Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Hoa Kỳ – 17/11/2016

Thursday, November 17, 2016 6:17:00 PM // , ,

Tin Hoa Kỳ – 17/11/2016

Ông Trump trấn an đồng minh châu Á

khi gặp Thủ tướng Nhật

Nhân cuộc họp đầu tiên trong tuần này với một nhà lãnh đạo nước ngoài trong cương vị Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Trump theo dự kiến sẽ tìm cách trấn an Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và các đồng minh châu Á khác đang lo lắng về những phát biểu của ông trong chiến dịch tranh cử, theo các cố vấn ông Trump.
Ông Abe là một chính trị gia có dòng dõi và một nhà lập pháp kỳ cựu, trong khi ông Trump là một người nóng nảy không có kinh nghiệm về ngoại giao, và chưa từng làm việc trong chính phủ. Cả hai có quan điểm khác biệt về chính sách và về thương mại tự do. Nhưng hai ông có thể sẽ tìm thấy nhiều điểm chung khi gặp nhau tại New York vào thứ Năm. Hai nhà lãnh đạo đều cam kết sẽ khôi phục ảnh hưởng toàn cầu và đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, và cả hai đều muốn cải thiện quan hệ với Nga.
Một cố vấn của ông Trump cho biết Tổng thống tân cử sẽ tái khẳng định cam kết của mình đối với liên minh Mỹ-Nhật và với khu vực, bất chấp những lập luận đưa ra trong chiến dịch tranh cử đã nêu lên nhiều nghi vấn.
Những phát biểu của ông Trump trong chiến dịch tranh cử về khả năng Nhật Bản có thể thủ đắc vũ khí hạt nhân và đòi các đồng minh phải chi thêm để duy trì các lực lượng Mỹ trên lãnh thổ các nước này đã gây nhiều quan ngại.
Thắng lợi bầu cử của ông Trump cũng làm tiêu tan hy vọng Hoa Kỳ sẽ thông qua hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm 12 quốc gia, một trụ cột trong chiến lược xoay trục của Washington sang châu Á và cũng là một trụ cột trong những cải cách kinh tế của ông Abe.
Một cố vấn của ông Trump nói ông hy vọng cuộc họp sẽ tạo được không khí chung cho mối quan hệ giữa ông Trump với Nhật Bản và khu vực. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao nói rất khó đánh giá các chính sách của ông Trump về một số vấn đề, kể cả các hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông hay mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên cho tới khi ông Trump hoàn tất việc chọn người vào các chức vụ trọng yếu.

Nguy cơ xung đột lợi ích khi Donald Trump vào Nhà Trắng

Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một tỷ phú làm tổng thống. Ông Donald Trump một nhà tài phiệt bất động sản nắm trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ với những doanh nghiệp, tập đoàn lớn rải khắp nước Mỹ và thế giới. Một vấn đề đặt ra là làm sao có thể tránh được xung đột lợi ích giữa các tập đoàn kinh doanh của đế chế Trump với công việc điều hành chính quyền của tổng thống Trump.
Một số chuyên gia đã tỏ lo ngại hoạt động của « đế chế Trump Organization » và công việc điều hành chính quyền của ông Trump sẽ vấp phải những xung đột lợi ích chưa từng có ngày sau ngày chính quyền mới đi vào vận hành ngày 20/01/2017.
Luật pháp Mỹ không cấm cản một tổng thống sở hữu các công ty tư nhân đồng thời với việc thực thi lãnh đạo quốc gia. Chỉ có bên Quốc Hội, các quy định về sở hữu tài sản với các nghị sĩ khắt khe hơn.
Trong quá khứ, ông Lyndon Johnson khi lên làm tổng thống Mỹ vẫn bí mật điều hành các công ty riêng mặc dù ông vẫn cam đoan với công chúng là đã chấm dứt công việc đó. Theo ông Noah Bookbinder, tổng giám đốc của Citizens for Responsibility an Ethics in Washington, một tổ chức dân sự độc lập, trong việc này « không có một ràng buộc pháp lý nào ».
Từ sau thời Lyndon Johnson, phần lớn các chủ nhân Nhà Trắng đều đặt tài sản cá nhân, dù đó là bất động sản hay đầu tư tài chính, vào các quỹ tín dụng ( blind trusts) do các nhà quản trị độc lập quản lý để trong thời gian điều hành đất nước, chủ sở hữu không được phép ngó ngàng đến khối tài sản đó, để tránh xung đột lợi ích.
Riêng trường hợp tổng thống Barack Obama, phần lớn tài sản của ông dạng trái phiếu kho bạc không có gì đáng kể để làm phát sinh xung đột lợi ích.
Khối lượng tài sản khổng lồ khó kiểm soát
Trong khi đó, tổng thống sắp tới của nước Mỹ là một nhà kinh doanh thành đạt, sở hữu hàng loạt danh mục đầu tư, từ bán bản quyền kinh doanh đến những tập đoàn khách sạn. Ông Trump còn nắm trong tay rất nhiều sân golf.
Trong chiến dịch tranh cử, ông ta phải công khai chi tiết tài sản tài chính. Một tài liệu dầy khoảng một trăm trang đã liệt kê cho thấy ông Trump tham gia vốn trong hơn 500 pháp nhân kinh doanh. Trong đó có một số tên như China Trademark LLC hay DT Marks Qatar LLC. Tuy nhiên tài liệu không nói cụ thể tính chất tham gia vốn.
Mặc dù có thể nói, các tổng thống Mỹ thường là những người có của, nếu không muốn nói là giàu có, nhưng chưa có một ai bước vào Nhà Trắng lại có trong tay một khối lượng tài sản lớn như Donald Trump.
Được hỏi về việc tổng thống sắp tới của Mỹ sẽ  quản lý các công việc kinh doanh như thế nào trong nhiệm kỳ tổng thống, phát ngôn viên của ông Trump đã từ chối trả lời.
Để tránh các rắc rối có thể  xảy ra, Donald Trump đã thông báo trong chiến dịch tranh cử, có thể ông sẽ chuyển quyền quản lý các đầu tư cho các con. Tuy nhiên, giải pháp này cũng không thuyết phục được các nhà chuyên môn về vấn đề đạo đức điều hành chính quyền.
Ông Kenneth Gross, một luật sư ở Washington, từng tư vấn cho nhiều chính khách gặp rắc rối với pháp lý, nhận định, việc chuyển quyền quản lý tài sản dường như chỉ giải quyết vấn đề thời gian dành cho nhiệm vụ tổng thống chứ không thể ngăn cản được nguy cơ xung đột lợi ích vì : «  các lợi ích của gia đình ông ta, của con cái ông đều cùng tồn tại với lợi của ông chính ông ta ».
Tính chất của các hoạt động làm ăn của Donald Trump càng chứng minh sự cần thiết phải nhờ đến các quỹ tín dụng độc lập « blind trust », ông Richard Gross nhận định. Thế nhưng, Donald Trump đã bác bỏ ý kiến này.
Lợi ích ở nước ngoài
Nhìn vào khối tài sản của Donald Trump ngay tại Mỹ đã thấy một số xung đột lợi ích là không tránh khỏi. Thí dụ một trong số các công trình xây dựng gần đây nhất, đó là một khách sạn hạng sang xây tại Washington trên mảnh đất thuê của chính quyền liên bang. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, Donald Trump sẽ cùng lúc đại diện cả hai bên.
Ngoài ra, Donald Trump còn đứng tên rất nhiều hợp đồng chuyển giao bản quyền kinh doanh, đồng thời sở hữu nhiều tổ hợp công ty địa ốc có mặt ở tại nhiều nước lớn và các công ty đó có thể được hưởng ưu đãi thuế từ các chính phủ nước ngoài.
Theo New York Times, một số công ty của Trump nắm hàng triệu đô la tiền nợ của các ngân hàng vẫn chịu sự điều chỉnh của luật Mỹ như ngân hàng Đức, Deutsche Bank hay Bank of China.
Riêng về đế chế khách sạn, hệ thống khách sạn của Donald Trump trải khắp từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Uruguay  qua Philippines, Hàn Quốc. Ông ta còn sở hữu nhiều sân golf ở các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ở Ai-len hay Anh Quốc.
Đó là những tài sản có thể dễ dàng làm nảy sinh xung đột lợi ích. Có gì bảo đảm các nước có đầu tư của Donald Trump sẽ không gây ảnh hưởng đối với chính sách của Hoa Kỳ qua công việc làm ăn với công ty của Trump hay của con cái ông ta.
Cô con gái Ivanka của ông nắm giữ một thương hiệu đồ may sẵn, được gia công ở Trung Quốc, quốc gia đã bị Trump chỉ mặt thao túng tiền tệ và ông còn dọa xem lại khung thuế đối với hàng nhập từ nước này.
Trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua, ứng viên đảng Dân Chủ, Hillary Clinton cũng đã bị chỉ trích nhiều vì những khuất tất tài chính liên quan đến  quỹ Clinton Foudation, do chồng bà, Bill Clinton thành lập.
Trong thời gian còn làm ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Clinton đã phải ký một văn bản cam kết các nhà tài trợ không được can thiệp vào chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời chấp nhận để bộ Ngoại giao Mỹ được quyền giám sát các khoản tài trợ đến từ nước ngoài.
Ngược lại với bà Hillary Clinton, ông Donald Trump chẳng có gì báo cáo ai. Trong chiến dịch tranh cử ông ta chẳng ngại gì tổ chức mít tinh ngay tại các khách sạn của mình hay lấy các công ty của mình làm dẫn chứng trong các diễn văn.
Theo nhiều chuyên gia, việc đặt các tài sản của Trump như khách sạn hay sân golf dưới sự quản lý của một quỹ tín dụng « blind trust » là vô ích, người ta sẽ không còn biết ông ta sở hữu những tài sản nào. Một số chuyên gia đưa ra ý kiến triệt để, theo những người này, cách duy nhất để loại trừ nguy cơ
xung đột lợi ích đó là : thanh lý tất cả các tài sản của Trump sau đó gửi tiền vào một quỹ tín dụng « blind trust ».
Nguy cơ nảy sinh các xung đột lợi ích càng trở nên rõ nét hơn khi mà các tài sản của Donald Trump  vẫn rất mù mờ. Giá trị của nó cũng đã từng là vấn đề được bàn luận. Nếu nhà tỷ phú nói khoảng 10 tỷ đô la , thì nhiều tạp chí tài chính chỉ ước tính khối gia sản đó chỉ chưa đầy một nửa con số trên.
Donald Trump vẫn khăng khăng từ chối công bố các kê khai thu nhập và cũng chẳng có gì bắt ông ta làm được điều đó một khi đã chính thức trở thành tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ. 

Khó đoán chiến lược Trung Ðông của ông Trump

Henry Ridgwell
LONDON —
Giữa lúc các lực lượng chính phủ Syria và Nga tái tục chiến dịch oanh kích ở Aleppo, phe nổi dậy Syria lo sợ khi ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ vào tháng Giêng tới, họ sẽ mất sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Trên khắp Trung Ðông, các thế lực kình chống nhau đang tìm cách giải mã chiến thắng bầu cử của ông Trump sẽ ảnh hưởng tới khu vực này như thế nào trong bối cảnh Trung Đông vẫn đắm chìm trong các cuộc xung đột từ Syria cho đến Iraq, Yemen và Libya.
Chiến đấu cơ Nga và Syria oanh kích khu vực phía đông thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát. Moscow hồi đầu tuần này tuyên bố sẽ phát động một chiến dịch quân sự quy mô chống phe nổi dậy, sử dụng các máy bay chiến đấu Nga cất cánh từ Ðịa Trung Hải.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố:
“Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hải quân Nga, hàng không mẫu hạm tham gia tác chiến.”
Hoa Kỳ đã lên án Nga và đồng minh trong chế độ cầm quyền ở Syria là gây thương vong lớn nơi thường dân, nhưng trong chiến dịch tranh cử của ông, Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ dường như đã ra dấu hiệu sẽ dịu giọng hơn.
Bà Jane Kinninmont của tổ chức Chatham House nói:
“Ông Trump tỏ thái độ tương đối lạc quan hơn về nước Nga dưới quyền ông Vladimir Putin, cũng như về vai trò của Nga ở Syria, coi như một lực lượng làm chống Nhà nước Hồi giáo.”
Lập trường này gây lo ngại trong khu vực rằng chính quyền của ông Trump có thể rút lại sự ủng hộ của Mỹ đối với các chiến binh nổi dậy người Sunni. Và tình huống đó sẽ tạo ra một lợi thế lớn cho chính phủ Syria và người Shia ở Iran ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thỏa thuận hạt nhân với Iran – theo đó một số biện pháp chế tài của quốc tế sẽ bị cắt giảm để đánh đổi việc Iran hạn chế hoạt động hạt nhân – có thể bị ông Trump đảo ngược vì ông xem đó là một thỏa thuận tệ hại.
Quan điểm đó đã khiến ông Trump được sự ủng hộ của các thế lực Sunni trong khu vực.
Bà Jane Kinninmont của tổ chức Chatham House nhận định:
“Ông Obama thực sự không được giới lãnh đạo Vùng Vịnh ủng hộ mà nguyên nhân trên hết là thỏa thuận với Iran. Họ cho rằng ông quá mềm mỏng và ngây thơ đối với Iran. Luận điệu diều hâu của ông Donald Trump đã tỏ ra hiệu quả hơn, nhưng hiện đang có một sự hoang mang về những quan điểm đó thực sự sẽ như thế nào khi được mang ra thi hành.”
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm thứ Tư cảnh báo ông Trump chớ đảo lại thỏa thuận hạt nhân với Iran:
“Thỏa thuận này mang lại cho chúng ta một sự bảo đảm. Nếu không có thỏa thuận thì tình hình có thể rất nguy hiểm.”
Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy xu hướng chính sách đối ngoại sắp tới của ông Trump, giữa lúc ông đang cân nhắc chọn lựa nhân sự cho nội các mới, nhưng đa số các nhà phân tích đều cho rằng cách tiếp cận của ông đánh dấu một tương phản rõ rệt với đường lối của Tổng thống Barack Obama.
Bà Jane Kinninmont: “Ông Trump từ lâu đã cho người ta cái cảm tưởng rằng ông nể trọng các chính quyền mạnh tay do các nhà độc tài cai trị, có như ở Trung Quốc hay ở Nga, và ông coi những nhà độc tài ở Trung Ðông là một sức mạnh chống khủng bố.”
Với những cuộc xung đột tràn lan từ Yemen cho tới Libya, Trung Ðông có thể sẽ là cuộc trắc nghiệm đầu tiên cho những hứa hẹn về những thay đổi chiến lược theo chính sách đối ngoại của ông Trump.

Ông Trump chỉ trích truyền thông

Ông Trump là người tích cực sử dụng Twitter để chống lại các đối thủ.
Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ lên Twitter bác các thông tin có trục trặc trong toán chuyển tiếp của ông, và nêu tên báo New York Times đã loan tin là các nhà lãnh đạo thế giới đã gặp khó khăn trong việc tiếp xúc với ông.
Ông Trump, người tích cực sử dụng Twitter để chống lại các đối thủ, đã đưa lên Twitter một danh sách các nhà lãnh đạo thế giới ông đã giao tiếp từ khi chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 8 tháng 11 vừa qua.
Ông tập trung đến New York Times là vì báo này nói các đồng minh của Mỹ đang vất vả tìm cách tiếp xúc với ông Trump.
Tối ngày thứ Ba, ông Trump bênh vực toán chuyển tiếp của ông giữa những tin tức nói là toán này đang có những xáo trộn, không theo kịp lịch trình làm việc và có đấu đá nội bộ.
Việc ông Trump nêu lên những tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới trên diễn đàn công cộng như vậy gặp nhiều chỉ trích. Nhà bình luận chính trị bảo thủ David Frum nêu nghi vấn về sự khôn ngoan trong hành động này.
Trong chiến dịch tranh cử ông Trump đã tấn công những tin tức của truyền thông mà ông cho là không thuận lợi cho ông. Ông thường nhắm chỉ trích báo New York Times nhưng lại thường xuyên để các phóng viên báo này phỏng vấn ông.
Trên cuộc phỏng vấn trong chương trình “60 phút” trên đài CBC hôm chủ nhật, ông Trump nói khi trở thành Tổng thống, nếu có phải dùng Twitter, ông sẽ hết sức tự chế.

Doanh nghiệp Mỹ kêu gọi Trump ủng hộ Thỏa thuận Paris

Hơn 300 doanh nghiệp Mỹ vừa ký tên vào văn kiện kêu gọi Tổng thống tân cử Donald Trump ủng hộ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong số này có General Mills, eBay, Intel, và Unilever.
Tuyên bố chung của các doanh nghiệp viết rằng ‘thực thi Thỏa thuận Paris sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư biến hàng tỷ đôla đầu tư vào mức carbon thấp hiện nay thành hàng ngàn tỷ đôla mà thế giới cần để mang lại năng lượng sạch và thịnh vượng cho tất cả mọi người.’
Tuyên bố được gửi tới ông Trump, đương kim Tổng thống Barack Obama, và các thành viên trong Quốc hội Hoa Kỳ kêu gọi các giới chức dân cử Mỹ duy trì chính sách và các cam kết tài chính của quốc gia về giảm thấp lượng khí thải carbon.
Bà Lara Birkes thuộc công ty Hewlett Packard, được AP dẫn lời nhấn mạnh rằng ‘Thỏa thuận Paris là một bước tiến tới rất quan trọng, nhưng sức mạnh của nó nằm trong hành động tập thể của chúng ta.’
Thỏa thuận Paris được thông qua ngày 12/12 năm ngoái tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu với mục tiêu giảm hiện tượng hâm nóng toàn cầu.
Các bên ký kết hướng tới nỗ lực giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C.
Ông Trump từng tuyên bố hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu là một trò bịp do Trung Quốc tạo ra và cho biết khi đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ hủy bỏ Hiệp định Paris 2015.

Tổng thư ký LHQ: Ông Trump đang thay đổi

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon cho biết ông nhận thấy có sự thay đổi trong luận điệu của ông Donald Trump sau cuộc bầu cử và rằng ông và Tổng thống tân cử Mỹ đã nhất trí sẽ gặp mặt.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 16/11 với hãng tin AP, ông Ban nhận xét rằng ông Trump đang tỏ dấu cho thấy rút lại các phát biểu thô ráp của mình trong chiến dịch tranh cử chính trị đầy cam go.
“Dần dần ông ấy đang có những dấu hiệu thay đổi so với những gì ông đã tuyên bố,” ông Ban nói.
“Tôi hy vọng ông ta sẽ giao tiếp gần gũi với các lãnh đạo trên thế giới và sẽ cùng làm việc kề cận với Liên Hiệp Quốc,” ông Ban phát biểu.
Trong khi tranh cử, ông Trump đã đưa ra những hứa hẹn như xây tường biên giới với Mexico, nhưng dường như ông đã dịu giọng sau cuộc bầu cử khi tuyên bố trong cuộc phỏng vấn trên chương trình 60 Phút rằng có thể ông sẽ cho đặt hàng rào tại một số khu vực dọc theo biên giới.
“Tôi kêu gọi các lãnh đạo thế giới chớ nên dựng tường rào,” ông Ban nói bên lề cuộc họp của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Marrakech. Tổng thư ký Ban cũng cho biết thêm rằng ông sẽ gặp ông Trump để thảo luận “tất cả các vấn đề quan tâm chung.”
Phát biểu cảm nghĩ về thế giới giữa lúc chuẩn bị mãn nhiệm, ông Ban nhận xét sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đã dẫn tới một số ‘thay đổi trong bối cảnh chính trị trên thế giới, đặc biệt tại châu Âu mà nay là tại Mỹ và cả một số nước châu Á nữa.’
Theo ông, nguyên nhân có liên quan đến sự bất bình của dân chúng về bất bình đẳng kinh tế. Ông Ban nói trong suốt 10 năm nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông đã thúc giục các lãnh đạo thế giới lưu ý hơn đến những mối quan tâm của người dân.
Nói về nhiệm vụ của mình trong thập niên qua, ông Ban nhận xét đó là một nhiệm kỳ hết sức cam go nhưng đáng làm.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.