Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 09/02/2019

Saturday, February 9, 2019 5:59:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 09/02/2019

BOT: miếng mồi béo bở khó nhả!

Vụ việc Trạm thu phí BOT Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Dây ở Đồng Nai bị cướp hơn 2 tỷ đồng vào sáng mùng 3 Tết Kỷ Hợi làm lộ ra khoản thu phí cao khiến công luận bàn tán.
Ngay hôm sau, đại diện của chủ đầu tư phải lên tiếng giải thích nhưng không được thuyết phục vì bất nhất.
BOT: miếng mồi béo bở?
Khi vụ án vừa xảy ra, báo chí trong nước đưa tin số tiền bị mất thu được từ ca làm việc thứ ba trong ngày 7/2, nhưng phía chủ đầu tư sau đó lại thông tin rằng 2 tỷ 200 triệu đồng bị cướp đi từ két sắt sau khi giao nhận phí thu được trong 3 ngày.
Chính từ vụ cướp này lại nêu lên 1 câu hỏi là số thực mà các trạm BOT thu được là bao nhiêu? Theo báo chí, trạm BOT này nói mỗi ngày chỉ thu được 1 tỷ, nhưng bây giờ lại cướp được 2,2 tỷ.  - TS. Lê Đăng Doanh
Nhận xét về việc thông tin bất nhất này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra nghi vấn:
“Chính từ vụ cướp này lại nêu lên 1 câu hỏi là số thực mà các trạm BOT thu được là bao nhiêu? Theo báo chí, trạm BOT này nói mỗi ngày chỉ thu được 1 tỷ, nhưng bây giờ lại cướp được 2,2 tỷ. Đây cũng là một câu hỏi cần giải đáp rất nghiêm túc. Trên cơ sở giải đáp trường hợp này, tôi đề nghị cần có sự điều tra và khảo sát toàn diện, có hệ thống và khoa học tất cả các trạm BOT.”
Đồng quan điểm phải điều tra rõ ràng về vụ việc này, nhưng Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam lại cho rằng việc số tiền chênh lệch khi truyền thông đưa tin là có cơ sở vì về mặt nguyên tắc của cơ quan quản lý đòi hỏi phải nộp tiền sau mỗi ngày làm việc, do đó một số cán bộ nói rằng chỉ mất tiền ngày hôm đó. Nhưng trong thực tế, thời gian bị cướp nằm trong dịp Tết cổ truyền nên có thể việc giao nộp bị chậm trễ do thiếu nhân lực.
Tuy nhiên ông vẫn khẳng định cần cơ quan chức năng điều tra công khai minh bạch để từ đó làm rõ cho người dân cũng như các cơ quan quản lý biết được sự thực của vấn đề là thế nào.
“Bởi vì có một trạm BOT trong thời gian trước đây đã kê khai không trung thực số tiền thu được trong một thời gian tương đối dài chứ không phải một vài ngày. Vì lẽ đó nên họ đòi hỏi thười gian thu phí BOT phải kéo dài ra để thu được lợi ích cao hơn. Chính vì điều này nên cũng cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra làm rõ thực sự là do dịp Tết mà các doanh nghiệp này chậm nộp tiền về cơ quan quản lý hay là họ cố tình trốn tránh để khai thấp số tiền thu được từ trạm BOT, từ đó biển thủ tiền cũng như tăng thời gian thu phí của trạm BOT đó.”
Chỉ định thầu BOT: Lợi ích nhóm?
Theo thống kê của Bộ Giao thông – Vận tải, hầu hết các dự án BOT trong nước hiện nay đều theo hình thức chỉ định nhà đầu tư chứ không theo phương thức đấu thầu.
Lý giải vì sao phải chỉ định thầu, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết:
“BOT là một vấn đề mới ở Việt Nam, vì thế có một thời gian tương đối dài người ta muốn các doanh nghiệp làm BOT nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào tham gia đấu thầu vì có nhiều yêu cầu đòi hỏi phức tạp. Nhu cầu phát triển kinh tế cấp bách mà nguồn vốn ngân sách nhà nước lại ít. Vì thế trong một khoảng thời gian dài vừa qua, hầu hết các dự án BOT buộc các cơ quan chức năng Việt Nam chỉ định thầu.”
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến quan tâm cho rằng việc chỉ định thầu như vậy sẽ dẫn đến tình trạng lợi ích nhóm.
Nói rõ hơn về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng trong kinh tế thị trường thì việc cạnh tranh công khai minh bạch và bình đẳng là yếu tố rất quan trọng để tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và các nhóm lợi ích.
“Vì vậy các BOT ở Việt Nam cho đến nay chưa được thực hiện thông qua đấu thầu mà có rất nhiều trường hợp chỉ định thầu đã gây ra sự nghi ngờ hoặc những câu hỏi của người dân và các chuyên gia về sự công khai minh bạch của cá dự án đó và liệu rằng có những nhóm lợi ích nào đứng đằng sau hay không. Tôi nghĩ câu hỏi đó là dễ hiểu đối với bất kỳ nền kinh tế thị trường nào.”
Về phía Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, ông cho rằng từ việc chỉ định thầu như vậy tất nhiên sẽ nảy sinh vấn đề, đặc biệt trong đó là lợi ích nhóm của những người có thẩm quyền và liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng các dự án BOT này. Do đó, ttrong một khoảng thời gian dài vừa qua có rất nhiều vấn đề liên quan tới các trạm BOT, từ chi phí xây dựng tới chất lượng đường xá, thời gian thu hồi vốn…
Giải pháp
Vẫn theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ Hà Nội hiện đang tìm cách giải quyết bài toán BOT đang gây nhiều tranh cãi này bằng cách siết chặt và có cơ chế để thực hiện đổi mới công tác đầu tư BOT.
Cũng cần sự vào cuộc của cơ quan điều tra làm rõ thực sự là do dịp Tết mà các doanh nghiệp này chậm nộp tiền về cơ quan quản lý hay là họ cố tình trốn tránh để khai thấp số tiền thu được từ trạm BOT, từ đó biển thủ tiền cũng như tăng thời gian thu phí của trạm BOT đó. - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh
“Trong đó đặc biệt nhấn mạnh cơ chế đấu thầu các dự án một cách công khai minh bạch để thực hiện các yêu cầu về đầu tư như thỏa thuận Việt Nam đã ký kết với các quốc gia trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đặc biệt là trong Hiệp định CPTPP, liên quan đến việc mua sắm các tài sản công và việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Vì thế việc siết chặt kỷ cương, thực hiện cơ chế đấu thầu một cách công bằng, công khai minh bạch cũng đang trở thành một đòi hỏi không chỉ riêng với các dự án BOT mà với hầu hết công trình liên quan đến mua sắm công và xây dựng cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hiện nay. Đây là điều mà bắt buộc chính phủ Việt Nam phải làm và đang làm một cách ráo riết.”
Mới đây nhất, trong bài phỏng vấn với trang báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam, Bộ trưởng Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể có nói sẽ xử lý tổng thể bài toán BOT trong năm 2019.
Ông Thể cũng cho biết hướng xử lý đã trình Quốc hội và nếu Quốc hội đồng ý thì có thể chi vài chục ngàn tỷ đồng để giải quyết dứt điểm một số dự án đang gây bức xúc trong giới tài xế và người dân. Đồng thời bày tỏ hy vọng được bố trí vốn từ ngân sách nhà nước nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần phải có nghiên cứu chi phí thực tế là bao nhiêu, cần điều tra nghiên cứu một cách có hệ thống khoa học và phù hợp với thực tế. Có thể đi đến kết luận như ông Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu lên nhưng cũng có thể có những ý kiến bổ sung từ phía các chuyên gia và Quốc hội.
Việc giải quyết các trạm thu phí BOT sao cho hợp lý đang là vấn đề nan giải đối với chính phủ Hà Nội, nhất là trong thời gian gần đây, khi ngày càng nhiều người dân và tài xế lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Mặc dù các đại diện chính phủ cùng với Bộ Giao thông – Vận tải và chính quyền địa phương nhiều lần lên tiếng sẽ giải quyết thỏa đáng các trạm thu phí BOT, nhưng đến nay hướng thực hiện những lời hứa đó vẫn chưa thấy cụ thể.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/bot-the-bait-is-difficult-to-release-02082019140050.html

Qua vụ cướp 2.2 tỷ đồng tại BOT Dầu Giây,

dân nghi ngờ nguồn thu của trạm thu phí

Tin Việt Nam –  Truyền thông trong nước ngày 8 tháng 2 loan tin, vào khoảng 7 giờ ngày 7 tháng 2, hai nghi can Trần Tuấn Anh, 26 tuổi, quê Tiền Giang, và Nguyễn Vũ Hoàng Nam, 29 tuổi, quê Nam Định đã thực hiện vụ cướp 2.2 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây, thuộc xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Nguồn tiền này được cho là trạm BOT đã thu được từ những người tham gia giao thông bằng xe hơi trong một ca của một ngày, trong đó một ngày có 3 ca, và mỗi ca là 8 tiếng.
Vụ cướp đã khiến nhiều người kinh ngạc, và cho rằng nhờ có sự việc này mà người dân cả nước mới biết sự thật về mức thu quá lớn của các trạm thu phí BOT. Bởi vì trong báo cáo thì chủ đầu tư chỉ báo cáo số tiền thu được trong một ngày chỉ bằng một phần của số tiền bị cướp.
Trước thắc mắc của dư luận, bà Nguyễn Thị Hoài Phương, phó giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường xa lộ Việt Nam đã nhanh chóng giải thích trên báo Vietnamnet rằng, số tiền bị cướp 2.2 tỷ đồng không phải là tiền thu được trong một ngày. Trong két sắt trước thời điểm bị cướp là 3.23 tỷ đồng, bao gồm tiền doanh thu của 2 ca ngày 4 tháng 2, 3 ca ngày 5 tháng 2, và 3 ca ngày 6 tháng 2. Cộng với tiền quỹ dự phòng tình huống khẩn cấp, tiền lẻ phục vụ 10 ngày Tết.
Trong một bối cảnh khác, ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm văn phòng nhà cầm quyền CSVN đã thông tin trên báo Dân Trí rằng, có tuyến đường BOT nhà đầu tư nói 1 ngày thu 1 tỷ đồng tiền lệ phí, nhưng dư luận phản ánh thực tế số tiền lên tới 3 đến 4 tỷ đồng, và ông nhìn nhận rằng đây là con số chênh lệnh to lớn.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nho-co-vu-cuop-2-2-ty-dong-tai-bot-dau-giay-nguoi-dan-viet-nam-moi-biet-su-that-ve-nguon-thu-cua-tram-thu-phi/

Liên minh báo chí Đông Nam Á lên tiếng

về việc mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất

Hôm 8/2, Liên minh báo chí Đông Nam Á (SEAPA) kêu gọi quy trách nhiệm và trừng phạt cho những ai chịu trách nhiệm trong việc mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất khi đang tìm kiếm quy chế tị nạn tại Thái Lan.
Bà Tess Bacalla, Giám đốc điều hành của SEAPA chỉ hy vọng rằng ông Trương Duy Nhất vẫn còn sống và an toàn cho dù ông ấy đang ở đâu, và sự mất tích của nhà báo nổi tiếng người Việt không liên quan gì đến những công việc và tiếng nói độc lập của ông ở Việt Nam.
“Những chỉ dấu trái ngược là rõ ràng, và bất kỳ ai chịu trách nhiệm về việc mất tích của ông ấy phải bị quy trách nhiệm và trừng phạt”, bà Tess Bacalla – đại diện tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho giới ký giả và người dùng truyền thông vùng Đông Nam Á cho hay.
Hôm 7/2, chính phủ quân đội Thái Lan lên tiếng cho hay sẽ điều tra về vụ mất tích nhà báo bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất, sau khi các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế đặt nghi vấn về việc ông này có thể bị bắt cóc từ thủ đô Bangkok.
Ông Trương Duy Nhất vốn là một blogger của Đài Á Châu Tự Do mất liên lạc với những người thân hôm 26/1 chỉ 1 ngày sau khi đến văn phòng của Cao ủy Liên hiệp quốc về người tị nạn tại Bangkok để tìm kiếm quy chế tị nạn.
Một số nguồn tin cho Đài Á Châu Tự Do biết, ông Nhất bị bắt giữ ở 1 quán kem ở tầng 3, khu trung tâm mua sắm sầm uất Future Park ở ngoại ô Bangkok hôm 26/1.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/seapa-raises-concern-about-tdn-missing-02092019082312.html

Thái Lan sẽ điều tra về vụ mất tích

của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất

Tin từ Bangkok – Theo Reuters, chính quyền Thái Lan sẽ thực hiện cuộc điều tra về vụ mất tích của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất, người được cho là bị mất tích từ ngày 26/02 ở thủ đô Bangkok, một ngày sau khi ghi danh xin tỵ nạn chính trị.
Theo Reuters, hành động này được tiến hành sau khi có nhiều tổ chức nhân quyền như Quan sát Nhân quyền (Human Rights Watch), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) cho rằng, blogger bất đồng chính kiến này có thể bị bắt cóc và kêu gọi nhà chức trách Thái Lan phải điều tra sự việc.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát biểu của viên chức di trú cấp cao của Thái Lan, ông Surachate Hakparn nói rằng, cảnh sát biên phòng Thái Lan không có hồ sơ chính thức về việc ông Trương Duy Nhất nhập cảnh vào Thái Lan, nhưng sẽ tiến hành điều tra về khả năng ông này nhập cảnh trái phép cũng như điều gì đã xảy ra với ông ta.
Theo Ân xá Quốc tế (AI), một số nguồn tin cho rằng ông Trương Duy Nhất bị bắt cóc tại Bangkok vào ngày 26/1, chỉ một ngày sau khi ghi danh xin quy chế tỵ nạn tại Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp quốc ở thủ đô của Thái Lan. Ông được cho là đã rời khỏi Việt Nam trong tháng 1 vì sợ bị bắt.
Năm 2013, ông Trương Duy Nhất từng bị cầm tù 2 năm với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” vì nhiều bài viết phản biện chính quyền đăng trên trang blog cá nhân mang tên “Một góc nhìn khác.”  Trước khi bị bắt, ông là cộng tác viên của đài Á châu Tự do.
Phía nhà cầm quyền CSVN chưa đưa ra một thông báo nào về trường hợp của ông Trương Duy Nhất.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/thai-lan-se-dieu-tra-ve-vu-mat-tich-cua-cuu-tu-nhan-luong-tam-truong-duy-nhat/

Cán bộ CS Hà Giang chiếm nhà

người sắc tộc H’mong để kinh doanh du lịch

Tin Đồng Văn, Việt Nam – Vương Duy Bảo, người của cộng đồng người sắc tộc H’mong ở Việt Nam, vừa lên tiếng tố cáo cán bộ CS Hà Giang chiếm cứ toà nhà cổ kính là tài sản còn lại của gia đình ông toạ lạc tại đây để biến thành cơ sở bảo tàng thu hút khách du lịch.
Giới chức CSVN cũng như gia đình của ông Vương Duy Bảo đều thừa nhận rằng, đó là kho tàng về phương diện kiến trúc vì từ lịch sử lâu đời, người sắc tộc H’mong du mục hiếm khi định cư tại một nơi trong thời gian dài đủ để xây dựng bất cứ thứ gì.
Ông Bảo cư ngụ tại Hà Nội, đã quay về căn nhà hương hoả và khám phá ra rằng giới chức CS tại địa phương đã chiếm cứ toà nhà của dòng họ ông, không chịu trả lại vì cho rằng ông Bảo không có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu. Ông Bảo gọi đó là sự chiếm cứ phi lý vì không thể có giấy tờ hợp pháp khi xây dựng căn nhà từ năm 1903 dưới thời Pháp thuộc.
Nhiều người H’mong lo sợ rằng nhà cầm quyền CSVN ở địa phương chiếm hữu tài sản và sử dụng tài sản văn hóa của họ chỉ nhằm mục đích kiếm tiền. Đối với ông Bảo thì cuộc chiến giành lại quyền sở hữu ngôi nhà hương hoả vượt khỏi tầm với của một cá nhân.
Ở Việt Nam, 60% sắc tộc H’mong bị đặt ra ngoài lề chính sách thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và khoảng 1 triệu người H’mong đang sống dưới mức nghèo khổ. Tại thành phố Sapa của miền bắc Việt Nam, người dân địa phương kêu ca không ngớt về sự xuất hiện của tầng lớp chủ khách sạn người Kinh thu được lợi nhuận khổng lồ trong khi phụ nữ và trẻ em người sắc tộc thiểu số vẫn phải sống qua ngày bằng nghề dệt thổ cẩm và làm đồ trang sức bằng bạc giả.
Theo japantimes.co.jp, đối với một số người thì tình trạng bị chiếm dụng nhà cửa là vấn đề lớn hơn, và việc giành lại quyền kiểm soát các căn nhà như kho báu kiến trúc mới giúp họ phục hồi truyền thống lịch sử lâu đời và tìm kiếm lợi nhuận từ ngành du lịch.
Song Châu
https://www.sbtn.tv/can-bo-cs-ha-giang-chiem-nha-nguoi-sac-toc-hmong-de-kinh-doanh-du-lich/

Việt Nam nay mới nhận ra tầm quan trọng

 của giáo dục dạy nghề

Vào hôm 7/2, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LDTBXH)  khẳng định với báo chí rằng, cần tập trung đổi mới cho giáo dục dạy nghề, đưa chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn thế giới, đào tạo nghề cho nguồn lao động nông thôn, nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng cho học sinh sinh viên trong thời gian tới.
Ngoài ra, ông Đào Ngọc Dung còn nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu đó cần thay đổi nhận thức của bậc cha mẹ và học sinh hiểu được vấn đề và coi việc học nghề là xu hướng tất yếu trong cơ chế thị trường hiện nay của Việt Nam.
Lâu nay tại Việt Nam hầu hết giới học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và cha mẹ luôn nhắm đến cấp đại học với hy vọng con em họ có một tương lai sáng sủa. Tuy nhiên, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp; trong khi đó thì các nhà tuyển dụng cho rằng qua tuyển dụng họ thấy sinh viên nộp đơn không đạt được yêu cầu của đơn vị.
Thầy giáo Nguyễn Khoa Văn, giảng viên trường đại học tại Sài Gòn trao đổi với chúng tôi rằng giáo dục Việt Nam trước giờ đi theo hai hướng là học thuật và lý thuyết cũ kỹ nó không thiên về hướng thực hành. Thầy giải thích:
 Việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ra thông tư như vậy nó thể hiện sự yếu kém của ngành giáo dục, bởi vì giáo dục của mình chỉ mang tính định hướng và lý thuyết thôi.
- Nguyễn Khoa Văn
“Ví dụ như đại học kinh tế ở thành phố HCM có khoa là quản trị kinh doanh thì trước giờ nhưng người học quản trị kinh doanh thì chỉ học để biết quản trị là gì còn để làm nó như thế nào thì hầu như không ai dạy. Nên việc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ra thông tư như vậy nó thể hiện sự yếu kém của ngành giáo dục, bởi vì giáo dục của mình chỉ mang tính định hướng và lý thuyết thôi, mà lý thuyết thì cũ kỹ.”
Ngoài ra, theo thầy Văn thì những bộ ngành chia nhau quản lý chồng chéo nên việc dù có chuyển qua dạy nghề, nghiên cứu thì nó cũng chẳng ra gì.
“Không chỉ riêng Bộ LDTBXH đâu mà lúc trước các đại học và cao đẳng VN mình có rất nhiều bộ quản lý, như trường đại học marketing bây giờ đó, lúc trước là trường cao đẳng vật giá và marketing kết hợp với nhau thì nó thuộc bộ tài chính, sau đó mới thành đại học tài chính marketing rồi sát nhập thêm trường cao đẳng hải quan vô, đến bây giờ vẫn do bộ tài chính quản lý chứ không thuộc Bộ Giáo dục.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết, kiểu dạy nghề tại Việt Nam hiện nay chỉ mang tính hoàn toàn hình thức và nó không mang lại được kết quả thực sự. Thầy cho biết:
“Từ trung học cơ sở lẫn phổ thông đa số các thầy cô định hướng như học mấy nghề làm vườn, điện và soạn thảo tin học văn phòng họ coi đó là nghề nhưng ở thời đại hiện nay thì nghề điện là nghề gì là lắp ráp mấy bảng điện mà học sinh học 180 tiết rồi đến lúc thi để kiểm tra thì chỉ cần lắp rắp một cái công tắc, nối một cầu chì với một bóng đèn là đậu. Thời đại công nghệ thông tin như hiện nay thì học những thứ đó quá lãng phí vì học sinh học xong chả làm được cái gì hết, sự lãng phí vô cùng về nhân lực, chương trình, thời gian của thầy cô lẫn học trò mà người ta không hề xót và cứ để cho nó tiếp tục tồn tại mấy chục năm rồi, chưa ai lên tiếng là bỏ nó đi.”
Thầy Khoa còn giải thích thêm rằng, thầy công nhận ý tưởng của việc dạy nghề và học nghề đó là mục tiêu quan trọng cả đời người nhưng những cái nghề để đáp ứng được nhu cầu thị trường xã hội hiện nay thì từ trung học lẫn đại học Việt Nam không đáp ứng nổi điều kiện.
Theo thống kê được truyền thông trong nước loan đi thì vào năm 2018 Việt Nam có chừng 200.000 lao động tốt nghiệp đại học bị thất nghiệp.
Thầy Nguyễn Khoa Văn cho rằng con số đó không chính xác bởi vì thực tế nó còn cao hơn rất nhiều. “Các học sinh sinh viên tính từ bậc cao đăng và đại học thuộc nhóm ngành kinh tế và quản trị kinh doanh thì mỗi năm ra trường đâu đó khoảng 480.000 sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ thất nghiệp trên 50% thì nó đã cao hơn con số đó rồi.”
Còn đối với thầy Đỗ Việt Khoa,
“Sự xuất hiện mọc lên nhan nhãn các trường đại học trên cả nước, nâng cấp các trường vớ vấn trung cấp lên cao đẳng đại học, rồi tuyển sinh đầu vào dễ dãi cấp bằng cũng dễ dãi mà chất lượng đào tạo rất là thấp và những điều thầy dạy trong các trường đại học nó không đáp ứng được nhu cầu xã hội nên bằng học xong chỉ có giá trị điểm thôi chứ không có giá trị thật để vào đời thì các em thất nghiệp là phải thôi.”
Theo nhận định của chuyên gia trong ngành giáo dục, hiện nay các công ty nước ngoài chuyên về công nghệ, kỹ thuật… khi đầu tư vào Việt Nam họ xác định việc tuyển nhân sự dựa trên ba tiêu chí là nhiệt tình cầu tiến, trình độ ngoại ngữ và chịu học hỏi cùng với cam kết làm việc lâu dài, sau đó công ty sẽ tiến hành đào tạo lại từ đầu từ vài tháng đến một năm trước khi chính thức làm việc.
Thầy Khoa cho hay: “Thường các công ty này tuyển công nhân sau đó đào tạo vài tháng thì nhân lực mới đáp ứng được công việc chứ còn chờ đại học Việt Nam đào tạo thì không có đâu. Các cháu sinh viên đại học không được đến các công ty quốc tế để thử và làm thêm nên chúng hầu như không có kỹ năng gì cả, ra ngoài thì không làm việc được thì hiện nay thực tế các doanh nghiệp nước ngoài phải đào tạo từ đầu từ vài tháng thậm chí mất cả năm trời thì nhân lực của mình mới làm việc nổi.”
Ngoài ra theo các thầy giáo, việc chuyển đổi giáo dục sang mô hình dạy nghề và học nghề để đáp ứng nhu cầu xã hội thì điều cần nhất là thay đổi được tư duy, giáo trình nội dung và đội ngũ giảng viên, sau đó loại bỏ bớt các môn học không phù hợp như triết học, chính trị, tư tưởng Mác Lenin… vì những môn đó không thể đáp ứng được các nhu cầu xã hội hiện nay mà lại chiếm nhiều thời gian.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-recognizes-the-importance-of-vocational-training-02082019133920.html

Xã hội bất an thì mê tín nhiều hơn

Diễm Thi, RFA
Trước đây thành phần cúng bái, cầu khấn, đi chùa, xem bói thường là những người già và phụ nữ… Bây giờ nhiều người trẻ cũng tham gia vào việc cầu xin, cầu may. Một trong những nơi thu hút giới trẻ đến để cầu xin những điều may mắn trong việc học hành, thi cử là Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Thống kê của Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Hà Nội cho biết chỉ trong mấy ngày Tết năm 2018, Văn Miếu -  Quốc Tử Giám đã đón hơn 100.000 lượt khách đến tham quan và “xin chữ” đầu năm.
Ngoài ra, các chùa chiền hay những nơi tổ chức lễ hội để người tham gia xin ấn, xin lộc cũng rất đông các bạn trẻ tham gia.
Truyền thông trong nước trích dẫn lời giáo sư Ngô Đức Thịnh rằng khi số lượng người trẻ, người có học thức đặt niềm tin vào tâm linh quá nhiều là điều đáng lo:
“Tất nhiên thời nào cũng có tình trạng mê tín dị đoan. Nhưng hiện điều đáng lo lại là số lượng người trẻ, người có học thức đặt niềm tin vào tâm linh khá nhiều. Không khó để thấy các sĩ tử trước ngày thi vào Văn Miếu thi nhau sờ đầu rùa, dùng tiền quết lên bia tiến sĩ để mong làm bài được trúng tủ.”
Nhà nghiên cứu xã hội học, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng một khi xã hội không an toàn thì người ta tìm chỗ bấu víu khác, bất kể là người già hay người trẻ. Bà nói:
Cái này thuộc về tâm linh tín ngưỡng nên cũng tùy thuộc vào từng người. Có người tin nhiều, có người tin ít, người già hay người trẻ cũng thế thôi. Ở Việt Nam bây giờ người ta cầu khấn, cúng bái không hẳn chỉ do tín ngưỡng, mà họ muốn cầu cho một sự an toàn nào đó. Nếu một xã hội không bảo đảm an sinh, cuộc sống nhiều bấp bênh thì mức độ người dân phải cầu, cúng, bấu víu vào một cái gì đó để có chút niềm tin sẽ càng tăng. Còn nếu một xã hội an toàn hơn thì mức độ cầu cúng của người dân chắc sẽ giảm xuống.”
Bà nói thêm rằng tâm lý của người Việt Nam là có kiêng có lành cho nên người ta cầu khấn bất cứ đâu, bất cứ tôn giáo nào, miễn sao họ thấy an lành là được.
Cứ vào những ngày rằm, mùng một thì các ngôi chùa ở Việt Nam luôn có đông người đến lễ bái. Còn những ngày đặc biệt trong năm như rằm tháng giêng, đêm giao thừa hay sáng mùng một Tết thì không chỗ chen chân. Người ta đến xin lộc, hái lộc, xem quẻ đầu năm…
Bà Minh, một người dân thường xuyên đi lễ chùa nói với RFA:
“Xã hội bây giờ bệnh tật thì nhiều, ra đường thì người dân không có ý thức đi ẩu  gây ra tai nạn giao thông, ăn uống thì thực phẩm bẩn, môi trường thì ô nhiễm… đâm ra cũng chẳng biết trông chờ gì. Thôi tốt nhất là cứ theo mặt tâm linh đi lễ cầu mong sức khoẻ, bình an cho gia đình mà thôi.”
Nhà báo Võ Văn Tạo thì cho rằng chuyện cúng bái, cầu khấn, xin lộc thì rõ ràng là mê tín dị đoan chứ không phải đức tin về đạo đức, tôn giáo.
Trong cuốn ‘Believing in Magic’, tác giả Stuart Vyse viết rằng “gốc rễ của mê tín dị đoan là sự thiếu kiểm soát. Con người luôn muốn được kiểm soát tốt hơn trong các hoàn cảnh bất an. Khi gặp điều gì đó quan trọng nhưng không chắc chắn, mê tín dị đoan sẽ được dùng để lấp vào khoảng trống sợ hãi và làm con người cảm thấy tốt hơn”.
Ở Việt Nam những năm sau này, người ta dường như cúng bái nhiều hơn. Báo chí trong nước thường xuyên đưa những bài viết, hình ảnh những quan chức cao cấp hay vợ con của họ, trước đây theo chủ thuyết cộng sản là vô thần, bây giờ cũng đi chùa, dâng mâm cúng chùa. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng có ba nguyên nhân dẫn đến chuyện này:
“Thứ nhất là những năm chiến tranh trước đây, nhà nước cộng sản miền Bắc chủ trương diệt những gì mà gây phân tán tư tưởng xã hội. Họ chỉ muốn người dân tập trung căm thù Mỹ, đánh Mỹ giải phóng miền Nam. Với học thuyết Mac – Lenin thì họ rất ghét các niềm tin khác, họ chỉ muốn người dân tuyệt đối vào ĐCSVN thôi.
So với trước đây thì bây giờ có khác, tất nhiên ĐCSVN vẫn muốn độc quyền cai trị đất nước, nhưng khách quan mà nói thì họ cũng có nới lỏng khi người dân đặt niềm tin chỗ khác.
Nguyên nhân thứ hai là khi cuộc sống đỡ thiếu thốn về vật chất thì ‘phú quý sinh lễ nghĩa’, hay đi chùa, đi đền, cúng sao giải hạn…đặc biệt ở ngoài bắc phát triển mạnh trong vài thập niên trở lại đây.
Nguyên nhân thứ ba là đạo đức xã hội xuống cấp, người dân đã mất hết niềm tin vào ban lãnh đạo đất nước. Không chỉ với giới chóp bu mà ngay cả cán bộ phường khóm, thôn, xã tiếp xúc hàng ngày với dân cũng ăn hối lộ, gây khó dễ cho dân, nói một đằng làm một nẻo. Nhu cầu cuộc sống luôn phải có chỗ để gửi gấm niềm tin. Bây giờ họ phải đặt niềm tin chỗ khác. Đó cũng là nhu cầu tự nhiên thôi.”
Facebooker Đỗ Ngà trong một bài viết vào ngày 7 tháng 2 cho rằng đa số người Việt khi bị bế tắc thì cầu thánh thần ban riêng cho họ sự giàu sang mà quên mất một điều là nếu đất nước thịnh vượng thì tất cả mọi người, trong đó có họ và cả con cháu họ sau này cũng được hưởng sự thịnh vượng đó.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/superstition-by-losing-faith-in-society-dt-02082019130446.html

Tầm quan trọng của vũ khí Nga đối với Việt Nam

Kính Hòa RFA
Bản tin ngày 7/2/2019 của tạp chí kinh tế Nhật Bản Nikkei cho biết trong chuyến thăm nước Nga vào tháng 9/2018 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội đã đạt được thỏa thuận mua một gói vũ khí Nga lên đến 1 tỉ đô la Mỹ.
Nước Nga hiện nay và tiền thân của nó là Liên bang Xô Viết là nhà cung cấp vũ khí liên tục cho Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Chỉ trong thời gian 10 năm trở lại đây, báo chí trong và ngoài nước mới bắt đầu nói đến những nguồn cung cấp vũ khí khác cho Việt Nam, rất đa dạng, có thể kể ra là Pháp, Israel, Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ.
Bình luận về việc này, Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho đài RFA biết:
Tại sao Việt Nam cần vũ khí của Nga? Vì Nga là nhà cung cấp truyền thống lâu rồi. Mặc dù vũ khí Nga có thể không hiện đại bằng Mỹ, nhưng cũng rất tốt, và lại rẻ hơn. Nhưng nếu chỉ lệ thuộc vào một nhà cung cấp thì không hay, cho nên Việt Nam cũng phải đa dạng hóa nguồn cung cấp của mình.”
Ông Hoàng Việt nói rằng việc đa dạng nhà cung cấp vũ khí như vậy có lợi là tìm được giá tốt, có nhiều loại vũ khí có tính năng khác nhau, nhưng cũng có khả năng bất lợi là tương thích các loại vũ khí đó với nhau.
Ông Hoàng Việt nói thêm là dù là bạn hàng lớn của Nga về vũ khí nhưng Việt Nam vẫn mong muốn có được những vũ khí hiện đại của Mỹ, đặc biệt là các radar đã tỏ ra hơn hẳn những hệ thống của Nga trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Syria. Vấn đề Việt Nam chưa mua nhiều vũ khí Mỹ, mặc dù có thể bỏ ra từ 1 đến 2 tỉ đô la hàng năm cho vũ khí, là vì Mỹ chưa bán cho Việt Nam.
Việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam sau khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được Tổng thống Obama dỡ bỏ, có nhiều những chi tiết kỹ thuật chứ không đơn giản.
Trong năm 2018 người ta cũng biết được có hai chuyện liên quan đến khả năng Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam.
Chuyện thứ nhất là tiết lộ từ Bộ quốc phòng Mỹ về hợp đồng trị giá 100 triệu đô la dành cho Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó không bình luận gì về việc này.
Chuyện thứ hai là Mỹ đưa Việt Nam vào diện đặc biệt, không bị ràng buộc bởi lệnh cấm vận vũ khí Nga.
Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc này. Ông Mattis đã nêu vấn đề Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển sang dùng vũ khí Mỹ trong khi đã dùng vũ khí Nga hơn nửa thế kỷ nay, để chống lại với lý lẽ muốn cấm vận mà Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng xuất phát từ các công ty sản xuất vũ khí Mỹ, hoặc các tiểu bang có các công ty này hoạt động.
Nếu chỉ lệ thuộc vào một nhà cung cấp thì không hay, cho nên Việt Nam cũng phải đa dạng hóa nguồn cung cấp của mình.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.
Như vậy có thể nói trong một khoảng thời gian vài chục năm trước mắt, nền tảng cơ bản của quân đội Việt Nam vẫn là vũ khí Nga, mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia độc lập từ Singapore trong một lần trao đổi với RFA, cho biết có đến 80% vũ khí, khí tài của Việt Nam đang sử dụng là xuất phát từ Nga.
Song song với những điều kiện kỹ thuật, với việc sử dụng quen thuộc loại vũ khí này, còn có lòng tin trong sự cung cấp tín dụng nữa.
Cách đây vài năm, với nổ lực phát triển ảnh hưởng sang Đông Nam Á, Chính phủ Ấn Độ cho Việt Nam vay một khoảng tín dụng trị giá 500 triệu đô la Mỹ để mua các tên lửa phòng thủ bờ biển mà nước này hợp tác sản xuất với Nga. Nhưng cho đến nay khoản tín dụng này đã không được sử dụng tới.
Theo một chuyên gia trong nước gần với quân đội Việt Nam, thì Việt Nam vẫn chỉ sử dụng tín dụng của Nga để mua vũ khí mà thôi. Cũng theo chuyên gia này, tín dụng của Nhật Bản trong thời gian gần đây đã được dùng để mua vũ khí nhưng còn rất ít.
Đầu năm 2019, tờ báo mạng Đất Việt, của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, đã đưa tin khá chi tiết về những loại vũ khí dành cho không quân như máy bay Su-35, tên lửa phòng không S-400, được Việt Nam mua từ nước Nga. Ngoài ra báo này còn cho biết Việt Nam đang thực hiện việc sản xuất một số tàu chiến được Nga thiết kế.
Trước đây báo chí trong và ngoài nước cũng đã nói đến lô hàng lớn nhất trong việc Việt Nam mua vũ khí Nga từ trước đến nay là 6 chiếc tàu ngầm loại Kilo trị giá hàng tỉ đô la Mỹ. Những chiếc tàu ngầm đã được lần lượt chuyển giao cho Việt Nam.
Tuy nhiên Thạc sĩ Hoàng Việt, cùng một số nhà quan sát khác cũng lo ngại rằng nước Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng cũng cung cấp vũ khí cho Trung Quốc:
Những vũ khí đấy Nga vừa bán cho Việt nam vừa bán cho Trung Quốc, tậm chí Trung Quốc nhiều tiền hơn, mua loại hiện đại hơn. Mà Trung Quốc cũng nổi tiếng là jua rồi bắt chước. Thành ra e rằng nếu xung đột thực sự xảy ra thì Trung Quốc có thể vô hiệu hóa các loại vũ khí (Nga) của Việt Nam.”
Nhưng vị chuyên gia giấu tên am tường về vũ khí của quân đội Việt Nam lại cho rằng điều đó không đáng ngại, vì hai lẽ:
Thứ nhất là Trung Quốc có thể bỏ nhiều tiền hơn để mua vũ khí nhưng phải dàn trải ra trên khắp tuyến biên giới rất dài của mình.
Thứ hai là theo truyền thống hợp tác từ trước đến nay, Liên Xô ngày trước và nước Nga hiện nay khi bán vũ khí cho Việt Nam, cũng đồng thời cung cấp những chiến lược, chiến thuật sử dụng vũ khí đó, trong khi họ không làm như vậy với Trung Quốc.
Những thông tin gần đây cho thấy Việt Nam không chỉ mua vũ khí sản xuất từ Nga, mà bắt đầu sản xuất những loại vũ khí đó tại Việt Nam như tên lửa và tàu chiến. Hơn nữa là Việt Nam cũng cố gắng tích hợp những nguồn vũ khí khác nhau lại để sử dụng, ngay từ khâu sản xuất.
Tờ Đất Việt có nêu lên khả năng Việt Nam sử dụng những tàu chiến của Hà Lan sản xuất, nhưng gắn thêm những loại vũ khí của Mỹ và Nga trên đó.
Vị chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc cho biết là hiện nay và một thời gian nữa Việt Nam có một nền sản xuất quốc phòng căn bản vẫn dựa trên vũ khí Nga là chính.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-russia-weapons-02082019135131.html

Tại sao Thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn ở Hà Nội

chứ không phải Đà Nẵng?

Sau nhiều tuần dự đoán về Thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong-un ở Đà Nẵng, cuối cùng, vào ngày 8/2, Tổng Thống Mỹ đã chính thức tuyên bố trên Twitter, cuộc họp cấp cao sẽ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 27 và 28/2.
Trước đó, các dự đoán cho rằng Đà Nẵng có nhiều khả năng là lựa chọn hợp lý vì đây là thành phố đã từng đăng cai tổ chức APEC năm 2017 thành công.
Tuy nhiên lựa chọn ở Hà Nội cũng có những lý do nhất định. Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc viết trên blog của mình hôm 9/2 rằng Hà Nội được phía Bắc Hàn thích hơn vì nhiều lý do. “Thứ nhất, họ (Bắc Hàn) muốn Chủ tịch Kim thực hiện chuyến thăm chính thức Việt Nam và Hà Nội là thủ đô. Thứ hai, họ muốn thượng đỉnh lần hai được tổ chức ở một thành phố mà Bắc Hàn có đại sứ quán. Thứ ba, là lý do an ninh, chỉ ở tại một thành phố thay vì phải di chuyển đến một thành phố khác”, Giáo sư Carl Thayer viết.
Mặc dù Đà Nẵng trước đó được cho là địa điểm lý tưởng để tổ chức Thượng đỉnh vì những kinh nghiệm và cơ sở hạ tầng đã có. Tuy nhiên điều này chỉ thích hợp nếu có cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Giáo sư Carl Thayer nhận định “ Cuộc gặp ở Hà Nội sẽ đặt ra các vấn đề về an ninh, hậu cần và nghi thức. Thay vào đó, có tin cho rằng nếu Tổng thống Trump gặp Chủ tịch họ Tập ở đảo Hải Nam thì Đà Nẵng sẽ là một điểm bắt đầu tuyệt vời. Nhưng giờ cuộc gặp dường như khó có thể xảy ra vào lúc này nên có ít lý do hơn cho Đà nẵng trở thành địa điểm của Thượng đỉnh lần này”.
Hôm thứ Năm, ngày 7/2, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ không gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến đi Châu Á sắp tới.
Việc Thượng đỉnh Mỹ Bắc Hàn diễn ra ở Việt Nam lần này được cho là có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì Hà Nội, Việt Nam sẽ là tâm điểm chú ý của thế giới lần này, theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế. Tổ chức Thượng Đỉnh này cũng cho thấy chính sách đa phương đa dạng hoá quan hệ với Quốc tế mà Hà Nội đã theo đuổi bấy lâu nay.
Đã có nhận định cho rằng với việc Việt Nam và Trung Quốc đang có tranh chấp liên quan đến chủ quyền ở Biển Đông, Hà Nội trông ngóng việc tổ chức Thượng đỉnh lần này như một cơ hội để có được sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam. Tuy nhiên, theo Giáo sư Carl Thayer, nhận xét này có tính thiển cận vì xung đột hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên sẽ có ảnh hưởng tới Việt Nam lớn hơn nhiều so với căng thẳng hiện có trên Biển Đông, trong khi cả Việt Nam và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy đối thoại giữa Mỹ và Bắc Hàn.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/why-trump-kim-summit-in-hanoi-02092019092035.html

2019 này Trung Quốc có “giận cá chém thớt”?

Phương Hiền
Chuỗi sự kiện sắp diễn ra ở Việt Nam sau Tết: cấp cao Donald Trump—Kim Jong-un, tin đồn về cấp cao Donald Trump—Tập Cận Bình (mặc dầu hôm 7/2, Trump đã bác bỏ) và một tiếp xúc nào đấy giữa phái bộ Mỹ với lãnh đạo Hà Nội cuối tháng Hai này… tất cả có góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi được nguy cơ một cuộc chiến kiểu như 17/2 cách đây bốn mươi năm? Cho đến nay, câu trả lời vẫn đang ở phía trước.
——————–
Cuộc huyết chiến 17/2/1979 phải được tưởng niệm mà không cần đến nghệ thuật “ôn cố tri tân” như các năm trước. Việc Trung Quốc “cắn trộm” trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam cách đây 40 năm cần được ôn lại công khai và sòng phẳng! Tuyên giáo của cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội dù có tốn công sức để lấp liếm các “mảnh vá chằng lót đụp” trên chiếc áo “hảo hảo” 4 tốt và 16 chữ vàng, thì việc Bắc Kinh có thể “ra đòn” đối với Hà Nội, trong một thời khắc khi họ túng quẫn về chiến lược, vẫn là một nguy cơ hiện hữu.
Xung quanh 17/2 năm nay có gì lạ?
Từ các ý đồ đen tối của Bắc Kinh trong những năm gần đây, có bao nhiêu phần trăm sẽ thành hiện thực trong năm nay thì chưa ai có thể khẳng định một cách chắc chắn vào lúc này. Tuy nhiên, những động thái “rời rạc” từ Hà Nội trên nền của những tiếp nối liên tục tạo nên chính sách “lý tưởng tương thông” (cùng chung lý tưởng), “vận mệnh tương quan” (có chung định mệnh) với Trung Quốc vẫn khiến giới phân tích kịp nhận ra một số điều lạ lẫm.
Đầu tiên, năm nay nhà nước buộc phải cho phép tưởng niệm ngày 17/2/1979 (Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc) cùng với những sự kiện liên quan như 7/1/1979(lật đổ Khme đỏ), 19/1/1974 (mất Hoàng Sa), tất nhiên là cả 14/3/1988 nữa (cuộc thảm sát hèn hạ cán bộ chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, Trường Sa). Tuy nhiên, tất cả chỉ là những cuộc tưởng niệm trong “thầm lặng”. Nếu các cuộc gặp mặt trở thành những cuộc biểu dương lực lượng chống Tàu hay tôn vinh xã hội dân sự, chắc chắn nhà nước sẽ không để yên.
Cái lạ thứ hai (tuy không mấy ngạc nhiên), là tưởng niệm tất cả những mốc đau thương và đắt giá nói trên nhưng truyền thông lại không được đề cập tới dòng chảy chính tạo nên nguồn mạch các sự kiện. Đó là phải lờ đi thực tế hiển nhiên rằng, các vụ thảm sát ấy được tiến hành bởi chính bàn tay của “bạn vàng 4 tốt và 16 chữ”. Tưởng niệm nhưng không được đề cập tới vai trò của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Trung Quốc đằng sau những sự kiện bi thảm ấy.
Điều lạ lẫm thứ ba, 17/2 năm nay được nhắc tới trong một môi trường quốc tế và quốc nội bất bình thường; hầu như trái ngược lại nhiều điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trong “bản tấu” mừng đảng mừng xuân đầu năm. Những vụ bắt bớ liên tục áp Tết vẫn không thuyên giảm, những bức hại đối với xóm đạo Lộc Hưng vẫn tiếp diễn, kể cả khi EU đã cảnh báo Hà Nội về các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, dẫn đến việc đình hoãn Hiệp định EVFTA mà Hà Nội đang rất mong đợi.
Hoạ phúc phải đâu một buổi
Nếu làm một cuộc hành hương về nguồn, dễ thấy 17/2/1979 cũng như những biến cố liên quan, chỉ là các “chương” (chapter), “hồi” (episode) trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt suốt từ thời Tần—Hán khiêm tính các nhà nước Văn Lang—Lạc Việt. Nghĩ vậy để chia sẻ với nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm về câu chuyện của một dân tộc “dễ bị tổn thương”. Câu chuyện không nhằm phác hoạ một Việt Nam nhược tiểu, cũng không nhằm hạ thấp nỗ lực của bao thế hệ tiền nhân đã đổ xương máu để xây nên quốc gia có cương vực như ngày nay.
Ở một góc nhìn cận cảnh khác, cần suy ngẫm và rút ra những bài học đang bị bỏ quên từ cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam—Trung Quốc…” (Tính đến tháng 10/1979). Đây là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao Việt Nam được công bố ngày 4/10/1979 nhằm vạch trần bản chất của chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh đối với Việt Nam trong cả một thời gian dài. Đọc cuốn sách này, dư luận sẽ không bất ngờ trước cuộc chiến tranh xâm lược ngày 17/2.
Riêng đối với giới nghiên cứu, cuộc chiến tàn độc ấy của Trung Quốc đối với Việt Nam là một bước phát triển lô-gích của chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Trên thế giới chưa có những nhà lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược lại lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như các lãnh đạo ở Trung Nam Hải. Văn kiện Bộ Ngoại giao một thời đã đanh thép khẳng định như vậy!
Thật đáng tôn vinh, trong giờ phút lâm nguy đối với cả cá nhân lẫn cộng đồng, một sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà vẫn cố gắng hoàn tất tấm bản đồ dẫn dắt người đọc dọc theo hành trình lập quốc của các bộ tộc Bách Việt. Lộ trình ấy gợi mở về cách thức tồn tại của các quốc gia Đông Nam Á trong tư thế độc lập và tự do. Bản chỉ dẫn minh định một tầm nhìn liên kết và cùng nhau hội nhập để chống lại sự bành trướng của các thế lực quốc tế, dù ngụy trang dưới bất cứ hình thái hoặc ý thức hệ nào. Đây chính là tầm nhìn mà các triều đại phương Bắc, bằng kế sách bành trướng nhiều hướng, ngày đêm tìm cách vô hiệu hoá, với sự “toa rập” đắc lực của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống xưa và nay.
Và cả trước đấy khá lâu, từ những năm 1960, tác giả Tùng Phong cũng từng đau đáu về vận nước long đong khi cả hai quốc gia Bắc và Nam trải qua cuộc nội chiến tương tàn để rồi lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới. Tác giả cảnh báo khá chính xác nguy cơ các quốc gia như Việt Nam thường bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào chúng ta cũng phải cảnh giác trước sự đe dọa liên tục của những cuộc ngoại xâm.
Để loại trừ nguy cơ chiến tranh
Tạp chí Nikkei Asian Review, trong một bài bình luận mới đây đã khẳng định, Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho một năm 2019 đầy biến động. Ngôi vị của Tập, người truyền cảm hứng trực tiếp đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đang có dấu hiệu bị lung lay. Giáo sư Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo là người được coi là tiếng nói gián tiếp của các nguyên lão trong ĐCSTQ) đã cảnh báo về nguy cơ bất động sản trong nước và sự rối loạn nội bộ liên quan đến chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.
Thế bế tắc ấy khiến ông Tập có thể phải hoá giải mọi bất ổn bằng việc phát động một cuộc chiến ở bên ngoài Trung Quốc, như cách mà ông ta đã cảnh báo trong thông điệp đầu năm. Ngoài Đài Loan, Biển Đông được các chuyên gia đánh giá là nơi dễ xảy ra xung đột nhất. Nếu ông Tập gặp sự đe dọa về vị thế chính trị qua sự sụt giảm liên tục về kinh tế—xã hội do tác động từ cuộc thương chiến với Mỹ, thì Biển Đông nhiều khả năng sẽ là nước cờ “thấu cáy” để Tập dựa vào đó duy trì quyền lực của mình.
Để tránh “một 17/2” trong tương lai thì những động tác giả của Hà Nội vừa qua không mang nhiều ý nghĩa. Những miếng võ kiểu “Tiệt quyền đạo” ấy là chưa đủ “đô”. Truyền thông trong nước từng “cố ý tiết lộ bí mật” khi mạng SOHA chủ động công khai kế hoạch chuyển quân và bố trí lực lượng của trung đoàn 921 về Yên Bái, Su-22 đoàn không quân Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng trời Tây Bắc. Có thể đây là sự lặp lại chiến thuật “răn đe Trung Quốc” giống như khi Việt Nam mời mẫu hạm USS Carl Vinson đến “giao lưu quân sự” tại Đà Nẵng vào tháng 3/2018.
Việt Nam phải hết sức cẩn trọng trước “quyết tâm chiến lược” của “Giấc mộng Trung Hoa”. Ông Tập từng phát biểu công khai, đất nước Trung Quốc “hiện đang ở trong giai đoạn ‘cơ hội chiến lược mang tính lịch sử’, trong đó có thể làm được nhiều việc. Triển vọng phát triển nhìn chung là tích cực, nhưng con đường đi lên sẽ không suôn sẻ. Thành tựu càng lớn, thì băng càng mỏng trên mỗi bước đi và chúng ta (tức là Trung Quốc) càng phải chuẩn bị đối mặt với những hiểm nguy ngay trong giai đoạn hòa bình. Chúng ta không thể để cho mình mắc sai lầm chiến lược hoặc sai lầm gây ra đổ vỡ”.
Để tránh phải lâm chiến, Việt Nam cần tích cực kết nối với những vùng miền chiến lược xuyên khu vực (Indo—Pacific), chủ động tiếp tục thực thi các khía cạnh của FOIP (Ấn Độ—Thái bình Dương tự do và rộng mở), thúc đẩy hợp tác về an ninh, phấn đấu thành đối tác bình đẳng với Nhật, Ấn, Úc và Hoa Kỳ. Cơ hội giờ đây là “Bộ tứ” ngày càng coi Việt Nam là “đối tác ngang cấp”, là một đất nước độc lập, tự chủ, chứ không phải là quốc gia “vệ tinh” hay “phụ thuộc” như chính Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố.
“Mô thức Việt Nam” — khéo léo nương theo ngọn triều của thời đại, vận động các nước “tiền tuyến” trong ASEAN cùng trở thành “những thành viên theo sát” của “Bộ tứ” (shadow members) — đó mới thật là kế sách lâu dài và căn bản. Phải làm cho mỗi tảng băng dưới gót dày của bành trướng và xâm lược lúc nào cũng có thể bị vỡ vụn (để nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước). Phải thiết kế được những kịch bản mà Trung Quốc không mong muốn, mới hy vọng Tập Cận Bình sẽ nghĩ lại nhiều lần trước khi có những hành động vô luân vô pháp như Đặng Tiểu Bình đã liều lĩnh 40 năm trước đây./.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/2019-will-china-be-mad-and-take-it-all-on-vn-02092019080326.html

‘Quán’ thế nào mới không bị ‘triệt’?

Trân Văn
Từ 1 tháng 2 đến 5 tháng 2, ông Vũ Mão (cựu Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN – BCH TƯ đảng CSVN – suốt từ khóa 5 tới khóa 9, cựu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam liên tục trong ba khóa 9, 10 và 11) đưa lên trang facebook của ông năm bài trong loạt bài có tựa là “Một thời Đông Bắc” (1).
Ông Mão giải thích, ông viết “Một thời Đông Bắc” vì đã cận kề 17 tháng 2, thời điểm mà cách nay đúng 40 năm, Trung Quốc xua đại quân tràn sang Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học”. Tuy không nhiều nhưng “Một thời Đông Bắc” có không ít chi tiết cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ tử tế, kể cả khi đang giúp Việt Nam đánh Mỹ.
Từ khi Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc” hồi đầu thập niên 1990, đây có lẽ là lần đầu tiên, một Ủy viên BCH TƯ đảng CSVN, tường thuật công khai về cuộc chiến vệ quốc, ca ngợi những cá nhân hữu công trong việc kháng cự cuộc xâm lược của Trung Quốc.
***
Cũng thời điểm này, ông Nguyễn Đình Bin (một cựu Ủy viên khác của BCH TƯ đảng CSVN, đồng thời từng là Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam), cũng dùng trang facebook của mình để “Kỷ niệm 40 năm Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc”.
Khác với ông Mão, ông Bin không kể nhiều, bình nhiều mà trích dẫn hai bài phát biểu của Fidel Castro. Một vào ngày 26/7/1978 – bảy tháng trước khi Trung Quốc xua quân xâm lược Việt Nam. Một vào ngày 21/2/1979 – lúc quân đội Trung Quốc đang phá sạch, đốt sạch mọi thứ, giết sạch những người Việt cư trú sát biên giới, không kịp chạy trốn.
Trước khi quân đội Trung Quốc tràn sang Việt Nam, ông Castro đã nhấn mạnh: Chẳng ai không biết, phía sau chủ nghĩa cực đoan Campuchia là chủ nghĩa Maoist và bè lũ cầm quyền Trung Quốc. Không ai không biết bè lũ cầm quyền ấy đứng sau các cuộc khiêu khích chống phá Việt Nam.
Sau đó, lúc quân đội Trung Quốc đang gieo rắc đau thương trên lãnh thổ Việt Nam, ông Castro nhấn mạnh, nỗ lực “dạy cho Việt Nam một bài học” ấy của Trung Quốc là một trong những hành vi đáng tởm nhất, hèn hạ nhất, khốn nạn nhất mà chúng ta chưa từng chứng kiến và nó sẽ khó lòng bị kẻ khác vượt qua…
***
Đã có không ít người hoan nghênh ông Mão, ông Bin. Một số người khác thì tin rằng, hệ thống… đèn của Ban Tuyên giáo thuộc BCH TƯ đảng CSVN vẫn còn… xanh, chưa chuyển sang… đỏ. Trung tuần tháng trước, từng có rất nhiều cơ quan truyền thông chính thức lên án Trung Quốc cưỡng đoạt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cách nay 45 năm.
Ở Việt Nam, chỉ trích Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ngoài biển Đông, không phụ thuộc vào yếu tố có ái quốc hay không mà lệ thuộc hoàn toàn vào hệ thống… đèn tín hiệu của giới lãnh đạo đảng CSVN. Không chịu nhìn… đèn là… vỡ mặt.
Cũng bởi như thế, cách nay năm năm, ông Đoàn Văn Thuận, nhân viên Đội Trật tự giao thông và giữ xe của Công ty Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong, mới được Chủ tịch TP.HCM tặng bằng khen vì “xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống biểu tình phản đối Trung Quốc hạ, đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố tháng 5 năm 2014” (3).
Hệ thống… đèn tín hiệu lúc xanh, lúc đỏ trong việc đụng đến Trung Quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, chưa phải là yếu tố duy nhất khiến dân chúng Việt Nam thập phần hoang mang, không biết đường nào mà lần. Thực tế cho thấy, sự… “tài tình” của giới lãnh đạo đảng CSVN nằm ở chỗ, ngay cả khi đèn đang… xanh, muốn đi tới cũng phải nhìn trước, ngó sau.
***
Trung tuần tháng trước, giữa lúc mạng xã hội và hệ thống truyền thông chính thức cùng nhau tưởng niệm, bày tỏ sự tri ân 75 người Việt hi sinh tính mạng khi bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, cách nay đúng 40 năm (19/01/1974 – 19/01/2019), một số sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam như ông Hoàng Kiền, Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Công binh của Quân đội nhân dân Việt Nam, một trong các Anh hùng Lực lượng vũ trang, đăng đàn, khẳng định, “cần lên án mạnh mẽ, vạch trần tội lỗi” của cả chính quyền lẫn quân đội… “ngụy Sài Gòn” và “ghi vào quốc sử” vì đã để mất quần đảo Hoàng Sa.
Ông Kiền phê phán mạnh mẽ một số nhà sử học, nhà báo, cựu chiến binh Quân đội nhân dân Việt Nam, không chịu tìm hiểu kỹ, nhận thức chưa đúng nên “hùa theo giọng điệu” các đối tượng chống đối đảng CSVN. Việc ca ngợi những tử sĩ bỏ mình cách này 40 năm là “sai lầm nghiêm trọng, cần bác bỏ”, thậm chí “ai đòi vinh danh ‘chúng’ là phản bội tổ quốc” (4).
Năm ngoái, “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”, ấn phẩm đầu tiên hệ thống hóa những dữ kiện liên quan tới chuyện Trung Quốc cưỡng đoạt các bãi đá ngầm thuộc chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa hồi đầu năm 1988, được… in – xuất bản – phát hành một cách… hợp pháp trên… lãnh thổ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bị thu hồi cũng vì phản ứng dữ dội của một số ông tướng quân đội như ông Hoàng Kiền.
Cho dù chính quyền Việt Nam từng thành lập một hội đồng cấp quốc gia để thẩm định nội dung của riêng “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”. Sau khi nâng lên, đặt xuống nhiều lần, hội đồng này mới gật đầu, giấy phép xuất bản mới được cấp cho nhà xuất bản thứ 14 (Nhà Xuất bản Văn học) nhưng chỉ cần một số ông tướng quân đội cáo buộc, “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử”… tiếp tay cho âm mưu ‘bài Trung, phò Mỹ, lật sử, dựng cờ vàng, thay chế độ’ của các thế lực thù địch, tiến hành ‘diễn biến hòa bình’ chống phá chế độ ta” thì bất kể ai thẩm định, thẩm định kỹ lưỡng cỡ nào cũng… vô giá trị.
***
Kể về “Một thời Đông Bắc”, ông Mão nhận định, dẫu Trung Quốc hỗ trợ Việt Nam cả khi chống Pháp lẫn lúc chống Mỹ nhưng “nhìn sâu vào vấn đề, có thể thấy họ không muốn các thế lực đế quốc đánh thắng Việt Nam để áp sát biên giới phía Nam của Trung Quốc (6)”.
Rõ ràng không thể bảo một người như ông Mão thiếu vững vàng về… tư tưởng và thiếu kiên định về… lập trường, song nếu ông Mão đúng và nhìn lại quá khứ, đúng là ông Mão không sai thì phải xếp những cá nhân thuộc giới lãnh đạo đảng CSVN, liên tục bày tỏ sự biết ơn vô hạn với Trung Quốc vì đã giúp đỡ Việt Nam tận tình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc vào loại nào?
Tại sao giới lãnh đạo đảng CSVN luôn ca tụng Fideo Castro nhưng lại bỏ ngoài tai những cảnh báo của Castro về Trung Quốc cách nay 40 năm. Thậm chí hết ông tướng quân đội này đến ông tướng quân đội khác, đồng thanh minh định, sự tương đồng ý thức hệ (một đảng lãnh đạo) là “di sản quý báu của cả Việt Nam lẫn Trung Quốc” như tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Những ông tướng như ông Vịnh còn không ngừng nhắc đi, nhắc lại, “điểm tương đồng đó đã tạo ra mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc”, “chi phối cách ứng xử của hai nước” bởi “nếu có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Những tuyên bố kiểu đó khác gì chửi cha Fidel Castro?
***
Người Việt giờ chẳng lạ gì hai chữ “quán triệt” nhưng cách nhìn, lối hành xử với Trung Quốc đầy mâu thuẫn, phức tạp và khó hiểu như vậy thì phải “quán” thế nào mới không bị “triệt”?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/mao.vu.98
(2) https://www.facebook.com/dinh.nguyen.94009841/posts/2189146294481024
(3) https://nghiepdoanbaochi.org/2018/10/14/tang-bang-khen-cho-nguoi-co-thanh-tich-xuat-sac-dan-ap-nguoi-bieu-tinh-chong-trung-quoc-xam-luoc/
(4) https://www.facebook.com/photo.php?fbid=681480635582194&set=a.134555203608076&type=3&theater
(5) https://thienhasu2018.com/2018/08/27/gac-ma-vong-tron-bat-tu-chong-lai-the-luc-doi-thieu-huy/
(6) https://www.facebook.com/mao.vu.98/posts/1192081874278658
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-dinh-bin-vu-mao-fidel-castro-viet-trung/4779182.html

Một Trịnh Xuân Thanh thứ hai?

Mặc Lâm
Những ngày này cộng đồng mạng bàn tán nhiều về sự mất tích cuả nhà báo, blogger Trương Duy Nhất với nhiều giả thiết căn cứ trên những thông tin từ nhiều phía. Tuy nhiên câu hỏi ai bắt Trương Duy Nhất và tại sao lại bắt anh là câu hỏi lửng lơ không ai có thể giải mã được ít nhất là trong lúc này.
Trương Duy Nhất vắng bóng tại Việt Nam hơn 1 tháng về trước, nhiều người tin rằng trong thời gian đó anh đã bí mật chạy sang Campuchia bằng con đường bất hợp pháp và ít lâu sau anh tiếp tục theo đường dây đưa người sang Thái Lan, bắt đầu cho cuộc chạy đua với an ninh Việt Nam để cuối cùng anh gõ cửa Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (United Nations High Commissioner for Refugees, UNHCR) chính thức nộp đơn xin tỵ nạn chính trị. Nhiều nguồn tại Thái Lan xác nhận trong đó có cả sự xác nhận của UNHCR về lá đơn của anh nộp tại đây.
Và vào chiều tối ngày 26 tháng 1 năm 2019 trong khi đến Future Park, thuộc quận Rangsit ngoại ô Bangkok anh biến mất không để lại chút tăm tích nào.
Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan được thông báo về vụ việc và họ nói không hay biết gì về sự mất tích của anh. Từ đó, người ta lần tới một giả thiết khác: Có lẽ lực lượng an ninh Việt Nam đã theo dõi Trương Duy Nhất từ khi anh bắt đầu rời Việt Nam và bắt anh tại Thái Lan, nơi người Việt sinh sống bất hợp pháp khá nhiều, rồi sau đó mang anh về Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra, lý do gì làm cho Trương Duy Nhất trở thành một phạm nhân mang trọng tội đến nỗi phải trốn tránh sang đất Thái và tại sao an ninh Việt Nam bắt anh mà không phải là cảnh sát Thái Lan?
Nhiều người cho rằng Trương Duy Nhất dính líu đến vụ án Vũ Nhôm, vì anh từng làm việc cho báo Đại Đoàn kết và có thời gian đại diện chính thức tại Đà Nẵng, trong khi báo này chuyển nhượng Văn phòng đại diện ở miền Trung, mà tờ báo xin mua theo diện công sản nhà nước vào năm 2004, cho Công ty Xây dựng 79 của Vũ “nhôm” vào năm 2011 để Vũ biến nơi đây thành nhà riêng của mình, trong thời gian này Trương Duy Nhất có chấm mút gì tới Vũ Nhôm hay không vẫn lại nằm trong giả thiết khiến anh phải bỏ trốn.
Nhưng nhìn kỹ lại chi tiết này thì Trương Duy Nhất không phải là một chuyên gia về móc nối cho Vũ Nhôm khuynh đảo đất đai tại Đà Nẵng mặc dù trong thời gian Nguyễn Bá Thanh còn hét ra lửa tại đây thì Trương Duy Nhất là người có thể quàng vai bá cổ “anh Thanh” với tính cách nhà báo thân thiết cho tới khi Nhất bỏ bút không làm báo nữa mà về nhà viết Blog.
Nếu Trương Duy Nhất chịu làm ăn với Vũ nhôm thì anh không buông bút và chịu 2 năm tù về tội “Lợi dung các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”. Bởi lý do dễ hiểu khi đã viết bài chống lại chế độ thì anh không thể làm ăn phi pháp núp bóng người của chế độ mà anh đang phản biện mạnh mẽ như trang “Một góc nhìn khác” của blogger Trương Duy Nhất.
Vậy anh còn giữ bí mật nào khác đối với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, là đồng hương của anh và anh cũng từng phê phán ông này cật lực sau khi mãn hạn tù về sinh sống tại Đà Nẵng? Giả thiết này cũng không đứng vững vì Trương Duy Nhất không phải là một “ngôi sao” trong làng báo chí Việt Nam để có trong tay những câu chuyện thâm cung bí sử, hay bí mật cá nhân của tứ trụ triểu đình. Sau hai năm tù tội, thật khó thể cho rằng anh nắm được bí mật của bất cứ ai trong những chiếc ghế cao nhất nước, vì làm sao anh tiếp cận được với những nhân vật sau lưng hậu trường để có được những thông tin mà một nhá báo thường thường không thể nào nắm được?
Vậy thì một lần nữa: Ai bắt Trương Duy Nhất và tại sao?
Lần theo dấu vết của câu chuyện từ khi anh trình báo xin tỵ nạn với UNHCR cho tới khi mất tích anh đã xuất hiện nhiều lần tại một khách sạn ở ngoại ô Bangkok với giấy tờ tùy thân không hợp lệ vì anh không dùng hộ chiếu Việt Nam để vào Thái Lan. Một người Việt đang sống ở Thái đã giúp anh đăng ký khách sạn và vì vậy cảnh sát Thái không thể có dữ liệu về sự xuất hiện của anh ngoại trừ chính người giúp anh lên tiếng. Tuy nhiên không ai dám lên tiếng việc này nếu không muốn vào nhà giam của Thái.
Trương Duy Nhất trước khi mất tích đã gọi vài cuộc gọi cho người thân, bạn bè tại Thái nhưng do sử dụng điện thoại không an toàn anh bị nghe lén và đã có người gọi cho anh một cách lơ lửng như thăm dò sự nghi ngờ của họ. Trương Duy Nhất đã cho người quen biết về hiện tượng này trước khi anh bị bắt.
Đặc vụ Việt Nam rất giỏi về tiếp cận con mồi thông qua tay chân, cảm tình viên và ngay cả sự vô tình của nhân viên nước sở tại. Vụ án Trịnh Xuân Thanh trước đây so với việc bắt giữ Trương Duy Nhất phức tạp hơn nhiều, tuy nhiên nó cùng chung một bản chất nếu thực sự do Tình báo Việt Nam chủ mưu. Nếu Trịnh Xuân Thanh là chìa khóa mở chiếc tủ sắt bằng chứng phạm tội của đường dây tham nhũng thì Trương Duy Nhất không là gì so với đệ tử ruột của Nguyễn Tấn Dũng là Đinh La Thăng. Nếu Việt Nam dám một lần nữa lập lại vết xe cay đắng Trịnh Xuân Thanh thì chắc chắn Trương Duy Nhất phải có bí mật gì ghê gớm lắm đáng để người ta hy sinh “khủng hoảng ngoại giao” một lần nữa.
Nhưng cũng không ngoại trừ giả thiết rằng Việt Nam đánh giá Thái Lan thấp hơn Đức nhiều vì chế độ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha tuy được tiếng là một thể chế dân chủ nhưng vấn đề đối phó với thành phần đối kháng không thua gì Việt Nam. Từ hiện thực này Việt Nam có quyền nghĩ rằng Thái sẽ dễ dàng phớt lờ cho hành động bắt người trên đất nước của mình, nếu có cũng không đáng ngại như phản ứng quá mạnh mẽ của chính phủ Đức.
Nhưng dù sao, giả thiết vẫn là giả thiết cho tới khi truyền thông quốc tế khui ra sự thật. Chỉ mong rằng nhà báo, blogger Trương Duy Nhất không dính sâu vào bí mật thâm cung bí sử, nếu dính tới Vũ Nhôm thì may ra anh còn thấy ánh sáng bên trong song sắt nhà tù, bằng ngược lại người ta sẽ không từ bỏ một hành động nào để trừng phạt anh, hoặc bịt miệng anh trước khi bí mật ấy bị phơi bày.
Mặc Lâm
https://www.voatiengviet.com/a/truong-duy-nhat-trinh-xuan-thanh-mat-tich/4778663.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.