Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 20/12/2016

Tuesday, December 20, 2016 8:52:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 20/12/2016

Ông Trump chính thức được xác nhận

làm Tổng thống Mỹ thứ 45

Đại cử tri đoàn ngày 19/12 vừa chính thức xác nhận ông Donald Trump làm Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. Với trên 270 phiếu đại cử tri được bảo toàn, tỷ phú ‘bạo ngôn’ này sẽ chính thức bước vào Tòa Bạch Ốc trong lễ tuyên thệ vào ngày 20/1 tới đây.
Theo luật định, 41 ngày sau tổng tuyển cử, các đại cử tri của mỗi tiểu bang và khu vực thủ đô Washington DC tụ họp lại để bỏ phiếu đại cử tri, xác quyết người đắc cử làm lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới trong nhiệm kỳ 4 năm tới đây.
Các đại cử tri, đặc biệt là các đại cử tri bên đảng Cộng hòa, đã nhận rất nhiều cú điện thoại, email, và thậm chí là những lời đe dọa yêu cầu bỏ phiếu cho người khác ngoài Trump. Rất nhiều cuộc biểu tình phản đối Trump tiếp tục nổ ra khắp nơi trong ngày bỏ phiếu quyết định hôm nay. Nhưng kết quả chung cuộc không thay đổi so với kết quả tổng tuyển cử hôm 8/11 vừa qua: nước Mỹ chọn Trump, người Mỹ muốn thay đổi.
51 cuộc họp (ở 50 tiểu bang và thủ đô Washington) được tổ chức cùng ngày để các đại cử tri cùng bỏ phiếu. Đa số các đại cử tri tề tựu về thủ phủ các bang họ đại diện, thường là tòa nhà quốc hội của bang, để bỏ phiếu xác nhận Tổng thống thắng cử và nhiều bang đã trực tiếp truyền hình cuộc bỏ phiếu qua mạng lưới internet và truyền hình để dân chúng khắp nơi theo dõi cặn kẽ.
Đại cử tri đoàn của Mỹ gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm một lần họp lại để bầu lên Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Các đại cử tri đại diện cho cử tri trong bang chính là những người bầu trực tiếp ra Tổng thống và Phó Tổng thống.
Luật sư Cao Quang Ánh, cựu dân biểu thuộc Đảng Cộng hòa từ năm 2009 đến 2011, người Mỹ gốc Việt đầu tiên phục vụ trong Quốc hội Hoa Kỳ, chia sẻ với VOA Việt ngữ:
“Cách đây chừng 200 năm, họ đã quyết định hệ thống bầu cử như vậy. Một trong những vấn đề họ lo là họ không muốn những tiểu bang lớn có nhiều ảnh hưởng quá đối với những tiểu bang nhỏ, không muốn những tiểu bang lớn có thể quyết định ai là Tổng thống. Từ sự lo sợ đó, họ đã thành lập hệ thống hiện tại Electoral College (đại cử tri đoàn).”
Đại cử tri là ai? 
Quyết định thắng thua trên lá phiếu đại cử tri, vậy tại sao nước Mỹ vẫn cần tổ chức phổ thông đầu phiếu tốn kém thời gian và tiền bạc như vậy? Ứng viên Donald Trump dù thua đối thủ Hillary Clinton về tổng số phiếu phổ thông toàn quốc nhưng vẫn đánh bại được bà Clinton nhờ lấn át về số phiếu đại cử tri, trên 270 phiếu. Việc này khiến mô hình bầu cử Mỹ gặp một số chỉ trích, nhưng cựu dân biểu Cộng hòa, Cao Quang Ánh, giải thích:
“Những người đại cử tri không phải là những dân biểu hay thượng nghị sĩ. Dựa trên số ghế dân biểu và thượng nghị sĩ của mỗi tiểu bang để quyết định có bao nhiêu đại cử tri đại diện cho tiểu bang đó. Mỗi tiểu bang họ lựa chọn các đại cử tri. Các đại cử tri phải bỏ phiếu dựa vào luật lệ mà Quốc hội tiểu bang họ đưa ra và dựa vào lá phiếu các cử tri phổ thông trong tiểu bang của họ. Ứng viên nào thắng được phiếu phổ thông tại một tiểu bang thì sẽ được hết số phiếu đại cử tri của tiểu bang đó. Cử tri trong tiểu bang đã quyết định người đại cử tri cần phải đứng ra bỏ phiếu cho ai. Cho nên, cuối cùng cũng là người dân họ quyết định, chứ không phải người đại cử tri muốn bỏ phiếu cho ai thì bỏ.”
Tu chính án 12 Hiến pháp Hoa Kỳ quy định mỗi đại cử tri phải bầu riêng cho Tổng thống và Phó Tổng thống.
Số phiếu đại cử tri của mỗi tiểu bang bằng tổng số thượng nghị sĩ của bang, thường là 2, và số dân biểu của tiểu bang đó. Đặc biệt vùng thủ đô Washington có 3 phiếu đại cử tri mặc dù không có dân biểu hay thượng nghị sĩ đại diện ở Quốc hội Hoa Kỳ.
Theo hiến định, một tháng sau cuộc bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Mỹ sẽ họp cả Hạ viện lẫn Thượng viện để tuyên bố người đắc cử. Ứng viên Tổng thống và ứng viên Phó Tổng thống mỗi người nhận được trên 270 phiếu đại cử tri sẽ được tuyên bố đắc cử.

Mỹ : Đại Cử Tri Đoàn bầu Donald Trump làm tổng thống

Hôm qua 19/12/2016, đúng như dự kiến, ông Donald Trump đã được Đại Cử Tri Đoàn Mỹ chính thức bầu làm tổng thống Hoa Kỳ, với đa số áp đảo 304 phiếu. Đối thủ Hillary Clinton được 228 phiếu. Phong trào rộng lớn trong xã hội Mỹ, huy động hàng triệu chữ ký, yêu cầu các đại cử tri hành động theo lương tâm, không bỏ phiếu cho ông Trump, rốt cuộc đã thất bại.
Thông tín viên Jean-Louis Pourtet tường trình từ Washington:
Thất bại hoàn toàn không gây ngạc nhiên. Kể từ khi Đại Cử Tri Đoàn được thành lập năm 1787, việc các đại cử tri phá thông lệ là rất hiếm khi xảy ra. Đại Cử Tri Đoàn là định chế tập hợp các đại biểu dân cử có trách nhiệm trực tiếp bầu tổng thống, các đại cử tri có nghĩa vụ tuân thủ sứ mạng đã được cử tri phó thác. Kết quả bầu tổng thống nhìn chung đã được quyết định sau cuộc bỏ phiếu toàn dân, việc bỏ phiếu của Đại Cử Tri Đoàn nhìn chung chỉ là một thủ tục mang tính hình thức.
Tuy nhiên, tình hình năm nay lại rất khác, do tư cách của người thắng cử bị rất nhiều chỉ trích, và cũng do đối thủ Hillary Clinton được nhiều cử tri ủng hộ hơn, hơn 3 triệu người so với Donald Trump. Đó là không kể đến các can thiệp có thể có của Nga vào cuộc tranh cử. Trong bối cảnh đó đã ra đời một phong trào yêu cầu đại cử tri thuộc các tiểu bang đã bỏ phiếu cho Donald Trump, rút lại sự ủng hộ đối với ứng cử viên này.
Một điều trớ trêu là : Cuối cùng đã có nhiều đại cử tri thuộc phe Dân Chủ rút lại sự ủng hộ đối với bà Clinton, hơn là đại cử tri phe Cộng Hòa. Donald Trump mất hai phiếu tại Texas, trong khi Hillary Clinton mất bốn phiếu.
Sau khi chính thức giành chiến thắng, ông Donald Trump đã khiêm tốn ra một thông cáo nói về một “thắng lợi áp đảo và mang tính lịch sử’’, cho dù trong số 58 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, xét về số lượng đại cử tri, ông Trump chỉ xếp hạng thứ 46. Nhà tỉ phú cũng cam kết sẽ là một tổng thống “mang lại sự đoàn kết”.
Trong một thông điệp trên Twitter, tổng thống tương lai thứ 45 của nước Mỹ gửi lời cám ơn đến những người ủng hộ, tuy nhiên ông Trump cũng kèm theo một lời chỉ trích cay độc nhằm vào báo giới, bị lên án là ‘‘đưa tin không chính xác và bóp méo sự thật”.
Trong bốn năm tới, các nhà báo làm việc tại Nhà Trắng ắt hẳn sẽ phải yêu cầu một khoản phụ cấp, vì phải tác nghiệp trong môi trường nguy hiểm.

Phụ tá của ông Trump

xoa dịu quan điểm về ‘một nước Trung Hoa’

Người sắp đảm nhiệm chức Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc của Tổng thống tân cử Donald Trump ngày 18/12 lên tiếng xoa dịu khả năng ông Trump có thể xem xét lại chính sách hàng chục năm nay của Washington về ‘một nước Trung Hoa’.
Kể từ năm 1979 tới nay, Mỹ công nhận Đài Loan là một phần của ‘một nước Trung Hoa’ nhưng ông Trump đã khơi dậy phản đối ngoại giao từ Bắc Kinh sau cuộc điện đàm với Tổng thống Đài Loan, Thái Anh Văn, hôm 2/12.
“Chúng tôi không gợi ý là chúng tôi sẽ xem xét lại chính sách ‘một nước Trung Hoa’ ngay lúc này,” ông Reince Priebus phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm qua với Fox News.
Ông Priebus nói ông Trump “lúc này chưa phải là Tổng thống và ông ấy tôn trọng đương kim Tổng thống.”
Cách đó một tuần, chính ông Trump trong cuộc phỏng vấn với Fox News đã chất vấn lý do vì sao Mỹ phải bị ràng buộc bởi chính sách ‘một nước Trung Hoa’ mà không có điều kiện.
Thứ bảy tuần này, ông Trump tiếp tục lên tiếng chỉ trích Trung Quốc sau khi Bắc Kinh đánh cắp thiết bị lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông. Ông Trump gọi đây là một hành động ‘vô tiền khoáng hậu.’
Dù Trung Quốc hứa sẽ trả lại, nhưng ông Trump đã lên Twitter nói rằng không cần thiết, rằng Mỹ cứ việc để cho Trung Quốc giữ của mà họ đã lấy cắp ấy đi.
Ông Priebus nói bình luận của ông Trump không mang tính khiêu khích và rằng “80%” dân Mỹ nhất trí rằng hành động của Bắc Kinh là không thích đáng.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, ngờ rằng Trung Quốc có thể đã thu nhặt được vài thông tin kỹ thuật ‘khá giá trị’ từ thiết bị ấy. Ông McCain lên án hành động của Bắc Kinh là vi phạm luật pháp quốc tế. Người lâu nay chỉ trích chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama cho rằng Mỹ chưa đủ oai trên thế giới và hành động vừa qua của Trung Quốc phản ánh điều đó.

TQ hứa không dùng thủy thủ Bắc Triều Tiên,

thêm 5 tàu được bỏ chế tài

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc dỡ bỏ chế tài đối với 5 chiếc tàu có liên quan với Bắc Triều Tiên sau khi Trung Quốc cam kết rằng 5 tàu này sẽ không dùng thủy thủ đoàn Bắc Triều Tiên nữa, Reuters dẫn nguồn tin từ một nhà ngoại giao trong Hội đồng cho biết ngày 18/12.
5 chiếc tàu này nằm trong số 31 tàu bị 15 thành viên của Hội đồng Bảo an trừng phạt hôm 2/3 vì có liên hệ với Cơ quan Hàng hải Đại dương (OMM), công ty vận tải biển của Bắc Triều Tiên vận chuyển võ khí và các mặt hàng khác cho Bình Nhưỡng.
Ủy ban chế tài của Hội đồng Bảo an bỏ tên 5 chiếc tàu vừa kể ra khỏi danh sách đen hôm 17/12 vì những chiếc tàu này ‘không phải là các nguồn kinh tế do cơ quan OMM kiểm soát hay vận hành, và vì vậy không bị phong tỏa tài sản.’
Một nhà ngoại giao của Hội đồng hôm qua cho biết chi tiết rằng Trung Quốc đã bảo đảm rằng 5 tàu này sẽ không dùng thủy thủ đoàn Bắc Triều Tiên nữa và đó là lý do khiến 5 tàu này được bỏ ra khỏi danh sách chế tài.
Phái bộ ngoại giao của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc chưa lên tiếng bình luận về việc này.
Các tàu này bị liệt kê vào danh sách chế tài hồi tháng 3 sau đợt thử hạt nhân thứ tư của Bình Nhưỡng vào tháng giêng. Sau đó vài tuần, có 4 chiếc được Hội động xóa tên khỏi danh sách theo đề nghị của Bắc Kinh sau khi Trung Quốc cũng lên tiếng cam kết rằng sẽ không dùng thủy thủ đoàn Bắc Triều Tiên

Trung Quốc cảnh báo ‘đỏ’ về khói mù

Trung Quốc vừa cảnh báo khói mù ở mức màu đỏ, tức mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo có 4 cấp độ ở Trung Quốc. Ngoài ra, các trường học, nhà máy và nhiều doanh nghiệp khác trong hàng chục thành phố cũng bị đóng cửa.
Ngoài ra, những thành phố bị ảnh hưởng cũng hạn chế số lượng lưu hành trên đường phố.
Hôm Chủ nhật, các trang tin tức của Trung Quốc cho hay nhiều trẻ em đã được đưa vào các bệnh viện ở Bắc Kinh trong tình trạng khó thở. Hình ảnh cho thấy các phòng chờ ở bệnh viên đầy ắp phụ huynh với những đứa trẻ đeo khẩu trang.
Đây là cảnh báo khói mù đầu tiên trong mùa đông năm nay ở Trung Quốc. Cảnh báo sẽ có hiệu lực đến hết ngày thứ Tư.
Cảnh báo ô nhiễm ở Trung Quốc đang trở nên ngày càng phổ biến, đặc biệt là ở các thành phố công nghiệp phía bắc.
Tình trạng ô nhiễm không khí lâu nay ở Trung Quốc bị cho là do sự phụ thuộc vào than đá cũng như lượng khí thải ra từ các xe hơi cũ.

Số nhà báo bị giết giảm,

nhưng bị hăm dọa vẫn cao năm 2016

NEW YORK, NY —
Ít nhà báo bị giết hại hơn trong năm 2016 so với những năm trước, theo phúc trình mới đây của Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ). Nhưng các lý do khiến số nhà báo bị sát hại giảm xuống chưa hẳn là tin vui.
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) hồi đầu năm nay đã mất đi một nhà báo, đó là ký giả tự do Almigdad Mojalli. Ông đã cộng tác với VOA được 3 tháng và lúc bấy giờ đang tường trình về tác động của chiến tranh tại Yemen thì bị giết trong một cuộc không kích do Ả Rập Xê-út lãnh đạo.
Ông Mojalli là một trong 48 nhà báo bị giết trong năm nay, mà theo phúc trình mới nhất của Ủy ban Bảo vệ Ký giả là do bị sát hại, bị kẹt giữa hai lằn đạn, bị trúng bom đạn trong vùng chiến sự, hoặc gặp những hiểm nguy trong khi tác nghiệp.
Bà Courtney Radsch, giám đốc ban vận động của CPJ, nói với đài VOA qua Skype rằng mặc dù tổng số nhà báo bị sát hại đã giảm so với những năm trước đó, những lý do dẫn đến kết quả này chưa thật sự rõ:
“Một điều mà chúng ta có thể suy đoán là các cuộc xung đột đã trở nên hết sức nguy hiểm đối với các nhà báo, và có ít nhà báo hơn đến tác nghiệp trong những vùng chiến sự.”
Đặc biệt là những vùng bị chiến tranh tàn phá trên khắp Trung Ðông, Hơn phân nửa số nhà báo bị thiệt mạng khi đang tác nghiệp tại Syria, Yemen hay Iraq. Riêng Syria là nước dẫn đầu thế giới về số nhà báo bị sát hại, với 14 trường hợp trong năm nay.
Phúc trình của CPJ nói rằng ngay cả tại những nơi mà các nhà báo ít khi trở thành mục tiêu của các vụ giết hại, thì những hình thức kiểm duyệt và hù dọa vẫn xảy ra thường xuyên, chẳng hạn như ở Thổ Nhĩ Kỳ, nước chiếm tới một phần ba số ký giả bị giam cầm trên thế giới.
Bà Radsch của Tổ chức Bảo vệ các Ký giả nói thêm:
“Chúng tôi nhận thấy các khu vực chiến tranh tiếp tục là nơi hết sức nguy hiểm và chết chóc đối với các nhà báo, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy tình trạng bức bách, bịt miệng các tiếng nói chỉ trích bằng hành động tống giam và đàn áp đối với những người đã lên tiếng và những gì họ được quyền nói trên truyền thông xã hội.”
Giáo sư khoa báo chí Steve Raymer giải thích với VOA qua Skype rằng các chính quyền, trong đó có Nga, đã tìm được những cách để kiểm duyệt các nhà báo dễ dàng hơn. Ông nói:
“Số nhà báo bị sát hại tại Nga đã giảm so với năm 2013, theo số liệu của phúc trình này, nhưng Nga đã ra những luật lệ để bịt miệng nhà báo, bịt miệng những tiếng nói chỉ trích, mà họ không cần phải sát hại những người bất đồng hay sát hại nhà báo nữa.”
Theo số liệu của CPJ, 9 trong số 10 nhà báo bị sát hại là ký giả địa phương chứ không phải phóng viên nước ngoài. Số liệu này cho thấy xu hướng này đồng nhất với xu hướng của các năm trước.
Riêng về các nhóm chính trị, Nhà nước Hồi giáo dẫn đầu với hơn một nửa số nhà báo bị nhóm khủng bố cực đoan này giết hại trong năm 2016.

Nga-Thổ Nhĩ Kỳ: Giết Đại sứ Nga là hành động khiêu khích

WASHINGTON —
Hoa Kỳ lên án vụ ám sát Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ ở Ankara hôm thứ Hai. Các giới chức chia buồn với gia đình của Đại sứ Andrei Karlov và đề nghị giúp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra vụ ám sát.
Video đài VOA có được chiếu cảnh một thanh niên cầm súng kế bên một thi thể nằm gục trên sàn nhà. Thanh niên cầm súng la lớn “Allahu Akhbar” và hô hào về vấn đề Aleppo và Syria. Nghi can giết người được giới hữu trách xác định là một nhân viên của lực lượng cảnh sát chống bạo động Ankara, 22 tuổi. Hiện chưa rõ nghi can này có liên hệ với bất cứ tổ chức nào hay không.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi vụ ám sát này là một hành động khiêu khích với mục đích phá hoại quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ:
“Chỉ có một cách duy nhất để đáp trả, đó là tăng cường chống khủng bố, và quân cướp sẽ nhận lãnh những gì chúng gây ra.”
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý với Tổng thống Putin. Ông phát biểu:
“Ngay sau vụ ám sát, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Putin, chúng tôi đồng ý với nhau rằng đây rõ ràng là một hành động khiêu khích không có gì phải bàn cãi.”
Tổng thống Erdogan cho biết hai nước sẽ hợp tác điều tra vụ ám sát.
Quan hệ giữa Moscow và Ankara đã xấu đi nhiều do những bất đồng về vấn đề Syria.
Ông Alexander Golts, một chuyên gia quân sự Nga, nhận định rằng Moscow có thể dùng vụ Đại sứ Karlov bị ám sát để tiến tới trong vấn đề Syria:
“Tôi nghĩ Nga sẽ dùng vụ Đại sứ Karlov bị ám sát làm con bài lấn át tại vòng đàm phán kế tiếp về Syria, nhưng chúng tôi sẽ không quên rằng mối quan tâm về Syria của chúng tôi song hành với mối quan tâm về Thổ Nhĩ Kỳ của chúng tôi.”
Nga hậu thuẫn Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ phe đối lập. Quan hệ giữa hai nước trở nên căng thẳng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của Nga ở Syria hồi tháng 11 năm 2015. Thổ Nhĩ Kỳ sau đó đã xin lỗi và lãnh đạo hai nước đã nối lại các cuộc tiếp xúc bình thường. Hôm thứ Ba 20/12, đại diện của các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trù liệu sẽ nhóm họp để bàn luận về tình hình ở Syria, nơi các lực lượng của Tổng thống Assad đang chiếm lại quyền kiểm soát khu vực phía đông thành phố Aleppo từ phe nổi dậy.
Hoa Kỳ lên án vụ sát hại Đại sứ Karlov và đã gởi lời chia buồn đến thân nhân của ông và nhân dân Nga.
Phát ngôn viên John Kirby của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phát biểu:
“Chúng tôi sẵn sàng trợ giúp những gì mà Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể yêu cầu để điều ra vụ tấn công đê tiện này. Ngoại trưởng John Kerry nói đó cũng là một cuộc tấn công vào quyền của tất cả các nhà ngoại giao phải được an toàn và bảo vệ trong khi tiến cử và đại diện cho quốc gia của họ trên khắp thế giới.”
Các giới chức Mỹ từ chối bình luận về vụ ám sát cho đến khi có kết quả điều tra rõ ràng.

Andrey Karlov: nhà ngoại giao Nga kỳ cựu

Đại sứ CH Liên bang Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Andrey Karlov, người vừa bị bắn chết ở Ankara hôm 19/12 là nhân vật kỳ cựu trong giới ngoại giao Nga và nói thạo tiếng Triều Tiên và tiếng Anh.
Từng làm đại sứ Nga ở Bình Nhưỡng (2001-2006), ông Karkov cũng là cựu Vụ trưởng Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao Nga.
Ở cương vị này, ông đã chỉ đạo công việc của 236 sứ quán, lãnh sự quán và sứ bộ ngoại giao Nga ở 146 nước, theo báo Anh.
Ông vào ngành ngoại giao từ 1976 sau khi tốt nghiệp Học viện Quan hệ Quốc tế (MGIMO) có tiếng tăm tại Moscow từ thời Liên Xô và của Nga sau này.
Năm nay 62 tuổi, có vợ và một con trai, ông được Tổng thống Vladimir Putin tin tưởng giao cho trách nhiệm làm nồng ấm quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm đầy căng thẳng, từ 2013.
Trước đó, năm 2011, ông đạt hàm cao nhất trong ngành ngoại giao Nga: đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
Ông sang làm đại sứ vào giai đoạn lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và tổng thống Nga Vladimir Putin có quan hệ lúc nóng lúc lạnh.
Hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến ở hai bên đối nghịch nhau tại Syria.
Vào năm 2015, Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ phi cơ Su-24 của Nga ở vùng biên giới Syria, gây căng thẳng nghiêm trọng với Nga.
Ông Karlov đã trả lời phỏng vấn đổ hết trách nhiệm vụ Su-24 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông bác bỏ chuyện phi cơ Nga ‘xâm phạm không phận’ của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc ‘ném bom thường dân Syria’.
Nay thì cuộc chiến tại Syria lại là lý do mà tay súng người Thổ Nhĩ Kỳ nêu ra để hạ sát ông Andrei Karlov ngay ở phòng tranh trưng bày ‘Nước Nga qua con mắt người Thổ Nhĩ Kỳ’.
Tay súng trước khi bị bắn chết đã hô to ‘Thượng đế vĩ đại’ theo cách của người Hồi giáo và đe dọa ‘Thế Chiến 3 với nước Nga’.
Khi còn sống, ông Karlov nêu quan điểm rằng Ankara phải ‘làm nhiều hơn nữa’ để có thể bình thường hóa quan hệ với Nga.
Nhưng những gì diễn ra hôm 19/12 lại là chỉ dấu rằng tình hình tiếp tục thêm tồi tệ trong quan hệ Moscow với Ankara.

TT Philippines bênh vực TQ trong cuộc chiến chống ma túy

Tổng thống Philippines ngày 19/12 bênh vực Trung Quốc, nói rằng quy trách nhiệm cho Bắc Kinh về vấn nạn ma túy tại Philipines là không công bằng.
Văn phòng của ông Rodrigo Duterte, phản hồi trước một bài báo của Reuters, nói nhiều người trong số vận hành đường dây buôn bán ma túy là tội phạm Trung Quốc, nhưng không phải là các giới chức chính phủ Trung Quốc.
Hôm 16/12, một bài tường thuật của Reuters xoay quanh vai trò của Trung Quốc là nguồn cung cấp chính chất methamphetamine và hóa chất tiền thân dùng để sản xuất methamphetamine tuồn lậu vào Phiilippines.
“Trung Quốc có luật chống ma túy nghiêm ngặt, mức phạt thậm chí lên tới tử hình”, tuyên bố từ Văn phòng Thông tin Liên lạc của Tổng thống Philippines nói.
Ngay cả khi đang phát động chiến dịch trấn áp ma túy đẫm máu, ông Duterte vẫn hâm nóng quan hệ với Trung Quốc, nguồn cung chính về chất methamphetamine tiêu thụ tại Philippines.
Theo Cơ quan chống ma túy của Philippines, gần hai phần ba trong số 77 công dân nước ngoài bị bắt vì ma túy trong giai đoạn từ giữa tháng giêng năm 2015 tới giữa tháng 8 năm nay là người Trung Quốc.
Tuy nhiên, thông cáo của Văn phòng Thông tin Liên lạc của Tổng thống nói đổ lỗi cho toàn bộ đất nước và nhân dân Trung Quốc vì một số công dân Trung Quốc vi phạm ma túy là không công bằng, không phải tất cả dân Trung Quốc đều có liên hệ với ma túy.
Tuyên bố từ văn phòng này cũng lưu ý một thỏa thuận hợp tác về kiểm soát ma túy được ký kết bởi Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10 và khoảng 50 sĩ quan cảnh sát Philippines đã tham dự một chương trình huấn luyện kiểm soát ma túy và thực thi pháp luật ở tỉnh Vân Nam hồi tháng 10.
Hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc bố ráp ma túy của cảnh sát kể từ khi ông Duterte nhậm chức vào ngày 30 tháng 6.

Thụy Sĩ: Nổ súng gần trung tâm Hồi giáo, 3 người bị thương

3 người bị thương trong vụ nổ súng gần một trung tâm Hồi giáo ở Zurich (Thụy Sĩ) ngày 19/12, theo nguồn tin cảnh sát.
Truyền thông Thụy Sĩ nói nghi can đã tẩu thoát sau khi nhả đạn gần một trạm xe lửa ở thủ đô tài chính của Thụy Sĩ.
Chưa rõ liệu trung tâm Hồi giáo này hay các cao ốc thương mại gần đó là mục tiêu cuộc tấn công.
Cảnh sát Zurich xác nhận có người bị thương nhưng không tiết lộ thêm chi tiết.
2/3 dân số 8,3 triệu của Thụy Sĩ theo Cơ đốc giáo, nhưng quốc gia này đang chật vật với vai trò của Hồi giáo giữa lúc dân số đạo Hồi của họ tăng lên 5%, đặc biệt từ làn sóng di dân.

Jordan giải cứu du khách kẹt trong pháo đài trung cổ Karak

Nhà chức trách Jordan cho biết lực lượng an ninh đã giải cứu được các du khách nước ngoài bị mắc kẹt bên trong một lâu đài trung cổ ở thành phố miền trung Karak bị các phần tử vũ trang tấn công hôm Chủ nhật, khiến cho ít nhất 14 người chết. Tin cho hay có ít nhất 22 người khác, bao gồm cả thường dân và cảnh sát, đã bị thương.
Theo báo Jordan Times, trong số những người thiệt mạng, có một phụ nữ Canada, ít nhất 5 cảnh sát, cùng với 4 người mà sau đó an ninh xác định là những kẻ khủng bố.
Tờ báo dẫn lời một phát ngôn viên của lực lượng an ninh cho biết thường dân bị mắc kẹt trong tòa lâu đài đã được giải cứu sau cuộc hành quân kéo dài năm giờ của lực lượng an ninh. Cũng theo nguồn tin trên, thường dân ở gần đó cũng đã được sơ tán trong lúc tất cả các lối vào chính của thành phố đều bị đóng.
Cảnh sát cho biết các phần tử vũ trang đã vào Karak từ Qatraneh, một thị trấn pháo đài cách thành phố 30 km về phía đông bắc.
Tới cuối ngày Chủ nhật, vẫn chưa có ai lên tiếng nhận đã thực hiện vụ tấn công. Nhà chức trách không tiết lộ chi tiết về việc có bất kỳ mối liên hệ nào giữa các tay súng và các nhóm cực đoan ở nước láng giềng Syria hay không.
Jordan vốn được xem là một ốc đảo ổn định trong khu vực bất ổn Trung Đông. Bất chấp sự phản đối từ người dân, Jordan đã quyết định tham gia vào các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu để chống lại các chiến binh cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.

Trung Quốc cung cấp súng và trang thiết bị chống ma túy

cho Philippines

Trung Quốc đề nghị cung cấp cho Philippines súng và các trang thiết bị trị giá 14 triệu đôla để sử dụng trong chiến dịch chống ma túy mà Tổng thống Rodrigo Duterte phát động ngay sau khi lên nhậm chức hồi cuối tháng 6 vừa qua.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines hôm nay cho biết đề nghị này đã được chính Đại sứ Trung Quốc ở Manila đưa ra khi gặp Tổng thống Duterte và người đứng đầu ngành quốc phòng Philippines vào ngày hôm qua.
Bộ trưởng Delfin Lorenzana nhắc lại lời của Đại sứ Trung Quốc là biết được yêu cầu chống khủng bố và ma túy của Tổng thống Philippines nên Bắc Kinh muốn giúp đỡ.
Phía Philippines có thể sử dụng khoản 14 triệu đôla để mua vũ khí loại nhỏ, tàu cao tốc và kính nhìn trong đêm. Thỏa thuận về khoản hỗ trợ này có thể được đúc kết trước cuối năm nay.
Ngoài ra tin cũng cho biết phía Trung Quốc có đề nghị cho Philippines một khoản vay dài hạn 500 triệu đôla vào sang năm để Manila chi dùng trong công cuộc chống khủng bố và chiến dịch chống ma túy.
Hãng thông tấn AFP cho biết đại sứ quán Trung Quốc chưa có phúc đáp cho hãng này về tin vừa nêu.

Tòa án Tối cao Nhật ủng hộ việc tái bố trí căn cứ Mỹ ở Okinawa

Quyết định này được xem như một vố quan trọng đánh vào những thành phần chống đối tại địa phương phản kháng kế hoạch đó của chính phủ trung ương.
Chính phủ hai nước Hoa Kỳ và Nhật Bản muốn di chuyển căn cứ không quân ngay tại khu đông đúc dân cư ở Okinawa đến một khu vực thưa thớt người ở với lý do an ninh. Tuy nhiên, nhiều người dân Okinawa buộc phải chuyển căn cứ Hoa Kỳ ra khỏi địa phương của họ.
Vào tháng 9 vừa qua, một tòa cấp cao Nhật Bản cũng ra phán quyết cần tôn trọng quyết định của chính quyền trung ương, vì nhiệm vụ căn bản đối với quốc phòng và ngoại giao Xứ Phù Tang.
Sau đó chính quyền thành phố Okinawa kháng cáo, và hôm nay Tòa Tối cao Nhật Bản ra phán quyết bác đơn kháng án của chính quyền Okinawa.
Xin được nhắc lại, Okinawa nằm ở vị trí chiến lược tại khu vực biển Hoa Đông. Đây được xem là một pháo đài của quân đội Hoa Kỳ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Từ Okinawa, chiến đấu cơ và quân đội Mỹ có thể xuất phát để đối phó lại bất cứ cuộc xung đột nào xảy ra ở khu vực Châu Á.

Đại sứ Nga bị giết: Moscow gửi điều tra viên tới Thổ Nhĩ Kỳ

Moscow đang gửi các điều tra viên đến Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một cảnh sát bắn chết đại sứ Nga tại Ankara.
Mevlut Mert Aydintas bắn ông Andrei Karlov khi ông đang phát biểu hôm 19/12, dường như để phản đối việc Nga tham chiến tại Aleppo.
Hiện chưa rõ liệu viên cảnh sát chống bạo động Ankara 22 tuổi, người đã bị bắn chết, có liên hệ với bất kỳ nhóm nào.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết cuộc tấn công là nhằm làm tổn hại quan hệ với Nga.
Vụ việc diễn ra một ngày sau các cuộc biểu tình ở Thổ Nhĩ Kỳ về việc Nga hậu thuẫn Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ông Erdogan điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và trong bản tin video, cho biết rằng cả hai nhất trí rằng đó là một hành vi “khiêu khích”.
Ông nói rằng những người muốn làm tổn hại quan hệ giữa hai nước “sẽ không đạt được mục đích”.
Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin cho biết hành động này “chắc chắn là sự khiêu khích nhằm phá vỡ sự bình thường hóa quan hệ song phương vàtiến trình hòa bình ở Syria”.
Dmitry Peskov, Phát ngôn viên của ông Putin, xác nhận một nhóm các điều tra viên Nga sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ về vụ này.
‘Vô nghĩa’
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ vụ ám sát Karlov, trong khi Tổng thư ký Ban Ki-moon cho biết ông kinh hãi trước “hành vi khủng bố vô nghĩa”.
Trong bối cảnh có những cuộc biểu tình những ngày gần đây về tình hình chiến sự Aleppo, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang hợp tác trong chiến dịch ngừng bắn, Mark Lowen – phóng viên BBC tại Thổ Nhĩ Kỳ tường thuật.
Một cuộc họp giữa các ngoại trưởng Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran diễn ra tại Moscow hôm 20/12.
Vụ tấn công nhanh chóng bị các nước khác, trong đó có Mỹ, Anh và Đức, lên án.
Phong trào của giáo sĩ Fethullah Gulen sống lưu vong ở Mỹ cũng lên án vụ tấn công và bác bỏ bất kỳ liên hệ nào với kẻ tấn công, Reuters dẫn lời một cố vấn cho hay.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ quy trách nhiệm cho phong trào này về cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016 nhằm lật đổ ông Erdogan.
Vài giờ sau khi Karlov bị giết, một người đàn ông bị bắt vì dùng súng đạn ghém bắn chỉ thiên phía trước cổng sứ quán Mỹ ở Ankara.
Thông tấn Anadolu cho biết tay súng bắn chỉ thiên khoảng tám viên đạn vào rạng sáng 20/12. Không có ai bị thương trong vụ này.
Các cơ quan ngoại giao của Mỹ tại Ankara, Istanbul và Adana đóng cửa hôm 20/12.

Syria : 25.000 người sơ tán khỏi Aleppo

Việc sơ tán thường dân tại đông Aleppo diễn ra khẩn trương kể từ hôm qua, 19/12/2016, ngay sau khi Hội Đồng Bảo An thông qua nghị quyết về Aleppo, theo đề nghị của Pháp. Hôm nay, theo AFP, tổng cộng ít nhất 25.000 người đã rời khỏi khu vực này kể từ khởi đầu chiến dịch sơ tán cách nay năm hôm.
Theo người phát ngôn của Ủy Ban Chữ Thập Đỏ Quốc Tế (CICR), Ingy Sedky, chỉ riêng hôm qua, đã sơ tán được 15.000 người. Các thường dân được đưa tới khu vực do phe nổi dậy kiểm soát cách các khu phố đông nam Aleppo khoảng 5 km. Theo CICR, các ê kíp của tổ chức Chữ Thập Đỏ và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ (của người Ả Rập Syria) đã làm việc suốt đêm để tổ chức cuộc sơ tán này.
Trả lời AFP, giám đốc của UOSS, Liên Đoàn các Tổ Chức Cấp Cứu và Chăm Sóc Y Tế, có mặt tại tỉnh Aleppo, vào sáng nay, có thêm tám xe buýt đưa người sơ tán tới các khu vực do phe nổi dậy kiểm soát.
Theo một thủ lĩnh phe nổi dậy tại Thổ Nhĩ Kỳ, mới chỉ có khoảng một nửa số thường dân được sơ tán. Nhân vật này cũng cho biết các binh sĩ sẽ chỉ rời khỏi vị trí một khi toàn bộ thường dân có nguyện vọng được rời khỏi khu vực này.
Reuters cho biết, hôm nay, Damas tung đi nhiều thông báo, theo đó quân đội Syria sẽ vào các khu phố cuối cùng do phe nổi dậy kiểm soát trong ngày hôm nay.
Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ có thỏa thuận ngầm với Nga
Vẫn liên quan đến Syria, hôm qua, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng bác bỏ Ankara đã có một “thỏa thuận ngầm” với Nga về tương lai của Syria, trong bối cảnh ngoại trưởng và bộ trưởng Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran có cuộc họp hôm nay tại Matxcơva. Một giới chức cao cấp bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định : bất chấp quan hệ được cải thiện với Nga, Ankara duy trì quan điểm là tổng thống Syria Bachar al-Assad phải từ chức.
Tối qua, theo AFP, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Syria, Staffan de Mistura, ra thông báo cho biết Liên Hiệp Quốc đã triệu tập một cuộc họp quốc tế về Syria tại Genève vào ngày 08/02/2017. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc khẳng định rất quan tâm đến diễn biến cuộc gặp Thổ Nhĩ Kỳ – Nga – Iran, và bản thân ông sẽ “đón nhận mọi nỗ lực nhằm chấm dứt các xung đột” tại Syria, khiến hơn 310.000 người chết, trong gần 6 năm nội chiến. Vòng đàm phán cuối cùng về Syria, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ, diễn ra hồi tháng 4/2016.

Thượng nghị sĩ McCain

tố cáo Hải Quân Mỹ phí phạm ngân sách

Chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện Hoa Kỳ John McCain vào hôm qua 19/12/2016 đã cực lực phê phán binh chủng Hải Quân Mỹ là đã phí phạm ngân sách vào việc chế tạo chiến hạm mới, cụ thể là loại tàu cận chiến ven bờ LCS cực đắt, nhưng đang bị vấn đề động cơ và chưa chứng minh được hiệu năng tác chiến.
Trong bản báo cáo tựa đề « Phí phạm bậc nhất tại Mỹ : Không thể bảo vệ (America’s most Wasted : Indefensible) », ông McCain cho rằng khoảng ngân sách 12,4 tỷ đô la chi cho 26 chiếc tàu cận chiến duyên hải Littoral Combat Ship là ví dụ nghiêm trọng nhất của những gì bị ông gọi là những khoản chi tiêu lãng phí của Lầu Năm Góc.
Bản báo cáo nêu bật là từ chi phí dự kiến ban đầu chỉ là 220 triệu đô la cho mỗi chiếc tàu, giá phải trả đã tăng vọt lên thành 478 triệu đô la. Đối với thượng nghị sĩ McCain, vào lúc quân đội đang phải đối phó với những thách thức về an ninh quốc gia ngày càng đa dạng và phức tạp, Hoa Kỳ « đơn giản là không thể lãng phí nguồn tiền quý báu dùng cho quốc phòng vào các chương trình không cần thiết hoặc kém hiệu quả » như là chương trình chế tạo loại tàu chiến ven biển.
Phó đô đốc Hải Quân Thomas Rowden, đã bảo vệ chương trình này trước Ủy Ban Quân Sự Hạ Viện hồi đầu tháng 12. Ông cho biết đã xác định rõ những vấn đề xung quanh chương trình LCS, và đang nỗ lực tìm giải pháp.
Loại chiến hạm mới LCS đã được Hải Quân Mỹ phô trương như là một kiểu tàu rất hiện đại, có năng lực hoạt động hữu hiệu tại các vùng biển nông gần bờ, đặc biệt là ở Biển Đông. Bộ Quốc Phòng Mỹ đã quyết định sẽ cho 4 chiến hạm loại này trú đóng thường xuyên tại Singapore.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.