Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới – 01/10/2016

Saturday, October 1, 2016 6:26:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 01/10/2016

Quan hệ Mỹ-Philippines vẫn bền,

nhưng “đáng lo ngại khi TT Phi tự ví với Hitler”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhận định những phát biểu của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte, tự ví mình với lãnh tụ Đức Quốc xã Adolf Hitler là “vô cùng đáng quan ngại”.
Nói chuyện với các nhà báo ở Hawaii sau cuộc họp với các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, ông Carter nói những phát biểu gần đây của Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte và những hành động bên trong nước này không được mang ra thảo luận trong cuộc gặp hôm thứ Sáu, cho nên ông chỉ nói lên quan điểm cá nhân của ông.
Hôm thứ Sáu, ông Duterte mang ông ra so sánh với lãnh tụ Đức Quốc xã, nói rằng “Hitler đã tàn sát 3 triệu người Do thái. Ở nước tôi có 3 triệu người nghiện ma tuý. Tôi sẽ vui vẻ tàn sát họ.”
Từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào cuối tháng 6 cho tới nay, cảnh sát Philippines và những người tình nguyện, tự cho mình có trách nhiệm thực thi pháp luật, đã giết chết ít nhất 3000 người vì đã sử dụng hay bán ma tuý.
Phát biểu của ông đã bị các tổ chức Do thái ở Mỹ lên án là “không thích hợp” và “có tính cách xúc phạm”.
Người phát ngôn của ông Duterte hôm nay đã bác bỏ mối liên kết với Hitler. Ông giải thích: “Chúng tôi không muốn xem thường những sự mất mát to lớn gây ra bởi cái chết của 6 triệu người Do thái trong cuộc Đại diệt chủng… Tổng thống Duterte nhắc tới vụ tàn sát này như một cách phản ứng gián tiếp việc ông bị miêu tả như một kẻ giết người hàng loạt, một kẻ như Hitler, là một cái nhãn mà ông bác bỏ.”
Trong một diễn biến khác, ông Carter hôm thứ Năm nói quan hệ quân sự giữa Mỹ và Philippines vẫn “bền chặt”, bất chấp tuyên bố của Tổng thống Philippines mới đây rằng các lực lượng đặc biệt của Mỹ trú đóng tại các căn cứ ở Philippines nên rút ra khỏi nơi này.
Bộ trưởng Carter nói ông đã có những cuộc trao đổi tích cực với Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lornzana về các hoạt động hỗn hợp. Ông nói đó là đề tài mà Mỹ sẽ tiếp tục bàn luận với chính phủ Philippines.
Cuộc họp quy tụ các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN ở Hawaii trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu vừa rồi đánh dấu lần đầu tiên ông Carter nói chuyện với người đồng cấp bên phía Philippines sau khi Tổng thống Duterte nói nước ông sẽ theo đuổi “một chính sách đối ngoại độc lập”, và nói thêm rằng “chừng nào mà chúng ta còn về phe Mỹ, chúng ta sẽ không bao giờ có hoà bình.”
Nhưng lời phát biểu đó của ông Duterte đã lập tức bị Bộ trưởng Quốc phòng Philippines lật ngược, theo ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Nói với VOA, ông Poling nói “Rõ ràng là các quan chức quân sự Philippines không đồng tình với Tổng thống Duterte.”
Các giới chức Mỹ nói với VOA rằng cho tới nay, vẫn chưa có bất cứ động thái nào để rút các lực lượng Mỹ ra khỏi các căn cứ ở miền Nam Philippines.
Ông Carter nói liên minh “Mỹ-Philippines” là một liên minh giữa “hai nước độc lập và mạnh mẽ” mà sự trường tồn “tuỳ thuộc vào việc cả hai quốc gia còn tiếp tục chia sẻ những quyền lợi chung.”
Một quan chức quốc phòng cấp cao nói quan hệ Mỹ-Philippines đã tồn tại bất chấp những thăng trầm trong hơn 60 năm qua.
Chính phủ Mỹ và Philippines đã lên kế hoạch để thực hiện một cuộc tập trận chung vào đầu tháng 10, nhưng các giới chức quốc phòng nói họ không mấy chắc chắn về việc liệu sẽ có thêm các cuộc diễn tập khác nữa trong tương lai hay không.

Mỹ điều tra vụ không kích gây tử vong ở Somalia

Quân đội Mỹ sẽ điều tra những báo cáo mâu thuẫn lẫn nhau về một vụ không kích của Mỹ đã gây nhiều thương vong tại Somalia, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.
Trong một cuộc họp báo ở Hawaii, ông Carter nói: “Trong trường hợp này, cũng như trong tất cả mọi trường hợp khác khi mà những nghi vấn được nêu lên về những hậu quả của các cuộc không kích do Mỹ thực hiện, chúng tôi sẽ điều tra cho ra manh mối.”
Ông Carter nói rằng Hoa Kỳ chưa điều tra tường tận vụ không kích đó, nhưng sẽ chia sẻ kết quả một khi đã hoàn tất điều tra.
Ông nói thêm rằng không có một quân đội nào quyết tâm theo đuổi “các nguyên tắc về cởi mở và minh bạch, và quy trách nhiệm cho những người nào vi phạm”, hơn là quân đội Mỹ.
Ông nói điều đó cũng có nghĩa là phải “thừa nhận những lỗi lầm đã phạm trong quá khứ, và người Mỹ sẽ duy trì, thẳng thắn tự quy trách nhiệm cho chính mình về những hành động sai trái đã làm”.
Chính phủ Somalia đòi Hoa Kỳ phải giải thích về vụ không kích này mà các giới chức Somalia nói đã giết chết 13 thành viên của các lực lượng chính phủ địa phương ở Gamudug, một tiểu bang thuộc liên bang Somalia.

Mỹ truy tố nghi phạm nổ súng trường tiểu học South Carolina

Một thiếu niên tại tiểu bang South Carolina bị tình nghi giết cha và bắn bị thương hai nam học sinh cùng một giáo viên tại một trường tiểu học Mỹ ngày 30/9 bị truy tố về tội giết người và cố ý giết người, theo một tờ báo địa phương.
Tờ Anderson Independent-Mail cho biết thiếu niên 14 tuổi chưa được nhà cầm quyền tiết lộ danh tính, sẽ tiếp tục bị câu lưu ít nhất là 48 giờ đồng hồ nữa sau khi đã ra trước một thẩm phán tiểu bang trong một phiên tòa kín hôm 30/9.
Buổi trình diện hôm nay chưa xét tới vấn đề liệu thiếu niên này có bị xét xử như người lớn hay không. Chưa thể liên lạc ngay với các giới chức tòa án để yêu cầu bình luận.
Cảnh sát cho biết thiếu niên này bị bắt hôm 28/9 sau khi tông xe vào một hàng rào bao quanh Trường Tiểu học Townville, rồi sau đó bắn bị thương hai học sinh và một giáo viên.
Theo nhà chức trách, trước đó nghi can đã bắn chết cha ruột là ông Jeffrey Osborne, 47 tuổi, khi ông đang xem truyền hình tại nhà riêng cách trường học khoảng 3 kilômét.
Đây là vụ nổ súng nơi học đường mới nhất làm dấy lên những cuộc tranh luận về sở hữu súng tại Mỹ. Nhiều trường học đã tăng cường an ninh kể từ năm 2012 sau khi một tay súng bắn chết 20 học sinh và 6 giáo viên tại Trường Tiểu học Sandy Hook ở New-town, Connecticut.

Ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Hàn có thể đang đóng tàu ngầm

Bắc Hàn có thể đang đóng tàu ngầm được thiết kế để có thể phóng tên lửa, theo một trang mạng của Mỹ chuyên giám sát chương trình phát triển vũ khí của Bắc Hàn.
Trang mạng 38North đã tải lên những ảnh vệ tinh thương mại nói rằng những hình ảnh này có những dấu hiệu cho thấy chương trình đóng tàu ngầm đang được xúc tiến, tuy nhiên không thể xác nhận có thấy tàu ngầm.
Nếu hình ảnh vệ tinh vệ tinh là chính xác, thì chiếc tàu ngầm đó sẽ lớn hơn nhiều so với tàu ngầm mà Bình Nhưỡng đã sử dụng trước đây để phóng đi một tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Những quan tâm của quốc tế về chương trình hải quân của Bắc Hàn đã gia tăng sau khi Bắc Hàn phóng thử một phi đạn đạn đạo từ một tàu ngầm hồi tháng trước.
Tên lửa này, được phóng đi từ một địa điểm gần thành phố Sinpo hồi tháng 8 vừa rồi, đã bay khoảng 500 km trước khi rơi xuống vùng biển bên trong khu nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản.

TQ: ưu tiên chống lại ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma

Tân bí thư Tây Tạng vừa được Trung Quốc bổ nhiệm, Ngô Ánh Khiết, ngày 30/9 tuyên bố chống lại ảnh hưởng của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng là ưu tiên cấp khu vực cao nhất của Bắc Kinh.
‘Trước tiên, chúng ta phải tăng cường cuộc đấu tranh chống lại bè lũ Đạt Lai Lạt Ma, đưa lên làm ưu tiên cao nhất trong việc thực hiện chính sách về sắc tộc và nhiệm vụ lâu dài về tăng cường đoàn kết dân tộc,’ Reuters dẫn lời ông Ngô.
Các quan chức Bắc Kinh xem các công tác liên quan đến sắc tộc, chẳng hạn như nâng cao trình độ thông thạo tiếng phổ thông giữa các dân tộc thiểu số và trong các cấp học, là chìa khóa đảm bảo đoàn kết quốc gia và tạo ra các cơ hội kinh tế, nhưng nhiều người Tây Tạng xem đây chẳng qua là các biện pháp đồng hóa văn hóa.
Bản tin của Reuters cũng cho biết là ông Ngô còn cam kết tiêu trừ những gì ông gọi là các phần tử ly khai và các hoạt động phản động của các tu sĩ địa phương.
Tại Dharamsala, Ấn Độ, các giới chức đại diện cho chính phủ lưu vong Tây Tạng cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược chính sách nội địa tiếp tục thất bại.
‘Trung Quốc chỉ có thể kiểm soát thể xác của người Tây Tạng chứ không bao giờ có thể kiểm soát được tinh thần của người dân Tây Tạng’, phát ngôn viên của chính phủ lưu vong Tây Tạng, Sonam Dhakpo, nói với đài VOA.

Mỹ phản đối phát biểu của Tổng thống Philippines

Hoa Kỳ nói phát biểu ‘gây quan ngại’ của Tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte, ví mình như thủ lĩnh phát xít Adolf Hitler là một ‘bước rời xa đáng kể’ đối với giá trị cốt lõi về phẩm giá con người mà Washington và Manila cùng chia sẻ.
Ông Duterte tuyên bố sẽ ‘vui lòng’ giết 3 triệu người sử dụng ma túy và tội phạm ma túy như một cách để ‘kết thúc vấn đề’.
‘Ngôn từ rất quan trọng, đặc biệt là lời lẽ xuất phát từ lãnh đạo các quốc gia có chủ quyền,’ phó phát ngôn viên Mark Toner của Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 30/9, đồng thời cho biết Washington ‘hết sức quan ngại’ trước các báo cáo về các vụ giết người không thông qua xét xử tại Philippines.
Ông Toner nói đối tác của Mỹ với Philippines ‘lâu dài và được dựa trên nền tảng chung của các giá trị mà đôi bên chia sẻ bao gồm niềm tin chung về nhân quyền và nhân phẩm con người.’
Ông Duterte đã yêu cầu Thượng viện cho mở rộng cuộc chiến chống ma túy, trước đó khẳng định các cuộc điều tra nhân quyền sẽ không ngăn ông tiếp tục bài trừ các con nghiện.
‘Hitler tàn sát ba triệu người Do Thái. Giờ đây có ba triệu người nghiện ma túy … Tôi sẽ vui lòng triệt hạ họ,’ ông Duterte phát biểu từ Davao City sau chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Ông cho biết những người chỉ trích đã miêu tả ông là ‘họ hàng’ với thủ lĩnh Đức Quốc xã và nói thêm rằng nếu Đức có Hitler, thì Philippines có ông.
‘Qúy vị biết nạn nhân của tôi là ai. Tất cả họ là tội phạm và tôi muốn kết thúc tệ nạn của đất nước tôi và ngăn không để cho các thế hệ sau bị diệt vong,’ ông nhấn mạnh.
Trong bài phát biểu, Duterte cũng nói thêm rằng Hoa Kỳ và Châu Âu muốn gọi ông thế nào thì gọi, nhưng ông sẽ không bao giờ ‘đạo đức giả như quý vị’, ngụ ý nhắc tới các nước quay lưng lại với người tị nạn Syria.
‘Qúy vị đóng cửa. Giờ là mùa đông. Có những di dân chạy thoát từ Trung Đông. Qúy vị để cho họ kiệt quệ và rồi lo lắng quan tâm đến cái chết của 1, 2, hoặc 3 ngàn người hay sao?’ ông Duterte chất vấn.
Ông Duterte lên nhậm chức hôm 30/6 sau khi chiến thắng cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 5. Ông đã tuyên bố sẽ chấm dứt tham nhũng và ma túy tại đất nước có dân số 100 triệu người.
Tin nói kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền tới nay đã có hơn 3.000 người bị hạ sát bởi cảnh sát và dân phòng vì các cáo buộc sử dụng hay buôn bán ma túy.

LHQ: Mỹ không kích

làm 15 thường dân Afghanistan thiệt mạng

Liên Hiệp Quốc cho biết ít nhất 15 thường dân đã thiệt mạng hôm thứ Tư trong một vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ ở Afghanistan.
13 người khác bị thương trong vụ tấn công. Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tại Afghanistan yêu cầu mở một cuộc điều tra độc lập về vụ việc.
Theo thông cáo của Phái bộ, tất cả 15 thường dân thiệt mạng đều là nam giới, bao gồm học sinh, giáo viên, và thành viên trong những gia đình được xem là “ủng hộ chính phủ.”
Quân đội Mỹ xác nhận rằng cuộc không kích đánh trúng một mục tiêu ở huyện Achin thuộc tỉnh Nangarhar và cho biết mục tiêu của cuộc tấn công là những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo. Phía Mỹ cho hay họ đang thu thập thông tin về những báo cáo cho hay có thường dân thương vong.
Lực lượng Mỹ cho biết trong một thông cáo: “Chúng tôi tận dụng mọi biện pháp khả dĩ để tránh thương vong trong những hoạt động này, và sẽ tiếp tục làm việc với nhà chức trách Afghanistan để xác định xem có lý do để điều tra thêm hay không.”
Cuộc không kích mới nhất của Mỹ diễn ra giữa lúc những trưởng lão bộ tộc và những quan chức mới đây cảnh báo rằng những chiến binh IS đã trở về và giành lại quyền kiểm soát một số cứ địa cũ của họ ở khu vực này sau khi rút vào ẩn náu trong vùng núi khi đối mặt với những hoạt động an ninh lớn của Afghanistan kéo dài suốt mấy tuần.

Pakistan ‘bác bỏ’ tuyên bố tấn công xuyên biên giới của Ấn Độ

Pakistan hôm thứ Sáu “hoàn toàn bác bỏ” tuyên bố của Ấn Độ nói rằng họ đã đưa quân qua biên giới tranh chấp ở vùng Kashmir để hạ sát những người bị tình nghi là những kẻ chủ chiến, trong khi Ấn Độ sơ tán những ngôi làng gần biên giới giữa lúc có những lo ngại về một sự leo thang quân sự.
Trong một thông báo công khai hiếm hoi về một vụ đột kích như vậy, Ấn Độ cho biết họ đã thực hiện “những cuộc tấn công nhắm mục tiêu chính xác” hôm thứ Năm, gửi lực lượng đặc nhiệm tới tiêu diệt những người đàn ông toan lẻn vào lãnh thổ Ấn Độ và tấn công những thành phố lớn của nước này.
Giới chức Ấn Độ cho biết quân đội đã giết chết hàng chục kẻ chủ chiến và binh sĩ của họ đã trở về căn cứ an toàn trước bình minh, nhưng từ chối cung cấp thêm bằng chứng về hoạt động này.
Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif khẳng định Ấn Độ đã vô cớ nổ súng từ phía biên giới được quân sự hóa dày đặc của mình trong vùng Kashmir có tranh chấp, điểm nóng cho hai trong ba cuộc chiến tranh giữa hai nước láng giềng đều sở hữu vũ khí hạt nhân. Hai binh sĩ Pakistan thiệt mạng trong cuộc tấn công này.
“Nội các cùng với Thủ tướng bác bỏ hoàn toàn tuyên bố của Ấn Độ thực hiện ‘những cuộc tấn công nhắm mục tiêu chính xác,’” văn phòng của ông Sharif cho biết trong một thông cáo được đưa ra sau một cuộc họp nội các vào ngày thứ Sáu.
Thông cáo nói thêm rằng Pakistan sẵn sàng “đối phó với bất kỳ hành động gây hấn nào của Ấn Độ,” nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Pakistan đã bắt giữ một binh sĩ Ấn Độ vào hôm thứ Năm ở phía biên giới của mình, nhưng Ấn Độ nói vụ việc này không liên quan đến cuộc đột kích vì binh sĩ này vô tình đi lạc qua biên giới.
Áp lực trong nước đã đè nặng lên Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phải trả đũa sau khi 19 binh sĩ Ấn thiệt mạng trong một cuộc tấn công ngày 18 tháng 9 nhắm vào một căn cứ quân sự của Ấn Độ ở vùng Kashmir. Ấn Độ đã quy cho những kẻ xâm nhập đến từ lãnh thổ Pakistan về cuộc tấn công này.
Ấn Độ cũng đã phát động một chiến dịch ngoại giao nhằm tìm cách cô lập Pakistan. Quyết định của Ấn Độ hôm thứ Ba tẩy chay một hội nghị thượng đỉnh quy tụ các nhà lãnh đạo Nam Á vào tháng 11 tại Islamabad cũng bị Afghanistan, Bangladesh và Bhutan hưởng ứng. Những nước này cho biết họ cũng “không thể” tham dự.
Sri Lanka hôm thứ Sáu nói rằng hòa bình và an ninh là thiết yếu cho hợp tác khu vực, nhưng không nói sẽ rút khỏi hội n

Mỹ sẽ ‘mài dao quân sự’ ở châu Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố Hoa Kỳ sẽ ‘mài dao quân sự’ ở châu Á-Thái Bình Dương để duy trì là một cường quốc chủ đạo trong khu vực đang cảm nhận ảnh hưởng từ sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc.
Phát biểu của ông Ash Carter được đưa ra trong bài diễn văn hôm 29/9 trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tại cảng San Diego.
Bộ trưởng Carter mô tả giai đoạn kế tiếp của chính sách xoay trục về châu Á_tái cân bằng các cam kết an ninh của Mỹ sau nhiều năm quá chú trọng đến Trung Đông.
Bài diễn văn nhằm trấn an những đồng minh đang lo lắng trước các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông được đưa ra 3 ngày sau khi ông Carter phát biểu tại một căn cứ phi đạn hạt nhân ở North Dakota về việc gây dựng lại lực lượng hạt nhân.
Diễn văn của Bộ trưởng Quốc phòng Carter nhằm lót đường cho cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN, bao gồm Việt Nam, tại Hawaii ngày 30/9.
Mỹ đang tìm cách dùng ASEAN như một diễn đàn để phát triển thêm các đối tác an ninh giữa những quan ngại về các hoạt động củng cố quân sự của Trung Quốc.
Hồi tháng 4, ông Carter từng tuyên bố đang điều động những nhân sự giỏi nhất và các nền tảng tốt nhất hướng về châu Á-Thái Bình Dương bằng cách tăng số quân nhân Mỹ trong khu vực và chuyển tới đây các hệ thống võ khí hiện đại.
Tổng thống Philippines dẫn đầu một phái đoàn doanh nghiệp sang thăm Trung Quốc từ ngày 19/10 đến ngày 21/10, theo các nguồn tin thương mại và ngoại giao.
Quyết định mang theo giới lãnh đạo doanh nghiệp trong chuyến công du lần này cho thấy ông Rodrigo Duterte đang thực hiện cam kết ‘hòa bình’ với Trung Quốc và hàn gắn những rạn nứt kể từ khi Manila kiện bản đồ lưỡi bò của Bắc Kinh ra tòa trọng tài quốc tế.
Nhiều nguồn thạo tin cho Reuters biết khoảng hai chục doanh gia Philippines sẽ tháp tùng ông Duterte trong chuyến đi sắp tới.
Một nguồn tin ngoại giao cho hay ông Duterte sẽ họp với cả Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc trong chuyến thăm này. Chưa rõ phái đoàn doanh nghiệp Philippines sẽ gặp gỡ những ai và thảo luận những gì tại Trung Quốc.
Chuyến đi cũng cho thấy ông Duterte muốn làm mới lại chính sách ngoại giao lâu nay liên kết với Mỹ và các đồng minh sau những tuyên bố của nhà lãnh đạo Philippines rằng Nga và Trung Quốc sẽ là những đối tác thương mại của Manila trong thời gian tới.

Nga điều động thêm máy bay chiến đấu tới Syria

Nga điều động thêm máy bay chiến đấu đến Syria để tăng cường chiến dịch không kích, theo tin một nhật báo Nga ngày 30/9, giữa lúc Moscow bất chấp những chỉ trích của quốc tế về hành động leo thang mà các nước phương Tây gọi là phá hoại các hoạt động ngoại giao.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel gọi việc Nga và Syria oanh tạc thành phố Aleppo là “dã man”, theo loan báo của Tòa Bạch Ốc sau cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo.
Giao tranh leo thang trong một tuần biến thành một cuộc tấn công mới của chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn để chiếm toàn bộ các thành phố lớn nhất Syria và dẹp tan cứ địa còn lại của phe nổi dậy trong thành phố.
Moscow và đồng minh, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đã phá vỡ cuộc ngưng bắn thỏa thuận trong tháng này để mở cuộc tấn công được xem là lớn nhất và mang tính quyết định nhất trong cuộc nội chiến 6 năm ở Syria.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov ngày 30/9 tuyên bố Moscow sẵn sàng cứu xét thêm các phương cách để bình thường hóa tình hình tại Aleppo.
Tuy nhiên trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, ông Lavrov chỉ trích Washington đã thất bại trong việc tách rời những nhóm nổi dậy ôn hòa ra khỏi những tổ chức mà Nga gọi là khủng bố, khiến lực lượng do mặt trận Nusra lãnh đạo vi phạm lệnh ngưng bắn mà Moscow và Washington dàn xếp.
Các nước phương Tây cáo buộc Nga phạm tội ác chiến tranh vì cho rằng Nga mấy ngày gần đây cố ý nhắm vào thường dân, các bệnh viện và các hoạt động phân phối hàng cứu trợ để tiêu diệt ý chí của 250.000 người bị kẹt trong khu vực do phe nổi dậy kiểm soát ở thành phố Aleppo.
Trong khi đó, Nga và chính phủ Syria nói họ chỉ nhắm mục tiêu các phần tử hiếu chiến mà thôi.

Nga-Hà Lan tranh cãi căng thẳng vụ MH17

Nga ngày 3/10 sắp tới sẽ triệu đại sứ Hà Lan tại Moscow để giải thích lý do vì sao Nga không chấp nhận những phát hiện từ cuộc điều tra vụ máy bay MH17 của Malaysia lâm nạn, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga hôm 30/9.
Một toán điều tra quốc tế ngày 28/9 trưng ra kết quả điều tra cho thấy bệ phóng phi đạn dùng để bắn hạ chiếc MH17 ở miền Đông Ukraine hồi năm 2014 xuất xứ từ Nga và sau đó đã được đưa trở lại Nga mặc dù Nga khẳng định không dính líu gì tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Bộ Ngoại giao Hà Lan đã triệu đại sứ Nga ở La Haye để phản đối ngoại giao hôm 30/9 sau khi Moscow đưa ra những lời lẽ chỉ trích cuộc điều tra tai nạn MH17.
Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày dẫn lời phát ngôn nhân Maria Zakharova cho biết Moscow sẽ giải thích những lý do khiến Nga không chấp nhận các phương pháp của cuộc điều tra quốc tế khiến cuộc điều tra ‘lệch hướng.’

WHO: phải di tản bệnh nhân ra khỏi Aleppo

Lisa Schlein
GENEVA —
Tổ chức Y tế Thế giới WHO kêu gọi phải di tản tức thì hàng trăm bệnh nhân ra khỏi khu vực Aleppo của Syria. WHO ước tính trong hàng trăm thường dân thiệt mạng và bị thương 2 tuần qua, trẻ em chiếm một phần ba.
Miền đông Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát đã bị các lực lượng chính phủ Syria và Nga oanh kích không ngừng trong 2 tuần qua. Ông Rick Brennan, giám đốc phụ trách khâu nhân đạo khẩn cấp của WHO cho biết các vụ tấn công đã gây nên những thiệt hại nặng nề.
Ông nói:
“Tình hình thực sự không đo lường được. Theo các giới chức y tế tại đây, trong vài tuần qua đã có 338 người thiệt mạng vì các cuộc không kích, trong đó có 106 trẻ em. 846 người khác bị thương và hầu như một phần ba, tức 261 trường hợp là trẻ em.”
Ông Brennan cho biết thuốc men gần cạn kiệt trong khi những cơ sở y tế bị thiệt hại nặng và không thể chữa trị cho bệnh nhân trúng thương. Ông nói còn chưa tới 30 bác sĩ ở lại thành phố bị chiến tranh tàn phá này để chữa trị cho dân số hơn 270.000 người.
Vẫn theo ông, điều kiện càng tệ hại hơn sau khi 2 trong số 8 bệnh viện còn lại ở Aleppo bị tấn công có chủ ý, khiến chỉ còn 6 bệnh viện hoạt động được một phần. Ông cũng lưu ý tới các qui định trong Công ước Geneva cấm tấn công vào các cơ sở và nhân viên y tế, những hành động có thể dẫn tới tội ác chiến tranh.
Ông Brennan nói làm việc trong lãnh vực cứu trợ nhân đạo suốt 23 năm, nhưng chưa thấy tình hình nào nghiêm trọng như tại Aleppo:
“Trẻ em và thường dân được chữa trị tại hành lang bệnh viện. Không đủ giường bệnh cho các bệnh nhân cần phải chăm sóc đặc biệt. Trong vòng vài ngày qua đã có 4 trẻ em thiệt mạng, theo lời các nhân viên y tế có mặt tại chỗ, vì…nơi chăm sóc đặc biệt của một trong các bệnh viện này đã đầy bệnh nhân.’
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi các bên tham chiến cho phép di tản khẩn cấp những người bệnh và bị thương ra khỏi các vùng giao tranh, trong đó có phía đông Aleppo, và để cho thuốc men, vật dụng y khoa, xăng dầu và những vật phẩm cần thiết khác vào thành phố. WHO cũng kêu gọi ngưng ngay tức khắc các cuộc tấn công nhắm vào nhân viên y tế, các cơ sở và các phẩm vật tiếp tế.

Pháp hối thúc điều tra cáo buộc Sudan dùng vũ khí hoá học

Pháp hôm thứ Sáu cho biết họ muốn thấy một cuộc điều tra quốc tế để xác định xem liệu lực lượng chính phủ Sudan có sử dụng vũ khí hóa học ở Darfur hay không, sau khi những lời tố cáo này được đưa ra trong một phúc trình của Ân xá Quốc tế.
Tổ chức nhân quyền này hôm thứ Năm nói rằng kể từ tháng 1 năm nay, chính phủ Sudan đã thực hiện ít nhất 30 vụ tấn công có thể bằng vũ khí hóa học trong khu vực Jebel Marra thuộc vùng Darfur, và có thể đã sử dụng một chất gây phồng rộp, theo kết luận của hai chuyên gia.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Pháp Romain Nadal mô tả phúc trình của Hội Ân xá Quốc tế là “đáng lo ngại,” ông nói phúc trình đã đưa ra những cáo buộc rất nghiêm trọng cần phải được điều tra.
“Chúng tôi nghĩ rằng báo cáo này lên nghi vấn cho cộng đồng quốc tế và vì vậy những cơ quan có liên quan cần điều tra thấu đáo và xem xét mức độ nghiêm trọng của những tuyên bố này để xác lập sự thực,” ông nói với báo giới.
Ân xá Quốc tế ước tính có tới 250 người có thể đã chết vì tiếp xúc với những chất hóa học này.
Đại sứ Sudan tại Liên Hiệp Quốc Omer Dahab Fadl Mohamed hôm thứ Năm nói trong một tuyên bố rằng báo cáo của Ân xá Quốc tế là “hoàn toàn vô căn cứ” và phủ nhận Sudan sở hữu bất kỳ loại vũ khí hóa học nào.
Phát ngôn viên Nadal cho biết Paris muốn Tổ chức Cấm vũ khí hóa học điều tra kỹ lưỡng cũng như muốn Phái bộ Liên Hiệp Quốc-Liên minh châu Phi tại Darfur làm sáng tỏ về sự kiện này.
Ân xá Quốc tế cho biết các cuộc tấn công gần đây nhất xảy ra vào ngày 9 tháng 9. Cuộc điều tra của họ dựa trên những hình ảnh vệ tinh, hơn 200 cuộc phỏng vấn và phân tích hình ảnh của những chuyên gia cho thấy các trường hợp bị chấn thương.

Syria: Aleppo bị không kích và bom thùng

Thành phố bị chia cắt Aleppo của Syria trải qua thêm một buổi sáng bị các cuộc không kích ác liệt vào ngày thứ Bảy, 01/10.
Tin cho hay bom thùng đánh trúng một bệnh viện vốn đã bị đánh bom từ trước trong tuần này.
Không lực Nga và Syria đã tấn công phần đông của thành phố nằm trong tay quân nổi dậy, gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế trong lúc con số tử vong thường dân tăng vọt.
Các lực lượng của chính phủ đã bắt đầu một cuộc tấn công trên mặt đất nhắm vào quân nổ dậy hơn một tuần trước đây khi một thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ.
Mỹ nói Nga đang đẩy quân nổi dậy ôn hòa vào tay của các chiến binh thánh chiến.
Aleppo, một thời là trung tâm thương mại và công nghiệp của Syria, đã gần như bị chia đôi kể từ năm 2012.
Liên Hiệp Quốc nói ít nhất 400 thường dân, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng bên trong thành phố trong tuần này do kết quả của các cuộc tấn công bởi các lực lượng của Nga và chính phủ Syria.
Tin cho hay pháo kích của phía quân nổi dậy cũng đã gây ra thương vong dân sự ở mạn đông.
Đánh bom bệnh viện
Họ đang bắn phá nặng nề thành phố cổ sau khi một nỗ lực tấn chiếm trên bộ đã thất bại. Họ đã bị mất nhiều binh sỹ còn chúng tôi vẫn rất kiên địnhAbu Hamam nói với Reuters
Một phát ngôn viên của tổ chức phi chính phủ, Hội y khoa Mỹ ở Syria, nói với hãng tin AFP hai bom thùng ném ra từ trực thăng đã đánh trúng một bệnh viện mà tổ chức này đang giúp đỡ.
“Cũng có tin bom chùm đã được sử dụng,” người phát ngôn Adham Sahloul nói.
Bệnh viện M10 được cho là đã bị ngừng hoạt động sau khi bị tấn công dồn dập vào thứ Tư, nhưng một nguồn tin cho hay bệnh nhân vẫn đang được điều trị ở đó vào ngày thứ Bảy.
Quân đội Syria nói đã chiếm được mặt đất nhưng quân nổi dậy bác bỏ điều này.
“Họ đang bắn phá nặng nề thành phố cổ sau khi một nỗ lực tấn chiếm trên bộ đã thất bại,” Abu Hamam, từ nhóm Failaq al-Sham, được hãng tin Reuters dẫn lời nói.
“Họ đã bị mất nhiều binh sỹ còn chúng tôi vẫn rất kiên định.”
Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria, một nhóm giám sát đối lập có trụ sở tại Anh, cũng đưa tin diễn ra các cuộc tấn công bằng bom thùng và phi cơ phản lực của quân Chính phủ nhắm vào khu vực Ghouta nằm bên ngoài Damascus vào ngày thứ Bảy.
Khẩu chiến Nga – Mỹ
Trong lúc đó, Washington và Moscow vẫn tiếp tục chỉ trích lẫn nhau về Syria.
Mỹ bác bỏ cáo buộc của Nga nói rằng Mỹ bảo vệ một nhóm thánh chiến trong nỗ lực để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Mỹ đã không giữ lời hứa chia tách nhóm Jabhat Fateh al-Sham (từng biết dưới tên gọi mặt trận al-Nusra) khá mạnh, cũng như tách các nhóm quá khích khác ra khỏi các nhóm ‘phiến quân’ ôn hòa hơn.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner nói các cáo buộc Nga là “vô lý”.
Ông nói với các phóng viên rằng Mỹ đã không nhắm mục tiêu vào al-Nusra trong nhiều tháng vì họ “xen kẽ” với các nhóm chiến binh và thường dân khác.
Mặc dù nhiều lần hứa hẹn và cam kết lặp đi lặp lại… họ vẫn không thể hoặc không sẵn sàng để làm điều nàyNgoại trưởng Nga Sergei Lavrov
Mỹ nói họ có thể sẽ hợp tác với Nga về hành động của mình ở Syria.
Ông Lavrov đưa ra lời bình luận nói rằng Mỹ đã không giữ lời hứa trong một cuộc phỏng vấn với Stephen Sackur trên kênh truyền hình BBC World News vào ngày đánh dấu lần đầu tiên Nga khởi sự chiến dịch không quân của nước này tại Syria.
“Họ [Mỹ] đã cam kết long trọng là có nghĩa vụ như một ưu tiên tách đối lập khỏi nhóm Nusra,” ông nói.
“Mặc dù nhiều lần hứa hẹn và cam kết lặp đi lặp lại… họ vẫn không thể hoặc không sẵn sàng để làm điều này.”
Ít nhất 250.000 người đã thiệt mạng ở Syria kể từ khi xung đột nổ ra từ tháng 3/2011 với tổ chức Quan sát nhân quyền Syria ước tính con số thực có thể lên tới khoảng 430.000 người.
Hơn 4,8 triệu người đã phải bỏ chạy ra nước ngoài và khoảng 6,5 triệu người khác phải dời nơi sinh sống ở trong đất nước, theo Liên Hiệp Quốc.

Seoul kêu gọi dân Bắc Hàn vượt biên

Tổng thống Nam Hàn trong một bài diễn văn hiếm hoi đã trực tiếp thúc giục người Bắc Hàn hãy đào tẩu, vượt qua biên giới.
Bà Park Geun-hye nói bà nhận thức được “những thực tế khủng khiếp” mà người dân Bắc Hàn phải đối diện hàng ngày.
“Chúng tôi sẽ mở đường để các bạn đi tìm hy vọng và sống một cuộc sống mới,” bà nói. “Hãy đến với tự do ở miền Nam.”
Những nhận xét của bà được đưa ra sau vụ một quân nhân Bắc Hàn vượt qua Khu Phi quân sự (DMZ) được canh phòng cẩn mật để sang Nam Hàn.
“Những giá trị phổ quát của tự do, dân chủ, nhân quyền và phúc lợi là những quyền quý giá mà các bạn cũng phải được hưởng,” bà nói trong bài diễn văn kỷ niệm ngày các lực lượng có vũ trang Nam Hàn.
Bà cũng ra lời cảnh báo với Bình Nhưỡng về các vụ thử hạt nhân của Bắc Hàn, và nói miền Nam sẽ tự vệ.
Các hãng truyền thông ở miền Bắc đều do nhà nước kiểm soát, và hiện chưa rõ liệu lời mời của bà Park có đến được với đa số dân Bắc Hàn hay không.
Đường biên giới được tuần tra nghiêm ngặt giữa Bắc và Nam Hàn đã được xác định kể từ khi kết thúc Cuộc chiến Triều Tiên, 1953, cho tới nay.
Khu DMZ có bề rộng 4km, trải dài khắp dọc biên giới, được gài mìn, dây kẽm gai, và được hàng ngàn binh lính ở cả hai bên tuần tra liên tục.
Việc đào tẩu qua DMZ là điều rất hiếm khi xảy ra. Vụ việc hôm thứ Năm là vụ vượt biên qua DMZ đầu tiên kể từ hơn một năm qua.
Một vụ tương tự đã xảy ra hồi 2015, khi một thiếu niên Bắc Hàn tự ra trình diện với lính Nam Hàn tại đường biên.
Trước đó, vụ đào tẩu cuối cùng qua DMZ là hồi 2012, khi một người lính miền Bắc tự nộp mạng sau khi vượt qua được các camera theo dõi và các hàng rào điện tử, là vụ việc đã khiến Nam Hàn phải xem lại hoạt động an ninh tại đây.
Seoul nói hơn 29 ngàn người Bắc Hàn đã đào tẩu sang Nam Hàn kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt tới nay, chủ yếu là qua ngả Trung Quốc.
Họ được chính phủ Nam Hàn giúp đỡ hòa nhập, tuy nhiên một số người vẫn phàn nàn về khó khăn tài chính và về việc bị phân biệt đối xử.

Mỹ sẵn sàng hiện đại hóa

tên lửa đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa

Mỹ đã sẵn sàng đầu tư hàng trăm tỉ đô la để hiện đại hóa 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Tuy nhiên, một số người coi những tên lửa này là những tàn tích vô giá trị còn sót lại từ thời chiến tranh lạnh.
Hôm thứ Hai 26/09/16, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter đã giải thích quyết định này khi tới Minot, Bắc Dakota, một trong ba căn cứ có bố trí tên lửa 400 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa Minuteman III.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố : « Bây giờ, chúng ta bắt đầu khắc phục những thập kỷ không chú trọng đầu tư vào lực lượng răn đe hạt nhân ». Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã nhắc lại là Hoa Kỳ cũng sẽ đầu tư vào các tàu ngầm bắn tên lửa mới vào những tháng tới đây, cũng như hiện đại hóa bom nguyên tử B-61, hoặc chế tạo tên lửa đạn đạo mới.
Cho dù trong một bài diễn văn nổi tiếng ở Praha, tổng thống Barack Obama đã khẳng định duy trì mục tiêu một thế giới không vũ khí hạt nhân, nhưng ông Carter giải thích là nước Mỹ không muốn giảm sức mạnh phòng vệ hạt nhân, do các « kẻ thù tiềm tàng » của nước Mỹ vẫn tiếp tục đầu tư phát triển vũ khí hạt nhân. Ông Carter nhấn mạnh : « Chúng ta đã không chế tạo gì mới từ 25 năm nay, nhưng các nước khác đã làm, trong đó có Nga, Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và kể cả Iran trong một thời gian nhất định ».
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo : « Matxcơva đặc biệt làm Lầu Năm Góc lo ngại về việc giương oai diễu võ bằng vũ khí hạt nhân. Có thể là nhà chức trách Nga hiện giờ không còn khả năng kềm chế tốt như các nhà lãnh đạo của Liên Xô cũ. »
Sau khi sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, tổng thống Nga Vladimir Putin đã công khai tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong các chiến dịch.
Chi phí tăng cao
Theo các chuyên gia, chi phí để hiện đại hóa toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ trong những thập niên tới sẽ lên tới cả ngàn tỉ đô la. Một chi phí cao tới mức Mỹ không để cáng đáng được, trong khi Mỹ cũng đang phải đầu tư một khoản tiền khổng lồ để hiện đại hóa các loại vũ khí quy ước. Chính vì thế, Mỹ sẽ phải lựa chọn và từ bỏ một số thành phần trong lực lượng răn đe hạt nhân, chẳng hạn các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Tuần trước, ông Adam Smith, đại diện đảng Dân Chủ đã giải thích « đơn giản là chúng ta không thể chi trả cho việc chế tạo một loại tên lửa Minuteman III mới ». Ông đã nhấn mạnh là trong ba thành phần răn đe hạt nhân thì lực lượng răn đe hạt nhân trên bộ là ít hữu ích nhất.
Ông Adam Smith đánh giá là Trung Quốc, một cường quốc quân sự mới nổi, cho dù có ít vũ khí hạt nhân hơn Mỹ nhưng rất tự hào về khả năng răn đe hạt nhân của họ.
Nhưng Không quân Mỹ, lực lượng chịu trách nhiệm về tên lửa Minuteman III thì khẳng định việc sở hữu tên lửa xuyên lục địa mới là rất quan trọng, vì ngày càng khó tìm được các linh kiện thay thế cho các tên lửa cũ mà các phiên bản đầu tiên được chế tạo từ tận những năm 1960. Giờ đây, nhiều nhà cung cấp cũ không còn tồn tại. Có tin đồn là thậm chí Không quân Hoa Kỳ đã phải tìm mua các linh kiện thay thế này trên trang mạng Ebay hoặc các trang internet khác.
Tinh thần xuống thấp
Sự cũ kỹ của các trang thiết bị không phải vấn đề duy nhất mà lực lượng răn đe hạt nhân trên bộ phải đối diện.
Trong những năm qua, Không quân Hoa Kỳ đã phải dùng nhiều biện pháp mạnh mẽ để vực dậy tinh thần cho những sĩ quan công tác tại các căn cứ tên lửa chiến lược. Họ cảm thấy công việc nhàm chán và không còn tự hào như sau khi kết thúc Thế Chiến II. Hàng trăm quân nhân của các đơn vị này đã bị bắt quả tang khi gian lận trong các bài kiểm tra đánh giá, nhiều quân nhân còn dùng ma túy.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ tuyên bố : “Tôi biết tại sao các vị lại có cảm giác là dân chúng không còn nghĩ nhiều tới nhiệm vụ của các vị nữa, nhưng các vị có thể tự hào về những việc các vị làm hàng ngày cho đất nước». Ông Carter đã nói tới việc áp dụng các biện pháp để cải thiện điều kiện sinh hoạt của những người làm việc tại các căn cứ tên lửa, chẳng hạn như thêm các loại tiền thưởng, bố trí các khu thể thao phục vụ 24/24 giờ.
Tên lửa Minuteman III được bố trí tại 3 căn cứ tại Mỹ, đó là căn cứ Minot ở Bắc Dakota, Mulmstrom ở Montana và Warren ở Wyoming.

THAAD : Báo chí Trung Quốc dọa Mỹ-Hàn phải “trả giá”

Triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD sẽ dẫn đến một cuộc “phản công” không tránh khỏi. Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ phải “trả giá” cho quyết định này. Báo chí Trung Quốc hôm nay, 01/10/2016, đã phản ứng mạnh mẽ như trên.
Theo Reuters, trong một bài bình luận, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản, khẳng định, Trung Quốc không thay đổi lập trường: đó là phản đối việc lắp đặt hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, vì hành động này đe dọa nghiêm trọng đến tương quan an ninh chiến lược trong toàn khu vực.
Bài bình luận do một tác giả có bút danh là Chung Thanh (Zhong Sheng), thường đưa ra các quan điểm về chính sách đối ngoại, ghi rằng, “cũng như bất cứ quốc gia nào, Trung Quốc không thể không biết và thờ ơ về các vấn đề an ninh có ảnh hưởng đến lợi ích cốt lõi của nước này”.
Tác giả cho rằng Hoa Kỳ và Hàn Quốc nên tỉnh táo trước một thực tế là bán đảo Triều Tiên không phải là nơi để phiêu lưu. “Nếu Hoa Kỳ và Hàn Quốc gây tổn hại đến lợi ích an ninh chiến lược của các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Trung Quốc, họ buộc phải trả giá cho điều đó và xứng đáng bị trả đũa”.
Tháng 7/2016, Washington và Seoul đã đồng ý triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD để đối phó với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Dự án này đã khiến Bắc Kinh tức giận, do lo ngại rằng hệ thống THAAD có thể đe dọa an ninh Trung Quốc và đồng thời không giúp hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo.
Bắc Triều Tiên đang đóng tầu ngầm mới?
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy dường như Bắc Triều Tiên đang đóng một tầu ngầm tên lửa đạn đạo mới và lớn hơn.
AFP trích dẫn phân tích của các chuyên gia Mỹ, thuộc viện Mỹ – Triều Tiên, đại học Johns Hopkins công bố trên trang mạng 38 vĩ tuyến Bắc, cho rằng “các hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy rõ là một chương trình đóng tàu hải quân đang diễn ra tại xưởng đóng tầu Sinpo South Shipyard ở Bắc Triều Tiên” và “nếu quả thực các hoạt động tại đây là nhằm đóng một chiếc tầu ngầm, thì dường như chiếc tầu mới này có vẻ rộng hơn chiếc tầu ngầm phóng thử tên lửa đạn đạo lớp GORAE, có bề ngang rộng chừng 7 mét ”.
Giới chuyên gia cho rằng tuy Bình Nhưỡng đã có những tiến bộ trong việc phát triển chương trình tên lửa phóng đi từ tầu ngầm nhanh hơn với dự kiến ban đầu, nhưng nước này vẫn phải mất nhiều năm để triển khai.
Thế nhưng, nếu Bắc Triều Tiên chế tạo và thử nghiệm thành công hệ thống tên lửa được phóng đi từ tầu ngầm, thì mối đe dọa tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ càng gia tăng, vì có thể triển khai các loại vũ khí nguyên tử ở xa bán đảo Triều Tiên, và có khả năng “đáp trả” trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công nhắm vào các khu căn cứ quân sự của Bắc Triều Tiên.

Bầu cử tổng thống Mỹ : FBI lo ngại tin tặc gây rối

Liệu tin tặc có thể tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 08/11/2016 hay không ? Câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều tháng qua, và từ hôm qua, 30/09/2016, thì trở nên thực sự đáng lo ngại.
Bởi vì cơ quan phụ trách an ninh quốc nội Mỹ cho biết là hệ thống tin học của hơn 20 tiểu bang Mỹ là đối tượng tấn công của tin tặc. Trên nguyên tắc, tin tặc không thể tác động đến việc bỏ phiếu, do quy trình này không kết nối với mạng internet, nhưng nếu danh sách cử tri được quản lý qua các hệ thông tin học bị xáo trộn, thao túng thì sao ?
Từ Washington, thông tín viên Grégoire Pourtier gửi về bài tường trình :
« Đã từ lâu, người ta biết là các tiểu bang Arizona và Illinois là đối tượng tấn công của tin tặc và trong tuần qua, lãnh đạo Cục điều tra liên bang FBI đã công khai bày tỏ mối lo ngại này.
Thế nhưng tình hình dường như còn tồi tệ hơn người ta tưởng : Thực vậy, trong những tháng qua, có hơn 20 tiểu bang, tức là gần một nửa tổng số tiểu bang của nước Mỹ, đã bị tin tắc nhắm tới.
Các quan chức Mỹ xin ẩn danh đã khẳng định thông tin này, nhưng không cho biết rõ nguồn gốc và động cơ của các vụ tin tặc tấn công. Các động thái đầy nghi ngờ trong hệ thống tin học này dường như là những cú thăm dò, nhằm trắc nghiệm khả năng bảo đảm an ninh mạng của hệ thống tổ chức bầu cử.
Trong trường hợp ở tiểu bang Arizona và Illinois, cũng như vụ tấn công nhắm vào đảng Dân Chủ của bà Hillary Clinton, các quan chức Mỹ đã tố cáo thủ phạm là các tin tặc người Nga.
Vậy liệu chính phủ Nga có đứng đằng sau các vụ tấn công này hay không ? Và nếu đúng như vậy, thì phải chăng các hành động này sẽ có lợi cho ứng viên Donald Trump ?
Ứng viên tổng thống của đảng Cộng Hòa đã nhiều lần tố cáo là cuộc bầu cử có thể bị thao túng bởi giới lãnh đạo chính trị Hoa Kỳ. Duy trì những căng thẳng và làm gia tăng những nghi ngờ về tính hợp lệ của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ : đó là mục tiêu đầu tiên của tin tặc ».

Quốc Khánh Trung Quốc tại Hồng Kông

bị nhiều dân biểu phản đối

Hôm nay 01/10/2016, tại buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh Trung Quốc tại Hồng Kông, trong lúc người đứng đầu đặc khu hành chính Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) đọc diễn văn, bảy dân biểu đối lập đã lớn tiếng phản đối.
Trước xu hướng đòi độc lập với Bắc Kinh gia tăng, lãnh đạo Hồng Kông Lương Chấn Anh muốn nhân dịp lễ kỷ niệm 67 năm Quốc khánh Trung Quốc để cổ vũ cho hệ thống « một quốc gia, hai chế độ » hiện hành, mà ông cho là « có lợi nhất và tiện nhất » cho dân Hồng Kông. Thế nhưng đối lập dân chủ cũng sử dụng cơ hội này để bày tỏ thái độ phản đối.
Theo báo South China Morning Post, bảy dân biểu đảng Dân Chủ Hồng Kông đã hô vang khẩu hiểu « Lương Chấn Anh từ chức » trong vòng khoảng một phút, trước khi bị nhân viên an ninh đưa ra ngoài. Ở bên ngoài hội trường, bảy dân biểu – trong đó có ba nghị sĩ đắc cử lần đầu trong cuộc bầu cử đầu tháng 9 – trả lời báo giới. Dân biểu Đồ Cẩn Thân (James To Kun-sun) cho biết ông nhận lời mời tham dự dịp kỷ niệm chính là để thể hiện thái độ, và rõ ràng là các khách mời đã biết được quan điểm của đối lập.
Một nguồn tin khác cho hay, ít nhất 21 chính trị gia dân chủ đã tẩy chay lời mời dự Quốc khánh Trung Quốc của lãnh đạo đặc khu, đồng thời biểu tình bên ngoài để phản đối. Trả lời RFA, dân biểu Thiệu Gia Trăn (Shiu Ka-chun) tuyên bố ông không tham dự lễ kỉ niệm vì những gì diễn ra tại làng chài Ô Khảm (Wukan), Quảng Đông, nơi những người dân đòi quyền lợi chính đáng của mình đã bị chính quyền đàn áp.
Trong khi đó, ông Anthony Wong, phó chủ tịch đảng Liên Đoàn Dân Chủ Xã Hội, có một đại diện tại Nghị viện, khẳng định ngày 1/10 « không phải là ngày Quốc khánh, mà đó là một thảm kịch quốc gia », bởi đảng Cộng sản hứa hẹn vì nhân dân, nhưng khi lên nắm quyền, mọi quyền căn bản trong hiến pháp bị chà đạp, những người đấu tranh cho nhân quyền bị đàn áp, và các quyền tự do của Hồng Kông bị xâm hại ghê gớm kể từ năm 1997 đến nay.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.