Venezuela: Lật đổ Maduro, một ván cờ « khó » đối với Mỹ
Giới hoạt động nhân quyền và chống chiến tranh biểu tình trước Nhà Trắng phản đối Mỹ can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Venezuela, Washington, ngày 26/01/2019REUTERS/Joshua Roberts
Venezuela đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội và nhân đạo lớn chưa từng có. Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ phe đối lập và khẳng định không loại trừ khả năng can thiệp quân sự để lật đổ chế độ « độc tài » tổng thống Maduro. Giới chuyên gia cho rằng tuy Hoa Kỳ trong thế mạnh, nhưng đây chưa hẳn là một ván cờ dễ cho chính quyền Washington.
Lạm phát kỷ lục, khan hiếm lương thực và thuốc men… đẩy hàng triệu người bỏ xứ tha hương. Câu hỏi đặt ra : Với một bản tổng kết u ám như thế làm thế nào « nhà độc tài » vẫn có thể duy trì quyền lực ? Liệu tổng thống Mỹ Donald Trump có thể can thiệp quân sự để lật đổ chế độ « bạo chúa » như đánh giá của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton ?
Tuần san L’Express của Pháp khẳng định Hoa Kỳ khó có thể dùng giải pháp quân sự với Venezuela. Nhìn từ phía Venezuela, tâm lý chống Mỹ vẫn còn cao. Washington chưa thật sự có được sự ủng hộ hoàn toàn của người dân Venezuela. Những người ủng hộ chế độ Maduro chỉ trích Hoa Kỳ và phương Tây can thiệp vào chuyện nội bộ và ủng hộ đảo chính.
Trên bình diện quốc tế, chế độ Maduro được Nga và Trung Quốc « chống lưng ». Tuy nhiên, theo giới quan sát, Cuba mới chính là rào cản lớn nhất, gây khó khăn cho chiến lược của Hoa Kỳ trong hồ sơ Venezuela. L’Express nêu lên ba lý do chính.
Thứ nhất, Cuba khống chế toàn bộ quân đội Venezuela. Các sĩ quan cao cấp của nước này, do bộ chỉ huy Cuba điều khiển, được hưởng những đặc quyền đặc lợi, trong khi các hàng sĩ quan cấp thấp, binh sĩ chịu các áp lực dưới hình thức các kiểu đe dọa trá hình nhắm vào gia đình họ.
Theo các nguồn tin lưu hành trên các trang mạng xã hội của phe đối lập, nhiều sĩ quan cao cấp Cuba hiện diện trong quân đội Venezuela: hai tướng, bốn đại tá, tám trung tá, sáu đại úy, 25 sĩ quan cấp úy và 4.500 binh sĩ bộ binh mặc quân phục Venezuela được phân bổ rải rác trong 9 sư đoàn.
Hơn nữa, Cuba thâm nhập sâu trong đời sống chính trị Venezuela. Ngay những ngày đầu lên cầm quyền, cố tổng thống Hugo Chavez đã áp dụng ngay sách lược của Cuba : Kiểm soát chính phủ, Sửa đổi Hiến Pháp, Vô hiệu hóa các định chế, Tống khứ các lực lượng đối lập bằng cách buộc họ phải đi tị nạn và cuối cùng, làm cho cuộc sống những ai ở lại trở nên ngột ngạt nhằm bóp nghẹt ngay từ trong trứng nước mọi mầm mống phản đối.
Thứ hai, cùng với thời gian, Venezuela trở thành một điểm trung chuyển ma túy Colombia nhờ vào băng đảng Los Soles. Một băng đảng bao gồm các sĩ quan cao cấp, có quan hệ mật thiết các sĩ quan Venezuela do nhân vật số hai chính phủ kiểm soát. Đây chính là một trong những nguồn thu béo bở cho quân đội.
Thứ ba, dưới sự chỉ đạo từ xa của Cuba, Venezuela dần dần đi ra khỏi quỹ đạo của phương Tây. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của Nga tại đất nước châu Mỹ Latinh này ngày càng lớn. Theo giải thích của sử gia Olivier Compagnon, giám đốc Viện Nghiên Cứu Châu Mỹ Latinh, trên đài RFI, một mặt Nga là chủ nợ thứ hai của Venezuela, đứng sau Trung Quốc. Mặt khác, Venezuela là một lá bài địa chính trị để Nga làm đối trọng với thế bá quyền của Mỹ trên thế giới.
Đó là chưa tính đến sự ủng hộ của nhiều nước khác đối với Venezuela như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Bolivia, Nicaragua hay như Lực lượng quân đội Cách mạng Colombia (Farc), những đối tác chiến lược chính của chính quyền Caracas.
Tóm lại, trong ván cờ này, tuy Cuba chật vật tìm cách cứu đồng minh, Hoa Kỳ trong thế thượng phong, nhưng mong muốn của Donald Trump đánh đuổi « bạo chúa » Nicolas Maduro cũng không dễ gì thực hiện
0 comments