Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 17/11/2016

Thursday, November 17, 2016 6:21:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 17/11/2016

Cử nhân thất nghiệp – Giáo dục cần cải tổ

Nhà lãnh đạo mới của bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bị các đại biểu quốc hội chất vấn về tình trạng 300.000 sinh viên ra trường không tìm ra việc làm.
Giáo dục là vấn đề nóng trong buổi chất vấn tại quốc hội hôm 16/11 khi tân bộ trưởng bộ Giáo dục Đào tạo phải giải trình về tình trạng sinh viên ra trường bị thất nghiệp, theo báo chí trong nước.
Báo Người Lao Động dẫn lời một đại biểu ở Thanh Hóa hỏi rằng “bộ trưởng có trách nhiệm gì đối với thực trạng này và giải pháp khắc phục?”
Bộ trưởng GD&ĐT cho biết khoảng 80% sinh viên ra trường có việc làm nhưng theo giáo sư Nguyễn Lân Dũng của trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, công tác đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam chưa phù hợp với nhu cầu của xã hội:
“Nếu chúng ta cứ dựa vào các vị trí nhà nước – hiện nay là 6,5 triệu người trong biên chế – thì không thể nào đáp ứng được. Cho nên phải xã hội hóa cho nên đổi mới của giáo dục sắp tới sẽ phải hướng tới nhu cầu thực tế của xã hội để đào tạo. Cho nên vừa rồi không phải là thất nghiệp mà là không làm đúng cái chuyên môn được đào tạo thì nó phí đi.”
Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận điều này khi phát biểu tại phiên họp Quốc Hội ở Hà Nội. Ông nói chất lượng giáo dục hiện chưa cao. Nguyên nhân chính theo ông, là do chương trình đào tạo chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, dẫn đến tình trạng sinh viên khi ra trường, thiếu kỹ năng thực tế cũng như trải nghiệm, và không đạt yêu cầu về các kỹ năng khác.
Theo thống kê của bộ Giáo Dục khoảng 7% lực lượng lao động ở Việt Nam là sinh viên tốt nghiệp đại học trong khi con số trung bình ở các nước phát triển xê dịch từ 25-30%.
Giám đốc sở đào tạo và dạy nghề của bộ GD&ĐT Dương Đức Lân được Thanh Niên News trích lời nói Việt Nam có thể có nhiều cử nhân hơn so với nhu cầu của thị trường nhân dụng.
Giáo sư Lân Dũng, người đã có 60 năm giảng dạy ở trường đại học Tổng Hợp, nói việc các em học sinh không có định hướng đúng đắn khi chọn ngành học là một trong những nguyên nhân chính khác:
“Sinh viên có định hướng nhưng định hướng có đúng hay không lại là một chuyện khác. Sinh viên muốn làm nghề đó nhưng ra trường lại không có nhu cầu của nghề đó cho nên ý muốn của sinh viên không phù hợp với nhu cầu thực tế. Lâu nay sinh viên tự chọn thì họ không biết được xã hội phát triển như thế nào. Sau 4 năm sau thì ngành nghề đó mới xuất hiện chẳng hạn thì sinh viên không thể chọn được.”
Theo ghi nhận của Tin Tức, trả lời một đại biểu chất vấn về việc “liệu Việt Nam có quá nhiều trường đại học hay không?” bộ trưởng Nhạ cho rằng nếu xét tỷ lệ số sinh viên trên vạn dân là không nhiều. Theo ông, hiện Việt Nam có hơn 200 sinh viên/10.000 dân so với mức trung bình 450 sinh viên/10.000 dân. Giáo sư Lân Dũng nói việc mở quá nhiều trường đại học – chất lượng giảng dạy không đồng đều – đã làm các trường đại học ở Hà Nội và các thành phố lớn khác xa với các trường đại học ở các tỉnh lẻ. Giáo sư Lân Dũng nói:
“Học sinh Việt Nam qua các kỳ thi quốc tế thì không kém nhưng vấn đề là vì mở nhiều trường đại học quá nên chất lượng không đồng đều. Nhìn nhận chung một nhận định rằng giáo dục Việt Nam kém thì tôi không đồng ý mà giáo dục Việt Nam có nhiều trường yếu kém.”
Theo giáo sư Lân Dũng việc người Việt Nam thích học đại học dẫn tới việc mở các trường đại học để đáp ứng nhu cầu đó. Và đó là một nhận thức không thực tế của cha mẹ và các em học sinh. Giáo sư Lân Dũng cho biết:
“Hiện nay gia đình nào cũng muốn con vào đại học thì điều đó là không hay. Và từ cha ông ta cứ thích là phải vào học cao đẳng và đó là tâm lý không được đúng lắm. Và hơn nữa là các ngành công nghiệp của chúng ta gần đây mới phát triển còn trước đây chưa có nhiều ngành công nghiệp pháp triển nên nếu không học đại học mà về làm ruộng thì rất là chán.”
Giáo sư Lân Dũng cho biết nhiều sinh viên chọn học các ngành như kế toán và giáo viên thì nhu cầu lại thấp trong khi nhu cầu cho các ngành như công nghệ thông tin lại cao.
Số liệu đánh giá của Tổ chức Năng suất Châu Á-Thái Bình Dương cho thấy 80% nhân lực của Việt Nam khi các công ty đa quốc gia đăng tuyển đánh giá chưa đạt yêu cầu.

Tiến sỹ Giao:

VN mong ông Trump thực thi chính sách ‘thực tế’

Theo tường thuật của báo chí Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 17/11 nói trước quốc hội ông tin quan hệ Việt-Mỹ “sẽ tốt hơn”.
Thủ tướng Việt Nam phát biểu như vậy khi trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về việc chính phủ ứng phó thế nào khi Mỹ có tổng thống mới. Ông Phúc cũng cho biết Việt Nam “đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết” để tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, “tuy nhiên Mỹ tuyên bố dừng TPP nên Việt Nam chưa đủ cơ sở trình Quốc hội”.
Về quan hệ song phương, tin cho hay ông Phúc nói: “Đảng, Nhà nước thực hiện chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Chúng ta sẵn sàng hợp tác với Mỹ để cùng nhau phát triển trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không làm phương hại lẫn nhau. Với tinh thần đó, tôi tin chắc thời gian đến quan hệ Việt Nam với Hoa Kỳ sẽ tốt hơn, vì lợi ích chung của hai nước”.
Nhận xét về cơ sở của lời phát biểu của Thủ tướng Phúc, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói với VOA:
“Tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam chắc chắn cũng mong đợi Hoa Kỳ sẽ thực thi chính sách đối ngoại có thể không được như dưới thời chính quyền Obama nhưng vẫn có những cam kết với châu Á, cam kết với Đông Nam Á và vẫn cam kết hợp tác với Việt Nam ở những mức độ mà không những là chỉ củng cố mà phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Về phía nhân dân, rất nhiều người Việt Nam hy vọng rằng những gì mà ông Donald Trump trong tranh cử ông phát biểu thì khi ông trở thành tổng thống và nhận nhiệm sở Nhà Trắng, ông sẽ thực thi một đường lối thực tế hơn, chứ không phải là ông thực thi tất cả những gì như ông đã phát biểu”.
Trong cuộc trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay Việt Nam “có quan hệ với cả đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ ở Mỹ”. Về nền tảng của quan hệ hai nước, ông chỉ ra rằng “có 10 cơ chế quan hệ với chính quyền Mỹ về giáo dục, y tế, sông Mê Kông, rà phá bom mìn…”, và Việt Nam “sẽ tiếp tục thực hiện các cơ chế đó”.
Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao nói người dân Việt Nam hoan nghênh các chương trình đối tác, hợp tác kể trên. Tuy nhiên, ông không kỳ vọng nhiều vào quan hệ an ninh-quốc phòng giữa hai nước. Ông nói:
“Những quan hệ đã gặt hái được những kết quả rất đáng khích lệ ở trong các lĩnh vực không chỉ là y tế, giáo dục mà kể cả trong quốc phòng. Nhân dân Việt Nam đánh giá rất cao. Và nó cũng tạo mong muốn cũng như hy vọng là nó được tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, mức độ phát triển, đặc biệt là quan hệ về an ninh quốc phòng nó phát triển đến mức độ nào thì tôi cũng không hy vọng nó sẽ phát triển thật tốt bởi lẽ đường lối đối ngoại về an ninh quốc phòng và chuyển trục sang châu Á của ông Donald Trump vẫn chưa rõ ràng. Cũng có một sự e ngại trong một số người Việt Nam rằng liệu có khả năng là vì chủ nghĩa dân túy và đồng thời thu hẹp chính sách đối ngoại toàn cầu, thì nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump sẽ xích gần lại với Trung Quốc, vì lợi ích kinh tế và nhượng bộ những hành vi xâm chiếm biển đảo cũng như vi phạm luật quốc tế ở Biển Đông hay không?”
Trong tiến trình chuyển giao chính quyền từ ông Obama sang tân Tổng thống Trump, có phần chắc Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius sẽ được thay thế bằng một đại sứ mới do ông Trump bổ nhiệm.
Tiến sỹ Giao nhận xét rằng Việt Nam dành tình cảm tốt đẹp cho ông Ted Osius vì ông thể hiện là người am hiểu văn hóa Việt Nam đồng thời có nhiều đóng góp vào việc phát triển quan hệ song phương. Nhận định về những yếu tố mà người kế nhiệm đại sứ Osius cần có, Tiến sỹ Giao nói:
“Điểm quan trọng nhất tôi nghĩ là cần ở ông đại sứ mới là ông ấy phải am hiểu văn hóa Việt Nam, và ông ấy cũng cần hiểu được cái hoàn cảnh đất nước Việt Nam hiện nay, cả về mặt chính trị cũng như
các mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, đặc biệt là mối quan tâm của người dân Việt Nam liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo cũng như phát triển kinh tế”.
Nhiều nhà phân tích cho rằng hiện vẫn còn quá sớm để dự báo về chính sách đối ngoại của chính quyền ông Trump. Ngay sau khi ông đắc cử, Giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Mỹ, nhận định với VOA rằng Việt Nam có phần chắc sẽ không ở vị trí ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại mới của Mỹ, và quan hệ giữa hai nước sẽ không nồng ấm hơn so với hiện na

Lễ Tạ ơn của người Việt ở Mỹ

Hàng năm, người Mỹ sẽ ăn mừng Lễ Tạ ơn vào ngày thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng 11, đánh dấu khởi đầu của mùa lễ hội và Tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ sẽ thực hiện nghi thức phóng sinh gà tây truyền thống. Theo đó, một đôi gà tây được đặc biệt lựa chọn cho nghi lễ này sẽ không bị đưa lên bàn ăn tối của Lễ Tạ ơn và được đưa về công viên gà tây để đón chào công chúng đến xem.
Đối với người Việt ở Mỹ, Lễ Tạ ơn cũng là dịp để mọi người trong nhà tập trung lại với nhau, cùng tổ chức bữa ăn gia đình và sau đó đi mua sắm. Gia đình bạn Nguyễn Kim Nhật Nữ, sinh viên năm cuối trường Đại học George Mason, Virginia – Hoa Kỳ, cũng là một trong những gia đình như vậy.
Nhật Nữ kể: “Mỗi người mang một món thì ăn potluck (hình thức tiệc truyền thống tại các nước phương Tây, mọi người chia sẻ những món ăn do chính mình chuẩn bị), thì gặp nhau tại một nhà bác. Nhưng mà năm vừa rồi chỉ có gia đình tổ chức thôi, không có họ hàng, tại vì gia đình bác về tiểu bang khác chơi. Tụi em cũng ăn turkey (gà tây) và gravy (một loại nước sốt ăn kèm với gà tây) của người Mỹ, nhưng cái đó chỉ là cho có, còn vẫn ăn đồ Việt Nam.”
Sau bữa tiệc mọi người sẽ nghỉ ngơi, và sau đó, bạn Nhật Nữ cho biết, mọi người cùng nhau đi mua sắm “thâu đêm”: “Ăn xong đi ngủ sớm, đến 8 giờ mọi người mặc đồ sẵn sàng, lên mall (trung tâm mua sắm) chơi, tại vì người ta cũng mở cửa sớm chứ không có mở cửa lúc 12 giờ đêm nữa. Có nhiều tiệm mở cửa lúc 10 giờ, rồi đi tới thường thường là 3-4 giờ sáng, rồi về nhà ngủ tiếp rồi tới 8 giờ sáng đi tiếp.”
Đây không chỉ là dịp mua sắm cho bản thân mà theo bạn Nhật Nữ, còn là thời điểm tốt để mua quà Giáng Sinh cho người thân, bạn bè, vì các mặt hàng giảm giá nhiều.
Nói về không khí trường lớp trước dịp Lễ Tạ ơn, bạn Nữ chia sẻ sinh viên được nghỉ học từ ngày thứ Tư, cũng có thầy cô giáo cho lớp nghỉ từ thứ Hai nên các bạn trẻ đi học xa rất háo hức lên kế hoạch về thăm gia đình.
Nhật Nữ sang Mỹ học từ năm lớp 11 trung học nên có học về lịch sử, và bạn cho biết nguồn gốc của ngày Lễ Tạ ơn bắt đầu từ một nhóm người châu Âu sang Mỹ, gặp người dân bản địa, sau những xô xát ban đầu hai nhóm bắt đầu hòa hợp và người dân bản địa giúp đỡ những người châu Âu vượt qua mùa đông, biết cách trồng trọt… Những người châu Âu muốn cảm ơn dân bản địa nên đã tổ chức một buổi lễ và sau này trở thành ngày lễ chính thức được tổ chức hàng năm.
Dịp Lễ Tạ ơn năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã thực hiện nghi thức phóng sinh gà tây có tên “Abe” và bông đùa “Bằng quyền lực mà ta có được, ngươi đã được ân xá”. Sau khi được phóng sinh, gà tây Abe sẽ thực hiện nhiệm vụ đi vòng quanh và gáy cả ngày tại Tòa Bạch Ốc trước khi được đưa đến “Ngọn đồi Gà tây” để sống nốt phần đời còn lại. Trong trường hợp gà Abe không thể thực hiện nhiệm vụ, gà Honest ở một địa điểm bí mật sẽ được thay thế gà Abe thực hiện nhiệm vụ và trở thành TOTUS Con Gà tây của Hoa Kỳ.
Truyền thống này tại Tòa Bạch Ốc được bắt đầu từ thời Tổng thống Harry Truman, người đã ân xá cho một con gà tây vào năm 1947. Năm nay sẽ là lần thứ 8 và cũng là lần cuối cùng ông Obama ân xá gà tây tại Tòa Bạch Ốc trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1 năm tới.

Tổng thống đắc cử Donald Trump

có lên án vấn đề nhân quyền Việt Nam?

Việt Hà, phóng viên RFA
Một tuần sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, rất nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến chính sách sắp tới của Mỹ đối với châu Á và những chính sách này sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam đặc biệt là các vấn đề về kinh tế, biển Đông và nhân quyền. Việt Hà phỏng vấn chuyên gia Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC.
Có thể có quan hệ tốt với Việt Nam
Việt Hà: Thưa ông, trong suốt quá trình tranh cử và sau khi thắng cử Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump không nói nhiều đến Việt Nam, trừ hai lần nói rằng Việt Nam là nơi có lao động rẻ và Việt Nam bán hàng hóa giá rẻ vào Mỹ. Theo ông, liệu những chính sách kinh tế của tân Tổng thống Mỹ sẽ có ảnh hưởng ra sao đối với Việt Nam?
Nếu ông ta bắt các công ty Mỹ phải đóng cửa các xí nghiệp của mình ở Việt Nàm thì họ cũng sẽ không chuyển các xí nghiệm đó về các bang Ohio hay Nebraska. Họ chỉ chuyển từ Việt Nam đến nơi rẻ hơn như Myanmar, Campuchia hay Bangladesh.
-Murray Hiebert
Murray Hiebert: Trước hết tôi nghĩ là chúng ta phải chờ xem ông ta sẽ làm cụ thể những gì liên quan đến chính sách kinh tế. Ông ta đã nó rõ ràng là ông ấy không ủng hộ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông ấy nói là ông ấy sẽ coi lại những đàm phán thương mại khác như NAFTA với Canada và Mexico. Nhưng ông ấy chưa thực sự nói cụ thể là ông ấy sẽ làm gì với vấn đề bán phá giá ngoài việc nói là sẽ có các biện pháp để ngăn ngừa bán phá giá. Đối với vấn đề lao động giá rẻ ở các nơi như Việt Nam, rất khó có thể biết trước được ông ta sẽ làm gì. Một phần những phàn nàn của ông ta là những nơi có lao động giá rẻ hơn Mỹ thì thu hút các công ty Mỹ. Nếu ông ta bắt các công ty Mỹ phải đóng cửa các xí nghiệp của mình ở Việt Nàm thì họ cũng sẽ không chuyển các xí nghiệm đó về các bang Ohio hay Nebraska. Họ chỉ chuyển từ Việt Nam đến nơi rẻ hơn như Myanmar, Campuchia hay Bangladesh hoặc những nơi khác. Chúng tôi đến lúc này vẫn chưa thể biết được ông ta sẽ làm gì đối với những vấn đề kinh tế này. Ông ta nói rất nhiều về việc áp thuế 45% lên các hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Nhưng chúng tôi chưa nghe ông ấy nói thêm gì về vấn đề này kể từ khi đắc cử. Vì vậy chúng ta vẫn ở trong giai đoạn chờ xem.
Việt Hà: Một ngày sau khi ông Trump thắng cử, quốc hội Nhật Bản đã thông qua hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ gặp ông Trump trong tuần này. Theo ông liệu sức ép từ đông minh của Mỹ có thể làm thay đổi quan điểm của ông Trump đối với TPP?
Ông Murray Hiebert, Phó Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung Tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế tại Washington DC. Hình do Ông Murray cung cấp
Murray Hiebert: Chúng ta phải chờ xem vì sẽ rất khó cho ông ấy để rút lại những gì mình đã nói. Ông ta không thể tuần trước thì lên án mà tuần này thì lại nói đó là một hiệp định tốt. Ông ấy nhận được sự ủng hộ của những cử tri là những người trong thập niên qua đã mất việc, mất hy vọng và mất thu nhập tốt mà theo Trump thì đó là do các thỏa thuận thương mại. Tôi không nghĩ đó là nguyên nhân chính mà nguyên nhân chính phải là do toàn cầu hóa, tự động hóa. Nhưng ông ấy đã đưa ra hình ảnh này và sẽ rất khó cho ông ấy để có thể bất ngờ bỏ những gì mình đã hứa. Ông ấy có thể thay đổi từ từ trong vài năm tới chứ không thể trong năm tới. Tôi không chắc Thủ tướng Abe có thể thuyết phục nổi Trump thay đổi về TPP sau khi ông ấy đã rất cương quyết về vấn đề này đối với các cử tri. Ông ấy cũng nói rất nhiều về việc Nhật bản và Nam Hàn phải trả hơn nữa cho vấn đề an ninh mà Hoa Kỳ cung cấp cho các nước. Theo tôi cuộc gặp chủ yếu là để hai bên gặp nhau và chào hỏi nhau để hiểu nhau hơn. Tôi thấy khó tưởng tượng được rằng tân Tổng thống Trump sẽ thay đổi quan điểm của mình nhanh chóng ngay sau một tuần thắng cử.
Chiến lược chuyển trục về châu Á sẽ ra sao?
Việt Hà: Trong quá trình tranh cử, tân Tổng thống Trump cũng có nhắc đến vấn đề Trung Quốc và biển Đông nhưng ông ta không đề cập đến vấn đề này nhiều gần đây. Theo ông chiến lược chuyển trục về châu Á của Tổng thống Obama sẽ ra sao dưới thời của Tổng thống Trump?
Murray Hiebert: Chúng tôi không biết nhiều lắm về những gì ông ấy nghĩ liên quan đến vấn đề này. Tuần rồi có một bài báo trên tạp chí Foreign Policy của hai người cố vấn của ông Trump là Alexander Gray and Peter Navarro theo đó họ nói một chút về chiến lược chuyển trục về châu Á. Họ nói Bắc Kinh đã cho xây dựng khoảng 3,000 acre đảo nhân tạo, về hành động lấn lướt của Trung Quốc ở biển Hoa Đông. Họ cũng nói về cách mà chính quyền của Tổng thống Obama đã để mặc Philippines ở bãi cạn Scarborough vào năm 2012. Chính quyền Hoa Kỳ nói với cả Philippines và Trung Quốc và hai nước hứa là sẽ rút quân khỏi bãi cạn nhưng sau khi phía Philippines rút đi thì Trung Quốc vẫn ở lại. Vì vậy họ lên án sự yếu ớt của chính sách chuyển trục của Tổng thống Obama. Điều này có thể sẽ phản ánh cách nghĩ rộng hơn của Tổng thống Trump. Có thể là ông ấy đang cân nhắc một cách tiếp cận cứng rắn hơn ở biển Đông. Nhưng thực sự chúng ta vẫn chưa nghe ông ấy nói trực tiếp về vấn đề này mà chỉ là những cố vấn của ông ấy.
Các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Myanmar đang tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Washington vì những sức ép từ Trung Quốc. Cho nên Tổng thống Trump sẽ tận dụng cơ hội này.
-Murray Hiebert
Việt Hà: Nhưng liệu điều này có mâu thuẫn gì với chính sách hướng nội của Trump mà ông ấy đã tập trung nói đến nhiều trong suốt quá trình tranh cử?
Murray Hiebert: Có thể là như vậy. Nhưng ông ấy đã chỉ trích Trung Quốc rất mạnh nên ông ấy sẽ phải tìm ra cách. Chúng tôi cũng thấy là ông ấy đã nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình và dường như họ đã có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng dù không giải quyết vấn đề gì cụ thể. Đây chỉ là một thảo luận ban đầu để tìm hiểu nhau.
Việt Hà: Liên quan đến vấn đề nhân quyền, cứ mỗi khi có một vị Tổng thống mới của Mỹ được bầu thì người Việt Nam tỏ ra quan tâm là liệu vị Tổng thống mới sẽ có chính sách ra sao đối với vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Liệu Tổng thống mới sẽ cứng rắn hơn hay nhẹ nhàng hơn với Việt Nam trong vấn đề này?
Murray Hiebert: Chúng tôi thực sự không biết chính xác là Trump sẽ làm gì. Tuy nhiên trong cùng một bài báo mà tôi nói tới, các cố vấn của ông ấy đã chỉ trích rất mạnh chính quyền của Tổng thống Obama đã quá mạnh tay với Thái Lan sau vụ quân đội lật đổ chính quyền và đẩy chính phủ hiện thời của Thái Lan tiến gần hơn về phía Trung Quốc. Cho nên nếu đây thực sự là chính sách của Trump thì vấn đề nhân quyền sẽ có thể ít được nhấn mạnh hơn dưới thời của Tổng thống Trump hơn so với thời của Tổng thống Obama. Tuy nhiên những cố vấn này cũng nói là các nước như Việt Nam, Nhật Bản, Myanmar đang tìm cách thắt chặt hơn nữa quan hệ với Washington vì những sức ép từ Trung Quốc. Cho nên Tổng thống Trump sẽ tận dụng cơ hội này và nếu đó là chính sách của Trump thì ông ta sẽ tìm cách cải thiện quan hệ với Việt Nam để đối phó với sức ép từ Trung Quốc.
Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.

VN thiếu quyết liệt

chống buôn bán trái phép động vật hoang dã

Ben Ngô từ Hà Nội và Minh Thư từ LondonBBC Tiếng Việt
Hội nghị ‘Chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã’ khai mạc tại Hà Nội hôm 17/11 trong bối cảnh truyền thông quốc tế đưa tin ‘Việt Nam chưa có hành động quyết liệt” trong vấn đề này.
Hoàng tử Anh William, hiện đang tham dự hội nghị, thúc giục chính phủ các nước trên thế giới có những hành động khẩn cấp để cứu các loài động vật có nguy cơ tiệt chủng trước khi quá muộn.
Việt Nam vừa là điểm trung chuyển buôn bán ngà voi cho người tiêu dùng ở Trung Quốc và Mỹ để làm đồ trang sức và trang trí nội thất, vừa là nước tiêu thụ sừng tê lớn.
Việc sử dụng và mua bán sừng tê giác là tội hình sự ở Việt Nam, nhưng nhu cầu tiêu thụ sừng tê rất lớn vì nhiều người xưa nay tin vào công dụng trường thọ của loại sừng quý hiếm này.
Các nhà bảo tồn động vật quốc tế khuyến cáo Việt Nam và các nước láng giềng phải đóng cửa thị trường buôn bán động vật hoang dã trái phép và đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn lậu sừng tê, ngà voi và nội tạng hổ.
“Thế giới nhìn vào”
Theo đại diện của tổ chức Bảo tồn Động vật hoang dã Thế giới (WWF) và tổ chức theo dõi buôn bán động vật hoang dã Traffic, các quốc gia trong khu vực sông Mekong Mở rộng, kể cả Việt Nam, đã thất bại trong việc đóng cửa các thị trường buôn bán động vật hoang dã. Chính phủ Việt Nam thiếu nỗ lực trong việc ngăn chặn các lực lượng buôn bán và nhập lậu các sản phẩm động vật hoang dã trái phép, họ cho biết.
Trả lời BBC, Tiến sĩ Colman O’Criodain, đại diện Tổ chức WWF nói: “Nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã như sừng tê giác của giới trung lưu mới nổi ở Việt Nam kéo theo nạn săn bắn gia tăng ở châu Phi.”
Ông Thinh Văn Ngọc, Giám đốc Việt Nam của WWF thì nói: “Việt Nam không thể làm ngơ trước tội phạm buôn bán động vật hoang dã vì toàn thế giới đang nhìn vào: chính phủ Việt Nam phải dùng hội nghị này để đưa ra dấu hiệu đã có bước tiến mới bằng việc đưa ra những kế hoạch cụ thể để kết thúc tình trạng mua bán sừng tê và ngà voi và đóng cửa hết các trại nuôi hổ.”
Trong một diễn biến khác, tạp chí The Economist tường thuật, hôm 14/11, Ủy ban Công lý Động vật Hoang dã (WJC) dự định công bố thêm chi tiết cuộc điều tra về nạn buôn bán động vật hoang dã tại một ngôi làng nằm không xa Hà Nội.
“Họ cho hay phát hiện những sản phẩm từ động vật bất hợp pháp giá trị hơn 50 triệu đôla bày bán ở đó, gồm 579 sừng tê giác.”
“WJC đã chuyển giao những phát hiện của họ cho chính phủ Việt Nam từ tháng 1/2016, nhưng vẫn đang chờ xem những người có liên quan đến vụ việc (51 người) sẽ bị buộc tội thế nào”, tạp chí này viết.
Còn nhiều việc phải làm
Hoàng tử William nói tại hội nghị “Chúng ta đều biết và khen ngợi Việt Nam đã có những bước tiến trong cuộc chiến chống nạn buôn bán động vật hoang dã ở nước này. Chúng ta cũng biết đây là một tín hiệu tốt trong khu vực nơi còn rất nhiều việc phải làm để giảm nhu cầu về những sản phẩm động vật hoang dã.”
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch nước, phát biểu: “Giới chức Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm với công cuộc ngăn chặn tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã.”
“Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức và còn hạn chế nhất định trong việc nâng cao nâng lực, hoàn thiện thể chế; điều tra, truy tố tội phạm trong lĩnh vực này; thay đổi thói quen tiêu dùng các sản phẩm từ động vật…”
Bà nói thêm “Ngăn chặn hoạt động buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã quý hiếm là vấn đề toàn cầu. Không một ngành, một lĩnh vực hay quốc gia đơn lẻ có thể ngăn chặn thành công tệ buôn bán trái phép nếu không có bộ máy phố hợp tổng thể và cam kết hành động mạnh mẽ”
Bên lề hội nghị, trả lời BBC Tiếng Việt, bà Hà Thị Tuyết Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) nói: “Khó khăn nhất của Việt Nam là việc xử phạt loại tội phạm này chưa đủ sức răn đe.”
Một thông cáo đưa ra tại hội nghị viết “Chúng ta cần hành động từ mọi phía trong chuỗi mua bán trái phép ở các nước có nguồn cung cấp, trung chuyển và nơi tiêu thụ”.

Việt Nam đã xử phạt gần 630 tổ chức gây ô nhiễm môi trường

Từ tháng 1 năm 2015 đến nay Việt Nam đã quyết định xử phạt hành chính gần 630 tổ chức với số tiền hơn 72 tỷ đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đây là kết luận được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố trong cuộc họp báo vào ngày hôm nay.
Theo ông Lê Quốc Trung, chánh thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường, tính đến nay, bộ này đã hoàn thành kế hoạch thanh tra năm 2015 và hoàn thành 80% kế hoạch năm 2016.
Từ đầu năm 2015 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận hơn 1 ngàn lượt đơn thư của hơn 3.000 người dân. Tổng số đơn thư, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai nhận được từ đầu năm 2015 đến nay là 6.100 lượt với gần 3.000 vụ việc, trong đó 97% đơn thuộc lĩnh vực đất đai. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, so với năm ngoái, số lượng đơn thư nhận được trong năm nay đã tăng 22,6%, số vụ việc tăng 33,5%.
Cũng liên quan đến việc xử phạt các vi phạm về môi trường, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường hôm nay cho biết Bộ này đã quyết định xử phạt vi phạm chính thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) với số tiền là 115 triệu 500 ngàn đồng.
Phát biểu trong cuộc họp báo vào sáng nay, ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên cho biết sau sự cố thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập lụt nặng các tỉnh miền trung hồi tháng trước, đoàn công tác của Bộ vào kiểm tra công tác quản lý tài nguyên nước của nhà máy này và phát hiện 5 vi phạm.
Những vi phạm của thủy điện Hố Hô được thông báo bao gồm: không thực hiện đúng quy định về quan trắc, giám sát tài nguyên nước, không thực hiện, không thực hiện vận hành hồ đảm bảo dòng chảy tối thiểu sau công trình, không thực hiện chế độ thông báo, báo cáo liên quan đến vận hành công trình, không xây dựng kế hoạch điều tiết nước hàng năm của hồ chứa theo quy định, và không thực hiện chế độ báo cáo về kết quả khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việt Nam – Nhật Bản cam kết tăng cường tin tưởng chính trị

Việt Nam và Nhật Bản cam kết tăng cường tin tưởng chính trị giữa hai nước.
Cam kết được đưa ra trong cuộc gặp giữa phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng và bộ trưởng Nội các Nhật Yoshihide Suga tại Tokyo vào hôm 16 tháng 11.
Hai bên cũng đồng ý sẽ phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam vào năm 2017 của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko, cùng chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhật vào đầu năm sau.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cam kết chính sách ngoại giao của Việt Nam là coi Nhật Bản như một đối tác lâu dài hàng đầu của Việt Nam.

Việt Nam dừng trình quốc hội hiệp định TPP

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, trong trả lời chất vấn trước quốc hội vào hôm nay, cho biết Việt Nam chưa thể trình quốc hội phê chuẩn Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì lý do Mỹ đã tuyên bố dừng không trình quốc hội về hiệp định này. Ông cũng nói thêm rằng mặc dù vậy Việt Nam vẫn sẵn sàng tham gia TPP.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng ngay cả khi không có TPP thì Việt Nam cũng đã cam kết mở cửa kinh tế với thế giới. Ông nói Việt Nam đã ký 12 thỏa thuận thương mại tự do, cho nên nếu có TPP thì tốt, nhưng nếu không có TPP thì Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục hội nhập kinh tế theo các thỏa thuận đã ký kết trước đó.
TPP được đàm phán giữa Việt Nam với 11 quốc gia khác. Vòng đàm phán cuối cùng kết thúc vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên để hiệp định đi vào hiệu lực quốc hội các nước phải đồng ý thông qua hiệp định này. Hoa Kỳ đã trì hoãn việc thông qua hiệp định do cuộc bầu cử Tổng thống vừa diễn ra. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng phản đối hiệp định này và nói Hoa Kỳ sẽ rút khỏi hiệp định nếu ông thắng cử.

Kẻ tội đồ trì hoãn tái cơ cấu nông nghiệp

Nam Nguyên, phóng viên RFA
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Việt Nam được mô tả là vẫn dậm chậm tại chỗ sau nhiều năm được tuyên truyền rộng rãi, hứa hẹn tăng cao thu nhập cho nông dân và nâng cao đời sống ở nông thôn.  Lý do nào khiến kế hoạch này bị ách tắc và cách biệt giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị càng ngày càng lớn hơn.
Nông thôn hiện nay không còn an toàn trong cuộc sống, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận như vừa nêu trong phiên chất vấn tại Quốc hội hôm 15/11/2016. Trước đó hai tuần, cũng tại diễn đàn Quốc hội, ngày 2/11/2016  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu ý kiến là cần sửa Luật Đất đai 2013 hủy bỏ qui định về hạn điền, những nội dung nằm trong Điều 129, điều 130.
Luật giới hạn mức giao đất tối đa cho sản xuất cây trồng ngắn ngày là từ 2 tới 3 ha cho một hộ gia đình, tùy theo vùng. Ông Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn nói rằng, nút thắt cản trở sản xuất lớn là vấn đề hạn điền, nền nông nghiệp vẫn dựa trên qui mô hộ nhỏ lẻ, manh mún, do đó năng suất lao động, năng suất kinh tế và đời sống thu nhập của nông dân vẫn rất khó khăn. Do vậy cần sửa luật bỏ hạn điền và hợp pháp hóa sự tích tụ đất đai.
Hai vị Bộ trưởng của Chính phủ cho thấy sự tệ hại của khu vực nông thôn nơi qui tụ 70% dân số Việt Nam. Theo đó, nông thôn hiện  nay không an toàn vì bị ô nhiễm môi trường trầm trọng và sản xuất nông nghiệp thì chỉ giúp nông dân có cái ăn không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày.
Cần cải cách kinh tế đồng bộ
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững từ tháng 6/2013. Lý do nào khiến kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp chưa có tiến triển. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, hiện là chuyên gia tư vấn về tái cơ cấu nông nghiệp, từ Hà Nội nhận định:
Tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn.
-TS Đặng Kim Sơn
“Rõ ràng tốc độ của nó quá chậm và quá trình tái cơ cấu nông  nghiệp phải song song với quá trình vẫn gọi là phát triển nông thôn mới. Nghĩa là phải làm thế nào nông nghiệp tăng được năng suất lao động lên. Nhưng đồng thời kinh tế nông thôn cũng phải đa dạng lên, trong nông thôn không chỉ là thuần nông nữa. Nếu nông thôn còn thuần nông thì nông dân sẽ bỏ đi hết, dứt khoát phải chuyển sang những ngành nghề phi nông nghiệp.
Vì thế bản thân tái cơ cấu nông nghiệp không thể đi một mình được mà nó phải đi với tái cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp phải chuyển sang ủng hộ nông nghiệp, kinh tế đô thị cũng phải phối hợp với kinh tế nông thôn, còn không nó sẽ tách rời ra hai mảng và người dân xu hướng chung là họ sẽ di cư ra khỏi nông thôn đi về thành thị. Như thế không chỉ riêng nông thôn có khó khăn mà thành thị cũng tắc nghẽn, quá tải, không thể nào phát triển bền vững được.”
Được biết, Nghị quyết Tam Nông, Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 10 ban hành từ ngày 5/8/2008, đến nay đã hơn 8 năm nhưng toàn bộ hệ thống chính trị đã không thực hiện được một số mục tiêu chủ yếu. Đó là Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Với mục tiêu ưu tiên là Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.
Ngoài Nghị quyết Tam Nông của Trung ương Đảng năm 2008, đến tháng 6/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy vậy đến tháng 11/ 2016 mọi việc vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Tháng 10/2016, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, một giới chức cao cấp của Đảng, lần đầu tiên nói chuyện gỡ nút thắt hạn điền và cho phép tích tục đất đai. Sau ông Bình, các giới chức chính phủ và báo chí dòng chính cũng khởi động vấn đề này qua nhiều vận động cụ thể. Giờ đây kẻ tội đồ, làm nông dân nghèo khổ và cản trở sản xuất nông nghiệp hiện đại theo qui mô lớn, lại chính là một số qui định của Luật Đất đai 2013.
Kinh nghiệm Đài Loan Hàn Quốc
Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang một người đi lên vị trí lãnh đạo từ kinh nghiệm nông thôn và khi về hưu cũng trở về cuộc sống ở nông thôn, thì vấn đề hạn điền chưa hẳn là gút thắt quan trọng nhất trong việc tích tụ đất đai, tổ chức sản xuất lớn và hiệu quả. Ông nói:
“Nhiều nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì đất của người ta cũng đâu có nhiều. Qui mô hộ cá thể cũng nhỏ, nhưng tổ chức của người ta tốt, nó liên kết chiều ngang về khối lượng mà nó lại liên kết chiều dọc là làm tăng giá trị sản phẩm lên, thì nó giải quyết được hai vấn đề đó. Cho nên đất ít hay đất nhiều không phải chuyện lớn mà là vấn đề tổ chức sản xuất. Ở đây tổ chức sản xuất vừa qua chưa bảo đảm được hai yếu tố đó.”
Hiến pháp sửa đổi năm 2013 vẫn kiên định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, tức là Nhà nước không công nhận quyền tư hữu về đất đai, đây là ý thức hệ cộng sản. Luật Đất đai 2013 làm rõ thêm người dân chỉ có quyền sử dụng đất với thời hạn 50 năm với các qui định về hạn điền. Ông Nguyễn Minh Nhị tiếp lời:
Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc thì đất của người ta cũng đâu có nhiều. Qui mô hộ cá thể cũng nhỏ, nhưng tổ chức của người ta tốt, nó liên kết chiều ngang về khối lượng mà nó lại liên kết chiều dọc là làm tăng giá trị sản phẩm.
-Ông Nguyễn Minh Nhị
“Hiện nay tuy rằng quyền sở hữu tư nhân không có trong đất đai là nói hình thức vậy thôi, còn thực chất bên trong 5 quyền thì nó cũng vậy, bản thân người nông dân vẫn xem đất đó là của họ. Vẫn liên kết, vẫn hợp tác rồi vẫn mở rộng diện tích, thậm chí có người sở hữu cả trăm héc ta, giấy tờ đứng tên dưới tên khác trong gia đình… và chính quyền cũng biết. Nhưng mà nói chung về điều kiện pháp lý mà nó không rộng mở thì nó hạn chế là điều tất nhiên…”
Ông Nguyễn Minh Nhị cho rằng điều hệ trọng mà chính phủ Việt Nam chưa làm, đó là tái cấu trúc mô hình quản lý ngành nông nghiệp, tức là một người chịu trách nhiệm. Ông nói:
“Vừa qua thiếu cái đó cho nên trong thực hiện chính sách luật pháp hay đặc biệt trong tổ chức sản xuất thì bị trục trặc. Bởi vì tôi không biết đó là ai, ai là người đầu tiên chịu trách nhiệm cũng như ai là người cuối cùng chịu trách nhiệm. Nếu sắp tới không giải quyết được cái này thì sẽ vẫn không phát triển được…”
Chế độ chính trị ở Việt Nam theo cơ chế chịu trách nhiệm tập thể, thành ra trong nhiều trường hợp trở nên không có ai chịu trách nhiệm. Vấn đề này cũng phù hợp với những gì ông Nguyễn Minh Nhị vừa đề cập trong phạm vi nông nghiệp, nông thôn.
Những tín hiệu từ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam về việc chuẩn bị sửa Luật Đất đai 2013, bãi bỏ hạn điền và hợp pháp hóa việc tích tụ đất đai, làm gợi nhớ tới phản biện của giới học giả chuyên gia trong thời gian soạn thảo Luật này. Lúc đó báo chí đã đưa khá nhiều tin bài về việc không nên qui định hạn điền và thời gian sử dụng đất, vì nó sẽ cản trở phát triển nông nghiệp nông thôn hiện đại. Tuy vậy dưới sự chỉ đạo của Đảng, Quốc hội Việt Nam đã bỏ qua cơ hội cải cách, vẫn làm luật theo tư duy kinh tế hộ nông dân nhỏ lẻ, gọi là bảo vệ ruộng đất cho nông dân đề phòng giai cấp tư bản mới thao túng ruộng đất.
Đối với TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nông thôn, giải pháp cho  nông nghiệp – nông dân – nông thôn hiện nay là phải đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp, thứ hai là phải phối hợp tái cơ cấu nông nghiệp với phát triển nông thôn mới và thứ ba là phải thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế đồng bộ với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.
TS Đặng Kim Sơn gọi đó là một thách thức lớn cho Việt Nam, khi phải thực hiện những cải cách đó đồng bộ với nhau và thực hiện trong thời gian không kéo dài. Theo lời ông, nếu các nỗ lực này vẫn chậm trễ thì trong tương lai kinh tế Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Rau ở Lâm Đồng tan nát vì lũ

Nhóm phóng viên tường trình từ VN
Trong lúc miền Trung bị ngập lụt từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… thì cao nguyên Lâm Đồng cũng bị ngập lụt xả lũ hồ Đơn Dương. Trong đó, huyện bị ngập nặng nhất là huyện Đơn Dương. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng vốn dĩ là tỉnh chuyên về cây cà phê, cây chè và một số loại cây cao sản khác, chỉ có huyện Đơn Dương và thành phố Đà Lạt là nơi trồng rau nhiều nhất. Hay nói cách khác, đây là vựa rau của cả miền Trung. Nhưng, việc xả lũ lại tác động trực tiếp và nặng nề nhất đến Đơn Dương và Đà Lạt.
Rau củ quả bị hư hại nặng
Bà Truyện, cư dân xã Tân Thành huyện Đơn Dương, Lâm Đồng, chia sẻ: “Huyện Đơn Dương này nè, nhưng bên chị không ngập, phía bên kia đường mới ngập. Bên này không dính dáng gì ngập lụt hết nhưng bên kia đường thì thiệt hại quá nhiều, nhà kính, lưới hư hết, cầu đường bị hư, thiệt hại nặng lắm!”
Bên này không dính dáng gì ngập lụt hết nhưng bên kia đường thì thiệt hại quá nhiều, nhà kính, lưới hư hết, cầu đường bị hư, thiệt hại nặng lắm!
-Bà Truyện
Theo bà, hiện tại ở huyện Đơn Dương đang có một chuyện hết sức khôi hài, nghĩa là cách nhau một con đường, bên này đường vẫn đang kéo ống tưới cây vì thiếu nước, mưa không đáng kể, mà những cây mưa lẻ như vậy càng làm cho rau củ quả đang trồng dễ bị dập vì axit trong nước mưa, chính vì vậy, sau trận mưa, bà con phải kéo ống ra tưới cây.
Bên này đường thi nhau tưới cây thì bên kia đường, nước ngập đến nửa nhà, có nơi ngập đến mái hiên, rau củ quả chìm trong biển nước. Và cả một vựa rau Đơn Dương, Lâm Đồng trở thành một vựa nước. Trong khi đó, mùa tháng Mười, tháng Mười Một là mùa rau chủ lực, có thể mang lại lợi nhuận cao  nhất trong cả năm.
Vì mùa tháng Mười, tháng Mười Một là mùa rau đặc biệt, không giống với bất kỳ mùa rau nào khác, hầu như trên cả nước chẳng có nơi nào có thể trồng được rau, các vựa rau củ quả ở Tuy Hòa, Phú Yên, Hội An, Đại Lộc, Quảng Nam, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế, Ba Đồn, Lệ Thủy, Quảng Bình và các vựa rau ở Sapa, Bắc Hà, Lào Cai, các huyện ngoại ô Hà Nội đều trong tình trạng ngập úng, không có rau để cung cấp cho thị trường. Lúc này, chính rau củ quả ở các vựa rau Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng và Đắk Lắk sẽ bước ra thị trường cả nước, tuyên chiến với rau củ quả Trung Quốc.
Mà một khi rau ở các vựa rau này bị hư hại, thị trường rau củ quả trên cả nước sẽ bị tê liệt, rau củ quả Trung Quốc có cơ hội thả sức tung hoành trên thị trường Việt Nam. Có một thực tế là bấy lâu nay, rau củ quả Việt Nam vẫn còn giữ được một góc an toàn bởi các vựa rau Việt Nam vẫn còn trụ lại được, nhất là vào mùa khan rau tháng Mười, tháng Mười Một. Chính các vựa rau Việt Nam đã chiếm một phần không nhỏ thị trường Việt Nam đã đẩy được một phần rất ;lớn rau Trung Quốc không thể bén mảng tới bếp ăn người Việt có quan tâm đến nguồn cung cấp rau.
Nhưng với đà hiện tại, các hồ thủy điện thi nhau xả đập khắp miền Trung và các làng trồng rau đều chìm trong biển nước thì hơn bao giờ hết, đây là cơ hội để rau củ quả Trung Quốc tràn lan và độc chiếm thị trường Việt Nam. Hơn nữa, không bao lâu sắp tới đây, rau củ quả Trung Quốc được nhập sang Việt Nam miễn thuế 100%. Như vậy cũng đồng nghĩa với tương lai của nông dân Việt Nam bị cả ba mũi dùi tấn công, một mũi dùi thủy điện xả đập trong mùa rau chủ lực, một mũi dùi miễn thuế cho rau củ quả Trung Quốc do nhà nước đâm và một mũi dùi giá thành rất rẻ bèo, màu sắc hấp dẫn và đầy độc tố của rau củ quả Trung Quốc.
Rau bị ngập úng, thất thu nặng nề
Chị Nguyên, một nông dân ở xã Ninh Gia, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, chia sẻ: “Qua cái mùa mưa vừa rồi và xả lũ thì bà con bị hư hại nhiều, bà con bên thấp thì bị, cao thì đỡ hơn. Cả huyện gần như bị hơn ¼ huyện. Những người làm lagim bị thiệt hại nhiều lắm, gần như bị hết. Trồng cái hàng này y như đánh bạc vậy đó, được mùa này mất mùa nọ huống gì bị lụt nữa. Như người đi buôn còn bị, nhiều người bỏ ra cả tỷ đồng, hoặc có nhà đầu tư cả mấy trăm triệu, rồi ướt là hư hết, xả lũ một cái là họ bị hết.”
Chị Nguyên cho biết thêm, hiện tại đang là vụ trồng cà rốt, cà chua và các loại su hào, xà lách của huyện Đơn Dương. Trận ngập úng tuần trước đã nhấn chìm toàn bộ các vườn trồng rau ở huyện này. Và những loại rau củ quả bị nhấn chìm đều hư hại toàn bộ, không sống sót một mống nào. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc gia đình chị cũng như hàng trăm gia đình nông dân khác thất thu ngay trong vụ rau chủ lực. Bởi theo kinh nghiệm mọi năm, nếu vụ rau tháng Mười, tháng Mười Một không thành công thì coi như cả năm chỉ đủ thu nhập để mua gạo, chi phí hằng ngày.
Qua cái mùa mưa vừa rồi và xả lũ thì bà con bị hư hại nhiều, bà con bên thấp thì bị, cao thì đỡ hơn. Cả huyện gần như bị hơn ¼ huyện. Những người làm lagim bị thiệt hại nhiều lắm, gần như bị hết.
-Chị Nguyên
Vụ rau Tết không phải là vụ rau chủ lực của các vựa rau trên cả nước bởi vụ rau này hầu hết tất cả mọi nông dân đều có thể trồng được nên giá thành thấp, người nông dân chỉ đủ thu nhập để mua sắm Tết, khó mà dư được để tích lũy.
Với tình trạng hiện tại, mỗi gia đình bị thất thu ít nhất cũng ba chục triệu đồng, có gia đình bị mất lên đến hai, ba trăm triệu đồng. Và chắc chắn các nông dân trồng rau củ quả ở Đơn Dương và một số nông dân ở thành phối Đà Lạt sẽ bị lâm nợ sau đợt lũ này. Vì người nông dân vốn có thu nhập rất thấp so với các nhóm ngành nghề khác. Một khi muốn đầu tư trái vụ phải tăng cường vốn để mua lưới, mua một số nông cụ đặc biệt để đảm bảo cây trong vườn không bị mưa nặng hạt, không bị ngập úng.
Nhìn chung, các nông dân ở Đơn Dương và Đà Lạt, Lâm Đồng đã hoàn toàn thất thu trong vụ này, đặc biệt là họ thất thu sau khi tự vận động tạo quĩ để ủng hộ đồng bào vùng lũ ở Lệ Thủy, Ba Đồn, Quảng Bình và Hương Khê, Hà Tĩnh.
Và có một điều đặc biệt nữa là hầu hết các nông dân ở Đơn Dương, Đà Lạt, Lâm Đồng đều kêu gọi các đoàn từ thiện và cứu trợ đừng đến chỗ của họ vì họ còn trụ được mà hãy dồn hết những món quá đó đến Bắc miền Trung, nơi những trận lũ do thủy điện gây ra hoành hành và cái đói, cái lạnh cũng đang tác oai tác quái.
Ngoài ra, các nông dân Đơn Dương cũng kêu gọi những người dân chịu thiệt hại nơi vùng lũ do xả đập thủy điện hãy cùng đồng hành khiếu kiện thủy điện. Bởi đã quá nhiều lần thủy điện gây thiệt hại khiến cho nông dân điêu đứng nhưng thủy điện chưa bao giờ có một sự đền bù thỏa đáng, thậm chí họ vẫn hành xử với nông dân theo kiểu “sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi!”.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.

Đa đảng để làm gì?

Lê Trung Tĩnhgửi cho BBC từ Anh Quốc
Trong tuần qua, hàng vạn người dân Hàn Quốc tham gia biểu tình tại thủ đô Seoul đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức. Một cuộc xuống đường như vậy khó có thể xảy ra tại Việt Nam hiện nay, dầu nhiều người có thể mong muốn hay vận động cho chuyện đó.
Một lý do đơn giản là người dân không thể xuống đường thể hiện bất bình hay yêu cầu thay đổi nếu họ không thấy một lựa chọn, giải pháp chính trị nào khác ngoài đảng Cộng sản và các tổ chức chính trị trực thuộc.
Không như e ngại có thể của nhiều người, việc thành lập các chính đảng tại Việt Nam là một việc hợp pháp, khả thi nếu có một cách tiếp cận đúng và bắt đầu từ bây giờ.
Tính hợp hiến của việc thành lập các chính đảng
Theo Bách khoa Toàn thư Việt Nam, “Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, quốc gia và các nhóm xã hội xoay quanh một vấn đề trung tâm đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước.”
Đảng phái là những tổ chức chính trị để thực hiện những hoạt động trên. Điều 9 Hiến pháp Việt Nam 2013 ghi “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội». Quyền công dân về chính trị cũng được ghi trong điều 14 và 16 của Hiến pháp.
Hoạt động chính trị, sinh hoạt đảng phái do đó hoàn toàn không có nghĩa chống phá nhà nước, mà ngược lại nó chỉ làm nhà nước mạnh hơn, tăng sự ổn định và tính chính danh qua việc đại diện trọn vẹn người dân và đáp ứng được nhiều mối quan tâm.
Việc “giành, giữ và sử dụng” quyền lực nhà nước trong lịch sử được thực hiện bằng các hình thức chính như sử dụng vũ lực, ban hành luật, thương lượng, biểu tình ôn hòa, vận động bầu cử. Vì an ninh của con người và đất nước Việt Nam, chúng ta phải dứt khoát nói không với việc sử dụng vũ lực hay đe dọa vũ lực từ bất cứ chính đảng nào và chỉ ủng hộ các hình thức hoạt động chính trị ôn hòa.
Các chính đảng sẽ đại diện và đảm bảo quyền lợi cho những thành phần dân chúng hay những mối quan tâm (môi trường, biên giới lãnh thổ…) khác nhau. Thương lượng, thỏa hiệp hay cạnh tranh ảnh hưởng, cụ thể nhất qua kết quả bầu cử là cách giải quyết và dung hòa văn minh các khác biệt về lợi ích và mối quan tâm. Điều này giảm thiểu khả năng dẫn đến căng thẳng và đối kháng.
Thậm chí khi có căng thẳng, biểu tình, hỗn loạn, các chính đảng sẽ đại diện những người dân bất bình đối thoại với nhà nước, đảng cầm quyền để tìm ra giải pháp tối ưu. Điều này chỉ có thể tốt hơn cho đất nước và trong một chừng mực nào đó hỗ trợ đảng đang cầm quyền trong việc quản lý đất nước và giải quyết khủng hoảng.
Hoạt động chính trị, sinh hoạt đảng phái do đó hoàn toàn không có nghĩa chống phá nhà nước, mà ngược lại nó chỉ làm nhà nước mạnh hơn, tăng sự ổn định và tính chính danh qua việc đại diện trọn vẹn người dân và đáp ứng được nhiều mối quan tâm.
Cần bỏ tâm lý e ngại hoạt động chính trị
Việc cấm đoán, hạn chế các tổ chức chính trị ở Việt Nam một mặt là sự vi hiến, vi phạm quyền công dân, một mặt là sai lầm của của đảng Cộng sản khi khước từ các lực lượng đại diện để giải quyết các khác biệt về lợi ích và thương lượng lúc khủng hoảng.
Việc thành lập và hoạt động đảng phái một cách ôn hòa là một điều văn minh và tiến bộ của xã hội. Đây là điều mà người dân Việt Nam cần ý thức để có cách nhìn đúng, thông cảm và trân trọng đối với những chính trị gia ở bất kỳ chính đảng nào. Những người có tư tưởng dân chủ và có ảnh hưởng cũng cần tránh có những nhận định tiêu cực về các hoạt động chính trị kiểu như “đội lốt tổ chức dân sự để hoạt động chính trị”, hay “tôi chỉ phản biện chứ không bao giờ làm chính trị”, “không bao giờ tham gia đảng phái”. Mong muốn dân chủ, có bầu cử tự do nhưng lại e ngại hoạt động chính trị và đảng phái chẳng khác nào thích có hàng hóa nhưng lại cấm sản xuất.
Về phần mình, những người hoạt động chính trị cần vừa phê phán chính sách hiện tại vừa mạnh dạn đề ra những giải pháp, định hướng cho đất nước như những người cầm quyền tương lai ở nhiều cấp bậc và vị trí khác nhau. Họ cần làm điều này một cách nghiêm túc và cẩn trọng, với ý thức rằng những giải pháp của họ sẽ ảnh hưởng đến đất nước và nhiều mặt cuộc sống của người dân.
Vì cuối cùng thì chính trị không phải là những gì xa xôi. Đó là tiền lương của anh công nhân, là công bằng cơ hội để chị phó phòng có thể lên trưởng bằng năng lực chứ không cần vào một đảng phái nào, là giá xăng, là thuế doanh nghiệp, là tiền hưu của công nhân viên chức trong hay ngoài hệ thống chính quyền, là việc có ăn được cá hay không, là đi làm về chiều nay có phải dầm mình hay cuốn trôi trong nước ngập…
Cần thay đổi cách tiếp cận
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị nhà nước Việt Nam bắt bớ và làm khó dễ, tuy đây không phải là lý do chính, cần xác định rõ ràng rằng các đảng phái được thành lập không nhằm lật đổ đảng Cộng sản, càng không phải để triệt tiêu, báo thù (những điều mà chúng ta cũng phải dứt khoát nói không). Các đảng phải chính trị ở Việt Nam, dầu đại diện cho ai hay giá trị nào đều cần một đường lối hoạt động rõ ràng, ôn hòa, minh bạch, tôn trọng lắng nghe và đối thoại.
Mục tiêu của đa nguyên chính trị là một nước Việt Nam tự do, dân chủ, tất cả các thành phần dân chúng đều được đại diện, các giá trị cơ bản và những mối quan tâm được tôn trọng. Muc tiêu đó lớn hơn rất nhiều việc tồn tại hay không của đảng Cộng sản.
Đối mặt với các vấn đề đạo đức, kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường hiện nay, khi mà sự tồn vong sinh học của con người và đất nước Việt Nam bị đe dọa, việc một đảng độc quyền lãnh đạo là một điểu không thể và không nên cho tất cả 90 triệu người dân…
Mặc dầu có thể được hình thành với các đường hướng và nhiệm vụ để giải quyết vấn đề của nước Việt Nam, các chính đảng có thể bắt đầu từ một số ít người và tham gia hoạt động chính trị trong phạm vi một vài địa phương cũng như giới hạn vào những mối quan tâm vừa phổ quát vừa sát sườn của người dân. Cách tiếp cận này vừa tăng tính khả thi vừa rèn luyện những kinh nghiệm quý báu cho các đảng phái mới thành lập.
Cần bắt đầu – start up
Trong một chừng mực nào đó, việc các nhà hoạt động dân sự, chính trị tại Việt Nam chỉ dừng ở các tổ chức dân sự hay phản kháng trên mạng xã hội cũng phần nào tương tự với việc bàn luận về ý tưởng kinh doanh từ ngày này qua ngày khác mà không lập công ty, hay chỉ lập các tổ chức phi lợi nhuận. Trong kinh doanh, ý tưởng chỉ mới là 1% của con đường.
Thành lập chính đảng, hoạt động chính trị là một con đường dài, đòi hỏi dấn thân, cực kỳ kiên trì và chấp nhận rủi ro. Sự trân trọng và nhìn nhận đúng của người dân sẽ là điều đảm bảo, ít nhất về tinh thần cho các chính trị gia. Và trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, càng nhiều chính đảng được thành lập, các đảng đó càng có nhiều cơ hội để lớn mạnh.
Đất nước Việt Nam, người dân Việt Nam cần các chính đảng khác với đảng Cộng sản. Đối mặt với các vấn đề đạo đức, kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường hiện nay, khi mà sự tồn vong sinh học của con người và đất nước Việt Nam bị đe dọa, việc một đảng độc quyền lãnh đạo là một điểu không thể và không nên cho tất cả 90 triệu người dân, trong đó có 4.5 triệu đảng viên Cộng sản và gia đình.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả, hiện đang sống tại Anh.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.