Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 09/02/2019

Saturday, February 9, 2019 5:53:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 09/02/2019

Hà Nội là nơi đón

hai ông Donald Trump và Kim Jong-un

Đặc phái viên Hoa Kỳ tại Bắc Hàn trở về từ Bình Nhưỡng, nơi ông đã tổ chức các cuộc hội đàm để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo Mỹ-Bắc Hàn lần thứ hai, dự kiến diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.
Ông Stephen Biegun đã dành ba ngày để thảo luận và các quan chức Mỹ cho biết ông sẽ gặp lại đối tác của mình.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận ông sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un của Bắc Hàn tại Hà Nội, Việt Nam, vào ngày 27-28 / 2.
Ông Trump cho biết các đại diện của ông đã có một “cuộc họp hữu ích” và ông đang mong muốn thúc đẩy hòa bình.
Chuyến thăm của ông Biegun diễn ra như thế nào?
Tại Bình Nhưỡng, ông Biegun gặp người đồng cấp Bắc Hàn Kim Hyok-chol và “thảo luận việc thúc đẩy các cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại thượng đỉnh Singapore năm ngoái”, một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Hai phái viên sẽ gặp lại nhau trước hội nghị thượng đỉnh được mong đợi vào cuối tháng.
Ghét hay cuồng Trump: góc nhìn một người gốc Việt
Biếm họa Việt Nam đón Tết Kỷ Hợi 2019
Quan hệ quân sự Mỹ – Việt đang ‘trưởng thành’
Khi trở về Nam Hàn, ông Biegun đã tường trình về chuyến đi với Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha của nước này:
“Tôi tin tưởng rằng nếu cả hai bên vẫn giữ vững cam kết, chúng ta có thể đạt được tiến bộ thực sự”, ông nói với các phóng viên.
“Chúng ta có một số công việc khó khăn để làm với DPRK [Bắc Hàn] từ giờ đến lúc đó,” ông Biegun nói thêm, ý nói về hội nghị thượng đỉnh sắp xảy ra tại Hà Nội.
Tổng thống Trump tweet rằng “Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong Un, sẽ trở thành một cường quốc kinh tế vĩ đại”, điều mà Tổng thống nói thêm, không gây ngạc nhiên cho ông “bởi vì tôi đã hiểu ông Kim và hoàn toàn hiểu tiềm năng của ông ấy”.
Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng Bắc Hàn đang tiếp tục chương trình hạt nhân và phá vỡ các lệnh trừng phạt.
Trong một bản tường trình đầu tuần, LHQ cho biết các hành động này bao gồm chuyển trái phép hàng cấm trên biển có thể biến các biện pháp trừng phạt – cách gây áp lực chính của cộng đồng quốc tế đối với Bắc Hàn – thành “không còn hiệu quả”.
‘Những cam kết chắc nịch’
Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6 năm ngoái đã tạo ra một sự kiện truyền thông tưng bừng và lạc quan đáng kể, nhưng mang lại rất ít thành quả cụ thể.
Cả hai bên nới họ cùng cam kết phi hạt nhân hóa, nhưng không có chi tiết nào về cách thức phi hạt nhân hóa sẽ được thực hiện và kiểm chứng như thế nào.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng mặc dù ông Trump tuyên bố rằng Triều Tiên không còn là mối đe dọa hạt nhân, nước này chưa bao giờ nói rằng họ sẽ từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân mà không có sự nhượng bộ tương tự từ Mỹ.
Trước khi tới Bình Nhưỡng vào thứ Tư, ông Biegun nói rằng ông muốn đạt được một số “thành quả cụ thể”.
Mỹ muốn Triều Tiên liệt kê đầy đủ tất cả các cơ sở vũ khí hạt nhân của mình và cam kết phá hủy những cơ sở này, dưới sự giám sát của quốc tế – điều mà Triều Tiên chưa bao giờ nói sẽ làm.
Trong một bài phát biểu tại Đại học Stanford vào tuần trước, ông Biegun nói rằng Hoa Kỳ sẽ không đồng ý dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt cho đến khi điều này xảy ra, nhưng ông cho biết họ có thể hỗ trợ theo những cách khác, nói: “Chúng tôi không nói rằng chúng tôi sẽ không làm gì cho đến khi bạn làm tất cả mọi điều.”
Ông cũng cho biết Kim Jong-un trước đó đã cam kết “tháo gỡ và phá hủy” tất cả các cơ sở plutonium và uranium của Bắc Hàn, nơi cung cấp nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Nhưng một báo cáo gửi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Hai cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục các chương trình hạt nhân và tên lửa, đồng thời nỗ lực bảo vệ các cơ sở của mình khỏi cuộc tấn công có thể xảy ra trong tương lai.
Một bản sao của báo cáo bí mật nói trên, được các cơ quan báo chí tìm được, cũng cho biết Bắc Hàn thường xuyên phá vỡ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần 2: Bốn thách thức lớn
Bắc Hàn lên án lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ
Kim Jong-un cảnh báo ‘sẽ đổi hướng’ vấn đề phi hạt nhân hóa
Báo cáo cho biết đã có một “sự gia tăng lớn trong việc chuyển giao bất hợp pháp các sản phẩm dầu mỏ và than đá” – nơi mà nguyên liệu được chuyển từ các tàu không phải của Bắc Hàn ra ngoài biển để trốn tránh sự giám sát.
Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bắc Hàn được thiết kế để hạn chế nghiêm trọng khả năng xuất nhập khẩu, với mục đích gây áp lực khiến nước này từ bỏ tham vọng hạt nhân.
Nhưng Reuters dẫn lời báo cáo nói rằng vi phạm quy mô này “khiến các lệnh trừng phạt mới nhất của Liên Hiệp Quốc không hiệu quả”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47182121

Mỹ – Hàn hoãn thông báo tập trận chung

tới sau thượng đỉnh Trump-Kim lần 2

Thùy Dương
Hàn Quốc và Hoa Kỳ hoãn thông báo về chương trình tập trận chung vào mùa xuân tới sau thượng đỉnh Trump-Kim lần 2. Hãng tin Hàn Quốc Yonhap ngày 08/02/2019 trích dẫn một nguồn tin của chính phủ cho biết như trên.
Thượng đỉnh lần II giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến diễn ra tại Việt Nam trong hai ngày 27-28/02. Mỹ và Hàn Quốc đã dự kiến tổ chức các cuộc tập trận chung Key Resolve trong vòng hai tuần và Foal Eagle vào khoảng tháng 03-04/2019. Thế nhưng, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ đạt được thỏa thuận để hủy bỏ hoặc hoãn các đợt tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Để đảm bảo tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên tiến triển, quân đội Mỹ – Hàn tránh khiêu khích Bình Nhưỡng. Năm 2018, Seoul và Washington đã tạm ngưng một số đợt tập trận lớn, nhất là Ulchi Freedom Guardian vào mùa hè và Vigilant Ace vào mùa đông.
Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 07/02 đánh giá việc chọn Việt Nam làm nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên cho thấy khả năng hai bên sẽ vượt qua xung đột và chia rẽ để hướng tới quan hệ đối tác thịnh vượng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Robert Palladino phát biểu là lịch sử Hoa Kỳ-Việt Nam đã phản ánh khả năng đó.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190208-my-han-tap-tran-chung-thuong-dinh-trump-kim-lan-2

Tối cao Pháp viện ngăn chặn

luật phá thai ở tiểu bang Louisiana

Washington, D.C. – Theo tin từ Reuters, vào thứ Năm (7 tháng 2), Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã ngăn chặn một luật phá thai với nhiều quy định nghiêm ngặt tại tiểu bang Louisiana.
Luật nói trên yêu cầu các bác sĩ thực hiện phá thai phải hoàn thành một thủ tục gọi là “thừa nhận đặc quyền” tại một bệnh viện trong vòng 30 dặm cách các phòng khám cung cấp dịch vụ phá thai. Trung tâm về quyền sinh sản – một nhóm hoạt động vì quyền phá thai –  cho biết, luật này có thể dẫn đến việc đóng cửa hai trong số ba phòng khám thai hoạt động ở tiểu bang Louisiana.
Phòng khám Hope Medical Group For Women, có trụ sở tại thành phố Shreveport, Louisiana, đã kiện điều khoản nói trên lên tòa án. Sau đó Tối cao Pháp viện với một cuộc bỏ phiếu 5 thuận và  4 chống đã cho phép phòng khám ngăn chặn tiểu bang Louisiana áp dụng luật trong khi vụ kiện vẫn tiếp tục.
Năm thẩm phán Tối cao Pháp viện bao gồm chánh thẩm phán John Roberts, một thẩm phán vốn theo phe bảo thủ, nay đã bỏ phiếu cùng phe cấp tiến. Lá phiếu của ông Roberts cho thấy ông ủng hộ quan điểm của cựu thẩm phán Tối cao Pháp viện Anthony Kennedy đã nghỉ hưu vào năm ngoái. Trước đây, ông Kennedy từng ủng hộ quyền phá thai trong hai vụ kiện quan trọng.
Thẩm phán Brett Kavanaugh, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm thay thế ông Kennedy, là một trong 4 người phe bảo thủ đã bỏ phiếu thông qua luật phá thai của Louisiana. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/toi-cao-phap-vien-ngan-chan-luat-pha-thai-o-tieu-bang-louisiana/

Cố vấn Kellyanne Conway kể về sự việc

bị tấn công vào tháng 10 năm 2018

Washington, DC – Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Badass Women of Washington của CNN, cố vấn Tòa Bạch Ốc Kellyanne Conway đã kể về sự việc bị người khác tấn công vào năm 2018.
Theo đó, tại nhà hàng Mexico Uncle Julio’s ở vùng ngoại ô Bethesda, khi bà Conway đang ăn tối cùng con gái, một người phụ nữ 63 tuổi đã tiếp cận và túm lấy tay bà Conway rồi lắc mạnh. Bà Conway cho biết người phụ nữ này đã mất kiểm soát với vẻ mặt đầy sự giận dữ. Bà Conway kể lại bà đã gọi 911, nhưng người phụ nữ đã bỏ đi trước khi cảnh sát đến nơi.
Sau cuộc điều tra, bà Mary Elizabeth Inabinett bị buộc tội danh gây rối và hành hung cấp độ hai. Phiên tòa xét xử bà Inabinett sẽ diễn ra vào tháng 3 tới đây tại Maryland. Luật sư William Alden McDaniel Jr. đại diện cho bà Inabinett, đã phản bác câu chuyện của bà Conway, đồng thời cho biết thân chủ của ông sẽ không nhận tội trong phiên tòa.
Theo văn bản buộc tội do CNN thu thập được, tội danh hành hung được đưa ra sau ngày phê chuẩn Thẩm phán Brett Kavanaugh – người từng vướng vào nghi vấn tấn công tình dục đối với bà Christine Blasey Ford thời trung học. Hiện vẫn chưa rõ liệu hành động của bà Inabinett có liên quan đến những tranh cãi về việc phê chuẩn ông Kavanaugh hay không.
Theo văn bản tường thuật đính kèm, bà Conway nói với cảnh sát rằng, bà Inabinett đã lắc tay bà vài giây, sau đó tiếp tục la hét và bày tỏ thái độ trong vòng 8 đến 10 phút, trước khi được hộ tống ra ngoài.
Dựa vào cuộc phỏng vấn với nhân viên quản trị nhà hàng, cảnh sát viết rằng nghi can đã bình phẩm về quan điểm chính trị của bà Conway. Con gái của bà Conway đã quay lại sự việc, và cảnh sát đã sử dụng đoạn phim ngắn này để đối chiếu với hình ảnh của bà Inabinett.
Bà Conway cho rằng sự việc này là ví dụ mới nhất cho thấy, các viên chức chính phủ bị quấy rối vì làm việc cho Tổng thống Trump. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/co-van-kellyanne-conway-ke-ve-su-viec-bi-tan-cong-vao-thang-10-nam-2018/

Quyền Bộ trưởng Tư pháp điều trần trước Hạ viện

Washington DC – Quyền Bộ trưởng Tư pháp Matthew Whitaker vào thứ Sáu (8 tháng 2) nói rằng, ông không thảo luận với Tổng thống Donald Trump hay bất cứ viên chức nào của Tòa Bạch Ốc về cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử 2016 của Cố vấn Đặc biệt Robert Mueller. Trong buổi điều trần trước Ủy ban Tư pháp Hạ Viện, ông Whitaker cũng cho biết ông không can thiệp hay có bất kỳ hành động gì đối với cuộc điều tra.
Đảng Dân Chủ, những người đã giành quyền kiểm soát Hạ viện vào tháng trước, đang gia tăng giám sát chính quyền Trump và muốn tìm hiểu xem liệu ông Whitaker có gây bất cứ ảnh hưởng nào đối với cuộc điều tra Nga hay không.
Sau khi sa thải Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vào tháng 11, Tổng thống Trump đã bổ nhiệm ông Whitaker làm quyền bộ trưởng, trong lúc chờ người được đề cử. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông Whitaker đã gây tranh cãi, do ông trước đây từng chỉ trích cuộc điều tra của Cố vấn Mueller.
Khi được hỏi về việc chia rẽ các gia đình ở biên giới, ông Whitaker nói chính phủ không có chính sách chia rẽ các gia đình, mà chỉ có chính sách không khoan dung, với yêu cầu rằng mọi người trưởng thành bị bắt tại biên giới sẽ bị xét xử hình sự, dẫn đến hậu quả là họ sẽ phải cách ly khỏi gia đình.
Cuộc điều trần hôm thứ Sáu kéo dài gần 6 tiếng đồng hồ, với những màn đối đáp nảy lửa giữa ông Whitaker và các nhà lập pháp Dân Chủ, trong đó, quyền Bộ trưởng đã có lúc khiến khán phòng sửng sốt khi nói rằng chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler đã hết giờ đặt câu hỏi.
Thành viên Cộng Hòa của Ủy ban Tư pháp Hạ Viện, dân biểu Doug Collins của Georgia, gọi cuộc điều trần là một màn kịch chính trị, chỉ nhằm bôi nhọ hình ảnh của ông Whitaker và Tổng thống Trump. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/quyen-bo-truong-tu-phap-dieu-tran-truoc-ha-vien/

Báo lá cải thân Trump bị săm soi

sau khi ông chủ Amazon cáo buộc tống tiền

Chủ sở hữu tờ báo lá cải National Enquirer ở Mỹ hôm thứ Sáu chống đỡ trước những cáo buộc “tống tiền và hăm dọa” từ Giám đốc điều hành Amazon.com, Jeff Bezos, trong khi công tố viên liên bang đang xem xét liệu công ty này có vi phạm thỏa thuận miễn truy tố với hành vi bị cáo buộc này hay không.
Ông Bezos, người giàu nhất thế giới, hôm thứ Năm cáo buộc công ty American Media Inc (AMI) tìm cách tống tiền ông bằng lời hăm dọa công bố “những bức ảnh thân mật” mà ông được cho là đã gửi tới bạn gái của ông, trừ phi ông công khai nói rằng tường trình của National Enquirer về mối quan hệ ngoài hôn nhân của ông là không có động cơ chính trị.
National Enquirer là một tờ báo lá cải chuyên đăng những chuyện giật gân về những người nổi tiếng và thường được bày bán trong các siêu thị ở Mỹ.
Truyền thông của Mỹ cuối ngày thứ Sáu loan tin văn phòng công tố viên liên bang tại quận Manhattan của Thành phố New York đang xem xét liệu vụ tống tiền bị cáo buộc này có vi phạm thỏa thuận miễn truy tố hay không.
AMI kí thỏa thuận này với các công tố viên liên bang vào năm ngoái liên quan đến khoản tiền bịt miệng trị giá 150.000 đôla trả cho một cựu người mẫu Playboy, người tuyên bố rằng cô từng ngoại tình với Donald Trump nhiều năm trước đây. Ông Trump phủ nhận chuyện ngoại tình.
Thỏa thuận có thể bị vô hiệu hóa nếu AMI vi phạm bất kì tội nào. Nếu thỏa thuận bị vô hiệu hóa, AMI hoặc các giám đốc điều hành của nó có thể phải đối mặt với việc bị truy tố về khoản tiền bịt miệng và về hành vi của họ đối với ông Bezos, các chuyên gia pháp lí nhận định.
AMI và Giám đốc điều hành David Pecker có quan hệ thân thiết với ông Trump, người vốn thường xuyên đả kích ông Bezos, Amazon và tờ báo mà ông Bezos làm chủ, The Washington Post, trên Twitter.
“American Media hết sức tin tưởng rằng mình đã hành động hợp pháp trong việc tường trình về câu chuyện của Ông Bezos,” công ty nói trong một tuyên bố.
Ông Bezos và vợ tháng trước thông báo họ đang li dị sau cuộc hôn nhân kéo dài 25 năm. Cùng ngày hôm đó, National Enquirer loan tin họ sẽ đăng những tin nhắn văn bản thân mật giữa ông Bezos và Lauren Sanchez, người từng làm người dẫn chương trình truyền hình mà ông được cho là đang hẹn hò.
Ông Bezos mở một cuộc điều tra xem làm thế nào mà các tin nhắn này lại rơi vào tay của tờ báo lá cải. Điều tra viên của ông nói với truyền thông rằng vụ rò rỉ có động cơ chính trị.
Hành vi tống tiền thường liên quan tới nỗ lực có được tài sản, dịch vụ, tiền hoặc một số lợi ích khác bằng cách đe dọa bạo lực, tổn hại danh tiếng hoặc những tổn hại khác, dù các định nghĩa có thể khác nhau tùy theo luật của từng bang và của liên bang.
https://www.voatiengviet.com/a/bao-la-cai-than-trump-bi-sam-soi-sau-khi-ong-chu-amazon-cao-buoc-tong-tien/4779907.html

Sức khỏe của Trump ‘rất tốt’

dù không tập thể dục như khuyến nghị

Tổng thống Donald Trump được một bác sĩ của Nhà Trắng tuyên bố là “có sức khỏe rất tốt” sau bốn tiếng kiểm tra thể chất vào ngày thứ Sáu, dù ông thừa nhận chưa tập thể dục theo đúng mức mà bác sĩ đã khuyến nghị vào năm ngoái.
Chi tiết cụ thể về cân nặng, nồng độ cholesterol và huyết áp của ông Trump không được công bố trong một tuyên bố từ bác sĩ Nhà Trắng Sean Conley sau khi ông Conley và 11 chuyên gia thực hiện một loạt các xét nghiệm y tế cho vị tổng thống 72 tuổi.
“Trong khi các báo cáo và khuyến nghị đang được hoàn tất, tôi vui mừng thông báo tổng thống Hoa Kỳ có sức khỏe rất tốt và tôi dự đoán ông sẽ duy trì được như vậy trong suốt thời gian làm tổng thống, và xa hơn nữa,” ông Conley nói.
Ông Trump được kiểm tra thể chất lần thứ hai trong tư cách tổng thống tại Trung tâm y tế Quân đội Quốc gia Walter Reed ở thành phố Bethesda của bang Maryland, ngoại ô Washington. Ông Conley cho biết ông Trump không trải qua bất cứ thủ thuật y khoa nào mà cần phải gây tê hoặc gây mê, nghĩa là ông không làm nội soi.
Cách đây chưa đầy một năm, bác sĩ của ông Trump tuyên bố ông có “sức khỏe tuyệt vời.” Nhưng tổng thống được đề nghị cố gắng giảm 10 đến 15 pound (4,5 đến 6,8 kg) bằng cách ăn uống lành mạnh hơn và bắt đầu tập thể dục. Có rất ít bằng chứng cho thấy ông đã giảm được cân nặng đáng kể, Reuters đưa tin.
Các phụ tá cho biết bây giờ ông ăn nhiều cá hơn trước đây nhưng vẫn thích thịt bít tết chín ăn kèm với sốt cà chua, và khoai tây chiên được chế biến bởi các đầu bếp tại Nhà Trắng và tại Khách sạn Quốc tế Trump ở Washington. Nhiều tài liệu và báo chí từ lâu nay vẫn ghi nhận ông Trump rất mê thức ăn nhanh. Ông cũng thừa nhận ông không theo sát kế hoạch ăn kiêng và cũng không ai biết ông có vào phòng tập thể dục của Nhà Trắng hay không.
“Tổng thống nhận được một kế hoạch ăn kiêng và tập thể dục vào năm ngoái sau cuộc khám sức khỏe thể chất hàng năm, nhưng tổng thống thừa nhận ông chưa tuân theo kế hoạch đó một cách nghiêm ngặt,” phát ngôn viên Nhà Trắng Hogan Gidley nói.
Ông Trump cân nặng 239 pound (108 kg) vào năm ngoái. Nhịp tim lúc nghỉ của ông là 68 nhịp mỗi phút, huyết áp của ông là 122/74 và tổng lượng cholesterol của ông là 223 (HDL 67, LDL 143).
Ông Trump hàng ngày dùng một liều 10mg thuốc Crestor để giảm cholesterol, 81 mg aspirin cho sức khỏe tim mạch và 1 mg thuốc Propecia để ngăn rụng tóc ở nam giới.
https://www.voatiengviet.com/a/suc-khoe-cua-trump-rat-tot-du-khong-tap-the-duc-nhu-khuyen-nghi/4779876.html

Reuters: Mỹ liên lạc trực tiếp với quân đội Venezuela,

kêu gọi thoát li

Mỹ đang liên lạc trực tiếp với các thành viên trong quân đội Venezuela kêu gọi họ từ bỏ Tổng thống Nicolas Maduro và cũng đang chuẩn bị các chế tài mới nhằm tăng áp lực lên ông Maduro, một quan chức cao cấp của Nhà Trắng nói với Reuters.
Trong cuộc phỏng vấn dành riêng cho Reuters, quan chức này nói chính quyền Trump dự liệu sẽ có thêm những sĩ quan quân đội rời bỏ phe của ông Maduro, dù mới chỉ có một ít sĩ quan cao cấp đã làm như vậy kể từ khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuyên bố là Tổng thống lâm thời hồi tháng trước và được Mỹ cùng hàng chục nước khác công nhận.
“Chúng tôi tin rằng đây là những viên sỏi đầu tiên trước khi chúng ta thực sự nhìn thấy những tảng đá lớn hơn lăn xuống đồi,” quan chức này nói trong tuần với điều kiện ẩn danh. “Chúng tôi vẫn đang nói chuyện với các thành viên của chế độ Maduro trước đây, với các thành viên quân đội, dù những cuộc nói chuyện đó rất, rất hạn chế.”
Quan chức này từ chối cung cấp thông tin chi tiết và tầm mức của các cuộc thảo luận đó. Chưa rõ liệu những liên lạc đó có thể tạo ra những rạn nứt trong sự ủng hộ của quân đội dành cho nhà lãnh đạo Venezuela theo chủ nghĩa xã hội hay không. Quân đội đóng vai trò then chốt giúp ông Maduro nắm giữ quyền lực.
Đồng thời, chính quyền Trump cũng đang chuẩn bị thêm các chế tài có thể được áp đặt lên Venezuela, quan chức này nói.
Các vòng chế tài trước đã nhắm vào hàng chục quan chức quân đội và chính phủ Venezuela, bao gồm cả ông Maduro, và tháng trước cuối cùng đã nhắm vào ngành dầu mỏ trọng yếu của nước thành viên OPEC này. Tuy nhiên, chính quyền Trump chưa áp đặt các chế tài được gọi là “thứ yếu” nhằm trừng phạt các công ty không phải của Mỹ vì làm ăn với chính phủ Venezuela hoặc công ty dầu mỏ độc quyền của nhà nước, PDVSA.
Quan chức Mỹ này nói với Reuters rằng Washington có sẵn mọi công cụ để gây áp lực lên ông Maduro và các cộng sự của ông ta để buộc họ “chấp nhận một tiến trình chuyển tiếp dân chủ chính đáng.”
Chính phủ Mỹ cũng đang cân nhắc các chế tài khả dĩ nhắm vào các quan chức quân đội và tình báo Cuba mà họ nói đang giúp Maduro duy trì quyền lực, một quan chức Mỹ thứ hai và là người biết rõ các cuộc thảo luận đó nói với Reuters.
Tướng Francisco Yanez thuộc bộ chỉ huy không quân đã trở thành vị tướng tại ngũ đầu tiên của Venezuela công nhận ông Guaido, nhưng ông chỉ là 1 trong khoảng 2.000 tướng lĩnh. Tùy viên quân sự Venezuela tại Mỹ cũng cho biết ông đã thoát li vào tháng trước.
https://www.voatiengviet.com/a/reuters-my-lien-lac-truc-tiep-voi-quan-doi-venezuela-keu-goi-thoat-li/4779318.html

Trump ‘lỗi hẹn’ báo cáo Quốc hội về vụ Khashoggi

Chính quyền Trump hôm thứ Sáu tỏ dấu hiệu cho biết có thể không đáp ứng kịp thời hạn chót để báo cáo với Quốc hội về ý định sẽ áp dụng hay không các chế tài đối với những người chịu trách nhiệm vụ sát hại nhà báo người Ả-rập Xê út Jamal Khashoggi.
Các nhà lãnh đạo Quốc hội đã kích hoạt Đạo luật Magnitsky vào tháng 10, cho chính quyền 120 ngày đến 8/2 phải báo cáo ai là người chịu trách nhiệm về cái chết của ông Khashoggi và thông báo liệu chính quyền có áp đặt chế tài đối với thủ phạm hay không. Ông Khashoggi, một thường trú nhân ở Mỹ, bị giết chết tại lãnh sự quán Ả-rập Xê út ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo Reuters, các phụ tá trong Quốc hội cho biết tới giữa chiều thứ Sáu vẫn chưa nhận được báo cáo. Một số phụ tá cho biết họ vẫn hi vọng nhận được báo cáo vào đầu tuần sau nếu không phải là vào ngày thứ Sáu, nhưng chính quyền cho biết họ không cảm thấy cần phải gửi báo cáo.
“Tổng thống có quyền quyết định từ chối hành động theo yêu cầu của ủy ban Quốc hội khi thích hợp,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói trong một phát biểu gửi cho Reuters qua email. “Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của Quốc hội và nỗ lực buộc những người gây ra vụ giết hại Jamal Khashoggi phải chịu trách nhiệm.”
Báo The New York Times hôm thứ Năm loan tin Thái tử Ả-rập Xê út Mohammed bin Salman từng nói rằng ông ta sẽ cho ông Khashoggi “một viên đạn” nếu ông này không trở về nước và chấm dứt chỉ trích chính phủ.
Ngoại trưởng Ả-rập Xê út Adel al-Jubeir nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng Thái tử không ra lệnh giết ông Khashoggi, nhưng từ chối bình luận về bài báo của Times.
Các thành viên của Quốc hội Mỹ, bao gồm nhiều nghị sĩ đồng Đảng Cộng hòa của ông Trump cũng như nghị sĩ Dân chủ, đã kêu gọi phản ứng mạnh mẽ về vụ sát hại ông Khashoggi và về cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen, nơi một liên minh do Ả-rập Xê út dẫn đầu đang chống lại phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn.
Một nhóm các nhà lập pháp Cộng hòa và Dân chủ hôm thứ Năm tiếp tục nỗ lực trừng phạt Ả-rập Xê út, công bố luật cấm bán vũ khí và áp đặt các chế tài lên những người chịu trách nhiệm về cái chết của ông Khashoggi.
Ông Trump đã chống lại những nỗ lực lập pháp như vậy, xem những thương vụ vũ khí là một nguồn tạo ra công ăn việc làm quan trọng cho Mỹ. Ông cũng không muốn gây xáo trộn mối quan hệ chiến lược với vương quốc này, vốn được coi là đối trọng quan trọng trong khu vực chống lại Iran.
Một cuộc điều tra do Liên Hiệp Quốc dẫn đầu về vụ sát hại ông Khashoggi nói bằng chứng cho thấy một tội ác tàn bạo “được hoạch định và thực hiện” bởi các quan chức Ả-rập Xê út.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-loi-hen-bao-cao-quoc-hoi-ve-vu-khashoggi/4779312.html

Vụ Khashoggi: TT Mỹ phải nói rõ

về vai trò của thái tử Ả Rập Xê Út

Trọng Nghĩa
Thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salmane có phải là người chịu trách nhiệm chính về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Thổ Nhĩ Kỳ hay không? Đây là điều mà tổng thống Mỹ Donald Trump phải xác nhận với Quốc Hội ngày 08/02/2019.
Về lý thuyết, đây là nghĩa vụ pháp lý đối với ông Trump sau khi một nhóm thượng nghị sĩ đã kích hoạt trở lại vào tháng 10/2018, một đạo luật bắt buộc tổng thống phải báo cáo cho Quốc Hội về những công dân nước ngoài mà ông coi là phải chịu trách nhiệm về vụ ám sát này. Thời hạn 120 ngày dành cho ông Donald Trump để báo cáo chấm dứt hôm nay.
Việc Liên Hiệp Quốc hôm qua trong một báo cáo quy trách nhiệm trực tiếp của nhà nước Ả Rập Xê Út trong vụ Khashoggi đã đẩy tổng thống Trump vào một tình thế tế nhị. Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salve giải thích :
« ʺMột vụ giết người được lên kế hoạch và thực hiệnʺ với đại diện của nhà nước Ả Rập Xê Út là thủ phạm. Đây là những từ ngữ được báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vụ hành quyết phi pháp sử dụng.
Bà Agnès Callamard, vừa hoàn thành sứ mệnh điều tra tại Thổ Nhĩ Kỳ về vụ sát hại ông Jamal Khashoggi trong lãnh sự quán Ả Rập Xê Út ở Istanbul ngày 02/10/2018 khẳng định rằng bà có bằng chứng cụ thể. Trong bản tuyên bố hôm qua, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc đã tố cáo việc Ả Rập Xê Út sử dụng quyền miễn trừ ngoại giao để phạm tội giết người mà không hề bị trừng phạt.
Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh bị Quốc Hội ép là phải trả lời về vai trò của thái tử Ả Rập Xê Út trong vụ này, liệu tổng thống Mỹ Donald Trump có quan tâm đến những yếu tố mới nhất kể trên hay không?
Cho đến nay, tổng thống Mỹ luôn từ chối quy trách nhiệm vụ giết người cho thái tử Ả Rập Xê Út, đi ngược lại kết luận của các cơ quan tình báo Mỹ.
Theo nhật báo Washington Post, cơ quan CIA tin chắc rằng việc cử một toán đặc công đến Thổ Nhĩ Kỳ sát hại nhà báo Khashoggi sẽ không thể được tiến hành nếu không có chỉ thị trực tiếp từ thái tử Mohamed Ben Salmane.
Để tránh việc tổng thống Donald Trump tiếp tục nói ngược, một nhóm thượng nghị sĩ thuộc cả hai đảng đã bỏ phiếu thông qua một đạo luật vào ngày 10 tháng 10 năm 2018 nhằm buộc ông Trump phải nói trước Quốc Hội là theo ông, ai là người chịu trách nhiệm về vụ giết người này.
Hạn chót để ông Trump trả lời là hôm nay, nhưng người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ dường như đã cố giảm nhẹ mức độ quan trọng. Hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã gặp đồng nhiệm Ả Rập Xê Út. Cả hai bên đều hứa sẽ tiếp tục cuộc điều tra của họ … một cách hoàn toàn minh bạch. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190208-vu-khashoggi-tt-my-vai-tro-thai-tu-a-rap-xe-ut

Ông Maduro có 2000 tướng dưới quyền

nhưng chưa yên tâm

Các tướng Venezuela nắm cả chức bộ trưởng, thống đốc tỉnh và hưởng đặc quyền đặc lợi nên không ít trong số họ vẫn trung thành với ông Nicolas Maduro.
Theo một số nguồn quốc tế, quân đội Venezuela chỉ có 123 nghìn quân, gồm cả lính dự bị, trên tổng dân số 31 triệu nhưng có tới hai nghìn tướng lĩnh.
Con số các sỹ quan cấp tướng tăng nhanh thời của tổng thống Nicolas Maduro.
Chỉ trong một ngày, ông Maduro đã phong hàm tướng cho 135 sĩ quan.
An ninh & quân đội VN thu nhập cao hơn mọi nghề?
Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?
Quân đội Cuba làm cách mạng hay làm ăn?
Nhưng vị trí trong quân đội không đủ cho họ nên các tướng và cựu tướng còn nắm cả chức vụ trong chính quyền.
Hiện nay, trong 23 tỉnh của Venezuela thì có 11 tỉnh do thống đốc là tướng hoặc cựu tướng quân đội nắm.
Trong 30 bộ có 11 bộ trưởng cũng là tướng.
Theo trang New York Times, chức vụ trong quân đội và chính quyền còn đi kèm với đặc quyền như “việc kiểm soát nguồn thực phẩm” và “tỷ giá đổi đô la ưu đãi”.
Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino López còn có quyền kiểm soát các cảng biển, và một phần ngành dầu khí và khai khoáng.
Có trung thành và hữu dụng?
Việc để các tướng tá tham gia kiểm soát quyền lực dân sự và kinh doanh khiến cho họ trung thành hơn với chính phủ của Tổng thống Maduro.
Tuy thế, vì nhiều tướng không cầm quân mà chỉ “lo việc khác”, lời kêu gọi của phe đối lập Venezuela muốn quân đội chống lại ông Maduro cũng không có tác dụng.
Ngược lại, vì con số quá đông, các tướng Venezuela cũng không phải là một khối thống nhất.
Đã có không ít sĩ quan cấp uý, tá và cả tướng phản đối tổng thống Maduro.
Theo Bloomberg (03/02/2019), có ít nhất 163 sĩ quan Venezuela bị chính quyền bắt thời gian qua.
Nhưng đây không phải là chuyện mới.
Hồi tháng 3/2014, ông Maduro ra lệnh bắt ba tướng không quân vì ‘âm mưu lật đổ’.
Venezuela rồi sẽ ra sao với hai tổng thống?
Venezuela: ‘Lương mua được hai quả trứng’
TQ lo ngại tiền đầu tư vào Venezuela thời Maduro
Sang tháng 8/2018, một tướng và một đại tá thuộc Vệ binh Quốc gia bị bắt cùng hơn 10 người khác vì ‘âm mưu tấn công’.
Tuần trước, tướng không quân Francisco Yanez đã bỏ theo phe của ông Juan Guaido và kêu gọi quân sĩ chống lại ‘chế độ độc tài Maduro’.
Cũng vì thế, lòng trung thành của các tướng tá đối với tổng thống Maduro hiện cũng đang bị thách thức.
Một số quan chức Hoa Kỳ tin rằng hiện ông Maduro “đang có nhóm vệ sỹ là an ninh Cuba” chứ không phải người Venezuela.
Cùng lúc, có ý kiến tin rằng dù đe dọa “xâm lăng” chính phủ Trump không hề đặt Venezuela vào trọng tâm của chính sách đối ngoại.
Theo ông Nicolás Saldías từ Wilson Center ở Washington, D.C., thì:
“Việc đó không nằm trong ưu tiên đối ngoại của Trump mà hiện gồm có rút quân khỏi Syria, và cố gắng đưa Mỹ ra khỏi Afghanistan. Ông Trump không hề nhắc [đến Venezuela] trong Diễn văn về tình hình Liên bang.”
Hiện Hoa Kỳ, Canada và hơn 30 nước đã công nhận ông Juan Guaido là tổng thống Venezuela nhưng chính quyền của ông Maduro vẫn được Nga, Trung Quốc và nhiều nước khác ủng hộ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47172599

Venezuela: Phe đối lập kêu gọi quân đội

chớ ngăn viện trợ của Mỹ

Chính phủ Venezuela ngày 8/2 khuyên Mỹ nên phân phối hàng viện trợ tại Colombia nơi hàng viện trợ đang được cất trữ trong khi phe đối lập Venezuela cảnh cáo chính phủ rằng ngăn chặn thực phẩm, thuốc men viện trợ đang hết sức cần thiết cho người dân Venezuela lúc này sẽ cấu thành tội ác chống lại nhân loại.
Một ngày sau khi đoàn xe viện trợ tới thành phố biên giới Cucuta, Tổng thống Nicolas Maduro của Venezuela nhạo báng rằng Hoa Kỳ cấp chút ít viện trợ để rồi duy trì chế tài, phong tỏa khoảng 10 tỷ đô la tài sản và lợi tức của Venezuela ở nước ngoài.
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido, người được hàng chục nước công nhận là Tổng thống lâm thời của Venezuela, cảnh cáo sĩ quan quân đội chớ ngăn cản hàng viện trợ giữa lúc bệnh tật và nạn suy dinh dưỡng đang leo thang do kinh tế sụp đổ kéo theo siêu lạm phát.
“Hãy đem toàn bộ hàng viện trợ đó phát cho dân Cucuta, nơi có nhiều người đang cần,” Tổng thống Maduro nói tại một buổi họp báo. “Đây là trò ma quỷ, quý vị thấy không? Họ siết cổ chúng ta rồi buộc chúng ta ăn mày những thứ vụn vặt.”
“Họ cho chúng ta giấy vệ sinh, như ông Trump từng ném vào người dân ở Puerto Rico đó,” ông Maduro nhắc tới việc chính quyền Trump phân phối hàng viện trợ cho lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ hồi năm ngoái sau thiên tai mà khi đó ông Trump đã ném ra những cuộn khăn giấy.
Tình trạng thảm khốc ở Venezuela càng làm gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị vốn đã lên đến đỉnh điểm trong tháng rồi, khi ông Guaido dựa vào một điều khoản trong Hiến pháp đứng lên tự xưng là Tổng thống lâm thời.
Lãnh đạo đối lập 35 tuổi Guaido lập luận rằng ông Maduro tái đắc cử năm ngoái nhờ gian lận, đồng thời kêu gọi tổ chức bầu Tổng thống lại.
Hơn 40 nước gồm Mỹ, các cường quốc chính ở Châu Âu, và đa phần các nước Châu Mỹ Latin đã công nhận ông Guaido là Tổng thống lâm thời Venezuela.
Phát biểu trong cuộc tập họp sinh viên, ông Guaido kêu gọi “Tôi muốn xem bao nhiêu binh sĩ trong quân đội sẵn sàng gây tội ác chống lại loài người bằng cách không để cho người ta cứu sống những người dễ bị tổn thương nhất; 250 tới 300 ngàn người đang trên bờ vực tử vong nếu không được quan tâm tức thì.”
Hàng viện trợ Mỹ có phần chắc không vào được lãnh thổ Venezuela.
Các tổ chức nhân đạo khuyến cáo rằng nỗ lực đưa hàng viện trợ vào Venezuela bằng võ lực có thể nguy hiểm và một giới chức hàng đầu của Mỹ hôm 7/2 tuyên bố Washington không định làm như thế.
Hội Chữ thập đỏ kêu gọi Venezuela chớ chính trị hóa vấn đề.
Trong khi đó, một tàu hải quân của Venezuela chở đầy thiết bị do chính phủ Maduro gửi sang Cuba giúp tái thiết sau thiên tai tháng rồi đã cập cảng Cuba hôm 8/2, truyền thông Cuba loan tin.
Cuba là một trong số ít đồng minh còn lại của Venezuela trong khu vực dù Venezuela vẫn còn được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Nga, Trung Quốc, và Thổ Nhĩ Kỳ. Các nước này khuyến cáo chớ can thiệp vào chuyện nội bộ của Venezuela.
Ông Maduro cho biết sẵn lòng gặp đặc sứ của Nhóm Liên lạc Quốc tế do Liên hiệp Châu Âu hậu thuẫn, nhưng nói rằng thông cáo từ cuộc họp thứ nhất của Nhóm hôm 7/2 mang tính phe phái.
Những người chỉ trích cho rằng ba vòng đối thoại trước đã cho phép đảng xã hội cầm quyền câu giờ mà không nhượng bộ trong các vấn đề quan trọng bao gồm minh bạch bầu cử và giam cầm các chính trị gia đối lập.
Lãnh đạo phe đối lập Guaido đã tuyên bố thời gian đối thoại đã chấm dứt.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-doi-lap-venezuela-keu-goi-quan-doi-cho-ngan-vien-tro-cua-my-/4779261.html

Venezuela: Đến lượt Quốc Hội Lập Hiến

thân Maduro bị Mỹ trừng phạt

Trọng Nghĩa
Đặc sứ Mỹ phụ trách Venezuela Elliott Abrams ngày 07/02/2019 cho biết Hoa Kỳ sẽ cấm thị thực nhập cảnh đối với các thành viên Quốc Hội Lập Hiến Venezuela, bị đánh giá là “phi chính đáng”. Quốc Hội Lập Hiến là định chế do tổng thống Venezuela Nicolas Maduro dựng lên vào năm 2017, để thay thế Quốc Hội trong tay phe đối lập.
Phát biểu trước báo giới tại Washington, đặc sứ Hoa Kỳ về Venezuela cho biết cụ thể là chính quyền Mỹ vừa hạn chế việc cấp visa mới, vừa hủy bỏ các thị thực đã cấp cho những thành viên thuộc Quốc Hội Lập Hiến Venezuela.
Lý do được nêu lên là định chế này đã “chiếm đoạt nhiều quyền lực hiến pháp của Quốc Hội hợp pháp và là hiện thân của việc ông Maduro phá hủy các thể chế dân chủ”. Tuy nhiên, đặc sứ Mỹ đã không cho biết rõ có bao nhiêu người bị liên đới vì quyết định trừng phạt này.
Washington như vậy đang duy trì những biện pháp mạnh đối với chế độ Maduro, và sẵn sàng chỉ trích những ai chủ trương đối thoại. Cũng trong ngày hôm qua, ông Elliott Abrams đã chỉ trích “nhóm liên lạc” do Liên Hiệp Châu Âu và một số nước Mỹ Latinh thành lập để thúc đẩy đối thoại giữa hai phe Maduro và Guaido, lãnh tụ đối lập được Mỹ và nhiều nước công nhận.
Nhà ngoại giao Mỹ không ngần ngại nói rằng: “Thay vì cố gắng nói chuyện với Maduro thông qua các nhóm liên lạc hoặc thông qua đối thoại, chúng tôi kêu gọi các nước công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela và cùng chúng tôi đáp lại lời kêu gọi hỗ trợ nhân đạo quốc tế ngay lập tức.”
Nhóm liên lạc quốc tế về Venezuela đã họp hôm thứ Năm 07/02 tại Montevideo với sự tham gia của đại diện Liên Hiệp Châu Âu, tám quốc gia châu Âu và năm quốc gia châu Mỹ Latinh (Uruguay, Costa Rica, Bolivia, Ecuador, Mexico). Nhóm đã kêu gọi một “cuộc bầu cử tổng thống tự do, minh bạch và đáng tin cậy”, chủ trương một “giải pháp hòa bình, chính trị, dân chủ và thuần túy Venezuela”. Tuyên bố này đã không được Mêhicô và Bolivia ký kết.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190208-venezuela-quoc-hoi-lap-hien-maduro-my-trung-phat

Tân Tổng thống El Salvador

sẽ đánh giá lại mối quan hệ với Trung Cộng

San Salvador – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (7 tháng 2), một thành viên trong nhóm của ông Nayib Bukele, người vừa đắc cử Tổng thống của El Salvador, cho biết, ông Bukele sẽ đánh giá xem có nên duy trì quan hệ ngoại giao giữa El Salvador với Trung Cộng hay không.
Vào tháng 8 năm ngoái, El Salvador đã phá vỡ quan hệ với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Trung Cộng. Sau đó, Trung Cộng cung cấp cho El Salvador khoảng 150 triệu Mỹ kim cho các dự án xã hội, và 3,000 tấn gạo để nuôi sống hàng ngàn người Salvador trong nạn hạn hán. Cũng tại thời điểm này, Tòa Bạch Ốc khuyến cáo rằng, Trung Cộng đang dụ dỗ các quốc gia bằng các ưu đãi, nhằm tạo điều kiện cho sự phụ thuộc và thống trị kinh tế, chứ không phải hợp tác.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Bukele đã chỉ trích những lợi ích mà El Salvador nhận được sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Cộng. Ông Federico Anliker, một thành viên thân cận của nhóm Bukele, cho biết, chính quyền sắp tới sẽ điều tra lý do tại sao chính phủ hiện tại của Salvador thiết lập quan hệ với Trung Cộng. Ông Anliker tuyên bố với truyền thông địa phương rằng, họ phải nghiên cứu các mối quan hệ của Trung Cộng, Trung Cộng – Đài Loan, và đặt chúng vào thế cân bằng. Bên cạnh đó, họ phải cân nhắc xem điều gì là tốt nhất cho quốc gia, chứ không phải điều gì là tốt nhất cho một đảng chính trị, như chính quyền sắp mãn nhiệm đã làm.
Theo ông Anliker, tân Tổng thống Bukele cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Juan Guaido, người tự xưng là tổng thống hợp pháp của Venezuela vào tháng 1. Khi đề cập đến chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro, ông Bukele tuyên bố ông sẽ không ủng hộ một chính phủ chuyên chế đàn áp người dân, và không tôn trọng nhân quyền. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tan-tong-thong-el-salvador-se-danh-gia-lai-moi-quan-he-cua-salvador-voi-trung-cong/

Thăm Slovakia,

Thủ tướng Đức nói đến vụ Trịnh Xuân Thanh

Thăm Slovakia dự hội nghị nhóm Visegrad Group (V4), thủ tướng Đức Angela Merket thảo luận với lãnh đạo nước chủ nhà về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo báo Slovakia, bà đã nói chuyện đó với ông Peter Pellegrini, thủ tướng Slovakia bên cạnh các ‘chủ đề chính trị, tự do báo chí’.
“Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận vụ doanh nhân Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại Đức rồi chuyển về Việt Nam qua ngả Slovakia, dùng một phi cơ của chính phủ nước này,” trang web spectator.sme.sk bản tiếng Anh cho hay.
Bà Merkel cũng trả lời báo chí, khẳng định vụ Trịnh Xuân Thanh đang tiếp tục được điều tra:
“Đúng, chúng tôi có thảo luận ngắn về chuyện đó. Tôi không hề nghi ngờ rằng Slovakia đang làm tất cả để điều tra vụ bắt cóc này.”
Còn ông Pellegrini thì thêm rằng “nhóm điều tra đang thu thập bằng chứng”.
Long NH bị 3 năm 10 tháng tù vì vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’
Tiền lệ ‘đáng tiếc, đau đớn, chưa từng có’
Tại sao quan chức trốn ‘đi nước ngoài’?
Ông cho hay, “những kẻ gây án tiềm tàng đã bị bắt” và thêm là tình hình Slovakia ổn định.
Ông yêu cầu hãy để cơ quan điều tra có thời ggian làm việc.
Bà Merkel thăm thủ đô Bratislava hôm 07/02/2019 theo lời mời từ năm trước của ông Peter Pellegrini, thuộc đảng Smer.
Hội nghị Visegrad Group (V4) tụ họp các nước Ba Lan, Slovakia, Czech và Hungary.
Năm nay, bà Merkel đại diện cho Đức là khách tham dự hội nghị.
Tin về cuộc trao đổi giữa hai lãnh đạo Đức và Slovakia về vụ Trịnh Xuân Thanh cũng được báo Đức đề cập hôm 7/02.
Ông Trịnh Xuân Thanh hiện đang chịu án tù tại Việt Nam và nhà chức trách nước này không nêu bằng cách nào mà ông từ Berlin đột nhiên xuất hiện ở Hà Nội để ‘ra đầu thú’.
Vụ việc đã gây khủng hoảng cho quan hệ Hà Nội – Berlin một thời gian.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47183221

Brexit : Chính quyền Anh vội vã

tuyển người cho tình trạng khẩn cấp

Thụy My
Tàu “Spirit of France” được điều đến cảng Dover để thử nghiệm xem có thể xoay sở thế nào trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.P. Nicholls/ Reuters
Trong lúc việc thương lượng về Brexit vẫn đang trong ngõ cụt, và trước khả năng Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận nào, chính quyền hôm 08/02/2019 đã bắt đầu tuyển mộ bằng mọi cách để thành lập một đơn vị khẩn cấp, nhằm bảo đảm cho đất nước vẫn hoạt động bình thường trong trường hợp xấu nhất.
Từ Luân Đôn, thông tín viên Muriel Delcroix giải thích :
« Theo nhật báo The Guardian, nơi xuất phát nguồn tin, trong thời gian gần đây những người có trách nhiệm đã huy động trên 5.000 công chức, để thành lập một loại trung tâm chỉ huy khẩn cấp như của quân đội. Nhưng đến nay, chỉ còn không đầy 50 ngày nữa là nước Anh chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, chính quyền quyết định mở rộng việc tuyển dụng cho các ứng cử viên bên ngoài.
Tiêu chuẩn được tìm kiếm là những người « có thần kinh thép », với nhiệm vụ trợ giúp cho nhiều bộ khác nhau để giải quyết tình trạng khủng hoảng trong trường hợp « no deal », tức Anh ra khỏi châu Âu mà không có thỏa thuận nào. Các ứng cử viên được đề nghị mức lương có thể lên đến 450 euro một ngày, và phải sẵn sàng làm việc kể từ cuối tháng Hai.
Đặc biệt bộ Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn đang ráo riết tìm kiếm những khuôn mặt mới. Họ phải đối phó với nhiều tình trạng, chẳng hạn như rác bị chồng chất do việc thu gom rác bị dừng lại, hoặc xử lý các xe tải chở gia súc bị kẹt trong dòng xe lưu thông ở Kent, gần cảng Douvres (Dover), điểm trung chuyển chính yếu về thương mại giữa Anh quốc và Liên Hiệp Châu Âu.
Các tin tức rò rỉ một cách khéo léo này nhằm chứng tỏ chính phủ sẵn sàng đối phó với mọi tình huống, sau khi bị cáo buộc là đánh giá thấp khả năng ra khỏi châu Âu không thỏa thuận, và những hậu quả trầm trọng sẽ xảy đến tức khắc. »
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190209-brexit-chinh-quyen-anh-voi-va-tuyen-nguoi-cho-tinh-trang-khan-cap

Pháp : Mưu toan phóng hỏa

nhà riêng chủ tịch Hạ Viện

Thanh Phương
Tối qua, 08/02/2019, Hạ Viện Pháp ra thông cáo cho biết chủ tịch hạ Viện Richard Ferrand đã quyết định đệ đơn kiện sau khi phát hiện một mưu toan phóng hỏa nhà riêng của ông tại vùng Bretagne.
Theo bản thông cáo này, các hiến binh đã phát hiện tại chỗ một tấm chăn, một mẩu lốp xe cháy dở và một cây đuốc tẩm xăng, cho nên đây rõ ràng là hành động cố tình phóng hỏa. Theo ông Ferrand, đây là một hành động « nghiêm trọng ».
Nhà riêng hoặc trụ sở tiếp dân của nhiều dân biểu thuộc đảng Cộng hòa Tiến bước của tổng thống Emmanuel Macron đã bị phá hoại kể từ khi bùng phát phong trào « Áo Vàng » tháng 11 năm ngoái. Một số dân biểu thậm chí còn bị dọa giết.
Vào đầu tháng Giêng, chủ tịch Hạ Viện Richard Ferrand đã bày tỏ sự ủng hộ với các dân biểu nói trên, khẳng định « những thủ đoạn hù dọa không có chỗ trong nền dân chủ. »
Hôm nay, những người Áo Vàng lại xuống đường trên toàn nước Pháp. Đây là lần thứ 13 họ biểu tình vào thứ Bảy. Số người tham gia trong hai cuối tuần trước đã giảm đi, chỉ có 58.600 người xuống đường ngày 02/02, theo số liệu thống kê do chính phủ đưa ra. Hôm nay, theo dự đoán, các cuộc biểu tình sẽ còn phân tán hơn.
Tại Paris, những người Áo Vàng đã xuất phát từ quảng trường Etoile để tuần hành dọc theo đại lộ Champs-Elysée đến khu Champs de Mars, phía bên kia sông Seine. Trong các cuộc đụng độ với hiến binh trước Hạ Viện vào trưa nay, một người biểu tình đã bị thương nặng ở bàn tay.
Theo hãng tin AFP, nội bộ những người Áo Vàng hiện đang bị chia rẽ giữa một bên là những người muốn liên kết với các công đoàn để mở rộng phong trào phản kháng xã hội, và bên kia là những người không muốn bị các chính khách lợi dụng, vào lúc mà các lãnh đạo chính phủ Ý đã công khai, thậm chí đến tận nơi, ủng hộ những người Áo Vàng tại Pháp.
Mặc dù Paris đã triệu hồi đại sứ về nước để tỏ thái độ bất bình với Roma, phó thủ tướng Ý Luigi Di Maio hôm qua vẫn biện minh cho chuyến đi của ông đến Pháp hôm thứ ba tuần này để yểm trợ tinh thần những người Áo Vàng.
http://vi.rfi.fr/phap/20190209-phap-muu-toan-phong-hoa-nha-rieng-chu-tich-ha-vien

Quan hệ Pháp – Ý:

Khi giọt nước dân túy làm tràn ly

Anh Vũ
Quan hệ láng giềng Pháp – Ý bùng lên căng thẳng chưa từng thấy hôm 07/02/2019, khi Paris gọi đại sứ về nước sau một loạt những tuyên bố và những động thái của quan chức chính phủ Ý bị đánh giá là « thái quá » và « can thiệp » vào chuyện nội bộ Pháp. Vì đâu mà quan hệ giữa hai nước láng giềng vốn vẫn gắn bó khá khăng khít trên các mặt tại châu Âu này bỗng nhiên bị đe dọa đổ vỡ ?
Việc Paris gọi đại sứ về với lý do là để « tham vấn tình hình » là một động thái ngoại giao chưa từng xảy ra trong quan hệ giữa Pháp và láng giềng Châu Âu kể từ năm 1945, cũng như việc hai thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu đối đầu trực tiếp.
Nhà nghiên cứu về Ý, chuyên gia Marc Lazar, trả lời RFI, nhận định những bất đồng  giữa hai chính phủ hiện nay thì có nhiều, nhưng quan hệ Pháp – Ý đã có những hiềm tị từ trước đó trên nhiều vấn đề. Đó là năm 2011 Pháp can thiệp quân sự vào Lybia, nơi mà tại Roma nhiều người vẫn coi là sân sau, trong vòng ảnh hưởng của Ý. Rồi đến việc Pháp đơn phương đóng cửa biên giới kiểm soát người tị nạn, bỏ mặc nước Ý đơn độc đối phó với làn sóng di dân đến từ châu Phi.
Các bất đồng đôi lúc đã xảy ra trong quá khứ với mức độ nghiêm trọng khác nhau, nhưng hai bên vẫn tìm được cách nói chuyện chưa bao giờ phải chỉ mặt, lên giọng chỉ trích nhau như lần này.
Những bực bội âm ỉ chỉ thực sự bùng lên kể từ khi Phong trào 5 Sao, dân túy, thắng cử lên lãnh đạo nước Ý. Các tuyên bố từ xa của lãnh đạo hai nước cũng bắt đầu không còn ý tứ gì nữa. Hôm 21/06/2018, trong một bài phát biểu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gay gắt lên án điều mà ông gọi là « bệnh hủi dân túy » đang lây lan khắp nơi, đồng thời ông cũng không ít lần nhắc đến tên Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý.
Vị quan chức chính phủ Ý này, nhân lúc chính phủ Macron đang lâm vào khủng hoảng Áo Vàng, đã tung ra những phát ngôn mang tính kích động phong trào chống chính phủ Pháp, kêu gọi lật đổ tổng thống Macron.
Mới đây nhất, hôm 05/02, ông Luigi Di Maio, lãnh đạo Phong trào 5 Sao và là bộ trưởng Lao Động Ý, trong cuộc tiếp xúc các đại diện những nhóm Áo vàng Pháp, đã có những tuyên bố ủng hộ phong trào phản kháng chính phủ Pháp.
Hành động này có thể coi là giọt nước làm tràn ly. Phát ngôn viên Ngoại Giao Pháp lập tức lên tiếng gọi « những hành động can thiệp đó là một sự khiêu khích thêm nữa không thể chấp nhận được ». Chuyên gia Marc Lazar lý giải việc bùng phát căng thẳng Pháp – Ý:
« Di Maio và Mateo Salvini, đối thủ chính của Emmanuel Macron. Họ có rất nhiều lý do để bất đồng với nhau, khi có căng thẳng trong nội bộ chính phủ, thì không gì dễ dàng hơn là nhằm vào tổng thống Pháp. Đây sẽ còn là lá bài tiếp tục được chơi cho tới cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu sắp tới. Vì thế tôi nghĩ, trên phương diện chính trị, sẽ còn có những thời điểm rất căng thẳng trong quan hệ hai nước. »
Các nhà quan sát đều nhận ra mục tiêu tranh cử trong các động thái hằn học với Pháp của các quan chức Ý gần đây.  Cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào ngày 26/05 đang đến gần. Mateo Salvini đã cố gắng tổ chức một mặt trận cực hữu rộng rãi ở châu Âu chống lại những người ủng hộ Liên Hiệp Châu Âu, mà tổng thống Pháp là một trong những đại diện tiêu biểu.
Bất đồng với nhau là một chuyện, nhưng sử dụng bất đồng đó như là một công cụ vì mục đích vụ lợi cho tranh cử lại là một chuyện khác, như phát ngôn viên Ngoại giao Pháp đã cảnh cáo.
Điều nghiêm trọng hơn là những căng thẳng quan hệ Pháp – Ý  được thổi bùng bằng những lập luận dân túy còn có nguy cơ làm dấy lên tư tưởng chống Pháp đầy hiềm khích trong dư luận Ý.
Quan hệ Roma-Paris căng thẳng sẽ làm phức tạp thêm khó khăn cho ý tưởng hoàn thiện Châu Âu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vốn đang gặp trục trặc do sự rút lui sắp tới của bà Angela Merkel khỏi chính trường và do Brexit.
Vượt ra ngoài những va chạm, khiêu khích, chắc chắn quan hệ Pháp – Ý đang hỏng về căn bản. Điều này sẽ làm cho công cuộc xây dựng Châu Âu thiếu đi một  đồng minh”, nhà quan sát Sébastien Maillar, giám đốc Viện chính trị Jacques Delors nhận định.
http://vi.rfi.fr/phap/20190208-quan-he-phap-y-giot-nuoc-dan-tuy-lam-tran-ly

Nga ‘sẵn sàng thảo luận’ với Hà Lan

về chuyến bay MH17 bị bắn hạ

Nga sẵn sàng tham gia vào các cuộc thảo luận với Hà Lan về vụ chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị bắn hạ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko được thông tấn nhà nước Nga Interfax dẫn lời hôm 8/2, theo Reuters.
“Đối thoại của chúng tôi không dừng lại, kể cả ở cấp độ chính trị”, Interfax dẫn lời ông Grushko. “Chúng tôi chỉ mới đề cập sơ đến vấn đề đó, chúng tôi đã sẵn sàng thảo luận”.
Ông Grushko đưa ra những phát biểu trên ngay sau khi Bộ Ngoại giao Hà Lan nói rằng họ ngày càng tin rằng các quan chức Nga sẽ sẵn sàng gặp gỡ sớm để nói chuyện riêng về người chịu trách nhiệm vụ chuyến bay của Malaysia Airlines bị bắn hạ vào năm 2014.
Tháng 7/2014, MH17 đã bị bắn hạ trên lãnh thổ do phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine nắm giữ, giết chết toàn bộ 298 người trên máy bay, khoảng hai phần ba trong số đó là người Hà Lan.
Vào tháng 5/2018, chính phủ Hà Lan và Úc cho biết họ sẽ buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho việc bắn hạ máy bay.
Nga phủ nhận mọi sự liên quan và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov vào thời điểm đó trả lời rằng không thích hợp để Úc và Hà Lan đưa ra tối hậu thư cho Moscow về các khoản bồi thường.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-san-sang-thao-luan-voi-ha-lan-ve-chuyen-bay-mh17-bi-ban-ha/4778950.html

Hy Lạp bật đèn xanh cho Macedonia gia nhập NATO

Trọng Nghĩa
Với 153 phiếu thuận, 140 phiếu chống và một người vắng mặt, Quốc Hội Hy Lạp vào hôm qua, 08/02/2019 đã phê chuẩn nghị định thư về việc NATO kết nạp Cộng Hòa Macedonia Phương Bắc, giai đoạn cuối cùng cho phép quốc gia Nam Âu này trở thành thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.
Quyết định này rất có ý nghĩa, vì cho đến nay Hy Lạp đã nhiều lần phủ quyết việc kết nạp Macedonia vào NATO.
Hôm 06/02 vừa qua, 29 thành viên NATO đã ký kết nghị định thư kết nạp Macedonia, cho phép nước này trở thành thành viên thứ 30 trong liên minh quân sự, sau khi Macedonia đạt được thỏa thuận với Hy Lạp về vấn đề đổi tên nước.
Từ nhiều năm qua, việc Macedonia gia nhập NATO cũng như Liên Hiệp Châu Âu luôn luôn bị Hy Lạp phản đối. Athens không chấp nhận việc quốc gia thoát thai từ Nam Tư cũ này mang tên Macedonia, vốn cũng là tên một tỉnh ở miền Bắc Hy Lạp, sợ rằng việc trùng tên có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ.
Nước Macedonia do đó đã phải tiến hành thủ tục đổi tên rất phức tạp, nhưng rốt cuộc việc này đã được hoàn thành, và vào tháng Sáu năm ngoái, Hy Lạp và Macedonia chính thức ký hiệp định đổi tên Macedonia từ Cộng Hòa Nam Tư cũ Macedonia, thành Cộng Hòa Macedonia Phương Bắc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190209-hy-lap-bat-den-xanh-cho-macedonia-gia-nhap-nato

TQ kêu gọi đàm phán hòa bình

để giải quyết vấn đề Venezuela

Venezuela nên tự giải quyết những vấn đề của chính mình thông qua đàm phán hòa bình và Trung Quốc ủng hộ nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong chuyện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.
Khoảng 20 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu bao gồm Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha đã đứng về phía Mỹ công nhận Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela và gây áp lực để Tổng thống theo chủ nghĩa xã hội Nicolas Maduro loan báo một cuộc bầu cử mới.
Khác với lập trường cứng rắn của Washington, EU và một nhóm các chính phủ Mỹ Latin thể hiện lập trường ôn hòa về Venezuela, kêu gọi đối thoại và bầu cử mới.
Nhóm Liên lạc Quốc tế về Venezuela do EU hậu thuẫn trong cuộc họp khai mạc tại thủ đô Montevideo của Uruguay trong tuần này nói sự can thiệp quá mạnh bạo có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
Đáp lại cuộc họp hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một tuyên bố vào cuối ngày thứ Sáu rằng Trung Quốc ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết hòa bình vấn đề Venezuela và hi vọng tất cả các bên sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng.
“Các vấn đề của Venezuela nên được giải quyết bởi người dân Venezuela trong khuôn khổ hiến pháp và luật pháp thông qua đối thoại hòa bình và các kênh chính trị,” bộ ngoại giao nói.
“Chỉ bằng cách này Venezuela mới có thể đạt được sự ổn định lâu dài.”
Trung Quốc đã cho Venezuela vay hơn 50 tỉ đôla thông qua các thỏa thuận đổi dầu lấy khoản vay trong thập niên qua, giành được các nguồn cung cấp năng lượng cho nền kinh tế phát triển nhanh chóng của mình.
Nhưng nguồn tài trợ cạn kiệt khi nền kinh tế của đất nước Nam Mỹ này bắt đầu lao dốc vào năm 2015, chịu áp lực từ giá dầu sụt giảm mạnh.
Ông Guaido cho biết một sự thay đổi trong chính phủ ở Venezuela sẽ tạo thuận lợi cho hai chủ nợ nước ngoài chính là Nga và Trung Quốc, và ông đã gửi đi thông điệp tới cả hai nước này, vốn có quan hệ thân thiết với chính phủ Maduro.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-keu-goi-dam-phan-hoa-binh-de-giai-quyet-van-de-venezuela/4779830.html

Tỷ phú Trung Quốc bị tước quyền cư trú:

‘Quyết định của Úc chỉ dựa trên đồn đoán’

Một doanh nhân và nhà tài trợ chính trị nổi tiếng của Trung Quốc, lâu nay có liên quan đến việc thúc đẩy lợi ích của Trung Quốc, hôm 8/2 nói rằng quyết định của Úc trong việc hủy bỏ visa của ông không dựa trên cơ sở nào khác hơn là đồn đoán, theo Reuters.
Tỷ phú Hoàng Hướng Mặc đã không thể quay trở lại Úc sau khi chính phủ nước này từ chối đơn xin nhập tịch và thu hồi visa của ông trong lúc ông đang ở nước ngoài, báo chí cho biết trong tuần này.
Truyền thông Úc dẫn các nguồn ẩn danh cho biết ông Hoàng đã bị từ chối cư trú sau khi các cơ quan tình báo kết luận rằng ông này có thể thực hiện “những hành vi can thiệp nước ngoài” và rằng ông “không thích hợp” để cư trú.
Ông Hoàng bác bỏ nhận định này và chỉ trích Úc với những phát biểu công khai đầu tiên kể từ khi việc hủy visa được tiết lộ.
“Thất là một sự thất vọng sâu sắc khi bị đối xử một cách không công bằng như vậy. Quyết định hủy visa của tôi chỉ dựa trên những đồn đoán vô căn cứ đầy thành kiến”, ông Hoàng nói với tạp chí Úc Financial Review.
“Có rất nhiều công ty Úc ở Trung Quốc, chẳng lẽ họ đều bị xem là có khả năng thao túng bởi chính phủ Trung Quốc?”
Các đại diện của Bộ Nội vụ Úc và một phát ngôn viên của Bộ trưởng Bộ Di trú David Coleman không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Việc trục xuất ông Hoàng diễn ra vào lúc Úc và Trung Quốc đang tìm cách cải thiện mối quan hệ đã trở nên căng thẳng kể từ năm 2017, khi Canberra cáo buộc Bắc Kinh can thiệp vào các vấn đề đối nội. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này.
Ông Hoàng đã sớm nổi lên như một trong những nhà tài trợ chính trị lớn nhất của Úc ngay sau khi ông bắt đầu sống ở Úc. Ông đã trở nên nổi tiếng sau khi một nhà lập pháp đối lập có ảnh hưởng bị buộc phải từ chức vào năm 2017, khi xuất hiện các cáo buộc cho rằng ông có liên quan đến các lợi ích tương quan của Trung Quốc.
Nhà lập pháp Sam Dastyari đã tìm cách vận động một chính trị gia cấp cao không gặp gỡ một nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc luôn phản đối sự cai trị của Bắc Kinh tại Hồng Kông vào năm 2015.
Ông Dastyari cũng bị ghi lại việc cảnh báo ông Hoàng rằng điện thoại của ông có thể bị nghe lén.
Ông Hoàng đã ngừng quyên góp chính trị sau sự cố đó nhưng sau đó đã mở rộng lợi ích kinh doanh của mình tại Úc. Ông đã trả gần 1 tỷ đôla Úc (715 triệu đôla Mỹ) vào năm 2018 cho hai dự án ở Úc thuộc sở hữu của tập đoàn Trung Quốc Dalian Wanda.
https://www.voatiengviet.com/a/ty-phu-tq-bi-tuoc-quyen-cu-tru-quyet-dinh-cua-uc-chi-dua-tren-don-doan/4778801.html

Vua Thái không tán thành cho chị ruột ra tranh cử

Quốc vương Thái Lan Vajiralongkorn ra tuyên bố cho rằng đề nghị chưa từng có tiền lệ của chị gái ngài khi công bố ra tranh cử chức thủ tướng nước này là “không phù hợp.”
Công chúa Ubolratana Mahidol, 67 tuổi, đã được đề cử làm ứng viên cho một đảng liên minh với cựu Thủ tướng gây chia rẽ và bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
Một động thái như vậy sẽ phá vỡ truyền thống của Hoàng gia Thái Lan công khai đứng ngoài chính trị, tuyên bố viết.
Cuộc bầu cử của Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng Ba. Giới quan sát đang theo dõi chặt chẽ cuộc bầu cử như là cơ hội đầu tiên để Thái Lan trở lại chế độ dân chủ sau năm năm dưới sự cai trị của quân đội.
Việc tham gia của một thành viên cấp cao của hoàng gia trong chính trị, dù bằng cách nào, là một hành động mâu thuẫn với truyền thống lâu năm, phong tục và văn hóa của đất nước, và do đó được coi là cực kỳ không phù hợpTuyên bố của Quốc vương Thái Lan
‘Cực kỳ không phù hợp’
Trong một tuyên bố từ Hoàng Gia được đọc trên tất cả các mạng truyền hình nước này, Quốc vương Vajiralongkorn viết:
Công chúa Thái Lan ra ứng cử chức thủ tướng
Hết trì hoãn, Thái Lan sẽ bầu cử năm 2019
Thaksin: ‘Thái Lan cần bầu cử tự do, công bằng’
“Việc tham gia của một thành viên cấp cao của Hoàng gia trong chính trị, dù bằng cách nào, là một hành động mâu thuẫn với truyền thống lâu năm, phong tục và văn hóa của đất nước, và do đó được coi là cực kỳ không phù hợp. “
Vài giờ trước đó, Công chúa Ubolratana đã bảo vệ quyết định của mình ra tranh cử, nói trên truyền thông xã hội rằng đó là quyền của bà với tư cách công dân khi chấp nhận đề cử.
Trước đó, nhà báo Nopporn Wong-Anan từ Thế giới vụ bình luận với BBC Tiếng Việt về động thái vô tiền khoáng hậu của Công chúa Thái Lan, ông nói:
“Đây là động thái rất có tính quyết định, trước thông báo này, mà chúng ta nói là vào khoảng 2-3 tuần trước, cuộc bầu cử này được coi như một cuộc bầu cử mà phe quân sự sắp giành thắng lợi.
“Lý do là vì Hiến pháp đã được thiết kế bởi những người mà phe quân sự chỉ định. Và nó được thiết kế để ngăn chặn tình hỉnh được ủng hộ rộng rãi trong dân chúng của ông Thaksin Shinawatra và sự trở lại chính trị rồi ‘lên ngôi’ của ông ta.
Mặc dù đã là một ‘thường dân’, bà vẫn được người dân kính trọng, bà vẫn được người ta coi như một thành viên của Hoàng gia và bà vẫn được coi như là Công chúa.Nopporn Wong-Anan, Trưởng ban BBC Tiếng Thái
“Các quan sát, dự đoán tin tưởng rằng sự ủng hộ của cử tri vẫn còn rất mạnh trong tầng lớp dưới, đặc biệt ở mạn Đông Bắc của Thái Lan. Ông Thaksin đã bị lật đổ vào năm 2006 trong một cuộc đảo chính và em gái của ông cũng bị lật đổ trong một cuộc đảo chính vào năm 2014.”
Nhà báo Nopporn Wong-Anan, Trưởng ban BBC Tiếng Thái bình luận tiếp:
“Phe chính trị của ông Thaksin bị người khác cho là để cho người dân phá hoại nền quân chủ, để những người theo phe cộng hòa ở lại. Cho nên họ bị cáo buộc là có âm mưu lật đổ thể chế vương quyền. Nhưng ông Thaksin đã sống sót và ông nhận ra rằng mặc dù được sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp quần chúng đó, ông không thể thoát khỏi cáo buộc cho rằng ông là một người theo phe cộng hòa, là một người lật đổ vương quyền.
“Do đó ông đã tiếp cận vị công chúa, người là chị gái của Quốc vương đương kim và là con gái cả của nhà Vua quá cố. Công chúa Ubolratana từng kết hôn với một người Mỹ và đã ly hôn. Bà đã từ bỏ vị trí của bà ở Hoàng gia từ khi bà kết hôn. Sau khi ly hôn, bà trở lại Thái Lan. Mặc dù đã là một ‘thường dân’, bà vẫn được người dân kính trọng, bà vẫn được người ta coi như một thành viên của Hoàng gia và bà vẫn được coi như là Công chúa.
“Do đó sự nổi tiếng của bà khá mạnh, bà dường như vươn được tới tầng lớp thần dân lớp dưới, là một Công chúa Hoàng gia, bà điều hành nhiều dự án từ thiện do Hoàng gia tài trợ. Bà được khoảng 100.000 người theo dõi trên tài khoản Instagram, do đó bà có vẻ rất phù hợp cho ông Thaksin, bởi vì trước thông báo ra tranh cử này, bà đã được nhìn thấy trao đổi riêng tư hay cá nhân, nếu có thể dùng thuật ngữ này, với con gái của ông Thaksin trên Instagram.
“Bà từng được thấy trên tài khoản Facebook chụp hình khi dự khán một trận bóng đá World Cup với ông Thaksin và em gái của ông, bà Yingluck, ở Nga. Nếu chúng ta đưa các miếng ghép này lại với nhau, chúng ta có thể thấy bà là lựa chọn phù hợp nhất của ông Thaksin để thanh minh cho ông.
“Và có thể dùng ở đây một thành ngữ là ‘nhất xạ đoạt lưỡng liêu’, hay ‘nhất cử lưỡng tiện’, một mặt, sự phổ biến của ông trong những người dân nghèo ở nông thôn vẫn mạnh và mặt khác, ông có thể thanh minh cho tên tuổi của ông trước cáo buộc là một người dám phá hoại hay mưu đồ lật đổ nền Quân chủ vương quyền như đã nói trên, bằng việc có người chị ruột của nhà Vua thân cận ở bên.”
Ai là người thủ lợi?
Khi được hỏi liệu như vậy đã biết và có thể khẳng định rõ ràng người hưởng lợi từ việc Công chúa Ubolratana ra tranh cử này, nhà báo Nopporn Wong-Anan đáp:
Thái Lan không cho Đảng Cộng Sản tranh cử
Tương lai chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?
Cuộc đời Quốc vương Bhumibol
“Tất nhiên chắc chắn đó là ông Thaksin rồi. Bởi vì dưới sự sắp xếp của chính quyền hiện nay, ông đã bị luật pháp cấm ra tranh cử, ông cũng vẫn đang phải đương đầu với nhiều cáo buộc hình sự trong đó có tội bỏ trốn, em gái của ông cũng là người đào thoát và chịu các cáo buộc của tòa án.
“Cho nên điều mà ông đang làm, ông không chỉ đứng sau một đảng phái mà nhiều đảng phái – nếu chúng ta dùng một thuật ngữ kinh tế, thì đó là một mạng lưới các chi nhánh làm vệ tinh xoay quanh một tập đoàn – vào cuộc bầu cử lớn này.
“Cho nên điều ông Thaksin làm là ông đưa người chị của nhà Vua vào một phân nhánh nằm trong đại tập đoàn của ông. Do đó, rõ ràng ông Thaksin chính là người thủ lợi.
Nhà báo Nopporn Wong-Anan cũng bình luận về động thái từ phía của Thủ tướng Thái Lan và ‘phe phái’ được cho là liên quan tới Thủ tướng:
“Đầu tiên phải nói là tuần trước đó, đã có một đảng phái được thành lập dành cho Thủ tướng, nhiều bộ trưởng đương nhiệm trong nội các của ông là thành viên sáng lập của đảng này.
“Tháng trước, các bộ trưởng này đã từ chức và tuần trước họ đã đến gặp ông Thủ tướng Prayuth tại văn phòng Chính phủ và đã có các trao đổi.”
Bình luận về tuyên bố của Hoàng gia Thái Lan loại bỏ khả năng ra tranh cử của Công chúa Ubolratana, ông Nopporn Wong-Anan nói:
“Hiện chưa thể biết diễn tiến tiếp theo sẽ ra sao. Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ theo dõi chặt chẽ các động thái từ các phía liên quan và trong đó có thể có các thông báo tiếp theo từ Hoàng Gia,” nhà báo nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47174782

Pakistan hỗ trợ cho cuộc đàm phán

giữa Hoa Kỳ và Taliban

Washington / Peshawar, Pakistan – Hãng tin Reuters dẫn lời các viên chức Hoa Kỳ và nguồn tin từ Taliban cho biết, Pakistan từ lâu đã mâu thuẫn với Hoa Kỳ về cuộc chiến ở Afghanistan; tuy nhiên nước này hiện đóng một vai trò hậu trường rất quan trọng trong việc hỗ trợ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Hoa Kỳ và phiến quân Taliban của Afghanistan, bao gồm cả việc tạo điều kiện cho 2 bên đi đến các cuộc đàm phán.
Lực lượng Taliban cho biết sự hỗ trợ của Pakistan, cũng bao gồm việc gây áp lực lên các nhà lãnh đạo Taliban không hợp tác, thậm chí bằng cách giam giữ các thành viên của những nhà lãnh đạo nói trên.
Theo hãng tin Reuters, Pakistan nắm giữ một vai trò tế nhị trong các cuộc đàm phán hòa bình, khi mà Islamabad nỗ lực tìm cách né tránh việc thể hiện tầm ảnh hưởng rộng lớn của Pakistan đối với Taliban, một điều mà từ lâu Washington đã cáo buộc nước này.
Hãng Reuters dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết sự hỗ trợ từ Pakistan không phải vì nước này muốn nhận được viện trợ từ Hoa Kỳ, nhưng vì lo ngại ảnh hưởng kinh tế trên toàn vùng có thể xãy ra nếu Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan. Hiện tại Islamabad đang thiếu hụt ngoại tệ dự trữ và đang thương lượng với quỹ tiền tệ quốc tế IMF để vay nợ nhằm cứu nguy nền kinh tế, vì thế Islamabad không muốn thấy Afghanistan rơi vào một cuộc khủng hoảng trong khi Pakistan đang kêu gọi đầu tư ngoại quốc để giúp ổn định nền kinh tế.
Một viên chức cáo cấp của Islamabad nói rằng, đó là các lý do chính tại sao Pakistan hỗ trợ cho cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Taliban. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/pakistan-ho-tro-cho-cuoc-dam-phan-giua-hoa-ky-va-taliban/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.