Người Việt, phần lớn, và hình như đa số người Á Đông cũng thế, không thích ai
tham vọng, và quan ngại những người có tham vọng lớn, dù người đó tài giỏi mấy.
Sự hiểu biết hay
nhận thức của chúng ta về một chữ, một ý tưởng, hay một khái niệm nào đó, sẽ
ảnh hưởng lên cách tiếp cận, cách suy nghĩ, cách đặt vấn đề và cách giải quyết
vấn đề của chúng ta.
Tôi tò mò mở một
số tự điển ra để tra chữ tham vọng, thì thấy cách hiểu hay nhận thức của người
Việt về tham vọng là phần lớn mang đầy tính tiêu cực, như đã nói trên. Kiểu như
tham vọng là “lòng ham muốn quá mức, quá tham, cao hơn những gì mình có thể
đạt”, hay là “lòng ham muốn, mong ước quá lớn, vượt quá xa khả năng thực tế”…
Dùng Google để truy tìm thì cũng thấy đa số mang định nghĩa khá tiêu cực hay
hạn hẹp.
Phải chăng vì
trong mắt họ, những người tham vọng là tham lam, và tham quá cái mức mà họ có
khả năng với tới, nên ảo tưởng, nên thường là xấu và gây nhiều ảnh hưởng tiêu
cực về sau? Phải chăng trong các xã hội vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của
Khổng Giáo, tham vọng là thể hiện cái tôi, cái chủ nghĩa cá nhân “xấu xa”, là
cái không hề được khuyến khích hoặc chấp nhận trong một tập thể hay một quốc
gia như thế? Phải chăng vì quan niệm như thế nên bất cứ ai có chút tham vọng
vươn lên thì đều bị kéo xuống hoặc bị đẩy qua bên?
Có phải vì thế
mà những người có tham vọng trong xã hội đó thường phải dấu kín nó? Có khi họ
phải đóng kịch, phải tỏ vẻ khiêm cung, phải luồn lách suốt một thời gian dài,
nhưng trong thâm tâm và thầm kín, họ vẫn có những tham vọng lớn. Những người có
tham vọng lớn mà lại sử dụng các phương pháp trí trá nhất để qua mắt bao nhiêu
người để trèo lên đến đỉnh cao quyền lực thì lại còn nguy hiểm hơn rất nhiều.
Con đường họ phải đi qua để bước lên được đỉnh cao đó khó thể nào cho họ cái
nhìn tích cực hay nhân bản để hành động như thế về sau này.
Theo tôi, đã đến
lúc chúng ta phải thay đổi nhận thức về tham vọng. Đất nước Việt Nam không
thiếu nhân tài, nhưng thiếu những giá trị nền tảng, thiếu những suy nghĩ tích
cực và cấp tiến, và thiếu những cơ chế và định chế thích hợp, để khuyến khích,
nâng đỡ và hỗ trợ cho những cá nhân có ước mơ, có tầm nhìn và có những tham
vọng lớn để trở thành những nhân cách lớn ở tầm quốc gia và quốc tế. Theo tôi
thì càng nhiều người càng tham vọng lớn càng tốt cho tình hình đất nước hiện nay.
Tôi mới tình cờ
đọc được một chia sẻ của ông Chủ tịch tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ với 1200
sinh viên Cao đẳng năm 2016, trong đó ông có nói về tham vọng, tuy ở khía cạnh
tích cực hơn. Ông nói: “Theo tôi, tham lam thuộc về ý nghĩa mang tính cá nhân,
tham vọng vì lợi ích của nhiều người, của cộng đồng…”, nên “tôi khuyên các bạn
hãy là người tham vọng chứ đừng tham lam.” [1]
Không rõ các bạn
sinh viên Việt Nam này nghĩ gì về lời khuyên của ông Vũ. Tuy mang tính tích cực
hơn, như một lời khuyên hơn là một định nghĩa, tôi cho rằng nó không đủ chiều
rộng và chiều sâu. Tham lam và tham vọng đều có thể mang tính cá nhân, tập thể
hay cộng đồng. Nhưng tập thể, cộng đồng, hay ngay cả quốc gia, cũng do một số
cá nhân lãnh đạo, và khi họ lại độc tôn, độc quyền và độc tài, cái tham lam hay
tham vọng được thể hiện chưa hẳn là sự tổng hợp của các cá nhân trong tập thể
đó là phần chính là sự phản ảnh của những cá nhân đó nhiều hơn. Tập Cận Bình và
phe diều hâu trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc với giấc mộng bá quyền hiện nay là
một thí dụ [2].
Trong khi đó,
định nghĩa “ambition” trong tự điển tiếng Anh như Oxford, chẳng hạn, là “một
ham muốn mạnh mẽ để làm hoặc để đạt một cái gì đó”, hoặc “ham muốn và quyết tâm
để đạt được sự thành công”. Đi xa hơn, các nhà tâm lý học định nghĩa tham vọng
là “thứ nhất, ham muốn thành công, và thứ hai, động cơ và quyết tâm để phấn đấu
đạt được ngay cả khi đối mặt với nghịch cảnh và thất bại” [3]. Thời cổ Hy Lạp,
các triết gia Plato hay Aristotle cũng đã bàn nhiều về những đề tài này. Tất nhiên
vẫn có người nghĩ tham vọng là một hình thức tham lam, cho cá nhân nhiều hơn
cho cái tốt của số đông. Trước thế kỷ 16, nó được xem như những tính xấu cùng
với tự hào/phụ (pride), kiêu căng, hư vinh, những điều không thích hợp đối với
vinh dự [4]. Nhưng cái suy nghĩ của thời nay, nhất là của các nước dân chủ tiến
bộ, đã thay đổi hoàn toàn quan niệm về tham vọng.
Xã hội Tây
phương nói riêng, và mọi xã hội/văn hóa nói chung, phát triển vững ổn nhờ đại
đa số cá nhân trong xã hội đó phấn đấu, và tham vọng. Một xã hội mà càng có
nhiều cá nhân có tham vọng lớn, được xã hội đó khuyến khích và hỗ trợ, thì sự
vận động và chuyển động của xã hội càng mạnh mẽ. Ngược lại khi người dân thiếu
động cơ, thiếu tham vọng để vươn lên, cho mình hoặc cho tập thể mình phục vụ,
thì đó là điều rất đáng quan ngại.
Trong xã hội
phát triển lành mạnh, những người có tham vọng lớn thường vì nhiều nguyên do
hay động cơ khác nhau. Trên hết là cho bản thân họ, với hoài bão để chiếm một
địa vị, một danh vọng, một chỗ đứng, hay vì quyền lợi, quyền lực (hay ảnh
hưởng) nào đó, cho mình và/hoặc để thay đổi xã hội. Cũng có người có tham vọng
cho để mang lại những giá trị cao cả nào đó, như tự do, dân chủ và nhân quyền.
Cũng có người có tham vọng lớn vì công lý, vì công bằng xã hội, vì môi trường
sống, vì thương yêu thú vật v.v… Adam Smith, cha đẻ của chủ nghĩa tư bản, cho
tư lợi (self-interest) là động cơ lớn nhất trong hoạt động kinh tế. Tuy không
phải động cơ nào cũng ích kỷ, tính toán, nhưng điều rõ ràng là người có tham
vọng lớn thường nghĩ đến những mục tiêu cụ thể để họ nhắm đến và quyết tâm thực
hiện để mang lại quyền lợi, quyền lực hay tiếng tăm cho chính mình cũng như làm
hãnh diện cho gia đình mình, tập thể mình, quốc gia mình.
Hầu hết những
người có tham vọng cao, dù cho chính cá nhân họ, vẫn có tinh thần xã hội, cộng
đồng, quốc gia rất cao. Bởi họ hiểu rất rõ rằng không bảo vệ nền tảng chung,
nguyên tắc chung, giá trị chung, thì mọi thứ đều có thể bị đảo ngược, và họ sẽ
không thể đứng vững lâu dài. Nói khác đi, ngay cả khi họ ra sức bảo vệ cái
chung, đó là vì họ muốn bảo vệ cái riêng, cái không gian và quyền lợi riêng của
họ.
Suy nghĩ như thế
không có gì sai trái hay tiêu cực, mà ngược lại, xã hội Hoa Kỳ hay Úc đều vận
hành như thế. Và hầu như các quốc gia dân chủ tiến bộ đều vận hành như thế
(ngoại lệ có lẽ là Nhật Bản, phần nào đó, có các đặc tính văn hoá rất khác). Từ
nhỏ đến lớn, từ mọi địa hạt như giáo dục, thể thao, nghệ thuật, chính trị, lãnh
đạo, v.v… đều được khuyến khích như thế. Mọi người, kể cả các sinh viên học
sinh từ khi còn nhỏ, đều được khuyến khích có nhiều tham vọng và bày tỏ nó qua
hành động cụ thể của mình [5].
Có một điều lạ.
Ở những xã hội mà suốt ngày cứ đòi hỏi người khác bỏ đi cái tôi, phải phục vụ
tập thể, cộng đồng và đất nước, hay phải yêu nước v.v… thì cái xã hội đó không
những không tiến bộ mà còn chậm tiến, độc đoán, độc tài. Nó còn tạo cơ hội và
môi trường cho bao nhiêu những cá nhân tham nhũng và ích kỷ ngồi trên đầu trên
cổ người dân.
Theo tôi thì đất
nước Việt Nam hiện nay cần rất nhiều cá nhân tham vọng lớn. Tốt cho cá nhân,
cho tập thể, thì cũng sẽ tốt cho cộng đồng, cho đất nước. Không có ước mơ, hoài
bão, ham muốn thay đổi xã hội mà cứ chấp nhận hiện tại, dù hiện tại có hoàn hảo
mấy đi chăng nữa, thì xã hội đó không thể tiến được. Trong khi đó cái hiện thực
xã hội Việt Nam có quá nhiều vấn đề.
Sự vận động
không ngừng của xã hội, cũng như sự thay đổi do các tác động bên ngoài về mặt
kinh tế/thương mại, ngoại giao, chính trị quốc tế, đặc biệt là do tác động của
cuộc cách mạng công nghệ bốn, và những thử thách cũng như cơ hội lớn lao do
những thay đổi này tạo ra, cho thấy nhu cầu cấp thiết cho một thế hệ lãnh đạo
mới có viễn kiến và tài năng để lèo lái con thuyền quốc gia. Thay vì sợ hay
quan ngại những người có tham vọng lớn, cái tư duy chiếm đa số hiện nay, thì
nên khuyến khích mọi người trong xã hội có những tham vọng lớn. Vấn đề lo ngại
họ trở thành độc đoán, độc tài hay chỉ biết lo cho quyền lực/lợi của mình là
điều không cần thiết. Bởi tâm lý lo ngại không giải quyết được điều gì mà chỉ
cản trở sự vươn lên một cách tích cực và bình thường của xã hội.
Tại các quốc gia
dân chủ, các cơ quan nhà nước, các định chế chính phủ cũng như phi chính phủ,
các doanh nghiệp tư và công, và các thành phần xã hội dân sự, hầu như đều có
một số giá trị chung nào đó cũng như các nguyên tắc đạo đức và hành xử (code of
conduct/ behaviour or ethics) để tất cả tôn trọng và noi theo. Tất nhiên các
nguyên tắc và giá trị chung này đều phải hợp hiến và hợp pháp. Một cá nhân nào
đó, dù tham vọng đến mấy và đạt đỉnh cao mấy, cũng không thể tồn tại nếu tiếp
tục có những hành xử vi phạm đến các nguyên tắc và giá trị như thế, trừ phi cơ
chế đó bị hư hỏng toàn bộ, điều mà rất hiếm khi xảy ra trong nền dân chủ pháp
trị. Nói tóm lại, điều cần thiết là làm sao các hiến pháp, luật pháp và cơ chế
vận hành của guồng máy xã hội đó được thiết kế một cách hiệu quả để ngăn ngừa
sự lợi dụng hay lạm dụng của bất cứ một cá nhân hay tập thể/đoàn nào không xảy
ra. Để người ta không trở thành độc quyền (monopoly) trong một lĩnh vực nào đó,
chẳng hạn như truyền thông, hoặc không độc tài, chẳng hạn như chính trị.
Thay vì kìm hãm
sự phát triển cần thiết và tự nhiên của mọi người, nhất là những người có tài,
đam mê và ham muốn mãnh liệt để vươn lên tầm cao của đất nước và của thế giới,
đã đến lúc phần lớn người Việt cần phải thay đổi quan niệm về tham vọng để đất
nước có thể có những cá nhân và những lãnh đạo thật sự tài năng để phục vụ tối
đa trong khả năng và vai trò mà họ có thể đóng góp hiệu quả nhất. Mọi thay đổi,
trước hết, phải đến bằng ý thức, tư duy, rồi mới đi đến các hành động thiết
thực khác để xây dựng một văn hoá tích cực hầu mang lại kết quả tốt đẹp lâu
dài.
(Úc Châu, 06/08/2018)
Tài
liệu tham khảo:
2. Michael
Pillsbury, “The Hundred Year Marathon”, Henry Holt and Company, February 2015.
0 comments