Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 04/08/2018

Saturday, August 4, 2018 6:12:00 PM // ,

 

Tin khắp nơi – 04/08/2018

Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi

« duy trì áp lực » lên Bắc Triều Tiên

Anh Vũ
Theo AFP, hôm nay, 04/08/2018, lãnh đạo Ngoại Giao Mỹ, Mike Pompeo kêu gọi « duy trì áp lực » với Bắc Triều Tiên, đồng thời tỏ nghi ngờ Nga vi phạm trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Singapore, ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc « duy trì áp lực ngoại giao, kinh tế đối với Bắc Triều Tiên, để có thể đi đến giải trừ hạt nhân hoàn toàn bộ, vĩnh viễn và có kiểm chứng được mà Bắc Triều Tiên đã cam kết ».
Trong cuộc họp báo, ngoại trưởng Mỹ cho bết đã đề nghị các nước ASEAN « áp dụng nghiêm ngặt mọi trừng phạt, trong đó có việc chấm dứt toàn bộ việc sang dầu lửa giữa các tàu » ngoài khơi cho Bắc Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết ông không có cuộc gặp nào với phái đoàn ngoại giao Bắc Triều Tiên tại Singapore. Trong việc áp dụng trừng phạt Bình Nhưỡng, ông Pompeo khen ngợi cam kết của Bắc Kinh, trong khi đó ông lại nhắc tới những thông tin gần đấy nói rằng Nga vẫn tiếp tục làm ăn với Bắc Triều Tiên như tạo điều kiện sử dụng lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên. Ông Pompeo hứa sẽ nói chuyện với Mátxcơva về vấn đề trên.
Hôm qua, AFP được tham khảo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc, theo đó, Bắc Triều Tiên vẫn chưa chấm dứt chương trình hạt nhân và tiếp tục mua dầu bất hợp pháp bằng cách chuyển giữa các tàu trên biển nhằm lách trừng phạt của quốc tế. Bình Nhưỡng vẫn vi phạm lệnh cấm xuất khẩu than đá và quặng sắt.
Báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc còn tố cáo Bình Nhưỡng qua trung gian Syria để bán vũ khí sang Yemen và Libya.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180804-ngoai-truong-my-keu-goi-the-gioi-%C2%AB-duy-tri-ap-luc-%C2%BB-voi-bac-trieu-tien-ok

Tòa án ra lệnh cho chính quyền Trump

khôi phục trọn vẹn DACA

Một thẩm phán liên bang hôm thứ Sáu đã phán quyết rằng chính quyền Trump phải khôi phục trọn vẹn một chương trình bảo vệ một số người nhập cư trẻ tuổi được đưa đến Mỹ bất hợp pháp lúc nhỏ khỏi bị trục xuất, kể cả việc chấp nhận những đơn mới nộp cho chương trình này.
Tuy nhiên thẩm phán khu vực tư pháp liên bang John Bates ở thủ đô Washington nói ông sẽ hoãn thi hành sắc lệnh đưa ra hôm thứ Sáu cho đến ngày 23 tháng 8 để cho chính quyền thời gian quyết định có đề nghị phúc thẩm hay không.
Ông Bates đầu tiên đưa ra một phán quyết vào tháng 4 yêu cầu chính phủ liên bang tiếp tục chương trình Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ, tức DACA, bao gồm cả việc nhận đơn. Ông đã hoãn thi hành phán quyết đó trong 90 ngày để cho chính phủ thời gian giải thích rõ hơn tại sao chương trình nên được chấm dứt.
Hôm thứ Sáu, ông Bates, người được cựu Tổng thống George W. Bush bổ nhiệm và theo Đảng Cộng hòa, cho biết ông sẽ không sửa đổi phán quyết trước đó của ông vì những lập luận của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không lấn át được những lo ngại của ông.
Dưới chương trình DACA, khoảng 700.000 thanh niên, thường được gọi là những “Dreamer,” được bảo vệ khỏi bị trục xuất và được cấp giấy phép lao động trong thời hạn hai năm, sau đó họ phải nộp đơn đăng kí lại.
Chương trình được lập ra vào năm 2012 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama theo Đảng Dân chủ.
Hai tòa án liên bang khác ở California và New York trước đó đã ra lệnh giữ nguyên DACA trong khi các vụ kiện tụng thách thức quyết định của ông Trump chấm dứt nó tiếp tục. Các phán quyết này chỉ ra lệnh cho chính phủ phải xử lí các đơn xin gia hạn DACA chứ không xử lí các đơn mới.
Một vụ kiện khác tại tòa án liên bang Texas đang tìm cách chấm dứt DACA.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết hôm thứ Sáu rằng chính phủ sẽ tiếp tục bảo vệ lập trường của mình rằng họ “đã hành động trong thẩm quyền hợp pháp của mình trong việc quyết định dần dần chấm dứt DACA một cách có trật tự.”
Quốc hội cho đến nay vẫn không thông qua được luật để định đoạt số phận của các Dreamer, bao gồm một con đường tiềm năng cho phép họ được trở thành công dân.
https://www.voatiengviet.com/a/toa-an-ra-lenh-cho-chinh-quyen-trump-khoi-phuc-tron-ven-daca/4513679.html

TT Trump lại công kích truyền thông

Tổng thống Donald Trump lại khởi động chiến dịch đả kích truyền thông tại một một sự kiện ở bang Pennsylvania khi ông công kích “tin giả, tin giả đáng ghê tởm” và một lần nữa tuyên bố các nhà báo là những đối thủ chính trị thực thụ của ông.
Tối hôm 2/8, TT Trump đi vận động chính trị ở một tiểu bang nơi ông từng đánh bại các đối thủ bên đảng Dân chủ hồi năm 2016, và giờ đây đang tìm cách vận động để giành thêm một ghế Thượng viện cho đảng Cộng hòa ở bang Pennsylvania vào mùa thu năm nay.
Cuộc đua giữa dân biểu đảng Cộng hòa Lou Barletta và ông Bob Casey, nghị sỹ đảng Dân chủ đã có hai nhiệm kỳ, đã bị lu mờ trước những lời công kích dữ dội của ông Trump nhắm vào giới truyền thông trong bối cảnh có sự ác cảm của Toà Bạch Ốc dành cho các nhà báo và thái độ thù nghịch của hàng ngàn người ồn ào chen chúc nhau tại sự kiện diễn ra tại trung tâm hội nghị Wilkes-Barre ở Pennsylvania.
“Đều gì đã xảy ra với báo chí tự do? Điều gì đã xảy ra với việc đưa tin trung thực?” ông Trump hỏi đám đông và chỉ vào những phóng viên đang tác nghiệp ở cuối hội trường. “Họ không đưa tin. Họ chỉ dựng chuyện.”
Ông Trump nhiều lần lên án báo chí, cho rằng họ đã hạ thấp những thành tích của ông trong khi đặt nghi vấn về sự nghiệp chính trị của ông.
Vị tổng thống đương nhiệm của Mỹ gay gắt đả kích truyền thông, cho rằng họ đã cố tình hạ thấp những thành tích mà ông đã đạt được tại cuộc họp thượng đỉnh ở Singapore với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un. Ông đả kích những câu hỏi hóc búa từ phía báo chí tại Helsinki khi ông gặp mặt Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng trước.
Tại sự kiện hôm 2/8, ông bắt đầu bài diễn văn với đoạn hồi tưởng 10 phút về đêm chiến thắng bầu cử năm 2016 và than rằng Pennsylvania không phải là tiểu bang đã giúp ông giành chiến thắng để vào Nhà Trắng vì “tin giả.”
“Chỉ thấy những tin tiêu cực từ những kẻ giả mạo ở dưới kia”. Với mỗi lời lên án của Tổng thống Trump, đám đông lại cười nhạo và la ó nhắm vào khu giành cho báo chí ở cuối hội trường.
Vài giờ trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders bảo vệ tuyên bố trước đây của ông Trump cho rằng truyền thông là “kẻ thù của nhân dân” Mỹ. Bị dồn hỏi tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng về việc này, bà Sanders nói ông Trump “đã cho mọi người biết quan điểm của ông ấy.”
Trong những trao đổi qua lại căng thẳng với phóng viên, người phát ngôn Nhà Trắng đổ lỗi cho truyền thông là đã châm ngòi cho những căng thẳng trong nước.
“Theo tôi được biết, tôi là thư ký báo chí đầu tiên trong lịch sử của nước Mỹ cần được mật vụ bảo vệ,” bà Sarah cáo buộc truyền thông tiếp tục “tăng thêm những lời thóa mạ chống lại tổng thống và mọi người trong chính quyền này.”
Ông Trump trong những tuần qua đã tăng cường chiến dịch vận động cho các thành viên đảng Cộng hòa được ông ủng hộ ở cả các cuộc bầu cử sơ khởi và giữa kỳ vào tháng 11 sắp tới. Ông là thành viên đảng Cộng hòa đầu tiên giành chiến thắng ở Pennsylvania kể từ năm 1988.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-lai-cong-kich-truyen-thong/4513174.html

Kinh tế Mỹ: thêm 157.000 việc làm,

tỷ lệ thất nghiệp chỉ có 3.9%

Các chủ lao động Mỹ đã giảm đà thuê nhân công trong tháng 7 sau khi tạo thêm 157.000 việc làm, một tỷ lệ tăng trưởng vững chắc nhưng chưa bằng mức tăng của nửa đầu năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4% xuống còn 3,9%, theo dữ liệu của Bộ Lao động đưa ra hôm 3/8. Tỷ lệ này xuống gần tới 3,8%, mức thấp nhất trong 18 năm vào tháng 5 vừa qua.
Trong sáu tháng đầu năm nay, số người được thuê vào làm việc là 224.000 người, tiến độ mướn công nhân nhanh hơn so với năm 2017. Mức tăng trường này đã gây ấn tượng tốt cho nhiều kinh tế gia bởi nó diễn ra vào cuối chu kỳ phát triển kinh tế, hiện đang ở năm thứ 10 và là chu kỳ dài thứ 2 trong lịch sử Mỹ.
Đà mướn lao động chậm lại trong tháng trước có thể chỉ có tính cách tạm thời. Người tiêu dùng đang chi tiêu thoải mái và các doanh nghiệp đang tăng cường đầu tư vào các trụ sở và thiết bị càng đẩy mạnh tăng trưởng.
Nền kinh tế tăng với mức 4,1% trong quý 2 là mức tăng cao nhất trong gần 4 năm qua. Mức lương trung bình trả theo giờ tăng nhẹ ở mức 2,7% so với một năm trước đó, và không thay đổi so với cách đây hai tháng.
Điều này làm Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell và các kinh tế gia bối rối. Trước đây, thông thường khi tỷ lệ thất nghiệp giảm dưới mức 4% thì mức lương tăng rất nhanh.
Một đám mây đen phía trước là cuộc chiến thương mại giữa chính quyền Trump với Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada và Mexico. Nhà Trắng đã áp các loại thuế lên thép và nhôm và các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD. Một số công ty của Trung Quốc đã áp thuế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ để trả đũa.
Cuộc chiến thương mại dường như không có tác động tới đà thuê nhân công trong tháng trước. Ngành chế tạo sản xuất nằm trong số các lĩnh vực bị tác động nhiều nhất của các sắc thuế, đã thêm được 37.000 việc làm, số liệu cao nhất trong 7 tháng qua.
Ngành chế tạo sản xuất dường như được hưởng lợi do các công ty khoan dầu tăng gần như gấp đôi mức đầu tư của họ vào các dàn khoan và các cơ sở khác trong mùa xuân vừa qua.
Các công ty nói họ gặp khó khăn trong việc tìm người lao động trong bối cảnh lần đầu tiên trong nhiều thập niên, số việc làm mới cao hơn số người thất nghiệp. Tại nhiều công ty những người làm việc bán thời gian được tăng giờ làm việc. Số công nhân viên bán thời gian muốn làm việc toàn thời đã giảm gần 13% trong năm ngoái và hiện ở mức 4,6 triệu người, con số thấp nhất trong 11 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp – kể cả những người chán nản không buồn tìm việc nữa cũng như những người thỉnh thoảng mới đi tìm việc – giảm từ 7,8% xuống còn 7,5 %, mức thấp nhất trong 17 năm qua.
Nền kinh tế được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 3% trong thời gian còn lại của năm. Điều này có nghĩa là mức tăng trưởng cho toàn năm 2018 sẽ lần đầu tiên vượt mức 3% kể từ năm 2005.
Trong bối cảnh kinh tế phát triển lành mạnh, có thêm nhiều người muốn mua nhà tuy nhiên số lượng nhà rao bán lại khan hiếm. Điều đó đã làm giá nhà tăng. Tỷ lệ thế chấp tiền vay mua nhà cũng tăng trong năm qua, đẩy cao số tiền thanh toán hàng tháng, giá nhà không còn rẻ, nhiều căn nhà vuột khỏi tầm tay với của nhiều người.
https://www.voatiengviet.com/a/kinh-te-my-them-157k-viec-lam-ty-le-that-nghiep-giam-xuong-39/4512780.html

Cựu phụ tá TT Trump Paul Manafort

 bị chất vấn về vấn đề thuế

Một kế toán viên làm việc cho ông Paul Manafort đã ra làm chứng hôm 3/8, khai rằng cựu quản lý chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump không hề tiết lộ các tài khoản ngân hàng ở nước ngoài và các công ty liên kết với các tài khoản này, giữa lúc phe công tố tìm cách chứng minh các cáo buộc về gian lận tiền nong trong ngày thứ tư của phiên tòa.
Lời khai của Philip Ayliff, kế toán tại công ty KWC, là một phần nằm trong nỗ lực của bên công tố tìm cách chứng minh rằng ông Manafort đã che giấu với các cơ quan về thuế của Mỹ hàng triệu đôla thu nhập đã kiếm được khi làm việc cho các chính trị gia thân Nga ở Ukraina, và đồng thời, chứng minh rằng ông Manafort vi phạm các luật ngân hàng.
Phiên xét xử tại tòa án liên bang ở Alexandria, Virginia, là phiên đầu tiên xuất phát từ cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016 của Hoa Kỳ. Ông Manafort, 69 tuổi, không nhận tội trước các cáo buộc về tội gian lận ngân hàng, gian lận thuế và không tiết lộ các tài khoản ngân hàng nước ngoài.
Được hỏi tại sao cần biết liệu ông Manafort có quyền kiểm soát và phân bố tiền bạc từ các tài khoản đó, ông Ayliff nói: “Bởi vì họ sẽ phải thỏa đáng yêu cầu về báo cáo FBAR”.
Sở Thuế vụ Hoa Kỳ đòi hỏi bất kỳ ai có quyền kiểm soát tài khoản nước ngoài trị giá trên 10.000 đôla tại bất kỳ thời điểm nào trong năm trước, phải nộp Báo cáo về Ngân hàng và Tài khoản Tài chính ở Nước ngoài (FBAR).
Các cáo buộc đối với ông Manafort chủ yếu liên quan đến khoảng thời gian trước giai đoạn dài 5 tháng ông làm việc cho ông Trump. Trong thời gian đó, có lúc ông là chủ tịch ban vận động tranh cử, một giai đoạn then chốt trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc.
https://www.voatiengviet.com/a/cuu-phu-ta-tt-trump-bi-chat-van-ve-van-de-thue/4512818.html

Gia đình ly tán: Bị kiện,

chính phủ Mỹ phủi trách nhiệm

Chính quyền Trump vẫn phải đối mặt với vấn đề gia đình người nhập cư trái phép bị ly tán. Hơn 1400 trẻ em bị tách khỏi cha mẹ đã được trao lại cho người thân. Nhưng hàng trăm trường hợp còn chờ giải quyết, với 431 ca nan giải vì cha mẹ đã bị trục xuất. Hiệp hội bảo vệ quyền công dân ACLU đã kiện chính quyền Trump về chính sách không khoan nhượng đã gây ra hậu quả tai hại này, nhưng chính quyền đã có một quyết định hy hữu là giao ngược lại trách nhiệm cho ACLU giải quyết vụ việc.
Thông tín viên RFI tại New York, Grégoire Pourtier cho biết thêm chi tiết:
« Tổ chức ACLU, Liên Đoàn Mỹ vì Dân Quyền, đã kiện chính phủ Mỹ về những hậu quả của chính sách nhập cư không khoan nhượng. Tuy bị dồn vào chân tường vì đã tách rời hàng ngàn trẻ em khỏi gia đình, nhưng chính quyền Donald Trump vẫn không nao núng và phản bác lại với đề nghị : Tại sao ACLU không gánh vác việc tìm kiếm các cha mẹ bị trục xuất, tại các nước sở tại ?
Suy cho cùng, tổ chức ACLU có phương tiện dồi dào, với một mạng lưới luật sư và tổ chức phi chính phủ, cũng như có rất nhiều tình nguyện viên và lại rất hiểu biết tình hình Trung Mỹ. Người ta còn có thể thêm vào là ACLU có ý muốn thực sự cứu giúp các trẻ em, đôi khi còn rất bé, đang ở trong các trại, chờ được giải quyết.
Tổ chức này khó mà từ chối đề nghị của chính quyền, cho dù đây là tình huống rất mỉa mai, khi chính quyền lại trút bỏ trách nhiệm về một cuộc khủng hoảng mà họ đã gây ra và cho rằng một hiệp hội có nhiều phương tiện hơn mình.
Nhưng câu hỏi là liệu chính quyền có thật sự hợp tác hay không ? Tìm lại những người đã bị trục xuất về Honduras, Salvador hay Guatemala sẽ là một công việc tốn rất nhiều công sức và theo ACLU, thông tin được cung cấp cho đến giờ rất rời rạc, nên nhiều khi vô dụng. »
Thẩm phán liên bang thụ lý vụ kiện ngày hôm qua, 03/08/2018, đã phán quyết rằng chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm tìm kiếm cha mẹ những đứa trẻ.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180804-gia-dinh-ly-tan-bi-kien-chinh-phu-my-tim-cach-phui-trach-nhiem-ok

Lũ lụt đe dọa hàng trăm dặm tại bờ đông Hoa Kỳ

Virginia – Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt đang hoành hành tại miền Đông Hoa Kỳ, cảnh báo lũ quét kéo dài từ tiểu bang Georgia cho đến tiểu bang Maine đã được ban hành.
Kể từ đêm Thứ Năm 2 tháng 8, nhiều khu vực của tiểu bang Pennsylvania đã hứng chịu cơn mưa lớn kéo dài với lượng mưa khoảng nửa foot, cơn mưa được dự báo sẽ tiếp tục ở nhiều nơi vào hôm Thứ Bảy 4 tháng 8. Mưa lớn kéo dài cũng làm cho một con đập ở Lynchburg, Virginia bị tràn, buộc khoảng 150 người phải rời khỏi nhà, và tạm trú tại một trường học. Khi nước tràn ra khỏi hồ College Lake Reservoir ở Lynchburg, các viên chức lo lắng rằng con đập được xây dựng vào những năm 1930 có thể sẽ bị vỡ, đi kèm theo đó là những con sóng khổng lồ, và lũ lụt xuất hiện ở một số nơi của thành phố, với mực nước khoảng 15 feet. May mắn là các kỹ sư đã kiểm tra và cho biết con đập vẫn ổn định và an toàn.
Các cơn gió mạnh có thể hình thành nên lốc xoáy. Vào đêm Thứ Năm, một cơn lốc xoáy đã xuất hiện tại quận Queens của thành phố New York. Một cơn lốc xoáy khác ở New York đã khiến cây cối bị đổ, và gây nhiều thiệt hại.
Ở thành phố Charlottesville, lốc xoáy cũng làm gãy cây cối và phá hủy một trường trung học. Theo dự báo, trong suốt tuần này, khắc khu vực Bờ Đông Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đối mặt với thời tiết khắc nghiệt. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/lu-lut-de-doa-hang-tram-dam-tai-bo-dong-hoa-ky/

Mỹ Khó Tách ASEAN Ra Khỏi Trung Cộng;

Pompeo: Bắc Hàn Bất Nhất Về Phi Nguyên Tử

WASHINGTON  -   Chưa tới 2 tháng sau cuộc hội đàm thượng đỉnh Trump-Kim, ngoại trưởng Hoa Kỳ trở lại thị quốc Singapore để dự 1 hội nghị của ASEAN – trên phi cơ, ngoại trưởng Pompeo tuyên bố “Hành động về vũ khí của Bắc Hàn là bất nhất với cam kết phi nguyên tử của lãnh tụ Kim Jong-un trong đối thoại trực tiếp với TT Hoa Kỳ”.
Đuợc hỏi về phát biểu tại Thượng Viện trong tháng qua, ông tố cáo Bắc Hàn tiếp tục sản xuất nhiên liệu chế bom nguyên tử và phi đạn mới, bằng chứng là kết quả phân tích ảnh vệ tinh. Theo ông, định hướng bất nhất đó cũng vi phạm các nghị quyết của HĐ Bảo An.
Tin Thomson Reuters ghi: ngoại trưởng Pompeo cảm ơn các bộ trưởng dự hội nghị ASEAN Singapore về nỗ lực cưỡng chế các trừng phạt với Pyongyang.
Phóng viên báo tin: ngoại trưởng Ri Yong-ho của Bắc Hàn có mặt tại Singapore, đuợc trông đợi dự phiên họp ngày Thứ Bảy.
Bộ ngoại giao không cho biết ông Pompeo và ông Ri gặp nhau hay không.
Tin mới nhận ghi: ngoại trưởng Pompeo xác quyết chủ trương của Hoa Kỳ là thực hành nguyên tắc pháp trị tại Biển Đông và muốn tăng đầu tư trong vùng Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương.
Cũng nhân dịp này, nhà ngoại giao của nội các Trump khẳng định: Đông Nam Á là đích đến ưu tiên của đầu tư Hoa Kỳ.
Ông Pompeo phát biểu sáng Thứ Sáu “Chúng tôi tán dương các nỗ lực bảo đảm ổn định và hoà bình trong vùng”.
Hôm Thứ Hai, trước khi lên đường Á du 5 ngày, ngoại trưởng Pompeo đã công bố dự chi 113 triệu MK sơ khởi dành cho phát triển tại vùng Indo-Pac, gồm hỗ trợ an ninh.
Nhật và Australia tuyên bố: sẵn sàng tiếp sức Hoa Kỳ.
Trong khi đó một bản tin khác của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) hôm 3 tháng 8 cho biết ASEAN vẫn còn dè dặt với kế hoạch đầu tư của Mỹ. Bản tin VOA viết như sau:
“Vào lúc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công du đến đông nam Á để quảng bá cho chiến lược đầu tư mới của Mỹ vào khu vực, câu phản hồi mà ông nhận được có thể là: Cám ơn rất nhiều, nhưng xin vui lòng chấm dứt đe dọa chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu không chúng tôi sẽ mất hàng tỷ đô la.
“Các nhà phân tích cho rằng các ý tưởng đầu tư về kỹ thuật, năng lượng và hạ tầng trị giá 113 triệu đô la mà ông Mike Pompeo công bố hồi đầu tuần sẽ khó mà thuyết phục được các quốc gia vốn gắn chặt với hệ thống cung ứng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
“Kế hoạch này là những chi tiết cụ thể đầu tiên của chính sách ‘Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ cho đến nay vẫn còn mơ hồ của Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên nó được cho là có thể làm bùng phát căng thẳng mới với Bắc Kinh, vốn đã rải tiền và ảnh hưởng ra khắp khu vực thông qua dự án ‘Vành đai-Con đường’.
““Các nước đông nam Á quan tâm nhiều hơn về hậu quả đối với họ do những căng thẳng mậu dịch Mỹ-Trung gây ra hơn là họ có thể được lợi ích gì từ gói đầu tư 113 triệu đô la này,” ông Malcolm Cook, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Đông nam Á ở Singapore, được Reuters dẫn lời nói.”
https://vietbao.com/a283998/my-kho-tach-asean-ra-khoi-trung-cong-pompeo-bac-han-bat-nhat-ve-phi-nguyen-tu

Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý

cố giải quyết mâu thuẫn

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm 3/8 đồng ý cố gắng giải quyết một loạt các mâu thuẫn, sau khi quan hệ giữa hai nước đồng minh NATO rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Cuộc gặp của hai ông tại Singapore diễn ra sau khi Washington hôm 1/8 áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hai bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến trường hợp ông Andrew Brunson, một mục sư Mỹ bị xét xử ở Thổ Nhĩ Kỳ vì cáo buộc đã tiếp tay cho khủng bố.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert đã mô tả cuộc đàm thoại của họ bên lề một hội nghị ngoại trưởng của khu vực là có tính xây dựng.
Ông Cavusoglu nói ông đã nhắc lại thông điệp của Thổ Nhĩ Kỳ rằng “những lời lẽ đe dọa và các biện pháp trừng phạt không đạt được bất cứ điều gì”, nhưng ông nói thêm rằng ông và ngoại trưởng Mỹ sẽ thực hiện các bước để giải quyết những khác biệt quan điểm giữa hai nước khi họ trở về nước.
Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu, cáo buộc rằng họ đóng vai trò hàng đầu trong các cơ quan chịu trách nhiệm về việc bắt giam ông Brunson, một tín hữu Tin lành sống ở Thổ Nhĩ Kỳ hơn hai thập kỷ. Động thái trừng phạt đã làm đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ xuống giá đến mức thấp kỷ lục.
Trong vòng vài giờ, Thổ Nhĩ Kỳ thề sẽ trả đũa ‘không chậm trễ’ nhưng kể từ đó, giọng điệu của Ankara tỏ ra chừng mực hơn và cho đến nay họ đã không thực hiện lời đe dọa đó. Bộ trưởng tài chính Berat Albayrak, con rể của Tổng thống Tayyip Erdogan, cũng cho biết quan hệ với Hoa Kỳ sẽ không bao giờ tan vỡ, bất chấp những thăng trầm tạm thời.
Ông Pompeo nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ đã lưu ý với Thổ Nhĩ Kỳ là “thời gian đã trôi qua và đã đến lúc trao trả Mục sư Brunson”.
Ông Brunson bị cáo buộc đã trợ giúp cho một nhóm bị Ankara quy là đã giật dây một cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016. Ông phủ nhận cáo buộc đó nhưng phải đối mặt với bản án lên tới 35 năm tù giam.
https://www.voatiengviet.com/a/my-tho-nhi-ky-dong-y-co-giai-quyet-mau-thuan/4512693.html

Mỹ cam kết cấp gần 300 triệu đôla

tài trợ an ninh cho Đông Nam Á

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Bảy cam kết sẽ cung cấp gần 300 triệu đôla tài trợ an ninh mới cho khu vực Đông Nam Á, trong khi Trung Quốc thúc đẩy các kế hoạch tăng cường sự tham gia của họ trong khu vực.
Ông Pompeo công bố con số này cho các phóng viên bên lề cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao từ Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các quan chức khác từ khắp nơi trên thế giới tề tựu tại Singapore.
“Như một phần trong quyết tâm theo đuổi việc thúc đẩy an ninh khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, Hoa Kỳ vui mừng loan báo gần 300 triệu đôla tài trợ mới để giúp tăng cường hợp tác an ninh trong toàn khu vực,” ông nói.
Tài trợ an ninh mới sẽ củng cố an ninh hàng hải, phát triển hỗ trợ nhân đạo, năng lực gìn giữ hòa bình và chống lại “các mối đe dọa xuyên quốc gia,” ông nói thêm.
Tài trợ an ninh này sẽ được cấp cho các đảo quốc Thái Bình Dương, Bangladesh, Indonesia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và những nơi khác, theo một thông cáo từ văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ.
Mỹ hồi đầu tuần này cho biết họ sẽ đầu tư 113 triệu đôla vào các chương trình công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Châu Á đang trỗi dậy mà ông gọi là “khoản tiền đặt cọc cho một kỉ nguyên mới cam kết kinh tế của Mỹ đối với khu vực.”
Viễn kiến đang phát triển của Mỹ cho một khu vực “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được đưa ra cùng lúc Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng của mình theo Kế hoạch Vành đai và Con đường để thúc đẩy quan hệ thương mại với các nước ở Đông Nam Á và xa hơn nữa.
Các nhà phân tích nói rằng một cuộc tranh chấp thương mại đang trở nên quyết liệt giữa Bắc Kinh và Washington cũng có thể làm gia tăng căng thẳng liên quan tới các điểm nóng khác trong khu vực, chẳng hạn như Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố gần toàn bộ chủ quyền và có tranh chấp với một số nước Đông Nam Á.
Nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Vương Nghị, nói với các phóng viên tại cùng diễn đàn này là Trung Quốc hoan nghênh, và sẵn sàng hợp tác với, Mỹ giúp phát triển nhanh hơn và giữ an ninh tốt hơn trong khu vực.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Mỹ vẫn đang điều “vũ khí chiến lược ồ ạt” vào Biển Đông và khu vực như một hình thức phô diễn sức mạnh quân sự mà có thể gây áp lực lên Trung Quốc và các nước trong khu vực.
“Đó là lực lượng lớn nhất đằng sau việc quân sự hóa trong khu vực này,” ông nói.
Trung Quốc và ASEAN hôm thứ Năm đã ca ngợi một thỏa thuận “cột mốc” về một văn kiện cơ sở nhằm khởi động điều mà có thể sẽ là các cuộc đàm phán kéo dài về một bộ qui tắc ứng xử cho hành vi trong các vùng biển tranh chấp.
Nhưng những người chỉ trích nói rằng sự nhiệt tình cho các cuộc đàm phán là một phương tiện để Trung Quốc câu giờ và củng cố vị thế của mình trong một giai đoạn thống trị của họ trong khu vực nơi họ đã xây cất các căn cứ trên các bãi đá ngầm.
Ông Pompeo nói với các phóng viên rằng ông đã nêu lên những lo ngại của ông tại cuộc họp về việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và tầm quan trọng của việc duy trì một trật tự dựa trên các qui tắc.
Tiến bộ hướng tới giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang tiếp diễn ở bang Rakhine nhiều bất ổn của Myanmar và các vấn đề an ninh khác cũng thiết yếu cho một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, ông nói.
Cụm từ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” đã được sử dụng ngày càng nhiều bởi các nhà ngoại giao Nhật Bản, Úc, Ấn Độ và Mỹ trong những năm gần đây, một cách gọi tắt cho một khu vực bao gồm các nước có lãnh đạo dân chủ, khác với “Châu Á-Thái Bình Dương” với Trung Quốc ở vị trí trung tâm. Trung Quốc nói rằng kế hoạch Vành đai và Con đường của họ là nhằm mục đích thúc đẩy sự thịnh vượng chung của tất cả các nước tham gia, nhưng những người chỉ trích xem chính sách mang dấu ấn của Chủ tịch Tập Cận Bình là một nỗ lực nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị.
https://www.voatiengviet.com/a/my-cam-ket-cap-gan-300-trieu-dola-tai-tro-an-ninh-cho-dong-nam-a/4513732.html

Thâm hụt thương mại Mỹ

tiếp tục tăng trong tháng 6

Anh Vũ
Tổng thống Donald Trump phát động cuộc chiến thương mại với quyết tâm làm cân bằng trở lại cán cân mậu dịch của Hoa Kỳ với thế giới. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ trong tháng 6 tiếp tục tăng mạnh do xuất khẩu xe hơi và máy bay sụt giảm, trong khi nhập khẩu vẫn tăng mạnh.
Toàn bộ mức thâm hụt trong tháng 6 lên tới 46,3 tỷ đô la, tức là tăng 7,3%, cao nhất từ 19 tháng qua. Hàng xuất khẩu của Mỹ chỉ đạt 213,8 tỷ, giảm 0,7%. Nhập khẩu tăng 0,6% với 260,2 tỷ.
Trên đây là số liệu được bộ Thương Mại Mỹ công bố ngày hôm 03/08/2018. Cùng lúc đó cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiếp tục leo thang. Bắc Kinh hôm qua đã dọa trả đũa đánh thuế vào hàng nhập khẩu Mỹ với trị giá 60 tỷ đô la, sau khi chính quyền Trump vẫn nỗ lực gia tăng áp lực lên nền kinh tế thứ 2 thế giới nhằm bù đắp thâm hụt thương mại của Mỹ. Riêng trong cán cân buôn bán với Trung Quốc, tháng 6 này, Mỹ vẫn vẫn bị thâm hụt 32,45 tỷ đô la, tức là tăng 1,3%.
Thâm hụt thương mại Mỹ trong tháng 6 tăng mạnh sau khi đạt mức thấp nhất trong tháng 5 ở 43,1 tỷ đô la. Tính gộp từ đầu năm, thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn ở mức tăng mạnh là 7,2%, đạt tới 291,2 tỷ.
Từ ngày 1/6 vừa qua, Washington đã áp thuế nhập khẩu mới đối với các mặt hàng nhôm, thép của châu Âu, Canada và Mêhico. Các đối tác trên của Mỹ cũng đáp trả bằng tăng thuế đánh vào hàng nhập khẩu từ Mỹ, đặc biệt là nông sản và thực phẩm. Thâm hụt thương mại của Mỹ với các đối tác này vẫn tăng từ 7,8% với châu Âu và 22% với Canada và 14,25% với Mêhico.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180804-tham-hut-thuong-mai-my-tiep-tuc-tang-trong-thang-6-ok

Hoa Kỳ trừng phạt một ngân hàng Nga

 làm ăn với Bắc Triều Tiên

Thanh Phương
Hôm qua, bộ Tài Chính Hoa Kỳ thông báo đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với một ngân hàng Nga làm ăn với một ngân hàng Bắc Triều Tiên đang bị Mỹ trừng phạt.
Cụ thể, ngân hàng Agrosoyuz của Nga bị trừng phạt vì đã tạo điều kiện cho một giao dịch quan trọng với Hang Jang Su, đại diện tại Matxcơva của ngân hàng nhà nước Bắc Triều Tiên, Ngân hàng Ngoại thương ( FTB ). Theo thông cáo của bộ Tài Chính Mỹ, từ năm 2009 đến nay, ngân hàng Agrosoyuz đã có rất nhiều giao dịch với Bắc Triều Tiên.
Theo các nhà ngoại giao được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, Hoa Kỳ đã từng yêu cầu Liên Hiệp Quốc ghi tên ngân hàng Agrosoyuz và hai công ty bình phong của Nga vào danh sách đen. Theo Washington, Matxcơva đã nhiều lần vi phạm các nghị quyết Liên Hiệp Quốc về cấm vận Bình Nhưỡng.
Khi thông báo các biện pháp trừng phạt mới với ngân hàng Nga nói trên, bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin tuyên bố là Wasshington sẽ tiếp tục thi hành các biện pháp trừng phạt của Mỹ và của Liên Hiệp Quốc để chặn đứng các nguồn thu nhập trái phép đến Bắc Triều Tiên.
Vào năm 2017, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, theo sáng kiến của Hoa Kỳ, đã thông qua một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế rất nghiêm khắc đối với Bình Nhưỡng, cô lập chế độ này với những đồng minh kinh tế hiếm hoi.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20180804-hoa-ky-trung-phat-mot-ngan-hang-nga-lam-an-voi-bac-trieu-tien-ok

Cuba cho phép công dân ở ngoại quốc

tham gia thảo luận về hiến pháp

Havana, Cuba – Hôm qua 3 tháng 8, chính phủ Cuba thông báo rằng công dân của họ sống ở ngoại quốc vẫn có thể tham gia vào cuộc tranh luận công khai về việc cải cách hiến pháp năm 1976.
Đây là lần đầu tiên quốc đảo cộng sản công nhận người Cuba sống ở hải ngoại là công dân của họ, sau nhiều năm họ loại trừ người di cư ra khỏi công việc chính trị trong nước. Dự thảo đề nghị thay đổi hiến pháp được Quốc Hội thông qua tháng trước, sẽ được công chúng tranh luận tại 35,000 nơi làm việc cũng như tại các cuộc họp cộng đồng vào tháng 11, trước khi phiên bản cuối cùng được trình lên để trưng cầu dân ý.
Dự thảo vẫn duy trì hệ thống chủ nghĩa xã hội độc đảng ở Cuba, nhưng mở đường cho việc công nhận các công ty nhỏ tư nhân, quyền đồng tính và quyền chuyển giới, cùng với nhiều vấn đề khác. Chính phủ Cuba cho biết họ sẽ đăng tải phiên bản dự thảo trên mạng Internet, cùng với mẫu đơn mà công dân sống ở ngoại quốc có thể điền vào cùng với ý kiến của họ. Mặc dù công dân sống ở ngoại quốc được phép tranh luận và nêu ý kiến, nhưng vẫn chưa rõ liệu họ có được bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý hay không.
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, công dân Cuba rời đảo bị gắn nhãn là “phản bội” và là “giun bọ,” đặc biệt là nếu họ sống ở Hoa Kỳ. Họ hiếm khi được phép trở về nhà, thậm chí để thăm gia đình và họ hàng. Dân số Cuba chỉ có 11 triệu, nhưng có hơn 2 triệu sống ở ngoại quốc. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/cuba-cho-phep-cong-dan-o-ngoai-quoc-tham-gia-thao-luan-ve-hien-phap/

Nga bác bỏ họ tiếp nhận thêm lao động Triều Tiên

Nga hôm 3/8 bác thông tin do tờ Wall Street Journal đưa ra rằng Moscow đang cho phép thêm hàng ngàn lao động Bắc Triều Tiên nhập cảnh vào nước họ và cấp cho họ giấy phép làm việc – một hành động vi phạm lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Có thêm hơn 10.000 công nhân Bắc Triều Tiên đã đăng ký làm việc ở Nga kể từ tháng 9, WSJ dẫn nguồn từ số liệu của Bộ Nội vụ Nga cho biết.
Đại sứ Nga ở Bắc Triều Tiên đã bác bỏ việc Moscow tiếp nhận thêm người lao động mới từ Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng những giấy phép làm việc mới này là cấp cho những công nhân đã làm việc ở Nga rồi và hiện đang làm việc cho các hợp đồng được ký từ trước, hãng tin Nga Interfax tường thuật.
Đại sứ Alexander Matsegora cho biết những người lao động này được phép làm việc ở Nga cho đến ngày 29/11 năm 2019 vì họ đã ký hợp đồng trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, cũng theo Interfax.
Ông giải thích rằng 3.500 giấy phép làm việc mới này được cấp cho những công nhân đã ký ở hợp đồng ở Nga trước ngày 29/11 năm 2017.
Tờ WSJ dẫn lời các nguồn tin cho biết giới chức Mỹ đang điều tra những vi phạm đối với lệnh trừng phạt đối với Bắc Triều Tiên.
“Hoàn toàn rõ rằng Nga cần làm nhiều hơn nữa. Nga nói họ muốn có quan hệ tốt hơn với Mỹ, do đó Moscow nên chứng tỏ điều đó bằng cách hợp tác với chúng tôi thay vì chống lại chúng tôi đối với mối đe dọa khẩn cấp này đối với tất cả các nước,” phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Reuters.
Vẫn theo lời người phát ngôn này, theo ước tính các công nhân Bắc Triều Tiên ở Nga gửi lượng kiều hối vào khoảng từ 150 cho đến 300 triệu đô la Mỹ cho Bình Nhưỡng.
“Giờ đây đã đến lúc Nga cần phải hành động: Moscow cần phải thực thi đầy đủ và ngay lập tức tất cả các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc mà họ ký kết.”
Việc cấm lao động Triều Tiên làm việc ở nước ngoài là một phần trong các lệnh trừng phạt nhằm loại trừ một nguồn thu nhập quan trọng đối với chính quyền của ông Kim Jong-un. Phần lớn số tiền mà người dân Bắc Triều Tiên kiếm được sẽ được thu về ngân quỹ quốc gia trong khi họ phải làm việc cật lực dưới những điều kiện gian khổ, WSJ cho biết.
https://www.voatiengviet.com/a/nga-b%C3%A1c-b%E1%BB%8F-h%E1%BB%8D-ti%E1%BA%BFp-nh%E1%BA%ADn-th%C3%AAm-lao-%C4%91%E1%BB%99ng-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-/4513168.html

Đại hội thể thao người đồng tính khai mạc tại Paris

Anh Vũ
Hôm nay, 04/08/2018, Đại hội Thể thao thế giới lần thứ 10 của những người đồng tính Gay Games khai mạc tại thủ đô Paris. Người đồng tính đến từ 90 quốc gia có một tuần hội tụ về thủ đô Pháp so tài trong không khí mang đậm màu sắc lễ hội.
Được khởi xướng từ năm 1982 tại San Francisco, Gay Games, được tổ chức 4 năm một lần, là sự kiện biểu tượng cho cuộc đấu tranh đòi bình quyền và chống lại sự kỳ thị đối với cộng đồng những người đồng tính và chuyển giới (LGBT).
Sáu năm trước Thế vận hội Paris 2024, thủ đô Pháp đón 10 nghìn vận động viên đến từ 90 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những nơi mà giới đồng tính vẫn bị pháp luật cấm đoán và kỳ thị.
Lễ khai mạc Đại hội diễn ra vào lúc 19h, giờ Pháp, tại sân vận động Jean Bouin, bên cạnh sân vận động nổi tiếng Parc des Princes ở cửa ngõ phía tây nam thủ đô Paris.
Các vận động viên đồng giới sẽ tranh tài trong 36 nội dung thi đấu thể thao trong một tuần tại 67 địa điểm nằm trong khu vực Paris và vùng phụ cận. Riêng môn đua thuyền buồm diễn ra tại cảng Le Havre ở phía bắc nước Pháp.
Trong thời gian diễn ra Đại hội thể thao, sảnh tòa thị chính Paris, nơi đặt làng thể thao, là trung tâm của Gay Games. Nơi đây sẽ diễn ra các sự kiện giao lưu văn hóa thể thao rộng rãi, quảng bá cho quyền bình đẳng không phân biệt giới tính, nguồn gốc…
Lễ bế mạc diễn ra ngày 11/08 tại mặt tiền tòa thị chính Paris.
http://vi.rfi.fr/phap/20180804-dai-hoi-the-thao-nguoi-dong-gioi-khai-mac-tai-paris-ok

Châu Âu: Nắng nóng kéo dài,

3 người chết tại Tây Ban Nha

Anh Vũ
Châu Âu, đặc biệt phần tây và nam Âu, tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng kéo dài cả tuần qua. Tại Tây Ban nha đã có 3 người thiệp mạng vì thời tiến nắng nóng.
Theo thông báo ngày 03/08/2018, của Cơ quan bảo vệ dân sự vùng Catalunya, đã có 3 người chết vì nắng nóng trong tuần này: một người dường như là vô gia cư, một người khác là công nhân làm việc ngoài xa lộ và một cụ ông 78 tuổi đang làm vườn.
Nhiệt độ ngoài trời ở hầu khắp Tây Ban Nha những ngày qua từ 40° đến 44°C. Tại Bồ Đào Nha, có vùng nhiệt độ đạt mức kỷ lục 45,2°C, trong khi hầu như trên toàn quốc nhiệt độ đều vượt 40°.
Tại Ý, những ngày qua nhiệt độ trung bình trong cả nước trở lại là 35°C, sau nhiều ngày nóng tới 40° đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp, cũng như sinh hoạt của người dân.
Tại Pháp, 67 trên 97 tỉnh của cả nước đang được đặt trong tình trạng báo động nắng nóng. Nhiệt độ ở các khu vực miền nam thường xuyên đạt 38°C.
Không khí nắng nóng ngột ngạt bao trùm khắp các nước từ Bỉ, qua Đức, đến Áo.
Ở phần bắc Âu, thường mùa hè vẫn là nơi mát mẻ nhất châu Âu, nay cũng bị đợt nóng tràn qua. Tại Thụy Điển, tháng 7 này được ghi nhận là tháng nóng nhất kể từ 250 năm qua. Đầu tháng 8, nhiệt độ trung bình tại xứ này tiếp tục đạt kỷ lục trên 30 độ. Nắng nóng bất thường đã gây ra hạn hán và cháy rừng chưa từng có ở Thụy Điển cuối tháng trước.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20180804-chau-au-nang-nong-keo-dai-3-nguoi-chet-tai-tay-ban-nha-ok

Người Pháp ngày càng chuộng

mua nông phẩm “tận gốc”

Thu Hằng
Vì lo lắng cho sức khỏe và muốn bảo vệ môi trường, ngày càng có nhiều người Pháp quay lại truyền thống mua nông phẩm địa phương, chất lượng hơn, trực tiếp từ tay nhà sản xuất. “Mua tận gốc”,“Chu trình ngắn” (“Court-circuit”, theo tiếng Pháp) có lợi cho cả người bán và người mua.
Với nhà nông, bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng là cách “kiếm tiền thay vị trí hệ thống siêu thị”. Còn với người tiêu dùng, họ biết được xuất xứ của nông phẩm, giúp cải thiện đời sống của nông dân địa phương và góp phần làm giảm khí CO2 do các phương tiện chuyên chở đường dài thải ra.
Tự lập hiệp hội để quảng bá nông phẩm
Nhiều trang trại vừa và nhỏ ở Pháp đã biết nắm bắt công nghệ và tinh thần tập thể để thành lập hệ thống phân phối độc lập. Tính đến năm 2018, có ít nhất 20 hiệp hội trên toàn nước Pháp bán trực tiếp sản phẩm đến tay khách hàng, như Mon Panier bio, Paysans.fr, Chapeau de Paille, Locavor, MesCarottes.com, Bienvenue à la Ferme…
Bienvenue à la Ferme (tạm dịch : Chào mừng đến với Trang trại) là thương hiệu của một mạng lưới nhà nông thời công nghệ với doanh thu năm 2017 đạt 1 tỉ euro. Họ vừa quảng bá, phân phối sản phẩm của hội viên vừa tổ chức du lịch sinh thái, tham quan trang trại của các thành viên trên khắp nước Pháp.
Tại Hội chợ Nông Nghiệp Paris 2018, bà Emmanuelle Pillaert, phụ trách truyền thông của Bienvenue à la Ferme, đã giải thích với RFI tiếng Việt về hoạt động của hội :
“Bienvenue à la Ferme là một thương hiệu của các Phòng Nông Nghiệp quy tụ khoảng 8.000 nhà nông trên khắp nước Pháp, kể cả ở các lãnh thổ hải ngoại (DOM-TOM). Để người tiêu dùng chú ý đến hơn, các nhà nông chọn thương hiệu Bienvenue à la Ferme và chúng tôi có cả một mạng lưới phân phối sản phẩm.
Đó là những nông dân muốn nói về ngành nghề của họ, truyền tải kinh nghiệm. Họ cũng đón tiếp khách du lịch trong nông trang, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng, các hoạt động giải trí và bán nông phẩm của họ, có nghĩa là trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu thụ mà không qua trung gian. Việc này cho phép hình thành quan hệ trao đổi trực tiếp với người tiêu thụ, khách hàng và đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà nông có thu nhập tốt hơn, tương xứng với công việc của họ vì không phải qua trung gian”.
Hái rau tại vườn : Đôi bên cùng có lợi
Thú vui đi hái hoa, hái rau quả ở nông trại trở thành hoạt động giải trí cuối tuần và ngày càng quyến rũ nhiều người Pháp, đặc biệt là người dân sống ở những thành phố lớn. Vùng ngoại ô Paris có vài chục nông trại mở cửa đón khách muốn thử làm nhà nông những ngày cuối tuần.
Trước khi đi, khách hàng có thể tra trên website của mỗi trang trại danh sách nông phẩm có thể thu hoạch hôm đó. Trước cổng vào trang trại cũng thường có một tấm biển lớn, ghi tên những loại rau củ có thể thu hoạch trong ngày cùng với giá bán theo cân hoặc theo đơn vị. Mùa nào thức nấy, khách hàng có thể tự chọn, tự hái, ăn tại chỗ và mua đúng khối lượng cần thiết. Bà Emmanuelle Pillaert giải thích :
“Khi mua hàng trực tiếp từ người nông dân, người tiêu dùng sẽ được lợi hơn, có thể không phải về mặt tài chính, nhưng quan trọng hơn là họ mua đuợc sản phẩm có chất lượng, vừa được thu hoạch. Ví dụ với một cây xà lách (salade), có thể họ sẽ trả bằng giá ở siêu thị, nhưng chất lượng, độ tươi ngon được bảo đảm nên xà lách có thể giữ được lâu hơn và như vậy sẽ bớt phí phạm vì vứt đồ hỏng. Đây là một trong những điểm được chú ý trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm”.
Cầm những chiếc khay nhỏ trong tay, đẩy một chiếc xe kút kít, khách hàng có thể đi dọc ngang những luống rau, luồn lách dưới những rặng lê táo trĩu quả, gập mình hái dưa chuột, cà tím, nhổ một cây xà lách, bới những củ khoai tây ẩn mình trong đất… “Chiến lợi phẩm” của họ rực rỡ mầu sắc được chất đầy trên xe và được cân ngay lối ra. Tại đây, khách hàng cũng có thể mua được sản phẩm từ những nông trang gần đó, như giải thích của bà Emmanuelle Pillaert :
“Nhiều nhà nông tập trung lại với nhau hình thành một điểm bán ngay trong nông trại nên số lượng mặt hàng của họ đa dạng hơn và trao đổi trực tiếp với khách hàng. Ngoài ra, còn phải kể đến chợ và các điểm giao hàng (drive-fermier). Khách hàng đặt mua trên internet, sau đó đến lấy nông phẩm được chuẩn bị sẵn ở trang trại hoặc một điểm giao hàng gần các thành phố.
Các drive-fermier là những điểm bán không cố định, không nhất thiết là phải ở trong các cửa hàng. Đơn giản đó chỉ là một điểm tạm thời, nơi các nhà nông tập trung sản phẩm, ví dụ như vào mỗi chiều thứ Sáu, và giao hàng mà khách đặt trên internet trước đó”.
Đa dạng hóa hoạt động để phát triển du lịch xanh
Thay khói bụi thành phố bằng không khí trong lành, thay những tòa nhà cao tầng bằng cánh đồng mướt mắt, thay tiếng ồn xe hơi bằng tiếng gà gáy…, ngày càng có nhiều người Pháp thường tranh thủ cuối tuần về quê đổi gió. Chỉ riêng trên trang Gites de France, chuyên về các kỳ nghỉ ở nông thôn, đã có 569 phòng ở chung nhà chủ và 3.262 nhà cho thuê độc lập gần những khu nông nghiệp trên khắp nước Pháp.
Với những du khách nhí thành thị, đây còn là dịp để phân biệt, vuốt ve con gà, con heo, con dê… thay vì chỉ biết chúng bằng hình ảnh hoặc tên gọi ghi trên bao bì món ăn được chế biến sẵn và bày bán trong siêu thị :
“Đối với những khách hàng muốn đến trang trại để nghỉ dưỡng trong một ngày, hai ngày hoặc một tuần, họ sẽ được tiếp đón nồng hậu, tìm lại sức sống trong môi trường xanh và còn nhận được những lời khuyên từ chủ trang trại, những người biết rõ vùng đất của họ, về những điểm tham quan, những khu vực được thiên nhiên ưu đãi.
Chủ trang trại cũng thường đưa ra những chương trình tham khu vực khai thác nông nghiệp của họ, như làm việc như thế nào, sử dụng phương pháp thâm canh nào và cho thấy kinh nghiệm và kỹ năng chuyên môn của họ. Ví dụ, một số nhà nông đề xuất đi vắt sữa bò, trẻ em thì có thể đi nhặt trứng gà… Đó là một trải nghiệm thật sự về cuộc sống nông trang và của người nông dân”.
Thách thức lớn nhất của mỗi nhà nông, mỗi nông trang là làm thế nào để du khách biết đến họ và làm thế nào để du khách trở lại. Bà Emmanuelle Pillaert cho rằng, ngoài việc tự cải thiện cơ sở vật chất và chất lượng đón tiếp, hầu hết các nông trang trong vùng thường liên kết chặt chẽ với nhau qua hội hoặc hợp tác xã, nhờ vậy, họ có thể tiếp cận được mạng lưới khách hàng rộng rãi hơn :
“Để quảng bá đến người tiêu dùng, chúng tôi có một trang web và một trang Facebook thường xuyên được cập nhật thông tin để nói về những nông trại thành viên ở các vùng… Ngoài ra còn có biện pháp “rỉ tai truyền khẩu” rất hiệu quả vì mỗi nhà nông có riêng mạng lưới bán hàng trực tiếp. Và vì đây là một mạng lưới nhà nông nên họ thường xuyên trao đổi với nhau những địa chỉ hấp dẫn và khi bán hàng ngoài chợ, họ cung cấp thông tin cho khách hàng. Chúng tôi cũng hợp tác với các văn phòng Du Lịch địa phương, đặt các tờ rơi ghi đầy đủ thông tin về thành viên của mỗi tỉnh”.
Khoảng 70% người dân Pháp muốn tiêu thụ nhiều hơn nông phẩm địa phương theo “chu trình ngắn”. Đây là thị trường đầy hứa hẹn cho các trang trại nhỏ. Giống như các hiệp hội khác, đội ngũ cố vấn của các Phòng Nông Nghiệp, sở hữu thương hiệu Bienvenue à la Ferme, luôn đồng hành với các thành viên từ lúc lập dự án khai thác đến phân tích kết quả.
Với 5.000 điểm bán và 3 triệu người tiêu dùng tính đến năm 2018, Bienvenue à la Ferme tiếp tục nỗ lực để duy trì thành tích mạng lưới phân phối số 1 trên toàn nước Pháp.
http://vi.rfi.fr/phap/20180803-nguoi-phap-ngay-cang-chuong-mua-nong-pham-tan-goc

Trung Quốc cam kết

bảo vệ thỏa thuận hạt nhân Iran

Bắc Kinh hôm 3/8 cho biết sẵn sàng nỗ lực cứu một thỏa thuận hạt nhân vốn cho phép Iran xuất khẩu dầu ra thị trường quốc tế.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói trong cuộc gặp với người đồng cấp Iran Javad Zarif rằng Bắc Kinh xem thỏa thuận hạt nhân Iran (Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung – hay JCPOA) là một cách để đảm bảo ổn định ở khu vực Trung Đông.
“Trung Quốc luôn giữ quan điểm rằng JCPOA là một thỏa thuận đa phương vốn đã được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kiểm chứng và phê chuẩn và phù hợp với lợi ích chung của tất cả các bên và của cộng đồng quốc tế và cần phải được tôn trọng và bảo vệ để duy trì thẩm quyền của Liên Hiệp Quốc, tính hiệu quả của các thỏa thuận đa phương và uy tín của các luật lệ quốc tế,” ông Vương được Tân Hoa Xã dẫn lời nói.
Hồi tháng Năm, Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt lại các lệnh cấm vận của Mỹ. Chính quyền Trump yêu cầu các nước nhập khẩu dầu của Iran dừng mua dầu của nước này.
Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất của Iran. Hãng tin Bloomberg vừa loan tin rằng chính quyền Trump đã thất bại trong việc thuyết phục Trung Quốc dừng mua dầu của Iran.
Theo hãng tin này thì ‘Mỹ đã không thể thuyết phục được Trung Quốc cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Iran. Hành động này đã giáng một cú vào nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm cô lập nước Cộng hòa Hồi giáo sau khi ông rút ra khỏi thỏa thuận hạt nhân ký hồi năm 2015’.
Về phần mình, Iran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz nếu nước này bị cô lập trên thị trường dầu toàn cầu. Eo biển này chiếm 20% lượng dầu mỏ giao dịch toàn cầu.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-qu%E1%BB%91c-cam-k%E1%BA%BFt-b%E1%BA%A3o-v%E1%BB%87-th%E1%BB%8Fa-thu%E1%BA%ADn-h%E1%BA%A1t-nh%C3%A2n-iran/4513162.html

TQ: Nhà hoạt động bị bắt

khi đang trả lời VOA

“Tôi có quyền tự do ngôn luận” là những lời cuối cùng của vị giáo sư đại học về hưu được nghe thấy trên điện thoại.
Hôm thứ Tư, Giáo sư Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang), 84 tuổi, đang có một cuộc phỏng vấn với Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) thì cảnh sát ập vào nhà ông ở Tế Nam, Trung Quốc và buộc ông phải dừng cuộc phỏng vấn.
Từ trước đến nay, ông Tôn là một nhà chỉ trích rất mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc.
Google ‘muốn mở phiên bản bị kiểm duyệt ở TQ’
Trung Quốc ‘cho phép vợ Lưu Hiểu Ba đi Đức’
Một người bạn đã xác nhận với BBC rằng Giáo sư Tôn đã bị cảnh sát thành phố Tế Nam đưa ra khỏi nhà.
Ông ấy đang nói gì trong cuộc phỏng vấn?
Giáo sư Tôn đang nói với ban tiếng Quan Thoại của đài VOA về các khoản đầu tư nước ngoài của chính phủ Trung Quốc.
Cuộc phỏng vấn theo sau một bức thư ngỏ ông viết gần đây để chỉ trích quyết định của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc chi tiền viện trợ nước ngoài, các khoản vay và đầu tư.
Ông thúc giục ông Tập nên thay vào đó tập trung đầu tư vào nội địa.
Bức thư cũng chỉ trích quyết định của ông Tập Cận Bình trong việc loại bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch.
Khi ông đang trả lời phỏng vấn, nhiều giọng nói có thể được nghe thấy trong bản ghi âm mà VOA đã chia sẻ trên Twitter.
“Họ lại đến – bảy, tám người bọn họ,” ông nói với phóng viên VOA trước khi nói chuyện với nhóm cảnh sát.
“Cái gì, tôi đã nói gì sai sao? Hãy nghe những gì tôi nói, có sai không?”
Ông lại tiếp tục giải thích những chỉ trích của mình về việc Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài: “Con người [ở Trung Quốc] nghèo. Đừng ném tiền vào châu Phi. Ném tiền vào nhưng nơi như thế này không tốt cho đất nước chúng ta.”
Giọng nói của ông Tôn trở nên to hơn khi ông nói với cảnh sát: “Các anh đang làm gì vậy? Việc các anh đến nhà tôi là bất hợp pháp. Tôi có quyền tự do ngôn luận.”
Sau đó đường dây điện thoại đột ngột bị ngắt.
Tôn Văn Quảng là ai?
Ông là một giáo sư vật lý đã nghỉ hưu ở Đại học Sơn Đông.
Ông từng nhiều lần bị giam giữ từ những năm 1960 đến thập niên 1980 vì đã chỉ trích lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông.
Ông là một trong những người đầu tiên ký tên vào “Điều lệ 08″, một tuyên ngôn kêu gọi thay đổi chính trị ở Trung Quốc.
Vào năm 2009, Giáo sư Tôn bị đánh đập khi viếng thăm mộ Triệu Tử Dương, một nhà lãnh đạo cộng sản đã bị thanh trừng vì ủng hộ các cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989.
Khi đó ở đột tuổi 75, ông đã bị gãy xương sườn và bị thương ở hai bàn tay và chân. Ông nhập viện không lâu sau đó.
Theo tờ New York Times, giáo sư Tôn bị từ chối cấp hộ chiếu và vì vậy ông không thể rời khỏi đất nước.
Điều gì đã xảy ra kể từ sau cuộc phỏng vấn?
Mọi thứ vẫn không rõ ràng. VOA cho biết mọi nỗ lực để liên lạc được Giáo sư Sun đã không thành công và không có xác nhận chính thức nào của chính phủ về vụ bắt giữ hoặc hành động của cảnh sát.
Nhưng một người bạn của Giáo sư Tôn, người xác nhận ông đã bị cảnh sát bắt đi, nói với BBC rằng bà tin ông và vợ ông đang bị giam tại một khách sạn địa phương, nơi ông đã bị giam giữ trước đó.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những gì ông Tôn đã trải qua là một “thực tế hàng ngày” của một nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc.
“Bất cứ lúc nào, cảnh sát có thể đến để đưa họ đi thẩm vấn, giam giữ, tra tấn hoặc ngược đãi, chỉ đơn giản vì họ thách thức những đường lối tuyên truyền của chính quyền và nói chuyện với truyền thông nước ngoài,” nhà nghiên cứu Maya Wang nói.
Patrick Poon, một nhà nghiên cứu Đông Á từ Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lặp lại những nhận xét này: “Thật là một sự ô nhục khi một người trí thức Trung Quốc [đang có] một cuộc phỏng vấn với truyền thông thì bất ngờ bị cảnh sát cắt ngang.”
“Nó thể hiện một cách sinh động cách mà các nhà chức trách Trung Quốc tấn công vào tự do ngôn luận,” ông nói với BBC. “Cảnh sát có thể quấy rối [giới bất đồng chính kiến] bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào họ thích.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45068081

2 nhà nghiên cứu Trung Cộng bị buộc tội

âm mưu ăn cắp kỹ thuật gạo của Hoa Kỳ

Chicago, Illinois – Hôm Thứ Sáu 3 tháng 8, hai nhà nghiên cứu nông nghiệp Trung Cộng bị buộc tội ăn cắp kỹ thuật gạo của Hoa Kỳ để sử dụng trong lĩnh vực y tế.
Sự việc xảy ra trong năm 2013. Theo văn phòng Biện Lý Cuộc ở tiểu bang Arkansas, một bồi thẩm đoàn liên bang truy tố Liu Xuejun 49 tuổi và Sun Yue 36 tuổi, vì âm mưu ăn cắp bí mật thương mại và âm mưu chuyển giao tài sản đánh cắp về Đại Lục.
Diane Upchurch là viên chức phụ trách văn phòng FBI ở Little Rock, Arkansas, nói rằng bản cáo trạng của Liu và Sun là một thông điệp gởi tới những người muốn ăn cắp bí mật và kỹ thuật thương mại của Hoa Kỳ. Nhà chức trách Hoa Kỳ cho biết Liu và Sun đến Hoa Kỳ để thăm những cơ sở nghiên cứu và sản xuất lúa gạo, bao gồm các cơ sở ở Arkansas và Kansas. Trên đường trở về Hoa Lục, nhân viên thuế quan Hoa Kỳ phát hiện những túi gạo bị đánh cắp được giấu trong hành lý của họ. Đây là loại gạo thuộc công ty Ventria Bioscience, chứa một số protein có thể được chiết xuất và được sử dụng trong ngành dược phẩm.
Luật sư bào chữa cho Liu và Sun không đưa ra bất cứ bình luận nào. Tòa Đại Sứ Trung Cộng ở Washington DC cũng không trả lời mọi câu hỏi của các phóng viên. Cáo buộc này xảy ra khi Hoa Kỳ và Trung Cộng trả đũa lẫn nhau về chính sách thuế nhập cảng, đối với hàng tỷ Mỹ Kim giá trị hàng hóa của nhau trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang. Hoa Kỳ cáo buộc Trung Cộng đánh cắp bí mật của các công ty Mỹ và muốn Bắc Kinh phải chấm dứt điều này. (Mai Đức)
https://www.sbtn.tv/2-nha-nghien-cuu-trung-cong-bi-buoc-toi-am-muu-an-cap-ky-thuat-gao-cua-hoa-ky/

TQ lên kế hoạch áp thêm thuế sau khi Mỹ đe dọa

Trung Quốc dự định sẽ đáp trả với hơn 5.200 hàng hóa của Mỹ, nếu như Nhà Trắng thực hiện lời đe dọa đánh thuế lên hàng hóa của Bắc Kinh.
Quốc vụ Viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã lên kế hoạch này chỉ vài ngày sau khi Hoa Kỳ nói đang xem xét mức thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc tổng trị giá 200 tỷ đôla so với kế hoạch ban đầu.
Các quan chức Trung Quốc cáo buộc Mỹ “đơn phương” dâng cao căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế.
Bắc Kinh cho biết mức thuế sẽ dao động từ 5% -25% đối với các sản phẩm trị giá 60 tỷ đôla Mỹ.
Trump dọa tăng thêm thuế lên hàng TQ
Có nên quan ngại về thương chiến Mỹ – Trung?
Chiến tranh thương mại, thuế và chủ nghĩa bảo hộ
Trước đó, Nhà Trắng nói rằng mức thuế quan mới là một phản ứng đối với các chính sách thương mại “không công bằng” của Trung Quốc, bao gồm các khoản trợ cấp và yêu cầu các công ty nước ngoài phải có đối tác nội địa.
Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho các chính sách không có lợi cho các công ty Mỹ và gây ra thâm hụt thương mại.
“Thay vì trả đũa, Trung Quốc nên giải quyết các vấn đề lâu dài về các hành vi kinh doanh không công bằng của mình,” Thư ký Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hôm thứ Sáu.
Mức thuế mới được đề xuất sau khi cuộc đàm phán hai bên trước đó thất bại trong việc đưa ra một thỏa thuận.
Lượt đánh thuế đầu tiên có hiệu lực vào hôm 6/7, khi Mỹ áp 5% thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trị giá 34 tỷ đôla. Trung Quốc đáp trả tương tự.
Lượt đánh thuế thứ hai đánh lên số hàng hóa trị giá 16 tỷ đôla, và đang chờ giải quyết – cũng là phần còn lại trong tổng số hàng hóa trị giá 50 tỷ đô la Mỹ tuyên bố sẽ đánh thuề từ tháng Ba.
Những lời đe dọa từ Washington ngày càng gia tăng, khi Tổng thống Trump nói ông sẵn sàng đánh thuế lên tất cả số hàng nhập khẩu trị giá 500 tỷ đôla của Trung Quốc.
Vào tháng Bảy, Mỹ đã công bố danh sách số hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla sẽ bị đánh thuế 10% – một con số mà Washington hiện đang xem xét tăng lên 25%.
Trong thông báo hôm thứ Sáu, Trung Quốc cho biết sẵn sàng đánh thuế lên các mặt hàng của Mỹ bao gồm sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, hàng da và máy móc.
Bắc Kinh cho biết thời điểm mức thuế mới được áp dụng sẽ tùy thuộc vào việc Hoa Kỳ có thực hiện những lời đe dọa của nó hay không.
Dòng chảy thương mại
Mối lo ngại về chiến tranh thương mại đã ảnh hưởng đến tiền tệ của Trung Quốc, vốn giảm gần 9% so với đồng đôla kể từ tháng Tư.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã công bố các yêu cầu mới đối với một số loại giao dịch bằng đồng nhân dân tệ và các biện pháp nhằm ổn định tiền tệ.
Căng thẳng cũng tác động đến dòng chảy thương mại.
Thâm hụt thương mại của Mỹ – khoảng cách giữa xuất khẩu và nhập khẩu – tăng 7,3% lên 46,3 tỷ đô la trong tháng Sáu.
Thâm hụt đã thu hẹp trong những tháng trước khi các công ty đổ xô xuất khẩu trước khi bị áp đặt mức thuế quan mới.
Thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng gần 1% lên 33,5 tỷ đô la.
Trung Quốc chiếm khoảng 16% thương mại hàng hóa của Mỹ trong năm ngoái. Bắc Kinh này đã xuất khẩu khoảng 500 tỷ đôla hàng hóa sang Hoa Kỳ và nhập khẩu khoảng 130 tỷ đôla.
Thật khó để dự đoán cuộc đối đầu sẽ kết thúc như thế nào, Kenneth Pomeranz, một giáo sư về lịch sử Trung Quốc tại Đại học Chicago, nói với BBC.
Nền kinh tế Mỹ tách biệt hơn khỏi các mối lo ngại về thương mại, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã trả thù một cách chiến lược, nhắm vào các sản phẩm được sản xuất từ các khu vực có đông thành viên đảng Cộng hòa và nhắm vào các mặt hàng có thể mua từ nơi khác, như đậu nành.
“Tôi có thể tưởng tượng [các quan chức Trung Quốc] chỉ hy vọng rằng nếu họ cố gắng cứng rắn, thì cuối cùng Mỹ sẽ quyết định chấp nhận một chiến thắng mang tính biểu tượng hoặc sẽ có sự thay đổi trong chính trị Mỹ,” ông Pomeranz nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-45068080

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.