Trận Phước Long 1975: Qua Hồi Ký
Tuesday, January 8, 2019
8:49:00 AM
//
Chiến Tranh
,
Slider
Nguyễn Quang Duy
7-1-2019
Sau cả tháng chiến đấu, đêm 6/1/1975, binh sỹ Việt Nam Cộng Hòa rút khỏi Phước Long và núi Bà Đen, Tây Ninh. Vài tháng sau VNCH hoàn toàn sụp đổ.
Cuộc chiến đã chấm dứt 44 năm nhưng còn quá nhiều điều đến nay vẫn chưa hiểu được và có thể không bao giờ hiểu được. Hồi ký của những người trong cuộc cho thấy phần nào sự đẫm máu của trận chiến này.
Người ở lại Phước Long…
Đại Tá Nguyễn Thống Thành Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Long là người trực tiếp chỉ huy mặt trận Phước Long. Ông Thành từng tử thủ An Lộc, được vinh thăng đại tá tại mặt trận, ngày 26/8/1972 được thăng chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Long.
Năm 1974 ông được chuyển về Phước Long, giáp ranh biên giới Campuchia, bao quanh là các mật khu cộng sản. Ông là người Bến Tre và là bạn học của Tổng biên tập báo Lao Động Tống Văn Công. Trong Hồi ký ông Công bày tỏ lòng thương tiếc người bạn như sau:
“Hơn 30 năm sau, tôi mới biết Nguyễn Thống Thành đại tá tỉnh trưởng Phước Long, bạn tôi, đứng bên kia chiến tuyến, là đại tá tỉnh trưởng đã tử thủ ở thị xã! Nhiều năm sau, trong cuộc họp cựu chiến binh, tôi được nghe một thiếu tá dự trận này kể, anh ta kêu gọi đầu hàng, nhưng Nguyễn Thống Thành đã bắn trả.”
Theo Hồi Ký của Charlie Nguyễn Hoàng Oanh, sỹ quan tình báo, vào sáng ngày 5/1/1975, Đại Tá Thành chạy xuống triền dốc sau tư dinh để nhảy xuống chiến hào thì bị súng cối 57 ly bắn chết tại chỗ. Charlie cho biết đã bảo vệ Thiếu úy Sự cận vệ của Đại tá Thành, chôn ông tại gốc cây trong dinh tỉnh trưởng.
Trận Bà Đen, Tây Ninh
Ngày 6/12/1974, Liên đội 7 và Tiểu đoàn Trinh sát 47 CS nổ súng tấn công Căn Cứ Bà Đen. Một đại đội địa phương VNCH sau 31 ngày tử chiến bảo vệ Căn Cứ đã âm thầm rút đi trong đêm 6/1/1975.
Trận Bà Đen ít được nhắc đến, nhưng Tướng CS Trần Văn Danh người trực tiếp chỉ huy trận này cho biết tầm quan trọng như sau: “… một trung tâm viễn thông chiến lược quốc tế, thu tin mã thám và là điểm chỉ đường cho B 52 cùng các loại máy bay hiện đại của địch oanh kích vùng giải phóng.
Đồng thời lực lượng do tôi chỉ huy còn thu hút hỏa lực đối phương là Lữ đoàn 81 biệt kích dù, và hai phần ba phi cơ chiến đấu F5E vùng III chiến thuật, kiềm chế sư đoàn 25 bộ binh, phối hợp cùng cánh quân của Năm Ngà đang đánh Tánh Linh, Võ Đắc với sư đoàn 18 của địch.
Ngăn Chặn không cho các lực lượng đối phương yểm trợ Phước Long trận địa của Quân đoàn 4 do anh Hoàng Cầm chỉ huy”.
Lực Lượng VNCH
Phước Long là một tỉnh nhỏ, dân chúng đa số là đồng bào sắc tộc Stieng và Mnong. Phước Long có 5 tiểu đoàn địa phương quân, 1 tiểu đoàn pháo binh, cảnh sát và nhân dân tự vệ, tất cả ước chừng 2.000 người và đa số là người sắc tộc.
Lực lượng tăng cường gồm 2 tiểu đoàn thuộc Sư Đoàn 5, ba Đại Đội Trinh Sát các Sư Đoàn 5, 18 và 25, 2 Biệt Đội Biệt kích 81 Dù và Đơn Vị tình báo 101 thuộc thuộc phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu. Tổng số binh sỹ tham dự trận đánh chưa tới 4.000 người.
Không lực yểm trợ bị giới hạn vì cùng lúc phải bảo vệ 2 tỉnh Tây Ninh và Phước Long. Còn vũ khí đạn dược phụ thuộc vào không vận và chỉ đủ chiến đấu 1 tuần.
Lực Lượng CS
Theo Lịch sử Quân đoàn 4 có 14.500 bộ đội tham dự trận đánh, gồm 2 trung đoàn thuộc Sư Đoàn 302, 3 trung đoàn thuộc Sư Đoàn 7, 3 trung đoàn thuộc Sư Đoàn 9, 2 trung đoàn pháo binh và phòng không, 1 trung đoàn đặc công, 1 trung đoàn công binh, 1 trung đoàn hậu cần, 2 tiểu đoàn xe tăng, chưa kể đến số du kích trong tỉnh.
Cứ 1 tiểu đoàn VNCH đóng trong các căn cứ phải chịu hỏa lực của ít nhất 1 Trung Đoàn CS.
Bắt đầu…
Cuối tháng 10/1974, VNCH được tin mật báo CS sẽ mở các trận đánh vào hai tỉnh Tây Ninh và Phước Long. Ngày 6/12/1974, CS mở một số trận đánh trong tỉnh Tây Ninh.
Ngày 12/12, một đồn lính chi khu Phước Bình (Bù Đốp) bị 1 tiểu đoàn CS tấn công và bị chiếm.
Ngày 13/12, CS tấn công chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài) nhưng bị tiểu đoàn Địa Phương Quân đánh trả phải rút lui.
Ngày 13/12, Đại Tá Nguyễn Thống Thành xuống chi khu Đức Phong (Bù Đăng) kiểm tra hệ thống phòng thủ.
Ngày 14/12, Chi khu Đức Phong bị 1 trung đoàn tấn công, quân VNCH chống trả ác liệt nhưng yếu thế nên phải rút quân. Phía CS thiệt hại nặng, đại đội 12 chỉ còn 11 người sau trận đánh.
Ngày 15/12, hai tiểu đoàn đặc công tấn công chi khu Bố Đức (Bù Na) do một đại đội địa phương quân và một trung đội pháo binh đóng.
Theo Charlie, pháo binh sử dụng 2 đại bác bắn trực xạ vào bộ đội CS nên trận đánh phơi đầy xác người. 2 đại bác bị tịch thu. Trung Úy Thoại bị bắt và bị chặt đầu.
Chi khu Bố Đức được 1 tiểu đoàn Sư Đoàn 5 tăng cường và máy bay ném hàng ngàn bom xăng, CS thiệt hại nặng phải rút quân.
Ngày 17/12, không vận chở tiếp liệu đổ xuống Phước Long và di tản dân chúng ra khỏi vùng giao tranh.
Ngày 22/12, 1 trung đoàn CS lại mở cuộc tấn công vào chi khu Bố Đức (Bù Na) hôm sau 23/12 thì chiếm đựơc.
Ngày 26/12, 1 trung đoàn với pháo binh và phòng không tấn công chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài). Trước hỏa lực quá mạnh Sư Đoàn 5 không thể đổ quân tiếp viện, Đồng Xoài thất thủ.
Như vậy sau 2 tuần VNCH chỉ còn giữ lại núi Bà Rá, thị trấn Phước Bình và thị xã Phước Long.
Lệnh Đánh Đồng Xoài
Tháng 7/1974, Quân đoàn 4 được thành lập với 3 sư đoàn bộ binh, Sư đoàn 7 và 9 từ Bắc đưa vào do tướng Hoàng Cầm chỉ huy, được lệnh đánh chiếm Chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài).
Hồi ký tướng Lê Đức Anh cho biết kế hoạch ban đầu là đánh Đồng Xoài, nhưng khi đánh lại phải rút quân, vì có lệnh từ Hà Nội pháo và tăng không còn nhiều nên không được sử dụng, không được đánh Đồng Xoài.
Hồi ký Tướng Trần Văn Trà cho biết Bộ Tổng Tham Mưu ở Hà Nội chỉ thị năm 1975 chưa đánh lớn:
“Năm 1975 không đánh lớn chỉ lo phá bình định ở đồng bằng Sông Cửu Long. Ở Miền Đông, chủ lực không đánh lớn. B2 định đánh Đồng Xoài, Phước Long, nhưng Bộ không đồng ý mà chỉ đánh nhỏ, giải quyết một số điểm nhỏ trên đường 14 thôi. Năm nay đánh nhỏ là để tích lũy lực lượng chờ thời cơ. Không xử dụng xe tăng, pháo lớn nếu không được Bộ Tổng Tham Mưu duyệt từng trường hợp.”
Lý do thật?
Theo số liệu từ Viện lịch sử Quân sự Việt Nam số lượng vũ khí viện trợ cho phía CS gia tăng một cách rõ rệt: Giai đoạn 1969-1972 (4 năm): tổng số 1.000.796 tấn, gồm 684.666 tấn vũ khí, trang bị và kỹ thuật.
Giai đoạn 1973-1975 (hơn 2 năm): Tổng số 724.512 tấn, gồm 649.246 tấn vũ khí, trang bị và kỹ thuật.
Theo tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân VNCH, dọc đường mòn HCM có tới 3 sư đoàn vận tải, với 2.000 xe đang ngày đêm hoạt động, và đang xây dựng ống dẫn dầu từ Hạ Lào vào biên giới Cao Nguyên để đưa dầu vào tận Quân Khu 3.
Sỹ quan quân y Đàm hữu Phước, Biệt Kích 81, bị bắt đưa ra Bắc trên đường mòn HCM đã thấy: “…từng đoàn quân Cộng sản Bắc Việt lũ lượt tiến vào Nam cùng với cơ giới nặng, xe tăng, trọng pháo và hỏa tiễn SAM.”
Việc thiếu pháo lớn và tăng như lời giải thích bên trên như vậy là không đúng.
Sau 30/4/1975 hiện tượng giành công trạng giữa các tướng hai miền Nam Bắc đã xảy ra. Có thể tướng Hoàng Cầm chỉ mới vào Nam nên Bộ Tổng Tham Mưu tại Hà Nội không muốn tướng Lê Đức Anh trực tiếp chỉ huy trận đánh.
Tướng Lê Đức Anh không chịu thua nên mới sử dụng hai trung đoàn Chủ lực Miền (271 và 201) thuộc Sư Đoàn 302 đánh chiếm hai chi khu Đức Phong và Bố Đức.
Tướng Trần Văn Trà khi đó đang ở Hà Nội mới vận động Lê Duẩn để tung hai sư đoàn chính quy 7 và 9, với pháo và tăng vào đánh chi khu Đôn Luân rồi sẵn đà đánh chiếm toàn tỉnh Phước Long.
Cũng có thể Lê Duẩn chưa rõ phản ứng của Mỹ nên có ý định đợi mùa tranh cử Tổng Thống Mỹ 1976 sẽ tổng tấn công khi đó thuận lợi hơn.
Tiếp viện Phước Long…
Sau Hiệp định Paris 1973 Mỹ rút khỏi miền Nam, viện trợ bị cắt dần, vũ khí quân trang càng ngày càng thiếu hụt, máy bay thiếu xăng, xe thiếu phụ tùng thay thế, súng và pháo thiếu đạn,…
Cộng sản lại gia tăng hoạt động trên toàn miền Nam, mở hai mặt trận tại hai tỉnh Tây Ninh và Phước Long cùng lúc và nhất là kế hoạch tấn công của CS đã thay đổi vào phút cuối.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Dương Quốc Đống và các tướng lãnh VNCH đã không có được những tiên liệu và quyết định đúng lúc để tiếp viện Phước Long.
Kết thúc…
Tổng Thống Thiệu và Bộ Tham Mưu lên kế hoạch gởi 1 Sư Đoàn tiếp viện Phước Long nhưng không kịp.
Ngày 31/12, 1 trung đoàn CS với thiết giáp và pháo binh tấn công vào chi khu Phước Bình. Không quân VNCH bắn cháy 15 xe tăng, nhưng do thiếu viện binh nên phải rút về lập phòng tuyến tại phi trường Sông Bé.
Cùng ngày 31/12, 1 trung đoàn CS với pháo binh yểm trợ tấn công núi Bà Rá, VNCH phải rút về phòng thủ Phước Long.
Ngày 1/1/1975, CS tấn công vào phi trường, lực lượng phòng thủ đã bắn cháy được 4 xe tăng, giết và bắt sống được trên 50 bộ đội.
CS kéo đại pháo 130 ly lên núi Ba Rá bắn trực xạ vào hệ thống phòng thủ tiểu khu phá hủy 8 khẩu đại bác 105 ly và 4 khẩu 155 ly, rồi liên tục trực xạ vào thị xã có ngày lên đến 3.000 trái pháo.
Súng phòng không đặt trên núi Ba Rá kiểm soát hoàn toàn không phận Phước Long.
Ngày 3/1, CS tăng cường tấn công, tuyến phòng thủ VNCH thu hẹp chỉ còn khu hành chánh tỉnh và phi trường.
Sáng 4/1, Hai Biệt Đội Biệt Kích 811 và 814, với chừng 250 biệt kích 81 và quân y vào tiếp cứu Phước Long, bị pháo và tăng tấn công ngay từ phút ban đầu.
Theo Charlie, BK 81 với các toán cảm tử quân 3 người, 3 người chạy trên đường phố để đánh với xe tăng.
Sỹ quan quân y, Đàm hữu Phước, BK 81, cho biết chỉ ngày đầu BK 81 phải quần thảo với xe tăng và đặc công tới hai lần, M72 bắn gần hết, thuốc men của Quân Y chẳng còn là bao so với nhu cầu.
Hầm quân y chật cứng thương binh, chỉ khâu dùng hết phải dùng dây điện thoại để may tạm cầm máu vết thương và dùng Penicilline để tránh nhiễm trùng.
Nhiều đợt pháo kích trực xạ vào bộ chỉ huy Tiểu khu, Trung tá tiểu khu phó bị tử thương, còn Trung tá chi khu trưởng Phước Bình bị thương nặng.
Trung Tâm Hành Quân đã gọi 4 chiếc F.5 ném bom trực tiếp vào xe tăng.
Tướng Bế Ích Quân, chỉ huy trung đoàn tấn công hôm 4/1, cho biết trận chiến rất khốc liệt khi ông liên lạc với Đại đội 7, 36 người theo xe tăng vào Phước Long chỉ còn 8 người.
Charlie cho biết Đơn Vị tình báo 101 do Đại Úy Thường chỉ huy tìm ra địa điểm đóng quân của Bộ Chỉ huy Quân Đoàn 4 và báo cho máy bay F.5 tới thả bom trúng đích.
Đại úy Thường bị bắt và bị 18 năm, 8 tháng, 8 ngày tù cải tạo. Khi thả về đầu bạc phơ còn răng rụng hết.
Đến cuối ngày 4/1, Bộ chỉ huy Biệt Cách Dù báo cáo về Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 3 tình hình trận chiến vô cùng nguy kịch không thể cứu vãn được và xin lệnh rút quân.
Biệt Đội BK 811 lập hàng rào bảo vệ dinh tỉnh trưởng và tòa hành chánh. Đêm 4/1, hơn 1.000 trái pháo rót vào khu vực này.
Sáng ngày 5/1, Đại Tá Nguyễn Thống Thành chạy xuống triền dốc sau tư dinh nhảy xuống chiến hào bị trái cối 57 ly bắn chết và được chôn tại gốc cây trong dinh tỉnh trưởng.
Ngày 5/1, CS tiếp tục pháo kích và tấn công, VNCH chống trả gần hết đạn.
Tối ngày 5/1, Trung tá Vũ Xuân Thông Bộ Chỉ huy BK 81, lúc này là người mang chức vụ cao nhất tại mặt trận, ra lệnh rút quân.
Sáng 6/1, pháo binh và xe tăng lại mở trận tấn công, giao tranh suốt ngày nên phải đến 23 giờ đêm 6/1, hai biệt đội BK 81 mới rời khỏi Phước Long.
Biệt Đội 814 do Đại Úy Lê Đắc Lực chỉ huy chỉ mất hai người. Còn Biệt Đội 811 do Đại Úy Trương Việt Lâm thiệt hại nặng có thể tới 100 người, vừa tử trận vừa bị bắt.
CS pháo kích vào đoàn người rút khỏi Phước Long, nhiều người chết và bị thương. Hơn 1.000 quân nhân, cảnh sát rút về được về vùng VNCH kiểm soát, nhưng để lại chừng 3.000 người tử thương hay bị bắt đưa ra Bắc.
Phía CS thiệt hại rất nặng, số thương vong rất cao, nhiều Đại Đội chỉ còn vài người, nhiều pháo, phòng không bị máy bay oanh kích và gần 20 xe tăng bị loại khỏi vòng chiến.
Sau trận Phước Long…
Mỹ không có bất kỳ hành động nào chống lại việc Bắc Việt đánh chiếm tỉnh Phước Long. Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát Đình chiến Paris hoàn toàn bất lực. Hà Nội nắm thời cơ mở cuộc tổng tấn công, miền Nam hoàn toàn sụp đổ.
Ngày 5/1/1975 Đại Tá Nguyễn Thống Thành tử thủ Phước Long. Ngày 30/4/1975, 4 tướng Lê Văn Hưng, Phạm Văn Phú, Lê Nguyên Vỹ, Nguyễn Khoa Nam và Ðại tá Hồ Ngọc Cẩn tuẩn tiết.
Những người vị quốc vong thân và hằng vạn chiến sỹ vô danh VNCH ngày nay vẫn được dân miền Nam tưởng nhớ và tri ân.
Xích sắt trên phố Khâm Thiên Hà Nội
Sỹ quan Charlie bị bắt và bị giải ra miền Bắc ông kể lại câu chuyện đáng suy ngẫm xin lấy làm kết luận bài viết: Đoàn tù binh đi diễn hành qua phố Khâm Thiên, những dây xích sắt khua vang trên mặt đường Hà Nội, dân chúng hai bên đường đứng coi đông đảo.
Bỗng có 2 người thương phế binh ở Hà Nội cụt 2 chân trên chiếc xe lăn, chặn ngang đoàn tù binh và nói: “Người ta cũng là người Việt, tại sao các anh làm trò hề vậy”.
Trưởng Trại giam Lộc Ninh là Tám Qúi liền rút súng ra nói: “Mày không tránh ra là tao bắn”.
Hai người thương phế binh trả lời: “Ông có dám bắn thì bắn thử coi”. Tám Qúi hội kiến với cấp trên cho thả dây xích ra.
Dân chúng đứng 2 bên đường vỗ tay hoan hô, xích sắt được tháo ra trên đường phố Hà Nội.
https://baotiengdan.com/2019/01/07/tran-phuoc-long-1975-qua-hoi-ky/
0 comments