Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam 26-10-2016

Wednesday, October 26, 2016 8:06:00 PM // , ,

Vụ Formosa: ‘Cần điều chỉnh quy chuẩn xả thải’

Báo cáo thảm họa môi trường được nhóm Green Trees gửi cho chính phủ Việt NamImage copyrightPHAM DOAN TRANG
Image captionBáo cáo thảm họa môi trường được nhóm Green Trees gửi cho chính phủ Việt Nam
Nhóm hoạt động môi trường tên Green Trees gửi “Báo cáo toàn cảnh thảm họa” về vụ Formosa cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Việt Nam.
Nội dung bản báo cáo được nhóm này công bố, gửi đi vào ngày 25/10.
Bản báo cáo có tám chương, dài 200 trang, nói về các khía cạnh liên quan đến chính sách, cách ứng xử của chính quyền và các tổ chức xã hội sau thảm họa. Bản báo cáo cũng sử dụng một số báo cáo khoa học về biển sau thảm họa.
Trao đổi với BBC Tiếng Việt từ Hà Nội, đại diện của nhóm nói: “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi chú ý là vấn đề tiêu chuẩn của Việt Nam về chất lượng nước thải ra ngoài môi trường cho các khu công nghiệp thép. Quy chuẩn này khá yếu kém để bảo vệ môi trường.”
“Thế nên, cho dù Formosa có tuyên bố hay xác thực được họ làm đúng theo quy chuẩn môi trường Việt Nam thì vẫn có thể gây ra thảm họa cho môi trường biển, vì tiêu chuẩn đó quá thấp kém. Có vẻ như tiêu chuẩn này được đưa ra để thu hút được đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào Việt Nam,” đại diện của nhóm, người không muốn nêu tên, nói.
‘Mối quan tâm của người dân’
Khi được BBC hỏi về nội dung, vị đại diện trả lời: “Trong báo cáo, chúng tôi nhận xét rằng chính quyền đã đóng vai trò làm giảm nhẹ đi mối lo ngại trong dân về thảm họa này, nhưng không nêu bật được lên điều mà người dân quan tâm nhất.”
“Đó là ai là thủ phạm đứng đằng sau? Họ sai phạm đến mức thế nào? Và cách giải quyết thảm họa này thế nào?”
“Làm sao để không còn xả thải? Làm sao để đảm bảo môi trường biển để cả sinh sôi trở lại và đảm bảo đời sống của người ngư dân sống xung quanh? Cách tiêu hủy cá có độc thế nào? Làm sao để đảm bảo sinh kế cho người dân đến lúc môi trường biển được phục hồi?”
Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam kết luận vụ cá chết do công ty Formosa gây raImage copyrightGETTY IMAGES
Image captionBộ Tài nguyên – Môi trường Việt Nam kết luận vụ cá chết do công ty Formosa gây ra
“Kinh tế biển là chiến lược Việt Nam đưa ra phát triển lâu dài đến năm 2030-2035. Sau khi thảm họa xảy ra, gần như du lịch và kinh tế biển của miền Trung coi như bị vứt bỏ. Đó là những điều người dân quan tâm,” vị đại diện nêu hàng loạt câu hỏi mà bản báo cáo đề cập đến.
Bản báo cáo dài 200 trang do 29 thành viên, gồm các nhà hoạt động môi trường, kỹ sư công nghệ thông tin, nhà báo và nghiên cứu về môi trường, thực hiện. Danh sách những người thực hiện báo cáo cũng được gửi kèm đến Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên – môi trường.

‘Cần điều chỉnh quy chuẩn xả thải’

Tổ chức Green Trees, ban đầu tên là “Vì một Hà Nội xanh”, được nhiều người biết đến sau sự kiện bảo vệ 6.700 cây xanh bị chặt tại Hà Nội vào năm 2015.
Mục đích của báo cáo, theo nhóm này nói, “làm sao để đây là tiền đề cho Chính phủ có điều chỉnh về quy chuẩn với việc xả thải hay với việc gây hại môi trường”.
“Thứ hai là để những công ty, tập đoàn khác, họ theo hướng đấy để biết cách điều chỉnh bản thân hơn. Và đó cũng là tiền đề để cho các tòa án có các vụ xử về môi trường tại Việt Nam.”
“Điều mà Green Trees muốn kêu gọi là vấn đề về minh bạch, phải đưa ra được con số bồi thường khác sau khi xử án. Ước tính bồi thường phải dựa trên phương pháp khoa học. Bất cứ hội nhóm nào cũng không thể đưa ra một con số chính thức nếu không được tự tay vào vùng đó thanh tra, kiểm tra độc lập.
“Green Trees cũng mong muốn có các tổ chức độc lập nước ngoài được Chính phủ cho phép vào điều tra độc lập vấn đề này, để phục vụ cho quá trình điều tra và xét xử của tòa án.”
Nhận định về sự việc xảy ra nhiều cuộc biểu tình sau thảm họa cá chết, vị này nói “lòng tin của người dân không còn”.
Nhiều cuộc biểu tình diễn ra vì vụ cá chếtImage copyrightGETTY IMAGES
Image captionNhiều cuộc biểu tình diễn ra vì vụ cá chết

‘Không trông đợi Chính phủ phản hồi’

Khi BBC đặt câu hỏi về tính xác thực khoa học của các bài viết khoa học trong báo cáo, vị đại diện nhóm này thừa nhận: “Khó khăn là làm sao để xác định những bài báo khoa học là thông tin đúng. Những bài báo khoa học được đề cập, chúng tôi phải dùng cách đối chiếu lại với những dữ liệu quy chuẩn của nhà nước và các phân tích có thể kiểm tra lại bằng lý thuyết.”
Đại diện nhóm này nói họ “không chắc sẽ được phản hồi và cũng chưa bao giờ đặt mục tiêu là được Chính phủ phản hồi.”
“Nhưng chúng tôi chắc chắn là họ sẽ đọc và họ sẽ hiểu một phần nào những gì mà họ không thấy trong bản báo cáo trên bàn của họ. Đây là tiếng nói người dân. Và cho dù người dân có viết sai, hay đúng thì họ cũng hiểu người dân đang muốn gì và họ phải làm nghiêm túc thế nào. Đó là điều quan trọng nhất. “
Thảm họa môi trường cá chết xảy ra tại Việt Nam vào tháng 4/2016.
Cuối tháng 8/2016, Chính phủ kết luận công ty Formosa xả thải ra biển gây thảm họa cá chết hàng loạt ở miền Trung Việt Nam vào tháng 4/2016.
Thảm họa môi trường cá chết đã khiến nhiều người dân xuống đường biểu tình trong suốt hai tháng dài trước khi Chính phủ Việt Nam công bố nguyên nhân gây ra sự việc.
Nhiều ngư dân bốn tỉnh miền Trung không thể đánh bắt cá, hoặc phải bán cá với giá rẻ khi lên bờ do người mua lo ngại cá nhiễm độc. – BBC

Khởi tố vụ án nổ súng khiến 3 người thiệt mạng ở Dak Nong

26-10-2016
Thi thể 3 người chết được chuyển đến trạm quản lý của công ty Long Sơn.
Thi thể 3 người chết được chuyển đến trạm quản lý của công ty Long Sơn.
File photo
Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Dak Nong hôm nay phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án nổ súng khiến 3 người thiệt mạng và 16 người khác bị thương trong vụ san lấp đất đai ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức vào chủ nhật vừa qua.
Tỉnh Dak Nong cũng phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh truy nã đối với Đặng Văn Hiến về hành vi giết người. Hiện cơ quan công an đang tạm giữ 3 người là Hoàng Văn Thắng, Mai Thị Khuyên (vợ ông Hiến) và một người tên Trường có liên quan đến vụ nổ súng.
Báo Pháp luật trích lời Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh  Dak Nong, ông Nguyễn Văn Cường cho biết các đối tượng liên quan khác đã bỏ trốn khỏi địa phương. Ông không cho biết có bao nhiêu người đã bỏ trốn. Ông Cường cũng cho biết cơ quan công an đã thu giữ được 10 khẩu súng tự chế tại nhà ông Đặng Văn Hiến.
Sự việc xảy ra vào sáng chủ nhật vừa qua khi công ty Long Sơn sử dụng lực lượng và phương tiện san ủi đất, cây trồng ở khu vực nhà ông Hoàng Văn Thắng. Nhân viên san ủi đất của công ty Long Sơn đã bị người dân dùng súng tự chế chống trả khiến 3 người chết tại chỗ. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trích nguồn tin từ lãnh đạo huyện  Tuy Đức cho biết công ty Long Sơn tự ý huy động lực lượng giải tỏa mà không báo cáo với chính quyền.- RFA

Việt Nam phải trả nợ vốn vay ODA mỗi năm 1 tỷ đô la

Hình minh họa các dự án vốn ODA tại Việt Nam.
Hình minh họa các dự án vốn ODA tại Việt Nam.
File photo
Việt Nam phải trả nợ vốn vay hỗ trợ phát triển (gọi tắt là ODA) mỗi năm khoảng 1 tỷ đô la bao gồm cả gốc lẫn lãi. Đó là thông tin Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính công bố vào chiều ngày 25 tháng 10 vừa qua.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại cho biết từ năm 2005 đến 2015, tổng số vốn ODA của Việt nam đã ký kết khoảng 45 tỷ đô la được dùng chủ yếu cho các lĩnh vực cân đối tài chính vĩ mô, phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và nông nghiệp. Ông cũng cho biết Việt Nam chưa được chuyên nghiệp như các nước khác nên hàng năm vẫn phải dùng ngân sách nhà nước để trả nợ. Những năm gần đây, Việt nam đã buộc phải vay mới trả cũ để đảm bảo cân đối trả nợ.
Từ năm 2010, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình. Điều này đã khiến mức độ ưu đãi của các khoản vay cho Việt Nam đã giảm. Dự kiến đến tháng 7 năm sau, Việt Nam có thể sẽ không còn được vay theo điều kiện ODA mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay sẽ chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2 đến 3.5%. – RFA

Các nước sông Mekong cam kết sử dụng công bằng nguồn nước

Lãnh đạo các nước sông Mekong cam kết sử dụng hiệu quả công bằng bền vững nguồn nước và nguồn tài nguyên khác, cụ thể là việc sử dụng hiệu quả, công bằng và bền vững nguồn nước sông MeKong. Đó là kết quả được đưa ra trong 2 văn kiện hội nghị tại các hội nghị quốc tế vừa tổ chức ở Việt Nam trong 3 ngày qua.
Từ ngày 24 đến 26 tháng 10, Việt Nam đăng cai tổ chức một loạt ba hội nghị là Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady – Chao Phray – Mekong lần thứ 7 (ACMECS7), Hội nghị cấp cao bốn nước Campuchia – Lào – Myanmar – Việt Nam lần thứ 8 (CLMV8), và hội nghị diễn đàn Kinh tế thế giới về Mekong (WEF – Mekong).
Ông Vũ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn quan chức cấp cao Việt Nam tại ASEAN cho biết 2 văn kiện tại hội nghị và các cơ chế hợp tác khác của ASEAN khẳng định việc tăng cường hợp tác với Ủy hội Mekong Quốc tế (MRC).
Phát biểu tại buổi họp báo kết thúc hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các hội nghị đã thành công vì quy tụ được đông đảo lãnh đạo các nước tham gia. Bên cạnh đó là sự tham gia của các đối tác phát triển như UNDP, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á. Hội nghị cũng đưa ra các biện pháp cụ thể với nhiều dự án kết nối ACMECS và CLMV. – RFA

Việc chính quyền thu lại tiền cứu trợ lũ lụt đang gây bất bình

Tư liệu- Một nhóm cứu trợ thiện nguyện.
Tư liệu- Một nhóm cứu trợ thiện nguyện.
Mới đây, báo chí Việt Nam dẫn lời người dân địa phương tường thuật rằng ở xã Quảng Hải, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình chính quyền xã đã “thu lại tiền cứu trợ” mà các nạn nhân lũ lụt nhận được từ các nhà hảo tầm, sau đó chính quyền “chia đều cho các hộ”.
Việc này đã được một đại biểu quốc hội của tỉnh xác nhận với các phóng viên hôm 26/10. Có tin sau sự việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã có văn bản “yêu cầu tất cả các đơn vị trong tỉnh phải nghiêm túc trong tiếp nhận hàng cứu trợ; cơ quan chức năng sẽ điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của bất cứ đơn vị nào nếu có”. Tin cho hay, về các trường hợp đã bị thu tiền cứu trợ, “tỉnh chỉ đạo trả lại tiền theo danh sách được nhận”.
Vụ việc này đã dẫn đến sự bất bình của công chúng. Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng cách làm của xã Quảng Hải là “bất nhân”, “không minh bạch” và “lừa dối những người hảo tâm”.
Trong khi sự việc chưa lắng xuống, đã xuất hiện thông tin trên mạng xã hội về vụ việc tương tự ở một số thôn ở các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An.
Một người trong cuộc cho VOA biết thêm là một doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính ở Hà Nội đã tặng hàng ngàn suất quà trợ giúp trị giá mỗi suất hơn 2 triệu đồng tại 2 tỉnh kể trên trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, nguồn tin là một nhân viên nữ đề nghị không nêu tên cá nhân cũng như của doanh nghiệp, cho hay một số người dân đã gọi điện thoại cho đại diện doanh nghiệp vào ngày 25/10 nói trưởng thôn của họ đã thu lại các phần quà.
Đã có một số người bày tỏ trên mạng rằng việc chính quyền thôn thu lại tiền cứu trợ để chia đều có thể vì mục đích tốt nhằm mang lại sự “san sẻ”, “đồng đều” giữa người được nhận cứu trợ và người không được nhận.
Mặc dù vậy, nữ nhân viên vừa tham gia chuyến tặng quà nói với VOA rằng cách làm như vậy là không phù hợp:
“Sau khi phát quà cho đồng bào hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An thì bên đơn vị tôi được dân ở đó phản ánh lại là họ bị thu lại phần quà đấy. Cảm xúc ban đầu của tôi là rất ức chế và cảm thấy giận dữ. Tôi có nhận một số thông tin là cái việc làm của họ cũng tốt thôi. Nhưng mà tôi thấy cách làm này không phù hợp. Tôi nghĩ là nó không hợp pháp. Cách làm này nó sẽ gây phản cảm đến những người đã thực hiện các công việc tốt đẹp muốn giúp đỡ đồng bào của mình”.
Chị nói dù vì mục đích gì, việc thu lại quà “gây tổn thương” đến các nhà hảo tâm. Chị nêu ra đề xuất về cách làm khác nếu chính quyền địa phương muốn mang lại sự đồng đều cho những người thiệt thòi:
“Làm sao để toàn bộ bà con trong vùng đều được hỗ trợ thì cán bộ xã hay cán bộ thôn nên làm việc với các đơn vị xuống tài trợ về việc thôn tôi có bao nhiêu người như thế, và nếu các anh chị có thể chia nhỏ các phần quà để tất cả những người trong thôn đều nhận được món quà như vậy, thì tôi nghĩ nó sẽ ý nghĩa hơn rất nhiều, không gây hiểu nhầm, không gây phản cảm như là họ đã làm trước đó”.
Trên Facebook, một luật sư nhìn các vụ việc này với con mắt rất nghiêm khắc và cho rằng chúng có dấu hiệu về việc cưỡng đoạt tài sản. Theo vị luật sư, cần phải khởi tố vụ án vì nếu không sẽ dung túng cho hành vi của một số người nhân danh sự nhân đạo để cướp đoạt tài sản của những người cùng khổ vào lúc niềm tin trong xã hội Việt Nam đã xuống mức rất thấp. – VOA

73 nghị sĩ Quốc hội 14 nước kêu gọi thả LS. Nguyễn Văn Đài

Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 với tội danh 'tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam', theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. (Ảnh tư liệu)
Luật sư Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 với tội danh ‘tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam’, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. (Ảnh tư liệu)
73 nghị sĩ Quốc hội từ 14 quốc gia vừa gửi một lá thư ngỏ cho Thủ tướng Việt Nam yêu cầu trả tự do cho Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự của ông, bà Lê Thu Hà.
Trong lá thư đề ngày 24/10, các nghị sĩ Quốc hội của các nước nói họ “quan ngại về tình cảnh hiện nay và sức khỏe của các công dân Việt Nam Nguyễn Văn Đài và Lê Thu Hà”.
Lá thư của các nghị sĩ nhắc lại trường hợp LS. Nguyễn Văn Đài bị bắt vào ngày 16/12/2015 với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam”, theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Thư nói “Vào thời điểm bị bắt, ông Đài đang chuẩn bị có cuộc họp với các thành viên trong đoàn đại biểu của Liên hiệp châu Âu đang ở Hà Nội cho cuộc thảo luận nhân quyền hằng năm với Việt Nam”.
“Trong cùng ngày, bà Lê Thu Hà, trợ lý của ông Đài, cũng đã bị bắt tại văn phòng của ông ở Hà Nội. Nếu bị kết án, ông Đài và bà Hà có thể phải đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù giam”, thư nêu lên quan ngại.
Ngoài việc kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do “ngay lập tức và vô điều kiện” cho ông Nguyễn Văn Đài và bà Lê Thu Hà, các nghị sĩ quốc hội cũng đề nghị Việt Nam phải bảo đảm rằng điều kiện ở nơi giam giữ hai nhà hoạt động này phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm cho họ tiếp cận được những trợ giúp pháp lý cần thiết, và tôn trọng các quyền cơ bản của họ trong nhà tù, bao gồm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Đứng tên trong thư ngỏ là nghị sĩ từ Đức Marie-Luise Dott và đồng ký tên bởi hơn 70 nghị sĩ từ Mỹ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Campuchia, Chad, Indonesia, Lithuania, Nepal, Zimbabwe, cũng như đại diện của nhiều tổ chức phi chính phủ khác. – VOA


Theo aseanmp.org, vietnamhumanrightsdefenders.net

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.