Tin Việt Nam – 01/10/2016
Viễn cảnh Formosa đóng cửa hoàn toàn có thể xảy ra
Trong khi nhiều người khiếu kiện Formosa ở Việt Nam muốn công ty Formosa phải đóng cửa nhà máy thép ở tỉnh Hà Tĩnh và rút khỏi Việt Nam, viễn cảnh công ty này đóng cửa hoàn toàn có thể xảy ra.
Thậm chí việc Formosa đóng cửa đang xảy ra ở Đài Loan. Formosa Chemicals & Fiber Corp, một đơn vị của tập đoàn Formosa Plastic Group, hôm 30 tháng 9 cho hay sẽ đóng cửa cơ xưởng ở miền Trung Đài Loan bắt đầu từ tuần tới, bởi vì chính quyền địa phương từ chối gia hạn giấy phép cho thiết bị tạo năng lượng của cơ xưởng này.
Theo Phó Chủ Tịch Hong Fu-yuan, Formosa Chemicals đã nộp đơn xin gia hạn giấy phép cho thiết bị của nhà máy điện, tuy nhiên chính quyền huyện Chương Hóa một mực đòi công ty xin giấy phép mới, bởi vì số lượng than đá và hơi nước sử dụng trong tiến trình sản xuất đã thay đổi sau nhiều thập kỷ. Cơ xưởng này chủ yếu sản xuất chất liệu liên quan đến sợi, như Rayon Staple và Nylon.
Ông Hong cho biết Formosa Chemicals đang đối diện với một cuộc khủng hoảng lớn. Công ty đã ngưng gửi chất liệu thô dùng trong chế biến sản phẩm kể từ hôm 30 tháng 9. Ông Hong cũng cho biết thêm là đơn xin gia hạn giấy phép đã bị chính quyền huyện bác bỏ 37 lần.
Nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh, Việt Nam cũng tự thay đổi công nghệ luyện cốc, dù chưa chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam từ trung ương cho đến địa phương đều tỏ dấu hiệu sẽ không gây khó dễ gì về vấn đề giấy phép cho Formosa Hà Tĩnh.
Huy Lam / SBTN
Formosa bị kiện, nhà cầm quyền CSVN
vội vã ứng trước hơn 130 triệu Mỹ kim
Sau khi hàng trăm người dân Nghệ An thực hiện chuyến đi lịch sử đến thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện công ty Formosa, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hôm 30 tháng 9 vội vàng loan báo sẽ ứng trước 3 ngàn tỷ đồng (hơn 133 triệu Mỹ kim) cho 4 tỉnh miền Trung.
Truyền thông trong nước cho hay, Phó Thủ Tướng CSVN Trương Hòa Bình trong ngày Thứ Sáu loan báo việc ứng trước số tiền vừa kể cho chính quyền 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại vì thảm họa môi trường biển do Formosa gây ra. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế sẽ dùng số tiền này để tạm thời phân phát cho những ngư dân được hưởng chính sách bồi thường, trong bối cảnh các tỉnh dường như vẫn chưa hoàn tất được việc khai báo thiệt hại.
Trước đó, Thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc ban hành các định mức bồi thường thiệt hại cho 7 nhóm người, bao gồm khai thác, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối, hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ du lịch – thương mại ven biển và thu mua – tạm trữ thủy sản. Nguồn kinh phí bồi thường được lấy từ khoản tiền 500 triệu Mỹ kim do công ty Formosa chi trả, và ngư dân bị thiệt hại sẽ được bồi thường tối đa 6 tháng mà thôi. Điều này đang gây lo ngại cho nhiều ngư dân miền Trung, trong tình hình thị trường hải sản vẫn đóng băng và môi trường biển được cho là cần thêm nhiều năm để phục hồi.
Huy Lam / SBTN
Luật sư muốn bảo vệ nhà báo bị hành hung
Một luật sư Hà Nội cho BBC biết ông đang chờ báo Tuổi Trẻ phản hồi về đề nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo bị công an hành hung.
Vụ ông Quang Thế, phóng viên của báo Tuổi Trẻ đang gây tranh luận sau khi có kết luận điều tra của Công an Thành phố Hà Nội nói công an cấp huyện không hành hung mà chỉ ‘đá nhưng không trúng vào người’ và bị ‘gạt tay vào má’ phóng viên này.
Ông Thế bị phạt 14,4 triệu đồng vì vi phạm hành chính 6 lỗi trong vụ này.
Người phát ngôn Công an Thành phố Hà Nội cho biết Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội sẽ tổ chức họp báo thông tin chính thức vụ việc hôm 4/10, theo báo VTC News.
Hôm 1/10, BBC liên hệ một phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ qua điện thoại nhưng ông không bắt máy.
Cùng ngày, trả lời BBC từ Hà Nội, luật sư Trần Thu Nam, Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và Cộng sự, nói: “Tôi đã công khai ngỏ lời đề nghị bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Nhà báo Quang Thế trong việc: khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Công an quận Tây Hồ,”
“Quan điểm của tôi là việc xử lý và phạt hành chính đối với phóng viên trong vụ này là không thỏa đáng.”
Thật sự thì tôi mong báo Tuổi Trẻ và phóng viên Thế đi tới cùng vụ việc này nhưng vẫn tôn trọng quyền tự quyết của họ.Luật sư Trần Thu Nam
“Kết luận của Công an Hà Nội đối với vụ việc xảy ra trên Cầu Nhật Tân có nội dung chưa đúng sự thật, xâm phạm đến quyền lợi và danh dự của ông Thế và các nhà báo khác.”
‘E ngại’
“Nếu báo Tuổi Trẻ và phóng viên Thế muốn luật sư giúp thì họ trực tiếp tiến hành các thủ tục hoặc ủy quyền cho luật sư.”
“Còn nếu họ không phản hồi thì tôi có muốn giúp cũng không được.”
Luật sư cũng nói thêm: “Đến nay, chưa có thông tin nào cho thấy báo Tuổi Trẻ và phóng viên Thế quyết định sẽ khiếu nại hay khởi kiện.”
“Có thể là phía tờ báo đang còn cân nhắc, không muốn va chạm với lực lượng công an hoặc bản thân phóng viên cũng e ngại về hệ lụy bị thu hồi thẻ nhà báo mất quyền hành nghề sau này.”
“Thường thì trong những vụ việc như thế này, các bên sẽ giải quyết kín với nhau, hãn hữu mới để xảy ra căng thẳng.”
“Nhưng cũng có thể tờ báo chọn cách không khởi kiện mà dùng ngôn luận để xã hội tự đánh giá vụ việc và lên án kẻ hành hung”
“Đó cũng là một cách hay và khôn ngoan.”
“Thật sự thì tôi mong báo Tuổi Trẻ và phóng viên Thế đi tới cùng vụ việc này nhưng vẫn tôn trọng quyền tự quyết của họ.”
“Nhà báo là lực lượng tiên phong trong việc thực hiện quyền tự do ngôn luận, phản ánh những tồn tại của xã hội. Vì thế họ cần được bảo vệ đặc biệt, tránh cho họ nguy cơ bị hành hung khi đi tác nghiệp”, ông nói với BBC.
0 comments