Trà hương dũng khí
Đỗ Trường (Danlambao) – Trời đã lập xuân, vậy mà gió bấc vẫn như những ngọn roi quất vào mặt người. Màn đêm đổ xuống thật nhanh. Bãi ven sông làng Trà Hương, Khúc Giang ánh đuốc bừng lên. Tiếng va chạm binh khí, tiếng reo hò của các binh sĩ vang cả một khúc sông. Từ trong bóng tối, tiếng vó ngựa dồn dập, thấp thoáng lao nhanh về phía trung quân. Nhận ra Mạc Hiển, anh em Phạm Hạp và Phạm Cự Lạng chống đao, hét binh sĩ ngừng tập. Chắc chắn có việc cần kíp, Lạng vội đỡ Hiển xuống ngựa. Lạng chưa hỏi, Hiển đã bảo, có thư khẩn của Sứ quân Phạm Bạch Hổ và Đinh Bộ Lĩnh. Hiện Sứ quân đã về với Lĩnh, hợp binh ở Hoa Lư Động. Theo sự tiến cử của Sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh mời Trà Hương tướng sĩ chúng ta về Hoa Lư cùng mưu nghiệp lớn.
Mạc Hiển vừa dứt lời, Phạm Cự Lạng chợt thốt lên: Sứ quân Phạm Bạch Hổ, chú ta? Rồi cầm thư, nhưng không mở, đưa cho Phạm Hạp. Đọc xong, Hạp quay sang hỏi Hiển: Ý chú thế nào?
Mạc Hiển sinh năm 944, cùng tuổi Phạm Cự Lạng, người Long Động. Cha mất sớm, do vậy, gia cảnh nghèo khó. Năm bảy tuổi bị đậu mùa, thoát chết, nhưng đôi chân teo tóp đi lại rất khó khăn. Cùng năm ấy, Hiển may mắn được Tham chính đô đốc Phạm Mạn, cha của Hạp và Lạng đưa về chữa trị, nuôi dưỡng. Tuy không nhận con nuôi, nhưng Phạm Mạn rất yêu mến Hiển. Khỏi bệnh, Hiển được Phạm Mạn cho đi học cùng Phạm Cự Lạng. Với đôi chân không thể tập luyện võ nghệ, nhưng Hiển sáng dạ, chăm chỉ học hành, thông tuệ binh pháp và mưu lược. Hiện đang là mưu sĩ cho Trà Hương Nghĩa Quân.
Thấy Phạm Hạp hỏi, Hiển đưa mắt nhìn Lạng, rồi trả lời:
- Nhiều lần tiểu đệ đã cùng Phạm Cự Lạng đàm luận về Hoa Lư Động. Có thể nói, Đinh Bộ Lĩnh là người có trí dũng, qui tụ được nhiều nhân sĩ, tướng tài, nghiệp lớn có thể sẽ thành. Có lẽ, cũng nhận ra điều đó, và để tránh đổ máu, nên Phạm Sứ Quân đã về với Lĩnh. Nếu coi đây là một thời cơ, chúng ta cũng nên thuận theo ý Trời chăng?
Hạp gật gù:
- Suy nghĩ của các chú cũng trùng hợp với ý ta, tuy nhiên còn một số việc cần phải làm rõ. Cho quân sĩ về nghỉ ngơi, đêm nay chúng ta luận bàn tiếp.
Mạn đàm, cân nhắc trắng đêm, Phạm Hạp, và Phạm Cự Lạng cũng đi đến đồng thuận, để Mạc Hiển viết thư trả lời Đinh Bộ Lĩnh, hẹn ngày mang quân nhập vào Hoa Lư Động…
Đầu hè, năm 966, Tham chính đô đốc Phạm Mạn bệnh còn khá nặng, nhưng vẫn gượng dậy đưa tiễn. Thấy vậy, bọn Hạp, Lạng, Hiển chùng chình chưa chịu xuất binh. Phạm Mạn nắm tay từng người căn dặn:
- Vài ngày nữa, ta sẽ khỏe lại thôi. Các con yên tâm, lên đường cho sớm. Nhắn chú Phạm Bạch Hổ xong việc về ngay quê dưỡng già, ta chờ đó…
Đinh Bộ Lĩnh được tin anh em Hạp, Lạng đã sang sông mừng lắm, vội dẫn bọn Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Bạch Hổ…ra đón. Nhìn Hạp, Lạng dáng vóc vạm vỡ, hiên ngang, quân lính kỷ cương, chỉnh tề, Đinh Bộ Lĩnh nghiêng người xá tạ Phạm Bạch Hổ: Không có lời giới thiệu của ông làm sao Hoa Lư Động ta có những dũng tướng, và binh sĩ như thế này.
Bữa tiệc chào đón Trà Hương Nghĩa Sĩ chưa tàn, chợt lính vệ vào báo, Đinh Liễn đi mộ quân ở Ái Châu đã trở về, và còn thu phục thêm Lê Hoàn, một người tinh thông binh pháp, võ nghệ cao cường. Thêm tin vui này, không chỉ làm cho Đinh Bộ Lĩnh ánh mắt long lanh, thêm phần phấn kích, mà cả Hoa Lư Động hồ hởi, reo vang cả núi rừng.
Tiếp thêm vài tuần rượu, Đinh Bộ Lĩnh bảo Phạm Hạp: Ông sẽ lĩnh ấn tiên phong cùng ta đi đánh, và thu phục các sứ quân còn lại… Rồi Lĩnh quay sang hỏi Phạm Cự Lạng:
– Ta muốn ông lãnh chức Phòng Ngự sứ Tiên phong Tướng quân ra trấn giữ cửa biển Đại Ác. Đây là công việc rất hệ trọng, bởi một số bộ hạ cũ của Sứ quân Trần Lãm không chịu qui phục ta. Hiện chúng liên kết với bọn ngoại bang phá phách, cướp bóc dọc cửa Đại Ác cho đến Bố Hải Khẩu. Ông ổn định vùng này, và giúp dân cải tạo đất đai trồng trọt. Từ đây, đường giao thông thủy, bộ rất thuận tiện việc tiếp ứng và vận chuyển quân lương cho cuộc dẹp loạn, thống nhất giang sơn của chúng ta. Ý ông thế nào?
Lạng dường như không đắn đo suy nghĩ, vui vẻ trả lời ngay:
- Tôi tuân theo sự sắp đặt của Chủ tướng.
Lĩnh vỗ vai Lạng cười ha hả:
- Có ông ở đó thì ta yên tâm rồi. Binh sĩ án ngữ ở đó không nhiều, nhưng đều đã quen thủy chiến, tuy nhiên, nếu muốn ông có thể đem theo toàn bộ Trà Hương Nghĩa Sĩ. Bởi, việc rất cần kíp, ông nên xuất binh trong một, vài ngày tới…
Vượt qua sông Đáy trời đã xế chiều, nơi hạ trại còn cách không xa, Phạm Cự Lạng xuống ngựa, đi bộ. Lùi sâu vào bên trong con đường tạm, thấp thoáng ngôi miếu chơ vơ nằm giữa bãi lầy sú vẹt cao ngút đầu người. Lạng hơi chạnh lòng, quay sang Mạc Hiển: Nơi đây là miếu thờ cha con Triệu Việt Vương chăng? Hiển bảo: Có lẽ vậy. Bất chợt Lạng thở dài, và lẩm bẩm: Cũng bởi, cái sự cả tin nên Việt Vương mới bị Lý Phật Tử đánh úp, truy đuổi, đến đúng cửa biển Đại Ác này thì cùng đường, ngài và con gái nhảy xuống biển, tuẫn tiết.
Rồi cả hai cùng lặng nhìn, xót thương cho một bậc Đế Vương. Người đã từng đánh bại giặc Lương bảo vệ nền độc lập cho Vạn Xuân. Lúc sau, người lính hướng đạo quay lại, xác nhận đúng là miếu thờ cha con Triệu Việt Vương, do người dân quanh vùng dựng lên từ mấy trăm năm trước. Nhưng ở đây dân cư thưa thớt, giặc cướp hoành hành, nên ít được quan tâm, chăm sóc.
Truyền cho quân sĩ dừng lại, nghỉ ngơi, Lạng cùng Hiển vén quần, lội vào đền, tự tay sửa sang, và hương khói…
Mùa này, biển thật hiền hòa. Ngoài kia, những con sóng như đang rút ruột tạc lên nền trời một màu xanh thăm thẳm. Đi thị sát về, Lạng ngồi tựa lưng vào kè đá, trầm ngâm nhìn ra biển: “Biển càng yên, thì bọn cướp Hồ Cương càng ranh ma và tàn bạo“. Câu nói của lão tướng Trần Doanh Nghị, càng làm cho Lạng quyết tâm tiêu diệt nhanh bọn cướp này. Khi những tia nắng cuối ngày đã lặn sâu xuống lòng biển, bầu trời thẫm lại, Lạng đứng dậy, quay về trại. Qua thư phòng, thấy Mạc Hiển đang cặm cụi ngồi kẻ vẽ gì đó, Lạng định quay ra. Nghe tiếng chân người, Hiển ngẩng lên, và vội đứng dậy kéo Lạng vào:
- Mỗ tôi cũng đang định đi tìm Tướng quân.
Lượng hỏi:
- Có phải về vấn đề đóng thuyền chiến không?
- Sao Tướng quân biết?
- Sau lần thị sát vừa rồi, ta có ý nghĩ đó. Nếu chúng ta có suy nghĩ trùng nhau, thì chẳng phải hợp lý, và vui lắm sao.
Hiển cười, và cầm bản vẽ đưa cho Lạng:
- Đúng vậy, chúng ta có bờ biển dài, đường sông sâu dày đặc, nhưng trang bị, phòng thủ rất yếu. Chưa nói đến chiến tranh trên biển, mà chỉ có một băng cướp biển Hồ Cương, mãi chưa triệt được tận gốc. Cũng bởi, thuyền của chúng ta quá nhỏ khi truy quét giặc trên sông và biển. Đây là mẫu thuyền chiến, mỗ tôi đã nghiên cứu từ lâu, và nếu cần có thể dùng cho cả vận tải. Được biết, trong quân doanh của chúng ta có nhiều tay thợ đóng thuyền tài hoa, lành nghề.
- Được, ông cứ lo bãi xưởng và chọn thợ. Ta báo ngay về Hoa Lư và cho người vận chuyển gỗ lạt. Mà này, về thân thế tên Hồ Cương, hồ sơ có trong văn khố ở Bố Hải Khẩu, chắc sáng qua ông đã đọc?
- Vâng, đã đọc: Hồ Cương người Sa Nam thuộc Hoan Châu. Từ nhỏ, Cương đã lêu lổng, học thói lưu manh. Cũng may, Hồ Mầu, cha hắn nổi danh hay chữ, là bộ hạ của Sứ quân Trần Lãm, nên đưa hắn vào hỏa đầu quân. Năm 960 Hồ Mầu say rượu đánh chết người. Vì thế, Mầu thay tên, đổi họ trốn vào đất phương Nam, thuộc người Chân Lạp, hành nghề lang vườn và bán thuốc dạo. Từ đó, Hồ Cương hết đất sống, nên cũng vượt biển sang đảo Châu Nhai. Lúc đầu Hồ Cương nhập vào Mani giáo (Minh giáo). Sau đó hắn tách ra, và biến tướng thành đảng cướp, giết người hoành hành từ đảo Châu Nhai về cửa Bố, đến cửa Đại Ác và xuống tận Thần Đầu. Đã đụng độ nhiều lần, Hồ Cương và đồng bọn đã làm cho ta thiệt hại khá nặng nề. Bởi, sự ma mãnh dùng Tôn giáo lừa lọc, mê hoặc, dựa vào một số người dân cuồng tín làm tai mắt, tuyên truyền. Cùng với thuyền lớn, tốc độ, xuất hiện bất ngờ, và khi bị truy đuổi, chúng chống trả quyết liệt.
Lạng nổi giận, cắt ngang lời Hiển:
- Ông tập trung sinh lực đóng ngay một chiến thuyền lớn. Ta quyết định, chỉ một trận, cửa Đại Ác sẽ là nơi chôn thây của bọn bất lương rước giặc vào nhà này…
Mùa này, biển thường động, và có những cơn bão quét dài. Vậy mà năm nay dường như biển yên, sóng lặng một cách lạ thường. Trăng trung tuần tháng tám vẫn tròn vành vạnh. Phạm Cự Lạng ngồi trên chiến thuyền Mạc Hiển vừa cho hạ thủy, ngắm trăng treo trên biển. Không nói, nhưng niềm vui đã hằn rõ trên nét mặt Lạng. Bất chợt, thám mã về báo, băng đảng Hồ Cương vừa cướp bóc ở Bố Hạ Khẩu, đang trên đường xuống cửa Đại Ác. Lạng cho thuyền quay về trại, bố trí phục binh. Canh ba, thuyền của Cương đến cửa biển. Chờ cho chúng lọt sâu vào sông Đáy, Lạng ra lệnh dàn thuyền chặn ngang cửa sông. Tiếng hò reo, với rừng đuốc sáng rực cả khúc sông. Bị bất ngờ, nhưng băng đảng Hồ Cương vẫn tỏ vẻ khinh mạn, coi thường, gìm thuyền lại giữa sông. Khi quay người lại, thấy một chiến thuyền lừng lững tiến tới, một tướng oai phong lẫm liệt đứng trên đầu mũi, Cương mới giật mình hoảng sợ, ra lệnh quay thuyền, lao ra hướng biển. Nhưng thuyền lớn của Phạm Cự Lạng đã đối đầu. Cửa biển bị khóa chặt. Không lối thoát, Cương gào thét đồng đảng và dùng giáo dài đâm thẳng. Lạng né người, bắt được giáo, nhảy sang thuyền, rút kiếm ngắn chém xả bả vai Cương. Chạy được vài bước, Cương đổ gục xuống sàn. Vài tên định cầm giáo xông lên, nhưng binh lính đã tràn cả sang thuyền. Chúng hoảng sợ, bỏ giáo, nhảy cả xuống sông trốn chạy, tuy nhiên đến canh 5 đều bị bắt lại. Ngay trưa hôm đó, Hồ Cương và 18 tên đồng đảng phải đền tội, bị chém đầu giữa chợ, trong tiếng reo hò vui mừng của dân chúng.
Mùa hè 967 dân vùng châu thổ đã an cư, và Phạm Cự Lạng khơi thông con đường vận tải quân lương dọc theo sông Đáy, sông Nhị cho cuộc chiến thu phục các sứ quân còn lại. Sau khi chiếm được Tây Phủ Liệt, giết được Nguyễn Siêu, Đinh Bộ Lĩnh bảo Lạng:
- Cũng như hai người em, Tiên Du Nguyễn Thủ Thiệp, Tây Phủ Liệt Nguyễn Siêu, Nguyễn Khoan ở Tam Đái có trí dũng, được lòng dân. Do vậy, thu phục hắn vào cuối thu này, ta và Phạm Hạp rất cần sự giúp sức của ông…
Đúng hẹn, mấy tháng sau, khi hợp binh với Đinh Bộ Lĩnh và Phạm Hạp ở Tam Đái, thấy đất đai trù phú, dân cư đông đúc ấm no, thanh bình, Phạm Cự Lạng nói với Đinh Bộ Lĩnh:
- Nguyễn Khoan là bậc kỳ tài, không chỉ giỏi võ nghệ, mà còn về quản hạt và phát triển kinh tài. Cho nên, trận này Chủ tướng để cho Khoan một con đường sống, sau này có thể rất hữu ích trong việc chấn hưng đất nước.
Lĩnh cười khà khà, bảo:
– Ý ông rất hợp với suy nghĩ của ta. Thế nhưng, binh lực của Khoan rất mạnh, chiêu hàng không thể được. Đánh giết thì không khó, nhưng làm thế nào ta có thể bắt sống được hắn?
Im lặng, và một khắc trôi qua, Mạc Hiển mới lên tiếng:
- Mỗ tôi đã có cách bắt sống Khoan.
Lĩnh mừng lắm, chộp hỏi:
- Như thế nào, xin Mạc mưu sĩ cứ nói.
- Quân do thám hồi báo, hiện nay Khoan đang cố thủ ở Biện Sơn. Và trại Đồng Đậu do hai viên tùy tướng trấn giữ. Cự Lạng tướng quân sẽ thống lĩnh cả binh sĩ của Tướng quân Phạm Hạp, đánh thẳng vào Biện Sơn. Tuy vây hãm, nhưng vẫn chừa cho Khoan một lối thoát. Nghe tin, Biện Sơn bị vây hãm, chắc chắn quân ở Đồng Đậu chia binh ra ứng cứu. Đinh chủ tướng chỉ cần đem quân chặn đường tiếp ứng của cánh quân này, và không cần vây đánh Đồng Đậu. Bởi, Biện Sơn mất thì Đồng Đậu tự khắc mất, hoặc tan rã theo. Dù Khoan đã phòng bị, nhưng tuổi đã qúa lục tuần, và không có quân ứng cứu, chắc chắn trong vòng ba ngày, thành Biện Sơn sẽ vỡ. Khoan buộc phải dẫn vài ba thủ hạ thân tín tìm đường trốn chạy. Đồng Đậu không thể về, nơi duy nhất Khoan có thể đến là Tiên Du với người em kế Sứ quân Nguyễn Thủ Thiệp. Do vậy, Tướng quân Phạm Hạp dẫn vài chục kỵ binh, phục sẵn ở đường đi Tiên Du, chắc chắn tóm được Khoan.
Lĩnh ngồi trên lưng ngựa, vỗ đùi đen đét: Diệu kế, diệu kế.
Và đúng như dự đoán của Hiển, chưa đến ba ngày, Hạp đã bắt sống Khoan trên đường trốn chạy…
Năm Mậu Thìn 968, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp, thu phục xong 12 sứ quân, và lên ngôi Hoàng Đế, lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Triều đình luận công ban thưởng từng người, các tướng được gia phong chức tước. Phòng Ngự sứ Tiên phong Tướng quân Phạm Cự Lạng, chuyển về chỉ huy thị vệ nội cung. Mạc Hiển từ chối chức tước vua ban, xin ở lại Cửa Đại Ác trông coi, mở mang thái ấp, công việc Phạm Cự Lạng đang làm dở dang.
Chiều. Con nước đã lên đầy, rót sang cả bên kia của vách đá, sông Đại Hoàng như tách đôi dòng chảy. Gió thổi vào hang núi giữa lòng sông, u oa như tiếng sáo diều xa vọng lại. Thuyền rẽ ngang dòng nước, mạn áp vào bờ. Bộ Lĩnh lặng lẽ, trèo ngược lên con đường tắt để xuống Thung Lau. Hình như, lúc nào trong lòng bất ổn, ông lại trở về nơi này. Mang suy nghĩ ấy, Phạm Cự Lạng vượt lên hỏi:
- Dường như Bệ hạ có tâm sự?
Bộ Lĩnh dừng lại, lặng nhìn vào khoảng không, rồi bảo:
- Sau chiến tranh, có lẽ sự loạn lạc về đạo đức và linh hồn còn đáng sợ hơn. Dù ta đã nghiêm trị, siết chặt bằng nhiều những luật lệ hà khắc, nặng nề, nhưng luân lý đạo đức của con người vẫn đảo lộn tùng phèo. Ông có cao khiến gì chăng?
- Thưa Bệ hạ, chiến tranh, lòng tham đã giết chết sự tín ngưỡng và niềm tin. Nó làm cho con người trở nên tàn nhẫn, vô cảm. Mối quan hệ xóm làng, gia đình được định lượng bằng kim ngân. Luật pháp chỉ chế tài được thể xác, chứ không cứu rỗi được linh hồn. Do vậy, chúng ta phải xây dựng lại đức tin trong lòng người. Mà sự dẫn dắt này chỉ có Đạo giáo mới làm được, nhưng phải lâu dài.
- Theo ông, ai có thể giúp ta việc này?
- Chắc Bệ hạ đã nghe nói đến thiền sư Ngô Chân Lưu, người Châu Đường Lâm.
- Ta có nghe, nhưng quả thực chưa tường cho lắm.
- Ngô Chân Lưu thật ra là Ngô Xương Tỷ, sinh năm 933 con của Ngô Xương Ngập, cháu đích tôn của Ngô Quyền. Khi bị Dương Tam Kha tranh ngôi, và đuổi giết, Ngô Xương Ngập dẫn Tỷ lúc đó 11 tuổi, trốn về Trà Hương. Ngập được ông nội thần là Phạm Lệnh Công che chở, và gả cô út làm thiếp, sinh ra (Sứ quân) Ngô Xương Xí. Và Ngô Xương Tỷ là bạn thiếu thời của bào huynh hạ thần Vệ úy Phạm Hạp. Cũng bởi thời thế, và là người có Tuệ căn, nên Tỷ được Xí đổi tên thành Ngô Chân Lưu, gửi nơi cửa Phật. Sau khi được Thiền Sư Vân Phong chùa Khai Quốc thọ giới Cụ túc, Ngô Chân Lưu vân du tầm sư học đạo. Với đức độ, tài năng và kiến thức uyên thâm, tên tuổi của thiền sư Ngô Chân Lưu hiện nay đã vượt ra khỏi biên thổ. Nếu Bệ hạ mời được Thiền sư về giúp việc hưng quốc, chẳng may mắn, phước hạnh cho Đại Cồ Việt ta lắm sao?
Bộ Lĩnh mừng lắm hỏi:
- Vậy, ai là người thích hợp đi mời thiền sư Ngô Chân Lưu?
- Dạ, thưa Vệ úy Phạm Hạp có thể đảm đương được việc ấy…
Nhậm chức Tăng thống, Ngô Chân Lưu liền khuyên Bộ Lĩnh bãi bỏ những luật lệ hà khắc, với hình phạt nặng nề, dã man. Và cho sửa sang, xây dựng mới chùa chiền và miếu đường, cũng là nơi dùi mài kinh sử. Bộ Lĩnh gật gù, quay sang căn dặn Lê Hoàn, lệnh cho các đạo, các lữ thay nhau tập luyện, phân bổ thời gian hợp lý, nếu cần, sẽ giúp Đại sư trong công việc xây cất.
Trong hai năm xã hội đã đi vào ổn định, thái bình, Đinh Hoàng Đế có vẻ mãn nguyện lắm, liền triệu vời Ngô Chân Lưu:
- Ta rất hài lòng với việc làm, thành quả của Đại sư. Thay mặt bách tính, ta ban tặng Đại sư pháp hiệu Khuông Việt, tỏ lòng tri ân…
Năm Mậu Dần 978 khi đang giảng dạy ở chùa Khai Quốc, được tin Bộ Lĩnh bỏ trưởng Đinh Liễn, lập thứ Hạng Lang làm Thái tử, Khuông Việt vội vã quay về Hoa Lư. Nguyên nhân dẫn đến chém giết, tranh giành, bè phái thậm chí đổ vỡ cả một vương triều cũng bắt từ đây. Những lời lẽ phân trần, can ngăn ấy của Khuông Việt cũng không làm cho Bộ Lĩnh đổi ý. Dường như, đó là sự báo hiệu suy tàn của một vương triều quá ngắn ngủi chăng? Âu đó cũng là cái qui luật của xã hội, nhưng cũng mang lại bao nỗi thống khổ đến cho con người. Tuy tịnh tâm, nhưng đứng trước vận nước, trong lòng Khuông Việt luôn tự vấn, và mang một nỗi khắc khoải, day dứt khôn nguôi. Do vậy, khi Đinh Liễn giết Hạng Lang, không gây bất ngờ cho Khuông Việt, nhưng Đại sư đến thẳng tư gia người em, cũng là người bạn tri kỷ Phạm Cự Lạng.
Không khí ảm đạm bao trùm cả kinh thành Hoa Lư. Và cả hai im lặng, dường như có chung một tâm trạng, nhìn ngọn lửa cháy liu riu. Trà đã đến nước hai, Khuông Việt mới lên tiếng:
- Sau đây, chắc chắn sẽ có biến động lớn, bảo vệ cho nội cung là gánh nặng trên vai Tướng quân.
Phạm Cự Lạng tần ngần:
- Các hoàng tử chém giết, tranh giành quyền lực thời nào cũng có. Nhưng hậu cung cấu kết với các thế lực trong triều, trở thành bè phái mới là điều đáng sợ. Thế lực đen này, trong triều ta đã có, và không ít lời dị nghị sau lưng. Và chỉ với quyền hạn, binh lực của tiểu đệ khó có thể kiểm soát được.
- Bần tăng không tường cho lắm. Tướng quân có thể nói rõ hơn chăng?
Lạng không trả lời ngay, mà hỏi lại Khuông Việt:
– Tăng thống có nhận xét gì về Thập đạo tướng quân Lê Hoàn?
Đặt tách trà xuống khay, Khuông Việt trầm ngâm:
- Hoàn là người tài năng, bản lĩnh, mưu mô và quyết đoán, có tham vọng lớn, nhưng không lộ ra mặt…
Tiết Đại Hàn năm này, dường như đến sớm. Rét như toát ra từ những vách đá sừng sững sau lưng, kéo đàn chim én từ phương Nam trở lại. Mới qua đêm mà cây mận trước sân đã trổ ra những nhánh non xanh biếc. Dương Thị nhìn qua ô cửa, với tâm trạng lo âu và rối bời. Khẽ rùng mình, nàng vội khoác thêm một chiếc áo lên người. Kể từ ngày Nam Việt vương giết chết Thái tử Hạng Lang dường như không đêm nào nàng trọn giấc. Bớt đi một đối thủ, thì sự nguy hiểm cho địa vị của nàng, và Hoàng tử Đinh Toàn càng tăng lên. Bờ vai Lê Hoàn là chỗ dựa, một sự lựa chọn có lẽ là sáng suốt và vững chắc nhất cho mẹ con nàng chăng?. Nhưng sự quyết định táo bạo, nguy hiểm của Hoàn làm cho nàng thực sự run sợ. Và có lẽ, đó cũng là lối thoát, là một canh bạc cuối cùng của nàng. Sự đánh đổi ấy của Hoàn, không phải chỉ bởi cái đẹp đang vào độ chín của nàng, mà tham vọng của Hoàn còn lớn hơn thế nữa. Nàng hiểu điều đó. Và bất chợt Dương Thị khẽ thở dài, đi đến bàn trang điểm. Bữa đại yến tiệc hôm nay là thời cơ quyết định sống hoặc chết, vinh hay nhục, quả thật nàng cũng không biết trước được…
Tin Đinh Tiên Hoàng và Đinh Liễn bị hạ độc chết ngay trong đêm, không chỉ náo loạn kinh thành Hoa Lư, mà còn rung rinh cả dải đất Đại Cồ Việt. Các quan đại thần Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp…đều bất ngờ, giật mình và ngơ ngác. Vụ đại án tắc tị, không thể tìm ra hung thủ. Và Hoàng tử sáu tuổi Đinh Toàn được nối ngôi, dưới sự nhiếp chính của Lê Hoàn. Với thời gian rất ngắn, được hậu thuẫn của Dương Thị, từng bước, từng bước Lê Hoàn tự xưng đến Phó Vương. Dã tâm ấy của Lê Hoàn, dường như đã lộ dần ra thủ phạm đứng sau cái chết của cha con Đinh Tiên Hoàng. Phạm Cự Lạng chán nản, cáo bệnh lui về thái ấp nơi cửa Đại Ác với Mạc Hiển. Các tướng Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp cùng khởi binh chống lại Lê Hoàn. Cuộc chiến đẫm máu xảy ra, Đinh Điền tử trận, Nguyễn Bặc và Phạm Hạp bị bắt. Được tin, Phạm Cự Lạng và Mạc Hiển trở ngay về Kinh Đô, cùng Khuông Việt nhập cung, xin Lê Hoàn xá tội cho Nguyễn Bặc và Phạm Hạp. Hoàn vui vẻ bảo:
- Nếu muốn giết Bặc và Hạp, thì ta đã chém ngay tại trận. Các ông đến khuyên can chúng đừng có ý làm phản nữa, ta sẽ tha chết.
Vậy là, hy vọng có thể cứu được Nguyễn Bặc, và bào huynh của mình, trong lòng Lạng đã dịu lại. Nhưng như một tia chớp, hy vọng ấy vụt tắt, bởi không để cho Lạng và Khuông Việt khuyên can, từ trong tù Bặc và Hạp réo chửi:
- Thằng giặc mắt lác Lê Hoàn bất nhân, phản phúc, chắc chắn sẽ gặp quả báo!
Biết không thể qui phục được Bặc và Hạp, sau đó Hoàn mang cả hai ra chém đầu.
Nỗi đau về cái chết của Phạm Hạp còn nặng trĩu trong lòng, nhưng nghe tin giặc Tống rục rịch chia quân làm hai đường thủy, bộ đánh chiếm Đại Cồ Việt, Phạm Cự Lạng và Mạc Hiển vẫn âm thầm chuẩn bị quân lương.
Trời chưa sang thu, nhưng lác đác đâu đó có những chiếc lá vàng bay qua khung cửa. Lạng và Hiển ngồi bó gối trên chiếc chõng tre bên cửa sổ, đàm luận việc binh. Chợt người nhà vào báo, có Khuông Việt Đại sư ghé thăm. Lạng và Hiển vội bật đứng dậy ra cổng đón. Chưa kịp ngồi xuống, Khuông Việt đã nói:
- Việc cần kíp, nên bần tăng nói luôn, theo khẩu ý của Hoàng Thái hậu mời tướng quân về triều, phong làm Đại tướng quân, thống lĩnh binh mã quyết chiến với giặc Tống. Lẽ ra, Hoàng thái hậu ban chiếu chỉ, nhưng Lê Hoàn can và gợi ý, bần tăng thân hành mang ý Thái hậu đến mời tướng quân, thì tốt hơn.
Thấy Lạng im lặng, với nhìn ra khoảng không trước mặt, Khuông Việt nói tiếp:
- Bần tăng cũng như Tướng quân thôi, rất đau buồn về cái chết của Vệ úy Phạm Hạp. Những mâu thuẫn, vướng mắc giữa chúng ta và Lê Hoàn dù sao cũng là việc trong nhà. Trước mắt, giặc Tống xâm lăng, chúng ta cần phải đoàn kết lại, cùng bảo vệ giang san. Nếu không thì chẳng có tội với tiền nhân và con cháu sau này lắm sao?
Lạng đứng dậy chắp tay xá Khuông Việt:
- Lời Tăng Thống dạy rất phải. Ngày mai tiểu đệ và Mạc Hiển sẽ hồi Kinh cùng.
Khuông Việt nhìn sang Hiển bảo:
- Chỉ Tướng quân đi cùng bần tăng hồi Kinh vào ngày mai, còn Mạc mưu sĩ sẽ ngược đường thủy cùng binh lương, bí mật tập kết ở Bình Lỗ.
Lạng và Khuông Việt vừa tới kinh thành đã được Dương Thị triệu mời. Sau khi ban ấn tín, Dương Thị hỏi: Đất nước hiện nay như ngàn cân treo sợi tóc, lòng người còn ly tán. Hoàng đế còn nhỏ, ta dù sao thân phận đàn bà, do vậy, mẹ con ta muốn nhường ngôi cho Phó vương Lê Hoàn, nhằm nâng cao chí khí chiến đấu của tướng sĩ, thu lòng người về một mối. Rồi một trận quyết chiến với giặc Tống, giữ vững giang san Đại Cồ Việt ta. Ta nghĩ, đó cũng là lẽ thường, hợp lòng Trời thôi. Các ngươi nghĩ sao?
Lưỡng lự, và suy nghĩ khá lâu, Lạng và Khuông Việt cùng nói:
- Bẩm Hoàng Thái Hậu, nếu việc đó buộc phải làm, và thật sự có lợi cho bá tánh, cho đất nước thì chúng thần không hề phản đối.
Dương Thị vui vẻ bước xuống tiễn Lạng và Khuông Việt ra cửa:
- Các ngươi hiểu được lòng ta như vậy, thì yên tâm rồi, và đó cũng là phúc phần của Đại Cồ Việt ta.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Hoàn xuất binh theo đường thủy, ngược sông Đáy, qua Nhuệ Giang, vào sông Nhị Hà, rồi hợp binh với Phạm Cự Lạng ở khu vực cửa Bạch Đằng. Mùa xuân năm 981, thủy quân giặc do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt đánh chiếm cửa Bạch Đằng. Thế giặc mạnh, Lê Hoàn cùng Phạm Cự Lạng không cản nổi, rút quân về Xạ Sơn, và An Lạc. Thủy và lục quân của giặc kéo quân đến đóng chốt ở khu vực Đại Than. Lê Hoàn buồn rầu gọi Phạm Cự Lạng, Mạc Hiển cùng các tướng đến thương nghị. Lạng và Hiển đều khuyên Hoàn viết thư trá hàng, rồi từng bước nhử giặc vào sâu Bình Lỗ dùng phục binh tiêu diệt. Hoàn đổi buồn làm vui bảo: Ý các ông thật hợp với ý ta. Phen này, sông Hữu Ninh sẽ là mồ chôn giặc Tống. Rồi dặn các tướng theo kế mà làm.
Việc vận chuyển lương thảo khó khăn, nên hai tướng thủy, lục quân của giặc Tống Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng muốn đánh chiếm Đại La, rồi kéo xuống Hoa Lư thật nhanh. Do vậy, khi Lê Hoàn và Phạm Cự Lạng rút quân về hướng Đại La đúng như lời hứa trong thư hàng, giặc Tống mừng lắm. Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng cho thủy và lục quân cùng tiến binh theo đường sông. Chờ cho giặc vào tới đoạn sông Cà Lồ, bất ngờ đạo quân Lê Hoàn từ phía bắc sông Như Nguyệt khóa đuôi, bịt kín cửa sông. Cùng lúc Phạm Cự Lạng từ phía nam Bình Giang chặn đầu đánh. Bị bất ngờ và đánh ép hai mặt giặc Tống hoảng loạn, tìm đường tháo chạy. Trước mặt Bình Lỗ không thể vượt qua, quay đầu rút chạy theo sông Như Nguyệt cũng không được, giặc Tống buộc phải chạy vào sông Hữu Ninh. Và thuyền của giặc đi vào đúng vào nơi lòng sông đã được Khuông Việt đóng cọc nhọn, và ém binh mai phục. Hầu Nhân Bảo bị Phạm Cự Lạng bắt sống. Lê Hoàn cho chém đầu tại trận. Quân và tướng giặc chết đuối và đầu hàng cả, duy chỉ có Tôn Toàn Hưng dẫn theo vài tên thân cận chạy thoát ra biển. Sau trận này, dường như nghe danh Lê Hoàn và Phạm Cự Lạng bọn giặc phương Bắc đều rùng mình kinh sợ.
Rất phấn khởi, trên đường hồi kinh Lê Hoàn hỏi Phạm Cự Lạng:
- Sau trận này, quân Tống vỡ mật, sẽ có một thời gian dài chưa dám nhòm ngó đến Đại Cồ Việt ta. Do vậy, ta muốn nhân cơ hội này phạt Chiêm để trả mối hận bắt hai sứ giả của ta. Ý ông thế nào?
- Thưa bệ hạ, trước sau cũng phải bình Chiêm để chúng biết uy dũng của Đại Cồ Việt ta, nhưng bây giờ chưa được. Bởi, trước nhất ta cần phải đóng những thuyền chiến lớn. Binh sĩ cũng cần một thời gian dưỡng thương và nghỉ ngơi, sau trận chiến khốc liệt này. Nên chúng ta chuẩn bị thật chu đáo, sang năm chinh phạt cũng chưa muộn.
Lê Hoàn suy nghĩ rồi gật đầu:
- Thế cũng được, nhưng ta còn lo lắng chưa tìm được người giỏi để đảm trách việc đóng thuyền lớn.
Lạng cười, chỉ tay vào người đứng ở sau mình:
- Thưa bệ hạ, hiện nay Đại Cồ Việt ta, không ai làm tốt việc này hơn Mạc Hiển.
Lê Hoàn đập đập tay vào trán lẩm bẩm, sao tự nhiên ta lại quên mất Mạc mưu sĩ nhỉ…
Năm 982 Phạm Cự Lạng lĩnh ấn tiên phong, Lê Hoàn đích thân đi đoạn hậu, đại quân rầm rộ tiến vào đất Chiêm. Vua Chiêm Thành Ba Mỹ Thuế xuất binh ra chống cự. Khi Phạm Cự Lạng vào đến Chu Ngô thuộc quận Nhật Nam gặp tướng tiên phong của quân Chiêm là Bài Tống Hơn chặn ngang đường. Phạm Cự Lạng dàn quân nghênh tiếp. Bài Tống Hơn chửi bới một hồi, rồi múa đao xông vào trận. Phạm Cự Lạng đón đánh. Chưa đầy ba hiệp, Lạng đã chém bay đầu Hơn. Mất chủ tướng quân Chiêm chạy toán loạn. Sợ phục binh, Lạng không cho quân truy đuổi, hạ trại giữa đường chờ hậu quân của Lê Hoàn. Hôm sau Lê Hoàn vừa tới nơi, chưa kịp hạ trại nghỉ ngơi, thì đại quân của Ba Mỹ Thuế kéo đến. Hai bên dàn trận. Ba Mỹ Thuế mắng nhiếc Lê Hoàn đồ giết chúa, cướp vợ đoạt ngôi. Lê Hoàn tức giận múa tít đao định xông vào. Phạm Cự Lạng bảo, không cần nhọc thân bệ hạ, để đó cho thần. Rồi Lạng cầm đao phi lên, nhằm thẳng vào đầu Ba Mỹ Thuế giáng xuống. Thuế né người, đưa thương đón đỡ. Quần nhau mươi hiệp chưa phân thắng bại. Lạng giả thua bỏ chạy, Thuế đuổi theo. Chưa đầy trăm thước, bất ngờ Lạng ngả người ra sau, nhanh như chớp quay ngược mũi đao, đâm xuyên qua bụng Thuế. Thuế ự lên một tiếng, rồi đổ vật xuống như một khúc chuối. Lê Hoàn xua quân chém giết. Quân Chiêm đại bại. Ba Mỹ Thuế chết trận, người Chiêm tôn Indravarman IV lên làm vua. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn Lê Hoàn và Phạm Cự Lạng tiến quân vây đánh kinh đô Đồng Dương. Buộc vua Chiêm bỏ thành chạy trốn vào Panduranga.
Đầu thu, Qúi Mùi 983, Lê Hoàn, và Phạm Cự Lạng từ Chiêm Thành rút quân về Hoa Lư. Gặp Thái sư Hồng Hiến, Lê Hoàn đã hỏi ngay:
- Trước khi phạt Chiêm, ta phân bổ kim ngân đầy đủ cho Đạo Ái Châu để khai sông, đắp đường từ Đồng Cổ đến Bà Hòa, tại sao hiện nay vẫn chưa hoàn thành?
Hiến bẩm báo:
- Dạ thưa, hạ thần đôn đốc thường xuyên, nhưng Hà Trọng và Lê Khả Du đều viện dẫn, công việc xây đắp nảy sinh nhiều khó khăn, kim ngân không đủ, nên chưa thể hoàn thành. Đã nhiều lần thanh tra, nhưng Hà Trọng và Lê Khả Du là người Hoàng tộc, do vậy rất khó xử lý ạ.
Lê Hoàn nổi giận, quay sang Phạm Cự Lạng:
- Ông nghỉ ngơi ít ngày, rồi vào Ái Châu điều tra, xem xét, kẻ làm bậy bất kể là thằng nào, bắt và trị tội ngay. Công việc đào sông, đắp đường cần làm ngay và rất quan trọng, ông hãy giúp ta, làm cho xong.
Hà Trọng và Lê Khả Du đều là người Ái Châu, xuất thân từ những tên lính áo xanh, đỏ trong quân. Người cùng dòng họ, nên khi Lê Hoàn trở thành Thập đạo tướng quân, chúng trở nên thân cận. Và Lê Hoàn lên ngôi Hoàng đế, bọn chúng được về làm quan đầu ở Đạo Ái Châu.
Khi đến nơi, chẳng phải mất nhiều thời gian, Phạm Cự Lạng đã đủ bằng chứng, Trọng và Du đã ăn chơi sa đọa bằng tiền của triều đình. Lạng cho bắt người, nhưng chỉ bắt được Trọng, còn Du trốn thoát. Ngay lập tức, Lạng chém đầu Trọng, và truy lùng Du…
Với sự trợ giúp của Mạc Hiển, trong một năm Phạm Cự Lạng miệt mài không chỉ huy động đào sông và đắp đường lớn từ Đồng Cổ đến Bà Hòa, mà còn mở xong cả cảng Đa Cái ở Hoan Châu. Giúp cho dân chúng đi lại thuận tiện, buôn bán phát triển, sầm uất. Và trong bữa tiệc nhỏ ngày 12 tháng 9 năm Giáp Thân 984 chia tay với người dân Đồng Cổ để hồi kinh, Phạm Cự Lạng bị hạ độc. Cái chết của Lạng hoàn toàn lặp lại cái chết của Đinh Tiên Hoàng. Mạc Hiển đớn đau, ngửa mặt lên trời mà khóc, và cũng chợt nhận ra hình dáng, bàn tay của Lê Khả Du và đồng đảng luẩn quẩn đâu đó. Hiển định mang Lạng về Trà Hương, nhưng Lê Hoàn đã đích thân đưa tướng cữu hồi kinh, cho an táng tại Bồ Sơn.
An táng Phạm Cự Lạng xong, dù Lê Hoàn cố giữ lại ở kinh thành, nhưng Mạc Hiển vẫn xin về cửa biển Đại Ác, để quai đê lấn biển, cải tạo đất trồng.
0 comments