Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 08/01/2019

Tuesday, January 8, 2019 2:36:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 08/01/2019

Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy

không xin hoãn thi hành án tù giam

Tin từ Dăk Lăk – Nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy không làm đơn xin hoãn thi hành án tù như mong đợi của chính quyền tỉnh Đăk Lăk sau khi toà án nhân dân thị xã Buôn Hô đưa ra quyết định buộc cô phải thi hành án tù.
Ngày 07 tháng 1, nữ hoạt động nhân quyền Huỳnh Thục Vy đã đến trụ sở của toà án và đưa một văn bản thông báo về tình trạng của bản thân, cụ thể là việc cô đang mang thai đứa con thứ hai trong khi con gái đầu của cô chưa đủ 3 tuổi. Theo luật Việt Nam hiện hành, phụ nữ đang nuôi con nhỏ không phải thi hành án tù cho đến khi đứa con đủ 3 tuổi.
Trước đó, vào ngày 04 tháng 1, tòa thị xã Buôn Hồ đưa ra quyết định buộc cô phải đến toà án trong vòng 7 ngày kể từ ngày ra quyết định để thi hành án. Theo quyết định này, cô sẽ bị cưỡng chế thi hành nếu không tự đến toà án.
Viết trên facebook cá nhân, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy nói rằng, hành động giao văn bản thông báo đến tòa án Buôn Hồ và cơ quan thi hành án hình sự Buôn Hồ, về tình trạng đang nuôi con nhỏ và mang thai chỉ là thực hiện nghĩa vụ pháp lý. Ngoài ra, cô đặc biệt nhấn mạnh rằng bản thân cô “không xin xỏ gì hết.”
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-huynh-thuc-vy-khong-xin-hoan-thi-hanh-an-tu-giam/

Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình nhiễm nhiều bệnh

 vì bị giam giữ trong điều kiện khắc nghiệt

Tin từ Nghệ An – Điều kiện giam giữ tồi tệ trong trại giam là nguyên nhân khiến tù nhân lương tâm Hoàng Đức Bình bị nhiễm khá nhiều bệnh tật, theo thư của anh gửi về cho gia đình từ trại giam An Điềm, tỉnh Quảng Nam.
Theo nội dung lá thư đề ngày 05 tháng 01, 2019, anh Bình đang bị nhiều bệnh tật, như bệnh ngoài da, bênh đau buốt lưng, và thị lực cũng bị giảm sút một cách nghiêm trọng. Việc bị nhiễm nhiều bệnh có nguyên nhân là anh bị giam giữ trong phòng giam nóng bức, ẩm thấp, không có ánh sáng, kín 4 mặt và không có thông hơi.  Bên cạnh đó, mặc dù phòng giam chật chội, chỉ vài mét vuông, nhưng lúc nào cũng có từ 6 – 8 người bị giam giữ, dẫn đến việc sinh hoạt trở nên vô cùng khó khăn.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình được biết đến với tư cách phó chủ tịch “Phong trào Lao động Việt,” và cũng là người sáng lập “Hiệp hội ngư dân miền Trung.” Đây là hai tổ chức hoạt động với mục tiêu phản đối việc gây ô nhiễm của nhà máy thép Formosa và đấu tranh cho quyền lợi công nhân. Ông bị nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An bắt giữ hồi tháng 5/2017. Trong một phiên tòa diễn ra vào ngày 6 tháng 2, 2018, ông Bình bị tuyên án 14 năm tù giam với cáo buộc “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân.”
https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-hoang-duc-binh-nhiem-nhieu-benh-vi-bi-giam-giu-trong-dieu-kien-khac-nghiet/

Cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng:

Bất hợp pháp nhưng vẫn tiến hành, vì sao?

Khánh An-VOA
Một luật sư khẳng định với VOA rằng việc cưỡng chế, tháo dỡ nhà cửa ở khu vực Vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TPHCM là hoàn toàn “trái pháp luật” và cảnh báo về một “ngòi nổ Tiên Lãng” ngay giữa lòng Sài thành, sau khi chính quyền “ra quân” rầm rộ và san bằng khoảng 200 ngôi nhà vào ngày 8/1.
Theo chuyên gia pháp lý này, hành động cưỡng chế “phi pháp” đã “triệt tiêu” quyền khiếu kiện của người dân, đồng thời cho thấy tình trạng thực tế là doanh nghiệp lợi ích nhóm đang “mượn tay” chính quyền để cướp đất của người dân.
Phi pháp
Phân tích về khía cạnh pháp lý trong việc tiến hành cưỡng chế tháo dỡ hàng trăm ngôi nhà ở khu Vườn rau Lộc Hưng, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc từ TPHCM nhận định với VOA:
“Tôi cho rằng việc lực lượng cưỡng chế của chính quyền kết hợp với doanh nghiệp tiến hành cưỡng chế là không đúng trình tự pháp luật theo quy định về Thu hồi đất, hoặc Cưỡng chế tháo dỡ”.
Theo ông, nếu chính quyền muốn thu hồi đất thì trước đó phải có quyết định thu hồi, giải quyết việc bồi thường cho người dân và bố trí tái định cư cho họ trong trường hợp họ không có chỗ ở.
“Khi tháo dỡ công trình xây dựng được gọi là trái phép thì cũng phải theo trình tự. Phải có biên bản vi phạm hành chính, phải có quyết định xử phạt hành chính yêu cầu tháo dỡ, nếu không tháo dỡ thì có quyết định cưỡng chế. Tất cả phải theo trình tự và tống đạt cho người vi phạm”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nói.
Nhiều người dân trong khu vực cho biết họ hoàn toàn không nhận được bất cứ quyết định thu hồi nào cho tới khi chứng kiến hàng trăm cảnh sát cơ động, an ninh, lực lượng chức năng cùng xe ủi, thiết bị tháo dỡ ập đến tiến hành cưỡng chế “bất ngờ” vào ngày 4/1, và bắt đi hàng chục người phản đối việc cưỡng chế.
Phi nhân
Sau đợt cưỡng chế lần 2 vào ngày 8/1, tổng cộng có khoảng 200 căn nhà, trị giá hơn 200 tỷ đồng, của người dân đã bị san phẳng.
Ông Cao Hà Trực, người vừa trả lời phỏng vấn của VOA vào ngày hôm trước, đã bị lực lượng chức năng bắt đi ngay vào sáng 8/1, trước khi chính quyền tiến hành cưỡng chế. Sau đó, vợ ông cũng bị bắt đi, để lại những đứa con thơ gào khóc bên căn nhà bị phá nát của họ.
Trong số hàng trăm người rơi vào cảnh màn trời chiếu đất sau ngày 8/1, có vợ chồng tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú-Phạm Thanh Nghiên và gần 20 thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa.
Do liên tục bị “tra tấn tinh thần” sau khi mãn hạn tù, nhà hoạt động Phạm Thanh Nghiên đã chuyển vào Sài Gòn sinh sống vài năm gần đây sau khi kết hôn với cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Anh Tú. Họ vừa mới có đứa con gái đầu lòng khoảng 1 năm nay.
“Vợ chồng tôi góp hết vốn liếng có được và đi vay mượn thêm để liều mua đất, xây nhà ở đây. Tôi cũng đã biết trước và nói rằng đây như là một canh bạc, nhưng vì quá thương con và nghĩ rằng phải cho nó một ngôi nhà và hy vọng con tôi sẽ có 1, 2 năm đầu đời được đi lại, bi bô trong ngôi nhà của chính nó…”, bà Phạm Thanh Nghiên chia sẻ với VOA.
Trước tình hình cưỡng chế căng thẳng, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, bà Nghiên đã phải ôm con cùng hàng trăm người dân khác rời khỏi khu vực, mà chưa biết sắp tới họ sẽ ngủ ở đâu, trong khi cái Tết Nguyên Đán lại đang cận kề.
“Cưỡng chế rầm rộ, bất kể sự ổn định, quyền sống, chỗ cư trú, tính mạng, tài sản của bao nhiêu người cho thấy hành động đó quyết liệt đến mức thô bạo. Theo tôi, việc đó rõ ràng không phù hợp cả về góc độ pháp lý lẫn đạo lý”, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét.
Quyền lợi nhóm lợi ích?
Chuyên gia pháp lý này cho rằng việc cưỡng chế “bất hợp pháp” của lực lượng chức năng đã “triệt tiêu” quyền khiếu kiện của người dân và cho thấy quyết tâm lấy đất của nhà chức trách và doanh nghiệp có quyền lợi liên quan. Ông giải thích:
“Thu hồi đất không có quyết định, cưỡng chế không có quyết định là vì họ muốn tránh bị người dân khiếu kiện. Họ triệt tiêu quyền khiếu kiện đã được pháp luật quy định của người dân. Như vậy, người dân sẽ gặp khó khăn như dựa vào đâu, khiếu nại về hành động gì, khi mà họ ập tới làm và không để lại biên bản, quyết định, thông báo, giấy tờ gì hết. Tất cả hành động đều bất ngờ, cấp thời, không để lại bất cứ giấy mực, tài liệu ghi nhận sự việc, thì việc khiếu kiện của người dân cũng rất khó”.
Trong trường hợp này, theo LS. Phúc, người dân chỉ còn cách tố cáo về việc cơ quan nhà nước đã làm sai, không đúng trình tự quy định của pháp luật.
“Về mặt nguyên tắc, nếu vi phạm rõ ràng như vậy thì phải bị xử lý hành chính cho tới có thể bị xử lý hình sự”, LS. Phúc nói. “Tuy nhiên, có bị xử lý hay không lại là một vấn đề chưa thể biết được vì sự việc xảy ra nhưng không thấy có sự can thiệp nào từ các cơ quan cấp cao hơn khi người dân kêu cứu, cộng đồng mạng dậy sóng, báo chí nước ngoài phỏng vấn…”
Trong lúc một số ý kiến trên mạng nêu nghi ngờ về khả năng Vườn rau Lộc Hưng có thể là “lại quả” cho sân sau của một số quan chức, LS. Trịnh Vĩnh Phúc nhận xét trên trang Facebook cá nhân rằng vụ cưỡng chế cho thấy việc doanh nghiệp lợi ích nhóm đang mượn tay chính quyền để cướp đất của dân đang là “một thực tế rành rành” và “Ai sẽ là người tháo ngòi nổ cho một vụ Tiên Lãng giữa Sài Gòn?!”, giữa bối cảnh “đại án Thủ Thiêm” vẫn còn chưa được giải quyết.
https://www.voatiengviet.com/a/cuong-che-vuon-rau-loc-hung-bat-hop-phap-nhung-van-tien-hanh-vi-sao/4733876.html

Đài Loan phát hiện

một lao động Việt lậu trốn trong tủ lạnh

Trong chiến dịch của chính phủ Đài Loan truy lùng hơn 100 người Việt Nam mất tích, cảnh sát đã tìm thấy một người đàn ông Việt Nam trốn trong tủ lạnh, báo Taiwan News cho biết hôm 8/1.
Cũng hôm 8/1, cảnh sát Đài Loan đã tìm thấy bốn thành viên của các nhóm du lịch “mất tích” và bốn công nhân Việt Nam lao động chui ở quận Wuqi của thành phố Đài Trung, theo Thông tấn xã Trung ương Đài Loan.
Theo CNA, sau khi theo dõi một chiếc xe tải đưa người Việt từ thành phố Hsinchu xuống Đài Trung, các đặc vụ cảnh sát đã ập vào một tòa nhà ở quận Wuqi và phát hiện bốn thành viên nhóm du lịch và ba công nhân bất hợp pháp khác. Khi nghe thấy âm thanh phát ra từ một chiếc tủ lạnh cũ, họ mở cửa và phát hiện có một công nhân Việt Nam đang ngồi co mình núp bên trong.
Cảnh sát cho biết người đàn ông Việt Nam này cao 1 mét 60 và nặng 50 kg, đã chạy trốn cảnh sát hơn 1.278 ngày qua. CNA nói rằng ông này lãnh nhiệm vụ gọi thuê xe cho 4 khách du lịch kể trên.
Tờ Focus Taiwan trích nguồn tin từ Cơ quan Di trú Quốc gia (NIA) cho biết 5 trong số 148 khách du lịch Việt Nam bỏ tour và biến mất ngay sau khi tới Đài Loan vào tháng 12 đã bị bắt hôm 7/1.
Tính đến 3:40 chiều 7/1, tổng cộng 52 trong số 148 du khách Việt đã được tìm thấy, và cảnh sát đang tiếp tục truy lùng 96 người còn lại, theo NIA.
Chính phủ Đài Loan đang treo phần thưởng lên tới 4.000 Đài tệ (130 đôla Mỹ) cho bất cứ ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ nhóm hơn 100 du khách Việt Nam “mất tích.”
https://www.voatiengviet.com/a/dai-loan-phat-hien-mot-lao-dong-viet-lau-tron-trong-tu-lanh/4733720.html

Trung Cộng bỗng ngừng thu mua

loại cây trồng chủ lực ở Lạng Sơn

Tin Saigon –  Ngày 7 tháng 1 năm 2019 báo Dân Trí loan tin, cây thạch đen là cây trồng chủ lực và đem lại giá trị kinh tế cao cho tỉnh Lạng Sơn. Sản lượng thạch đen năm 2017 của Lạng Sơn đạt 10,000 tấn, giá trị đạt hơn 200 tỷ đồng. Năm 2018, sản lượng đạt trên 9,600 tấn. Và thị trường tiêu thụ của loại cây này chủ yếu là Trung Cộng. Nhưng từ tháng 9 năm 2018 đến nay, bỗng dưng phía Trung Cộng đã không cho mặt hàng này nhập cảng vào nước họ. Lý do được đưa ra, Trung Cộng áp dụng tiêu chuẩn quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc nông sản, hoa quả, trái cây vào thị trường nước này. Điều này đã gây thiệt hại lớn cho nhiều nông dân tỉnh Lạng Sơn.
Mặc dù năm 2017, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng nhãn hiệu tập thể thạch đen Tràng Định và đã được cấp văn bằng, tuy nhiên do Việt Nam chưa đăng ký mã hàng để xuất vào Trung Cộng, đồng thời cũng chưa nhận được thông tin yêu cầu về chuẩn mực kiểm dịch thực vật của Trung Cộng.
Trước tình hình trên, tỉnh Lạng Sơn phải yêu cầu Bộ Nông nghiệp vào cuộc đề nghị các cơn quan chức năng Trung Cộng cung cấp những thông tin yêu cầu cụ thể để thạch đen đáp ứng được yêu cầu nhập cảng của nước họ. Sự việc trên cho thấy, Bộ Nông nghiệp CSVN đã làm việc một cách thụ động, bỏ mặc nông dân gặp khó khăn đến mức lãnh đạo tỉnh phải kêu cứu.
Được biết, cây thạch đen là loại cây dùng để chế xuất ra các loại thạch, sử dụng cho pha chế các đồ uống, thực phẩm.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/trung-cong-bong-ngung-thu-mua-loai-cay-trong-chu-luc-o-lang-son/

Đại án Oceanbank:

thêm Phó Tổng Giám đốc PVEP bị bắt giữ

Bà Vũ Thị Ngọc Lan, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) bị bắt giữ để điều tra về việc Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản trong vụ đại án Ngân hàng Đại Dương OceanBank.
Truyền thông trong nước loan tin ngày 8 tháng 1, trích dẫn thông báo từ Bộ Công An gửi cho Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí, cho biết bà Lan đã bị bắt hai ngày trước đó.
Theo đó, trong quá trình điều tra mở rộng giai đoạn 2 đại án OceanBank, bà Lan bị bắt giữ do đã lợi dụng chức vụ Phó Tổng giám đốc PVEP để chiếm đoạt hàng tỉ đồng tiền chi lãi ngoài từ phía Ngân hàng Đại Dương.
Trước đó, ông Đỗ Văn Khạnh, nguyên Tổng Giám đốc PVEP cũng bị bắt giữ với cùng cáo buộc như bà Lan.
Cơ quan điều tra Bộ Công an cho biết từ năm 2012-2014, OceanBank đã chi hàng tỷ đồng cho các lãnh đạo PVEP như khoản chăm sóc khách hàng, sau khi ngân hàng này huy động được hàng ngàn tỷ đồng tiền gửi từ các thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Trong quá trình điều tra giai đoạn 1 của vụ đại án OceanBank, ông Hà Văn Thắm, Cựu chủ tịch ngân hàng Đại Dương cho biết ông đã chi trên 76 tỷ đồng lãi ngoài cho Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí.
Sau khai báo này, hàng loạt lãnh đạo ngành dầu khí đã bị bắt.
Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí cũng cho biết nguyên tắc ngành dầu khí không cho phép bất kỳ nhân viên nào nhận tiền chi lãi suất ngoài của các hợp đồng tiền gửi.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vice-general-president-of-petroleum-exploration-and-production-corporation-was-arrested-01082019075114.html

Ông Trần Tuấn Anh xin lỗi

vụ xe biển xanh ra sân bay đón vợ

Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh đã gửi thư xin lỗi sau vụ phu nhân của ông được xe biển xanh đón tại chân cầu thang máy bay ở sân bay Nội Bài hôm 4/1.
Thư xin lỗi “tới toàn thể nhân dân” của ông Trần Tuấn Anh được đăng tải trên Cổng thông tin Bộ Công thương sáng thứ ba ngày 8/1.
Đây được cho là lần đầu hay lần hiếm hoi một quan chức Việt Nam có lời xin lỗi chính thức về hành vi của mình và gia đình.
Brazil đuổi ngay 300 công chức ‘xã hội chủ nghĩa’
Xôn xao việc vợ Bộ trưởng Công thương VN được đón tại chân máy bay
Chống tham nhũng: ‘Trung ương không bao giờ nhụt chí’
Đánh bạc nghìn tỷ: Tướng CA nói về ‘tổ ong’ và ‘não bé’
Trong thư, ông Tuấn Anh giải thích sở dĩ ông có phản hồi chậm là do “đang phải nằm điều trị tích cực tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai theo yêu cầu của Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương”.
Ông xin lỗi các hành khách trên chuyến bay tối ngày 4/1, và “gửi lời xin lỗi đến nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương.”
Chuyện gì đã xảy ra?
Tối 4/1, xuất hiện một vài post trên Facebook của một số Đại biểu Quốc hội và Ủy viên Trung ương có mặt trên chuyến bay VN262 từ TP HCM đi Hà Nội.
Các ý kiến phản ánh vợ ông Trần Tuấn Anh, bà Thủy Hương, một cựu người mẫu, được một đoàn người đi xe biển xanh đến đón tận chân máy bay khiến mọi thành viên trên máy bay lúc đó đều phải đứng nép sang hai bên để nhường đường.
Ngay sau đó, đại diện Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho hay trên truyền thông Việt Nam rằng họ nhận được công văn của Bộ Công thương về việc đi đón tiễn ông Tuấn Anh đi công tác ở Sài Gòn từ 3-4/1.
Xe của Bộ Công thương được được ô tô dẫn đường của Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài – NASCO dẫn vào sân đỗ máy bay theo quy định để đón bộ trưởng Trần Tuấn Anh.
Tuy nhiên, Trực ban điều hành Trung tâm điều hành khai thác Nội Bài của Vietnam Airlines (NOC) cho biết trên chuyến bay VN 262 ngày 4/1 không có bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tờ Tuổi Trẻ đưa tin.
Vụ việc này nhanh chóng làm dư luận trong nước sôi sục với nhiều báo ‘lề phải’ đồng loạt đăng bài. Mạng xã hội cũng tràn ngập nhiều bài viết bày tỏ bức xúc trước sự việc này, thậm chí còn kêu gọi ông Trần Tuấn Anh từ chức.
Mạng xã hội nói gì sau khi có thư xin lỗi?
Viết trên trang Facebook cá nhân, luật sư Trần Vũ Hải cho rằng lời xin lỗi của ông Trần Tuấn Anh cần được trân trọng:
“Ghi nhận về thư xin lỗi của ông Trần Tuấn Anh!
Lần đâu tiên, ở Việt nam, một chính khách đã có thư xin lỗi trang trọng về việc sai của cá nhân và gia đình mình. Thật đang ghi nhận. Nếu suy diễn, nhiều người có thể coi việc sai này là trầm trọng. Nhưng xét thực tế Việt nam, chúng ta cần trân trọng ông Trần Tuấn Anh về lời xin lỗi này.”
Facebooker Nguyễn Hoàng Ánh thì viết:
“Nguyên tắc đầu tiên để phòng ngừa khủng hoảng là “Muốn không ai biết thì đừng làm”!
Còn nguyên tắc xử lý khủng hoảng, nhất là trong truyền thông, luôn là “TELL IT ALL, TELL IT FAST AND TELL THE TRUTH” – Nói Hết, Nói Nhanh và Nói đúng Sự Thật”!
Hy vọng đây là bài học chung cho các quan, cả quan ông và quan bà!”
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46794496

Tiếp tục đồn đoán Kim – Trump ‘gặp nhau ở Việt Nam’

Truyền thông Hàn Quốc và Hoa Kỳ những ngày qua nhiều lần đưa tin về khả năng Việt Nam sẽ là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un.
Hà Nội: địa điểm cho hội nghị Trump-Kim lần 2?
Kim Jong-un cảnh báo ‘sẽ đổi hướng’ vấn đề phi hạt nhân hóa
Mỹ ban hành đạo luật mới để tăng cạnh tranh với Trung Quốc
Năm địa điểm hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim có thể diễn ra
Mới nhất hôm 8/1, báo The Korea Herald đưa tin Hà Nội từng nói với ngoại trưởng Bắc Hàn hồi tháng 11 rằng Việt Nam muốn tổ chức cuộc gặp.
Tờ báo cũng nói Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, khi hai người gặp nhau ở Hàn Quốc đầu tháng 12, hãy ủng hộ việc tổ chức cuộc gặp tại Việt Nam.
The Korea Herald nói Việt Nam muốn tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh ở Đà Nẵng.
Cùng ngày, báo The Korea Times đưa tin Việt Nam “ngày càng có thể là địa điểm khả dĩ nhất”.
Tin không chính thức nói một quan chức ngoại giao Mỹ, Mark Lambert, vừa thăm Việt Nam và Mông Cổ tháng 12.
Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong-ho đã thăm chính thức Việt Nam tháng 11 năm ngoái.
Trong khi đó, trang tin Mỹ CNN hôm 8/1 tường thuật chính phủ Mỹ đã gửi người tới Bangkok, Hà Nội và Hawaii trong lúc đi tìm địa điểm cho khả năng tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và ông Kim Jong Un.
Nguồn tin nói với CNN rằng Mỹ vẫn chưa quyết định nơi nào, và danh sách địa điểm cũng chưa gửi cho Bắc Hàn.
CNN nói sẽ còn cần thêm các cuộc thảo luận để chọn ngày gặp và địa điểm.
Bộ Ngoại giao Mỹ không tiết lộ vòng thảo luận cấp chuyên viên kế tiếp sẽ diễn ra khi nào.
“Các thảo luận đang diễn ra,” một người phát ngôn ngoại giao Mỹ nói với CNN.
“Sẽ còn nhiều thảo luận trước khi chúng tôi đạt được mục tiêu.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46795856

10 năm Việt Nam vào top 15 nước

nông nghiệp phát triển có khả thi?

Trung Khang, RFA
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn trong 10 năm nữa, nông nghiệp Việt Nam vào top 15 quốc gia phát triển nhất thế giới. Liệu việc này có khả thi?
Nông dân tự vươn lên có đủ?
Vị Thủ tướng Việt Nam đưa ra mục tiêu vừa nêu cho ngành nông nghiệp tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hôm 3 tháng 1 năm 2019 ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ chính trị, trước hết phải khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự lực, tự cường vươn lên của nông dân.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng:
Thứ nhất là phải thay đổi được khâu tổ chức sản xuất: chín, mười triệu hộ nông dân nhỏ lẻ phải thu hẹp lại thành vài triệu thôi và số này phải là các trang trại lớn.
-TS. Đặng Kim Sơn
“Ước mong Việt Nam trở thành một nền nông nghiệp tiên tiến là có khả thi. Nhưng vấn đề là chúng ta phải thay đổi từ một nền sản xuất dựa trên mở rộng diện tích, lấy sản lượng làm chính, lấy giá rẻ làm chính, khai thác tài nguyên của tự nhiên và lao động làm chính, cạnh tranh bằng giá rẻ, hướng vào các thị trường dễ tính… sang thành một nền nông nghiệp hướng về giá trị vững bền, công bằng, dựa trên khoa học công nghệ và quản lý. Đây là một bước chuyển có thể nói là hết sức căn bản.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam có thể thực hiện ước mơ trở thành nền nông nghiệp có thứ hạng hay không hoàn toàn tùy thuộc vào việc có tái cơ cấu nông nghiệp thành công hay không? Theo ông, muốn làm được việc đó, phải tác động vào nhiều mặt:
“Thứ nhất là phải thay đổi được khâu tổ chức sản xuất: chín, mười triệu hộ nông dân nhỏ lẻ phải thu hẹp lại thành vài triệu thôi và số này phải là các trang trại lớn. Các hộ nông dân Việt Nam phải liên kết lại với nhau thành các hợp tác xã mạnh. Thứ nữa là phải hình thành nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, các doanh nghiệp này phải trong cả sản xuất, chế biến và kinh doanh.”
Còn Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thì cho rằng, những rào cản thể chế, làm kéo dài  tình trạng đất nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, ảnh hưởng sự phát triển của thị trường đất nông nghiệp Việt Nam là vấn đề hạn điền:
“Mặc dù hiện nay đã tháo gỡ một phần hạn điền, nhưng vẫn không vượt quá 10 lần hạn mức giao đất của nhà nước. Mà hạn mức trước đây ở Đồng bằng sông Cửu Long là 3 hecta và ngoài Đồng bằng sông Cửu Long là 2 hecta, như vậy là 20 hecta và 30 hecta.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ còn cho biết, một quy định cản trở sự phát triển nông nghiệp quy mô lớn là người nông dân không được chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, không được chuyển nhượng cho doanh nghiệp. Theo ông, việc bảo vệ an ninh lương thực là cần thiết, nhưng cần phải xem xét lại.
Một người trồng lúa ở huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết về tình hình thực tế tại địa phương mình:
“Lúa năm nay tốt, cỡ này đang làm đồng… được5 công… về giá cả thì nếu được giá cao thì người nông dân có lợi hơn… vậy thôi… vì ở đây người ta sao mình vậy… Ở đây mình mần là mình chiết công ra mình mần… còn ví dụ như cắt lúa hay cày xới gì thì cơ giới mần không à, mình mướn người ta. Ví dụ như tương lai ở đây có công ty vô hợp tác xã thì lúc đó mình cũng đâu làm nhỏ lẻ được… vì cũng là tập thể.”
Những vướng mắc
Khi tham dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương về “tam nông” hôm 27 tháng 11 năm 2018. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, việc áp dụng tiến bộ khoa học trong nông nghiệp còn yếu, sử dụng công nghệ lạc hậu… dẫn đến 90% hàng nông sản Việt Nam là xuất khẩu nguyên liệu thô, chưa qua chế biến, tỉ lệ thải loại rất cao.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng muốn nông nghiệp Việt Nam vào top 15 quốc gia phát triển thì ngoài yếu tố cơ cấu đất nông nghiệp, nguồn vốn cho nông dân, thì khoa học công nghệ phải rất là mạnh, không những nông dân, doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật, mà cả cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học cũng phải thay đổi, coi nông dân, doanh nghiệp là khách hàng, đưa ra các khoa học kỹ thuật tiến bộ hiện đại. Ngoài ra theo ông, vấn đề vướng mắc nhất đối nông nghiệp Việt Nam hiện nay là việc kết nối với thị trường, ông nói:
Khâu đang vướng mắc nhiều nhất, đó là sản xuất phải kết nối với thị trường, phải hình thành các chính sách chung. Doanh nghiệp phải nắm vững luật chơi quốc tế, phải có thương hiệu, phải có tiêu chuẩn…
-TS. Đặng Kim Sơn

“Khâu đang vướng mắc nhiều nhất, đó là sản xuất phải kết nối với thị trường, phải hình thành các chính sách chung. Doanh nghiệp phải nắm vững luật chơi quốc tế, phải có thương hiệu, phải có tiêu chuẩn… Các tham tán thương mại Việt Nam phải giúp cho người dân Việt Nam liên kết với thị trường quốc tế. Các cơ quan công quyền phải tạo điều kiện thuận lợi về hải quan, kiểm dịch, ngoại giao… để nông sản Việt Nam đi vào thị trường thế giới với giá và chi phí thấp nhất.”
Cũng tại Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cũng trong 10 năm, lĩnh vực chế biến nông sản của Việt Nam phải vào nhóm 10 nước của thế giới. Tuy nhiên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng, đây không chỉ là việc của riêng nền nông nghiệp Việt Nam:
“Chế biến nông sản theo tính thống kê và cách phân chia nền kinh tế của Việt Nam thì nó thuộc nhóm công nghiệp. Mà chiến lược công nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa tập trung vào chế biết nông sản. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải xác định một trong những lợi thế mạnh nhất là nông nghiệp. Muốn phát triển kinh tế thì cả dịch vụ và công nghiệp phải xoay quanh nông nghiệp, dưa vào thế mạnh đó để đưa đất nước đi lên. Rõ ràng chúng ta phải có thay đổi một cách quyết liệt về chiến lược công nghiệp. Tóm lại chúng ta phải bàn đến việc thay đổi cơ cấu nền kinh tế chứ không phải đơn thuần chỉ có nền nông nghiệp.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, những rào cản phải được sửa trong luật để tạo ra một thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp linh động hơn, linh hoạt hơn. Từ đó mới hy vọng tạo ra được nền nông nghiệp đại điền, quy mô lớn, công nghệ cao.
Còn theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nếu quyết tâm thay đổi, quyết tâm hành động, thì 10 năm là rất đủ. Tuy nhiên thời gian dù có kéo dài thêm đến 20 năm, 30 năm, nếu quyết tâm chính trị không đủ mạnh, nếu không huy động được tính sáng tạo, nội lực từ trong dân, thì không thể nào có được sự thay đổi to lớn. Còn nếu Việt Nam cứ giữ cách làm như hiện nay, chậm thay đổi như hiện nay, thì 10 năm chắc chắn là không đủ.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-prime-minister-wants-vietnamese-agriculture-to-reach-the-top-15-in-10-years-01072019132009.html

Nhân quyền Việt Nam 2018:

Nhà tù trong nhà tù (Phần III)

Hòa Ái, phóng viên RFA
Phần III: Nhân quyền Việt Nam: Đấu tranh vì sự tiến bộ của người Việt và nhân loại
Ngăn cản thông tin
Chia sẻ trên trang blog RFA, nhà hoạt động dân chủ-Blogger Nguyễn Tường Thụy ghi nhận năm 2018 là năm đi qua với con số kỷ lục về tù nhân lương tâm bị bắt ở Việt Nam. Blogger Nguyễn Tường Thụy quan sát có 106 người tham gia biểu tình phản đối hai dự Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng bị tuyên án tù và năm 2018 là năm đầu tiên có nhiều người bị bắt vì biểu tình, kể từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Tuy nhiên, con số thực tế về những người bị bắt trong năm 2018 vẫn chưa được thống kê và công bố một cách chính xác. Ông Phạm Bá Hải, Điều phối viên của Hội cựu Tù nhân Lương tâm nói với RFA rằng Chính quyền Việt Nam khống chế thông tin liên quan đến các vụ bắt bớ trong năm vừa qua:
Nhà nước Việt Nam hiện giờ đối phó với vấn đề bắt bớ những người đấu tranh có hai đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất là họ không bao giờ thông tin ngay lập tức trên truyền thông. Trong năm 2018, chúng ta nhận thấy có rất nhiều trường hợp. Đặc điểm thứ hai là họ dùng an ninh địa phương của tỉnh, thành phố, quận, huyện…ở nơi mà người bị bắt đó làm áp lực với thân nhân của gia đình người bị bắt, báo rằng muốn cho con, chồng, anh, chị, em bị án nhẹ hay án nặng thì phải im lặng hay liên hệ, liên lạc với các nhóm lên tiếng. Nếu càng công khai chừng nào thì án càng nặng chừng đó
-Ông Phạm Bá Hải

“Nhà nước Việt Nam hiện giờ đối phó với vấn đề bắt bớ những người đấu tranh có hai đặc điểm. Đặc điểm thứ nhất là họ không bao giờ thông tin ngay lập tức trên truyền thông. Trong năm 2018, chúng ta nhận thấy có rất nhiều trường hợp. Đặc điểm thứ hai là họ dùng an ninh địa phương của tỉnh, thành phố, quận, huyện…ở nơi mà người bị bắt đó làm áp lực với thân nhân của gia đình người bị bắt, báo rằng muốn cho con, chồng, anh, chị, em bị án nhẹ hay án nặng thì phải im lặng hay liên hệ, liên lạc với các nhóm lên tiếng. Nếu càng công khai chừng nào thì án càng nặng chừng đó.”
Tình trạng các tù nhân lương tâm và tù nhân chính trị bị đối xử hà khắc tại các trại giam, mà giới đấu tranh dân chủ trong nước gọi là “nhà tù trong nhà tù” cũng không được phản ảnh đến công luận quốc tế. Tin tức bị bưng bít. Những thông tin được thông báo đến thân nhân của các tù nhân này là điều vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, việc chuyển tải thông tin liên quan trên các trang mạng xã hội cũng không phải là dễ dàng. Mặc dù Luật An ninh mạng có hiệu lực vào đầu năm 2019, thế nhưng các cư dân mạng gặp nhiều trở ngại trong việc bày tỏ chính kiến và tham gia truyền thông mạng xã hội trong năm 2018.
Luật An ninh mạng và Tự do ngôn luận
Nhà hoạt động dân chủ-Facebooker Đinh Quang Tuyến từng lên tiếng khẳng định với RFA rằng tất cả dân chúng tại Việt Nam, kể cả Quốc Hội trở thành nô lệ một cách tuyệt đối của công an qua Luật An ninh mạng. Điều này được giới đấu tranh nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam giải thích rằng Nhà nước và Bộ Công An Việt Nam dùng Luật An ninh mạng để khống chế các quyền được hiến định của công dân, như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do truyền thông và như thế đồng nghĩa với tình hình nhân quyền Việt Nam càng trở nên đen tối hơn kể từ khi Luật An ninh mạng có hiệu lực.

Kêu gọi quốc tế can thiệp
Những cá nhân và tổ chức hoạt động nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc, cho biết Chính quyền Hà Nội càng đàn áp bao nhiêu thì họ tin rằng tiếng nói của họ càng được lan tỏa bấy nhiêu. Trong những năm vừa qua, các tổ chức nhân quyền thế giới như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền-Human Rights Watch, Tổ chức Ân xá Quốc tế-Amnesty International, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam…luôn đồng hành cùng với người dân Việt Nam, lên tiếng phản đối những vi phạm nhân quyền của Chính phủ Hà Nội. Song song đó, giới chức của các chính phủ trên thế giới cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Đại diện của nhiều đại sứ, lãnh sự thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Điển hình vào tháng 5, năm 2018, phái đoàn ngoại giao của Châu Âu và Hoa Kỳ gặp gỡ với giới bất đồng chính kiến tại Sài Gòn, trong bối cảnh Hiệp định Tự do Mậu dịch Châu Âu-Việt Nam bước vào giai đoạn phê chuẩn và trước thềm Đối thoại Nhân quyền Việt-Mỹ. Ông Phạm Bá Hải, thuật lại nội dung chính của buổi gặp gỡ:
“Trong cuộc gặp đó thì chúng tôi trình bày rất nhiều vấn đề đất đai, vấn đề tôn giáo và vấn đề tù nhân lương tâm. Điều mà họ quan tâm nhất đương nhiên là vấn đề quyền của người lao động. Chúng tôi cũng đề cập đến quyền của người lao động tại Việt Nam. Tại thời điểm đó, ba người chúng tôi đều đề nghị phải đặt vấn đề nhân quyền, bởi vì thế giới không thể tạo điều kiện cho Nhà nước Việt Nam, một nhà nước độc tài vi phạm nhân quyền và làm ăn với họ bằng những sản phẩm của những người lao động mà quyền lợi của họ không được tôn trọng.”
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm-Ký giả Trương Minh Đức cùng với thân nhân của 3 tù nhân chính trị, là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, có cuộc gặp gỡ với đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ vào trung tuần tháng 12 năm 2018 để nhờ can thiệp với Nhà nước Việt Nam trả tự do cho các tù nhân bị tuyên án “lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều luật 79, Bộ Luật Hình Sự năm 2015.
Hội đồng Nhân quyền LHQ phải gửi những báo cáo viên về các vấn đề trầm trọng tại Việt Nam về Việt Nam điều tra, thì lúc đó LHQ mới thấy rõ được sự thật của những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền trong nước đã đòi hỏi hay các xã hội nhân sự đã nêu những vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng. Như vậy, LHQ mới có thể có được một thái độ và một hành xử như thế nào để bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thay đổi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
-Ông Võ Văn Ái

“Hôm đó, chúng tôi yêu cầu đại sứ quán làm sao cố gắng can thiệp để trả tự do cho thân nhân của chúng tôi vô điều kiện và nhanh nhất, bởi vì họ không có tội. Cô Jessica cũng lặp lại là ‘mới có ý định chuẩn bị, chứ chưa có phạm tội, nên không phải là có tội. Theo các quy định đó thì cái án chỉ có 5 năm trở lại.’ Cô Jessica cũng nói là muốn dùng áp lực hoặc đề cập đến vấn đề đấy để nhà cầm quyền Việt Nam thi hành điều đó.”
Trước kỳ Kiểm điểm định kỳ Phổ quát Toàn cầu (UPR) chu kỳ 3 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ), sẽ diễn ra vào ngày 22/01/19 tới đây, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, trụ sở ở Paris, Pháp cho RFA biết một số tổ chức nhân quyền thế giới và giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam cũng đưa ra kiến nghị đến Hội đồng Nhân quyền LHQ rằng:
“Hội đồng Nhân quyền LHQ phải gửi những báo cáo viên về các vấn đề trầm trọng tại Việt Nam về Việt Nam điều tra, thì lúc đó LHQ mới thấy rõ được sự thật của những nhà đấu tranh bảo vệ nhân quyền trong nước đã đòi hỏi hay các xã hội nhân sự đã nêu những vấn đề vi phạm nhân quyền trầm trọng. Như vậy, LHQ mới có thể có được một thái độ và một hành xử như thế nào để bắt buộc nhà cầm quyền Việt Nam phải thay đổi tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.”
Trong khi nhiều người dân ở Việt Nam bị bắt bớ và giam cầm trong năm 2018 do biểu tình và bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận 21 đại sứ và phó đại sứ nước ngoài tại Việt Nam cùng đọc bản tuyên ngôn nhân quyền nhân Ngày Nhân quyền Quốc tế vào ngày 10 tháng 12. Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrik còn kêu gọi trên trang Facebook cá nhân rằng hãy cùng chia sẻ video clip này để “tôn vinh các quyền phổ quát và không thể tách rời”, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng.
Chúng tôi xin được khép lại loạt bài ghi nhận về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm 2018 với lời tuyên bố của giới đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở trong nước rằng dù cho Luật An ninh mạng có thể trở thành một gọng kềm xiết chặt hơn nữa quyền tự do bày tỏ chính kiến, là quyền căn bản nhất của người dân Việt Nam và dù xã hội Việt Nam trở thành một “nhà tù” vì dân chúng bị tước đi các quyền phổ quát của họ thì họ vẫn kiên cường đấu tranh vì sự tiến bộ, văn minh của nhân loại, trong đó có cả 96 triệu người tại Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-vn-2018-prisons-within-prisons-part3-01082019104017.html

Vừa làm ‘Tổng – Chủ’, nay lại là ‘đồng thủ tướng’

Quên và nhớ
Chỉ có thể là thâm ý của Nguyễn Phú Trọng – một ‘người Bắc, có lý luận’ và không thiếu chất thâm nho. Trừ ra những phát ngôn trên trời về ‘đất nước ta có bao giờ được như thế này không’ mà hầu như chẳng đoái hoài gì đến ngày càng nhiều người dân bị bần cùng hóa như thời thực dân – một sự thật chứng minh rằng ông ta đã quên hẳn dân chúng, Trọng lại chẳng hề bỏ ngoài trí nhớ những chuyện vặt vãnh, tiểu xảo và lục đục quyền lực trong nội bộ đảng của mình.
Ngày 28 tháng 12 năm 2018, người vừa trở thành ‘tổng chủ’ đã nghiễm nhiên dự hội nghị của chính phủ với các địa phương và lãnh luôn trách nhiệm ‘phát biểu chỉ đạo’, mà không phải là vai trò của Thủ tướng Phúc được nói lời cuối cùng. Đó là cách mà Nguyễn Phú Trọng đã kỷ niệm tròn một năm kể từ lần đầu tiên ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’ vào cuối năm 2017.
Hình ảnh trên cũng rất giống với thế ngồi ngay chính giữa – vị trí chủ tọa – của Ủy viên thường vụ đảng ủy công an trung ương Nguyễn Phú Trọng, trong khi bí thư cơ quan này là Bộ trưởng công an Tô Lâm thì chỉ ngồi kế bên như thể ‘chầu rìa’.
Sau khi giải pháp ‘tình huống’ liên quan đến việc Tổng bí thư Trọng ngay lập tức kế vị người vừa chết là Trần Đại Quang chính thức ập tới với một tốc độ nhanh chưa từng thấy để nghiễm nhiên nảy bật danh vọng ‘tổng – chủ’ của cơ chế ‘hai trong một’, dân gian thậm chí còn bắt đầu nghĩ đến một cách gọi khác cho thể chế ‘ba trong một’: chẳng hạn như tổng – chủ – thủ…
Còn nhớ vào tháng Mười Hai năm 2018, người đứng đầu bên đảng – Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – đã làm được một việc mà các đời tổng bí thư trước đó hiếm khi làm được, còn các đời chủ tịch nước như Trương Tấn Sang khóa 11 đã không làm được và Trần Đại Quang khóa 12 cho đến khi chết cũng không thể làm được: ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’.
Sự kiện Tổng bí thư Trọng ‘dự và chỉ đạo họp chính phủ’ diễn ra sau Hội nghị trung ương 6 vào đầu tháng 10/2017 với một nội dung cốt tủy của hội nghị này: nhất thể hóa chức danh đảng và nhà nước.
Ông Trọng đã có ý muốn làm…tổng thống?
Khi đó, Hội nghị trung ương 6 đã ‘định hướng’ một số giải pháp như: phải sắp xếp lại theo hướng sáp nhập những bộ phận có cùng chức năng lại với nhau. Ví dụ như Ủy ban Kiểm tra Trung ương có thể sáp nhập với Thanh tra Chính phủ; Ban Tổ chức Trung ương có thể nhập với Bộ Nội vụ; Bộ Kế hoạch Đầu tư có thể gắn với Bộ Tài chính. Hay các đảng ủy khối từ trung ương đến tỉnh, thành, các đảng ủy khối doanh nghiệp, khối cơ quan, khối Dân chính đảng, Đảng ủy khối doanh nhiệp tư nhân cũng là tầng nấc trung gian, nếu không có tổ chức này, hoạt động của Đảng vẫn tồn tại và phát triển. Hoặc Bí thư giữ chức Chủ tịch một địa phương; người đứng đầu một đơn vị của Nhà nước phải là Bí thư Đảng ủy của cơ quan ấy. Nhất thể hóa như vậy, một người làm việc của hai người, quyền lực sẽ tập trung hơn và sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước…
Chủ trương nhất thể hóa trên lại được hỗ trợ đắc lực bởi một quy định về ‘luân chuyển cán bộ’ do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành vào ngày 7/10/2017.
Trong khi đó, ‘đảng tràn sang chính quyền’ là một cụm từ mà dân gian ví von với chiến dịch nhất thể hóa. Theo bản phác họa này, nếu đà nhất thể hóa thuận lợi, lẽ đương nhiên bên đảng và do đó tổng bí thư sẽ ‘nắm’ hết. Mô hình ‘đảng quản lý’ thay cho ‘đảng lãnh đạo’ sẽ ứng với hai chức danh chính là tổng bí thư và thủ tướng mà không quá cần thiết vai trò chủ tịch nước.
Khó mà hiểu khác hơn, logic của phương án ‘bí thư kiêm chủ tịch tỉnh’ sẽ hầu như phải dẫn đến đến kết quả vai trò của tổng bí thư được ‘nâng lên một tầm cao mới’, cao đến mức mà hiểu theo cách nào đó có thể so sánh với mô hình “cộng hòa tổng thống” của phương Tây, tức tổng thống mới là người có quyền lực thực sự và cất tiếng nói cuối cùng để giải quyết các vấn đề quốc gia, chứ không phải thủ tướng.
Khi đó và về thực chất, nhân vật chủ tịch nước kiêm tổng bí thư ở Việt Nam có thể chỉ một bước là nhảy sang mô hình cộng hòa phương Tây, nghĩa là trở thành tổng thống.
Đó cũng có thể là cách để ông Nguyễn Phú Trọng trở thành một ‘hành pháp Obama’ như ở Hoa Kỳ, sẽ điều hành một nước Việt hỗn loạn ở độ tuổi gần tám chục mà chẳng cần đến vai trò của bất cứ thủ tướng nào.
Dù khả năng trên có thể làm hại đến sức khỏe của một người cần đến sự an dưỡng ngủ nghê hơn là nháo nhào quần quật với cái chính trường đến phát đau dạ dày với nhiều trò đâm dao sau lưng và thanh trừng nội bộ, nhưng sau vụ ‘tổng – chủ’ vào tháng Mười năm 2018 thì không có gì là không thể.
Sẽ có hai thủ tướng ở Việt Nam?
Thể chế ‘tổng – chủ – thủ’ hay ‘đồng thủ tướng’ hoàn toàn có thể xuất phát từ lý do ông Trọng sốt ruột trước tình trạng ‘đốt lò’ bên khối chính phủ vẫn lạnh như băng, hoặc có nhúc nhích thì cũng chỉ cho có và do vậy sẽ phải khiến đảng nhúng tay vào công tác ‘làm nhân sự’ của khối chính phủ; hoặc tiến độ thu thuế của chính phủ ngày càng trì trệ và bất lực mà khiến ảnh hưởng trầm trọng đến hàng chục ngàn miệng ăn của khối đảng và văn phòng chủ tịch nước; hoặc một số vấn nạn kinh tế – xã hội khác mà thủ tướng đương nhiệm, không biết vì những nguyên do ẩn giấu hay đủ ‘nhạy cảm chính trị’ nào, đã không thể giải quyết hay xử lý một cách rốt ráo khiến vai trò ‘tổng – chủ’ trở nên mất uy tín trong mắt bàn dân thiên hạ; chưa kể đến việc chính phủ thực thi những điều ước quốc tế ra sao sẽ liên đới trực tiếp đến uy tín và trách nhiệm ký kết của ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng’…
Với phương châm bám sát thực tế, triển vọng ‘đảng không làm thay mà đảng làm luôn’ là rất gần gũi và hấp dẫn. Khó mà hình dung khác hơn là từ đây đến đại hội 13 vào năm 2021, chỉ cần điều kiện sức khỏe không đến nỗi tệ, Chủ tịch Trọng sẽ tăng cường ‘dự họp và chỉ đạo chính phủ’ một cách thường xuyên và kể cả đột xuất.
Ngay trước mắt, trong tương lai hết sức ngắn hạn và hết sức tranh thủ thời gian, sẽ là những chuyến công du nước ngoài, đặc biệt là tham vọng xuất hiện ngay giữa thủ đô của quốc gia đã từng bị Việt Nam coi là ‘kẻ thù số một’, Hoa Kỳ, của ‘tân chủ tịch nước’ – người mà trước đó đã chỉ bị quốc tế nhìn như một ‘đảng trưởng’ và chẳng có nội lực đáng kể nào để có thể quyết định những chương trình, dự án lớn về kinh tế.
Nếu trong những chuyến công du quốc tế từ năm 2017 đến nay ở Trung Quốc, Pháp, Nga, Hungary, Tổng bí thư Trọng chỉ mang theo bầu đoàn chủ yếu là các quan chức khối đảng, thì gần như không thể nghi ngờ rằng ông ta sẽ tái cấu trúc lại đội hình mang theo trong những chuyến công du đối ngoại trong năm 2019, bao gồm các bộ trưởng khối kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước… Nhưng tiêu biểu hơn sẽ là hình ảnh ‘tân chủ tịch nước’ cùng với quan khách nước chủ nhà chứng kiến những buổi lễ ký kết các hợp đồng chi tiết về làm ăn kiếm tiền giữa Việt Nam và thế giới – y hệt hoạt động người thực việc thực của Nguyễn Tấn Dũng trong các chuyến đi Mỹ và châu Âu vào thời ông ta còn chưa phải ‘trở về làm người tử tế’.
Khi đó và một cách nào đó, Việt Nam sẽ tồn tại song song hai thủ tướng.
Cuối cùng khi hiện ra kịch bản ‘tổng – chủ’ sẽ ‘kiêm thủ tướng’ theo một cách nào đó trong tương lai không xa – mà cơ chế ‘dự và chỉ đạo họp chính phủ’ và hoạt động công du đối ngoại có thể là những dấu hiệu đầu tiên của ‘nhất thể hóa đảng và chính phủ’ – thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc sẽ ‘về’ đâu?
https://www.voatiengviet.com/a/nguyen-phu-trong-xuan-phuc-dong-thu-tuong/4732519.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.