Tin khắp nơi – 08/02/2019
Friday, February 8, 2019
4:35:00 PM
//
Slider
,
Tin thế giới
Hoa Kỳ và Bắc Hàn có thể vượt qua sự thù hằn
khi chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (7 tháng 2), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Hàn, đã cho thấy khả năng vượt qua sự thù hằn và chia rẽ để tiến tới mối quan hệ thành công.Tại cuộc họp báo, phát ngôn viên Robert Palladino đại diện Bộ Ngoại giao thông báo, đặc phái viên Hoa Kỳ về Bắc Hàn, ông Stephen Biegun, đang ở Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho hội nghị, đồng thời thúc đẩy các cam kết từng được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ – Bắc Hàn ở Singapore vào tháng 6 năm 2018. Những cam kết này bao gồm phi nguyên tử hóa hoàn toàn, chuyển hóa quan hệ Hoa Kỳ – Bắc Hàn, xây dựng cơ chế hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên. Ông Palladino cho biết Hoa Kỳ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt nếu Bắc Hàn phi nguyên tử hóa. Ông Palladino không đưa ra thông tin chi tiết về cuộc đàm phán của ông Biegun ở Bình Nhưỡng, cũng như từ chối công bố thời điểm ông Biegun trở về.
Vào đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông báo ông Biegun có thể đến Bình Nhưỡng để đàm phán với người đồng cấp Kim Hyok Chol vào hôm thứ Tư, tuy nhiên Bộ Ngoại Giao không tiết lộ thêm chi tiết. Theo hãng tin Yonhap của Nam Hàn dẫn lời các nguồn tin ngoại giao, ông Biegun sẽ bay đến Nam Hàn vào thứ Sáu để chia sẽ kết quả của chuyến thăm Bắc Hàn, tuy nhiên, ông Biegun có thể sẽ ở lại Bắc Hàn nếu hai bên cần thỏa thuận thêm.
Hồi tuần trước, ông Biegun cho biết mục đích của chuyến thăm Bình Nhưỡng là “đề ra nội dung thỏa thuận cụ thể” cho hội nghị lần thứ hai. Ông nói thêm Washington sẵn sàng thảo luận để cải thiện mối quan hệ, và thuyết phục Bắc Hàn từ bỏ chương trình nguyên tử. Dù vậy, Bình Nhưỡng than phiền rằng Washington làm quá ít để bù đắp cho Bình Nhưỡng, trong khi nước này đã ngừng thử nghiệm nguyên tử, hỏa tiễn và phá bỏ một số cơ sở chứa vũ khí. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-va-bac-han-co-the-vuot-qua-su-thu-han-khi-chon-viet-nam-lam-dia-diem-to-chuc-hoi-nghi-thuong-dinh/
Đặc phái viên Mỹ trở lại Hàn Quốc
sau chuyến thăm Triều Tiên
Đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về vấn đề Triều Tiên đã quay trở lại Hàn Quốc hôm 8/2 sau ba ngày hội đàm tại Bình Nhưỡng để làm việc về các chi tiết của cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin.Chính phủ Hàn Quốc chưa xác nhận ngay tin tức này.
Ông Trump nói hôm 6/2 rằng ông sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với ông Kim ở Việt Nam vào hai ngày 27 và 28/2.
Yonhap cho biết ông Stephen Biegun, đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về vấn đề Triều Tiên, đã hạ cánh tại một căn cứ không quân của Hoa Kỳ ở Osan, phía nam Seoul. Ông dự kiến sẽ báo cáo tóm tắt với các quan chức Hàn Quốc về chuyến thăm Triều Tiên trong dịp cuối tuần.
Trước khi tới Bình Nhưỡng, ông Biegun đã có mặt ở Seoul để nói chuyện với các quan chức Hàn Quốc về cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo giữa hai ông Trump, Kim; họ đã gặp nhau lần đầu vào tháng 6 năm ngoái ở Singapore.
Ông Biegun được cho là đã thảo luận về các bước giải giáp cụ thể mà Triều Tiên có thể cam kết tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Việt Nam và những biện pháp tương ứng mà Hoa Kỳ sẵn sàng thực hiện.
Hoạt động ngoại giao do Hoa Kỳ đứng đầu nhằm loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên chưa đạt được bước tiến đáng kể nào kể từ cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore.
https://www.voatiengviet.com/a/dac-phai-vien-my-tro-lai-han-quoc-sau-chuyen-tham-trieu-tien/4778282.html
Mỹ cám ơn ‘bạn thân’ Việt Nam
về cuộc gặp với Chủ tịch Kim
Viễn ĐôngPhó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino hôm 7/2 ca ngợi Việt Nam khi thông tin thêm về cuộc gặp diễn ra vào cuối tháng này giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un.
“Việt Nam là một đối tác và là người bạn thân thiết của Mỹ, và chúng tôi cám ơn chính phủ Việt Nam vì sự hào phóng khi đăng cai hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai này”, ông Palladino nói tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ tại thủ đô Washington D.C.
Người phát ngôn này nói thêm rằng hiện hai bên đang xúc tiến các cuộc gặp để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn, trong đó có cuộc thảo luận giữa đặc sứ Mỹ về Triều tiên Stephen Biegun và đối tác Kim Hyok-chol ở Bình Nhưỡng.
XEM THÊM:
TT Trump: Việt Nam đăng cai cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều
Khi được hỏi thêm về nơi Tổng thống Trump sẽ gặp lãnh tụ Kim ở Việt Nam vào ngày 27 và 28/2, ông Palladino nói rằng điều đó “sẽ được công bố” khi mọi chuyện sẵn sàng, và hiện ông chưa có thông tin gì thêm.
“Chúng tôi ngay lúc này đang làm việc về các chi tiết, và chúng tôi nóng lòng đón chờ một hội nghị thượng đỉnh hết sức tốt đẹp”, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tiếp.
Trước đó, có tin nói rằng ông Trump thích thành phố Đà Nẵng, nơi nguyên thủ Mỹ từng tới dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, nhưng ông Kim Jong Un lại muốn tới Hà Nội.
Quan chức Mỹ lâu nay vẫn coi Việt Nam là một hình mẫu mà Bắc Hàn có thể học hỏi trong mối quan hệ với Hoa Kỳ.
XEM THÊM:
Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều: Việt Nam ‘mang tính biểu tượng’
Chính phủ Hàn Quốc hôm 6/2 nhận xét rằng việc chọn Việt Nam là nơi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong Un “mang tính biểu tượng quan trọng”, cho thấy rằng vẫn có thể thiết lập mối quan hệ bạn hữu với Mỹ sau một thời gian dài thù nghịch.
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino dường như cũng nhắc tới điều này khi đề cập tới chuyện hai nước cựu thù “vượt qua xung đột và chia rẽ” để có được mối “quan hệ đối tác thịnh vượng” như hiện nay.
Trên Twitter, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 6/2 viết rằng Hà Nội “mạnh mẽ ủng hộ các cuộc đối thoại nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Triều Tiên” và “sẵn sáng tích cực đóng góp và hợp tác với các bên liên quan để bảo đảm thành công của hội nghị thượng đỉnh lần hai”.
https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-c%C3%A1m-%C6%A1n-b%E1%BA%A1n-th%C3%A2n-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BB%81-cu%E1%BB%99c-g%E1%BA%B7p-v%E1%BB%9Bi-ch%E1%BB%A7-t%E1%BB%8Bch-kim/4778132.html
Phe Cộng hòa muốn
Tổng thống Đài Loan tới Quốc hội Mỹ
Trong bối cảnh căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, một nhóm các thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đã đề nghị Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi, mời Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tới phát biểu tại cuộc họp lưỡng viện của Quốc hội Mỹ.Nếu lời mời này được chuyển tới bà Thái, nó sẽ khiến Bắc Kinh tức giận, theo nhận định của Reuters.
Các thượng nghị sĩ, bao gồm ông Marco Rubio, John Cornyn và Ted Cruz, đã công bố bức thư gửi bà Pelosi hôm 7/2, trước thời hạn chót 1/3 để Bắc Kinh và Washington phải đạt được một thỏa thuận về thương mại.
Quan hệ giữa Trung Quốc và Washington trở nên sóng gió trong những tháng gần đây.
XEM THÊM:
Mỹ ‘lo ngại’ Trung Quốc dùng vũ lực khống chế Đài Loan
Nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ chỉ trích các hoạt động kinh doanh của Trung Quốc cũng như cáo buộc chính quyền Bắc Kinh thực hiện các hoạt động do thám và vi phạm nhân quyền.
Đôi bên đã ngưng cuộc chiến thương mại trong vòng 90 ngày để tìm giải pháp. Một vòng đàm phán tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra tuần tới ở Trung Quốc.
Tờ Taipei Times dẫn lời phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng hiện Tổng thống Thái chưa có kế hoạch thăm Washington và phát biểu tại Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, theo Reuters, các trợ lý của bà Pelosi, một dân biểu Dân chủ, không hồi đáp ngay trước một yêu cầu bình luận.
https://www.voatiengviet.com/a/phe-c%E1%BB%99ng-h%C3%B2a-mu%E1%BB%91n-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-%C4%91%C3%A0i-loan-t%E1%BB%9Bi-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%99i-m%E1%BB%B9/4778045.html
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình
sẽ không gặp nhau trước thời hạn
hoàn thành thỏa thuận thương mại
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, tại một buổi gặp gỡ ở phòng Bầu dục vào hôm thứ Năm (7 tháng 2), Tổng thống Donald Trump cho biết, Tổng thống không có dự định gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước ngày 1 tháng 3, đây cũng là thời hạn để hai nước hoàn tất thỏa thuận thương mại.Bình luận của Tổng thống đã chứng thực tiết lộ của các viên chức chính phủ về việc Tổng thống và ông Tập sẽ không gặp mặt trước tháng 3. Diễn biến này càng khiến hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại giảm xuống, và thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sụt giảm. Nếu hai nước không thể thống nhất thỏa thuận thương mại, Tổng thống Trump dọa sẽ tăng mức thuế nhập cảng lên hàng hóa Trung Cộng.
Hồi tuần trước, Tổng thống cho biết Tổng thống sẽ gặp ông Tập để tiến tới thỏa thuận cuối cùng, sau khi Phó Thủ tướng Trung Cộng Lưu Hạc đưa ra lời mời ở Tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận tiết lộ, các cố vấn lo lắng rằng việc Tổng thống không chấp nhận lời mời sẽ dẫn việc Hoa Kỳ mất đòn bẩy trong cuộc đàm phán, nhất là khi hai bên vẫn bất đồng về vấn đề tài sản trí tuệ.
Vào cuối tháng 2, Tổng thống Trump sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un tại Việt Nam. Một số quan điểm cho rằng Tổng thống sẽ gặp ông Tập trong chuyến đi này, vì Tổng thống đã gợi ý sự lựa chọn này, hoặc ông Tập có thể đến Hoa Kỳ. Cố vấn kinh tế Larry Kudlow nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo có thể gặp vào một ngày khác. Thông tin này đã khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, ảnh hưởng xấu đến thái độ lạc quan cho rằng Hoa Kỳ và Trung Cộng đang có tiến triển, trước khi Washington tăng thuế lên 25% đối với hàng hóa Trung Cộng.
Vào thứ Hai tuần sau, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin sẽ đến Bắc Kinh để tiếp tục quá trình đàm phán. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-trump-va-chu-tich-tap-can-binh-se-khong-gap-nhau-truoc-thoi-han-hoan-thanh-thoa-thuan-thuong-mai/
Một sinh viên Trung Cộng bị án tù
do chụp ảnh căn cứ quân sự Hoa Kỳ trái phép
Theo tin từ Fox News, một thanh niên Trung Cộng bị bắt vào tháng 9/2018, đã thừa nhận việc chụp ảnh trái phép một cơ sở quân sự của Hoa Kỳ tại Key West, Florida. Vào hôm thứ Ba (5 tháng 2), người này bị kết án một năm tù.Fox News cho biết anh Zhao Qianli, 21 tuổi, đã nhận tội chụp ảnh các cơ sở quốc phòng. Ngoài án tù liên bang, anh Zhao còn phải chịu một năm giám sát sau khi được thả.
Anh Zhao bị bắt vào ngày 26 tháng 9 năm 2018 tại Joint Interagency Task Force South ở Naval Air Station Key West. Các công tố viên cho biết anh bị phát hiện chụp ảnh các khu vực cấm của trạm không quân, và các thiết bị quân sự, sau khi anh đi vòng qua một hàng rào để xâm nhập vào khu vực cấm được đánh dấu rõ ràng.
Luật sư của anh Zhao khẳng định rằng anh ta chỉ là một khách du lịch bị lạc và đã vô tình đi vào căn cứ. Nhưng các nhà điều tra cho biết người thanh niên này chỉ có ảnh chụp căn cứ quân sự trong điện thoại di động cũng như trong máy ảnh, và không hề có ảnh chụp địa điểm du lịch quen thuộc nào ở Key West.
Anh Zhao đến Hoa Kỳ để học âm nhạc trong chương trình trao đổi mùa hè từ Đại học North University of China. Phía FBI cho biết anh Zhao có mặt tại Hoa Kỳ một cách hợp pháp, nhưng visa của anh ta đã hết hạn một tuần trước khi bị bắt. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/mot-sinh-vien-trung-cong-bi-an-tu-do-chup-anh-can-cu-quan-su-hoa-ky-trai-phep/
Thỏa thuận dự luật ngân sách
đang có tiến triển tích cực
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang thỏa thuận ngân sách an ninh biên giới và cho biết họ đang có tiến triển, thượng nghị sĩ Dân Chủ Jon Tester cho rằng các cuộc đàm phán có thể hoàn thành sớm nhất là vào thứ Sáu (8 tháng 2).Chủ tịch Ủy ban Phân bổ Ngân sách Richard Shelby nói với phóng viên rằng, 17 thượng nghị sĩ và dân biểu đang thảo luận rất tích cực. Bà Shelby cho biết tình hình đã cải thiện, sau khi họ biết rõ Tổng thống Trump sẽ ủng hộ phương án nào.
Tại một buổi gặp gỡ ở phòng Bầu dục, khi được hỏi về việc thỏa hiệp, Tổng thống Trump đã không loại trừ khả năng này. Các nhà lập pháp phải hoàn thành thỏa thuận ngân sách trước ngày 15 tháng 2, để chấm dứt mâu thuẫn về 5.7 tỷ Mỹ kim ngân sách xây dựng bức tường biên giới của Tổng thống. Ngân sách cho một số cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Nội an, sẽ hết hạn vào ngày 15 tháng 2 tới đây. Nếu Quốc hội không thể thỏa thuận dự luật ngân sách trước thời hạn, chính phủ sẽ lại đóng cửa lần nữa.
Các đàm phán viên đang thảo luận rất nhiều vấn đề, bao gồm xây dựng hàng rào biên giới, tăng số lượng nhân viên hành pháp, lắp đặt nhiều thiết bị kỹ thuật cao phòng chống buôn lậu ma túy, và người di dân vượt biên trái phép. Hiện nay, Hoa Kỳ đã có hàng rào dọc theo đường biên giới dài 2,000 dặm.
Trong một diễn biến khác, nhiều dân biểu Dân Chủ và các nhóm ủng hộ di dân đã tập trung trước điện Capitol, yêu cầu Quốc hội cắt giảm ngân sách của cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE). Đây là cơ quan phụ trách thực thi luật di trú trong nước, bao gồm cả quyền hành trục xuất người di dân trái phép. Dù đảng Dân Chủ và các nhóm này chỉ trích ICE, Tổng thống Trump đã ca ngợi ICE vì đã bảo vệ Hoa Kỳ khỏi tội phạm nguy hiểm. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thoa-thuan-du-luat-ngan-sach-dang-co-tien-trien-tich-cuc/
Trump đề cử người lãnh đạo Ngân hàng Thế giới
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Tư nói Nhóm Ngân hàng Thế giới nên được lãnh đạo bởi quan chức Bộ Tài chính Mỹ David Malpass, một người trung thành với ông Trump và hay chỉ trích các định chế đa phương cũng như từng tuyên bố sẽ theo đuổi những cải cách “hỗ trợ tăng trưởng” tại tổ chức chuyên cho vay tiền để phát triển này.Việc đề cử ông Malpass, nhà ngoại giao hàng đầu của Bộ Tài chính, sẽ phải được ban điều hành Ngân hàng Thế giới biểu quyết và có thể thu hút những người thách thức từ một số trong số 188 quốc gia khác có cổ phần.
Mỹ là nước nắm cổ phần lớn nhất với 16 phần trăm quyền biểu quyết và theo truyền thống là nước chọn chủ tịch ngân hàng, nhưng Jim Yong Kim, người đã từ nhiệm vào ngày 1 tháng 2, từng đối mặt với những người thách thức từ Colombia và Nigeria vào năm 2012.
Việc đề cử ông Malpass báo hiệu chính quyền Trump muốn kiểm soát chặt hơn Ngân hàng Thế giới. Ông Malpass là cố vấn kinh tế cho chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump.
Ông Malpass, Thứ trưởng Tài chính đặc trách sự vụ quốc tế, chuyên giám sát vai trò của Mỹ trong Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Ông đã chỉ trích các tổ chức này là ngày càng phình to, “can thiệp sâu” hơn và “cố kết” hơn.
Ông cũng đã thúc đẩy ngân hàng giảm cho vay đối với Trung Quốc, nước mà ông cho rằng quá giàu có để nhận các khoản viện trợ như vậy trong khi lại đang chồng chất nợ lên các nước nghèo hơn trong sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Đề cử ông Malpass một ngày trước khi ban điều hành Ngân hàng Thế giới bắt đầu quá trình đề cử kéo dài một tháng, ông Trump có thể ngăn chặn sự xuất hiện của những ứng viên khác, theo Reuters.
Ông Malpass sẽ tôn trọng những chuẩn mực và nghĩa vụ của ngân hàng, bao gồm các chương trình chống lại biến đổi khí hậu, một quan chức cao cấp của chính quyền Trump được Reuters dẫn lời nói.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-de-cu-nguoi-lanh-dao-ngan-hang-the-gioi/4775944.html
Quân đội Hoa Kỳ đặt mục tiêu
rời khỏi Syria vào tháng Tư năm nay
Washington, DC – Theo bản tin của tờ Wall Street Journal, các viên chức và cựu viên chức Hoa Kỳ cho biết, Ngũ giác Đài đang chuẩn bị rút tất cả các lực lượng Hoa Kỳ ra khỏi Syria vào cuối tháng 4, mặc dù chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đưa ra kế hoạch bảo vệ các đồng minh người Kurd không bị tấn công sau khi Hoa Kỳ rút đi.Giới lãnh đạo người Kurd đã dành hai tuần qua trong cuộc họp tại Washington với các viên chức Hoa Kỳ, nhằm tìm kiếm sự bảo đảm rằng họ sẽ an toàn. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump đã gặp khó khăn trong việc đưa ra một thỏa thuận nhằm bảo vệ các đồng minh người Kurd khỏi bị tấn công bởi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Phía Hoa Kỳ đã cố gắng thực hiện một thỏa thuận với Ankara về kế hoạch chính trị cho vùng đông bắc Syria, nhằm ngăn chặn cuộc chiến gây bất ổn giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd ở Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố. Nhưng hai bên chỉ đạt được những bước tiến nhỏ, điều đó có nghĩa là việc rút quân của Hoa Kỳ đang diễn ra nhanh hơn.
Theo tờ Wall Street Journal, những nỗ lực để xây dựng một kế hoạch rút quân bị cản trở bởi chia rẽ nội bộ giữa các cố vấn và những bất đồng với các đồng minh của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã cố gắng đạt được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh khác của Tổ chức Liên phòng Bắc Đại Tây Dương về kế hoạch tạo ra một khu vực an toàn ở phía đông bắc Syria, nhằm bảo đảm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tấn công lực lượng do người Kurd lãnh đạo. Nhưng ý tưởng này vấp phải sự kháng cự từ Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO khác, vì những nước không chắc chắn rằng ý tưởng này sẽ mang lại hiệu quả. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/quan-doi-hoa-ky-dat-muc-tieu-roi-khoi-syria-vao-thang-tu-nam-nay/
Người tình của nữ điệp viên Marina Butina
bị buộc tội gian lận
South Dakota – Vào hôm thứ Tư (6 tháng 2), đài CBS News trích dẫn tuyên bố của Văn phòng Biện lý Hoa Kỳ của quận South Dakota cho biết, ông Paul Erickson, một chính trị gia đảng Cộng hòa và người tình của điệp viên Nga Maria Butina đã bị một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố về 11 tội danh lừa đảo và rửa tiền.Bản cáo trạng cho biết, ông Erickson đã lập ra một âm mưu bất hợp pháp nhằm lấy tiền của nhiều nạn nhân, bắt đầu từ năm 1996 đến tháng 8 năm 2018. Theo văn phòng Biện lý tuyên bố, ông Erickson, 56 tuổi, đã đóng tiền thế chân tại ngoại và ngày xét xử của ông vẫn chưa được ấn định. Đài CBS cho biết ông đã không nhận tội trước tòa án.
Trong một sự kiện có liên quan, người tình của ông, bà Marina Butina bị các công tố viên cáo buộc là “thành viên của một chiến dịch gây ảnh hưởng bí mật của Nga.” Bà tập trung vào các nhà vận động hành lang về súng và các chính trị gia bảo thủ, bao gồm Giám đốc điều hành Hiệp hội Súng trường Quốc gia Wayne LaPierre và cựu Thượng nghị sĩ Pennsylvania Rick Santorum. Các công tố viên cáo buộc bà Butina xâm nhập vào các nhóm xã hội bằng mối quan hệ tình cảm với ông Erickson.
Vào tháng 12 năm ngoái, bà Butina thừa nhận một tội danh về âm mưu. Trong lời nhận tội, bà thừa nhận đã xâm nhập vào các nhóm chính trị có ảnh hưởng ở Hoa Kỳ, thay mặt cho các viên chức cao cấp của Nga có quan hệ mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đặc biệt là bà nhận tội đã làm việc cùng một Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, được cho là ông Alexander Torshin. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nguoi-tinh-cua-nu-diep-vien-marina-butina-bi-buoc-toi-gian-lan/
Hoa Kỳ hủy visa quan chức
còn Venezuela chặn xe viện trợ Mỹ
Hoa Kỳ nói sẽ hủy visa của quan chức chính quyền Maduro trong lúc có tin đoàn xe cứu trợ của Mỹ bị Venezuela chặn ở biên giới.Đặc sứ cao cấp nhất của tổng thống Donald Trump phụ trách Venezuela, ông Elliott Abrams nói hôm 07/02/2019 rằng Hoa Kỳ sẽ áp đặt lệnh cấm nhập cảnh với các thành viên của Nghị viện Venezuela do ông Nicolas Maduro kiểm soát.
Chính quyền Mỹ cũng sẽ hủy visa đã cấp với các quan chức chính phủ Venezuela “phục vụ cho chính thể độc đoán của Nicolas Maduro”, theo ông Abrams.
Mỹ gửi viện trợ ‘theo yêu cầu của Guaidó’
Tòa Venezuela cấm Juan Guaido ra nước ngoài
Venezuela: Vệ binh quốc gia nổi dậy chống Maduro
Venezuela: Một tháng lương mua được hai quả trứng
Ông Elliott Abrams cũng nói thời điểm để đối thoại với ông Maduro “đã qua đi”.
Quân đội Hoa Kỳ sẵn sàng bảo vệ nhân viên và các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ tại Venezuela trong trường hợp cần thiết, đô đốc Hoa Kỳ phụ trách các lực lượng của Mỹ ở Nam Mỹ được hãng Reuters dẫn lời hôm 07/2/2019 cho biết.
Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ nhân viên và các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ nếu cần thiếtĐô đốc Hải quân Hoa Kỳ Craig Faller
“Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ nhân viên và các cơ sở ngoại giao của Hoa Kỳ nếu cần thiết”, Đô đốc Hải quân Craig Faller, người đứng đầu Bộ Tư lệnh miền Nam Hoa Kỳ, nói trong một phiên điều trần của Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm thứ Năm.
Ông Faller, tuy vậy, không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về cách quân đội Hoa Kỳ có thể phản ứng.
Rơi vào cảnh nghèo đói
Sự suy sụp của Venezuela dưới thời Tổng thống Nicolas Maduro, với đất nước rơi vào cảnh nghèo đói và khiến khoảng 3 triệu người phải trốn ra nước ngoài, đã buộc các quốc gia trên toàn thế giới phải có lập trường, đặc biệt là sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuyên bố mình là tổng thống lâm thời hợp pháp vào tháng trước.
Venezuela: Anh, Pháp, Đức công nhận Juan Guaido
Venezuela của Bolivar và ‘hội chứng chống Mỹ’
Venezuela: Maduro kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm
Phần lớn tướng lĩnh trung thành với Maduro vì sự giàu có mà họ đã tích lũy được từ buôn bán ma túy, doanh thu từ dầu mỏ và kinh doanhĐô đốc Hoa Kỳ Craig Faller
Các quốc gia lớn trong Liên minh châu Âu đã gia nhập cùng với Hoa Kỳ, Canada và một nhóm các quốc gia Mỹ Latinh trong việc công nhận ông Guaido là người lãnh đạo tạm thời hợp pháp của quốc gia Nam Mỹ.
Đô đốc Faller nói Venezuela có khoảng 2.000 tướng lĩnh và phần lớn trong số họ trung thành với Maduro “vì sự giàu có mà họ đã tích lũy được từ buôn bán ma túy, doanh thu từ dầu mỏ và kinh doanh”.
Tuy nhiên, ông nói, các binh sỹ cấp thấp đang chết đói “hệt như nhân dân” Venezuela.
“Chính phủ hợp pháp của Tổng thống Guaido đã đề nghị ân xá, và dành cho giới [lãnh đạo] quân sự mà phần lớn theo chúng tôi nghĩ là sẽ trung thành với Hiến pháp, chứ không phải với một nhà độc tài, một nơi để tới”, Faller nói.
Ông Faller nói thêm rằng giới [lãnh đạo] quân sự Venezuela đã xuống cấp.
Viện trợ đã chờ sẵn
Trong một diễn biến khác có liên quan , những xe tải đầu tiên với viện trợ nhân đạo của Hoa Kỳ cho Venezuela đã đến thành phố biên giới Cúcuta của Colombia.
Venezuela: Maduro nói TT Trump ‘bị lừa’
Venezuela: Vệ binh quốc gia nổi dậy chống Maduro
Venezuela: ‘Lương mua được hai quả trứng’
Các xe chở đồ cứu trợ hiện đang đậu gần cầu Tienditas, nơi vẫn bị quân đội Venezuela chặn lại.
Tổng thống Nicolás Maduro, người có sự hỗ trợ của quân đội, đã từ chối cho phép đoàn cứu trợ vào nước này.
Không kẻ nào vào được, không một tên lính xâm lược nào có thể vào được VenezuelaTổng thống Nicolas Maduro
Ông Juan Guaidó đã cảnh báo rằng nhiều người Venezuela có nguy cơ tử vong nếu không có viện trợ quốc tế.
Ông Guaidó là người đứng đầu Quốc hội Venezuela và nói rằng hiến pháp cho phép ông nắm quyền lực tạm thời khi tổng thống được coi là bất hợp pháp.
Đến nay ông đã nhận được ủng hộ của hơn 40 quốc gia. Ông Maduro vẫn có sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga.
Tin cho hay, hôm thứ Năm, một số xe tải với thực phẩm và thuốc đã đến một trung tâm tiếp nhận ở Cúcuta.
Đoàn cứu trợ được cảnh sát Colombia cùng với xe cộ tháp tùng.
Chặn không cho đi vào
Hiện chưa rõ bằng cách nào viện trợ nhân đạo sẽ được chuyển qua biên giới.
Quân đội Venezuela trước đó đã đặt các container chở hàng và một chiếc xe tải chở dầu qua cầu Tienditas, nối liền Cúcuta và thành phố Ureña ở Venezuela.
Ông Maduro đã từ chối nguồn viện trợ nước ngoài, nói rằng viện trợ này sẽ mở đường cho sự can thiệp của quân đội Hoa Kỳ hất cẳng ông.
Chế độ Maduro phải để viện trợ đến tay những người đang sắp chết đóiNgoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo
Ông Maduro nói:
“Không kẻ nào vào được, không một tên lính xâm lược nào có thể vào được Venezuela”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đang yêu cầu Venezuela mở cây cầu, nói rằng:
“Chế độ Maduro phải để viện trợ đến tay những người đang sắp chết đói.”
Một số nhà lãnh đạo Venezuela cũng đã kêu gọi quân đội cho phép các xe tải viện trợ đi vào nước này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47171199
Lãnh đạo phe đối lập của Venezuela sẽ bổ nhiệm
hội đồng quản trị mới cho công ty dầu mỏ Citgo
Washington, D.C. – Theo tin từ Reuters, vào thứ Tư (6 tháng 2), thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio nói với tờ Wall Street Journal rằng, Tổng thống lâm thời tự xưng của Venezuela, ông Juan Guaido, sẽ bổ nhiệm một hội đồng quản trị mới cho công ty dầu mỏ Citgo trong tuần này.Citgo, nhà máy lọc dầu lớn thứ tám của Hoa Kỳ, và thuộc sở hữu của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela Petroleos de Venezuela SA (PDVSA). Đây tài sản ngoại quốc hàng đầu của Venezuela, nhưng Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với PDVSA như một phần trong nỗ lực của Washington nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phải từ chức.
Vào hôm thứ Tư, phe đối lập ở Venezuela cho biết họ sẽ sử dụng doanh thu do Citgo tích lũy kể từ tháng trước để tài trợ cho những nỗ lực nhằm lật đổ Tổng Thống Maduro.
Thượng nghị sĩ Rubio cho biết, ông Guaido sẽ bổ nhiệm hội đồng quản trị mới cho công ty Citgo, sớm nhất là vào hôm nay hoặc ngày mai, và việc này sẽ được công nhận theo luật của Hoa Kỳ. Ông Rubio nói thêm rằng, Hoa Kỳ cũng sẽ công nhận hội đồng mới là pháp nhân chính thức kiểm soát công ty Citgo.
Trước đó, Washington đã công nhận ông Guaido, một nhà lãnh đạo phe đối lập và người đứng đầu Quốc hội Venezuela, là Tổng thống lâm thời của Venezuela. Các nước khác cũng công nhận điều này. Nhưng Tổng Thống Maduro, người tố cáo Guaido là tay sai của Hoa Kỳ, đang tìm cách thúc đẩy một cuộc đảo chính chống lại ông, hiện đang giữ quyền kiểm soát nhà nước và trông cậy vào sự hỗ trợ từ Nga và Trung Cộng. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/lanh-dao-phe-doi-lap-cua-venezuela-se-bo-nhiem-hoi-dong-quan-tri-moi-cho-cong-ty-dau-mo-citgo/
Hầu hết khách hàng mua dầu của Venezuela
đã dừng hợp đồng năm ngoái
Vào lúc nhiều khách hàng châu Âu của công ty dầu khí PDVSA quốc doanh của Venezuela thôi mua dầu thô trong bối cảnh các lệnh trừng phạt quốc tế ngày càng được siết chặt, các nhà phân tích tại Moscow cho biết tất cả các khách hàng Nga của Venezuela, ngoại trừ Rosneft, đã bắt đầu đình chỉ hoặc thanh lý hợp đồng trong khoảng từ giữa đến cuối năm 2018.Hãng tin “Diario2001Online” đặt ở Venezuela loan tin hồi tuần trước rằng PDVSA đã thông báo rằng một trong những nhà thầu lớn nhất của Nga, Lukoil có trụ sở tại Moscow, đã bất ngờ dừng các hợp đồng của họ tại Venezuela vì sợ phải chịu chế tài của hệ thống tài chính Mỹ do tình hình bất ổn chính trị đang có những diễn biến nhanh chóng.
Chuyên gia kinh tế năng lượng làm việc ở Moscow, ông Mikhail Subbotin, nói với VOA rằng vào tháng 6/2018, một quan chức PDVSA đã thông báo cho 8 khách hàng quốc tế của họ, trong đó có Lukoil, rằng họ sẽ không thể đáp ứng các cam kết về sản lượng.
Ông Subbotin nói thêm là PDVSA đã báo trước riêng với Lukoil rằng việc giao dầu thô đã pha loãng của hãng sẽ thiếu hơn 100 nghìn thùng, điều này báo hiệu là các quan chức của Lukoil có thể đã tính đến chấm dứt hợp đồng ở Venezuela vào đầu mùa hè 2018.
Nhà phân tích quốc phòng độc lập ở Nga, ông Pavel Felgenhauer, cho rằng trừ Rosneft là hãng nhà nước của Nga, đã có một cuộc ra đi ồ ạt của các công ty tư nhân Nga diễn ra trước năm 2019.
“Không chỉ có Lukoil, mà cả các công ty khác của Nga cũng vậy”, ông nói với VOA, và nói thêm rằng Lukoil nói riêng đã đình chỉ hoặc bán hợp đồng cho Rosneft sau khi có dự báo của PDVSA về sản lượng kém được đưa ra hồi tháng 6 năm ngoái.
“Theo như tôi biết, tất cả các công ty đều đã ra đi,” Felgenhauer nói. “Nó đã xảy ra cách đây khá lâu và tôi phải tìm trên mạng xem ngày chính xác là ngày nào, nhưng như tôi nhớ, nó đã xảy ra khá sớm. Chỉ có Rosneft vẫn ở đó. Không có thêm ai khác ngu ngốc đâu”.
PDVSA mang lại gần như toàn bộ thu nhập quốc gia cho Venezuela, và hãng này do quân đội điều hành. Một cuộc điều tra vào tháng 12 của Reuters mô tả rằng hãng hoạt động kém và rất dễ bị sụp đổ nếu phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.
Venezuela phụ thuộc gần như hoàn toàn vào xuất khẩu dầu để có ngoại tệ mạnh, do đó, lệnh trừng phạt mới của Hoa Kỳ đối với công ty dầu mỏ quốc doanh của Venezuela đồng nghĩa là nước này càng khó nhập khẩu hàng hóa, kể cả thực phẩm.
https://www.voatiengviet.com/a/hau-het-khach-hang-mua-dau-cua-venezuela-da-dung-hop-dong-nam-ngoai/4778366.html
Thêm Rumani ủng hộ ông Guaido
làm tổng thống lâm thời Venezuela
Tổng thống Rumani, ông Klaus Iohannis, tuyên bố hôm thứ Sáu, 8/2, rằng nước ông vừa chính thức công nhận lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời hợp pháp của Venezuela. Với động thái này, Rumania đã tham gia một hành động phối hợp của các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu và Hoa Kỳ.Khoảng 20 quốc gia EU, trong đó có Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, đã liên kết với Hoa Kỳ trong việc công nhận vai trò lãnh đạo của ông Guaido, và gây áp lực cho Tổng thống Nicolas Maduro theo đường lối xã hội chủ nghĩa, để kêu gọi một cuộc bầu cử mới.
Tuy nhiên, Ý hôm 4/2 đã ngăn cản việc EU ra tuyên bố chung công nhận ông Guaido là tổng thống lâm thời, các nguồn tin ngoại giao cho biết.
“Quyết định của Tổng thống Rumani được đưa ra sau khi có những phân tích cẩn thận, bao gồm các quan điểm chính trị, ngoại giao và pháp lý, có tính đến thực tế là phần lớn các quốc gia EU và một loạt các đồng minh và đối tác vùng châu Âu-Đại Tây Dương đã công nhận tính hợp pháp của Tổng thống lâm thời Juan Guaido”, Tổng thống Rimani nói trong một tuyên bố.
Rumani hiện đang nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên hiệp châu Âu.
https://www.voatiengviet.com/a/them-rumani-ung-ho-ong-guaido-lam-tong-thong-lam-thoi-venezuela/4778448.html
IMF ‘chờ hướng dẫn’ trong việc
công nhận Guaido là lãnh đạo Venezuela
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện vẫn đang chờ hướng dẫn từ các quốc gia thành viên về việc có nên công nhận lãnh đạo phe đối lập Venezuela, ông Juan Guaido, là người đứng đầu nhà nước hợp pháp hay không, Reuters dẫn lời người phát ngôn IMF Gerry Rice cho biết hôm 7/2.Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Rice nói rằng việc công nhận chính thức là bước đòi hỏi đầu tiên trước khi bất kỳ chương trình tài trợ nào của IMF nhằm hỗ trợ cho Venezuela có thể được đưa ra. Mặc dù ngày càng có nhiều quốc gia công nhận vai trò lãnh đạo của ông Guaido, nhưng ông Rice nói IMF vẫn đang chờ một sự đồng thuận.
“Tôi nghĩ rằng các nước vẫn đang xác định quan điểm của mình về việc công nhận”, Reuters dẫn lời ông Rice nói. “Chúng tôi đang theo dõi sát và sẽ được hướng dẫn bởi các thành viên một khi chúng tôi và họ cảm thấy có một quan điểm được đưa ra mà họ có thể hướng dẫn cho chúng tôi”.
https://www.voatiengviet.com/a/imf-cho-huong-dan-trong-viec-cong-nhan-guaido-la-lanh-dao-venezuela/4777467.html
Đoàn Lữ Hành Trung Mỹ Bị Chận Tại 1 Biên Ải Ở Texas
PIEDRAS NEGRAS - Di dân từ Trung Mỹ tập trung thành “đoàn lữ hành” bị chận bước tiến tại 1 biên ải của Texas toan tính tìm đến 1 phần khác của biên giới để nhập cư và làm thủ tục di trú nhanh chóng hơn.Khoảng 1700 người chuyển hướng từ thị trấn Piedras Negras của Mexico, ngay phía nam cổng biên giới Eagle Pass của Texas để tránh nhiều tháng chờ đợi.
Nhiều người đang chờ chiếu khán nhân đạo do Mexico cấp để tìm việc làm, nhưng cảm thấy sợ băng đảng ma túy Zetas hoạt động trong vùng.
Thomson Reuters tường thuật: di dân Honduras xưng tên Oscar Lopez 33 tuổi đi cùng vợ và 2 con gái nói “Chúng tôi không dừng chân tại đây”.
TT Trump tuyên bố hôm Thứ Ba: 3750 binh sĩ sẽ củng cố an ninh biên giới.
Thẩm quyền di trú ước lượng số hồ sơ tồn đọng là khoảng 800,000, thời gian chờ đợi phải là nhiều tháng.
Chính sách do Bạch Ốc loan báo ngày 20-12 là đưa di dân Trung Mỹ trở lại bên kia biên giới chờ thủ tục.
250 binh sĩ được chuyển từ Arizona qua Texas để tăng kiểm soát tại Eagle Pass, theo thông báo hôm Thứ Tư của Bộ quốc phòng. Tại Tijuana, thành phố sát biên giới San Diego, đoàn lữ hành đầu tiên đang chờ cứu xét.
Liên quan đến tình hình biên giới, một bản tin khác cho biết Thống đốc của tiểu bang New Mexico hạ lệnh rút đa số vệ binh quốc gia tăng cường an ninh biên giới trước khi TT Trump đọc thông điệp về tình trạng liên bang tối 5-2.
Thống đốc Michelle Luian Grisham tuyên bố “Tôi phản bác thông tin về khủng hoảng an ninh quốc gia tại biên giới tại 1 số cộng đồng an toàn nhất nước.
Lệnh của thống đốc Grisham ảnh hưởng vệ binh quốc gia của New Mexico cũng như các đơn vị đến từ Arkansas, Kansas, Kentucky, New Hampshire, South Carolina và Wisconsin đã được đưa tới đây.
Bà Grisham cho biết: số còn lại làm việc nhân đạo tại các cộng đồng có ảnh hưởng của làn sóng vượt biên gồm phụ nữ và trẻ em.
https://vietbao.com/a290574/doan-lu-hanh-trung-my-bi-chan-tai-1-bien-ai-o-texas
Brexit : Bruxelles thảo luận tiếp với Luân Đôn,
nhưng không đàm phán lại
Ủy Ban Châu Âu ngày 07/02/2019 chấp thuận tiếp tục các cuộc thảo luận với chính phủ nước Anh để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng Brexit, nhưng nhấn mạnh sẽ không đàm phán lại.Sau các trao đổi mà thủ tướng Anh đánh giá là « cứng rắn » nhưng « mang tính xây dựng » với các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, bà Theresa May và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Jean-Claude Juncker, hôm qua, đã ra thông cáo chung.
Hai lãnh đạo thống nhất sẽ gặp nhau thêm một lần vào cuối tháng 02/2019. Cuộc gặp giữa trưởng đoàn đàm phán châu Âu Michel Barnier và bộ trưởng bộ Brexit của Anh Quốc, Steve Barclay, dự kiến diễn ra vào thứ Hai 11/02. Tuy nhiên, các chủ đề thảo luận sẽ chỉ liên quan đến quan hệ trong tương lai giữa Liên Âu và Anh Quốc. Theo AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu kiên quyết không đàm phán lại về thỏa thuận Brexit mà theo ông là đã có nhiều nhượng bộ quan trọng với Luân Đôn.
Trong khi thủ tướng Anh vẫn khẳng định sẽ làm mọi việc để Brexit diễn ra đúng thời hạn, ngày 29/03/2019, thì chủ tịch Hội Đồng Châu Âu bình luận ngắn gọn trên Twitter là vẫn chưa có bước đột phá và các cuộc thảo luận sẽ tiếp diễn. Còn một quan chức khác của Liên Hiệp tiết lộ là bà Theresa May không đưa ra được một đề xuất cụ thể nào mới để ra khỏi « ngõ cụt ».
Hai bên sẽ phải tìm ra một giải pháp vừa có được đa số phiếu ủng hộ của Nghị Viện Anh, vừa theo đúng hướng mà 27 nước thành viên còn lại của Liên Âu đã đề ra.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190208-brexit-bruxelles-thao-luan-qt
Hồ sơ rò rỉ tiết lộ
Iran đàn áp các nhà báo trong 30 năm
Paris, Pháp – Hãng tin Reuters trích dẫn một tài liệu bị rò rỉ mà nhóm theo dõi truyền thông Sans Frontieres (RSF) nhận được, tiết lộ rằng chính phủ Iran đã bắt giữ, bỏ tù và xử tử ít nhất 860 nhà báo trong khoảng thời gian giữa các cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979 và 2009.Tại một cuộc họp báo ở Paris với sự tham dự của luật sư nhân quyền Iran Shirin Ebadi, nhóm RSF cho biết những người tố giác đã thông qua 1.7 triệu hồ sơ chi tiết về thủ tục tố tụng tư pháp chống lại một loạt các công dân, bao gồm thành viên đảng thiểu số, đối lập với chính phủ và nhà báo.
Tổng thư ký RSF, ông Kouthe Deloire cho biết, nhóm RSF đã phải mất nhiều tháng để kiểm tra, kiểm chứng các hồ sơ, và xác định rằng hàng trăm nhà báo đã bị nhà nước Iran nhắm đến. Nhóm RSF khẳng định, tập hồ sơ này là danh sách tất cả các vụ bắt giữ, bỏ tù và hành quyết được thực hiện bởi chính quyền Iran ở thủ đô Tehran trong hơn ba thập kỷ. Tuy nhiên, vào tuần trước, chính quyền Iran một lần nữa tuyên bố rằng không có tù nhân chính trị nào bị giam giữ tại nước này.
Ông Deloire cho biết, nhóm RSF sẽ gửi hồ sơ tới ủy viên cao cấp của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, với hy vọng các biện pháp sẽ được thực hiện nhằm yêu cầu Iran chịu trách nhiệm.
Vào tháng trước, Tổ chức Ân xá Quốc tế đưa ra một báo cáo cho rằng, chính quyền Iran từng tiến hành một cuộc đàn áp bất đồng chính kiến trong năm 2018 với hơn 7,000 người bị bắt giữ, trong đó có sinh viên, nhà báo, nhà vận động môi trường và luật sư. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/ho-so-ro-ri-tiet-lo-iran-dan-ap-cac-nha-bao-trong-30-nam/
Paris : Chảy máu bất động sản và xói mòn dân số
Thùy DươngTừ năm 2011 đến năm 2016, trong khi dân số Pháp tăng trung bình gần 300.000 người mỗi năm, thì theo kết quả một nghiên cứu về dân số mà Viện Thống Kê Quốc Gia Pháp INSEE công bố ngày 27/12/2018, riêng tại Paris, dân số lại giảm trung bình 0,5%/năm (gần 12.000 người/năm).
Báo chí Pháp những ngày đầu năm 2019 nói đến tình trạng giảm sút dân số, xói mòn dân cư ở Paris hay người Paris di cư ồ ạt, mặc dù trong 5 năm trước đó (2006-2011), số dân Paris tăng 0,6%/năm.
Không những vậy, Paris còn là thành phố duy nhất ở Ile-de-France (bao gồm Paris và vùng phụ cận) có dân số giảm. Trong tổng số 20 quận nội thành, có tới 18 quận dân số bị giảm và 3 quận giảm nhiều nhất là quận VIII (-11%), quận II (-9.61%) và quận VII (-6.62%), chỉ có hai quận XIII và XIV dân số tăng lần lượt 0.92% và 1.22%. Vậy đâu là lý do khiến dân số Paris giảm liên tục trong 5 năm qua?
Paris và « điệu valse của những chiếc vali »
Lý do chủ yếu, theo giới chuyên gia và chính quyền Paris, là cuộc sống quá đắt đỏ, nhất là giá nhà. Paris là một trong những thành phố có giá bất động sản cao nhất thế giới, và không ngừng tăng trong những năm qua. Vào năm 2006, nhà ở tại Paris có giá trung bình 5.650 euro/m2, con số này vào năm 2018 là 9.500 euro/m2, thậm chí những căn hộ có cửa sổ nhìn ra tháp Eiffeil có thể có giá tới 30.000 euro/m2.
Giá bất động sản cao, « cung vẫn không đủ cầu », quỹ nhà ở tại Paris ngày càng bị thu hẹp. Căn hộ cho thuê cũng ngày càng khan hiếm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là sự phát triển của Airbnb – dịch vụ đặt phòng và căn hộ trực tuyến.
Dân biểu Ian Brossat, trợ lý của thị trưởng Paris Anne Hidalgo, phụ trách vấn đề nhà ở của thành phố hồi tháng 09/2018 giải thích trên đài France Info là Airbnb đã khiến quỹ nhà ở của Paris, nhất là ở các quận trung tâm, sụt giảm nghiêm trọng, ông gọi đó là tình trạng« chảy máu nhà ở » :
« Từ vài năm nay, chúng tôi phải đối đầu vớiviệc sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp này, để lại những hậu quả cụ thể cho người dân Paris. Nói đơn giản là chúng tôi đã mất 20.000 căn hộ trong vòng 5 năm. Trước đây, những căn hộ đó dành cho người dân Paris thuê, nay chúng biến thành những cỗ máy kiếm tiền và chỉ để dành đón du khách. Trong một thành phố có mật độ dân cư dày đặc như Paris và đang có rất nhiều khó khăn về nhà ở, thì chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng chảy máu nhà ở như thế được ».
Paris là điểm đến thu hút khách du lịch hàng đầu thế giới, nên rất dễ hiểu tại sao Airbnb lại phát triển mạnh ở Paris. Trợ lý thị trưởng Paris cho biết tiếp :
« Ban đầu, AirBnb thể hiện là một doanh nghiệp rất dễ chịu, mang lại lợi ích cho cả đôi bên, một mặt là người chủ thi thoảng cho thuê nhà, và mặt khác là giúp du khách khi đến Paris hay một thành phố khác thì thuê được chỗ ở với giá thấp hơn giá thuê phòng ở khách sạn. Đây là một hệ thống có lợi cho cả đôi bên.
Nhưng vấn đề là, chúng tôi ngày càng có nhiều chuyện lo ngại, không phải với những người thi thoảng cho thuê nhà, mà là với những người đã mua các căn hộ, thậm chí là mua cả khu nhà rồi biến chúng thành các khách sạn hoạt động lén lút.
Vì thế, vấn đề của doanh nghiệp này là sự phát triển của nó có hại cho quỹ nhà ở của người dân và tất cả những điều đó để lại nhiều hậu quả, kể cả những hậu quả về hoạt động thương mại, bởi vì các cửa hàng bán thực phẩm, đồ ăn uống được chuyển đổi thành các cửa hiệu quần áo ngay khi khu phố chỉ còn toàn khách du lịch vãng lai, và cuối cùng thì cả cái hồn và bản sắc của một số khu phố đều bị mất đi ».
Ông Olivier Léon, phó giám đốc INSEE vùng Paris khẳng định có tổng cộng 65.000 căn hộ được rao cho thuê trên trang Airbnb từ năm 2015 đến nay. Hiện giờ, 4 quận đầu tiên, cũng là những quận trung tâm Paris có nhiều nhà cho thuê trên Airbnb nhất. Điều đó khiến chính quyền Paris muốn cấm Airbnb hoạt động ở khu vực này.
Dân biểu Ian Brossat giải thích :« Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cấm cho thuê trên Airbnb các căn hộ trọn vẹn tại bốn quận đầu tiên của Paris. Tại sao ? Đó là vì cho thuê căn hộ trên Airbnb là nét đặc thù của các quận này. Hiện nay, ở bốn quận này, 1/4 số căn hộ, chính xác là 26%, không còn là nhà ở cho người dân Paris.
Có những phố hầu như toàn bộ nhà đều được cho thuê trên Airbnb. Hãy đi theo phố Archives, trong khu phố Marais lịch sử, chúng ta sẽ thấy hàng loạt cửa hiệu quần áo, chẳng còn gì giống như cách nay vài năm. Như vậy là bản sắc của cả một khu phố đã biến mất vì trang Airbnb. Chúng tôi không thể để mọi chuyện tiếp tục như thế nữa ».
Trong một phóng sự đài France Info phát ngày 19/01/2019 về khu phố sầm uất Montorgueil, ở quận 2, ông Franck, một người dân sống trong tòa nhà mà đa phần đều được cho du khách thuê, kể lại :
« Gia đình đầu tiên mà chúng tôi bắt đầu nhìn thấy đến đây ở trọ chỉ trong có ba ngày. Rồi sau đó, từ ngày này sang ngày khác, đêm này sang đêm kia, mọi người bắt đầu kéo đến, gây ra những tiếng ồn mà trước kia không hề có, hoặc là tiếng bánh xe vali hành lý kéo trên phố, tiếng những người ở trọ đứng ngoài sân để trò chuyện, hút thuốc, thậm chí họ còn hẹn nhau để tổ chức vui chơi, ăn uống.
Đây cứ như một tuyến phố toàn vali có bánh xe kéo (…) Ở số 199 của con phố, không còn một người dân nào ở nữa. Theo những gì mà chúng tôi xác minh được, 6-7 căn hộ đã biến thành nhà trọ cho khách du lịch. Khu nhà này hiện giờ do người gác cổng sống ở tầng trệt tòa nhà quản lý ».
Một người làm nghề buôn bán ở khu phố Montorgueil tấp nập du khách than phiền với phóng viên đài France Info :« Chúng tôi có cảm giác khu phố ngày càng hoang hóa, không còn dân sinh sống. Doanh thu của chúng tôi giảm nhẹ. Nhiều gia đình đông con, những khách hàng tốt của chúng tôi, đã rời đi ».
Paris hút khách, nhưng khiến người dân rời xa
Theo các chuyên gia INSEE, khi người ta còn trẻ và độc thân, cuộc sống ở Paris « dễ thở » hơn. Rồi khi họ có con, nhất là những gia đình có đông con, thì muốn chuyển đến những thành phố có giá nhà cửa rẻ hơn để có không gian rộng rãi hơn cho con cái chơi đùa, chạy nhảy.
Trả lời báo Le Parisien ngày 05/01/2019, cô Suzanne, một phụ nữ 39 tuổi, có ba con chia sẻ :
« Trước đây, chúng tôi sống ở phố Monmartre, trong một căn hộ rộng 85m2. Chúng tôi rất yêu khu phố. Nhưng khi đứa con thứ ba chào đời, chúng tôi quyết định chuyển đi. Và chúng tôi không hề hối tiếc. Bây giờ, chúng tôi có nhà với một khu vườn ở Saint-Germain-en-Laye (vùng Yvelines). … Mỗi cháu có một phòng riêng. Cuộc sống đã hoàn thay đổi ».
Do số dân giảm, các cặp vợ chồng ở Paris lại sinh ít con hơn ở những vùng miền khác của nước Pháp và tỉ lệ sinh cũng ngày càng giảm. Trong những năm 2000, trung bình hàng năm có 31.940 trẻ em chào đời ở Paris, con số này vào năm 2016 giảm xuống còn 28.384 bé. Chính vì thế, trong hai năm qua, bốn lớp học trong các nhà trẻ thuộc quận 2 đã phải đóng cửa. Nhưng điều này cũng góp phần tạo nên một « vòng luẩn quẩn ».
Cô Camille, người có con nhỏ đang đi nhà trẻ và đang tìm mọi cách đấu tranh để nhà trẻ của các bé tiếp tục hoạt động, nhấn mạnh trên đài France Info :
« Việc đóng cửa các lớp, nhất là các trường, lại càng khiến các gia đình rời đi. Các bậc cha mẹ, vốn đã thấy rằng việc ở lại là rất khó khăn, nay lại thấy con cái họ sẽ phải học trong không gian chật hẹp không có vườn, mỗi lớp có đến 32 bé ba tuổi. Vì thế, họ ra đi. Đây là bức tường thành cuối cùng khiến họ phải bỏ chạy. »
Việc có quá nhiều khách du lịch cũng góp phần khiến chất lượng cuộc sống ở Paris bị ảnh hưởng : tình trạng an ninh, vệ sinh ngày càng trở nên tồi tệ. Những khu đông du khách thì quá ồn ào, trộm cắp nhiều, trong khi đó không khí ngày càng ô nhiễm, thời gian di chuyển bằng tàu xe lâu khiến nhiều người mệt mỏi …
Nhưng những người rời bỏ Paris, họ đi đâu sinh sống ? Nghiên cứu mà Viện Thống Kê INSEE công bố hôm 27/12/2018 không chỉ rõ điều này. Nhưng ông Olivier Léon, phó giám đốc INSEE Paris và vùng phụ cận giải thích với đài France Bleu là nhiều người chuyển tới sống tại các thành phố ở cửa ngõ thủ đô, chẳng hạn thành phố Aubervilliers, vùng ngoại ô Seine-Saint-Denis dân số đã tăng mạnh từ năm 2011 đến nay. Một số người chuyển hẳn đến các vùng xa hơn, nhất là miền tây nam nước Pháp, đặc biệt là Nouvelle-Aquitaine, Occitanie, Bretagne và Pays-de-Loire.
Liệu Paris có thể níu kéo và thu hút được người dân trở lại như trước đây ? Nhiều chuyên gia của INSEE vùng Ile-de-France dự báo dân số Paris sẽ tiếp tục giảm cho đến năm 2025. Tuy nhiên, những người yêu và gắn bó với Paris và cả chính quyền không chỉ lo ngại về vấn đề xói mòn dân số mà còn về nguy cơ bản sắc của Paris sẽ mai một khi người dân cứ dần bỏ Paris mà đi, còn lượng du khách thì ngày càng đông.
http://vi.rfi.fr/phap/20190227-paris-chay-mau-bat-dong-san-va-xoi-mon-dan-so
Đức không muốn gạt tập đoàn Hoa Vi khỏi mạng 5G
Thùy DươngChính phủ Đức không muốn gạt bỏ các thiết bị viễn thông của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi khi triển khai mạng điện thoại di động 5G. Nhật báo kinh tế Handelsblatt của Đức ngày 07/02/2019 dẫn các nguồn tin chính phủ tiết lộ như trên.
Helge Braun, giám đốc văn phòng thủ tướng Angela Merkel, đã thống nhất quan điểm với các bộ trưởng Ngoại Giao, Nội Vụ, Kinh Tế, Tài Chính và Hạ Tầng Cơ Sở của Đức sau cuộc thảo luận hôm thứ Tư 06/02 về cách thức bảo đảm an ninh cho mạng điện thoại 5G của Đức. Cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh tranh luận gay gắt về việc có nên cấm Hoa Vi gia nhập thị trường hay không.
Trước đó một hôm, trong chuyến công du Nhật Bản, thủ tướng Angela Merkel nói là trước khi chính phủ Đức cho phép tập đoàn Trung Quốc triển khai mạng 5G ở Đức, Berlin muốn bảo đảm chắc chắn là Hoa Vi sẽ không chuyển dữ liệu cho chính quyền Bắc Kinh. Theo Reuters, Berlin sẽ tổ chức đấu thầu mạng di động 5G vào nửa cuối tháng 03/2019.
Với doanh thu 93 tỉ đô la trong năm 2017, tập đoàn Hoa Vi của Trung Quốc là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, nhưng lại bị các nước phương Tây, dẫn đầu là Hoa Kỳ, nghi ngờ là công cụ để chính quyền Bắc Kinh sử dụng vào mục đích gián điệp.
Mặc dù phương Tây không có bằng chứng cụ thể và Hoa Vi luôn bác bỏ các cáo buộc nói trên, nhưng Mỹ, Úc và New Zeland vẫn hạn chế Hoa Vi tham gia thị trường 5G tại các nước này. Washington thậm chí còn vận động các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu làm tương tự.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190208-duc-tap-doan-hoa-vi-khoi-mang-5g
Báo chí Ý náo động
bởi quan hệ Roma – Paris căng thẳng
Anh VũNgày 07/02/2019, Pháp bất ngờ triệu hồi đại sứ tại Ý về nước sau một loạt các tuyên bố được Paris đánh giá là « quá khích » của các quan chức chính phủ Ý.
Quan hệ ngoại giao hai nước căng thẳng làm xáo động dư luận tại nước láng giềng. Báo chí Ý ra hôm nay đồng thanh nói về một cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Roma-Paris.
Thông tín viên Eric Sénanque tại Roma điểm lại dư luận báo chí tại Ý :
Nhật báo La Republica tóm tắt bằng tựa lớn Đoạn tuyệt hoàn toàn, trên bức ảnh tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị quây xung quanh là các ông Luigi Di Maio, lãnh đạo phong trào 5 sao và Matteo Salvini, bộ trưởng Nội Vụ Ý trong điệu bộ thượng cẳng tay như muốn đánh nhau.
Nhật báo trung tả nhắc lại lời kêu gọi trách nhiệm của tổng thống Sergio Matarella. Ông tỏ ra rất lo ngại xảy ra khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước. Còn Il Foglio, nhật báo của Milano có xu hướng chống chính phủ hiện nay thì chọn ngôn từ văn vẻ : Macron cắt đứt quan hệ ngoại giao với đất nước từ 6 tháng nay là một đất nước chết tiệt…
Nhưng báo chí Ý cũng tỏ không kém gay gắt với tổng thống Pháp. Báo Il Fatto Quottidiano, tờ báo có giọng điệu dân túy, giật tít : Macron chống Ý, nhưng ông quên mất những lời chửi rủa ông.
La Verita, một tờ báo thiên hữu lý giải rằng nguyên thủ Pháp phải tìm kẻ thù từ bên ngoài để đỡ đòn. Báo này chạy tựa: Macron trong tuyệt vọng tuyên chiến với Ý. Nhật báo của các giám mục Ý, tờ Avvenire thì rút tít nhiều ẩn ý: Gần như là bạn.
Cuối cùng là báo Corriere Della Sera , trên trang mạng tỏ lo ngại cho ngoại giao Ý đang bị ngập chìm. Nhật báo lớn nhất của Ý viết, bộ Ngoại Giao đã bất lực không ngăn được một cuộc khủng hoảng mang hơi hướng vụ lợi tuyển cử.
http://vi.rfi.fr/phap/20190208-bao-chi-y-quan-he-roma-paris-cang-thang
Tổng thống Vladimir Putin sẽ không đủ khả năng
để chạy đua vũ khí nguyên tử với Hoa Kỳ
Moscow, Nga – Theo tin từ Reuters, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không đủ khả năng để bị cuốn vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tốn kém với Hoa Kỳ vì xếp hạng tín nhiệm của ông bị tụt dốc, và sự cần thiết duy trì các ngân quỹ nhà nước để chống lại các lệnh trừng phạt của phương Tây, cũng như nâng cao mức sống của người dân. Một cuộc thăm dò trong tháng này cho thấy, số người Nga tin rằng đất nước của họ đang đi sai hướng đạt mức cao nhất kể từ năm 2006.Sau khi cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), phía Washington cho biết, trong tháng này họ đã đình chỉ các trách nhiệm của họ theo Hiệp ước INF, và bắt đầu quá trình rút khỏi hiệp ước này để phát triển hỏa tiễn mới. Điều này làm tăng khả năng diễn ra một cuộc chạy đua vũ khí mới giữa Washington và Moscow.
Ông Putin cho biết, Nga sẽ phản ảnh các hành động của Hoa Kỳ, bằng cách đình chỉ các trách nhiệm của chính họ, và từ bỏ hiệp ước. Tuy nhiên, ông Putin tuyên bố, Moscow sẽ không phát triển hỏa tiễn mới ở châu Âu hoặc các nơi khác, trừ khi Washington làm như vậy trước tiên. Ông nhấn mạnh với Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu rằng không được và sẽ không để Nga bị lôi kéo vào một cuộc chạy đua vũ khí đắt giá.
Ông Sergei Dubinin, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, cho biết Hoa Kỳ đang cố gắng lặp lại chiến lược mà họ sử dụng thành công trong Chiến tranh Lạnh, khi đẩy Moscow vào một cuộc chạy đua vũ khí mà Nga không đủ khả năng chi trả.
Ông Igor Nikolaev, giám đốc kiểm toán của Viện phân tích chiến lược FBK, cho biết ông Putin có thể phải lấy tiền từ các phần khác của ngân sách để tài trợ cho một cuộc chạy đua vũ khí mới, điều này sẽ buộc ông phải thu hẹp kế hoạch chi tiêu xã hội, hoặc lấy quỹ tài sản quốc gia để tăng ngân sách. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/tong-thong-vladimir-putin-se-khong-du-kha-nang-de-chay-dua-vu-khi-nguyen-tu-voi-hoa-ky/
Nga sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ
về hiệp ước hạt nhân mới
Moscow, Nga – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (7 tháng 2), Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov cho biết quốc gia này sẽ sẵn sàng xem xét các đề nghị mới từ phía Hoa Kỳ nhằm thay thế bản hiệp ước hạt nhân vốn bị trì hoãn từ thời Chiến tranh Lạnh. Theo đó, bản hiệp ước cũ sẽ được thay thế bằng một hiệp ước có quy mô rộng lớn hơn, với nhiều quốc gia hơn.Sau khi cáo buộc Nga vi phạm bản Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Washington tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước này trong vòng 6 tháng, trừ khi Nga chấm dứt những hành động vi phạm này. Đáp lại, Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc và đình chỉ bản hiệp ước trên vào cuối tuần qua.
Bản hiệp ước được ký kết vào năm 1987 nhằm loại bỏ kho vũ khí hỏa tiễn tầm trung của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất trên thế giới, nhưng cho phép các quốc gia khác tự do sản xuất và khai triển chúng.
Vào tuần trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết Tổng thống muốn tổ chức các cuộc đàm phán nhằm xây dựng một bản hiệp ước kiểm soát vũ khí mới. Khi đó tại một cuộc họp báo ở Moscow, ông Ryabkov cho biết Nga mong muốn đề nghị trên của Hoa Kỳ được thực hiện cụ thể và đưa lên giấy tờ hoặc bằng một cách nào đó, thay vì chỉ là lời nói suông. Đồng thời ông cũng nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ đã không gửi cho Moscow bất kỳ đề nghị cụ thể nào cho bản hiệp ước mới. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/nga-san-sang-dam-phan-voi-hoa-ky-ve-hiep-uoc-hat-nhan-moi/
Iran: ‘Mỹ chết đi!’ nhắm vào ông Trump,
không phải dân Mỹ
Người Iran sẽ hô vang khẩu hiệu “Mỹ chết đi!” cho đến chừng nào Washington vẫn còn tiếp tục các chính sách thù địch, nhưng khẩu hiệu này nhắm vào Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo Hoa Kỳ, chứ không phải người dân Mỹ, Reuters dẫn lời lãnh đạo tối cao của Iran nói hôm 8/2.“Chừng nào Mỹ còn tiếp tục tâm địa độc ác, Iran sẽ không từ bỏ khẩu hiệu ‘Mỹ chết đi!’”, lãnh đạo Ayatollah Ali Khamenei phát biểu tại một cuộc mít tinh của lực lượng Không quân Iran nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Hồi giáo Iran, Reuters dẫn trang web chính thức của nhà lãnh đạo Iran cho biết.
Năm ngoái, Tổng thống Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ và các cường quốc thế giới ký với Iran năm 2015, và áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran, giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của nước này.
“‘Cái chết cho nước Mỹ’ có nghĩa là cái chết cho Trump, (Cố vấn an ninh quốc gia) John Bolton, và (Ngoại trưởng Mike) Pompeo. Nó có nghĩa là cái chết cho những người cai trị nước Mỹ”, lãnh đạo Iran giải thích.
Các nước châu Âu ký kết thỏa thuận hạt nhân đã cố gắng cứu vãn hiệp định này, nhưng ông Khamenei nói rằng không thể tin tưởng họ được.
“Tôi khuyên người ta không nên tin người châu Âu cũng như người Mỹ”, ông Khamenei nói. “Chúng tôi không nói chớ liên hệ với họ, nhưng đây là vấn đề về niềm tin”.
Liên minh châu Âu đã mạnh mẽ chỉ trích chương trình tên lửa đạn đạo của Iran trong lúc vẫn đang cam kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-my-chet-di-nha-vao-ong-trump-khong-phai-dan-my/4778424.html
Iran khoe cơ sở phi đạn dưới lòng đất
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran khai trương phi đạn đạn đạo địa đối địa với tầm bắn 1 ngàn cây số, thông tấn xã Fars loan tin ngày 7/2, phớt lờ yêu cầu của phương Tây muốn Tehran đình chỉ chương trình phi đạn.Fars đăng hình ảnh một cơ sở phi đạn dưới lòng đất gọi là “thành phố ngầm”, nói rằng phi đạn “Dezful” là phiên bản của phi đạn Zolfaghar có tầm bắn 700 km và một đầu đạn nặng 450 kg.
Iran khoe các phi đạn của họ có tầm bắn tới 2 ngàn cây số, nghĩa là Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực đều nằm trong tầm ngắm.
Liên hiệp Châu Âu dù vẫn giữ cam kết với thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 nhưng ngày càng gia tăng chỉ trích chương trình phi đạn đạn đạo của Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút Washington ra khỏi thỏa thuận này từ năm ngoái và tái ban hành các chế tài đối với Iran trong khi EU đang tìm cách giữ gìn thỏa thuận 2015.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-khoe-co-so-phi-dan-duoi-long-dat-/4777558.html
Phi công Đài Loan đình công ngay dịp Tết,
gây hỗn loạn sân bay
Các phi công của hãng hàng không Đài Loan China Airlines đã đình công vào ngày 8/2 giữa thời điểm khách đi du lịch đông đúc vào dịp Tết Nguyên đán, dẫn đến ít nhất 18 chuyến bay buộc phải hủy bỏ trong những ngày tới và hàng ngàn hành khách bị kẹt lại, theo Reuters.Hàng trăm trong số 1.300 phi công của hãng hàng không nhà nước được cho là đã tham gia đình công phản đối thời gian làm việc dài trên các chuyến bay dài và các biện pháp cải cải quản lý để giảm chi phí.
“Chúng tôi chọn ngày này để đình công vì chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Kể từ khi chúng tôi tuyên bố vào ngày 1 tháng 2 rằng chúng tôi sẽ đình công, chúng tôi đã mong đợi một phản ứng tích cực”, Reuters dẫn lời lãnh đạo công đoàn Chen Pei-pei nói với các phóng viên.
Công đoàn đang kêu gọi phải có một phi công dự phòng bổ sung vào các chuyến bay kéo dài từ 8 giờ trở lên, một hệ thống khuyến mãi minh bạch hơn, tiền thưởng cuối năm và các khoản nhượng bộ khác.
Hãng hàng không cho biết họ sẵn sàng tiếp tục đàm phán nhưng các yêu cầu của công đoàn trong các cuộc đàm phán khác với những gì họ đưa ra trước công chúng, theo hãng Thông tấn chính thức của Đài Loan.
Hãng hàng không cho biết trên trang web rằng 18 chuyến bay đã bị hủy, bao gồm cả những chuyến bay đến Hồng Kông, Bangkok, Los Angeles, Manila và Tokyo. Thông tin trước đó cho biết 26 chuyến bay dự kiến sẽ bị hủy và số chuyến bay bị hủy dự kiến sẽ tăng lên nếu cuộc đình công kéo dài.
“Chúng tôi thật sự xin lỗi tất cả các khách hàng vì bất kỳ sự bất tiện nào từ cuộc đình công của phi công”, hãng hàng không CAL viết trên trang Facebook. “Hầu hết các đồng nghiệp tại China Airlines vẫn ở nguyên vị trí của họ và cung cấp dịch vụ bay tốt nhất”.
Cuộc đình công đã dẫn đến cảnh hỗn loạn tại ba sân bay chính của Đài Loan khi các hành khách giận dữ yêu cầu phải có câu trả lời.
Tết Nguyên đán là khoảng thời gian du lịch bận rộn nhất ở Đài Loan, với hàng ngàn người bay về hòn đảo hoặc đi nước ngoài. CNA cho biết một cuộc đình công trong một ngày của các tiếp viên hàng không của hãng hàng không này vào năm 2016 đã buộc 76 chuyến bay phải bị hủy bỏ.
Được thành lập vào năm 1959, China Airlines là một trong hai hãng hàng không lớn nhất hòn đảo với đội bay gồm 88 chiếc máy bay.
https://www.voatiengviet.com/a/phi-cong-dai-loan-dinh-cong-ngay-dip-tet-gay-hon-loan-san-bay/4778479.html
Diên Hy Công Lược: Vì sao TQ quay lưng lại
với phim cổ trang ăn khách nhất?
By Andreas IllmerBBC NewsTừng là một trong những phim ăn khách nhất năm 2018 – nhưng mới đây Diên Hy Công Lược bị ngừng chiếu trên truyền hình khắp cả nước Trung Quốc.
Diên Hy Công Lược, bộ phim cổ trang về cuộc sống trong hoàng cung, đã phá kỷ lục khi được trình chiếu năm ngoái.
Phim được stream hơn 15 tỷ lượt trên mạng iQiyi, hay Netflix của Trung Quốc, và trở thành một trong những phim được xem nhiều nhất trên mạng trong 39 ngày liền.
Nhưng tất cả đã thay đổi vào cuối tháng Một khi một bài báo trên truyền thông nhà nước chỉ trích “ảnh hưởng tiêu cực” của các bộ phim về hoàng cung. Và không lâu sau, phim Diên Hy Công Lược đã bị dừng chiếu.
Diên Hy Công Lược ‘được tìm nhiều nhất trên Google’
Diên Hy Công Lược và ‘sức mạnh mềm TQ’
Trung Quốc tẩy chay phim Hàn vì tên lửa
“Ảnh hưởng xấu đến xã hội Trung Quốc”
Tất cả bắt đầu khi tạp chí Theory Weekly đăng bài chỉ trích các phim cổ trang nói chung và đặc biệt là Diên Hy Công Lược nói riêng.
Bài báo liệt kê một số “ảnh hưởng tiêu cực” lên xã hội Trung Quốc của những bộ phim này, chẳng hạn cổ súy lối sống xa xỉ và hưởng lạc, khuyến khích sự ngưỡng mộ đối với cuộc sống hoàng cung, ca ngợi các hoàng đế ngày xưa, những người phủ bóng các vị anh hùng ngày nay.
Ngay sau khi bài báo được đăng, các phim Diên Hy Công Lược và Hậu cung Như Ý Truyện bị ngưng chiếu trên các kênh truyền hình nhà nước.
Tuy nhiên, hai phim này vẫn có thể được xem trên iQiyi, nơi phim Diên Hy Công Lược được trình chiếu.
Các kịch bản lịch sử khác nhau
“Đây không phải là lần đầu tiên chuyện này xảy ra,” Giáo sư Stanley Rosen, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Nam California, nói với BBC.
“Nhưng tôi cho rằng việc kiểm duyệt đang ngày một chặt hơn.
“Phim Diên Hy Công Lược được coi là cổ súy những giá trị sai trái, chủ nghĩa thương mại và chủ nghĩa tiêu dùng; chứ không phải là các giá trị XHCN cốt lõi mà Bắc Kinh muốn quảng bá.”
“Đối với những người phụ trách sản xuất, họ thường phải cài cắm các giá trị giáo dục hay cổ vũ một vài giá trị văn hóa Trung Quốc hay một câu chuyện lịch sử có ý nghĩa nào đó,” bà Manya Koetse, tổng biên tập trang What’s on Weibo, một website theo dõi mạng xã hội Trung Quốc, cho biết.
Phim TQ nhưng người Việt xem trước 10 tập
TQ cấm phim Christopher Robin: Winnie the Pooh
GS Zhu Ying của Học viện Điện Ảnh thuộc Đại học Baptist University của Hong Kong nói với BBC. “Những người kiểm duyệt thường nhắm mắt làm ngơ đối với các chương trình giải trí có tính chất phù phiếm.
“Nhưng họ chỉ làm ngơ cho tới khi chúng được rất nhiều người hâm mộ và đe dọa các giá trị xã hội về đạo đức và tư tưởng. Diên Hy Công Lược là một ví dụ điển hình của một chương trình kiểu đó. “
Không ngạc nhiên, bài báo chỉ trích Diên Hy Công Lược của the Theory Weekly trở thành chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng, với nhiều bình luận lên án bài báo.
Một bài viết của trang tin Phoenix được chia sẻ hơn 10.000 lượt và có hơn 32.000 bình luận. Hầu hết các bình luận này đã bị chặn và cả phần bình luận bị tắt.
“Việc phần bình luận hầu hết bị chặn/tắt nói lên rất nhiều điều,” bà Koetse cho biết.
Quá thành công ở nước ngoài?
Một vấn đề khác có thể là do phim Diên Hy Công Lược đã thu hút được rất nhiều khán giả quốc tế.
“Có thể là bộ phim đã quá ăn khách bên ngoài Trung Quốc,” ông Rosen nhận xét. “Đó là mâu thuẫn giữa việc muốn thành công ở nước ngoài nhưng cũng muốn kiểm soát thông điệp”.
Bắc Kinh muốn văn hóa Trung Quốc được cổ vũ ở nước ngoài nhưng chỉ thể hiện những giá trị mà nhà cầm quyền muốn thể hiện.
Vì đây là một bộ phim ăn khách ở nước ngoài nhưng lại đưa ra những giá trị không đúng, chính quyền Trung Quốc có thể cho rằng thà không có nó còn hơn.
Bắc Kinh luôn muốn kiểm soát câu chuyện về quá khứ và hiện tại ở Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình cổ vũ ý tưởng rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là hòa bình, và Trung Quốc tin vào sự hòa hợp.
Diên Hy Công Lược lại vẽ nên hình ảnh nước Trung Quốc đầy mưu mô và các chiêu trò đâm đằng sau lưng.
“Phim này đi ngược lại với thông điệp mà Trung Quốc muốn đưa ra [thế giới] ,” ông Rosen bình luận.
Tự kiểm duyệt
Vì phim Diên Hy Công Lược vẫn được chiếu trên mạng, Bắc Kinh khó có thể sửa chữa được những gì họ cho là sai lầm mà bộ phim cổ trang nhiều tập này đã gây ra.
Nhưng việc chỉ trích bộ phim công khai gửi tín hiệu cho các chương trình trong tương lai.
Thường thì, chỉ cần một người trong giới lãnh đạo xem phim, không thích bộ phim và liên hệ với cục tuyên truyền để thu xếp việc viết bài chỉ trích.
Sau khi bài báo được đăng, ai cũng tự hiểu là bài báo đã có sự ủng hộ từ cấp cao; sau đó các kênh TV sẽ nhanh chóng tự kiểm duyệt và ngưng chiếu bộ phim không còn được sủng ái.
“Các phim dã sử được ưa thích ở Trung Quốc từ những năm 1990,” bà Koetse nói. “Và một trong những lý do là vì các nhân viên kiểm duyệt thường áp dụng tiêu chuẩn khác cho phim lịch sử so với các phim đương đại.”
“Nhưng nếu bộ phim quá tập trung vào âm mưu, tranh giành quyền lực và xung đột, thì tôi có thể tưởng tượng được rằng đây không phải là thông điệp về lịch sử Trung Quốc mà họ muốn thấy.”
Tranh giành quyền lực mềm
Trung Quốc thường tự gây cản trở cho mình khi muốn tăng cường quyền lực mềm.
Lấy ví dụ các phim Trung Quốc đề cử cho thể loại phim nước ngoài của giải Oscars.
Có rất nhiều phim hay trong những năm qua nhưng không được chọn chỉ vì chúng kể câu chuyện mà Bắc Kinh cho rằng phản ánh một cách tiêu cực về Trung Quốc.
Bộ phim Thiên thần Mặc áo Trắng năm 2017 nói về tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em, hay phim Chết để Tồn tại năm 2018 kể câu chuyện bệnh nhân ung thư nhập thuốc trái phép từ Ấn Độ.
Cả hai phim này đều thành công ở Trung Quốc, và được quốc tế ca ngợi – nhưng chúng không phản ánh phiên bản nước Trung Quốc mà Bắc Kinh muốn thế giới biết.
“Nếu họ chấp nhận chỉ trích nhiều hơn một chút, họ có thể thành công hơn về quyền lực mềm,” ông Rosen kết luận.
“Nhưng họ lo ngại rằng một khi đã mở cửa, họ không thể tiếp tục kiểm soát được nữa.”
https://www.bbc.com/vietnamese/culture-social-47173631
Huawei: Giải quyết các vấn đề bảo mật
có thể mất năm năm
Huawei sẽ phải mất ba đến năm năm để giải quyết các vấn đề bảo mật do chính phủ Anh nêu ra, công ty cho biết.Công ty Trung Quốc, đã quyết định dành 2 tỷ đôla cho quá trình này, nêu rõ lịch trình trong một lá thư gửi cho các nghị sĩ.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, phải đối mặt với cáo buộc rằng thiết bị của họ có thể gây ra rủi ro bảo mật, điều mà họ phủ nhận.
Năm ngoái, một báo cáo của chính phủ Anh đã nhấn mạnh một số điểm quan ngại.
Bức thư đã được gửi vào tuần trước cho các nghị sĩ thuộc Ủy ban Khoa học và Công nghệ, nhưng mới được công bố vào thứ Tư vừa qua. Trong đó, Ryan Ding, người điều hành mảng kinh doanh phân phối mạng của Huawei cho biết quá trình điều chỉnh các quy trình kỹ thuật và phần mềm để đáp ứng các yêu cầu của Anh “giống như thay thế các bộ phận trên tàu cao tốc đang chạy”.
Tại sao Mỹ phải mất hơn 1 thập kỷ mới truy tố Huawei?
Tại sao công ty Huawei gặp quá nhiều rắc rối?
Nhà sáng lập Huawei phủ nhận rò rỉ tin cho TQ
Một số chính phủ, bao gồm cả Pháp và Đức, cũng đang xem xét liệu có cho phép sử dụng thiết bị Huawei trong các cơ sở hạ tầng nhạy cảm hay không. Úc và New Zealand đã theo sau Hoa Kỳ trong việc cấm sử dụng các sản phẩm Huawei trong mạng di động 5G của họ.
Những lo ngại của các nước phương Tây đối với Huawei xuất phát một phần từ Luật Tình báo Quốc gia 2017 của Trung Quốc. Luật này nói rằng các tổ chức Trung Quốc có nghĩa vụ “hỗ trợ, hợp tác và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia”. Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng thiết bị do Trung Quốc sản xuất có thể gây ra rủi ro bảo mật nếu được sử dụng trong việc xây dựng mạng 5G mới.
Ông Ding nói trong thư tuần trước rằng công ty “chưa bao giờ và sẽ không bao giờ” sử dụng thiết bị của mình để hỗ trợ các hoạt động gián điệp.
“Huawei là một công ty được theo dõi chặt chẽ”, ông nói. “Nếu Huawei tham gia vào các hành vi độc hại, nó sẽ bị chú ý – và chắc chắn điều đó sẽ hủy hoại hoạt động kinh doanh của chúng tôi.”
Chính quyền Anh không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về các hoạt động gián điệp sử dụng thiết bị của Huawei.
‘Tiến độ chậm’
Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội Huawei âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và đánh cắp công nghệ robot từ T-Mobile.
Vào tháng 12, giám đốc tài chính của Huawei, Mạnh Vãn Chu đã bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Hoa Kỳ.
Báo cáo của chính phủ Anh năm ngoái thực hiện bởi Trung tâm đánh giá Huawei về Vấn đề An ninh mạng (HCSEC), được thành lập vào năm 2010 để đáp lại những lo ngại rằng việc British Telecom và một số hãng khác sử dụng thiết bị của Huawei có thể gây ra mối đe dọa an ninh.
Trung tâm nay được giám sát bởi các quan chức an ninh Vương quốc Anh, và cả những người từ cơ quan gián điệp GCHQ.
Báo cáo nêu ra sự thất vọng với ‘tiến độ chậm’ trong việc khắc phục những thiếu sót đã được chỉ ra trước đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47154337
Chứng khoán Châu Á giảm
khi TT Trump nói chưa có kế hoạch gặp ông Tập
Chứng khoán châu Á sụt giảm ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết không có kế hoạch gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước khi thỏa thuận tạm dừng áp thuế quan mới kết thúc vào đầu tháng 3/2019.Mạng tin tài chính Bloomberg dẫn lời một quan chức cấp cao Mỹ cho biết, quyết định không tiến hành cuộc họp Trump – Tập trước hạn 90 ngày kết thúc không nên được xem là một dấu hiệu phá vỡ các cuộc đàm phán, bởi quá trình đàm phán vẫn đang tiếp diễn.
Cũng theo quan chức này, hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung hoàn toàn cũng có thể điện đàm thay vì gặp mặt trực tiếp.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dự kiến sẽ dẫn đầu một nhóm quan chức Hoa Kỳ tới Bắc Kinh vào tuần tới trong tiến trình đàm phán thương mại giữa đôi bên.
Thị trường chứng khoán Tokyo đứng đầu tình trạng sụt giảm. Chứng khoán Hongkong vừa hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài ba ngày, cũng chìm trong màu đỏ.
Các nhà phân tích cho rằng ông Trump gặp ông Tập trước ngày 1/3 sẽ tốt hơn cho các thỏa thuận thương mại, nhưng ông Trump lại có lịch gặp lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un vào cuối tháng này tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/internationalnews/asian-stocks-fall-after-trump-says-no-plans-for-xi-meeting-02082019073857.html
Bầu cử Thái Lan:
Công chúa Ubolratana ứng cử Thủ tướng
Đảng Raksa Chart của Thái vừa đẩy cuộc bầu cử của nước này vào tình trạng hỗn loạn sáng thứ Sáu khi họ đề cử Công chúa Ubolratana làm ứng cử viên thủ tướng.Theo truyền thống, hoàng gia Thái Lan đứng ngoài chính trị, vì vậy đây là một động thái chưa từng có.
Cuộc bầu cử của Thái Lan dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24 tháng 3.
Công chúa Ubolratana Rajakanya, 67 tuổi, là chị cả của Vua Maha Vajiralongkorn đồng ý và đã ghi danh ứng cử cho đảng Raksa Chart (Thai Save The Nation) của Thái Lan.
“Đảng đồng ý rằng Công chúa Ubolratana Rajakanya, một người có học thức và kỹ năng, là chọn lựa phù hợp nhất [cho thủ tướng],” Preechapol Pongpanich, lãnh đạo đảng Raksa Chart tuyên bố, theo tin AFP.
Diễn biến này đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của các ứng cử viên chính trị khác, trong bối cảnh suy đoán rằng không ai sẽ đối đầu với một thành viên của hoàng gia.
Thủ tướng đương nhiệm của Thái, Prayuth Chan-ocha, hôm thứ Sáu cũng tuyên bố rằng ông sẽ tái tranh cử.
Việc Công chúa ra tranh cử là một đòn giáng mạnh vào ông Prayuth Chan-ocha và Đảng Palang Pracharath (PPRP) trong nỗ lực tiếp tục nắm quyền lực của họ qua cuộc bầu cử ngày 24 tháng 3.
Bỏ qua {socialnetworki} tin bởi @pakhead
Thật ra thì dù vẫn được gọi là “công chúa” chị cả Vua Maha Vajiralongkorn không còn tước vị này, dù vẫn được tham gia đầy đủ các nghi thức hoàng gia.
Công chúa Ubolratana là ai?
Sinh năm 1951, công chúa Ubolratana Rajakanya Sirivadhana Barnavadi là con lớn nhất của Vua Bhumibol Adulyadej.
Sau khi kết hôn với một người Mỹ năm 1972, bà từ bỏ tước vị và qua Hoa Kỳ sinh sống. Sau khi ly dị, bà trở lại Thái Lan và tiếp tục cuộc sống của một thành viên trong hoàng gia.
Công chúa Ubolratana sinh hoạt tích cực trên các trang mạng xã hội và từng diễn xuất trong vài cuốn phim của Thái.
Bà có ba người con, một đã qua đời năm 2004, hai người khác đang sống ở Mỹ.
Tin công chúa Ubolratana Rajakanya ra ứng cử hoàn toàn áp đảo tin PPRP chính thức ghi danh Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm ứng cử viên thủ tướng.
Đảng Raksa Chart xuất thân từ Đảng Pheu, và cả hai đảng đều thân với của hai cựu thủ tướng lưu vong Thaksin và Yingluck Shinawatra.
Người ta thường thấy công chúa Ubolratana Rajakanya xuất hiện cùng với anh em nhà Shinawatra nơi công cộng, lần cuối là tại giải đấu World Cup gần đây nhất ở Nga.
Tại sao cuộc bầu cử này quan trọng?
Quân đội Thái Lan có lịch sử can thiệp vào chính trị và đã nắm giữ quyền lực 12 lần kể từ khi kết thúc chế độ quân chủ tuyệt đối – và hiến pháp đầu tiên của Thái giới thiệu – vào năm 1932.
Cuộc bỏ phiếu tháng ba sẽ là lần bầu cử đầu tiên kể từ khi ông Prayuth lật đổ chính phủ dân chủ và lật đổ cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của Thaksin Shinawatra.
Cả ông Shinawatra lẫn em gái hiện đang tự sống đời lưu vong.
Năm 2016, người Thái bỏ phiếu phê chuẩn một hiến pháp mới do các nhà lãnh đạo quân sự của nước này tạo ra, được thiết kế để duy trì ảnh hưởng quân sự và ngăn chặn các đồng minh của ông Thaksin giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử khác.
Nhưng theo phóng viên Jonathan Head của BBC, chiến lược đó giờ đây “tả tơi” khi Công chúa Ubolratana đưa tên tuổi của mình ra trước dân chúng.
Giới phân tích nói gì?
Theo The Guardian, ông Thitinan Pongsudhirak, giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Chulalongkorn cho biết, diễn biến này là một phát triển sâu sắc và chưa từng có. Qua việc ra ứng cử, công chúa Ubolratana đã đẩy đảng Raksa Chart nhỏ bé lên hàng ghế đầu của chính trị Thái. Bản thân bà cũng đang được xem là ứng cử viên hàng đầu.
Không rõ là vào thời điểm này, Thitinan nhận định, liệu công chúa Ubolratana sẽ tạo ra nhiều chia rẽ hơn trong chính trị Thái Lan, hay ngược lại.
Ông nói, như một người ngoài cuộc công chúa có thể giúp ngăn chặn sự chia rẽ trong chính trị Thái Lan, nhưng cũng có nguy cơ tạo ra phân cực hơn nữa giữa một bên là hoàng gia và một bên là quân đội.
Trong khi đó, vẫn theo The Guardian, ông Paul Chambers, giảng viên đại học nghiên cứu cộng đồng Asean tại Đại học Naresuan của Thái Lan, nói rằng mặc dù trên nguyên tắc bà Ubolratana Rajakanya không chính thức còn tước vị công chúa, vì thế không rơi vào Luật khi quân ‘lèse-majesté’ của Thái Lan cấm dân không được chỉ trích hoàng gia, nhưng bà vẫn là một thành viên của hoàng tộc.
Với Thủ tướng đương nhiệm Prayuth Chan-ocha cuộc tranh cử sẽ đầy thách thức vì việc tấn công chính sách của đối thủ hàng đầu Ubolratana sẽ vô cùng khó khăn. Thử hỏi ở Thái ai là người dám khởi động một chiến dịch chống chị ruột của vua?
Bà chắc chắn là một đe dọa nhất định cho Prayuth, bởi vì đối với người Thái ‘công chúa’ nắm giữ nhiều tính hợp pháp hơn một nhà lãnh đạo đảo chính.
0 comments