Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 08/08/2018

Wednesday, August 8, 2018 7:13:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 08/08/2018

Chính quyền yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự

tại trạm BOT Mỹ Lộc và Tân Đệ

Chính quyền tỉnh Nam Định yêu cầu các ban, ngành phải đảm bảo an ninh trật tự tại trạm BOT Mỹ Lộc.
Truyền thông trong nước loan tin vừa nêu vào ngày 8 tháng 8, cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định vừa ra văn bản yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phối hợp với công an, chính quyền địa phương và hai công ty đầu tư dự án BOT Mỹ Lộc xử lý nghiêm những người bị cho có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời đảm bảo an ninh trật tự tại trạm thu phí này.
Trước đó, trong suốt một tuần, bắt đầu từ chiều ngày 26 tháng 7, Trạm thu phí BOT Mỹ Lộc tại Huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định gần như bị tê liệt khi các tài xế liên tục lập chốt bao vây, phản đối việc thu phí dẫn đến tình trạng xả trạm liên tục.
Chính quyền tỉnh Nam Định cho biết sẽ có cuộc họp với chủ đầu tư trạm BOT Mỹ Lộc trong tuần tuần tới, liên quan các thắc mắc của người dân về việc thu phí không minh bạch.
Trong cùng ngày 8 tháng 8, báo giới cũng cho biết Bí thư tỉnh Thái Bình, ông Nguyễn Hồng Diên yêu cầu công an tỉnh điều tra, xử lý những người bị cáo buộc chống phá, kích động người dân phản đối, phá hoại Trạm thu phí BOT Tân Đệ.
Trạm BOT Tân Đệ thường xuyên phải xả trạm từ tháng 6 đến nay, do các tài xế phản đối không trả phí qua trạm vì cho rằng việc thu phí này là sai trái.
Ông Nguyễn Hồng Diên còn yêu cầu chính quyền địa phương huyện Vũ Thư phải đảm bảo an ninh trật tự tại trạm BOT Tân Đệ, giải tán ngay lập tức những cá nhân hay tổ chức nào tụ tập để phản đối, gây rối trật tự tại trạm thu phí này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/officials-in-nam-dinh-and-thai-binh-provinces-request-maintainin-security-order-at-bot-stations-08082018083932.html

Thành viên Hội Anh em dân chủ

bị ngược đãi trong tù

Tổ chức xã hội dân sự độc lập Hội Anh em Dân chủ cho biết ông Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân miền Trung của tổ chức này hiện đang bị ngược đãi trong nhà giam ở tỉnh Quảng Bình.
Tin này được Hội Anh em Dân chủ dẫn nguồn từ người thân ông Nguyễn Trung Trực vừa đi thăm ông này hôm 7 tháng 8.
Chúng tôi không liên lạc được với gia đình ông Nguyễn Trung Trực để xác minh thông tin.
Luật sư của ông Trực là ông Nguyễn Văn Miếng nói với đài RFA vào chiều ngày 8/8 rằng không thể cho biết những tin liên quan với thân chủ của ông, dù ông mới gặp ông Trực trong tù, với lý do là vì ông đang ở Quảng Bình, việc này theo ông là không có lợi.
Luật sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài, người khởi xướng Hội Anh em Dân chủ, đang tị nạn chính trị tại Đức cho chúng tôi biết:
Anh Nguyễn Trung Trực là thành viên cuối cùng của chín thành viên lãnh đạo Hội Anh em dân chủ bị bắt, và sẽ bị xét xử vào ngày 17/8 tới đây. Với tư cách sáng lập viên, tôi khẳng định rằng Hội Anh em dân chủ cũng như tất cả các thành viên của Hội Anh em dân chủ không có những hoạt động nhằm lật đổ chính quyền như cáo buộc của nhà cầm quyền cộng sản.”
Ông Nguyễn Trung Trực bị bắt vào tháng tám năm 2017, với cáo buộc theo điều 79 hình luật Việt Nam là âm mưu lật đổ chính quyền. Ông sẽ ra tòa vào ngày 17/8 tới đây.
Ông Nguyễn Trung Trực sinh năm 1974 gia nhập Hội Anh Em Dân Chủ từ tháng 8 năm 2015. Trước đó vào ngày 30 tháng 9 năm 2012, ông bị phía Malaysia trục xuất về Việt Nam sau khi tham gia nhóm có tên ‘Phong Trào Chấn Hưng Nước Việt’ tại Malaysia.
Trong thời gian ở Malaysia, ông Nguyễn Trung Trực cùng làm việc với ông Vũ Quang Thuận. Ông này hiện đang phải thụ án tù 8 năm với cáo buộc đăng các video clip tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/brotherhood-nguyen-trung-truc-08082018083304.html

Chuyên gia: Đồng bằng sông Cửu Long

sẽ có lũ lớn vào tháng 10

Chuyên gia Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia mới đây cho biết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có thể sẽ phải đối mặt với lũ lớn vào đầu tháng 10.
Truyền thông trong nước hôm 8/8 trích lời ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đỉnh lũ sẽ có khả năng xuất hiện trạm Tân Châu, tinh  An Giang ở mức trên báo động 2 đến báo động 3.
Theo thang đo về mức báo động lũ ở Việt Nam, mức 3 và trên 3 là tình trạng khẩn cấp.
Trong khi đó, từ cuối tháng 7 trở lại đây, người dân tại tỉnh An Giang đã phải đối mặt với lũ do nước lên nhanh.
Trong cuộc họp bề ứng phó với thiên tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, lũ nă nay về sớm một phần do sự cố vỡ đập ở Lào cộng với mưa thượng nguồn và triều cường.
Hiện mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long đang ở mức cao hơn hồi năm 2017 khoảng 0,2 đến 0,3 m và cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,4 đến 0,5 mét.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/experts-warn-flood-in-mekong-delta-in-october-08082018082833.html

Việt Nam cách chức,

giáng quân hàm tướng công an

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 8/8 đã ký quyết định cách chức thứ trưởng đối với hai tướng công an Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành, đồng thời đề nghị giáng quân hàm hai tướng này.
Thượng tướng Trần Việt Tân bị xóa tư cách Thứ trưởng giai đoạn 2011 – 2016. Quyết định mới cũng cách chức thứ trưởng đương chức đối với Trung tướng Bùi Văn Thành.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tờ trình Chủ tịch nước giáng quân hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Trần Việt Tân và giáng cấp từ Trung tướng xuống đại tá đối với ông Bùi Văn Thành.
Trước đó, vào ngày 27/7 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra kết luận về những sai phạm nghiêm trọng của hai tướng công an này. Theo kết luận, ông Bùi Văn Thành có sai phạm làm thất thoát tài sản nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của đảng và ngành công an. Ông Bùi Văn Thành bị xác định là đã tự ý ký quyết định cho Phan Văn Anh Vũ tham gia đoàn đi nước ngoài và đề nghị cấp hộ chiếu ngoại giao cho người này.
Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ ‘nhôm’ là sĩ quan công an vừa bị tòa tuyên án tù 9 năm hồi cuối tháng trước vì tội làm lỗ bí mật nhà nước và vẫn còn đang phải đối mặt với hai cáo buộc khác là trốn thuế và lợi dụng chức vụ.
Riêng đối với tướng Trần Việt Tân, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng ông này đã thiếu trách nhiệm, buôn lỏng lãnh đạo, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Hôm 28/7,  Bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định cách toàn bộ chức vụ trong đảng của hai viên tướng này.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-police-generals-shunned-08082018095955.html

Việt Nam gỡ biển tiếng Trung Quốc

 sau khi công chúng lên tiếng

Các biển báo có tiếng Trung Quốc ở một nhà ga trên tuyến đường sắt nội đô đầu tiên của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc thực hiện đã bị gỡ bỏ sau những phản ánh của người dân, theo truyền thông trong nước.
Một bức ảnh được lưu truyền trên mạng trong những ngày qua cho thấy một biển báo tên nhà ga Phùng Khoang trên nền màu xanh với dòng chữ Trung Quốc ở phía trên tiếng Việt và có kích cỡ lớn hơn. Nhà ga này nằm trong tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông dài 13km đi qua ba quận nội thành của thủ đô Việt Nam.
Theo ZingNews, sau khi tấm ảnh chụp biển nhà ga Phùng Khoang xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người bức xúc và đặt câu hỏi tại sao công trình đường sắt của Việt Nam lại gắn biển tên có phần chữ Trung Quốc chiếm quá nửa diện tích.
Tiền Phong cũng cho biết việc xuất hiện những biển hiệu tên nhà ga bằng song ngữ Trung-Việt ở một số ga thuộc dự án Cát Linh-Hà Đông cũng được người dân phản ánh.
Ngày 7/8, ban quản lý dự án đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu tổng thầu gỡ toàn bộ các biển thông tin trên và yêu cầu không tái diễn việc tự ý gắn biển thông tin sử dụng song ngữ tại dự án, theo Tiền Phong.
Phó giám đốc phụ trách ban quản lý Vũ Hồng Phương nói với VietnamFinance hôm 8/8 rằng “đây là biển tạm thời do đơn vị thi công tự ý gắn lên giúp người của đơn vị thi công (Tổng thầu EPC Trung Quốc) dễ nhận biết trong quá trình làm việc”. Ban quản lý dự án cho biết sẽ có văn bản “chấn chỉnh Tổng thầu về vấn đề trên và không để xảy ra việc tự ý gắn, đề biển sử dụng song ngữ Trung-Việt không phù hợp tại dự án.”
Về quy chuẩn, tất cả các biển báo trên tuyến đường sắt sẽ sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh theo quy chuẩn quốc tế hiện nay, ông Phương cho Tiền Phong biết.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là tâm điểm chú ý trong dư luận trong những năm qua do nhà thầu vài lần trì hoãn việc hoàn thành và vốn bị đội lên gần gấp đôi.
Tuyến đường sắt ban đầu được nhà thầu Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn thành trong năm 2013 nhưng sau đó bị hoãn tới năm 2015 và tới năm 2016 vẫn chưa được hoàn tất như họ hứa hẹn.
Tân Hoa Xã cho biết, tuyến đường sắt đang được vận hành thử từ tháng 7 và sẽ được đưa vào khai thác thương mại vào tháng 10.
Việc đội vốn của dự án cũng làm người dân trong nước phẫn nộ khi lúc đầu nhà thầu Trung Quốc tính toán chi phí thực hiện là 553 triệu USD nhưng sau đó đội lên 868 triệu USD, trong đó có 670 triệu USD vốn vay từ Trung Quốc, theo Economic Times.
https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-go-bien-tieng-trung-quoc-sau-khi-cong-chung-len-tieng/4518851.html

Vụ Trịnh Xuân Thanh:

Chính khách Slovakia kiểm tra nói dối

Cựu bộ trưởng nội vụ Slovakia vừa tình nguyện trả lời trước máy kiểm tra nói dối để bác bỏ cáo buộc ông dính líu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Robert Kalinak từng là bộ trưởng nội vụ Slovakia cho đến tháng Ba 2018, và hiện vẫn là nghị sĩ và phó chủ tịch đảng Dân chủ Xã hội (Smer) – đảng lớn nhất trong liên minh cầm quyền.
Slovakia khẳng định ‘không liên quan bắt cóc’ Trịnh Xuân Thanh
Slovakia ‘bối rối’ vì vụ Trịnh Xuân Thanh
Hãng tin quốc gia TASR hôm 7/8 tường thuật ông Kalinak đã công bố kết quả của máy kiểm tra nói dối.
Ông Kalinak cho hay ông trả lời trước máy bốn câu hỏi liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh:
Ông có biết về vụ bắt cóc công dân Việt Nam ở Đức trong lúc bộ trưởng công an Việt Nam đến Slovakia?
Ông có giúp tổ chức bắt cóc công dân Việt Nam?
Ông có ra lệnh cho nhân viên bộ nội vụ giúp tổ chức bắt cóc công dân Việt Nam
Ông có biết một công dân Việt Nam bị đánh, lảo đảo, được đưa ra xe hơi trong đoàn của bộ trưởng Việt Nam?
Ông Kalinak cho hay ông trả lời Không với bốn câu hỏi, và máy đã kết luận ông nói thật.
Theo ông Kalinak, cuộc kiểm tra được một chuyên gia tiến hành, và ông không thực hiện kiểm tra ở các cơ quan nhà nước, để báo chí không nói rằng kết quả giả tạo.
Ông Kalinak tiếp tục tuyên bố các cáo buộc trên truyền thông về ông là sai lạc, và nói ông sẽ hợp tác với giới chức bảo vệ luật pháp về vụ việc.
Ông Kalinak đang bị nghi ngờ là khi còn làm bộ trưởng nội vụ, ông có khuất tất khi để phái đoàn của bộ trưởng công an Việt Nam Tô Lâm sử dụng một máy bay chính phủ để rời khỏi Slovakia tháng 7/2017.
Bộ trưởng nội vụ hiện nay của Slovakia, Denisa Sakova, theo lịch sẽ gặp Đại sứ Đức ở Slovakia ngày 8/8 để “bảo đảm rằng bộ nội vụ sẽ hợp tác tối đa trong cuộc điều tra”.
Đại sứ Đức Joachim Bleicker hôm 7/8 đã gặp Tổng thống Slovakia Andrej Kiska.
Tổng thống Kiska nói với Đại sứ Đức rằng Slovakia đã bắt đầu các bước đi cần thiết để điều tra liệu cơ quan Slovakia có dính líu hay không.
Ông Kiska nói “cần thiết để công chúng biết sự thật và để Slovakia tiếp tục là đối tác đáng tin cậy của Đức”.
Hồi đầu tháng Tám năm ngoái, Đức tuyên bố rằng ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc ở Berlin và trục xuất một nhân viên an ninh làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức.
Bà Lê Thị Thu Hằng hôm 3/8/2017 tái xác nhận nội dung mà giới chức Việt Nam đã đưa ra hôm 31/7, theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước ‘đầu thú’.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã nhận hai án chung thân trong hai vụ án riêng rẽ ở Việt Nam.
Nhưng ông Thanh đã có đơn rút toàn bộ kháng cáo liên quan đến 2 vụ án xảy ra tại PVN và PVC và vụ án xảy ra tại PVLand.
Như vậy có nghĩa là ông Thanh chấp nhận bản án chung thân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45113425

Não trạng VN:

Doanh nghiệp kêu cứu thủ tướng

Ben NgôBBC Tiếng Việt
Luật sư nói việc Công ty Ba Huân kêu cứu thủ tướng về vụ liên quan đến VinaCapital cho thấy “não trạng” của doanh nghiệp Việt, nhà báo nói công ty “nên kiện ra tòa thì hơn”.
Công ty cổ phần Ba Huân “kêu cứu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và muốn hủy hợp tác với VinaCapital” vì cho rằng việc chi trả lãi và các điều kiện ràng buộc là “quá sức” của doanh nghiệp này, truyền thông Việt Nam cho hay.
Động thái này diễn ra sau gần nửa năm Công ty Ba Huân nhận khoản đầu tư 32 triệu đôla từ VinaCapital.
Việt Nam kỳ vọng gì ở kinh tế tư nhân?
Việt Nam: Bất động sản cao cấp ‘hấp dẫn ở châu Á’
Người Việt Nam ‘tự tin chi tiêu mạnh’
Việt Nam thay chủ tịch MobiFone
Bà Phạm Thị Huân, giám đốc Công ty Ba Huân được báo Zing dẫn lời: “Do thời điểm ký kết thỏa thuận vào mùa kinh doanh hàng Tết nên phần chuẩn bị rất cập rập, dẫn đến nhiều sai sót. Thay vì ký đầy đủ hai bản thỏa thuận cả tiếng Anh và tiếng Việt thì chúng tôi chỉ ký kết trên bản tiếng Anh. 20 ngày sau, bản tiếng Việt mới được đối tác chuyển qua. Chúng tôi đối chiếu thấy nhiều điều khoản không phù hợp, nên vẫn chưa ký bản thỏa thuận này”.
Các báo Việt Nam nói trong văn bản gửi Thủ tướng Phúc, Ba Huân cáo buộc VinaCapital “muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân”.
‘Có khúc mắc’?
Từ TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Hà Phan nói với BBC: “Tôi không đồng ý cách truyền thông và một số thông tin trong vụ Cty Ba Huân “kêu cứu” lên thủ tướng Phúc vì lo ngại VinaCapital thâu tóm.”
“Một doanh nghiệp có tiếng tăm và khá lớn trong ngành của mình như Ba Huân không thể biện minh rằng vì hợp đồng chỉ có tiếng Anh, chưa xong bản tiếng Việt nên “có hiểu lầm trong bản ký kết bằng tiếng Anh.”
“Có thể bà Ba Huân sơ ý và không rành hết các “ngõ ngách” của một hợp đồng phức tạp nhưng còn cộng sự và cấp dưới.”
Tôi tin chẳng ông thủ tướng nào can thiệp vào các hợp đồng đã ký đúng luật cả.nhà báo Hà Phan
“Hơn nữa khi làm ăn với bên ngoài và nhất là những quỹ đầu tư dày dạn kinh nghiệm như VinaCapital, tôi vẫn không hiểu tại sao Ba Huân lại không có công ty tư vấn hoặc luật sư đứng sau để phân tích rõ những rủi ro pháp lý cho bà chủ doanh nghiệp này. Tôi e rằng có “khúc mắc” nào đó chứ không hẳn như những gì báo chí Việt Nam đã đăng tải.”
“Theo tôi thì dù cho hợp đồng ký kết bằng ngôn ngữ nào, doanh nghiệp cũng phải tôn trọng các điều khoản đã ký kết.”
Vingroup huy động vốn ‘tới 2 tỉ USD’
Công ty có vốn Thái mua nhiều cổ phần Sabeco?
Formosa tăng đầu tư vào nhà máy thép Vũng Áng
“Nếu công ty này sau đó phát hiện “hiểu lầm” hay không hài lòng thì nên kiện ra tòa và chờ phân xử chứ không nên kêu lên thủ tướng.”
“Tôi tin chẳng ông thủ tướng nào can thiệp vào các hợp đồng đã ký đúng luật cả.”
“Tôi cũng cho rằng cách truyền thông đổ lỗi cho đối tác bắt ép hay chỉ muốn thâu tóm doanh nghiệp chẳng có lợi gì cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế Việt Nam”.
Sau vụ này, nhiều doanh nghiệp đi lên từ cơ sở kinh doan hgia đình như Ba Huân rất dễ bị tâm lý coi các quỹ đầu tư hay doanh nghiệp nước ngoài như “ngáo ộp” chỉ muốn “nuốt sống” mình”.
“Đối tác ngoại cũng sẽ ngại làm ăn với doanh nghiệp Việt nếu cứ bị đổ cho những lỗi rất cảm tính như thế. Điều đó chỉ có hại cho doanh nghiệp, doanh nhân và kinh tế Việt Nam”.
“Một khi đã hội nhập, chấp nhận gọi vốn, hợp tác làm ăn và để các quỹ đầu tư vào thì doanh nghiệp phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết.”
“Nếu chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng cũng như am hiểu luật pháp liên quan thì nên thuê các công ty tư vấn, công ty luật chứ đừng để xảy ra do “không rành” rồi mới tính đến chuyện mời luật sư giải quyết như Ba Huân đang làm.”
‘Não trạng’
Cùng ngày, Luật sư Trần Duy Cảnh, Công ty luật Luật Việt, bình luận với BBC: “Sự việc Công ty Ba Huân làm đơn kêu cứu thủ tướng để can thiệp và giải quyết mối quan hệ thương mại – đầu tư với Quỹ Vinacapital gióng hồi chuông báo động về sự hiểu biết pháp luật và ứng xử của doanh nghiệp Việt.”
“Hành vi nhờ thủ tướng can thiệp phản ánh não trạng của nhiều doanh nghiệp Việt Nam là có việc gì cũng nhờ quan chức giải quyết, ở đây là thủ tướng. Họ thường nhầm lẫn giữa chức vụ và quyền hạn.”
Thử tưởng tượng, hàng triệu doanh nghiệp đều gửi lời kêu cứu tới thủ tướng thì chúng ta cũng có thể hiểu được thủ tướng không thể và không được can thiệp vào các giao dịch thương mại đầu tư kiểu này.luật sư Trần Duy Cảnh
“Thủ tướng không có thẩm quyền để xử lý vấn đề này. Mà thật ra, nó cũng phản ánh thực trạng khá buồn là thủ tướng hoặc thủ trưởng các cơ quan nhà nước thường can thiệp vào các hoạt động kinh doanh – nhân sự của doanh nghiệp có vốn nhà nước hoặc có liên quan đến tài sản đất đai của nhà nước.”
“Thế nên, khi có chuyện, doanh nghiệp thường kêu thủ tướng là điều dễ hiểu. Nhưng khó hiểu ở đây là Công ty Ba Huân không phải là doanh nghiệp Nhà nước để ông ấy có thể can thiệp.”
“Thử tưởng tượng, hàng triệu doanh nghiệp đều gửi lời kêu cứu tới thủ tướng thì chúng ta cũng có thể hiểu được thủ tướng không thể và không được can thiệp vào các giao dịch thương mại đầu tư kiểu này.”
“Ông không thể làm thay công việc của cơ quan tài phán như tòa án hay trọng tài. Trong vụ này, đáng lẽ người nhận đơn của Công ty Ba Huân phải là các cơ quan này theo như đã thỏa thuận trong hợp đồng.”
“Giao dịch này theo báo chí lên tới hơn 700 tỷ đồng, và theo thông lệ, quá trình đàm phán sẽ kéo tới hơn nửa năm, bao gồm cả vấn đề thẩm định pháp lý, tài chính của doanh nghiệp. Thời gian đó với thông tin chia sẻ qua lại, chắc Ba Huân đã hiểu và phải hiểu bản chất của giao dịch, quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Thế nên, giờ bà Phạm Thị Huân phát ngôn như vậy, sẽ gây cảm giác không trung thực từ phía công ty.”
“Chúng tôi thấy, các thỏa thuận, quan điểm của Ba Huân về giao dịch này hoàn toàn thiếu vắng vai trò của luật sư tư vấn. Họ không có mặt thì phải, hoặc nếu có thì ảnh hưởng của họ là con số KHÔNG to tướng. Thật ra, doanh nghiệp Việt Nam ít khi thuê luật sư trong các giao dịch kinh doanh, bất kể lớn nhỏ, đơn giản hay phức tạp.”
“Sự thành công của họ mà không có luật sư đã làm họ tự tin một mình có thể giải quyết mọi vấn đề, từ kể cả luật pháp. Họ không cho rằng phí luật sư cũng là một khoản đầu tư đáng giá. Mười thương vụ thành công và chỉ một vụ thất bại vì các vấn đề pháp lý cũng làm cho hao hụt của mười vụ thành công kia về số âm.”
“Sự tham gia của quỹ đầu tư trong các doanh nghiệp thường rất ngắn hạn – cùng với vòng đời cũa quỹ là 3-5 năm. Họ bỏ tiền vào doanh nghiệp và điều họ muốn là chi phối được quá trình ra quyết định của doanh nghiệp đó.”
“Các công ty gia đình hoặc công ty – một – người thường rất khó chịu về chuyện này. Có thể Ba Huân thấy họ không có khả năng kiểm soát công ty nữa nên khá khó chịu.”
“Thậm chí, nhà đầu tư bên ngoài yêu cầu cắt bớt các hoạt động kinh doanh khác để tập trung vào ngành kinh doanh cốt lõi cũng là hợp lý. Họ muốn mua doanh nghiệp sản xuất trứng, gà, gia cầm. Danh mục đầu tư của họ cho quỹ này phải như thế.”
“Nhiều bài học khá đau đớn từ Việt nam mà họ học được là, doanh nghiệp nhận tiền đầu tư và ném vào các ngành mới khác như bất động sản, lướt sóng trên sàn… để kiếm tiền nhanh và nhiều. Kết quả ngược lại là tiền mất và doanh nghiệp lụn bại. Các bên đưa nhau ra tòa, trọng tài để kiện tụng nhau. Rất vất vả và mỏi mòn cho các bên.”
“Việc Ba Huân cần làm bây giờ là thuê luật sư để họ thay mình giải quyết các vướng mắc pháp lý này, còn chủ doanh nghiệp nên dành thời gian cho hoạt động kinh doanh. Cần tránh lên báo chí, truyền thông kể lể để nhận sự “cảm thông” nhưng dường như kết quả không như ý. Điều đó sẽ tổn hại đến hình ảnh của doanh nghiệp vì sự không chuyên nghiệp của mình,” Luật sư Trần Duy Cảnh nói với BBC.
Năm 1985, vựa trứng Ba Huân của bà Phạm Thị Huân chuyển đổi thành cơ sở thu mua và phân phối trứng, và tới năm 2000 chuyển lên thành doanh nghiệp.
VinaCapital thành lập năm 2003.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-45073987

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam về đâu?

Công cuộc phòng chống tham nhũng được Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam nhấn mạnh như là cách để tăng cường sức mạnh. Và đây được nói là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với nhiều chính sách, biện pháp được tiến hành.
Công luận đánh giá như thế nào về nỗ lực của đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam trong lĩnh vực này?
Thực tế tham nhũng
Giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam cho rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam thể hiện quyết tâm mang lại sự trong sạch cho guồng máy điều hành đất nước. Luật sư Trần Vũ Hải, một người hoạt động tích cực không chỉ trong lĩnh vực tư pháp mà còn mạnh mẽ lên tiếng về thực trạng đất nước, có nhận định về công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay.
Cũng thể hiện là chính quyền cũng muốn áp dụng những biện pháp nào đấy để chống tham nhũng, nhưng cũng có người nói rằng đấy là hình thức. Đấy là một vấn đề rất lớn và cũng không thể làm sớm. Mặc dù chúng ta ghi nhận được một số lãnh đạo, cụ thể là ông Tổng bí thư cũng có tinh thần và biện pháp chống tham nhũng. Bước đầu cũng lôi ra được những nhân vật ví dụ như vừa rồi là một loạt tướng lĩnh mà từ trước đến nay chưa bao giờ làm được điều đó.
Tôi tin rằng là người dân cảm thấy là họ có chống tham nhũng nhưng sau khi đọc xong bài báo, xem xong bản tin trên thời sự thì quay ra ngoài đường thì vẫn cảm thấy tham nhũng tồn tại.
-Nguyễn Trường Sơn

Đứng dưới góc độ nghiên cứu xã hội, nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn lại cho rằng chuyện tham nhũng của những quan chức cấp cao quá xa vời đối với người dân. Anh cho rằng nạn nhũng nhiễu khiến người dân nhức nhối đó chính là từ tầng lớp quan chức cấp thấp, những người có quan hệ trực tiếp với người dân như công an phường, dân phòng, những cán bộ công chức. Trường Sơn đánh giá công cuộc chống tham nhũng thời gian qua là không hiệu quả đối với người dân.
Tôi tin rằng là người dân cảm thấy là họ có chống tham nhũng nhưng sau khi đọc xong bài báo, xem xong bản tin trên thời sự thì quay ra ngoài đường thì vẫn cảm thấy tham nhũng tồn tại. Ví dụ như trong trường học, trong bệnh viện, trong trụ sở phường, xã thì tham nhũng vẫn tồn tại. Vậy thì nếu hỏi rằng cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua có hiệu quả hay không đối với người dân thì tôi tin là không.
Thể chế chính trị và tham nhũng
Hôm 2/8 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật về Phòng chống tham nhũng từ năm 2018. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian tới. Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn cho rằng quyết định đó không liên quan đến cách vận hành của bộ máy của nhà nước Việt Nam hiện nay.
Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành một phần của bộ máy rồi. Nó trở thành một phần của guồng máy hoạt động rồi. Muốn loại bỏ tham nhũng thì cách vận hành bộ máy đó phải được thay đổi. Và rõ ràng là muốn thay đổi cách vận hành bộ máy nhà nước ở Việt Nam thì không thể nào thay đổi bằng việc đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng được mà nó phải là một quyết tâm chính trị rất lớn đến từ Bộ Chính trị cũng như đến từ những người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.
Một số nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao nhà nước vì lý do tham nhũng thực ra còn có liên quan đến chuyện thanh trừng nội bộ. Ngoài ra, việc đảng cộng sản toàn quyền cai trị cũng bị cho là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tham nhũng tràn lan hiện nay.
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng vấn đề ‘độc đảng’ và tham nhũng không hề có mối liên hệ trực tiếp với nhau.
Ví dụ tôi nói là Philippines và Mexico thì là đa đảng nhưng vấn đề tham nhũng cũng rất kinh khủng. Còn Singapore gần như là một nước độc đảng hoặc là Trung Quốc thì tham nhũng cũng đã được bài trừ tốt.
Ông bày tỏ quan điểm về ‘thể chế chống tham nhũng’ của cá nhân mình.
Cái chữ thể chế của tôi khác là ‘thể chế chống tham nhũng.’ Chúng ta phải có những luật lệ, những lực lượng chống tham nhũng tinh nhuệ và trong sạch thì mới chống được tham nhũng. Cùng với cả các luật lệ có thể tìm mọi cách kiểm soát thu nhập và tài sản của các quan chức. Thể chế đấy gồm cả con người và luật lệ; và tất nhiên là cần sự giám sát của báo chí. ‘Thể chế chống tham nhũng’ thì có nhiều thành phần mà Việt Nam thì chưa làm tốt thành phần nào cả.
Tương lai của chiến dịch chống tham nhũng
Trả lời câu hỏi liệu các kêu gọi và biện pháp phòng chống tham nhũng mà đảng và nhà nước Việt Nam đưa ra liệu có khả thi, Luật sư Trần Vũ Hải nhấn mạnh với RFA.
Chống tham nhũng ở Việt Nam là hoàn toàn có thể làm được, nhưng những nhà lãnh đạo ở Việt Nam phải thực tế. Vì đây là một quá trình lâu dài nên họ phải làm thế nào để xây dựng một hệ thống luật lệ kiểm soát tài sản thu nhập, phải nâng lương được giới công chức một cách hợp lý, các lực lượng chống tham nhũng không nên chồng chéo nhau, và việc chống tham nhũng phải được báo chí, nhân dân giám sát. Thậm chí có thể có nhiều chính sách đặc thù khác có thể nghiên cứu từ Hàn Quốc, Singapore, Mã Lai, Trung Quốc.
Chống tham nhũng ở Việt Nam là hoàn toàn có thể làm được, nhưng những nhà lãnh đạo ở Việt Nam phải thực tế.
-LS. Trần Vũ Hải

Trái ngược với quan điểm của Luật sư Hải, Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn bày tỏ sự bi quan với lý do như sau.
Ngoài việc tham nhũng tràn lan, ngoài việc tham nhũng được bình thường hóa, cộng thêm việc bất cứ nỗ lực chống tham nhũng nào đến từ phía người dân đều phải nhận những hình phạt nặng nề từ nhà nước đã khiến cho mọi nỗ lực, mọi ý định kháng cự lại tham nhũng đều bị dập tắt. Cho nên việc kêu gọi phòng, chống tham nhũng của chính quyền có khả thi hay không thì tôi tin 100% là không khả thi. Một đằng thì kêu gọi, một đằng thì dung dưỡng cho tham nhũng cho nên sẽ không bao giờ hiệu quả cả.
Để củng cố quan điểm của mình, nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn đưa ra một ví dụ là sinh viên Phan Kim Khánh, người từng đứng ra thành lập các tổ chức phanh phui các vụ tham nhũng nhưng đang phải chịu mức án 6 năm tù.
Thay đổi thể chế theo hướng tam quyền phân lập mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng được nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn cho là cách chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả cho Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-anti-corruption-in-vietnam-feasible-08072018135731.html

Ấn Độ có thể áp thuế chống bán phá giá

lên sợi nylon từ Việt Nam

Ấn Độ có thể áp thuế chống bán phá giá cao nhất là tới 719 USD/ tấn trong 5 năm đối với sợi nylon xơ dài nhập khẩu từ Liên minh châu Âu và Việt Nam.
Đây là loại sợi chủ yếu được sử dụng để trang trí nội thất và ứng dụng công nghiệp như làm rèm cửa, vải may, thêu hay lưới cá,….
Khuyến cáo của Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ (DGAD), thuộc Bộ Thương mại  và Công nghiệp Ấn phát đi ngày 8 tháng 8 cho biết biện pháp này nhằm ngăn chặn việc các nhà sản xuất trong nước nhập khẩu sợi giá rẻ EU và Việt Nam.
Ngày 22/8/2017, Ấn Độ ra thông báo khởi xướng điều tra chống phá giá sợi nilon xơ dài nhập khẩu từ EU và Việt Nam giai đoạn từ tháng 10/2015 đến tháng 3/2017 sau khi có 5 công ty của Ấn đã đâm đơn kiện lên cơ quan chức năng yêu cầu điều tra việc bán phá giá loại sợi này.
Kết quả cuối cùng của cuộc điều tra cho thấy loại sợi này đã được xuất khẩu sang Ấn Độ với giá trị dưới mức trung bình và ngành công nghiệp của Ấn phải chịu phương hại từ các loại hàng nhập khẩu bán phá giá như vậy. Các nhà sản xuất Việt Nam bị xác định bán phá giá sợi sang Ấn Độ gồm Thái Tuấn, Thiên Phước, Formosa, Hyosung Đồng Nai và DSCM Việt Nam.
Bộ Tài chính Ấn sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng, tuy nhiên mức thuế được đề nghị dao động trong khoảng từ 128,01 USD/ tấn đến 719,4 USD/ tấn.
Khối lượng sợi EU và Việt Nam xuất sang Ấn Độ đã tăng lên gần tăng từ khoảng 7.200 tấn trong những năm 2013– 2014 lên hơn 13.700 tấn trong thời gian điều tra.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/anti-dumping-duty-likely-on-nylon-filament-yarn-from-eu-n-vn-08082018112401.html

Bộ Công An tinh giản 6 tổng cục

và nhiều đơn vị cấp cục, phòng

Bộ Công An Việt Nam sẽ giảm 6 tổng cục, tinh giản gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng.
Đây là thông tin đưa ra tại cuộc họp báo tổ chức vào chiều ngày 7 tháng 8 do Thiếu Tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn Phòng Bộ Công An Việt Nam chủ trì.
Ông Lương Tam Quang cho báo giới biết Bộ Công An sẽ không tổ chức cấp tổng cục; trong khi đó cho sắp xếp, tinh gọn các đơn vị cấp cục trực thuộc Bộ này theo nguyên tắc sáp nhập những đơn vị tương đồng hay không rõ nhiệm vụ.
Cụ thể 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy, chữa cháy tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương sẽ sáp nhập vào với công an tỉnh/thành phố. Những đơn vị sự nghiệp công lập báo chí, y tế trong công an cũng được sắp xếp lại.
Theo thông báo thì sau khi sắp xếp lại, sẽ giảm được hơn 500 đơn vị cấp phòng và gần 1 ngàn đơn vị cấp đội.
Từ đầu tháng tư vừa qua, Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đã có đồng ý với đề án tinh giản bộ máy của Bộ Công An. Theo nghị quyết của Bộ Chính Trị đảng cộng sản Việt Nam đưa ra lúc đó thì không tổ chức cấp trung gian.
Vào ngày 8 tháng 8, ông Thượng Tướng Tô Lâm, Bộ Trưởng Bộ Công An Việt Nam kêu gọi các đơn vị, địa phương nhất là các nơi có sáp nhập nhanh chóng ổn định tổ chức, sắp xếp cán bộ hợp lý… Ông Tô Lâm cũng nhắc đến những thách thức đối với vấn đề an ninh mạng, phòng chống tội phạm trên không gian mạng…
Nhiều nhà quan sát thời cuộc cho rằng phe công an tại Việt Nam đang bị thất thế trước phe quân đội; mặc dù cả hai lực lượng lâu nay đều được cho là ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ chế độ cầm quyền của đảng cộng sản Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/ministry-of-public-affairs-cut-6-departments-and-nearly-60-internal-units-08082018091809.html

Mỹ đánh giá an toàn hàng không Việt Nam

để mở đường bay thẳng

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ đến Việt Nam trong tháng 8 để đánh giá về an toàn hàng không để các hãng hàng không trong nước có thể mở đường bay thẳng đến Mỹ.
Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho báo chí trong nước biết, để được bay thẳng đến Mỹ, Cục HKVN phải được phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1). Sau khi đạt CAT 1, Cục sẽ được phép giám sát các hãng hàng không có trụ sở tại Việt Nam nhằm bảo đảm sự tuân thủ các quy chế và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế để có thể bay thẳng đến Mỹ.
Cục Hàng không Liên bang Mỹ sẽ đánh giá về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và các tài liệu hướng dẫn thực hiện của Việt Nam; cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giám sát an toàn hàng không, cơ sở dữ liệu an toàn; công tác lập kế hoạch và quy trình thực hiện giám sát an toàn hàng không; xây dựng đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không, xây dựng chương trình đào tạo, huấn luyện giám sát viên từ cơ bản đến nâng cao; xây dựng kế hoạch, chương trình để có thể kiểm soát toàn bộ công việc, kết quả làm việc của giám sát viên…
Theo báo Giao thông, đến nay phía Mỹ đã thực hiện 2 đợt thanh sát kỹ thuật tại Việt Nam và đưa ra các khuyến cáo, đồng thời phía Việt Nam đã khắc phục xong các khuyến cáo và sẵn sàng cho đợt đánh giá chính thức sắp tới.
Vietnam Airlines hồi đầu năm nay cho biết hãng này đang có kế hoạch mở đường bay thẳng đến Mỹ vào cuối năm 2019 hoặc cuối 2020.
Hiện đã có nhiều hãng hàng không lớn trên thế giới có chuyến bay từ Việt Nam đến Mỹ với một hoặc nhiều điểm dừng như Korea Airlines, Cathay Pacific, Japan Airlines…
Theo đánh giá của chuyên gia Vietnam Airlines, yếu tố quan trọng nhất để mở đường bay thẳng đến Mỹ vẫn là cạnh tranh vì đường bay này có giá vé thường rất thấp trong khi chi phí lại cao.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/evaluate-aviation-safety-to-open-direct-flights-to-us-fr-vn-08082018083042.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.