Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 17/11/2016

Thursday, November 17, 2016 6:19:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 17/11/2016

Phần mềm “gián điệp” Trung Quốc

chuyển thông tin khách hàng về Hoa lục

Theo AFP, một doanh nghiệp về an ninh tin học của Mỹ khẳng định rằng nhiều điện thoại di động, có trang bị một phần mềm Trung Quốc, rất phổ biến tại Mỹ, đã chuyển về Trung Quốc các dữ liệu và tin nhắn của người sử dụng, mà khách hàng không hề hay biết.
Trong một thông báo tối thứ 15/11/2016, công ty Kryptowire cho biết : các « firmware » (một loại phần mềm tin học) của công ty Trung Quốc ADUPS Technology Thượng Hải, thường xuyên chuyển về một máy chủ tại Trung Quốc các số điện thoại gọi đến và gọi đi, danh sách các liên hệ, cũng như toàn bộ nội dung các tin nhắn. Hoạt động này được thực hiện không rõ với động cơ nào.
Vấn đề nói trên đặc biệt liên quan đến các điện thoại di động của công ty Mỹ BLU Products, được bán khắp Hoa Kỳ.
Kryptowrite, có trụ sở tại Virginia, là công ty chuyên cung cấp các dịch vụ an toàn mạng cho chính phủ Mỹ và các doanh nghiệp tư.
Hôm qua, công ty Trung Quốc ADUPS Technology Thượng Hải ra một thông báo giải thích là phần mềm firmware được chế ra với mục tiêu loại bỏ các tin nhắn và các cú điện thoại không mong muốn, như điện thoại quảng cáo.
Thông báo nói trên làm dấy lên các lo ngại về việc các hãng điện thoại di động lạm dụng dữ liệu trong điện thoại hay máy tính bảng của các khách hàng, vì lý do thương mại, hoặc vì mục tiêu gián điệp.
Hiện tại, theo công ty Trung Quốc ADUPS Technology Thượng Hải, trên toàn thế giới có khoảng 700 triệu người sử dụng các « firmware » hay các phần mềm của công ty này.

Tòa Án Hình Sự Quốc Tế : Nga rút,

Philippines sẵn sàng đi theo

Sau 14 năm hoạt động bị cho là không hiệu quả, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế đang đứng trước nguy cơ bị mất dần thành viên. Sau ba nước châu Phi, hôm qua, 16/11/2016, đến lượt Nga quyết định rút ra khỏi định chế này, một hành động sắp được Philippines noi theo.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh rút nước Nga ra khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế CPI. Theo giới phân tích, có nhiều lý do thúc đẩy Matxcơva ra quyết định như trên.
Trước tiên là CPI trong 14 năm hoạt động đã chỉ ra được 4 phán quyết và tất cả đều liên quan đến các sự kiện diễn ra ở Châu Phi. Nhưng đến tháng Giêng năm nay, CPI thông báo mở điều tra về cuộc chiến giữa Nga và Gruzia năm 2008 và về tranh chấp ở Ukraina, nơi mà Nga bị tố cáo hậu thuẫn phe nổi dậy.
Ngoài ra còn cuộc chiến ở Syria, Nga can thiệp quân sự, ủng hộ chế độ Assad, và trút bom xuống Aleppo. Hội Đồng Bảo An đã từng muốn đưa vấn đề ra trước Tòa Án Hình Sự nhưng đã bị Nga ngăn chận.
Sau cùng, việc rút ra khỏi CPI cũng là một hành động của ông Putin, muốn phủ nhận một định chế bị ông cho là do « phương Tây thành lập ».
Quyết định của ông Putin đã lập tức được một lãnh đạo châu Á muốn kết thân với ông bắt chước. Hôm nay, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết sẵn sàng rút khỏi định chế CPI, theo gương Nga.
Vốn rất bất mãn trước những lời tố cáo của phương Tây nhắm chiến dịch chống ma túy của ông đã khiến hàng ngàn người bị giết, ông Duterte đã gọi CPI là một định chế « vô ích », chỉ biết nhắm vào những nước nhỏ.
Nếu Manila thực hiện lời đe dọa, thì trong vỏn vẹn vài tuần, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế mất đi 5 thành viên. Trước Nga và Philippines, ba quốc gia châu Phi là Gambia, Nam Phi và Burundi đã cho biết là sẽ rút ra khỏi định chế này.
Trước nguy cơ bị phá sản, ngay từ ngày đầu cuộc họp Đại Hội Đồng của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế mở ra hôm qua, chủ tịch Sidika Kaba đã khẩn thiết kêu gọi các nước đã ký hiệp định Roma sáng lập Tòa Án là đừng rời bỏ định chế này.

APEC 2016 khai mạc với chủ đề nóng Donald Trump

Hội nghị Thượng đỉnh thường niên của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) mở ra hôm nay, 17/11/2016 tại Lima, thủ đô Peru. Đối với một tổ chức chuyên cổ vũ cho tự do thương mại toàn cầu, việc một người công khai chống các hiệp định tự do mậu dịch như ông Donald Trump vừa đắc cử tổng thống Mỹ chắc chắn sẽ nổi cộm trong chương trình nghị sự của hội nghị Lima.
Theo hãng tin Pháp AFP, giới phân tích không chút hoài nghi về sự kiện cơn chấn động do việc ông Donald Trump lên làm tổng thống Mỹ gây ra sẽ chen vào mọi cuộc thảo luận giữa lãnh đạo 21 thành viên APEC, trong đó có các nhân vật như tổng thống Mỹ Barack Obama, tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Nhật Shinzo Abe hay chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…
Ông Rajiv Biswas, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế phụ trách châu Á -Thái Bình Dương tại văn phòng tham vấn IHS giải thích : « Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có thể định hình trở lại một cách đáng kể quan hệ kinh tế của Mỹ với châu Á », với những thay đổi « cấp kỳ » trong chính sách thương mại Hoa Kỳ ngay khi chính quyền Trump nhậm chức.
Câu hỏi mà các lãnh đạo APEC phải trả lời sẽ là phải chăng tự do thương mại đang lâm nguy, vì động lực của tiến trình này là nước Mỹ sẽ quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ? Sở dĩ câu hỏi này được đặt ra đó là vì trong cuộc vận động tranh cử, ông Trump đã đả phá thẳng thừng hai hiệp định tự do thương mại quan trọng của Mỹ là Tự Do Mậu Dịch Bắc Mỹ NAFTA, và Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.
Đối với ông Marcel Thieliant, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Capital Economics : « Hậu quả trước mắt chủ yếu của việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là TPP có rất ít khả năng đi vào hiệu lực ».
Chuyên gia về tự do mậu dịch Robert Lawrence, thuộc trường Đại học Harvard của Mỹ, đã tỏ ý rất bi quan cho chính tương lai của tiến trình tự do hóa thương mại trên thế giới. Theo ông, thế giới sẽ không chỉ mất đi nước Mỹ trong vai trò lãnh đạo đà hội nhập kinh tế, mà còn có nguy cơ phải đối phó với Mỹ trong tư cách là kẻ phá rối nền thương mại toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, mọi người chờ đợi là Thượng Đỉnh APEC 2016 ra được một « Tuyên bố mạnh mẽ » để bảo vệ tự do thương mại, chống lại những đòn tấn công từ phía ông Trump.

Hơn 300 doanh nghiệp Mỹ cam kết bảo vệ khí hậu

Nhân thượng đỉnh COP22 tại Marrakech, Maroc, hơn 360 doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Hoa Kỳ hoặc có cơ sở tại Mỹ ngày 16/11/2016 đã kêu gọi chính phủ Mỹ ủng hộ Thỏa thuận khí hậu Paris. Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, đang tham gia thượng đỉnh tại Marakech, cho rằng Hoa Kỳ đang đi đúng hướng tuân thủ các cam kết chống biến đổi khí hậu và « sẽ không thể nào lùi bước được nữa ».
Từ Marrakech, đặc phái viên RFI, Christine Siebert cho biết thêm :
Những tập đoàn đa quốc gia này của Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết vì khí hậu, bất kể là ông Donald Trump đưa ra chính sách gì. Ông Kevin Rabinovitch, giám đốc phát triển bền vững của tập đoàn chế biến thực phẩm Mars giải thích :
« Đối với chúng tôi, là một doanh nghiệp, điều này không làm thay đổi những cam kết và mục tiêu của chúng tôi. Năm 2009, chúng tôi đã cam kết giảm phát thải khí CO2 100% từ đây đến năm 2040. Và đơn đặt hàng tại nước này hay nước khác không thể tác động lên cam kết này. Chúng tôi không thay đổi mục tiêu, chúng tôi tiếp tục đi theo quỹ đạo của mình, bởi vì chúng tôi có lợi khi làm điều này ».
Quả thật các doanh nghiệp được lợi khi tham gia vào quá trình chuyển tiếp môi trường theo như khẳng định của ngoại trưởng Mỹ John Kerry : « Tôi đã gặp gỡ nhiều lãnh đạo và nhà khoa học trong ngành công nghiệp năng lượng tại Hoa Kỳ. Sản lượng phong điện đã tăng gấp 3 lần tại Mỹ từ năm 2008. Sản lượng điện mặt trời cũng đã tăng lên gấp 30 lần. Điều này sẽ tiếp tục  dưới sự thúc đẩy của thị trường –  chứ không của chính phủ ».
Không có sự phồn thịnh cho Mỹ nếu không có nền kinh tế có khí thải carbon thấp. Đây chính là thông điệp được gởi đến ông Donald Trump

Tổng thống Obama chào từ biệt thủ tướng Đức Merkel

Tổng thống Mỹ mãn nhiệm Barack Obama hôm qua 16/11/2016 đã đến Berlin trong chuyến công du châu Âu cuối cùng. Cuộc gặp chính thức giữa hai lãnh đạo Mỹ và Đức được giới quan sát đánh giá như là dịp bàn giao vai trò gánh vác các giá trị dân chủ trên thế giới sau khi ông Donald Trump đắc cử.
Từ Berlin, thông tín viên RFI, Pascal Thibaut tường thuật :
Chưa có một tổng thống nào đến thăm Đức thường xuyên như thế, 6 lần trong suốt hai nhiệm kỳ. Tại Athens, Barack Obama đã cho rằng Angela Merkel là đồng minh thân cận nhất của mình.
Nhưng mối quan hệ chặt chẽ này lúc ban đầu được tiếp nhận không mấy hồ hởi. Khi ứng viên Obama đến Berlin tháng 7/2008, được đám đông 200.000 người chào mừng, thì bà Angela Merkel đã tỏ sự phản đối trong một bài phát biểu trước cổng Brandebourg.
Tài hùng biện của ứng viên đảng Dân chủ khi đó làm cho thủ tướng Đức, vốn dĩ không tin tưởng vào những lời lẽ bay bổng hoa mỹ và nhiều quan điểm, càng thêm nghi ngờ ông.
Sau khi ông Obama đắc cử tổng thống, hai lãnh đạo xích lại gần nhau. Phong cách của hai người cũng gần giống nhau. Tổng thống Mỹ đánh giá cao một đồng minh đáng tin cậy, lãnh đạo cường quốc kinh tế hàng đầu châu Âu, tham gia giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế như Ukraina chẳng hạn.
Mối quan hệ hợp tác này không phải không có căng thẳng, bắt đầu từ vụ theo dõi thông tin của  Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA, nhất là các vụ nghe lén điện thoại cầm tay của bà thủ tướng. Trên hồ sơ kinh tế, Washington chỉ trích chính sách khắc khổ của Đức bên trong khu vực đồng tiền chung euro.
Việc ông Obama chọn Berlin để nói lời giã biệt với châu Âu không phải là ngẫu nhiên. Có chút gì đó giống như ông muốn truyền ngọn đuốc cho người mà được xem như là thành trì cuối cùng củathế giới tự do  sau thắng lợi của ông Donald Trump. 

Du khách được miễn thị thực

phải xin phép trước khi vào Châu Âu

Những du khách của các nước đã được miễn thị thực nhập cảnh vào không gia Schengen sắp tới đây vẫn sẽ phải xin giấy phép trước qua mạng và phải đóng phí. Trên đây là đề xuất mới được Ủy Ban Châu Âu thông báo ngày hôm qua 16/11/2016.
Đề án có tên gọi ETIAS, bắt chước theo các quy định của Mỹ, theo đó, các du khách thuộc các nước dù được miễn thị thực nhập cảnh vào một trong các quốc gia thuộc khối Schengen ( không gian tự do đi lại của châu Âu), sẽ vẫn phải phải điền một mẫu đơn trên mạng để xin phép vào Schengen.
Hành khách phải cung cấp các thông tin về cá nhân và về chuyến đi. Các thông tin này sau đó sẽ được phân tích và đối chiếu với các cơ sở dữ liệu khác nhau được lưu trữ tại châu Âu (hệ thống dữ liệu Schengen hay cảnh sát châu Âu Europol). Thủ tục đăng ký chỉ mất khoảng vài phút với mức phí là 5 euro cho một đơn xin. Giấy phép này có giá trị trong vòng 5 năm.
Đây được xem như là một công cụ an ninh mới nhằm bảo vệ biên giới bên ngoài của khối Liên Hiệp Châu Âu. Mục tiêu của dự án này là cho phép phát hiện sớm những đối tượng có vấn đề liên quan đến nhập cư bất hợp pháp hay an ninh.
Nếu như đề xuất của Ủy ban châu Âu được Hội đồng Liên Hiệp Châu Âu và Nghị viện Châu Âu thông qua, ETIAS sẽ chính thức hoạt động từ năm 2020. AFP ước tính mỗi năm có khoảng 30 triệu người thuộc 60 quốc gia có liên quan đến dự án này.

Angela Merkel, « lãnh đạo thế giới tự do »

Sau chiến thắng của nhà tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, nước Mỹ có nguy cơ đi theo chủ nghĩa biệt lập và như vậy sẽ không còn can thiệp nhiều ra bên ngoài nữa. Vào lúc mà chủ nghĩa chuyên chế đang trỗi dậy ở những nước như Nga thay Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi khối Liên Hiệp Châu Âu chưa thoát ra khỏi khủng hoảng, mọi con mắt đang đổ dồn vào thủ tướng Đức Angela Merkel, nay được xem như là « lãnh đạo thế giới tự do ».
Cho tới nay và nhất là vào thời chiến tranh lạnh, cụm từ « lãnh đạo thế giới tự do » vẫn được dùng cho tổng thống của Hoa Kỳ, cường quốc số một thế giới. Nhưng trong một bài viết đăng trên tờ nhật báo Anh The Guardian, nhà sử học Anh Quốc Timothy Garton Ash, giáo sư đại học Oxford, cho rằng kể từ nay, lãnh đạo thế giới tự do chính là bà Angela Merkel.
Để từ biệt châu Âu trước khi hết nhiệm kỳ, tổng thống Barack Obama đã không đến Anh Quốc, đồng minh truyền thống của Mỹ, mà chọn nước Đức, như thể là ông muốn giao cho thủ tướng Merkel tiếp nối vai trò của ông.
Ngay chính tờ New York Times cũng đã nhận định rằng với việc ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ, bà Angela Merkel trở thành « người cuối cùng bảo vệ các giá trị nhân bản của phương Tây ». Còn đối với nhật báo cánh tả của Đức Die Tageszeitung, vai trò của thủ tướng Đức sẽ ngày càng quan trọng, vì bà phải làm sao duy trì sự gắn kết của khối Liên Hiệp Châu Âu, vừa đối phó với tổng thống Nga Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, vừa phải kềm chế Donald Trump.
Tổng thống tân cử của Hoa Kỳ đã gây lo ngại cho phương Tây khi ông tuyên bố sẽ hành động theo phương châm « nước Mỹ trước đã », kể cả trong quan hệ giữa Washington với các nước châu Âu. Trong bối cảnh này chỉ có nước Đức là bức tường thành vững chắc nhất, vì nước Anh thì phải lo chuyện Brexit, trong khi Pháp và Ý, hai trụ cột khác của châu Âu, thì đang gặp nhiều khó khăn kinh tế.
Đa số dân Đức nay tin rằng thủ tướng Merkel sẽ ra tranh cử cho nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử Quốc hội vào năm tới, vào lúc uy tín vẫn còn rất cao, thậm chí còn tăng thêm kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Theo nhận định của bà Daniela Schwazer, giám đốc viện nghiên cứu DGAP của Đức, nhìn thấy những tác động từ chiến thắng của Trump đối với châu Âu, thủ tướng Merkel chắc chắn nghĩ rằng nhiệm vụ của bà chưa chấm dứt và bà phải tiếp tục lãnh đạo châu Âu.
Trong bức điện chúc mừng ông Trump thắng cử, bà Merkel đã đặc biệt nhấn mạnh đến những giá trị dân chủ, như thể bà không thật sự tin tưởng là tổng thống tương lai của Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ những giá trị đó.
Chưa nói đến chuyện bảo vệ tự do dân chủ, trước mắt thủ tướng Đức sẽ phải đối đầu với xu hướng nước Mỹ thu mình lại, không còn muốn đóng vai trò « sen đầm của thế giới » nữa, theo dự báo của nhà phân tích Stefani Weiss, chuyên gia của tổ chức Bertelsmann.
Vấn đề là trên trường quốc tế, khuôn khổ hành động của nước Đức rất hạn hẹp, vì nước này không nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và Berlin cho tới nay vẫn không muốn can thiệp quân sự ra bên ngoài, tuy gần đây có đưa quân sang Mali để chống khủng bố Hồi giáo hoặc sang Litva để đối phó với mối đe dọa của Nga.
Nhiệm vụ của bà Merkel càng khó khăn vì ông Donald Trump đã tỏ ý muốn có một quan hệ hòa dịu hơn với tổng thống Nga Putin. Thêm vào đó, sau chiến thắng của nhà tỷ phú New York, sẽ có thêm nhiều nước chỉ trích chính sách nhập cư hào phóng của bà, cũng như chủ trương của bà thúc đẩy tự do mậu dịch toàn cầu và tích cực chống biến đổi khí hậu. Một gánh nặng quá lớn trên vai của vị nữ thủ tướng Đức, cho dù bà là một người rất có bản lĩnh.

TT Obama và Thủ tướng Đức bênh vực toàn cầu hoá

Luis Ramirez
LONDON —
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ Năm đã đánh đi thông điệp về tình đoàn kết vững bền và sự hợp tác của Hoa Kỳ với các nước chủ yếu ở Châu Âu, ông nhấn mạnh với nhân dân Đức và công dân của tất cả các nước Âu châu khác rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tích cực tham gia và tương tác với thế giới.
Nhà lãnh đạo Mỹ đã chọn Đức làm chặng dừng chân chính trong chuyến công du ra nước ngoài cuối cùng của ông trong cương vị Tổng thống. Đức là nền kinh tế hàng đầu của Châu Âu và là nước đối tác thương mại của Hoa Kỳ, đồng thời cũng là một thành viên quan trọng trong liên minh NATO, và là nước chủ nhà nơi đóng quân của hàng ngàn binh sĩ Mỹ.
Giới quan sát cũng tin rằng nhà lãnh đạo Đức, Thủ tướng Angela Merkel, có thể xuất hiện như tiếng nói nổi bật nhất bảo vệ lý tưởng tự do trong một khu vực nơi mà các phong trào dân tộc chủ nghĩa đang ngày càng mạnh mẽ hơn.
Chuyến đi nước ngoài cuối cùng này đánh dấu lần thứ 6 Tổng thống Obama đến thăm nước Đức. Ông đến Berlin hôm qua, thứ Tư 16/11, sau khi gửi đi một thông điệp mạnh mẽ tái khẳng định sự cam kết của Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác và sát cánh với Châu Âu.
Trước khi Tổng thống Obama đặt chân tới Đức, tuần báo doanh nghiệp WirtschaftsWoche của Đức trích dẫn bài xã luận mà Tổng thống Mỹ viết chung với Thủ tướng Merkel, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định:
“Sẽ không có chuyện quay trở lại với một thế giới trước toàn cầu hoá. Các giá trị dân chủ, công bằng và tự do là nền tảng của các nền kinh tế rất thành công của chúng ta. Chúng ta có nghĩa vụ đối với các nền công nghiệp và nhân dân của chúng ta, và vâng, với cả cộng đồng thế giới, phải nới rộng và đào sâu hợp tác.”
Thông điệp của ông Obama là nhằm trấn an giới lãnh đạo Âu Châu đang lo lắng về xu hướng cô lập hoá của Hoa Kỳ được thể hiện qua những lời phát biểu của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử của ông này.
Ông Trump đặt nghi vấn về sự phù hợp của liên minh NATO, ông ca tụng quyết định của Anh quốc rút ra khỏi Liên hiệp Âu châu, đồng thời chỉ trích chính sách của Thủ tướng Đức Angela Merkel chấp nhận hàng trăm ngàn người di dân, đa số là người Hồi giáo vào lãnh thổ Châu Âu.
Giới phân tích nói việc bà Merkel kêu gọi các nước Âu Châu phải nhận người tỵ nạn theo hạn ngạch phân bổ của EU đã châm ngòi cho các phong trào dân tộc chủ nghĩa trên khắp lục địa này, kể cả tại nước Đức, và đó cũng là một nhân tố chủ yếu dẫn tới quyết định của cử tri Anh biểu quyết rời khỏi khối EU.
Tổng thống Obama đã gặp Thủ tướng Merkel không lâu sau khi tới Berlin hôm thứ Tư, và theo lịch trình, hai nhà lãnh đạo lại sắp sửa gặp nhau vào chiều tối hôm nay, thứ Năm 17/11.
Chặng dừng chân đầu tiên của nhà lãnh đạo Mỹ trong chuyến công du ra nước ngoài cuối cùng của ông là Hy Lạp. Tại đây ông Obama đã đọc một bài diễn văn ngày hôm qua, tái khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ cổ vũ cho dân chủ trên thế giới. Trước đó ông tham quan di tích cổ Acropolis của thủ đô Athens, một biểu tượng của nền dân chủ Tây phương.
Ông ca ngợi nhân dân Mỹ về sự nhân đạo của họ trong khi ứng phó với làn sóng người di dân tràn vào nước này, bất chấp người dân Hy Lạp đang chật vật xoay sở với khó khăn kinh tế vì cuộc khủng hoảng nợ nần của nước này.
Hôm thứ Sáu, Tổng thống Obama đã gặp lãnh đạo các nước Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha trước khi lên đường sang Peru để dự hội nghị APEC, tức Diễn đàn Hợp tác Á Châu-Thái Bình Dương.

Malaysia kêu gọi Nhật thuyết phục Trump về TPP

Thủ tướng Malaysia ngày 16/11 yêu cầu Thủ tướng Nhật tìm cách thuyết phục Tổng thống tân cử Donald Trump của Mỹ ủng hộ thỏa thuận thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP khi ông Abe gặp ông Trump tại New York trong tuần này.
Thủ tướng Najib Razak nói với Thủ tướng Shinzo Abe rằng Malaysia đã dọn đường thông qua thỏa thuận TPP.
Nhật là một thành viên trong thỏa thuận gồm 12 nước do Mỹ dẫn đầu. Hiện Nhật đang trong giai đoạn chót chờ cả lưỡng viện Quốc hội thông qua.
Tuy nhiên, có phần chắc TPP khó được Quốc hội Mỹ chuẩn thuận trước khi Tổng thống Barack Obama mãn nhiệm, và Tổng thống tân cử Donald Trump đã tỏ ý cực lực chống đối TPP.
Ông Najib kêu gọi ông Abe giải thích cho ông Trump hiểu tầm quan trọng của TPP nhân cuộc gặp.
“Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận TPP sẽ được thực thi,” ông Najib phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp với ông Abe, và đồng thời nói thêm rằng cuộc hội kiến giữa ông Abe và ông Trump được các thành viên trong TPP hết sức trông đợi.
“Hy vọng tầm quan trọng chiến lược của TPP sẽ được công nhận bởi chính quyền sắp tới của ông Trump cũng như bởi tất cả các nước tham gia

Trung Quốc kỳ vọng ông Trump duy trì thỏa thuận Paris

Trung Quốc kỳ vọng tân chính quyền Mỹ sẽ giữ vững cam kết với thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris.
Tổng thống tân cử Donald Trump trong chiến dịch vận động đã hứa hẹn sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này.
Phó trưởng đoàn đại diện Trung Quốc tham dự các cuộc hội đàm của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Marrakech (Ma rốc), ông Lưu Chấn Dân, phát biểu với báo giới rằng ‘Chúng ta nên kỳ vọng rằng họ sẽ có quyết định đúng đắn và khôn ngoan.’
Đối tác Mỹ-Trung về biến đổi khí hậu do Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy đã mở đường cho thỏa thuận Paris thành hình sau nhiều năm thiếu tin cậy lẫn nhau.
Ông Lưu nói ông trông đợi sự hợp tác này sẽ tiếp diễn dưới chính quyền kế nhiệm của ông Donald Trump dù ông Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ ‘hủy bỏ’ thỏa thuận Paris và rút lui những đóng góp của Mỹ dành cho các chương trình biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc.
‘Chúng ta phải chờ xem,’ ông Lưu nói, đồng thời nhấn mạnh rằng ‘Chúng ta hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đóng vai trò trong tiến trình [ứng phó với] biến đổi khí hậu.’

Đánh bom xe tự sát ở Kabul, 4 người thiệt mạng

Một kẻ dùng xe máy đánh bom tự sát đã giết chết ít nhất 4 người và làm bị thương nhiều người khác trong một cuộc tấn công chiếc xe chở các giới chức an ninh quốc gia ở Kabul hôm thứ Tư, một giới chức an ninh có mặt tại hiện trường ở thủ đô của Afghanistan cho Reuters biết.
Giới chức Bộ Nội vụ xác nhận cuộc tấn công nhưng không thể cho biết ngay lập tức có bao nhiêu người đã bị giết hoặc bị thương.
Ông Najib Đan Mạch, phát ngôn viên của Bộ Nội vụ, nói:
“Kẻ đánh bom tự sát đi trên một chiếc xe máy và đã tự nổ tung mình ở khu Pul Mahmood Khan (ở Kabul). Hiện chưa rõ mục tiêu vụ tấn công, nhưng có thương vong”.
Hiện không có ai hoặc tổ chức nào nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.

Ủy ban LHQ lên án Nga chiếm Crimea

Hôm thứ Ba, một ủy ban của Liên Hiệp Quốc đã thông qua một dự thảo nghị quyết lên án việc Nga chiếm đóng bán đảo Crimea và lặp lại rằng cơ quan này không chấp nhận việc Nga sáp nhập bán đảo của Ukraine.
Dự thảo nghị quyết đã được thông qua với 73 phiếu thuận, 23 phiếu chống và 76 phiếu trắng. Dự kiến, dự thảo này sẽ được thông qua tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng tới.
Dự thảo kêu gọi Nga tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế của mình trong tư cách một lực lượng chiếm đóng, thực hiện tất cả các bước cần thiết để lập tức chấm dứt việc đàn áp người dân ở Crimea, lập tức thả tất cả những người bị bắt giam trái phép, và đảm bảo các cơ quan giám sát nhân quyền không bị cản trở trong khi thi hành nhiệm vụ của mình.
Giới chức Bộ Ngoại giao Nga Anatoly Viktorov bác bỏ dự thảo nghị quyết, nói rằng văn kiện này có tính cách một chiều và mang động cơ chính trị.
Đại sứ Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc Samantha Power nói những hành động vi phạm nhân quyền tại Crimea là “thực sự đáng hổ thẹn”.
Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014 sau khi người biểu tình lật đổ tổng thống Kiev thân Moscow. Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine giữa thành phần ly khai thân Nga và quân đội chính phủ đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.500 người.
Mặc dù các thoả thuận hòa bình đã được ký kết tại thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2015 với ý định ban đầu là giúp tạm dừng và sau đó giảm cường độ giao tranh, nhưng xung đột vẫn tiếp diễn trong khu vực này.

Trung Quốc quan tâm chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản

Trong bản tin gửi từ Bắc Kinh hồi chiều nay, hãng thông tấn Reuters cho hay lãnh đạo Trung Quốc cũng đặc biệt quan tâm đến cuộc gặp giữa Tổng thống Đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tin rằng cuộc gặp sẽ định hình chính sách của Hoa Kỳ tại Châu Á, cũng như chính sách mà Washington sẽ thực hiện đối với Bắc Kinh.
Reuters cho hay biết được tin này qua những nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo đảng và nhà nước Hoa Lục.
Lúc đang vận động tranh cử, ông Trump thường xuyên lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh, cam kết ngay ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng, ông sẽ đặt Trung Quốc vào danh sách những nước cố ý hạ giá đồng bạc để trục lợi khi xuất khẩu hàng sang Mỹ và sẽ đánh thuế tới 45% các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin cho hay thứ Hai vừa rồi khi gọi điện chúc mừng ông Trump đắc cử, Chủ Tịch Nhà Nước Tập Cận Bình của Trung Quốc có nói rằng cách duy nhất và hợp lý nhất là hai chính phủ phải cộng tác với nhau trong tinh thần tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng quyền lợi của nhau.
Hôm qua trong bài phát biểu đọc tại Washington, Đại Sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải nhắc lại điều này, nói thêm rằng cả 2 nước có trách nhiệm tránh tạo thêm nghi kỵ.
Tuần trước, một viên chức trong ban tham mưu của ông Trump tiết lộ là vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ sẽ duy trì quan hệ quân sự với các nước đồng minh và những nước bạn ở Châu Á, để ngăn chận tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, các nhà quan sát đều nói chỉ nghe vẫn chưa đủ, phải chờ xem ông Trump sẽ làm những gì.

Thủ tướng Nhật sẽ gặp Tổng thống Đắc cử Donald Trump

tối ngày 17/11

Tối nay tại New York, tức sáng sớm ngày mai giờ Việt Nam, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ gặp Tổng thống Đắc cử Donald Trump của Hoa Kỳ, để bàn thảo về mối quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật và những điều 2 nước cần làm để đảm bảo ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho vùng Châu Á-Thái Bình Dương cũng như cho toàn thế giới.
Trước khi lên máy bay rời Tokyo để sang Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản nói rằng ông vinh dự là nhà lãnh đạo đầu tiên của thế giới trực tiếp gặp ông Trump, và trong cuộc gặp gỡ này, ông sẽ trình bày với vị Tổng thống dắc cử Mỹ về giấc mơ tương lai, vì quan hệ chiến lược Mỹ-Nhật là nền tảng cho chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật, góp phần xây dựng hòa bình và thịnh vượng toàn cầu.
Trong thời gian còn vận động tranh cử, ông Trump đưa ra các phát biểu như Nhật Bản và Nam Hàn nên nghĩ đến chuyện có võ khí hạt nhân để tự bảo vệ an ninh quốc phòng, thay vì trong chờ vào Hoa Kỳ. Ngoài ra, ông còn nói là sẽ cứu xét lại việc đưa hơn 75.000 quân từ Mỹ sang đồn trú ở Nhật Bản và Nam Hàn, nếu hai nước đồng minh không đóng góp thêm tiền để trang trải chi phí mà Washington đang phải gánh chịu.
Các phát biểu của ông Trump khiến nhiều quốc gia âu lo, không rõ chính sách ngoại giao của vị Tổng thống Đắc Cử Hoa Kỳ sẽ như thế nào, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục tăng cường sức mạnh quân sự đi kèm với những hành động được xem là hung hăng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời trước những hành động mang tính gây hấn mà chính quyền Bắc Hàn thường làm.
Vì thế, theo tin xuất phát từ Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản quyết định đích thân sang Mỹ gặp ông Trump, thay vì chỉ cử một viên chức cao cấp như đã dự tính lúc ban đầu.
Tin từ Tokyo cũng cho hay trong cuộc gặp gỡ sẽ diễn ra ở New York, Thủ tướng Nhật Bản sẽ trình bày với vị Tổng thống tương lai của nước Mỹ rằng Hoa Kỳ đưa quân sang Nhật và Nam Hàn không chỉ để bảo vệ an ninh cho 2 nước đồng minh Đông Á, mà còn nhắm vào mục đích dựng tiền đồn để ngăn chận những khó khăn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nước Mỹ.
Ngoài ra, theo lời Thủ tướng Shinzo Abe, cuộc gặp gỡ sắp diễn ra sẽ giúp ông cơ hội trình bày tầm quan trọng của bản Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP mà Hoa Kỳ đã ký kết với 11 nước khác, nhưng chưa được Quốc Hội Liên Bang Mỹ phê chuẩn.
Khi ra tranh cử, ông Trump có nói là sẽ hủy bỏ bản hiệp định này, gọi TPP là “thảm họa” cho nước Mỹ, vì chỉ tạo thuận lợi cho các nước khác đưa hàng vào Mỹ với mức thuế rất thấp, trong khi hàng triệu công nhân Hoa Kỳ sẽ mất việc làm.
Đầu tuần này khi ra điều trần trước Quốc Hội, Thủ tướng Abe có nói rằng nếu Hoa Kỳ thông thông qua TPP, các nước không còn cách nào khác là phải tham gia hiệp ước thương mại do Trung Quốc khởi xướng.
Hôm qua trong cuộc họp báo tại Tokyo trước khi kết thúc chuyến viêng thăm Nhật Bản, Thủ tướng Najib Razak của Malaysia nói rằng ông yêu cầu Thủ tướng Abe trình bày rõ với Tổng thống Đắc cử Mỹ Donald Trump tạo sao cần có TPP và tầm quan trọng về mặt chiến lược của bản hiệp định thương mại này.
Một chi tiết cũng đang nói tới là chưa rõ khi gặp nhau tối nay, Thủ tướng Abe và Tổng thống Đắc cử Donald Trump có dùng cơm tối với nhau hay không.

Bầu cử ở Trung Quốc: Ứng viên độc lập bị cản trở

John SudworthBBC News, Bắc Kinh
Hiến pháp của Trung Quốc cho phép các ứng cử viên độc lập ra tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương, nhưng đó là việc làm vô ích với những ai dám đưa tên ra tranh cử.
Ngay tại con hẻm cổ xưa ở Bắc Kinh, các điểm bỏ phiếu tràn đầy ánh nắng mùa thu. Quang cảnh khí khá bận rộn. Một người đàn ông tới đây cùng vợ trên chiếc xe ba bánh của mình.
Ba y tá, giữ chặt lấy phiếu cử tri của họ. Họ đi bộ tới đây và nói chuyện thân mật với nhau trong khi giới chức bầu cử và cảnh sát giám sát toàn bộ quá trình bỏ phiếu.
Nhìn bề ngoài thì đây là một cảnh dễ nhận thấy đối với cử tri ở các nước dân chủ trên toàn thế giới. Nhưng tất nhiên, đây là Trung Quốc và thực tế là rất khác.
Chúng tôi lái xe đến vùng ngoại ô của Bắc Kinh để gặp Liu Huizhen, một phụ nữ 45 tuổi, người chẳng muốn gì khác ngoài quyền tham gia vào cuộc bầu cử này.
‘Không phải là con rối’
Bà đã giành được đủ 10 phiếu đề cử từ cử tri và, theo luật pháp Trung Quốc, cần có để bà đưa tên mình ra tranh cử như một ứng viên độc lập, nhưng bà không tiến hành được việc vận động.
Thay vào đó, bà đang bị quản thúc tại gia ngày đêm, và khi chúng tôi tới nhà bà thì ngay lập tức bị một nhóm người lạ đứng im lặng và chặn đường vào nhà bà.
Bằng cách vươn tay qua đầu họ tôi cũng đã gõ được cửa và một vài phút sau bà Liu xuất hiện ở cửa nhà mình. Nhưng khi bà bắt đầu kể cho tôi lý do tại sao bà muốn thực hiện quyền dân chủ của mình, họ đã đóng cửa lại và những người lạ mặt tựa vào cửa để bà không mở được.
Bà cố gắng mở cửa sổ nhưng họ cũng dùng mọi cách để bịt lại và tiếp tục ngăn cản bà nói chuyện với chúng tôi.
Trung Quốc gọi đây là thủ tục bầu cử trên toàn quốc 5 năm một lần, và là “cuộc bầu cử lớn nhất thế giới”.
Tuần này đến lượt Bắc Kinh, nhưng vào đầu năm tới, theo truyền thông nhà nước, 900 triệu người trên toàn Trung Quốc sẽ hoàn tất việc bỏ phiếu.
Kết quả là hơn 2,5 triệu đại biểu sẽ được bầu vào hàng ngàn “đại hội nhân dân” tại địa phương.
Những đại biểu địa phương sẽ lần lượt “bầu” cho các cấp thành phố và tỉnh, và cứ như thế lên tới cấp cao nhất.
Vì vậy, những cuộc bầu cử địa phương là cơ hội duy nhất hầu hết cho người Trung Quốc đi bầu. Thế nhưng có một điểm hết sức quan trọng mà không chính thức. Đó là Đảng Cộng sản quyết định ai có tên trên lá phiếu để cử tri bầu chọn.
Đối với phần lớn các ứng viên độc lập thì nhiệm vụ thu thập mười người đề cử họ là việc khó khăn đến mức mà tham vọng tranh cử của họ tan biến ngay từ trong trứng nước.
Chúng tôi tổ chức gặp một người muốn tranh cử khác 59 tuổi là Ye Jingchun tại căn hộ của bà ở Bắc Kinh.
“Uỷ ban dân phố đã triệu tập một cuộc họp để giới thiệu danh sách ứng viên đã được thông qua, trong đó bà Ye không có tên, và chúng tôi hy vọng nói chuyện với bà sau khi phiên họp kết thúc.
“Lần này là một viên cảnh sát chờ chúng tôi sẵn ở cửa nhà.
“Chúng tôi không được phép vào và bà Ye không được phép ra ngoài nhưng một vài giờ sau đó chúng tôi cũng đã gặp được bà.
“Họ lịch sự”, bà nói với tôi khi đứng trên vỉa hè bên ngoài một trung tâm mua sắm. “Nhưng tôi không thể rời khỏi phòng. Có hơn chục người đứng canh.”
Động lực của bà ra tranh cử là đơn giản.
“Tôi đã từng cố gắng tìm đại biểu ra tranh cử tại địa phương của tôi mà không thấy, tôi thậm chí còn không biết người họ để tên là ai nữa”, bà nói với tôi.
“Vì vậy, tôi tự nhủ là nếu tôi trở thành đại biểu, tôi có thể phục vụ cho những người ở tầng đáy của xã hội, những người thực sự cần đại biểu của họ giúp đỡ. Tôi sẽ không thể là một con rối.”
May mắn hơn người Mỹ?
Nó là tiếng gọi cao cả, tiếng gọi được công nhận bởi những người chọn để đại diện cho cộng đồng địa phương.
Nhưng ở đây, đó cũng chẳng hơn gì sự khát vọng viển vông.
“Trước hết, chúng ta cần phải có các mẫu đề cử,” bà Ye nói với tôi, “mà để nhận được các mẫu đề cử này là cực kỳ khó. Trên thực tế, giới chức cộng đồng đã cảnh báo người dân không được đề cử tôi.”
Truyền thông nhà nước đưa tin bầu cử địa phương rất ít ngoài các dữ kiện và con số khô khan.
Tuy nhiên, có một cuộc bầu cử hoàn toàn khác cách xa Trung Quốc ngàn dặm lại được bộ máy tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc quan tâm.
Các nhà báo của Trung Quốc đã được đưa tin đầy đủ, không bị hạn chế trong hệ thống dân chủ của Mỹ và đưa tin tối đa.
Họ đã đưa tin cuộc bầu cử Mỹ là một điển hình cho thấy dân chủ phương Tây là sai – sai vì sự bất mãn đối với giới chóp bu, sự cay nghiệt, chia rẽ trong chiến dịch tranh cử và những quan ngại về xu hướng thiên vị của truyền thông và ảnh hưởng từ các tập đoàn kinh doanh.
Và độc giả Trung Quốc đọc tin của báo chí Đảng Cộng sản định hướng được nhắc nhở thường xuyên rằng họ nên tự thấy rằng mình may mắn.
Chiến dịch tranh cử tại Hoa Kỳ được mô tả như là “gánh xiếc,” một “trò hề chính trị náo loạn” và là “con tàu đắm”.
Tất nhiên, một số tình cảm đó có thể hoàn toàn được phản ánh từ ngòi bút của các nhà báo phương Tây.
Dân chủ là khái niệm được công nhận, ngay cả khi những người ủng hộ dân chủ mạnh mẽ nói về những thiếu sót và điểm yếu mà nền dân chủ bị thao túng. Nhưng điều đó không nhất thiết có nghĩa là dân chủ tồi tệ hơn so với các lựa chọn thay thế khác.
Bất đồng quan điểm từ công chúng, mất đoàn kết xã hội và oán giận sôi sục đối với giai cấp cầm quyền không phải là thực trạng duy nhất xảy ra tại Hoa Kỳ hoặc Anh Quốc.
Và kiểu dùng những kẻ côn đồ và kiểm soát nặng tay là dấu hiệu cho thấy đằng sau sự thống nhất chính trị bề ngoài của nhà nước độc đảng Trung Quốc có sự bất ổn bám rễ rất sâu.
Nó khởi nguồn từ nhận thức rằng thậm chí một ứng viên độc lập có thể bị xem là một mối đe dọa cho chính tiền đề mà toàn bộ hệ thống này dựa vào.
Trung Quốc không mời truyền thông nước ngoài vào đưa tin tự do và bình luận.
Bên ngoài nhà bà Liu, những tên côn đồ thấy họ cần phải hành động. Nhóm lên tới khoảng 20-30 người túm áo và kéo chúng tôi đi tới nơi chúng tôi đỗ xe gần nhà bà.

Hillary Clinton: tôi đã ‘thất vọng’ như thế nào?

Bà Hillary Clinton bộc bạch về nỗi thất vọng của mình sau khi thất cử trước ông Donald Trump, trong lần xuất hiện đầu tiên kể từ khi bà bị thua cuộc một tuần trước đây.
Ứng viên được đề cử của đảng Dân chủ nói trong một phát biểu tại Washington DC rằng bà chưa bao giờ muốn ra khỏi nhà một lần nữa.
Bà nói với một tổ chức từ thiện dành cho trẻ em rằng cuộc bầu cử đã ám ảnh nhiều người Mỹ.
Bà Clinton thắng phiếu phổ thông nhưng bị thua cuộc tính theo kết quả về phiếu cử tri đoàn (hay đại cử tri) của Mỹ.
“Tôi phải thừa nhận rằng việc tôi đến đây tối hôm nay không phải là điều dễ dàng nhất với mình”, Hillary Clinton nói khi bà được quỹ của trẻ em vinh danh.
Tôi biết rằng trong tuần qua có rất nhiều người đã tự hỏi liệu Mỹ có còn là quốc gia như là chúng ta vẫn nghĩ. Sự chia rẽ bởi cuộc bầu cử này thật sâu sắc, nhưng xin hãy lắng nghe tôiBà Hillary Clinton
“Đã có một vài lần trong tuần qua khi tất cả những gì mà tôi muốn làm là cuộn tròn lại trong nhà, với một cuốn sách hay và không bao giờ ra khỏi nhà một lần nữa.”
‘Không bao giờ bỏ cuộc’
Nhưng bà tiếp tục: “Tôi biết nhiều bạn đang thất vọng sâu sắc về kết quả của cuộc bầu cử. Tôi cũng thế, (điều ấy) hơn cả những gì tôi có thể diễn tả.
“Tôi biết điều này là không dễ dàng. Tôi biết rằng trong tuần qua có rất nhiều người đã tự hỏi liệu Mỹ có còn là quốc gia như là chúng ta vẫn nghĩ.
“Sự chia rẽ bởi cuộc bầu cử này thật sâu sắc, nhưng xin hãy lắng nghe tôi khi tôi nói điều này.
“Nước Mỹ mới là đáng giá. Con cái chúng ta mới là đáng giá. Hãy tin tưởng ở đất nước của chúng ta, hãy chiến đấu cho các giá trị của chúng ta và không bao giờ, không bao giờ bỏ cuộc.”
Trong bài phát biểu thừa nhận thất bại của mình sau kết quả bầu cử gây sốc tuần trước, bà Clinton nói đối thủ Donald Trump cần phải được cho cơ hội để lãnh đạo.
Kể từ đó, bà đã ít xuất hiện hơn, mặc dù được phát hiện trong một lần đi bộ ra ngoài.
Trong một cuộc điện thoại bị rò rỉ tới giới truyền thông Mỹ, bà Clinton cũng đổ lỗi về việc thua cử của bà lên giám đốc Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI).
Ông James Comey đã công bố một cuộc điều tra mới, ngay trong giai đoạn cao trào của chiến dịch tranh cử ở những ngày cuối, áp sát ngày bỏ phiếu, về việc bà Clinton đã sử dụng máy chủ riêng có chứa các thư điện tử công vụ khi còn làm Ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Bà Clinton cho rằng động thái này đã làm chiến dịch tranh cử của bà bị mất đà một cách bất lợi và là một nguyên nhân khiến bà không thành công.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.