Chiến tranh 1979: “Mặt trái của mối quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em”
Quốc Phương – BBC Tiếng Việt
GETTY IMAGES – Đặng Tiểu Bình và Hồ Chí Minh quàng tay nhau trong một sự kiện vào giai đoạn quan hệ Trung Quốc nồng ấm ‘môi hở, răng lạnh’
Cuộc xung đột đẫm máu Chiến tranh Biên giới Trung – Việt nổ ra năm 1979 chính “là mặt trái” của quan hệ hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai đảng và hai nhà nước dựa trên cơ sở quan hệ bạn bè cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước, một học giả Nhật Bản nghiên cứu về cuộc chiến này nói với BBC.
Nếu cần rút ra bài học từ cuộc chiến tranh đẫm máu và kéo dài này thì ngày này cần quan tâm chú ý khía đầu tiên là ‘không nên xây dựng quan hệ hai nước quá nặng về tình cảm và tin cậy giữa các lãnh tụ mà cố gắng xây dựng quan hệ thế hệ sau có thể thừa kế được,’ Giáo sư Hirohide Kurihara từ Đại học Tokyo bình luận với BBC.
Theo nhà nghiên cứu Việt Nam học này hai bên ‘rất cần thường xuyên tiến hành giao lưu hoặc ký kết các loại văn bản để tránh khỏi tình trạng không may bất ngờ xảy ra’.
Có ý kiến lên án Trung Quốc mà đòi Trung Quốc rút quân xâm lược ngay từ lãnh thổ Việt Nam (trong đó có tôi); và có những người thân Trung Quốc, coi hành động của Trung Quốc là đúng, lỗi tại Việt Nam - Giáo sư Hirohide Kurihara
Và ông bình luận thêm đối với Trung Quốc “chúng ta rất cần luôn luôn nâng cao cảnh giác” để “theo dõi lời nói” của các lãnh tụ cấp cao, chủ trương, chính sách và đường lối của Đảng và Chính phủ Trung Quốc “mặc dù ta không muốn”.
Mở đầu cuộc trao đổi bằng bút đàm qua tiếng Việt với BBC Việt ngữ hôm 16/2/2019, nhà nghiên cứu này trả lời câu hỏi cuộc Chiến tranh Biên giới Việt – Trung (1979) hiện nay được nhìn nhận ra sao sau 40 năm từ phía Nhật Bản và giới nghiên cứu Nhật Bản? Liệu nhìn nhận đó có sự khác biệt gì hay không vào 30-40 năm trước, khi cuộc chiến mới nổ ra?
GS. Hirohide Kurihara: Khi chiến tranh Biên Giới Việt – Trung bùng nổ, ở Nhật Bản có nhiều lập trường và ý kiến khác nhau như bàng quan, không quan tâm, cho rằng đó là vấn đề nội bộ giữa hai nước Cộng sản nên không ảnh hưởng gì đến Nhật Bản;
Có ý kiến lên án Trung Quốc mà đòi Trung Quốc rút quân xâm lược ngay từ lãnh thổ Việt Nam (trong đó có tôi); và có những người thân Trung Quốc, coi hành động của Trung Quốc là đúng, lỗi tại Việt Nam (họ ủng hộ chính quyền Pol Pot).
‘MẶT TRÁI CỦA MỘT MỐI QUAN HỆ’
BBC WORLD SERVICE- Cuộc chiến tranh để lại những hậu quả xấu và căng thẳng trong quan hệ Trung – Việt trong một thời gian dài.
BBC: Giới nghiên cứu Nhật Bản quan tâm gì nhất khi nghiên cứu cuộc chiến này? Có kiến giải, phát hiện gì nổi bật mà tới nay Giáo sư có thể chia sẻ?
GS. Hirohide Kurihara: Nói chung, hồi đó ở đây người ta quan tâm chủ yếu là: chiến tranh do nguyên nhân gì; phía nào là đúng, phía nào là sai; phía nào thắng, phía nào thua, v.v…
Sau đó 40 năm đã trải qua rồi. Khi nào chúng tôi muốn tiếp cận Chiến tranh Biên giới này thì vấp phải khó khăn như sau:
Hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) chưa công bố các văn kiện và số liệu liên quan tới Chiến tranh Biên giới; và muốn tiếp cận vấn đề này thì phải biết hai thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Hán).
Khi nào có vấn đề nghiêm trọng và phức tạp thì họ trực tiếp bàn nhau để tìm đường giải quyết – đó là đặc điểm của quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Vì thế không cần xác định đường biên giới, không cần ký kết hiệp định về hợp tác quân sự, chẳng hạnGiáo sư Hirohide Kurihara
Vì vậy bên Nhật rất hiếm tìm thấy học giả nào mà nghiên cứu về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, kể cả Chiến tranh Biên giới năm 1979. Nhưng thông qua công trình nghiên cứu của mình, tôi có thể chỉ ra vài điều về ý nghĩa lịch sử của chiến tranh Biên giới năm 1979:
Đó là mặt trái của quan hệ hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em” (thập niên 1950 – 1960). Quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em” giữa hai đảng và hai nước đã dựa trên cơ sở quan hệ bạn bè cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước – Hồ Chí Minh với Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông.
Khi nào có vấn đề nghiêm trọng và phức tạp thì họ trực tiếp bàn nhau để tìm đường giải quyết – đó là đặc điểm của quan hệ “vừa là đồng chí, vừa là anh em”. Vì thế không cần xác định đường biên giới, không cần ký kết hiệp định về hợp tác quân sự, chẳng hạn.
Nói một cách khác, tiền đề của quan hệ đó là loại trừ khả năng quan hệ hai nước có thể là xấu đi. Đáng tiếc quan hệ đó không được truyền đạt tới các lãnh tụ thuộc thế hệ sau: Lê Duẩn không có kinh nghiệm hoạt động tại Trung Quốc lại không biết tiếng Trung Quốc; Đặng Tiểu Bình cũng không có tình cảm đặc biệt về VN.
Thời gian Hồ Chí Minh, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông lần lượt qua đời và quá trình quan hệ hai nước xấu đi song song với nhau.
Hiện nay ở đây [Nhật Bản] hoặc ở các nước khác người ta bắt đầu coi Chiến tranh Biên giới năm 1979 là một bộ phận của “Mười năm chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc (1979-1988/1989)”, trong đó có Mặt trận Vị Xuyên, Hải chiến Trường Sa (Gạc Ma), v.v…
‘TRÁNH NÉ ĐỀ CẬP CUỘC CHIẾN’
GETTY IMAGES- Hồ Chí Minh từng có quan hệ đặc biệt gần gũi ‘như anh em’ với nhiều lãnh đạo của Trung Quốc, trong đó có Thủ tướng Chu Ân Lai (phải)
BBC: Theo quan sát của Giáo sư, hai bên Việt Nam và Trung Quốc đã và đang xử lý thế nào di sản của cuộc chiến này? Họ có gặp trở ngại gì không? Giải pháp của họ đã hợp tình hợp lý và thuyết phục hay chưa?
GS. Hirohide Kurihara:Tôi chưa biết hai bên đã đạt tới thỏa thuận như thế nào về việc xem lại chiến tranh năm 1979 tại vì hai bên đều không nói gì về điều đó. Tuy vậy có một điều rõ ràng là hai bên đều cố gắng hết sức tránh đề cập tới đề tài này. Đồng thời cũng có sự khác nhau giữa hai bên về việc đối xử với Chiến tranh Biên giới năm
Tôi đoán nếu Đảng Cộng sản Việt Nam (cấp Trung ương) cứ im lặng thì mức độ nghi ngờ của người dân đối với chính sách của Đảng Cộng sản về quan hệ hai nước sẽ
Ở Trung Quốc các loại văn kiện hay đề cập tới chiến tranh năm 1979 như là chiến tranh “tự vệ phản kích lại” kẻ xâm lược Việt Nam. Điều đó cho thấy rằng phía Trung Quốc vẫn giữ quan điểm hồi năm 1979 mà không có ý định xem lại sự kiện đó.
Ngoài ra Trung Quốc còn xây dựng một số “Căn cứ giáo dục chủ nghĩa yêu nước” như Nhà lưu niệm Chiến dịch Lão Sơn (Việt Nam gọi là Cao điểm 1509) hoặc di tích chiến tranh trên đỉnh Lão Sơn (Vân Nam).
Còn phía Việt Nam thì hết sức để ý đến các đoạn lên án hoặc nói xấu Trung Quốc trong các loại văn kiện của Đảng Cộng sản. Trong bộ Văn kiện Đảng toàn tâp hoặc cuốn “Thư vào Nam” của ông Lê Duẩn (xuất bản lần thứ hai năm 2015), đoạn nào mà lên án Trung Quốc (chủ yếu là những năm 1970 -80 thế kỷ trước) đều bị xóa bỏ.
GETTY IMAGES – Hồ Chí Minh được cho là rất thạo văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc, điều mà nhiều lãnh đạo lớp sau không có hoặc không bằng
Trong thời gian khá lâu ở Việt Nam không tìm thấy nhà lưu niệm hoặc di tích lịch sử về chiến tranh. Nhưng gần đây mới có một số chỗ tưởng niệm được xây dựng với sự dẫn đầu của chính quyền địa phương, cựu chiến binh như: Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn (Quảng Ninh, khánh thành 10/1/2011); Đài tưởng niệm 468 (Hà Giang, khánh thành 17/1/2017); Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (Khánh Hòa, khánh thành 27/7/2017).
Lại thêm hiện tượng mới: Hồi ký về Gạc Ma (“Gạc Ma vòng tròn bất tử”) được xuất bản năm 2018. Theo tôi biết thì đây là hồi ký lần đầu tiền ghi lại một phần của mười năm chiến tranh Việt Nam – Trung Quốc.
Ngoài ra còn xuất hiện nhân sĩ chủ động đi khảo sát để sưu tầm tài liệu về chiến tranh như blogger Phạm Viết Đào.
Ở đây ta có thể khẳng định rằng ở Việt Nam, cấp trên (các nhà lãnh đạo cấp cao) muốn tránh đề tài nào mà liên quan đến chiến tranh 1979-1988/1989 mặc dù người dân và cựu chiến binh, gia đình những người hy sinh trong chiến tranh muốn ghi lại lịch sử và làm rõ sự thật.
Tôi đoán nếu Đảng Cộng sản Việt Nam (cấp Trung ương) cứ im lặng thì mức độ nghi ngờ của người dân đối với chính sách của Đảng Cộng sản về quan hệ hai nước sẽ tăng lên.
‘BÀI HỌC NGAY VỚI NHẬT BẢN’
BBC: Theo Giáo sư người ta có thể học được gì cuộc chiến này (chẳng hạn từ nguyên nhân, động cơ tới hậu quả, hệ quả của nó) và riêng với Nhật Bản thì sao?
GS. Hirohide Kurihara: Nếu chúng ta rút được bài học từ Chiến tranh Biên giới năm 1979 thì hai điều sau đây đáng chú ý:
Ta không nên xây dựng quan hệ hai nước quá nặng về tình cảm và tin cậy giữa các lãnh tụ mà cố gắng xây dựng quan hệ thế hệ sau có thể thừa kế được. Nói cụ thể, hai bên rất cần thường xuyên tiến hành giao lưu hoặc ký kết các loại văn bản để tránh khỏi tình trạng không may bất ngờ xảy ra.
GS. Hirohide Kurihara cho rằng Nhật Bản hiện nay cũng cần rút kinh nghiệm từ ‘mặt trái’ của mối quan hệ Việt – Trung thời hữu hải ‘đồng chí, anh em’ trước đây.
Đối với Trung Quốc, chúng ta rất cần luôn luôn nâng cao cảnh giác để theo dõi lời nói của các lãnh tụ cấp cao, chủ trương, chính sách và đường lối của đảng và chính phủ Trung Quốc mặc dù ta không muốn.
Hai điều trên rất hợp với Nhật Bản hiện nay. Ông Shinzo Abe rất coi trọng quan hệ cá nhân với ông Donald Trump, ông Vladimir Putin, v.v…
Nhưng không rõ người nào mà thay ông Abe thừa kế quan hệ đó hay không.
Đồng thời ngoại giao nặng về quan hệ cá nhân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến bộ máy quan liêu ngoại giao Nhật Bản.
Giáo sư Hirohide Kurihara là nhà nghiên cứu Việt Nam học, thuộc Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á – Phi (ILCAA), thuộc Đại học Tokyo, Nhật Bản. Ông có công trình nghiên cứu về xung đột và chiến tranh Trung – Việt từ cuối thập niên 1970 ở thế kỷ trước.
0 comments