Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines bị bóp méo số liệu?

Wednesday, October 26, 2016 8:13:00 PM // , ,

Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines bị bóp méo số liệu?
26/10/2016 17:28 GMT+7
TTO – Một cuộc điều tra của Reuters mới đây cho thấy các số liệu mà Tổng thống Rodrigo Duterte dùng để biện hộ cho cuộc chiến chống ma túy ở nước này đã bị phóng đại và hoàn toàn mơ hồ.
Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines bị bóp méo số liệu?
Cảnh sát Philippines trong một đợt truy quét tội phạm ma túy ở thủ đô Manila hồi đầu tháng 10 – Ảnh: Reuters
Nguồn cơn của bài điều tra xuất phát từ bài phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines vào ngày 12-10 tại thủ đô Manila. Tổng thống Duterte đã kết thúc bài phát biểu bằng một tuyên bố chắc nịch: ít nhất 2 cảnh sát thiệt mạng mỗi ngày trong cuộc chiến chống ma túy do ông phát động.
Thực tế, số liệu từ cảnh sát mà Reuters tiếp cận được đã cho thấy đó là một sự phóng đại. Bắt đầu từ ngày 1-7, thời điểm ông Duterte phát động chiến dịch chống ma túy, đến ngày 12-10, thời điểm ông đưa ra câu tuyên bố trên, tổng cộng chỉ có 13 cảnh sát thiệt mạng. Như vậy, tính trung bình cách 8 ngày mới có một cảnh sát hi sinh khi thi hành công vụ.
Có sai lệch nhưng… chẳng sao! 
Các cuộc phỏng vấn của Reuters với các quan chức chống ma túy hàng đầu trong chính quyền của ông Duterte cũng đã cho thấy các số liệu như tổng số người dùng ma túy, số người nghiện cần chăm sóc, các loại ma túy đang được sử dụng và tỉ lệ phạm tội liên quan tới ma túy từng được công bố đều đã bị phóng đại, hoặc còn mơ hồ, thậm chí bị bịa đặt.
Thế nhưng, cũng chính các quan chức này lại nhấn mạnh, những vấn đề về số liệu như vậy không là “vấn đề nghiêm trọng”. Chiến dịch do Tổng thống Duterte phát động là nhắm vào cả hệ thống, đó là một cuộc chiến đã bị bỏ quên trong nhiều năm ở Philippines.
“Tôi không nghĩ sự sai lệch đó là một vấn đề”, ông Wilkins Villanueva – Giám đốc cơ quan chống ma túy Manila (PDEA) – cho biết và nhấn mạnh miễn sao nó giúp người ta nhận thức sự nghiêm trọng của vấn đề là được.
“Hồi trước, khi chúng tôi chống tội phạm ma túy, đó là một cuộc chiến đơn độc, nhưng bây giờ mọi người đang giúp chúng tôi, cả xã hội đang hỗ trợ chúng tôi”, ông Villanueva nhận định.
Số liệu chính thức được cảnh sát Philippines công bố cho thấy kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức, tổng cộng đã có 2.300 người thiệt mạng trong cuộc chiến chống ma túy. Con số này vừa được điều chỉnh trong tháng 10 và có phần giảm so với số lượng kiểm đếm ban đầu là 3.600 người.
Trước đó, ngày 25-7, trong Thông điệp Quốc gia, Tổng thống Duterte tuyên bố Philippines có tổng cộng hơn 3,7 triệu “con nghiện ma túy”.
“Con số này thật sự đáng sợ và kinh ngạc. Tôi phải xử chúng – những thành phần đang phá hoại đất nước của chúng ta”, nhà lãnh đạo 71 tuổi nhấn mạnh.
Thế nhưng, số liệu thực tế do một ủy ban đặc trách về nghiên cứu và đề xuất chính sách chống ma túy (DDB) của Văn phòng Tổng thống Philippines công bố năm 2015 cho thấy thực tế khác. Chỉ có 1,8 triệu người Philippines sử dụng ma túy, chưa bằng một nửa con số mà ông Duterte đưa ra.
Nhưng đó chỉ là những người “sử dụng”, số “con nghiện” như ông Duterte nói lại là một vấn đề khác. Điều tra của DDB cho thấy 1/3 trong tổng số 1,8 triệu người chỉ sử dụng ma túy duy nhất một lần trong 13 tháng. Khoảng 860.000 người sử dụng shabu – một loại ma túy gây nghiện loại mạnh, số còn lại sử dụng cần sa.
Một ví dụ khác là con số 75% tội phạm ở Philippines có liên quan tới ma túy. Các quan chức được Reuters liên hệ thừa nhận, họ không thể đào đâu ra dữ liệu để chứng minh cho tỉ lệ mà ông Duterte đưa ra.
Cuộc chiến chống ma túy ở Philippines bị bóp méo số liệu?
Giờ ăn trưa tại một trại giam tập trung người nghiện của cảnh sát ở Manila. Tình trạng quá tải trong các nhà tù Philippines trở nên tồi tệ hơn từ khi chiến dịch chống ma túy được tiến hành triệt để – Ảnh: Reuters
Cảnh sát bị áp lực quá lớn
Một sĩ quan cảnh sát cấp cao giấu tên của Philippines thừa nhận rằng các con số và cách phát ngôn của Tổng thống Duterte về cuộc chiến chống ma túy đã tạo áp lực rất lớn lên các quan chức chính phủ và lực lượng thực thi pháp luật.
“Vấn đề nằm ở chỗ mỗi lần Tổng thống phát biểu một điều gì đó, nó giống như sắp trở thành một chính sách và chúng tôi bắt buộc phải tuân theo điều đó”, người này nhìn nhận.
Điển hình như việc thống kê số người sử dụng và bán ma túy ra trình diện. Thực tế trong 3 tháng vừa qua con số này chỉ ở mức hơn 700.000 người. Điều này có phần ít hơn nhiều so với con số 1,8 triệu người do DDB đưa ra và khiến chính quyền hoài nghi.
Chúng tôi cảm thấy thật sự khó khăn. Cho dù có thêm mắm thêm muối cũng không đủ con số 1,8 triệu
Một sĩ quan cảnh sát cấp cao giấu tên của Philippines
Giám đốc Villanueva của PDEA Manila tỏ ra lạc quan và nhấn mạnh chẳng có áp lực gì từ các số liệu đó cả. Ngược lại, nó còn khá hữu ích khi khiến các nhân viên công vụ làm việc chăm chỉ hơn nữa để giải quyết triệt để vấn đề.
Thế nhưng, ông Villanueva cũng thừa nhận những số liệu đó có vấn đề.
“Tôi nghĩ ông ấy (Tổng thống Duterte) có cách thống kê số liệu của riêng mình, bên cạnh cuộc điều tra của DDB, nhưng chắc đó không phải là một cách khoa học cho lắm”, ông Villanueva khéo léo giải thích.
Một số chuyên gia nước ngoài nhận định, về lâu dài các số liệu phi thực tế như vậy sẽ chẳng giúp được gì cả.
Các báo cáo và những tuyên bố của lãnh đạo Philippines cũng phân biệt được sự khác nhau giữa những người sử dụng shabu và cần sa. Nhà chức trách Philippines gộp luôn những người này vào diện “sử dụng ma túy” chung chung.
Ông Robert Ali, Giám đốc một trung tâm nghiên cứu về phương pháp cai nghiện rượu và ma túy thuộc Đại học Adelaide (Mỹ), khẳng định shabu có nguy cơ gây nghiện cao hơn và tác động tới thể chất, tâm lý mạnh mẽ hơn.
“Việc sử dụng ma túy tràn lan là có thật ở Philippines, nhưng việc đưa ra các số liệu mơ hồ sẽ gây khó cho việc phân bổ các nguồn lực giải quyết vấn đề một cách hợp lý”, ông Ali bình luận.
Trong khi đó, bà Joanne Csete thuộc Đại học Columbia (Mỹ) cho rằng khái niệm “người sử dụng ma túy gần đây” của DDB có vấn đề. Thuật ngữ này dùng để chỉ những người đã sử dụng ma túy trong 1 tháng trước đó, nhưng DDB lại tính luôn bất cứ ai đã đụng tới ma túy trong 13 tháng nên khiến số liệu tăng vọt. – Tuổi Trẻ
DUY LINH

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.