Đọc báo Pháp – 08/08/2018
Wednesday, August 8, 2018
7:14:00 PM
//
Điêm Báo & Blog
,
Slider
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
trở thành chuyện lớn tại châu Âu
Kinh tế Iran dưới sức ép của Donald Trump, thương mại Pháp thâm thủng nghiêm trọng, một người thợ làm vườn ở California làm run rẩy tập đoàn hóa chất đa quốc gia Monsanto là những tựa lớn của báo chí Pháp hôm nay bên cạnh hồ sơ « Trịnh Xuân Thanh bị Hà Nội đánh thuốc mê và bắt cóc », chiếm một phần ba trang quốc tế của Le Monde.
Cảnh sát Đức nắm đủ chứng cớ vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Slovakia dính líu vào vụ bắt cóc một người Việt ở Đức. Trịnh Xuân Thanh rời châu Âu trong chiếc máy bay của bộ Nội Vụ Slovakia tựa của Le Monde. Nhật báo độc lập mô tả vụ việc này như một tiểu thuyết gián điệp với những nhân vật có thật như (cựu) bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak, bộ trưởng Công An Tô Lâm, cố vấn thủ tướng Slovakia Lê Hồng Quang và Trịnh Xuân Thanh, một cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam bị thất sủng.
Theo các nhà điều tra Đức, nhờ vào sự giúp đỡ – tự nguyện hay không – của chính quyền Slovakia hồi tháng 07 năm 2017 mà mật vụ Việt Nam đã bắt cóc thành công nhân vật này lúc đó đang tị nạn tại Berlin. Hai tuần sau, Trịnh Xuân Thanh xuất hiện tại Việt Nam và sau đó, lãnh bản án chung thân với tội danh tham nhũng.
Tuy nhiên, cảnh sát Đức không tin vào luận điểm của Hà Nội, theo đó Trịnh Xuân Thanh « tự ý về Việt Nam để được xét xử ». Trong bản báo cáo, cảnh sát Đức ghi rõ « ông Thanh bị cưỡng chế rời không gian Schengen trên một chiếc phi cơ của chính phủ Slovakia ». Ba ngày sau khi mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, văn phòng bộ Nội Vụ Slovakia chấp thuận một yêu cầu của bộ trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm.
Thông tin này, có dính líu đến cựu bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak, do báo chí Đức loan tải, đã làm Slovakia, quốc gia thành viên của Liên Hiệp Châu Âu từ năm 2004, chới với, kinh ngạc. Bởi vì tai tiếng này xảy ra chỉ 5 tháng sau vụ phóng viên điều tra tham nhũng Jan Kuciak bị bắn chết. Nhà báo Jan Kuciak bị giết trong khi điều tra những mối quan hệ giữa xã hội đen và chính phủ liên minh dân túy cánh tả và cực hữu.
Trước sức ép của công luận qua các cuộc xuống đường trên khắp nước lên án đích danh, bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak phải từ chức vào ngày 12/03/2018.
Tô Lâm xin Slovakia giúp máy bay ?
Trở lại vụ Trịnh Xuân Thanh vào thời điểm tháng 07 năm 2017, theo lời giải thích của ông Robert Kalinak thì ông được « ông Tô Lâm cho biết đang ở Praha chờ máy bay về Việt Nam nhưng chuyến bay bị hủy nên cần giúp đỡ máy bay để về gấp ». Thế là bộ Nội Vụ Slovakia cấp ngay cho ông Tô Lâm một chiếc phi cơ của bộ, bay đến Praha đón nhóm người Việt rồi bay về Bratislava thủ đô của Slovakia. Sau một cuộc tiếp xúc ngắn giữa Robert Kalinak và đồng nhiệm Tô Lâm tại một khách sạn, chiếc máy bay nói trên cất cánh bay sang Matxcơva. Đó là lời giải thích của cựu bộ trưởng Nội Vụ Slovakia.
Thế nhưng, báo chí Slovakia được một nhân chứng, sĩ quan cảnh sát Slovakia có nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho đoàn Việt Nam. Viên cảnh sát này cho biết nhận được lệnh từ vụ trưởng vụ Lễ Tân của bộ Nội Vụ cho một người đàn ông độ 40 tuổi, bước chân loạng choạng, có hai người kèm hai bên, lên xe từ bãi đậu xe của bộ Nội Vụ chở ra phi trường Bratislava, lên máy bay đậu sẵn chở phái đoàn Việt Nam sang Matxcơva.
Thám tử điều tra của Đức gần như chắc chắn người đàn ông này là Trịnh Xuân Thanh, bị đánh ma túy nửa tỉnh nửa mê. Hai người đi kèm dìu hai bên là mật vụ Việt Nam. Chiếc xe « van » của toán đặc nhiệm Việt Nam đậu trước khách sạn Bôrik vào lúc Robert Kalinak và Tô Lâm gặp nhau đã được dữ liệu định vị GPS xác nhận. Chiếc xe này mang biển số Cộng Hoà Séc, trước đó được phát hiện ở Đức và ở nơi xảy ra vụ bắt cóc.
Một chi tiết khác, Lê Hồng Quang, một doanh nhân Việt mang quốc tịch Slovakia, cố vấn thủ tướng thời đó là Robert Fico, cũng có mặt trong chuyến bay từ Praha về Bratislava cùng với bộ trưởng Công An Việt Nam Tô Lâm. Lê Hồng Quang khi đó đang là đại biện ngoại giao sứ quán Slovakia tại Hà Nội.
Ẩn số
Câu hỏi đặt ra là vì sao vào thời điểm diễn ra vụ bắt cóc, bộ trưởng Robert Kalinak không chút thận trọng trước yêu cầu xin máy bay « trên trời rơi xuống » của đồng nhiệm Tô Lâm ?
Chính phủ Đức đã thông báo cho tất cả các nước thành viên trong không gian Schengen, trong đó có Slovakia, vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc. Đã thế, chuyến thăm của Tô Lâm được tổ chức vào giờ chót, ba người đi hạng doanh nhân, một người đi hạng phổ thông vì hết chỗ. Bốn vé máy bay của phái đoàn được đặt mua vào ngày hôm trước ở Cộng hoà Séc, theo báo Dennik N.
Cứu danh dự Slovakia
Tổng thống Andrej Kiska, độc lập, cố gắng làm trong sạch hóa chế độ, yêu cầu điều tra đến nơi đến chốn và thúc giục đương kim bộ trưởng Nội Vụ từ chức vì bà này bị nghi ngờ cản trở điều tra để bao che cho người tiền nhiệm. Tai tiếng vụ Trịnh Xuân Thanh làm cho tổng thống Kiska lo âu cho danh tiếng của Slovakia trên trường ngoại giao châu Âu.
Trung Quốc gì cũng mua để phục hồi sinh lý :
Sau tê giác đến da lừa
“Da lừa của Kenya giao cho yêu tinh Trung Quốc”, đó là tựa bài phóng sự của Le Monde kèm theo bài xã luận tố cáo Bắc Kinh hủy diệt sinh thái châu Phi.
Sau khi sát hại gần hết giống lừa tại Hoa lục, từ 11 triệu con xuống còn 5 triệu, Trung Quốc tấn công vào Kenya. Quốc gia này là nước cuối cùng tại châu Phi còn bán da lừa cho Bắc Kinh mà hệ quả là chỉ trong vòng 8 năm, động vật kéo xe của dân nghèo đã giảm 50% từ 1,8 triệu xuống 900 ngàn. Trung Quốc mua da lừa để cà thành bột trị bệnh thiếu máu và tăng cường sinh lực tình dục.
Thấy đoàn động vật của mình sắp bị diệt chủng, nhiều nước châu Phi như Niger,Burkina Faso và Botswana cấm xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo Le Monde, trong thế cờ kinh tế và đại chính trị, vụ da lừa chỉ là một chuyện nhỏ mà nạn nhân là loài gia súc bị hy sinh làm thần dược nhưng trên thực tế cho thấy châu Phi đã thành « vùng đất hứa » : “Trung Quốc khai thác tài nguyên thiên nhiên, dầu hỏa, uranium, kim loại tối cần để phát triển kinh tế mà còn biến châu lục da đen này thành thị trường tiêu thụ hàng biến chế của Trung Quốc. Trong vòng không đầy 20 năm, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và châu Phi đã từ 10 tỷ đôla lên 200 tỷ”.
Trước những mối lợi trước mắt, liệu Kenya có đủ sức khước từ để bảo vệ đoàn gia súc của mình hay không ? Từ hai thập niên nay, Trung Quốc là thị trường số một tiêu thụ ngà voi châu Phi cho dù từ 1989, cộng đồng quốc tế ngăn cấm. Đến năm 2015, Tập Cận Bình, cảm thấy cần phải đánh bóng thể diện quốc gia, đã ra lệnh cấm bán ngà voi. Thế nhưng lừa thì sao ?
Iran dưới sức ép củaDonald Trump
Trong bài xã luận « đánh cược Ba Tư », Le Figaro đặt câu hỏi « liệu trừng phạt có làm chế độ lung lay hay không ? ». Theo nhật báo cánh hữu, khác với Bắc Triều Tiên khép kín, Iran là một cường quốc cấp vùng, có quan hệ khắp Trung Cận đông do vậy ván cờ áp lực của Donald Trump có nhiều rủi ro. Tuy nhiên, không ai rõ là tổng thống thứ 45 của Mỹ tính gì. Ông đe dọa rồi lại mở cánh cửa đối thoại khi lệnh trừng phạt có hiệu lực. Điều rõ ràng duy nhất là Donald Trump nhắc nhở thế giới ai là « chủ nhân » và đẩy châu Âu vào thế phản đối vô vọng. Còn theo đặc phái viên ở Teheran, Iran đang « sắp chết ngạt ». Một trường hợp cụ thể là dưới sức ép của Mỹ, các ngân hàng nước ngoài từ chối tài trợ nhập khẩu, ngân hàng trung ương không có tiền mặt. Đồng tiền mất giá làm một doanh nhân bị lỗ 2 triệu đôla sau khi bán ra 200 thùng hàng mới nhập từ châu Á.
Châu Âu trả đũa yếu ớt
Tin bi quan thứ nhất tràn ngập báo chí Pháp là nhập siêu tăng kinh khủng : 33 tỷ euro trong sáu tháng đầu năm.
Tin bi quan thứ hai là trước lệnh trừng phạt Iran của Mỹ, Bruxelles gần như vô kế khả thi để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu.
Iran : Liên Hiệp Châu Âu cố gắng chận lệnh trừng phạt của Mỹ, La Croix loan tin nhưng không mấy tin tưởng với tiểu tựa : Giới doanh nghiệp hoài nghi hiệu năng của luật châu Âu.
Les Echos cũng đưa tựa : Trả đũa yếu xìu của Bruxelles. Tại sao ? Bởi vì « luật ngăn chận trừng phạt » ban hành năm 1996 chưa bao giờ được sử dụng. Nguyên tắc là bảo vệ các công ty châu Âu bị Mỹ trừng phạt nhưng lại có điều khoản trừng phạt công ty tuân thủ lệnh cấm vận.
Về thời sự châu Á, Le Monde trở lại số phận của sắc tộc Rohingya – Miến Điện. Trong số hơn nửa triệu người tị nạn tại Bangladesh, có thể 100 ngàn người sẽ bị đưa ra một hải đảo trong vịnh Bengal. Tuy nhiên, Liên Hiệp Quốc kêu gọi Dacca suy xét lại bởi vì đây là nơi thường xuyên bị lũ lụt.
Trung Đông, ngoài Iran, vụ ám sát tiến sĩ vật lý người Syria tên Aziz Asber được Le Monde chú ý. Nhà khoa học này ít được biết đến nhưng là cột trụ của chương trình vũ khí chiến lược của Damas. Một nhóm thánh chiến tự nhận là thủ phạm gài mìn ám sát tối thứ Bảy nhưng theo Le Monde « đây là lần đầu tiên một chuyên gia vũ khí Syria bị thanh toán theo cách thức gần giống như chiến thuật của tình báo Israel ». Trái lại, đối lập Syria cho rằng giám đốc cơ quan nghiên cứu khoa học Syria bị chế độ thanh toán.
Các tài liệu mật của Pháp cho rằng chính cơ quan nghiên cứu khoa học này đóng vai trò then chốt trong việc chế tạo vũ khí hóa học mà quân đội Syria sử dụng tấn công đối lập võ trang và thường dân trong những vùng do đối lập kiểm sóat.
Châu chấu đá xe Monsanto
Liberation giới thiệu chân dung của một người Mỹ da đen, thợ làm vườn, đang làm rung chuyển tập đoàn hóa chất Mỹ Monsanto. Dewayne Johnson, 46 tuổi, bị ung thư sau ba năm sử dụng thuốc diệt cỏ, kiện tập đoàn hóa chất ra toà. Sau một tháng xét xử, toà án Caliornia sắp công bố phán quyết. Luật sư Brent Wisner của nguyên đơn có lập luận vững như bê tông :” tập đoàn hóa chất này chống lại khoa học và chỉ lưu tâm đến lợi nhuận kinh tế mà thôi”. Luật sư cho biết là Monsanto có trong tay 3,1 tỷ đôla tiền mặt. Do vậy, ông sẽ hỏi thẩm phán « làm cách nào để trừng phạt một tập đoàn có nhiều tiền như thế ? Phạt bao nhiêu thì tập đoàn giàu có như thế xem là không đáng kể ? » Vị luật sư này cho biết tại Mỹ hiện có 4000 đơn kiện đang được thụ lý.
Tin đọc nhanh
(AFP) – Cho dù bị tăng thuế, xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ chỉ giảm nhẹ trong tháng 7.
Thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc trong tháng 7 tiếp tục ở mức 28,09 tỉ đô la, giảm chút ít so với 29,09 tỉ đô la hồi tháng 6, nhưng tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là các số liệu đầu tiên mà hải quan Trung Quốc đưa ra kể từ khi chính quyền Mỹ áp đặt loạt trừng phạt đầu tháng 7, tăng thuế 25% nhắm vào 34 tỉ đô la hàng Trung Quốc. Về toàn cầu, xuất khẩu của Trung Quốc ngược lại tăng hơn so với tháng 6 (+11,2%).
(AFP) – Indonesia : Động đất đảo Lombok khiến hơn 165.000 dân mất nhà.
Trận động đất kinh hoàng 6,9 độ richter tại đảo Lombok, Indonesia, khiến ít nhất 131 người thiệt mạng, tính cho đến hôm nay, 8/8/2018. Nhiều ngôi làng trên hòn đảo hơn 4.700 km² này hoàn toàn bị phá hủy. Số người bị thương nặng ước tính là 1.477. Các nạn nhân có nguy cơ lâm vào tình trạng đói, khát và thiếu chăm sóc y tế.
(AFP) – Nhật Bản lại hứng bão.
Bão Shanshan với sức gió 180 km/giờ, đã áp sát thủ đô Nhật Bản vào hôm nay, 08/08/2018, kèm theo mưa to gió lớn, gây xáo trộn giao thông trong vùng Tokyo. Đài khí tượng Nhật Bản đã cảnh báo về nạn lụt lội, đất lở, sóng to, kêu gọi dân chúng chấp hành chỉ thị di tản của chính quyền vùng bị bão.
(Reuters) – Thủ tướng Cam Bốt ấn định ngày họp Quốc Hội mới là 05/09/2018.
Theo thông báo công bố hôm nay, 08/08, hai ngày sau đó sẽ có cuộc họp hội đồng bộ trưởng đầu tiên. Buổi khai mạc Quốc hội mới sẽ do quốc vương Norodom Sihamoni chủ trì. Tuy kết quả chính thức chỉ được công bố trung tuần tháng 8 nhưng đảng của ông Hun Sen khẳng định đã giành trọn số 125 ghế đại biểu trong cuộc bầu ngày 29/07 vừa qua.
(AFP) – Tập đoàn Hàn Quốc Samsung sẽ đầu tư 161 tỷ đô la để phát triển.
Theo thông báo ngày 08/08/2018, trong số 161 tỷ đô la đầu tư trải trên 3 năm, thì 22 tỷ sẽ dành cho lãnh vực thông minh nhân tạo, xe tự động, mục tiêu là để phát triển tập đoàn trong tương lai. Đầu tư này phần lớn là từ chi nhánh Samsung Electronics. Thị trường vi mạch điện tử vẫn tốt nhưng điện thoại thông minh có khựng lại, nên Samsung muốn tìm động cơ phát triển khác.
(AFP) – Washington chuẩn bị áp thuế trên thêm 16 tỷ đô la hàng nhập Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ hôm 07/08/2018 cho biết sẽ áp thuế 25% trên tổng cộng 50 tỷ đô la hàng nhập Trung Quốc. Bên cạnh 25% áp trên 34 tỷ đô la có hiệu lực từ 6/07, thì sắp tới đây sẽ đánh thêm 25% trên một khoản mới 16 tỷ đô la, có hiệu lực vào ngày 23/08, liên quan đến 279 mặt hàng trong đó có trang thiết bị nông nghiệp, phụ tùng điện. Theo Cơ Quan Đại Diên Thương Mại Mỹ – USTR, danh mục sản phẩm bị áp thuế sẽ được nhanh chóng đưa lên công báo.
(AFP) – Bộ trưởng tình báo Israel hài lòng trước việc một nhà khoa học vũ khí hàng đầu Syria bị ám sát.
Ông Yisrael Katz đã tỏ thái độ như trên ngày 07/08/2018, nhưng từ chối bình luận về thông tin cáo buộc tình báo Israel đứng sau vụ đánh bom đẫm máu. Tướng Aziz Asbar – người đứng đầu trung tâm nghiên cứu vũ khí của chính phủ Syria – cùng tài xế đã thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng xe gài bom hôm 04/08. Tờ báo Mỹ New York Times hôm 06/08 trích dẫn “một quan chức tình báo Trung Đông cấp cao” cho rằng Israel đứng sau vụ ám sát.
0 comments