Tin Việt Nam – 10/02/2019
Sunday, February 10, 2019
4:03:00 PM
//
Slider
,
Tin Việt Nam -
Có phải Trương Duy Nhất
đã bị Tổng cục 2 CSVN bắt cóc ở Thái Lan?
Theo sự nhận định của blogger Người Buôn Gió đăng trên trang blog của ông, thì khoảng 8 giờ tối ngày 26 tháng 1 năm 2019, Trương Duy Nhất bị đám gồm 10 người của Tổng cục 2 trùm túi lên đầu và đưa lên xe đi, trước khi đi Nhất còn xin thay quần áo.
Theo Người Buôn Gió thì hiện nay không thể biết ai đã tiếp tay cho Tổng cục 2 tình báo quân đội CSVN bắt Trương Duy Nhất. Theo ông thì có thể nói rằng, trong vụ bắt cóc này có liên hệ đến những ”thành phần Việt ” đang sinh sống ở Thái Lan dưới cái nhãn hiệu là người ”tốt ” theo đánh giá của đám đông tị nạn bên đó.
Cũng trong bài viết của blogger Người Buôn Gió, ngày 26 khi Trương Duy Nhất cắt bỏ điện thoại, anh vào siêu thị Futurepark tìm mạng Internet để liên lạc tìm sự giúp đỡ của đồng hương. Ngay sau đó thì Nhất bị bắt!!!
Người Buôn Gió viết rằng trong mấy ngày Nhất ở Thái Lan, một người Việt tên là Huân liên tục dò hỏi chỗ ở của Nhất với lý do muốn mời đến nhà bà Sương (người Đà Nẵng ) để nhậu. Bà Sương xác nhận không hề quen Nhất và cũng không hề có ý mời Nhất đến nhà.
Hiện nay Bộ Ngoại giao Đức đang chú trọng quan tâm đến vụ bắt cóc này, bởi nó giống như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Trên cơ sở những gì người Đức thu thập được, họ sẽ làm việc với cơ quan cảnh sát quốc tế. Khi ấy sẽ còn nhiều điều sáng tỏ.
Quốc Tuấn
Mật vụ CSVN tại Nghệ An hành hung nhóm đánh BOT
Tin từ Nghệ An – Mật vụ CSVN ở tỉnh Nghệ An đã tấn công, đánh đập nhóm hoạt động xã hội phản đối BOT, làm hai người bị thương nặng và xe của họ bị đập nát.
Ngày 9 tháng 2, một nhóm “chiến binh đánh BOT” trong đó có các anh chị Phương Ngô, Trương Châu Hữu Danh và Huỳnh Long đã làm một chuyến đi xuyên Việt, nhưng tới địa phận tỉnh Nghệ An thì họ bị công an trong trang phục dân thường tấn công.
Khi xe của nhóm tới khu vực Bệnh viện Hữu nghị Nghệ An, cảnh sát giao thông đã chặn xe của họ lại và yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Việc kiểm tra giấy tờ rất lâu nhằm cầm chân họ và để mật vụ bao vây khu vực. Sau đó, mật vụ trong vai trò là những côn đồ ra tay đánh đập một người trong nhóm tên Hoà, làm anh chảy máu đầu, gãy răng và gãy xương sườn. Vì bị chấn thương nặng, anh Hoà được đưa đi cấp cứu. Một người khác đến hỗ trợ nhóm cũng bị đánh với nhiều thương tích ở mặt và tay. Mật vụ cũng dùng gạch đá để ném vào xe của nhóm, làm bể gương và kính của nhiều xe.
Công an CS địa phương đứng quan sát vụ tấn công và không có hành động gì để ngăn cản. Nhiều anh em, bạn bè của nhóm tài tế chống BOT này đã cố gọi điện thoại đến lãnh đạo tỉnh Nghệ An nhưng không một ai cầm máy trả lời.
Đây là một vụ tấn công có chủ đích của lực lượng công an CSVN tỉnh Nghệ An nhằm vào nhóm người hoạt động phản đối việc thu phí cầu đường của nhiều trạm thu phí được đặt sai vị trí nhằm thu tiền của những xe không sử dụng dịch vụ của công trình BOT (Build-Operate-Transfer). Có hàng chục trạm thu phí như thế tồn tại ở nhiều địa phương của Việt Nam, và thường được chống lưng bởi quan chức cao cấp trong chính phủ và đảng CS cầm quyền trong khi chính quyền địa phương sử dụng cảnh sát để trấn áp người phản đối.
Quốc Tuấn
Ông Châu Văn Khảm bị điều tra với cáo buộc
“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”
Ông Châu Văn Khảm, đảng viên đảng Việt Tân, đang bị điều tra với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109, và tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” vì hành vi sử dụng chứng minh thư với tên Chung Chính Phi để vào Việt Nam, theo điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Đài ABC của Úc dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết như vậy hôm 10/2.
Theo khoản 1 của điều 109, người nào có hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân với vai trò người tổ chức, xúi dục hoặc gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình.
Người đồng phạm trong vụ án hoặc chuẩn bị phạm tội nếu bị kết án thì án tù từ 1 năm đến 12 năm.
Hôm 30/1/2019, mạng báo Công an nhân dân thừa nhận, Công an Việt Nam đã bắt giữ côngdân Úc gốc Việt vào khuya ngày 12/1 khi đang lưu trú tại một khách sạn thuộc quận Phú Nhuận, TPHCM cùng với thành viên của Hội Anh em dân chủ là ông Nguyễn Văn Viễn.
Đài ABC dẫn một báo cáo của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc gửi cho gia đình ông Châu Văn Khảm cho hay, Đại sứ quán Úc đã thăm lãnh sự ông Khảm một lần duy nhất vào hôm 28/1.
Cả ông Châu Văn Khảm và Nguyễn Văn Viễn đều bị từ chối luật sư cho đến khi cuộc điều tra hoàn tất dự kiến vào cuối tháng 5 với lý do “cần giữ bí mật điều tra đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia”.
Cũng theo báo cáo mà đài ABC xem được, trong suốt chuyến thăm lãnh sự ông Châu Văn Khảm bị quay video, khiến người ta lo ngại rằng ông sẽ không thể nói chuyện thoải mái với các quan chức Úc.
Gia đình ông Khảm nói với ABC rằng họ cũng lo ngại về các vấn đề sức khỏe của thương gia người Úc gốc Việt năm nay 70 tuổi này. Ông bị các chứng bệnh như cholesterol cao và viêm tuyến tiền liệt.
Trong một thư ngỏ đăng trên trang web của đảng Việt Tân hôm 4/2, bà Châu Quỳnh Trang – vợ của ông Châu Văn Khảm bày tỏ tin tưởng rằng chồng bà không làm điều gì sai, nên chính quyền không thể dàn dựng những cáo buộc phi lý để trấn áp những người yêu nước.
“Tôi và gia đình thành tâm cầu nguyện và mong cho chồng tôi sớm được bình an trở về với gia đình,” bà Trang viết trong thư ngỏ.
Hồi cuối tháng 1, đảng Việt Tân ra Thông cáo báo chí cho biết ông Châu Văn Khảm, đảng viên cơ sở Úc Châu bị bắt tại Việt Nam vào ngày 13/1 khi “trở về để thu thập dữ kiện và lượng định thực trạng nhân quyền tại quê nhà.”
Còn báo chí nhà nước lại quy kết ông Châu Văn Khảm “xâm nhập, tìm cách hoạt động chống phá” trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Hồi năm 2016, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo cáo buộc đảng Việt Tân là “tổ chức khủng bố”, và người nào nhận tài trợ, tham gia các khóa huấn luyện, hoặc hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Mỹ sau đó cho hay, Việt Tân không bị liệt vào danh sách khủng bố theo luật pháp Hoa Kỳ.
Trương Duy Nhất:
Những ngày ở Thái Lan trước khi ‘mất tích’
Tina Hà GiangBBCvietnamese.com
Hơn hai tuần trôi qua kể từ khi có tin blogger Trương Duy Nhất ở Đà Nẵng có khả năng “mất tích” sau khi tới Thái Lan.
Hôm 9/2, từ Canada, cô Trương Thục Đoan, con gái ông Nhất cho BBC biết:
“Cuộc gọi cuối cùng của ba và con là 9h tối ngày thứ Sáu, 25/1 theo giờ Bangkok. Lúc ba điện con thì ba đang ở trong phòng khách sạn. Nhưng lần cuối ba online trước khi con không liên lạc được là 5h39 chiều ngày thứ Bảy, 26/1 theo giờ Bangkok. Con check giờ online cuối cùng của ba trên facebook, facebook có tính năng đó nên con mới biết, vì cuộc gọi cuối cùng của con và ba là vào ngày 25.”
Trước áp lực của nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ Thái Lan hôm thứ Năm tuần qua chính thức thông báo sẽ mở cuộc điều tra về sự có mặt của ông tại đây cũng như điều gì đã xảy ra với ông.
Trong khi đó, mạng internet vẫn lan truyền nhiều tin tức mâu thuẫn nhau về nghi vấn ông Nhất bị cho là “mất tích” thậm chí bị “bắt cóc” tại Bangkok.
Có đến Cao Uỷ UNHCR xin tị nạn
BBC được biết qua một nhà hoạt động ở Thái Lan (tạm gọi là ông A), người giúp đỡ ông Trương Duy Nhất trong thời gian ông ở Thái Lan, rằng ông đưa ông Nhất đến cơ quan UNHCR hôm 25/1 để nộp đơn xin tỵ nạn.
Trước đó, hôm 30/1, một nhà đấu tranh khác cho BBC biết đã được một nguồn tin đáng tin cậy có thẩm quyền xác định là ông Nhất đã đến đây.
Tuy thế, theo nhà hoạt động này thì ông Nhất “chưa ghi danh”.
“Việc làm hồ sơ tị nạn với UNHCR có nhiều bước. Bước đầu tiên là xin lấy hẹn ghi danh. Để làm việc này, người muốn mở hồ sơ điền một mẫu đơn ngắn, ghi rõ tên tuổi, công dân nước nào, và để lại số phôn. Sau đó UNHCR mới gọi phôn cho hẹn để họ quay trở lại làm đơn ghi danh, rồi từ đó mới lập hồ sơ. Trong trường hợp của blogger Trương Duy Nhất khi họ gọi lại thì không gọi được nữa.”
Chạy khỏi nơi trú ngụ
Hôm 9/2, tại một khách sạn nhỏ bé ở ngoại ô Bangkok người ta xác định ngay với phóng viên BBC là “người có hình giống ông Trương Duy Nhất có ở đây 6 ngày”.
Nhưng trước những câu hỏi tỉ mỉ hơn, người chủ nói ông không làm việc ở đó thường xuyên, và gọi một người phụ nữ dọn phòng đứng tuổi ra nói chuyện.
Qua lời dịch của một đồng nghiệp thuộc BBC Thái, bà nói:
“Ổng có ở đây. Tôi nhớ rõ vì ông là người ngoại quốc duy nhất, không nói được tiếng Thái.”
“Ông bất chợt mang đồ rời đi vào một sáng, cuối tuần, tôi không nhớ rõ ngày nào, chỉ biết hôm đó rất đông, và ông đi bằng taxi, ” một người phục vụ nói với BBC Thái.
Theo tìm hiểu, chủ hotel rất e ngại lôi kéo sự chú ý đến cơ sở làm ăn của mình, nói khách sạn của ông quá nhỏ “không có hệ thống ghi danh, nên không thể cung cấp thêm chi tiết.” Và mặc dù “có camera, nhưng bộ nhớ nhỏ nên mỗi tuần tự xóa đi và thu dữ kiện mới lên.”
Ông A, người giúp ông Trương Duy Nhất mướn khách sạn nói:
“Anh Trương Duy Nhất vào đến đất Thái đêm 19 rạng sáng ngày 20/1. Em đón anh ấy ở tiệm Starbuck tại Future Park Mall, rồi đưa anh ngay đến khách sạn đó vì nó tiện việc đi lại. Em đặt phòng ba đêm. Sau đó anh Nhất tự lo sáng sáng trả tiền 500 baht để ở thêm. Giấy tờ rất đơn giản không có gì. Một bà Thái làm việc ở đấy lấy phôn chụp passport anh Nhất, nhận tiền, thế là xong.”
Một ngày trước khi mất tích, ông Trương Duy Nhất than phiền với ông A là “cảm thấy bất an quá” vì sau khi đến văn phòng UNHCR về, không hiểu tại sao ông liên tục nhận được những cú phôn lạ, của đàn ông lẫn phụ nữ, cả người Việt lẫn người Thái. Hai người bàn nhau là sẽ phải đi mua thẻ điện thoại mới.
Ông A kể:
“Thứ Bảy 26/1, lúc 17:20 anh Nhất gọi em qua Whatsapp, nói anh đang ngồi ở một quán cà phê trên lầu ba của Future Park Mall.”
”Anh Nhất lúc đó rất lo. Anh kể có ít nhất là ba cú điện thoại gọi cho anh sáng hôm đó. Cú gọi cuối cùng, anh Nhất nói là của một người đàn ông nói “anh nên bỏ số điện thoại đó đi, và đi khỏi khách sạn đó đi” nên anh Nhất lúc đó sợ quá vội vã rời khỏi khách sạn. Rồi anh Nhất nhờ em giúp tìm người giúp đỡ.”
Ông A cho biết sau khi cúp phôn, ông gọi cho ông B, một người bạn để nhờ bạn giúp đỡ ông Nhất.
Tối hôm 9/2, ông B xác nhận với BBC rằng ông có cuộc điện đàm này với ông A vào hôm 26/1.
Ngay sau đó, không còn ai liên lạc được với blogger Trương Duy Nhất.
Nơi trú ẩn không còn an toàn?
Cho đến hôm 10/02 vẫn ai chưa được biết đích xác blogger Trương Duy Nhất đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra cho ông.
Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Sáu đưa tin Hoa Kỳ hoan nghênh tin chính phủ Thái Lan sẽ điều tra việc Trương Duy Nhất bị mất tích.
Trong một tuyên bố ngày 8/2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ hoan nghênh cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về vụ mất tích của ông Nhất, thêm vào đó, “chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, đài Á Châu Tự Do viết.
“Tự do báo chí là căn bản của sự minh bạch và sự có trách nhiệm của chính quyền. Các nhà báo thường gặp những nguy cơ lớn khi làm công việc của họ, và nhiệm vụ của các chính phủ và công dân trên toàn thế giới là phải lên tiếng bảo vệ họ,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được trích lời nói.
Trong vòng hai năm qua, giới bất đồng chính kiến Việt Nam thường chạy qua nước láng giềng như Thái Lan để tìm nơi ẩn náu.
Nhưng dường như Thái Lan dần dà không còn là nơi trú ẩn an toàn cho họ.
Trong thông cáo báo chí gửi đi hôm 6/2, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), viết:
“Thái Lan trước đây được xem là nơi trú ẩn an toàn trong khu vực cho các nhà báo và nhà bất đồng chính kiến, nhưng tình hình đã xấu đi sau gần năm năm cai trị của quân đội Thái Lan, với các trường hợp bất đồng chính kiến bị bắt cóc bởi các đặc vụ nước ngoài hoặc bị chính quyền Thái Lan bắt giữ và trục xuất về nước phải đối mặt với sự trả thù khắc nghiệt.”
Thái Lan là nước không tham gia Hội nghị Quốc tế về người Tị nạn, không cấp quy chế tị nạn cho những người đến đây nương náu như một số các quốc gia khác. Người muốn tị nạn phải ghi danh với Cao Uỷ Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (United Nations High Commissioner for Refugees – UNHCR), phải chờ khoảng 3 tháng để được phỏng vấn, sau đó chờ 3 đến 6 tháng nữa mới có quyết định.
Thêm vào đó, tại nước này, dù đã được UNHCR cấp quy chế tỵ nạn họ vẫn bị xem là những kẻ cư ngụ bất hợp pháp, không nhận được sự giúp đỡ bất kỳ nào từ UNHCR, phải vừa tự tìm cách mưu sinh vừa tránh bị càn quét.
Chính phủ Thái Lan ban hành một Luật Lao Động mới vào tháng 04/2018, qua đó người lao động bất hợp pháp có thể bị phạt tới 3.000 Mỹ kim và bị tù 5 năm.
Blogger Trương Duy Nhất là trường hợp người bất đồng chính kiến bị ‘mất tích’ thứ năm trong năm nay tại Thái Lan hay những nước quanh vùng.
Vài ngày trước, Thái Lan loan báo sẽ điều tra việc ông Trương Duy Nhất dường như mất tích trong lúc có cáo buộc về khả năng ông bị bắt cóc ở Bangkok.
Người đứng đầu cơ quan di trú Thái Lan Surachate Hakparn nói với Reuters rằng không có hồ sơ chính thức về việc ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan.
Tuy vậy, văn phòng di trú Thái Lan đang xem xét có phải ông Nhất đã nhập cảnh Thái Lan bất hợp pháp và xem chuyện gì đã xảy ra với ông.
“Tôi đã ra lệnh điều tra vụ này,” ông Surachate nói với Reuters ngày 7/2.
‘Đã có mặt ở Bangkok’
Tổ chức nhân quyền Ân xá Quốc tế tuần này nói họ đã xác nhận tin ông Nhất bị những người vô danh bắt giữ tại một trung tâm thương mại, Future Park, ở Bangkok ngày 26/1.
Ân xá Quốc tế nói họ xác nhận tin này với “các nguồn độc lập giấu tên”.
Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Việt Nam và Thái Lan cung cấp thông tin về vụ việc.
Ông Phil Robertson, từ tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, thì nói ông Nhất đến Thái Lan “chỉ vì một nguyên nhân”.
“Là để xin tị nạn, và ai đó không muốn ông ta làm thế, vì vậy chính phủ Thái nên mở ngay điều tra.”
UNHCR – Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn – tại Thái Lan từ chối bình luận.
Từng ở tù
Blogger Trương Duy Nhất, chủ nhân của trang blog “Một góc nhìn khác”, từng bị tù 2 năm tại Việt Nam.
Ông bị bắt hôm 26/5/2013 tại nhà riêng ở Đà Nẵng.
Phiên tòa ở Đà Nẵng năm 2014 kết tội ông “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.”
Cáo trạng nói ông Nhất có các bài viết “không đúng sự thật, tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng”.
Ông ra tù hôm 26/5/2015.
Về quê ăn tiết “không nói chuyện chính trị”
Nguyễn Tường Thuỵ
Nhiều từ liên quan đến chữ ăn chẳng còn mấy ý nghĩa nhưng vẫn được sử dụng đến bây giờ, có lẽ do người Việt ta đã trải qua nhiều thời kỳ đói kém nên việc ăn là quan trọng nhất. Bây giờ nó không phải là ăn tết mà là đón xuân vì cái sự ăn không quan trọng nữa. “Ăn cưới” thực chất là đi dự đám cưới. Rồi có những việc chẳng liên quan đến ăn như ăn hỏi. Mang đồ sính lễ đến nhà gái, đặt cơi trầu nói chuyện để tác thành cho cặp uyên ương mới là mục đích chính. Nếu nhà gái mời ở lại dùng cơm thì ngồi uống với nhau chén rượu, chuyện trò thêm để hai bên thân thiện nhau hơn. Chỉ có “ăn cỗ đám ma” thì không gọi thế nữa. Chuyện ăn cỗ đám ma ngày xưa, người chết nằm đấy mà vẫn ăn uống như thường, bây giờ bỏ đoạn ăn uống, gọi là viếng đám tang. Còn ăn tết, ăn cưới, ăn hỏi… vẫn cứ nói như vậy. Thậm chí bây giờ, người ta uống là chủ yếu, uống đến độ cãi nhau, chửi nhau, đánh nhau, gây án mạng nhưng chẳng ai gọi là uống tết, uống cưới hay uống hỏi.
Vì tít bài viết có chữ”ăn tết” nên xin tranh thủ tám mấy dòng cho vui chứ không có ý định bàn về ngôn ngữ.
Hồn quê
Sống với nhịp sống đô thị, mỗi dịp tết đến xuân sang, người người lại náo nức về quê, tìm ở đây cái tình nghĩa con người, tìm về cánh đồng lúa, lũy tre làng và cảnh mùa xuân, cảnh tết nhà quê. Về vào ngày phiên chợ, đi chơi chợ tết thật thú vị, gặp người quen, bạn cũ, ríu rít hỏi han, chúc tụng.
Thấy quê hương thân thương lắm. Điều này giải thích tại sao, những bài thơ, ca khúc ca ngợi xuân quê, tết quê thì nhiều mà gần như không có những sáng tác cùng chủ đề ấy về thành thị. Nếu có thì cũng không thể hay được.
Người ở các tỉnh, làm ăn, sinh sống ở các đô thị lớn, vẫn giữ trong hồn mình một góc quê. Nơi ấy có một thời thơ ấu nghèo khó thiếu thốn nhưng đầy ắp kỷ niệm.
Hình như chỉ có về quê, lòng người mới hóa thân thiện hơn, chứ còn ở thành thị, người quê đối với nhau cũng nhiều thủ đoạn lắm.
Làng quê bây giờ đang đô thị hóa. Nhà đã thêm tầng, nhưng tình cảm của người nhà quê vẫn còn giữ được nét mộc mạc, chân chất và đằm thắm.
Nhớ quê, không phải lúc nào cứ thích là về được. Ngoài những lúc có việc đột xuất, tôi thường về quê vào vào những dịp giỗ chạp hay tết đến. Đó là những dịp anh em, họ hàng, con cháu làm ăn ở xa gặp nhau đông đủ hơn cả. Sau khi nâng ly rượu tưởng nhớ người đã khuất hoặc ly rượu mừng xuân là những câu chuyện về những kỷ niệm, hỏi han nhau về gia đình hay công việc làm ăn.
Không nói chuyện chính trị?
Tết nay đã khác tết xưa, những tết thời bao cấp. Vật chất không phải là việc phải lo lắng đầu tiên mỗi khi tết đến hoặc khi nhà có khách. Tuy nhiên, ở đây đó, vẫn có những đứa trẻ thơ không có tết. Người về quê ăn tết đã có xe hơi riêng để đi, hoặc có tiền thuê xe, tuy xe khách hay xe máy vẫn còn là phương tiện phổ biến. Trước sự thay đổi ấy, người ta thường cho rằng nhờ ơn đảng, ơn bác mới có công cuộc đổi mới. Chẳng ai để ý rằng, việc đưa nông dân vào hợp tác xã, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh đã dẫn đến những năm đói kém kinh hoàng vào những thập niên 60, 70, 80 thế kỷ trước là do ai gây nên. Họ cảm ơn đảng đã “cởi trói” mà không nghĩ đến ai đã “trói” họ. “Bây giờ được như thế này còn kêu gì nữa” là câu cửa miệng của nhiều đầu óc bảo thủ hoặc u mê. Họ không hề nhìn ra ngoài biên giới. Không nhìn sang Âu Mỹ đã đành, ngay cả cái ao làng Đông Nam Á hay ở ngay bán đảo Đông Dương họ cũng không cần biết. Họ cũng chỉ biết so sánh miếng ăn đã khác trước, chứ không nghĩ đến an sinh xã hội, nghĩ đến quyền con người. Họ không biết những hạn chế trong phát ngôn, hành động mà họ phải tuân thủ đã đành mà còn tự kiềm chế tư tưởng, không dám nghĩ khác những gì đảng nói.
Không dám nói khác, nghĩ khác, họ còn tự cho mình nhiệm vụ canh chừng tư tưởng của người khác. Vì là “của hiếm”, mỗi khi tôi xuất hiện ở quê, chẳng thiếu người nhìn tôi đầy cảnh giác. Tôi biết vậy nên chẳng có tham vọng “tuyên truyền” cho ai nhưng vẫn bị một vị có chức sắc nào đó trong họ phủ đầu: “Không nói chuyện chính trị”.
Một lần tôi ngồi nghe mấy ông anh nói chuyện về vụ án Đinh La Thăng, chuyện ông Trần Đại Quang vừa chết. Nói mãi không sao, đến khi tôi vừa mở miệng ra để cải chính một chi tiết sai, một ông gạt ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Có lần mọi người đang nói về một vụ tai nạn giao thông, công an làm sai lệch hồ sơ. Tôi vừa xen vào hỏi thì bị một chú em gay gắt chẳng ăn nhập gì đến câu chuyện đang nói: “Anh không ra nước ngoài anh không biết đấy thôi, chứ Thái Lan nó đầy nhà ổ chuột ra đấy”. Tôi ngạc nhiên, chẳng lẽ chuyện Mỹ đưa người lên mặt trăng cũng không được nói vì tôi chưa lên mặt trăng bao giờ?
Chuyện tương tự còn nhiều nhưng hễ tôi xen vào là bị chẹn họng ngay: “Không nói chuyện chính trị”. Từ đó, tôi đoán ra, khuôn khổ ấy chỉ đặt ra khi có mặt tôi. Tuy “không nói chuyện chính trị” nhưng anh vẫn nhìn bộ comple tôi đang mặc, mai mỉa: “Bộ này đi Mỹ đấy à? Hồi tôi vừa mới đi Mỹ về, một ông anh khác hỏi: “Bao giờ thì chú mua ô tô?”. Lại có cô em bảo, anh theo Mỹ thì thiếu gì tiền. Tôi nói toạc ra: “Ý cô là phải theo Trung Quốc? Theo Mỹ thì sao? Anh còn muốn cả đất nước này theo Mỹ, người Việt Nam cũng được như người Mỹ kia.
“Không nói chuyện chính trị”, câu chuyện chỉ ồn ào xung quanh công việc làm ăn của mỗi người, tự hào về dòng họ mình đông đúc, có bao nhiêu người thành đạt (tướng tá hoặc chức sắc trong hệ thống chính trị). Chẳng ai nêu ra dòng họ mình có cụ nào sống khí tiết để mà noi gương.
Trong các buổi họp mặt, thanh niên vẫn là đông nhất. Không phải cháu nào đầu óc cũng u tối nhưng trước các bậc trưởng lão, không đứa nào dám ho he trong khuôn khổ định sẵn: “không nói chuyện chính trị”. Có cháu bày tỏ sự cảm thông với tôi nhưng chỉ là câu chuyện riêng: “Việc chú làm là đúng nhưng cháu không theo được vì còn phải kiếm sống nuôi vợ con”. Có chú em họ thẳng thắn nhận tôi hèn. Có đứa chỉ dám thừa nhận chú can đảm nhưng không dám nói tôi đúng hay sai. Có đứa lại bảo việc chú làm là đúng nhưng chưa đến lúc. Tôi nói, nếu ai cũng chờ “đến lúc” thì ai tạo ra cái “đến lúc” ấy để mà nói, để mà hành động. Có ông anh lọc lõi, khuyên tôi không được, bảo, thôi, chú viết gì cứ viết, nói gì cứ nói nhưng làm thì để cho đứa khác. Có ông anh bảo khi nào biểu tình có tiền thì chú gọi tôi đi với nhé. Tôi hiểu, anh muốn nhắc tôi phải thực tế, đừng làm những việc vô bổ, không thiết thực cho bản thân, đi lo những việc đâu đâu.
Một lần JB Nguyễn Hữu Vinh đưa tôi về quê bằng xe của anh, cũng vào dịp tết. Lần sau tôi về, bà chị dâu bảo: “Lần trước, chú đưa cái thằng phản động nào đó về nhà, nó dám nói xấu đảng, nói xấu bác. Nhà tôi là “gia đình cơ bản”, toàn đảng viên, công chức nhà nước mà nó chẳng nể. Chẳng nhẽ ngày tết tôi lại đuổi”. Tôi nói, thứ nhất, bác của chị à, họ hàng như thế nào? Thứ hai là mấy đứa nhà chị, nó là đảng viên không có nghĩa nó là đảng. Mà nó là đảng thì đã sao, không dám động đến chăng? Vợ tôi xen vào, chị xem, đảng nhà chị đã làm được những gì? Rồi bả kê ra một loạt việc đảng đã làm, đảng viên phạm tội ra sao.
Chuyến về quê tiếp theo, Thanh Hà chở tôi về. Tôi trêu anh tôi: “Lần trước, chị bảo em đưa phản động về nên em không dám nhờ nó nữa. Còn đây là chú Hà, chưa có “tiền án tiền sự” (với nhà anh), anh yên tâm”.
Không nói chuyện chính trị nhằm che đậy hiện thực đen tối do chế độ này tạo nên. Nó cũng như Trung Quốc không muốn nhắc đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 và kéo dài đến 10 năm sau đó mà thôi. “Không nói chuyện chính trị” vì nói ra, làm sao họ tranh luận nổi, bênh nổi cái đảng của họ. Bây giờ, còn cái gì để khoe ngoài việc tụng kinh “cuộc sống bây giờ đã khá hơn trước”? Họ muốn bảo vệ đảng của họ vì đảng ấy đã cho họ cuộc sống dư dả hơn người khác, có danh tước, địa vị trong xã hội. Cho nên, “không nói chuyện chính trị” thực chất là bài lảng tránh. Mà nếu có tranh luận, họ cũng chỉ “phản biện” bằng cách “không có đổi mới, làm gì được như bây giờ?”, “chúng mày phản bội lại tao và bố”. Tôi có thằng cháu vợ, nó “phản biện” cô chú nó (tức là tôi và vợ tôi) rằng “hết thuốc chữa”. Chợt nhớ đến đám dư luận viên hay “phản biện” chúng tôi bằng những câu “đồ phản động”, “Không có đảng bác làm gì có chúng mày”, “đất nước đang ổn định, chúng mày cứ muốn đảo lộn lên”. Tôi phải đóng ngoặc kép hai chữ “phản biện” vì làm gì có lý lẽ để gọi là phản biện.
Không nói chuyện chính trị, sống ngoài chính trị hình như là một cái mốt của những người tự xem mình là thức thời. Như con đà điểu rúc đầu vào cát, họ cố né mọi vấn đề bức xúc của cuộc sống, không nhìn, không thấy, không nghe, không biết. Có lẽ, họ chỉ động đến chính trị khi chính bản thân họ bị tấn công, bị cướp nhà cửa, ruộng vườn hay bị oan khiên trong một vụ án nào đó. Khi đó, họ mới biết họ có sống ngoài chính trị được không. Họ chưa bao giờ tự đặt câu hỏi, họ sống ngoài chính trị tại sao họ lại phấn đấu vào đảng, bon chen để lên chức và vun vén cho bản thân và gia đình không bằng lao động của mình? Không nói chuyện chính trị, vậy ai đã tuyên truyền chính trị cho họ để bộ não của họ biến thành không thể gột rửa được. Trong khi, báo chí vẫn đề cập đến những tiêu cực về mọi mặt của đời sống xã hội thì có ai nhắc đến các chuyện tham nhũng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chủ quyền của Tổ quốc thì họ vội gạt đi: “Không nói chuyện chính trị”. Họ còn bảo hoàng hơn vua.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
0 comments