Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 17/11/2016

Thursday, November 17, 2016 6:22:00 PM // , ,

Tin Biển Đông – 17/11/2016

Ủy ban Quốc Hội Mỹ:

Trung Quốc vẫn đe dọa an ninh tại Biển Đông

Một Ủy ban thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ hôm qua, 16/11/2016, khẳng định Trung Quốc là một mối đe dọa đối với an ninh tại Biển Đông và đề nghị chính quyền Mỹ « tiếp tục thường xuyên hơn các cuộc tuần tra cùng các đồng minh và đối tác » nhằm bảo vệ tự do hàng hải tại tuyến đường giao thông huyết mạch của thế giới.
Báo cáo của Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ – Trung của Quốc Hội Mỹ (U.S. – China Economics and Security Review Commission) điểm lại các diễn biến kể từ khi Hoa Kỳ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á, khẳng định Trung Quốc liên tục có các hoạt động bồi đắp nhiều đảo nhân tạo, và xây dựng các công trình kiên cố, như sân bay, tại khu vực đang có tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia láng giềng.
Trong vòng 18 tháng, kể từ tháng 12/2013, chính quyền Trung Quốc tuyên bố đã mở rộng diện tích các đảo nhân tạo tại Biển Đông thêm 3.200 acres (tương đương gần 13 km²). Báo cáo của Ủy Ban Quốc Hội Mỹ dẫn lời giáo sư John McManus, Đại học Mianmi, theo đó, các hoạt động xây dựng đã tàn phá khoảng 40 km² san hô tại khu vực này.
Tại nhiều khu vực chiếm đóng tại Biển Đông, Trung Quốc tuyên bố lập các đặc khu (« exclusion zones »), « một qui chế hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế », và thường xuyên ngăn cản các hoạt động của tàu chiến và phi cơ Hoa Kỳ. Báo cáo của Ủy Ban Quốc Hội Mỹ cũng nhắc đến việc Trung Quốc « tổ chức nhiều cuộc tập trận tại khu vực tranh chấp, được truyền thông quảng bá rầm rộ », đặc biệt là cuộc tập trận vào tháng 6/2016.
Theo Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ – Trung của Quốc Hội Mỹ, Trung Quốc đã vi phạm nhiều cam kết DOC – Tuyên Bố về Ứng Xử của các Bên ở Biển Đông, mà Bắc Kinh và các nước ASEAN ký kết năm 2002, « yêu cầu các bên kiềm chế » trong các đòi hỏi chủ quyền tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bắc Kinh cũng đồng thời không chấp nhận phán quyết về Biển Đông mới đây của Tòa Trọng Tài Thường Trực, thuộc Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một định chế quốc tế có thẩm quyền trong lĩnh vực này.
Ủy Ban Quốc Hội Mỹ cũng nhắc lại việc « chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hứa hẹn công khai sẽ không ‘‘quân sự’’ hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát tại Biển Đông » , lời hứa được đưa ra tại Washington vào tháng 9/2015.
Mức độ Bắc Kinh can thiệp vào Hồng Kông là rất đáng báo động
Báo cáo thường niên của Ủy Ban đánh giá về Kinh Tế và An Ninh Mỹ – Trung cũng dành một phần cho việc chế độ tự trị của Hồng Kông đang bị Trung Quốc đe dọa.
Báo cáo đặc biệt chú ý đến vụ năm người bán sách bị an ninh Trung Quốc bắt giữ cách nay một năm, trong số họ có hai người nước ngoài và một người bị bắt ngay tại Hồng Kông.
Báo cáo nhấn mạnh các vụ xâm phạm nhân quyền này đe dọa nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ », mà Trung Quốc cam kết để Hồng Kông được hưởng, sau khi Anh Quốc trả thành phố này về Hoa Lục năm 1997 ; biến cố nói trên cũng làm xấu đi hình ảnh của Hồng Kông với tư cách một trung tâm tài chính toàn cầu, trung tâm tài chính mà Hoa Kỳ có nhiều quan hệ đầu tư, buôn bán.
Ủy Ban Quốc Hội Mỹ khuyến cáo bộ Ngoại Giao Mỹ tiến hành điều tra về thực trạng nhân quyền và chế độ tự trị của đặc khu Hồng Kông, và hy vọng vấn đề này tiếp tục được Quốc Hội theo dõi.
Báo cáo của Ủy ban tư vấn Quốc Hội Mỹ được công bố trong lúc lo ngại dâng cao trong xã hội Hồng Kông về nguy cơ Bắc Kinh can thiệp ngày càng sâu hơn vào đời sống của đặc khu. Phần kết luận của bản báo cáo trên so sánh nỗ lực can thiệp của Trung Quốc đe dọa nền tự trị của Hồng Kông, với « các quan hệ của Trung Quốc với Đài Loan và một số ứng xử mới đây tại Biển Đông ».
Về mảng sáng của Hồng Kông, báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc năm nhà hoạt động thuộc phong trào đòi dân chủ Ô/Dù Vàng năm 2014 đã lọt vào Nghị Viện đặc khu trong cuộc bầu cử tháng 9/2016 và sau cuộc bầu cử này, các nghị sĩ dân chủ vẫn kiểm soát được 30 trên tổng số 70 ghế tại Nghị Viện, cho phép họ ngăn chặn các mưu toan sửa đổi Luật Cơ Bản, tức Hiến pháp Hồng Kông, theo các đòi hỏi của Bắc Kinh.

Biển Đông : Nhật và Malaysia

tái khẳng định quyền tự do hàng hải

Nhân chuyến công du Nhật Bản, vào hôm qua 16/11/2016, thủ tướng Malaysia Rajib Nazak đã hội đàm với đồng nhiệm Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo. Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, thủ tướng Nhật cho biết là cả hai nước đều nhất trí trên tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông trên biển và trên không ở Biển Đông.
Về tranh chấp Biển Đông nói chung, ông Shinzo Abe xác nhận là cả Nhật Bản lẫn Malaysia đều cho rằng : « Tất cả các nước liên quan cần kiềm chế và giải quyết tranh chấp trên biển một cách hòa bình, đúng theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). »Dù không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông, Nhật Bản rất quan tâm đến khu vực, và không ngần ngại phản đối các hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng chủ yếu là do Trung Quốc tiến hành. Nhật Bản là một trong những nước hiếm hoi đã khẳng định tính chất « ràng buộc » trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông, bác bỏ yêu sách chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, Tokyo đã tích cực giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á bị Trung Quốc lẫn lướt trên Biển Đông nâng cao năng lực hoạt động trên biển.
Vào hôm qua, cùng với đồng nhiệm Malaysia, thủ tướng Nhật Bản đã chứng kiến lễ ký kết hiệp định cung cấp 2 tàu tuần duyên Nhật Bản cho Malaysia. Trước đó, Nhật Bản cũng đã cung cấp tàu tuần tra cho Indonesia, Philippines và Việt Nam nhằm giúp các nước này tăng cường năng lực bảo vệ an ninh hàng hải.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.