Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 22/02/2019

Friday, February 22, 2019 5:39:00 PM // ,

Đọc báo Pháp – 22/02/2019

Venezuela : Hậu trường thăng tiến của Juan Guaido

Cuộc đọ sức giữa ông Juan Guaido và tổng thống Nicolas Maduro có thể lên tới cực điểm trong ngày 23/02/2019 khi tới hạn « tối hậu thư » cho hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela do lãnh đạo đối lập tuyên bố. Nhật báo Le Monde (ngày 22/02) trở lại với nhân vật trung tâm của sự kiện, tổng thống lâm thời tự phong Juan Guaido, qua bài ký sự dài « Hậu trường thăng tiến của Juan Guaido ».
Thông tín viên của Le Monde đã ghi nhận từ Caracas đến Washington, các nước châu Mỹ Latinh qua châu Âu để cho thấy hành trình nổi lên thành một lãnh tụ đối lập rồi tuyên bố làm tổng thống lâm thời của ông Juan Guaido, một người trước đó gần như là vô danh, không hề ngẫu nhiên tự phát mà có sự chuẩn bị, phối hợp nhịp nhàng với bên ngoài.
Bài viết nhắc lại sự kiện cách đây một tháng, ngày 23/01/2019, trước hàng ngàn người biểu tình tại trung tâm thủ đô Caracas, một dân biểu trẻ là chủ tịch Quốc Hội, đã bị tổng thống Nicolas Maduro giải tán, ông Juan Guaido bất ngờ tuyên bố tự phong làm tổng thống lâm thời trước tràng vỗ tay như sấm dậy của những người biểu tình. Chỉ khoảng chục phút sau đó, tại Washington, tổng thống Mỹ Donald Trump trong một thông cáo và trên Twitter đã thông báo công nhận vị tổng thống lâm thời này của Venezuela.
Le Monde nhận định : « Tuyên bố của tổng thống Mỹ có hiệu ứng như một quả bom… cho thấy một hành động có phối hợp chưa từng có ». Chỉ vài phút sau đó, lần lượt Tổ chức các nước Châu Mỹ, Canada, Brazil, Colombia, Peru hối hả lên tiếng công nhận Juan Guaido. Hai giờ sau đến lượt Liên Hiệp Châu Âu đánh tiếng ủng hộ ông Juan Guaido.
Le Monde nhận định « chưa bao giờ một nhà đối lập ở Venezuela gây được sự nhất trí ủng hộ nhanh chóng và rộng rãi đến như vậy. Chỉ trong một buổi chiều, Juan Guaido, trước đó ít ngày vẫn còn là người vô danh đối với đa số dân Venezuela, cũng như cộng đồng quốc tế, bỗng chốc trở thành một gương mặt nổi bật của đối lập Venezuela ». Lần đầu tiên, đối lập Venezuela chứng tỏ có khả năng tập hợp đoàn kết thực sự.
Theo tờ báo, bước đột phá ngoạn mục đó là thành quả sau một tháng mặc cả trong hậu trường, ngoại giao bí mật và những tín hiệu mật. Nhưng sự khởi đầu còn xa hơn nữa, từ Washington của chính quyền Donald Trump, từ Madrid và từ Brazil hay Colombia.
Riêng ông Donald Trump từ trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 đã hứa sẽ « làm thay đổi Venezuela ở quy mô lớn ». Đến khi đắc cử tổng thống, lời hứa đó vẫn cứ ám ảnh ông Trump. Theo Le Monde, từ hồi tháng 08/2017, trong một buổi đánh golf ở New Jersey, Donald Trump đã nói với các cố vấn của mình rằng « chúng ta có nhiều lựa chọn cho Venezuela. Thực ra thì tôi không loại trừ khả năng lựa chọn quân sự ».
Bài viết của Le Monde dẫn nhiều nguồn tin nói rằng từ giữa tháng 12/2018, ông Juan Guaido khi đó còn chưa là chủ tịch Quốc Hội Venezuela, đã bí mật qua biên giới Colombia, qua mắt
biên phòng để sau đó bay tới Washington gặp gỡ bí mật với nhiều nhân vật quan trọng trong chính quyền Mỹ.
Ngay trong ngày đầu năm 2019, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có cuộc họp với các đồng minh chủ chốt đề bàn về Venezuela. Song song đó, các nhà hoạt động đối lập Venezuela đang lưu vong ở nước ngoài cũng đẩy mạnh các cuộc vận động với chính khách nước ngoài.
Ở trong nước, Juan Guaido một mặt tích cực tổ chức các cuộc tập hợp biểu tình của dân chúng, mặt khác luôn giữ liên lạc với chính giới Mỹ, trong đó đặc biệt là phó tổng thống Mỹ Mike Pence và thượng nghị sĩ Marco Rubio. Cho đến khi các điều kiện đã chín muồi, thì điều cần đến đã đến như mọi người đều biết : Ông Juan Guaido tuyên bố tự phong tổng thống lâm thời Venezuela, ngày 23/01/2019. Cuộc đọ sức với Nicolas Maduro kéo dài trong suốt tháng qua, giờ đây được đặt trong ván bài cứu trợ nhân đạo.

Mật vụ Bắc Triều Tiên bắt cóc người tại Ý

Liên quan đến châu Á, Les Echos quan tâm đến một vụ việc đang gây ồn ào dư luận Ý xung quanh vụ viên đại sứ Bắc Triều Tiên tại Roma biến mất bí ẩn để cô con gái, 17 tuổi, bị mật vụ Bắc Triều Tiên đến Roma bắt cóc về nước.
Theo Les Echos, câu chuyện diễn ra như trong tiểu thuyết trinh thám Ý-Bắc Triều Tiên. Đầu năm 2019, vị đại sứ của chế độ Bình Nhưỡng tại Roma bỗng nhiên biến mất. Đó là cú sốc đầu tiên tại Ý.
Đến nhận chức tại Ý năm 2015, ông Jo Song Gil đáng lẽ phải về nước ngày 20/11/2018 sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Cùng với vợ, có thể ông đã được sự trợ giúp của cơ quan tình báo Ý để đào thoát ngày 10/11 trong ý đồ xin tị nạn tại Hoa Kỳ. Có lẽ sự có mặt của ông ở Mỹ sẽ có thể gây phiền toái cho tổng thống Donald Trump, đang trong giai đoạn xích lại gần với chế độ độc tài Bắc Triều Tiên. Sau khi lưu lại tại Thụy Sĩ ít ngày, có thể nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên đã quay trở lại Ý, trú tại một nơi bí mật.
Khi đào thoát, nhà ngoại giao này đã để lại con gái 17 tuổi ở Ý. Mới đây người ta được biết cô con gái này đã bị mật vụ Bắc Triều Tiên ép về nước, chỉ 4 ngày sau bố mẹ cô đào thoát. Vụ việc đang làm chính quyền Ý lúng túng về vấn đề chủ quyền quốc gia. Dư luận Ý đang đòi chính phủ của Giuseppe Conte phải trả lời về trách nhiệm và phản ứng thế nào về vụ bắt cóc người xảy ra trên đất Ý.

Thị trường điện thoại thông minh sụt giảm

Mặc dù điện thoại thông minh giờ trở thành vật dụng thiết yếu của cuộc sống hàng ngày và là một trong những món hàng bán chạy nhất, nhưng Les Echos ghi nhận một thực tế là lượng tiêu thụ sản phẩm thời thượng này đang giảm sút, vấn đề cải tiến cũng trục trặc.
Các mẫu mã mới ngày càng đắt nhưng tính năng không hấp dẫn và các chi tiết cũng gần như giống nhau. Chủ Nhật 24/02, tại Barcelona sẽ diễn ra Mobile World Congress, một sự kiện lớn của ngành viễn thông, trong lúc lĩnh vực điện thoại thông minh cả thế giới đang gặp khó khăn.
Les Echos cho biết : 2018 là năm đầu tiên trong lịch sử ngành công nghiệp chế tạo điện thoại thông minh trên thế giới bị tụt dốc với sản lượng giao hàng sụt giảm 5%, theo Strategy Analytics. Ngay cả Trung Quốc, là thị trường tiêu thụ 1/3 số lượng smartphone trên thế giới, cũng không thoát khỏi xu hướng chung này. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, doanh số bán smartphone năm 2018 giảm 11%. Một thị trường đông dân khác là Ấn Độ cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Kết quả bán hàng của 2 nhãn hiệu Apple và Samsung cũng đang trong tình trạng báo động. Chỉ riêng Hoa Vi là làm ăn khá. Tập đoàn Trung Quốc đã vượt qua Apple mùa hè 2018 để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh thứ 2 thế giới. Sau khi đã bán ra thị trường 200 triệu sản phẩm trong năm 2018, tập đoàn Trung Quốc đang dồn sức cạnh tranh với Samsung để đến năm 2020 sẽ chiếm vị trí số 1 thế giới. Nhưng bộ ba Samsung, Hoa Vi, Apple đều không tránh được xu hướng đi xuống của thị trường.
Mười năm sau khi Apple tung ra chiếc iPhone đầu tiên năm 2007, thị trường điện thoại thông minh dường như bị bão hòa, cho dù các nhà sản xuất liên tục tung ra các mẫu mã mới, với giá bán ngày càng đắt. Hiện tại, 2/3 dân số thế giới sử dụng điện thoại di động. Con số này sẽ còn tăng, đến năm 2025 có thể sẽ có 6 tỷ thuê bao di động.
Nhưng tại sao thị trường điện thoại thông minh có xu hướng giảm ? Đơn giản là vì các mẫu mới ra liên tiếp và giá bán cũng không ngừng tăng. Thế là một thị trường mới xuất hiện : Tân trang các loại điện thoại thông minh đã qua sử dụng, với giá bán rẻ hơn từ 10 đến 60% so với mẫu mới. Vả lại, đây là giải pháp bảo vệ môi trường được nhiều người ủng hộ. Thị trường smartphone đang biến đổi ngay từ bên trong như vậy.

Báo L’Humanité quyên tiền tự cứu mình

Phần cuối mục điểm báo là thông tin liên quan đến làng báo Pháp. Tờ báo Cộng sản L’Humanité, tờ nhật báo Pháp có lịch sử hơn trăm năm đang tiếp tục cuộc chiến đấu để sinh tồn.
L’Humanité rơi vào tình trạng mất khả năng chi trả từ cả tháng qua. Ngày 22/02, tại Montreuil-sous-Bois, thành phố ngoại ô Paris, L’Humanité tổ chức một đêm hội gây quỹ, huy động sự hảo tâm để hy vọng cứu sống tờ báo.

Tin đọc nhanh

(AFP) - Bắc Kinh và Canbera bác bỏ việc than Úc bị cấm nhập vào Trung Quốc.
Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay, 22/02/2019, khẳng định là thông tin về việc cấm nhập than Úc vào cảng Đại Liên là sai lạc. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Úc, và than là một trong các mặt hàng xuất khẩu chính của Úc sang Trung Quốc. Chính quyền Trung Quốc cũng thừa nhận là hoạt động kiểm tra chất lượng than nhập tại hải quan được tăng cường, nhưng vì lý do môi trường và chất lượng sản phẩm. Trong thời gian qua, có một số thông tin về việc Trung Quốc cấm nhập khẩu than từ Úc, khiến giá tđồng đô la Úc sụt giảm.
(AFP) – Đài Loan hoàn tất dự luật hôn nhân đồng tính.
Đảng Dân Tiến cầm quyền tại Đài Loan cho biết đã soạn xong dự luật hôn nhân đồng tính để đệ trình Quốc Hội thảo luận và biểu quyết. Vào năm 2017, nhân danh quyền bình đẳng, Viện Bảo Hiến ra phán quyết lịch sử cho phép người đồng tính kết hôn như mọi công dân khác. Tuy nhiên, trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11/2018, phe Quốc Dân đảng bảo thủ đã thắng cuộc trưng cầu dân ý, chống lại dự án sửa luật dân sự nhìn nhận hôn nhân đồng tính. Để tôn trọng ý dân, dự luật của đảng Dân Tiến nói đến quy chế « chung sống thường trực ».
(AFP) – Miến Điện : Một du khách Pháp ra toà vì drôn. 
Vì điều khiển máy bay tự hành bay trên trụ sở Quốc Hội Miến Điện, một người Pháp đối mặt với bản án 3 năm tù. Bị câu lưu từ hai tuần nay, Arthur Desclaux tiếp tục bị giam cho đến ngày ra tòa 27/02/2019, theo lời lãnh sự Pháp Frédéric Inza, sau khi thăm bị cáo tại nhà giam ở Naypyidaw. Lãnh sự Pháp có vẻ tự tin, hy vọng tòa án Miến Điện sẽ trả tự do cho Arthur Desclaux sau khi cảnh cáo.
(AFP) – Brexit : Liên Hiệp Châu Âu mở lối thoát cho Luân Đôn. 
Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu Michel Barnier tuyên bố không loại trừ khả năng triển hạn ngày Brexit. Trả lời phỏng vấn đài phát thanh Europe 1 sáng 22/02/2019, Ủy viên Michel Barnier cho biết không cần nhiều thời giờ để thương lượng nhưng chỉ cần chính phủ Anh « quyết định » và « chấp nhận mọi hệ quả về quyết định của mình đã được chọn lựa một cách dân chủ». Bruxelles từ chối đàm phán lại dự thảo thỏa hiệp, đã bị Nghị Viện Anh bác bỏ mà không đề nghị được những điều kiện thay thế. Tuy nhiên, Liên Hiệp Châu Âu tuyên bố sẵn sàng thảo luận một bản tuyên bố chính trị đính kèm, phác họa nét chính quy định mối giao hảo tương lai với Luân Đôn.
(AFP) - Thiếu nữ Thụy Điển đến Bruxelles gây áp lực buộc chính quyền châu Âu hành động khẩn cấp vì khí hậu. 
Thiếu nữ Greta Thuberg 16 tuối – biểu tượng của cuộc chiến chống khí thải gây hiệu ứng nhà kính – đến Bruxelles hôm 21/02/2019, để tham gia cuộc tuần hành của giới trẻ nước Bỉ, liên tục xuống đường mỗi thứ Năm hàng tuần, từ 7 tuần nay, theo lời kêu gọi của cô. Greta Thuberg kêu gọi Liên Âu đề ra mục tiêu giảm 80% khí thải trước năm 2050.
(AFP) – Israel chạy đua vũ trụ. 
Bereshit, phi thuyền không gian thám hiểm Mặt trăng của Israel, đã được đưa lên không gian chiều 21/02/2019 từ mũi Canaveral, bang Florida, Hoa Kỳ. Hỏa tiển Falcon 9 của công ty tư nhân Mỹ SpaceX rời mặt đất lúc 20 giờ 45, giờ địa phương. Ngoài một vệ tinh của Indonesia và một vệ tinh quân sự Mỹ, Falcon 9 còn mang theo phi thuyền rô-bô Bereshit của Israel với phi vụ đáp xuống Mặt trăng vào ngày 11/04 là chính yếu cho dù có mang theo dụng cụ đo đạc từ trường. Phần còn lại chỉ là biểu tượng của lịch sử Do Thái cùng một quyển kinh thánh.
(NHK) - Tìm hiểu nguồn gốc sự sống : Phi thuyền Nhật hạ cánh thành công xuống một thiên thạch. 
Hôm 22/02/2019, phi thuyền Hayabusa 2 của Nhật đã tiếp cận được với thiên thạch Ryugu, cách Trái đất 300 triệu cây số. Mục tiêu của chuyến thám hiểm, được khởi sự từ năm 2014, là tìm hiểu nguồn gốc sự sống trong Hệ mặt trời. Phi thuyền cùng các mẫu vật dự kiến sẽ trở về Trái đất cuối năm 2020.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.