hiệp hội này đã mô tả nguy cơ xảy ra “cuộc chiến hạt nhân trên toàn cầu” bằng cụm từ “đồng hồ điểm ngày tận thế”. Họ cho biết, Pakistan mất chưa tới 4 phút để phóng một tên lửa tấn công vào lãnh thổ Ấn Độ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu 100 quả bom nguyên tử có sức công phá lớn như vụ nổ hạt nhân Hiroshima bị thả xuống các thành phố của Ấn Độ và Pakistan? 20 triệu người sẽ thiệt mạng và phóng xạ lan tràn ra khắp nơi, bão lửa sẽ hình thành, giải phóng một lượng lớn khói bụi độc hại vào bầu khí quyển. Điều này sẽ làm giảm 10% lượng mưa toàn cầu và giảm nhiệt độ đột ngột. Cây trồng sẽ không thể phát triển được khi khói bụi che lấp ánh sáng mặt trời. Khí hậu có thể bị ảnh hưởng trong ít nhất một thập kỷ, hoặc lâu hơn. Hậu quả rất tàn khốc. Các chuyên gia của Đại học Tổng hợp Rutgers, Mỹ, ước tính hơn 2 tỷ người có nguy cơ chết đói.
Con đường nào dẫn tới hòa bình?
Pakistan ngày 1/3 đã tuyên bố thả phi công của Ấn Độ bị bắt ngày 27/2 như một cử chỉ hòa bình. Thủ tướng nước này Imran Khan cũng kêu gọi Ấn Độ giải quyết mọi vấn đề thông qua đối thoại. Trong bài phát biểu trên truyền hình ông nêu rõ: “Tất cả các cuộc chiến lớn xảy ra đều do tính toán sai lầm. Câu hỏi của tôi đưa ra cho phía Ấn Độ là với những loại vũ khí chúng ta có, liệu chúng ta có dám đưa ra những tính toán sai lầm hay không?” Chuyên gia Sreeram Chaulia, nghiên cứu các vấn đề quốc tế tại Đại học O.P. Jindal Global, Ấn Độ, dự đoán xung đột quân sự sẽ sớm lắng xuống. Nhưng ông cũng lo ngại các nhóm phiến quân được cho là do Pakistan hậu thuẫn sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công vào Ấn Độ.
Theo một số nhà phân tích, để tiến trình hòa bình diễn ra, các nhà lãnh đạo của cả hai nước cần phải thay đổi trọng tâm đối thoại, tập trung vào vấn đề kinh tế và xã hội thay vì quan tâm nhiều đến tranh chấp tại khu vực Kashmir. Khi đó tình hình căng thẳng có thể dần hạ nhiệt.
Vậy cộng đồng quốc tế có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ chiến tranh bùng phát giữa hai quốc gia này? Trong quá khứ, Ấn Độ và Pakistan đã từng đề nghị Mỹ, Trung Quốc và Nga giúp đỡ về ngoại giao. Do đó, các quốc gia này có thể xúc tiến những nỗ lực ngoại giao giúp hai bên giải quyết các xung đột bằng con đường hòa bình. Tuy nhiên, việc tìm kiếm giải pháp vẫn phụ thuộc phần lớn vào chính phủ Ấn Độ và Pakistan. Nếu hai bên không thu hẹp được bất đồng thì sẽ dễ rơi vào cuộc chiến tranh hạt nhân mà hậu quả còn vượt ra ngoài lãnh thổ của cả Ấn Độ và Pakistan.
Tỷ giá đô la Úc so với đồng đô la Mỹ USD ngày 04/03/2019 là 1 AUD = 0.708 USD.
Tỷ giá đô la Úc so với Việt Nam Đồng ngày 04/03/2019 là 1 AUD = 16,413 VND.
Theo Trung tâm dự báo thời tiết, thứ Ba tại Sài Gòn, nhiều mây, không mưa, trời nắng. Nhiệt độ dao động từ 23 đến 33 độ.
Tại Hà Nội, nhiều mây, có mưa, mưa rào, trời se lạnh. Nhiệt độ dao động từ 21 đến 24 độ.
Tại Adelaide, trời có mây rải rác, gió di chuyển với vận tốc từ 15-30km/h. Nhiệt độ dao động từ 14 đến 20 độ.
Tại Brisbane, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, buổi chiều có thể có bão, gió nhẹ. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 31 độ.
Tại Sydney, trời có mây rải rác, chiều tối có thể có mưa rào hoặc bão, gió di chuyển với vận tốc từ 15-35km/h. Nhiệt độ dao động từ 22 đến 31 độ.
Tại Melbourne, trời có mây rải rác, trong ngày có thể có mưa rào, buổi chiều có thể có mưa đá ở khu vực phía Đông Nam, gió di chuyển với vận tốc từ 20-35km/h . Nhiệt độ dao động từ 13 đến 20 độ.

Hoàng Yến - Kim Phụng

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.