Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 20/01/2019

Monday, January 21, 2019 6:08:00 AM // ,


Tin Việt Nam – 20/01/2019

Hai nhà hoạt động bị mật vụ CSVN đánh đập

trong ngày tưởng niệm Hoàng Sa

Tin từ Việt Nam – Hai nhà hoạt động Dương Thị Tân và Trương Văn Dũng bị mật vụ CSVN đánh đập trong ngày tưởng niệm lần thứ 45 ngày Hoàng Sa bị rơi vào tay Trung Cộng. Nhà hoạt động Trương Văn Dũng ở Hà Nội chỉ bị xây xước nhẹ, trong khi bà Dương Thị Tân bị chấn thương nặng và phải cấp cứu.
Bà Dương Thị Tân, một nhà hoạt động nhân quyền rất tích cực ở Sài Gòn, cho biết sáng hôm nay bà định đi tham dự lễ an táng ông Phạm Năng Tĩnh thì bị ngăn cản ở ngay cổng chung cư nơi bà sinh sống. Bà bị một nhóm mật vụ đánh đập đến bất tỉnh. Bà được chúng mang đi cấp cứu ở bệnh viện, và tại đây bà được chẩn đoán là bị chấn thương cột sống. Theo bác sỹ, bà phải đeo đai để cố định cột sống.  Khi bà yêu cầu nhóm mật vụ mua thuốc và thiết bị y tế theo đơn thì chúng lảng tránh, đùn đầy và vứt đơn thuốc lại cho bà. Đây là vụ đánh đập nhằm vào bà Tân trong vòng hai tuần. Trước đó, trong ngày cướp đất và phá huỷ 200 căn nhà ở Lộc Hưng, mật vụ Sài Gòn bắt giữ con trai bà Nguyễn Trí Dũng và đánh đập bà ở chung cư.
Trong khi đó, nhà hoạt động Trương Văn Dũng bị mật vụ Hà Nội theo dõi trong ngày ông đi đến tượng đài Lý Thái Tổ để thắp hương tưởng niệm 74 chiến sỹ hải quân của Việt Nam Cộng hoà bị Trung cộng giết hại khi chúng tấn công chiếm Hoàng Sa vào ngày 19/01/1974. Trên đường trở về nhà, ông bị hai tên mật vụ tấn công, đấm vào người và đá vào bụng. Cuộc tấn công diễn ra trước sự chứng kiến của nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh, và hai tên mật vụ là những tên thường xuyên đến gần nhà riêng của ông để canh giữ mỗi khi có sự kiện.
CSVN thường xuyên sử dụng mật vụ và côn đồ để đánh đập người bất đồng chính kiến. Hậu quả của những vụ tấn công này là nhiều nhà hoạt động bị chấn thương nặng.
Quốc Tuấn

Tưởng Niệm Hoàng Sa

Trần Khải
Vậy là tròn 45 năm hải chiến Hoàng Sa.
Ngày hải chiến: 19 tháng 1 năm 1974. Kết quả: Quần đảo Hoàng Sa bị Hải quân Trung Quốc chiếm.
Hải chiến Hoàng Sa là một trận chiến giữa Hải quân Việt Nam Cộng hòa và Hải quân Trung Quốc xảy ra vào ngày 19 tháng 1 năm 1974 trên quần đảo Hoàng Sa. Cả hai phía đều tuyên bố có chủ quyền ở quần đảo này, trong khi Liên hiệp quốc không xác nhận chủ quyền của bất kỳ nước nào ở Hoàng Sa, dẫn tới các tranh chấp về chủ quyền, cuối cùng tạo ra xung đột.
Trận Hải Chiến Hoàng Sa có kết quả về thiệt hại.
Hải quân TQ:
– 4 tàu bị hư hại.
– 18 thủy thủ chết.
– 67 bị thương.
Thiệt Hại về phía VNCH:
– 1 hộ tống hạm chìm, 3 khu trục hạm hư hỏng nặng.
– 74 thủy thủ chết.
– 16 bị thương.
– 48 bị bắt làm tù binh.
Hoa Kỳ: 1 cố vấn bị TQ bắt.
Khi Hải chiến Hoàng sa bùng nổi, hai miền Nam-Bắc VN còn phân ly, ở hai chiến tuyến Quốc-Cộng.
Tuy nhiên, từ Miền Bắc, một người ẩn danh đã làm một bài thơ tưởng niệm Hoàng Sa. Cho tới bây giờ, vẫn chưa rõ ai là tác giả bài thơ này.
Sau đây là các thông tin tổng hợp.
Thơ của người khuyết danh từ Bắc Việt viết về trận hải chiến Hoàng Sa. Blog Osin (của nhà báo Huy Đức) có lời dẫn trước bài này, như sau.
Ai Là Tác Giả Bài Thơ “Tưởng Niệm Hoàng Sa”?
Anh ruột tôi là 1 liệt sĩ hy sinh trên chiến hạm HQ 10, Nhật Tảo. Mấy chục năm nay tôi đã đọc biết bao nhiêu bài thơ, đoạn văn viết để tri ân các liệt sĩ anh hùng. Có một bài thơ thật đặc biệt với tôi vì nó được viết bởi 1 người miền bắc (khuyết danh) năm 1974. Theo đặc san Quảng Đà phát hành ở thủ đô Hoa thịnh Đốn, Hoa Kỳ, năm 2005 (Trang 84), bài thơ này đã được gửi từ miền bắc Việt Nam sang Pháp rồi từ đó chuyển về miền nam Việt Nam năm 1974 sau trận Hoảng Sa. Tôi đọc bài thơ này không biết bao nhiêu lần không chán… Lời thơ thật cảm động, sẻ chia và cũng đầy hùng khí. Vì tình hình chính trị năm 1974 Tác giả đã không thể để tên của mình. Hy vọng bây giờ với internet, chúng ta có thể tìm ra danh tánh của vị tác giả bài thơ này (Vũ Nam Nhuận ở Virginia, Mỹ)
Tưởng niệm Hoàng Sa
Xin kể thêm tôi thành 19 triệu một người
Trái tim tôi đập về trong đó
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng Sa, Hoàng Sa
Cái tên nghe buồn từ thuở ban sơ
Đối với tôi đã là da thịt
Dẫu chỉ là một mảnh san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trong sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa
Từ biển ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những ước mơ
Đếm bao người vợ đợi chờ
Em ơi, trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi, thành 19 triệu một người
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành, ngăn triền sóng dữ
Giữ không cho rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi chính mỗi giọt máu đào, bao đời cha ông nhỏ xuống
Người bạn hải quân miền nam ơi
Trên đảo mù sương hôm đó có tay anh cầm súng
Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
Tôi thấy pháo anh giương nòng sừng sựng
Cuộc chiến đấu kết thúc dù bị thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm giữa sóng
Đáy biển âm thầm ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta
Một thi sĩ miền Bắc khuyết danh (1974)

Người dân Vườn rau Lộc Hưng nói gì

về tin 8 hộ đã nhận hỗ trợ 8 tỷ đồng?

Báo Sài Gòn Giải Phóng vào ngày 20/1 cho hay đến chiều 19/1/2019 đã có 8 hộ dân ở Vườn rau Lộc Hưng đã nhận hỗ trợ 8,03 tỷ đồng từ UBND phường 6, quận Tân Bình, TPHCM cho diện tích 2.273m2 đất canh tác trồng rau lâu năm.
Thông tin trên báo SGGP cho hay, đây là số tiền hỗ trợ đợt 1 (50%), và các hộ dân này sẽ tiếp tục nhận một số tiền tương ứng sau Tết Nguyên đán 2019.
Đồng thời mỗi gia đình nhận được 6 triệu đồng hỗ trợ Tết nguyên đán và thưởng 5 triệu đồng/hộ vì đã đồng thuận với chủ trương, chính sách hỗ trợ của địa phương, tiến hành kê khai trước Tết Nguyên đán 2019.
Riêng các hộ có hoa màu bị hư hỏng trong đợt tháo dỡ công trình xây dựng trái pháp luật vừa qua, phường cũng hỗ trợ 5 trường hợp với tổng số tiền 66 triệu đồng.
Tối ngày 20/1/2019, ông Cao Hà Chánh, một người thuộc ban đại diện Vườn rau Lộc Hưng xác nhận thông tin này trên báo chí là chính xác, nhưng nói thêm đây là những hộ dân có người nhà làm cho chính quyền.
Như anh vừa nói, rõ ràng là có thể là những hộ khác, vì bên này khoanh vùng số lượng người rồi. Từ trước năm 1999-2001 thì rõ ràng số như họ cung cấp (có 8 hộ nhận hỗ trợ 8.03 tỷ đồng – PV) là 5 nhà có đất là cán bộ phường và quận. Sau đó có nhân lên do họ chia cho con thì không biết số lượng như thế nào, cộng với 7 hộ bên phía đường Chánh Hưng.
Trước đây có mương tập thể để cho chảy nước qua đó (đường Chánh Hưng) thì lúc sau này không xài con mương nữa, vì chính quyền quận làm một cống hộp lớn trên đường Bắc Hải và họ lấp con mương này lại, các hộ dân đối diện đó qua chiếm và bán vớ vẩn.
Năm 2001-2003, phường có chủ trương dụ những người này ra và hợp thức hóa cho họ những việc lấn chiếm đó. Ngay lập tức là những cuộc họp sau đó đưa họ vào để làm đối lập với bên này, họ ký hợp đồng với bên chính quyền,” ông Cao Hà Chánh nói qua điện thoại.
Đài Á Châu Tự Do chưa liên hệ được với nhận hộ dân chấp nhận tiền đền bù để nghe ý kiến của họ.
Tuy nhận được tiền hỗ trợ, nhưng theo ông Cao Hà Chánh, những người dân này không nhận được biên nhận hay hóa đơn cho số tiền đã ký nhận.
Như chúng tôi đã thông tin, trong 2 ngày 4 và 8/1, chính quyền phường 6 quận Tân Bình đem lực lượng cưỡng chế xuống Vườn rau Lộc Hưng tháo dỡ 112 căn nhà mà theo chính quyền là “xây dựng trái phép”.
Tuy nhiên người dân cho hay có khoảng 200 căn nhà bị đập nát, chính quyền sau đó cũng cho người dọn sạch xà bần, sắt vụn và đồ đạc của người dân với lý do là “sẽ để người dân nhận lại sau đó”.
Xà bần, sắt thép cũng được nhà nước dọn sạch sau đó, đồng thời cắm bảng dự án xây dựng cụm trường học đạt chuẩn quốc gia trên khu đất của người dân.
Ngày 16/1/2019 nhóm 17 luật sư nhận hỗ trợ pháp lý cho 20 hộ dân Vườn rau Lộc Hưng ra Thông cáo báo chí số 1 khẳng định “trong thời gian vừa qua, có một số báo chí đã đưa tin một chiều, không khách quan”, đồng thời người dân tại đây cũng gửi đơn kêu cứu khẩn cấp về sự việc “bị cưỡng chế thu hồi đất và bị đập phá tháo dỡ nhà trái pháp luật”.
Qua ngày hôm sau, các hộ dân này đem đơn kêu cứu khẩn cấp đi gửi các cơ quan công quyền, tuy nhiên Văn phòng Đại biểu Quốc hội TPHCM từ chối nhận đơn mà không nêu lý do.
Văn phòng tiếp công dân của UBND thành phố có nhận đơn và thống kê có 172 hộ dân ký tên kêu cứu về các hành động của chính quyền quận Tân Bình.

Cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng lại bị khởi tố

Cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng lại bị khởi tố, điều tra trong một vụ án mới liên quan đến Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (hay còn gọi là vụ án Ethanol Phú Thọ). Cổng thông tin của Bộ Công an đăng tin này vào ngày 20/1.
Theo Bộ Công an, cơ quan A?n ninh Điều tra Bộ Công an đang mở rộng điều tra vụ án “vi phạm quy địnhvề đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ethanol Phú Thọ. Ông Thăng bị khởi tố, điều tra theo điều 224 Bộ luật Hình Sự.
Hiện tại, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đang phải thu án tù 30 năm với tội danh là “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và tội cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại dương (Ocean Bank)
Ngoài ông Thăng, cơ quan An ninh điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trần Thị Bình – nguyên Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Kể từ năm 2017 đến nay, hàng chục quan chức thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phải ra hầu toà và chịu các án tù nhiều năm về các tội liên quan đến tham nhũng và cố ý làm trái. Hai nhân vật gây nhiều chú ý nhất là ông Đinh La Thăng, cựu uỷ viên Bộ Chính trị và Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Công dân Anh quốc lập dự án lặn dưới biển,

hướng dẫn người Việt bảo vệ môi sinh

Không phải là người ngoại quốc đầu tiên tình nguyện thu nhặt rác để giữ bãi biển được sạch sẽ, trong lành, nhưng Harrie Kerley có lẽ là người ngoại quốc đầu tiên thiết lập và thực hiện dự án nâng cao nhận thức của người dân địa phương về sự ô nhiễm môi sinh vì chất thải nhựa tại Việt Nam. Harrie Kerley, 32 tuổi, cư dân Amesbury, một thị trấn ở Wiltshire của nước Anh nổi tiếng với tượng đài lịch sử Stonehenge đã rời quê nhà từ năm 2012 để theo đuổi công việc bảo vệ môi sinh ở hải ngoại.
Ông thiết lập dự án Scuba (lặn dưới biển) để nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về sự nguy hiểm của nạn ô nhiễm lan tràn vì các loại rác nylon; giáo dục người dân địa phương về giá trị của tài nguyên biển khắp thế giới, và phương cách quản trị ngành du lịch vững bền.
Theo báo mạng salisburyjournal thì dự án Scuba đã được khởi động ngày 9 tháng 12 năm 2018, Harrie cùng với các thiện nguyện viên bắt tay vào việc thu nhặt rác tại nhiều địa điểm, từ Sài Gòn, Vĩnh Lương, đến Hội An, Đà Nẵng và Ninh Bình, với khoảng 250 thiện nguyện viên được tuyển mộ trong cuộc hành trình. Tính đến nay, Harrie và nhóm thiện nguyện viên đã thu nhặt tổng cộng 532 bao nhựa và thu dọn 3,300 kg rác tại các thành phố, bờ biển, các vùng núi và công viên quốc gia.
Mục tiêu của dự án Scuba trong tương lai còn gồm việc khuyến khích thực hiện mọi sáng kiến dọn sạch chất thải nhựa và dạy người Việt Nam bơi lội. Scuba là dự án vô vị lợi do Harrie thành lập, và sẵn sàng tiếp nhận ngân quỹ đóng góp của tất cả mọi người.
Song Châu

Hoàng Sa: Hết đỏ lại xanh!

Thứ bảy này – 19 tháng 1 năm 2019 – là tròn 45 năm Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (19 tháng 1 năm 1974).
Nhiều năm gần đây, cứ vào dịp này, những người Việt sử dụng mạng xã hội lại nhắc lẫn nhau đừng quên một phần lãnh thổ đang nằm trong tay ngoại bang và năm nay, tất nhiên cũng thế. Chỉ có một điều khác với thông lệ là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức của Việt Nam cũng… nhắc.
Ở Đà Nẵng, một “Đoàn công tác” của UBND huyện Hoàng Sa (cơ quan hành chính mà trên danh nghĩa đang quản lý – điều hành quần đảo Hoàng Sa) đã đến thăm các cá nhân từng sống, làm việc tại quần đảo Hoàng Sa trước khi toàn bộ quần đảo này bị Trung uốc cưỡng chiếm (1).
Năm nay còn có hai cơ quan trực thuộc Thành Đoàn TP.HCM (Báo Tuổi Trẻ, Nhà Văn hóa Thanh Niên) và một doanh nghiệp của Thành ủy TP.HCM ra Quảng Nam và Đà Nẵng tổ chức ngày hội có tên là “Mùa xuân biển đảo” như một cách nhắc nhở, khơi gợi ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền quốc gia ở biển Đông (2).
Chưa kể, một số cơ quan truyền thông chính thức như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM,… còn đăng hàng loạt tin, bài vừa nhằm khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa, vừa lên án hành động xâm lăng của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông.
Dẫu có ít nhất ba bài liên quan đến sự kiện 19 tháng 1, dẫu dẫn ý kiến của một số cá nhân từng sống và làm việc tại quần đảo Hoàng Sa như những nhân chứng cho sự thật: Hoàng Sa là của Việt Nam (!), dẫu đưa ý kiến của ông Võ Ngọc Đồng, nhân vật đang giữ vai trò Chủ tịch huyện Hoàng Sa làm tựa cho bài tường thuật về hoạt động của “Đoàn công tác” vào dịp tròn 45 năm Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa cùa Việt Nam (Người Việt Nam vẫn luôn khắc cốt ghi tâm về ngày 19 tháng 1) nhưng tờ Tuổi Trẻ đóng chặt diễn đàn của cả ba bài để độc giả không thể nói ra, nói vào.
Khác với Tuổi Trẻ, Thanh Niên mở diễn đàn cho bài “45 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam: Mưu đồ độc chiếm Biển Đông” và tính đến 10 giờ 30 tối 18 tháng 1 năm 2019, có 42 độc giả bình luận về bài viết này. Cả 42 bình luận ấy chỉ xoay quanh vài ý: Khen tờ báo dũng cảm! Cảm ơn vì công khai đề cập tới sự thật. Bất ngờ vì đã lâu lắm không thấy báo chí chính thức, trong đó có cả Thanh Niên nhắc đến Hoàng Sa và vạch trần dã tâm của Trung Quốc. Khẳng định sẽ ủng hộ tờ báo và hy vọng Thanh Niên sẽ còn tiếp tục nói nữa (3)!
Chắc chắn khi mở diễn đàn cho độc giả gửi bình luận, tờ Thanh Niên đã tổ chức canh gác diễn đàn rất chặt chẽ, kiểm soát các bình luận rất kỹ để ấn phẩm online không bị đình bản ba tháng như tờ Tuổi Trẻ, song các bình luận dù chỉ khen vẫn tạo cho thiên hạ cảm giác nghi ngại: Chẳng lẽ Hoàng Sa của Trung Quốc? Chẳng lẽ Việt Nam đã bị thống thuộc nên không dũng cảm, không dám đề cập? Chỉ cần khẳng định sự thật, Hoàng Sa là của Việt Nam, nhắc nhở người Việt rằng Trung Quốc đã chiếm đóng lãnh thổ của họ suốt 45 năm và dã tâm của Trung Quốc không chỉ có vậy… đã đủ khiến họ cảm động, tri ân?
Tại sao lại kỳ quái như vậy?
***
Hoàng Sa tất nhiên là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam và rõ ràng Trung Quốc đã cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là sự thật nhưng được đề cập đến những điều đó hay không lại là chuyện khác. Thực tế cho thấy, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Việt Nam đã thiết lập hệ thống đèn tín hiệu riêng cho việc đề cập đến Hoàng Sa nói riêng cũng như biển Đông nói chung.
Lúc này, hệ thống đèn tín hiệu ấy đang xanh, song nó đã từng đỏ nhiều lần, thậm chí sắc đỏ của hệ thống đèn còn đỏ hơn vì máu của những cá nhân dám kháng cự lệnh không được bày tỏ. Lê Đức Dục, tác giả bài “Tình yêu biển đảo và lời nhắc nhớ” mà tờ Tuổi Trẻ mới đăng hôm 17 tháng 1, vừa ôn lại trên facebook chuyện xảy ra cách nay năm năm, cũng vào dịp người Việt muốn nhắc nhau nhớ về quần đảo Hoàng Sa.
Vào trung tuần tháng 1 năm 2014, UBND huyện Hoàng Sa và báo Tuổi Trẻ đã đột ngột hủy “Lễ Thắp nến tri ân – Hướng về Hoàng Sa”, nhằm tưởng niệm 74 người Việt từng hiến mạng để giữ gìn chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Hoàng Sa. Tuy Ban Tổ chức hoạt động tri ân – tưởng niệm có cả Trưởng ban Tổ chức của Thành ủy Đà Nẵng, lẫn Giám đốc Sở Nội vụ của UBND thành phố Đà Nẵng nhưng họ không cưỡng được lệnh phải hủy buổi tri ân – tưởng niệm đến vào giờ chót. Lê Đức Dục may mắn hơn nhiều người trong Ban Tổ chức vì ít ra cũng có thể ngậm ngùi “Xin tưởng niệm một chương trình tưởng niệm” trên facebook (4).
Đó cũng là lý do dù hệ thống đèn tín hiệu ấy đang xanh nhưng Thuan Van Bui vẫn nửa đùa, nửa thật: Nếu có chiếc xe hơi nào đó liên tục đậu – chắn lối ra vào nhà, đừng nhắc, đừng cãi, cũng đừng đập phá vì tất cả đều là “hạ sách”. Hãy dùng “thượng sách” là lấy một tờ giấy, dùng bút dạ, viết một trong các câu: Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Đả đảo Trung Quốc xâm lược. Phản đối lệ thuộc toàn bộ vào Trung Quốc… rồi dán vào đầu xe, đuôi xe, bảo đảm không đầy năm phút, công an sẽ bu đen, bu đỏ để lôi cái xe đó đi… Và có cho thêm tiền cũng không ai dám đậu xe trước cửa nhà mình nữa! Đập phá những xe đậu ngang ngược vừa mất tiền đền, vừa làm cho những thằng đậu xe vô ý thức nhơn nhơn tự đắc (5).
***
Sau dịp phải tưởng niệm 45 năm ngày người Việt bị tước đoạt quần đảo Hoàng Sa, tháng tới, sẽ tròn 40 năm ngày Trung Quốc xua quân tràn qua biên giới để “dạy Việt Nam một bài học”, có facebooker như Chanh Tam đòi bạch hóa ai đã cấm đề cập về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, ai ra lệnh đục bỏ các bia ghi chiến tích chống quân xâm lược Trung Quốc, ai để các nghĩa trang liệt sĩ trong cuộc chiến ấy hoang tàn, lạnh lẽo. Cựu Tổng Biên tập Sài Gòn Tiếp Thị – tờ báo đã bị giải thể – kể rằng, khi bị kiểm điểm vì “100 bài viết có vấn đề”, Phó ban Tuyên giáo của Thành ủy TP.HCM đã chì chiết về Ký sự “Biên giới tháng Hai” (mô tả sự bạc bẽo đối với những người đã bỏ mạng khi chống quân xâm lược Trung Quốc) rằng: Chuyện người ta muốn quên thì các đồng chí moi lại! Để làm gì? Có phải chuyện của các đồng chí không?.. Nay, Chanh Tam thắc mắc: Người ta là ai? Ai có quyền buộc nhớ hay quên lịch sử?
Chanh Tam kể thêm rằng một nhà nghiên cứu mà facebooker này biết chắc chắn được tiếp cận “Thoả thuận cấp cao của hai đảng về bình thường hoá quan hệ hai nước Việt Nam – Trung Quốc” đã từng thì thào rằng một trong những thỏa thuận giữa các cấp cao hai bên là phải chỉ đạo không nhắc lại quá khứ không tốt đẹp… Báo chí chính thức có thể phải chấp nhận kỉ luật tuyên truyền của đảng nhưng không thể đồng tình lấy một thỏa thuận của hai đảng thành luật pháp của đất nước. Thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao có thể là một biện pháp chính trị cần thiết nhưng chỉ đạo biến nó thành điều cấm kỵ, gieo rắc sợ hãi và hèn yếu như vừa qua là trách nhiệm của Ban Tuyên giáo. Không ai, không thế lực nào có thể đứng trên lịch sử. Đã đến lúc đảng phải minh bạch trách nhiệm này trước nhân dân. Chúng ta đã làm một lũ vô ơn, bội bạc như vậy đủ rồi (6).
Chú thích

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.