Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 20/12/2016

Tuesday, December 20, 2016 8:49:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 20/12/2016

Chính phủ ở đâu khi miền Trung chìm trong lũ?

Cát Linh, RFA
Hàng loạt đập thuỷ điện ở miền Trung và Nam Trung Bộ trong hơn một tháng qua liên tiếp xả lũ dồn dập gây thiệt hại lớn đến đời sống người dân địa phương.
Nhiều ý kiến cho rằng chính phủ chỉ quan tâm đến kinh tế mà đặt nhẹ sự mất mát của người dân, kể cả có thể đã do có vấn đề lợi ích nhóm trong việc cấp giấy phép làm thuỷ điện.
Lũ chồng lũ
Ngày 16 tháng 12, hàng loạt báo chí trong nước cùng đưa tin về các các thuỷ điện đồng loạt xả lũ dồn dập, nhấn chìm hoàn toàn các vùng hạ lưu.
Báo Tuổi trẻ đưa tin tập đoàn điện lực VN (EVN) xác nhận có 13 hồ chứa thuỷ điện của các đơn vị thuộc EVN đang xả lũ. Cùng ngày, thuỷ điện sông Tranh 2 tăng lưu lượng điều tiết.
Dồn dập những quyết định xả lũ vì mưa lớn vượt quá khả năng tích nước của hồ thuỷ điện ở miền Trung làm cho người dân từ Bình Định cho đến Hội An hứng chịu những trận ngập  “chưa từng thấy”.
Qui trình vận hành không đúng
Tiến sĩ Trần Nhơn, nguyên thứ trưởng Bộ Thủy Lợi, chủ tịch Hội Thủy Lợi Việt Nam, qua email, cho chúng tôi biết những hồ thuỷ điện trên đã thực hiện không đúng nguyên tắc của tràn xả lũ:
“Tràn xả lũ là một hạng mục công trình rất quan trọng trong tổ hợp công trình đầu mối hồ chứa thủy điện (hay thủy nông). Nếu tràn xả lũ được thiết kế theo hình thức ‘tràn tự do’ (tức tràn không có cửa, ngưỡng tràn có cao trình ngang bằng với mực nước dâng bình thường), nên không thể có chuyện “xả lũ cấp tập” xảy ra. Vì với hình thức tràn tự do (không có cửa), lưu lượng xả lũ (Qxả) luôn nhỏ hơn lưu lượng lũ đến (Qđến): Qxả < Qđến.”
Theo lời ông Trần Nhơn, tại các hồ chứa thủy điện (kể cả cho thủy nông) ở miền Trung hiện tại được xây dựng theo mô hình bụng hồ thì rất nhỏ, nhưng tràn xả lũ lại thường được thiết kế theo hình thức ‘tràn có cửa’, là ngưỡng tràn đặt thấp hơn mực nước dâng bình thường 5 – 6 m, có thể tháo lưu lượng tối đa gấp rưỡi hay gấp đôi lũ lịch sử, cũng tức là gấp rưỡi hay gấp đôi Qđến (mục đích chính là để giảm chiều cao đập, do đó giảm khối lượng công trình xây dựng).
Thêm vào đó, theo lời ông Trần Nhơn, hầu hết các công trình thuỷ điện được thiết kế theo quy trình vận hành không đúng tiêu chuẩn:
“Người thiết kế lại thiết kế quy trình vận hành không chuẩn, và người quản lý có phần tùy tiện, không chịu xả lũ đúng lúc (sớm hơn) vì sợ không tích được đầy nước. Đến khi mực nước trong hồ dâng lên gần đến mực nước dâng bình thường mới vội vã xả lũ cấp tập (lo sợ vỡ đập). Lúc đó tràn xả lũ tháo một lưu lượng nước quá lớn (lớn hơn lũ lịch sử rất nhiều).”
Vì lợi ích kinh tế?
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh từ Hà Nội cho biết các chuyên gia cũng đã đưa ra ý kiến về tình trạng xả lũ cấp tập là do địa hình miền Trung dốc, và khả năng trữ nước ở các đập thuỷ điện không quá lớn. Bên cạnh đó còn một lý do khác:
“Thứ hai là rừng đã bị tàn phá rất nhiều. Cho nên mỗi 1 gốc cây có thể giữ lại được từ 30 đến 60 lít nước, bây giờ cả triệu cây bị đốn thì sẽ bị thiệt hại.”
Chính vì vậy, không như những đập thuỷ điện ở miền Bắc có thể trữ nước và ngăn cản lũ, khi mùa khô đến thì trở thành nguồn cung cấp nước cho nông nghiệp, miền Trung không có những đập thuỷ điện có được chức năng đó:
“Các thuỷ điện đó đã được một số công ty nào đó đã xin phép để xây dựng và bây giờ họ bán điện, thu lại được tiền. Bên cạnh việc họ bán điện, họ cũng tận dụng việc chặt cây khai thác ở dưới lòng hồ hay những vùng xung quanh.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đề cập đến lý do dẫn đến lũ lụt là vì lợi ích kinh tế trước mắt nên đã để xảy ra việc chặt cây phá rừng quá nhiều, dẫn đến tình trạng các hồ thuỷ điện không đủ tích nước mỗi khi có lượng mưa lớn.
Điều này đã được báo điện tử VNExpress trong nước đưa tin rằng chỉ sau một ngày mưa lớn, nhiều hồ thủy điện khu vực miền Trung nước dâng cao lên mức báo động 3, buộc phải xả tràn để đảm bảo an toàn hồ chứa.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết hiện tại đã có nhiều ý kiến yêu cầu phải có sự xem xét lại chính sách làm thuỷ điện:
“Vì vậy nhiều chuyên gia đã phê phán mạnh mẽ và coi đây là biểu hiện của lợi ích nhóm. Nghĩa là những người làm thuỷ điện đã có 1 liên kết nào đó, hành động như thế nào đó để họ có thể xin được giấy phép làm thuỷ điện, để bây giờ gây thiệt hại rất lớn cho người dân.”
Im lặng từ chính phủ
Tuy nhiên, cũng theo ông, cho đến nay chính phủ cũng chưa có một đánh giá, chưa có ý kiến gì về việc xả lũ và nguyên nhân như thế nào, cũng chưa có ý kiến gì là sẽ có xử lý thế nào đối với tình hình hiện tại:
“Nhưng các chuyên gia trên các mạng xã hội thì đã có lên tiếng rất nhiều. Một số chuyên gia trực tiếp gửi ý kiến đó cho lãnh đạo của đất nước để xem xét.”
Anh Nguyễn Văn Thạnh, người từng được xem là đi tiên phong trong công cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho người dân bị thiệt hại vì thuỷ điện xả lũ không đúng qui trình cho biết ý kiến đóng góp cũng như đòi hỏi bồi thường thiệt hại sẽ không dễ dàng:
“Các nhà máy thuỷ điện thì cũng một nhà máy sản xuất công nghiệp sản xuất ra hàng hoá bán ra thị trường có lãi và nó tuân thủ các qui tắc an toàn như tiêu chuẩn cộng đồng. Nếu xả lũ làm thiệt hại người khác thì phải bồi thường. Nhưng sau một thời gian thì tôi biết là các đơn vị thuỷ điện ở Việt Nam thuộc tập đoàn nhà nước. Thứ hai nữa là người nắm quyền chưa muốn có những vụ kiện tụng làm cho họ bối rối cho nên bằng mọi cách họ hăm hoạ, làm mọi người sợ hãi. Và cuối cùng thì không đi đến đâu.”
Nếu Tiến sĩ Lê Đăng Doanh bày tỏ hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều tổ chức lên tiếng đòi hỏi xem xét lại các hồ thuỷ điện một cách nghiêm túc thì anh Nguyễn Văn Thạnh đưa ra mong muốn:
“Theo tôi, nếu là một chính phủ công tâm, họ nắm quyền lực giữ cho xã hội bình đẳng thì họ sẹ nhanh chóng điều tra hoặc mời các vị giám đốc các nhà máy thuỷ điện điều trần. sau đó họ thu thập hoặc cho những tổ chức dân sự độc lập tiến hành kiện tụng.”
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, ông Trần Nhơn thì đặt câu hỏi rằng:
“Bộ Công Thương làm sao hiểu được điều đó? Chính phủ làm sao hiểu được điều đó???”
Trong những chia sẻ đến với người dân đang khốn khó trong lũ, nhiều người nói rằng dù Venice rất đẹp và họ mong một lần được đi trên dòng sông đó, nhưng họ chưa bao giờ mong muốn phố cổ Hội An trở thành một Venice của Việt Nam.

Xã hội dân sự kêu gọi ‘quốc tang cho người chết vì lũ’

Một số tố chức xã hội dân sự đang phát đi lời kêu gọi trên mạng xã hội về việc tưởng niệm, tổ chức quốc tang cho khoảng 235 người chết vì lũ lụt miền Trung trong năm 2016.
Truyền thông Việt Nam dẫn nguồn Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết từ đầu năm 2016 đến nay mưa lũ khiến 235 người chết và mất tích, ước tính tổng thiệt hại trên 37.650 tỷ đồng.
Hôm 20/12, đại diện một số tổ chức xã hội dân sự đồng loạt phát đi lời kêu gọi tưởng niệm và đề xuất tổ chức quốc tang cho những người thiệt mạng do lũ lụt tại miền Trung vào các ngày 26 – 28/12.
Cùng ngày, trả lời BBC từ TP Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam, nói: “Tôi nghĩ việc để tang người chết vì bão lụt miền Trung thể hiện sự đồng cảm và thương xót của cộng đồng mạng xã hội đối với những mất mất về người và tài sản của bà con nơi đây.”
“Như thế thì sự chung tay, góp sức giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn cũng nhiều hơn.”
“Và qua đó cũng đánh động chính quyền nên có sự quan tâm lớn hơn với những nạn nhân thiên tai tại miền Trung.”
“Mà để tang như thế thì cũng giúp nhiều người quan tâm, tìm hiểu hơn về nguyên nhân gây ra nạn lũ lụt.”
Trong đó có nguyên nhân từ thủy điện mà nói đúng ra là nhân tai chứ không phải thiên tai.”
“Rồi thì người ta sẽ thấy sự lãng phí của chính quyền trong các dự án trị giá hàng ngàn tỷ đồng mang tính tuyên truyền như tượng đài, quảng trường tại các địa phương mà người dân còn khốn khổ vì lũ lụt”.
‘Nhạy cảm’
Hôm 20/12, từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Đình Cống trao đổi với BBC: “Tôi không tán thành lời kêu gọi làm quốc tang cho người chết vì lũ lụt.”
“Ở nước ngoài, người ta chỉ tổ chức quốc tang khi có thiên tai hoặc tai nạn chết nhiều người cùng ở một địa điểm chứ không tại các địa phương như lũ lụt miền Trung.”
“Vả lại, không nên vì cái sai lỡ tổ chức quốc tang tại Việt Nam cho Fidel Castro mà lại làm thêm những cái sai khác.”
“Còn nếu nói làm quốc tang để đánh động sự chú ý đến những nhà máy thủy điện gây chết người thì nên tổ chức biểu tình phản đối sự tồn tại của những công trình này, bắt họ phải đóng cửa, đền bù cho nạn nhân”.
Hôm 20/12, một nhà báo đang công tác ở Hà Nội đề nghị không nêu danh tính, nói với BBC: “Nếu sự kiện tưởng niệm người dân chết vì lũ lụt do một tổ chức đoàn thể chính trị xã hội chính thống nào đó phát động thì tôi sẽ ủng hộ ngay.”
“Nhưng tôi chỉ thấy những nhân vật liên quan tới dân chủ lên tiếng về vụ này thì tôi xem như không đáng quan tâm.”
“Hơn nữa, lời kêu gọi đấy rất nhạy cảm.”
Nhà báo này từ chối giải thích thế nào là ‘nhạy cảm’.
Trước đó, giới chức Việt Nam gây tranh cãi khi thông báo tổ chức quốc tang cho lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào hôm 4/12.
Vào ngày hôm ấy, trong khi nhiều công sở treo cờ rủ thì đại diện các tổ chức dân sự đăng hình họ rủ nhau đi uống bia ‘mừng quốc tang Castro’ trên mạng xã hội.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình: Biển miền Trung đã sạch

Biển miền Trung đến bây giờ có thể nói đã sạch. Đây là khẳng định mà ông Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Việt Nam đưa ra với Tổng giám mục Bùi Văn Đọc ở Sài Gòn hôm nay.
Báo Thanh Niên loan tin này, cho biết thêm là Phó thủ tướng Trương Hòa Bình dẫn đầu phái đoàn chính phủ đến Tòa Tổng giám mục Sài Gòn chúc mừng lễ Giáng Sinh.
Tại cuộc gặp ông Trương Hòa Bình nhắc lại thảm họa môi trường biển do nhà máy gang thép Hưng Nghiệp Formosa ở Hà Tĩnh gây nên hồi đầu tháng Tư vừa qua. Theo lời của ông Trương Hòa Bình thì vụ việc thu hút sự chú ý của người dân, trong đó có đồng bào Công giáo.
Trong thực tế nhiều vùng chịu tác động bởi thảm họa môi trường là những làng chài ven biển và ngư dân chủ yếu là giáo dân thuộc giáo phận Vinh.
Một số cuộc biểu tình, tuần hành với sự tham gia của hằng ngàn giáo dân dưới hướng dẫn của các linh mục quản xứ đến trước nhà máy gang thép Formosa và cơ quan chức năng yêu cầu bồi thường thỏa đáng cho người dân chịu tác động cũng như buộc Formosa ra khỏi Việt Nam, trả lại biển sạch cho người dân mưu sinh.

Đằng sau hội nghị với các chức sắc tôn giáo

Truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tham dự hội nghị và gặp gỡ với 55 chức sắc tôn giáo trong nước. Trong bài phát biểu, ông Phúc khẳng định “chính sách nhất quán, đúng đắn của Đảng và Nhà nước về tự do tín ngưỡng, tôn giáo” và không quên cảnh báo rằng “cần ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động chia rẽ nhân dân, gây rối an ninh trật tự, lợi dụng chống phá Nhà nước.”
VietnamNet tường thuật rằng “Đại diện các tổ chức tôn giáo đánh giá cao luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua.”
Tuy nhiên, Giám mục phêrô Nguyễn Văn Khảm, Tổng Thư ký của Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng bộ luật này có những bước thụt lùi so với những dự thảo trước đây. Phát biểu tại hội nghị, Giám mục Khảm nói: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng có nhiều nhu cầu trong sinh hoạt tôn giáo của người dân chưa được bộ luật quan tâm và đáp ứng đúng mức, dù đã được đề xuất.”
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng, Hội thánh Tin lành Memnonite, thành viên của Hội đồng Liên Tôn, một nhóm các tổ chức tôn giáo độc lập không được công nhận, cho VOA Việt ngữ biết ông có cùng nhận định với đức giám mục Nguyễn Văn Khảm. Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng nói:
“Tôi đồng ý với linh mục Nguyễn Văn Khảm. Ngài nói vậy là đúng. Nó không những đi lùi so với những luật đã được thông qua, mà còn đi lùi so với dự thảo và các pháp lệnh về tôn giáo trước kia.”
Hội đồng liên tôn trước đó đã bác bỏ hoàn toàn Dự luật tôn giáo và tín ngưỡng, vì cho rằng chấp nhận luật này “là góp phần dung dưỡng chế độ vô thần độc tài toàn trị.”
Mục sư Nguyễn Mạnh Hùng không tin rằng các kiến nghị nêu lên lại hội nghị lần này sẽ được nghiêm túc xem xét. Mục sư Hùng nói:
“Nhìn bề ngoài có vẻ như là luật này có lấy sự góp ý. Nhưng sự thật những góp ý chân thành để bảo vệ quyền tự to tôn giáo, quyền con người của các tôn giáo thì người ta sẽ gạt bỏ.”
Mục sư nói tiếp:
“Người ta lấy các đóng góp ý kiến đó chẳng qua là để tạo ra vẻ dân chủ bề ngoài. Còn thật sự thì họ sẽ bác bỏ và tôi không hy vọng sẽ có cải tiến.”
Luật tín ngưỡng và tôn giáo được Quốc hội thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.
Trước khi thông qua luật này, vào tháng 10/2016, hơn 50 xã hội dân sự trong và ngoài nước, trong đó có Nhóm Nghị sĩ ASEAN về Nhân quyền, Human Rights Watch và Ân xá Quốc tế gởi kháng nghị thư yêu cầu hoãn thông qua dự luật tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn với VOA ngày 21/11, Đại sứ Lưu động về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ David Saperstein nói: “Tại khu vực của các dân tộc thiểu số, người H’mông, người Thượng, các nhóm thiểu số theo Ky tô giáo, hay các giáo hội Tin Lành phái Phúc Âm, vẫn phải đối mặt với những vụ sách nhiễu nghiêm trọng của chính quyền” và Hoa Kỳ “vẫn quan ngại sâu sắc về một số hành động đàn áp diễn ra ở cấp tỉnh.”
Tờ South China Morning Post số ra ngày 02/12/2016, đưa tin rằng “Luật tôn giáo mới của Việt Nam là bình phong cho trấn áp chính trị?”

Thủ tướng Campuchia thăm Việt Nam,

bàn các vấn đề ‘nóng’

Hôm 20/12, Thủ tướng Campuchia Hun Sen bắt đầu chuyến thăm chính thức kéo dài 2 ngày tại Việt Nam. Một chuyên gia về quan hệ Việt Nam – Campuchia nói chuyến thăm rất “có ý nghĩa” và những vấn đề “nóng” trong quan hệ hai nước sẽ được bàn thảo giữa hai nguyên thủ quốc gia.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban biên giới quốc gia Việt Nam, nói với VOA:
“Một vấn đề hết sức trọng đại, đó là giải quyết vấn đề biên giới, tức là quá trình phân định cắm mốc đang đến giai đoạn cuối cùng, mà hai bên cũng đã có những cuộc đàm phán rất có ý nghĩa. Có lẽ lần này thủ tướng hai bên sẽ có những quyết định chính trị cần thiết để nhanh chóng giải quyết công việc có ý nghĩa lịch sử này. Đấy là một trong những nội dung mà tôi cho chuyến thăm này là rất có ý nghĩa”.
Theo tường thuật của Zing news, thủ tướng hai nước đã đồng ý giao cho Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc phối hợp giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới bằng các giải pháp “công bằng, hợp lý”.
Vấn đề tranh chấp biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã kéo dài nhiều năm và đặc biệt căng thẳng trong những năm gần đây, dẫn đến những cuộc xung đột giữa người dân sống dọc theo hai bên bên giới.
Đảng cầm quyền Campuchia của Thủ tướng Hun Sen đã bị đảng đối lập chỉ trích vì đã có những nhân nhượng với Việt Nam trong vấn đề phân định cắm mốc biên giới. Nhưng quyết định gần đây của chính quyền Campuchia về việc nhờ người Pháp giúp đỡ về bản đồ dùng để phân định biên giới đã được phía đối lập ủng hộ.
Campuchia đang trong giai đoạn vận động cho các cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới. Mặc dù chính quyền của ông Hun Sen thường bị cho là “thân Việt Nam”, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với VOA, lãnh đạo đảng đối lập CNRP của Campuchia, ông Sam Rainsy, nói ông nghĩ rằng Việt Nam cũng sẽ ủng hộ cho chính quyền của đảng CNRP nếu đảng này thắng cử.
Về vấn đề này, TS. Trần Công Trục nói việc bầu chọn lãnh đạo là quyền tự quyết của người dân Campuchia. Việt Nam sẽ không có bất kỳ can thiệp nào, nhưng ông hy vọng đảng được chọn lựa sẽ có “thiện chí”, có tinh thần hợp tác, đảm bảo cho tinh thần hữu nghị giữa Việt Nam và Campuchia, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực. Ông nói:
“Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm đối với đồng bào mình sống bên Campuchia, nhưng đồng thời cũng phải nói rõ cho người [Việt Nam ở] Campuchia là phải tôn trọng luật pháp của Campuchia, không làm điều gì có thể gây ra ảnh hưởng đối với phía Campuchia, với quy định của Campuchia. Nhưng đồng thời, Việt Nam cũng sẵn sàng đấu tranh với những đảng phái chính trị lợi dụng chuyện đó để bài xích, gây chia rẽ, mâu thuẫn trong quan hệ giữa hai nước”.
Tháp tùng Thủ tướng Hun Sen đến Việt Nam lần này có Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, Bộ trưởng Ngoại giao cấp cao và Hợp tác Quốc tế Prak Sokhon, Bộ trưởng cao cấp và Chủ tịch Ủy ban Biên giới Quốc gia Var Kim Hong và nhiều quan chức cấp cao khác.
Ngoài vấn đề biên giới, TS. Trần Công Trục nói những vấn đề khác như Việt kiều ở Campuchia và hợp tác kinh tế, thương mại… cũng sẽ được đem ra thảo luận

Bộ chính trị cấm tiệc tùng xa hoa mừng thăng chức

Chính phủ Việt Nam vừa ra quyết định cấm các cán bộ đảng viên tổ chức liên hoan tiệc tùng sau mỗi kỳ họp và khi thăng chức.
Đây là động thái mới nhất của Hà nội nhằm chấn chỉnh vai trò và nếp sống của cán bộ nhà nước sau khi một buổi tiệc ‘hoành tráng’ mừng một quan chức tỉnh được thăng chức gây tranh luận và bức xúc trong xã hội.
Theo bản tin ngày 19/12 của truyền thông trong nước, Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ký ban hành một quy định về một số việc “cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên” trong đó nghiêm cấm họ lợi dụng các hoạt động họp hành và mít tinh để tiệc tùng lãng phí.
Quy định 55 do thường trực ban bí thư bộ Chính Trị Đinh Thế Huynh ký, được báo điện tử VnMedia trích dẫn, yêu cầu “chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, ‘chè chén’ sa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội.”
Đầu năm nay, tiệc mừng tân phó giám đốc sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn Nghệ An đã được tổ chức linh đình với sự tham gia của nhiều quan chức nhà nước. Hình ảnh bữa tiệc được một người tham gia tải trên 1 trang Facebook cá nhân trong đó cho thấy một sân khấu lớn được tranh trí cầu kỳ với tấm biển ghi “Đêm giao lưu chúc mừng đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu, tỉnh ủy viên – phó giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An.” Theo báo điện tử VietTimes, đêm giao lưu chúc mừng hoành tráng được đưa lên Facebook và bị nhiều người chỉ trích. VietTimes trích lời một lãnh đạo tỉnh Nghệ An nói rằng “tấm phông nền đã gây phản cảm trong dư luận,” và vụ việc “cần kiểm điểm, phê bình, có hình thức kỷ luật và rút kinh nghiệm.”
Việc các cơ quan nhà nước tổ chức liên hoan sau các kỳ họp rất phổ biến ở Việt Nam, chi phí cho các tiệc tùng này thường được trích ra từ ngân sách nhà nước. Quy định mới của bộ Chính Trị được Dân Trí trích dẫn, nghiêm cấm giao lưu liên hoan mừng thăng chức, lợi dụng hiếu hỉ để ăng uống tiệc tùng, biếu xén quà cáp với mục đích vụ lợi.
Tháng trước Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban lệnh cấm “chúc Tết thủ tướng” và yêu cầu “tất cả hệ thống hành chính không chúc Tết lãnh đạo, không biếu xén, không phong bao phong bì.” Ngày 17/12, Thủ tướng Phúc một lần nữa nhắc lại lệnh này và yêu cầu các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.
Dịp Tết Nguyên Đán sẽ rơi vào tuần cuối cùng của tháng 1 kéo sang đầu tháng 2 năm 2017.
Theo bình luận của Thanh Niên Online, “nạn biếu xén quà cáp ‘vượt khung’ vào những dịp Tết thực ra là một dạng hối lộ, bôi trơn”. Để dẹp tệ nạn hối lộ, mới đây Cục Phòng Chống Tham Nhũng – Thanh Tra Chính Phủ đã mở 3 đường dây nóng tố tham nhũng và mãi lộ vào dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Tuy nhiên tình trạng “hối lộ, bôi trơn” ở Việt Nam vẫn rất phổ biến và được coi là một bước không thể thiếu trong công việc kinh doanh. Một khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính Phủ và Ngân Hàng Thế Giới thực hiện trong năm 2015 cho thấy có gần 50% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận rằng họ phải tặng quà cho cán bộ công chức nhà nước. Một khảo sát của Viện nghiên cứu Kinh Tế Trung Ương gần đây cũng cho thấy gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam phải trả các khoản chi phí không chính thức cho các cơ quan nhà nước để có thể “bôi trơn” cho việc kinh doanh của họ trong năm 2015.
Trong bảng xếp hạng Trace Matrix – một tổ chức quốc tế vận động chống hối lộ có trụ sở tại Mỹ – Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có chỉ số rủi ro hối lộ cao nhất thế giới. Việt Nam đã ban hành luật phòng chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua và gần đây có sửa đổi nhưng theo nhận xét của tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh tác động của luật này rất hạn chế.

Anh trục xuất về Việt Nam các nạn nhân buôn người

Cơ quan chức năng nước Anh bị chỉ trích vì trục xuất về lại Việt Nam những nạn nhân buôn người may mắn sống sót, trong đó có nhiều trẻ em.
Tờ The Guardian hôm nay loan tin, trích dẫn phát biểu của những nhà hoạt động chống tệ nạn buôn người là chính quyền London không nhận định ra và bảo vệ cho những nạn nhân bị bọn buôn người đưa đến Anh Quốc như những nô lệ.
Số liệu của Cơ quan Chống Tội phạm Quốc gia Anh quốc NCA, cho thấy chỉ có phân nửa số người Việt bị tình nghi là nạn nhân của các đường dây buôn người được bảo vệ, so với những nhóm nạn nhân tương tự khác.
Bản tin cũng cho biết tờ The Guardian tiến hành phỏng vấn 5 người bị phát hiện tại Anh Quốc trước khi bị trao trả về Việt Nam. Cả năm được tìm thấy khi đang ở các tiệm làm móng (nails) hay nhà thổ rồi bị buộc tội đi tù và cuối cùng bị trục xuất.
Không được hỗ trợ
Những người này cho hay họ bị trả về Việt Nam trong tình trạng nợ nần và không được hỗ trợ gì.
Một điều tra của tờ The Guardian cho biết, vào năm ngoái cho thấy có chừng 3 ngàn trẻ Việt Nam bị vướng vào bẫy nô lệ hiện đại tại Anh Quốc. Văn phòng Tội phạm và Ma túy của Liên Hiệp Quốc thì đưa ra con số mỗi tháng có chừng 30 trẻ em Việt Nam bị đưa lậu vào nước Anh.
Giới luật sư cho rằng nếu không xác định được những trường hợp là nạn nhân của đường dây buôn người thì vẫn dẫn đến tình trạng hình sự hóa những người bị cưỡng bức lao động khi có mặt tại Anh Quốc.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.